UỶ ban nhân dân tỉnh yên bái số: 1591/QĐ-ubnd cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam



tải về 127.22 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu29.07.2016
Kích127.22 Kb.
#9330
UỶ BAN NHÂN DÂN

TỈNH YÊN BÁI
Số: 1591/QĐ-UBND

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc





Yên Bái, ngày 20 tháng 10 năm 2009


QUYẾT ĐỊNH

Về việc phê duyệt Đề án "Tăng cường công tác phòng, chống, kiềm chế sự gia tăng lây nhiễm HIV/AIDS tại tỉnh Yên Bái giai đoạn 2010 - 2015"



CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân ngày 30 tháng 6 năm 1989;

Căn cứ Quyết định số 153/2006/QĐ-TTg ngày 30/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế Việt Nam giai đoạn đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020;

Căn cứ Nghị Quyết số 05/2009/NQ-HĐND ngày 17/7/2009 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái về việc phê duyệt Đề án Tăng cường công tác phòng, chống, kiềm chế sự gia tăng lây nhiễm HIV/AIDS tại tỉnh Yên Bái giai đoạn 2010 - 2015;

Xét đề nghị của Sở Y tế tỉnh Yên Bái tại Tờ trình số 999/TTr-SYT ngày 15/9/2009 về việc đề nghị phê duyệt Đề án "Tăng cường công tác phòng, chống, kiềm chế sự gia tăng lây nhiễm HIV/AIDS tại tỉnh Yên Bái giai đoạn 2010 -2015",



QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án "Tăng cường công tác phòng, chống, kiềm chế sự gia tăng lây nhiễm HIV/AIDS tại tỉnh Yên Bái giai đoạn 2010 -2015" (có Đề án chi tiết kèm theo).

Điều 2. Sở Y tế là cơ quan chủ trì phối hợp với các Sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan của tỉnh và Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Đề án theo nội dung đã được phê duyệt.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Công an tỉnh; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.







KT.CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH
Phạm Thị Thanh Trà



UỶ BAN NHÂN DÂN

TỈNH YÊN BÁI




CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc


ĐỀ ÁN

Tăng cường công tác phòng, chống, kiềm chế sự gia tăng

lây nhiễm HIV/AIDS tại tỉnh Yên Bái giai đoạn 2010 - 2015

(Kèm theo Quyết định số 1591/QĐ-UBND ngày 20/10/2009 của

Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái)


Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương các cấp, công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, tình hình lây nhiễm HIV trong tỉnh vẫn diến biến phức tạp, số người nhiễm mới và tử vong do AIDS phát hiện hàng năm vẫn tiếp tục tăng, đối tượng nhiễm HIV tập trung ở nhóm mắc các tệ nạn xã hội như nghiện chích ma túy và mại dâm, hầu hết người nhiễm đang ở độ tuổi lao động và là nam giới, tuy nhiên người nhiễm là nữ và trẻ em đang có xu hướng tăng đó là dấu hiệu dịch lan ra cộng đồng. Dịch đã xuất hiện ở 9/9 huyện, thị, thành phố với 138/180 xã phường trong tỉnh đã có người nhiễm HIV.

Đại dịch HIV/AIDS đang thực sự là mối hiểm họa đối với sức khỏe, tính mạng con người và tương lai nòi giống của dân tộc, tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương. Do đó việc ban hành Nghị quyết về tăng cưòng công tác phòng chống, kiềm chế sự gia tăng lây nhiễm HIV/AIDS tại tỉnh Yên Bái giai đoạn 2010 - 2015 là rất cần thiết .

I . CƠ SỞ PHÁP LÝ ĐỂ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Chỉ thị số 54/CT-TW ngày 30/11/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới”;

Luật “Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS)” ngày 29/06/2006;

Nghị định số 108/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống nhiễm gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).

Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13/4/2007 của Chính phủ về trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội;

Quyết định số 36/2004/QĐ-TTg ngày 17/03/2004 của Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt “Chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam và tầm nhìn 2020” và 9 chương trình hành động quốc gia thực hiện chiến lược;

Quyết định số 60/2007/QĐ-TTg ngày 07/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV; Thông tư số 101/2007/TT-BTC ngày 20/8/2007 của Bộ Tài chính về hướng dẫn quản lý và sử dụng quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV;

Quyết định số 96/2007/QĐ-TTg ngày 28/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý, chăm sóc, tư vấn, điều trị cho người nhiễm HIV và phòng lây nhiễm HIV tại các cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, cơ sở chữa bệnh, cơ sở bảo trợ xã hội, trại giam, trại tạm giam;

Kế hoạch liên tịch số 1070/KHLT/BYT-UBTƯMTTQVN-BVHTTDL ngày 07/10/2008 của Bộ Y tế, Uỷ ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Bộ Văn hoá Thể Thao và Du lịch về việc phát động phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư”

Thông tư số 03/TT-TU ngày 27/2/2006 của Tỉnh uỷ Yên Bái về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới;

Chương trình hành động số 442/CT-UB ngày 12/4/2005 của UBND tỉnh Yên Bái về việc thực hiện Chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS đến năm 2010 trên địa bàn tỉnh Yên Bái;

Nghị quyết số 05/2009/NQ-HĐND ngày 17/7/2009 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái về việc phê duyệt Đề án Tăng cường công tác phòng, chống, kiềm chế sự gia tăng lây nhiễm HIV/AIDS tại tỉnh Yên Bái giai đoạn 2010 - 2015.

Thực trạng lây nhiễm HIV/AIDS trong những năm qua tại tỉnh Yên Bái.

II. TÌNH HÌNH DỊCH HIV/AIDS VÀ THỰC TRẠNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS TỈNH YÊN BÁI

1. Tình hình dịch HIV/AIDS

Từ trường hợp nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện vào tháng 9/1997, tính đến tháng 6/2009, dịch đã xuất hiện ở 9/9 huyện, thị, thành phố với 138/180 xã phường trong tỉnh đã có người nhiễm HIV. Luỹ tích người nhiễm HIV trong toàn tỉnh 3.471 người (trong đó có địa chỉ tại Yên Bái là 2.868 người); Bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS là 809 (trong đó có địa chỉ tại tỉnh Yên Bái 707 người); Tử vong do HIV/AIDS là 353 người (trong đó có địa chỉ tại Yên Bái 336 người).

Tỷ lệ hiện nhiễm của tỉnh Yên Bái là 0,33%, hiện nay Yên Bái nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ nhiễm HIV cao nhất trong toàn quốc. Những địa phương trong tỉnh có người nhiễm và tỷ lệ nhiễm HIV trên dân số cao là thành phố Yên Bái (914 người = 0,915%), thị xã Nghĩa Lộ (293 người = 0,873%), huyện Văn Chấn (644 người = 0,406%).



* Nhận xét và dự báo:

- Số người phát hiện nhiễm HIV liên tục tăng, đặc biệt trong các năm từ 2005 - 2007 (396 trường hợp năm 2005; 474 trường hợp năm 2006; 560 trường hợp năm 2007) và chững lại trong năm 2008 (480 trường hợp).

- Độ tuổi người nhiễm HIV chủ yếu ở nhóm tuổi lao động từ 15 - 49 tuổi (tỷ lệ chiếm 98,8%). Số trẻ em phát hiện nhiễm HIV có xu hướng tăng (lây từ mẹ truyền sang con).

- Về giới: Người nhiễm HIV chủ yếu là Nam giới (89%). Tuy nhiên tỷ lệ phụ nữ nhiễm HIV tăng đang có xu hướng tăng (12,3% năm 2006; 16,1% năm 2007; 21,7 năm 2008 22% trong 3 tháng đầu năm 2009). Đa số phụ nữ nhiễm HIV từ chồng.

- Đối tượng nhiễm HIV trong diện danh sách quản lý tập trung ở nhóm TCMT (44%) và có xu hướng tăng ở các nhóm PNBD; tình dục khác giới; phụ nữ trước đẻ; Bệnh nhân hoa liễu.

- Hình thái lây nhiễm HIV tại Yên Bái vẫn đang trong giai đoạn dịch tập trung ở nhóm nguy cơ cao và có chiều hướng lan ra các nhóm đối tượng khác trong cộng đồng (phụ nữ mang thai, tình dục khác giới, bệnh nhân hoa liễu...).

- Dịch HIV vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp gây tác động xấu đến sự phát triển kinh tế xã hội và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hạnh phúc của nhiều gia đình (Hiện có gần 200 trẻ em dưới 16 tuổi bị ảnh hưởng bởi HIV gồm trẻ nhiễm lây truyền từ mẹ hoặc bố, hoặc mẹ là người nhiễm).

2. Thực trạng công tác phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Yên Bái

2.1. Hệ thống tổ chức, cán bộ

- Ban chỉ đạo về phòng chống AIDS, phòng chống tệ nạn mại dâm và tội phạm ma tuý các cấp tỉnh, huyện và xã bao gồm: Đ/c Phó Chủ tịch UBND làm Trưởng ban; Ngành y tế là Phó ban thường trực về phòng chống HIV; Các ban, ngành, đoàn thể địa phương tham gia là thành viên.

- Hệ thống cơ quan chuyên môn phòng, chống HIV/AIDS: Tuyến tỉnh có Ban điều hành dự án phòng, chống HIV/AIDS do Giám đốc Sở Y tế làm Trưỏng ban và 7 Tiểu ban chuyên môn giúp việc để thực hiện các chương trình hành động trong chiến lược Quốc gia của Chính phủ dã phê duyệt, Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS là cơ quan thường trực của Ban điều hành dự án. Tại tuyến cơ sở, Trung tâm y tế huyện là cơ quan thường trực về việc triển khai toàn bộ các hoạt động của dự án phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn, mỗi Trung tâm y tế huyện có 1 đến 2 cán bộ chuyên trách phòng chống HIV thuộc khoa kiểm soát dịch bệnh của các bệnh viện Đa khoa trong tỉnh thực hiện công tác điều trị người nhiễm bằng thuốc kháng vi rút (ARV) cho bệnh nhân đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Tại cấp xã có 1 cán bộ của trạm y tế xã tham gia kiêm nhiệm.

2.2. Một số kết quả đã đạt được trong những năm qua

- Chỉ đạo của Đảng: Ngày 27/2/2006 Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành Thông tư 03/TT-TU về tăng cường vai trò lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới và được cơ quan Tuyên giáo Tỉnh ủy kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện;

- Chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh: Ban hành Chương trình hành động số 442/CT-UB ngày 12/4/2005 về việc thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2010 trên địa bàn tỉnh Yên Bái;

- Chỉ đạo của Ban chỉ đạo 138 các cấp: Hàng năm đã ban hành các văn bản chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho các thành viên, tổ chức kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết đánh giá. Năm 2008 và đầu năm 2009 Ban chỉ đạo tỉnh ban hành Kế hoạch chuyên đề về can thiệp giảm tác hại và phát động phong trào Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư”;

- Ngành y tế đã phát huy được vai trò của cơ quan thường trực, tham mưu, chủ động trong việc phối hợp liên ngành; tích cực trong việc hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật cho các tuyến.

- Công tác truyền thông đã có sự đổi mới, nhận thức của cộng đồng về phòng, chống HIV/AIDS đã có chuyển biến tích cực, một số địa phương đã xây dựng được các mô hình phòng, chống HIV/AIDS có sự tham gia của cộng đồng và người nhiễm HIV/AIDS. Hiện tại toàn tỉnh có 20 câu lạc bộ có hoạt động phòng, chống HIV/AIDS với tổng số hơn 300 hội viên theo các mô hình: Câu lạc bộ của người nhiễm; Câu lạc bộ phòng, chống HIV/AIDS có sự tham gia của cộng đồng, người nhiễm, thân nhân người nhiễm;

- Công tác can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV ở các đối tượng nguy cơ cao đã nhận được sự đồng thuận ủng hộ của các ban ngành và cộng đồng. Hiện tại đã có 34/180 xã phường triển khai hoạt động can thiệp do dự án Ngân hàng thế giới (WB) tài trợ). Mỗi xã phường có 2 cộng tác viên, 2 đến 3 đồng đẳng viên, nhân viên tiếp cận cộng đồng. Các CTV và ĐĐV được trang bị bảo hộ, kiến thức chuyên môn và phụ cấp kinh phí hoạt động;

- Công tác chăm sóc hỗ trợ và điều trị cho người nhiễm: Đến thời điểm tháng 6 năm 2009, toàn tỉnh có 280 người nhiễm đã chuyển giai đoạn AIDS đang được điều trị thuốc kháng vi rút (ARV) miễn phí; Hàng năm Ban chỉ đạo các cấp và ngành y tế đã tổ chức các đợt thăm hỏi, tặng quà động viên người nhiễm HIV có hoàn cảnh khó khăn, các trẻ em nhiễm HIV và đang chịu ảnh hưởng của HIV. Từ năm 2008 trẻ em nhiễm HIV trong độ tuổi từ 7 đến dưới 16 được cấp thẻ bảo hiểm y tế trong nguồn Quỹ hỗ trợ người nhiễm Trung ương.

- Công tác chuyên môn kỹ thuật: Tư vấn xét nghiệm tự nguyện, xử lý phơi nhiễm, giám sát dịch, an toàn truyền máu... đã được các cơ quan chuyên môn triển khai đúng Luật và quy định của Bộ Y tế.

2.3. Những khó khăn, thách thức

- Hệ thống tổ chức, cán bộ phòng, chống HIV/AIDS từ tuyến tỉnh đến cơ sở còn thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng; Đội ngũ cán bộ ở tuyến cơ sở thường có sự thay đổi về vị trí công tác và làm kiêm nhiệm nên chưa đáp ứng được với yêu cầu nhiệm vụ và thực trạng tình hình dịch HIV.

- Công tác truyền thông giáo dục thay đổi hành vi: Vai trò của các cấp uỷ, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể chưa rõ nét, chưa quyết liệt nên hiệu quả chưa cao. Công tác quản lý người nhiễm tại cộng đồng còn khó khăn do nhận thức của người dân về đại dịch HIV chưa đúng mức, cộng đồng vẫn còn tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử, xa lánh với người nhiễm HIV. Người nhiễm do bị kỳ thị nên chưa tự giác công khai danh tính. Người nhiễm đa số là các đối tượng mắc các tệ nạn xã hội như nghiện chích ma túy, mại dâm và không có nghề nghiệp nên thường phải đi làm ăn xa nhà nên khó kiểm soát.

- Diện bao phủ của hoạt động can thiệp giảm tác hại còn thấp (đến năm 2009 có 34/180 xã phường) nên tác dụng kiềm chế sự lây nhiễm HIV ra cộng đồng còn hạn chế.

- Công tác chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm tại cộng đồng mới chỉ dừng lại ở các hoạt động đơn lẻ, chưa thường xuyên.

- Ngân sách dành cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS đáp ứng với nhu cầu nhiệm vụ còn rất hạn chế. Các hoạt động về phòng, chống HIV/AIDS từ trước tới nay chủ yếu sử dụng từ nguồn kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia do Trung ương cấp, ít dự án tài trợ của Quốc tế. Yên Bái là tỉnh nghèo nên hàng năm chưa có kinh phí của tỉnh hỗ trợ cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

- Tệ nạn buôn bán, sử dụng chất ma tuý; mại dâm hoạt động dưới nhiều hình thức, khó kiểm soát.

- Dân trí giữa các vùng miền không đồng đều. Một số nơi còn tập quán liên quan đến bệnh lây truyền qua đường tình dục.



III. MỤC TIÊU, GIẢI PHÁP VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG

1. MỤC TIÊU.

1.1. Mục tiêu chung: Kiềm chế sự gia tăng HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư tỉnh Yên Bái dưới mức 0,38% vào năm 2015 và không tăng sau năm 2020. Giảm tác hại của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

1.2. Mục tiêu cụ thể:

- 100% các địa phương, ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhận thức đầy đủ về đại dịch HIV/AIDS, đưa các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS vào kế hoạch hàng năm và có biện pháp triển khai thực hiện.

- Nâng cao nhận thức của cộng đồng về dự phòng lây nhiễm HIV: trên 90% nhân dân khu vực thành thị và trên 70% nhân dân khu vực nông thôn, miền núi hiểu đúng và biết cách dự phòng lây nhiễm HIV.

- Khống chế sự gia tăng lây nhiễm HIV thông qua việc can thiệp vào nhóm nguy cơ cao: 100% số xã/phường trọng điểm được triển khai chương trình can thiệp giảm tác hại vào năm 2015.

- Tăng cường công tác quản lý chăm sóc và hỗ trợ người nhiễm: 70% người lớn và 100% trẻ em nhiễm HIV trong diện quản lý được tư vấn, hỗ trợ, chăm sóc tại các cơ sở y tế, gia đình và cộng đồng.

- Dự phòng tích cực giảm sự lây nhiễm HIV từ mẹ sang con: 90% số phụ nữ mang thai (số quản lý được) được tư vấn về HIV/AIDS và 60% số phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV tự nguyện. 100% bà mẹ mang thai nhiễm HIV (số quản lý được) được tư vấn, chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

- Ngăn chặn sự lây nhiễm qua các dịch vụ y tế: Đảm bảo 100% các cơ sở y tế tuân thủ qui định về an toàn truyền máu, sản phẩm của máu và vô khuẩn phòng lây nhiễm HIV/AIDS.

2. GIẢI PHÁP CHỦ YẾU:

2.1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ đảng, chính quyền đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS. Đưa công tác phòng, chống HIV/AIDS vào chương trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Coi kết quả thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS là một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị. Huy động toàn dân tham gia phòng chống HIV/AIDS nhằm từng bước ngăn chặn, đẩy lùi HIV/AIDS.

2.2. Đẩy mạnh hoạt động thông tin, giáo dục truyền thông về phòng chống HIV/AIDS. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục các chủ trương chính sách pháp luật về phòng chống HIV/AIDS đến các tầng lớp nhân dân, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của toàn xã hội đối với công tác phòng chống HIV/AIDS; đồng thời thay đổi thái độ và hành vi, chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV. Tăng cường các hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và tổ chức chiến dịch truyền thông trong tháng hành động quốc gia phòng chống ma tuý và phòng chống HIV/AIDS. Củng cố và phát triển hệ thống các câu lạc bộ, nhóm đồng đẳng, mô hình điểm toàn dân tham gia phòng chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư.

2.3. Tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội trong công tác triển khai thực hiện nhiệm vụ phòng chống HIV/AIDS. Thực hiện lồng ghép chương trình phòng chống HIV/AIDS với các chương trình phòng chống ma tuý, chăm sóc sức khoẻ sinh sản, phòng chống lao và các tệ nạn xã hội khác để ngăn ngừa lây nhiễm HIV/AIDS. Gắn công tác phòng chống HIV/AIDS vào phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư. Khuyến khích các tổ chức từ thiện, các doanh nghiệp và nhân dân tham gia hoạt động phòng chống HIV/AIDS.

2.4.Tập trung triển khai các chương trình can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS. Triển khai đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong các nhóm đối tượng có nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS cao. Thực hiện chương trình cung cấp bơm kim tiêm, bao cao su, hộp an toàn đựng bơm kim tiêm bẩn cho hoạt động can thiệp giảm tác hại. Triển khai thí điểm điều trị thay thế bằng methadone uống cho nhóm người nghiện ma tuý.

2.5. Thực hiện tốt các giải pháp chuyên môn, kỹ thuật trong phòng chống HIV/AIDS. Hoàn thiện hệ thống quản lý, theo dõi, giám sát, đánh giá chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc, điều trị, hỗ trợ cho người nhiễm HIV/AIDS. Đảm bảo an toàn truyền máu và các chế phẩm máu trước khi truyền. Dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS từ mẹ sang con, thực hiện quản lý sớm thai nghén để phát hiện sớm nguy cơ và điều trị sớm các thai phụ nhiễm HIV/AIDS.

2.6. Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu quả quản lý của hệ thống cơ quan chuyên trách phòng chống HIV/AIDS từ tỉnh đến cơ sở. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ phòng chống HIV/AIDS. Bố trí đủ số lượng cán bộ chuyên trách phòng chống HIV/AIDS ở tuyến tỉnh và huyện. Phân công trách nhiệm thực hiện công tác phòng chống HIV/AIDS ở các ngành, đoàn thể và xã, phường. Xây dựng đội ngũ Cộng tác viên, Đồng đẳng viên tham gia hoạt động phòng chống HIV/AIDS ở cấp xã và thôn bản.

2.7. Huy động nhiều nguồn kinh phí để đầu tư cho các hoạt động về phòng, chống HIV/AIDS, có chế độ chính sách hỗ trợ cho đội ngũ tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS ở cơ sở xã phường; tranh thủ các nguồn lực từ các dự án quốc tế.



3. CÁC HOẠT ĐỘNG CHÍNH

3.1. Hoạt động chỉ đạo, truyền thông, phối hợp liên ngành, huy động cộng đồng.

- Tiếp tục quán triệt Chỉ thị số 54/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thông tư số 03 của Tỉnh ủy Yên Bái tới các cấp ủy, chính quyền địa phương, các Sở, ban ngành, doanh nghiệp trong toàn tỉnh.

- Phổ biến rộng rãi Luật phòng, chống HIV/AIDS, Nghị định 108/2007/NĐ-CP, các quy định của Chính phủ, kiến thức dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS tới toàn thể các ban, ngành, đoàn thể, các cấp chính quyền và quần chúng nhân dân.

- Củng cố ban chỉ đạo của các cấp chính quyền, đảm bảo tất cả các xã, phường trong tỉnh đều có Ban chỉ đạo và đi vào hoạt động. Củng cố ban chuyên môn, các tiểu ban giúp việc và ban hành quy chế làm việc phối hợp của các ban và tổ chức giao ban định kỳ.

- Các ngành chủ động đưa công tác phòng, chống HIV/AIDS vào kế hoạch hoạt động của mình và phối hợp chặt chẽ với cơ quan thường trực về công tác phòng, chống HIV/AIDS trong quá trình triển khai thực hiện. Lồng ghép chặt chẽ công tác phòng, chống HIV/AIDS với công tác phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm; các chương trình y tế đặc biệt là sự phối hợp giữa các ngành Y tế, Công an, Lao động thương binh & xã hội.

- Tổ chức các đợt, kiểm tra, giám sát, đánh giá rút kinh nghiệm, sơ kết, tổng kết, bình xét thi đua các hoạt động toàn diện về phòng, chống HIV/AIDS và việc thực hiện các hoạt động cụ thể trong Đề án (khen thưởng biểu dương các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích về phòng, chống HIV và kỷ luật các đối tượng có hành vi không thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật).

+ Cấp tỉnh: kiểm tra giám sát chuyên đề , toàn diện ở tất cả các huyện thị.

+ Cấp huyện: Kiểm tra giám sát toàn diện ở tất cả các xã.

- Mở rộng diện bao phủ thông tin tới tất cả các xã, phường trong tỉnh; đa dạng hóa các loại hình truyền thông, chú trọng đến các hoạt động truyền thông trực tiếp tại xã, phường đặc biệt là ở các xã phường trọng điểm có tỷ lệ người nhiễm HIV cao. Sản xuất các tài liệu truyền thông như pa nô, áp phích, tờ rơi ... phải phù hợp với trình độ dân trí ở từng vùng, từng dân tộc. Hàng năm tổ chức 3 đợt tháng chiến dịch truyền thông cao điểm dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS: Vào tháng 6 về phòng chống ma túy; tháng 9 về dự phòng lây truyền mẹ con và tháng 12 về nhân ngày Thế giới phòng, chống AIDS.

- Củng cố và phát triển các mô hình câu lạc bộ của các nhóm đồng đẳng đặc biệt ở các xã phường trọng điểm. Đến năm 2015 toàn tỉnh có 40 CLB của người nhiễm HIV tham gia phòng, chống HIV/AIDS: Năm 2010 thành lập 15 CLB; năm 2011 thêm 15 CLB và năm 2012 thêm 10 CLB.

- Xây dựng mô hình điểm “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư theo Kế hoạch số 35/KH-UBND ngày 02/4/2009 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái về phát động phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư”.

- Năm 2010 triển khai tại 08 thôn/bản/tổ khu phố trên địa bàn thành phố Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ. Từ năm 2011 rút kinh nghiệm và phát động phong trào để nhân rộng mô hình tới các huyện khác trong tỉnh.

- Xã hội hoá công tác phòng, chống HIV/AIDS: Khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị, xã hội, người nhiễm HIV/AIDS và gia đình của họ tham gia vào công tác phòng, chống HIV/AIDS. Thành lập Hội phòng chống HIV/AIDS các cấp; Thành lập Quỹ hỗ trợ người nhiễm của tỉnh theo hướng dẫn tại Quyết định số 60/2007/QĐ-TTg ngày 07/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ.

- Tiếp tục triển khai chế độ chính sách cho người nhiễm và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Tạo điều kiện về việc làm cho các đối tượng người nhiễm trong độ tuổi lao động.

- Thực hiện đầy đủ chế độ chính sách cho các cán bộ tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS theo đúng quy định của Nhà nước, chế độ chính sách cho đội ngũ tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS ở xã phường trong toàn tỉnh theo đúng quy định trong Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh đã phê duyệt.

- Lựa chọn 45 xã trọng điểm để triển khai và duy trì chương trình CTGTH , huy động nguồn lực kinh phí, vật chất từ các nguồn: Trong đó năm 2010 và 2011 có nguồn hỗ trợ của dự án WB cho 34 xã, còn lại là tỉnh hỗ trợ.

- Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan ban, ngành và chính quyền địa phương trong việc quản lý các đối tượng cai nghiện tại cộng đồng. Triển khai thí điểm điều trị thay thế bằng methadone uống cho nhóm NCMT tại thành phố Yên Bái.

3.2. Hoạt động về chuyên môn kỹ thuật.

- Giám sát dịch và giám sát thường quy theo quy định của Bộ Y tế:

+ Củng cố và duy trì 2 phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện HIV (VCT) hiện có do dự án WB tài trợ và thành lập mới các phòng VCT khi có đủ điều kiện. Củng cố và duy trì hoạt động xét nghiệm khẳng định, tổ chức thông báo kết quả người nhiễm HIV theo đúng các quy định trong Luật phòng, chống HIV và các quy định khác của Bộ Y tế.

+ Giám sát chuyển giai đoạn AIDS sớm để điều trị kịp thời nhằm hạn chế tỷ lệ tử vong hàng năm; Tổ chức phát thẻ người nhiễm cho các trường hợp không dấu tên và có địa chỉ rõ ràng để quản lý, cung cấp các dịch vụ xét nghiệm kiểm tra tế bào miễn dịch (CD4) tại địa phương.

+ Giám sát tử vong: Tổ chức hướng dẫn các quy định về xử lý nguồn lây nhiễm khi người bệnh tử vong cho những người có trách nhiệm liên quan tại các cơ sở y tế và địa phương.

+ Tổ chức thông báo tình hình dịch và cung cấp danh sách người nhiễm HIV/AIDS cho tổ chức, cá nhân có trách nhiệm để giám sát dịch và quản lý người nhiễm HIV/AIDS theo đúng các quy định của Luật.

+ Ứng dụng công nghệ thông tin vào giám sát, quản lý, thống kê báo cáo số liệu HIV/AIDS.

+ Giám sát đánh giá thực trạng nhiễm HIV vào năm 2011 và năm 2015.

- Tăng cường và mở rộng các loại hình dịch vụ y tế: Lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, xét nghiệm các chỉ số sinh học có liên quan đến diễn biến bệnh và quá trình điều trị; Cung cấp thuốc điều trị nhiễm trùng cơ hội và khi chuyển giai đoạn AIDS để giúp người nhiễm hoà nhập vào cộng đồng và tự công khai danh tính. Thành lập mô hình phòng khám điều trị ngoại trú cho người nhiễm theo hướng dẫn của Bộ Y tế để người bệnh được chăm sóc thuận lợi.

- Dự phòng lây nhiễm HIV qua các dịch vụ y tế:

+ Đảm bảo tất cả các túi máu trước khi truyền cho người bệnh phải được sàng lọc HIV. Tích cực vận động hiến máu nhân đạo tiến tới chủ động nguồn máu cho công tác điều trị.

+ Tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất về việc thực hiện các quy định về vô khuẩn dự phòng lây nhiễm HIV tại 100% cơ sở y tế (nhà nước và tư nhân).

- Nâng cao năng lực hệ thống phòng, chống HIV toàn tỉnh

+ Kiện toàn và bổ sung số lượng cán bộ chuyên trách cho hệ thống phòng, chống HIV/AIDS ở tất cả các tuyến: Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS; các khoa phòng tại trung tâm y tế tuyến huyện; hệ thống phòng, chống HIV/AIDS tại các xã/phường theo quy định của Nhà nước. Đối với các ban, ngành, tổ chức, đoàn thể xã hội, tùy theo chức năng, nhiệm vụ đựơc phân công tham gia công tác phòng, chống HIV để bố trí cán bộ kiêm nhiệm.

+ Tập huấn cho đội ngũ tham gia phòng chống HIV (thành viên nòng cốt các câu lạc bộ người nhiễm, CTV, cán bộ kiêm nhiệm, cán bộ chuyên trách) kiến thức về chẩn đoán và điều trị AIDS; Lao/HIV; các bệnh lây truyền qua đường tình dục và các nhiễm trùng cơ hội; Xử lý phơi nhiễm do tai nạn rủi ro nghề nghiệp; Quản lý, điều phối và sử dụng thuốc ARV; Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; Tư vấn xét nghiệm; Giám sát dịch .v.v..

+ Đề nghị với Bộ Y tế trang bị: Đầy đủ các máy móc, thiết bị chuyên ngành trong triển khai các hoạt động chuyên môn kỹ thuật; phương tiện đi lại phục vụ cho công tác giám sát dịch và phục vụ bệnh nhân cho cơ quan chuyên môn thường trực về phòng, chống HIV/AIDS ở tuyến tỉnh và một số trang thiết bị cơ bản cho công tác tư vấn, xét nghiệm phát hiện, quản lý người nhiễm ở tuyến cơ sở.



3.3. Hoạt động tài chính:

Hàng năm lập dự toán kinh phí đầy đủ trên cơ sở các quy định của cấp có thẩm quyền đã ban hành:

* Các nguồn kinh phí: Chương trình mục tiêu quốc gia; Ngân sách tỉnh hỗ trợ; Dự án quốc tế tài trợ.

* Dự toán nguồn kinh phí của tỉnh hỗ trợ giai đoạn 2010 - 2015

- Tổng kinh phí của đề án: 9.314.200.000 đồng (Chín tỷ, ba trăm mười bốn triệu, hai trăm ngàn đồng chẵn). Trong đó:

- Năm 2010: 1.203.600.000 đồng.

- Năm 2011: 1.539.600.000 đồng.

- Năm 2012: 1.566.500.000 đồng.

- Năm 2013: 1.551.500.000 đồng.

- Năm 2014: 1.551.500.000 đồng.

- Năm 2015: 1.901.500.000 đồng.

(Có bản dự toán kinh phí chi tiết kèm theo).

- Các hạng mục chi:

+ Hỗ trợ hoạt động truyền thông : 1.012.000.000 đ

+ Hỗ trợ thành lập CLB người nhiễm HIV/AIDS: 60.000.000 đ

+ Chi phí hoạt động cho thành viên của CLB (đồng/năm): 492.000.000 đ

+ Sinh hoạt phí cho CTV tại xã, phường : 2.671.200.000 đ

+ Hỗ trợ cán bộ xã, phường làm kiêm nhiệm PCHIV: 1.620.000.000 đ

+ Hỗ trợ cho ĐĐV tham gia hoạt động CTGTH: 1.212.000.000 đ

+ Thành lập Quỹ hỗ trợ người nhiễm theo: 50.000.000 đ

+ Kiểm tra, giám sát các cấp: 1.110.000.000 đ

+ Giám sát đánh giá thực trạng nhiễm HIV: 700.000.000 đ

+ Mua BKT phục vụ hoạt động CTGTH: 387.000.000 đ

* Nguồn của CT MTQG chi các hoạt động: Điều trị, dự phòng lây truyền mẹ con, phòng lây nhiễm qua các dịch vụ y tế, giám sát thường quy (mua sinh phẩm).

* Nguồn của các Dự án tài trợ khác: Mua sắm trang thiết bị kỹ thuật, chương trình can thiệp giảm tác hại tại 34 xã đến năm 2012 (WB).

IV. PH©n C«ng TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Trên cơ sở của đề án, các cấp, các ngành căn cứ chức năng nhiệm vụ của mình phối hợp với ngành Y tế xây dựng kế hoạch cụ thể của ngành, địa phương triển khai các hoạt động của đề án có hiệu quả.



1. Sở Y tế:

- Là cơ quan thường trực BCĐ có trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh về việc thực hiện đề án, đề xuất các giải pháp và điều phối các hoạt động thực hiện đề án. Chủ động phối hợp với các ngành thành viên của BCĐ và các ban, ngành khác có liên quan xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể hàng năm và tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm; Phối hợp với UBND các huyện, thị, thành phố trong việc chỉ đạo thực hiện đề án.

- Làm đầu mối tổng hợp báo cáo tình hình kết quả triển khai thực hiện đề án từ các ngành thành viên và địa phương; Định kỳ 6 tháng báo cáo Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tỉnh.

- Phân công trực tiếp phụ trách địa bàn thành phố Yên Bái.



2. Uỷ ban nhân dân các huyện/ thị xã/thành phố:

- Củng cố kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS ở cấp huyện, chỉ đạo các xã, phường củng cố, thành lập Ban chỉ đạo đảm bảo 100% các xã/ phường/thị trấn có Ban chỉ đạo và triển khai các hoạt động.

- Căn cứ kế hoạch của đề án xây dựng kế phòng, chống HIV/AIDS lồng ghép với phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm cho phù hợp với tình hình địa phương. Tổ chức tuyên truyền rộng rãi về những nội dung của Luật phòng chống HIV tới toàn thể người dân trên địa bàn.

- Phối hợp với ngành y tế để lựa chọn các xã, phường trọng điểm triển khai tốt các hoạt động về phòng chống HIV/AIDS.

- Hàng năm bố trí nguồn kinh phí của địa phương để bảo đảm thực hiện các hoạt động theo kế hoạch của đề án.

- Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về kết quả thực hiện đề án phòng chống HIV/AIDS ở địa bàn.



3. Công An tỉnh:

- Phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện các kế hoạch liên ngành về phòng chống và kiểm soát ma tuý trên địa bàn toàn tỉnh, đấu tranh, xử lý các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về ma tuý, mại dâm và HIV/AIDS.

- Chỉ đạo các đơn vị trong ngành tạo điều kiện, phối hợp tốt với ngành Y tế triển khai hoạt động can thiệp giảm tác hại trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

- Chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với ngành y tế tổ chức truyền thông phòng phơi nhiễm, phòng lây truyền HIV/AIDS trong cán bộ, chiến sỹ của ngành.

- Phân công trực tiếp phụ trách địa bàn thị xã Nghĩa Lộ.

4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Kết hợp chặt chẽ công tác cai nghiện với tuyên truyền vận động phòng chống HIV/AIDS với các đối tượng nghiện chích ma tuý. Tổ chức công tác giáo dục dạy nghề, giới thiệu việc làm, tái hoà nhập cho những người nghiện ma tuý đã được cai nghiện tại các cơ sở chữa bệnh và tại cộng đồng.

- Phối hợp với ngành Y tế tổ chức tốt hoạt động truyền thông thay đổi hành vi, can thiệp giảm tác hại và điều trị tại các Trung tâm Cai nghiện và lao động;

- Phân công trực tiếp phụ trách địa bàn huyện Văn Chấn.



5. Sở Thông tin và Truyền thông:

- Chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác thông tin, giáo dục truyền thông phòng, chống HIV/AIDS. Tập trung đưa thông tin đến người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đưa thông tin tiếp cận với các đối tượng có hành vi nguy cơ cao.

- Chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn để khai thác thông tin phục vụ hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/AIDS.

- Phân công trực tiếp phụ trách địa bàn huyện Mù Cang Chải.



6. Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch:

- Phối hợp với ngành Y tế, chỉ đạo việc lồng ghép phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư” với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

- Chỉ đạo các đơn vị trong ngành như đội thông tin lưu động, đội chiếu bóng, đội văn hóa nghệ thuật... tổ chức các hình thức truyền thông về phòng chống HIV lồng ghép phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.

- Phân công trực tiếp phụ trách địa bàn huyện Trấn Yên.



7. Sở Giáo dục và Đào tạo:

- Thực hiện chương trình giáo dục kiến thức, huấn luyện kỹ năng phòng, chống HIV/AIDS cho các đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên ở các trường học bảo đảm phù hợp với yêu cầu của từng đối tượng. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn không được có các hành vi tại khoản 2 Điều 15 của Luật Phòng chống HIV đã quy định.

- Triển khai Chỉ thị số 61/2008/CT-BGDĐT ngày 12/11/2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS trong ngành giáo dục, vận động học sinh, sinh viên tham gia phòng chống HIV/AIDS, tệ nạn ma tuý, mại dâm.

- Phân công trực tiếp phụ trách địa bàn huyện Văn Yên.



8. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Tham mưu cho UBND tỉnh về công tác phòng, chống HIV/AIDS trong kế hoạch chung phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Có kế hoạch và điều chỉnh về ngân sách đảm bảo nhu cầu thực hiện các hoạt động của đề án.

- Phân công trực tiếp phụ trách địa bàn huyện Yên Bình.

9. Sở Tài chính:

- Cân đối nguồn ngân sách của địa phương để bố trí kinh phí kịp thời cho việc triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong kế hoạch đề án đã được phê duyệt.

- Tham mưu cho UBND tỉnh về việc thực hiện đúng, đủ chế độ chính sách cho cán bộ chuyên trách, cộng tác viên làm công tác phòng, chống HIV/AIDS theo quy định.

- Tổ chức kiểm tra, giám sát, việc quản lý, sử dụng kinh phí dành cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.



10. Sở Tư pháp:

- Phối hợp với các ngành liên quan, các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các văn bản pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS. Tham mưu cho UBND tỉnh rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh nội dung cho phù hợp với điều kiện thực tế.

- Phân công trực tiếp phụ trách địa bàn huyện Trạm Tấu.

11. Sở Nội Vụ:

- Phối hợp với sở Y tế tham mưu cho UBND tỉnh xem xét, bổ sung cán bộ chuyên trách cấp tỉnh, huỵên và bán chuyên trách cấp xã theo nội dung Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh.

- Phối với với ngành Y tế và các ban, ngành khác thành lập Ban vận động quỹ hỗ trợ người nhiễm, Hội phòng, chống HIV/AIDS.

12. Tỉnh Đoàn thanh niên:

- Phối hợp với ngành Y tế, Thông tin - Truyền thông để tổ chức các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS cho các đối tượng thanh niên và tuổi vị thành niên.

- Tổ chức tư vấn cho thanh niên thông qua các phòng tư vấn, các trung tâm dạy nghề cho thanh niên. Xây dựng các mô hình tuổi trẻ tiên phong trong các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Tổ chức toạ đàm theo hệ thống đoàn thanh niên trong các ban, ngành, đoàn thể, các trường cao đảng, dạy nghề …nhằm dấy lên phong trào phòng, chống HIV/AIDS rộng khắp.

- Phân công trực tiếp phụ trách địa bàn huyện Lục Yên.



13. Tỉnh Hội Phụ nữ:

- Phối hợp với ngành Y tế, Thông tin - Truyền thông để tổ chức các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi và tư vấn dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS cho phụ nữ nói chung và phụ nữ độ tuổi sinh đẻ nói riêng.

- Thành lập và mở rộng các mô hình câu lạc bộ “phụ nữ tham gia phòng, chống HIV/AIDS” trên địa bàn để hỗ trợ, chăm sóc những phụ nữ, trẻ em nhiễm HIV/AIDS và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trong cộng đồng.

- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và XH phụ trách huyện Văn Chấn.



14. Đề nghị các tổ chức:

- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh: Căn cứ hướng dẫn của cấp trên, xây dựng kế hoạch triển khai và vận động các thành viên trong khối hưởng ứng tham gia thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư” tới cấp xã, phường và khu dân cư. Phối hợp với Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch và các tổ chức thành viên để lồng ghép triển khai với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”.

- Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ: Chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị số 54/CT-TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng; Thông tư số 03/TT-TU của Tỉnh uỷ Yên Bái;

15. Các Sở, ban, ngành thành viên khác trong Ban chỉ đạo tỉnh và có liên quan.

Liên đoàn Lao động tỉnh, các tổ chức chính trị, xã hội trong tỉnh, căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị để phối hợp với các ngành thành viên đã được phân công nhiệm vụ cụ thể trên trong quá trình triển khai các hoạt động truyền thông về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nội dung Luật phòng, chống HIV, kiến thức dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS và các hoạt động chăm sóc hỗ trợ người nhiễm tại cộng đồng.



V. ĐÁNH GIÁ TÍNH BỀN VỮNG VÀ HIỆU QUẢ CỦA ĐỀ ÁN

Đề án triển khai thực hiện sẽ đạt được những hiệu quả và mang tính lâu dài sau:

- Làm chuyển biến sâu sắc nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS.

- Làm thay đổi hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV của các đối tượng nguy cơ cao (sử dụng BKT sạch, BCS khi quan hệ tình dục...) và của cả cộng đồng dân cư.

- Khống chế được sự lây nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư, không để dịch HIV/AIDS lan rộng ra cộng đồng.

- Xây dựng và thiết lập được hệ thống phòng, chống HIV/AIDS bền vững từ tuyến tỉnh đến cơ sở.

- Giảm đáng kể gánh nặng về kinh phí cho ngân sách địa phương đặc biệt chi phí cho chăm sóc, điều trị bệnh nhân HIV/AIDS.

- Tạo được niềm tin cho nhân dân và môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn./.








KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH
Phạm Thị Thanh Trà


tải về 127.22 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương