UỶ ban nhân dân tỉnh đỒng tháP



tải về 61.5 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu17.08.2016
Kích61.5 Kb.
#21626

UỶ BAN NHÂN DÂN

TỈNH ĐỒNG THÁP


____________


CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc


______________________________________



QUI ĐỊNH


Về tổ chức và hoạt động của Hội đồng Bảo vệ an ninh - trật tự,

Đội Dân phòng, Tổ Dân phòng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp



(Ban hành kèm theo Quyết định số 475/QĐ-UBND.HC

ngày 06 tháng 4 năm 2007 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp)

Chương I


HỘI ĐỒNG BẢO VỆ AN NINH - TRẬT TỰ

Điều 1. Tổ chức.

Hội đồng Bảo vệ an ninh - trật tự được thành lập ở từng xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã)

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố, thị xã, huyện ra quyết định thành lập Hội đồng Bảo vệ an ninh - trật tự.

Hội đồng Bảo vệ an ninh - trật tự cấp xã gồm các thành viên:

1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã Chủ tịch Hội đồng.

2. Trưởng Công an cấp xã Phó Chủ tịch thường trực.

3. Chủ tịch UBMTTQ cấp xã Phó Chủ tịch Hội đồng.

4. Chỉ huy trưởng Quân sự cấp xã Uỷ viên.

5. Cán bộ Văn phòng - thống kê Uỷ viên.

6. Cán bộ Tư pháp - Hộ tịch Uỷ viên .

7. Cán bộ Văn hóa - Xã hội Uỷ viên.

8. Cán bộ Tài chính - Kế toán Uỷ viên.

9. Cán bộ Lao động - Thương binh và XH Uỷ viên.

10. Trưởng Trạm y tế Uỷ viên.

11. Cán bộ Dân số - Gia đình và Trẻ em Uỷ viên.



Điều 2. Nhiệm vụ.

1. Giúp Uỷ ban nhân dân cấp xã tổ chức, chỉ đạo xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc, kịp thời phổ biến, hướng dẫn cho cán bộ và nhân dân nắm vững, tự giác thực hiện các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ an ninh - trật tự.

2. Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các ngành về công tác tuyên truyền, vận động cán bộ và nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác, tích cực phòng ngừa vi phạm pháp luật, có ý thức phát hiện và đấu tranh với mọi âm mưu, thủ đoạn hoạt động của địch, phần tử xấu và tội phạm hình sự để giữ gìn an ninh - trật tự ở địa phương, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật.

3. Tư vấn giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực và thực hiện biện pháp xử lý hành chính khác theo thẩm quyền. Quản lý giáo dục, đấu tranh làm chuyển hoá những người có tiền án, tiền sự trở thành công dân tốt, làm ăn lương thiện không để tái phạm, giáo dục những người chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, hình phạt tù được hưởng án treo, tù tha về, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, mồ côi sống lang thang, nghiện ma tuý, cờ bạc, mại dâm, thường xuyên uống rượu say, gây rối, càn quấy.

4. Tổ chức, chỉ đạo công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm; hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của Đội Dân phòng, Tổ Dân phòng.

5.Tham mưu, đề xuất Uỷ ban nhân dân cấp xã triển khai, thực hiện lồng ghép, kết hợp giữa công tác an ninh - trật tự với các cuộc vận động lớn, các Chương trình, Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội khác ở địa phương.

6. Hướng dẫn các ngành và các tổ chức kinh tế, xã hội ở địa phương thực hiện tốt công tác quản lý nhân hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng; phòng ngừa, đấu tranh kiềm chế các loại tai nạn, tệ nạn xã hội, hướng dẫn, giới thiệu việc làm cho số đối tượng phạm pháp đã ăn năn hối cải và những người sống bằng nghề nghiệp không ổn định.

7. Đối với địa bàn phường và thị trấn, Hội Đồng Bảo vệ an ninh - trật tự tổ chức và chỉ đạo hoạt động lực lượng Bảo vệ dân phố theo Nghị định số 38/2006/NĐ-CP, ngày 17 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ về Bảo vệ dân phố và Thông tư Liên tịch số 02/2007/TTLT-BCA-BLĐTBXH-BTC ngày 01 tháng 03 năm 2007 của Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 38/2006/NĐ-CP, ngày 17 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ về Bảo vệ dân phố; đối với địa bàn xã, Hội đồng Bảo vệ an ninh - trật tự tổ chức và chỉ đạo hoạt động của Đội Dân phòng và Tổ Dân phòng theo Qui định này.



Điều 3. Quyền hạn.

1. Các Thành viên Hội đồng tham gia các cuộc họp, thảo luận tập thể và quyết định theo đa số về các vấn đề sau:

- Chương trình công tác hàng năm của Hội đồng.

- Phương hướng, nhiệm vụ công tác phòng chống tội phạm và giữ gìn an ninh - trật tự ở địa phương.

- Các vấn đề về chủ trương, biện pháp, chương trình, kế hoạch ngắn hạn, dài hạn của Hội đồng về công tác giữ gìn an ninh - trật tự.

2. Tham gia kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở cán bộ và nhân dân xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước quy định về giữ gìn an ninh - trật tự.

3.Chỉ đạo các ngành, phối hợp với các đoàn thể lồng ghép hoạt động của các chương trình như: Chương trình Quốc gia phòng chống tội phạm; công tác quản lý, giáo dục, ngăn chặn trẻ em làm trái pháp luật và các chương trình khác ở địa phương, thực hiện tốt công tác phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả các loại tội phạm, tệ nạn xã hội góp phần đảm bảo tình hình an ninh - trật tự.

4. Tổ chức xây dựng củng cố, tập huấn nghiệp vụ cho các tổ chức như: Đội Dân phòng, Tổ Dân phòng và huy động Dân quân tự vệ, Thanh niên tình nguyện, Ban Bảo vệ dân phố, Tổ Bảo vệ dân phố đi tuần tra canh gác bảo vệ an ninh - trật tự ở địa phương.

5. Tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân cấp xã, tổ chức thu phí an ninh - trật tự và quản lý thu, chi đúng theo Quyết định số 107/2004/QĐ-UB ngày 28 tháng 12 năm 2004 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp.

6. Trường hợp không tổ chức họp được thì theo chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng, các Phó Chủ tịch phụ trách từng lĩnh vực giải quyết và báo cáo lại Chủ tịch Hội đồng.



Điều 4. Chế độ làm việc.

1. Hội đồng làm việc theo chế độ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; Chủ tịch và Phó Chủ tịch hợp thành bộ phận thường trực thay mặt Hội đồng điều hành công việc hàng ngày theo kế hoạch của Hội đồng, các Uỷ viên phải tuân thủ theo sự điều hành và đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ của các thành viên.

2. Các Uỷ viên trong Hội đồng có trách nhiệm xây dựng lực lượng mình trong sạch vững mạnh, làm nòng cốt thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh - trật tự.

3. Đại diện các ngành, đoàn thể là Uỷ viên của Hội đồng phải chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng giao.

4. Nơi làm việc của Hội đồng Bảo vệ an ninh - trật tự được bố trí chung với Văn phòng Uỷ ban nhân dân cấp xã, phải có bảng hiệu, có sơ đồ phân công kèm theo, phải luân phiên trực 24/24.

Hàng tháng, quí, 6 tháng, năm, Hội đồng họp để đánh giá kết quả hoạt động của Hội đồng và đề ra phương hướng nhiệm vụ hoạt động tiếp theo. Đồng thời báo cáo về thường trực Ban chỉ đạo công tác xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc cấp huyện.

5. Khi cần thiết, Hội đồng Bảo vệ an ninh - trật tự mời các thành viên của Mặt trận Tổ quốc như: Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Liên hiện phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Trưởng Ban nhân dân các ấp, khóm… tham gia các cuộc họp của Hội đồng.

6. Văn phòng của Uỷ ban nhân dân cấp xã.

Tổng hợp tình hình an ninh - trật tự, chương trình, kế hoạch và đề xuất chủ trương, biện pháp công tác giữ gìn an ninh - trật tự của Hội đồng Bảo vệ an ninh - trật tự.

Kiểm tra đôn đốc việc thực hiện chương trình, kế hoạch của Hội đồng Bảo vệ an ninh - trật tự.

Triển khai các công việc do Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo phân công, chuẩn bị các báo cáo sơ kết, tổng kết đánh giá hiệu quả công tác triển khai.

Điều 5. Chế độ chính sách.

Các thành viên trong Hội đồng Bảo vệ an ninh - trật tự được tạo điều kiện tập huấn về nghiệp vụ, trao đổi, học tập kinh nghiệm ở các địa phương có những mô hình tổ chức hoạt động tốt, cách làm hay để vận dụng trong địa phương mình.

Kinh phí do ngân sách của địa phương tự cân đối.

Chương II

ĐỘI DÂN PHÒNG
Điều 6. Tổ chức.

1. Đội Dân phòng là lực lượng quần chúng được thành lập ở từng ấp của xã, làm nhiệm vụ tuần tra canh gác giữ gìn an ninh - trật tự; thực hiện chức năng phòng cháy và chữa cháy theo qui định của Luật Phòng cháy và chữa cháy. Đội Dân phòng chịu sự quản lý trực tiếp của Ban nhân dân ấp, do Công an xã hướng dẫn về nghiệp vụ và chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã quyết định thành lập Đội Dân phòng.

Riêng tại phường và thị trấn thành lập Ban Bảo vệ Dân phố; tại khóm và tổ dân cư của phường và thị trấn thành lập Tổ Bảo vệ Dân phố, theo Nghị định số 38/2006/NĐ-CP, ngày 17/4/2006 của Chính phủ về Bảo vệ Dân phố và Thông tư Liên tịch số 02/2007/TTLT-BCA-BLĐTBXH-BTC ngày 01 tháng 03 năm 2007 của Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 38/2006/NĐ-CP, ngày 17 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ về Bảo vệ Dân phố.

2. Những công dân từ 18 đến 40 tuổi, có đủ sức khoẻ, phẩm chất đạo đức tốt, được nhân dân tín nhiệm, không phân biệt thành phần, tôn giáo, dân tộc đều có quyền và nghĩa vụ tham gia vào tổ chức Đội Dân phòng ở từng ấp, khóm.

3. Đội Dân phòng là một tổ chức độc lập. Đội viên Dân phòng không nằm trong lực lượng dân quân tự vệ và thanh niên tình nguyện.

4. Đội có từ 12 đến 15 đội viên, trong đó có 1 Đội trưởng phụ trách, có không quá 2 Đội phó giúp việc.

Hàng năm được tổ chức tập huấn nghiệp vụ.

Điều 7. Nhiệm vụ.

1. Tuần tra đêm để phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác xảy ra trong khu vực quản lý của Đội.

2. Tham gia phòng, chống cháy nổ, cấp cứu người khi bị nạn. Khi tuần tra phát hiện cháy phải nhanh chóng báo động, trực tiếp tham gia chữa cháy và tìm cách báo ngay về Công an xã, phường, thị trấn.

3. Vận động nhân dân trong ấp, khóm tự bảo quản tài sản của gia đình và có ý thức tự bảo quản chung.

4. Phối hợp cùng Tổ Dân phòng hoạt động.

Điều 8. Quyền hạn.

1. Nắm chắc và báo ngay về Công an xã những biểu hiện nghi vấn phạm tội.

2. Bắt và dẫn giải ngay về Công an xã những người phạm tội quả tang.

3. Nhắc nhở hoặc giải tán những đám đông người thường xuyên tụ tập ban đêm quá giờ qui định, uống rượu say, gây mất trật tự trong khu vực ấp, khóm.

4. Khi thực hiện nhiệm vụ, gặp những tình huống phức tạp phải báo cáo ngay về Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng Bảo vệ an ninh - trật tự xã để có hướng xử lý.

Điều 9. Chế độ làm việc.

1. Đội Dân phòng làm việc theo chế độ Thủ trưởng.

2. Đội trưởng chịu trách nhiệm tổ chức và điều hành mọi hoạt động của Đội, thường xuyên báo cáo kết quả công tác của Đội về Chủ tịch Hội đồng Bảo vệ an ninh - trật tự cấp xã.

3. Đội phó là người giúp việc cho Đội trưởng theo dõi việc phân công tuần tra kiểm soát hàng đêm của Đội.

4. Trong khi làm nhiệm vụ, lực lượng Đội Dân phòng phải mặc trang phục và đeo băng Đội Dân phòng đúng theo qui định.

5. Hàng tuần, tháng, quí, sáu tháng, năm họp Đội để đánh giá hoạt động của Đội và đề ra kế hoạch, nhiệm vụ mới.

6. Đội trưởng có trách nhiệm lên lịch tuần tra hàng đêm của Đội. Thời gian tuần tra từ 21 giờ đến 5 giờ sáng.

Điều 10 . Mối quan hệ công tác.

Đối với lực lượng dân quân tự vệ, đoàn thể quần chúng và lực lượng bảo vệ chuyên trách cơ quan, đơn vị, các tổ chức, doanh nghiệp đóng trên địa bàn xã, Đội Dân phòng phối hợp để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh - trật tự trong địa bàn theo chỉ đạo của Đảng uỷ, Uỷ ban nhân dân xã.



Điều 11. Chế độ chính sách.

1. Đội Dân phòng được trang bị gậy, roi điện để tuần tra, được hưởng chế độ bồi dưỡng khi tuần tra đêm là 15.000đ/người/đêm.

2. Trong thời gian tham gia, các thành viên Đội Dân phòng được cơ quan ra Quyết định thành lập cấp giấy chứng nhận theo mẫu thống nhất trong Tỉnh, được trang bị quần áo đồng phục vải màu vỏ đậu đậm, loại vải kakima, áo may kiểu philippin, mũ mềm, dép nhựa có quai hậu đồng thời trên tay trái có mang băng màu đỏ có in chữ “Dân phòng” màu vàng. Năm đầu tham gia, mỗi thành viên được trang bị 02 bộ đồng phục, các năm sau trang bị mỗi năm 01 bộ.

Được hỗ trợ vật chất nếu gia đình thật sự gặp khó khăn.

Được xét khen thưởng hàng năm và đột xuất theo qui định của Nhà nước.

Trong khi làm nhiệm vụ mà bị hi sinh, bị thương, theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với Cách mạng ngày 29 tháng 6 năm 2005 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, thì được xem xét công nhận là liệt sĩ hoặc người được hưởng chính sách như thương binh.


Chương III

TỔ DÂN PHÒNG
Điều 12. Tổ chức.

1. Tổ Dân phòng là một tổ chức quần chúng ở từng tổ dân cư của xã. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã quyết định thành lập Tổ Dân phòng.

2. Các Thành viên trong tổ tự chọn và bầu ra 1 Tổ trưởng, 1 Tổ phó, là những người có đạo đức, phẩm chất tốt, có uy tín với quần chúng nhân dân, bản thân và gia đình phải gương mẫu trong việc chấp hành đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực, nhiệt tình đi đầu trong các phong trào và làm tốt nghĩa vụ công dân ở địa phương.

3. Tổ trưởng, Tổ phó 1 năm bầu lại 1 lần, trừ trường hợp đột xuất nếu thiếu phải bầu bổ sung thêm và được tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ.

4. Tổ Dân phòng chịu sự chỉ đạo, quản lý của Trưởng ban nhân dân ấp; hàng tháng, quí, 6 tháng, năm đều họp tổ để đánh giá hoạt động, thực hiện nhiệm vụ của tổ.

Điều 13. Nhiệm vụ.

1. Tuần tra đêm trên địa bàn để bảo vệ An ninh - trật tự.

2. Tham gia học tập để nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các qui định của chính quyền địa phương.

3. Tích cực tham gia phong trào quần chúng bảo vệ An ninh Tổ quốc; hướng dẫn nhân dân chấp hành công tác đăng ký, quản lý nhân hộ khẩu, khai báo tạm trú, tạm vắng, giữ gìn trật tự, vệ sinh môi trường, chấp hành nghiêm Luật giao thông, Phòng cháy chữa cháy, tham gia vào Đội Dân phòng, kiên quyết đấu tranh bài trừ các loại tệ nạn xã hội như: mê tín dị đoan, cờ bạc, đá gà, số đề, uống rượu say gây mất trật tự, ma túy, mại dâm… phòng ngừa và đấu tranh chống các loại tội phạm nhất là trộm cắp, cướp giật.

4. Thường xuyên quan tâm theo dõi nắm chắc được nghề nghiệp và cuộc sống của từng hộ, từng người trong tổ để có biện pháp đề xuất giúp đỡ kịp thời, động viên mọi người khắc phục khó khăn để từng bước ổn định nâng cao cuộc sống, tiết kiệm trong tiêu dùng, giúp đỡ nhau về vật chất, tinh thần và giải quyết việc làm, hướng dẫn trao đổi về kinh nghiệm ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất.

5. Đoàn kết giúp đỡ nhau trong Tổ, tích cực tham gia hòa giải các tranh chấp mâu thuẩn trong nội bộ nhân dân, tham gia tích cực việc quản lý, giáo dục, cảm hóa các loại đối tượng, bảo vệ, chăm sóc giáo dục thanh thiếu niên; xây dựng gia đình văn hóa; thực hiện nếp sống văn minh, lịch sự; kiên quyết bài trừ những thói hư, tật xấu trong sinh hoạt, các loại văn hóa đồi trụy, các hủ tục mê tín dị đoan.

6. Tham gia bảo vệ và xây dựng Đảng, chính quyền nhân dân, xây dựng các đoàn thể quần chúng; khi phát hiện tiêu cực trong nội bộ cơ quan, đoàn thể và ngoài xã hội hay dấu hiệu hoạt động phá hoại của các đối tượng, phải kịp thời báo cáo cho người có trách nhiệm ở địa phương để giải quyết.

7. Mỗi quí họp Tổ một lần để kiểm điểm kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tình hình giữ gìn an ninh - trật tự trong quí. Phổ biến và bàn các biện pháp thực hiện các chủ trương, chính sách mới, đề nghị khen thưởng cho những tổ viên có thành tích xuất sắc, đồng thời phê bình, giúp đỡ những tổ viên yếu kém, vi phạm nhỏ.



Điều 14. Quyền hạn của Tổ trưởng Tổ Dân phòng.

1. Được thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký tạm trú, tạm vắng tại khu vực quản lý trong Tổ của mình, đồng thời báo cáo trước 22 giờ cùng ngày cho Công an khu vực, Công an ấp nắm để theo dõi và quản lý (trừ trường hợp đăng ký tạm trú là người nước ngoài, việt kiều về thăm quê có qui định riêng). Trực tiếp tham gia với Cảnh sát khu vực, Công an ấp hoặc Công an xã, tổ chức kiểm tra tạm trú, tạm vắng trong khu vực Tổ.

2. Trực tiếp đến từng gia đình tổ viên hoặc mời từng tổ viên trong Tổ đến một địa điểm thuận lợi trong phạm vi của Tổ để tuyên truyền, vận động mọi người thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân theo qui định của pháp luật.

3. Tập hợp các tổ viên trong Tổ họp định kỳ hoặc đột xuất để kiểm điểm việc thực hiện các mặt công tác trong kỳ, đồng thời phổ biến những chủ trương, chính sách mới để tiếp tục thực hiện.

4. Bắt, lập biên bản tạm giữ người và tang vật trong trường hợp phạm tội quả tang và ngay sau đó dẫn giải người và tang vật về Công an cấp xã để giải quyết.

5. Tham gia thảo luận những vấn đề có liên quan đến trật tự an toàn xã hội ở tổ, ấp và Hội đồng Bảo vệ an ninh - trật tự.

6. Tham gia bảo vệ hiện trường khi có vụ việc vi phạm pháp luật xảy ra tại khu vực mình quản lý.

Điều 15. Mối quan hệ công tác.

1. Đối với Công an xã: Tổ Dân phòng chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ về công tác quản lý hộ khẩu, quản lý đối tượng, đăng ký tạm trú, tạm vắng ở địa phương.

2. Đối với lực lượng Đội Dân phòng và các tổ chức đóng trên địa bàn của Tổ, phối hợp để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh - trật tự trong địa bàn.

Điều 16. Chế độ chính sách.

Trường hợp gặp khó khăn hoạn nạn thì được xem xét giúp đỡ kịp thời về vật chất lẫn tinh thần.

Khi tham gia tuần tra canh gác trong khu vực Tổ được bồi dưỡng bằng tiền là: 10.000 đồng/đêm/người.

Trong khi làm nhiệm vụ mà bị hi sinh, bị thương thì áp dụng Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng để được xem xét công nhận là liệt sĩ hoặc người được hưởng chính sách như thương binh.


Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 17. Kinh phí.

Kinh phí hoạt động của Đội Dân phòng, Tổ Dân phòng được trích từ nguồn thu phí an ninh - trật tự theo Quyết định số 107/2004/QĐ-UB ngày 27 tháng 12 năm 2004 của Uỷ ban nhân dân Tỉnh. Đội, Tổ Dân phòng đề nghị thông qua Trưởng Công an xã để Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã xem xét chi cho hoạt động của Đội Dân phòng và Tổ Dân phòng.



Điều 18. Trách nhiệm Công an Tỉnh

Công an Tỉnh có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân Tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng lực lượng và hoạt động của Hội đồng Bảo vệ An ninh - trật tự, Đội Dân phòng, Tổ Dân phòng; qui định Chương trình nội dung bồi dưỡng tập huấn nghiệp vụ về công tác bảo vệ An ninh - trật tự và pháp luật; đề xuất việc trang bị cho Dân phòng theo qui định pháp luật.

Hàng năm, Công an các cấp có trách nhiệm tham mưu, đề xuất Uỷ ban nhân dân cùng cấp mở Hội nghị sơ kết, tổng kết thi đua về công tác phong trào Quần chúng bảo vệ an ninh - trật tự để rút kinh nghiệm, nhân điển hình tiên tiến nhằm động viên, kịp thời đề nghị khen thưởng những cá nhân, đơn vị làm tốt phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Điều 19. Trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và xã hội.

Chủ trì, phối hợp với Công an Tỉnh và các sở, ngành liên quan hướng dẫn việc thực hiện chế độ, chính sách đối với các thành viên tham gia Hội đồng Bảo vệ an ninh - trật tự, Đội Dân phòng, Tổ Dân phòng khi bị thương, hi sinh trong khi làm nhiệm vụ.



Điều 20. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp huyện và cơ sở.

Chỉ đạo, quản lý, tổ chức hoạt động của Hội đồng Bảo vệ an ninh - trật tự, Đội Dân phòng, Tổ Dân phòng theo thẩm quyền và sự hướng dẫn, kiểm tra của Công an cấp trên. Đảm bảo kinh phí hoạt động, trang bị phương tiện, thực hiện các chế độ, chính sách đối với Đội Dân phòng, Tổ Dân phòng theo qui định .

Phối hợp Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, các đơn vị, tổ chức và mọi công dân có trách nhiệm giám sát, giúp đỡ, tạo điều kiện để lực lượng Đội Dân phòng, Tổ Dân phòng hoàn thành nhiệm vụ.
Điều 21. Tổ chức thực hiện.

Công an Tỉnh theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện Quy định này.



Các sở, ban, ngành Tỉnh và Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong quá trình thực hiện có khó khăn vướng mắc, kịp thời báo cáo về Uỷ ban nhân dân Tỉnh để sửa đổi, bổ sung qui định cho phù hợp với tình hình thực tế./.

TM. UBND TỈNH ĐỒNG THÁP

CHỦ TỊCH

Trương Ngọc Hân


Каталог: vbpq -> Files
Files -> Ủy ban nhân dân thành phố CẦn thơ CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
Files -> QuyếT ĐỊnh về việc bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật
Files -> QuyếT ĐỊnh phê duyệt điều chỉnh Thiết kế mẫu Trụ sở Uỷ ban nhân dân xã (phần thân) áp dụng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp
Files -> Ủy ban nhân dân thành phố CẦn thơ CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
Files -> UỶ ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam tỉnh đỒng tháP
Files -> Ủy ban nhân dân tỉnh đỒng tháP
Files -> Ủy ban nhân dân cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam tỉnh đỒng tháP
Files -> Ủy ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam thành phố CẦn thơ
Files -> HỘI ĐỒng nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam

tải về 61.5 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương