Truyện song tinh



tải về 101.16 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích101.16 Kb.
#13508
MẤY VẤN ĐỀ VỀ VIỆC BIÊN SOẠN TỪ ĐIỂN “TRUYỆN SONG TINH”

CỦA DANH NHÂN NGUYỄN HỮU HÀO HAY TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT ĐÀNG TRONG THẾ KỈ XVII-XVIII



TS. TRẦN TRỌNG DƯƠNG

Viện nghiên cứu Hán Nôm

Trước tiên có thể khẳng định rằng, tiếng Việt Đàng Trong qua các tác phẩm Nôm là một bộ phận quan trọng của tiếng Việt trung đại từ thế kỉ XVII đến thế kỉ XVIII. Đây là một bộ phận quan yếu tạo nên lịch sử và bản sắc của tiếng Việt. Tiếc rằng, từ trước đến nay, các công trình nghiên cứu về lịch sử, ngôn ngữ, văn hóa về miền đất này hầu như chỉ chú ý ở phương diện ngôn ngữ hiện đại. Khảo sát của các nhà ngữ học chủ yếu thực hiện trên một số phương ngữ1 và ngôn ngữ bảo thủ còn lưu lại những dấu vết ngữ âm cổ, hòng đi đến một cách nhìn về lịch sử tiếng Việt. Nhưng cần phải nhận định ở đây một điểm rằng, sự xuất hiện của văn học Nôm nói riêng và tiếng Việt nói chung ở khu vực Đàng Trong là một cứ liệu quan trọng, là một khía cạnh văn hóa then chốt xác định quá trình mở rộng ngôn ngữ - văn hóa - dân tộc của người Việt theo chiều dài lịch sử. Chính vì vậy, việc nghiên cứu về tiếng Việt ở giai đoạn này sẽ góp rất nhiều cứ liệu và ý nghĩa khoa học cả về mặt lý luận cũng như thực tiễn cho nhiều ngành khoa học khác nhau.

Trong số những tác phẩm văn học Nôm Đàng Trong còn lại đến nay, ắt hẳn “Truyện Song Tinh” (hay còn gọi “Song Tinh Bất Dạ”) của danh nhân Nguyễn Hữu Hào (?-1713)2, có thể nói là tác phẩm dài hơi quan trọng nhất, phản ánh tình hình ngôn ngữ, văn chương của cha ông ta vào thời kì cách nay quãng ba thế kỉ. Tác phẩm ấy, về mặt thời điểm chỉ có sau Từ điển Việt Bồ La của các giáo sĩ truyền đạo phương Tây một chút, và có trước Truyện Kiều quãng 100 năm. Đúng như Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã từng viết trong lời tựa của bản phiên âm “Truyện Song Tinh” như sau: “Văn Nôm cổ rất hiếm… Nếu còn tồn tại mà lại biết gốc tích, thời đại và tác giả, thì lại càng hiếm. Truyện Kiều thuộc loại này, được ta coi là của quý bậc nhất trong kho văn phẩm. Thế mà trước truyện ấy chừng một trăm năm, ta còn biết một truyện khác có đủ các tính cách trên;… Ấy là Truyện Song Tinh”3.

Hơn thế nữa, “Truyện Song Tinh” có thể coi là tác phẩm văn học Nôm thuộc về mảnh đất Quảng Bình, bởi lẽ đây là tác phẩm được Nguyễn Hữu Hào sáng tác trong thời gian ông trị nhậm tại xứ này. Sách Đại Nam thực lục chính biên ghi: “Năm Giáp Thân (1704), ông được sai ra giữ trấn thủ Quảng Bình. Sau khi tới trấn, ông thương nuôi sĩ tốt, vỗ về bách tính, thân ái với cán sự và nhân dân. Gặp khi biên cảnh (đối với Đàng Ngoài) vô sự, ông đem ý vui với văn chương; từng soạn truyện Song Tinh Bất Dạ bằng quốc âm, được người đời truyền tụng”. Nguyễn Hữu Hào ở trấn trong vòng 9 năm, đến khi ông mất (thọ quãng 80 tuổi4). Và với sử liệu vừa nêu, thì “Truyện Song Tinh” hẳn được sáng tác trong giai đoạn từ năm 1704 đến năm 1713 - đây là một tác phẩm cuối đời, và ắt hẳn đến nay ta cũng biết đây là tác phẩm để đời của ông. Chính nhờ tác phẩm này, mà người đời sau mới biết đến ông với tư cách là một văn nhân. Tên ông và tác phẩm Song Tinh cũng đã được đưa vào bộ Từ điển Văn học5 như là một minh chứng cho sự đóng góp đối với ngôn ngữ, văn chương Nôm Đàng Trong nói riêng và Văn học Việt Nam nói chung.

Tuy nhiên, từ trước đến nay, việc nghiên cứu “Truyện Song Tinh” hầu như chỉ dừng lại ở khâu phiên âm chú giải và công bố văn bản. Đến nay, đã có 3 bản phiên âm của Đông Hồ6, Hoàng Xuân Hãn và Nguyễn Thị Thanh Xuân7 và dăm ba bài nghiên cứu giới thiệu văn bản như các bài của Đông Hồ Lâm Tấn Phát, Mộng Tuyết8, Nguyễn Thị Thanh Xuân. Vấn đề nghiên cứu ngôn ngữ của tác phẩm này hầu như chưa từng được để ý đến. Vì thế, việc biên soạn cuốn từ điển tác phẩm “Truyện Song Tinh” là vấn đề có ý nghĩa quan trọng trước nhất cho quá trình nghiên cứu ngôn ngữ Nguyễn Hữu Hào cũng như tiếng Việt Đàng Trong thế kỉ XVII-XVIII, giống như “Từ điển Truyện Kiều” của Giáo sư Đào Duy Anh về tiếng Việt cuối thế kỉ XVIII, đầu thế kỉ XIX, và cũng không khác gì so với “Từ điển Shakespeare”9 của các học giả người Anh về tiếng Anh cổ thế kỉ XVI, không khác so với “Từ điển Puskin”10 của các nhà từ điển Xô Viết về tiếng Nga cổ thế kỉ XIX, “Thi Kinh từ điển” của Hướng Hy về ngôn ngữ tiếng Hán cổ đại11

Để biên soạn được cuốn từ điển này, chúng tôi thấy cần phải vạch ra được lộ trình làm việc và một số vấn đề cụ thể cần phải thảo luận như sau.

Thứ nhất, về mặt văn bản học. Hiện chúng ta không còn lưu trữ được văn bản nguyên gốc (thủ bản) của Nguyễn Hữu Hào. Các bản hiện còn chủ yếu là bản chép lại vào đầu thế kỉ XX. Sự khuyết thiếu văn bản như vậy là một khó khăn rất lớn cho quá trình nghiên cứu văn tự học chữ Nôm cũng như nghiên cứu ngôn ngữ của tác phẩm này. Song dẫu sao, dù ít nhiều, các văn bản Nôm này vẫn có thể coi là tư liệu cổ hơn so với các bản phiên âm sang chữ quốc ngữ khác.

Về các bản phiên âm, cần phải có một cuộc soát hạch lại toàn bộ các bản phiên này trong sự so sánh, đối chiếu với văn bản Nôm. Tìm ra những điểm khả thủ trong các cách phiên âm, các phương thức phiên âm. Theo như khảo sát sơ bộ của chúng tôi, chất lượng các bản phiên này như sau. Bản phiên của Hoàng Xuân Hãn tốt hơn bản phiên năm 1962 của Đông Hồ, bản của Nguyễn Thị Thanh Xuân tốt hơn bản của Hoàng Xuân Hãn. Tuy nhiên, các chỗ xuất nhập giữa các bản cũng khác nhau. Vì thế, sau khi tiến hành khảo sát toàn diện, cần thiết phải có một bản phiên âm mới tích hợp những điểm khả thủ của các bản trước đó, và sửa chữa thêm những chỗ phiên mới, gần sát hơn với tiếng Việt trung đại, tiếng Việt Đàng Trong. Và đây chính là bản quốc ngữ nền, bản phiên nền để từ đó ta mới có thể tiến hành làm phiếu từ điển cấp một.

Về tính chất của cuốn “Từ điển Truyện Song Tinh”. Trước tiên, đây hẳn sẽ là một cuốn từ điển chuyên thư, tức là từ điển ngôn ngữ của một tác phẩm văn học, giống như “Từ điển Truyện Kiều” của Giáo sư Đào, hay “Nguyễn Trãi quốc âm từ điển” do chúng tôi biên soạn qua các ngữ liệu trong tác phẩm “Quốc Âm thi tập”. Vì là một từ điển tác phẩm, cho nên công trình này sẽ là một nghiên cứu có tính chất liên ngành, nó vừa là từ điển tường giải, từ điển từ nguyên, từ điển văn tự, từ điển ngữ văn, từ điển điển cố, từ điển từ cổ, từ điển tần số và đương nhiên còn là từ điển phương ngữ tiếng Việt Đàng Trong (nếu có thể tạm gọi nôm na như vậy). Ví dụ như ngay trong câu đầu của tác phẩm:

Cửa xe đài án việc rồi,

Màn trong giản để, sách ngoài soạn biên.

Có một số mục từ có thể lẩy ra như sau.

“Cửa xe” là một từ dịch căn ke, từ một từ gốc Hán là “viên môn”. Môn là cửa, viên là cái càng xe. Nguyên trong văn hóa thời cổ, nhà vua khi đi tuần thú bên ngoài, lúc cần nghỉ, thì quây xe lại làm rào vây xung quanh, dựng hai cái càng xe lên hướng vào nhau để làm cửa ra vào, cho nên mới gọi là “viên môn”. Phép đóng quân lập trại đời sau, cũng án theo đó mà làm. Nên viên môn còn trỏ doanh trại của các tướng soái hay nơi trú của các quan lại cao cấp. Chữ “viên môn” trong câu thơ trên chứng tỏ “Nguyễn Hữu Hào đã soạn truyện này trong khi ông đang làm tướng”, và với sử liệu như đã nêu, đó là dinh tướng ở đất Quảng Bình. Như thế, với mục từ trên, chúng ta có thể thấy rõ tính chất “từ nguyên” của công trình này. Không những thế, qua những phân tích ấy, chúng ta có thể có cứ liệu về ngôn ngữ cho hiện tượng giao lưu văn hóa trong thời Trung đại. Ví dụ như ta có thể tìm thấy chữ “cửa xe” trong câu “cửa xe chầu trực sớm trưa” trong tác phẩm Ngọa Long cương khúc của Đào Duy Từ (1625). Đúng như Giáo sư Hoàng Xuân Hãn nhận xét “chắc ảnh hưởng của Đào Duy Từ đối với Hữu Hào là không nhỏ”12.

“Đài án” là một từ có hình thức ngữ âm là cách đọc Hán Việt, gồm hai từ tố hợp thành là “đài” và “án”. Tuy nhiên, khi kiểm tra các từ điển tiếng Hán như từ nguyên, thì chúng tôi không thấy từ này được ghi nhận với tư cách là một từ song tiết. Điều này hẳn thú vị, bởi lẽ, tạm thời có thể nhận định rằng “đài án” là một từ Hán Việt Việt tạo, tức là một từ Hán Việt do người Việt tạo ra, và chỉ được dùng trong tiếng Việt chứ không thấy xuất hiện trong tiếng Hán. Và thường thì những từ Việt tạo này đồng thời cũng không xuất hiện trong ngôn ngữ của các nước đồng văn khác. Về mặt nghĩa, “đài” và “án” là các từ ghép đẳng lập gốc Hán, trỏ hai sự vật “cái đài” là một kiến trúc cao dùng để ngồi hóng mát và “cái án” dùng để đặt sách lên đó mà đọc. Nhìn từ góc độ ngôn ngữ văn hóa, chữ “đài án” là Việt tạo, đồng thời là sự thể hiện năng lực Việt hóa của tác giả. Chữ “đài” và “án” ngoài ra còn có thể liên hệ đến “đài Tử Lăng” và “án sách” trong thơ Nguyễn Trãi (Đài Tử Lăng cao thu mátÁn sách cây đèn hai bạn cũ). Từ Nguyễn Trãi đến Nguyễn Hữu Hào để thể hiện rõ một quá trình biến đổi và xây dựng ngôn ngữ.

Chữ “Rồi” đây là một từ cổ, nghĩa là “rỗi”, “rảnh rang”, “nhàn hạ”. Về mặt từ nguyên, đây vốn là một động từ nghĩa là “xong”, như trong câu thơ Rồi việc mới hay khuôn được thú, Khỏi quyền đã kẻo lụy chưng danh. (Bảo kính cảnh giới 156.3) của Nguyễn Trãi. Sau đó, “rồi” mới trở thành một tính từ, như trong cụm “việc rồi” như trong các câu Thương Chu kiện cũ các chưa đôi, Sá lánh thân nhàn, khuở việc rồi. (Ngôn chí 2.2)... (Bảo kính cảnh giới 170.1) của Quốc Âm thi tập hay “bài thơ rồi13 trong Truyền kỳ mạn lục tăng bổ giải âm tập chú (QI, 3a). Có thể so sánh với câu tục ngữ ăn không ngồi rồi. Như vậy, “rồi” ở đây có thể coi là một từ thuần Việt, một từ cổ phổ dụng trong tiếng Việt ít nhất từ thế kỉ XV đến thế kỉ XIX. Ắt hẳn, nếu mở rộng phạm vi khảo sát thì các nghĩa của nó sẽ phong phú hơn nữa. Nhưng có thể đi đến nhận định rằng, những từ kiểu như “rồi” đã gắn liền các tác phẩm văn học Nôm và ngôn ngữ Đàng Trong với truyền thống ngôn ngữ văn chương tiếng Việt trước và sau nó, khiến cho ngôn ngữ Đàng Trong là một bộ phận hữu cơ không thể tách rời khỏi tiếng Việt. Và điều này chứng tỏ rằng, ngôn ngữ cũng như văn tự (chữ Nôm) là những công cụ để người Việt mở rộng lãnh thổ và văn hóa ra những miền đất mới. Người xưa trong khi “mang gươm đi mở nước” đồng thời cũng mang luôn tiếng mẹ đẻ và chữ viết của dân tộc mình.

Ngoài những ngữ liệu trên, chúng ta sẽ còn thấy một số lượng các từ ngữ chỉ thấy ở “Song Tinh Bất Dạ” mà không hề thấy xuất hiện ở các tác phẩm Nôm khác14. Ví dụ như chữ “man” trong đoạn nàng Nhụy Châu “tọc mạch” nàng hầu Thể Vân về chuyện động phòng với chàng Song Tinh như sau:

Nàng rằng: “ngày đẹp hoa phòng,

Đào thơ gặp trận gió đông thế nào?”

Vân rằng: “khát đứng bờ ao,

Đói ăn bánh vẽ, chiêm bao thấy vàng,

Đèn soi hang tối không tường,

Dép xuyên khăn sửa lẽ thường ai sui”

Nàng rằng: “vui miệng hỏi chơi,

Ghen tuông chi đó nỡ lời man nhau,

Cá hàng khi gặp nước sâu,

Dễ ai cấm đặng đâm đầu vẫy đuôi!”

Vân rằng: “to chỉ nhỏ mồi

Cá khôn linh tính lội xuôi chăng dừng.

Có ưng, không nghĩ cũng ưng,



Bây giờ hầu dễ đãi đằng ai tin.

Nguyên truyện, nàng Nhụy Châu khi gặp nạn có di nguyện “trao duyên”, nhờ Thể Vân nâng khăn sửa túi giùm cho chàng Song Tinh. Thể Vân vốn là nàng hầu riêng của Nhụy Châu, nhưng tình như chị em ruột nên mới có sự kiện này. Dựa vào đoạn văn trên, chúng ta thấy ngôn ngữ của Nguyễn Hữu Hào rất hóm hỉnh nhưng cũng không kém phần tinh tế. Trở lại với chữ “man”, chúng tôi thấy chữ này lần đầu tiên xuất hiện trong văn học Nôm, cụ thể là văn học Nôm Đàng Trong thế kỉ XVII-XVIII. Vì vậy, chúng tôi đưa ra giả thuyết rằng, đây rất có thể là một từ đặc hữu của tiếng Việt Đàng Trong. Quả nhiên theo hướng suy nghĩ như vậy, chúng tôi tìm thấy mục từ này trong cuốn Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của: “Man: dối trá, gạt gẫm, dể duôi, làm qua mặt. Nói khi man. Nói dối trá, nói gạt, nói phỉnh”15. Về mặt từ nguyên, đây là một từ gốc Hán, nguyên nghĩa trỏ việc “mờ mắt”, sau mới có nghĩa dẫn thân là “lừa phỉnh”, rồi mới có nghĩa “nói đùa, nói tỉa” như văn cảnh trong đoạn thơ trên (xin lưu ý nghĩa thứ ba này chỉ thấy ở “Truyện Song Tinh”). Chữ này, vì là một từ gốc Hán, nên có thể tìm thấy trong một số bộ từ điển chữ Hán, hay từ điển Hán Việt phổ thông như cuốn của Đào Duy Anh chẳng hạn16. Chữ “man” hiện còn dùng trong một số từ song tiết trong tiếng Việt hiện đại như “man trá”, hoặc “khai man”, “mê man”... Song lý do khiến chúng tôi coi đây là một từ thuộc tiếng Việt Đàng Trong bởi lẽ, đây là lần đầu tiên chúng tôi thấy nó xuất hiện trong một tác phẩm văn học Nôm Trung đại (một cứ liệu hóa thạch). Theo phép loại suy, từ vựng này không thấy xuất hiện trong các tác phẩm Nôm Bắc Hà (Đàng Ngoài) trong suốt bảy tám thế kỉ, hiện chỉ có ở “Song Tinh Bất Dạ”. Như vậy rất có khả năng đây là một từ của riêng Nguyễn Hữu Hào, hoặc mở rộng hơn, với cứ liệu trong từ điển tiếng Việt của Huỳnh Tịnh Paulus Của (được soạn ở Gia Định), đây là một từ vựng thuộc miền đất Đàng Trong. Sẽ có người phản vấn rằng: đây là một từ gốc Hán, chứ không phải là phương ngữ gì hết. Sự phản biện ấy có lẽ chỉ có ý nghĩa ở phương diện từ nguyên. Song, giả thuyết của chúng tôi đang chạm đến một vấn đề thú vị nhất của ngôn ngữ học lịch sử và phương ngữ học lịch sử. Đó là hiện tượng các từ mượn Hán riêng có của ngôn ngữ Đàng Trong qua ngả đường tiếp xúc ngôn ngữ của những người Minh Hương từ thế kỉ XVII-XVIII. Sự tiếp xúc này chúng ta không chỉ thấy từ góc độ lịch sử. Một số nhà nghiên cứu tiêu biểu như An Chi, Lê Trung Hoa, Cao Tự Thanh đã có những nghiên cứu bước đầu về mảng từ vựng gốc Hoa được Việt hóa trong phương ngữ Nam Bộ. Nhưng những nghiên cứu đó như đã nói thường chỉ tiến hành trên góc độ từ nguyên học của các từ hiện dụng17; thứ nữa lại chỉ khảo sát một phương ngữ hậu kỳ của cái gọi là tiếng Việt Đàng Trong. Nhưng dẫu sao, qua đó, chúng ta cũng thấy rõ rất nhiều từ vựng vay mượn của các tiếng Triều Châu, Quảng Đông... Vì thế, biên soạn từ điển “Truyện Song Tinh”, sẽ là một công việc thú vị khi chúng ta đặt ngôn ngữ của tác phẩm này trong môi trường giao lưu - tiếp xúc với ngôn ngữ của những người Minh Hương - trong đó có góp phần không nhỏ của những danh nhân đã làm nên một diện mạo đặc thù của văn học Đàng Trong với những tên tuổi như Mạc Thiên Cửu, Mạc Thiên Tứ,... Đúng như Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã từng nhận định: “tuy hơn hai trăm năm, nước ta bị chia ra hai miền Nam Bắc, giọng nói đôi bên tương đối đổi, nhưng quốc văn đều tiến triển phân biệt song song”18 và nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh: “còn có thể nhận ra ở đây những dấu hiệu của một kiểu thức Việt hóa theo đường hướng nhân dân hóa mảng từ vựng Việt Hán và điển cố Trung Hoa sẽ tác động một cách đáng kể tới ngôn ngữ trong các tác phẩm văn học viết bằng tiếng Việt - chữ Nôm ở Đàng Trong thời kỳ sau”19. Cần nhắc lại ở đây rằng, ví dụ cụ thể về chữ “man” có thể đúng hoặc chưa đúng, có thể còn cần tiếp tục thảo luận, nhưng hướng nghiên cứu trên là không thể bỏ qua khi nghiên cứu về ngôn ngữ trong “Truyện Song Tinh” hay tiếng Việt Đàng Trong20.

Trên đây, chúng tôi đã phác thảo đôi nét về tầm quan trọng và phương hướng biên soạn cuốn từ điển tác phẩm “Truyện Song Tinh” - thực chất đây là từ điển ngôn ngữ của danh nhân Nguyễn Hữu Hào, hay từ góc độ lịch sử ngôn ngữ, lịch sử văn chương thì đó là “tiền thân từ 100 năm trước” của ngôn ngữ thơ Nguyễn Du trong “Đoạn Trường tân thanh”. “Truyện Song Tinh” có độ dài văn bản khoảng 2.400 câu gồm hai bài thơ Đường luật (16 câu), một bức thư (40 câu), một bài văn tế (38 câu) và 2.306 câu lục bát21, độ dài toàn bộ văn bản khoảng 17.000 lượt chữ. “Từ điển Truyện Song Tinh” sẽ mở đầu cho cuốn từ điển tiếng Việt Đàng Trong mà văn liệu có thể khai thác từ các tác phẩm Nôm như: Ngọa Long cương khúc, Tư Dung Vãn của Đào Duy Từ (1572-1634), Sãi Vãi của Nguyễn Cư Trinh (1716-1767), Hà Tiên quốc âm thập cảnh ngâm khúc của Mạc Thiên Tích (1718-1780),... Tuy nhiên, đây là công việc của nhiều người, cần có sự hợp tác của nhiều ngành khoa học khác nhau. Bài này được viết ra chỉ như là một gợi ý đề xuất cho một đường hướng làm việc trong tương lai.



PHỤ LỤC 1

Nguyên bản trang 1a, bản Nôm do Giáo sư Hoàng Xuân Hãn cho chép lại.





PHỤ LỤC 2: Một số mục từ ví dụ

Cấu trúc vi mô của mục từ như sau: (1) mục từ in đậm; (2) từ loại (đg. Động từ; d. Danh từ; tt. Tính từ, đ. Đại từ); (3) giải nghĩa (các từ cổ theo Từ điển Việt Bồ La22 viết tắt là (AR), Huỳnh Tịnh Paulus Của viết tắt là (C), theo Génibrel23 viết tắt là (G),...); (4) nguyên dẫn trong tác phẩm; (5) vị trí nguyên dẫn, (S-1123).



Nhèm nhè đg: Khóc lóc, khóc sướt mướt. Ngất ngơ đoạn thảm nỗi phiền, đòi phen giẫy giụa đòi phen nhèm nhè (S-1414).

Lèo d: dây gióng lá buồm, kéo lá buồm; thẳng lèo: dây buồm căng, dây buồm no gió. Giỡn quai gió nhẹ buồm lên thẳng lèo (S-1418).

Phàn nàn đg: trách móc (C). Thốt rằng: bõ khuở phàn nàn chê khen (S-1426).

Lưng chừng tt: Hách Sinh tỏ nỗi sự sơ, phách hồn phiêu lạc tâm tư lưng chừng (S-1438).

Mống lòng đg: toan lo, sắp đặt (C). Bởi mình ích kỉ, mống lòng hại nhân (S-1952).

Thuyền chích d: chiếc thuyền, thuyền bè (C). Hãy dừng thuyền chích còn chờ kiệu xe (S-1460).

Chặp trổi đg: nổi lên từng hồi. Vừa khi ác lặn non tây, chuông lầu chặp trổi tiếng chầy nhặt khoan (S-1464).

Nhắp đg: nhắm mắt ngủ. Hạc Vân say nhắp giấc mai (S-1469).

Toan đương đg: lo liệu, suy nghĩ phải làm thế nào (C). Hạc Vân mới hỏi lão chài toan đương (S-1490).

Áng bóng đg: che bóng, khuất bóng (C). Nàng còn áng bóng đèn hoa (S-1497).

Lâng lâng t: 1. hoàn toàn, trọn vẹn. Tính danh hương quán lâng lâng tỏ bày (S-1508); 2. Hoàn toàn không còn gì bên trong (nói về tình cảm buồn). Mạch sầu phủi hết nỗi phiền lâng lâng (S-906). Túc khiên đã rửa lâng lâng sạch rồi (TK).

Bâng khuâng đg: cảm xúc, ước muốn, thương tiếc một cách mãnh liệt cuồng nhiệt (T). Bâng khuâng bắc mặt than dài (S-1513).

Tâng tâng t: ánh sáng trắng mờ buổi sáng, ánh ban mai (C). Tâng tâng vừa lố vầng hồng (S-1571). Tâng tâng trời mới bình minh (LVT).

Phao võng đg: làm nghề chài lưới đánh cá (C). Vốn chưng phao võng là người lương dân (S-1530).

Nhìn nhỏ đg: coi lại nghĩ lại cho biết mà chịu lấy (C). Hạc Vân nhìn nhỏ non giây (S-1539). Cn. nhìn nhõ.

Phô đ: tiếng xưng hô nhiều người (C); phô tì nữ: các hầu gái. Dạy phô tì nữ chân tay giữ gìn (S-1698).

Bôi bác tt: bạc đen (C). Hay là nhạc phụ nghi ta, giàu sang bôi bác tình đa biến dời (S-1710).

Kiêu rông tt: kiêu ngạo càn rỡ. Man vương thôi mới ngạo tình kiêu rông (S-1622).

Lạ hung tt: rất lạ, lạ lắm. Bỗng đâu sực thấy một người lạ hung (S-1479). Xảy đâu một sự phi thường lạ hung (S-1662).

Tráo chác đg. đổi thay ra nhiều thế (C). Nhện vò tráo chác, phượng nha hãy quần (S-1744).

Núng níu đg: làm ra bộ ta đây khó mày khó mặt. Làm điều núng níu ấp cây thị tằm (S-1752).

Câu dầm đg: câu thả, thả lưỡi câu ngầm xuống nước để chờ cá, ý nói để lâu, kéo dài. E khi mắc phải câu dầm (S-1753).

Thèo lẻo tt: nhạy miệng, lẻo mép, chuyện người này đem học với người kia (C). Há rằng thèo lẻo thày lay việc người (S-1756).

Thày lay tt: xen vào chuyện người khác, làm việc không ai cầu (C). Há rằng thèo lẻo thày lay việc người (S-1756).

Nga ht: trong từ đôi song nga có hai nghĩa: 1. Hai vật đối lập với nhau; 2. Hai vật giao kề nhau. Ai ngờ tạo hoá khéo nga (S-1783).

Mường tượng đg: tưởng như. Lầu còn mường tượng, hạc đà ruổi không (S- 1784).

Màn áng d: màn che (C). Ví khi màn áng đèn giong (S-1883).

Ngạc tt: ngại, không thông (C). Giang bà ngạc ý khôn cân (S-1885).

Chóc miệng đg: giơ lên, quớt lên (C); chóc miệng cười: cười nhếch miệng có vẻ mỉa mai hóm hỉnh. Nàng nghe bỗng chóc miệng cười (S-1887).

Lộng đg: bộ nghênh ngang không sợ phép (C). Lộng tài: lạm dụng tài mình. Khen rằng cũng khéo lộng tài sức phi (S-1888).

Lộng d: nơi sát mé biển, trái với khơi: nơi ngoài xa. Ra khơi vào lộng (TN). Lộng khơi mặc thích ngăn rào chi ai (S-1892).

Xào xạc đg: bối rối, xáo động, rạo rực (G). Những màng xào xạc bàn hoàn (S-1925).

Bàn hoàn tt: lo buồn (C). Những màng xào xạc bàn hoàn (S-1925).

Bát ngát tt: buồn bã, u sầu, sầu muộn (AR). Bát ngát băng quê sơn thuỷ (S).

Ngút d: khí mù mù. Ngút mịt mù tuyệt dấu nấm vàng (S).

Bâng khuâng đg: áy náy không yên (C). Bâng khuâng bước dặm yên ba (S).

Dạm đg: tô vẽ. Dạm tươi mặt thánh, thức hừng đào tiên (S-1954).

Rảng rảng tt: rộn rã. Tiếng vàng rảng rảng ngân khen (S-1955).

Ngợi khong đg: ngợi khen. Dưới trên kính trọng trong ngoài ngợi khong (S-1958).

Dạng đg: đứng và làm vận động tại chỗ (G). Ngươi Sinh xa dạng liếc nhìn (S-103). Nàng ta xa dạng liếc nhìn (S-2009).

Nói vơ đg: nói bá lếu bá láp (C) nói không đúng sự thật. Chúng rằng: ngươi chớ nói vơ (S-2026).

Hơ hải tt: dáng ngạc nhiên lo sợ. Bậu mừng hơ hải nhân duyên (S-2037).

Ốc ngỡ đg: tưởng là, ngỡ là (C). Lão mừng ốc ngỡ mình lên trùng đài (C-2038).

Mạn đg: 1. Dẻ duôi, khinh dể; 2. Chửi bới mắng nhiếc (C). Ghen tuông chi đó nỡ lời mạn nhau (S-2074).

Nức nở tt: bùng nở lan rộng (G, Go). Nỗi vui nức nở, trận buồn phủi không (S-2090).

Lúc lắc tt: nghiêng qua nghiêng lại, đứng ngồi không yên (C). Gió trăng lúc lắc vậy mà tỏ phân (S-2100).

Thức cười tt: (phương ngôn Đàng Trong), như tức cười. Thác rèm rén bước vào trong thức cười (S-2174).

Tron tren đg: xen vào, xỏ vào (C). Nàng rằng lòng tớ dạ ngươi, tin yêu dâu dẽ trở lời tron chen (S-2176).

Đẹp tt: 1. Vừa. Hài cỏ đẹp chân đi đủng đỉnh (Qâ); 2. Lấy lòng, làm đẹp lòng, vừa lòng (AR). Sinh bèn mảng đẹp nga song (S-2179).

Đẹp ngươi tt: đẹp mắt, vừa mắt. Mẹ con trở lại liếc nhìn đẹp ngươi (S-2230).

Don tt: 1. Vừa vừa; 2. Khô héo (G). Mày don mấy lúc lệ rơi châu dòng (S-2238).

Đành rạnh tt: rõ ràng. “Đành rành (G): Evident, manifeste” (G). Thề lòng đành rạnh chẳng ngoa (S-2299).

Giãy giụa đg: Ngất ngơ đoạn thảm nỗi phiền, đòi phen giãy giụa đòi phen nhèm nhè (S-1392).

Ngằn tt: ngừng. 1. Buồn; 2. Nước mắt: đượm ngừng, mặt giàn giụa nước mắt (T) (Ví dụ: nén ngừng nuốt tủi TK). Nàng nghe buông lỏng tác tình, sụt sùi châu lệ bâu xanh đượm ngằn (Sơn Tinh-1392).

Dần dà đg: thong thả biếng trễ. Việc vua chẳng dám dần dà (S-1381).

Dật dờ tt: thong thả, đủng đỉnh. Dặn Vân chớ khá dật dờ nhọc trông (S-1358).

1 Võ Xuân Trang, 1997, Phương ngữ Bình Trị Thiên, Nxb Khoa học Xã hội, H.

2 Từ điển văn học (Bộ mới) ghi như sau: Nguyễn Hữu Hào. Nhà thơ Việt Nam, là con Nguyễn Hữu Dật (1603-1681), võ tướng nổi tiếng ở Đàng Trong, quê cũ ở làng Gia Miêu, huyện Tống Sơn, Thanh Hóa, sau di cư vào Thừa Thiên; có trí dũng, giỏi mưu lược, có văn tài, được bổ làm cai cơ, rồi làm Thống binh tiến quân vào Chân Lạp năm 1689. Ông muốn dùng uy đức để hàng phục đối phương, không chịu tiến quân, nên bị gièm pha truất làm thứ dân; sau được phục chức…” (Nxb Thế giới, Hà Nội, tr.1153).

3 Hoàng Xuân Hãn (biên khảo, giới thiệu), Truyện Song Tinh, “La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn” (Tập 3), Nxb Giáo Dục, H, tr.715.

4 Theo Nguyễn Thị Thanh Xuân., căn cứ vào tuổi Nguyễn Hữu Dật (sinh năm 1603) - thân sinh của Nguyễn Hữu Hào, thì ông sinh quãng năm 1627 đến 1630. (Nguyễn Hữu Hào (1984). Truyện Song Tinh. Nguyễn Thị Thanh Xuân. khảo đính, phiên âm, chú thích. Nxb Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh. tr.11.). Tuy nhiên, việc xác định năm sinh của ông vẫn còn tồn nghi, cần phải tiếp tục tìm hiểu, song đó không phải là trọng tâm của bài viết này.

5 Nguyễn Huệ Chi (chủ biên), Từ điển Văn học (bộ mới), Nxb Thế giới, Hà Nội, tr.1153.

6 Đông Hồ, Truyện Song Tinh, Khai trí tiến đức, Tập san số 7, 8 năm 1942, 3-22.

Đông Hồ, Truyện Song Tinh, Xuất bản Bốn Phương, Sài Gòn 1962.



7 Nguyễn Hữu Hào (1984), Truyện Song Tinh, Nguyễn Thị Thanh Xuân. khảo đính, phiên âm, chú thích. Nxb Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh.

8 Mộng Tuyết, Nhìn lại quá trình phát hiện và công bố truyện Nôm Song Tinh Bất Dạ, Tạp chí Văn học, số 1/1978, tr.78.

9 Alexander Schmidt. Shakespeare Lexicon and Quotation Dictionary. (a Dover re-print, 1985). A Complete Dictionary of All the English Words, Phrases, and Constructions in the Works of the Poet.


10 Puskin Dictionrary: Đây là cuốn từ điển của nhà nghiên cứu Vinogradov, được xuất bản năm 1956, gồm 4 tập. (Chuyển dẫn theo Ewam Thomson. 1971. Russian Formallism and Anglo-American New Criticism. Mouton and Co.N.V. Publishers, The Hague; W. Andries van Helden. Case and Gender - Concept Formation between Morphology and Syntax. Amsterdam - Atlanta. GA 1993. p.102).

11 (Hướng Hy), (Thi kinh từ điển), (Tứ Xuyên Nhân dân xuất bản xã), 1986.

12 Hoàng Xuân Hãn, Sđd, tr.738.

13 Nghĩa là “làm thơ xong rồi”. Bài (từ Việt cổ): sáng tác.

14 Chúng tôi tạm nhận định như vậy khi so sánh và tra cứu trong kho ngữ vựng được sưu tầm trong cuốn Từ điển chữ Nôm của Viện nghiên cứu Hán Nôm, do Giáo sư Nguyễn Quang Hồng chủ biên. Cuốn tự điển này là công trình đồ sộ nhất hiện nay về văn liệu cổ, được thực hiện trong vòng 30 năm bởi nhiều thế hệ học giả, và mới được xuất bản năm 2006.

15 Huỳnh Tịnh Paulus Của, (Đại Nam quấc âm tự vị), SaiGon Imprimerie REY, CURIOL & Cie, 4, rue d’Adran, 4, Nxb Trẻ, 1998 (theo ấn bản 1895-1896), tr.626.

16 Vệ Thạch Đào Duy Anh, Giản yếu Hán Việt từ điển, (Hãn Mạn Tử, Giao Tiều hiệu đính). Imprimerie TIENG DAN. HUE - Dong Ba. Hué, 1932, tr.543.

17 Cao Tự Thanh là người duy nhất đã tiến hành nghiên cứu từ nguyên học các từ gốc Hán ở góc độ lịch sử ngôn ngữ, qua các cứ liệu trong văn học Nôm Gia Định. Có thể thấy qua đoạn trích sau: “Cắc: âm Việt Hán là giác, đây là theo âm Hoa Hán giọng Quảng Đông, chỉ một phần mười của một đồng. Tiền tệ Việt Nam thời Nguyễn có đơn vị là quan, gồm 600 hoặc 360 tiền (tiền kẽm) theo hệ đếm 12 chứ không phải là đồng và cắc (miền Trung gọi là giác, miền Bắc gọi là hào) theo hệ đếm 10 như dưới thời Pháp thuộc. Nhưng theo Quốc tệ điều lệ của nhà Thanh thì thời gian này ở Trung Hoa có ba loại tiền bằng bạc, đồng và kẽm, đều lấy bạc làm chuẩn, đổi ngang được 6 tiền 4 phân 8 ly bạc ròng gọi là một viên, trong đó ngân viên (tiền bằng bạc) có bốn hạng một viên, nửa viên, hai giác và một giác, cứ một ngân viên ăn mười ngân giác. Do quan hệ mua bán giữa hai nước mà đồng ngân viên của Trung Hoa đã du nhập vào Gia Định từ đầu thế kỉ XIX cùng với tên gọi như trên. Bài Văn đĩ tế chệc ngụy bằng chữ Nôm sau 1835 của một tác giả khuyết danh ở Gia Định thác lời một gái thanh lâu than khóc để mỉa mai các khách thương người Hoa tham gia cuộc binh biến thành Phiên An của Lê Văn Khôi có câu "Thiếp dầu một cắc cũng nên hai cắc cũng nên, coi nhau bằng ngọc; Hia có năm tiền cũng vậy ba tiền cũng vậy, trọng nghĩa như vàng" đã có chữ cắc này.”(dẫn theo blog của nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh: trucnhatphi.wordpressm).

18 Hoàng Xuân Hãn, Sđd, tr.718

19 Cao Tự Thanh (2007), Văn học Đàng Trong, Trong “Văn học Việt Nam thế kỉ X-XIX những vấn đề lý luận và lịch sử”, Trần Ngọc Vương chủ biên, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

20 Ngay cả nguyên truyện Song Tinh vốn được dịch từ nguyên bản “Truyện Định Tình Nhân”, theo Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, là một tiểu thuyết dân gian đã theo chân đám Hoa Thương và người Minh di tản sang Đàng Trong. (Hoàng Xuân Hãn, Sđd, tr.718).

21 Cao Tự Thanh (2007), Văn học Đàng Trong, Trong “Văn học Việt Nam thế kỉ X-XIX những vấn đề lý luận và lịch sử”, Trần Ngọc Vương chủ biên, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.281.

22 A. de. Rhodes (1651). Dictionarivm Annnamiticivm Lvsitanvm et Latinvm ope Sacrae Congregationis de Propaganda Fide in Lucem Editum ab Alexandro de Rhodes e Societati Jesu, Eiusdemque Sacra Congregationis Missionario Apostolico. - Romae : typis & sumptibus eiusdem Sacr. Congreg. p. 633., 1651, tb1994. Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt và Đỗ Quang Chính phiên dịch, Nxb Khoa học Xã hội.

23 J.F.M. Génibrel, (1898), Dictionnaire Annamite- Français, SaiGon Imprimerie de la mission à Tân Định.


tải về 101.16 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương