Tuyển tập các bài sám văn tk. Thích Đồng Bổn Sưu Tập



tải về 4.51 Mb.
trang101/101
Chuyển đổi dữ liệu18.08.2016
Kích4.51 Mb.
#22203
1   ...   93   94   95   96   97   98   99   100   101

270. SÁM TỪ BI



(Sách tấn tu tập 15)
Huỳnh Liên
Người khôn có đủ đức tài,
Hằng tìm lợi ích tương lai cho mình.
Dọn lòng an tịnh thanh bình,
Tiến vào Cực lạc vô sinh Niết bàn.
Giữ lòng chánh trực đoan trang,
Nhu hòa lương thiện chẳng màng phô trương.
Thanh bần an phận thủ thường,
Không cam thế sự vấn vương cõi lòng.
Lục căn chế ngự nghiêm phòng,
Không cho liều lĩnh luyến mong dục trần.
Không làm nhơ bẩn tinh thần,
Tránh lời chê trách Thánh nhân phê bình.
Mong cầu tất cả chúng sanh,
Dồi dào hạnh phúc, hòa bình sinh nhai.
Cầu cho ba giới, bốn loài,
Chúng sanh yếu mạnh, vắn, dài, bình, trung.
Béo, gầy, nhỏ, lớn khôn cùng,
Hữu hình vô tướng muôn trùng gần xa.
Chưa sanh hoặc đã sanh ra,
Thảy đều thọ hưởng hà sa phước lành.
Nguyện không lừa gạt dối manh,
Khinh người, miệt chúng hư danh trang hiền.
Dầu cho thân thuộc xóm giềng,
Người dưng kẻ lạ các miền xa xăm.
Trong cơn phẫn nộ giận thầm,
Cũng không lo nghĩ mưu thâm hại người.
Như lòng từ mẫu thanh tươi,
Trăm cay nghìn đắng vui cười vì con.
Dẫu cho một mất một còn,
Bảo tồn con trẻ vuông tròn ăn chơi.
Tình thương ghi tạc đời đời,
Từ bi rộng lớn bầu trời thênh thang.
Học đòi từ mẫu gương vàng,
Mở lòng thương xót bủa tràn gần xa.
Chúng sinh trong cõi Ta bà,
Thoát vòng khổ não vượt qua luân hồi.
Hằng ngày rải khắp nơi nơi,
Bốn phương tám hướng gầm trời bao la.
Tấm lòng bác ái vị tha,
Gội nhuần tư tưởng đậm đà tình thương.
Lòng từ trong sạch như gương,
Không pha ác cảm không vương tư thù.
Chí tâm trì niệm công phu,
Khi đi khi đứng chuyên tu tham thiền.
Nằm ngồi mặc niệm thường xuyên,
Sưu tầm đạo quả gieo duyên Niết bàn.
Ðó là phương pháp thế gian,
Ðó là hạnh kiểm đưa đàng vô sanh.
Thánh nhân ca tụng tán thành,
Xuôi dòng thánh vức lữ hành nhập lưu.
Vượt lên đến mức thắng ưu,
Khai thông tuệ nhãn tầm sưu đỉnh đầu.
A Hàm đạo tuệ gươm mầu,
Tuyệt đường tà kiến xả câu dục tình.
Bất lai cảnh giới hữu hình,
Phạm Thiên tạm ngự nghiêm minh Niết bàn.
- - - - - - - - - - - -
- Trích “Kinh Xưng Tụng Tam Bảo” – Ni Trưởng Huỳnh Liên – Thành Hội Phật giáo TP HCM ấn hành, 1987.

---o0o---


271. ÐƯỜNG GIẢI THOÁT



(Sám hồi tâm 9)
Chí Kiên
Ðường giải thoát thênh thang cao đẹp,
Ngát hương thiền tỏa khói lam chiều,
Khách nhàn vui cảnh tịch liêu,
Lòng thanh thoát rũ sạch điều thế duyên.
Ðường giải thoát tầm nghiên đạo lý,
Phá ưu phiền, ganh tỵ, hận thù,
Thế gian danh lợi ngục tù,
Rõ đời giả tạm, kẻ mù xưa nay.
Ðường giải thoát xây đài thiện cảm,
Không hơn thua va chạm giựt giành,
Vị tha bỏ thói cạnh tranh,
Ðời nhiều đau khổ sao đành riêng vui!
Ðường giải thoát không lùi giông tố,
Lái thuyền từ tế độ trầm mê,
Thương người nghiệp chướng nặng nề,
Ra tay cứu vớt đưa về vô sinh.
Ðường giải thoát tâm hồn chân chính,
Không dối lừa bướng bỉnh gạt lường,
Lợi tha hạnh nguyện tình thương,
Thi ân bình đẳng noi gương Thánh Hiền.
Ðường giải thoát bao la như biển,
Tấm lòng trần vĩnh viễn xuất ly,
Học đòi trí tuệ từ bi,
Lời vàng pháp Phật khắc ghi bên lòng.
Ðường giải thoát xa vòng lẩn quẩn,
Bụi trần ai chẳng bận mảy hào,
Bát phong chẳng động chẳng xao,
Chơn như tánh hải làu làu trăng soi.
Ðường giải thoát đâu cần mời gọi,
Ðến với đi từ nội tâm ta,
Sơn hà bạn với cỏ hoa,
Trúc xanh tùng biếc ta đà tháng năm.
Ðường giải thoát đâu tầm giải thoát,
Ðâu mất, còn, thêm, bớt vốn không,
Chúng sanh, tâm, Phật vốn đồng,
Xưa nay ẩn hiện sắc không chơn thường.
Ðường giải thoát con đường tu học,
Vẫn kệ kinh, vẫn nhọc công phu,
Bởi còn ta, vẫn còn ngu,
Trải thân hành đạo xuân thu dần dà.
Ðường giải thoát riêng ta dấn bước,
Mong bao người kẻ trước người sau,
Hãy cùng giác ngộ mau mau,
Chân trời giải thoát ngôi cao Phật đài.
- - - - - - - - - - - -
- Phỏng soạn lại thành sám văn từ bài thơ 8 chữ cùng tên của Ni Trưởng Chí Kiên, Như Chí. Ðăng trong “Ðặc San Hoằng Pháp” số 6. Chùa Ấn Quang ấn hành, 1974.
- Chiêu Ðề soạn thành thể song thất lục bát, chùa Xá Lợi Tp. HCM, 1998.

---o0o---


272. HẠ THỪA BÁT NHÃ NGỘ ÐẠO QUỐC ÂM



(Văn khuyến tu 17)
Toàn Nhật Thiền Sư
Sinh gặp dòng Bát Nhã,
Thì noi quả Bồ đề.
Học từ bi chẳng dạ sát sinh,
Noi cổ thánh không lòng hại vật.
Xưa tam giáo tâm truyền dĩ thất,
Nay trung dung – nhứt quán hãy còn.
Trước Ðường, Nghiêu chẳng dụng đến con,
Sau hậu học nài chi câu vô hậu. (1)
Ấy là đời Cổ Tẩu, (2)
Mới sinh đặng một con,
Sau Bắc Ngụy Tào Man, (3)
Sinh ra con bất tiếu.
Mấy ai cho đặng hiếu,
Mà trả thảo mẹ cha.
Chi cho bằng niệm chữ Di Ðà,
Sau cũng đặng siêu sanh Tịnh Ðộ.
Sao chẳng nhớ chữ “tam niên nhủ bộ”,
Ðành quên câu“thập nguyệt hoài thai”.
Lập xung thiên nong nả chí trai,
Chịu tân khổ đền ơn cúc dục.
Ðã có câu “học túc”, (4)
Sao chẳng biết phá ngu.
Hễ là học đặng chữ tu,
Thì mới cứu cửu huyền thất tổ.
Ðạt chí cả đền ngày nhủ bộ,
Làm nên thì trả đặng ơn dày,
Vui Phật môn giữ dạ trì trai,
Thì cũng đặng thoát nơi khổ hải.
Thiên sanh vật, thiên chi sở ái, (5)
Trách đời sao nói “vật dưỡng nhân”,
Nếu vậy thì mãnh hổ ở Lam Sơn,
Thì trời cũng sanh nhơn mà dưỡng vật.
Nói câu sách nửa còn nửa mất,
Chẳng nhớ câu “nhân vật dữ đồng”,
Thánh nhân xưa lập đức hành công, (6)
Tùng thọ nghiệp tam thiên đồ đệ.
Phút tuyệt lương tự Vệ phản Lỗ,
Chính vương hóa mà tác Xuân Thu,
Ðạo vị minh tính mạng công phu, (7)
Giữa đường lại gặp thầy Hạng Thác.(8)
Ðời Thượng cổ nhiều người thông đạt,
Còn mang câu “hữu sở bất tri”,(9)
Xưa nhiều người xuống bút thành thi,
Còn phải học vô vi chi đạo.
Lộ bất hành bất đáo,
Sự bất trác bất tri, (10)
Nay Phật gia khai đạo “vô vi”,
Người bao nỡ tiến nan thối dị.(11)
Tham nữ sắc chẳng nhớ gương Ðắc Kỷ,
Bởi vì nàng bại Trụ hưng Châu,

Sách vẽ dễ nhằm câu,


Nhân tham tài tắc tử.
Ðời Tam quốc có chàng họ Lữ,
Cũng vì câu “dĩ ngã vi thù”, (12)
Phụ tử nãi tương tra, (13)
Bị Ðiêu Thuyền sinh kế hại.
Nhớ tích xưa nhắc lại,
Kim cổ diệc hà nhân?(14)
Sao không học kẻ đăng sơn,
Như ông Hàn Tương Tử,(15)
Ấy là người viễn lự,
Sau mới đặng yên thân.
Ðừng học thói vua Tần,(16)
Mà mang câu thất đức.
Sao cho nhất đức,(17)
Tiên trị nhất tâm,
Phép cổ thánh thị thâm thâm,
Lẽ tiên thiên chân diệu diệu.
Mới biết cơ trời là chí yếu,
Sao chẳng thấy đời Nghiêu,
Phút ban mai cày cuốc cùng nhau,
Buổi chiều lại vắng hiu nội dã.
Sao chẳng nhớ câu chân giả,
Mà học thói Tây phong?
Thi thượng báo tứ ân,
Nãi hạ trừ đồ khổ.
Sao chẳng nghe đồ dỗ,
Sao chẳng biết tỉnh mê,
Thấy thiên thời bất chánh mà ghê,
Xem nhân sự vô tâm mà ngán!
Người văn chương hay đoán,
Sao chẳng luận “khảm ly”,
Vậy mới thật “trí tri”,
Mới gọi rằng “cách vật”.
- - - - - - - - - - -
- Bài này của thiền sư Toàn Nhật, được hiệu in Hiển Nam Ðường cho khắc in vào tháng 9 năm 1919 (Khải Ðịnh thứ tư) do ông Ðặng Quang Diệu đứng ra thực hiện.
- Trích từ “Bát Nhã Ngộ Ðạo Quốc Âm Vãn.” In lại trong “Sử Phật Giáo Ðàng Trong” – Nguyễn Hiền Ðức – NXB Thành Phố Hồ Chí Minh XB, 1994.
1) Vua Nghiêu không truyền ngôi cho con mà cho người hiền tài là Thuấn. Câu “bất hiếu hữu tam”, vô hậu vi đại của Mạnh Tử.
2) Cổ Tẩu là người không hiền mà lại sanh được con hiền là vua Thuấn.
4) Học đủ.
5) Trời sanh vật là cho yêu thương của trời.
6) Là ý nói Khổng Tử có 3000 học trò, sau bỏ Lỗ qua Vệ 10 tháng, vua Vệ không dùng, định đến Trần mới đến đất Khuôn bị tưởng lầm là Dương Hổ nên vây đánh và cắt lương thực 90 ngày. Sau cùng Khổng Tử về Lỗ lúc 68 tuổi, giúp vua sửa sang chính trị và viết sách “Xuân Thu”.
7) Ðạo chưa sáng vì thiên mạng và công phu chưa đủ.
8) Hạng Thác mới 7 tuổi mà làm thầy Khổng Tử. (Lời Cam La)
9) Có chỗ không biết.
10) Ðường không đi thì không đến; việc không làm không biết.
11) Tiến khó thoái dễ.
12) Tôi, anh là thù.
13) Cha con giết nhau.
14) Xưa nay ta là người nào?
15) Là cháu của Hàn Dũ, lìa bỏ công danh theo học đạo tiên với Lữ Ðồng Tân và trở thành một trong tám vị tiên (Bát Tiên).
16) Tức Tần Thủy Hoàng.
17) Một ân đức, một tấm lòng.

---o0o---


273. TRUNG THỪA BÁT NHÃ NGỘ ÐẠO QUỐC ÂM



(Văn khuyến tu 18)
Toàn Nhật Thiền Sư
Xưa nay sách học đã nhàm,
Trung dung, đại học, học làm nghêu ngao.
Ai mà thông đặng mới cao,
Duy tính duy nhứt cũng đều minh tâm.
Cho thông “nhứt quán” là thần,
Ăn chay niệm Phật lánh trần mà chơi!
Cho hay chay mặn cũng người,
Ðố ai có biết ai ngoài càn khôn?
Biết thì chí quí chí tôn,
Không thì như kẻ lạc hồn biết chi?
Nghĩ ra sự quí lạ kỳ,
Ai mà tỉnh ngộ tức thì mới nên.
Kinh luận đã sẵn một bên,
Giở ra thì thấy nẻo lên Niết bàn.(1)

Phật xưa lời dạy rõ ràng,(2)


Thiên ư một điểm ngàn vàng khó mua.
Sự đời chớ khá hơn thua,
Không không có có đắn đo cũng phiền.
Chi bằng vui thú Phật Tiên,
Ðãy cơm bầu nước đôi miền tiêu dao.
Thạch Sùng của biết bao nhiêu,
Cũng chưa hưởng đặng cái giàu ngàn năm.
Thuở xưa Hàn Tín mưu thâm,
Chưa nên mười mặt cơ cầm được đâu?(3)
Tước quyền hưởng được bao lâu,
Ví như áo gấm mặc hầu mấy năm.
Như trăng tỏ đặng bữa rằm,
Khi tròn khi khuyết ai cầm cho đang.
Cuộc đời ai cũng lăng xăng,
Bởi chưa tỏ đặng, vì chưng sắc tài.
Thế gian nhiều kẻ anh tài,
Văn chương đã sẵn, dùi mài thì nên.
Trí tài hai chữ ở trên,
Làm sao cho khỏi xuống đền Diêm quan?
Chi bằng xả khước cái thân,
Ví như dép rách vang danh trên đời.
Trường trai thì đặng thảnh thơi,
Thiên hoàng quải bảng khỏi nơi âm trì.(4)
Muốn cho biết nẻo ẩn vi,(5)
Phải toan tìm kiếm Minh sư mà đầu.
Tương rau cũng chẳng bao lâu,
Cửa thiền đã sẵn ta hầu bước vô.
Bước vô thì thấy cơ đồ,
Tiêu dao khoái lạc sự mô cho bằng.
Cửu huyền thất tổ siêu thăng,
Ðộ tôn bạt tộc, đồng đăng thuở này.
Máy thiên đã sẵn ở đây,
Quí nào cho lại quí này vô song.
Sự tu đã quyết một lòng,
Ðừng tham vào chốn bụi hồng làm chi!
Rõ ràng kinh điển nhất thời,
Tu hành thì biết có khi liễu kỳ.
Dám khuyên già trẻ chớ nghi,
Mình làm mình biết tức thì mới hay.
Nối trao đã đến bên tay,
Ai mà nắm đặng ví tày thần tiên.
Chọn người trí tuệ mới truyền,
Mốc mây vén sạch thanh thiên chói lòa.
Chông gai phải tránh cho xa,
Quyết tìm đại đạo mới là chí trai.
Làm lành há dễ một ai,
Muốn cho trăm họ Phật đài đều lên.
- Bài này của Thiền sư Toàn Nhật, hiệu in Hiển Nam Ðường cho khắc in vào tháng 9 năm 1919 (Khải Ðịnh thứ tư) do ông Ðặng Quang Diệu đứng ra thực hiện.
1) Nguyên bản là: ... nẻo lên thiên đàng.
2) Nguyên bản là: Phật Trời lời dạy ...
3) Từ ý câu thơ “Thạch Sùng bất hưởng thiên niên phú, Hàn Tín không thành thập diện mưu.”
4) Vua Trời treo bảng để khỏi rơi vào âm phủ.
5) Ẩn mình, thu nhỏ, khó thấy.
---o0o---

274. THƯỢNG THỪA BÁT NHÃ NGỘ ÐẠO QUỐC ÂM



(Văn khuyến tu 19)
Toàn Nhật Thiền Sư

Từ mở mang trời đất đến nay,


Cũng lắm cuộc tang thương canh cải,
Nguyên ba nguyên tuần hoàn dẫn lại,
Hội mười hai cho đủ mới bằng.(1)
Cõi hồng trần còn hãy lăng xăng,
Người lành phải chịu điều cay đắng,
Chữ “Tam” đạt thì công khá gắng,(2)
Muốn lên bờ phải thoát bốn mê.
Học Phật gia, niệm chữ từ bi,
Tu tiên đạo, giữ câu cảm ứng,
Trung thứ nơi Nho làm bằng chứng,
Phật, Thánh, Tiên ba giáo một lòng.
Dọn chông gai đường cả mới thông,
Chịu tân khổ gọi là thượng trí,
Người quân tử phải gìn Tam Quý,(3)
Ðấng anh hùng đừng bỏ cửu tư.(4)
Ðạo tiên thiên lập đỉnh an lô, (5)
Hẳn cũng có trong hư mà thật,
Tánh tùng bá phải in một tiết,
Ai lay dời thì đọa khổ luân.
Dặn với ai quy giới phải tuân,(6)
Một phen khổ muôn đời thong thả,
Nợ tiền khiên bữa này phải trả,
Nợ trả rồi vật ngoại thảnh thơi.
Mặc dù trong trời đất vui chơi,
Năm hồ rộng thần tiên thú lạ,(7)
Muốn nên mình phải bền chí cả,
Công cho dày thì quả mới cao.
Dốc lòng nhớ chín chữ cù lao,(8)
Hành đại đạo dương danh hậu thế,
Ấy vậy mới tứ ân bất phế,(9)
Hễ đạo người giữ lấy nghĩa nhân.
Làm sao cho biết thủy biết sơn,
Như Hàm Cốc cùng ông Tương Tử,(10)
Trong danh lợi thì mình phải xử,
Cuộc phù hoa nhắm mắt cũng cheo leo.
Tần Thủy Hoàng tiếng hãy còn nêu,
Thâu lục quốc, phần thư, khanh sĩ,
Núi Thú Dương, Di–Tề danh để,
Thà một lòng tiết nghĩa mà thôi.
Làm chi cho Tần Ngụy cao ngôi,
Thanh sử tạc muôn đời cho tệ,
Ðâu Yên Sơn ngũ chi đan quế,(11)
Bởi vì chàng cải quá tự tân.
Người ở đời lấy đức mà tu nhân,
Ðừng học thói vua Tần,
Mà mang câu bất nghĩa,
Trắc ẩn chi tâm tuần thiên lý,(12)
Nỡ lòng nào giết vật cho đành.
Người thì úy tử,Vật cũng tham sanh,
Gẫm người vật máu xương không khác,
Thấy sống chẳng thà thấy thác,
Lời thánh xưa sách để rạch ròi,
Xin hiền lương xét lại mà coi,
Sao là phải sao là chẳng phải?
Sách có câu “quá nhi năng cải”,(13)
Tử Lộ xưa nghe lỗi thì mừng,
Vũ Vương làm thiên hạ chi quân,
Còn phải văn thiện ngôn tắc bái.(14)
Nói ra thì tai nghe cũng trái,
Bởi vì nhân sự cách thiên cơ,
Việc thị phi tai phải làm ngơ,
Học Nhan Tử dâng cơm hầu nước.
Ðạo muốn gần tỏ tường sau trước,
Cách chỉ mành nào có xa đâu?
Cõi Nam đà mở rộng cửa lầu,
Ðèn trí tuệ hào quang chói lọi.
Thuyền Bát nhã nghênh ngang bốn cõi,
Nước Ma ha rửa sạch ba lòng,
Rượu Quỳnh Hà mời khách Tây Ðông,
Ngựa không bóng rước người Nam Bắc.
Mới sau lưng xảy bày trước mặt,
Nửa miếng mồi nấu khắp non sông,(15)
Muốn cho thấy đặng “chủ nhân ông”,
Non vô ảnh âu tìm mới hãn.(16)
Trong hang thần đừng cho gián đoạn,
Ðộc Mộc kiều có ả Quỳnh Nương,
Hỏi nơi phàm mua rượu Quỳnh tương,
Ðặng một chén uống thì bất lão.
Việc tu hành phải say mùi đạo,
Nếu ơ hờ quả vị khó trông,
Tiếng đàn thì nghe lóng cho thông,
Chân như thể giai không ngũ uẩn.
Thập tam ma khuyên đừng lập lựng,
Gươm huệ mài trừ nó mới yên,
Giảng cho thông tứ cú Kim Cang,
Thì mới thấy “bản lai diện mục”.
Tuy sắc thân hãy còn ở tục,
Lòng cho riêng mới gọi là thần,
Ai còn mang thói tham sân,
E khó khỏi luân hồi lục đạo.
Họa phước vô môn nhân tự tạo,
Muốn hy hiền phải liễu phàm tâm,(17)
Ðạo Như Lai vô thượng thậm thâm,
Biển cho lặng minh châu mới hiện.
Ngọc cửu khúc gắng công giồi luyện,(18)
Tìm thư hùng hái thuốc non Nam,
Thập nhị thời huyền hộ phải tham,(19)
Thiên giao thái pháp luân thường chuyển.(20)
Rồng trên non, hùm kia xuống biển,(21)
Ðầy ba xe chứa nhẫn vàng ròng, (22)
Làm sao rằng thôi phục thiên phong,(23)
Buông sáu hiệp thu vào lại kín.(24)
Thuốc tam phẩm công phu luyện chín,(25)
Muốn đan thành văn võ phải toan,
Dốc một lòng lên núi Linh Sơn,
Ðóng sáu cửa cho bền then khóa.(26)
Cửu cửu ma thí lòng vàng đá, (27)
Ấy mới rằng biết giả biết chơn,
Thầy Huyền Trang thiệp thủy đăng sơn,(28)
Trải tám mốt Lôi Âm mới đến.
Lòng Bồ đề không dời không đổi,
Tình yêu ma còn gió dục phòng,
Bởi vì trong quy giới chưa xong,
Oan duyên nặng, năm đầy khó dứt.(29)
Ðạo muốn cao phải bồi chí đức,
Ðạo đức toàn quỷ phục thần khâm,
Trời đâu mà có phụ đạo tâm,
Nghiệm kim cổ người lành mắc nạn.
Việc tu hành phải soi cho sáng,
Nếu vô minh ắt chẳng đốc hành,(30)
Tu pháp Phật có chí thì thành,(31)
Người bao nỡ thì cần chung đãi.
Nương pháp thuyền mà qua khổ hải,
Sóng muôn trùng còn đoái làm chi,
Bền một lòng niệm chữ A Di,
Sau cũng đặng thảnh thơi muôn kiếp.
Máy quang âm lướt thôi hôn nhiếp,
Người trăm năm chẳng khác chiêm bao,
Cõi bờ này sóng bủa lao xao,
Các danh lợi gẫm như bọt nước.
Ðọc kinh sách chẳng như người đời trước,
Ông Thạch Sùng giàu có muôn xe,
Qua đời này tiếng hãy còn nghe,
Chưa thấy mặt trường sanh thọ hưởng
Hàn Tín là người mưu thần chi tướng
Cũng chưa nên mười mặt cho đáng.
Người ở đời lấy đó mà răn,
Kim như thị, cổ hà như thị,
Xử thế phải biết liêm biết sỉ,
Tu thân thì vô lự, vô tư.
Yên một lòng mao ốc thảo lư, (32)
Ðừng học thói triêu Tần mộ Sở,(33)
Ðường hoàng đạo trời đà rộng mở,
Khách Tây du sớm hãy quay đầu.
Kiếp diên khương sáu vạn dư thu,(34)
Vâng thiên mạng khắp truyền y bát,
Sông ái hà khuyên người kíp thoát,
Khỏi lưới trần Cực lạc cũng xinh..
Chốn Diêm phù nhiều nỗi nhục vinh,
Không lại có, sang hèn dời đổi,
Thú thanh tao, màu thiền quen dõi,
Ðất Bồ đề sớm tối xênh xang.
Chữ danh lợi sao bằng chữ nhàn,
Cửa Bát Nhã vào ra thong thả,
Trống đại hùng đà thu ý mã,
Chuông Linh Sơn hãy tỏa tâm viên.
Ngọc ma ni há dễ khinh truyền,
Kinh bạch tự dám đâu vọng tiết,(35)
Ðịch không lỗ, có duyên mới biết,(36)
Ðàn không dây, vô phước khó nghe.
Rượu đề hồ trữ đãy đầy ve,
Say một tiệc phất tri nhân sự,(37)
Ngâm “chỉ huyền” say cùng đức Lữ,(38)
Ðọc “tỉnh mê” say với ông La.(39)
Vô thùy tháp buồn xem tạo hóa,(40)
Ngó Nam lĩnh vui màu tùng bá,
Nhìn Bắc hà cá lội vẩn vơ,
Chốn đơn phòng bày tỏ huyền cơ,
Mặc dầu kẻ ngộ cùng không ngộ.
Có duyên, trở ba kỳ phổ độ,(41)
Muôn đời còn tử phủ nên danh,(42)
Ba ngàn công quả đặng viên thành,
Ðan thơ chiếu hiển vinh Thiên tước.(43)
Chín phẩm sen vàng soi thấy Phật,
Cửu huyền thất Tổ đặng tiêu diêu.

Thiền Sư Toàn Nhựt


1754-1832

- - - - - - - - - - -


- Bài này được hiệu in Hiển Nam Ðường cho khắc in vào tháng 9 năm 1919 (Khải Ðịnh thứ tư), do ông Ðặng Quang Diệu đứng ra thực hiện.
1) Ba thời kỳ. 12 hội là nói đến 12 chi (Hội Tý sinh ra Trời; Hội Sửu sinh ra Ðất; Hội Dần sinh ra Người...).
2) Nhân, Trí, Dũng đạt.
3) Sợ trời, sợ đại nhân, sợ thánh nhân.
4) Là 9 suy nghĩ: Nghĩ nhìn rõ, nghe nghĩ thông, sắc mặt nhu hòa, dáng vẻ cung kính, lời nói trung tín, phụng sự tôn kính, nghi ngờ phải đả thông, oan ức phải tự xem xét, luôn nghĩ đến việc nghĩa
5) Ðược khẳng định.
6) Tam Quy, Ngũ Giới.
7) Năm hồ: Phiên Dương, Thạch Thảo, Ðoan Dương, Thái Hồ và Ðộng Ðình.
8) Sanh, nuôi, bồng bế, bú mớm, chăm sóc, lo lắng, trông mong, nhớ thương, dạy dỗ.
9) Không bỏ.
10) Chỉ Lão Tử sau khi từ quan nhà Châu cỡi trâu đi qua cửa Hàm Cốc, Hàn Tương Tử tu tiên.
11) 5 cành quế của Ðâu Yên Sơn (lớn tuổi nhưng không con, đi chùa Diên Thọ lượm được 30 lượng vàng, 100 lượng bạc. Sáng hôm sau đem đến chùa trả lại cho người bị mất. Sau sanh được năm người con danh tiếng).
12) Lòng trắc ẩn là thuận theo lẽ trời.
13) Có lỗi thì sửa lỗi.
14) Vua Vũ Vương nhà Hạ khi nghe điều lành liền lạy.
15) Ý nói là trầm hương.
16) Ứng Khâu trả lời câu hỏi của Ðường Ðại Tôn về “cái thấy của quốc sư Huệ Trung”: Nam Sông Tương, Bắc Sông Ðàm, trong có vàng ròng đầy một nước. Dưới sông vô ảnh hội cùng thuyền, trên điện lưu ly không hay biết?
17) Hy vọng thành Thánh Hiền.
18) Ngọc quý ở tỉnh Hà Nam.
19) 12 giờ ngày đêm – Tam huyền của phái Thiền Lâm Tế.
20) Bánh xe pháp luân thường chuyển đâu thì nơi đó trời đất thái hòa.
21) Pháp môn hành thiền: Thanh Long – Bạch Hổ.
22) Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát (xe dê, xe hươu, xe trâu).
23) Quẻ dịch Lôi Phục – Thiên Long.
24) Sáu hiệp: Gồm Ðông, Tây, Nam, Bắc và Trên, Dưới.
25) Tam phẩm là thượng, trung, hạ.
26) Bế sáu căn (phép tu thiền).
27) 81 thứ ma cột chặt con người do 10 Kiết Sử tạo ra.
28) Vượt sông leo núi.
29) Năm phiền não: Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi.
30) Dạy làm, bảo làm.
31) Nguyên bản là: Ðạo Phật Tiên có chí...
32) Lều cỏ – nhà tranh.
33) Sáng ở đất Tần, chiều về nước Sở.
34) Kiếp diên khương: kiếp sống dài lâu và sung sướng.
35) Kinh bạch tự là tâm truyền của Thiền – vọng tiết là tiết lộ sai.
36) Ống địch, cùng dạng như ống tiêu thổi đứng, không có lỗ.
37) Phất tri nhân sự: không biết việc đời người nữa.
38) 19 bài thơ “chi huyền” của Lữ Ðồng Tân.
39) Ông La Hồng có bài thơ “Tỉnh mê” rất hay, đúng với sự đời.
40) Vô thùy pháp: được hiểu theo nghĩa là một hòn đá tròn, không có tầng cấp. Câu này ra đời nhân Quốc sư Tuệ Trung sắp tịch, Ðường Ðại Tôn hỏi phải xây tháp cho Ngài như thế nào? Tuệ Trung mới bảo: Tháp không tầng cấp.
41) Hội Long Hoa của Di Lặc Phật.
42) Tử Phủ là Phủ Tía (Phủ Ðỏ), là cung điện của Lão Giáo.
43) Ðan thơ là sách trời (sách đỏ), Thiên tước là tước lộc của trời ban.

---o0o---


275. KINH TINH YẾU BÁT NHÃ BA LA MẬT ÐA (V)

Bồ Tát Quán Tự Tại,


Khi quán chiếu thâm sâu,
Bát Nhã Ba La Mật,
Tức diệu pháp trí độ.
Ngài soi thấy năm uẩn,
Ðều không có tự tánh,
Thực chứng điều ấy xong,
Ngài vượt thoát tất cả,
Mọi khổ đau ách nạn.
- Nghe đây Xá Lợi Tử:
Sắc chẳng khác gì không,
Không chẳng khác gì sắc,
Sắc chính thực là không,
Không chính thực là sắc.
Còn lại bốn uẩn kia,
Cũng đều như vậy cả.
- Xá Lợi Tử nghe đây:
Thể mọi pháp đều không,
Không sanh cũng không diệt,
Không nhơ cũng không sạch,
Không thêm cũng không bớt.
Cho nên trong tánh không,
Không có sắc, thọ, tưởng,
Cũng không có hành, thức.
Không có nhãn, nhỉ, tỷ,
Thiệt, thân, ý – sáu căn.
Không có sắc, thanh, hương,
Vị, xúc, pháp – sáu trần,
Không có mười tám giới,
Từ nhãn đến ý thức,
Không hề có vô minh.
Không có hết vô minh,
Cho đến không lão, tử,
Không khổ, tập, diệt, đạo,
Không trí cũng không đắc.
Vì không có sở đắc,
Nên khi vị Bồ Tát,
Nương diệu pháp Trí Ðộ,
Bát Nhã Ba La Mật,
Thì tâm không chướng ngại.
Nên không có sợ hãi,
Xa lìa mọi mộng tưởng,
Xa lìa mọi điên đảo,
Ðại Niết Bàn tuyệt đối.

- Chư Phật trong ba đời,


Y diệu pháp Trí Ðộ,
Bát Nhã Ba La Mật,
Nên đắc vô thượng giác.
Vậy nên phải biết rằng,
Bát Nhã Ba La Mật,
Là linh chú đại thần,
Là linh chú đại minh,
Là linh chú vô thượng,
Là linh chú tuyệt đỉnh,
Là chân lý bất vọng,
Có năng lực tiêu trừ,
Tất cả mọi khổ nạn.
Cho nên tôi muốn thuyết,
Câu thần chú Trí Ðộ,
Bát Nhã Ba La Mật.
- Nói xong đức Bồ Tát,
Liền đọc thần chú rằng:
Yết đế, yết đế
Ba la yết đế
Ba la tăng yết đế
Bồ đề tát bà ha (3 lần).
- Trích trong “Nghi thức tụng niệm đại toàn” của đạo tràng Mai Thôn xuất bản – Bản in Pháp quốc, 1997.
- Có sửa đổi vài từ cho phù hợp với việc phổ biến tụng niệm phổ thông ở Việt Nam (Người soạn).
--- o0o ---

Hết
Каталог: downloads -> kinh-tung-sam-van -> sam-van
downloads -> CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
downloads -> CHÍnh phủ  CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
downloads -> NĐ-cp cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập – Tự do – Hạnh phúc
downloads -> Ủy ban nhân dân tỉnh bà RỊa vũng tàU
downloads -> Ủy ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam thành phố CẦn thơ Độc lập Tự do Hạnh phúc
downloads -> BỘ y tế Số: 19/2011/tt – byt cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
downloads -> THỦ TƯỚng chính phủ CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
downloads -> THÔng tư Ban hành Quy chế công nhận trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học đạt chuẩn quốc gia

tải về 4.51 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   93   94   95   96   97   98   99   100   101




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương