TRƯỜng đẠi học sư phạm cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập – Tự do – Hạnh phúc



tải về 383.51 Kb.
trang1/4
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích383.51 Kb.
#13905
  1   2   3   4

ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc





QUY CHẾ THỰC TẬP SƯ PHẠM

(Ban hành theo Quyết định số 2158/QĐ-ĐHSP, ngày 10/10/2011

của Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm).

Chương 1

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Quy chế này quy định mục đích, nội dung, phương thức tổ chức, cách đánh giá và các điều kiện đảm bảo đối với hoạt động thực tập sư phạm của Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên.

2. Quy chế này áp dụng cho các chương trình đào tạo đại học, cao đẳng hệ chính quy đào tạo theo học chế tín chỉ.

Điều 2. Mục đích của hoạt động thực tập sư phạm

1. Quán triệt nguyên lý giáo dục, gắn lý thuyết với thực hành, lý luận với thực tế trong quá trình đào tạo giáo viên, phát huy tích cực, chủ động sáng tạo của sinh viên trong quá trình đào tạo, gắn chặt hơn nữa giữa cơ sở đào tạo và cơ sở sử dụng giáo viên.

2. Giúp sinh viên tìm hiểu thực tế giáo dục, nắm vững các chức năng, nhiệm vụ của người giáo viên để từ đó hình thành kỹ năng, thái độ và tình cảm nghề nghiệp.

3. Tạo môi trường cho sinh viên sớm được tiếp xúc với thực tế giáo dục, vận dụng những kiến thức đã học vào thực tế, làm cơ sở để hình thành phẩm chất và năng lực sư phạm của người giáo viên.



Điều 3. Thời lượng dành cho hoạt động thực tập sư phạm

1. Thực tập sư phạm là những học phần bắt buộc trong chương trình đào tạo.

2. Thực tập sư phạm có 02 học phần:

a. Thực tập sư phạm 1 có khối lượng tương đương 02 tín chỉ, thực hiện trong 3 tuần;

b. Thực tập sư phạm 2 có khối lượng tương đương 03 tín chỉ; chương trình cao đẳng thực hiện trong 6 tuần; chương trình đại học thực hiện trong 07 tuần.

Điều 4. Cơ sở thực tập sư phạm

1. Các trường đại học, cao đẳng; các trường phổ thông; trường mầm non, được chọn làm nơi thực tập sư phạm gọi chung là cơ sở thực tập sư phạm.

2. Đối tượng thực tập tại các cơ sở thực tập sư phạm:

a. Sinh viên cao đẳng và sinh viên đại học đào tạo tại khoa Giáo dục Trung học cơ sở, thực tập tại các trường Trung học cơ sở;

b. Sinh viên ngành Giáo dục Tiểu học thực tập tại các trường tiểu học;

c. Sinh viên ngành Giáo dục Mầm non thực tập tại các trường mầm non;

d. Sinh viên ngành Tâm lý Giáo dục thực tập tại các trường Cao đẳng sư phạm;

e. Sinh viên không thuộc các đối tượng trên, thực tập tại các trường trung học phổ thông.

3. Cơ sở thực tập sư phạm phải đạt các tiêu chí sau đây:

a. Có chất lượng giáo dục tốt;

b. Có đội ngũ giáo viên nhiệt tình, có năng lực và kinh nghiệm sư phạm để hướng dẫn thực tập sư phạm;

c. Có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đảm bảo cho sinh viên thực tập sư phạm;

d. Có môi trường sư phạm tốt.

Điều 5. Nhiệm vụ của Trường Đại học Sư phạm

1. Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo thực tập sư phạm của Trường. Ban chỉ đạo thực tập sư phạm của Trường gồm: Hiệu trưởng – Trưởng ban; Phó hiệu tr­ưởng phụ trách đào tạo - Phó tr­ưởng ban; Trư­ởng phòng Đào tạo - Uỷ viên th­ường trực; Tr­ưởng hoặc Phó các phòng ban chức năng, Trưởng hoặc Phó tr­ưởng các khoa và một số chuyên viên phòng Đào tạo - Uỷ viên.

2. Ban chỉ đạo thực tập sư phạm của Trường có các nhiệm vụ sau:

a. Lập kế hoạch thực tập sư phạm, ấn định nội dung, thời gian, số lượng các đoàn thực tập sư phạm, chọn địa điểm thực tập và dự trù kinh phí;

b. Chủ động phối hợp với các Sở Giáo dục và Đào tạo, các phòng Giáo dục và đào tạo, các cơ sở thực tập để thống nhất kế hoạch thực tập sư phạm;

c. Lập danh sách sinh viên được cử làm trưởng (phó) đoàn thực tập sư phạm, gửi cho các cơ sở thực tập sư phạm;

d. Ban hành các văn bản hướng dẫn thực tập sư phạm; Tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác thực tập sư phạm.

e. Thanh toán kinh phí hướng dẫn thực tập theo các hợp đồng ký kết với cơ sở thực tập sư phạm.



Điều 6. Nhiệm vụ của cơ sở thực tập sư phạm

1. Hiệu trưởng của cơ sở thực tập sư phạm ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo cơ sở thực tập sư phạm. Ban chỉ đạo cơ sở thực tập sư phạm do Hiệu trưởng làm trưởng ban, một phó hiệu trưởng hoặc bí thư Đoàn thanh niên làm phó ban, trưởng đoàn thực tập và các tổ trưởng hay nhóm trưởng chuyên môn có sinh viên thực tập làm ủy viên.

2. Ban chỉ đạo của cơ sở thực tập có nhiệm vụ:

a. Căn cứ vào Quy chế thực tập sư phạm của Trường Đại học sư phạm, căn cứ vào điều kiện thực tế của nhà trường, lập kế hoạch thực tập sư phạm; chỉ đạo thực hiện, đôn đốc và kiểm tra toàn diện các hoạt động thực tập tại cơ sở thực tập sư phạm;

b. Ban hành nội quy của cơ sở thực tập sư phạm phù hợp với tình hình cụ thể;

c. Đón tiếp sinh viên, tạo mọi điều kiện thuận lợi về thủ tục và giới thiệu về nơi ăn, ở, nơi tập giảng cho sinh viên;

d. Cử giáo viên có năng lực sư phạm, có kinh nghiệm và có tinh thần trách nhiệm hướng dẫn thực tập sư phạm;

e. Quản lý sinh viên trong thời gian thực tập tại cơ sở thực tập sư phạm;

g. Đánh giá sinh viên khi kết thúc đợt thực tập sư phạm;

h. Hoàn tất hồ sơ thực tập sư phạm;

i. Thực hiện kỷ luật sinh viên theo Điều 23 của Quy chế này.

Điều 7. Tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn của giáo viên hướng dẫn thực tập

1. Tiêu chuẩn của giáo viên hướng dẫn thực tập sư phạm:

a. Giáo viên hướng dẫn thực tập sư phạm phải đạt tiêu chuẩn nhà giáo quy định tại Khoản 2, Điều 70 của Luật Giáo dục 2005, thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội XI. Chú ý cử các giáo viên có uy tín trong việc hướng dẫn thực tập sư phạm.

b. Có kinh nghiệm giáo dục ít nhất giảng dạy từ 3 năm trở lên.

2. Nhiệm vụ và quyền hạn của giáo viên hướng dẫn thực tập sư phạm:

a. Coi việc hướng dẫn sinh viên sư phạm thực tập là nghĩa vụ tham gia vào quá trình đào tạo giáo viên;

b. Nêu cao tinh thần gương mẫu, ý thức trách nhiệm, tôn trọng và tạo điều kiện cho sinh viên phát huy tinh thần sáng tạo trong quá trình thực tập sư phạm;

c. Giúp sinh viên tìm hiểu, nắm vững đường lối, quan điểm giáo dục của Đảng và thực tế giáo dục địa phương, làm quen với các nhiệm vụ của người giáo viên để phấn đấu trở thành giáo viên giỏi;

d. Đánh giá kết quả thực tập sư phạm của sinh viên một cách chính xác, khách quan và công bằng theo các mẫu phiếu đánh giá kèm theo Quy chế này;

e. Có quyền đề nghị ban chỉ đạo cơ sở thực tập đình chỉ hoạt động thực tập sư phạm của những sinh viên không chấp hành kỷ luật, không hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian thực tập.



Điều 8. Nhiệm vụ của sinh viên là trưởng, phó đoàn thực tập

1. Nhiệm vụ của trưởng đoàn:

a. Nhận kế hoạch và nhiệm vụ cụ thể do ban chỉ đạo thực tập sư phạm Trường giao cho; Liên hệ với các cơ sở thực tập để đưa sinh viên trong đoàn đến thực tập;

b. Tham gia vào ban chỉ đạo của cơ sở thực tập, quản lý sinh viên trong đợt thực tập;

c. Báo cáo với Ban chỉ đạo thực tập Trường Đại học Sư phạm về những tình huống đột xuất xảy ra;

d. Chuyển các tài liệu kết quả của đợt thực tập về phòng Đào tạo, chậm nhất là 10 ngày sau khi kết thúc thực tập.

2. Nhiệm vụ của phó đoàn:

a. Thực hiện các nhiệm vụ do trưởng đoàn phân công;

b. Thay mặt trưởng đoàn quản lý các hoạt động của đoàn khi trưởng đoàn vắng mặt tại cơ sở thực tập.

Điều 9. Nhiệm vụ và quyền hạn của sinh viên khi đi thực tập sư phạm

1. Nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế thực tập sư phạm, thực hiện tốt các nội dung thực tập, tuân theo sự hướng dẫn của ban chỉ đạo, của giáo viên hướng dẫn.

2. Trong thời gian thực tập sư phạm phải thực hiện các nhiệm vụ như giáo viên của cơ sở thực tập.

3. Có quan hệ tốt với cán bộ, giáo viên và nhân dân địa phương. Gương mẫu trước học sinh, nói năng, hành vi văn minh, lịch sự trước nơi đông người.

4. Có quyền khiếu nại về kết quả thực tập của bản thân và của bạn cùng đoàn thực tập (nếu cần) với Ban chỉ đạo thực tập sư phạm.

Điều 10. Đánh giá thực tập sư phạm

1. Kết quả thực tập sư phạm của sinh viên được đánh giá theo từng học phần. Mỗi học phần đều có điểm thực tập giáo dục và điểm thực tập chuyên môn.

2. Điểm thực tập giáo dục và điểm thực chuyên môn được chấm theo thang điểm 10 (từ 0 đến 10), theo các Mẫu trong phụ lục đính kèm của Quy chế này.

3. Điểm mỗi học phần là điểm trung bình cộng (theo trọng số) của điểm thực tập giáo dục và điểm thực tập chuyên môn theo quy định. Điểm học phần làm tròn đến một chữ số thập phân, sau đó được chuyển thành điểm chữ như sau:

a. Loại đạt: A (8,5 - 10) Giỏi

B (7,0 - 8,4) Khá

C (5,5 - 6,9) Trung bình

D (4,0 - 5,4) Trung bình yếu

b. Loại không đạt: F (dưới 4,0) Kém

3. Phòng Đào tạo sử dụng phần mềm quản lý đào tạo thực hiện việc chuyển từ điểm số sang điểm chữ.



Chương 2

THỰC TẬP SƯ PHẠM 1

Điều 11. Mục tiêu của thực tập sư phạm 1

Sau khi hoàn thành học phần Thực tập sư phạm 1, sinh viên phải đạt được các mục tiêu sau:

1. Hiểu được thực tế giáo dục, tiếp xúc với học sinh và giáo viên các cơ sở thực tập, qua đó hình thành tình cảm nghề nghiệp, thúc đẩy quá trình tự rèn luyện theo yêu cầu của nghề nghiệp.

2. Có những kỹ năng ban đầu về công tác chủ nhiệm lớp.

3. Hiểu được các nội dung công việc chuyên môn của người giáo viên bộ môn, có những hình ảnh ban đầu về phương pháp dạy học.

Điều 12. Nội dung thực tập sư phạm 1

1. Thực tập chuyên môn

a. Tìm hiểu nội dung công việc giảng dạy của người giáo viên, của tổ bộ môn ở một trường học;

b. Tìm hiểu về nội dung, chương trình, kế hoạch giảng dạy của cơ sở thực tập;

c. Tìm hiểu các loại hồ sơ, sổ sách lớp học; cách đánh giá, cho điểm, phân loại học lực, thể lực, hạnh kiểm của học sinh và các tài liệu hướng dẫn chuyên môn của các cấp quản lý giáo dục theo từng cấp học, bậc học, ngành học;

d. Mỗi nhóm thực tập chuyên môn dự 06 tiết giảng của giáo viên cơ sở thực tập (các môn học khác nhau); tập ghi biên bản dự giờ; tập nhận xét, rút kinh nghiệm giờ giảng.

e. Đối với sinh viên ngành Giáo dục Mầm non, nội dung thực tập chuyên môn bao gồm: tìm hiểu nội dung, chương trình nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ ở các độ tuổi và cách lập kế hoạch thực hiện chủ đề (nội dung chương trình); dự các tiết học và các hoạt động tổ chức chế độ sinh hoạt hàng ngày cho trẻ (có ghi biên bản, tập đánh giá trẻ và rút kinh nghiệm), cụ thể: 1 tuần thực tập ở độ tuổi nhà trẻ (dự 2 tiết), 2 tuần thực tập ở độ tuổi mẫu giáo (dự 4 tiết, trong đó có 3 tiết ở 3 độ tuổi khác nhau và 1 hoạt động góc).

2. Thực tập giáo dục

a. Vận dụng các kiến thức tâm lý học, giáo dục học vào thực tế;

b. Tìm hiểu cơ cấu tổ chức, nội dung công tác và tình hình thực tế của nhà trường, của địa phương thông qua việc nghe các báo cáo của cơ sở thực tập và thực tế hoạt động của nhà trường;

c. Dự các buổi sinh hoạt lớp do giáo viên chủ nhiệm chủ trì, các buổi sinh hoạt Đoàn, Đội, và các buổi sinh hoạt ngoại khoá văn thể do giáo viên chủ trì;

d. Trực tiếp tham gia làm chủ nhiệm ở một lớp: Xây dựng kế hoạch công tác chủ nhiệm cho cả đợt và từng tuần, theo dõi tình hình về đạo đức, học tập, sức khoẻ, sinh hoạt của lớp có ghi chép nhận xét và tổ chức rút kinh nghiệm;

e. Tham gia hướng dẫn các buổi sinh hoạt lớp, sinh hoạt Đoàn (hoặc Đội, Sao Nhi đồng), tổ chức các buổi lao động, văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi, tham quan, cắm trại theo đặc trưng của từng ngành học, bậc học;

g. Đối với sinh viên ngành Giáo dục Mầm non, nội dung thực tập giáo dục gồm: Tìm hiểu về tình hình nhà trường; tìm hiểu hồ sơ sổ sách của nhóm lớp, của cá nhân trẻ; vận dụng kiến thức đã học tham gia các hoạt động tổ chức quản lý trẻ trong các thời điểm trong ngày (từ lúc đón trẻ đến lúc trả trẻ).



Điều 13. Đánh giá Thực tập sư phạm 1

1. Kết quả Thực tập sư phạm 1 của sinh viên được đánh giá, xếp loại theo quy định tại Điều 10 Quy chế này.

2. Giáo viên hướng dẫn thực tập chuyên môn có trách nhiệm tổng hợp và quyết định điểm thực tập chuyên môn, ghi điểm vào Phiếu điểm thực tập chuyên môn của sinh viên (mẫu số 4), ký xác nhận, chuyển cho tổ trưởng chuyên môn (theo ngành đào tạo của sinh viên).

3. Giáo viên hướng dẫn thực tập giáo dục có trách nhiệm tổng hợp và quyết định điểm thực tập giáo dục; ghi điểm vào Phiếu điểm thực tập giáo dục của sinh viên (mẫu số 5); ký xác nhận, chuyển cho tổ trưởng chuyên môn (theo ngành đào tạo của sinh viên).

4. Tổ trưởng chuyên môn, tập hợp các phiếu điểm (mẫu số 4, mẫu số 5), ghi điểm vào Bảng điểm tổng hợp thực tập sư phạm 1 (mẫu số 6), ký xác nhận rồi chuyển cho Ban chỉ đạo cơ sở thực tập trước khi kết thúc đợt thực tập 2 ngày.

5. Ban chỉ đạo cơ sở thực tập, ký xác nhận, chuyển về ban chỉ đạo thực tập Trường Đại học Sư phạm.

6. Điểm học phần Thực tập sư phạm 1 gồm 2 loại điểm sau:

a. Điểm thực tập chuyên môn, trọng số 0,3;

b. Điểm thực tập giáo dục, trọng số 0,7.

Điều 14. Hồ sơ thực tập sư phạm 1

1. Mỗi sinh viên đi thực tập sư phạm có 01 túi hồ sơ cá nhân do ban chỉ đạo cơ sở thực tập sư phạm tập hợp, chuyển về phòng Đào tạo; lưu giữ theo chế độ lưu giữ bài thi.

2. Hồ sơ cá nhân của Thực tập sư phạm 1 gồm có:

a. Kế hoạch thực tập chuyên môn (Mẫu số 1);

b. Kế hoạch thực tập giáo dục (Mẫu số 2)

c. Báo cáo tìm hiểu thực tế giáo dục (Mẫu số 3);

d. Phiếu điểm thực tập chuyên môn (Mẫu số 4);

e. Phiếu điểm thực tập giáo dục (Mẫu số 5);

4. Hồ sơ chung của đoàn thực tập sư phạm chuyển về phòng Đào tạo Trường Đại học Sư phạm gồm:

a. Bảng điểm tổng hợp (Mẫu số 6);

b. Báo cáo tổng kết thực tập sư phạm (Mẫu số 10).
Chương 3

THỰC TẬP SƯ PHẠM 2

Điều 15. Mục tiêu của thực tập sư phạm 2

Sau khi học xong học phần Thực tập sư phạm 2, sinh viên phải đạt được các mục tiêu sau:

1. Hoàn thiện những kỹ năng về công tác chủ nhiệm lớp, công tác giáo dục, nâng cao tình cảm, đạo đức nghề nghiệp.

2. Có những kỹ năng cơ bản về soạn bài, lên lớp; tổ chức bài giảng; đánh giá kết quả học tập của học sinh.

3. Có thể lên lớp giảng bài và làm chủ nhiệm lớp một cách độc lập.

Điều 16. Nội dung thực tập sư phạm 2

1. Thực tập giáo dục:

a. Tìm hiểu tình hình giáo dục của nhà trường, của địa phương;

b. Tìm hiểu các hoạt động của tổ chuyên môn, chức năng nhiệm vụ của giáo viên, tài liệu, sổ sách lớp, hồ sơ, học bạ học sinh, các văn bản hướng dẫn chuyên môn của các cấp quản lý, phù hợp với đặc trưng của từng ngành học, bậc học;

c. Lập kế hoạch công tác chủ nhiệm lớp cả đợt và từng tuần. Theo dõi, nắm vững tình hình học tập, sức khoẻ, đạo đức của cả lớp, của các học sinh cá biệt, cũng như các hoạt động khác của lớp trong suốt thời gian thực tập, có ghi chép, nhận xét, đánh giá;

d. Hướng dẫn các buổi sinh hoạt lớp, tham gia các buổi sinh hoạt Đoàn (hoặc Đội, Sao Nhi đồng). Tổ chức các hoạt động giáo dục: lao động vui chơi, văn nghệ, thể dục, thể thao, cắm trại và kỷ niệm các ngày lễ truyền thống;

e. Đối với sinh viên ngành Giáo dục Mầm non, nội dung thực tập giáo dục gồm: Tìm hiểu về tình hình nhà trường; tìm hiểu hồ sơ sổ sách của nhóm lớp, của cá nhân trẻ; vận dụng kiến thức đã học tham gia các hoạt động tổ chức quản lý trẻ trong các thời điểm trong ngày (từ lúc đón trẻ đến lúc trả trẻ).

2. Thực tập chuyên môn:

a. Lập kế hoạch giảng dạy toàn đợt và từng tuần;

b. Dự 2 tiết dạy mẫu do giáo viên hướng dẫn hoặc giáo viên dạy giỏi thực hiện, có rút kinh nghiệm học tập;

c. Soạn ít nhất 07 giáo án; chuẩn bị đồ dùng dạy học; nộp giáo án cho giáo viên hướng dẫn chuyên môn phê duyệt ít nhất 3 ngày trước khi lên lớp.

d. Tập giảng tất cả các giáo án đã soạn (có nhóm sinh viên thực tập và giáo viên hướng dẫn tham dự). Sau mỗi giờ tập giảng có rút kinh nghiệm, đề xuất hoàn thiện bài giảng;

e. Lên lớp giảng dạy để được đánh giá 7 giáo án (đối với hệ đại học); hoặc 6 giáo án (đối với hệ cao đẳng) theo chuyên ngành đào tạo, dưới sự chỉ đạo của giáo viên hướng dẫn. Sau giờ dạy có rút kinh nghiệm, đánh giá, cho điểm. Mỗi giáo án chỉ chấm điểm 1 tiết dạy tốt nhất.

g. Sinh viên không được phép lên lớp quá 3 tiết đối với 1 giáo án; Không được lên lớp giảng dạy những nội dung không có trong kế hoạch thực tập giảng dạy.

h. Sinh viên ngành Giáo dục mầm non, thực tập 2 tuần và dạy 2 tiết ở độ tuổi nhà trẻ; thực tập 5 tuần và dạy 5 tiết ở độ tuổi mẫu giáo.

Điều 17. Đánh giá thực tập sư phạm 2

1. Kết quả Thực tập sư phạm 2 của sinh viên được đánh giá, xếp loại theo quy định tại Điều 10 của Quy chế này.

2. Giáo viên hướng dẫn thực tập giáo dục có trách nhiệm tổng hợp và quyết định điểm thực tập giáo dục; ghi điểm vào Phiếu điểm thực tập giáo dục của sinh viên (Mẫu số 5); ký xác nhận, chuyển cho tổ trưởng chuyên môn (theo ngành đào tạo của sinh viên).

3. Giáo viên hướng dẫn thực tập chuyên môn chấm điểm các tiết dạy theo từng giáo án (Mẫu số 7); ghi điểm vào Phiếu điểm thực tập chuyên môn của sinh viên (mẫu số 8), chuyển cho tổ trưởng chuyên môn (theo ngành đào tạo của sinh viên). Điểm thực tập chuyên môn là điểm trung bình chung của các tiết dạy theo từng giáo án.

4. Tổ trưởng chuyên môn, tập hợp các phiếu điểm (Mẫu số 5, Mẫu số 8); ghi điểm vào Bảng điểm tổng hợp thực tập sư phạm 2 (Mẫu số 9), ký xác nhận rồi chuyển cho Ban chỉ đạo cơ sở thực tập trước khi kết thúc đợt thực tập 2 ngày;

5. Ban chỉ đạo cơ sở thực tập, ký xác nhận, chuyển về ban chỉ đạo thực tập Trường Đại học Sư phạm.

6. Điểm học phần thực tập sư phạm 2 gồm các loại điểm sau:

a. Điểm thực tập giáo dục, trọng số 0,3;

b. Điểm thực tập chuyên môn, trọng số 0,7.

Điều 18. Hồ sơ thực tập sư phạm 2

1. Hồ sơ cá nhân của Thực tập sư phạm 2 gồm có:

a. Kế hoạch thực chuyên môn (Mẫu số 1);

b. Kế hoạch thực tập giáo dục (Mẫu số 2)

c. Báo cáo tìm hiểu thực tế giáo dục (Mẫu số 3);

d. Phiếu điểm thực tập giáo dục (Mẫu số 5);

e. Các Phiếu chấm giờ giảng (Mẫu số 7);

g. Phiếu điểm thực tập chuyên môn (Mẫu số 8).

2. Hồ sơ chung của đoàn thực tập sư phạm chuyển về phòng Đào tạo Trường Đại học Sư phạm gồm:

a. Bảng điểm tổng hợp (Mẫu số 9);

b. Báo cáo tổng kết thực tập sư phạm (Mẫu số 10).
Chương 4

TỔ CHỨC THỰC TẬP SƯ PHẠM

Điều 19. Tổ chức đoàn thực tập sư phạm

1. Tổ chức thực tập sư phạm theo một trong hai hình thức sau:

a. Hình thức thứ nhất: Sinh viên đi thực tập được theo đoàn, mỗi đoàn có số lượng, thành phần tuỳ thuộc vào từng cơ sở thực tập, từng bậc học, từng chuyên ngành đào tạo; Đợt thực tập sư phạm được tổ chức theo kế hoạch đào tạo của Trường;

b. Hình thức thứ hai: Sinh viên đi thực tập cá nhân hoặc theo nhóm (không tổ chức thành đoàn thực tập); Trường hợp này chỉ áp dụng cho những sinh viên đăng ký học vượt, học chậm tiến độ, học lại, học cải thiện (sinh viên phải nộp kinh phí thực tập sư phạm); Sinh viên muốn đăng ký thực tập sư phạm phải làm đơn nộp cho cố vấn học tập ký xác nhận rồi chuyển cho phòng Đào tạo. Sinh viên phải sắp xếp thời gian thực tập không trùng với các môn học tại Trường; Trường sẽ làm các thủ tục liên hệ cho sinh viên đi thực tập.

2. Các đoàn sinh viên, nhóm sinh viên hoặc từng sinh viên được gửi đến cơ sở thực tập hoạt động dưới sự quản lý của Ban chỉ đạo cơ sở thực tập. Trường không cử giảng viên đi hướng dẫn; trưởng đoàn thực tập (nếu có) là sinh viên do Trường cử ra để quản lý đoàn và liên hệ công tác chung.

3. Mỗi đoàn thực tập sư phạm 2, được tổ chức thành một Chi đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (lâm thời); Ban Chấp hành Đoàn Trường Đại học Sư phạm ra Quyết định thành lập chi đoàn.



Điều 20. Đăng ký thực tập sư phạm

1. Đầu mỗi kỳ học, Phòng đào tạo liên hệ với các cơ sở thực tập để xác định địa điểm thực tập; số lượng sinh viên mỗi ngành, lập kế hoạch cho sinh viên đăng ký thực tập sư phạm.

2. Sinh viên đăng ký thực tập sư phạm theo hình thức đăng ký trực tuyến trong các đợt đăng ký khối lượng học tập của kỳ học.

3. Sinh viên năm thứ ba, đến thời điểm lập danh sách thực tập sư phạm 1, phải tích luỹ được trên 66 tín chỉ.

4. Sinh viên năm thứ tư, đến thời điểm lập danh sách thực tập sư phạm 2, phải tích luỹ được trên 99 tín chỉ và phải tích luỹ được môn học tiên quyết trong chương trình đào tạo.

Điều 21. Nhóm thực tập sư phạm

1. Tại các cơ sở thực tập, đối với hình thức đi thực tập theo đoàn, Ban chỉ đạo cơ sở thực tập chia sinh viên thành các nhóm thực tập:

a. Nhóm thực tập giáo dục, gồm các sinh viên của một số ngành, mỗi nhóm có tối đa 6 sinh viên, có 1 nhóm trưởng do giáo viên hướng dẫn chỉ định.

b. Nhóm thực tập chuyên môn, gồm các sinh viên cùng ngành học, mỗi nhóm có tối đa 8 sinh viên, có 01 nhóm trưởng do giáo viên hướng dẫn chỉ định.

c. Đối với sinh viên ngành Giáo dục mầm non, nhóm thực tập giáo dục đồng thời là nhóm thực tập chuyên môn, số lượng sinh viên mỗi nhóm tối đa là 10 sinh viên.

2. Đối với những sinh viên đi thực tập không theo đoàn, ban chỉ đạo cơ sở thực tập quyết định hình thức tổ chức thực tập của sinh viên.



Điều 22. Kinh phí thực tập sư phạm

1. Kinh phí cho các hoạt động thực tập sư phạm được chi từ ngân sách của Trường Đại học Sư phạm.

2. Những sinh viên đăng ký học lại, học cải thiện phải nộp kinh phí theo định mức ở mục 3, Điều này.

3. Định mức chi cho cơ sở thực tập sư phạm:

a. Chi cho hoạt động thực tập sư phạm 1: 150.000đ/sinh viên;

b. Chi cho hoạt động thực tập sư phạm 2: 570.000đ/sinh viên.

4. Chi cho Ban chỉ đạo thực tập sư phạm của Trường Đại học Sư phạm theo Quy chế chi tiêu nội bộ.

5. Trường Đại học Sư phạm ký hợp đồng chi trả kinh phí hướng dẫn thực tập cho các cơ sở thực tập theo định mức ở Mục 3, Điều này.

6. Kinh phí thực tập của các cơ sở thực tập được chuyển vào tài khoản của trường có sinh viên đến thực tập.

Điều 23. Kỷ luật

1. Sinh viên vi phạm Quy chế thực tập sư phạm, làm ảnh hưởng đến uy tín và kết quả thực tập của đoàn sẽ bị xử lý kỷ luật.

2. Các hình thức kỷ luật đối với sinh viên:

a. Khiển trách: áp dụng đối với sinh viên vi phạm một trong các lỗi sau đây: Vắng mặt ngày đầu tiên của đợt thực tập; Vắng mặt 1/5 tổng số buổi sinh hoạt của nhóm và của đoàn; Có thái độ sai trái với giáo viên hướng dẫn và học sinh cơ sở thực tập, gây mất đoàn kết nội bộ.

b. Cảnh cáo: áp dụng đối với sinh viên vi phạm một trong các lỗi sau đây: Vắng mặt 2 ngày đầu tiên của đợt thực tập; Vắng 1/8 tổng số ngày thực tập; Bị khiển trách lần thứ hai; Vắng 1/3 tổng số buổi sinh hoạt nhóm, đoàn; Vi phạm các qui định của trường thực tập, nội quy của đoàn, hoặc không hoàn thành các công việc mà nhóm và đoàn giao cho.

c. Đình chỉ thực tập: Áp dụng đối với sinh viên vi phạm một trong các lỗi sau đây: Vắng 3 ngày đầu của đợt thực tập; Vắng 1/5 tổng số ngày thực tập; Bị cảnh cáo lần thứ hai; Vắng 2/3 tổng số buổi sinh hoạt của nhóm và đoàn; Không thông qua giáo án hoặc kế hoạch công tác chủ nhiệm; Vi phạm nghiêm trọng Quy chế thực tập sư phạm, qui định của cơ sở thực tập, nội quy của đoàn; Có hành vi sai trái, gây hậu quả nghiêm trọng đối với giáo viên và học sinh trường thực tập và nội bộ đoàn.

d. Các mức kỷ luật do Ban chỉ đạo cơ sở thực tập ra quyết định, sau đó gửi văn bản về Ban chỉ đạo thực tập của Trường.
HIỆU TRƯỞNG

PGS.TS Phạm Hồng Quang




tải về 383.51 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương