Trong giai đoạn tinh tế này của lịch sử loài người



tải về 36.77 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu29.04.2018
Kích36.77 Kb.
#37586

Trong giai đoạn tinh tế này của lịch sử loài người,



một giai đoạn được đánh dấu bằng những gì là bất định và vấn nạn…”

ĐTC Biển Đức XVI với Phái Đoàn Ngoại Giao Chư Quốc dịp Tân Niên 2009,

Thứ Năm 8/1, ở Sala Regia
Cùng Quí Vị Lãnh Sự,

Quí Bà và Quí Ông,
Mầu nhiệm Lời nhập thể chúng ta đang sống lại hằng năm vào Lễ Trọng Giáng Sinh kêu gọi chúng ta suy nghĩ về những biến cố đánh dấu giòng lịch sử. Thật sự là chính ở nơi ánh sáng tràn đầy hy vọng này mới diễn ra truyền thống gặp gỡ quí vị đây. Những phần tử đặc biệt thuộc Phái Đoàn Ngoại Giao được ủy nhiệm thư làm việc với Tòa Thánh – một cuộc gặp gỡ mà, vào lúc mở màn cho tân niên này, cống hiến cho chúng ta cơ hội thích hợp để trao đổi những lời chúc tốt đẹp thân ái. Tôi bày tỏ lòng biết ơn tới Vị Lãnh Sự Alejandro Valladares Lanza về những lời chúc tốt đẹp đã ưu ái giành cho tôi, với tư cách lần đầu tiên là Trưởng Ngoại Giao Đoàn. Tôi cũng trân trọng gửi lời chào tới từng người trong quí vị, cùng với gia đình và nhân viên của quí vị, và qua quí vị, tới nhân dân và chính phủ của những xứ sở quí vị đại diện. Tôi xin Thiên Chúa ban cho hết mọi người tặng ân của một năm phong phú về công lý, thanh nhàn và bình an.
Vào lúc mở màn cho năm 2009 này, tôi thương cảm nghĩ tới tất cả những ai chịu khổ đau – gây ra bởi những tai ương tự nhiên, nhất là ở Việt Nam, Myanmar, Trung Hoa và Phi Luật Tân, ở Trung Mỹ và Caribbean, cũng như ở Columbia và Ba Tây; hay bởi những cuộc xung đột dữ dội trong nội địa hay trong vùng; hoặc lại bởi những cuộc khủng bố tấn công gieo chết chóc và hủy hoại ở các xứ sở như A Phú Hãn, Ấn Độ, Pakistan và Algeria. Bất chấp rất nhiều những nỗ lực, hòa bình chúng ta rất ước mong vẫn còn là những gì xa vời! Trước thực tại này, chúng ta không được trở nên chán nản hay giảm bớt nỗ lực dấn thân cho một nền văn hóa bình an chân thực, trái lại, phải tăng gấp đôi nỗ lực của mình cho vấn đề an ninh và phát triển. Về vấn đề này, Tòa Thánh muốn đi tiên phong trong việc ký kết và phê chuẩn “Hiệp Định về Những Thứ Đạn Chùm”, một văn kiện cũng nhắm mục đích tái khẳng định luật nhân đạo quốc tế. Đàng khác, trong khi quan tâm nhận thấy những dấu hiệu của cuộc khủng hoảng xuất hiện trong lãnh vực giải giới và ngưng leo thang vũ khí nguyên tử, Tòa Thánh đã tiếp tục tái khẳng định rằng hòa bình không thể nào được xây dựng khi những chi phí về quân sự làm thất thoát đi những nguồn lợi khổng lồ về con người và vật chất từ các dự án phát triển, nhất là tình trạng phát triển của các dân tộc nghèo khổ nhất.
Chính vì hướng tới người nghèo, tất cả có quá nhiều người nghèo trên trái đất này, thành phần hôm nay tôi muốn bày tỏ mối quan tâm, bằng việc lưu ý tới Sứ Điệp tôi gửi Ngày Thế Giới Hòa Bình, một sứ điệp hiến năm nay cho đề tài: “Chống Nghèo Khổ để Xây Dựng Hòa Bình”. Việc phân tích khôn ngoan của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI trong Thông Điệp “Phát Triển Các Dân Tộc – Populorum Progressio” vẫn không mất đi một chút nào thời gian tính của nó: “Ngày nay chúng ta thấy dân chúng đang cố gắng bảo toàn vấn đề cung cấp lương thực một cách hiệu quả, vấn đề chữa trị bệnh nạn và vấn đề công ăn việc làm vững chắc. Chúng ta thấy họ cố gắng loại trừ đi hết mọi thứ yếu đau, khử trừ đi hết mọi thứ trở ngại phạm tới phẩm giá của con người. Họ liên lỉ cố gắng thực thi trách nhiệm cá nhân rộng lớn hơn; làm việc hơn, học biết hơn và sở hữu hơn, để hiện hữu hơn. Tuy nhiên, đồng thời cũng có rất nhiều người tiếp tục sống trong những điều kiện làm vỡ mộng các thứ ước muốn hợp lý này” (Khoản 6). Để xây dựng hòa bình, chúng ta cần cống hiến niềm hy vọng mới cho người nghèo. Làm sao chúng ta lại không nghĩ tới rất nhiều cá nhân và gia đình bị áp đảo nặng nề bởi những khó khắn và bấp bênh gây ra từ cuộc khủng hoảng về tài chính và kinh tế hiện nay ở tầm mức toàn cầu? Làm sao chúng ta lại không đề cập tới tình trạng khủng hoảng về thực phẩm và hâm nóng toàn cầu, những yếu tố thậm chí càng gây thêm khốn khó cho những ai sống ở một số phần đất nghèo khổ nhất trên trái đất này trong việc có được dưỡng chất và nước nôi? Một giải pháp hiệu nghiệm là những gì đang khẩn cấp cần được chấp nhận để chống đói và cổ võ việc phát triển nông nghiệp ở địa phương, nhất là vì số người nghèo đang gia tăng thậm chí ngay trong các xứ sở giầu thịnh. Về vấn đề này, tôi cảm thấy vui là Hội Nghị Doha gần đây về việc phát triển tài chính đã vạch ra được một số tiêu chuẩn hữu ích để hướng dẫn việc quản trị hệ thống kinh tế và giúp cho những ai đang thiếu thốn nhất. Ở một tầm mức sâu xa hơn nữa, thì việc nâng đỡ nền kinh tế đòi phải biết tái thiết niềm tin tưởng. Mục đích này chỉ đạt tới bằng việc áp dụng một thứ đạo lý căn cứ vào phẩm giá bẩm sinh của con người. Tôi biết rằng điều này gay go biết bao, tuy nhiên, nó không phải là một thứ không tưởng! Ngày nay, hơn cả trong quá khứ, tương lai của chúng ta đang bị nguy biến, cũng như số phận trái đất của chúng ta cùng với dân cư của nó, nhất là thế hệ trẻ đang thừa hưởng một hệ thống kinh tế và cơ cấu xã hội bị hư hại trầm trọng.
Cùng Quí Bà và Quí Ông, nếu chúng ta muốn chống nghèo khổ, chúng ta trước hết và trên hết cần phải đầu tư vào giới trẻ, đề ra trước mắt họ một lý tưởng sống huynh đệ chân thực. Qua các chuyến tông du trong năm vừa rồi, tôi đã được gặp gỡ nhiều giới trẻ, nhất là trong khung cảnh cử hành Ngày Giới Trẻ XXIII ở Sydney Úc Đại Lợi. Những cuộc hành trình tông vụ của tôi, bắt đầu từ chuyến viếng thăm Hiệp Chủng Quốc, cũng giúp tôi có thể thẩm định được các niềm trông mong thuộc nhiều lãnh vực trong xã hội liên quan tới Giáo Hội Công Giáo. Trong giai đoạn tinh tế này của lịch sử loài người, một giai đoạn được đánh dấu bằng những gì là bất định và vấn nạn, nhiều người mong thấy Giáo Hội thi hành một cách rõ ràng và can đảm sứ vụ của Giáo Hội trong việc truyền bá phúc âm hóa cũng như trong việc Giáo Hội hoạt động cổ võ về nhân bản. Theo chiều hướng ấy tôi đã ngỏ lời ở tổng hành dinh Tổ Chức Liên Hiệp Quốc, ở chỗ, nhân dịp 60 năm kỷ niệm tổ chức này thông qua Bản Tuyên Ngôn Chung về Nhân Quyền, tôi đã nhấn mạnh rằng bản văn kiện này được đặt nền tảng trên phẩm giá của con người, một phẩm giá, ngược lại, được căn cứ vào bản tính nhân loại chung của chúng ta, một bản tính trổi vượt trên các nền văn hóa khác nhau của chúng ta. Mấy tháng sau, trong chuyến hành hương của mình đến Lộ Đức nhân dịp kỷ niệm 150 năm Trinh Nữ Maria hiện ra với Thánh Bernadette, tôi đã tìm cách nhấn mạnh rằng sứ điệp hoán cải và yêu thương được chiếu tỏa từ hang Massabiella này vẫn còn rất hợp thời, nó như là một lời mời gọi liên lỉ hãy xây dựng đời sống của chúng ta cùng với những mối liên hệ của chúng ta giữa các chư dân trong thế giới trên nền tảng thực sự tương kính và huynh đệ, ý thức rằng tình huynh đệ này bao hàm ý nghĩa là tất cả mọi con người nam nữ có cùng một Cha chung là Vị Thiên Chúa Hóa Công. Ngoài ra, một xã hội được gọi là “trần thế” một cách lành mạnh thì không coi thường chiều kích thiêng liêng cùng với những giá trị của chiều kích này, vì tôn giáo – theo tôi, cần phải lập lại trong chuyến viếng thăm Pháp quốc – không phải là một trở ngại mà là một nền tảng vững chắc cho việc xây dựng một xã hội chân chính và tự do.
Những hành động kỳ thị và các cuộc tấn công nghiêm trọng nhất nhắm vào hằng ngàn Kitô hữu trong năm qua cho thấy không phải chỉ là tình trạng nghèo khổ về vật chất mà còn cả về luân lý nữa, một thứ nghèo khổ tác hại tới hòa bình. Những thứ lạm dụng này, thật vậy, được xuất phát từ tình trạng nghèo khổ về luân lý. Như cách thức để tái khẳng định việc đóng góp cao quí mà các tôn giáo có thể thực hiện trong việc chống lại nghèo khổ và xây dựng hòa bình, tôi xin lập lại nơi hội đồng này đây, một hội đồng tiêu biểu đại diện cho tất cả mọi quốc gia trên thế giới, rằng Kitô giáo là một tôn giáo của tự do và an bình, và Kitô giáo chủ trương phục vụ sự thiện chân thực của nhân loại. Cùng những người anh chị em nạn nhân của bạo lực, nhất là ở Iraq và ở Ấn Độ, tôi xin lập lại lòng cảm thương phụ thân của tôi; cùng các chính quyền dân sự và chính trị, tôi thiết tha mong muốn là các vị chủ động dấn thân cho việc chấm dứt tình trạng bất bao dung cùng với những hành động quấy phá nhắm vào các Kitô hữu, sửa chữa lại tình trạng thiệt hại xẩy ra, nhất là cho những nơi chốn thờ phượng và các thứ tài sản; và bằng mọi cách khuyến khích việc tôn trọng đối với tất cả mọi tôn giáo, cấm đoán tất cả mọi hình thức hận thù và khinh khi. Tôi cũng bày tỏ niềm hy vọng là thế giới Tây phương không được vun trồng thành kiến và hận thù đối với các Kitô hữu chỉ vì họ lên tiếng gây áy náy về một số vấn đề nào đó. Về phần mình, chớ gì thành phần môn đệ của Chúa Kitô, trước tình trạng đối nghịch ấy, đừng tỏ ra chán nản, vì việc làm chứng cho Phúc Âm bao giờ cũng là một “dấu hiệu phản khắc” đối với “tinh thần của thế gian”! Nếu những thách đố và những hoạn nạn có đớn đau thì việc hiện diện liên lỉ của Chúa Kitô là một nguồn sức mạnh mãnh liệt. Phúc Âm của Chúa Kitô là một sứ điệp cứu độ cho tất cả mọi người; đó là lý do tại sao Phúc Âm không thể nào bị hạn hẹp vào lãnh vực tư riêng, mà cần phải được công bố loan truyền từ mái nhà cho đến tận cùng trái đất.
(còn tiếp)
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh

(những chỗ được in đậm lên là do tự ý của người dịch trong việc làm nổi bật những điểm chính yếu quan trọng)

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/speeches/2009/january/documents/hf_ben-xvi_spe_20090108_diplomatic-corps_en.html






tải về 36.77 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương