Ubnd tỉnh quảng trị CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc



tải về 90.23 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu08.06.2018
Kích90.23 Kb.
#39714
UBND TỈNH QUẢNG TRỊ CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số : /BC-UBND

Đông Hà, ngày tháng 12 năm 2007


BÁO CÁO

Kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri

tại kỳ họp thứ 10, Hội đồng nhân dân tỉnh khoá V

Kính gửi: Hội đồng nhân dân tỉnh khóa V, kỳ họp thứ 11.


Thực hiện Chương trình, nội dung kỳ họp thứ 11, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa V (2004-2009), Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri, ý kiến, kiến nghị của các Ban của HĐND tỉnh và ý kiến, kiến nghị của UBMTTQ Việt Nam tỉnh tham gia xây dựng chính quyền được nêu tại kỳ họp thứ 10 như sau:

I. Các ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc lĩnh vực kinh tế:

A. Lĩnh vực Nông nghiệp:

1. Ý kiến của cử tri huyện Cam Lộ yêu cầu các cơ quan chức năng trả lời về việc không cung cấp đủ giống trồng 96,5 ha cao su năm 2006 thuộc Dự án Đa dạng hoá nông nghiệp tỉnh làm thiệt hại cho dân và nêu rõ hướng xử lý vấn đề đó trong thời gian tới để dân yên tâm.

Do điều kiện tỉnh ta chưa chủ động được nguồn giống cao su tại chỗ nên việc cung ứng giống cao su phải thông qua hợp đồng cung cấp giống với các trung tâm giống ở miền Nam. Năm 2006, tình hình khó khăn về giống cây cao su của cả nước nói chung và của Quảng Trị nói riêng nên một số diện tích cao su chưa đủ giống để trồng mới trong đó có huyện Cam Lộ. Để khắc phục tình trạng này, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở NP&PTNT thông qua Dự án Đa dạng hoá nông nghiệp để cung ứng đủ số giống theo yêu cầu của nông dân. Ngày 21 tháng 9 năm 2007, Ban quản lý Dự án Đa dạng hoá nông nghiệp tỉnh đã cung cấp đầy đủ giống cây cao su cho nông dân và đã được địa phương xác nhận với mức giảm giá 30% so với giá thị trường hiện tại theo đúng như đã cam kết với nông dân vào cuối năm 2006.



2. Cử tri huyện Triệu Phong đề nghị UBND tỉnh quan tâm về vấn đề chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao đời sống cho nhân dân, cải tiến giống cây và giống con, đặc biệt là giống nuôi trồng thuỷ sản; Quan tâm giải quyết vấn đề đầu ra của các loại sản phẩm Nông nghiệp và thuỷ sản không để trình trạng tư thương ép giá.

2.1. Về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi:

Thực hiện chủ trương về việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác có hiệu quả, tăng tiềm năng đất đai và nâng cao giá trị trong sản xuất giúp nông dân tạo thêm việc làm, tăng thu nhập; Trong những năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp với Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã xây dựng các mô hình trình diễn, chuyển giao các tiến bộ khoa học, kỹ thuật giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện sinh thái của từng vùng trong tỉnh, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 04-BCH (về phát triển kinh tế xã hội miền biển và vùng cát), Nghị quyết 05-BCH của Tỉnh uỷ (về phát triển kinh tế xã hội miền Tây Quảng Trị) và Nghị quyết 13-NQ/TƯ5 của BCHTƯ Đảng khoá IX.

Trên địa bàn huyện Triệu Phong trong thời gian qua, thông qua nguồn vốn các chương trình, dự án đã thực hiện có hiệu quả việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên nhiều vùng của huyện như gieo trồng giống lúa chất lượng cao 4.000 ha năm 2007, chiếm 30,8% diện tích lúa chất lượng cao toàn tỉnh. Chuyển đổi diện tích trồng lúa ở vùng ruộng sâu có năng suất thấp sang mô hình nuôi cá, lúa cá kết hợp (Triệu Trung, Triệu Trạch …), sen cá có hiệu quả; Xây dựng các làng sinh thái trên cát (Triệu Lăng, Triệu Vân, Triệu Sơn), chuyển đổi các cây trồng có hiệu quả kinh tế thấp sang trồng rau chuyên canh có hiệu quả kinh tế cao (Triệu Đông, Triệu Long …), sử dụng nhiều loại giống cây trồng có hiệu quả như lạc, sắn KM94 tại vùng gò đồi Tây Triệu Phong. Đặc biệt thông qua dự án Đa dạng hoá Nông nghiệp đến nay đã trồng được 350 ha cao su tiểu điền phát triển tốt tại vùng Tây Triệu Phong được nông dân đồng tình ủng hộ và có nguyện vọng được tiếp tục phát triển cây cao su. Để chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, phù hợp với điều kiện sinh thái từng vùng, giúp nông dân phát triển kinh tế trên địa bàn huyện; Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu UBND huyện Triệu Phong tiếp tục đẩy mạnh việc dồn điền, đổi thửa, điều chỉnh và rà soát quy hoạch vùng chuyên canh để tổ chức sản xuất đưa lại hiệu quả kinh tế cao.

2.2.Vấn đề giải quyết đầu ra cho các sản phẩm của nông nghiệp:

Thời gian qua trên địa bàn tỉnh ta đã tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định số 80/2002/QĐTTg ngày 21/02/2002 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hoá thông qua hợp đồng; trên địa bàn tỉnh đã liên kết được mô hình " 4 nhà", tổ chức tốt việc sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ nông sản cho nông dân như mủ cao su, sắn nguyên liệu, gỗ rừng trồng… Tuy nhiên do hạn chế cả về số lượng và chất lượng nông sản, nhất là đối với sản phẩm cây ngắn ngày (lúa, lạc … ) nên các doanh nghiệp chưa mạnh dạn tổ chức thu mua hết nông sản cho nông dân. UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành, các địa phương chuyển mạnh sang hướng sản xuất nông nghiệp hàng hoá, tạo vùng tập trung thâm canh có quy mô, đồng thời tiếp tục tạo các điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức kinh tế thu mua và chế biến nông sản cho nông dân.



3. Cử tri xã Triệu An, huyện Triệu Phong về việc xây dựng đê ngăn mặn tại thôn Tường Vân, thủ tục đã xong nhưng chậm được thi công:

Đê ngăn mặn thôn Tường Vân đã được UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp & PTNT tổ chức lập dự án đầu tư vào năm 2006 thuộc Dự án khắc phục khẩn cấp thiên tai năm 2005 vay vốn ADB được ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng phát triển Châu Á tháng 11/2007 với tổng số vốn là 8 tỷ đồng. Hiện nay đang bố trí vốn để chuẩn bị cho việc khởi động.



4. Cử tri đề nghị cho nâng cấp, tu sửa Hệ thống công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn:

Công trình nâng cấp và tu sửa hệ thống thuỷ lợi Nam Thạch Hãn vói tổng mức vốn đầu tư là 344.440.000.000đồng; vốn bố trí năm 2007 là 3 tỷ đồng. Ngày 25/11/2007 UBND tỉnh đã có Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu tư vấn thiết kế, dự kiến cuối năm ký kết hợp đồng và công trình sẽ được khởi công từ năm 2008 - 2013 theo Kế hoạch giữa Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB4).



B. Lĩnh vực quản lý Đất đai - Tài nguyên và Môi trường:

1. Ý kiến của cử tri về tình trạng khai thác cát, sạn trên các con sông ở Vĩnh Linh và một số địa bàn khác diễn ra rất phức tạp, làm lệch dòng chảy, ô nhiễm nguồn nước, sụt lún đất hai bên bờ sông

Hiện nay, tình trạng khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh nói chung, huyện Vĩnh Linh nói riêng vẫn diễn ra khá phổ biến, phức tạp làm ảnh hưởng đến môi trường, các công trình ven sông và xói lở bờ sông.

UBND tỉnh đã ban hành các văn bản số 781/UBND-NN, ngày 12/4/2006; 492/UBND-NN, ngày 09/3/2007 và văn bản số 2567/UBND-NN ngày 12/10/2007 chỉ đạo các Sở, Ban, Ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã tăng cường công tác quản lý khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, tình trạng khai thác trái phép vẫn diễn ra phổ biến do các nguyên nhân sau: Chính quyền địa phương đã có các biện pháp quản lý như ký cam kết với các hộ khai thác, xử phạt vi phạm hành chính nhưng hiệu quả đạt được còn thấp; Việc UBND xã, phường, thị trấn cho thuê bến, bãi tập kết vật liệu trong khi các hộ chưa được cấp phép khai thác theo quy định đã vô tình tạo điều kiện cho các hộ khai thác tuỳ tiện; Từ trước đến nay chưa có quy hoạch phân vùng cấm, tạm cấm, cấm thăm dò, khai trên địa bàn tỉnh.

Để khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các cơ quan: Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải Công an tỉnh cùng với các địa phương tiến hành kiểm tra, xử lý việc khai thác cát sạn trên hệ thống các dòng sông và điều chỉnh việc khai thác các vùng có nguy cơ sạt lở bờ sông ảnh hưởng đến đời sống của dân cư và các công trình. Đầu năm 2006 UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng lập quy hoạch về vật liệu nói chung và cát sạn lòng sông nói riêng để khoanh vùng cấm khai thác và các vùng được phép khai thác. Hiện Sở Xây dựng đang hoàn chỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt để ban hành thực hiện.



2. Các ý kiến của cử tri về bảo vệ môi trường :

2.1. Đối với nhà máy gỗ MDF Quảng Trị:

Dự án gổ MDF do Tổng Công ty xây dựng miền Trung đầu tư chưa hoàn chỉnh, sau khi cổ phần hoá và chuyển giao cho Tập đoàn Cao su Việt Nam, do việc chuyển giao kéo dài nên hệ thống xử lý nước thải và chất thải chưa được đầu tư để thực hiện. Năm 2005, UBND tỉnh đã làm việc với Tập đoàn Cao su Việt Nam về xử lý môi trường của nhà máy, Tập đoàn đã cho phép Nhà máy đầu tư hệ thống nước thải với quy mô 120 m3/ngày đêm. Thực tế hiện nay, hệ thống xử lý nước thải với quy mô nhỏ này không đáp ứng khối lượng xử lý nước thải của nhà máy, đồng thời 2/4 hồ chứa nước thải của nhà máy từ khi vận hành đã gây ra ô nhiễm không chỉ cho nhà máy mà cả vùng lân cận Khu đô thị mới Nam Đông Hà. UBND tỉnh đã làm việc với lãnh đạo Nhà máy yêu cầu xử lý dứt điểm các vấn đề sau:

- Tiến hành nạo vét, hút bùn, hút nước của các hồ tuần hoàn đưa ra khỏi phạm vi của Khu công nghiệp và đô thị tạo điều kiện cho việc xử lý nước thải các hồ này đúng theo quy trình công nghệ, không gây ô nhiễm. Tĩnh hỗ trợ một phần kinh phí trong vệ sinh công nghiệp cùng với nguồn kinh phí chủ yếu của nhà máy để xử lý vấn đề này.

- Tiếp tục đầu tư nâng quy mô hệ thống xử lý nước thải và áp dụng các công nghệ mới cho việc xử lý nước thải và mùi hôi, xử lý hệ thống nước mặt do mưa, có phương án xử lý đối với các vùng nguyên liệu tập kết.

- Đồng thời giao cho Ban quản lý các Khu công nghiệp xây dựng khu xử lý nước thải của KCN với quy mô 2000m3 /ngày đêm (Giai đoạn 1 là 1000m3 / ngày đêm) vào năm 2008.

UBND tỉnh cũng đã yêu cầu nhà máy hoàn thành các công việc trên trước tháng 1/2008. Nếu không thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo, UBND tỉnh sẽ đình chỉ hoạt động của nhà máy.



2.2. Đối với trại chăn nuôi HTX Tiến Đạt:

HTX Tiến Đạt đi vào hoạt động trong năm 2004, với quy mô ban đầu 50 con lợn giống, diện tích 600m2. Hiện tại, quy mô chăn nuôi của HTX đã được phát triển với quy mô 120 lợn nái, 800 lợn thịt.HTX đã cam kết bảo vệ môi trường và đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải (bằng 02 hầm biogas, tổng thể tích bể chứa 96m3), thường xuyên vệ sinh chuồng trại. Nhưng vẫn gây ô nhiễm môi trường cho khu vực, ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhân dân. đặc biệt là gây mùi hôi trong khu vực vào những lúc thay đổi thời tiết. Do khu vực chăn nuôi lợn nái quá gần với khu dân cư (khoảng 30 mét), công suất của 02 bể biogas không đáp ứng khả năng xử lý lượng nước thải, HTX phải dùng bơm để bơm lượng nước thừa ra khu vực xa dân, nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường khu vực sinh hoạt của dân. HTX đã cam kết sẽ đầu tư thêm 02 hầm biogas nữa (tổng thể tích bể chứa 100m3) trong tháng 12/2007 và sẽ có phương án chuyển chuồng trại nuôi lợn nái ra xa khu dân cư. Trong quá trình xử lý nếu vẫn còn tình trạng ô nhiễm, yêu cầu UBND thị xã Đông Hà xử lý và di chuyển Trại chăn nuôi ra khỏi khu dân cư.



C. Lĩnh vực giao thông vận tải

1. Cử tri kiến nghị tỉnh bố trí kinh phí cho đầu tư mở đường liên thôn và bê tông hoá GTNT ở các xã Tà Rụt, A Ngo, A Vao, Húc Nghì của huyện Đakrông



Đây là các xã đặc biệt khó khăn, Chính phủ đã có chính sách ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông bằng chương trình 134, 135; Chương trình phát triển nông thôn Quảng Trị; Dự án giảm nghèo các tỉnh miền Trung. Hàng năm, trên địa bàn tỉnh có bố trí vốn để thực hiện Chương trình kiên cố hoá GTNT với tỷ lệ huy động vùng núi: đóng góp của nhân dân là 20%, nhà nước hỗ trợ 80%. Trên cơ sở nhu cầu đầu tư và thứ tự ưu tiên, đề nghị các địa phương lựa chọn dự án đầu tư cho phù hợp, đặc biệt cần lồng ghép giữa các dự án để nâng cao hiệu quả vốn đầu tư.

Những năm qua, được sự hỗ trợ của Trung ương và quan tâm của tỉnh, nhiều tuyến đường vùng sâu, vùng xa và vùng đặc biệt khó khăn có quy mô được đầu tư đồng bộ. Việc thực hiện xây dựng các tuyến đường trên đã tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội vùng miền núi có bước phát triển đáp ứng nhu cầu dân sinh trong vùng. Tuy nhiên, với thực trạng địa hình chia cắt, dân cư không tập trung nên việc xây dựng các tuyến đưòng liên thôn, bản, xã là hết sức khó khăn với điều kiện ngân sách của tỉnh. UBND tỉnh sẽ giao cho ngành giao thông vận tải phối hợp với các Sở, các Huyện miền núi tiến hàn khảo sát, tổng hợp và đề xuất chủ trương, chính sách đầu tư hợp lý để trình xin ý kiến của HĐND tỉnh.

2. Cử tri trên toàn tỉnh đều phản ảnh về tình hình trật tự ATGT 6 đầu năm 2007 diễn ra phức tạp, đặc biệt có nhiều vụ TNGT nghiêm trọng làm chết nhiều người và thiệt hại rất lớn về tài sản của nhân dân. Cụ thể:

Năm 2007, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 158 vụ TNGT, làm chết 151 người và làm bị thương 130 người; so với cùng kỳ năm 2006: số vụ TNGT tăng 6 vụ (158 vụ /152 vụ) tăng 3,9%; số người chết tăng 8 người (151 người /143 người) tăng 5,6 %; số người bị thương tăng 32 người (130 người/98 người) tăng 32,7%. TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra 2 vụ làm chết 6 người và bị thương 11 người.

Trước tình hình diễn biến phức tạp TNGT, UBND tỉnh và Ban ATGT tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp tích cực và quyết liệt nhằm giảm tai nạn giao thông như triển khai kịp thời các chủ trương, giải pháp của Chính phủ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, xử phạt, tăng cường cơ sở vật chất, xử lý các điểm đen nhưng tình hình TNGT năm 2007 không giảm so với năm 2006. Phần lớn nguyên nhân các vụ TNGT là do chất lượng phương tiện và người điều khiển phương tiện, ý thức của người tham gia giao thông; một số tuyến, đoạn giao thông chưa đảm bảo an toàn cho phương tiện khi tham gia giao thông. Để kiềm chế và giảm dần TNGT, đề nghị UBND các địa phương, các tổ chức đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền chấp hành Luật giao thông đường bộ, Nghị quyết 32/NQ-CP về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế và tiến tới đẩy lùi TNGT. UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban an toàn giao thông, các ngành, các địa phương thực hiện các biện pháp sau:

- Khảo sát lại các tuyến đường hay xảy ra tai nạn và các điểm đen để đưa ra các biện pháp xử lý bằng biện pháp công trình và phi công trình nhằm hạn chế việc xảy ra tai nạn.

- Tăng cường lực lượng để kiểm tra các phương tiện giao thông tham gia trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ; Yêu cầu Trung tâm đăng kiểm phương tiện cơ giới thuỷ bộ Quảng Trị thực hiện việc kiểm tra, đăng kiểm để đình chỉ hoạt đông các phương tiện cơ giới không đảm bảo yêu cầu theo quy định.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đối với người tham gia giao thông chấp hành nghiêm chỉnh Luật giao thông, tự giác đội mũ bảo hiểm...

- Đề nghi các cấp, các ngành phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt nam và các Đoàn thể chính trị xã hội đưa vào chương trình hoạt động của mình các chương trình về tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành Luật giao thông, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.

3. Cử tri xã Cam Thanh phản ánh tường rào của Công ty CP QL & XDXD đường bộ Quảng Trị nằm trong hành lang mà không giải toả gây bất bình trong nhân dân.



Sau khi có báo cáo của Ban ATGT huyện Cam Lộ và phản ánh của cử tri, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở GTVT trực tiếp làm việc với đơn vị và yêu cầu di dời toàn bộ tường rào hoàn thành chậm nhất vào ngày 08/8/2007. Đến ngày 08/8/2007 Công ty đã hoàn thành việc di dời toàn bộ hệ thống tường rào này.

4. Cử tri huyện Cam Lộ kiến nghị: Cầu treo Cam Hiếu đã xuống cấp nghiêm trọng gây mất ATGT đề nghị HĐND tỉnh bố trí kinh phí để xây dựng lại.



Cầu treo Cam Hiếu là một trong những cầu treo trên hệ thống đường huyện do huyện Cam Lộ quản lý. Hàng năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở GTVT tổ chức đoàn đi kiểm tra tất cả các cầu treo trên hệ thống đường địa phương xác định tình trạng kỹ thuật của cầu và đề nghị các địa phương có kế hoạch sửa chữa. Hiện nay, cầu vẫn đang khai thác bình thường, về lâu dài cần phải đầu tư xây dựng lại cầu này theo phương án cầu bê tông cốt thép. Trong kế hoạch năm 2007 UBND tỉnh đã bố trí vốn cho huyện Cam Lộ thực hiện công tác lập dự án xây dựng lại cầu này, hiện nay UBND huyện Cam Lộ vẫn chưa hoàn thiện dự án để gửi các ngành thẩm định báo cáo UBND tỉnh phê duyệt. UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Cam Lộ khẩn trương xây dựng dự án; Giao Sở Giao thông vận tải hướng dẫn cho UBND huyện Cam Lộ thực hiện việc lập dự ánvà trình phê duyệt dự án theo đúng trình tự theo quy định của pháp luật.

5. Cử tri huyện Triệu Phong phản ánh dự án đường Đại Độ Thuận Phước hiện còn 6 Km ở giữa vẫn chưa được nhựa hoá làm ảnh hưởng đến mỹ quan và ATGT.

Ngày 09/11/2005 Bộ GTVT có Quyết định số 4253/QĐ-BGTVT về việc phê duyệt kinh phí đầu tư dự án thành phần dự án ADB5, kinh phí đầu tư xây lắp cho tuyến Đại Độ - Thuận Phước: 18,78 tỷ đồng, chiều dài 16,89Km.

Tuy nhiên, thời gian lập dự án năm 2005 đến tháng 6/2007 phê duyệt TKKT-DT trong quá trình đó đã có một số thay đổi, biến động về các chính sách, chế độ tiền lương và giá vật liệu đặc biệt là giá nhựa đường, sắt thép tăng cao. Vì vậy, với giá trị xây lắp đã được phân bổ chiều dài tuyến đường đầu tư giai đoạn 1 là 10,112Km và phân thành 02 đoạn với mục tiêu đầu tư nhựa hoá ở những đoạn dân cư đông đúc.

Ngày 12/4/2007 UBND tỉnh có văn bản số 800/UBND-CN về việc phân bổ vốn các công trình thuộc dự án ADB5 (có xét tính cấp thiết cho nhu cầu đi lại cho nhân dân trên các đoạn tuyến trên), giai đoạn 1 thực hiện với tổng chiều dài tuyến 10.112m gồm:

- Đoạn 1: Km0 - Km5+900: chiều dài 5.900m

- Đoạn 2: Km12+682 - Km16+894: chiều dài 4.212m

Riêng đoạn từ Km5+900 đên Km12+682 do điều kiện nguồn vốn nên sẽ đưa vào nâng cấp giai đoạn 2 khi có kinh phí. Trước đó đầu năm 2006 đoạn này cũng đã được nâng cấp bằng dự án GTNT 2, mặt đường cấp phối.



II. Các ý kiến thuộc lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế

1. Lĩnh vực lao động, việc làm:

Cử tri xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong và một số huyện, thị khác đề nghị tỉnh cần có chính sách giải quyết việc làm cho con em của tỉnh đã tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng, Trung cấp trở về địa phương nhưng chưa có cơ quan, ban ngành tuyển dụng.

Để giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động, trong những năm vừa qua, UBND tỉnh xây dựng các Chương trình mục tiêu về việc làm giai đoạn 2003 - 2005; giai đoạn 2006 - 2010; Chương trình xóa đói giảm nghèo đến năm 2010; các Kế hoạch, Đề án xuất khẩu lao động, Đào tạo nghề nông thôn, Đào tạo nguồn nhân lực phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghệ.

UBND tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể: chính sách đào tạo lao động nông thôn, nâng cấp về quy mô và chất lượng dạy nghề, trong năm 2007 đã đào tạo nghề cho 6800 lao động, tạo việc làm mới cho 8500 lao động, góp phần giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp.

Đối với việc tuyển dụng bố trí con em của tỉnh đã qua đào tạo Đại học, Cao đẳng, Trung cấp trở về địa phương: Hằng năm căn cứ vào các chỉ tiêu biên chế hành chính do Chính phủ giao và chỉ tiêu biên chế sự nghiệp (khoảng 400 - 500 biên chế tập trung trong ngành y tế và giáo dục) đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua, UBND tỉnh đã giao cho các cơ quan của UBND tỉnh tổ chức thi tuyển và xét tuyển theo đúng quy định của pháp luật để chọn những người đủ tiêu chuẩn vào biên chế. Việc sử dụng con em trong địa phương không chỉ thông qua việc tuyển dụng vào làm việc trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp nhà nước địa phương. Hiện nay Tỉnh đang có chủ trương thu hút đầu tư vào các Khu công nghiệp, Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo, các Trung tâm và các cơ sở công nghiệp, du lịch, dịch vụ với nhiều dự án có quy mô lớn. Đồng thời Tỉnh cũng đang khuyến khích phát triển kinh tế nhiều thành phần, đầu tư các mô hình trang trại, trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản, xây dựng, mở rộng Làng Thanh niên lập nghiệp, phát huy vai trò của các tổ chức khuyến nông, khuyến lâm, khuyến công, tập trung hỗ trợ, đào tạo công nghệ, khởi nghiệp... Đó chính là cơ hội cho con em chúng ta tham gia lao động, lập nghiệp phát huy sức khoẻ và trí tuệ của mình cho sự nghiệp xây dựng quê hương.



2. Lĩnh vực giáo dục-Đào tạo:

2.1. Về ý kiến của cử tri liên quan đến việc dạy thêm học thêm:

Việc dạy thêm, học thêm không chỉ liên quan đến nhà trường, giáo viên và học sinh mà ảnh hưởng sâu rộng đến toàn xã hội. Để chấn chỉnh tình trạng này, UBND tỉnh đã có Công văn số 1090/UBND-VX ngày 14/5/2007 giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị địa phương liên quan xây dựng quy định dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh, hiện nay đang trong giai đoạn hoàn chỉnh để trình UBND tỉnh ban hành thực hiện.

Đối với các ý kiến cụ thể của cử tri, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cho tiến hành kiểm tra một số địa phương. Qua báo cáo của ngành giáo dục cho thấy: Vấn đề cử tri phản ánh là đúng, việc dạy thêm, học thêm không chỉ diễn ra ở Trường THCS Nguyễn Trãi, thị xã Đông Hà mà còn ở một số nơi khác trên địa bàn tỉnh. Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục kiểm tra để có biện pháp chỉ đạo hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm không đúng quy định.

2.2 . Ý kiến của cử tri về Đề án luân chuyển giáo viên vùng khó và xét tuyển biên chế giáo viên hàng năm.

Đề án luân chuyển giáo viên vùng khó đã được UBND tỉnh phê duyệt. Đề án được thực hiện từ năm học 2006-2007. Qua 1 năm thực hiện ngành giáo dục tỉnh đã luân chuyển được 53/68 cán bộ, giáo viên. Nhìn chung việc tổ chức thực hiện Đề án luân chuyển đảm bảo đúng nguyên tắc công khai, khách quan, đúng quy trình và đúng đối tượng. Tuy nhiên một số người thuộc diện luân chuyển nêu nhiều lý do để xin hoãn hoặc một số nhân chủ trương này để lập danh sách những giáo viên phải chuyển đi làm nảy sinh tư tưởng trong giáo viên và do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nên không thể đáp ứng được nguyện vọng của tất cả cán bộ, giáo viên có nhu cầu xin luân chuyển. Hiện tại UBND tỉnh đang tạm dừng thực hiện Đề án để xem xét sửa đổi bổ sung cho phù hợp tình hình.

Về vấn đề xét tuyển, thực hiện theo quy chế đã được UBND tỉnh phê duyệt. Kế hoạch xét tuyển được Sở GD - ĐT và Sở Nội vụ trình để UBND tỉnh xem xét quyết định; Việc xét tuyển đã được thông báo trên các phương tiện thông tin như: Truyền hình, báo chí...Kết quả trúng tuyển được đăng tải trên mạng của Trung tâm Tin học - Ngoại ngữ (Sở GD - ĐT Quảng Trị), mạng của Bưu điện và danh sách trúng tuyển được niêm yết công khai tại Sở Nội vụ.

3. Lĩnh vực Y tế:

3.1. Cử tri huyện Cam Lộ phản ánh: Hiện tại huyện có 114 cụ trên 90 tuổi được hưởng chính sách KCB miễn phí đã hoàn thành hồ sơ trên 4 tháng nay nhưng đến hết tháng 7/2007 chỉ có 4 cụ được nhận thẻ BHYT, đề nghị HĐND tỉnh yêu cầu Sở Y tế giải thích để nhân dân được rõ?

Thực hiện Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg ngày 15/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ về khám chữa bệnh cho đối tượng người nghèo và Quyết định số 962/QĐ-UBND ngày 31/5/2006 của UBND tỉnh về việc sửa đổi một số điều của Quy chế quản lý và sử dụng quỹ khám chữa bệnh người nghèo, trong đó có đối tượng người cao tuổi từ 90 tuổi trở lên.

Căn cứ vào danh sách được Sở Lao động- TB&XH tỉnh lập trình UBND tỉnh phê duyệt đối tượng được hưởng:

- Đợt 1 huyện Cam Lộ có : 103 cụ (Công văn số 95/TĐTBXH - BTXH ngày 9/2/2004 của Sở Lao động - TB&XH).

- Đợt 2 huyện Cam Lộ có: 14 cụ (Công văn số 1005/LĐTBXH - BTXH ngày 02/8/2007 của Sở Lao động - TB&XH).

Tổng số danh sách được UBND tỉnh phê duyệt là : 117 cụ.

Căn cứ vào danh sách được phê duyệt, BQL quỹ KCB người nghèo, Sở Y tế đã cấp đủ thẻ KCB miễn phí 139/CP cho 117 cụ ở huyện Cam Lộ do ông Nguyễn Trí Thanh, Phó phòng Bảo trợ xã hội - Sở LĐ-TB&XH tỉnh nhận theo giấy giới thiệu số 57 và số 60 của Sở LĐ-TB&XH để cấp cho Phòng TC-LĐTBXH huyện chuyển cho các cụ.

2. Cử tri huyện Hải Lăng đề nghị ngành y tế quan tâm đến vấn đề nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ y tế cấp xã; tại huyện Hải Lăng hiện còn 6 Trạm Y tế chưa được nâng cấp, chương trình nước sạch vệ sinh môi trường chưa đảm bảo gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sinh thái?

Theo báo cáo của Sở Y tế, công tác đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ y tế là công tác thường xuyên hàng năm, các cơ sở lập danh sách đề nghị đào tạo và đã được Sở Y tế phê duyệt bao gồm đào tạo dài hạn và đào tạo ngắn hạn theo các văn bản quy định hiện hành của Nhà nước, tuy nhiên do định mức biên chế cho các cơ sở y tế còn quá thấp không đủ nhân lực để phục vụ công tác khám chữa bệnh. Vì vậy, yêu cầu UBND các huyện, thị xã căn cứ nguồn vốn phân cấp và tình hình ngân sách để bố trí việc nâng cấp Trạm y tế xã đáp ứng cho nhu cầu chăm sóc sức khoẻ và khám chữa bệnh cho nhân dân.

Về đề nghị nâng cấp các Trạm Y tế: Thực hiện Nghị quyết 2d/2004/NQ-HĐN ngày 15/7/2004 của HĐND tỉnh Quảng Trị khoá V kỳ họp thứ 2 về việc thông qua đề án "củng cố mạng lưới y tế xã, phường thị trấn và y tế thôn bản tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2005-2010", trong đó việc nâng cấp các trạm y tế xã nguồn vốn đầu tư, vốn XDCB và nâng cấp cơ sở vật chất thuộc ngân sách của các huyện, thị. Vì vậy, việc tổ chức xây dựng giao UBND huyện chịu trách nhiệm thực hiện.

Về chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường: Đây là vấn đề quan trọng liên quan đến sức khoẻ cộng đồng, UBND tỉnh đang có các biện pháp để hạn chế, khắc phục ô nhiễm môi trường:

Đối với vấn đề vệ sinh môi trường ở các khu công nghiệp, các cơ sở công nghiệp, các điểm nuôi trồng hải sản, chăn nuôi:UBND tỉnh đã có chủ trương, năm 2007 các dự án nào không đầu tư hệ thống xử lý môi trường UBND tỉnh đình chỉ việc triển khai kể cả không phê duyệt dự án.

Việc ô nhiễm nguồn sông, suối UBND tỉnh chỉ đạo các ngành các cấp không quy hoạch các khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất gần sông suối, tăng cường trồng, bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn, kiểm tra và xử lý việc dùng hoá chất hoặc chất thải khoáng sản đầu nguồn.

Về vấn đề ô nhiễm ở cộng đồng khu dân cư do nước thải và rác thải, UBND tỉnh đã tiến hành quy hoạch hệ thống thu gom rác thải và xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh, đang kêu gọi và cho Công ty đầu tư và phát triển Sài Gòn lập dự án xây dựng nhà máy rác thải làm phân vi sinh. UBND tỉnh cũng đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Y tế, Sở Xây dựng hướng dẫn các địa phương việc thu gom rác thải, xử lý nước thải, vệ sinh môi trường ở các khu dân cư tập trung, ở các chợ thương mại.

Tuy vây, tình hình vệ sinh môi trường hiện nay vẫn là vấn đề bức xúc, đặc biệt là việc thiếu đồng bộ trong thu gom rác thải và xử lý nước thải chưa đáp ứng, cùng với ý thức của người dân chưa được nâng cao. UBND tỉnh tiếp thu ý kiến cử tri và tiếp tục chỉ đạo xử lý vấn đề này.

III. Các số lĩnh vực khác:

1. Về vấn đề cung cấp điện:

Dự báo được sự thiếu hụt nghiêm trọng nguồn điện trong mùa khô 2007 - 2008, ngay từ đầu năm 2007, lãnh đạo Tập đoàn điện lực Việt Nam đã có buổi làm việc với Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị về tình hình cung cấp điện và các biện pháp thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng điện để đảm bảo cung cấp điện cho các nhu cầu thiết yếu trong sản xuất tiêu dùng. Nhờ vậy, việc tiết giảm điện luân phiên tại Quảng Trị ít hơn nhiều so với nhiều địa phương khác trên cả nước.

Tuy vậy, do hệ thống lưới điện quốc gia dù huy động toàn lực kể cả việc mua điện của Trung Quốc và các doanh nghiệp ngoài ngành, có nhiều thời điểm vẫn thiếu hụt công suất lớn, có lúc lên đến 1000MW nên việc điều tiết giảm điện là không thể tránh khỏi. Nếu không thực hiện việc tiết kiệm điện, giảm điện có chọn lọc, phân bổ theo từng địa phương thì toàn hệ thống sẽ bị rã lưới. Để khách hàng chủ động trong sản xuất và sinh hoạt, hàng tuần Điện lực đã thông báo lịch ngừng cấp điện theo kế hoạch trong 3 số báo liên tiếp (thứ 6, thứ 7 và thứ 2) của Báo Quảng Trị. Riêng đối với các khách hàng sử dụng điện lớn và quan trọng, Điện lực có công văn thông báo hoặc gọi điện trực tiếp cho các đơn vị. Tuy nhiên, khi một vài nguồn phát điện lớn của hệ thống bị dao động hoặc bị sự cố, do không có nguồn dự phòng nên việc tiết giảm điện đột xuất là tình huống bất khả kháng.

2. Vấn đề đầu tư nâng cấp một số công trình điện đã xuống cấp trầm trọng trên các địa phương:

Đối với công trình do ngành điện đầu tư hoặc tiếp nhận từ các địa phương và các đơn vị, hằng năm Điện lực đều có bố trí vốn để đầu tư, nâng cấp lưới điện do Điện lực quản lý để đảm bảo cung cấp điện. Cuối năm 2006, Điện lực đã hoàn thành công tác tiếp nhận lưới điện hạ áp của 23 xã trong vùng dự án ADB chưa hoàn thiện và để phát huy hiệu quả lưới điện hạ thế dự án ADB đã đầu tư, trong 9 tháng đầu năm 2007 đã triển khai lắp đặt hơn 5.000 công tơ để bán lẻ đến hộ dân thuộc 14 xã, đồng thời để đáp ứng nhu cầu cấp điện cho nhân dân nông thôn, Điện lực đang triển khai công tác đầu tư để hoàn thiện dần hệ thống lưới điện phân phối khu vực nông thôn, thoả mãn nhu cầu bán điện đến hộ cho nhân dân. Hiện đang triển khai cải tạo lưới điện cho 7 xã: Cam Thành, Hải Sơn, Hải Thượng, Triệu Trung, Triệu Đông, Triệu Hoà, Triệu Trạch để bán điện lẻ đến hơn 7.000 hộ dân, dự kiến hoàn thành trong quý I/2008.

Ngoài ra, Điện lực đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư cải tạo hệ thống lưới điện cao hạ thế cho các xã bằng nguồn vốn vay JIBIC, để đầu năm 2008 triển khai đầu tư khoảng trên 20 tỷ đồng để cải tạo bán điện đến hộ tiêu thụ tại 19 xã còn lại trong vùng dự án ADB còn tồn tại.

Như vậy, so với diện tích, dân số và mức độ tiêu dùng điện tại Quảng Trị, suất đầu tư cải tạo điện tại tỉnh chúng ta cao hơn nhiều những nơi khác. Theo báo cáo của điện lực, qua các đợt kiểm tra hệ thống lưới điện tại các địa phương (không thuộc Điện lực quản lý) đang bị xuống cấp cần đầu tư cải tạo là khá lớn, do đó cần có sự hỗ trợ, phối hợp của các ngành, các cấp và nhân dân để tiếp tục giải quyết, góp phần đưa chất lượng điện năng ngày càng tốt hơn.



Trên đây là báo cáo của UBND tỉnh về kết quả giải quyết và giải trình các ý kiến, kiến nghị của cử tri được nêu tại kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh khóa V; Một số vấn đề cử tri kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của các ngành UBND tỉnh đã yêu cầu các ngành, địa phương giải quyết. UBND tỉnh trân trọng cảm ơn và nghiêm túc tiếp thu ý kiến của cử tri, của các vị đại biểu, các Ban của HĐND tỉnh, và ý kiến tham gia xây dựng chính quyền của Uy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh để phục vụ tốt hơn công tác quản lý, điều hành phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nhà./.
Nơi nhận : TM. ỦY BAN NHÂN DÂN

- TVTU; CHỦ TỊCH

- TTHĐND tỉnh;

- TT UBMTTQVN tỉnh;

- Chủ tich,các PCT UBND tỉnh;

- Đại biểu HĐND tỉnh;

- Chánh, PhóVP,CV;

- Lưu: VT, NC.



Lê Hữu Phúc






tải về 90.23 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương