Ubnd tỉnh đỒng nai ban dân tộc cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam


Quản lý, chỉ đạo và triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình dự án phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc và miền núi



tải về 204.31 Kb.
trang3/3
Chuyển đổi dữ liệu07.07.2016
Kích204.31 Kb.
#633
1   2   3

3. Quản lý, chỉ đạo và triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình dự án phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc và miền núi.

Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc trên phạm vi cả nước, Cơ quan công tác dân tộc đã chủ trì, phối hợp với các bộ ban ngành ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, kiểm tra, tổng kết kết quả thực hiện các chính sách, chương trình dự án ở các địa phương và trực tiếp quản lý chỉ đạo thực hiện có hiệu quả một số chính sách, chương trình dự án phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc miền núi.

Nhiều nội dung chính sách lớn, chương trình, dự án đầu tư có hiệu quả đã phát huy tác dụng thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển nhanh, cơ sở hạ tầng vùng dân tộc miền núi được tăng cường, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc được cải thiện và nâng lên rõ rệt. Chương trình phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn, miền núi và vùng sâu, vùng xa (Chương trình 135) được triển khai thực hiện từ năm 1998 với phạm vi đầu tư trong giai đoạn đầu là 1.000 xã, đến nay đã mở rộng diện đầu tư cho 1.958 xã và 3.274 thôn bản được đánh giá là chương trình đầu tư thiết thực, hiệu quả cao phục vụ phát triển sản xuất và đời sống của đồng bào các dân tộc.

Các chính sách có nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số như: Chính sách định canh định cư; Chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở; Chính sách trợ cước, trợ giá; Chính sách hỗ trợ hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn; Chính sách cấp các loại báo, tạp chí; Chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất; Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân nghèo vùng khó khăn... được triển khai thực hiện có hiệu quả đã tạo cơ hội thuận lợi cho đồng bào các dân tộc nhanh chóng ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, xoá đói giảm nghèo.

Uỷ ban Dân tộc phối hợp với các Bộ, ban ngành triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình dự án về giáo dục đào tạo, y tế, văn hoá xã hội ở vùng dân tộc miền núi như: Chính sách cử tuyển; Chính sách trường phổ thông dân tộc nội trú; Chính sách ưu đãi cán bộ công tác ở vùng dân tộc, đào tạo, sử dụng cán bộ dân tộc thiểu số; Chính sách miễn giảm viện phí đối với đồng bào dân tộc; Chính sách xây dựng các thiết chế văn hoá cơ sở...

Những kết quả trong hoạt động xây dựng và chỉ đạo thực hiện chính sách dân tộc trong thời gian qua đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh vùng dân tộc miền núi; chứng minh sự đúng đắn sáng tạo của Đảng và Nhà nước ta trong hoạch định chủ trương, đường lối và lãnh đạo thực hiện chính sách dân tộc trong thời kỳ đổi mới “Góp phần rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng, miền, các dân tộc trong cả nước, tăng cường tình đoàn kết giữa các dân tộc, củng cố niềm tin của đồng bào vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước”.

Công tác dân tộc trong thời gian tới đòi hỏi các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị phải kiên định nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển trong chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước nhằm đạt được những mục tiêu quan trọng của công tác dân tộc đến năm 2020 là: phát triển nâng cao đời sống, vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc, vùng căn cứ cách mạng; thu hẹp dần khoảng cách về thu nhập giữa các dân tộc, các vùng; đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, mỗi năm giảm từ 4-5% hộ nghèo; các xã có đầy đủ các công trình hạ tầng thiết yếu: Đường ô tô đi được 4 mùa đến trung tâm các xã, thôn, bản; có trường học kiên cố, nhà công vụ cho giáo viên và ký túc xá cho học sinh ở những nơi cần thiết; có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, nhân dân được chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh; hầu hết hộ đồng bào có nhà ở ổn định, có điện, nước sinh hoạt hợp vệ sinh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc, đảm bảo trẻ em trong độ tuổi được đến trường, phấn đấu hoàn thành phổ cập giáo dục trung học phổ thông, người lao động được đào tạo nghề; văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy. Hệ thống chính trị, trình độ đội ngũ cán bộ cơ sở được củng cố và nâng cao chất lượng; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đảm bảo quốc phòng ở vùng dân tộc và miền núi.

B. SỰ HÌNH THÀNH PHÁT TRIỂN CƠ QUAN CÔNG TÁC DÂN TỘC TỈNH ĐỒNG NAI:

I. Đặc điểm dân cư và vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Đồng Nai

Đồng Nai là tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ có diện tích 5.903,9 km2, chiếm 1,76% diện tích tự nhiên cả nước và chiếm 25,5% diện tích tự nhiên của vùng Đông Nam Bộ. Là một tỉnh nằm trong vùng phát triển kinh tế trọng điểm phía Nam, phía Đông giáp tỉnh Bình Thuận, Phía Đông Bắc giáp tỉnh Lâm Đồng, Phía Tây giáp Thành phố Hồ Chí Minh, Phía Tây Bắc giáp tỉnh Bình Dương và Bình Phước, Phía Nam giáp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, có vị trí quan trọng trong sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, gắn kết vùng Đông Nam Bộ với Tây Nguyên.

Đồng Nai có 11 đơn vị hành chính trực thuộc gồm: Thành phố Biên Hòa - là trung tâm chính trị kinh tế văn hóa của tỉnh; thị xã Long Khánh và 9 huyện: Long Thành; Nhơn Trạch; Trảng Bom; Thống Nhất; Cẩm Mỹ; Vĩnh Cửu; Xuân Lộc; Định Quán; Tân Phú với 171 xã, phường, thị trấn. Dân số 2.720.823 người, trong đó dân số khu vực thành thị chiếm 33,23%, khu vực nông thôn chiếm 66,77%. Toàn tỉnh hiện có 04 huyện và 60 xã miền núi, 02 ấp đặc biệt khó khăn khu vực I (ấp 3 và ấp 7 của xã Thanh Sơn, huyện Định Quán). Theo kết quả điều tra đời sống kinh tế - xã hội hộ gia đình các dân tộc thiểu số năm 2013, toàn tỉnh có 2.720.823 người, với 37 thành phần dân tộc, trong đó thành phần dân tộc thiểu số là 36 với 39.674 hộ gồm 189.098 khẩu, chiếm 7 % dân số toàn tỉnh1. Có 04 dân tộc tại chỗ là Chơro, Mạ, X’tiêng và Cơho. Còn lại là đồng bào các dân tộc thiểu số di cư từ phía Bắc vào qua các quá trình lịch sử. Đồng bào các dân tộc thiểu số ở Đồng Nai sống xen kẽ rộng khắp địa bàn các huyện, thị xã, thành phố. Một số sống tập trung đông tại các huyện: Định Quán (với 10.448 hộ với 47.307 nhân khẩu, chiếm 26,3% tổng số hộ và 25 % tổng số nhân khẩu là đồng bào dân tộc thiểu số toàn tỉnh); huyện Trảng Bom (với 6.037 hộ gồm 21.113 nhân khẩu, chiếm 15,2% tổng số hộ và 16,5% tổng số nhân khẩu là đồng bào dân tộc thiểu số toàn tỉnh); Huyện Cẩm Mỹ (với 5.537 hộ gồm 28.633 nhân khẩu, chiếm 14% tổng số hộ và 15,1% tổng số nhân khẩu là đồng bào dân tộc thiểu số toàn tỉnh). Số nhân khẩu bình quân một hộ của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Đồng Nai là 4,8 người/hộ.

Về kinh tế: Mức thu nhập bình quân đầu người của đồng bào dân tộc thiểu số là 1.600 ngàn đồng/người/tháng. Tổng số người có việc làm ổn định trong suốt 12 tháng chiếm: 89,3%, không ổn định chiếm: 10,7%. Trong đó số người đang làm việc ổn định ở lĩnh vực nông nghiệp là: 45,8%; công nhân: 23,5%; làm thuê, làm mướn: 20,8% và một số làm việc ở các lĩnh vực khác.

Về văn hóa – xã hội: về lịch sử các dân tộc tại chỗ: Chơ ro, Mạ, Xtiêng, Cơho... là chủ nhân vùng đất Đông Nam bộ từ rất lâu đời. Người Xtiêng ở phía Tây Bắc Đồng Nai, nhưng địa bàn cư trú tập trung nhất ở tỉnh Bình Phước (thuộc Tây Bắc tỉnh Biên Hòa xưa); một số mới về ở huyện Xuân Lộc từ những năm 1970. Người Mạ và Cơho ở từ phía Bắc sông La Ngà trở lên Lâm Đồng. Người Chơ ro ở rìa phía Nam dãy Trường Sơn - Tây Nguyên tiếp giáp với đồng bằng Nam bộ...Các dân tộc thiểu số tới sau vào các thời điểm khác nhau do những biến thiên của lịch sử. Người Hoa có mặt hơn ba trăm năm trước, sử sách còn ghi chép rõ. Các dân tộc Tày, Nùng, Thái, Mường đến cư trú từ sau hiệp định Genève tháng 7 - 1954 và đến đông đảo từ sau ngày đất nước thống nhất...2 Các dân tộc thiểu số ở Đồng Nai - dù là cư dân tại chỗ hay người đến sau - sống bằng nông nghiệp là chính. Trước đây, đại bộ phận các dân tộc "ăn rừng", "ăn nước trời" làm nương rẫy du canh, quảng canh... nên năng suất cây trồng nói chung thấp. Phương thức sản xuất này hủy hoại mạnh mẽ môi trường sinh thái, tác hại lâu dài đến chính cuộc sống của họ. Thực hiện chủ trương lớn định canh định cư, bảo vệ rừng, đến nay họ đã định canh định cư, học tập kỹ thuật canh tác tiến bộ, do đó đời sống bớt khó khăn hơn trước. Người Hoa, Nùng, Tày... là các dân tộc thiểu số có trình độ sản xuất tiến bộ hơn, biết thâm canh cây trồng, trồng các cây công nghiệp và cây ăn quả có giá trị kinh tế cao nên nhiều hộ có thu nhập từ khá trở lên.

Xưa kia các dân tộc tại chỗ ở Đồng Nai cũng có hội đồng già làng như các dân tộc ở Tây Nguyên - Trường Sơn, ngày nay không còn nữa. Nhà sàn dài cũng biến mất khoảng vài chục năm nay. Chế độ theo dòng cha ở các mức độ khác nhau. Các đơn vị sóc, bòn, bù plây... trở thành đơn vị xóm, ấp và ở cơ sở nào có người dân tộc sinh sống thì họ đều có người làm trưởng ấp, cán bộ UBMTTQ ấp và xã, đại biểu HĐND các cấp, cán bộ UBND địa phương... Hiện nay, việc phát huy vai trò đội ngũ người có uy tín trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã được quan tâm, chú trọng. Phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số ở Đồng Nai dần dần có nhiều nét tương đồng qua quá trình giao tiếp lâu ngày. Ngôn ngữ chung là tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ chỉ dùng trong nội bộ tộc người, một bộ phận lớp trẻ đến nay cũng không nói được tiếng của dân tộc mình nữa. Mỗi dân tộc thiểu số đều có kho tàng văn hóa dân gian đặc sắc riêng (thần thoại, cổ tích, dân ca, điệu múa...) song đang mai một dần theo lớp người già. Việc gìn giữ vốn văn hóa quí giá này là vấn đề mang tính cấp thiết.

Mỗi dân tộc thiểu số có tập tục, sắc thái văn hoá riêng của mình song lại kế thừa và chịu ảnh hưởng của văn hoá dân tộc khác nhưng tựu chung đều có một tinh thần yêu nước, cần cù trong lao động sản xuất, anh dũng trong chiến đấu, đoàn kết yêu thương nhau xây dựng một cộng đồng dân tộc Việt Nam thống nhất. Một điểm nổi bật là truyền thống đoàn kết thuận hòa giữa các dân tộc anh em cùng chung sống trên đất Đồng Nai. Người ta không thấy nổ ra cuộc xung đột sắc tộc nào trong hơn 300 năm qua tạo bên bức tranh các dân tộc thiểu số ở Đồng Nai thật đa dạng, phong phú.3

Về tín ngưỡng, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh theo 07 tôn giáo chính với tổng số tín đồ là 60.593 tín đồ chiếm 32% số nhân khẩu là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó: Công giáo 11.580 tín đồ, Phật giáo 40.298 tín đồ, Tin lành 5.285 tín đồ, Cao đài 239 tín đồ, Hồi giáo 2.520 tín đồ, Hòa Hảo: 41 tín đồ; Đạo khác 630 tín đồ. Đồng bào dân tộc là tín đồ tôn giáo trong tỉnh luôn phấn khởi, yên tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước sinh hoạt tôn giáo theo đúng quy định của Pháp luật sống tốt đời, đẹp đạo. Phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh tổ quốc, giữ vững chủ quyền an ninh, trật tự vùng dân tộc và miền núi đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện từ cơ sở. Các vụ việc liên quan đến khiếu nại, tố cáo được giải quyết ngay từ cơ sở cho nên những năm qua không có vụ khiếu nại, tố cáo đông người kéo dài xảy ra. Tình hình an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số được giữ vững, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số luôn phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt, là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy chính quyền với nhân dân, là đội ngũ tuyên truyền viên tích cực trong việc tuyên truyền vận động đồng bào chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và nhà nước, tích cực tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; đoàn kết trong xây gia đình văn hóa, ấp, xã văn hóa...



2. Công tác dân tộc tỉnh Đồng Nai trước năm 1975

Tháng 8 năm 1945, d­­ưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ, nhân dân các dân tộc tỉnh Đồng Nai đã cùng nhân dân cả nước nhất tề đứng lên giành chính quyền, thành lập n­ước Việt Nam dân chủ cộng hoà, đưa cách mạng nước ta bước sang một kỷ nguyên mới. Trong bối cảnh thù trong giặc ngoài tìm cách lật đổ Nhà nước dân chủ nhân dân còn non trẻ. Mặc dù bận trăm công nghìn việc nhưng Đảng, Chính phủ, Bác Hồ vẫn đặc biệt quan tâm đến các dân tộc thiểu số; ngày 03/5/1946, Hồ Chủ Tịch ký Sắc lệnh số 58, thành lập Bộ Nội vụ bao gồm nhiều cơ quan, trong đó có Nha Dân tộc thiểu số với nhiệm vụ: “nghiên cứu và giải quyết mọi vấn đề liên quan đến các dân tộc thiểu số trong toàn cõi Việt Nam, để củng cố trên nguyên tắc bình đẳng, sự đoàn kết và tư­­ơng trợ giữa các dân tộc sống trên đất Việt Nam”. Năm 1947, Tổ nghiên cứu dân tộc thuộc Ban Mặt trận- Dân vận Trung ương được thành lập, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của Nha dân tộc thiểu số với phương hướng hoạt động công tác dân tộc phù hợp với tình hình mới. Công tác dân tộc trở thành một bộ phận quan trọng của Mặt trận nhân dân thống nhất, vừa tổ chức tham mưu về dân tộc của Chính phủ kháng chiến, vừa tập trung vận động đồng bào các dân tộc huy động sức người, sức của, đoàn kết ủng hộ kháng chiến.

Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Đảng trong bức điện gửi xứ ủy lâm thời Nam bộ ”Nhiệm vụ của Nam bộ là không để cho Pháp đem tài sản chiếm được ở Nam bộ ra đánh Trung Bắc” Tỉnh ủy Biên Hòa đã chỉ đạo xây dựng căn cứ địa vững chắc, xây dựng lực lượng đẩy mạnh du kích chiến tranh, chú trọng vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong điều kiện ý thức cách mạng của đồng bào còn hạn chế, mâu thuẫn dân tộc và tư tưởng kỳ thị dân tộc còn nặng nề, đời sống nhân dân ở nhiều vùng còn rất khó khăn, giao thông chưa phát triển; cơ sở chính trị ở nhiều nơi còn mỏng, yếu, cán bộ cốt cán thiếu nghiêm trọng...Trong khi đó âm mưu, thủ đoạn của địch rất thâm độc, chúng tăng cường càn quét, khủng bố, đe doạ, dụ dỗ, mua chuộc đồng bào, sử dụng bọn phản động làm tay sai dựng lên để lừa gạt nhân dân, chia rẽ dân tộc, làm suy yếu lực lượng kháng chiến của ta. Do vậy, gắn liền với công tác xây dựng căn cứ địa và nhận thức rõ vị trí quan trọng và ý nghĩa chiến lược của công tác vận động cộng đồng bào dân tộc thiểu số tham gia kháng chiến. Năm 1948, Tỉnh ủy Biên Hòa đã thành lập Phòng Quốc dân thiểu số do đồng chí Hoàng Đình Thương phụ trách. Đồng chí Ngô Văn Long được cử về vùng Bù Cháp – Lý Lịch nơi tập trung nhiều đồng bào dân tộc Chơ ro để vận động, tập hợp xây dựng cơ sở. Vừa học tiếng Chơ ro vừa tìm hiểu phong tục, tập quán, văn hóa của đồng bào, đồng chí Long đã thực sự hội nhập vào cộng đồng dân tộc, được đồng bào thiểu số tin yêu kính phục. Đồng chí đã vận động đông đảo bà con người Chơ ro tham gia tích cực vào công cuộc kháng chiến. Toàn tỉnh Biên Hòa có trên 35.000 đồng bào các dân tộc: Chơ ro, X’tiêng, Mạ, Chăm.... Phòng Quốc dân thiểu số đã tập hợp được 3.200 đồng bào tham gia các đoàn thể cứu quốc, vào các đội du kích...4 Tập hợp được đồng bào dân tộc thiểu số là một thắng lợi có ý nghĩa lớn với phong trào kháng chiến ở Biên Hòa, thể hiện sự đúng đắn của Tỉnh ủy trong nhận thức về vai trò, vị trí của đồng bào dân tộc đối với kháng chiến.

Có thể nói, trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, đồng bào các dân tộc thiểu số ý thức được một cách sâu sắc rằng vận mệnh của tộc người mình gắn liền với vận mệnh chung của cả nước, quyền lợi của mỗi tộc người chỉ có thể được bảo đảm trên cơ sở bảo vệ quyền lợi chung của cả dân tộc Việt Nam. Vì thế các dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã chung sức một lòng, đoàn kết gắn bó theo Đảng, theo Bác Hồ cùng với nhân dân trong tỉnh và cả nước chống lại kẻ thù xâm lược là thực dân Pháp và tiếp theo là đế quốc Mỹ. Đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần lập nên những chiến công vang dội, khiến cho kẻ thù phải khiếp sợ. Các buôn làng của đồng bào dân tộc thiểu số chính là nơi nương náu của nhiều chiến sỹ cách mạng tránh sự khủng bố bắt bớ của giặc; Nhiều người tham gia trực tiếp chiến đấu, có gia đình thì đóng góp của cải vật chất lương thực cho cách mạng, người thì hoạt động bí mật ngay trong lòng định, người thì che dấu bảo vệ cách mạng, góp hết sức mình cho sự nghiệp đấu tranh chống kẻ thù xâm lược.

Đầu năm 1950, thực dân Pháp càng đẩy mạnh tốc độ bình định ở Nam bộ để cướp người, cướp của phục vụ cho cuộc chiến tranh xâm lược, thực hiện khẩu hiệu ”tất cả cho tiền tuyến để chiến thắng giặc Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ” với sự tham gia của đông đảo thanh niên trẻ, trong đó lực lượng thanh niên dân tộc thiểu số tham gia tích cực điển hình như đội trinh sát của Tiểu đoàn 320 hầu hết là người dân tộc Chơ ro, X’tiêng dũng cảm và trung thành với cách mạng với nhiệm vụ cực kỳ gian khổ vì phải cắt đường rừng để đảm bảo bí mật, vừa sẵn sàng đánh địch mở đường. Giặc pháp tổ chức nhiều cuộc càn quét vào căn cứ cộng với hậu quả nặng nề của trận lụt năm Thìn 1952 khiến cho vùng căn cứ bị đói trầm trọng, không chỉ thiếu lương thực mà còn cả muối ăn. Đồng bào dân tộc thiểu số đã cùng với bộ đội cắt rừng về Bà Rịa để tải muối, cùng nhau đồng cam cộng khổ vượt qua mọi khó khăn thử thách góp phần chiến thắng giặc đói và giặc ngoại xâm. Chiến tranh chống thực dân Pháp kết thúc nhưng thắng lợi chưa trọn vẹn. Hòa chung không khí vui mừng, đông đảo đồng bào dân tộc từ các vùng căn cứ, du kích, tạm chiếm về dự lễ mittinh mừng kháng chiến thắng lợi tại chiến khu Đ và chuẩn bị cho cuộc chiến trường kỳ vì miền Nam còn do thực dân, đế quốc và tay sai cai trị.

Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chiến lược cách mạng giải phóng dân tộc, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên phạm vi cả nước, từ sau năm 1954 công tác dân tộc được thực hiện với những nội dung và hình thức hoạt động mới phù hợp với yêu cầu cách mạng mới. Ở miền Nam, cơ quan công tác dân tộc được đặt dưới sự lãnh đạo của Trung ương Cục. Đầu năm 1956, Tỉnh ủy Biên Hòa thành lập Ban Công tác dân tộc, cử đồng chí Ba Dục – Tỉnh ủy viên cùng một số cán bộ lên vùng Bù Cháp, Lý Lịch (chiến khu Đ) xây dựng căn cứ địa, vận động cách mạng trong đồng bào Chơ ro, X’Tiêng, Mạ. Với chủ trương đưa cán bộ, đảng viên hòa nhập vào dân, sống với dân, vừa được che chở, bảo vệ, vừa được che chở bảo vệ, lại vừa lãnh đạo quần chúng nhân dân đấu tranh bảo vệ quyền lợi. Mục tiêu là đi sâu nghiên cứu, nắm tình hình ở các vùng dân tộc miền núi để tham mưu cho Tỉnh ủy có chủ trương, chính sách, biện pháp giải quyết đúng đắn, kịp thời và phù hợp với đặc điểm dân tộc. Mặt khác đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc về chính sách đoàn kết kháng chiến cứu nước của Đảng, Chính phủ, Hồ Chủ tịch, vạch trần âm mưu, thủ đoạn thâm độc của địch. Vận động đồng bào đẩy mạnh sản xuất cải thiện đời sống tổ chức tiếp tế gạo, muối, nông cụ, thuốc men, vải mặc...cho các vùng bị thiếu đói; mở các lớp dạy học để xoá mù chữ cho dân; xây dựng chính quyền nhân dân để kháng chiến lâu dài...

Tháng 1/1958, căn cứ vùng Bù Cháp, Lý Lịch buổi đầu còn gặp nhiều khó khăn thiếu thốn, đồng bào các dân tộc Chơ ro, X’tiêng đã hết lòng đùm bọc cưu mang bộ đội ta. Họ san sẻ từng củ khoai, trái bắp và chỉ cho cán bộ cách mạng đào củ chụp tại rừng Mã Đà làm lương thực; cùng với bộ đội khai phá nương rẫy, tăng gia sản xuất, đóng góp một phần lương thực nuôi cán bộ chiến sĩ các cơ quan của xứ ủy và Liên Tỉnh ủy Miền Đông.

Tháng 3/1961, Khu ủy Nam kỳ thành lập Ban cán sự di cư Hố Nai. Để đẩy mạnh công tác tuyên truyền xây dựng cơ sở vùng đồng bào dân tộc, Ban cán sự di cư thành lập đội vũ trang tuyên truyền với chức năng tuyên truyền thâm nhập trong đồng bào về chính sách dân tộc, tôn giáo, đồng thời xây dựng lực lương bên trong và bên ngoài, hỗ trợ quần chúng đấu tranh. Cán bộ, chiến sĩ kiên trì tuyên truyền vận động đồng bào, hướng dẫn đồng bào dân tộc cách làm đất, cày ruộng, thuê trâu để trồng trọt góp phần giải quyết vấn đề lương thực tại chỗ và đóng góp cho lực lượng tỉnh.



Có thể nói, phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân ngày càng mạnh mẽ, tuy có nhiều gian khổ gay go trước sức đàn áp, khủng bố của Mỹ Diệm nhưng đồng bào đã vượt qua và giành từng bước thắng vững chắc. Với hai mươi mốt năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, trong đó có đồng bào các dân tộc thiểu số đã đoàn kết một lòng hướng về cánh mạng, mỗi người mỗi việc góp sức đánh địch, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền tỉnh nhà cùng chung sức chung lòng đánh bại mọi âm mưu xâm lược của đế quốc Mỹ, giải phóng Miền Nam thống nhất nước nhà, Bắc – Nam sum họp.

3. Công tác dân tộc tỉnh Đồng Nai từ năm 1975 nay

Sau hơn 40 năm từ ngày giải phóng hoàn toàn miền nam thống nhất đất nước, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ nhất là từ khi có Nghị quyết số 22/NQ-TW ngày 27/01/1989 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 72-HĐBT ngày 13/3/1990 của Hội đồng Bộ trưởng về một số chủ trương, chính sách cụ thể phát triển kinh tế - xã hội, miền núi và đặc biệt là Nghị quyết số 24/TW của Hội nghị BCH TW 7 (khóa IX); Công tác dân tộc tỉnh Đồng Nai được thực hiện từ sau năm 1975, các sở, ban, ngành thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác dân tộc thuộc các lĩnh vực khác nhau. Với những đóng góp to lớn của đồng bào dân tộc thiểu số đối với sự nghiệp đấu tranh và bảo vệ tổ quốc qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ như đồng bào X’tiên, Chơ ro ở Bù Cháp – Tà Lài, Lý lịch, Bàu Hàm 2, Xuân Vinh Xuân Bình (Long Khánh)... nhiều gia đình có công với cách mạng được Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân chương, Huy chương. Việc thực hiện công tác dân tộc của Đảng đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là đối với vùng căn cứ kháng chiến cũ được xem vừa là trách nhiệm, vừa là nghĩa vụ của Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể, các ngành, cách cấp. Tập trung đầu tư và động viên tinh thần tự lực, tự cường của các dân tộc thiểu số để khai thác, bảo vệ và phát triển sản xuất, ổn định đời sống, đẩy mạnh công tác định canh định cư, từng bước đưa đồng bào các dân tộc hòa nhập cuộc sống của cộng đồng xã hội. Phát huy truyền thống tốt đẹp gắn bó giữa đồng bào các dân tộc với Đảng, chính quyền các cấp trên tinh thần đoàn kết, bình đẳng, giúp đỡ nhau cùng xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Tuy nhiên công tác dân tộc vẫn còn một số hạn chế như:5 chưa thành lập bộ phận chuyên trách công tác dân tộc, trong khi đó toàn tỉnh lúc đó có 21 xã miền núi. Chưa đề ra phương án quy hoạch, phát triển tổng thể cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chưa đi sâu vào nghiên cứu, tìm hiểu đặc điểm tâm lý, phong tục tập quán, thói quen trong sản xuất và sinh hoạt đời sống của đồng bào. Do đó, khi chuyển đồng bào từ cuộc sống du canh du cư sang định canh định cư mà chưa có bước chuẩn bị nên đồng bào chưa thích nghi được với lối sống mới. Mặt khác, chưa tập trung tuyên truyền phát huy truyền thống tốt đẹp của từng dân tộc, chưa mạnh dạn để giao đất giao rừng và hướng dẫn đồng bào tận dụng thể mạnh để phát triển trồng trọt, chăn nuôi kết hợp bảo vệ rừng, hiện tượng phá rừng lập rấy diễn ra phổ biến. Từ thực trạng trên, Đảng bộ tỉnh đã đề ra mục tiêu chương trình công tác dân tộc từ năm 1991 đến năm 1995. Với mục tiêu cơ bản là khơi dậy tiềm năng, huy động từ nhiều nguồn vốn, tập trung phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từng bước nâng cao trình độ dân trí đi đôi với đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, tập trung trên 3 lĩnh vực chủ yếu là giáo dục, y tế, nông – lâm nghiệp. Củng cố và phát triển lực lượng cách mạng quần chúng giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Triển khai thực hiện thành công các chương trình: chương trình phát triển kinh tế đời sống; chương trình phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao dân trí;... Đưa lưới điện về nông thôn, vùng sâu vùng xa phục vụ phát triển văn hóa và an ninh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân góp phần phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh đã tập trung giải quyết nhà ở, cấp phát trâu bò, phát triển thủy lợi, nhà máy thu hút đồng bào tham gia lao động sản xuất, ổn định đời sống. Tổ chức 02 trường nội trú tại Bàu Cá và ở Định Quán, Tân Phú cho con em dân tộc thiểu số theo học...

Về tổ chức bộ máy:

Thời kỳ những năm 1990, Ban Định canh định cư trực thuộc Ty Lâm nghiệp thực hiện những nhiệm vụ có liên quan đến công tác dân tộc. Ngày 01/01/1992, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3040/QĐ-UBND về việc đổi tên Chi cục điều động lao động và dân cư thành Chi cục di dân định canh – định cư đảm bảo thêm nhiệm vụ quản lý công tác định canh, định cư theo văn bản số 161/ĐĐ – TC ngày 15/9/1993 của Cục Điều động Lao động Bộ lao động Thương binh và xã hội. Thực hiện Nghị định số 26/CP của Chính phủ, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1690/QĐ-UBT ngày 28/7/1995 chuyển giao nhiệm vụ Chi cục Định canh định cư từ Sở Lao động – Thương binh và xã hội sang trực thuộc Sở Nông lâm (Nay thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Ngày 02/12/1996 UBND tỉnh có Quyết định số 5709/QĐ-UBT đổi tên Chi cục di dân định canh định cư thành Chi cục định canh định cư và vùng kinh tế mới thực hiện chính sách dân tộc ở tỉnh.

Theo Quyết định số 781/QĐ-UBND ngày 23/3/2001 của UBND tỉnh Đồng Nai, Ban Tôn giáo – Dân tộc tỉnh Đồng Nai được thành lập là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Đồng Nai giúp UBDN tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực Tôn giáo – Dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Ngày 17/8/2005 UBND tỉnh có Quyết định số 2947/2005/QĐ-UBND quyết định ban hành bản quy định về tổ chức và hoạt động của Ban Tôn giáo – Dân tộc tỉnh Đồng Nai; đến ngày 16/4/2006 UBND tỉnh ban hành Quyết định 3339/QĐ-UBT về việc chuyển giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác định canh - định cư đối với đồng bào dân tộc thiểu số từ Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn sang Ban Tôn giáo – Dân tộc thực hiện. Đến ngày 26/6/2008, UBND tỉnh ban hành Quyết định 2001/QĐ-UBN tỉnh Đồng Nai về việc chuyển giao chức năng và tổ chức làm công tác tôn giáo về Sở Nội vụ quản lý và đổi tên Ban Tôn giáo – Dân tộc thành Ban Dân tộc với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai được quy định tại Quyết định số 57/2011/QĐ-UBND ngày 07/9/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.

Tiếp tục triển khai thực hiện các nghị quyết, nghị định, chỉ thị, quyết định của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về lĩnh vực công tác dân tộc, trọng tâm là nội dung kết luận số 57/KL/TW, ngày 3-11-2009 của Bộ Chính trị về công tác dân tộc; chỉ thị số 1971/CT-TTg ngày 27/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, triển khai Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14-1-2011 của Chính phủ về công tác dân tộc. Chiến lược về công tác dân tộc (QĐ số 449/QĐ-TTg ngày 12/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu quan trọng của công tác dân tộc đến năm 2020 là: Tập trung phát triển kinh tế - xã hội các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số bền vững; tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao phúc lợi xã hội; nâng cao trình độ dân trí, tăng cường chất lượng dịch vụ công, bảo vệ môi trường sinh thái, thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa vùng dân tộc và các vùng khác trong tỉnh và giữa các dân tộc. Đảm bảo phát triển kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội theo nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển; xây dựng gia đình, xã, thôn bản văn hóa gắn với giữ gìn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai luôn quan tâm, chỉ đạo không ngừng được củng có và hoàn thiện cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay chức năng nhiệm vụ của Ban Dân tộc tỉnh được quy định tại Quyết định số 48/2015/QĐ-UBND ngày 09/12/2015 của UBND tỉnh Đồng Nai quy định về tổ chức và hoạt động của Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai. Trong suốt chặng đường phát triển, hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc tỉnh Đồng Nai với nhiều tên gọi khác nhau cho đến Ban Dân tộc hiện nay luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, các đồng chí Lão thành Cách mạng, các đồng chí nguyên là lãnh đạo Ban qua các thời kỳ. Đối với cơ quan cấp tỉnh đến nay đã có 29 biên chế, 03 lãnh đạo với 05 phòng chuyên môn. Đối với cơ quan cấp huyện từ chỗ chỉ có 01 chuyên viên làm công tác dân tộc nằm trong văn phòng HĐND-UBND huyện thì nay đã có 9 phòng Dân tộc cấp huyện, tham mưu giúp UBND huyện thực hiện các nhiệm vụ theo quy định, có đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.

Có thể nói, mặc dù có nhiều thay đổi về cơ quan quản lý, song cơ quan thực hiện quản lý Nhà nước về công tác dân tộc của tỉnh luôn bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Trong những năm qua các cấp ủy Đảng và chính quyền đặc biệt quan tâm đến đời sống đồng bào dân tộc thiểu số thuộc khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng kháng chiến cũ. Trước những năm 1993, trình độ sản xuất và dân trí còn thấp, đời sống vật chất tinh thần còn nghèo nàn, lạc hậu, tỷ lệ đói nghèo trong đồng bào dân tộc còn khá cao. Từ tình hình thực tế nêu trên, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã có nhiều Chỉ thị, Nghị quyết chỉ đạo các ngành, các cấp tập trung huy động các nguồn lực thực hiện tốt những chương trình, dự án của Trung ương và của Tỉnh nhà đã đề ra.



Qua 70 năm công tác dân tộc gắn liền với kết quả hoạt động của cơ quan công tác dân tộc, từ những kết quả đã đạt được chúng ta khẳng định rằng: Thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta không chỉ vì lợi ích của các dân tộc thiểu số mà còn vì lợi ích của cả nước, không chỉ là đối nội mà còn là đối ngoại, không chỉ về kinh tế xã hội mà cả về chính trị, quốc phòng, an ninh quốc gia. Yêu cầu chung của cách mạng Việt Nam và nhiệm vụ chủ yếu trong giai đoạn hiện nay thực hiện chính sách dân tộc là: “Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển”, phát huy sức mạnh của toàn bộ cộng đồng dân tộc, đảm bảo cho khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy cao độ trong toàn thể cộng đồng dân tộc và trong mỗi dân tộc sống trên đất nước ta. Đảm bảo lợi ích của các dân tộc, giải quyết thỏa đáng các mối quan hệ giữa các dân tộc, phát huy sức mạnh của từng dân tộc để xây dựng và bảo vệ tổ quốc ngày càng phồn vinh, giàu mạnh./.


1 Kết quả điều tra đời sống kinh tế hộ đồng bào dân tộc thiểu số năm 2013

2 Huỳnh Văn Tới (1998), “Bản sắc dân tộc và văn hóa dân tộc Đồng Nai”, NXB. Đồng Nai

33 Huỳnh Văn Tới, Phan Đình Dũng, Phan Xuân Biên (2005), Văn hóa Đồng Nai (Sơ thảo), NXB. Đồng Nai.

4 Lịch sử Đảng bộ Đảng cộng sản Việt Nam tỉnh Đồng Nai tập I, tr.69

5 Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Đồng Nai (1975-2000)





tải về 204.31 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương