Về phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020



tải về 48.51 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích48.51 Kb.
#30413



TỈNH ỦY QUẢNG NAM ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

*

Số 03-NQ/TU Tam Kỳ, ngày 17 tháng 5 năm 2011



NGHỊ QUYẾT

HỘI NGHỊ TỈNH ỦY LẦN THỨ 4 (KHÓA XX)



về phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh đến năm 2015

và tầm nhìn đến năm 2020

_____
Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 4 (khóa XX) được tiến hành từ ngày 18-19/4/2011. Sau khi thảo luận chuyên đề về phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, Hội nghị đã thống nhất quyết nghị các nội dung chủ yếu sau:

I- Về tình hình phát triển đô thị trong những năm qua

Chỉ sau hơn 10 năm, cùng với việc phát triển kinh tế - xã hội, tốc độ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh tăng nhanh. Hệ thống đô thị của tỉnh đã tăng về số lượng và quy mô; các thành phố, thị trấn được mở rộng, trở thành những trung tâm phát triển của tỉnh và các khu vực, tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu dân cư thành thị và nông thôn, đóng góp tích cực vào quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Đến nay, ngoài những đô thị cũ, đã có thêm 6 đô thị mới, bao gồm các đô thị hình thành tại Điện Nam - Điện Ngọc và Khu Kinh tế mở Chu Lai, tại các thị trấn huyện lỵ mới chia tách, đưa số lượng đô thị trên địa bàn tỉnh từ 15 lên 21 đô thị. Thành phố Tam Kỳ và Hội An đã đạt các tiêu chí của đô thị loại III, các thị trấn huyện lỵ được mở rộng, chỉnh trang ngày càng khang trang.

Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch mạnh sang hướng dịch vụ và công nghiệp; kết cấu hạ tầng đô thị ngày càng được đầu tư đồng bộ; văn hóa - xã hội có nhiều biến đổi sâu sắc, tích cực, nhất là đã hình thành nếp sống văn minh đô thị đi đôi với giữ gìn và phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc; chất lượng cuộc sống của đa số nhân dân khu vực đô thị đã được cải thiện trên nhiều mặt.

Công tác quản lý nhà nước về đô thị đạt được nhiều tiến bộ. Quy hoạch đô thị đã có tầm nhìn, gắn kết được việc phát triển đô thị và các vùng nông thôn trong mối quan hệ tác động hỗ trợ cùng phát triển. Nhiều đồ án quy hoạch chi tiết có chất lượng, làm cơ sở cho việc đầu tư các công trình kiến trúc công cộng và dân dụng, hệ thống kết cấu hạ tầng, các công trình văn hóa, thể thao, các cơ sở công nghiệp và dịch vụ. Một số đô thị trên địa bàn tỉnh có kiến trúc đặc sắc, cảnh quan hài hòa, tôn trọng và giữ gìn các giá trị kiến trúc cổ đi đôi với phát triển các công trình mới hiện đại; cơ chế, chính sách cho các đô thị lớn của tỉnh từng bước được hoàn thiện, tác động thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư chỉnh trang, mở rộng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật, các thiết chế văn hóa, các công trình phục vụ dân sinh, mạng lưới y tế, giáo dục; an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội khu vực đô thị được giữ vững; hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh; vai trò của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể trong công tác quản lý đô thị, vận động nhân dân được nâng lên rõ rệt.

Tuy nhiên, ngoài những kết quả tích cực trên, quá trình phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh trong những năm qua vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, như: Chưa xây dựng chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh; việc lập quy hoạch mở rộng, nâng cấp, điều chỉnh địa giới các đô thị chủ yếu theo nhu cầu cấp thiết trước mắt, thiếu định hướng lâu dài; công tác quản lý, đầu tư xây dựng theo quy hoạch chưa thực hiện đồng bộ; quy hoạch chi tiết, quản lý kiến trúc theo quy hoạch có mặt còn bất cập; một số đồ án quy hoạch chưa đáp ứng được yêu cầu, phải điều chỉnh, sửa đổi nhiều lần; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu kém; việc xây dựng các thiết chế văn hóa và nếp sống văn hóa, văn minh đô thị một số nơi chưa được quan tâm đúng mức.

Nguyên nhân của những bất cập, hạn chế là do: Hầu hết các đô thị chủ yếu phát triển trên nền hệ thống cũ, thiếu quy hoạch, hạn chế về không gian phát triển; công tác quản lý nhà nước về đô thị còn nhiều thiếu sót; chưa có cơ chế, chính sách chung trong việc phát triển đô thị; nguồn lực đầu tư phát triển đô thị còn nhiều hạn chế.

II- Quan điểm, mục tiêu và những giải pháp chủ yếu phát triển đô thị trong những năm đến

1- Quan điểm chỉ đạo

Để quá trình đô thị hóa trên địa bàn tỉnh ngày càng đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân; các cấp ủy đảng, lãnh đạo các ngành, địa phương cần quán triệt những quan điểm chỉ đạo sau:

- Đô thị hóa là quá trình tất yếu do nhu cầu của quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Phát triển đô thị phải phù hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, với quy hoạch phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và chiến lược phát triển đô thị giai đoạn 2010 - 2020 của Chính phủ.

- Phát triển đô thị phải đi đôi với nâng cao chất lượng đời sống vật chất và văn hóa tinh thần của nhân dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chú trọng công tác bảo vệ và cải thiện môi trường; xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; bảo đảm quốc phòng và an ninh; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

- Gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển đô thị với xây dựng nông thôn mới; đồng thời, sử dụng hiệu quả, hợp lý đất đai theo kế hoạch sử dụng đất để phát triển đô thị, công nghiệp. Phát huy vai trò động lực phát triển của các đô thị đối với khu vực nông thôn, miền núi.

2- Mục tiêu

- Từ nay đến năm 2015: Xây dựng Tam Kỳ và Hội An cơ bản đạt một số tiêu chí của đô thị loại II; Điện Bàn thành thị xã. Phấn đấu đến năm 2020, xây dựng thành phố tỉnh lỵ Tam Kỳ thành thành phố loại II để phát huy tốt vai trò là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học và công nghệ của tỉnh; thành phố Hội An thành thành phố văn hóa - sinh thái gắn với phát triển du lịch và đạt tiêu chí của đô thị loại II.

- Đến năm 2020: Xây dựng Điện Bàn, Núi Thành - Chu Lai, Nam Hội An thành đô thị loại III; Nam Phước, Hà Lam, Khâm Đức, Đông Phú và Ái Nghĩa thành đô thị loại IV và các thị trấn: Tắc Pỏ, Trà My, Tiên Kỳ, Phú Thịnh, Trung Phước, P’rao, Thạnh Mỹ - Bến Giằng, Tơ Viêng, A Xan, Chà Vàl, Tân An, Hương An đạt các tiêu chí của đô thị loại V. Hình thành các thị trấn, thị tứ ở những nơi có điều kiện.

- Phát triển các đô thị theo hướng hiện đại; đồng thời, bảo tồn các giá trị kiến trúc truyền thống mang sắc thái của từng khu vực, vùng, miền; sắp xếp, bố trí dân cư phù hợp yêu cầu công nghiệp hóa; xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là hệ thống giao thông, cấp, thoát nước, mạng lưới điện, bưu chính - viễn thông, vui chơi giải trí, các cơ sở giáo dục, y tế...

- Nâng cao đời sống vật chất và văn hóa tinh thần của nhân dân; xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị; nâng cao chất lượng giáo dục và chăm sóc sức khỏe; tích cực đào tạo nghề, giải quyết việc làm và thực hiện tốt chính sách đối với người có công, giải quyết tốt vấn đề an sinh xã hội.

- Phấn đấu mỗi khu vực dân cư đô thị đều có kinh tế phát triển, đời sống văn hóa tiên tiến, vững mạnh về quốc phòng - an ninh, có môi trường xanh, sạch, đẹp.



3- Những giải pháp chủ yếu

3.1- Định hình cấu trúc khung không gian đô thị

Xét tình hình thực tế, các đô thị của tỉnh khó hội đủ điều kiện để phát triển thành các đô thị lớn. Do vậy, đô thị trên địa bàn tỉnh sẽ là các chuỗi đô thị, cụm đô thị nhỏ. Khung không gian phát triển đô thị được hình thành và phát triển theo các khu vực: đồng bằng - ven biển, trung du gò đồi và miền núi, đồng thời phát triển theo các trục không gian kinh tế động lực Đông - Tây và Bắc - Nam, gắn kết chặt chẽ với khung không gian phát triển của thành phố Đà Nẵng và Khu Kinh tế Dung Quất.

Về khu vực đồng bằng - ven biển: Đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa khu vực ven biển và dọc quốc lộ 1A, khai thác lợi thế về phát triển công nghiệp và dịch vụ, du lịch để hình thành các đô thị mới; đồng thời, nâng cấp, mở rộng các đô thị hiện có. Thúc đẩy xây dựng các đô thị động lực như: Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn, Núi Thành - Chu Lai. Mở rộng các đô thị đang có xu hướng phát triển nhanh như: Điện Nam - Điện Ngọc, Núi Thành; hình thành các đô thị Nam Hội An - Đông Duy Xuyên - Thăng Bình.

Về khu vực trung du - miền núi: Tập trung phát triển đô thị là các thị trấn huyện lỵ hiện có như: Tiên Kỳ, Trà My, P’rao, Thạnh Mỹ, Đông Phú, Tơ Viêng, A Xan, Chà Vàl, Đắc Ốc…, chủ yếu là chỉnh trang, mở rộng không gian; đồng thời, quy hoạch và hình thành các điểm dân cư gắn với các cụm công nghiệp và dịch vụ để hình thành những thị trấn, thị tứ mới. Thúc đẩy hình thành và phát triển hệ thống đô thị dọc trục giao thông các tuyến đường: Hồ Chí Minh, 14B, 14D, 14E, Nam Quảng Nam, Đông Trường Sơn.



3.2- Hoàn chỉnh quy hoạch phát triển đô thị

Triển khai thực hiện phát triển đô thị theo các quy hoạch xây dựng đã duyệt và nghiên cứu hoàn chỉnh quy hoạch vùng toàn tỉnh. Hoàn chỉnh quy hoạch chung xây dựng các đô thị nhỏ; gắn chương trình phát triển đô thị với xây dựng nông thôn mới.



- Về quy hoạch vùng: Lập quy hoạch xây dựng vùng phía Tây, tạo cơ sở pháp lý thống nhất quản lý xây dựng toàn tỉnh theo quy hoạch vùng Tây và vùng Đông. Chú trọng công tác khớp nối quy hoạch phát triển của các ngành, nhất là quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong việc triển khai, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng các đô thị.

- Về quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị: Xây dựng các quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị để phục vụ cho công tác quản lý xây dựng, chỉnh trang, phát triển đô thị; quy định cụ thể trách nhiệm quản lý kiến trúc, quy hoạch, xây dựng để tạo môi trường phát triển đô thị nhất quán trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực quản lý đất đai, xây dựng.

- Về quy hoạch phân khu: Tiến hành quy hoạch phân khu xây dựng đô thị theo chiến lược, định hướng phát triển của các đô thị nhằm bảo đảm phát triển theo đúng hướng về quy mô dân số, sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật - xã hội trên cơ sở quy hoạch đô thị chung đã được phê duyệt. Quy định quản lý xây dựng đủ yêu cầu về thời hạn thực hiện xây dựng đô thị theo quy hoạch nhằm góp phần đảm bảo yêu cầu về xây dựng nhà ở, về đền bù, giải phóng mặt bằng trong vùng quy hoạch.



3.3- Phát triển mạnh kinh tế khu vực đô thị để tạo động lực phát triển lan tỏa

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực đô thị sang hướng dịch vụ và công nghiệp để trở thành đầu tàu tăng trưởng của các khu vực, của tỉnh, tạo tác động lan tỏa đến các vùng nông thôn lân cận. Chú trọng phát triển kinh tế dịch vụ chất lượng cao; xây dựng chương trình cụ thể, khả thi nhằm tạo việc làm đi đôi với đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào lĩnh vực kinh tế dịch vụ.

Thành phố Tam Kỳ phấn đấu trở thành trung tâm dịch vụ, thương mại phía Nam của tỉnh và Khu Kinh tế mở Chu Lai. Tập trung thu hút đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp đi đôi với hoàn thiện kết cấu hạ tầng. Phấn đấu 100% cơ sở sản xuất công nghiệp mới có công nghệ sạch. Khuyến khích thu hút mạnh các dịch vụ tài chính - tín dụng, nhà hàng, khách sạn, các khu nghỉ dưỡng, các khu du lịch đạt chuẩn. Đẩy mạnh phát triển các loại hình đào tạo và cung ứng lao động có chất lượng cao.

Thành phố Hội An đẩy mạnh phát triển dịch vụ du lịch, thực hiện đạt mục tiêu là trung tâm du lịch lớn của khu vực và cả nước. Chú trọng phát triển kinh tế với giữ gìn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể; kết hợp kiến trúc hiện đại với kiến trúc truyền thống, bảo tồn, tôn tạo các giá trị kiến trúc cổ trong quá trình phát triển đô thị. Xây dựng đô thị sinh thái, giữ gìn không gian đô thị xanh, sạch, đẹp, thân thiện với thiên nhiên, môi trường. Mở rộng không gian đô thị Hội An hợp lý để giảm áp lực gia tăng dân số đi đôi với đa dạng hóa các loại hình dịch vụ phục vụ du lịch.



3.4- Phát triển đô thị hiện đại gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, giữ gìn môi trường, cảnh quan đô thị

Cần đặc biệt chú trọng việc giữ gìn các giá trị văn hóa, lịch sử của mỗi đô thị trong quá trình phát triển. Từng khu phố, khu dân cư đô thị phải là những điển hình về nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, trọng tâm là xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người, giữa cá nhân với cộng đồng phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam, văn hóa xứ Quảng, văn hóa của từng dân tộc đi đôi với tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để làm nền tảng cho sự phát triển bền vững; không ngừng nâng cao trình độ và đời sống văn hóa trong nhân dân.

Tập trung đầu tư, cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, giữ gìn, tôn tạo cảnh quan đô thị, cân bằng sinh thái nhằm xây dựng các đô thị xanh, sạch, đẹp, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống tại các đô thị.

3.5- Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị

Ưu tiên tập trung thu hút vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng ở các đô thị lớn để giữ vai trò là hạt nhân, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Xây dựng cơ chế phát triển hạ tầng đô thị bằng nhiều nguồn vốn: ngân sách tỉnh, Trung ương, các chương trình mục tiêu quốc gia, ODA, ngân sách địa phương, nguồn lực từ chuyển quyền sử dụng đất, bất động sản, xã hội hóa đầu tư. Quy định cơ chế tài chính đặc thù để xây dựng các đô thị lớn của tỉnh; đồng thời, đổi mới công tác quản lý đất đai và phát triển thị trường bất động sản; tiếp tục hoàn chỉnh, đổi mới chính sách nhà ở, đất đô thị để ổn định đời sống và tạo nguồn lực phát triển đô thị. Tập trung nguồn lực xây dựng các tiện ích công cộng, hệ thống kết cấu hạ tầng văn hóa - thể thao, y tế, giáo dục - đào tạo… tương thích với quy mô dân số, hoàn thành các tiêu chí về chuẩn đô thị theo quy định. Chú ý đến biến đổi khí hậu và giữ gìn bản sắc văn hóa vùng, miền.



3.6- Nâng cao năng lực quản lý nhà nước

Đẩy mạnh công tác quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ để chỉnh trang, cải tạo, hiện đại hóa các đô thị. Ngăn chặn tình trạng phát triển đô thị thiếu tầm nhìn, thiếu kiểm soát; sử dụng không hiệu quả, hợp lý đất đai, tài nguyên; làm biến dạng địa hình, cảnh quan gây sạt lở, lũ lụt, đặc biệt là khu vực miền núi.

Xây dựng bộ máy chính quyền đô thị vững mạnh, trước hết là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có năng lực và phẩm chất đạo đức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ hội nhập, phát triển. Chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý chính quyền đô thị, chú trọng đặc biệt đến việc xây dựng chương trình đào tạo, nâng cao năng lực quản lý và phát triển đô thị đối với cán bộ lãnh đạo đô thị các cấp.

3.7- Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh

Nâng tầm tư duy, phương thức lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, nhất là các tổ chức cơ sở đảng và hệ thống chính trị cơ sở để lãnh đạo quá trình phát triển đô thị đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đảm bảo quốc phòng và an ninh, trật tự an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội; đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả các loại tội phạm; xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.



III- Tổ chức thực hiện

1- Các ban cán sự đảng, đảng đoàn, các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc tổ chức nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết, xây dựng chương trình hành động cụ thể, thiết thực và phù hợp với điều kiện địa phương, đơn vị mình để triển khai thực hiện nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động về phát triển đô thị.

2- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan hướng dẫn và tổ chức tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. UBKT Tỉnh ủy tham mưu kế hoạch kiểm tra định kỳ và đột xuất hàng năm. Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về đô thị, xây dựng nông thôn mới.

3- Văn phòng Tỉnh ủy và các ban đảng Tỉnh ủy phối hợp theo dõi tình hình triển khai thực hiện, tham mưu cho Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy định kỳ sơ kết, tổng kết để rút kinh nghiệm tiếp tục chỉ đạo.

Nơi nhận: T/M TỈNH ỦY

- Ban Bí thư Trung ương Đảng (b/c), BÍ THƯ

- Các ban đảng TW, VPTW Đảng (HN, ĐN) (b/c),

- Các ban cán sự đảng, đảng đoàn,

- Các ban đảng Tỉnh ủy, (đã ký)

- Các sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể tỉnh,

- Các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc,

- Các đồng chí tỉnh ủy viên,

- Lưu Văn phòng Tỉnh ủy. Nguyễn Đức Hải




tải về 48.51 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương