Trư­ờng phái cổ điển Vienne



tải về 33.44 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu26.09.2016
Kích33.44 Kb.
#32428

Trư­ờng phái cổ điển Vienne


Sau thời kỳ baroque - một thời kỳ âm nhạc kéo dài từ năm 1600 đến năm 1750, tiếp đến một giai đoạn được gọi là tiền cổ điển (pre-classic) rồi mới đến phong cách cổ điển của nhóm nhạc sĩ thành phố Vienne.Thuật ngữ tiền cổ điển thường được áp dụng cho một số phong cách âm nhạc của thế kỷ 18 đã xích gần lại và sau đó được hấp thu vào phong cách cổ điển – một phong cách xuất hiện trong những tác phẩm trưởng thành của Mozart và Haydn vào khoảng năm 1770. Thuật ngữ tiền cổ điển được áp dụng cho galant style (Pháp: style galant; Italia: galante – lịch sự, hào hoa), empfindsamer Stil (phong cách đa cảm) ở miền Bắc Đức, sau đó mở rộng ra thành phong cách Sturm und Drang (bão táp và căng thẳng). Tiền cổ điển sinh ra từ thời baroque, rồi tiếp tục song song tồn tại với nó. Nhiều nhạc sĩ đã từng sáng tác theo cả hai phong cách baroque và tiền cổ điển. Chính các nhạc sĩ cổ điển Vienne như Mozart và Haydn, trước khi định hình hẳn ở phong cách cổ điển, cũng đã có thời đan xen trong sáng tác của mình những phong cách galant hoặc empfindsamer, Sturm und Drang, cho nên cũng cần có đôi lời về những phong cách này.

Phong cách galant xuất hiện khi trung tâm sinh hoạt văn hóa chuyển từ nhà thờ về các phòng khách của giới quý tộc thượng lưu. Nhạc galant nhẹ nhàng, duyên dáng, tế nhị, dễ nghe, giai điệu chỉ gồm những câu nhạc ngắn, hòa thanh không phức tạp, chuyển động hòa thanh chậm hơn so với hòa thanh trong nhạc baroque. Điệu thức Trưởng được dùng nhiều hơn. Có thể tìm thấy những thí dụ tiêu biểu cho phong cách âm nhạc này trong các tác phẩm của các nhạc sĩ Pháp Francois Couperin (1668-1733) viết cho đàn phím, Jean-Marie Leclair (1697-1764), nhạc sĩ Italia Giuseppe Tartini (1692-1770) viết cho đàn violon, và trong những chương nhạc menuet, bourrée ở các tổ khúc nhạc đàn thế kỷ 18.

Ở miền Bắc nước Đức, các nhạc sĩ sáng tác đã tăng thêm những tính chất biểu cảm mới cho phong cách galant và gọi tên là phong cách empfindsamer (đa cảm). Họ tin rằng trong cùng một tác phẩm vẫn có thể có sự thay đổi liên tục về lối biểu cảm và tính chất xúc động, kèm theo là những thay đổi liên tục về độ mạnh nhẹ của âm thanh cho phù hợp. Nhạc sĩ Johann Joachim Quantz, nghệ sĩ thổi flute, tác giả của hơn 500 bản concerto và sonate cho flute, người đã đưa nhiều cải tiến về cơ cấu và cách chơi nhạc cụ này, ủng hộ việc sử dụng tất cả những mức độ về mạnh, nhẹ từ ppp đến fff ( từ cực nhỏ đến cực to) thay cho lối chuyển thẳng từ p sang f (nhỏ sang to) của phong cách baroque.

Cũng khoảng từ năm 1670 đến 1680 trong văn học Đức có một trào lưu thiên về miêu tả những trạng thái cảm xúc như kinh hoàng, choáng váng, sững sờ… Trào lưu này bộc lộ tiêu biểu nhất trong nghệ thuật kịch, nhưng cũng xuất hiện cả trong hội họa, âm nhạc. Vào lúc này chủ nghĩa đa cảm trong văn học nghệ thuật đã lên đến tột đỉnh, và người ta gọi nó là Sturm und Drang. Trong nghệ thuật opera, các nhà biên kịch đã cố tình cấu tạo ra những tình huống thật kinh hoàng, các nhạc sĩ sáng tác, người thiết kế sân khấu, họa sĩ còn tăng cường mức độ kinh hoàng ấy bằng âm nhạc, trang trí sân khấu, phục trang, chẳng hạn trong các tác phẩm của các nhạc sĩ người Italia Niccolo Jommelli và Tommaso Traetta. Các nhạc sĩ cổ điển Vienne cũng đã từng tạo ra những khung cảnh vừa tráng lệ vừa kinh hoàng trong các vở opera của họ, như màn Những nữ thần địa ngục trong vở Orfeo và Euridice của nhạc sĩ Gluck, màn trong hầm mộ của vở opera Luccio Silla cũng như trong màn kết vở opera Il Don Giovanni của Mozart.Còn nhạc sĩ Haydn trong các bản giao hưởng số 44 và 49 ở điệu thứ thứ của ông cũng đã sử dụng những màu sắc tối tăm, ảm đạm, giông tố của phong cách Sturm und Drang.

Có thể kể ra tên tuổi một số nhạc sĩ thời tiền cổ điển đã đóng góp nhiều cho sự ra đời của phong cách cổ điển Vienne. Đó là những nhạc sĩ Domenico Scarlatti (1685-1757), người đã đóng góp nhiều trong việc nâng cao cấu trúc và phương thức biểu hiện cho thể loại sonate (bản sonate); trong giai đoạn tiền cổ điển, thể loại sonata da chíesa của thời baroque đã được thay thế bằng loại sonate nhiều chương. Các nhạc sĩ con của J.S. Bach, như Wilheim Friedemann Bach – con trai cả, Johann Christoph Friedrich Bach – con trai thứ chín, Johann Christian Bach – con trai út và nhất là Carl Philipp Emanuel Bach – con trai thứ ba của J.S. Bach, là những người có nhiều đóng góp vào việc nâng cao về cấu trúc và phương thức biểu hiện của thể loại concerto cho nhạc cụ độc tấu và dàn nhạc; riêng C.P.E. Bach, cùng các nhạc sĩ Niccolo Jommelli, Johann Stamitz (Đức); J.G. Graun (triều đình nước Phổ); Georg Monn và G.C.Wagenseil (Vienne); L.G. Guillemain và F.J. Gossec (Paris), là những người có những tác phẩm quan trọng trong thời sơ kỳ của thể loại hòa tấu giao hưởng; loại dàn nhạc vùng Manheim do Stamitz chỉ huy đã phát triển đến 56 nhạc công, hòa tấu rất điêu luyện, chơi được những sắc thái cường độ từ pianisimo (ppp) đến fortissimo (fff), nổi tiếng khắp châu Âu.

Trong lĩnh vực thanh nhạc, vào thời kỳ tiền cổ điển đã xuất hiện thể lọai romance ở Pháp , loại lieder ở Đức, thể loại opera buffa ở Italia, opera comique ở Pháp và loại Singspiel ở Đức.

Qua phần giới thiệu trên, chúng ta đã thấy trong thế kỷ 18 tại nhiều nước (Italia, Đức, Áo, Pháp…) đã diễn ra quá trình hình thành những thể loại, phong cách nghệ thuật mới trong thanh nhạc và khí nhạc. Những thể loại, phong cách này sẽ được nhào nặn, biến đổi rồi định hình vững chắc, đẩy lên những đỉnh cao ở thời kỳ cổ điển Vienne.

Trước hết chúng ta chú ý đến công cuộc cải cách opera của nhạc sĩ Christoph Willibald Gluck (1714-1787). Trước ông, thể loại opera, ra đời từ cuối thế kỷ 16 đến thế kỷ 18 đã dần dần suy thoái, do sự ngự trị và lạm dụng của các ca sĩ có giọng hát hay, kỹ thuật giỏi, sắm các vai chính, lấy sân khấu opera làm nơi khoe khoang giọng hát, bắt người biên kịch và nhạc sĩ sáng tác phải theo ý mình để tạo ra trong vở những chỗ để họ có thể khoe tài, rồi tự ý thêm những đọan ngẫu hứng phô trương kỹ thuật thanh nhạc, bất chấp tiến trình, hành động kịch. Nhạc sĩ Gluck sau nhiều năm thể nghiệm những phương thức khiến âm nhạc trong opera bộc lộ được những tình cảm, tâm trạng của nhân vật, khiến âm nhạc bám sát sự phát triển của kịch, đến ngày 5 tháng 11 năm 1762 ông đã cho trình diễn lần đầu tiên trên sân khấu thành phố Vienne vở opera Orfeo ed Euridice (kịch bản của Calzabigi), nơi thể hiện những ý định của mình. Cuộc cải cách của Gluck đã mở đầu như vậy. 5 năm sau, cũng ở Vienne, ông giới thiệu tiếp vở Alceste (kịch bản cũng của Calzabigi) với sự hoàn thiện những nguyên tắc cải cách của ông: cải tiến những aria và recitative, lấy nhạc mở màn (overture) làm nơi thâu tóm nội dung kịch tính của toàn vở, múa ballet cũng bám sát nội dung kịch, không chỉ là những màn múa vui mắt, vui tai.

Khúc nhạc mở màn của vở Alceste có thể coi là hình mẫu tiêu biểu cho thời phát triển sơ kỳ của trường phái cổ điển Vienne.

Gluck muốn giới thiệu những cải cách ở Paris, thủ đô Pháp, nơi thời đó được coi là thành trì của văn hoá tiên tiến thế giới, nên năm 1773, Gluck sang Paris. Chuyến đi này của ông được sự bảo trợ của công chúa Marie-Antoinette, con gái của Nữ hoàng nước Áo, từng là học trò của Gluck. Lúc đó, Marie-Antoinette đã là vợ của Thái tử nước Pháp (sau này là vua nước Pháp – Louis XVI. Hai vợ chồng bị hành hình trong cuộc Cách mạng tư sản Pháp năm 1789). Tháng 4 năm 1774 ông cho công diễn lần đầu vở Iphigénie ở Aulide, kịch bản bằng tiếng Pháp của Gaud Leblanc Du Roullet phỏng theo vở bi kịch cùng tên của Racine. Vở diễn thành công vang dội. Tháng 8 năm 1776 ông cho ra mắt tiếp vở Orfeo (đã tu chỉnh), và tháng 4 năm 1776 – vở Alceste. Những opera của Gluck đã làm náo động sân khấu Paris, gây ra những cuộc tranh cãi, thậm chí loạn đả giữa phe chống đối và phe ủng hộ. Cuộc chiến càng gay gắt hơn khi nhạc sĩ Italia Niccolo Piccini, người đi theo những đường lối cũ trong sáng tác opera-seria, sang Paris. Những người ghét Gluck đã lôi cuốn Piccini vào cuộc cạnh tranh với Gluck. Khi đó Piccini bị những người theo phe đối lập lợi dụng để chống Gluck, và cuộc chiến chỉ lắng xuống khi Gluck rời Paris về lại thành phố Vienne năm 1780. Những năm cuối đời Gluck chủ yếu sáng tác ca khúc. Ý định sáng tác vở opera Arminia thì cho đến khi qua đời ông cũng không thực hiện được.

Trong trường phái cổ điển Vienne còn có nhạc sĩ thiên tài Wolfgang Amadeus Mozart được xếp ngang hàng với Gluck trong sự nghiệp cải cách opera. Nhưng khác với Gluck, ông không có những tuyên bố lý thuyết về những cải cách của mình. Xuất phát từ những tiền đề mỹ học khác, Mozart sáng tạo một phương pháp cấu tạo kịch tính bằng âm nhạc khác với Gluck. Nếu như Gluck hướng tới việc làm cho âm nhạc phải phụ thuộc vào hành động kịch, thì ngược lại, đối với Mozart, âm nhạc là nền tảng của opera.Ông đã xây dựng được tính cách âm nhạc thật sống động cho từng nhân vật trong vở. Ông sáng tác nhiều thể loại opera: opera-seria, opera-buffa và Singspield, nhưng trong từng thể loại ông đều đổi mới và làm phong phú thêm bằng những nhân tố lấy ra từ các thể loại khác và bằng tính chất giao hưởng của trường phái cổ điển Vienne.

Có thể nói trường phái cổ điển Vienne đã hội tụ và đưa lên đến những đỉnh cao những thành tựu của những phong cách âm nhạc có trước họ, cả trong lĩnh vực thanh nhạc cũng như khí nhạc, và là một trào lưu âm nhạc định hình ở Vienne, thủ đô nư­ớc Áo vào nửa sau thế kỷ 18, với những nhạc sĩ thiên tài J.Haydn và W.A.Mozart, C.W.Gluck và L.V.Beethoven, từ đó đi vào lịch sử với tên gọi Cổ điển Vienne.

Trư­ờng phái cổ điển Vienne phản ánh những t­ư tư­ởng cơ bản của thế kỷ "Ánh sáng", ngợi ca và tin tư­ởng sâu sắc vào thắng lợi của trí tuệ, đấu tranh chống mọi thứ mê tín dị đoan do Nhà thờ reo rắc, hấp thụ mọi thành tựu của các nền văn hóa dân tộc khác nhau.Bản thân tr­ường phái này cũng mang tính dân gian sâu sắc, bắt rễ ngay trong nền văn hóa dân gian Áo, đồng thời tiếp thu âm hưởng của nhiều nền âm nhạc dân gian khác nữa. Bởi lẽ khi ấy thành phố Vienne là thủ đô của cả đế chế Áo-Hung dưới sự thống trị của dòng họ Hapsburg, thu gom nhiều dân tộc như Hunggari, Séc, Moravie, Xlovác, Xðcbi, Crôat, Xlôvenhia, Bôxnia, Hecxêgôvina, Đalmati, Ixtri, Tirol…Phố phường, công viên, tiệm ăn, nhà hàng thành phố Vienne tràn đầy âm thanh các bài hát, điệu múa của nhiều dân tộc khác nhau. Sự kết hợp hữu cơ của những âm hưởng ấy đã là cơ sở âm điệu cho sáng tạo của các nhà cổ điển Vienne.

Thế giới tâm hồn của con ngư­ời với những niềm vui và nỗi đau, những cảnh đời ngang trái, những phong cảnh thiên nhiên, tất cả đều đư­ợc phản ánh trong các tác phẩm của trư­ờng phái này.

Cổ điển Vienne tạo ra những kiểu mẫu xuất sắc trong lĩnh vực khí nhạc. Các thể loại âm nhạc đã có trước đó nh­ư giao hư­ởng, tổ khúc khí nhạc, sonate, concerto, tứ tấu v.v..., được Haydn và Mozart, sau là Beethoven, nhào nặn, nâng cao đến mức kinh điển. Hình thức cấu trúc liên khúc sonate-giao hưởng ba, bốn chương truyền thống, với các quy ước cấu trúc cho từng chương một, đã định hình hoàn toàn trước khi có cổ điển Vienne. Các bản giao hưởng, concerto, tứ tấu của Haydn và Mozart, cho dù vẫn giữ nguyên hình thức cấu trúc truyền thống, nhưng lại lấy nội dung làm yếu tố quyết định. Hình thức thì vẫn như truyền thống đã có, nhưng cực kỳ linh hoạt, khiến hình thức ấy trở nên mới, hoàn toàn phù hợp với nội dung hình tượng của tác phẩm. Chất liệu chủ đề trong các tác phẩm của Haydn và Mozart sáng rõ, nổi bật, mang đậm dấu ấn độc đáo của tác giả. Hơn nữa, các ông còn đưa vào nhiều phương tiện, phương thức mới để phát triển chủ đề.

Haydn đã hoàn chỉnh một kiểu mẫu mới cho dàn nhạc giao hư­ởng và dàn nhạc opera. Cùng với Mozart, Beethoven, các tác giả thuộc tr­ường phái ccổ điển Vienne đặc biệt chú ý đến tính chu kỳ và tính cân xứng trong cấu trúc giai điệu và tiết tấu, ngôn ngữ hòa thanh dựa trên tính chất công năng, phong cách hòa thanh - chủ điệu là cơ bản. Như­ng phức điệu vẫn là một phương tiện biểu hiện quan trọng, nhất là ở những hình thức cấu trúc quy mô lớn.

Beethoven, người khổng lồ cuối cùng trong trường phái cổ điển Vienne, là người được tôn vinh là “nhà thơ của chủ nghĩa anh hùng”.Sáng tác của ông hấp thụ những thành tựu tiên tiến của nền văn hóa dân tộc, dựa trên những kinh nghiệm phong phú và những truyền thống tốt đẹp nhất của âm nhạc Đức. Nhưng sáng tác của ông xuất hiện và định hình ngay trong thời đại cách mạng, được nuôi dưỡng bằng những tư tưởng cách mạng, nên đã mở ra một chặng đường mới trong lịch sử âm nhạc, mở ra những chân trời rộng lớn cho sự phát triển của văn hóa âm nhạc, có ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động sáng tạo của những nhạc sĩ tiên tiến của Tây Âu trong thế kỷ 19. Vì thế có nhà nghiên cứu âm nhạc đã nhận định rằng “…Beethoven đã sống 30 năm trong thế kỷ 18 và đón gặp cách mạng lúc 19 tuổi…nhưng dường như không hề có mặt ông trong thế kỷ 18”. Tinh thần cách mạng, những khẩu hiệu của cuộc cách mạng dân chủ đã hướng dẫn những suy nghĩ của Beethoven về lịch sử, về những số phận và cuộc đấu tranh của các dân tộc. Tự do, bình đẳng và bác ái đã trở thành những lý tưởng cho đời sống của ông. Ông tin tưởng vững chắc rằng những ước mơ của mình mong muốn toàn nhân loại có cuộc sống hạnh phúc, thoát khỏi những bất công, là có thể thực hiện được. Do đó những tư duy về cuộc sống đang diễn ra và những hình dung về tương lai trong sáng tác của ông đều mang tính hành động, vang lên như lời kêu gọi đấu tranh, tràn đày tính anh hùng và niềm lạc quan bất diệt.

Beethoven đã sáng tác ở mọi thể loại âm nhạc có trong thời kỳ đó. Những bản sonate, tứ tấu đàn dây, giao hưởng, concerto cho đàn violon và bản concerto cho piano cuối của ông là những chuẩn mực, hình mẫu về sự hoàn thiện.



Trư­ờng phái cổ điển Vienne đã đóng góp to lớn cho sự phát triển của nền âm nhạc chuyên nghiệp - bác học thế giới, thổi vào đó một luồng gió hiện thực và dân chủ mạnh mẽ dựa trên sáng tạo dân gian vô cùng phong phú, khiến di sản âm nhạc ấy vẫn giữ nguyên giá trị cho đến ngày nay.







tải về 33.44 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương