Tràng Hoa Mân Côi



tải về 53.01 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu26.04.2018
Kích53.01 Kb.
#37147
Tràng Hoa Mân Côi

Dạ Lữ Hành
Kể là tròn 20 năm chương trình TÔN VƯƠNG ĐỨC MẸ tại cộng đoàn Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, Metuchen, NJ. Kinh Mân Côi là phần quan trọng trong buổi tôn vương. Kể như 1000 lần Đức Mẹ âu yếm đến thăm viếng từng gia đình để “Vui, buồn, sướng, khổ Mẹ con cùng nhau chia sẻ.” Xin ghi lại một tâm tình về kinh Mân Côi nhân dịp này.
Làng tôi nhỏ bé lắm, e lệ nằm ven sông Nhị Hà vùng Nam Định Bùi Chu. Đối với dân làng tất đất là tất vàng; mỗi gang đất tìm thấy là mỗi gốc sắn hay khóm lang. Dân làng cũng rất khiêm tốn, với những túp nhà mái rạ tường đất nằm ôm ấp lấy nhau với hai xóm đạo đầu và cuối làng, ở giữa là xóm ‘bên lương’ (sự phân cách này phải chăng là hậu thân của kế hoạch ‘phân sáp’ hồi đạo Công Giáo bị bách hại?) . Nhà thờ họ tọa lạc bên xóm đạo cuối làng. Phía trước nhà thờ là đài Các Thánh Tử Đạo. Đây là chỗ duy nhất trong làng hãnh diện kiêu sa với hai khóm hoa: hoa mẫu đơn đỏ và hoa hồng đỏ, hai loại hoa tượng trưng cho sự hy sinh của các vị tử đạo và lòng tôn kính và yêu mến Đức Bà.
Tình quê

Mẹ tôi từ cái không không vô định đã được đưa vào cái có có trên trần gian trong một ngôi làng như thế. Bà được nuôi nấng trong thế gới nâu sòng, cày sâu cuốc bẫm, vui với luống cày, bông lúa, dầm mưa dãi nắng, không biết đọc biết viết, không biết bút giấy học trò. Cái quý phái cao xa, cái thơm hương diụ huyền duy nhất bà cảm nhận được là từ những cánh hồng trước đài các thánh tử đạo. Khi ánh chiều buông cũng là khi tiếng chuông nhà thờ vang vọng thánh thót. Cũng cùng cảm xúc như những người khác trong làng, tiếng chuông ngân vang trong bầu khí thinh lặng tinh khiết của miền quê là cái cảm xúc rạo rực lâng lâng khôn tả, là lời mời gọi linh thiêng huyền nhiệm.


Hai vụ lúa, lúa chiêm và lúa mùa rơi vào tháng Năm và tháng Mười, trùng hợp với hai tháng kính Đức Bà. Hồi chuông thứ nhất như hoà lần với tiếng lúa reo trên vai chàng nông dân gánh lúa về, như tiếng lao xao của những sang lúa đang quay đều từ nhừng cánh tay phụ nữ trong sân lúa. Hồi chuông thứ hai hoà với tiếng gọi nhau ơi ới tới nhà thờ đọc kinh. Và ngay sau đó là những tiếng cầu kinh rộn rã len vào thanh khí hoàng hôn. Mọi người có đạo trong thôn xóm thuộc rất nhiều kinh bổn, nhất là những bài ca vãn soạn theo thể thơ lục bát, song thất lục bát. Ca thi tán tụng Tràng Hoa Mân Côi, được ngắm trong những ngày đầu tháng và các lễ cả, với tôi có lẽ tuyệt diệu nhất.

Vườn Rosa bao quanh trái đất,



Cảnh thiên nhiên thật rất diệu huyền,

Thử suy cùng cho đến căn nguyên,

Xem ai đã gây nên vậy tá?

Bởi ông thánh Đa-Minh cha cả,

Thấy ruộng thiêng cỏ rả mê man:

Người lo buồn nguyện ngắm kêu van,

Xin Đức Mẹ cực khoan thương đoái.

Đức Mẹ thương xuống ơn rộng rãi,

Trao Tràng-Châu truyền hãy giảng khuyên:

Khuyên người ta lần hát ngắm nên,

Sẽ chữa tật thiêng liêng cho đã.”(1)
‘Ngắm’ khác với ‘đọc’. ‘Ngắm’ không phải là ‘hát’ nhưng cũng có cung điệu để dìu tâm trí vào cảm nghiệm thần linh. Mẹ tôi không chỉ ngắm Tràng Kinh Mân Côi ở nhà thờ, nhưng cả khi đang làm việc, nhất là khi ru con ngủ. Thay vì à ơi những bài hát ru con, mẹ tôi thường ngâm nga những ca thi như thế để dìu con vào giấc ngủ.

Cứ như thế, giấc ngủ của tôi được mẹ ươm bằng những huyền diệu của tình tự thánh; cứ thế tôi học giáo lý ngay từ buổi đầu tiên với tiếng khóc chào đời. Bây giờ tuổi đã về chiều, nhẩm đọc lại những vần ca trên tôi vẫn còn cảm nhận được cái diụ ngọt của tâm tình người mẹ trộn lẩn với tình tự tôn giáo. Càng biết thêm về thánh kinh, về giáo hội, về những sinh hoạt đạo đức tôi càng cảm phục sáng kiến của các vị mục tử ngày xa xưa ấy đã tìm cách cho tôn giáo ‘nhập thê’ vào văn hóa dân tộc, để những người quê mùa như mẹ tôi say mê truyền miệng từ người này sang người khác, từ thế hệ này qua thế hệ khác, để những người như mẹ tôi những gì đọc nơi môi miệng cũng được ghi khắc trong tim.


Có thể mỗi khi ngâm nga những vần tán tụng thi ca như thế, mẹ tôi linh cảm rằng mỗi lời tán tụng “Kính mừng Maria” của bà vang lên là mỗi hoa rosa nở ra, kết với hàng triệu rosa khác bao quanh trái đất dâng lên Đức Bà. Có người phê bình các bà già quê ‘miệng thì kính mừng, tay thì đuổi gà, nạt chó, đánh mèo’. Tôi thì nghĩ rằng tâm của các bà luôn hướng về Chúa, Mẹ; cái thân và trí có lúc lìa tâm, nhưng sau đó lại trở về để tâm-trí-thân là một hướng về Chúa, Mẹ. Nói cách khác với các bà già quê như mẹ tôi thì hoa nở trong tim. Nói như Nguyễn Du thì chữ tâm kia mới bằng ba chữ trí và thân.
Tôi thích nhất là nhìn khuôn mặt rạng rỡ của mẹ mình khi bà ngâm những vần thơ chuyển từ năm Sự Vui sang năm Sự Thương:

Sự Vui qua sự Sầu lại kế,



Lòng Đức Bà như biển dạt dào,

Khi thấy con chịu khốn khó bao,

Thì người cũng phải đau đớn hết.
Rồi năm Sự Thương sang năm Sự Mừng:
Sự Thương Khó đã qua khỏi lúc,

Những Sự Mừng bỗng chốc tiếp theo,

Vì các ơn rất cả rất nhiều,

Đức Mẹ được kể sao cho xiết.” (8)
Ngâm những lời thơ kinh như thế, mẹ tôi cảm nhận một tình tự gần gũi. Có một cái gì linh thiêng an ủi là cuộc đời của bà cũng gồm những vui qua sầu tới, mừng tủi hoà lẫn. Đọc kinh Mân Côi bà cảm thấy cuộc sống của mình được tháp nhập vào những kinh nghiệm trần thế của Đức Mẹ. Bà vui thích, bà mê ngâm nga như để chúc tụng ngợi khen Đức Bà và cũng như tìm thấy niềm an ủi, niềm cậy trông và hy vọng. Có phải vì thế mà Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Nhị đã gọi Kinh Mân Côi là Trường Học Maria?
Trường Học Maria:

Theo Á Thánh Alan de la Roche(2) và Thánh Louis Marie Grignion de Monfort(3) thì sau rất nhiều nỗ lực chinh phục bè rối Albigensê, thuộc tỉnh Albi nước Pháp, không thành công, thánh Đaminh rút vào một khu rừng gần thành phố Toulouse để cầu nguyện. Trong thời gian này Thánh nhân khóc lóc, ăn chay và phạt xác, thực hành việc khổ hạnh thân xác cho đến nỗi bị ngất lịm đi. Chính lúc đó Đức Mẹ hiện ra dạy và trao ban Kinh Mân Côi cho thánh nhân. Đức Giáo Hoàng Leo XIII đã xác nhận điều này: “Chư huynh đáng kính, không có ai trong chư huynh lại không nhớ những khó khăn buồn phiền trầm trọng mà Hội Thánh của Chúa phải trải qua do bè rối ở Albi (chủ trương nhị nguyên, thế kỷ 12), là con đẻ của lạc giáo Manich (thế kỷ thứ ba), và gieo vãi những lầm lạc độc hại khắp miền nam nước Pháp và những phần khác của thế giới Latin… Như chư huynh biết, để chống lại những kẻ thù nguy hại đó, Thiên-Chúa chạnh lòng xót thương cho xuất hiện một nhân vật vô cùng thánh thiện, người cha xuất chúng và là vị sáng lập Dòng Đaminh. Xuất chúng về tính chất như nhất của học thuyết cũng như gương nhân đức của ngài, và với những lao nhọc tông đồ ngài kiên cường tấn công kẻ thù của Giáo Hội Công Giáo, không phải bằng sức mạnh của vũ khí nhưng bằng tín thác hoàn toàn vào lòng tôn sùng mà ngài là người khởi xướng dưới danh hiệu Rất Thánh Mân Côi.” (4) Kết qủa ôi thật kỳ diệu:

Kẻ mê đàng tội lỗi liền chừa,

Phường đạo rối xác xơ tan tác,

Thế gian bỗng tự nhiên ra khác.” (5)
Khi còn là một chú bé trong cái làng nhỏ bé cô quạnh, tôi cũng được mẹ dẫn tới ‘trường học’. Ngôi trường làng là gian giữa của căn nhà lá ba căn, thầy giáo là ông đồ già trong làng, học trò dăm ba đứa ‘nửa người nửa ngợm nửa đười ươi’ ngồi xổm trên chiếu ê a chữ thánh hiền, một cảnh tượng thật khác xa thời hiện đại với computer, video, projector. Dù khác nhau vời vợi, nhưng vẫn có những mẫu số chung: nói về trường học là nói về thầy cô giáo, học trò, lớp học, bài học.
Lớp học Maria là cuộc đời. Học trò Trường Học Maria hầu như không biên giới: từ Giáo hoàng tới giáo dân, từ vua chúa tới dân cùng đinh, từ người giầu sang phú qúy tới kẻ khố rách áo ôm, từ cụ già tới trẻ thơ, từ học gỉa, khoa học gia tới dân vô học. Thầy giáo Trường Học Maria chính là Mẹ Maria. Bà Thầy dạy một bài học duy nhất: Con người, đời sống và sứ mạng Đức Giêsu Kitô. Mỗi học trò được Mẹ Maria ‘kèm riêng’ tùy hoàn cảnh, tâm tư, địa vị của mình. Sự cảm nhận, hiểu biết và kinh nghiệm của Bà Thầy về con người, đời sống và sứ mạng của Đức Giêsu Kitô thì huyền diệu, phong phú và thần thánh qúa nên bất cứ học trò nào cũng cảm thấy say mê thích thú và không bao giờ thấu triệt hết. Vậy lần chuỗi Mân Côi, cũng là ngồi trong lớp học Maria, là đến với Mẹ Maria để được biết về Đức Giêsu Kitô với tâm tình của Mẹ. Chuyện kề rằng trên chuyến xe lửa từ Paris về Lộ-Đức, một câu sinh viên trẻ thấy một cụ già miệng lâm râm, tay lần hạt, liền lên tiếng:


  • Thưa cụ, chắc cụ biết ông Pascal chứ?

  • Có. Ông này thì tôi biết, biết rất rõ là đàng khác.

  • Đã đến thời duy lý của Pascal rồi, thời đại ánh sáng mà cụ còn lần hạt nữa sao?

  • Thế cậu đã gặp Pascal bao giờ chưa?

  • Dạ, chưa.

  • Thế thì tôi là Pascal, người đang nói chuyện với cậu.

Mổi lần mẹ tôi thì thầm ngâm nga Mân Côi Thập Ngũ Sự Thi Ca dù ở nhà thờ, khi cấy lúa giã gạo, lúc ru con, là mỗi lần bà được Thầy Giáo Maria cho gặp gỡ những mảnh đời khác nhau về Đức Giêsu. Chẳng hạn khi chuông nhà thờ reo vang lúc 12 giờ trưa, mẹ tôi dừng tay cây lúa, thầm ngâm (khác với ‘đọc’, ‘ngâm’ có cung có giọng, có gì ấp ủ từ trái tim. Chẳng hạn khi tôi chợt ngân nga một tình khúc nào đó là vì điệp khúc ấy phản ảnh tâm tình tôi đang có) bốn câu đầu của Mân Côi Thập Ngũ Sự rằng:

Chúa toan cứu chuộc các sinh linh,

Sai sứ truyền tin Thánh Tử sinh.

Thánh Mẫu dâng mình theo ý Chúa

Chịu thai nguyên vẹn đức đồng trinh.” (6)
Qua bốn câu thơ vắn thôi Mẹ Maria đưa bà mẹ quê vào huyền nhiệm sử của màu nhiệm cứu chuộc, dạy cho bà về Con Người Mẹ đã mong đợi, cái mong đợi da diết như các tổ phụ của Mẹ về lời hứa ban ơn cứu độ; về ân sủng lạ lùng mà tiên tri Isaia đã loan báo “một Trinh Nữ sẽ thụ thai” . Một bài học cho bà mẹ quê phong phú cao siêu không kém gì một thần học gia.

Isave thánh đà già cả,



Chúa định mang thai con cách lạ,

Đến viếng tha con khỏi tội truyền,

Con trong lòng mẹ liền mừng tạ.” (7)
Khi lần hạt hằng ngày, thường xin đơn sơ xướng rằng: “Thứ hai Đức Bà đi viếng bà thánh Isave. Ta hãy xin cho được lòng yêu người.” Ngâm nga bốn câu thơ trên, mẹ tôi được nhiều màu nhiệm hơn chỉ đơn thuần là sự thăm viếng:

  • Thánh Isave mang thai là một ân sủng khác thường,

  • Người con trong lòng người mẹ già nhảy mừng vì được khỏi tội tông truyền. Phải chăng đây lả phép rửa của Chúa Thánh Thần. Yoan mang cảm nghiệm này khi ông rao giảng rằng: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi thì tôi làm phép rửa cho an hem trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần.” (Mc.1:7-8)

Và cứ thế, Mẹ Maria truyền đạt những cảm nghiệm của Mẹ cho bà mẹ quê về Con Người Mẹ đã cưu mang, đã sinh ra, đã cho bú mớm, đã diù từng bước khi chập chững biết đi, đã bập bẹ tiếng nói đầu tiên “Abba, Abba, cha, cha”;


Giáo dân của một họ đạo lẻ hẻo lánh, không thầy cả, không thầy dạy bổn, không hội họp thảo luận, không biết đọc sách báo, mẹ tôi vẫn

được Mẹ Maria kèm riêng về cuộc đời của Chúa và tâm tình của Mẹ lạc Con:

Lễ rồi Con lạc, Mẹ tìm Con

Lòng Mẹ ba ngày rất héo hon,

Đoạn trở vào đền tìm lại thấy,

Con về giữ vẹn đạo thần hôn.” (8)
Những vần thơ tuy mộc mạc nhưng thâm thúy. Cầu nguyện với bốn câu dưới đây, không những được Mẹ Maria dạy về sự linh thiêng, về sự biến đổi hoàn toàn của các thánh tông đồ, về sự bàng hoàng như bị hớp hồn của dân chúng tại Giêrusalem trong ngày Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, mà bà mẹ quê còn được hiểu về vai trò của Mẹ đối với các tông đồ và Giáo Hội mới được tạo dựng.

Thánh Mẫu tông đồ hội họp nhau,



Thánh Thần lưỡi lửa xuống trên đầu,

Soi cho biết tiếng muôn ngàn nước,

Ban sức thiêng liêng giảng đạo màu.”( 9)
Đời tôi một chuỗi Mân Côi:

Như vậy Kinh Mân Côi không phải chỉ dừng lại nơi lòng sung kính Mẹ Maria. Những ai yêu mến và đến cùng Ngài, chắc chắn Ngài sẽ đưa người ấy tới Chúa Giêsu (Per Mariam Ad Jesum). Ai đã được gặp gỡ Chúa Giêsu, chắc chắn Người sẽ dẫn người đó tới tha nhân. Trong Tông Thư Rosarium Virginis Mariae, công bố năm 2002,nhân dịp kỷ niệm 25 năm triều đại Giáo Hoàng của mình, Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II nói: “Khi biết suy ngẫm đích thực, Kinh Mân côi dẫn chúng ta đến gặp gỡ Chúa trong mầu nhiệm của Người, và vì thế, chúng ta không thể không quan tâm đến diện mạo Chúa Kitô nơi những người khác, nhất là những người đau khổ nhất. Làm sao chúng ta có thể chiêm ngưỡng mầu nhiệm Chúa Hài Nhi ở Bêlem trong Năm Sự Vui, mà lại không có lòng khao khát đón nhận, bảo vệ và cổ võ Sự Sống, và mang lấy gánh nặng của các trẻ em đang đau khổ trên thế giới này? Làm sao chúng ta có thể bước theo Chúa Kitô, Đấng Mạc Khải trong Mầu Nhiệm Sự Sáng, mà không cương quyết làm chứng cho các mối Phúc Thật của Người trong đời sống hàng ngày? Làm sao chúng ta chiêm ngưỡng Chúa Kitô vác Thánh Gía và chịu đóng đinh mà không nhận thấy cần phải hành động như Ông Gìa Simon thành Xirênê để nâng đỡ những anh chị em đang quằn quại đau đớn trong ê chề thất vọng? Cuối cùng, làm sao chúng ta có thể chiêm ngắm vinh quang của Chúa Kitô Phục Sinh và của Đức Mẹ Maria, Nữ Vương thiên đàng, mà không khao khát làm cho thế giới này tốt đẹp hơn, công bằng hơn, và theo sát hơn kế hoạch của Thiên Chúa?” (10)




References:

  1. Toàn Niên Kinh Nguyện, Giáo Phận Bùi Chu..

  2. De Dignitate Psalterii. The importance and Beauty of the Holy Rosary, Á Thánh Alan de la Roche, O.P., French Dominican Father and Apostle of the Holy Rosary.

  3. The Secret Of The Rosary, Tan Books & Publisher, 1976

  4. Leo XIII, SUPREMI APOSTOLATUS OFFICIO (On Devotion of the Rosary )

  5. Toàn Niên Kinh Nguyện, Giáo Phận Bùi Chu.

  6. Ibid

  7. Ibid

  8. Ibid

  9. Ibid

  10. Rosarium Virginis Mariae, Pope John Paul II, cited from

http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/apost_letters/documents/hf_jp_ii_20021016_rosaruim-virginis-mariae_en.html#2

tải về 53.01 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương