Tuyên bố chung về Quan hệ Đối tác Hợp tác Toàn diện giữa Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á và Cộng hoà Hàn Quốc chúng tôI



tải về 57.98 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích57.98 Kb.
#29235
Tuyên bố chung về Quan hệ Đối tác Hợp tác Toàn diện giữa Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á và Cộng hoà Hàn Quốc

CHÚNG TÔI, những Người đứng đầu Nhà nước/Chính phủ của các Nước Thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Cộng hoà Hàn Quốc (ROK) nhóm họp ngày 30 tháng 11 năm 2004 tại Viên Chăn, CHDCND Lào, để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-Hàn Quốc;
GHI NHẬN với sự hài lòng rằng các nước chúng ta đã tăng cường mối quan hệ chặt chẽ và có lợi từ khi thiết lập quan hệ đối thoại vào năm 1989, đóng góp vào hoà bình, thịnh vượng và phát triển trong khu vực;
ĐƯỢC KHÍCH LỆ bởi những tiến bộ quan trọng trong 15 năm hợp tác vừa qua trong các lĩnh vực chính trị và an ninh, thương mại và đầu tư, kinh tế, thông tin và công nghệ viễn thông (ICT), xã hội và văn hoá, và phát triển nguồn nhân lực (HRD), với sự hỗ trợ của Quỹ Hợp tác Đặc biệt ASEAN-Hàn Quốc (SCF) và Quỹ Dự án Hợp tác Hướng tới Tương lại ASEAN-Hàn Quốc (FOCP);
GHI NHẬN rằng những thách thức nhiều mặt của tiến trình toàn cầu hoá và hội nhập khu vực cũng như những vấn đề truyền thống và phi truyền thống tác động tới an ninh nhân loại, đòi hỏi phải có những phản ứng thống nhất và được điều phối chặt chẽ ở cấp độ khu vực;
KHẲNG ĐỊNH LẠI sự ủng hộ hoàn toàn của ASEAN đối với chính sách của Hàn Quốc tiến tới xây dựng một cơ chế ổn định cho hoà bình trên Bán đảo Triều Tiên và sự ủng hộ hoàn toàn của Hàn Quốc đối với Tuyên bố về Sự hoà hợp ASEAN II (Tuyên bố Hoà hợp Bali II) được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 9 vào tháng 10 năm 2003 tại Bali, Indonesia, hướng tới việc thành lập Cộng đồng ASEAN, bao gồm Cộng đồng An ninh ASEAN (ASC), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Cộng đồng Văn hoá-Xã hội ASEAN (ASCC);
CHIA SẺ niềm tin rằng khi ASEAN và Hàn Quốc có được mối quan hệ đối tác chặt chẽ và đã phát triển các mối liên kết thương mại và đầu tư gần gũi thông qua nhiều năm hợp tác và đối thoại hiệu quả, vẫn tồn tại nhiều lĩnh vực mà hai bên có thể tối đa hoá các tiềm năng của mối quan hệ này;
TIN TƯỞNG rằng một Khu vực Mậu dịch Tự do (FTA) giữa các bên sẽ thúc đẩy hơn nữa tăng trưởng và phát triển, nâng cao mức sống của người dân toàn khu vực và sẽ tạo thêm động lực mang lại lợi ích cho khu vực về lâu dài;

GHI NHẬN tiềm năng hợp tác trên những lĩnh vực mới và đang phát triển cùng quan tâm như du lịch, giáo dục, khoa học và công nghệ, những vấn đề an ninh phi truyền thống, nông nghiệp và lâm nghiệp, năng lượng, môi trường và những vấn đề khu vực và quốc tế;



GHI NHẬN những đóng góp của Hàn Quốc vào sự phát triển của ASEAN phù hợp với Tuyên bố Tầm nhìn ASEAN 2020 và Chương trình Hành động Hà Nội, và sự ủng hộ của Hàn Quốc đối với Sáng kiến vì Hội nhập ASEAN (IAI) nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các Nước Thành viên ASEAN
NHẮC LẠI Tuyên bố chung về Hợp tác ASEAN-Hàn Quốc tiến tới Thế kỷ 21 được thông qua ngày 16 tháng 12 năm 1997 tại Kuala Lumpur, Malaysia, đặt nền tảng vững chắc cho việc tăng cường quan hệ đối tác ASEAN – Hàn Quốc, và tạo động lực thúc đẩy mối quan hệ này trong thiên niên kỷ mới;
QUYẾT TÂM, nhân dịp kỷ niệm 15 năm quan hệ đối thoại, phát triển khuôn khổ chiến lược vì một mối quan hệ đối tác toàn diện, tập trung vào hành động và hướng tới tương lai hơn thông qua các cơ chế hiện nay trong các tiến trình hợp tác ASEAN-Hàn Quốc và ASEAN Cộng Ba;
ĐỒNG THỜI QUYẾT TÂM đảm bảo rằng các chiến lược kinh tế và phát triển hỗ trợ các kế hoạch hội nhập tổng thể của ASEAN, bao gồm tăng cường hợp tác Đông Á, bổ sung cho các tiến trình khu vực;
NAY thống nhất các chiến lược hành động chung sau đây vì Quan hệ Đối tác Hợp tác Toàn diện:


  1. Tăng cường Hợp tác Chính trị và An ninh




  • Tăng cường hợp tác dựa trên các nguyên tắc định hướng cho quan hệ của chúng ta, bao gồm tuân thủ các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và các luật pháp quốc tế liên quan, tôn trọng chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập, vì mục tiêu phát triển quốc gia và hợp tác trên cơ sở tin cậy lẫn nhau, bình đẳng và cùng có lợi.




  • Tăng cường hợp tác chính trị và an ninh thông qua quan hệ cấp cao và trao đổi cán bộ ở cấp quan chức và thúc đẩy đối thoại sử dụng các cơ chế hiện có.




  • Thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn ở cấp độ khu vực và đa biên thông qua các diễn đàn, trong đó có Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) và tiến trình ASEAN Cộng Ba, nhằm tăng cường an ninh khu vực, hợp tác lẫn nhau và các biện pháp xây dựng niềm tin.




  • Củng cố hợp tác giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt và các phương tiện phổ biến chúng cũng như nguyên liệu liên quan.




  • Tăng cường hợp tác trong đấu tranh chống tội phạm liên quốc gia như khủng bố, buôn bán ma tuý và buôn người thông qua các cơ chế hiện có.




  • ASEAN ủng hộ các nỗ lực của Hàn Quốc và các bên liên quan nhằm duy trì hoà bình và an ninh trên Bán đảo Triều Tiên và khu vực, và hy vọng các Cuộc đàm phán 6 Bên sớm được tái họp nhằm đạt được mục tiêu phi hạt nhân hoá Bán đảo Triều Tiên bằng biện pháp hoà bình thông qua đối thoại.




  • Hàn Quốc, ủng hộ các mục tiêu, nguyên tắc và tinh thần Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á, đã tham gia Hiệp ước nhằm tăng cường sự tin cậy và quan hệ thân thiện hiện nay giữa ASEAN và Hàn Quốc, qua đó đóng góp vào hoà bình và ổn định khu vực.




  1. Tăng cường Quan hệ Kinh tế Mật thiết hơn




  • Với sự phát triển liên tục của môi trường thương mại đa biên và các thách thức toàn cầu ngày càng tăng, hai bên cần tăng cường quan hệ đối tác kinh tế toàn diện nhằm tạo động lực cho các mối quan hệ đối thoại và đối tác thương mại chặt chẽ hơn. Không chỉ mang lại các lợi ích kinh tế thiết thực cho người dân ASEAN và Hàn Quốc, quan hệ đối tác này còn tạo ra cơ chế quan trọng để tiếp tục hợp tác và hiểu biết lẫn nhau.




  • Các Nhà Lãnh đạo các Nước Thành viên ASEAN và Hàn Quốc hoan nghênh các khuyến nghị trong Nghiên cứu chung của Nhóm Chuyên gia ASEAN-Hàn Quốc về Quan hệ Kinh tế Toàn diện Chặt chẽ hơn giữa ASEAN và Hàn Quốc, trong đó bao gồm các biện pháp tăng cương quan hệ kinh tế, phát triển thương mại và đầu tư hai chiều và tăng cường hợp tác kinh tế, đặc biệt là xây dựng năng lực trong nhiều lĩnh vực như du lịch, nông nghiệp, thuỷ sản và lâm sản, năng lượng, công nghệ thông tin, và khoa học và công nghệ.




  • Việc thiết lập AKFTA sẽ là bước phát triển tự nhiên của quan hệ hiện nay giữa ASEAN và Hàn Quốc, đồng thời đó cũng là bước đệm để nâng quan hệ ASEAN-Hàn Quốc lên một tầm cao mới và toàn diện hơn. Tự do hoá và hội nhập hơn nữa các thị trường thông qua việc loại bỏ thuế quan và các rào cản phi thuế quan sẽ tạo ra môi trường thân thiện hơn cho kinh doanh, đem lại lợi ích chung.




  • AKFTA sẽ toàn diện về phạm vi, bao trùm thương mại hàng hoá, dịch vụ và đầu tư. Mục tiêu của AKFTA là tiến tới hội nhập kinh tế sâu sắc hơn giữa hai khu vực thông qua việc từng bước loại bỏ tất cả các hình thức rào cản đối với thương mại hàng hoá, dịch vụ và đầu tư; và thông qua các biện xúc tiến thương mại và đầu tư. AKFTA sẽ bao gồm các quy định linh hoạt, bao gồm các đối xử đặc biệt và khác biệt, như hỗ trợ kỹ thuật và các chương trình xây dựng năng lực, đặc biệt cho các Thành viên mới của ASEAN để phù hợp với trình độ phát triển khác nhau giữa các Nước Thành viên và giúp họ tham gia đầy đủ và thu được đầy đủ lợi ích từ AKFTA.




  • Các cuộc đàm phán về AKFTA sẽ bắt đầu từ đầu năm 2005 và hoàn thành trong vòng 2 năm. AKFTA sẽ được thực hiện sớm, với mục tiêu đạt mức độ tự do hoá cao nhất có thể, theo đó ít nhất 80% sản phẩm sẽ có thuế suất 0% vào năm 2009, có cân nhắc ưu đãi đặc biệt và khác biệt và bổ sung linh hoạt cho các Nước Thành viên mới của ASEAN. AKFTA sẽ có thời hạn khác nhau một mặt cho Hàn Quốc và ASEAN-6, và mặt khác cho Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (các nước CLMV).




  • Các cuộc đàm phán về ASEAN-Hàn Quốc FTA sẽ dựa trên cơ sở khung thời gian và các yếu tố cơ bản của Nghiên cứu chung của Nhóm chuyên gia ASEAN-Hàn Quốc đã được các Bộ trưởng Kinh tế thông qua và gắn kèm theo Tuyên bố này như một Phụ lục.




  1. Thu hẹp Khoảng cách Phát triển trong ASEAN và giữa ASEAN và Hàn Quốc




  • Tăng cường hợp tác và hỗ trợ thực hiện các mục tiêu hội nhập ASEAN bằng việc thực hiện các dự án theo Tuyên bố Bali II, IAI và Chương trình Hành động Viêng Chăn (VAP), bao gồm cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực cho các nước chậm phát triển (LDC) trong ASEAN dựa vào các kinh nghiệm và kiến thức về phát triển của Hàn Quốc.




  • Tăng cường nỗ lực hội nhập của ASEAN trong việc thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN và giữa ASEAN và Hàn Quốc bằng cách thúc đẩy phát triển khu vực và tiểu khu vực, bao gồm thông qua các dự án Tiểu vùng Mekong, Chiến lược Hợp tác Kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS), Khu vực Tăng trưởng Đông ASEAN Brunei Darussalam – Indonesia-Malaysia-Đông Phillipines (BIMP-EAGA), Chương trình Tiểu vùng Mekong Mở rộng (GMS), Đường sắt nối Singapore-Côn Minh (SKRL), cũng như chia sẻ kinh nghiệm với Uỷ ban Sông Mekong (MRC) trong việc soạn thảo và thực hiện các chương trình ưu tiên trong vùng Lưu vực Sông Mekong.




  • Thực hiện và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng và tài nguyên, tài chính, giao thông, lao động, khoa học và công nghệ, ICT, thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số và phát triển nguồn nhân lực.




  • Thu hẹp khác biệt và diện đói nghèo bằng cách tạo ra môi trường thuận lợi cho thương mại nội khối và phát triển nguồn nhân lực, tăng cường xây dựng năng lực thể chế.




  • Phát triển các nền kinh tế cơ sở ASEAN bằng cách xúc tiến thương mại và các hoạt động bán lẻ, cải thiện kiến thức cơ sở, và phát triển, tăng cường các Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa (SMEs) nhằm nâng cao khả năng tự cung cấp và tính năng động của các nền kinh tế .




  1. Tăng cường Năng lực Cạnh tranh và Phát triển Nền kinh tế/Xã hội Tri thức, và Hợp tác trong các lĩnh vực Giáo dục và Khoa học, Công nghệ.




  • Trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm về năng lực cạnh tranh và phát triển, như thông qua việc thành lập diễn đàn năng lực cạnh tranh ASEAN-Hàn Quốc.




  • Xây dựng Nền kinh tế Tri thức (KBE) bằng cách tăng cường nguồn vốn nhân lực và thông tin và công nghệ thông qua chia sẻ kiến thức bằng cách kết nối các cơ sở đào tạo và xúc tiến các cơ chế hợp tác vì một xã hội thông tin. Hàn Quốc sẽ hỗ trợ ASEAN đảm bảo cơ sở hạ tầng vật chất và tri thức để kiểm soát thông tin, kiến thức và công nghệ nhằm nâng cao phúc lợi, giáo dục và năng lực cạnh tranh của các cộng đồng địa phương.




  • Tăng cường hợp tác tài chính, phát triển thị trường vốn khu vực, đầu tư hai chiều, SMEs, an ninh năng lượng, hợp tác trong nghiên cứu và phát triển, và HDR trong nâng cao năng lực cạnh tranh ASEAN.




  • Thiết lập một khuôn khổ hợp tác du lịch, như xúc tiến, tiếp thị, đầu tư chung và phát triển nhân lực.




  • Thúc đẩy hợp tác văn hoá-xã hội bằng cách khởi động xúc tiến các doanh nghiệp văn hoá vừa và nhỏ (SMCE) và tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác tương lai như phát triển các sản phẩm có tính cạnh tranh cho các cộng đồng địa phương ASEAN và Bản đồ Văn hoá.




  1. Tăng cường Hiểu biết Lẫn nhau




  • Thúc đẩy hợp tác giáo dục và văn hoá thông qua các chương trình và hoạt động như học bổng, nghiên cứu khoa học, thi diễn thuyết bằng ngôn ngữ ASEAN và Hàn Quốc và trao đổi các chương trình biểu diễn văn hoá.




  • Thúc đẩy giao lưu nhân dân giữa các giới học giả, thanh niên, nghệ sỹ, ngoại giao và chuyên gia văn hoá nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau và tình hữu nghị.




  • Mở rộng trao đổi thông tin đại chúng thông qua truyền hình, phim ảnh và sản phẩm in, xúc tiến các hoạt động thể thao ASEAN và Hàn Quốc thông qua giao lưu giữa các cơ sở văn hoá và thể thao.




  1. Xúc tiến Hợp tác Đối phó với Các Thách thức Toàn cầu Đang nổi lên




  • Tiếp tục các hoạt động hợp tác về an ninh lương thực, an toàn lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững tập trung và HDR và xây dựng năng lực về các biện pháp vệ sinh dịch tễ và tiêu chuẩn nông nghiệp.




  • Hợp tác về các vấn đề môi trường khu vực và quốc tế như quản lý môi trường, thay đổi khí hậu, đa dạng sinh học và chất thải hoá chất, độc hại phù hợp với các cam kết trong các thoả thuận môi trường đa phương.




  • Huy động các quan hệ đối tác cộng đồng toàn cầu nhằm tăng cường hệ thống giám sát với các bệnh truyền nhiễm cộng đồng, phát triển các chương trình phòng chống và kiểm soát các loại bệnh này và tăng cường năng lực của các cơ quan y tế trong nước giúp hỗ trợ các nỗ lực chăm sóc sức khoẻ quốc gia và khu vực.




  1. Hợp tác trong các Diễn đàn Khu vực và Quốc tế




  • Hợp tác trong các diễn đàn quốc tế, như Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Tổ chức Bretton Woods nhằm xúc tiến và duy trì hoà bình, ổn định và phát triển khu vực và quốc tế, và đảm bảo lợi ích lớn hơn từ tiến trình toàn cầu hoá.




  • Hợp tác chặt chẽ nhằm tăng cường lợi ích chung trong các chương trình hợp tác nội vùng và liên vùng do ASEAN khởi xướng như ARF, tiến trình ASEAN Cộng Ba và các diễn đàn khác như Đối tác Hợp tác Châu Á (ACD), Hợp tác Á-Âu (ASEM), và Diễn đàn Hợp tác Đông Á và Mỹ Latinh (FEALAC).




  1. Tăng cường Hợp tác Đông Á




  • Tiến tới tăng cường hợp tác Đông Á thông qua việc thực hiện tích cực các biện pháp do Nhóm nghiên cứu Đông Á (EASG) đề xuất và đã được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN Cộng Ba tại Phnom Pênh, Campuchia năm 2002.




  • Tăng cường hợp tác chuyên ngành trong các lĩnh vực đã thống nhất trong khuôn khổ ASEAN Cộng Ba để thúc đẩy hợp tác.




  • Hợp tác chặt chẽ tăng cường các lợi ích chung trong việc xem xét các triển vọng và thách thức đối với cộng đồng Đông Á, thông qua các diễn đàn như Diễn đàn Đông Á, Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN Cộng Ba, và các hội nghị liên quan khác, bao gồm Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á như được đề xuất.


Thực hiện và Tài trợ các Thoả thuận
Nhằm đạt được các mục tiêu của Tuyên bố này, chúng tôi nhất trí như sau:


  • Một Chương trình Hành động cụ thể sẽ được các Bộ trưởng xây dựng để xem xét và thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-Hàn Quốc năm 2005 tại Malaysia.




  • Các cơ chế tài trợ hiện nay sẽ được sắp xếp lại và tăng cường, bao gồm SCF và Quỹ FOCP, để thực hiện hiệu quả các hoạt động theo Tuyên bố này.




  • Các nguồn lực tiên quyết sẽ được ASEAN và Hàn Quốc dành ra để thực hiện các biện pháp phù hợp với năng lực tương ứng của họ, bao gồm chiến lược huy động nguồn lực với sự thoả thuận của các bên.




  • Những tiến bộ đạt được trong việc thực hiện các mục tiêu của Tuyên bố này sẽ được các Bộ trưởng và các cơ chế khác rà soát trong khuôn khổ đối thoại.


tại Viêng Chăn, CHDCND Lào, ngày 30 tháng 11 năm 2004, với hai bản gốc bằng ngôn ngữ Tiếng Anh.


Thay mặt Brunei Darussalam

HAJI HASSANAL BOLKIAH

Quốc Vương Brunei Darussalam



Thay mặt Vương Quốc Campuchia

SAMDECH HUN SEN

Thủ tướng



Thay mặt Cộng hoà Indonesia

Tiến sỹ SUSILO BAMBANG YUDHOYONO

Tổng thống



Thay mặt Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào

BOUNNHANG VORACHITH

Thủ tướng



Thay mặt Malaysia

DATO’ SERI ABDULLAH AHMAD BADAWI

Thủ tướng



Thay mặt Liên bang Myanmar

Thống tướng SOE WIN

Thủ tướng



Thay mặt Cộng hoà Philippines

GLORIA MACAPAGAL-ARROYO

Tổng thống



Thay mặt Cộng hoà Singapore

LEE HSIEN LOONG

Thủ tướng



Thay mặt Vương Quốc Thailand

Tiến sỹ THAKSIN SHINAWATRA

Thủ tướng



Thay mặt Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam

PHAN VĂN KHẢI

Thủ tướng




Thay mặt Cộng hoà Hàn Quốc

ROH MOO-HYUN

Tổng thống




Các Yếu tố Cơ bản của Hiệp định Khung về Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN-Hàn Quốc

Phạm vi:


  1. Tự do hoá và thuận lợi hoá toàn diện quan hệ kinh tế giữa ASEAN và Hàn Quốc, trong đó, ngoài các lĩnh vực khác, gồm thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ và đầu tư;




  1. Xác định và loại bỏ NTBs, đưa ra các nguyên tắc đảm bảo NTMs không hạn chế thương mại;




  1. Hợp tác kinh tế toàn diện, bao gồm, không giới hạn ở các lĩnh vực: SMEs, thủ tục hải quan, du lịch, xúc tiến thương mại và đầu tư, xây dựng năng lực,...




  1. Cơ chế tham vấn và giải quyết tranh chấp về các vấn đề phát sinh trong quá trình diễn giải và áp dụng các biện pháp thực hiện hiệp định, và




  1. Phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt cho các nước CLMV


Mức độ Tự do hoá:
(i) Tự do hoá về cơ bản trong tất cả các lĩnh vực, với điều khoản linh hoạt khi có thể, và
(ii) Xem xét tính nhạy cảm trong những lĩnh vực cụ thể và mức độ phát triển kinh tế khác nhau của từng nước tham gia.

Mô hình đàm phán





  1. Đàm phán giữa ASEAN và Hàn Quốc một cách tổng thể; có tính đến tính nhạy cảm trong những lĩnh vực cụ thể và các giai đoạn phát triển kinh tế khác nhau của từng nước tham gia, cụ thể, quy định về đối xử đặc biệt và khác biệt cho các nước ASEAN và linh hoạt bổ sung cho các nước CLMV trong việc thực hiện các biện pháp nêu trong Hiệp định khung, và

  2. Thứ tự đàm phán các vấn đề: đàm phán toàn diện với tất cả 3 trụ cột: thương mại hàng hoá, dịch vụ và đầu tư, cũng như các hoạt động hợp tác kinh tế.


Các vấn đề khác:


  1. Hoàn thành Hiệp định khung nhằm tạo thuận lợi cho các cuộc đàm phán và đưa ra các cam kết cụ thể của 11 nước tham gia; và




  1. Nỗ lực thực hiện sớm FTA, có tính đến, cùng với các biện pháp khác:




    1. Dành đãi ngộ MFN, phù hợp với các quy định và nguyên tắc WTO, cho các nước ASEAN chưa phải thành viên WTO;




    1. Tầm quan trọng của hợp tác kinh tế; và




    1. Khả năng thực hiện Kết quả Sớm trước khi thiết lập khu vực mậu dịch tự do, thông qua việc thực hiện ngay các biện pháp cùng thống nhất trong Hiệp định khung, xoá bỏ ngay thuế quan cho các sản phẩm không nhạy cảm cho bất cứ bên nào, và các dự án hợp tác kinh tế đem lại lợi ích chung.

Các cuộc đàm phán về AKFTA sẽ bắt đầu từ đầu năm 2005 và hoàn thành trong vòng 2 năm. AKFTA sẽ được thực hiện sớm, với mục tiêu đạt mức độ tự do hoá cao nhất có thể, theo đó ít nhất 80% sản phẩm sẽ có thuế suất 0% vào năm 2009, có cân nhắc ưu đãi đặc biệt và khác biệt và bổ sung linh hoạt cho các Nước Thành viên mới của ASEAN. AKFTA sẽ có thời hạn khác nhau một mặt cho Hàn Quốc và ASEAN-6, và mặt khác cho Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (các nước CLMV).



(Phụ lục của Tuyên bố chung về Quan hệ Đối tác Hợp tác Toàn diện giữa Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á và Cộng hoà Hàn Quốc, Viêng Chăn, ngày 30 tháng 11 năm 2004)







tải về 57.98 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương