Về quê hương của Ngô Quyền Trần Quốc Vượng



tải về 36.47 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu26.07.2016
Kích36.47 Kb.
#6097
Về quê hương của Ngô Quyền

Trần Quốc Vượng





Về quê hương của Ngô Quyền, người anh hùng dân tộc, sử sách của ta xưa nay vẫn cho rằng ông là người cùng quê với Phùng Hưng (Bố cái đại vương), ở xã Đường-lâm, thuộc huyện Phúc-thọ tỉnh Sơn-tây (nay {1967} thuộc huyện Tùng-thiện, tỉnh Hà-tây. {2011: thuộc thị xã Sơn Tây, Hà Nội}). Thế nhưng gần đây, ông Đào-duy-Anh đã tỏ ý nghi ngờ về việc chỉ định đó. Trong quyển Đất nước Việt-nam qua các đời[i], ông viết: “Đại Việt sử ký toàn thư (ngoại, q. 5) chép rằng Ngô Quyền là người Đường-lâm, con Ngô Mân là châu mục bản châu. Sách Cương mục (Tb, q. 5) chú rằng: Đường-lâm là tên xã xưa, theo sử cũ chú là huyện Phúc-lộc, huyện Phúc-lộc nay đổi làm huyện Phúc-thọ, thuộc tỉnh Sơn-tây. Xét Sơn-tây tỉnh chí thì thấy nói xã Cam-lâm huyện Phúc-thọ xưa gọi là Đường-lâm, Phùng Hưng và Ngô Quyền đều là người xã ấy, nay còn có đền thờ ở đó. Chúng tôi rất ngờ những lời ghi chú ấy và nghĩ rằng rất có thể người ta đã lầm Đường-lâm là tên huyện đời Đường thuộc châu Phúc-lộc (Phúc-lộc châu có huyện Đường-lâm) thành tên xã Đường-lâm ở huyện Phúc-thọ. Huyện Đường-lâm châu Phúc-lộc là ở miền nam Hà-tĩnh. An-nam kỷ lược thì lại chép rằng Ngô Quyền là người Ái-châu, cũng chưa biết có đúng không”. Ở hai trang sau (tr. 86), ông khẳng định: “Ngô-nhật-Khánh, gọi Ngô Lãng-công (cùng họ với Ngô Quyền - TQV), giữ miền Đường-lâm (huyện Đường-lâm thuộc châu Phúc-lộc, miền Hà-tĩnh ngày nay)”. Gần đây, khi phê bình Đại Việt sử ký toàn thư, đồng chí Văn Tân cho rằng “ý kiến bạn Đào-duy-Anh rất đáng cho chúng ta để ý” “Ngô Quyền là người huyện Đường-lâm thuộc Hoan-châu chứ không phải là người huyện Phúc-thọ tỉnh Hà-tây” “Ngô Quyền là quý tộc con Ngô Mân quê ở Hoan-châu (có chỗ nói Ái-châu) đã dấy quân từ Hoan-châu tiến ra bắc phá quân Nam Hán ở cửa Bạch-đằng. Như vậy Ngô Quyền phải là người huyện Đường-lâm châu Phúc-lộc (Hà-tĩnh) chứ không phải người xã Đường-lâm huyện Phúc-thọ (Sơn-tây). Có thế mới phù hợp với tình hình xã hội hồi thế kỷ VIII, IX và X”[ii].



Với những tài liệu lịch sử hiện nay tôi được biết và sẽ dẫn sau đây, tôi cho rằng quê hương của Ngô Quyền (và Phùng Hưng) đúng là ở xã Đường-lâm, huyện Tùng-thiện tỉnh Hà-tây ngày nay (trước là làng Cam-lâm, huyện Phúc-thọ) như sử cũ đã ghi chép.

1. Điều cần chú ý trước tiên – và khi nêu ra thì mọi người đều dễ dàng đồng ý – là tình trạng cùng một xứ, cùng một thời có hai địa danh trùng nhau hoặc là cùng một xứ nhưng ở thời trước thì địa danh ấy chỉ một miền này mà ở thời sau cũng địa danh ấy lại chỉ một miền khác – vốn xưa (và cả ngày nay nữa) là một điều thường có.

Theo các sử cũ, quả thật ở thời thuộc Đường (thế kỷ VII-X) miền đất nước ta có huyện Đường-lâm (đầu đời Đường là châu Đường-lâm rồi đổi thành quận Đường-lâm) thuộc châu Phúc-lộc (có cả huyện Phúc-lộc) thuộc phía nam tỉnh Hà-tĩnh ngày nay. Nhưng cũng theo một bài văn bia đề ngày 18 tháng Hai năm thứ ba niên hiệu Quang-thái đời Trần Thuận-tông (1390) – bia hiện để ở trong đền thờ Phùng Hưng tại xã Đường-lâm, huyện Tùng-thiện tỉnh Hà-tây – thì ở thời Trần nước ta có xã Cam-tuyền thuộc huyện Phúc- lộc, phủ Quốc-oai[iii]. Văn bia ghi rõ: “Nguyên bản xã đất nhiều rừng rậm xưa gọi là Đường-lâm, đời đời sản sinh nhiều vị anh hùng hào kiệt”. Theo cuốn Dư địa chí của Nguyễn Trãi thì ở thời Lê, phủ Quốc-oai vẫn có huyện Phúc-lộc[iv]. Thời Nguyễn Gia-long mới đổi tên huyện Phúc-lộc thành huyện Phúc-thọ[v]. Sách Việt điện u linh của Lý-tế-Xuyên đời Trần (1329) chép truyện Phùng Hưng đã dẫn sách Giao châu ký ở thời Đường: “Vương họ Phùng, tên là Hưng, ông cha đời đời là tù trưởng châu Đường-lâm, gọi là quan lang”[vi]. Vậy rõ ràng ở thời thuộc Đường, ngoài Đường-lâm thuộc châu Phúc-lộc còn có Đường-lâm là một châu ky-mi trực thuộc châu Giao (đồng bằng Bắc-bộ) và đất Đường-lâm đó sau là một xã thuộc huyện Phúc-lộc, phủ Quốc-oai. Sử cũ đã không lầm tên huyện Đường-lâm thuộc châu Phúc-lộc thành tên xã Đường-lâm thuộc huyện Phúc-thọ như tác giả Đất nước Việt-nam qua các đời đã nói.

2. Theo bia xã Đường-lâm thì khi Ngô Quyền lên ngôi vua (939), ông đã lấy bản xã làm “thang mộc ấp”. Sau khi Ngô Quyền mất (944), nước ta xảy ra cuộc nội chiến giữa các chúa phong kiến cát cứ ở các địa phương – sử cũ gọi là loạn Thập nhị sứ quân. Một trong số mười hai sứ quân đó là Ngô-nhật-Khánh thuộc dòng họ Ngô Quyền đã cát cứ ở Đường-lâm, quê hương nhà Ngô.

Theo Việt sử lược và Toàn thư thì năm 950 Dương-tam-Kha sai Ngô-xương-Văn (con thứ hai của Ngô Quyền) và hai tướng Dương-cát-Lợi, Đỗ-cảnh-Thạc đi đánh 2 thôn ĐườngNguyễn ở Thái-bình và bị chết[vii]. Thái-bình là tên một huyện của Giao châu thời thuộc Đường. Theo Trinh-nguyên thập đạo lục của Giả Đam – người đời Đường – thì con đường “từ An-nam (từ tự sở An-nam đô hộ phủ là Tống-bình – tức Hà-nội ngày nay – TQV) đi qua (huyện) Giao-chỉ (Từ-liêm - TQV), (huyện) Thái-bình hơn 100 dặm thì đến Phong-châu”[viii]. Sau khi nghiên cứu các sách địa lý cổ, ông Đào-duy-Anh đã chỉ định huyện Thái-bình là ở khoảng huyện Quốc-oai ngày nay[ix]. Chúng tôi đoán rằng thôn Đường thuộc Thái-bình là đất Đường-lâm, nơi sứ quân Ngô-nhật-Khánh cát cứ, còn thôn Nguyễn thuộc Thái-bình là Nguyễn-gia hay Nguyễn-gia-Loan nơi sứ quân Nguyễn Khoan cát cứ. Việt sử lược chép danh sách 12 sứ quân đã gọi Nguyễn Khoan là Nguyễn Thái-bình[x]. Cứ như vậy thì rõ ràng Đường-lâm, nơi Ngô-nhật-Khánh giữ quê hương và thang mộc ấp của nhà Ngô mà cát cứ phải thuộc đất Sơn-tây, chứ không thể thuộc đất Hà-tĩnh như ông Đào-duy-Anh chỉ định được.

3. Về điểm đó, chúng ta còn có những chứng cứ khác. Việt điện u linh (tác phẩm đời Trần) dựa vào Sử ký của Đỗ Thiện (có lẽ là tác phẩm đời Lý hay đầu đời Trần) chép truyện Lý-phục-Man nói Lý-phục-Man là tướng của Lý Nam-đế (Lý Bôn), được Lý Nam-đế “giao cho đóng giữ hai đất Đỗ-động và Đường-lâm” và khi chết còn được thờ ở đó[xi]. Đền thờ Lý-phục-Man nay hiện còn ở xã Yên-sở thuộc huyện Hoài-đức tỉnh Hà-tây. Đỗ-động hay Đỗ-động giang, khu vực cát cứ của sứ quân Đỗ-cảnh-Thạc nay cũng thuộc tỉnh Hà-tây: Hiện còn di tích hai cái thành của sứ quân Đỗ-cảnh-Thạc: một là thành Quèn thuộc thôn Cổ-hiền, xã Tuyết-nghĩa, huyện Quốc-oai (ở giữa thành còn có đền thờ Đỗ-cảnh-Thạc), một thành khác nay còn di tích ở xã Bình-đà thuộc huyện Thanh-oai[xii]. Vậy rõ ràng đất Đường-lâm ở cạnh Đỗ-động cũng phải thuộc vùng Sơn-tây cũ. Theo Toàn thư thì ở thời Thập nhị sứ quân “hơn 500 con em Ngô tiên chúa (tức Ngô Quyền – TQV) ở Đỗ-động giang đã đem quân tới đánh Đinh Bộ-lĩnh”[xiii]. Đấy lại thêm một chứng cớ nữa tỏ rằng quê hương, con cháu nhà Ngô đều ở đất Sơn-tây cũ.

4. Hai ông Đào-duy-Anh và Văn Tân cho quê hương Phùng Hưng và Ngô Quyền là ở Hà-tĩnh, song hiện nay ở Hà-tĩnh không có một di tích lịch sử nào khả dĩ chứng minh được cho điều đó cả. Trong khi ấy, ở xã Đường-lâm, huyện Tùng-thiện tỉnh Hà-tây còn có đền thờ Phùng Hưng, có lăng Ngô Quyền là những di tích vật chất chứng tỏ quê hương hai người anh hùng dân tộc này là ở đó. Đền đó lập ra từ đời nào và do ai lập ? Tấm bia Đường-lâm dựng đời Trần (1390) mà chúng tôi đã nêu ở trên nói rõ: Ngô vương Quyền “ở ngôi 6 năm thì mất. Tự vương (vua nối dõi – có lẽ chỉ Ngô-xương-Ngập, hoặc cũng có thể chỉ Dương-tam-Kha, người đã tự lập làm vương sau khi Ngô Quyền chết – TQV) lập miếu đình để làm nơi cho bản ấp phụng thờ, tế lễ [Ngô vương Quyền]”.

5. Bia Đường-lâm có đáng tin cậy hay không ? Rất đáng tin cậy. Bia đó dựng cuối đời Trần (1390), chưa xa Ngô Quyền lắm, ít nhất là chưa xa thời Ngô Quyền bằng thời đại các nhà sử học của chúng ta ngày nay. Bia đó do những người họ Phùng, họ Ngô… là con cháu của Phùng Hưng, Ngô Quyền lập ra, văn bia nói là “trích gia phả của hai họ, tóm thuật những điều cốt yếu ghi vào bia để truyền lại lâu dài”. Nhờ vậy văn bia cho ta biết một số điều mà sử sách xưa nay chưa ghi chép. Tỉ dụ, văn bia cho biết Ngô Quyền làm tướng coi Ái-châu năm 35 tuổi, làm vua năm 41 tuổi, lấy Đường-lâm làm “thang mộc ấp”, ở ngôi 6 năm thì mất. Sử cho ta biết: Ngô Quyền lên ngôi năm 939, mất năm 944, đúng 6 năm như văn bia đã ghi. Vậy Ngô Quyền làm tướng giữ Ái-châu năm 933. Theo sử thì đầu năm 931, Dương-đình-Nghệ đã đánh tan được quân xâm lược Nam Hán, khôi phục được nền độc lập dân tộc. Ngô Quyền được Dương-đình-Nghệ tin yêu, gả con gái cho và cho trấn thủ Ái-châu là khu vực trọng yếu trong nước và là quê hương của họ Dương.Nếu theo cách tính tuổi ta thì Ngô Quyền sinh năm 899, mất năm 944, thọ 46 tuổi. Cũng nhờ tấm bia đó, ta biết chắc chắn quê hương Phùng Hưng và Ngô Quyền là ở Đường-lâm nay thuộc huyện Tùng-thiện tỉnh Hà-tây. Theo Giao châu ký thì ông cha Phùng Hưng đời đời làm quan lang. Điều đó cung cấp cho ta một sử liệu để nghiên cứu mối quan hệ giữa tộc Mường và tộc Việt và hiểu rõ hơn chế độ xã hội của nước ta vào khoảng những thế kỷ VII-VIII. Điều đáng chú ý là hiện nay người Mường còn cư trú ở vùng chân núi Ba-vì, trong huyện Tùng-thiện, cách quê hương của Phùng Hưng và Ngô Quyền không xa lắm.

{tháng} 2-{19}67

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, Hà Nội, số 101, tháng 8/1967,  tr. 60-62



Lời dẫn:

- Những phần trong {} là của người biên tập.



[i] Đào-duy-Anh – Đất nước Việt-nam qua các đời. Nhà XB Khoa học, Hà-nội – 1964, tr. 84.

[ii] Văn Tân Vài sai lầm về tài liệu của bộĐại Việt sử ký toàn thư” Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 93 tháng 12-1966, tr. 31-32.

[iii] Trong cuốn Đất nước Việt-nam qua các đời, phần nghiên cứu về phủ huyện ở nước ta thời Trần, ông Đào-duy-Anh không chép đến huyện Phúc-lộc và phủ Quốc-oai.

[iv] Dư địa chí (bản dịch) nhà xuất bản Sử học, Hà-nội, 1960, tr. 28.

[v] Đại nam nhất thống chí, Sơn-tây tỉnh.

[vi] Việt điện u linh (bản dịch) nhà xuất bản Văn hóa, Hà-nội, 1960, tr. 15.

[vii] Việt sử lược q. 1, tờ 14, 15 – Toàn thư ngoại kỷ q. 5, tờ 21, 24.

[viii] Dẫn ở Tân Đường thư q. 43, hạ.

[ix] Đất nước Việt-nam qua các đời, tr. 75.

[x] Việt sử lược q. 1, tờ 15.

[xi] Việt điện u linh, tr. 40.



[xii] Chúng tôi đã đến khảo sát tại chỗ hai thành này năm 1958 và 1967.

[xiii] Toàn thư ngoại kỷ q. 5, {tờ} 26a.

tải về 36.47 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương