Ubnd tỉnh hải dưƠng sở thông tin và truyềN thôNG



tải về 33.29 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu06.08.2016
Kích33.29 Kb.
#14371


UBND TỈNH HẢI DƯƠNG

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

Số: 160 /STTTT-BCXB

V/v báo cáo thực hiện Đề án Quy hoạch

phát triển và quản lý báo chí toàn quốc

đến năm 2025


CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Hải Dương, ngày 10 tháng 3 năm 2016




Kính gửi:

- Báo Hải Dương;

- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh;

- Các cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí của các Tạp chí: Khoa học và Công nghệ; Lao động và Công đoàn; Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Văn nghệ Hải Dương; Nghiên cứu khoa học - Đại học Sao Đỏ; Đại học Hải Dương.



Căn cứ Công văn số 4223A/BTTTT-CBC ngày 22/12/2015 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc thực hiện Quy hoạch báo chí;

Căn cứ Công văn số 74/UBND ngày 13/01/2016 của UBND tỉnh về việc triển khai Quy hoạch báo chí;

Căn cứ “Báo cáo Những nội dung cơ bản về Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 đã được các cơ quan chức năng cho ý kiến” ngày 25/9/2015 của Bộ Thông tin và Truyền thông,

Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh xây dựng Báo cáo thực hiện Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 theo hướng dẫn cụ thể như sau:



I. VỀ ĐỊNH HƯỚNG QUY HOẠCH BÁO CHÍ TOÀN QUỐC:

1. Đối với báo và tạp chí in:

1.1. Sắp xếp hệ thống các cơ quan báo in gắn với các giải pháp đổi mới mô hình tổ chức, quản lý theo hướng giảm số lượng cơ quan báo in, mỗi cơ quan báo in có thể có nhiều ấn phẩm (trong đó có 01 ấn phẩm chính và có thể có một số ấn phẩm phụ). Các cơ quan báo in sau khi được sắp xếp đều có cơ quan chủ quản trực tiếp là Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương, cơ quan cấp Bộ, ngành cấp Trung ương (trừ các quân khu, quân chủng) tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác chỉ đạo, quản lý. Các cơ quan báo chí in được giao quyền tự chủ tài chính. Nhà nước tập trung đầu tư ngân sách cho một số cơ quan báo in chủ lực, thực hiện cơ chế đặt hàng đối với một số báo và tạp chí phục vụ các nhiệm vụ chính trị được xác định. Đổi mới hình thức, nội dung các ấn phẩm đáp ứng yêu cầu thông tin chung và thông tin chuyên biệt của từng nhóm độc giả, vùng miền.

1.2. Phương án sắp xếp:

Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 01 cơ quan báo in thuộc Đảng bộ cấp tỉnh, 01 cơ quan tạp chí in thuộc hội văn học - nghệ thuật tỉnh. Một số tỉnh, thành phố là địa bàn trọng điểm về kinh tế, khoa học, công nghệ, văn hóa, du lịch được có cơ quan tạp chí in chuyên ngành. Các sở, ngành không có cơ quan báo in.



1.3. Lộ trình thực hiện: Trước năm 2017 tiến hành sắp xếp thí điểm tại một số cơ quan, địa bàn để rút kinh nghiệm trước khi triển khai trong cả hệ thống. Đến năm 2020, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp.

2. Đối với phát thanh, truyền hình:

2.1. Hệ thống phát thanh, truyền hình đổi mới theo hướng tập trung sản xuất chương trình, bảo đảm các chương trình sản xuất trong nước đạt tối thiểu 70% tổng thời lượng phát sóng. Việc khai thác các nội dung từ kênh chương trình truyền hình nước ngoài tập trung vào tin thời sự quốc tế, khoa học, kỹ thuật, thể thao, giải trí và không vượt quá 30% tổng thời lượng phát sóng. Đến năm 2020, các đài truyền hình địa phương tự chủ về tài chính. Nhà nước có cơ chế hỗ trợ, đặt hàng đối với các kênh, chuyên mục, chương trình, phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền.

2.2. Phương án sắp xếp:

Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 01 đài phát thanh, truyền hình. Mỗi đài chỉ có 01 kênh phát thanh, 01 kênh truyền hình quảng bá phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền. Bảo đảm chương trình sản xuất trong nước đạt tối thiểu 70% thời lượng phát sóng. Riêng Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có cơ chế đặc thù về mô hình tổ chức và phạm vi thông tin, mỗi đài có tối đa 02 kênh phát thanh, 02 kênh truyền hình quảng bá phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền. Các trung tâm truyền hình khu vực của Đài Truyền hình Việt Nam chỉ thực hiện chức năng sản xuất chương trình cho Đài Truyền hình Việt Nam tại khu vực đó, không phát sóng riêng kênh chương trình khu vực. Đến năm 2020, các đài phát thanh, truyền hình trên cả nước hoàn thành việc sắp xếp theo phương án này.



3. Đối với báo và tạp chí điện tử

3.1. Định hướng sắp xếp hệ thống báo điện tử cơ bản tương tự như báo in. Cơ quan, tổ chức được có cơ quan báo in thì được xuất bản báo điện tử. Các cơ quan tổ chức được xuất bản tạp chí in thì có thể có phiên bản điện tử (đăng đúng nội dung của tạp chí in). Quản lý chặt chẽ phiên bản điện tử của tạp chí in để không hoạt động như báo điện tử.

3.2. Các cơ quan, tổ chức dưới cấp bộ ngành, tỉnh (là cấp không được có báo in) mà hiện có báo điện tử thì sắp xếp theo hướng chuyển cơ quan báo điện tử sang trực thuộc cấp bộ ngành, tỉnh.

3.3. Các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, doanh nghiệp nhà nước chỉ có tạp chí điện tử, không có báo điện tử. Tạp chí điện tử chỉ được thể hiện đúng tính chất tạp chí, tránh tình trạng sử dụng giấy phép xuất bản tạp chí điện tử để xuất bản báo điện tử.

3.4. Các báo điện tử hiện có thuộc các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, doanh nghiệp nhà nước thì sắp xếp lại theo hướng thay đổi cơ quan chủ quản cho phù hợp với quy hoạch.

3.5. Về cơ bản các báo điện tử tự cân đối tài chính. Nhà nước có cơ chế hỗ trợ phát triển một số báo điện tử chủ lực có kỹ thuật, công nghệ hiện đại, tính tương tác cao, phong phú về nội dung, có khả năng thu hút công chúng, định hướng dư luận xã hội, nhất là trước các sự kiện, vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm để phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền và thông tin đối ngoại (bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài).

3.6. Sắp xếp hệ thống các báo điện tử gắn với đổi mới công nghệ, quản lý nhằm phát huy tối đa lợi thế về bao phủ thông tin, khả năng tương tác, tìm kiếm thông tin và xâu chuỗi sự kiện, phù hợp với xu hướng hội tụ công nghệ đa phương tiện, trở thành công cụ hữu hiệu định hướng thông tin mạng.

3.7. Lộ trình thực hiện:

Các cơ quan nào vừa có báo in và báo điện tử thì sắp xếp theo lộ trình của báo in. Các cơ quan chỉ có báo điện tử sắp xếp trước năm 2017.



II. VỀ BÁO CÁO THỰC HIỆN QUY HOẠCH BÁO CHÍ TOÀN QUỐC:

1. Nội dung báo cáo:

“Báo cáo thực hiện Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025” cần nêu đầy đủ và làm rõ và các nội dung chính sau đây:



1.1. Đặc điểm mô hình tổ chức và hoạt động của cơ quan báo chí từ khi bắt đầu hoạt động đến nay:

+ Tổng số lượng lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, nhà báo (trong đó ghi rõ số người đã được cấp thẻ nhà báo, trình độ lý luận chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ…);

+ Số giấy phép và ngày tháng năm được cấp (theo giấy phép được cấp hiện nay); định kỳ xuất bản, số trang, số lượng phát hành trên 01 kỳ xuất bản, các ấn phẩm chính và phụ (đối với báo in); thời lượng phát sóng/ngày, số bản tin, chương trình, chuyên mục/tuần (đối với báo nói, báo hình); địa chỉ tên miền, số lượt truy cập/ngày (đối với báo điện tử);

+ Hiện trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật của cơ quan thông tin, báo chí (máy vi tính, máy quay camera, máy ảnh, máy ghi âm, xe truyền hình lưu động, trường quay…);

+ Các nội dung khác có liên quan.

1.2. Kết quả hoạt động chủ yếu của cơ quan báo chí trong năm 2015 và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2016.

1.3. Ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân.

1.4. Lộ trình cụ thể thực hiện Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 của cơ quan báo chí trong năm 2017 và năm 2020 (đối với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, nêu thêm nội dung thực hiện lộ trình số hoá truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất).

1.5. Đề xuất, kiến nghị:

+ Về lộ trình cụ thể thực hiện theo Đề án Quy hoạch báo chí toàn quốc;

+ Về hình thức chuyển đổi mô hình hoạt động của cơ quan báo chí theo Đề án Quy hoạch báo chí toàn quốc;

+ Về cơ chế, chính sách và các nội dung khác có liên quan.



2. Thời hạn nộp báo cáo:

Đề nghị các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh căn cứ nội dung Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 của Bộ Thông tin và Truyền thông và hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng “Báo cáo thực hiện Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025” của cơ quan, đơn vị mình bằng văn bản gửi về Sở Thông tin và Truyền thông qua Phòng Báo chí và Xuất bản (199 Nguyễn Lương Bằng, phường Tân Bình, thành phố Hải Dương), bằng File điện tử gửi về địa chỉ Email: thangnt.tttt@gmail.com trước Thứ sáu, ngày 25 tháng 3 năm 2016 để kịp tổng hợp báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông và UBND tỉnh.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh liên hệ với ông Nguyễn Trọng Thắng, Trưởng phòng Báo chí và Xuất bản (qua số điện thoại cơ quan: 0320.3897357, di động: 0983.172.286) để được hướng dẫn, giải quyết.

Nhận được Công văn này, Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời, theo đúng chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông và UBND tỉnh./.




Nơi nhận:

- Như trên;

- Bộ TTTT (để b/c);

- Thường trực Tỉnh uỷ (để b/c);

- UBND tỉnh (để b/c);

- Lãnh đạo Sở;

- Các phòng: VP Sở, CNTT, Viễn thông;

- Trung tâm CNTT&TT (Phòng Cổng TTĐT);



- Lưu: VT, BCXB.

KT. GIÁM ĐỐC

PHÓ GIÁM ĐỐC

(đã ký)

Vũ Văn Vở




tải về 33.29 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương