VỤ thị trưỜng châu phi, TÂY Á, nam á BẢN TIN thị trưỜng châu phi, TÂY Á nam á Số 4 Tháng 10/2015



tải về 111.04 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu01.01.2018
Kích111.04 Kb.
#35231

BỘ CÔNG THƯƠNG

VỤ THỊ TRƯỜNG CHÂU PHI, TÂY Á, NAM Á


BẢN TIN THỊ TRƯỜNG CHÂU PHI, TÂY Á NAM Á

Số 4 - Tháng 10/2015

MỤC LỤC

I. TÌNH HÌNH KINH TẾ KHU VỰC

1. Ngoại thương An-giê-ri 08 tháng đầu năm 2015

2. UAE sẽ tiếp tục với chiến lược dài hạn nhằm đa dạng hóa nền kinh tế

II. CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH THƯƠNG MẠI

1. Hệ thống giải quyết tranh chấp thương mại online của Phòng Thương mại và Công nghiệp Dubai

2. Một số điều chỉnh chính sách quản lý nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ

3. Liberia gia hạn hoãn thu thuế nhập khẩu gạo để kiềm chế giá gạo leo thang


III. TRAO ĐỔI THƯƠNG MẠI GIỮA VIỆT NAM VÀ CÁC NƯỚC TRONG KHU VỰC

1. Xuất khẩu sang các thị trường khu vực 8 tháng đầu năm 2015

2. Nhập khẩu từ các thị trường khu vực 8 tháng đầu năm 2015

IV. HOẠT ĐỘNG XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI, SỰ KIỆN, HỘI CHỢ TRIỂN LÃM

1. Đoàn nghiên cứu chính sách, xúc tiến thương mại tại Kenya và Ethiopia

2. Mời tham gia đoàn công tác tại Nam Phi và Ma-rốc

3. Một số Hội chợ, triển lãm sắp diễn ra trong thời gian tới

V. CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

1. Doanh nghiệp Ai Cập có nhu cầu nhập khẩu nông sản

2. Công ty An-giê-ri có nhu cầu mua bán và hợp tác sản xuất thuốc chữa bệnh và mỹ phẩm

3. Công ty Nam Phi có nhu cầu nhập khẩu cát thạch anh (Silica sand)

I. TÌNH HÌNH KINH TẾ KHU VỰC

1. Ngoại thương An-giê-ri 08 tháng đầu năm 2015

Theo thống kê của Hải quan Algeria, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của nước này trong 08 tháng đầu năm 2015 chỉ đạt 61,78 tỷ USD, so với 83,06 tỷ USD cùng kỳ 2014, giảm 25,62%.

Xuất khẩu 08 tháng đầu năm 2015 của Algeria đạt gần 26,36 tỷ USD, so với 43,69 tỷ USD của cùng kỳ năm 2014, như vậy giảm 39,67%, nguyên nhân chủ yếu do giảm kim ngạch xuất khẩu dầu khí.

Dầu khí tiếp tục là hàng xuất khẩu chủ đạo của Algeria (chiếm 94,51% tổng khối lượng xuất khẩu Algeria), đạt trị giá gần 24,91 tỷ USD, giảm 41,10% so với mức 42,29 tỷ USD của cùng giai đoạn năm 2014.

Xuất khẩu các mặt hàng khác (ngoài dầu khí) vẫn còn thấp, chiếm 5,5% tổng khối lượng xuất khẩu, đạt giá trị 1,45 tỷ USD. Về nhập khẩu, kim ngạch đạt 35,42 tỷ USD trong 08 tháng, so với 39,37 tỷ USD cùng kỳ 2014, như vậy giảm 10,02%.

Algeria nhập khẩu các mặt hàng bán thành phẩm (trị giá đạt 8,04 tỷ USD, giảm 7,66%), thực phẩm (6,41 tỷ USD, giảm 17,94 %), thiết bị công nghiệp (11,84 tỷ USD, giảm 3,80%), hàng tiêu dùng phi lương thực (5,94 tỷ USD, giảm 15,14%), năng lượng (1,64 tỷ USD, giảm 8,45%) và sản phẩm thô (1,07 tỷ USD, giảm 19,32%). Riêng kim ngạch nhập khẩu thiết bị nông nghiệp tăng 14%, đạt trị giá 470 triệu USD.

5 nhà cung cấp hàng lớn nhất của Algeria là Trung Quốc (673 triệu USD), Pháp (495 triệu USD), Italia (384 triệu USD), Tây Ban Nha (338 triệu USD) và Đức (281 triệu USD). Từ năm 2013, Trung Quốc là nước cung cấp hàng lớn nhất của Algeria, thay Pháp, nước đã giữ vị trí này trong nhiều năm.

2. UAE sẽ tiếp tục với chiến lược dài hạn nhằm đa dạng hóa nền kinh tế

Theo Phó Tổng Thống kiêm Thủ Tướng UAE và Quốc vương của Dubai – Ông Skaikh Mohammad Bin Rashid Al Maktoum cho biết sự suy giảm giá dầu đã có những tác động tích cực tới nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế, và lĩnh vực phi dầu lửa đã có sự tăng trưởng rõ rệt trong Quý I năm 2015.Như vậy, UAE sẽ tuân thủ chiến lược dài hạn nhằm đa dạng hóa nền kinh tế quốc dân, khi các lĩnh vực kinh tế phi dầu lửa đã đạt được những tăng trưởng mạnh mẽ 8,1% GDP tính theo giá hiện hành và đóng góp tới 68,6% GDP thực tế (tính theo giá cố định) trong năm 2014.

Chính phủ UAE sẽ đưa ra tất cả những kế hoạch cần thiết để phần đóng góp vào GDP của kinh tế phi dầu lửa tăng lên 80% trong 2021 thông qua đầu tư chuyên sâu các lĩnh vực công nghiệp và du lịch, vận tải hàng không và biển, nhập khẩu và tái xuất, cũng như hỗ trợ các dự án, sáng kiến trên nền tảng kinh tế tri thức. Ngoài ra, UAE cũng sẽ phát triển các lĩnh vực mới, chẳng hạn như kinh tế khu vực Hồi Giáo, và đầu tư vào cải tiến công nghệ, phát triển về chất và các lĩnh vực khác nhằm củng cố nền kinh tế theo hướng đa dạng hóa hướng tới năm 2021.

Kể từ khi đảm nhận vai trò Thủ tướng năm 2006 đến nay, những kế hoạch chiến lược mà Ông Skaikh Al Maktoum đã khởi xướng đã đạt được nhiều thành công như tổng sản phẩm quốc nội đã tăng từ 360 tỷ USD của 2006 lên 685 tỷ USD năm 2014. Tổng số lao động người bản địa tại thị trường lao động trong nước đạt 275.000 người năm 2014, và đang hướng tới con số 460.000 người năm 2021”. Sản lượng công nghiệp đạt 124 tỷ USD trong năm 2014 tăng mạnh so với 63 tỷ USD của 2006, sản lượng trong lĩnh vực xây dựng cũng tăng trưởng.

Năm 2014, UAE đã tiếp tục chính sách thu hút tài năng, phấn đấu là nước dẫn đầu thế giới về hấp dẫn những nhân tài, tổng số tiền lương trả cho người lao động lên tới 113 tỷ USD trong năm 2014, trong đó 22 tỷ USD là trong khu vực chính phủ.

UAE sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch dài hạn nhằm chuyển đổi dần thành nền kinh tế tri thức, Chính phủ hướng tới việc tăng gấp ba lần những khoản chi cho lĩnh vực nghiên cứu và phát triển trước năm 2021, tăng số lượng nhân lực trong lĩnh vực này từ 22% lên 40% lực lượng lao động trong 6 năm tới, và đưa UAE đang từ vị trí đứng đầu Thế giới Ả Rập về Chỉ số Sáng tạo Toàn cầu (GII) trở thành Top 10 nước đứng đầu thế giới về chỉ số GII vào năm 2021.

Thủ tướng UAE cho biết việc giá dầu thô giảm đã có những tác động tích cực đối với tăng trưởng của nhiều lĩnh vực kinh tế UAE trong 2014, thúc đẩy tỷ lệ tăng trưởng các lĩnh vực vận tải và kho lưu trữ tăng từ 7,9% năm 2013 lên 10% năm 2014. Lĩnh vực tài chính cũng đã có tăng trưởng hai con số trong năm 2014 đạt 15%, đóng góp 31 tỷ USD vào tổng GDP.

Trong lĩnh vực du lịch, UAE tiếp tục đưa ra một loạt các dự án du lịch và khu vui chơi giải trí thu hút khoảng 20 triệu khách du lịch tới thăm 7 tiểu vương của UAE. Lĩnh vực này tiếp tục củng cố vị thế của quốc gia như là một trong những điểm đến du lịch quan trọng nhất của thế giới.

Thủ tướng UAE nhấn mạnh trọng tâm chiến lược của Chính phủ UAE sẽ tập trung để đạt được những tiêu chuẩn sống tốt hơn cho người dân, mang lại môi trường hấp dẫn nhất cho các nhà đầu tư, trở thành điểm đến tốt nhất cho du khách. UAE tiếp tục tiếp cận thế giới với vòng tay rộng mở, cung cấp môi trường ổn định, an toàn và hiệu quả, hỗ trợ các sáng kiến của khu vực và toàn cầu nhằm đạt được những điều tốt đẹp cho người dân và sự ổn định cho các quốc gia trên thế giới.



Back to the top

II. CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH THƯƠNG MẠI

1. Hệ thống giải quyết tranh chấp thương mại online của Phòng Thương mại và Công nghiệp Dubai

Phòng Thương mại Dubai hiện đang cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng cho thành viên thông qua phương thức đơn giản, nhanh chóng và thân thiện với người dùng trên các ứng dụng tiện ích trực tuyến độc đáo. Theo Ban Dịch vụ Pháp lý của Phòng Thương mại và Công nghiệp Dubai, trong năm 2014, Phòng Thương mại và Công nghiệp Dubai đã giải quyết các tranh chấp thương mại có giá trị lên tới 17 triệu Dirham (gần 5 triệu USD). Con số này tiếp tục có xu hướng tăng lên do sự gia tăng về nhu cầu giải quyết tranh chấp thương mại trong cộng đồng doanh nghiệp thông qua biện pháp hòa giải do có chi phí thấp, nhanh chóng, bảo mật và kiểm soát được kết quả.

Về ứng dụng dịch vụ hòa giải trực tuyến đầu tiên tại khu vực Vùng Vịnh, Phòng Thương mại Dubai cho biết tiện ích trực tuyến này tiết kiệm đáng kể thời gian và chi phí đi lại để giải quyết tranh chấp thương mại. Khoảng 20-25% tổng số các vụ hòa giải được tiếp nhận trực tuyến. Sự phổ biến của dịch vụ này đang được cân nhắc để có thể bổ sung vào gói các dịch vụ của Chính phủ Thông minh (Smart Government) của Dubai nhằm cung cấp các dịch vụ thông minh cho người dân, doanh nghiệp,.. nhằm đảm bảo duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế và phát triển của các Tiểu vương.

Đây là dịch vụ trực tuyến tiếng Anh - Ả Rập đầu tiên trong khu vực cho phép người sử dụng gửi trực tuyến các đề nghị hòa giải cũng như hợp đồng, các chứng từ, giấy tờ liên quan tới Bộ phận xử lý tranh chấp – Ban Dịch vụ pháp lý của Phòng Thương mại Dubai để xử lý. Người sử dụng cũng có thể theo dõi những thông tin và các vụ việc trước để nắm rõ hơn các thủ tục giải quyết tranh chấp thương mại thông qua hòa giải, tiết kiệm nguồn lực, thời gian,...

Có thể nói, sự gia tăng mạnh mẽ các giao dịch thương mại trải rộng trên nhiều lĩnh vực kinh tế khác nhau trong các tiểu vương đã kéo theo ngày càng nhiều các tranh chấp thương mại. Việc tìm kiếm phương thức hòa giải để giải quyết tranh chấp thương mại sẽ trở phổ biến hơn thay vì những biện pháp mang tính đối kháng như tranh tụng và trọng tài. Những lợi ích của việc hòa giải không chỉ đơn giản, nhanh chóng và tiết kiệm chi phí mà còn đưa tới trường hơp đôi bên cùng có lợi cho các bên liên quan và giúp duy trì mối quan hệ kinh doanh. Trong năm 2014, Phòng Thương mại Dubai đã tiếp nhận 380 vụ hòa giải và 220 vụ đã được giải quyết trong bằng dịch vụ hòa giải trực tuyến với giá trị hợp đồng của các vụ hòa giải khoảng 5 triệu USD.

Đánh giá cao tầm quan trọng của hợp đồng kinh tế, Phòng Thương mại Dubai cũng đã cho ra đời dịch vụ soạn thảo hợp đồng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp giảm thiểu tranh chấp cũng như hỗ trợ pháp lý cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp mới. Hợp đồng là hình thức ghi nhớ, thỏa thuận cho nhiều loại mối quan hệ, từ không chính thức cho tới phức tạp nhất và cạnh tranh nhất. Trong khi một bản hợp đồng tốt có thể làm tăng lợi nhuận và thắt chặt thêm mối quan hệ, còn một hợp đồng soạn thảo sơ sài có thể hủy hoại một thỏa thuận kinh doanh và đánh mất uy tín và danh tiếng. Phòng Thương mại Dubai đưa ra dịch vụ này sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng thị trường Dubai nơi mà nhà đầu từ nước ngoài chiếm tỷ lệ rất cao. Dịch vụ này dành cho tất cả thành viên cũng như chưa phải là thành viên của Phòng Thương mại Dubai với mục đích cung cấp các hợp đồng tiêu chuẩn, được soạn thảo bởi các chuyên gia pháp lý giàu kinh nghiệm, với mức giá hợp lý đối với nhà đầu tư muốn mở doanh nghiệp tại Dubai. Hợp đồng có thể được soạn thảo bằng tiếng Anh hoặc tiếng Ả Rập tùy vào nhu cầu của khách hàng.

Ngoài ra, Phòng Thương mại Dubai còn phát triển các dịch vụ cung cấp thông tin liên quan tới pháp luật của UAE và từng tiểu vương, các quy định về kinh doanh thương mại, tư vấn trực tiếp về kinh doanh, bảo vệ thương hiệu, bảo vệ người tiêu dùng, Incoterms, kinh doanh hộ gia đình,….

2. Một số điều chỉnh chính sách quản lý nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ


Trong thời gian gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã có một số thay đổi quan trọng về quy định đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu. Trong đó, nổi bật nhất là việc giảm thuế “Quỹ hỗ trợ tối ưu hóa tài nguyên” (RUSF) và việc yêu cầu giấy tờ chứng minh nguồn gốc đối với nhiều loại vải dệt và đồ thêu.

Giảm mức phí đặc biệt với nhiều mặt hàng nhập khẩu xuống còn 0%

Vào năm 1988, Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã thành lập “Quỹ hỗ trợ tối ưu hóa tài nguyên” nhằm định hướng các khoản đầu tư và làm giảm chi phí với các khoản vay đặc biệt dành cho những kế hoạch phát triển. RUSF được áp dụng cho nhiều khoản tín dụng, trong đó có cả khoản nhập khẩu được thực hiện bằng phương thức tín dụng. Với các mặt hàng nhập khẩu được trả bằng tín dụng (khi mà đến trước khi hàng được nhập khẩu mà khoản tiền hàng vẫn chưa được trả) thì nhà nhập khẩu sẽ phải trả thêm một khoản đặc biệt có giá trị tương đương 6% tổng giá trị lượng hàng được nhập.

Tuy nhiên theo quyết định số 2015/7511 của Hội đồng Bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ được đăng trên “Công báo chính thức” ngày 10 tháng 4 năm 2015 thì RUSF sẽ không còn hiệu lực đối với nhiều loại hàng hóa trung gian. Danh sách các mặt hàng được có mức RUSF bằng 0% kể trên được nằm trong tập tin đính kèm ở cuối bài viết. Với quyết định mới này, các nhà xuất khẩu của Việt Nam có thể sử dụng phương thức tín dụng L/C mà không phải e ngại về khoản phụ phí 6% của RUSF.

Đưa ra thuế bổ sung với các mặt hàng vải, đèn, máy hút bụi ...

Theo phán quyết bổ sung thuộc "Phán quyết cơ chế nhập khẩu" và được áp dụng thông qua sắc lệnh số 2015/7606 của Hội đồng Bộ trưởng, Thổ Nhĩ Kỳ đã thay đổi mức thuế áp dụng đối với nhiều loại vải dệt và đồ thêu. Quyết định này được đăng trên Công báo ngày 30 tháng 5 và bao gồm cả các loại thuế đã được áp dụng sau cuộc điều tra tự vệ không thuộc WTO vào năm 2011. Danh sách các mặt hàng bị áp dụng mức thuế mới này được nằm trong file đính kèm ở cuối bài viết.

Gần đây nhất là Công báo đăng ngày 7 tháng 6 tháng 2015 về phán quyết Bổ sung được áp dụng thông qua sắc lệnh số 2015/7712 và 2015/7713 của Hội đồng Bộ trưởng, Thổ Nhĩ Kỳ đã  đưa ra mức thuế bổ sung với các mặt hàng đèn chiếu sáng, máy hút bụi và ấm đun nước. Danh sách các mặt hàng bị áp dụng mức thuế mới này được nằm trong tập tin đính kèm ở cuối bài viết.

Yêu cầu chứng minh nguồn gốc xuất xứ

Bên cạnh đó, Bộ Hải quan và Thương mại đã quyết định rằng các mặt hàng ở dưới đây khi được nhập khẩu với chứng từ ATR (theo liên minh thuế quan giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU) cần phải có xác nhận nguồn gốc.



Danh sách các mặt hàng hiện tại:

54.07 (Vải dệt thoi bằng sợi filament tổng hợp, kể cả vải dệt thoi thu được từ các nguyên liệu thuộc nhóm 54.04)

55.13 (Vải dệt thoi bằng xơ staple tổng hợp, có tỷ trọng loại xơ này dưới 85%, pha chủ yếu hoặc pha duy nhất với bông, trọng lượng không quá 170 g/m2.)

55.14 (Vải dệt thoi bằng xơ staple tổng hợp, có tỷ trọng loại xơ này dưới 85%, pha chủ yếu hoặc pha duy nhất với bông, trọng lượng trên 170 g/m2.)

55.15 (Các loại vải dệt thoi khác từ xơ staple tổng hợp.)

55.16 (Vải dệt thoi từ xơ staple tái tạo.)



Danh sách các mặt hàng bổ sung:

58.10 (Hàng thêu dạng chiếc, dạng dải hoặc dạng theo mẫu hoa văn.)

61.01 (Áo khoác dài, áo khoác mặc khi đi xe (car-coat), áo khoác không tay, áo choàng không tay, áo khoác có mũ (kể cả áo jacket trượt tuyết), áo gió, áo jacket chống gió và các loại tương tự, dùng cho nam giới hoặc trẻ em trai, dệt kim hoặc móc, trừ các loại thuộc nhóm 61.03.)

61.04 (Bộ com-lê, bộ quần áo đồng bộ, áo jacket, áo khoác thể thao, áo váy dài, váy, chân váy, quần dài, quần yếm có dây đeo, quần ống chẽn và quần soóc (trừ quần áo bơi), dùng cho phụ nữ hoặc trẻ em gái, dệt kim hoặc móc .)

61.05 (Áo sơ mi nam giới hoặc trẻ em trai, dệt kim hoặc móc.)

61.06 (Áo khoác ngắn (blouses), áo sơ mi và áo sơ mi phỏng kiểu nam dùng cho phụ nữ hoặc trẻ em gái, dệt kim hoặc móc.)



3. Liberia gia hạn hoãn thu thuế nhập khẩu gạo để kiềm chế giá gạo leo thang

Theo thống báo trên website của Chính phủ Liberia, nước này mới ban hành sắc lệnh số 70 để gia hạn cho sắc lệnh số 61 về việc hoãn thu thuế nhập khẩu gạo.

Ngày 28 tháng 06 năm 2015, Tổng thống Liberia ban hành sắc lệnh, trong đó nêu rõ “Chính phủ Liberia gia hạn hiệu lực của sắc lệnh số 61, hoãn thu thuế nhập khẩu gạo đối với mặt hàng gạo có mã HS 1006.30.00 (đóng gói 5kg trở lên), 1006.40.00 (gạo tấm) theo quy định tại Luật thuế vụ Liberia 2000”. Sắc lệnh này có hiệu lực ngay khi ban hành.

Việc gia hạn hiệu lực của sắc lệnh số 61 dựa trên đánh giá của Chính phủ về những thiệt hại do việc tăng giá cả hàng hóa. Chính phủ cũng nhận thấy nhu cầu kiềm chế việc tăng liên tục giá gạo và bình ổn giá để phục vụ đời sống nhân dân. Chính phủ Liberia đã ban hành các sắc luật số 11, 19, 45 và 61 để gia hạn thu thuế nhập khẩu gạo.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), trong tháng 02 năm nay, giá bán lẻ gạo nhập khẩu ở thủ đô của Liberia là 701USD/tấn (tương đương với 59.500 USD Liberia/tấn), tăng 21% so với năm trước. Sản lượng thóc gạo nội địa của Liberia chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu tiêu thụ trong nước. Theo dự báo của FAO, trong năm 2015, Liberia dự kiến nhập khẩu 350.000 tấn gạo.

Liberia cũng là một nước nhập khẩu gạo từ Việt Nam. Trong quý 1 năm 2015,  Liberia đã nhập từ Việt Nam 42 tấn gạo với kim ngạch gần 28.000 USD.



Back to the top

III. TRAO ĐỔI THƯƠNG MẠI VIỆT NAM VÀ CÁC NƯỚC TRONG KHU VỰC

1. Xuất khẩu sang các thị trường khu vực 9 tháng đầu năm 2015

Đơn vị: triệu USD

Quốc gia

Xuất khẩu

Quốc gia

Xuất khẩu

UAE

4.518,7

Ghana

185,3

Ấn Độ

1.850

I-rắc

179,4

Thổ Nhĩ Kỳ

1.095,2

Sri Lanka

132

Nam Phi

803,1

Nigeria

88,2

Băng-la-đét

426,5

Bờ Biển Ngà

108,9

I-xra-en

408,7

Tanzania

57

Ả rập Xê út

402,5

Cô-oét

66,2

Pakistan

302,9

Mozambique

46,4

Ai Cập

272

Senegal

33,5

Algeria

199

Angola

38,7

Nguồn: Tổng cục Hải quan

2. Nhập khẩu từ các thị trường khu vực 9 tháng đầu năm 2015



Đơn vị: triệu USD

Quốc gia

Nhập khẩu

Quốc gia

Nhập khẩu

Ấn Độ

2.000

Cô-oét

120,1

I-xra-en

852,4

Qatar

152,9

UAE

319,2

Pakistan

117,7

Bờ Biển Ngà

422,8

Thổ Nhĩ Kỳ

101,8

Ả rập Xê út

777,7

Nam Phi

89,2

Ca-mơ-run

113,3

Tuynidi

4,2

Nguồn: Tổng cục Hải quan

IV. HOẠT ĐỘNG XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI, SỰ KIỆN, HỘI CHỢ TRIỂN LÃM

1. Đoàn nghiên cứu chính sách, XTTM tại Kenya và Ethiopia

Nhằm tăng cường quan hệ hợp tác thương mại và công nghiệp giữa Việt Nam và Kenya, Ethiopia, Bộ Công Thương đã tổ chức đoàn công tác đi nghiên cứu chính sách, xúc tiến thương mại và đầu tư sang 02 nước nói trên từ ngày 04 đến ngày 10 tháng 10 năm 2015. Trong thời gian ở Kenya và Ethiopia, đoàn đã gặp và làm việc với đại diện các Bộ: Công nghiệp, Thương mại, Phòng Thương mại và Công nghiệp và Cục Xúc tiến đầu tư của hai nước này.

Nhân dịp này, phía Kenya kêu gọi Việt Nam đầu tư, thành lập liên doanh tại Kenya trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến (dệt may, giày dép) và khai mỏ để tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào, nhân công chất lượng cao và ưu đãi về xuất xứ để xuất khẩu hàng với thuế suất thấp sang các thị trường như Hoa Kỳ, EU, các nước thành viên Cộng đồng Đông Phi (EAC), Cộng đồng phát triển miền Nam Châu Phi (COMESA) mà Kenya đã ký FTA. Phía Kenya đề xuất việc tổ chức “Tuần lễ Việt Nam” tại Kenya và xem đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu hàng hóa của mình vào thị trường nước này.

Phía Ethiopia cho biết hiện nước này đang đẩy mạnh sản xuất bông, nguyên phụ liệu dệt may, da, hàng nông sản… Ethiopia có khả năng trở thành nhà cung cấp bông tiềm năng cho ngành dệt may Việt Nam. Cho đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa có dự án đầu tư nào tại Ethiopia trong khi Ethiopia được hưởng ưu đãi về thuế xuất khẩu (0%) khi xuất khẩu các sản phẩm dệt may vào Hoa Kỳ (theo Đạo luật về cơ hội và tăng trưởng AGOA). Vì vậy, nếu đầu tư tại Ethiopia, doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng nguồn nguyên liệu, lao động giá rẻ và ưu đãi về xuât xứ.

2. Mời tham gia đoàn công tác tại Nam Phi và Ma-rốc

Nhằm tăng cường và đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Ma-rốc, Nam Phi, Bộ Công Thương dự kiến sẽ tổ chức đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Công Thương làm trưởng đoàn sang thăm và làm việc tại 2 quốc gia trên. Thời gian của chuyến công tác dự kiến trong đầu tháng 11 năm 2015.

Theo nội dung dự kiến của đoàn công tác, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ ngành liên quan tổ chức Kỳ họp lần thứ 3 Ủy ban Thương mại hỗn hợp (UBTMHH) giữa Việt Nam và Nam Phi; đồng thời hai nước sẽ ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực khoáng sản. Bên cạnh các buổi làm việc với đại diện các Bộ ngành liên quan của Nam Phi và Ma-rốc, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Ma-rốc tại thành phố Casablanca, Ma-rốc và Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Nam Phi tại thành phố Pretoria, Nam Phi. Đây thực sự là những cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp gặp gỡ, thảo luận, tiến hành giao thương, tìm kiếm các cơ hội hợp tác với các đối tác Ma-rốc và Nam Phi nhằm thiết lập quan hệ làm ăn và đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang những thị trường này.

3. Một số Hội chợ triển lãm diễn ra trong thời gian tới



a) FOODEX Izmir Food & Food Technologies Fair (22/10 – 25/10/2015)

Sản phẩm trưng bày: Thực phẩm và công nghệ thực phẩm

Địa điểm: Uluslararasi Izmir Fuar Alani – IZMIR, Thổ Nhĩ Kỳ

Nhà tổ chức: Gençiz Fuarcilik Org. ltd. Şti

E-mail: info@gencizfuar.com.tr

Website: www.gencizfuar.com.tr



b) Projex Africa 2015 (02-05/11/2015)

Sản phẩm trưng bày: Triển lãm chuyên ngành về phát triển ngành công nghiệp vật liệu xây dựng.

Địa điểm: Trung tâm Hội nghị Quốc tế Cairo, Ai Cập

Tel: +20222732237/Fax: +20222732055;

Email: hosni.fouad@artline.com.eg

Website: www.projexafrica.com



c) Transpo-Tech 2015 (26-29/11/2015)

Sản phẩm trưng bày: Triển lãm chuyên ngành về sản xuất phương tiện vận tải và linh kiện phụ tùng.

Địa điểm: Trung tâm hội nghị quốc tế Cairo, Ai Cập

Tel: +202 25247996/Fax: +202 25264499

Email: info@ifg-eg.com

Website: www.transpotech-eg.com



d) PLAST Eurasia Istanbul 2015 25th International Istanbul PLASTIC INDUSTRY Fair (03/12 – 06/12/2015)

Sản phẩm trưng bày: máy móc ngành nhựa, hóa chất, nguyên liệu thô, khuôn đúc, phương pháp đúc phun,…

Địa điểm: Tuyap Fuar ve Kongre Merkezi - ISTANBUL

Nhà tổ chức: Tüyap Tüm Fuarcilik Yapim A.Ş

E-mail: tuyap@tuyap.com.tr

Website: www.tuyap.com.tr



Back to the top

V. CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

1. Công ty Global Company Ltd của Ai Cập, chuyên nhập khẩu các loại nông sản quế, hạt tiêu, điều…

Đầu mối liên lạc: Mr.Ahmed Shousha; Email: ahshousha@yahoo.com; Tel: 0020111888801.

2. Công ty An-giê-ri có nhu cầu mua bán và hợp tác sản xuất thuốc chữa bệnh và mỹ phẩm:

Groupe Sante Laboratoires

Siège et parcs 01. Zone industriel ZERALDA. ALGER

Tel : + 213 21 33 92 08/09

Fax : + 213 21 33 92 10

Mobile : + 213 661 507 736

Ligne directe (tel & fax) : 021 33 92 45  

Zone industrielle ZERALDA.

ALGER. ALGERIE.

E-mail : pdg@groupesantelaboratoires.com

Người liên hệ : Mr. Mohamed BOUDJELLEL – Chủ tịch- Tổng giám đốc

3. Công ty Nam Phi có nhu cầu nhập khẩu cát thạch anh (Silica sand)

Địa chỉ liên hệ: HENDERSON GLOBAL HOLDINGS

Address: 2 HOBSON STREET BELLVILLE, CAPE TOWN, WESTERN CAPE, South Africa

Tel: 27-747886326

E-mail: shane@hendersonglobal.net

Contact person: Mr. Shane Henderson-CEO

Back to the top

BỘ CÔNG THƯƠNG

VỤ THỊ TRƯỜNG CHÂU PHI, TÂY Á, NAM Á

Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hà Nội



Tel: 0422205479 Fax: 0422205517 Email: vcptana@moit.gov.vn






tải về 111.04 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương