TRƯỜng đẠi học khoa học tự nhiêN ĐỖ MẠnh tuân nghiên cứu tưƠng quan bồi tụ XÓi lở BỜ biểN



tải về 371.37 Kb.
trang2/3
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích371.37 Kb.
#29960
1   2   3

Thống pleistocen

Phụ thống pleostocen dưới

  • Hệ tầng Lệ Chi ()

Trầm tích hệ tầng Lệ Chi là các thành tạo lót đáy đồng bằng Sông Hồng. Phía Tây và Tây Bắc đồng bằng Sông Hồng trầm tích của hệ tầng bao gồm các thành tạo cuội sạn tướng aluvi, phân bố trong các trũng ven rìa, tại độ sâu từ 45-50m đến 65-70m, với chiều dày thay đổi từ 5-10m đến 20-25m. Trầm tích gồm ba phần:

Phần dưới gồm cuội sạn sỏi lẫn cát thô;

Phần giữa là cát mịn trung pha cát bột, thành phần đơn khoáng;

Phần trên là các thành tạo hạt mịn gồm sét, sét bột lẫn cát mịn xám vàng, xám nhạt.

Vùng trung tâm miền võng các thành tạo hệ tầng Lệ Chi chuyển dần sang tướng lòng sông miền chuyển tiếp gồm sạn sỏi lẫn cát ở phần dưới, chuyển lên trên là các thành tạo sét, sét bột tướng bãi bồi. Tại vùng ven biển các thành tạo hệ tầng Lệ Chi là những trầm tích thuộc tướng cửa sông ven biển bao gồm cát sạn chuyển lên trên là sét, bột sét. Các thành tạo này bắt gặp ở độ sâu 70-80m đến 140m trở xuống. Chiều dày hệ tầng Lệ Chi từ 8-10m đến 35-40m với xu thế tăng dần từ Tây Bắc đến Đông Nam.

Các thành tạo hệ tầng Lệ Chi nằm phủ bất chỉnh hợp lên các thành tạo thuộc hệ tầng Vĩnh Bảo và bị các trầm tích hạt thô của hệ tầng Hà Nội phủ lên trên.



  • Hệ tầng Hà Nội (a,amQ12-3 hn)

Các thành tạo hệ tầng Hà Nội lộ chủ yếu ở vùng ven rìa Tây Bắc và Bắc đồng bằng Sông Hồng. Tại vùng lộ, trầm tích nguồi gốc aluvi-proluvi gồm 2 tập:

- Tập dưới là các thành tạo hạt khô, thành phần thay đổi từ cuội sạn sỏi xen cát thô ở ven rìa đến cát thô trung ở phần trung tâm. Độ chọn lọc mài tròn kém;

- Tập trên là các thành tạo mịn gồm cát bột, bột sét.

Vùng trung tâm đồng bằng và ven biển, các thành tạo hệ tầng Hà Nội có nguồn gốc chuyển từ sông sang sông biển, bắt gặp tại các lỗ khoan sâu tại độ sâu 80-140m trong những vùng sụt và 40-180m trong những vùng nâng. Trầm tích có xu hướng mịn dần từ dưới lên với 2 tập:

- Tập dưới là các thành tạo aluvi gồm cát sạn lẫn cuội nhỏ thành phần chủ yếu là thạnh anh, mài tròn trung bình, chuyển dần lên cát hạt trung mịn màu xám sáng, xen kẹp các tập mỏng bột sét và kết thúc bột sét, bột cát màu tím nhạt.

- Tập trên là các thành tạo sông biển với chiều dày dao động từ 5-10m đến 30-40m, bao gồm các trầm tích cát mịn trung ở dưới xen ít bột sét, chứa di tích tạo mặn lợ thuộc môi trường cửa sông ven biển, chuyển lên trên là sét, sét bột màu nâu xám, nâu gụ xen kẹp các lớp mỏng cát mịn.

Trầm tích hệ tầng Hà Nội phủ lên bề mặt bào mòn của các thành tạo hệ tầng Lệ Chi hoặc Vĩnh Bảo và bị phủ bởi các thành tạo hệ tầng Vĩnh Phúc.

Phụ thống Pleistocen trên


  • Hệ tầng Vĩnh Phúc (a, amQ13 vp)

Các trầm tích hệ tầng Vĩnh Phúc là các thành tạo của một tam giác châu cổ với sự chuyển tiếp tướng trầm tích từ nguồn gốc aluvi đến nguồn gốc biển. Các thành tạo nguồn gốc aluvi lộ ra ở vùng ven rìa phía Tây Bắc và Tây Nam tại các khu vực Hiệp Hòa, Sóc Sơn, Vĩnh Yên, Phúc Yên, Đông Anh,…

Trong vùng trung tâm các thành tạo aluvi chỉ bắt gặp trong các lỗ khoan từ độ sâu 40-50m, có khi tại độ sâu 80-85m, có chiều dày từ 5-10m đến 20-25m. Thành phần trầm tích chủ yếu là cát lẫn sạn sỏi ở phần dưới, chuyển lên trên là cát bột, bột sét màu vàng đỏ, vàng nâu loang lổ.

Trầm tích bao gồm cát hạt mịn màu xám chứa ít bột sét ở phần dưới, chuyển lên trên là các trầm tích hạt mịn sét bột, bột sét. Thành phần khoáng vật sét chủ yếu là caolinit và hydromica. Trầm tích chứa phức hệ cổ sinh và bào tử phấn hoa đặc trung cho môi trường nước lợ, ngọt lợ vùng cửa sông ven biển.

Trầm tích nguồn gốc biển của hệ tầng Vĩnh Phúc chủ bắt gặp trong các lỗ khoan sâu vùng ven biển Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình ở độ sâu từ 20-25m đến 55-60m với chiều dày từ 6-8m đến 20-25m. Thành phần chủ yếu là sét bột, bột sét xám xanh, xám ximăng. Tại một số nơi bề mặt trầm tích hệ tầng Vĩnh Phúc có màu sắc loang lổ và chứa kết vón sắt do quá trình phong hóa. Tập hợp cổ sinh và các chỉ số địa hóa môi trường phản ánh môi trường thành tạo các trầm tích này là môi trường biển.



Hệ đệ tứ - Thống Holocen

Phụ thống Holocen dưới

  • Hệ tầng Hải Hưng (Q21-2 hh)

Tầng Hải Hưng bao gồm tích tụ biển – đầm lầy (mb), tích tụ biển (m) và aluvi (a) phân bố chủ yếu ở phía Nam – Đông Nam, phía Bắc, Tây Bắc thành phố Hà Nội.

- Tích tụ biển gồm sét, sét bột xám xanh chủ yếu là hydromica – crit – kaolinit - monmorilonit phổ biến nhiều nơi trong đồng bằng ở cùng một độ cao. Nhiều khu vực lớp sét xám xanh bị phủ bởi chu kỳ aluvi Holocen muộn.

- Tích tụ biển – đầm lầy tạo lên những cảnh quan thuận lợi cho việc phát triển các mỏ than bùn dạng đẳng thước, dạng thấu kính kém triển vọng.

- Cát thành tạo nêu trên phủ dần lên tích tụ cát aluvi trong giai đoạn biển tiến Flandrian.

Chiều dày trầm tích hệ tầng Hải Hưng dao động từ 2-5m ở vùng ven rìa đến 15-20m tại vùng trung tâm đồng bằng, 20-25m tại vùng ven biển và từ 0,5-1m độ sâu 25-30m ở tiền châu thổ.

Phụ Thống Holocen trên


  • Hệ tầng Thái Bình (Q23 tb)

Trầm tích hệ tầng Thái Bình hình thành từ giai đoạn cuối của thời kỳ biển lùi đến nay, gồm các thành tạo aluvi, hồ-đầm lầy ven biển, châu thổ và biển. Chiều dày trầm tích hệ tầng Thái Bình dao động từ 1-2m tại vùng ven rìa đến 15-20m tại vùng ven biển và giảm dần từ bờ ra đến độ sâu 25m nước ở tiền châu thổ.

Phần ngoài khơi, tất cả các trầm tích phủ chờm trên mặt đất bất chỉnh hợp U100 tạo thành một phức tập tầm tích tương đối đồng nhất đặc trưng cho thềm lục địa Biển Đông Việt Nam trong Pliocen – Đệ tứ. Do tính đồng nhất cao, khó định được ranh giới Pliocen và Đệ tứ vì vậy thường xếp chung trong một hệ tầng Biển Đông. Các tập trầm tích Ploicen Đệ tứ trải rộng trên toàn thềm với chiều dày tăng dần từ đới bờ ra khơi và không chịu ảnh hưởng của đứt gãy sâu các khối nhô móng kể cả địa lũy Tri Tôn. Các tập trầm tích phân giải song song gần nằm ngang hoặc hơi nghiêng về phía ngoài khơi. Thành phần trầm tích bao gồm chủ yếu là vật liệu lục nguyên hạt mịn chưa gắn kết: cát, bột, sét, với sự ưu thế của bùn sét và đôi nơi có bùn vôi.

Độ dày của các thành tạo Pliocen và Đệ tứ tăng dần từ đới bờ về phía sườn lục địa từ 40-50m đến 400-500 và hơn nữa.

Hình 1. 3. Cột địa tầng trầm tích Đệ tứ đồng bằng sông Hồng

1.7.2. Đặc điểm kiến tạo

Vùng nghiên cứu thuộc trũng Sông Hồng, hình thành và phát triển trong Kainozoi. Trũng kiến tạo Sông Hồng có kiến trúc 2 tầng: tầng móng và tầng phủ.



  • Tầng móng

Tầng móng được cấu tạo từ các thành tạo trước Kainozoi, có tuổi từ Proterozoi đến Mesozoi. Các thành tạo móng đã trải qua nhiều pha biến dạng, bị các hệ thống đứt gãy sâu phân cắt ra các khối, chuyển động thẳng đứng với tốc độ khác nhau. Trong phạm vi trũng Sông Hồng các thành tạo móng lộ ra ở một vài nơi dưới dạng các đồi nhỏ: đá phiến thạch anh-mica, migmatit, đá phiến mica, gneis biotit dạng mắt thuộc phức hệ Sông Hồng lộ thành chỏm nhỏ ở núi Gôi; đá vôi màu xám, đá vôi màu xám sáng xen sét vôi thuộc hệ tầng Đồng Giao lộ ra ở Yên Mô, Yên Khánh. Ở trung tâm, các thành tạo móng chìm sâu đến 4000m.

  • Tầng phủ

Tầng phủ được cấu tạo từ các thành tạo có tuổi Paleogen, Neogen và Đệ tứ, gồm các tổ hợp thạch kiến tạo:

  • Tổ hợp thạch kiến tạo Paleogen-Miocen: trầm tích lục địa. Tổ hợp thạch kiến tạo được đặc trưng bởi các thành tạo thuộc hệ tầng Phù Tiên (E2pt), Đình Cao (E3đc), và hệ tầng Phong Châu (N11pch). Các thành tạo chủ yếu là cuội, sạn, cát, bột có chứa ít than nâu, được hình thành trong điều kiện lục địa, trong giai đoạn đầu hình thành trũng Sông Hồng.

  • Tổ hợp thạch kiến tạo Miocen trung-thượng: trầm tích lục địa và biển nông ven bờ. Tổ hợp thạch kiến tạo đặc trưng bởi các thành tạo thuộc hệ tầng Phủ Cừ (N21pc) và hệ tầng Tiên Hưng (N13th). Thành phần thạch học gồm cát kết hạt mịn đến trung, xen lớp, có chứa ít than nâu thuộc tướng biển vùng ven bờ và tướng đầm lầy. Các thành tạo được hình thành trong điều kiện bồn trũng đã mở rộng.

  • Tổ hợp thạch kiến tạo Pliocen-Đệ tứ: Tổ hợp có cấu tạo nhịp đặc trưng và được chia làm 3 phụ nhịp:

    • Phụ nhịp dưới (hệ tầng Vĩnh Bảo N2vb): đặc trưng bởi cát kết hạt nhỏ đến thô, xen bột kết và sạn kết.

    • Phụ nhịp giữa bao gồm các hệ tầng Lệ Chi, Hà Nội và Vĩnh Phúc. Các thành tạo này có cấu tạo nhịp rõ, cụ thể là mỗi nhịp bắt đầu bằng tướng trầm tích sông-sông biển và kết thúc bằng trầm tích biển.

    • Phụ nhịp trên: các trầm tích Holocen. Các thành tạo thuộc phụ nhịp này được hình thành vào thời kỳ biển tiến Fladrian, chiếm một không gian rộng và lộ trên bề mặt. Thành phần thạch học đặc trưng cuội kết, cát kết, sét bột kết tướng sông, sông hồ, biển, biển gió.

Căn cứ vào đặc điểm kiến trúc, trũng Sông Hồng được chia ra các khối (Hình 1.4):

    • Khối nâng tân kiến tạo và kiến tạo hiện đại: khối rìa đông bắc và khối rìa tây nam.

    • Khối sụt tân kiến tạo: khối này có ranh giới với khối nâng rìa đông bắc bằng đứt gãy sâu Sông Lô và ranh giới với khối nâng rìa tây tây nam bằng đứt gãy sâu Sông Hồng.

Mặt móng của trũng có độ sâu tăng từ rìa vào trung tâm. Trong tân kiến tạo, trung tâm sụt lún nằm trong giới hạn hai đứt gãy Sông Lô và Sông Chảy. Trong Đệ tứ, trung tâm sụt lún lui dần về phía tây nam (nằm trong giới hạn hai đứt gãy Vĩnh Ninh và Sông Chảy).

Trũng Sông Hồng nằm trên ranh giới giữa hai địa khối: địa khối Nam Trung Hoa và Sundaland. Quá trình phát triển trũng Sông Hồng gắn liền với quá trình hoạt động của đới đứt gãy Sông Hồng. Các thành tạo móng và tầng phủ trong Kainozoi đã trải qua 2 pha biến dạng: pha sớm Oligocen-Miocen với đặc trưng trục nén ép σ1 có hướng đông tây, các đứt gãy sâu phương TB-ĐN chuyển động theo cơ chế trượt bằng trái; pha muộn Pliocen-Đệ tứ với đặc trưng trục nén ép σ1 có hướng á kinh tuyến, các đứt gãy sâu phương TB-ĐN chuyển động theo cơ chế trượt bằng phải.

Phạm vi vùng nghiên cứu với diện tích nhỏ nằm gối lên hai khối: khối nâng rìa tây nam và khối sụt trung tâm. Bởi vậy, lịch sử kiến tạo của vùng nghiên cứu gắn liền với lịch sử phát triển của trũng Sông Hồng và bị phức tạp hóa bởi vận động của khối nâng và khối sụt [14].



Hình 1. 4. Mặt cắt theo tài liệu lỗ khoan thể hiện cấu tạo khối tăng, sụt bậc trong Đệ tứ

Người thành lập: Chu Văn Ngợi, Lường Thị Thu Hoài [14]



CHƯƠNG 2 - LỊCH SỬ NGHIÊN CỨU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Lịch sử nghiên cứu

2.1.1. Trên thế giới

Nghiên cứu xói lở và bồi tụ đã được hầu hết các nước trên thế giới quan tâm. Ở các nước phát triển người ta đã xác định được nguyên nhân và đề xuất các giải pháp phòng chống hữu hiệu, đã dự báo tương đối chính xác diễn biến hiện tượng xói lở bồi tụ. Ở các nước đang phát triển, vấn đề trị thuỷ sông, thoát lũ cửa sông cũng rất được quan tâm nhưng do tài liệu điều tra cơ bản còn thiếu nên còn bị động trước thiên tai xói lở.

Các công trình nghiên cứu về xói lở bồi tụ bờ biển cửa sông được đăng tải trên các tạp chí định kỳ như: Journal of Coastal Research (CERF - Mỹ), Natural Disaster (Nhật). Trong nhiều chương trình, dự án quốc tế, vấn đề xói lở bồi tụ được coi là trọng tâm như Chương trình “Land Ocean Interactions in the coastal zone (LOICZ)”, chương trình APN... Hiện nay các nước Đông Nam Á đang phối hợp xây dựng mạng lưới quan trắc và từng bước triển khai dự án EA LOICZ, trong đó xói lở bờ biển cửa sông là một trong các nội dung được ưu tiên.

Nhiều nước có nền khoa học kỹ thuật biển tiên tiến trên thế giới đã áp dụng các giải pháp khác nhau nhằm ổn định vùng bờ biển như Mỹ, Nhật, Pháp, Hà Lan, Trung Quốc, Ý…Trong các giải pháp đó gồm các giải pháp phi công trình và công trình hiện nay đang tiến tới kết hợp giữa hai giải pháp này. Đến nay các nghiên cứu và giải pháp khoa học công nghệ về công trình phòng chống bồi tụ, xói lở bờ biển trên thế giới đã có nhiều thành công đáng kể, đặc biệt là các nghiên cứu chuyên sâu về hình thái, quy luật diễn biến và các giải pháp khoa học công nghệ tiên tiến hàn chế bồi tụ và xói lở bờ biển. Trong đó giải pháp hiệu quả và thành công nhất hiện nay là công trình cứng gồm hệ thống các đập ngăn cát chắn sóng tùy theo các điều kiện cụ thể của từng vùng trên cơ sở nghiên cứu đầy đủ các cơ sở khoa học và thực tiễn.

2.2.2. Tại Việt Nam

Hiện nay tình trạng xói lở, bồi tụ đang diễn ra khá phổ biến trên toàn dải bờ biển, cửa sông, đặc biệt là dải từ Bắc Bộ đến Nam Trung Bộ và gây ra những thiệt hại không nhỏ về kinh tế - xã hội.

Ở nước ta, xói lở, bồi tụ cửa sông là dạng thiên tai nặng nề, xảy ra ở cả ba miền, diễn biến hết sức phức tạp gây thiệt hại rất lớn về người và của, để lại hậu quả lâu dài về kinh tế - xã hội và môi trường sinh thái. Hàng năm, Nhà nước phải chi một lượng kinh phí lớn để khắc phục, phòng chống và cứu hộ. Việc bồi tụ bờ biển, cửa sông đang tạo nên các bãi bồi quí giá cho nhiều vùng, song nhiều nơi cũng trở thành tai biến nghiêm trọng, gây ra sa bồi luồng tàu, bến cảng, bồi lấp cửa sông, làm giảm khả năng thoát lũ, gây ngập lụt trên diện rộng, ngọt hoá các đầm phá, vũng vịnh...

Nhận thức rõ tính cấp bách và tầm quan trọng của vấn đề xói lở - bồi tụ, Nhà nước và một số địa phương đã cho triển khai nhiều chương trình, đề tài, đề án nhằm điều tra, xác định hiện trạng xói lở, bồi tụ theo dõi diễn biến ở các vùng trọng điểm, xây dựng các luận cứ khoa học cho các giải pháp phòng chống. Khu vực bờ biển Nam Định đặc biệt là khu vực bờ biển huyện Hải Hậu đang xảy ra hiện tượng xói lở nghiêm trọng trong khi đó một số khu vực khác trong vùng nghiên cứu như ở cửa Ba Lạt, cửa Đáy đang được bồi tụ rất mạnh mẽ và đã có rất nhiều các công trình nghiên cứu có liên quan để làm rõ vấn đề này.

Một số công trình nghiên cứu về bồi tụ xói lở - bờ biển tiêu biểu trong khu vực như:


  • Dự án hợp tác giữa Việt Nam và Hà Lan “Nghiên cứu tiến hóa trầm tích và địa mạo khu vực cửa sông Ba Lạt” (2000 – 2002) đã nghiên cứu xu thế và tốc độ bồi tụ cửa sông Ba Lạt mỗi năm là 40m

  • Trần Nghi và nnk (2001) “Nghiên cứu quy luật cộng sinh tướng trầm tích khu vực đồng bằng châu thổ và tiền châu thổ cửa sông Ba Lạt”

  • Phương án đo vẽ bản đồ địa chất Đệ tứ tỷ lệ 1/50.000 do Vũ Nhật Thắng làm chủ biên (1998 – 2000)

  • Chuyên đề nghiên cứu thành lập bản đồ “Trầm tích tầng mặt và tướng đá – thạch động lực tỷ lệ 1/500.000 đới biển nông ven bờ (0-30m nước) từ Hải Phòng đến cửa Đáy do GS. Trần Nghi làm chủ nhiệm thuộc đề tài “ Điều tra địa chất và khoáng sản biển đới biển nông ven bờ (0 -30m nước) Móng Cái – Hà Tiên do TSKH Nguyễn Biểu làm chủ nhiệm (1991 – 2005)

  • Chu Văn Ngợi, 2009. “Nghiên cứu địa động lực hiện đại khu vực cửa sông Ba Lạt đến cửa Đáy. Đề tài trọng điểm cấp Đại học Quốc gia, đề tài đã đánh giá xu thế xu thế và nguyên nhân xói lở khu vực Hải Hậu dựa trên các thế hệ đê biển do Nguyễn Công Trứ xây dựng

- Đỗ Minh Đức, 2004. Nghiên cứu sự hình thành và biến đổi quá trình bồi tụ và xói lở đới ven biển Thái Bình-Nam Định. Luận án TSĐC.

Các chương trình, đề tài, đề án nghiên cứu kể trên đã thu được nhiều kết quả có giá trị về mặt khoa học và thực tiễn, góp phần không nhỏ vào việc chỉnh trị bờ biển, cửa sông, giảm nhẹ thiên tai xói lở, bồi tụ. Song do hạn chế về kinh phí cũng như thiết bị nghiên cứu nên sự gắn kết giữa các vùng còn hạn chế, nhiều vấn đề về qui luật diễn biến bờ biển, cửa sông, cơ chế của quá trình xói lở, bồi tụ vẫn chưa được giải quyết thoả đáng.

2.2. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu

2.2.1. Phương pháp luận

Đới bờ (coastal zone) là miền tương tác giữa lục địa và biển. Quy mô và phạm vi đới bờ hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề chưa thống nhất. Đới bờ là một hệ thống tự nhiên, các quá trình tự nhiên xảy ra có quan hệ tương tác với nhau. Với đặc điểm như vậy nên quản lý đới bờ, quy hoạch đới bờ phải có tính tổng hợp và thống nhất của Nhà nước. Nếu không các hoạt động ở đới bờ sẽ phát sinh các xung đột về lợi ích và làm cho tài nguyên đới bờ bị suy giảm và môi trường bị hủy hoại.

Đới bờ có những đặc trưng tiêu biểu: 1) Là không gian sống tập trung đông dân cư; 2) Sự đa dạng về tài nguyên khoáng sản (các khoáng sản kim loại, dầu mỏ, khí đốt, vật liệu xây dựng) và các tài nguyên khác (đất ngập nước, RNM, đa dạng sinh học, tài nguyên vị thế, tài nguyên du lịch…); 3) Chịu sự tác động phức tạp của các quá trình nội sinh, ngoại sinh và nhân sinh; 4) Các hoạt động của con người đa dạng và phong phú; 5) Là nơi chứa đựng nhiều ẩn họa của tự nhiên: xói lở, bồi tụ, lũ lụt, bão, động đất và sóng thần…

Vùng cửa sông ven biển chiếm một không gian cụ thể, là hợp phần của đới bờ, là nơi rất nhạy cảm về môi trường. Các quá trình hoạt động ngoại sinh của sông, biển; nội sinh (vận động kiến tạo) và nhân sinh có ảnh hưởng tương tác lẫn nhau và bị chi phối bởi quy luật quan hệ nhân quả.

Các tai biến địa chất ở đới bờ có quan hệ chặt chẽ với môi trường đới bờ, với các quá trình vận động của đới bờ, với đặc điểm hình thái và thành phần vật chất của đới bờ. Một đới bờ với xu thế vận động sụt lún mạnh thì quá trình xói lở xảy ra sẽ là chủ yếu, tuy nhiên quá trình bồi tụ vẫn có thể xảy ra nếu như nguồn vật liệu do sông cung cấp hết sức dồi dào. Vùng bờ bồi tụ là những vùng bờ ổn định hoặc nâng tương đối. Vùng cửa sông bồi tụ là các cửa sông giàu vật liệu trầm tích và động lực sông mạnh so với động lực biển. Quá trình bồi tụ, xói lở phụ thuộc nhiều vào tương tác sông-biển. Tốc độ bồi tụ phụ thuộc vào động lực sông- biển và nguồn vật liệu được cung cấp. Tốc độ xói lở phụ thuộc vào động lực sông-biển và đặc tính địa kỹ thuật công trình của các thành tạo địa chất cấu tạo nên đới bờ và cán cân bồi tích (tương quan giữa vật liệu mang đến và mang đi). Chính vì vậy việc nghiên cứu đánh giá các quá trình tự nhiên không thể tiến hành xem xét riêng rẽ mà phải đặt chúng trong một hệ thống. Cụ thể là khi nghiên cứu điều kiện địa môi trường và đặc tính địa kỹ thuật công trình phải xem xét các hợp phần của đới bờ trong cùng một hệ thống, trong mối quan hệ tương tác với nhau. Cụ thể là ở đới bờ khi xem xét, đánh giá quá trình bồi tụ, xói lở phải xác định được các quá trình động lực chủ yếu (nội sinh hay ngoại sinh) chi phối hai quá trình này. Xem xét diễn thế quá trình từ quá khứ đến hiện tại để tìm ra nguyên nhân chính gây ra xói lở, bồi tụ. Mặt khác cũng phải nghiên cứu quá trình hoạt động nhân sinh và tác động của hoạt động nhân sinh đến xói lở bồi tụ như thế nào?

Như vậy, có ba nguồn lực nội sinh, ngoại sinh và nhân sinh tác động trực tiếp lên đới bờ làm cho môi trường đới bờ bị thay đổi. Để luận giải và đánh giá các quá trình tự nhiên ở vùng cửa sông ven biển và ảnh hưởng của chúng phải kết hợp các tri thức về địa chất, địa kỹ thuật công trình, địa động lực biển, địa chất môi trường, địa động lực nhân sinh, địa chất tai biến. Các quá trình tự nhiên được đánh giá đúng đắn sẽ là cơ sở khoa học quan trọng phục vụ quy hoạch, quản lý khai thác sử dụng các tài nguyên đới bờ.

Cơ sở phương pháp luận có thể được tóm lại như sau:



  • Quá trình tự nhiên phát sinh, phát triển có tính quy luật.

  • Quá trình tự nhiên được xem xét đánh giá trong một hệ thống. Các quá trình tự nhiên chịu sự chi phối tương tác lẫn nhau thuộc cùng hệ thống.

  • Luận giải các quá trình tự nhiên trên cơ sở tiếp cận hệ thống và quan hệ nhân quả, tiếp cận lịch sử, tiếp cận sinh thái và liên ngành.

2.2.2. Phương pháp nghiên cứu

- Phương pháp nghiên cứu ngoài trời

Phương pháp khảo sát thực địa và thu thập mẫu có ý nghĩa quan trọng hàng đầu trong nghiên cứu bồi tụ - xói lở. Điều tra, khảo sát, bổ sung các tài liệu địa chất, địa hình, thủy văn và các tài liệu liên quan đến khu vực và vấn đề nghiên cứu.



- Các phương pháp nghiên cứu trong phòng

+ Xử lý và tổng hợp tài liệu đã nghiên cứu

Đây là phương pháp rất hữu hiệu giúp cho nhà nghiên cứu có thể tận dụng kết quả của những người đi trước và có được những đánh giá một cách tổng quan về khu vực nghiên cứu.



+ Phương pháp phân tích độ hạt và xử lý số liệu

Đối với các đá gắn kết và bở rời thì việc xác định thành phần độ hạt được tiến hành bằng các phương pháp cơ học: rây, tỷ trọng kế, pipet. Phương pháp rây chủ yếu để xác định độ hạt lớn hơn 0.1 mm. Phương pháp tỷ trọng kế xác định độ hạt từ 0.1 – 0.002 mm, phương pháp pipet dùng để xác định độ hạt của sét. Tùy theo từng loại trầm tích có các độ hạt khác nhau có thể dùng trong các phương pháp trên hoặc kết hợp nhiều phương pháp với nhau để kiểm tra chéo nhau tránh sai sót không đáng có.

Kết quả phân tích độ hạt được biểu diễn dưới dạng đường cong tích lũy trên sơ đồ phân bố cấp hạt logarit. Trên đường cong tích lũy này sẽ xác định được giá trị Q1 – cấp hạt tương ứng 25%, Md – cấp hạt tương ứng với 50%, Q3 – cấp hạt tương ứng với 75%. Các thông số trầm tích được tính theo công thức sau.

Độ chọn lọc

Hệ số bất đối xứng :

Kích thước hạt trung bình (Md) : Md luôn tỉ lệ với môi trường . Vì vậy, giá trị Md là dấu hiệu cơ bản nhận biết chế độ thủy động lực, độ sâu của biển.

Hệ số chọn lọc So:

So = 1.00 – 1.58 mẫu chọn lọc tốt

So= 1.58 – 2.12 mẫu chọn lọc trung bình

So > 2.12 mẫu chọn lọc kém

Giá trị So có ý nghĩa đặc biệt trong việc xác định môi trường thành tạo trầm tích do mỗi một môi trường trầm tích đều đặc trưng bởi một giá trị So (Bảng 1).

Hệ số bất đối xứng (Sk) : Đấy là hệ số đặc trưng cho đường cong phân bố đối xứng hay bị lệch.

Nếu Sk >1 hạt thô chiếm ưu thế.

Nếu Sk <1 hạt nhỏ chiếm ưu thế.

Theo phương pháp Ward, Fock , Inman, Sk thay đổi từ -1 đến +1:

Sk = 0 đường cong đối xứng.

Sk <0 đường cong bị lệch về phía hạt nhỏ (cát sông, trầm tích thành tao do gió).

Sk >0 đường cong lệch về phía hạt thô ( cát biển ,bãi biển).



Môi trường trầm tích

So

Bãi triều cát

1.0 – 1.3

Bãi triều lầy

1.5 – 4.5

Cát đụn

1.0 – 1.2

Đập cát – Doi cát

1.0 – 1.2

Vũng vịnh

1.3 – 2.12

Bột sét và sét biển nông

1.5 – 3.0

Nón phóng vật ven biển

1.8 – 4.5

Bảng 2. 1. Phân loại môi trường trầm tích theo độ chọn lọc (So)

Каталог: files -> ChuaChuyenDoi
ChuaChuyenDoi -> ĐẠi học quốc gia hà NỘi trưỜng đẠi học khoa học tự nhiên nguyễn Thị Hương XÂy dựng quy trình quản lý CÁc công trìNH
ChuaChuyenDoi -> TS. NguyÔn Lai Thµnh
ChuaChuyenDoi -> Luận văn Cao học Người hướng dẫn: ts. Nguyễn Thị Hồng Vân
ChuaChuyenDoi -> 1 Một số vấn đề cơ bản về đất đai và sử dụng đất 05 1 Đất đai 05
ChuaChuyenDoi -> Lê Thị Phương XÂy dựng cơ SỞ DỮ liệu sinh học phân tử trong nhận dạng các loàI ĐỘng vật hoang dã phục vụ thực thi pháp luật và nghiên cứU
ChuaChuyenDoi -> TRƯỜng đẠi học khoa học tự nhiên nguyễn Hà Linh
ChuaChuyenDoi -> ĐÁnh giá Đa dạng di truyền một số MẪu giống lúa thu thập tại làO
ChuaChuyenDoi -> TRƯỜng đẠi học khoa học tự nhiêN
ChuaChuyenDoi -> TRƯỜng đẠi học khoa học tự nhiên nguyễn Văn Cường

tải về 371.37 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương