UỶ ban quốc phòng và an ninh cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam



tải về 55.86 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu07.07.2016
Kích55.86 Kb.
#1186


QUỐC HỘI KHOÁ XIII

UỶ BAN QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc







Số: 1711/BC-UBQPAN13


Hà Nội, ngày 18 tháng 8 năm 2014


BÁO CÁO
Kết quả Hội thảo về dự án Luật căn cước công dân


Căn cứ ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIII về dự án Luật căn cước công dân, để giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội nghiên cứu, chỉnh lý dự án Luật, ngày 08 tháng 7 năm 2014, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp với Bộ Công an tổ chức Hội thảo về dự án Luật căn cước công dân để trao đổi, thảo luận, làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn về một số vấn đề lớn của dự thảo Luật.

Tại Hội thảo, đại diện Bộ Công an và các đại biểu tham dự đã trình bày, trao đổi, thảo luận về những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, cho ý kiến tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIII, tập trung làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn và tính khả thi của việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, số định danh cá nhân và cấp thẻ Căn cước công dân.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) xin trân trọng báo cáo kết quả Hội thảo như sau:



  1. Về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Các báo cáo tại Hội thảo đã làm rõ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và tầm quan trọng, tính khả thi của việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 – 2020.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính nhà nước là nội dung quan trọng, mang tính đột phá để thực hiện cải cách hành chính nhà nước đã được Đảng chỉ đạo tại Chỉ thị số 58-CT/TW ngày 17 tháng 10 năm 2000 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong đó nêu rõ “ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin là một nhiệm vụ ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, là phương tiện chủ lực để đi tắt đón đầu, rút ngắn khoảng cách phát triển so với các nước đi trước.”. Bộ Chính trị đã yêu cầu thực hiện tốt nhiệm vụ:”Tin học hoá hoạt động của các cơ quan Đảng và Nhà nước là bộ phận hữu cơ quan trọng của cải cách nền hành chính quốc gia, là nhiệm vụ thường xuyên của các cơ quan nhằm tăng cường năng lực quản lý, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả.”.

Quán triệt chủ trương của Đảng, Chính phủ đã chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính nhà nước, trong đó có hoạt động quản lý nhà nước về dân cư, cải cách thủ tục hành chính liên quan đến giấy tờ công dân. Ngày 18/8/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 90/2010/NĐ-CP về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tạo cơ sở pháp lý để tổ chức triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu, thực hiện quản lý nhà nước về dân cư thông qua mạng thông tin điện tử. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là dự án được Chính phủ đặc biệt quan tâm vì sự thành công của dự án sẽ giúp thay đổi cơ bản cách thức giải quyết giao dịch hành chính công, cũng như cách thức quản lý Nhà nước và hoạt động của các cơ quan hành chính, giúp giảm tối đa chi phí hành chính cho cá nhân, tổ chức, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý dân cư. Chính vì tầm quan trọng của dự án này, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 08/6/2013 phê duyệt Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 – 2020 (Đề án 896), trong đó xác định đây là dự án quan trọng, cần ưu tiên các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Dự án là một trong các hệ thống cơ sở dữ liệu lớn của quốc gia, liên quan tới hầu hết các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác.

Việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng phù hợp với chủ trương của Đảng thể hiện tại Nghị quyết số 36/NQ-TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, trong đó khẳng định quan điểm “…ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công, trước hết là trong các lĩnh vực liên quan đến doanh nghiệp, người dân như giáo dục, y tế, giao thông, nông nghiệp…” và mục tiêu đến năm 2020 là “… triển khai có hiệu quả chương trình cải cách hành chính, gắn kết chặt chẽ với xây dựng Chính phủ điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao và trong nhiều lĩnh vực…”.

Đề án 896 được xây dựng với quan điểm chỉ đạo là bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về cải cách hành chính theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý dân cư theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân trong thực hiện thủ tục hành chính. Mục tiêu của Đề án nhằm tạo sử đổi mới căn bản về tổ chức, hoạt động quản lý nhà nước về dân cư theo hướng hiện đại, phù hợp với điều kiện của Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thông lệ quốc tế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; đồng thời, góp phần phát triển Chính phủ điện tử. Đề án xác định đến hết năm 2015 hoàn thành việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong phạm vi cả nước. Từ năm 2016, thực hiện việc nhập thông tin cơ bản về công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp số định danh cá nhân. Đến hết năm 2020, thông tin cơ bản của tất cả công dân sẽ được nhập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và mỗi công dân đều có số định danh cá nhân; các cơ quan hành chính nhà nước tại các cấp chính quyền khai thác, sử dụng thông tin trực tuyến tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết thủ tục hành chính cho công dân.

Theo Nghị định số 90/2010/NĐ-CP và Đề án 896, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được xác định xây dựng thống nhất trên toàn quốc để dùng chung cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chung cấp chính xác, kịp thời thông tin cơ bản về dân cư phục vụ công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu chính đáng của công dân; để tra cứu thông tin về công dân khi giải quyết thủ tục hành chính, thay thế cho việc xuất trình hoặc nộp bản sao hoặc nộp bản sao có chứng thực các giấy tờ công dân khi thực hiện thủ tục hành chính có thông tin lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Các đại biểu phát biểu tại Hội thảo đã quan tâm làm rõ mối quan hệ giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, trong đó có cơ sở dữ liệu căn cước công dân. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được coi là cơ sở dữ liệu gốc, làm cơ sở để xây dựng hoặc điều chỉnh các thông tin về công dân trong các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Các cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã và đang được xây dựng sẽ được kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và khai thác, sử dụng thông tin cơ bản của công dân nhằm giảm bớt các thông tin trùng lặp, tập trung xây dựng các trường thông tin phục vụ quản lý ngành, lĩnh vực. Đồng thời, các thông tin cơ bản của công dân trong các cơ sở dữ liệu chuyên ngành cũng là nguồn để cập nhật, điều chỉnh các thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc cập nhật thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được phân công cho các cơ quan có trách nhiệm quản lý thông tin xác lập hoặc điều chỉnh biến động về các thông tin đó của công dân thông qua giải quyết thủ tục hành chính.

Việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cùng với các cơ sở dữ liệu khác góp phần thúc đẩy, hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin, tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước, hướng tới nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí hoạt động, cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao trên diện rộng cho người dân và doanh nghiệp, làm cho hoạt động của cơ quan Nhà nước minh bạch hơn, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Theo Đề án 896, sau khi đưa vào ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cùng với việc sử dụng thẻ công dân điện tử hoặc phương tiện điện tử khác sẽ giảm một số loại giấy tờ công dân trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước như quản lý hộ tịch, quản lý cư trú, quản lý trật tự xã hội (như giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn, sổ hộ khẩu...).

Hội thảo đã góp phần làm sáng tỏ vấn đề quản lý nhà nước về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và chỉ ra tính hợp lý của việc phân công chức năng quản lý nhà nước về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tại Nghị định 90/2010/NĐ-CP và Đề án 896, Chính phủ đã giao Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước và chủ trì xây dựng, thực hiện dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bộ Công an là cơ quan được giao chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về cư trú, có bộ máy quản lý rộng khắp, từ trung ương đến địa phương, các cán bộ Công an nắm bắt rõ từng thông tin cơ bản của công dân. Với hệ thống tàng thư hồ sơ nhân hộ khẩu của ngành Công an lưu trữ phần lớn dữ liệu cơ bản về công dân, được cập nhật trong quá trình thay đổi địa chỉ cư trú của công dân, sẽ đóng vai trò quan trọng trong công tác triển khai thu thập dữ liệu ban đầu của hệ thống, nên việc thu thập, cập nhật dữ liệu sẽ đảm bảo chính xác, kịp thời và đúng tiến độ. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được thường xuyên cập nhật khi công dân có bất cứ thay đổi nào, tạo một kho dữ liệu luôn được cập nhật phục vụ việc tra cứu thông tin dân cư một cách hiệu quả, chính xác và cung cấp thông tin về dân cư phục vụ việc quản lý Nhà nước, đảm bảo an ninh, quốc phòng và trật tự, an toàn xã hội.

Các báo cáo tại Hội thảo đã cung cấp nhiều cứ liệu quan trọng để chứng minh tính khả thi của dự án xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Mặc dù còn có những ý kiến trái chiều nhau, nhưng về cơ bản Hội thảo đánh giá cao tính khả thi của dự án. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an đang triển khai dự án “Xây dựng hệ thống quản lý dân cư” tại Thành phố Hải Phòng để rút kinh nghiệm xây dựng, triển khai dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Ngoài ra, hiện nay các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đồng Nai, Tây Ninh... đã triển khai xây dựng hệ thống thông tin phục vụ công tác quản lý dân cư của địa phương mình. Những kinh nghiệm thu được từ việc triển khai các dự án này sẽ là cơ sở quan trọng để xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bộ Công an đã lựa chọn đơn vị tư vấn xây dựng dự án, tổ chức khảo sát tại các bộ, ngành địa phương, nghiên cứu học tập kinh nghiệm triển khai các dự án quản lý dân cư tại một số nước tiên tiến trên thế giới, tổ chức hội thảo khoa học, nhiều lần lấy ý kiến tham gia của các bộ, ngành liên quan, báo cáo xin ý kiến của Ban chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Dự án đã được Bộ Thông tin và Truyền thông thẩm định thiết kế sơ bộ, Bộ Tài chính thẩm định về nguồn vốn. Với chủ trương phải tận dụng tối đa hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị và nguồn nhân lực sẵn có của Bộ Công an, sau khi rà soát, tính toán tổng mức đầu tư, Bộ Công an dự toán kinh phí xây dựng dự án khoảng trên 3.300 tỷ đồng. Ngày 12/5/2014, Bộ Công an đã có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án.



2. Về Số định danh cá nhân:

Một vấn đề trọng tâm của Hội thảo được các đại biểu quan tâm là cơ sở lý luận của việc xác lập số định danh cá nhân.

Trong bối cảnh hiện nay, với việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý dân cư, xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và chia sẻ, kết nối thông tin giữa các ngành, lĩnh vực, yêu cầu về chuẩn hóa mã số công dân để khai thác, sử dụng thông tin cá nhân của công dân trong thực hiện quản lý nhà nước, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến công dân là nhu cầu tất yếu. Trên thế giới đã có rất nhiều quốc gia thực hiện thành công việc sử dụng số định danh cá nhân.

Cùng với việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Nghị định số 90/2010/NĐ-CP của Chính phủ và Đề án 896 đã xác định việc cấp và quản lý, khai thác thông tin cá nhân thông qua số định danh cá nhân là một nội dung quan trọng trong việc xây dựng và thực hiện quản lý nhà nước, giải quyết thủ tục hành chính bằng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc cấp và sử dụng số định danh cá nhân trong giải quyết thủ tục hành chính, khai thác thông tin cá nhân được coi là một bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời cơ bản giải quyết những khó khăn, vướng mắc, phiền hà đối với công dân hiện nay khi thực hiện các giao dịch hành chính. Việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và khai thác, sử dụng dữ liệu dân cư thông qua số định danh cá nhân là khâu quan trọng tiến tới xây dựng Chính phủ điện tử theo đúng chủ trương, quan điểm của Đảng.

Đại diện cơ quan soạn thảo Luật căn cước công dân đã báo cáo trước Hội thảo để làm rõ thêm tính hợp lý, lô-gic của cấu trúc số định danh cá nhân. Theo đó, để nghiên cứu, xác lập cấu trúc số định danh cá nhân phù hợp với quy mô dân số của nước ta, đáp ứng yêu cầu quản lý, Bộ Công an đã nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, xin ý kiến các bộ, ngành có liên quan và các chuyên gia trên nhiều lĩnh vực. Từ đó, xác định số định danh cá nhân là dãy số gồm 12 chữ số, được xử lý theo nguyên tắc toán học, trong đó có chứa mã đơn vị hành chính cấp tỉnh (hoặc mã quốc gia đối với người sinh ra ở nước ngoài) là nơi công dân đăng ký khai sinh, năm sinh, giới tính của công dân. Cụ thể là:

- 03 chữ số đầu thể hiện mã đơn vị hành chính cấp tỉnh (hoặc mã quốc gia đối với người sinh ra ở nước ngoài) là nơi công dân đăng ký khai sinh. Với 03 chữ số tự nhiên sẽ có kho số gồm 999 số để mã hóa đơn vị hành chính cấp tỉnh hoặc mã hóa quốc gia, vùng lãnh thổ nơi công dân sinh ra.

- 01 chữ số tự nhiên tiếp theo thể hiện giới tính và thế kỷ sinh của công dân theo quy ước mỗi thế kỷ sử dụng 2 số (từ 0 đến 9) ứng với 2 giới tính nam và nữ. Như vậy với 01 chữ số tự nhiên (từ 0 đến 9) sẽ có kho số là 10 số mã hóa cho thế kỷ sinh và giới tính, sẽ sử dụng được trong 5 thế kỷ.

- 02 chữ số tiếp theo thể hiện hai số cuối năm sinh của công dân trong một thế kỷ (từ 01 đến 99), kết hợp với chữ số mã hóa cho thế kỷ sinh, sẽ xác định được năm sinh của công dân trong 500 năm.

- 06 chữ số cuối là số thứ tự công dân được sinh số ngẫu nhiên trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Với 06 chữ số, kho số sẽ gồm 999.999 số. Cùng với việc mã hóa nơi sinh, giới tính, thế kỷ sinh, năm sinh như đã nêu trên, kho số gồm 999.999 đủ để cấp cho số lượng công dân sinh cùng một năm, với cùng một giới tính ở cùng một đơn vị hành chính nhất định (hoặc một quốc gia, vùng lãnh thổ).

Như vậy, với cấu trúc số định danh cá nhân gồm 12 chữ số được mã hóa theo nguyên tắc nêu trên sẽ bảo đảm số định danh cá nhân không bị trùng lặp trong thời gian 500 năm phù hợp với quy mô và tốc độ tăng dân số của nước ta.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, ngày 22/02/2013 Bộ trưởng Bộ Công an đã ký ban hành Thông tư số 10/2013/TT-BCA quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 90/2010/NĐ-CP ngày 18/8/2010 của Chính Phủ quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó Số định danh cá nhân được quy định như sau:“Số định danh cá nhân là dãy số tự nhiên gồm 12 chữ số, xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cấp cho mỗi công dân Việt Nam từ khi sinh ra cho đến khi chết, không lặp lại ở người khác, dùng để xác định dữ liệu về căn cước công dân, những dữ liệu khác về công dân, sử dụng trong các giấy tờ giao dịch, đi lại và được cung cấp cho các cơ quan có thẩm quyền để sử dụng trong hoạt động quản lý Nhà nước’’.

Số định danh cá nhân sẽ được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, khi thông tin của công dân được cập nhật lần đầu tiên vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, việc này sẽ tránh được các nhược điểm của phương pháp cấp số thủ công từ trước đến nay.

Mỗi công dân Việt Nam sẽ được cấp một số định danh cá nhân duy nhất từ khi sinh ra, dự kiến sẽ được ghi lên thẻ căn cước công dân nhằm đảm bảo thuận tiện cho việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân. Số định danh cá nhân sẽ được cấp cho toàn bộ công dân Việt Nam. Việc cấp số định danh cá nhân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gắn với việc đối sánh qua ảnh chân dung và đặc điểm sinh trắc học từ cơ sở dữ liệu căn cước công dân sẽ đảm bảo cho việc truy nguyên từng cá nhân, khẳng định tính duy nhất của số định danh cá nhân.

3. Thẻ Căn cước công dân

Nội dung được nhiều đại biểu dự Hội thảo quan tâm nhất là vấn đề thẻ Căn cước công dân, nội dung, hình thức thẻ Căn cước công dân và quản lý thẻ Căn cước công dân. Qua thảo luận thấy rằng: Thực hiện quy định của pháp luật hiện hành (các Nghị định của Chính phủ), Bộ Công an đã và đang thực hiện quản lý căn cước công dân, cấp chứng minh nhân dân trong nhiều năm qua. Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý chứng minh nhân dân, tiến tới cấp thẻ công dân điện tử và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước về dân cư, cấp chứng minh nhân dân, thời gian vừa qua Bộ Công an đã triển khai công nghệ cấp chứng minh nhân dân hiện đại theo dự án “Sản xuất, cấp và quản lý Chứng minh nhân dân” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 446/QĐ-TTg ngày 11/5/2004 với yêu cầu:



    - Xây dựng hệ thống thu nhận và quản lý dữ liệu đăng ký chứng minh nhân dân trên mạng máy tính được nối mạng giữa Trung ương và địa phương.

    - Sản xuất và cấp chứng minh nhân dân mới trên hệ thống dây chuyền công nghệ hiện đại, đạt tiêu chuẩn thẻ quốc tế phục vụ nhu cầu căn cước của công dân và bảp đảm an ninh, an toàn xã hội. Sử dụng công nghệ nhận dạng sinh trắc học hiện đại để quản lý và nhận dạng trong quá trình thu thập dữ liệu, cấp và quản lý chứng minh nhân dân, tránh làm giả, nâng cao độ bền.

    Với công nghệ tiên tiến, hiện đại, kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin trong thu nhận, quản lý thông tin nhân dạng công dân góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý căn cước công dân, đặc biệt là việc đối sánh, truy nguyên và khai thác thông tin căn cước công dân trên hệ thống dữ liệu điện tử, khắc phục được những hạn chế trong công tác quản lý chứng minh nhân dân hiện nay.

    Trên cơ sở công nghệ cấp chứng minh nhân dân hiện đại, cùng với việc xây dựng và ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư kết nối với Cơ sở dữ liệu căn cước công dân và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, việc cấp thẻ Căn cước công dân theo dự án Luật căn cước công dân nhằm thay thế một số loại giấy tờ cá nhân, tiến tới hiện đại hóa công tác quản lý nhà nước, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến công dân hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, phù hợp với mục tiêu Đề án 896 là tiến tới phát triển ứng dụng thẻ công dân điện tử hoặc phương tiện điện tử khác để giảm giấy tờ công dân. Theo đó, để bảo đảm tập trung, thống nhất trong công tác quản lý dân cư từ khi công dân sinh ra đến khi chết, giảm các loại giấy tờ liên quan đến công dân, các đại biểu tham dự Hội thảo thống nhất cho rằng, việc cấp thẻ căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi thay thế cho giấy khai sinh là phù hợp mà không ảnh hưởng đến quyền được khai sinh của trẻ em, vì thực chất thẻ Căn cước công dân là hình thức hiện đại hóa giấy khai sinh hiện nay.


Như vậy, việc cấp thẻ Căn cước công dân, bao gồm cả cấp thẻ Căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi thay thế cho giấy khai sinh phù hợp với yêu cầu hiện đại hóa công tác quản lý nhà nước, phù hợp với mục tiêu đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, đồng thời cũng phù hợp với điều kiện, khả năng thực tế của công tác quản lý căn cước công dân hiện nay, bảo đảm tính khả thi.

*

* *



Trên đây kết quả hội thảo về một số nội dung quan trọng của dự án Luật căn cước công dân, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh xin trân trọng báo cáo.

TM. ỦY BAN QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH

KT. CHỦ NHIỆM

PHÓ CHỦ NHIỆM

Nơi nhận:

- UBTVQH;

- TTr.HĐDT, các UB của QH;

- Các Đoàn ĐBQH; (Đã ký)

- Bộ Công an, BST dự án Luật CCCD;

- Lưu HC, QPAN.



E-pas: 55757
Hồ Trọng Ngũ



tải về 55.86 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương