Ubnd tỉnh hậu giang sở NÔng nghiệP & ptnt



tải về 140.91 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu07.07.2016
Kích140.91 Kb.
#1492


UBND TỈNH HẬU GIANG

SỞ NÔNG NGHIỆP & PTNT

Số: 102 /BC.SNN&PTNT



CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc



Vị Thanh, ngày 13 tháng 7 năm 2009



BÁO CÁO

Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch năm 2009

Định hướng phát triển ngành nông nghiệp năm 2010
Phần I

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NĂM 2009
Tình hình sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp tỉnh Hậu Giang 6 tháng đầu năm 2009 diễn biến khá thuận lợi, sản xuất vụ Đông xuân cơ bản đạt thắng lợi trọn vẹn trên cả 2 mặt sản xuất và tiêu thụ; năng suất lúa tiếp tục đạt cao, đàn gia súc, gia cầm vẫn được duy trì ổn định; công tác phòng chống dịch bệnh đạt hiệu quả, dịch bệnh rầy nâu, vàng lùn và lùn xoắn lá cơ bản đã được khống chế, dịch cúm gia cầm có xuất hiện nhưng toàn ngành đã chỉ đạo và tập trung dập dịch nhanh, đến nay dịch bệnh đã được khống chế hoàn toàn và không phát sinh mới; Cơ cấu sản xuất nông nghiệp từng bước chuyển dịch theo hướng tập trung chuyên canh, luân canh phù hợp với từng địa bàn. Nhìn chung, tình hình sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2009 đạt kết quả tương đối khả quan, nông dân yên tâm sản xuất ổn định đời sống.

A/. KẾT QUẢ THỰC HIỆN 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2009

Theo số liệu thống kê, ước tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2009 đạt + 8,46% so với cùng kỳ 2008. Trong đó khu vực sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt mức tăng trưởng + 3,53% so cùng kỳ và đạt 78% so kế hoạch. Dự kiến năm 2009 sẽ đạt mức tăng trưởng theo kế hoạch đề ra (tăng 4-5%).


I/. Kết quả đạt được trong chỉ đạo sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản:


1/. Sản xuất nông nghiệp:

1.1/. Trồng trọt và bảo vệ thực vật

1.1.1/. Trồng trọt

- Cây lúa:

Vụ lúa Đông xuân: Diện tích xuống giống lúa vụ Đông xuân được 82.257 ha, đạt 101,55% kế hoạch và tăng 706 ha so cùng kỳ. Năng suất bình quân 63,08 tạ/ha, tăng 1,43 tạ/ha so cùng kỳ. Sản lượng ước 518.840 tấn, đạt 52% kế hoạch cả năm và tăng 16.049tấn so cùng kỳ; Sản xuất lúa trúng mùa, giá lúa từ 4.000-4.500 đ/kg, doanh thu bình quân từ 28 - 30 tr. đồng/ha, lợi nhuận từ 12-14 tr. đồng/ha, đảm bảo nông dân sản xuất có lãi, nông dân yên tâm sản xuất.

Vụ lúa Hè thu: Từ thắng lợi vụ lúa Đông xuân, nông dân đã tích cực đầu tư sản xuất vụ lúa Hè thu với tổng diện tích gieo sạ được 77.888 ha, đạt 103,8% kế hoạch. Cơ cấu giống chủ yếu là các giống chất lượng cao như OM 4900, OM 6073, OM 6162, OM 5930, OM 4498, OM 2395, OMCS 2000, HG 2,… tỷ lệ gieo sạ giống IR 50404 toàn Tỉnh chiếm 14,53%, đạt theo khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là gieo sạ giống này vụ hè thu không quá 15-20%. Diện tích thu hoạch đến nay ước khoảng 20.000 ha, năng suất bình quân 55 tạ/ha. Sản lượng dự kiến đạt 412.000 tấn.

Vụ lúa Thu đông (vụ 3): Xuống giống lúa vụ 3 được 6.576 ha. Dự kiến diện tích gieo trồng đạt 36.000 ha/30.000 ha kế hoạch, năng suất bình quân 40 tạ/ha, sản lượng 147.000 tấn.

Như vậy, tổng diện lúa cả năm ước đạt 196.145 ha, năng suất bình quân 53 tạ/ha. Sản lượng dự kiến đạt 1.050.000 tấn.



- Cây rau màu: Diện tích gieo trồng: 10.957 ha, đạt 77,1%, trong đó: Bắp 1.346 ha; cây có chất bột 587,7 ha và rau màu các loại 9.023ha. Diện tích thu hoạch 8.654,6 ha. Nhìn chung năm nay diện tích trồng rau đậu các loại tăng nhẹ và cơ cấu cây trồng vẫn thay đổi theo hướng những cây trồng có hiệu quả kinh tế và những cây có giá trị cao được người dân tập trung đầu tư trồng.

- Cây công nghiệp (chủ yếu là cây mía): Diện tích trồng năm 2009: 12.979 ha, đạt 84% kế hoạch và giảm trên 2.955 ha so cùng kỳ, diện tích giảm tập trung nhiều ở Long Mỹ, nguyên nhân là do mấy năm gần đây giá mía thường không ổn định, đồng thời còn khoảng 1/4 diện tích trồng mía chưa được đầu tư đê bao nên phải thu hoạch chạy lũ khiến cho năng suất, chất lượng mía không cao, dẫn đến hiệu quả từ trồng mía thường thấp hơn các cây trồng khác, vì vậy một số diện tích trồng mía đã chuyển đổi sang trồng lúa, rau màu và nuôi thủy sản.

Niên vụ mía 2008-2009 vừa qua, mặc dù giá cả đầu vụ có bấp bênh nhưng nhìn chung người trồng mía rất phấn khởi với gía mía bình quân trong năm 576đồng/kg (mía 10 chữ đường), doanh thu bình quân/1ha đạt 45-50 triệu đồng, lợi nhuận đạt được khoảng 40%, điều này khuyến khích người trồng mía yên tâm sản xuất tiếp tục đầu tư chuyển đổi giống để tăng năng suất, chất lượng đường. Mặc khác, về phía doanh nghiệp thì niên vụ 2008-2009 Công ty Casuco được xếp hạng cao nhất danh sách các danh nghiệp TOPTEM Việt Nam về sản lượng đường sản xuất, đạt 76.200 tấn.

Trong tổng diện tích 12.979 ha thì diện tích mía thu hoạch chạy lũ vào tháng 9, 10 là 8.093 ha (Phụng Hiệp 7.087 ha; thị xã Ngã Bảy 1.006 ha), trong đó có 3.309,7 ha diện tích ngoài đê bao. Năng suất bình quân ước đạt 100 tấn/ha. Sản lượng 809.300 tấn. Khả năng 03 nhà máy đường đóng trên địa bàn tỉnh sẽ tiêu thụ hết lượng mía này.

Cơ cấu giống đa số là các giống mía mới có chữ đường cao như ROC 16, QĐ 11, QĐ 13, QĐ 93-159, VĐ 86-368, VN 4137, dòng lai mỹ,...



- Cây ăn trái: Tổng diện tích 21.226 ha, đạt 102% kế hoạch và tăng 321ha so cùng kỳ, một số vườn cây ăn trái bị xuống cấp được cải tạo trồng mới bằng các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao kết hợp với xây dựng các mô hình khuyến nông năm 2009, hỗ trợ các biện pháp kỹ thuật ứng dụng cho các mô hình cánh đồng mẫu.

+ Cây khóm: Diện tích 1.550 ha, đạt 103% kế hoạch. Giống trồng chủ yếu là giống khóm Queen. Diện tích này vẫn ổn định so với năm 2008.

1.1.2/. Công tác bảo vệ thực vật:

Chi cục Bảo vệ Thực vật đã tích cực chỉ đạo và phối hợp với các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình sâu bệnh trên cây trồng, xử lý kịp thời khi dịch bệnh xuất hiện và phát sinh. Tình hình sâu bệnh 6 tháng qua không đáng kể, một số loài sâu bệnh như rầy nâu, đạo ôn, vàng lùn và lùn xoắn lá, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, bệnh đốm vằn, bạc lá,… có xuất hiện rãi rác trên diện tích nhỏ, không gây thiệt hại lớn, không phát sinh dịch bệnh. Tổng diện tích bị nhiễm dịch hại có 48.025 lượt ha, trong đó nhiễm nhẹ 39.276 lượt ha, nhiễm trung bình 6.784 ha, nhiễm nặng 1.965 ha. Tuy nhiên vẫn còn khả năng thu hoạch và cho năng suất từ 3- 4 tấn/ha.

- Rầy nâu di trú vào đèn xuất hiện đều khắp các huyện, thị trong tỉnh mật số trung bình 1.000-3.000 c/m2, cao nhất 12.000 c/m2, cháy rầy cục bộ từ 5-10% với diện tích 36,35 ha, đã tổ chức khoanh vùng dập dịch, không lây lan diện rộng. Và hiện nay rầy di trú vào đèn tập trung cao từ ngày 30/6/2009 và mật số rầy giảm dần những ngày đầu tháng 7/2009.

- Bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá: vụ Đông xuân xuất hiện 55 ha và vụ Hè thu nhiễm 3,5 ha, mức nhiễm nhẹ, năng suất thu hoạch bình quân 40 tạ/ha;

Nhìn chung tình hình dịch hại có xuất hiện nhiều nhưng mật số và tỷ lệ gây hại thấp chưa ảnh hưởng đến cây trồng, mức độ và tỷ lệ gây hại giảm hơn so với cùng kỳ, dịch bệnh rầy nâu, vàng lùn và lùn xoắn lá cơ bản đã được khống chế.

1.2/. Về chăn nuôi, thú y:

* Chăn nuôi: Theo thống kê tại thời điểm 01/4/2009.

- Tổng đàn heo có 144.810 con heo, tăng 4,4% so cùng kỳ 2008.

- Tổng đàn gia cầm 3.216.178 con, giảm 16,6% so với cùng kỳ và giảm 17,45% so thời điểm 01/10/2008, trong đó đàn gà giảm 2,1% (20.732 con), đàn vịt giảm 23,57% (652.631 con).

- Thực hiện công tác phát triển đàn gia cầm có sự kiểm soát đến nay tổng số sổ đã cấp 4.918 sổ/4.990 đàn/1.959.731 con, chiếm 58,9% tổng đàn.

- Quản lý chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung:

+ Gia súc: Heo nái 5 trại/49 con; heo thịt 44 trại/6.151 con; heo nọc 105 hộ/307 con; Trâu: 01 trại/48 con; Bò: 24 trại/342 con; Dê, cừu: 07 trại/124 con.

+ Gia cầm: toàn tỉnh có 135 trại gà (quy mô từ 200con trở lên) với tổng số lượng là 250.223 con. Trong đó có 12 trại nuôi gia công và 01 trại dân tự đầu tư.

* Công tác thú y:

- Tình hình dịch bệnh chăn nuôi và thủy sản: Dịch cúm gia cầm đã xảy ra trên địa bàn huyện Vị Thủy và Long Mỹ vào đầu tháng 02/2009. Tổng số gia cầm tiêu huỷ trong vùng dịch là 7.597 con. Và đến đầu tháng 3/2009 dịch bệnh đã hoàn toàn bị khống chế đến nay không phát sinh, tuy nhiên nguy cơ tiềm ẩn còn rất cao phải luôn chủ động phòng ngừa; Dịch bệnh thủy sản xuất hiện gây hại nhưng ở mức độ nhẹ chủ yếu do một số loài ký sinh trùng như trùng bánh xe, trùng quả dưa, sán lá, xuất huyết,…

- Công tác phòng chống dịch bệnh:

+ Tiêm phòng văcxin cúm gia cầm: Tập trung tiêm phòng những đàn gia cầm mới phát sinh, tái đàn và tiêm sót trong năm 2008. Kết quả 6 tháng tiêm phòng được 3.189.189 mũi tiêm/2.721.835 con gia cầm. Trong đó: Gà: 695.146con, đạt 71,7% so tổng đàn; Vịt: 2.026.689 con, đạt 90,17% so tổng đàn (trong đó có 467.354 con vịt được tiêm mũi 2).

+ Tiêm phòng định kỳ gia súc đợt I/2009: tiêm phòng đàn heo: dịch tả 5.106 con, phó thương hàn 80 con, tụ huyết trùng 1.190 con, lỡ mồm long móng (LMLM) 27.794 con; đàn trâu, bò: tụ huyết trùng 75 con, LMLM 75 con; dê-cừu: LMLM 138 con; bệnh dại chó, mèo 10.862 con.

+ Tiêm phòng thường xuyên trên đàn gia súc gia cầm đối với một số bệnh như dịch tả, tụ huyết trùng, FMD, E.Coli, Parvovirus, dịch tả vịt, Newcastle, gumboro,... Tổng liều tiêm 2.059.440 liều, trong đó người dân tự mua vaccin tiêm phòng 2.025.320 liều, chiếm 98%. Trong đó: Đàn heo: 669.433 liều; đàn trâu-bò-dê-cừu: 396 liều; bệnh dại chó mèo và 6,7 bệnh chó: 9 liều; Đàn gia cầm: 1.389.350 liều.

Kết quả tiêm phòng đạt tỷ lệ như sau: Bệnh LMLM đàn heo 42.637liều, đạt 29,4%; LMLM trâu, bò: 21,2%; dê, cừu: 207 liều, đạt 15,8%

- Điều trị bệnh cho 12.381 con heo, 125 con trâu bò, 3.017 con chó, mèo và 1.494 con gia cầm khỏi bệnh, đạt tỷ lệ 94%.

- Kiểm dịch động vật-SPĐV, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y được 145.414 con gia súc, 8.773.017 con gia cầm, thủy cầm, 398 tấn thịt, 186.980.836 trứng gia cầm, thủy cầm, xông 1.345.000 trứng gia cầm.

- Thực hiện công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường nuôi, tại các lò mổ gia súc, gia cầm, tại chợ,... Kết quả tiêu độc được gần 1.500.00 m2.

- Quản lý cơ sở ấp trứng, thu gom mua bán trứng: đã quy hoạch được 21 cơ sở ấp trứng và 02 cơ sở thu gom mua bán trứng theo quy định, các cơ sở này đã được cấp giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y. 6 tháng đã xuất được 16.670 thủy cầm con cung cấp cho các hộ chăn nuôi.

- Quản lý 29 cơ sở, điểm giết mổ gia súc, trong đó có 01 cơ sở được cấp chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y; 11 cơ sở giết mổ gia cầm, trong đó có 02 cơ sở được cấp chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y.



2/. Lĩnh vực phát triển lâm nghiệp:

- Diện tích đất lâm nghiệp toàn tỉnh có 5.003 ha, trong đó rừng đặc dụng: 2.805 ha, rừng sản xuất 2.198 ha. 6 tháng qua, trên lĩnh vực lâm nghiệp tập trung chỉ đạo thực hiện một số công tác sau:

- Tổ chức tổng kết công tác PCCR năm 2008 và triển khai kế hoạch PCCR năm 2009; tuyên truyền công tác PCCR cho dân; Tổ chức tập huấn PCCR cho lực lượng dân quân nhằm đảm bảo an toàn PCCR trên địa bàn Tỉnh. Nhờ thực hiện tốt công tác phòng chống cháy rừng nên từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh không xảy ra cháy rừng.

- Thẩm định hồ sơ thiết kế khai thác và trồng lại rừng thuộc Khu BTTN Lung Ngọc Hoàng và dự toán chăm sóc rừng, khoán bảo vệ rừng từ nguồn vốn dự án 661; Đang triển khai xây dựng vườn ươm cây lâm nghiệp; Tổ chức kiểm tra nghiệm thu công tác tỉa tưa, vệ sinh rừng năm 2009.

- Tổ chức hướng dẫn thực hiện theo tinh thần quyết định 147/2007/QĐ-TTg và Thông tư Liên tịch số 02/2008/TTLT-BKH-TC-NN cho các huyện, thị thực hiện công tác lập dự án trồng cây phân tán năm 2009. Tuy nhiên đến nay dự án đã được UBND tỉnh quyết định giao lại cho Sở Nông nghiệp quản lý và triển khai thực hiện dự án này.

- Thực hiện tốt công tác thừa hành pháp luật trong quản lý bảo vệ rừng và động vật hoang dã, đã tổ chức kiểm tra an toàn của 15 cơ sở nuôi cá sấu, qua kiểm tra đã nhắc nhở các chủ nuôi thường xuyên quan tâm tu sữa chuồng trại; Tuần tra, kiểm tra việc vận chuyển mua bán động vật hoang dã, lũy kế đã lập và xử lý 6 trường hợp vi phạm, phạt hành chính 7 triệu đồng, tịch thu 150 kg động vật hoang dã các loại thả lại rừng.



3/. Lĩnh vực thủy sản:

- Diện tích nuôi thủy sản 6 tháng đầu năm 2009 đạt 8.225 ha, trong đó diện tích nuôi bán thâm canh, thâm canh là 542,64 ha; nuôi quảng canh cải tiến: 7.682,36 ha.

- Ngoài ra còn có hình thức nuôi cá lồng, vèo lưới trên sông, rạch có tổng số 1.469 lồng, vèo (thể tích 10 - 20 m3).

Các đối tượng nuôi chủ yếu như: cá tra, cá rô đồng, cá lóc, cá sặc rằn, cá thát lát, cá bống tượng,....

- Tổng sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt 24.346 tấn, tăng 118% so cùng kỳ 2008. Trong đó sản lượng khai thác khỏang 1.600 tấn; Tổng sản lượng thủy sản chế biến 6 tháng ước đạt 4.757 tấn thủy sản các loại, giá trị kim ngạnh xuất khẩu thủy sản ước 36,665 triệu USD.

- Thực hiện công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản: 6 tháng đã tổ chức 88 cuộc tuyên truyền vận động bảo vệ nguồn lợi thủy sản với 2.427 lượt người tham dự; tổ chức kiểm tra công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã thu giữ 01 bộ suyệt điện và vận động giao nộp 32 bộ.

- Thực hiện công tác quy hoạch tổng thể thủy sản đến năm 2020: đang trình tỉnh phê duyệt dự án. Và đang triển khai thực hiện dự án quy hoạch sản xuất và tiêu thụ cá da trơn đến năm 2020.

4/. Thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành:

- Tham gia thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra công tác vận chuyển gia súc gia cầm, phát hiện 02 trường hợp vận chuyển gia cầm không có giấy phép kiểm dịch và đi qua vùng dịch đã công bố và 01 trường hợp vận chuyển vịt con và trứng gia cầm không có giấy kiểm dịch. Kết quả xử lý 01 trường hợp vi phạm, phạt tiền 3,5 triệu đồng, tịch thu 1.700 con vịt con, trả về nơi xuất phát 700 vịt con và 2.800 trứng gia cầm.

- Phối hợp với các đơn vị Sở, ngành chức năng thành lập đoàn kiểm tra liên Ngành, tổ chức thanh tra, kiểm tra 218/440 đại lý, có 57 đại lý vi phạm, chiếm 25%. Các hình thức vi phạm chủ yếu: bán thuốc bảo vệ thực vật quá hạn sử dụng, sang chiết lẽ, không chứng chỉ hành nghề và giấy phép kinh doanh, sửa nhãn hàng hóa, cân hết hạn kiểm định, chứng chỉ hành nghề hết thời gian,... Kết quả thanh tra, kiểm tra đã ra 37 quyết định xử phạt hành chính với số tiền 55,5 tr. đồng. Chưa phát hiện có trường hợp buôn bán vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc BVTV giả.

5/. Công tác tổ chức

Tiếp tục ổn định tổ chức bộ máy ngành Nông nghiệp và PTNT theo tinh thần Thông tư Liên tịch số 61/2008/TTLT-BNV-BNN Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và nhiệm vụ quản lý nhà nước của Uỷ ban nhân dân cấp xã về nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Căn cứ theo tinh thần trên 6 tháng đầu năm 2009 UBND tỉnh Hậu Giang đã ban hành Quyết định quy định chức năng nhiệm vụ của các Chi cục, Trung tâm trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT.

II/. Công tác phát triển nông thôn:


1/. Lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản: Tổng mức kế hoạch vốn năm 2009 do ngành quản lý là 139.604 triệu đồng. Trong đó:

- Vốn thực hiện dự án: 132.741 triệu đồng.

+ Vốn chương trình MTQG& dự án 5tr ha rừng: 9.241 triệu đồng.

+ Vốn trái phiếu chính phủ: 105.000 triệu đồng.

+ Vốn hỗ trợ mục tiêu: 10.500 triệu đồng.

+ Vốn vay tín dụng ưu đãi: 8.000 triệu đồng

- Vốn quy hoạch: 610 triệu đồng.

- Vốn sự nghiệp: 6.253 triệu đồng.

Kết qủa thực hiện đến nay 100.150 triệu đồng, đạt 71,17% kế hoạch vốn, giải ngân 70.496 triệu đồng, đạt 50,1% kế hoạch vốn và đạt 70,4% giá trị thực hiện.

2/. Công tác thủy lợi, phòng chống lụt bão-TKCN:

- Công tác thủy lợi: Năm 2009 tỉnh phát động thực hiện Chiến dịch thủy lợi-giao thông mùa khô: Chiến dịch đã kết thúc vào ngày 19/5/2009, tổng số công trình thực hiện trong thời gian chiến dịch bao gồm công trình vốn kiên cố hóa kiên mương là 100 công trình được nghiệm thu, với khối lượng thủy lợi cụ thể như sau:

+ Tổng khối lượng thực hiện: 1.882.231 m3 , đạt 635,9% kế hoạch, trong đó thủ công: 70.843 m3 ; cơ giới: 1.811.388,8 m3 .

+ Tổng kinh phí thực hiện: 12.912,362 tr. đồng. Trong đó: nhà nước: 7.180,76 tr. đồng, chiếm 55,6%; nhân dân đóng góp: 5.731,76 tr. đồng, chiếm 44,4%.
- Công tác kiểm soát mặn:

Trung tuần tháng 4/2009, nước mặn đã xâm nhập sâu vào nội đồng cách Kiên Giang 10-25 km, độ mặn đo được tại đầu kênh Giồng Cấm (huyện Long Mỹ) là 9,1%o và tại kênh 1- Sông cái lớn là 4,7%o, tại Cầu Chủ Chẹt là 0,8%o (TX. Vị Thanh). Khu vực bị ảnh hưởng là các xã: Lương Tâm, Lương Nghĩa, Vĩnh Viễn (huyện Long Mỹ) và xã Tân Tiến, Hỏa Tiến, Phường 7 (TX. Vị Thanh). Với độ mặn này, nước mặn bắt đầu ảnh hưởng đến sản xuất của nông dân. Ngành Nông nghiệp & PTNT đã chỉ đạo đóng các cống ngăn mặn để hạn chế nước mặn xâm nhập, song song đó thực hiện công tuyên truyền vận động người dân không lấy nước mặn để phục vụ sản xuất nên cơ bản không bị ảnh hưởng của mặn. Đến trung tuần tháng 5/2009 tình hình nước mặn đã giảm đáng kể, không còn gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân.



- Công tác PCLB-TKCN: Từ cuối tháng 4/2009 trên địa bàn Tỉnh đã có mưa to, lốc xoáy xảy ra ở nhiều địa phương trong Tỉnh, gây sập nhà và tốc mái nhiều hộ dân ở huyện Châu Thành đã làm sập hoàn toàn 27 căn nhà, tốc mái 37 căn, bị thương 03 người. Ước thiệt hại khoảng 1,6 tỷ đồng.

3/. Lĩnh vực hợp tác hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn:

- Phát triển kinh tế tập thể: Thống kê tình hình các hợp tác xã, đến nay tổng số HTX nông nghiệp hiện có là 78 HTX, giảm 40 HTX (do giải thể hoặc chuyển sang hình thức hoạt động khác).

Phối hợp với Liên minh HTX, Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện, thị đánh giá, phân loại HTX. Có 72/78 HTX được xếp loại, trong đó có 19 HTX loại tốt, 26 HTX loại khá, 19 HTX trung bình, 8 HTX yếu kém và đang lập thủ tục củng cố 02 HTX. Qua kết quả phân loại đã tổ chức lựa chọn 7 HTX tiêu biểu xây dựng mô hình HTX điểm. Và đang xây dựng chương trình phát triển kinh tế tập thể đến năm 2010 và định hướng đến năm 2015.



- Phát triển nông thôn:

+ Tham mưu Tỉnh thành lập Ban điều hành, xây dựng quy chế hoạt động và kế hoạch thực hiện chương trình nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Nghị quyết Trung ương 7 khóa X.

+ Xây dựng và triển khai một số chương trình thực hiện Nghị quyết TW 7 khóa X như sau:

. Xây dựng đề án hỗ trợ cơ giới hóa sau thu hoạch giai đoạn 2009-2012 nhằm triển khai có hiệu quả Quyết định số 497/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

. Xây dựng chương trình sản xuất nông nghiệp an toàn theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (vietGAP).

. Xây dựng Chương trình giống cây trồng vật nuôi chủ lực của Tỉnh.

. Xây dựng Chương trình kiên cố hóa kênh mương và phát triển cơ sở hạ tầng các vùng nuôi thủy sản.

. Thực hiện chương trình nước sạch &VSMT nông thôn và triển khai thực hiện bộ chỉ số đánh giá theo dõi nước sạch và VSMT nông thôn; Tổ chức thực hiện và khắc phục, sữa chữa 23 trạm cấp nước bị hư hỏng, cơ bản đã xong và những trường hợp bị hư hỏng nặng xin chủ trương đầu tư sửa chữa, nâng cấp lại nhằm đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho dân trong vùng.

+ Hỗ trợ di dời các hộ dân vùng thiên tai sạt lở theo tinh thần Quyết định 193/2006/QĐ-TTg và Quyết định 78/2008/QĐ-TTg: đã xây dựng kế hoạch hướng dẫn các huyện, thị triển khai thực hiện. Tổng kinh phí hỗ trợ là 1.600 triệu đồng, số hộ hỗ trợ là 155 hộ.

+ Chương trình MTQG giảm nghèo năm 2009: Đã xây dựng kế hoạch triển khai cho các huyện, thị: Tổng kinh phí 800 triệu đồng, hỗ trợ tối đa không quá 03 triệu đồng/hộ.

+ Xây dựng kế hoạch triển khai cho các huyện, thị thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II: đang trình UBND tỉnh phê duyệt định mức hỗ trợ kinh tế kỹ thuật. Tổng kinh phí 870 triệu đồng, số hộ tham gia thực hiện 247 hộ, hỗ trợ tối đa không quá 03 triệu đồng/hộ.



4/. Công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật:

- Tổ chức 531 cuộc tập huấn, 125 cuộc hội thảo, 10 cuộc tham quan với 14.204 lượt người tham dự. Nội dung chuyển giao hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao, kỹ thuật trồng màu, chăn nuôi heo, phòng trừ sâu bệnh, phòng trừ rầy nâu, bệnh đạo ôn lá và áp dụng phòng trừ dịch hại theo nguyên tắc 04 đúng, tham quan các mô hình sản xuất hiệu quả,...;

- Thực hiện mô hình cánh đồng ba giảm ba tăng: 09 điểm (diện tích từ 20-50ha/điểm), đã hội thảo tổng kết và thực hiện trình diễn 5 điểm thuốc BVTV phòng trừ cỏ, bệnh và rầy nâu trên lúa.

- Tổ chức triển khai thực hiện 18 mô hình khuyến nông từ nguồn ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh kết hợp với xây dựng 7 mô hình cánh đồng mẫu (từ 20 - 30 ha/cánh đồng) tại các huyện, thị.

- Tổ chức điều tra tình hình sử dụng giống và cơ cấu giống gieo trồng vụ Đông xuân 2008-2009.

- Thực hiện điều tra định kỳ tình hình sâu bệnh trên lúa 7 ngày/lần, theo dõi ghi nhận thực hiện bẫy đèn phục vụ công tác dự tính, dự báo sự phát sinh phát triển của sâu bệnh trên cây trồng, để khuyến cáo biện pháp phòng trừ thích hợp. Kết hợp Đài PTTH Hậu Giang thực hiện công tác dự tính dự báo tình hình sâu bệnh, tuyên truyền rộng rãi ra dân có kế hoạch phòng chống hiệu quả.



III/. Những tồn tại, hạn chế:

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt làm được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như sau:

- Dịch cúm gia cầm và một số dịch bệnh nguy hại khác tuy đã được khống chế nhưng vẫn còn tìm ẩn đã ảnh hưởng đến phát triển chung của ngành. Trong năm 2009, dịch cúm gia cầm đã tái bùng phát vào những tháng đầu năm đã bộc lộ nhiều điểm yếu trong công tác chỉ đạo điều hành của ngành, đặc biệt là từ mạng lưới cơ sở; Tỷ lệ tiêm phòng dịch bệnh lỡ mồm long móng và cúm gia cầm chưa đạt theo tỷ lệ khuyến cáo chung.

- Công tác phối hợp giữa các đơn vị trong ngành nhìn chung chưa đồng bộ; Hệ thống các chế độ thông tin báo cáo từ cấp dưới lên chưa thường xuyên, kịp thời và xác thực tế, gây khó khăn cho việc chỉ đạo điều hành chung của toàn ngành, đặc biệt là công tác quản lý dịch bệnh;

- Công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch còn nhiều bất cập, chưa thật sự phát huy hiệu quả; Người dân chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt, chưa tin tưởng vào công tác quy hoạch cũng như kế hoạch phát triển chung của ngành. Vẫn còn tồn tại thói quen sản xuất tự phát, dễ dẫn đến giá cả không ổn định khi thị trường có biến động, gây thiệt hại cho đối tượng sản xuất mà trong đó đa phần là nông dân.

- Kinh tế hợp tác chỉ tập trung vào các HTX chưa quan tâm đến phát triển các loại hình kinh tế trang trại, tổ hợp tác và câu lạc bộ,...

- Cơ sở hạ tầng nông thôn tuy đã được tăng cường nhưng còn thiếu so với yêu cầu chuyển đổi, nhất là hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Trong thời gian tới cần được quan tâm đầu tư phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

- Chưa vận dụng và phát huy hiệu quả các chính sách của nhà nước về các lỉnh vực đầu tư CSHT nông thôn, giống cây trồng, vật nuôi, về tiếp cận vốn tín dụng cho đầu tư phát triển nông nghiệp, thủy sản, trang bị cơ giới hóa, tăng cường công tác khuyến nông, tập huấn và đào tạo nguồn nhân lực cho lao động nông thôn,…



B/. DỰ KIẾN KHẢ NĂNG THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NĂM 2009

1/. Dự báo khả năng thực hiện kế hoạch năm 2009

Với kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm như GDP toàn ngành tăng + 3,53% so với cùng kỳ, chủ yếu do sản lượng lúa, thủy sản tương đối đạt khá cao so cùng kỳ, dự kiến các chỉ tiêu năm 2009 như sau:

+ Tốc độ tăng trưởng của khu vực I tăng từ 4-5%, đạt kế hoạch đề ra.

+ Giá trị sản xuất (GO) khu vực 1 tăng 5 - 6%, đạt kế hoạch đề ra.

+ Tăng giá trị sản xuất nông - lâm- thuỷ sản bình quân trên 1 ha đất canh tác lên trên 50 triệu đồng/ha (giá HH), phấn đấu đạt lợi nhuận bình quân trên 40%; Nâng cao mức sống của người dân khu vực nông thôn, phấn đấu thu nhập bình quân đầu người nông thôn đạt trên 5 tr.đ/người/năm.

- Dự kiến các chỉ tiêu sản xuất đạt được như sau:

+ Sản lượng lúa: đạt 1.046.000 tấn, tăng 2,5% so cùng kỳ.

+ Sản lượng mía ước đạt trên 1.000.000 tấn.

+ Sản lượng thủy sản đạt 52.554 tấn, trong đó sản lượng cá tra 33.000 tấn, tăng 31%.
2/. Phương hướng công tác 6 tháng cuối năm 2009

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu kế hoạch của toàn ngành năm 2009, 6 tháng cuối năm 2009, ngành Nông nghiệp & PTNT chỉ đạo toàn Ngành tập trung thực hiện một số công tác trọng tâm sau:

- Tập trung chỉ đạo sản xuất đạt thắng lợi vụ lúa Hè thu, đảm bảo thời vụ gieo trồng lúa vụ 3; Chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng ngừa dịch bệnh gây hại cây trồng, vật nuôi; thực hiện tốt công tác tiêm phòng và phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Chú ý tiêm phòng bệnh lỡ mồm long móng đàn heo, bệnh cúm gia cầm và tuyên truyền phòng ngừa bệnh cúm H1N1, bệnh tai xanh;

- Theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết để có dự báo kịp thời về công tác phòng chống lụt bão có kế hoạch chuẩn bị giúp nông dân bảo vệ tốt vụ Hè thu và hoa màu, thuỷ sản; tổ chức phân công trực PCLB 24h/24h và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống lụt bão-TKCN năm 2009.

- Tổ chức rà soát quy hoạch ngành nông nghiệp nông thôn đến năm 2020 để có điều chỉnh bổ sung phù hợp; Hoàn chỉnh các dự án quy hoạch của ngành như quy hoạch thủy sản, quy hoạch thủy lợi và triển khai thực hiên quy hoạch bố trí dân cư.

- Tổ chức lập dự án Quy hoạch phát triển ngành chăn nuôi và cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tỉnh Hậu Giang đến năm 2020; Đẩy mạnh việc chuyển đổi và đổi mới phương thức chăn nuôi, có chính sách khuyến khích chăn nuôi heo theo phương thức công nghiệp, bán công nghiệp và trang trại.

- Tổ chức thực hiện chương trình sản xuất nông nghiệp an toàn theo quy trình vietGAP nhằm từng bước nâng cao vị thế cạnh tranh các mặt hàng nông sản của Tỉnh.

- Phối hợp với các ngành chức năng tiếp tục thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật, buôn bán động vật hoang dã trên địa bàn Tỉnh.

- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án có nguồn vốn chương trình mục tiêu Quốc gia như: chương trình 193, chương trình 135, chương trình nước sạch & VSMT nông thôn; Hướng dẫn các huyện, thị triển khai nhanh vốn kích cầu thuộc chương trình kiên cố hoá kênh mương và xây dựng cơ sở hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản; Tổ chức sơ kết đánh giá tình hình hoạt động 12 HTX nông nghiệp điểm để tập trung củng cố và nâng chất phát triển.

- Tiếp tục ổn định tổ chức bộ máy ngành Nông nghiệp và PTNT theo tinh thần Thông tư Liên tịch số 61/2008/TTLT-BNV-BNN .

- Rà soát, xây dựng kế hoạch phát triển nông nghiệp nông thôn năm 2010 phù hợp với điều kiện thực tế.

PHẦN II

KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN 2010
I/. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ CÁC CHỈ TIÊU CHỈ YẾU CỦA KẾ HOẠCH NĂM 2010:

1/. Mục tiêu:

- Tiếp tục xây dựng nhằm từng bước hình thành một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung, có chất lượng, phát triển ổn định, bền vững và đủ sức cạnh tranh trên thị trường, trên cơ sở ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại.

- Xây dựng nông thôn mới có cơ cấu kinh tế hợp lý, có quan hệ sản xuất phù hợp, có kết cấu hạ tầng phát triển, đời sống nông dân được nâng cao.

2/. Nhiệm vụ của ngành:

- Tiếp tục tổ chức thực hiện Nghị quyết về Nông nghiệp- Nông dân- Nông thôn của BCH-TW Đảng (khóa X) thật sự có hiệu quả, phù hợp thực tế và đi vào lòng dân, trên cơ sở vận dụng và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước nhằm hỗ trợ nông nghiệp-nông dân-nông thôn.

- Đẩy nhanh phát triển sản xuất nông nghiệp nhanh, bền vững có chất lượng, có tính hiệu quả và cạnh tranh cao đảm bảo đủ sức hội nhập với khu vực và quốc tế.

- Đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa và sức cạnh tranh trên thị trường, đẩy mạnh cơ khí hóa trong nông nghiệp nhằm gia tăng hiệu quả sản xuất.

- Đẩy mạnh phát triển các vùng sản xuất tập trung, đặc biệt là các loại rau màu, thủy sản theo hướng an toàn và bền vững môi trường. Đồng thời chú trọng phát triển đàn gia cầm theo hướng tập trung khép kín, đảm bảo an toàn sản phẩm. Phát triển mạnh nuôi trồng thuỷ sản, rau màu, chăn nuôi làm tiền đề chuyển đổi cơ cấu sản xuất cho những năm sau.

- Sản xuất nông nghiệp gắn bó chặt chẽ với công nghiệp chế biến. Phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, tăng sản phẩm có hàm lượng chế biến cao, đáp ứng yêu cầu sản xuất, chế biến và tiêu thụ hàng hóa nông sản trong điều kiện hội nhập WTO.

- Củng cố và từng bước phát triển các loại hình hợp tác hóa nông nghiệp trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và dịch vụ nông nghiệp theo hướng sản xuất tập trung khép kín.

- Phát triển nguồn nhân lực trong đầu tư phát triển nông nghiệp nông thôn bằng cách tăng cường công tác đào tạo đội ngũ lao động, cán bộ khoa học kỹ thuật và nghiên cứu đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; Điều chỉnh bổ sung tổ chức bộ máy của toàn ngành từ tỉnh đến cơ sở.



3/. Các chỉ tiêu chủ yếu năm 2010

3.1. Các chỉ tiêu chung:

- Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) ngành nông nghiệp (khu vực 1) tăng 4 - 5%

- Phấn đấu đạt tốc độ tăng tăng giá trị sản xuất (GO) khu vực 1 tăng 5 - 6%.

- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng: giảm tỉ trọng ngành nông nghiệp xuống dưới 87,96% năm 2010 (năm 2009: 91,58%), tăng tỉ trọng ngành lâm nghiệp lên 1,37% (năm 2009: 1,05%) và tỷ trọng ngành thủy sản tăng lên 10,67% năm 2010 (năm 2009: 7,37%)

- Tăng giá trị sản xuất nông - lâm- thuỷ sản bình quân trên 1 ha đất canh tác lên trên 60 triệu đồng/ha (ước năm 2009: 60 triệu đồng/ha), lợi nhuận đạt bình quân trên 40%; Nâng cao mức sống của người dân khu vực nông thôn, phấn đấu thu nhập bình quân đầu người nông thôn đạt từ 5,5 - 6 tr.đ/người/năm.

3.2. Chỉ tiêu sản xuất chủ yếu của ngành năm 2010:

a. Trồng trọt:

- Cây lúa:

Vẫn giữ diện tích canh tác lúa ổn định khoảng 80.000 ha, trong đó có 20.000 ha lúa chất lượng cao và trên 5.000 ha lúa đặc sản xuất khẩu; Sản lượng lúa ổn định khoảng 1 triệu tấn, tập trung vào thâm canh tăng năng suất, sử dụng giống mới nâng cao chất lượng đạt trên 80%, góp phần đáng kể vào việc thực hiện an ninh lương thực quốc gia.



- Cây màu và cây công nghiệp ngắn ngày:

Chuyển dịch cơ cấu cây màu theo hướng gia tăng diện tích, năng suất, sản lượng, đặc biệt là cây bắp lai; Tập trung xây dựng các vùng sản xuất rau quả tập trung, và một số mô hình điểm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, chủ yếu phát triển các loại rau ăn lá, củ quả, đậu xanh,... Tổng diện tích kế hoạch 18.200 ha, sản lượng 211.210 tấn. bao gồm:

+ Cây bắp: 2.000 ha, năng suất bình quân 60 tạ/ha, sản lượng 11.910tấn

+ Rau màu và đậu các loại: 14.500 ha, sản lượng 199.300 tấn.



- Cây mía: Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng nguyên liệu mía; tập trung các giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm tăng năng suất, sản lượng, đáp ứng nhu cầu mía nguyên liệu cho các nhà máy đường trong tỉnh.

Tổng diện tích kế hoạch: 13.000 ha, năng bình quân 95 tấn/ha, sản lượng 1.235.000tấn.



- Cây ăn trái: Tập trung phát triển những loại cây có giá trị kinh tế cao và mang tính đặc trưng của vùng như bưởi Phú Hữu, khóm Cầu đúc, Xoài cát Hòa lộc. Tổng diện tích kế hoạch: 21.650 ha. Sản lượng 148.582 tấn. Trong đó: cây có múi: 7.100 ha; khóm: 1.600 ha, cây xoài 5.100 ha, còn lại là cây ăn quả các loại 7.850 ha.

b. Chăn nuôi: Củng cố và xây dựng tổ chức mạng lưới thú y cơ sở vững mạnh, đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ chuyên ngành thú y nhất là công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Tập trung khôi phục đàn và phát triển chăn nuôi theo hướng hiệu quả, an toàn dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Kế hoạch phát triển đàn chăn nuôi năm 2010 như sau: Đàn trâu 1.700 con; đàn bò 3.000 con; đàn heo 250.000 con; đàn gia cầm 3,5 triệu con.



c. Thủy Sản:

Đẩy mạnh phát triển thuỷ sản một cách hiệu quả và bền vững, xây dựng các chương trình dự án cụ thể hóa quy hoạch thủy sản; xây dựng mô hình nuôi thủy sản theo quy trình GaqP, đồng thời chỉ đạo nuôi thủy sản theo quy hoạch; chỉ đạo quản lý môi trường, tài nguyên nước theo các quy định; Tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng con giống, thức ăn, chế phẩm, hóa phẩm,... phục vụ cho nuôi thủy sản.

Định hướng phát triển ngành thủy sản tỉnh là thực hiện theo quan điểm tăng vừa về số lượng và nâng dần về quy mô, chất lượng, đặc biệt đối với một số đối tượng nuôi chủ lực của tỉnh như cá thát lát, rô đồng, sặc rằn,…

- Diện tích kế hoạch năm 2010: 11.000 ha. Trong đó:

+ Diện tích nuôi thâm canh, bán thâm canh: 1.080 ha (cá tra: 250 ha, cá rô đông: 416 ha, cá thát lát: 130 ha, cá đồng khác (lóc, sặc rằn): 284 ha.

+ Diện tích nuôi quảng canh cải tiến: 9.920 ha, bao gồm: nuôi ao, mương vườn 5.105 ha, nuôi ruộng trũng 4.815 ha.

- Tổng sản lượng thuỷ sản 74.706 tấn, trong đó: sẳ lượng nuôi 70.706 tấn (cá tra: 37.500 tấn, cá rô đồng: 11.648 tấn, cá thát lát 3.900 ha), khai thác 4.000 tấn.

d. Lâm nghiệp:

- Thực hiện công tác quản lý bảo vệ 5.003 ha đất lâm nghiệp, trong đó rừng đặc dụng 2.805 ha, rừng sản xuất 2.198 ha.

- Phát động nhân dân trồng 2,5-3 triệu cây phân tán trên các trục lộ giao thông, tuyến đê bao, kênh mương, cụm, tuyến dân cư, trường học, các điểm tham quan du lịch,… nhằm tạo cảnh quan môi trường, bảo vệ công trình xây dựng và đê bao.

- Tổ chức thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy rừng, hạn chế thấp nhất xảy ra cháy rừng.

- Phát triển các mô hình khuyến lâm, nuôi sinh sản động vật hoang dã.

- Sắp xếp bộ máy và tăng cường lực lượng kiểm lâm để đảm bảo tốt vai trò là lượng lượng nòng cốt trong công tác quản lý bảo vệ rừng.



(Chi tiết xem biểu bảng kèm theo)

4/. Công tác thủy lợi:

Phát triển thủy lợi theo hướng phục vụ đa mục tiêu: phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản,... Tiếp tục hòan thành các công trình dở dang; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình có nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ. Theo dõi diễn biến thời tiết, điều kiện khí hậu, khí tượng thủy văn… để triển khai các biện pháp kịp thời đảm bảo tưới tiêu phục vụ sản xuất.



5/. Phát triển kinh tế nông thôn:

- Tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ các doanh nghiệp đến đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn Hậu Giang, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ ở nông thôn, tạo nhiều việc làm tăng thu nhậpcho nông dân.

- Tập trung thực hiện công tác củng cố và nâng chất hoạt động của 7 HTX tiêu biểu xây dựng mô hình HTX. NN điểm; tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ HTX, câu lạc bộ, tổ hợp tác, trang trại;

- Thực hiện đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo và mở rộng các hệ thống cấp nước theo quy hoạch được duyệt; quan tâm đầu tư xây dựng hệ cấp nước tập trung phục vụ các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.

- Thực hiện tốt công tác hỗ trợ phát triển sản xuất cho người nghèo theo dự án khuyến nông, lâm ngư hỗ trợ sản xuất phát triển ngành nghề nông thôn; Các dự án thuộc Chương trình 135 giai đoạn II và một số chính sách lồng ghép hỗ trợ người nghèo.

6/. Kế hoạch thực hiện các chương trình, dự án năm 2010:

Tổng nhu cầu vốn năm 2010 là 899.489 triệu đồng. Trong đó:

- Vốn TPCP: 793.500 triệu đồng.

- Vốn HTMT: 69.510 triệu đồng.

- Vốn Chương trình MTQG: 23.250 triệu đồng.

- Vốn ngân sách tỉnh: 13.230 triệu đồng.

Cụ thể đầu tư cho các chương trình, dự án sau:

- Chương trình bố trí sắp xếp dân cư - Chương trình 193:

+ Xây dựng các dự án thuộc chương trình bố trí dân cư vùng thiên tai sạt lở theo tinh thần Quyết định 193/2006/QĐ-TTg và Quyết định số 78/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Hỗ trợ di dời dân ra khỏi vùng thiên tai sạt lỡ. Tổng kinh phí đề nghị TW hỗ trợ: 18.600 triệu đồng.

- Chương trình mục tiêu quốc gia gảm nghèo:

+ Dự án khuyến nông, lâm ngư hỗ trợ sản xuất phát triển ngành nghề nông thôn - chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo: Tổng nhu cầu vốn đề nghị TW hỗ trợ để thực hiện chương trình là 3.000 triệu đồng,



- Chương trình 135 giai đoạn II: Tổng nhu cầu kế hoạch đề nghị TW tiếp tục hỗ trợ cho tỉnh để thực hiện là: 980 triệu đồng.

- Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và VSMTNT:

+ Nước sạch và VSMTNT: 30.000 triệu đồng (kể cả phần vệ sinh môi trường), trong đó: vốn đầu tư phát triển là 28.000 triệu đồng. Đề nghị TW hỗ trợ 26.000 triệu đồng, ngân sách địa phương cân đối 4.000 triệu đồng.



- Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng: Kế hoạch vốn năm 2010: 1.249 triệu đồng.

- Xây dựng vườn ươm giống cây lâm nghiệp: Tổng mức kế hoạch: 1.400 triệu đồng, đề nghị TW hỗ trợ 1.000 triệu đồng, ngân sách địa phương cân đối 400 triệu đồng.

- Các dự án thuỷ lợi đề nghị TW ưu tiên đầu tư năm 2010 theo tinh thần Quyết định số 84/2006/QĐ-TTg, bao gồm:

+ Các dự án thuỷ lợi có nguồn vốn TPCP: 793.500 tr. đồng

. Dự án kè kênh xáng Xà No (giai đoạn 2): 645.000 tr. đồng

. Dự án hệ thống đê bao Long Mỹ-Vị Thanh: 148.500 tr. đồng

+ Các dự án đầu tư phát triển phục vụ sản xuất: 26.000 tr. đồng

. Dự án Trung tâm giống thuỷ sản Tỉnh: 18.000 tr. đồng

. Dự án nâng cấp Trại giống nông nghiệp Vị thuỷ: 4.000 tr. đồng

. Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi cá thát lát: 4.000 tr. đồng.

- Các dự án quy hoạch và CBĐT: Tổng kế hoạch vốn là 5.160 triệu đồng.

(Chi tiết xem biểu bảng kèm theo)

II/. CÁC GIẢI PHÁP ĐỂ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NĂM 2010

Để hoàn thành tốt kế hoạch năm 2010, đồng thời tạo tiền đề phát triển nhằm hoàn thành kế hoạch 5 năm 2011-2015 và Nghị quyết TW 7 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ngành nông nghiệp &PTNT đề ra các giải pháp chính như sau:

1. Công tác chỉ đạo điều hành kế hoạch năm 2010

- Tập trung chỉ đạo xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện kế hoạch ngay từ đầu năm cho các địa phương, đơn vị. Phân kỳ thời gian có kiểm tra, đôn đốc và có tổ chức sơ tổng kết (quý, 6 tháng, cả năm), có đánh giá rút kinh nghiệm.

- Tập trung cho công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản, khống chế không để dịch bệnh bộc phát lây lan ra diện rộng, thông qua công tác dự tính, dự báo, thông tin tuyên truyền, chuyển giao kỹ thuật, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, để nông dân sản xuất đúng kỹ thuật, an toàn, giảm chi phí trong sản xuất, hạn chế thấp nhất rủi ro trong sản xuất nông nghiệp.

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác giống, khuyến nông, khuyến ngư thông qua nhiều giải pháp cụ thể để người dân có điều kiện áp dụng để sản xuất có hiệu quả, chất lượng cao, tăng thu nhập;

- Xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng vietGAP, nhằm từng bước ổn định và mở rộng sản xuất một số loại nông sản đặc sản của Hậu Giang như lúa HG 2, khóm cầu đúc, bưởi Phú Hữu,…

- Nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân nhất là các tiến bộ khoa học kỹ thuật bằng nhiều kênh thông tin kể cả trên Internet, từ đó giúp nông dân tăng được năng suất cây trồng và chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh ở thị trường nội địa và nước ngoài.

- Tiếp tục chỉ đạo và triển khai thực hiện các chương trình, đề án phục vụ cho phát triển nông nghiệp và nông thôn theo tinh thần Nghị quyết TW 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn như:

- Hỗ trợ cơ giới hoá thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch theo Quyết định 497/QĐ-TTg ngày 17/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

- Chương trình sản xuất nông nghiệp an toàn theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) giai đoạn 2009-2010, định hướng 2020.

- Chương trình giống cây trồng vật nuôi chủ lực giai đoạn 2009-2010, định hướng 2020.

- Chương trình thuỷ lợi phục vụ vùng nguyên liệu lúa, mía, thuỷ sản, cây ăn trái và rau màu giai đoạn 2009-2010, định hướng 2020.

2. Thực hiện tốt công tác rà soát bổ sung và quản lý quy hoạch, công tác lập dự án đầu tư, quản lý và triển khai tốt đầu tư xây dựng cơ bản và các nguồn vốn khác.

- Đổi mới phương cách xây dựng quy hoạch công khai và quản lý quy hoạch từng bước đi vào nề nếp. Từng quy hoạch cần tách riêng hoặc lồng ghép bằng các chương trình đề án, dự án cụ thể để quy hoạch thật sự đi vào đời sống nông dân, hạn chế thấp nhất việc sản xuất tự phát.

- Phối hợp với UBND các huyện, thị xã trong việc lập 1 số dự án đầu tư vào sản xuất để từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung hướng vào xuất khẩu.

- Tăng cường công tác quản lý, thẩm định, giám sát, kịp thời xử lý hoặc đề xuất tháo gỡ những vướng mắc nhằm sớm triển khai và hoàn thành dứt điểm chỉ tiêu vốn đầu tư, đảm bảo chất lượng, đưa nhanh công trình vào hoạt động phục vụ sản xuất.

3. Tập trung chỉ đạo điều hành đổi mới một bước về nâng cao chất lượng hàng nông sản Hậu Giang nhằm đáp ứng việc gia nhập WTO. Trong đó lưu ý vấn đề giống, thu hoạch và sau thu hoạch, chất lượng hàng hóa vật tư nông nghiệp và đặc biệt chỉ đạo thành công Chương trình vietGAP cho 3 cây và 01 con: bưởi 5 roi Phú Hữu, khóm Cầu đúc, lúa Hậu Giang 2, cá tra an toàn vệ sinh thực phẩm và tăng cường đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi phù hợp từng địa phương. Tạo được bước chuyển biến tốt trong việc thực hiện Quyết định 80/2002/TTg và lĩnh vực kinh tế tập thể.

4. Thường xuyên nắm bắt thông tin, diễn biến thời tiết, dịch bệnh,... chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, để hạn chế đến mức thấp nhất thiên tai, dịch bệnh nếu có xảy ra.

5. Phối hợp với các Ngành đẩy mạnh công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, liên doanh, liên kết.

- Thực hiện các hoạt động cập nhật thông tin thương mại, thị trường nhằm định hướng đúng trong sản xuất nông nghiệp.

- Tích cực quan hệ với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, nhà máy chế biến nông sản v.v…, để thực hiện có hiệu quả Quyết định 80/2002/TTg của Thủ tướng Chính phủ.

- Tiếp tục đẩy mạnh kinh tế hợp tác, nhất là vùng nuôi trồng thủy sản và một số vùng có nhu cầu cao liên kết nhưng còn bỏ ngỏ để chỉ đạo mở mới hình thức cho phù hợp và đáp ứng nhu cầu đòi hỏi trong sản xuất và tiêu thụ.

- Tăng cường hợp tác hợp tác với các viện, trường, các cơ quan khoa học để chuyển giao, nghiên cứu kỹ thuật mới áp dụng vào sản xuât, tăng cường kêu gọi đầu tư dự án mới, đối thoại trực tiếp với các nhà đầu tư để thu hút các nguồn vốn hỗ trợ và phát triển trong nông nghiệp.

6. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị trong ngành :

- Ổn định tổ chức bộ máy theo tinh thần Thông tư Liên tịch 61/2008/TTLT-BNN-BNV.

- Đẩy mạnh công tác xây dựng kế hoạch, thực hiện chế độ thông tin báo cáo chính xác, đầy đủ, kịp thời, xây dựng mạng lưới báo cáo từ cơ sở, quan tâm đến công tác kiểm tra thực hiện kế hoạch, sơ tổng kết, đặc biệt là sơ kết đánh giá hiệu quả các chuyên đề, hiệu quả các nguồn vốn đầu tư.

- Phát động trong toàn thể cán bộ công chức bằng mọi phương tiện nắm bắt thông tin, tự đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ khoa học kỹ thuật để chất lượng hoạt động của ngành Nông nghiệp & PTNT ngày một tốt hơn.

- Thực hiện tốt công tác bình bầu thi đua khen thưởng hàng năm và đột xuất nhằm phát huy sức mạnh của cá nhân và tập thể, góp phần nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước.

Nơi nhận : GIÁM ĐỐC

- Bộ NN & PTNT; (đã ký)

- Sở KH-ĐT;

- Lưu VT-KHTC. Nguyễn Văn Đồng





tải về 140.91 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương