UỶ ban nhân dân thành phố HẠ long cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam



tải về 102.69 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu18.08.2016
Kích102.69 Kb.
#22510

UỶ BAN NHÂN DÂN

THÀNH PHỐ HẠ LONG

_____________

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

________________________
Số: 73/KH - UBND

Hạ Long, ngày 01 tháng 6 năm 2012



KẾ HOẠCH

Triển khai chương trình điều trị thay thế nghiện các chất gây nghiện

dạng thuốc phiện bằng methadone

Thực hiện Quyết định số 2159/QĐ- UBND ngày 11/7/2011 của UBND tỉnh Quảng Ninh Về việc phê duyệt kế hoạch triển khai chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone.

Căn cứ vào tình hình thực tế trên địa bàn, UBND thành phố Hạ Long xây dựng kế hoạch Triển khai chương trình điều trị thay thế nghiện các chất gây nghiện dạng thuốc phiện bằng methadone trên địa bàn thành phố như sau:
A/ CƠ SỞ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH:

I/ Tình hình dịch HIV/AIDS tại thành phố Hạ Long:

Thành phố Hạ Long là địa bàn có số người nhiễm HIV cao nhất tỉnh Quảng Ninh. Tính đến 31/3/2012, danh sách người nhiễm HIV được xác định được địa chỉ là: 2892 người, số bệnh nhân đã tử vong là 1566 người; 20/20 phường có người nhiễm HIV. Qua kết quả giám sát trọng điểm năm 2011 của TT phòng chống HIV/AIDS Quảng Ninh, số người nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy chiếm 24,8%.

II/ Tình hình sử dụng ma tuý tại thành phố Hạ Long:

Tính đến tháng 3/2012, trên địa bàn thành phố có 930 người nghiện chích ma tuý tại cộng đồng, trong đó 285 người có hồ sơ quản lý.

III/ Chương trình can thiệp cho người sử dụng ma tuý tại thành phố Hạ Long:

Triển khai các hoạt động tiếp cận và cấp phát bơm kim tiêm sạch miễn phí cho các đối tượng nghiện chích ma túy; tư vấn thay đổi hành vi phòng chống ma túy, phòng lây nhiễm HIV/AIDS.

Hiện nay trên địa bàn có 229 đối tượng cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm GDLĐXH Vũ Oai.

­

B/ NỘI DUNG TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH:

I/ MỤC TIÊU:

1/ Mục tiêu chung:

Góp phần làm giảm lây nhiễm HIV và một số bệnh có liên quan trong nhóm người nghiện các chất dạng thuốc phiện và từ nhóm nghiện các chất dạng thuốc phiện ra cộng đồng, cải thiện sức khoẻ và chất lượng cuộc sống, hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng.

2/Mục tiêu cụ thể:

Triển khai điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone cho các đối tượng trên địa bàn thành phố,

Điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone cho khoảng 250 người nghiện các chất dạng thuốc phiện

Giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV, giảm các hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm đối tượng tham gia điều trị.

Giảm tần suất sử dụng và tiến tới ngừng sử dụng chất dạng thuốc phiện trong nhóm đối tượng tham gia điều trị.


II/ ĐỐI TƯỢNG THAM GIA VÀ ĐỊA ĐIỂM TRIỂN KHAI:

1/Đối tượng tham gia điều trị (người bệnh):

Người bệnh tham gia điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone phải đáp ứng được các điều kiện quy định tại “Hướng dẫn điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone” do Bộ Y tế ban hành.

- Người bệnh đang nghiện các chất dạng thuốc phiện theo tiêu chuẩn chẩn đoán nghiện CDTP của Bộ Y tế.

- Từ 18 tuổi trở lên (Trường hợp đặc biệt, người từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phải có người giám hộ theo quy định của pháp luật).

- Phải có đơn tự nguyện tham gia điều trị bằng thuốc Methadone theo mẫu của Bộ Y tế và cam kết tuân thủ điều trị.

- Không có chống chỉ định sử dụng thuốc Methadone.

- Người nghiện phải có hộ khẩu thường trú và nơi cư trú ổn định tại thành phố Hạ Long. Trường hợp không có hộ khẩu thường trú nhưng đang tạm trú dài hạn tại thành phố Hạ Long, phải có người cam kết hỗ trợ chỗ ở và tinh thần để đảm bảo việc uống thuốc hàng ngày tại cơ sở điều trị Methadone.

- Không có hành vi vi phạm pháp luật bị truy tố và không có tên trong danh sách đi cai nghiện tập trung theo Quyết định 145 trong thời gian xét chọn vào chương trình điều trị.

Có giấy giới thiệu của UBND phường.

Đối tượng ưu tiên:

+ Người nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng đường tiêm chích.

+ Thời gian nghiện ít nhất 3 năm.

+ Đã cai nghiện nhiều lần bằng các phương pháp khác nhưng vẫn tái nghiện.

+ Người tích cực tham gia vào các hoạt động phòng chống HIV/AIDS.

+ Người có cam kết hỗ trợ của gia đình.

2/ Địa điểm triển khai:

Địa điểm triển khai cơ sở điều trị Methadone thành phố Hạ Long: Tổ 21 khu 3, phường Hà Khánh, Thành phố Hạ Long.

Đơn vị triển khai trực tiếp: Trung tâm y tế thành phố Hạ Long.
III/ NGUYÊN TẮC TRIỂN KHAI:

Việc tổ chức triển khai hoạt động của chương trình điều trị thay thế bằng thuốc methadone phải phù hợp với tình hình và điều kiện cụ thể của địa phương; đồng thời phải có sự đồng thuận trong lãnh đạo và cộng đồng dân cư.

Điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone chỉ được thực hiện trên cơ sở người bệnh tự nguyện tham gia và có cam kết tuân thủ điều trị. Trong cùng một thời điểm, người bệnh chỉ được phép đăng ký điều trị bằng Methadone tại một cơ sở.

Việc điều trị thay thế bằng thuốc Methadone chỉ được triển khai tại các cơ sở y tế Nhà nước đủ tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Y tế.

Điều trị và quản lý thuốc Methadone phải được thực hiện theo đúng các quy định của Bộ Y tế.

Điều trị thay thế bằng thuốc Methadone phải được lồng ghép với hoạt động của chương trình phòng chống HIV/AIDS; phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm và các hoạt động tâm lý xã hội để việc điều trị đạt hiệu quả.

Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành Y tế, Công an, Lao động - thương binh và xã hội, các ban ngành đoàn thể khác có liên quan và Uỷ ban nhân dân các cấp trong việc triển khai. Đặc biệt phải có sự cam kết của ngành Công an về đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Trong quá trình triển khai chương trình, nghiêm cấm các hành vi ngăn cản hoặc lợi dụng các hoạt động của chương trình để tiếp tay cho hoạt động mua bán và sử dụng ma tuý.


IV/ CÁC HOẠT ĐỘNG TRIỂN KHAI CỤ THỂ:

1/ Cơ sở điều trị Methadone:

UBND thành phố đã đầu tư kinh phí xây dựng mới cơ sở điều trị Methadone Hạ Long nằm trên tỉnh lộ 337, tại tổ 21 khu 3, phường Hà Khánh, Thành phố Hạ Long theo đúng quy định của Bộ Y tế. Việc bố trí các phòng chuyên môn đều đảm bảo các điều kiện: khoa học và thuận tiện cho việc tiếp nhận và điều trị người bệnh (thiết kế 1 chiều), đủ rộng, thoáng, vệ sinh, an ninh, cụ thể gồm các phòng:

- Khu vực ngồi chờ cho người bệnh.

- Phòng đón tiếp, đăng ký.

- Phòng tư vấn

- Phòng khám bệnh có giường để người bệnh nằm lưu khi cần thiết.

- Phòng cấp phát thuốc Methadone được bố trí thuận tiện cho người bệnh đi từ khu vực đón tiếp vào uống thuốc hàng ngày.

- Kho bảo quản thuốc Methadone theo đúng quy định của việc bảo quản các chất gây nghiện.



2/ Trang thiết bị:

Toàn bộ trang thiết bị cho cơ sở điều trị đảm bảo đầy đủ theo danh mục và yêu cầu kỹ thuật của Bộ Y tế.



3/ Nhân lực: gồm:

- 02 bác sỹ làm việc toàn thời gian khám và điều trị cho người bệnh. Trong đó 01 bác sỹ chịu trách nhiệm quản lý chung các hoạt động hàng ngày của cơ sở điều trị.

- 01 dược sỹ đại học hoặc trung học chịu trách nhiệm quản lý, lưu giữ thuốc Methadone. Cấp phát và giám sát người bệnh uống thuốc.

- 01 dược sỹ trung học tham gia quản lý, lưu giữ thuốc Methadone. Cấp phát và giám sát người bệnh uống thuốc.

- 02 tư vấn viên

- 01 nhân viên xét nghiệm và 01 y tá điều dưỡng(hỗ trợ bác sỹ trong việc khám và điều trị cho bệnh nhân).

- 02 nhân viên hành chính, quản lý số liệu.

- 03 bảo vệ

- 01 nhân viên vệ sinh.

Tất cả các cán bộ chuyên môn tham gia vào công tác điều trị thay thế bằng thuốc Methadone đều được tập huấn và phải có giấy chứng nhận do Bộ Y tế cấp.



4/ Quy trình điều trị thay thế bằng thuốc Methadone:

4.1. Quy trình điều trị: Việc điều trị được thực hiện đúng theo quy định tại “Hướng dẫn Điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone và hướng dẫn tổ chức thực hiện” do Bộ Y tế ban hành, cụ thể:

4.1.1.Tư vấn về điều trị thay thế bằng thuốc Methadone: Bao gồm tư vấn trước điều trị, trong điều trị, tư vấn về giảm liều và tiến tới kết thúc điều trị.

4.1.2. Khám lâm sàng và xét nghiệm:

a) Lý  do xin tham gia điều trị của người bệnh.

b) Khai thác tiền sử người bệnh: Tiền sử sử dụng ma tuý, các hành vi nguy cơ cao (dùng chung bơm kim tiêm, không sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục...), tiền sử sức khoẻ, tâm lý xã hội.

c) Nội dung thăm khám, đánh giá sức khỏe: Đánh giá sức khỏe toàn trạng, sức khỏe tâm thần, các triệu chứng có  liên quan đến sử dụng ma tuý.

d) Chẩn  đoán nghiện CDTP: Theo “Hướng dẫn chẩn đoán người nghiện ma túy nhóm Opiat (chất dạng thuốc phiện)” của Bộ Y tế.

đ) Xét nghiệm:

Thực hiện các xét nghiệm thường quy: Công thức máu; chức năng gan: ALT (SGPT), AST (SGOT); xét nghiệm nước tiểu tìm chất dạng thuốc phiện bằng test nhanh.

Một số xét nghiệm cần thiết khác: Xét nghiệm HIV, xét nghiệm HBV, HCV, xét nghiệm chẩn đoán lao, xét nghiệm chẩn đoán có thai…

e) Lập hồ  sơ bệnh án: Theo mẫu Bệnh án điều trị bằng thuốc Methadone quy định tại “Hướng dẫn Điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone và hướng dẫn tổ chức thực hiện” do Bộ  Y tế ban hành.

4.1.3. Làm thẻ và cấp thẻ điều trị. Mẫu thẻ quy định tại “Hướng dẫn điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone và hướng dẫn tổ chức thực hiện” do Bộ Y tế ban hành.

4.1.4. Xây dựng lịch điều trị và tư vấn liều điều trị đầu tiên.

4.1.5. Điều trị thay thế bằng thuốc Methadone:

       Hàng ngày người bệnh phải đến cơ sở điều trị Methadone để uống thuốc dưới sự giám sát trực tiếp của nhân viên y tế.

       Liều Methadone sử dụng cho mỗi người bệnh theo từng giai đoạn điều trị thực hiện theo “Hướng dẫn Điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone và hướng dẫn tổ chức thực hiện” do Bộ Y tế ban hành.

a) Liều  điều trị ban đầu và điều chỉnh liều:

Được xác định dựa trên: thời gian sử dụng chất dạng thuốc phiện, liều thường dùng trong thời gian gần nhất, mức độ dung nạp với CDTP và nguy cơ quá liều. Liều điều trị khởi đầu thường là 20mg/ngày. Thận trọng khi khởi liều từ 25 mg - 30 mg.

Không tăng liều Methadone trong ít nhất là 03 ngày điều trị đầu tiên. Tuy nhiên có thể tăng thêm liều methadone trong khoảng 3-4 giờ đầu sau khi uống liều đầu tiên khi người bệnh xuất hiện hội chứng cai.

Điều chỉnh liều Methadone: sau mỗi 3-5 ngày điều trị, nếu bệnh nhân vẫn xuất hiện hội chứng cai có thể tăng thêm từ 5-20mg/lần. Tổng liều tăng không vượt quá 20mg/tuần.

Liều tối đa ở cuối tuần điều trị đầu tiên không được vượt quá 40mg/ngày.

b) Liều  điều trị duy trì: Tùy thuộc từng người bệnh, mức  độ nghiện CDTP và các thuốc điều trị kết hợp khác.

- Liều duy trì thông thường là 60-120mg/ngày.

- Liều duy trì thấp nhất 15mg/ngày, liều cao nhất có thể lên tới 200-300mg/ngày. Cá biệt có những người bệnh liều cao hơn 300mg/ngày.

Liều điều trị duy trì có thể thay đổi khi:

- Người bệnh có sử dụng đồng thời các chất gây nghiện khác.

- Do thay đổi chuyến hoá, hấp thu và thải trừ Methadone trên những bệnh nhân có thai, mắc các bệnh đồng diễn khác hoặc bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc có tương tác với Methadone.

c) Giảm liều:

       Sau thời gian điều trị Methadone có hiệu quả (ít nhất là 1 năm), nếu người bệnh đã ổn định và mong muốn ngừng điều trị, cơ sở điều trị có thể tiến hành ngừng điều trị theo quy trình như sau:

- Đánh giá về khả năng ngừng điều trị của người bệnh: liều điều trị, tình hình sử dụng các chất gây nghiện, tính ổn định về tâm lý xã hội và sự hỗ trợ của gia đình.

- Cơ sở điều trị thảo luận với người bệnh để lập kế hoạch giảm liều tiến tới ngừng điều trị Methadone.

- Quy trình giảm liều: thực hiện theo đúng các quy định của Bộ Y tế tại “hướng dẫn điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone”.

d) Ngừng điều trị:

Ngừng điều trị tự nguyện: Sau một thời gian giảm liều có thể ngừng hoàn toàn methadone. Cần thực hiện các chăm sóc y tế và hỗ trợ tâm lý xã hội ít nhất 06 tháng sau khi ngừng điều trị.

Ngừng điều trị bắt buộc: Khi người bệnh xuất hiện các tình huống chống chỉ định với thuốc Methadone (hiếm gặp). Hoặc thực hiện khi người bệnh không tuân thủ điều trị, vi phạm nội quy của cơ sở điều trị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự an toàn của nhân viên y tế cũng như an ninh tại cơ sở điều trị.

đ) Uống lại thuốc Methadone sau khi bỏ liều:

Tùy theo thời gian người bệnh bỏ uống thuốc Methadone, khi cho uống Methadone trở lại thực hiện theo “Hướng dẫn Điều trị thay thế nghiện các CDTP bằng thuốc Methadone” do Bộ Y tế ban hành để đảm bảo an toàn cho người bệnh:

- Bỏ uống thuốc từ 1 đến 3 ngày: Không thay đổi liều Methadone đang điều trị.

- Bỏ uống thuốc 4-5 ngày: Đánh giá lại sự dung nạp thuốc của người bệnh. Cho ½ liều methadone bệnh nhân vẫn uống trước khi ngừng điều trị đồng thời khám lại và cho liều methadone thích hợp.

e) Điều trị Methadone cho một số đối tượng đặc biệt:

      Đối với người bệnh đang mang thai, đang cho con bú, bị nhiễm HIV, bị bệnh lao hoặc viêm gan B và C, việc điều trị không giống người bệnh khác mà yêu cầu có sự điều chỉnh về liều Methadone sử dụng cũng như các theo dõi đặc biệt khác theo quy định tại “Hướng dẫn Điều trị thay thế nghiện các CDTP bằng thuốc Methadone” do Bộ Y tế ban hành.

g) Theo dõi uống thuốc Methadone:

- Nhân viên y tế phải theo dõi người bệnh uống thuốc Methadone.

- Sau khi uống Methadone người bệnh phải uống nước và nói chuyện với nhân viên y tế trước khi ra về.

4.1.6. Hội chẩn:

Hội chẩn  được thực hiện trong các trường hợp sau:

- Người bệnh được chỉ định điều trị methadone ở liều từ 120mg/ngày trở lên.

- Người bệnh cần tăng liều nhanh hơn bình thường.

- Người bệnh mắc đồng thời nhiều bệnh.

- Những trường hợp cần thiết khác.

Thủ  tục hội chẩn phải thực hiện theo đúng các quy định của Bộ Y tế và theo đúng hướng dẫn điều trị nghiện các CDTP bằng thuốc Methadone.

4.2. Theo dõi quá trình điều trị Methadone:

4.2.1. Theo dõi lâm sàng:

a) Đánh giá  để thay đổi liều điều trị duy trì: Đánh giá trên bệnh nhân về liều Methadone đang sử  dụng, các biểu hiện của hội chứng cai xuất hiện trên bệnh nhân,  bệnh nhân có còn tiếp tục sử dụng CDTP bất hợp pháp, tương hỗ với các thuốc đang sử dụng, có thai....

b) Theo dõi tiến triển lâm sàng: Sức khoẻ tâm thần, chức năng lao động, tâm lý xã hội, các hành vi nguy cơ cao tiếp diễn trong quá trình điều trị và tiến triển của các bệnh kèm theo.

4.2.2. Xét nghiệm nước tiểu: nhằm xác định người bệnh có sử dụng CDTP hay không; phục vụ công tác chẩn đoán, đánh giá và điều chỉnh liều methadone thích hợp; góp phần đánh giá hiệu quả điều trị.

4.2.3. Theo dõi tuân thủ điều trị:

a) Người bệnh phải uống Methadone hàng ngày dưới sự giám sát của cán bộ y tế để đảm bảo điều trị hiệu quả và an toàn.

b) Thực hiện một số biện pháp hỗ trợ tuân thủ điều trị bao gồm:

Tư vấn cho người bệnh và gia đình.

Hướng dẫn người bệnh và gia đình biết cách xử trí các tác dụng không mong muốn và các diễn biến bất thường trong quá trình điều trị.

Phối hợp với gia đình, cộng đồng và các tổ chức xã hội trong việc động viên người bệnh tuân thủ điều trị.

4.2.4. Xử trí các tác dụng phụ thường gặp và một số vấn đề khác:

       Trong quá trình điều trị người bệnh có thể  có một số tác dụng phụ như: Ra nhiều mồ  hôi, táo bón, rối loạn giấc ngủ, bệnh về răng miệng ... hoặc xuất hiện một số vấn đề đặc biệt như: Nhiễm độc Methadone, uống sai liều Methadone, nôn Methadone v.v... Cần xử trí và hướng dẫn người bệnh theo quy định tại “Hướng dẫn Điều trị thay thế nghiện các CDTP bằng thuốc Methadone và hướng dẫn tổ chức thực hiện” do Bộ Y tế ban hành.

4.2.5. Các dịch vụ hỗ trợ khác:

       - Phối hợp với các đơn vị có liên quan trong ngành y tế thực hiện việc chuyển gửi người bệnh đến các dịch vụ tư vấn, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS khi cần thiết.

       - Phối hợp với ngành Lao động - TBXH để người bệnh được hỗ trợ trong việc đào tạo nghề và tìm việc làm, hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng. 



5/ Thời gian làm việc:

Làm việc tất cả các ngày trong tuần, kể cả thứ bẩy, chủ nhật, ngày lễ, ngày tết.

Thời gian làm việc trong ngày: 8 giờ. Giờ mở cửa và đóng cửa hàng ngày tuỳ theo nhu cầu của người bệnh và do cơ sở điều trị Methadone quy định.

Trong trường hợp cần thiết có thể tổ chức làm việc theo ca và bố trực ngoài giờ hành chính. Mỗi ca làm việc gồm có: bác sỹ điều trị, tư vấn viên, điều dưỡng, dược sỹ, nhân viên hành chính bảo vệ tùy theo từng giai đoạn và nhân lực cụ thể mà cơ sở điều tri Methadone quy định.



6/Quy trình tiếp nhận và bảo quản thuốc: Theo quy định của Bộ Y tế.
V/ THEO DÕI, ĐÁNH GIÁ HOẠT ĐỘNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH:

1/ Chế độ báo cáo:

a/ Hồ sơ bệnh án, sổ theo dõi và biểu mẫu báo cáo: Thực hiện theo quy định của Bộ Y tế(Hướng dẫn điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone).

Cơ sở điều trị phải có sổ theo dõi tổng số người bệnh tham gia điều trị và một số thông tin cơ bản liên quan đến việc điều trị thay thế bằng Methadone. Biểu mẫu báo cáo: Thực hiện theo đúng quy định của Bộ Y tế

b/ Chế độ báo cáo: Thực hiện báo cáo định kỳ và báo cáo đột xuất khi có yêu cầu:

-Báo cáo thường xuyên.

Thời điểm khoá sổ báo cáo là ngày cuối cùng của tháng, quý, năm.

Báo cáo hàng tháng gồm:

- Số người bệnh tham gia điều trị thay thế bằng Methadone.

- Số lượng thuốc Methadone đã sử dụng của cơ sở điều trị Methadone.

- Tình hình kho và dự trù thuốc Methadone.

- Báo cáo đột xuất theo yêu cầu.

Báo cáo quý, năm tổng hợp trên cơ sở bảo cáo hàng tháng.

Báo cáo gửi về: Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Quảng Ninh và UBND thành phố Hạ Long.

Thời gian gửi báo cáo tháng: Trước ngày 5 tháng sau, thời gian gửi báo cáo quý: trước ngày 10 tháng đầu quý sau. Báo cáo năm: trước ngày 15 tháng 01 năm sau.



2/ Kiểm tra giám sát hoạt động:

- Cơ sở điều trị tổ chức giao ban hàng tuần để đánh giá kết quả điều trị trong tuần và triển khai công việc tuần tiếp theo.

- Ban xét chọn người bệnh tổ chức giao ban tổ chức giao ban hàng tháng để đánh giá tiến độ triển khai và kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai trên địa bàn.

- Ban chỉ đạo thành phố họp hàng quý để đánh giá sự phối hợp liên ngành trong việc triển khai chương trình, những khó khăn vướng mắc và cách giải quyết.

- Tổ chức các đợt kiểm tra, giám sát định kỳ hoặc kiểm tra đột xuất theo yêu cầu của Ban chỉ đạo cấp tỉnh.

­

VI/ KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG :

Kinh phí dự trù giai đoạn đầu (từ 01/7/2012 đến 30/9/2012) cho cơ sở điều trị: 645.594.730 đồng.

Từ tháng 10/2012 đến 2015 kinh phí duy trì mỗi năm: 1.617.250.000 đồng.

(Trừ kinh phí sửa chữa, khai chương và tiền thuốc do Trung ương cấp).

Chi tiết kinh phí cho hoạt động (từ 01/07/2012 đến 30/9/2012):

(Đơn vị tính: 1.000 đồng)

Hỗ trợ tập huấn ban xét chọn các cấp và họp đồng thuận( 1 ngày)

18.601

Hỗ trợ học thực hành tại CSĐT MTD TX cẩm phả

18.810

Ngân sách cho cơ sở điều trị Methadone thành phố Hạ Long

608.183

Lương cho cán bộ, nhân viên

679.000

Tổng cộng

645.594.

Nguồn kinh phí:

- Kinh phí xây dựng thiết lập cơ sở điều trị Methadone: Sử dụng kinh phí từ ngân sách thành phố.

- Kinh phí duy trì hoạt động của cơ sở:

+ Giai đoạn đầu (từ 01/07/2012 đến 30/9/2012): sử dụng kinh phí từ các Tổ chức Quốc tế(PEPFAR- Mỹ). Toàn bộ nguồn kinh phí hỗ trợ ban đầu của các tổ chức Quốc tế do Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh quản lý và điều phối theo quy định của Trương ương.

+ Giai đoạn từ 2012-2015: UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách để triển khai hoạt động của các cơ sở điều trị. Ngoài ra có thể huy động thêm từ các nguồn xã hội hoá, ngân sách Trung ương hỗ trợ và nguồn hợp pháp khác.
VII/ CÁC YẾU TỐ RỦI RO:

1/ Đối với người bệnh:

Quá liều: có thể xẩy ra trong 1-2 tuần đầu điều trị thay thế bằng thuốc Methadone. Hiện tượng quá liều có liên quan trực tiếp đến việc sử dụng đồng thời rượu và các chất gây nghiện khác. Nguy cơ quá liều sẽ giảm đi khi người bệnh chuyển sang giai đoạn điều trị duy trì.

Ngộ độc thuốc: có thể xẩy ra néu người bệnh nghiện rượu hoặc đồng thời sử dụng các loại CDTP khác khi đang tham gia điều trị bằng Methadone.

Người bệnh vẫn tiếp tục sử dụng CDTP trong thời gian đầu điều trị Methadone. Trường hợp này cần đánh giá cân nhắc việc tăng liều cho người bệnh trong mức an toàn cho phép và áp dụng các biện pháp tư vấn hỗ trợ.

Nguy cơ tử vong: Người bệnh có thể tử vong do quá liều(có thể gặp trong giai đoạn đầu, hiếm gặp trong giai đoạn điều trị duy trì) và các nguyên nhân khác như nhiễm HIV giai đoạn cuối, tai nạn…

Tiếp tục có hành vi tội phạm: người bệnh có thể vẫn tiếp tục có hành vi tội phạm trong thời gian đầu điều trị, song nguy cơ này sẽ giảm đi đáng kể trong quá trình điều trị



2/ Đối với chương trình:

Quản lý thuốc Methadone: Việc quản lý thuốc không chặt chẽ có thể dẫn đến một số những rủi ro như thiếu hoặc thừa thuốc, thất thoát, rò rỉ thuốc, sử dụng thuốc sai mục đích, thuốc quá hạn, cấp phát thuốc không đúng đối tượng.

Tỷ lệ người bệnh bỏ điều trị: Liên quan đến nhiều yếu tố, thay đổi tuỳ theo hoàn cảnh.
VIII/ TÍNH BỀN VỮNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH:

1/ Bộ Y tế đã phê duyệt đề án: Sản xuất và sử dụng thuốc Methadone tại Việt Nam giai đoạn 2010-2011” tại Quyết định số 5146/QĐ-BYT ngày 27/12/2010.

2/ Duy trì và mở rộng triển khai điều trị thay thế bằng thuốc Methadone: điều trị thay thế bằng thuốc Methadone là điều trị duy trì lâu dài, thời gian điều trị phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể nhưng không dưới 01 năm, có những trường hợp phải điều trị suốt đời. Do đó để đảm bảo tính bền vững của chương trình, tỉnh cam kết sẽ duy trì hoạt của các cơ sở điều trị Methadone bằng nguồn kinh phí của địa phương và các nguồn khác(nếu có) sau khi các tổ chức Quốc tế ngừng viện trợ.
C/ TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

I/ CÁC HOẠT ĐỘNG THỰC HIỆN TẠI THÀNH PHỐ HẠ LONG:

1/ Thành lập Ban chỉ đạo chương trình cấp thành phố:

a) Thành phần:

- Trưởng ban chỉ đạo là Phó chủ tịch UBND thành phố phụ trách khối văn hoá, xã hội.

- Các phó ban chỉ đạo, gồm: Giám đốc Trung tâm y tế và Trưởng phòng Y tế thành phố. Trong đó Giám đốc Trung tâm y tế là Phó ban thường trực.

- Uỷ viên, gồm: lãnh đạo trưởng các đơn vị: Công an, Phòng Lao động- Thương binh và xã hội, Đài Truyền thanh- truyền hình, phòng tài chính – kế hoạch thành phố.

- Các thành phần mời tham gia Ban chỉ đạo, gồm: lãnh đạo Trưởng các đơn vị: Ban Tuyên giáo thành ủy Hạ Long, Uỷ ban MTTQ thành phố, Hội liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên CS HCM,.

b) Nhiệm vụ của Ban chỉ đạo:

*Xây dựng kế hoạch chi tiết, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chương trình trên địa bàn thành phố theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế và UBND tỉnh về quản lý thuốc Methadone, quy trình chuyên môn kỹ thuật, địa bàn triển khai, đối tượng tham gia điều trị để đảm bảo điều trị an toàn, hiệu quả và đạt được các mục tiêu đã đề ra.

* Phối hợp triển khai các hoạt động vận động chính sách tạo môi trường thuận lợi cho việc triển khai chương trình tại thành phố. Đẩy mạnh công tác truyền thông để cộng đồng dân cư hiểu và tích cực tham gia ủng hộ chương trình

*Chỉ đạo các ban, ngành liên quan, UBND các phường phối hợp triển khai chương trình trên địa bàn thành phố; đặc biệt chú trọng việc đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn cơ sở điều trị và bảo vệ kho thuốc Methadone.

* Chỉ đạo công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát và đánh giá hoạt động của chương trình cấp thành phố.

* Chỉ đạo các ban, ngành liên quan và UBND các phường tổ chức quản lý, giám sát, hỗ trợ người bệnh tham gia chương trình.

* Chỉ đạo tổ chức đào tạo, dạy nghề, tìm việc làm và hỗ trợ tâm lý, xã hội cho người bệnh.

* Chỉ đạo kiểm tra, giám sát các cơ quan y tế địa phương và cơ sở điều trị Methadone trong suốt quá trình triển khai hoạt động của chương trình tại thành phố.

* Tạo điều kiện về cơ sở vật chất (trụ sở làm việc) cho cơ sở điều trị Methadone.

* Định kỳ tổ chức họp, giao ban đánh giá kết quả đã thực hiện, có biện pháp xử lý kịp thời những khó khăn vướng mắc, tồn tại. Tổng hợp kết quả báo cáo về UBND tỉnh và Sở Y tế đúng quy định.



2/ Thành lập ban xét chọn bệnh nhân cấp thành phố:

a) Thành phần:

* Phó chủ tịch UBND thành phố phụ trách khối văn hoá, xã hội, làm Trưởng ban

Các Phó ban, gồm: Giám đốc Trung tâm Y tế và Trưởng phòng Y tế thành phố. Trong đó Giám đốc Trung tâm y tế là Phó ban thường trực.

* Uỷ viên, gồm: đại diện lãnh đạo các đơn vị: Công an, Phòng Lao động- Thương binh và xã hội, 01 bác sỹ điều trị Methadone, 01 nhân viên tư vấn của cơ sở.

* Thành phần mời tham gia Ban xét chọn: lãnh đạo Uỷ ban MTTQ thành phố.

b) Nhiệm vụ:

* Xét chọn người bệnh (hồ sơ) đủ tiêu chuẩn được tham gia điều trị tại cơ sở điều trị Methadone của thành phố theo đúng các quy định của Bộ Y tế và ban chỉ đạo chương trình tỉnh Quảng Ninh.

*Gửi danh sách người bệnh được xét chọn tham gia điều trị Methadone đến Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Quảng Ninh.

* Xem xét và đề xuất với Ban xét chọn người bệnh Tỉnh điều chuyển khi người bệnh có đơn xin đổi cơ sở điều trị Methadone.

* Phối hợp để quản lý người bệnh tham gia vào chương trình, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn thuốc Methadone.

3/ Phân công chức năng nhiệm vụ cụ thể cho các ngành thành viên BCĐ:

3.1./ Trung tâm y tế thành phố(đơn vị thường trực):

- Tham mưu công tác chuẩn bị cơ sở vật chất của cơ sở điều trị Methadone theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế và BCĐ kế hoạch triển khai chương trình tỉnh Quảng Ninh.

- Thực hiện kế hoạch tuyển chọn, bố trí nhân sự cho cơ sở điều trị Methadone và cử người tham dự các khoá tập huấn về điều trị Methadone theo chỉ đạo hướng dẫn của Tỉnh.

- Trực tiếp triển khai các hoạt động của chương trình theo đúng kế hoạch và lộ trình. Trực tiếp triển khai các hoạt động của cơ sở điều trị Methadone theo quy định tại "Hướng dẫn điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone và hướng dẫn tổ chức thực hiện” do Bộ Y tế ban hành.

- Thực hiện các điều kiện để người bệnh được nhận các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và hỗ trợ khác.

- Phối hợp với lực lượng Công an thành phố và phường xã để có phương án hỗ trợ về an ninh trật tự tại cơ sở điều trị Methadone.

- Phối hợp với Phòng Lao động- Thương binh và xã hội thành phố để hỗ trợ về vấn đề đào tạo nghề và tạo việc làm.

- Tổng hợp báo cáo kết quả hoạt động của chương trình về lãnh đạo UBND thành phố và Sở Y tế theo quy định.



3.2/ Phòng y tế thành phố:

- Tham mưu cho UBND thành phố chỉ đạo các ban, ngành chức năng liên quan triển khai các hoạt động của chương trình, đảm bảo đúng tiến độ và đạt hiệu quả.

- Phối hợp trong công tác thông tin truyền thông trong cộng đồng dân cư về nội dung chương trình triển khai, tạo điều tốt nhất để người dân tiếp cận với thông tin, tích cực tham gia và ủng hộ chương trình.

- Phối hợp trong công tác quản lý, giám sát người bệnh tham gia chương trình.



3.3/ Công an thành phố:

Có kế hoạch thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội trên toàn thành phố khi triển khai chương trình, đặc biệt tại địa bàn triển khai chương trình và cơ sở điều trị Methadone. Chỉ đạo lực lượng công an các phường phối hợp triển khai thực hiện.

Phối hợp với Trung tâm y tế thành phố và hỗ trợ lực lượng để bảo vệ cơ sở điều trị Methadone, bảo vệ kho thuốc, giữ gìn an ninh trật tự và quản lý người bệnh tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone.
3.4/ Phòng Lao động- Thương binh và xã hội thành phố:

Phối hợp trong việc triển khai chương trình tại cơ sở điều trị Methadone như: Tham gia công tác quản lý người bệnh tại cộng đồng, hỗ trợ đào tạo dạy nghề và tạo công ăn việc làm để giúp người bệnh tái hoà nhập cộng đồng,

Phối hợp trong công tác thông tin, giáo dục tuyên truyền về hoạt động của chương trình.
3.5/ Đài Truyền thanh - truyền hình thành phố:

Dành thời lượng phát sóng thích hợp cho các nội dung tuyên truyền về chương trình, các văn bản pháp quy có liên quan cũng như thông tin cơ bản về kế hoạch triển khai trên địa bàn, giúp người dân tiếp cận thông tin đầy đủ, kịp thời và chính xác, để nhân dân ủng hộ và tích cực tham gia. Kịp thời có thông tin phản ánh các hoạt động triển khai trên địa bàn thành phố.



3.6/ UBND thành phố đề nghị lãnh đạo đoàn thể: Mặt trận tổ quốc, Hội liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên CSHCM và ban Tuyên giáo Thành uỷ phối hợp trong công tác thông tin, giáo dục tuyên truyền nội dung kế hoạch, chỉ đạo đội ngũ cán bộ trong hệ thống tổ chức tham gia các hoạt động tuyên truyền, tạo đồng thuận của xã hội trong việc triển khai chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone.

Tham gia công tác quản lý, hỗ trợ người bệnh tham gia chương trình và tái hoà nhập cộng đồng.


II/CÁC HOẠT ĐỘNG THỰC HIỆN TẠI CÁC PHƯỜNG:

UBND các phường căn cứ kế hoạch của thành phố và tình hình thực tế của địa phương, triển khai các hoạt động cụ thể sau:

- Thành lập Ban chỉ đạo chương trình cấp phường.

+ Thành phần:

* Trưởng ban chỉ đạo là Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch UBND phường

* Phó ban chỉ đạo là Trạm trưởng trạm y tế phường.

* Các uỷ viên, gồm: Trưởng Công an phường; cán bộ Lao động- Thương binh và xã hội; cán bộ Văn hóa;

* Các thành phần mời tham gia Ban chỉ đạo phường, gồm: lãnh đạo các đoàn thể: Uỷ ban MTTQ thị xã, Hội liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên CS HCM.

Và một số ban ngành khác tuỳ vào sự lựa chọn của UBND phường.

+ Nhiệm vụ của Ban chỉ đạo:

* Thông tin truyền thông tạo môi trường đồng thuận cho việc triển khai kế hoạch.

* Xét giới thiệu người tham gia chương trình

* Bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội và cơ sở điều trị.

* Quản lý, giáo dục và hỗ trợ người nghiện tham gia chương trình.



Trên đây là kế hoạch Triển khai chương trình điều trị thay thế nghiện các chất gây nghiện dạng thuốc phiện bằng methadone trên địa bàn thành phố Hạ Long. Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các đơn vị có liên quan, UBND các phường nghiêm túc thực hiện, định kỳ báo cáo kết quả triển khai thực hiện về Trung tâm y tế thành phố Hạ Long – Cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo để tổng hợp báo cáo Sở Y tế./.



Nơi nhận:

  • UBND tỉnh Quảng Ninh (B/c);

  • Sở Y tế ( B/c);

  • Trung tâm phòng chống HIV/AIDS QN;

  • TT TU (03b), HĐND, UBND TP;

  • Ban Tuyên giáo Thành ủy;

  • Các hội đoàn thể: UBMTTQ, Hội LHPN, Hội CTĐ, Đoàn TN TP.

  • Các phòng ban, đơn vị: Y tế, Công an, Đài TTTH, LĐ – TPXH, TC- KH;

  • UBND các phường;

  • Lưu VT, KH 73.12.15b



TM. UỶ BAN NHÂN DÂN

KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
 
 
(Đã ký)




Trần Trọng Trung








tải về 102.69 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương