TRƯỜng đẠi học nha trang viện khoa học và CÔng nghệ khai thác thủy sảN



tải về 1.36 Mb.
trang12/20
Chuyển đổi dữ liệu18.08.2016
Kích1.36 Mb.
#22360
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   ...   20

Câu hỏi thảo luận:

1. Những nét đặc trưng cơ bản cả nghề cá ở các nước đang phát triển ở Châu Phi, Châu Á và Nam Mỹ.

2. Vai trò của FAO trong sự phát triển của nghề cá các nước ở ở Châu Phi, Châu Á và Nam Mỹ.

3. Sự giúp đỡ của các nước công nghiệp cho sự phát triển nghề cá của các nước đang phát triển ở Châu Phi, Châu Á và Nam Mỹ.

4. Những khó khăn của các nước đang phát triển ở Châu Phi, Châu Á và Nam Mỹ trong việc triển khai “nghề cá bền vững“.

Chương 4: NGHỀ CÁ VÀ BIỂN ĐẢO VIỆT NAM

4.1. Lịch sử phát triển và phân vùng địa lý nghề cá biển Việt Nam

4.1.1. Lịch sử phát triển nghề cá biển Việt Nam


Cũng như các nước khác trên thế giới, sự ra đời và phát triển của nghề cá nói chung và nghề cá biển nói riêng của Việt Nam, được bắt nguồn từ nhu cầu đòi hỏi về thực phẩm của người dân và nó luôn gắn liền với quá trình phát triển của xã hội qua các thời kỳ và có những nét đặc trưng riêng của nó.

Việt Nam có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sự hình thành và phát triển nghề cá biển. Với bờ biển dài trên 3.260 km từ Móng Cái thuộc tỉnh Quảng Ninh đến Hà Tiên thuộc tỉnh Kiên Giang, tiếp giáp với vịnh Bắc bộ, Biển Đông, vịnh Thái Lan và thông ra Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương. Ngoài bờ biển dài, vùng biển Việt Nam có hệ thống trên 4000 các đảo lớn đảo nhỏ và quần đảo nằm rải rác từ Bắc vào Nam, vùng quần đảo Đông Bắc vịnh Hạ Long, đến các đảo Hòn Mê, Cồn Cỏ, Phú Quý, Côn Sơn, Thổ chu, Phú Quốc. Việt Nam còn có các quần đảo xa bờ nằm trong vùng thềm lục địa như quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Một nét đặc trưng khác là Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa (8030’N đến 23032’N), khí hậu nóng ẩm. Những yếu tố về mặt hải dương và khí tượng của vùng biển đã tạo cho sự phát triển đa dạng nguồn lợi thủy sản. Theo thống kê của các nhà khoa học trong và ngoài nước, vùng biển Việt Nam có 2.038 loài cá, thuộc 198 họ, 32 bộ và trữ lượng ước khoảng 4,5 - 5 triệu tấn. Trong đó, khả năng khai thác cho phép có thể từ 1 - 1,5 triệu tấn. Bên cạnh những thuận lợi do tự nhiên mang lại, vùng biển Việt Nam cũng chịu nhiều tác động xấu của thời tiết như lụt, bão xảy ra thường xuyên có ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của nghề cá. Hàng năm, Việt Nam chịu ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới trung bình vào khoảng 10 đến 12 cơn.

Về mặt xã hội, nét đặc trưng có liên quan đến sự hình thành và phát triển nghề cá, đó là Việt Nam là một nước nông nghiệp lạc hậu. Suốt chặng đường lịch sử phát triển, dân tộc Việt Nam luôn phải đấu tranh với thiên nhiên và kẻ thù bên ngoài đến xâm lược để tồn tại và phát triển. Sự đô hộ của phong kiến, thực dân và đế quốc (Trung Quốc, Pháp, Mỹ), đã làm cho kinh tế của Việt Nam nói chung và sự phát triển nghề cá nói riêng gặp nhiều khó khăn.

Trải qua các chặng đường hình thành và phát triển của đất nước, nghề cá nước ta còn đang manh mún, nhỏ bé chưa xứng tầm với điều kiện tự nhiên đang có, điều này đòi hỏi phải có một chiến lược phát triển lâu dài và bền vững dựa trên những quy hoạch khoa học mới và hiện đại nhất. Nhìn chung, có thể xem xét sự phát triển nghề cá nước Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử sau:

4.1.1.1. Giai đoạn trước 1945


Có thể nói sự ra đời của nghề cá Việt Nam đã có từ xa xưa, khi tổ tiên người Việt lập ra nước Đại Việt. Cùng với sự phát triển của nền nông nghiệp lúa nước, nghề chăn nuôi thì nghề cá cũng được hình thành và phát triển cho đến những năm cuối của thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp xâm lược và đô hộ Việt Nam. Suốt quá trình từ năm 1897 đến trước năm 1945, thực dân Pháp cũng đã có một số chính sách trong việc nghiên cứu và phát triển nghề cá Việt Nam.

Năm 1918, Toàn quyền Pháp đã ra quyết định thành lập Viện Khoa học Đông dương, trong đó đặt vấn đề nghiên cứu về thủy sản. Năm 1922, Viện Hải dương học Nha Trang ra đời nhằm nghiên cứu khảo sát các vấn đề liên quan đến biển Việt Nam. Pháp cũng đã hợp tác với một số nước trong khu vực như với Nhật Bản trong việc khảo sát nghiên cứu đánh bắt cá trong vùng biển Việt Nam v.v…

Tuy nhiên, về cơ bản sự đầu tư của thực dân Pháp cho nghề cá là không đáng kể so với tiềm năng của Việt Nam. Có được một số kết quả trong nghiên cứu khai thác là phục vụ cho lợi ích của chính quốc.

Chính vì vậy, nghề cá Việt Nam trong suốt cả quá trình lịch sử phát triển cho đến trước tháng 8 năm 1945 vẫn là nghề cá mang tính tự phát, phương pháp, công cụ đánh bắt thô sơ lạc hậu, năng suất, sản lượng khai thác rất thấp.



Theo thống kê của Pháp, từ năm 1930 đến năm 1944, sản lượng khai thác cá biển chỉ tăng khoảng 21.300 tấn (Bảng 4.1), tỷ trọng của nghề cá chiếm một phần rất nhỏ trong nền kinh tế quốc gia. Năm 1897 và sau đó đến 1945 thời Pháp bảo hộ, sự phát triển nghề cá là không đáng kể, rất nhỏ bé và manh mún. Viện Hải dương học Nha Trang được xây dựng năm 1922, có sự hợp tác nghiên cứu của nhiều nhà khoa học của Pháp và Việt Nam với Nhật Bản, Trung Quốc, đạt được những kết quả đáng kể vào nghề cá Việt Nam.

Bảng 4.1 Sản lượng khai thác cá biển Việt Nam từ năm 1930 đến 1944

TT

Năm

Sản lượng cá biển (tấn)

1

1930

105.900

2

1935

110.200

3

1939

120.600

4

1940

119.800

5

1944

127.200

Tổng

583.700

Bảng 4.2 Tỷ trọng nghề thủy sản trong nền kinh tế

TT

Lĩnh vực hoạt động

Năm 1931 (%)

Năm 1938 (%)

1

Nông nghiệp

50,0

50,0

2

Chăn nuôi, rừng, thủy sản

17,0

12,5

3

Sản xuất kỹ nghệ

14,0

22,0

4

Dịch vụ phi sản xuất

13,5

10,5

5

Thủ công nghiệp

5,5

5,0

4.1.1.2. Giai đoạn từ 1945 đến 1954


Đây là thời kỳ Việt Nam đã giành được độc lập, song lại phải tiếp tục cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp quay trở lại xâm lược lần thứ hai. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng nhà nước Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã quan tâm xây dựng, phát triển nền kinh tế, đặc biệt là nông nghiệp, thủy sản để đảm bảo nguồn lương thực, thực phẩm cho nhân dân và hậu cần cho quân đội đánh Pháp. Nhiều chủ trương, đường lối cùng chính sách khuyến khích ngư dân sắm thêm thuyền nghề, mở rộng vùng đánh bắt … được triển khai thực hiện.

Nhiều vùng nghề truyền thống được khôi phục và từng bước phát triển như nghề vây đôi, lưới rê ở miền Bắc, lưới kéo, lưới vây ở miền Trung v.v.

Tuy nhiên, do còn phải tiến hành cuộc chiến đấu dài tới 9 năm nên chưa thể phát triển sản xuất nói chung và nghề cá nói riêng vì gặp quá nhiều khó khăn, mọi cố gắng đều dồn vào cuộc chiến. Bởi vậy, nghề cá Việt Nam giai đoạn này vẫn chưa thoát khỏi sự lạc hậu về mặt kỹ thuật và phương tiện đánh bắt, chưa có bất kỳ một sự đầu tư về đào tạo cũng như cơ sở hạ tầng dịch vụ phục vụ cho nghề cá.

4.1.1.3. Giai đoạn từ 1954 đến 1975


* Ở miền Bắc:

Năm 1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, một nửa đất nước được hoàn toàn giải phóng và tiến hành khôi phục nền kinh tế sau những năm chiến tranh, thực hiện công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Nhiều chủ trương, đường lối được cho là đúng đắn của Đảng, Chính phủ trong khôi phục và phát triển kinh tế đã mang lại những hiệu quả tương đối tích cực, đặc biệt đối với ngành thủy sản nói chung và nghề khai thác cá biển nói riêng.

Về quan hệ sản xuất sau cải cách ruộng đất vào những năm 1955-1956, Nhà nước đã tiến hành cho xây dựng các tổ, đội và hợp tác xã nghề cá ở các tỉnh ven biển, tạo những điều kiện hết sức thuận lợi cho ngư dân phát triển nghề nghiệp. Chủ trương phát triển nghề lộng, mở rộng nghề khơi, mở thêm nhiều nghề đánh cá quanh năm, đã trở thành định hướng cho sự phát triển nghề khai thác cá biển trong giai đoạn này. Ngư dân các vùng ven biển đã tích cực củng cố, phát triển các nghề truyền thống như nghề lưới vây, nghề lưới rê, nghề lưới mành, nghề lưới vó, nghề lưới kéo (giã cào), nghề câu và một số nghề cố định ven bờ, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đánh bắt (sử dụng nguồn sáng trong đánh cá kết hợp ánh sáng như vó đèn, mành đèn v.v.).

Để đảm bảo nghề cá Việt Nam phát triển với quy mô lớn mang tính công nghiệp, nhiều hợp tác quốc tế về nghề cá được ký kết giữa Việt Nam với Trung Quốc và Liên Xô và nhiều quốc gia khác trong khối Vac-sa-va.... Nhiều cơ sở nghiên cứu và đào tạo được thành lập để cung cấp đội ngũ những nhà quản lý và điều hành chuyên ngành thủy sản cho đất nước.

Mặt khác, Chính phủ cũng đầu tư xây dựng các đội tàu cơ giới đánh bắt xa bờ, các đoàn tàu đánh cá quốc doanh được thành lập và xây dựng ở các tỉnh có nghề cá trọng điểm như Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Quảng Bình v.v. với nghề chủ đạo là lưới kéo đáy. Nghề cá nhân dân chủ yếu là thuyền buồm.

Đặc biệt, đoàn tàu đánh cá Hạ Long Hải Phòng là con chim đầu đàn của nghề cá biển mang tính công nghiệp của Việt Nam. Ở đây được trang bị những con tàu đánh cá hiện đại có công suất từ 100CV đến 1000CV, cùng với cơ sở hậu cần, kho lạnh, xưởng lưới, nhà máy chế biến, hệ thống cầu cảng tân tiến nhất thời bấy giờ.

Về quản lý Nhà nước, từ Cục Ngư nghiệp - Bộ Nông nghiệp, năm 1960 Chính phủ đã có quyết định thành lập Tổng Cục Thủy sản để lãnh đạo ngành Thủy sản. Trong giai đoạn này do có chiến tranh hai miền nên hiệu quả sản xuất của các doanh nghiệp Thủy sản không được quan tâm đúng mức, nhiệm vụ chủ yếu là cung cấp thực phẩm cho đất nước.

Có thể nói rằng với truyền thống và kinh nghiệm của ngư dân và sự quan tâm đầu tư của nhà nước đã tạo cho nghề đánh cá của miền Bắc Việt Nam giai đoạn này phát triển tương đối mạnh mẽ, kể cả trong những năm tháng chiến tranh phá hoại của Mỹ và chế độ Việt Nam Cộng hòa.

Cho đến những năm 1975, nghề cá biển miền Bắc Việt Nam đã hình thành một cơ cấu tương đối hoàn thiện về hoạt động đánh bắt, cơ sở dịch vụ hậu cần và công nghệ chế biến sản phẩm cá và thủy sản khác không phải cá.

Theo con số thống kê chính thức, sản lượng đánh bắt của nghề cá miền Bắc Việt Nam từ năm 1955 đến năm 1971 được trình bày trong bảng 4-3.



Bảng 4.3 Sản lượng khai thác của miền Bắc Việt Nam từ 1955 đến 1971

Năm

1955

1956

1957

1958

1959

1962

1967

1969

1970

1971

Sản lượng

khai thác ( 103 tấn)


94,0

119,6

129,4

156

205,5

288,7

200

250

300

300


* Ở miền Nam:

Sự phát triển ngư nghiệp của miền Nam không được lưu giữ đầy đủ, song qua những gì còn sót lại, cho thấy sự phát triển của các Công ty Thủy sản tư nhân là rất đáng kể, nơi đây đã từng xuất khẩu thủy sản sang Nhật và Mỹ còn cao hơn Thái Lan. Hầu hết tàu đánh cá đều có lắp động cơ.


4.1.1.4. Giai đoạn từ năm 1975 đến cuối thế kỷ XX


Năm 1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước được thống nhất, giang sơn thu về một mối, đây là sự kiện lịch sử có ý nghĩa ý nghĩa trọng đại của dân tộc Việt Nam. Cùng với những thành quả đã đạt được trong sự phát triển nghề cá ở miền Bắc thời kỳ 1954-1975, với những kinh nghiệm và cơ sở vật chất nghề cá miền Nam sau ngày giải phóng, đã tạo cho nghề cá cả nước có được những điều kiện phát triển toàn diện, theo kết quả điều tra thống kê những năm cuối thập kỷ 70 Việt Nam có khoảng 33.000 tàu thuyền gắn máy (chủ yếu là miền Nam) và 16.602 thuyền buồm (chủ yếu miền Bắc) với 228.000 lao động nghề cá, khai thác đạt chừng 558.000 tấn.

Về quản lý Nhà nước, Chính phủ quyết định đổi tên và nâng cấp từ Tổng Cục Thủy Sản lên thành Bộ Hải sản 1976, và đổi tên thành Bộ Thủy sản 1981, và xóa tên Bộ Thủy sản vào năm 2008.

Năm 1981, cùng với sự chuyển đổi kinh tế nói chung, nghề cá có sự chuyển đổi rõ rệt đó là chuyển từ nghề cá quốc doanh - tập trung quan liêu, bao cấp sang nghề cá tự do - nghề cá nhân dân, đã phần nào thúc đẩy được sự phát triển của các loại nghề, sản lượng và nhất là chất lượng của nghề cá được nâng lên đã phần nào đáp ứng sự kỳ vọng của toàn dân, xuất khẩu thủy sản liên tục tăng trong các năm tiếp theo.

Bảng 4.4: So sánh sản lượng thủy sản thu được ở năm 1981 và năm 2003

Năm

Tổng sản lượng/tấn

Khai thác/tấn

Nuôi trồng/tấn

Xuất khẩu

(x 103 USD)



1981

596.356

578.356

18.000

11.200

2003

2.536.361

1.426.223

1.110.138

1.240.000

Bảng 4.5: Thống kê tàu thuyền của năm 1991 và năm 2003

Năm

Tổng số lượng tàu

thuyền (chiếc)



Thuyền

Tàu máy

Công suất (CV)

1991

44.347

30.284







2003

8.258 tàu khai thác xa bờ




83.123

3.497.457

4.1.2. Giai đoạn từ đầu thế kỷ XXI đến nay


Theo thống kê của Bộ NN & PTNT, tính đến hết năm 2011 cả nước có tổng số tàu thuyền nghề cá là 126.458 chiếc, trong đó tàu có công suất máy trên 90 CV: 24.970 chiếc, chiếm tỷ lệ 19,7%; tàu có công suất từ 20 CV đến 90 CV: 39.457 chiếc, chiếm tỷ lệ 31,2%; tàu có công suất dưới 20 CV: 62.031 chiếc, chiếm tỷ lệ 49,1%; có trên 4.200 tổ, đội sản xuất trên các vùng biển xa bờ với trên 25.200 tàu thuyền tham gia, chủ yếu là các tàu cá làm nghề câu, rê, vây, kéo... Số lượng lao động có khoảng 850.000 người trực tiếp khai thác thủy sản.

- Vỏ tàu: hầu hết tàu của ngư dân là tàu vỏ gỗ, một số tàu vỏ gỗ bọc composit, một số doanh nghiệp có tàu vỏ composit và tàu vỏ sắt.

- Máy tàu: chủ yếu là máy nhập khẩu của các nước, có đến 35 hãng chế tạo máy như Nhật Bản, Mỹ, Đức, Trung Quốc... nhiều tàu lắp máy đã qua sử dụng, một số lắp máy ô tô cải hoán.

- Trang thiết bị hàng hải: Các tàu khai thác hải sản xa bờ trang bị máy định vị vệ tinh, máy đo sâu dò cá, máy dò ngang, máy bộ đàm liên lạc tầm xa, rađa hàng hải; các tàu khai thác ven bờ chỉ trang bị la bàn, máy liên lạc tầm gần, còn máy thu định vệ tinh ít được trang bị. Các trang bị cứu sinh, cứu hỏa, cứu thủng còn thiếu.

- Thiết bị khai thác: Các tàu cá ngư dân thao tác đánh bắt chủ yếu là lao động thủ công bán cơ giới; một số tàu có trang bị máy thu lưới, máy thu câu nhưng nhìn chung mức độ cơ giới hóa còn thấp. Bảo quản sản phẩm sau thu hoạch chất lượng còn thấp cho nên giá thành sản phẩm không cao. Các điều kiện ăn ở, sinh hoạt trên tàu còn nhiều thiếu thốn, chưa bảo đảm an toàn - vệ sinh lao động.

4.1.2.1. Về cơ cấu nghề nghiệp


Cả nước hiện có trên 20 loại nghề khác nhau, trong đó có 5 họ nghề chính sau:

Nghề lưới kéo chiếm 37,5%; nghề lưới rê chiếm 20,2%; nghề câu chiếm 20,5%; nghề lưới vây chiếm 14,3%; các nghề khác chiếm 7,5%.


4.1.2.2. Về cơ sở hạ tầng và dịch vụ phục vụ ngành khai thác hải sản


Hiện có khoảng 700 cơ sở đóng, sửa chữa tàu cá, khả năng đóng mới của các cơ sở này khoảng 4.000 chiếc/năm, sửa chữa 10.000 chiếc/năm nhưng chỉ ở quy mô nhỏ, phần lớn tàu được đóng theo mẫu dân gian, vỏ gỗ, tuổi thọ và chất lượng của tàu còn nhiều hạn chế.

Có 79 cảng cá, bến cá, khu trú bão cho tàu thuyền trong cả nước, tuy nhiên các cảng cá, bến cá này nhiều nơi hoạt động chưa hiệu quả, chưa khai thác hết công suất, đầu tư chưa đồng bộ.

Năm 2011 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1349/QĐ-TTg (ngày 9/8/2011) về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá được xây dựng thành một hệ thống, trên cơ sở lợi dụng tối đa các địa điểm có điều kiện tự nhiên thuận lợi, gần các ngư trường, vùng biển có tần suất bão cao, phù hợp tập quán của ngư dân, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra, đồng thời, chú trọng, xây dựng khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá ở hải đảo, nhất là những đảo tiền tiêu của Tổ quốc, đảo có vị trí quan trọng về hậu cần dịch vụ nghề khai thác xa bờ;...

Hệ thống các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá được quy hoạch và xây dựng tại các tỉnh, thành phố ven biển và một số đảo. Thời gian quy hoạch đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng, hoặc cấp tỉnh, thành phố.

Hệ thống các khu neo đậu được phân loại theo hai mức: khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng và khu neo đậu tránh trú bão cấp tỉnh, thành phố.

Trong đó, khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng phải đáp ứng đủ các điều kiện như: gần ngư trường trọng điểm, tập trung tàu cá của nhiều tỉnh; vùng biển có tần suất bão cao; có điều kiện tự nhiên thuận lợi, đảm bảo an toàn cho tàu cá neo đậu tránh trú bão và có khả năng neo đậu được khoảng 800 - 1.000 tàu cá các loại trở lên, kể cả loại tàu có công suất 1.000 CV và tàu cá nước ngoài.

Đến năm 2020, có 131 khu neo đậu tránh trú bão.

Về tổng thể, đến năm 2020, cả nước sẽ có 131 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá với năng lực đáp ứng chỗ neo đậu cho 84.200 tàu. Trong đó, tuyến bờ có 115 khu neo đậu, tuyến đảo có 16 khu neo đậu.

Dự kiến đến năm 2030 năng lực đáp ứng chỗ neo đậu tránh trú bão của các khu neo đậu ổn định như năm quy hoạch 2020. Các khu neo đậu được hình thành với cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, hệ thống thông tin liên lạc tại các khu neo đậu được tự động hóa, tin học hóa nhằm đạt trình độ hiện đại ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực.

Hầu hết các khu neo đậu có kết hợp với cảng cá sẽ là những trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá đồng bộ. Những khu neo đậu gắn với cảng cá loại I sẽ là những trung tâm công nghiệp nghề cá.

Để thực hiện quy hoạch này, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020 là 11.230 tỷ đồng.

4.1.2.3. Lao động nghề cá, tổ chức khai thác


Tổng số dân trong 115 huyện, thị xã ven biển khoảng 17 triệu người, chiếm 20% dân số cả nước. Trong đó, số dân sinh sống bằng nghề khai thác hải sản chiếm khoảng 580.000 người.

Lao động nghề cá chủ yếu theo tính chất cha truyền con nối, trình độ học vấn thấp, rất hạn chế trong phát triển quy mô nghề cá công nghiệp.

Về tổ chức khai thác: chủ yếu là nghề cá quy mô nhỏ, khai thác ven bờ, hình thức sở hữu tư nhân là chính. Gần đây đã hình thành nhiều chủ tàu với số lượng 5-10 chiếc, đây là đội ngũ cần khuyến khích giúp đỡ để họ đi tiên phong trong việc thực hiện chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa nghề cá.

Những người dân dựa vào nguồn tài nguyên ven biển để nuôi sống họ hàng ngày, giống như hệ sinh thái tài nguyên khác, vùng ven biển Việt Nam hiện đang bị đe doạ bởi một số vấn đề cấp bách: đánh bắt quá mức, ô nhiễm và việc sử dụng các phương pháp đánh bắt bất hợp pháp, phá rừng ngập mặn để nuôi trồng không có quy hoạch, góp phần làm cho môi trường sống và các hệ sinh thái ven biển suy thoái nhanh.

Nghề cá Việt Nam là nghề cá quy mô nhỏ với trên 80% tàu thuyền hoạt động ở các vùng nước gần bờ mà vùng nước này chỉ chiếm khoảng 11% diện tích vùng đặc quyền kinh tế. Như vậy áp lực khai thác vùng gần bờ rất cao làm cho nguồn lợi vùng gần bờ suy giảm nghiêm trọng do không đủ thời gian phục hồi.

Hiệu quả kinh tế của các hoạt động khai thác hải sản bị giảm sút chủ yếu do giá nhiên liệu tăng, công nghệ bảo quản sản phẩm sau thu hoạch còn lạc hậu.

Đại bộ phận dân cư sống ở khu vực ven biển là các ngư dân nghèo, trình độ học vấn cũng như hiểu biết về khoa học kỹ thuật còn thấp, không đủ khả năng đầu tư, tiếp cận công nghệ mới, vì vậy việc chuyển đổi nghề nghiệp từ khai thác hải sản gần bờ sang xa bờ và các ngành nghề khác gặp nhiều khó khăn.

Các chính sách, quy định của pháp luật tuy đã ban hành và phổ biến xuống ngư dân nhưng do nhận thức của ngư dân về phát triển bền vững còn hạn chế nên tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác vẫn diễn ra ở rất nhiều địa phương.

Việc phân cấp trong quản lý vùng biển giữa các ngành, các cấp và các bên liên quan chưa rõ ràng, dẫn đến việc nguồn lợi hải sản trở thành "đối tượng tiếp cận tự do".

4.1.2.4. Các vấn đề liên quan tới bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi thuỷ sản


Đối với ngành khai thác hải sản, mục tiêu chính là đánh bắt được sản lượng cao nhưng phải duy trì được sản lượng ấy từ năm này qua năm khác, không làm ảnh hưởng đến nguồn lợi cũng như hệ sinh thái. Trong thực tế, ngành khai thác hải sản của nước ta đang phải đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn cần phải giải quyết như:

a) Về mặt xã hội:

- Ngư dân còn nghèo, có trình độ học vấn thấp, nhận thức về bảo vệ môi trường còn hạn chế dẫn đến sử dụng các ngư cụ phạm pháp, không chọn lọc, gây cản trở đến quá trình phát triển bền vững.

- Vùng biển chưa được phân cấp quản lý, do đó dẫn tới ngư dân chỉ tính đến lợi nhuận trước mắt với mục tiêu đánh bắt càng nhiều càng tốt.

- Hiện tượng các tàu có công suất lớn vẫn thường xuyên khai thác ở vùng biển gần bờ gây xung đột với nghề cá gần bờ và làm suy giảm nguồn lợi vùng ven bờ.

- Mâu thuẫn giữa nghề khai thác và du lịch liên quan tới việc sử dụng các khu bảo tồn biển.

- Số vụ tai nạn trên biển vẫn còn xảy ra do tàu thuyền công suất nhỏ, thiếu các trang bị an toàn.

- Sự suy giảm nguồn lợi vùng ven bờ đe dọa đến khả năng phục hồi nguồn lợi và sinh kế của cộng đồng ngư dân.

b) Về mặt kinh tế:

- Đầu tư khai thác xa bờ nhằm giảm áp lực khai thác vùng ven bờ đang gặp nhiều khó khăn vì chi phí sản xuất ngày càng tăng (chủ yếu là giá xăng dầu), tổ chức sản xuất còn nhiều yếu kém dẫn đến hiệu quả khai thác không ổn định, nhiều đội tàu bị thua lỗ, nằm bờ dài ngày.

- Giá sản phẩm khai thác không cao bởi nhiều nguyên nhân mà trong đó chủ yếu là do chất lượng của sản phẩm chế biến từ sản phẩm khai thác thường chỉ là các sản phẩm sơ chế có giá trị thấp.
c) Về nguồn lợi:

- Nguồn lợi ven bờ đang suy giảm mạnh do áp lực khai thác vùng biển ven bờ đã quá mức.

- Ngư dân vẫn còn sử dụng các phương pháp khai thác hủy diệt, đe dọa nghiêm trọng đến khả năng tái tạo nguồn lợi.

- Sự gia tăng về cường lực khai thác một cách quá mức mà không có cơ sở khoa học cho sự quản lý đã dẫn đến áp lực khai thác với cường độ mạnh tại các vùng khai thác đang ảnh hưởng rất lớn đến khả năng hồi phục của nguồn lợi, làm giảm đáng kể diện tích nhiều hệ sinh thái quan trọng như (rạn san hô, cỏ biển...)

- Việc mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản làm phá hủy các hệ sinh thái rừng ngập mặn và đât ngập nước... (là nơi cư trú và sinh trưởng của các loài thủy sản)

- Đa dạng sinh học đang bị tổn hại, đặc biệt đối với một số loài có giá trị.

d) Về thể chế chính sách và quản lý nghề cá

- Đầu tư cho công tác bảo vệ và quản lý tài nguyên thủy sản còn hạn chế.

- Trữ lượng và khả năng khai thác nguồn lợi chưa được đánh giá một cách có quy mô và liên tục, số liệu về sản lượng khai thác rất khó đánh giá, dẫn đến việc ra các quyết định quản lý định mức khai thác bền vững gặp nhiều khó khăn.

- Năng lực quản lý nghề cá cùng với việc tiếp cận công tác đồng quản lý còn yếu.

- Thiếu sự gắn kết giữa việc ra các quyết định quản lý và nhu cầu phát triển bền vững.

- Quản lý nhà nước về công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản còn yếu và chưa được phân cấp quản lý các vùng nước cho các cấp.

Hiện nay, nhiều loại thủy sản đã trở thành đối tượng nuôi trồng, nhưng quan trọng hơn cả là tôm. Nghề nuôi tôm nước lợ (tôm sú, tôm he,.) và tôm càng xanh phát triển mạnh. Năm 1998 có 524.500,9 ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản, đến 2000 tăng lên 641.874,1ha và năm 2007 là 904.900ha, riêng đồng bằng sông Cửu Long chiếm 72% tổng diện tích nuôi trồng cả nước. Kỹ thuật nuôi tôm từ quảng canh chuyển sang quảng canh cải tiến, bán thâm canh và thâm canh. Việc sản xuất tôm giống, chế biến thức ăn cho tôm từ nguyên liệu địa phương, phòng trị bệnh cho tôm ngày càng được phổ biến. Năm 1998, cả nước thu hoạch 285.626 tấn cá và 54.853 tấn tôm, năm 2007: 696.953 tấn cá và 368.596 tấn tôm, trong đó tỉnh có sản lượng tôm cá nuôi lớn nhất nước là Cà Mau: 27,6% sản lượng tôm cả nước và tỉnh nuôi nhiều cá nhất là An Giang: 21,6% sản lượng cá cả nước.

Các loại đặc sản cũng đang được chú trọng nuôi trồng là cua lột, ba ba, ếch, ngọc trai, sò, rong câu chỉ vàng. Ở dọc các sông suối, nghề nuôi cá lồng đang phát triển. Nhiều vùng trũng ở đồng bằng được khoanh vùng quy hoạch, cải tạo để nuôi cá và thủy đặc sản. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm sản xuất cá, trong đó dẫn đầu cả nước là An Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ.

Nhờ phát triển nuôi trồng thủy sản mà cơ cấu sản xuất công nghiệp ở nhiều vùng đã chuyển đổi theo hướng tiến bộ, tài nguyên được sử dụng hợp lý hơn, thu nhập của người nông dân tăng lên nhiều. Thủy sản là một trong năm mặt hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam với tổng giá trị xuất khẩu hàng năm trên 1 tỷ USD (trong đó 2/3 là tôm đông lạnh) và có mặt trên thị trường của 25 nước và là một trong mười nước lớn nhất thế giới về xuất khẩu thủy sản. Tuy nhiên, thủy sản Việt Nam mới chỉ chiếm 19,7% tổng giá trị sản lượng nông - lâm - ngư và 4% GDP (2006), chứng tỏ ngành thủy sản vẫn chưa phát triển tương xứng với quy mô lãnh hải và mặt nước nội địa.

Có thể nói nghề cá biển Việt Nam hiện nay đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, và nó đã trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của nền kinh tế quốc dân. Quan hệ sản xuất bước đầu được đổi mới và hoàn thiện, trang bị cơ sở vật chất cho nghề cá ngày càng hiện đại, vùng đánh bắt được mở rộng v.v… đã tạo cho sản lượng đánh bắt ngày càng tăng, chất lượng sản phẩm của nghề cá ngày một được nâng lên, đáp ứng yêu cầu của thị trường nội địa và xuất khẩu.

Hiện nay, cả nước có trên 28 tỉnh, thành có hoạt động nghề cá, với một hệ thống cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá bao gồm 115 cảng cá và bến cá, các cơ sở sửa chữa đóng mới tàu thuyền, nhà máy chế biến, nhà máy nước đá và cấp đông hiện đại với khoảng hơn 3 triệu lao động nghề cá phân bố dọc theo chiều dài đất nước. Đây chính là cơ sở vật chất to lớn đảm bảo cho sự phát triển nghề cá, đặc biệt là nghề đánh cá xa bờ theo hướng công nghiệp hiện đại mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 8, 9 và 10 đã đề ra.

Tuy nhiên, nghề cá Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều bất cập và chưa đạt đến chuẩn của khu vực và thế giới, sự lãng phí trong đầu tư xây dựng hạ tầng nghề cá rất lớn, lao động nghề cá hầu hết là chưa được đào tạo, huấn luyện, đặc biệt là lực lượng lao động nghề cá đi làm việc ở nước ngoài (xuất khẩu lao động nghề cá). Ngoài ra, việc nghiên cứu cơ bản về ngư trường, nguồn lợi và công tác dự báo ngư trường vẫn còn nhiều mặt hạn chế, cần phải quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa.



Каталог: Portals
Portals -> Phan Chau Trinh High School one period test no 2 Name: English : 11- time : 45 minutes Class: 11/ Code: 211 Chọn từ hoặc cụm từ thích hợp A, B, C, d để điền vào chỗ trống trong đoạn văn sau
Portals -> PHẦn I: thông tin cơ BẢn về ĐẠi hàn dân quốc và quan hệ việt nam-hàn quốc I- các vấN ĐỀ chung
Portals -> Năng suất lao động trong nông nghiệp: Vấn đề và giải pháp Giới thiệu
Portals -> LẤy ngưỜi học làm trung tâM
Portals -> BÀi tậP Ôn lưu huỳnh hợp chất lưu huỳnh khí sunfurơ so
Portals -> TỜ trình về việc ban hành mức thu phí tham gia đấu giá quyền sử dụng đất
Portals -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Portals -> GIẤY Ủy quyền tham dự Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2016

tải về 1.36 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   ...   20




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương