UỐng rưỢu mà không say nào hay ( Phần 1 )



tải về 103.01 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu29.07.2016
Kích103.01 Kb.
#9502
UỐNG RƯỢU MÀ KHÔNG SAY NÀO HAY
( Phần 1 )


               Giới nhậu bình dân lưu truyền câu thơ trào phúng lộng ngôn nhại lại ca dao :

                            “Trăm năm bia đá cũng mòn



                       Ngàn năm bia rượu vẫn còn trơ trơ “
               Vậy sức hấp dẫn của rượu đã có từ thế kỷ nào, và thời đó người ta thưởng thức nó ra sao, bởi lẽ thế trước tiên ta thử dò dẫm kiếm tìm tài liệu về vấn đề ai đã phát minh ra thức uống có cồn ở xứ sở mình, hoặc du nhập vào nước mình từ đâu, tất nhiên là không thể bỏ qua hướng tìm theo tài liệu cổ Trung Hoa, vì dẫu sao anh bạn láng giềng phương bắc cũng đô hộ VN ta cả ngàn năm, nên các tập quán, phong tục từ Hôn Quan Tang Tế Hỉ Nộ Ái Ố, nhất nhất sự kiện nào cũng có bóng dáng của men rượu, vì ảnh hưởng văn hóa ông hàng xóm đồ sộ qua nhiều thế kỷ, quả thật khó để kết luận rượu có từ bao giờ xuyên suốt chiều dài lịch sử của cả nhân loại, nên ngày nay theo sự truyền tụng trong dân gian Hán tộc thì người đầu tiên làm ra rượu tên là Đỗ Khang (杜康 ), ông được hậu thế gọi là “thần tửu“, nhưng trong nhiều sử sách Trung Hoa lại cho là Nghi Địch thời Đại Vũ chính là người tiên khởi làm ra rượu, Rượu Trung Hoa xuất hiện cách nay khoảng 7.000 năm, từ thời Thần Nông, ông vua cổ đại dạy dân nghề nông và trồng thảo dược, từ việc trồng ngũ cốc dần dà dẫn đến việc nấu rượu . Theo một thuyết khác, kỹ thuật nấu rượu bắt đầu từ đời nhà Hạ (khoảng từ 2100 TCN — đến  1600 TCN). Kế nữa, điểm qua truyện Tam Quốc , Tào Tháo (155—220)  từng nói: "Hà dĩ giải ưu, duy hữu Đỗ Khang." (何 以 解 憂 唯 有 杜康. Để giải ưu sầu, chỉ có Đỗ Khang, ý Tào Tháo ám chỉ Đỗ Khang là rượu) như vậy mặc nhiên tác giả La Quán Trung của bộ truyện Tam Quốc đã công nhận ông tổ nghề làm rượu chính là Đỗ Khang. Tuy thế nhưng sử liệu về rượu cũng còn mơ hồ và cũng không lấy gì làm tuyệt đối chính xác.
                Ngày nay xem tiểu thuyết dã sử của các vị con trời gồm Tam Quốc, Thủy Hử, Đông Chu Liệt Quốc ta thường gặp bao anh hùng hảo hán uống rượu như hũ chìm, ví dụ như Lưu Linh đời Tam Quốc được sách vở nhắc đến nhiều với tài uống rượu hàng trăm chén mà không say (Lưu Linh 劉伶: Người đời Tấn (210-270), quê đất Bái [nay thuộc Từ Châu, Giang Tô], tên chữ là Bá Luân 伯倫. Là một trong "Trúc Lâm thất hiền", sống vào thời cuối nhà Ngụy của Tào Tháo là Tào Phi và đời đầu nhà Tấn của Tư Mã Ý-Tư Mã Kim, Đời nhà Tấn có bảy người quan văn tài ba được triều đình phong cho là "trúc lâm thất hiền"  , đó là bẩy người hiền trong rừng trúc gồm: Nguyễn Tịch, Kê Khang, Lưu Linh, Sơn Đào, Hướng Tú, Vương Nhung , Nguyễn Hàm. Ông Hàm có làm bài Tửu đức tụng ca tụng đức tính của rượu, Ông làm quan ở nước Tấn đến chức Kiến-oai tướng-quân ), nào là Hảo hán Lỗ Trí Thâm (鲁智深 ) tu trì mà uống rượu ăn thịt chó như sấm, và nữa là Tống Giang (宋江 ) … còn các vị khác thì không kể xiết . Thế nên ở nước ta dân say xỉn uống rượu như uống nước lã quậy phá om xòm bát nhã, được người đời gán cho  là đệ tử Lưu Linh … vậy cũng oan cho Lưu Linh lắm lắm .

                Trong văn chương cổ thiên hạ hay dùng từ ngữ uống rượu để phá thành sầu, tức để xua tan nỗi buồn, song theo Lý Bạch 李白(701-762)  từng nói: "Trừu đao đoạn thủy, thủy cánh lưu; tương tửu tiêu sầu, sầu cánh sầu." ( 抽 刀 断 水 水 更 流 , 將 酒 澆 愁 愁 更 愁  Rút đao chém nước, nước càng chảy; lấy rượu giải sầu, sầu càng sầu). Chuyện vợ chồng ông thi sĩ Tô Ðông Pha 苏东坡, tên thật là Tô Thức( 苏轼8/1/1037–24/8/1101), ông cùng cha là Tô Tuân 蘇洵 (1009-1066) và em trai là Tô Triệt 蘇轍 (1039-1112 ) là ba trong tám vị được mệnh danh là Bát đại gia Đường Tống, vợ Tô Đông Pha là Vương Nhuận Chi (em họ của vợ đầu là Vương Phất 1040-1065)  nức tiếng là hiền đức cũng vì đã biết để dành 1 vò rượu ngon và đem ra cho đức ông chồng chiêu đãi bằng hữu trong tiết ngày đông rét mướt .

                   Còn Thi sĩ Vương Hàn 王翰 (687 – 726) người Tấn Dương, Tinh Châu, Sơn Tây sống vào thời thịnh Đường  có bài thơ ca tụng rượu Bồ Đào thật bất hủ:

                                                  Lương Châu từ

                                                        (凉州词)

                            Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi

                                    葡萄美酒夜光杯,

                           Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi

                                    欲飲琵琶馬上催。

                          Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu

                                    醉臥沙場君莫笑,

                            Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.

                                               古來征戰幾人回。

                  Dịchnghĩa: Bồ Đào rượu quý cốc pha lê




                                     Sắp uống, đàn ai dục ngựa đi



                                     Say chết sa trường, xin chớ hỏi



                                     Xưa nay chinh chiến mấy ai về

               Cái văn hóa Rượu  của người Trung hoa lồng lộng như thế của các thi tiên (Lý Bạch), thi thánh (Đỗ Phủ) bảo sao không thấm đượm sâu sắc vào thi văn của kẻ sĩ xứ ta, giờ xem sử liệu và thi ca nước nhà thì rượu cũng hiện diện khắp chốn, các thi nhân mặc khách đua nhau ca tụng men cay phần vì thiện cảm với rượu, phần thì đó là phong thái không thể chia lìa của cuộc hôn nhân bầu rượu túi thơ 
                 Như Nguyễn Du 阮攸 (1765–1820) trong truyện kiều :

                                    “Khi gió gác khi trăng sân,

                                    Bầu tiêu chuốc rượu cầu thần nối thơ….”
                 Hoặc

                                    “Mảng vui rượu sớm cờ trưa,

                                     Đào đà phai thắm sen vừa nẩy xanh.”
                Đoạn khác lại có câu:

                                    “Khi chén rượu khi cuộc cờ,

                                      Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên….”

                  Ai oán hơn:

                                    “Khi tỉnh rượu lúc tàn canh,

                                     Giật mình mình lại thương mình xót xa.”


                Trong Cung oán ngâm khúc của Ôn như hầu Nguyễn Gia Thiều (1741-1798)

                                     “Cờ tiên rượu thánh ai đang,

                                      Lưu Linh, Đế Thích là làng tri-âm.”
               Trong Bình Ngô Đại Cáo Nguyễn Trãi 阮廌 (1380–1442 ) cũng dùng rượu để thết đãi ba quân:

                 “Múa đầu gậy ngọn cờ phất phới, ngóng vân nghê bốn cõi đan hồ. Mở tiệc quân chén rượu ngọt ngào, khắp tướng sĩ một lòng phụ tử.”

                  Nữ sĩ Hồ xuân Hương 胡春香( Thế kỷ 18 ??? ) tình tự:

                                     “Canh khuya văng vẳng trống canh dồn.

                                      Trơ cái hồng nhan với nước non.

                                       Chén rượu hương đưa, say lại tỉnh,

                                       Vừng trăng bóng xế, khuyết chưa tròn.
               Thi sĩ Nguyễn Bính (1918–1966)  tâm sự tỉ tê:

                                     “Lòng đắng sá gì non hớp rượu

                                       Mà không uống cạn, mà không say?”

                                                               ***

                               “Đời say men rượu thơm hoa rụng

                                       Tràn những thơ ngây ngập cảm tình”

                                                                ***

                                      “ Chén rượu tha hương , trời … đắng lắm

                                       Trăm hờn nghìn giận một mùa đông”
                Còn Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn ( sinh khoảng 1710~1720 mất khoảng năm 1745 sống thời vua Lê chúa Trịnh )

                                         “Múa gươm rượu tiễn chưa tàn,

                                          Chỉ ngang ngọn giáo vào ngàn hang beo.”

                                         “Mượn hoa, mượn rượu giải buồn,

                                          Sầu làm rượu nhạt, muộn làm hoa ôi.”

                                         “Câu vui đổi với câu sầu,

                                          Rượu khà cùng kể trước sau mọi lời.”
                Tản Đà 傘沱 Nguyễn Khắc Hiếu ( 8-5-1888 ~ 17-6-1939 ) có bài thơ:

                                                         Rựơu & Thơ

                                         “Đời người như giấc chiêm bao

                                          Nghìn xưa đã mấy ai nào trăm năm?

                                           Một đoàn lao lực lao tâm,

                                          Quý chi chữ thọ mà lăm sống nhiều!  

                                          Có tiền chưa dễ mà tiêu,

                                          Ham danh lắm kẻ như diều đứt dây.

                                          Thương ai cho bận lòng đây

                                          Cho vơi hũ rượu, cho đầy túi thơ!

                                          Cảnh đời gió gió, mưa mưa,

                                          Buồn trông ta phải say sưa đỡ buồn!

                                          Rượu say, thơ lại khơi nguồn,

                                          Nên thơ, rượu cũng thêm ngon giọng tình.

                                          Rượu thơ mình lại với mình

                                          Khi say quên cả cái hình phù du.

                                          Trăm năm thơ túi rượu vò

                                          Nghìn năm thi sĩ tửu đồ là ai?


                 Hoặc vần thơ ảo não của Vũ Hoàng Chương (5-5 -1916  ~  6 – 9 -1976)

                                          “Em ơi lửa tắt bình khô rượu

                                            Đời vắng em rồi say với ai “
                 Hay cũng  nhiều mà dở cũng lắm , chính thế nên đơn cử một đoạn văn của Vua Trần Thái Tông 陳太宗 (17-7-1218 ~ 4-5-1277 ) nói về tệ nạn lạm dụng rượu, đủ thấy chuyện này đã làm đau đầu các nhà lãnh đạo quốc gia không ít :

                 “Kẻ thèm say thì đức hạnh kém suy; kẻ uống rượu thì nói năng lầm lỡ. Khí xông nát dạ, vị ngấm hư lòng, rối loạn tinh thần, hôn mê tâm tính. Mẹ cha không nhìn, điều ác luôn phạm. Hoặc điếm chợ huyên thuyên, hay ngõ đường lảo đảo. Chửi trời mắng đất, chê Phật, gièm tăng. Miệng lảm nhảm hát ca, thân lõa lồ nhảy múa… Há riêng kẻ phong lưu nên tránh, ngay cả người thông đạt cần phòng. Biết bao kẻ trên đời rạng rỡ, đều chìm trong chén rượu đảo điên.”


UỐNG RƯỢU MÀ KHÔNG SAY NÀO HAY

( phần 2 )

               Dẫu gì thì ngày xa xưa đó các thi nhân có ca tụng rượu đến thế nào chăng nữa cũng không có gì đáng chê trách, vì nhà thơ chỉ mượn rượu làm thú tiêu dao, đồng thời  tìm cảm hứng sáng tác để lại cho đời những áng văn thơ bất hủ đến muôn năm sau … 

                Trên kia là nguyên nhân xa để con người tiếp cận cùng rượu, còn nguyên nhân gần ngày nay chúng ta thử tìm ngọn nguồn vì sao xã hội ngập ngụa trong men bia rượu, chẳng kể cá biệt một giới nào cả, người già, người trung niên, người trẻ tuổi, phụ nữ và đến độ các em gái mười tám đôi mươi xinh như mộng mà cũng chén tạc chén thù, hệt như dân chơi thứ thiệt, có lẽ các vị muốn minh chứng phải như thế mới là thời thượng .

                Sống ở thời đại ngày nay khi mà mọi sinh hoạt với người chung quanh từ bạn học, bạn cơ quan, hàng xóm láng giềng cùng họ hàng thân tộc với bao nhiêu là cuộc liên hoan hiếu hỉ, cứ mỗi lần cụng ly là lại nghe nghững câu nói quen thuộc đại loại như: “nam vô tửu như kỳ vô phong “ , “ tửu bất khả ép , ép bất khả từ “ , "Tửu phùng tri kỷ, thiên bôi thiểu., thoại bất đầu cơ bán cú đa" 酒逢知己千杯少,  話不投機半句多 (uống rượu cùng tri kỷ, ngàn ly vẫn còn ít, Nói chuyện không tâm đầu ý hợp thì nửa câu vẫn thừa ); ai mà không uống thì bị quy cho là “ Nguyễn thị “, là gà mái, kể ra âu cũng rất khó chịu …

                 Thêm vào đó gần đây trên truyền hình các phim cổ trang Trung Hoa, chí đến  phim Hàn quốc tân thời, đàn ông đàn bà gái trai gì cũng uống rượu tì tì, bất kể ngày đêm nên cũng làm ảnh hưởng rất nhiều vào đời sống thường nhật của người xem. Rượu bia đã từng bước đi vào đời sống con người với đủ mọi lý cớ, vui uống, buồn cũng uống, nói tóm  lại thích thì uống, chứ lý do thì thiếu gì, vui thì nào là sinh nhật, thôi nôi, đầy tháng, rửa xe, tân gia, thăng quan tiến chức … buồn thì thi trượt, chia tay, ly dị hay bất kỳ một cớ gì đó người ta cũng tìm đến rượu. Ban đầu chỉ vài ly tìm cảm giác hưng phấn, với thời gian quen dần người ta cảm thấy thiếu vắng nếu không có độ nhậu, dần dà nghiện lúc nào không biết, lúc ấy không thấy bạn bè mời mọc rủ rê lòng thấy buồn vô hạn … của đáng tội … sức hấp dẫn từ rượu đem đến sự hưng phấn thì không ai phủ nhận được, nhà thơ Thu Bồn ( 1-12-1935 ~ 17-06-2003 ) ví von trong bữa nhậu :

                   “Thịt dê chấm nước mắm gừng

                   Nhậu xong anh cũng… phừng phừng như dê”!

                Nhất là các loại tửu dược với toa thuốc của vua Minh Mạng 明命 (25/5/1791 – 11/1/1841) được quảng bá là “nhất dạ lục giao sinh cửu tử “mà thiên hạ vẫn kháo nhau là ông uống bà khen, từ đó nảy sinh câu chuyện tiếu lâm “một lít ít hơn một xị” hầu như dân nhậu ai ai cũng nghe qua trong các bữa tiệc rồi vặn vẹo nhau mà cười nghiêng ngả … chuyện giữa rượu và vợ dông dài nhiều lắm nhưng kết lại trong dân gian vẫn truyền miệng nhau câu ví von: “thứ nhất là rượu ngà ngà, thứ nhì mụ vợ đi xa mới về …nếu kết hợp cả hai thì lên cõi non bồng thần tiên là cái chắc …

                Nông thôn đích thị phát triển văn hóa nhậu kinh hồn nhất, trải qua bao đời đã như vậy rồi, sớm mai vác cuốc ra đồng gặp anh bạn nhậu hú một tiếng là bữa đó coi như quắc cần câu tới bến, ngày giỗ chạp, lễ tết thì bù khú chén chú chén anh không kể giờ giấc, vì anh nông dân không bị ràng buộc vào tiếng kẻng làm việc, nên dễ dãi với bản thân mình một chút không sao cả, hôm nay chưa làm cỏ lúa mai làm cũng chẳng sao, hổng chết thằng tây nào mà sợ … đến khi nông thôn đi vào quy hoạch, giải tỏa, số nông dân ấy nay xin vào làm công nhân nhưng vẫn mang trong người cái suy nghĩ của anh tiểu nông ngày nào nên cũng cứ gặp độ nhậu là lại bỏ bê công việc để vui vẻ cùng chiến hữu, một vài lần cứ tiếp tục như thế dĩ nhiên anh chàng bị đuổi việc, rồi không có việc nhưng thói quen khó bỏ nên phát sinh tệ nạn, gây bao thảm họa cho gia đình, gánh nặng cho xã hội và cái vòng lẩn quẩn nghèo đói lạc hậu ấy cứ bám lấy thôn làng đất nước của ta từ đời nọ tiếp nối đến đời kia … Ở thành thị thì theo khảo sát của nhiều tổ chức điều tra xã hội học đều nhận ra rằng giới ăn nhậu nhiều nhất lại là những cán bộ công nhân viên nhà nước, vì giới chức có lương bổng ổn định, không phải đầu tắt mặt tối nên nhiều mối quan hệ dẫn đến bàn nhậu hơn các giới khác, chẳng mấy ai nhậu mà không có bạn vì nhậu một mình với cái đầu gối khó nuốt bỏ xừ … Vì thế mà thời đại này quán nhậu các loại mọc lên như nấm sau mưa cũng là điều dễ hiểu.

               Văn hóa nhậu ngày nay đã biến tướng nhiều so với thời trước đây vài thập niên, hồi đó các bậc cao niên nhấm nháp ly rượu cả buổi, khề khà rôm rả chuyện trò, còn bây giờ là phải khẩu khí “trăm phần trăm “,  liên tục dzô … dzô… Lập luận của các đệ tử Lưu Linh là từ trước đến nay chưa thấy có ai say xỉn rồi lỡ chẳng may trúng gió “hui nhị tì “ mà trên mộ bia có ghi khắc hàng chữ “chết vì bia rượu”, vì thế nơi các bàn nhậu ngày nay người ta uống với nhau với trăm ngàn chiêu thức, người uống khỏe hay khích tướng chiến hữu cụng ly với mình bằng mọi giá, có khi đi nhóm đông người thì áp dụng binh pháp tôn tử: “xa luân chiến“, “hợp đồng tác chiến“ (tức là lần lượt từng người mời cụng ly một đối thủ để hạ gục đối phương trong vài ly xoay tua, có người gọi là đánh hội đồng), nếu chiến hữu tìm kế hoãn binh, họ lại xoay ra kế khác như cách dùng kế “chỉ Tang mạ Hòe” (tức là kế chỉ cây Dâu mà mắng cây Hòe) hoặc dùng từ ngữ khích tướng, hay nêu ra tiêu chuẩn: uống phải “cao bằng , bắc cạn”, “ lắc kêu “ , “ úp ly “ … nếu vẫn không buộc được đối thủ đáp ứng yêu cầu thì không khí bàn nhậu sẽ nặng nề vì những câu nói chọc ngoáy nào là: “ khinh bạn , hổng nhiệt tình , thiếu khí thế “, vì đã ngồi vào bàn nhậu thì uống vô điều kiện  là “chuẩn mực tiên tiến“ , kiến thức hay học vấn uyên thâm xin mời đi chỗ khác chơi … Nếu lâm trận kiểu này người yếu thế chỉ còn tìm đường “Tẩu vi thượng sách” … có lẽ lập luận như thế này hợp lý nhất: “vì là bạn nhậu với nhau nên họ luôn luôn thúc đẩy mối quan hệ đa phương trên bàn nhậu lên một tầm cao mới …”

                So sánh tiệc cưới của ta với xứ người thì đủ thấy khác biệt hoàn toàn, trong tiệc cưới ở ta cụng ly hò hét inh tai nhức óc pha trộn đủ mọi tạp âm cùng nhạc khí nhiễu loạn xập xình, có ai đó thân thiết cùng gặp nhau giữa buổi tiệc cũng không nói chuyện riêng được, giống như đến dự chỉ để trả nghĩa cho xong bổn phận … Trong khi đó ở nơi khác của thế giới văn minh người ta chỉ cầm ly rượu thưởng thức dòng âm nhạc dịu nhẹ, thực khách trò chuyện với nhau, chúc tụng tân lang và tân giai nhân rồi nhẹ nhàng trả lại ngày vui cho đôi tân hôn tận hưởng thú yêu đương trọn vẹn …

                Liên hoan thân hữu, đồng hương đồng khói hay đồng song đồng liêu lại càng uống nhiều hơn, đã có lần trong nhóm bạn thuở thiếu thời của kẻ hèn này gặp gỡ nhau sau nhiều năm không gặp thế là vui say quá chén, hôm đó sau cuộc vui hai người bạn chở nhau về đã bị tai nạn giao thông và vĩnh viễn lìa xa thế tục, có thể chỉ là sự không may trùng lặp vào lúc đó, nhưng cái vui trước sao bù đắp được cái buồn mất đi những người thân yêu, vậy còn vui sao được nên từ đấy về sau nếu có dịp tụ họp đành miễn bia rượu, nhưng thiếu men nồng lại mất đi khí thế giống như Lân thiếu pháo

                Tựu trung lại người viết đã thử tìm đến các vị cao thủ trong làng đưa cay để hỏi xem họ có hứng thú gì không sau mỗi độ chơi xả láng, thì hầu hết đều lắc đầu nguây nguẩy và thú thật là cũng ngắc ngư muốn chết sau những phen lâm trận chí tử như thế, có khi hai ba ngày sau đó nhìn thấy rượu là dội ngược, nhưng vì sĩ diện, muốn chứng tỏ mình không kém cỏi với anh em, chơi nhiệt tình cùng chiến hữu nên cứ phải chiến đấu đến giọt rượu cuối cùng … nên trước khi vào cuộc đấu có người thì dùng thuốc chống say, có người dùng mẹo vặt nào đó để vượt qua được phen thi thố cốt chứng tỏ mình là đấng anh hùng trên bàn nhậu …

                Quê hương ta trải dài từ nam chí bắc có biết bao địa danh thì cũng có vô vàn loại rượu, mỗi vùng miền có hương vị rượu đặc sản riêng, bí truyền ủ men, chưng cất có ít nhiều khác biệt của chủ lò địa phương với những nơi khác, rượu Bến Gỗ ở Đồng Nai, rượu Gò Đen ở Long An, rượu Bầu Đá ở Bình Định, rượu Hồng Đào ở Quảng Nam "Đất Quảng nam chưa mưa đã thấm, rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say", rượu làng Vân còn gọi là Vân hương mỹ tửu ở Hà Bắc, nơi vừa uống rượu mỹ tửu vừa nghe hát quan họ: “Tay tiên chuốc chén rượu đào ,Sánh ra thì tiếc, uống vào thì say”, rượu quốc lủi Hà Nội, bia hơi, bia lên cơn bình dân học vụ cho những người không quen uống ba xi đế … Nếu rượu được chưng cất lên men từ gạo, từ nếp dù là lò rượu thủ công thì cũng còn chấp nhận được vì như nhiều dân nhậu vẫn biện hộ cho mình là tuy không ăn cơm nhưng rượu cũng làm từ gạo nên xem như họ đã ăn cơm rồi … sợ nhất bây giờ có một số người vô lương tâm dùng thủ đoạn lấy cồn công nghiệp pha với nước lã, nước sông thành rượu, đã có bao ca ngộ độc tử vong vì uống nhằm rượu giả … Ngày nay đi trên đường phố nơi nào cũng nhan nhản những quán nhậu từ bình dân đến cao cấp, cùng với đủ mọi loại rượu ngâm tắc kè, chuối hột, rắn rít, bổ củi, thuốc đông dược … thực chất rượu có hòa trộn được tí tẹo chất thuốc nào đâu, vì mới đổ vào buổi sáng thì buổi chiều dân nhậu đã nốc cạn rồi, hoặc một cốt mà đến cả vài chục lần rượu đổ vào múc ra thì lấy “mô tê” mà gọi là rượu bổ … Tại các quán bình dân rượu chỉ có từ 8-10 ngàn đồng / lít mà gạo cũng giá đó thì họ nấu rượu ra bán cho thiên hạ lời ở chỗ nào ? hỏi tức là đã trả lời nguồn gốc của rượu …

               Đối với nhiều người phải điều khiển xe trên đường phố vì công ăn việc làm bắt buộc, ai ai cũng sợ nhất chiều thứ bảy và trưa chiều chủ nhật (còn chiều tối các ngày trong tuần có đỡ hơn thôi nhưng cũng đã là nhiều hơn các thành phố khác trên thế giới), vì vào giờ đó thần lưu linh chạy đầy đường, mặt mày đỏ gay, cõng ba cẩu bốn, lạng lách đánh võng, đã có nhiều tai nạn thảm khốc mà nguyên nhân sau khi có hơi men các nạn nhân tự chui đầu vào gầm xe chết tốt, báo hại cho các bác tài xui xẻo lỡ gặp tai vạ, tốt nhất là tránh xa nhường cho họ chạy trước để trừ hậu họa, tránh voi chẳng xấu mặt nào.



                Đã đến lúc chúng ta phải tự mình cùng nhau khởi động lại nét văn hóa uống bia rượu, phải cải tà quy chánh, bởi rượu bia thực chất không xấu và các quốc gia cũng chẳng nơi nào cấm uống, thí dụ các nước tiến bộ trên thế giới, nhà cầm quyền chỉ cấm người say mà hành động như người tỉnh chứ không cấm uống, tức là họ cấm tuyệt đối người lái xe đã có hơi men chuếnh choáng, nếu vi phạm họ buộc thu hồi bằng lái vĩnh viễn, họ làm rất nghiêm nên mọi người tuân thủ chấp hành, từ đó thay đổi nếp sống và quan điểm về khía cạnh vui chơi cùng bia rượu, nên có đi chơi cánh đàn ông luôn phải cặp kè theo vợ để lái xe chở về dù uống không say. Còn ở ta những nét xấu trong lạm dụng bia rượu đã đến độ đáng báo động như thế thì chúng ta không ngần ngại gì mà chẳng từ bỏ, có uống cũng trong khuôn phép văn minh lịch sự, khả năng mỗi người một khác biệt nhau, nên chẳng thể người này tửu lượng bằng người kia được, do đó khả năng ai uống được bao nhiêu thì chơi bấy nhiêu, ly ai nấy uống đã đành rồi, mà cũng tránh không nên o ép, khích bác, chọc ngoáy. Bản thân kẻ viết bài này có lần cao hứng cùng người em họ ngồi uống hết một lít rượu bầu đá cùng hơn chục lon bia sài gòn đỏ, nhưng cũng chỉ là hãn hữu thôi, chứ bình thường một lon bia uống xong đã thấy bay bổng, chẳng qua vì giữa hai anh em có những chuyện riêng mà nếu không lợi dụng chút men rượu thì không thể bộc lộ hết tâm can gan ruột, bấy nhiêu chứng tỏ có những lúc cần đến rượu vì tính tích cực của nó, vì “tửu nhập tâm như hổ nhập lâm“, báo hại sau đó mấy ngày nhức đầu, chóng mặt, bải hoải tứ chi, tâm trạng y như “chán cơm thèm đất thích nghe kèn “ … Đã thế có khi sau mỗi độ nhậu bí tỉ về nhà còn báo đời bà xã thu dọn cái món “cho chó ăn chè“, lãng phí biết bao nhiêu món ngon vật lạ, nhiều khi ngồi tỉnh táo nghĩ lại giả sử như các bà các cô nhà mình mà cũng bên tám lạng bên nửa cân như mình, nghĩa là cũng đi ăn nhậu xả láng rồi về nhà ói mửa tèm lem cỡ như mình thôi chứ chẳng dám nói tệ hơn, liệu mình có chịu nổi hay không? Gặp cảnh đó chắc chỉ có nước cắn lưỡi …

                Thời buổi nữ quyền mà chúng ta cứ làm buồn lòng nữ giới không ít vì ba cái chuyện nhậu nhẹt thì đáng tội lắm đấy, kẻ hèn này có người em họ cũng nghiện rượu nặng, sức khỏe sụt giảm nhiều vì quá chén không làm chủ được bản thân, bà mẹ già phải rơi nước mắt mỗi lần thấy con, bà nói câu này: “ mày còn phải chống gậy lúc tao chết, chứ đừng bắt tao khóc vì mày chết trước … “ thế nhưng vẫn chẳng thể chuyển hóa được con mình vì chung quanh anh con trai còn bao bạn bè vẫn hằng ngày quyến rũ, vẫn không thể hoãn cái sự sung sướng ấy lại được .

                 Đầu tháng 7 – 2009  luật Giao Thông Đường Bộ bổ sung mới được quốc hội thông qua đã buộc chúng ta phải nghĩ lại, từ ngày 1-7 này nghiêm cấm người điều khiển phương tiện cơ giới, ô-tô, máy kéo… uống rượu bia; người uống rượu bia có nồng độ vượt 50mg/lít máu và 0,25mg/lít khí thở không được điều khiển mô-tô, xe máy. Chiếu vào quy định đó, theo các chuyên gia y tế cho biết chỉ cần uống cỡ 3 ly bia đối với dân húi cua, hoặc 2 ly bia đối với phụ nữ là đã vượt giới hạn nồng độ cho phép. Theo đó thì nếu không tự điều chỉnh, không hoãn cái sự sung sướng ấy lại được, thì chắc chắn là hầu hết người uống rượu bia chúng ta đã đủ điều kiện nhận biên bản nộp phạt vì vi phạm luật rồi đấy, luật mới … đang và sẽ ràng buộc với những ai còn cầm ghi đông tay lái phải tuân thủ gắt gao, nếu không muốn bị tước mất phương tiện đi kiếm cơm hằng ngày, dựa vào luật mới sửa đổi này, mấy vị CSGT cứ chờ ở cửa các quán nhậu là tha hồ lập biên bản phạt mệt nghỉ …

               Còn những cảnh báo từ phía các nghành chức năng liên quan đến rượu, những độc chất có trong rượu nếu dùng quá liều sẽ tác hại đối với nội tạng con người gây ra các chứng bệnh về gan, thận, tim mạch … xin biết thêm các thống kê về số người uồng rượu bia ở nước ta vào khoảng 33,5 % dân số ở độ tuổi làm ra tiền, số người lạm dụng nặng trong đó chiếm 18% và 1/3 số người trong đó uống trước tuổi 20, và sau hết là thống kê về  việc từ dung nạp đến giải quyết hậu quả của vấn đề lạm dụng rượu bia chiếm hết 8% GDP quốc gia … Xem qua để chóng mặt và để thấy nếu tiếp tục đà tiến này thì bao giờ nước ta mới ngoi lên hàng dân giàu nước mạnh … cho nên tóm lại ta hãy sống đẹp vì người thân yêu, vì một nửa kia của ta trước nhất, vì cha mẹ già, vì con thơ … để kết thúc bài viết về rượu xin nhắc mọi người cùng nhớ đến câu ca dao từ ngàn xưa của quê hương ta mà tự thẹn, nếu dây thần kinh mắc cở chưa bị liệt:

                                       “Ở đời chẳng biết sợ ai

                                        Sợ thằng say rượu nói dai nói khùng”

                       Hoặc lời giáo huấn của cụ Nguyễn Trãi trong Gia huấn ca

                                       “Đua chi chén rượu câu thơ

                                        Thuốc lào ngon nhạt, nước cờ thấp cao”

                       Còn châm ngôn của người Trung Hoa có hai câu nói liên quan đến rượu mà ta cũng nên học hỏi như:

                                        "Tửu năng ích nhân, diệc năng tổn nhân."

                                                     酒 能 益 人 亦 能 損 人

                                   Rượu có thể có ích cũng có thể gây hại cho người.

                                         "Trà lịnh nhân thanh, tửu lịnh nhân hôn."

                                                     茶令 人 清 酒 令 人 昏

                Trà khiến người ta sảng khoái, rượu khiến người ta mê muội.

                 Tất nhiên sẽ không hoàn hảo nếu mỗi dịp xuân về tết đến, hay các buổi liên hoan chúc thọ, cưới hỏi, sinh nhật hoặc các ngày hội hè đình đám quan trọng  mà thiếu men bia rượu, song biết kiềm chế và thưởng thức một cách chừng mực, để tiếp nhận hết những nét tinh túy của hương vị cuộc sống , sẽ cho chúng ta cảm nhận được trọn vẹn những giọt rượu thơm nồng mà thượng đế đã ưu ái ban tặng cho con người, rõ ràng uống rượu đến độ không còn biết say thì đâu có hay gì phải không các bạn …

                                                   Thụ-Ân

                                                 09.07.2009





 
Каталог: sites -> default -> files
files -> BÁo cáo quy hoạch vùng sản xuất vải an toàn tỉnh bắc giang đẾn năM 2020 (Thuộc dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học ) Cơ quan chủ trì
files -> Mẫu tkn1 CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
files -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc ĐĂng ký thất nghiệP
files -> BỘ TÀi chính —— Số: 25/2015/tt-btc cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
files -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc TỜ khai của ngưỜi hưỞng trợ CẤP
files -> BỘ giáo dục và ĐÀo tạO –––– Số: 40
files -> BỘ y tế CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập – Tự do – Hạnh phúc
files -> Mẫu số 1: Ban hành kèm theo Thông tư số 19/2003/tt-blđtbxh ngày 22 tháng 9 năm 2003 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Tên đơn vị Số V/v Đăng ký nội quy lao động CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
files -> CỦa bộ XÂy dựng số 04/2008/QĐ-bxd ngàY 03 tháng 4 NĂM 2008 VỀ việc ban hành “quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựNG”

tải về 103.01 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương