VỤ phổ biếN, giáo dục pháp luật trưỜng đẠi học luật hà NỘI



tải về 141.77 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu30.07.2016
Kích141.77 Kb.
#10741

BỘ TƯ PHÁP

VỤ PHỔ BIẾN,

GIÁO DỤC PHÁP LUẬT


TRƯỜNG ĐẠI HỌC

LUẬT HÀ NỘI


ĐỀ CƯƠNG GIỚI THIỆU LUẬT ĐẦU TƯ NĂM 2014
Ngày 26 tháng 11 năm 2014, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Đầu tư năm 2014 thay thế cho Luật Đầu tư năm 2005. Luật Đầu tư năm 2014 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2015.

I. SỰ CẦN THIẾT SỬA ĐỔI LUẬT ĐẦU TƯ

Luật đầu tư năm 2005 ra đời là một bước tiến quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế, quốc tế Việt Nam. Cùng với Luật Doanh nghiệp năm 2005, Luật Đầu tư năm 2005 đã tạo ra hệ thống pháp luật đầu tư chung áp dụng thống nhất cho nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài.

Những quy định của Luật Đầu tư năm 2005 đã mở rộng quyền tự chủ trong hoạt động đầu tư, kinh doanh của các nhà đầu tư bằng việc xóa bỏ một loạt rào cản đầu tư không phù hợp với thông lệ kinh tế thị trường và cam kết hội nhập của Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, sau hơn 8 năm triển khai thi hành, bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, Luật Đầu tư 2005 đã bộc lộ một số hạn chế cần phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung; cụ thể như sau:



Một là, với phạm vi điều chỉnh rộng, bao quát toàn bộ hoạt động đầu tư, gồm cả đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp, đầu tư kinh doanh vốn nhà nước và đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài, Luật Đầu tư về cơ bản bảo đảm thực hiện chức năng như một luật khung điều chỉnh hoạt động đầu tư kinh doanh trong tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, sau khi Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành, một số đạo luật liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh đã được ban hành hoặc sửa đổi (như Luật Chứng khoán, Luật Tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản...). Trong bối cảnh đó, Luật Đầu tư cần được xem xét sửa đổi để xác định rõ nguyên tắc áp dụng giữa các Luật nhằm đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật về đầu tư, đặc biệt là các quy định liên quan đến điều kiện đầu tư, thủ tục đầu tư và ưu đãi, hỗ trợ đầu tư.

Hai là, thực tiễn thi hành Luật trong thời gian qua cho thấy, những vướng mắc trong quá trình hoạt động đầu tư, kinh doanh của các nhà đầu tư có nguyên nhân phát sinh từ một số khái niệm chưa được quy định cụ thể trong Luật (như khái niệm lĩnh vực đầu tư có điều kiện, điều kiện đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài...). Các lĩnh vực, ngành nghề ưu đãi đầu tư cũng như đối tượng ưu đãi đầu tư chưa được quy định thống nhất giữa Luật Đầu tư với các luật thuế và một số luật chuyên ngành. Quy định về một số lĩnh vực đầu tư có điều kiện còn thiếu minh bạch, dẫn đến cách hiểu không thống nhất giữa các cơ quan quản lý và nhà đầu tư. Bên cạnh đó, những biện pháp bảo đảm đầu tư theo quy định của Luật cũng chưa được cập nhật và phản ánh đầy đủ cam kết của Việt Nam về bảo hộ đầu tư theo các điều ước quốc tế được ký kết trong thời gian qua, trong đó có cam kết trong Tổ chức thương mại thế giới (WTO).

Ba là, Luật Đầu tư hiện hành còn tồn tại một số quy định khác biệt giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài trong việc thành lập doanh nghiệp và thực hiện dự án đầu tư, đồng thời chưa xác định rõ hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư và triển khai thực hiện dự án. Các thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng chưa được quy định thống nhất giữa các luật nên đã dẫn đến sự chồng chéo về mục tiêu, nội dung quản lý cũng như cơ quan thẩm định, phê duyệt. Cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng là chuỗi thủ tục tồn tại nhiều khó khăn nhất cho doanh nghiệp và là một trong những “nút thắt” phải tháo gỡ nhằm tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Bốn là, các quy định về quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư theo quy định của Luật chưa được hoàn thiện kịp thời trong bối cảnh thực hiện chế độ phân cấp. Sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đầu tư còn tồn tại một số bất cập từ công tác xây dựng cơ chế, chính sách, xúc tiến đầu tư đến cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư và quản lý hoạt động đầu tư.

Năm là, Luật Đầu tư hiện hành chưa phân định những hoạt động đầu tư ở nước ngoài thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật Việt Nam và những hoạt động thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư. Mặt khác, các quy định về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư ra nước ngoài còn chưa đầy đủ, dẫn đến khó xác định thẩm quyền, trách nhiệm của nhà đầu tư cũng như cơ quan quản lý trong việc quyết định đầu tư và quản lý hoạt động đầu tư ở nước ngoài.

Những hạn chế nêu trên đã làm cho môi trường đầu tư trở nên kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối mặt với xu hướng cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng gay gắt từ các nước trên thế giới và trong khu vực. Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, so với một số nước trong Khu vực thì hệ thống pháp luật và thủ tục hành chính của nước ta vẫn chưa thật sự đáp ứng kỳ vọng của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng chất lượng, hiệu quả và hội nhập sâu rộng hơn với khu vực và thế giới đã và đang đặt ra yêu cầu cấp bách phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách trong đó có Luật Đầu tư để thích ứng với đòi hỏi cao hơn của quá trình phát triển kinh tế- xã hội cũng như thực hiện cam kết quốc tế về tự do hóa đầu tư.

II. MỤC TIÊU, QUAN ĐIỂM SỬA ĐỔI LUẬT

1. Mục tiêu sửa đổi Luật

Luật được xây dựng trên cơ sở những mục tiêu, quan điểm và những yêu cầu cơ bản sau đây:

Một là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường đầu tư bình đẳng, thuận lợi và minh bạch hơn nữa để huy động tối đa nguồn vốn đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài; góp phần thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Hai là, tạo bước chuyển biến mới về cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện hoạt động đầu tư gắn liền với việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu qủa công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư ; góp phần tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để các nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư với thủ tục đơn giản hơn và chi phí thấp hơn.

Ba là, bổ sung, hoàn thiện cơ chế khuyến khích và bảo hộ đầu tư phù hợp với cam kết của Việt Nam về mở cửa thị trường và tự do hóa đầu tư theo các điều ước quốc tế đã và sẽ thỏa thuận trong thời gian tới.

Bốn là, những nội dung của Luật phải bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các luật liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh, đồng thời kế thừa, tiếp tục phát triển và hoàn thiện những quy định thông thoáng của Luật Đầu tư hiện hành còn phù hợp với thực tế.

2. Quan điểm sửa đổi

- Đảm bảo kế thừa, tiếp tục phát triển và hoàn thiện những quy định thông thoáng của Luật còn phù hợp với thực tế và đã có tác động tích cực đối với môi trường đầu tư, đồng thời xem xét sửa đổi, bổ sung những quy định đã phát sinh hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đặc biệt là các quy định về điều kiện, thủ tục đầu tư, triển khai dự án đầu tư và công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư.

- Đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật về đầu tư theo hướng phân định rõ mối quan hệ và nguyên tắc áp dụng Luật Đầu tư, các luật liên quan và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

- Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư, nhưng phải đảm bảo thực hiện có hiệu qủa công tác quản lý nhà nước, tăng cường chế độ kiểm tra, giám sát và phối hợp giữa các cơ quan quản lý ở trung ương và địa phương.

- Đảm bảo thực hiện cam kết mở cửa thị trường và tự do hóa đầu tư theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

III. BỐ CỤC

Luật Đầu tư năm 2014 bao gồm 07 chương, 76 điều (so với Luật Đầu tư năm 2005, Luật Đầu tư năm 2014 giảm 03 chương, trong đó bãi bỏ toàn bộ Chương VII về đầu tư kinh doanh vốn nhà nước, đồng thời sửa đổi căn bản các nội dung về thủ tục thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam và hoạt động đầu tư ra nước ngoài), cụ thể như sau:

- Chương I: Những quy định chung, gồm 08 điều (từ Điều 1 đến Điều 8). Chương này quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; Áp dụng Luật đầu tư, các luật có liên quan và điều ước quốc tế; Chính sách về đầu tư kinh doanh; Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện;

- Chương II: Bảo đảm đầu tư, gồm 06 điều (từ Điều 9 đến Điều 14). Chương này quy định về các biện pháp bảo đảm đầu tư của Nhà nước Việt Nam đối với nhà đầu tư.

- Chương III: Ưu đãi và hỗ trợ đầu tư, gồm 02 mục và 07 điều (từ Điều 15 đến Điều 21). Cụ thể:

+ Mục 1: Ưu đãi đầu tư từ Điều 15 đến Điều 18, quy định về: Hình thức và đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư, Ngành, nghề ưu đãi đầu tư và địa bàn ưu đãi đầu tư, thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư, mở rộng ưu đãi đầu tư


+ Mục 2: Hỗ trợ đầu tư từ Điều 19 đến Điều 21, quy định về: Hình thức hỗ trợ đầu tư, Hỗ trợ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, Phát triển nhà ở và công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động trong khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế


- Chương IV: Hoạt động đầu tư tại Việt Nam, gồm 04 mục với 29 điều (từ Điều 22 đến Điều 50), cụ thể như sau:

+ Mục 1. Hình thức đầu tư từ Điều 22 đến Điều 29 quy định về các hình thức đầu tư: Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; thực hiện hoạt động đầu tư của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế; hình thức và điều kiện góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế; thủ tục đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp; đầu tư theo hình thức hợp đồng PPP; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC;


+ Mục 2. Thủ tục quyết định chủ trương đầu tư từ Điều 30 và Điều 35 quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội; thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ; thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; hồ sơ, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; hồ sơ, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ; hồ sơ, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội;

+ Mục 3. Thủ tục cấp, điều chỉnh và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư từ Điều 36 đến Điều 41 quy định về trường hợp thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; thẩm quyền cấp, điều chỉnh và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;

+ Mục 4. Triển khai dự án đầu tư từ Điều 42 đến Điều 50 quy định về bảo đảm thực hiện dự án đầu tư, thời hạn hoạt động của dự án đầu tư; giám định máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ; chuyển nhượng dự án đầu tư; giãn tiến độ đầu tư; tạm ngừng, ngừng hoạt động của dự án đầu tư; chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư; thành lập văn phòng điều hành của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng BCC; chấm dứt hoạt động văn phòng điều hành của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng BCC;


- Chương V: Hoạt động đầu tư ra nước ngoài, gồm 04 mục và 16 điều (từ Điều 51 đến Điều 66). Cụ thể:

+ Mục 1. Quy định chung bao gồm 03 Điều từ Điều 51 đến Điều 53, quy định về: Nguyên tắc thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài; hình thức đầu tư ra nước ngoài; nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài

+ Mục 2. Thủ tục quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài gồm 03 điều từ Điều 54 đến Điều 56, quy định cụ thể về: Thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài; hồ sơ, trình tự, thủ tục Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài ; hồ sơ, trình tự, thủ tục Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài

+ Mục 3. Thủ tục cấp, điều chỉnh và chấm dứt hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài gồm 06 điều, từ Điều 57 đến Điều 62, quy định cụ thể về: nước ngoài; thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài; nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài; điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài; chấm dứt dự án đầu tư ra nước ngoài;

+ Mục 4. Triển khai hoạt động đầu tư ra nước ngoài gồm 04 điều từ Điều 63 đến Điều 66, quy định về: Mở tài khoản vốn đầu tư ra nước ngoài; chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài; chuyển lợi nhuận về nước; sử dụng lợi nhuận để đầu tư ở nước ngoài

Chương VI: Quản lý nhà nước về đầu tư, gồm 6 điều (từ Điều 67 đến Điều 72). Chương này quy định về trách nhiệm của cơ quan Nhà nước với hoạt động đầu tư cụ thể: nội dung quản lý nhà nước về đầu tư; trách nhiệm quản lý nhà nước về đầu tư; giám sát, đánh giá đầu tư; hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư; chế độ báo cáo hoạt động đầu tư tại Việt Nam; chế độ báo cáo hoạt động đầu tư ở nước ngoài.

- Chương VII: Tổ chức thực hiện, gồm 04 điều (Điều 73 và Điều 76) quy định về xử lý vi phạm, điều khoản chuyển tiếp và hiệu lực thi hành của Luật.

III. NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT

1. Phạm vi điều chỉnh và nguyên tắc áp dụng pháp luật đầu tư

Luật Đầu tư đã xác định rõ mối quan hệ cũng như nguyên tắc áp dụng Luật Đầu tư và các luật liên quan. Theo Điều 4 Luật Đầu tư năm 2014: Hoạt động đầu tư kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam phải tuân thủ quy định của Luật này và luật khác có liên quan. Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật này và luật khác về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, trình tự, thủ tục đầu tư thì thực hiện theo quy định của Luật này, trừ trình tự, thủ tục đầu tư kinh doanh theo quy định tại Luật chứng khoán, Luật các tổ chức tín dụng, Luật kinh doanh bảo hiểm và Luật dầu khí.”

Như vậy, theo quy định nêu trên, các hoạt động đầu tư chứng khoán, đầu tư thành lập tổ chức tín dụng, bảo hiểm thực hiện theo quy định tương ứng của Luật chứng khoán, Luật các tổ chức tín dụng, Luật kinh doanh bảo hiểm, Luật dầu khí. Những vấn đề chưa được quy định trong các Luật nêu trên thì áp dụng theo quy định chung của Luật Đầu tư (như chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, bảo đảm đầu tư...).

Bên cạnh đó, những nội dung cụ thể của Luật Đầu tư năm 2014 đã phân định rõ mối quan hệ giữa Luật Đầu tư với các luật liên quan khác nhằm đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật; cụ thể là:

- Trong quan hệ với Luật Đầu tư công và Luật quản lý, sử dụng vốn đầu tư của nhà nước vào hoạt động sản xuất kinh doanh: Luật Đầu tư không điều chỉnh quá trình lập, phê duyệt kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công, đồng thời cũng không quy định nguyên tắc, thẩm quyền và thủ tục quyết định thực hiện dự án sử dụng vốn nhà nước vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, đối với dự án sử dụng vốn nhà nước để thực hiện các hình thức đầu tư quy định tại Luật Đầu tư, thì sau khi kế hoạch và chủ trương thực hiện dự án đã được quyết định theo quy định tại 02 Luật nêu trên, nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục đầu tư theo Luật Đầu tư và được hưởng ưu đãi, bảo đảm đầu tư theo quy định của Luật này.

- Trong quan hệ với Luật Doanh nghiệp: Luật Đầu tư quy định về lĩnh vực, điều kiện, hình thức đầu tư, thủ tục thực hiện hoạt động đầu tư của tất cả các doanh nghiệp, trong khi Luật Doanh nghiệp quy định về quyền thành lập, hoạt động và tổ chức quản lý doanh nghiệp của các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế, không phân biệt hình thức sở hữu.



- Trong quan hệ với các luật về thuế: Luật Đầu tư quy định lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư và nguyên tắc áp dụng ưu đãi đầu tư, còn mức ưu đãi cụ thể được quy định trong pháp luật thuế và pháp luật có liên quan.

- Trong quan hệ với Luật Xây dựng: Luật Đầu tư điều chỉnh toàn bộ quá trình thực hiện dự án đầu tư, kể cả dự án đầu tư có công trình xây dựng. Tuy nhiên, việc lập quy hoạch xây dựng, khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát thi công xây dựng công trình và quản lý xây dựng công trình phải thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng.

- Trong quan hệ với Luật Đất đai: Các quy định của Luật Đầu tư liên quan đến điều kiện sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất... đã được thiết kế phù hợp với quy định tương ứng của Luật Đất đai năm 2013.

2. Những quy định chung

Luật Đầu tư đã chuẩn xác lại khái niệm đầu tư, dự án đầu tư, dự án đầu tư mới, dự án đầu tư mở rộng và các khái niệm về khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, trên cơ sở luật hóa quy định tương ứng trong các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật, đồng thời bãi bỏ một số khái niệm không còn thích hợp, trùng lặp với quy định của luật khác hoặc không cần thiết để điều chỉnh một số nội dung của Luật (như khái niệm vốn nhà nước, chủ đầu tư, đầu tư trong nước, đầu tư nước ngoài, đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp...).

Mặt khác, nhằm tạo cơ sở pháp lý áp dụng điều kiện đầu tư và thủ tục đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài, Luật đã sửa đổi khái niệm nhà đầu tư nước ngoài (Khoản 13 Điều 3) theo hướng thiết kế quy định này trên cơ sở quốc tịch, nơi đăng ký thành lập của cá nhân, tổ chức nước ngoài cũng như tỷ lệ sở hữu, mức độ tham gia quản lý của tổ chức, cá nhân nước ngoài trong tổ chức kinh tế đã thành lập tại Việt Nam.

Nhằm hoàn thiện chính sách đầu tư theo hình thức đối tác công- tư (PPP) phù hợp với thông lệ quốc tế, Luật Đầu tư năm 2014 thay thế khái niệm về hợp đồng BOT, hợp đồng BTO, hợp đồng BT bằng khái niệm chung nhất về hợp đồng đầu tư theo hình thức PPP. Theo đó, hợp đồng PPP gồm hợp đồng BOT, BTO, BT, và các hình thức hợp đồng khác được ký kết giữa Cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư.

3. Bảo đảm đầu tư

Những quy định về bảo đảm đầu tư theo Luật Đầu tư hiện hành được các nhà đầu tư đánh giá về cơ bản phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như các cam kết quốc tế về đầu tư của Việt Nam tại thời điểm ban hành Luật Đầu tư. Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện chính sách bảo đảm đầu tư phù hợp với cam kết quốc tế về bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã thỏa thuận trong thời gian qua, Bên cạnh những biện pháp bảo hộ cơ bản như Bảo đảm quyền sở hữu tài sản của nhà đầu tư (Điều 9), Bảo đảm chuyển tài sản của nhà đầu tư nước ngoài ra nước ngoài (Điều 11), Bảo đảm giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh (Điều 14), Luật Đầu tư đã quy định một số nội mới cụ thể như sau:

- Bổ sung cam kết của nhà nước trong việc đối xử không phân biệt giữa các nhà đầu tư nước ngoài (nguyên tắc đối xử tối huệ quốc) phù hợp với điều kiện và lộ trình quy định tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (Khoản 1 Điều 10). Quy định này nhằm cụ thể hóa cam kết của Việt Nam về đối xử tối huệ quốc theo các Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư.

- Bổ sung nguyên tắc không hồi tố về điều kiện đầu tư trong trường hợp pháp luật, chính sách thay đổi làm ảnh hưởng bất lợi đến điều kiện đầu tư đã được quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (Khoản 1 Điều 13). Việc bổ sung quy định này nhằm bảo đảm để Việt Nam thực hiện đầy đủ cam kết trong WTO về việc không hồi tố các điều kiện đầu tư (phạm vi hoạt động, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài).

Nguyên tắc không hồi tố là biện pháp bảo đảm đầu tư quan trọng, góp phần tạo môi trường đầu tư an toàn, tin cậy cho nhà đầu tư, nhất là trong bối cảnh hệ thống pháp luật đầu tư đang trong quá trình hoàn thiện, có nhiều thay đổi gây xáo trộn hoạt động đầu tư của nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc thực hiện nguyên tắc này có liên quan đến thẩm quyền ban hành, điều chỉnh pháp luật. Do vậy, để bảo đảm tính khả thi của Luật và có thời gian hoàn thiện quy định về vấn đề này trên cơ sở tổng kết, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện, Luật Đầu tư năm 2014 giao Chính phủ quy định chi tiết điều kiện, thủ tục thực hiện.

Ngoài ra, để phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như cam kết của Việt Nam theo các Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Điều 14 Luật Đầu tư năm 2014 đã bổ sung Khoản 4 về giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư. Theo đó, việc giải quyết tranh chấp giữa cơ quan nhà nước và nhà đầu tư thông qua trọng tài chỉ được thực hiện trong trường hợp có thỏa thuận trọng tài theo hợp đồng giữa các bên tranh chấp hoặc theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

4. Ưu đãi và hỗ trợ đầu tư

4.1. Các quy định về ưu đãi đầu tư

Trên cơ sở kế thừa quy định của Luật Đầu tư năm 2005, Luật Đầu tư năm 2014 khẳng định nguyên tắc nhà đầu tư được hưởng ưu đãi đầu tư khi có dự án đầu tư thuộc lĩnh vực và địa bàn ưu đãi đầu tư và ưu đãi này được áp dụng cho cả dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng (Điều 15).

Luật Đầu tư năm 2014 đã quy định thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư theo cơ chế nhà đầu tư căn cứ vào các ưu đãi và điều kiện hưởng ưu đãi đầu tư quy định tại Luật này để tự xác định ưu đãi và làm thủ tục hưởng ưu đãi đầu tư tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp nhà đầu tư có yêu cầu xác nhận ưu đãi đầu tư thì thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư để được ghi ưu đãi đầu tư tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (Điều 17).

Hình thức ưu đãi đầu tư tập trung vào ưu đãi về thuế và đất đai:

- Áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường có thời hạn hoặc toàn bộ thời gian thực hiện dự án đầu tư; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp;

- Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện để thực hiện dự án đầu tư;

- Miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất.

Về Danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu (Điều 16)

Luật Đầu tư đã hoàn thiện các quy định về lĩnh vực ưu đãi đầu tư theo hướng tiếp tục khuyến khích các dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, khoáng sản, đất đai, v.v.. Nhằm đảm bảo tính khả thi, minh bạch và đồng bộ giữa quy định của Luật này với quy định của pháp luật liên quan, Luật Đầu tư năm 2014 đã làm rõ tiêu chí xác định một số dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư chưa được quy định cụ thể trong Luật hiện hành, như: dự án sử dụng công nghệ cao, kỹ thuật hiện đại, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển kết cấu hạ tầng, v.v..

Về địa bàn ưu đãi đầu tư: Luật Đầu tư năm 2014 kế thừa những quy định của Luật Đầu tư năm 2005 khi quy định địa bàn đầu tư bao gồm:

- Địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

- Khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.



4.2. Các quy định về hỗ trợ đầu tư (các Điều 19-21)

Luật Đầu tư năm 2014 tiếp tục duy trì các hình thức hỗ trợ đầu tư đã được quy định trong Luật Đầu tư năm 2005 (như hỗ trợ chuyển giao công nghệ, đào tạo, dịch vụ đầu tư, v.v..), đồng thời hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế theo hướng:

- Xác định rõ các điều kiện, tiêu chí hỗ trợ một phần vốn ngân sách và nguồn vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong và ngoài hàng rào KCN, KCX, KKT tại một số địa phương có địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn hoặc địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

- Tạo cơ chế hỗ trợ phát triển nhà ở và công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động trong KCN, KCX, KKT theo hướng yêu cầu các địa phương có KCN, KCX, KKT phải xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà ở, công trình dịch vụ và tiện ích công cộng cho người lao động. Đối với các KCN, KCX gặp khó khăn trong bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở cho người lao động, cơ quan có thẩm quyền quyết định việc dành một phần diện tích đất để phát triển nhà ở và công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động.



5. Hình thức đầu tư

5.1. Về đầu tư theo hình thức thành lập tổ chức kinh tế (Khoản 1 Điều 22)

Nhằm xóa bỏ một số hạn chế, phân biệt đối xử đối với nhà đầu tư nước ngoài trong việc thành lập doanh nghiệp và thực hiện hoạt động đầu tư, góp phần tạo mặt bằng pháp lý thống nhất về quyền thực hiện hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, Luật Đầu tư năm 2014 đã quy định một số nội dung sau:

Nhà đầu tư trong nước và nước ngoài được thành lập tổ chức kinh tế phù hợp với tất cả loại hình tổ chức kinh tế. . Trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (Khoản 1 Điều 22).

Nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu vốn điều lệ với mức không hạn chế trong doanh nghiệp Việt Nam, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác (Khoản 3 Điều). Như vậy, theo các quy định nêu trên, trừ một số hạn chế về tỷ lệ vốn góp và phạm vi hoạt động theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài đã được đối xử bình đẳng với nhà đầu tư trong nước về quyền thực hiện hoạt động đầu tư.



5.2. Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua lại phần vốn góp, cổ phần của doanh nghiệp (Điều 25, Điều 26)

Luật Đầu tư năm 2014 sửa đổi bổ sung quy định về vấn đề này theo hướng khẳng định quyền của nhà đầu tư trong việc góp vốn, mua lại phần vốn góp, mua cổ phần của doanh nghiệp phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp và trên cơ sở đáp ứng các điều kiện, thủ tục được quy định cụ thể tại Luật này. Doanh nghiệp nhận vốn góp hoặc bán cổ phần, phần vốn góp cho nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.

Luật Đầu tư năm 2014 cũng quy định cụ thể trường hợp phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế, cụ thể:

- Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài;

- Việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên 51%, nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên của tổ chức kinh tế.

5.3. Đầu tư theo hình thức hợp đồng PPP

Luật Đầu tư năm 2014 bổ sung quy định về đầu tư theo hình thức Hợp đồng PPP phù hợp với chủ trương thu hút các nguồn vốn đầu tư tư nhân để phát triển các công trình kết cấu hạ tầng hoặc cung cấp dịch vụ công (Điều 27). Theo đó, nhà đầu tư ký kết Hợp đồng PPP với Cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp, mở rộng, quản lý và vận hành công trình kết cấu hạ tầng hoặc cung cấp dịch vụ công.



5.4. Đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh BCC

Luật Đầu tư năm 2014 kế thừa những quy định của Luật Đầu tư năm 2005 về hình thức đầu tư theo hợp đồng hợp tác kinh doanh BCC. Hợp đồng BCC được ký kết giữa các nhà đầu tư trong nước thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự. Hợp đồng BCC được ký kết giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài hoặc giữa các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Các bên tham gia hợp đồng BCC thành lập ban điều phối để thực hiện hợp đồng BCC. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban điều phối do các bên thỏa thuận.

6. Thủ tục và triển khai đầu tư

6.1. Thủ tục quyết định chủ trương đầu tư (Mục 2- Chương IV)

Luật Đầu tư năm 2014 đã quy định cụ thể về phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Theo đó:



Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư sau đây:

- Dự án ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, bao gồm: Nhà máy điện hạt nhân; Chuyển mục đích sử dụng đất vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan, khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học từ 50 héc ta trở lên; rừng phòng hộ đầu nguồn từ 50 héc ta trở lên; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng, lấn biển, bảo vệ môi trường từ 500 héc ta trở lên; rừng sản xuất từ 1.000 héc ta trở lên;

- Sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với quy mô từ 500 héc ta trở lên;

- Di dân tái định cư từ 20.000 người trở lên ở miền núi, từ 50.000 người trở lên ở các vùng khác;

- Dự án có yêu cầu phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.

Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án sau đây:

- Dự án không phân biệt nguồn vốn thuộc một trong các trường hợp sau: Di dân tái định cư từ 10.000 người trở lên ở miền núi, từ 20.000 người trở lên ở vùng khác; Xây dựng và kinh doanh cảng hàng không; vận tải hàng không; Xây dựng và kinh doanh cảng biển quốc gia; Thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí; Hoạt động kinh doanh cá cược, đặt cược, casino; Sản xuất thuốc lá điếu; Phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu chức năng trong khu kinh tế; Xây dựng và kinh doanh sân gôn;

- Dự án không thuộc trường hợp trên có quy mô vốn đầu tư từ 5.000 tỷ đồng trở lên;

- Dự án của nhà đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực kinh doanh vận tải biển, kinh doanh dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng, trồng rừng, xuất bản, báo chí, thành lập tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khoa học và công nghệ 100% vốn nước ngoài;



Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án sau đây:

- Dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu hoặc nhận chuyển nhượng; dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất;

- Dự án có sử dụng công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ.

- Dự án đầu tư như trên thực hiện tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt không phải trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư.

Luật Đầu tư năm 2014 quy định cụ thể và chi tiết thủ tục và quy trình xin quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội (Điều 35), Thủ tướng Chính phủ (Điều 34), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (Điều 33)

6.2. Thủ tục cấp, điều chỉnh và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư

Luật Đầu tư năm 2014 đã loại bỏ nghĩa vụ thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với nhà đầu tư trong nước, theo đó các trường hợp phải thực hiện dự án đầu tư bao gồm:

- Dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài;

- Dự án của nhà đầu tư có vốn nước ngoài mà nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh; Có tổ chức kinh tế như trên nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên; Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế như trên nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên.

Luật Đầu tư năm 2014 quy định thẩm quyền thực hiện thủ tục đầu tư:

- Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế tiếp nhận, cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận, cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, thay thế thẩm quyền quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định của Luật Đầu tư năm 2005.

6.3. Triển khai dự án đầu tư

Luật Đầu tư năm 2014 quy định cụ thể về việc thực hiện triển khai dự án đầu tư bao gồm:


Bảo đảm thực hiện dự án đầu tư, nà đầu tư phải ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất với mức 1% đến 3% vốn đầu tư của dự án căn cứ vào quy mô, tính chất và tiến độ thực hiện của từng dự án cụ thể.

Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư, thời hạn hoạt động của dự án đầu tư trong khu kinh tế không quá 70 năm, thời hạn hoạt động của dự án đầu tư ngoài khu kinh tế không quá 50 năm. Dự án đầu tư thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc dự án có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm thì thời hạn dài hơn nhưng không quá 70 năm.

Giám định máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ, nhà đầu tư chịu trách nhiệm bảo đảm chất lượng máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ để thực hiện dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.

Chuyển nhượng dự án đầu tư, nhà đầu tư có quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư cho nhà đầu tư khác khi đáp ứng các điều kiện theo quy định pháp luật

Giãn tiến độ đầu tư, đối với dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư, nhà đầu tư phải đề xuất bằng văn bản cho cơ quan đăng ký đầu tư khi giãn tiến độ thực hiện vốn đầu tư, tiến độ xây dựng và đưa công trình chính vào hoạt động (nếu có); tiến độ thực hiện các mục tiêu hoạt động của dự án đầu tư.

Tạm ngừng, ngừng hoạt động của dự án đầu tư, nhà đầu tư tạm ngừng hoạt động của dự án đầu tư phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký đầu tư. Trường hợp tạm ngừng hoạt động của dự án đầu tư do bất khả kháng thì nhà đầu tư được miễn tiền thuê đất trong thời gian tạm ngừng hoạt động để khắc phục hậu quả do bất khả kháng gây ra.

Chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư, dự án đầu tư bị chấm dứt hoạt động trong các trường hợp sau đây: Nhà đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động của dự án;Theo các điều kiện chấm dứt hoạt động được quy định trong hợp đồng, điều lệ doanh nghiệp; Hết thời hạn hoạt động của dự án đầu tư và một số trường hợp khác quy định tại Điều 48


Thành lập văn phòng điều hành của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng BCC, nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng BCC được thành lập văn phòng điều hành tại Việt Nam để thực hiện hợp đồng. Địa điểm văn phòng điều hành do nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng BCC quyết định theo yêu cầu thực hiện hợp đồng.

7. Quy định về hoạt động đầu tư ra nước ngoài

Để xác định rõ mục tiêu quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài, đồng thời tạo cơ sở pháp lý nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện công tác này. Luật Đầu tư năm 2014 khẳng định nguyên tắc nhà đầu tư được thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài nhằm khai thác, phát triển, mở rộng thị trường, tăng năng lực xuất khẩu, thu ngoại tệ và góp phần bảo đảm an ninh năng lượng. Căn cứ định hướng phát triển kinh tế, xã hội và chính sách quản lý ngoại hối trong từng thời kỳ, Chính phủ ban hành Danh mục lĩnh vực cấm đầu tư và Danh mục lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài có điều kiện (Điều 51). Quy định về hoạt động đầu tư ra nước ngoài là một điểm sáng lớn trong Luật Đầu tư năm 2014.



Luật Đầu tư năm 2014 quy định những hình thức đầu tư ra nước ngoài:

- Thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư;

- Thực hiện hợp đồng BCC ở nước ngoài;

- Mua lại một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của tổ chức kinh tế ở nước ngoài để tham gia quản lý và thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại nước ngoài;

- Mua, bán chứng khoán, giấy tờ có giá khác hoặc đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài;

- Các hình thức đầu tư khác theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư.

Luật Đầu tư năm 2014 đã quy định cụ thể về thẩm quyên, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư có thẩm quyền cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài trong thời hạn 05 ngày đối với dự án phỉ xin chủ trương đầu tư và 15 ngày đối với dự án không phải xin chủ trương đầu tư.

Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài bao gồm:

- Hoạt động đầu tư ra nước ngoài phù hợp với nguyên tắc quy định của pháp luật đầu tư;

- Hoạt động đầu tư ra nước ngoài không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh;

- Nhà đầu tư có cam kết tự thu xếp ngoại tệ hoặc được tổ chức tín dụng được phép cam kết thu xếp ngoại tệ để thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài; trường hợp khoản vốn bằng ngoại tệ chuyển ra nước ngoài tương đương 20 tỷ đồng trở lên và không thuộc dự án quy định phải xin chủ trương đầu tư thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

- Có quyết định đầu tư ra nước ngoài;

- Có văn bản của cơ quan thuế xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của nhà đầu tư tính đến thời điểm nộp hồ sơ dự án đầu tư.

Luật Đầu tư năm 2014 đã bổ sung những quy định chi tiết về triển khai dự án đầu tư ra nước ngoài: Mở tài khoản vốn đầu tư ra nước ngoài; chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài; chuyển lợi nhuận về nước; sử dụng lợi nhuận để đầu tư ở nước ngoài

8. Quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư

Bên cạnh việc sửa đổi, bổ sung một số điều khoản về thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và triển khai hoạt động của dự án đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của dự án cũng như công tác quản lý nhà nước về vấn đề này, Dự Luật Đầu tư năm 2014 đã bổ sung một số nội dung quản lý nhà nước, gồm: cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tổng hợp, báo cáo hoạt động đầu tư, quản lý nhà nước về khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, quản lý hoạt động xúc tiến đầu tư.

Căn cứ các quy định nêu trên của Luật, Chính phủ sẽ quy định chi tiết nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ, ngành, UBND và Ban quản lý KCN cấp tỉnh cũng như cơ chế phân cấp, phối hợp trong hoạt động quản lý nhà nước giữa các cơ quan này từ công tác xây dựng cơ chế, chính sách, xúc tiến đầu tư đến cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quản lý hoạt động đầu tư.

Luật Đầu tư năm 2014 đã quy định thêm một số công cụ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư, cụ thể:


Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư bao gồm: Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư trong nước; Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng và vận hành Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư; đánh giá việc vận hành hệ thống của cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư ở trung ương và địa phương. Cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư và nhà đầu tư có trách nhiệm cập nhật đầy đủ, kịp thời, chính xác các thông tin liên quan vào Hệ thống thống tin quốc gia về đầu tư. Thông tin về dự án đầu tư lưu trữ tại Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư có giá trị pháp lý là thông tin gốc về dự án đầu tư.

Chế độ báo cáo hoạt động đầu tư bao gồm đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, trong đó đối tượng thực hiện chế độ báo cáo là Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; cơ quan đăng ký đầu tư; nhà đầu tư, tổ chức kinh tế thực hiện dự án đầu tư theo quy định của pháp luật. Báo cáo thực hiện định kỳ hoặc bất thường.


9. Tổ chức thực hiện

Để duy trì ổn định hoạt động của dự án đầu tư, doanh nghiệp đã hoạt động trước thời điểm Luật Đầu tư năm 2014 có hiệu lực, Luật Đầu tư năm 2014 quy định:

- Nhà đầu tư đã được cấp Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư trước ngày Luật Đầu tư năm 2014 có hiệu lực thi hành được thực hiện dự án đầu tư theo Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp. Trường hợp có yêu cầu, cơ quan đăng ký đầu tư cấp đổi sang Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư.

- Nhà đầu tư đã thực hiện dự án đầu tư trước ngày Luật Đầu tư năm 2014 có hiệu lực thuộc trường hợp phải cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc thuộc diện phải quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật này thì không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư. Trường hợp có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư thực hiện thủ tục theo quy định tại pháp luật.



IV. VỀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

  1. Xây dựng văn bản triển khai, hướng dẫn thi hành Luật

Theo Quyết định số 1725/QĐ-TTg ngày 08/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo các Nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh, quy định Bộ trưởng các Bộ được phân công chủ trì soạn thảo phải trực tiếp chỉ đạo, ưu tiên tập trung bố trí đủ nhân lực và kinh phí cho việc nghiên cứu, soạn thảo, chủ động phối hp vi các Bộ, cơ quan có liên quan trong xây dựng các Nghị định, bảo đảm chất lượng và tiến độ trình Chính phủ, cụ thể gồm các văn bản sau:

- Nghị định thay thếNghị định số72/2009/NĐ-CP ngày 03/9/2009 của Chính phủ quy định về điều kiện an ninh, trật tự đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện

- Nghị định về điều kiện kinh doanh dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải

- Nghị định sửa đổi, bổsung Nghị định số25/2011/NĐ-CP ngày 06/4/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông

- Nghị định quy định chi tiết về kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thông tin

- Nghị định sửa đổi, bổsung Nghị định số56/2008/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của Ngân hàng mô và trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người

- Nghị định quy định về cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám, chữa bệnh

- Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh dược

Bên cạnh đó tiếp tục nghiên cứu, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để xây dựng văn bản quy định chi tiết Luật Đầu tư năm 2014 bao gồm những nội dung cơ bản:

- Xây dựng, quản lý và vận hành Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư.

- Cấp, điều chỉnh và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại Luật này.

- Quản lý nhà nước về khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế.

- Tổ chức và thực hiện hoạt động xúc tiến đầu tư.

- Kiểm tra, thanh tra và giám sát hoạt động đầu tư; quản lý và phối hợp quản lý hoạt động đầu tư.

- Hướng dẫn, hỗ trợ, giải quyết vướng mắc, yêu cầu của nhà đầu tư trong thực hiện hoạt động đầu tư; giải quyết khiếu nại, tố cáo, khen thưởng và xử lý vi phạm trong hoạt động đầu tư.

Bên cạnh đó cần thực hiện việc ban hành, phổ biến và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư; xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách về đầu tư tại Việt Nam và đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài; tổng hợp tình hình đầu tư, đánh giá tác động và hiệu quả kinh tế vĩ mô của hoạt động đầu tư.

2, Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nội dung, tinh thần của Luật trên Báo, Trang thông tin điện tử của và các phương tiện thông tin đại chúng khác bằng các hình thức thích hợp.

- Lựa chọn vấn đề pháp luật cần tập trung tuyên truyền cho các đối tượng:

+ Đối với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền: tập trung tuyền truyền về trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc tạo môi trường đầu tư lành mạnh, tránh nhiệm trong quản lý nhà nước về đầu tư đặc biệt là vấn đề cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư nhằm giảm thiểu thời gian gia nhập thị trường của nhà đầu tư.



+ Đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp: dự kiến tập trung tuyên truyền về biện pháp bảo đảm, ưu đãi và hỗ trợ đầu tư để nhà đầu tư nắm được những quyền lợi cơ bản của nhà đầu tư. Bên cạnh đó cũng tuyên truyền liên quan đến thủ tục đầu tư để nhà đầu tư nắm bắt và thực hiện đúng theo hướng dẫn nhằm giảm thời giản thực hiện thủ tục hành chính tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, qua đó nhà đầu tư tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền bạc, sớm triển khai được dự định đầu tư.


Каталог: Hnh%20nh%20bn%20tin -> 2016-3
Hnh%20nh%20bn%20tin -> Biểu số: 22a/btp/cn-tn
Hnh%20nh%20bn%20tin -> Ủy ban nhân dân thành phố HỒ chí minh cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
Hnh%20nh%20bn%20tin -> Biểu số: 11a/btp/pbgdpl/hgcs
Hnh%20nh%20bn%20tin -> Biểu số: 09a/btp/pbgdpl
2016-3 -> Của Sở Quy hoạch – Kiến trúc được chuẩn hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh chủ TỊch ủy ban nhân dân thành phố HỒ chí minh
2016-3 -> VĂn phòng số: 134/vphđbcqg -pl v/v tiếp tục triển khai các công việc chuẩn bị tổ chức bầu cử CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
2016-3 -> + Thời gian kiểm tra: 8 giờ 45 phút đến 9 giờ 30 phút
2016-3 -> Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002
2016-3 -> + Thời gian kiểm tra: 8 giờ 45 phút đến 9 giờ 30 phút
2016-3 -> Ủy ban mặt trận tổ quốc quậN 8 LỊch công tác tuầN

tải về 141.77 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương