Trương Dưỡng Một Cánh Hoa Dù Hồi Ký Hồi Ký Một Cánh Hoa Dù



tải về 1.4 Mb.
trang7/17
Chuyển đổi dữ liệu23.08.2016
Kích1.4 Mb.
#27293
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   ...   17

4. Hành Quân Vùng Bà Hom
Sau 3 tháng ở Vùng II về, tiểu đoàn được điều động ra đóng ở vùng Ven đô, trong ấp Bà Hom, để làm tuyến phòng thủ vòng đai, ngăn ngừa địch xâm nhập từ mật khu Lý Văn Mạnh vào Thủ Đô quấy phá dân chúng trong những ngày xuân.

Chung quang Thủ đô Sàigòn có Trung Đoàn 165A gồm những đơn vị đặc công quyết tử, chuyên môn quấy rối thành phố. Trong đó Tiểu Đoàn 6 Đặc Công phụ trách vùng Bà Quẹo, Bà Hom. Chúng phối hợp với du kích ở các xã Phú Thọ Hòa, Phú Lâm, Bình Trị Đông để điều nghiên, bám sát, và phá rối trị an. Nhưng Du kích từ đâu ra? Chính là dân chúng trong vùng trốn ra bưng học tập; rồi trở về sinh sống như những người dân thường. Chúng cung cấp tin tức về các đơn vị đóng vùng ven Đô, dẫn đường cho các đơn vị chính qui tấn công vào Sàigòn và cầm chân cho các đơn vị nầy rút đi. Những vụ pháo kích vào Thủ Đô và các căn cứ quân sự như Phi trường Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng Tham Mưu, và Bộ Chỉ Huy Các Lực Lượng Hoa Kỳ tại VN cũng đều do họ gây ra.

Để đối phó với loại du kích đặc công nầy, cần phải nhờ đến các đơn vị Địa Phương Quân, Nghĩa Quân (dẫn đưỡng, nhận diện, và chỉ điểm các du kích địa phương, các gia đình có người trốn ra bưng) phối hợp với các đơn vị chủ lực như Biệt Động Quân, Bộ Binh, và Tổng Trừ Bị có nhiệm vụ trấn giữ vùng cửa ngõ vào Đô Thành (TĐ2ND do Đại úy Lê Quang Lưỡng chỉ huy, đã tiêu diệt phần lớn Tiểu đoàn 6 Đặc Công nầy, vào đầu năm 1967 tại ấp Vĩnh Hạnh. Thọ, bạn cùng khóa 20, đã hy sinh trong những ngày còn chân ướt chân ráo mới ra trường!)

Tiểu Đoàn 9 Nhảy Dù khi tới Bà Hom liền phân chia từng khu vực trách nhiệm cho các đại đội. Mỗi sáng các đơn vị bung ra tuần tiểu lục soát, tối thì đặt tiền đồn và mấy tổ phục kích. Nhân dịp nầy các đại đội trưởng cho các quân nhân thay phiên về phép thăm gia đình. Tôi cũng được 4 ngày phép về Vĩnh Bình để thăm bà xã, vừa hạ sanh đứa con trai đầu lòng! Đặt cháu tên Tâm, vì lúc đó tôi đang nghĩ đến các từ ngữ tốt lành như: lương tâm, thành tâm, thiện tâm,và cũng có nghĩ đến tên của anh Nguyễn Đức Tâm, khóa 18, vừa về tiểu đoàn! Sau nầy, có lần anh đến nhà chơi, vừa nhìn thấy tức thì tôi gọi lớn:

- Tâm à! Ra ba biểu, chào bác đi con.

Anh Tâm la lên:

- Chu cha! Thằng nầy dám lấy tên tao đặt cho con nó!

Lúc đó hai vợ chồng tôi ôm bụng cười một cách khoái chí, trong khi anh Tâm thì đang tức tối! Hai đứa kế tôi cũng lấy tên Thành, đại đội trưởng Đại đội 92, và Thiện là bác sĩ tiểu đoàn. Thật ra suốt mấy năm cùng vào sanh ra tử ở tiểu đoàn, chúng tôi rất thương mến lẫn nhau. Mỗi khi dừng quân ở một xóm làng nào, thường gọi nhau tới vừa nhậu vừa tán dốc. Tức cười anh Thiện lúc mới ra trường Quân Y, uống một ly bia đã đỏ mặt; nhưng sau nầy, anh chỉ đòi uống rượu đế.

Có một trùng hợp thật đặc biệt là cả ba người Tâm, Thiện và tôi, cùng được đứng đầu sổ trong danh sách thăng cấp Đại úy đặc cách tại mặt trận vào dịp lễ Quốc Khánh năm 1968. Chính Đại tá Trần Quốc Lịch đã nhảy dù xuống gắn cấp bậc tân thăng và Tiểu đoàn trưởng cho mở tiệc “Rửa Lon” ngay tại bãi nhảy Ấp Đồn. Lúc đó tôi mang Trung uý mới một năm mà được đứng thứ nhì toàn quốc (anh Thiện đứng nhứt vì đã mang hàm Trung úy ngay từ khi còn là sinh viên Quân Y), đó là nhờ có 2 chiến thương, 3 nhành dương liễu và mấy cái sao vàng (một huy chương bằng một năm thâm niên quân vụ).

Bấy giờ TĐ9NDø có nhiều anh khóa 18 Đà Lạt như: Mễ, Trang, Tâm, và Nam. Đại úy Quân, Võ Tín, và Trung úy Cang đổi đi tiểu đoàn khác. Mấy ngày Tết, trong khi dân chúng thì thư thã mừng Xuân, còn chúng tôi thì lúc nào cũng ứng trực nơi đơn vị, hoặc nằm chèo queo trên võng để tưởng nhớ đến người thân đang làm gì trong những ngày xuân?


5. Vùng Phi Quân Sự

Sau khi ăn Tết ở Bà Hom xong, cả Tiểu đoàn được C130 chở tới phi trường Phú Bài của thành phố Huế. Rồi từ đó các xe GMC đưa Tiểu đoàn đến đóng quân tạm thời tại xã An Hoà, nằm phía Tây, bên cạnh Cổ Thành Huế.

Đây là lần đầu tiên tôi được ra đất Thần Kinh, xứ “Ngàn năm văn vật”, và nhà của Trung úy Thành ở ngay tại xã An Hoà nầy. Tôi có đến thăm gia đình anh, thấy ngôi nhà thật rộng rãi, sân trước có trồng cây vả ăn chát chát, kèm với tôm chua thịt luộc thì ngon tuyệt diệu! Cạnh nhà có “O” Hoa rất đẹp, Thành nói phải chi còn độc thân thì giới thiệu cho tôi.

Sẵn dịp tiểu đoàn chờ tiếp tế lương thực, tôi và mấy đứa bạn rủ nhau ra chợ Đông Ba ăn bánh khoái ở cửa Thượng Tứ. Vào Thành Nội coi cung điện cổ xưa của triều đại nhà Nguyễn. Nhìn thấy ngai vàng chạm trổ bằng ốc xa cừ, cùng các bệ chầu của quan lại thời xưa, tôi thấy nó chỉ là những di tích bảo tàng, chứ không nguy nga tráng lệ tân kỳ như dinh Độc lập ở Sàigòn ngày nay. Chúng tôi cũng có đi viếng các lăng vua Tự Đức, Thiệu Trị, Minh Mạng,...ở bên Nam Hoà. Ăn cơm hến, cơm âm phủ ở gần Đập Đá, rồi tới chân núi Ngự Bình ăn bánh bèo. Mỗi buổi sáng, mọi người thường qua cầu Gia Hội thưởng thức món bún bò nổi tiếng của Mụ Rớt.

Bộ Tư lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh cho tiểu đoàn an dưỡng được 3 ngày, thì bắt đầu khoanh các vòng tròn chỉ định mục tiêu trên các đỉnh núi, thuộc dãy Trường sơn.

Đúng 7 giờ sáng, tiểu đoàn bắt đầu xuất phát từ cầu An Lỗ, ở gần cây số 17. Các đại đội tiến dọc theo bờ sông, trực chỉ về hướng Tây. Đi xuyên qua chòm nhà chừng 2 tiếng đồng hồ thì đến chân núi. Mọi người đều sẵn sàng chuẩn bị tâm tư cho 4 ngày ròng rã leo dốc và phá rừng dầy đặc của dãy Trường sơn trùng trùng điệp điệp nầy! Các anh em binh sĩ thấy dưới chân núi có nhiều cây rau má mọc giữa bãi đất hoang, họ nhanh tay hái mỗi người một bó, nhét vào ba lô. Đợi buổi chiều dừng quân sẽ nấu canh tôm khô, rau má ăn cho có chất tươi.

Tôi có anh đệ tử tên Thương, trước kia làm nghề đánh cá ở miệt Vũng Tàu, anh kể chuyện mỗi khi ra biển, thường đem đầy đủ gia vị, tối đến soi đèn vớt mực rồi nhúng dấm ăn tươi tại chỗ rất ngon. Mỗi lần chuẩn bị vào khu vực hành quân vùng rừng núi, anh thường mua sẵn nhiều đồ gia vị, để vô rừng nếu tìm được măng tươi, lá tàu bay, hay rau má,...thì thầy trò sẽ có bữa cơm ngon miệng. Thiếu tá Huệ chia tiểu đoàn ra hai cánh, ông đích thân dẫn 3 đại đội đi trục chính, lần lượt lục soát các đỉnh núi phía Nam. Đại uý Phước chỉ huy hai đại đội đi bên phải, phía Bắc của trục chính.

Đoàn quân lục soát được 4 ngọn núi thì trời đã sắp sụp tối. Cả tiểu đoàn đừng quân tại 2 đỉnh cao. Đại đội 90 đóng quân ở giữa, còn hai Đại đội 92, 94, thì bao vòng ngoài. Tất cả đều lo đào hố chiến đấu, căng mìn định hướng (Claymore), mìn chiếu sáng, và gài những bẫy lựu đạn. Sĩ quan Tiền sát viên pháo binh lo điều chỉnh hỏa tập cận phòng, bằng đạn khói.

Đi suốt cả ngày và vượt qua mấy ngọn núi cao, tôi thấy thấm mệt, nhưng còn phải lo kiểm soát các hố súng cối 81 ly, đại bác 75 ly Không giật, và coi binh sĩ hai khẩu đội đào hố chiến đấu bảo vệ vòng trong cho bộ chỉ huy tiểu đoàn. Sau khi cổi giày để chuẩn bị ăn cơm nóng thì trời đã bắt đầu tối om. Mỗi buổi trưa thường vừa đi (hoặc lợi dụng lúc dừng quân vài phút) vừa đem cơm vắt ra ăn một cách vội vã. Có hôm phải dừng quân vào lúc 9 giờ đêm, vì bị các chướng ngại vật. Gặp những lúc đơn vị chạm địch thì thật là vừa nguy hiểm và vừa cực nhọc vô cùng!

Hôm sau tiểu đoàn chiếm được các mục tiêu chỉ định sớm hơn, nên được dừng quân trước 5 giờ chiều, lúc ấy tôi đang ngồi xem bản đồ, thì bác sĩ Nghị lại chơi. Anh hỏi cách xác định điểm đứng, trong khu rừng núi trùng điệp nầy. Tôi chỉ trong bản đồ, các đường đỉnh, đường thông thủy, các vòng cao độ, các loại đồi yên ngựa, đồi trọc, các khe suối, và các độ cao của từng đỉnh núi. Những yếu tố trên cộng với việc dùng địa bàn để đo phương giác từ, thì có thể xác định tọa độ trong rừng núi dễ dàng. Ngoài ra cũng cần biết phân biệt loại rừng số 1 (rừng già) và rừng số 2 (rừng dương xỉ, ô rô).

Bác sĩ Nghị thì trắng trẻo, vóc dáng như thư sinh, nhưng rất thích học hỏi về quân sự, tôi có đến nhà anh một lần, ở một vila rộng lớn nằm trên đường Hồng thập Tự, gần trường Petrus Ký.

Ngày thứ 3 của cuộc hành quân, Đại đội 94 đã phát hiện một kho lúa khổng lồ, nằm dấu kín trong một khe núi để tránh phi cơ quan sát của ta. Có lẽ đây là kho chứa mà họ đã thu thuế từ các quận Quảng Điền, Phong Điền, Hương Điền, An Lỗ,...Tội nghiệp dân chúng thời chiến phải thắt lưng buộc bụng để đóng thuế nuôi quân địch, những kẻ mà lúc nào cũng tìm cách gây hại con cháu và thôn làng của họ.

Tiểu đoàn đã được lệnh cho đốt kho lúa (và kho muối) cháy suốt đêm (vì địa thế hiểm trở, không thể dùng trực thăng bốc ra được, hơn nữa lúa để ở vùng ẩm thấp lâu ngày, nên bắt đầu trở mốc, nếu đem về chỉ có thể cho heo ăn thôi).

Sau đó tiểu đoàn ra ngoài Quốc lộ I, nghỉ quân 3 ngày lãnh lương thực, rồi được trực thăng vận bỏ vô một khu vực khác. Chúng tôi lại bắt đầu Tây chinh, lục soát tìm và tiêu diệt địch ở các mục tiêu khác, trong dãy Trường sơn núi rừng trung điệp. Hành quân trong rừng núi 1 tháng thì được xe chở ra Quảng Trị và đóng quân tại nhà thờ La Vang. Tiểu đoàn đang chờ đợi cả chiến đoàn ra đầy đủ, để chuẩn bị cho một cuộc hành quân lớn tên Lam Sơn 54, nhằm tấn công xua đuổi trung đoàn chính quy Bắc Việt vừa xâm nhập vào phía Nam vĩ tuyến 17, ngay trong vùng Phi Quân Sự (DMZ).

Lúc đó Đại uý Linh về làm Tiểu đoàn phó thay thế Thiếu tá Phước (vừa thăng cấp) để ông ra Vũng Tàu làm Tiểu đoàn trưởng TĐ6ND. Mấy ngày đóng quân ở La Vang, tiểu đoàn thường cho các đại đội đi tuần tiểu lục soát ở khu rừng rậm, phía sau nhà thờ, dọc theo bờ sông Thạch Hản. Chúng tôi chỉ chạm du kích lẻ tẻ, không đáng kể. Nhưng có điềm đặc biệt là Thiếu tá Huệ đã bị con ve bám vào trong lỗ rún, gỡ hoài không ra. Bác sĩ Thiện phải lấy kềm giải phẫu đặc biệt mới lấy ra được! Người ta dị đoan cho đó là một điềm, vì tuần lễ sau vị Tiểu đoàn trưởng đáng kính, người sáng lập Tiểu đoàn 9 Nhảy dù, đã anh dũng hy sinh trong trận ác chiến, đẩm máu tại đèo Ba Dốc, gần cầu Hiền Lương, mà tôi sắp kể sau đây:

Bốn tiểu đoàn dù, dưới sự chỉ huy của Chiến đoàn trưởng Trần Quốc Lịch. Đúng ngày N, đồng loạt xuất phát từ Gio Linh. Đoàn quân chia 4 mũi dùi, tấn công vào vùng phi quân sự. Địa thế vùng phi quân sự chia thành hai khu vực khác nhau: từ đường rầy xe lửa về phía Đông thì trống trải, bên phải Quốc lộ 1 là những động cát. Từ Quốc lộ 1 tới đường rầy cách khoảng 1 cây số là đồng ruộng bỏ hoang. Phía Tây đường rầy là đám rừng rậm, chính nơi đây, theo tin tức tình báo, Trung đoàn Chính qui của địch đã lập căn cứ bám trụ. Vì họ cho đây là vùng yên ổn, không sợ bị oanh tạc và pháo kích. Việt Cộng nghĩ rằng chỉ có chúng mới dám vi phạm quy ước về vùng phi quân sự, không giữ chữ tín ma lanh như cáo Hồ!

Mục đích của cuộc hành quân nầy, ngoài việc xua đuổi địch trở về Bắc, mà còn phải yểm trợ cho việc thiết lập “Hàng rào điện tử Mac Namara”. Trong đó chuyên viên Hoa Kỳ sẽ đặt những thiết bị phát hiện địch bằng điện tử như: Minisid, Asid, và Microsid,...Mọi sự di chuyển của địch gây âm ba chấn động, nhiễu loạn từ trường, hoặc âm thanh,...

Tiểu đoàn 9 Dù được chỉ định đi cánh phải, lấy đường rầy xuyên Việt làm chuẩn. Trong khi chờ các đại đội dàn quân băng qua bờ cao quá đầu của đường rầy, tôi cùng ban chỉ huy của Thiếu tá Huệ đi dọc theo quốc lộ, bước lên cầu Hiền Lương, nhìn qua bờ Bắc thấy ngọn cờ đỏ sao vàng được treo lơ lửng ở bên kia cầu, đối chiếu với cờ vàng ba sọc đỏ của chúng ta đang bay phất phới ngạo nghễ ở bên nây cầu.

Mỗi khi tấn công những mục tiêu khó khăn, các đơn vị Dù thường cho phi pháo dập nát rồi mới vô, để đỡ hao sinh mạng binh sĩ. Nhưng vì đây là vùng Phi Quân Sự, không biết tin tức tình báo có thực sự chính xác hay không? Chúng ta làm quá rầm rộ, nếu không chạm địch, thì chúng sẽ rêu rao quốc tế là Miền Nam hiếu chiến, vi phạm hiệp ước. Như vậy có cớ cho bọn phản chiến Mỹ, kêu gọi quốc hội cúp viện trợ!

Khi các mũi dùi vừa tiến vào bìa rừng thì địch đồng loạt nổ súng; cũng may là các toán đi đầu đã thận trọng dàn mỏng và cho các khinh binh một cách linh động từng người vừa chạy vừa bắn yểm trợ với nhau, để chiếm bìa rừng làm đầu cầu cho cánh quân đi đầu. Các khinh binh nghe phát súng địch đầu tiên, đã vội nhảy vào các bờ ruộng hoặc gốc cây, họ bắn cầm chừng, để chờ đơn vị dàn quân lên đồng loạt bắn trả bằng những hỏa lực vô cùng hùng hậu cơ hữu như: súng Trường AR-15, Đại liên 30, Trung liên, M-79, Đại bác 75 ly, súng Cối 60 ly, và 81 ly,...Đợi tiếng súng địch thưa dần và pháo binh Dù bắn dập vào tuyến án ngữ của địch, toàn bộ các trung đội dàn hàng ngang, vừa hô to “Xung phong”, vừa bắn vừa chạy nhanh vào mục tiêu .

Nhưng! Mọi sự ngoài sức tưởng tượng, địch ở đây như đã chuẩn bị sẵn sàng nghênh chiến, chúng chống trả thật mãnh liệt, làm các trục tiến quân đều phải khựng lại .

Tôi nghe tiếng bạn Đỗ Ngọc Nuôi la to trong máy:

__ Tụi nó đông quá, xin pháo binh gấp, mấy đứa nhỏ bị kẹt hết rồi!

Đề lô tiểu đoàn vội xin hải pháo và pháo binh cơ hữu bắn thêm vào khu rừng trước mặt, Thiếu tá Huệ bảo không trợ gọi phi cơ khu trục lên. Đại đội 92 từ bên trái dàn lên dùng hết các hỏa lực cơ hữu để làm tê liệt những ổ kháng cự của địch, cố gắng chiếm mục tiêu trước khi trời tối. Nhưng một loạt đạn AK làm Trung úy Đức, đại đội trưởng, bị thương. Thiếu úy Trần Hữu Bảo cùng trung đội xung phong lên tiếp ứng, nhưng anh cũng bị bắn bể xương vai!

Trận chiến càng lúc càng ác liệt! Thấy giằng co suốt cả ngày mà không vô được bìa rừng, Thiếu tá Huệ nóng ruột la hét đốc thúc nhiều phen. Trời bắt đầu ngả bóng về chiều, bỗng như thần xui quỷ khiến, ông móc súng Colt và đứng thẳng lên bờ cao của đường rầy tại Đèo Ba Dốc, vừa bắn vừa la “Xung phong”. Ngay lập tức ông bị hai viên đạn ghim trúng vào đầu và bụng, chết không kịp một lời trăn trối!

Lúc đó tôi đang ngồi ở kế bên, nhìn thấy thảm cảnh như vậy, trong lòng xúc động bồi hồi! Nước mắt rưng rưng chảy ra lúc nào không biết! Một nỗi buồn man mác đang dấy lên trong lòng. Tôi rất kính phục và thương mến người anh cả của tiểu đoàn nầy, ông lúc nào cũng giúp đỡ và che chở tôi, trong những ngày đầu của đời binh nghiệp.

Trời bỗng kéo mây đen u ám, giông gió bắt đầu nổi lên ào ào, cảnh vật lúc ấy như buồn lây với kẻ bạc phần! Rồi cơn mưa giông trút xuống ầm ầm. Và chính nhờ cơn mưa bất chợt nầy, làm tầm quan sát bị giới hạn. Lợi dụng mây mù che phủ, các khinh binh của Thuận Văn Chàng nhào lên dùng lựu đạn ném vào tiêu diệt ổ thượng liên, anh hô xung phong, cả Trung đội vừa bắn vừa la vang rền bãi chiến địa.

Tuyến đầu của họ hoảng sợ chạy lui, làm cả cánh quân địch tưởng bị tràn ngập, nên ùa nhau chạy tán loạn. Các trung đội của Lộc, Nuôi, Bảo, Thành... cùng xông lên truy sát địch. Rồi cả tiểu đoàn ào lên vừa bắn vừa đuổi địch tới bên kia bờ sông Bến Hải, các tiểu đoàn bạn cũng lần lượt nhào vô thanh toán chiến trường. Tất cả đều thu lượm rất nhiều chiến lợi phẩm.

Chiến đoàn đại thắng nhờ cơn mưa giông nầy, hay là nhờ hương hồn của cố Trung tá Huệ, đã phò trợ cho các đơn vị, tránh bị sa lầy trong trận chiến ác liệt ở vùng Phi Quân Sự nầy? Đêm đó chúng tôi đóng quân lại trong vùng DMZ, pháo địch như muốn trả đũa cuộc bại trận, nên họ bắn liên hồi vào vị trí đóng quân đêm của các đơn vị Dù. Các pháo đội ta cũng không thua kém gì, với đạn dược hùng hậu, cộng với tài điều khiển xuất sắc của những sĩ quan pháo binh Dù như anh Lạc, Triệu, Lước,... Chẳng bao lâu làm im mồm các con gà cồ của địch. Chúng tôi ai nấy đều buồn vì mất người anh cả, giống như rắn không đầu.

Mọi người lo sợ đạn pháo, trước khi đi ngủ, đều đào lỗ sâu, rồi trải poncho, nằm giữa màn trời, chiếu đất. Pháo địch bắn từ bên kia bờ Bắc, cứ 5 phút thì rơi vài quả sát gần chỗ đóng quân. Suốt đêm không ai tài nào chợp mắt được!

Vừa nhìn sao đêm, vừa hồi tưởng lại: lúc tôi và Bảo chạy lên gặp Thiếu tá Huệ vì bị quan ba Liêm dọa phạt hai anh Thiếu uý mới ra trường. Lúc tôi lên xin ra đại đội tác chiến, ông nói đợi có kinh nghiệm và bớt hăng máu rồi mới cho đi. Nhớ lúc ông kéo tôi tới coi trung uý Nguyễn Văn Thành trừng phạt binh sĩ phá phách dân chúng trong khu vực hành quân. Và nhất là hình ảnh ông đứng thẳng trên đường rầy, đốc thúc đơn vị xung phong lên xua đuổi giặc ra miền Bắc. Ông tức họ nói một đường làm một nẻo, không coi trọng chữ ký trong bàn hội nghị. Hình ảnh ông lúc đó thật oai hùng, thật khí phách, nói lên tinh thần xả thân vì nước, bảo vệ cho lý tưởng, mong cho nhân dân miền Nam được luôn luôn ấm no, tự do, và hạnh phúc.
6. Trận Lam Sơn 60
Từ vùng Phi Quân Sự, tiểu đoàn được xe chở về làng An Hoà, nằm cạnh bờ thành phía Tây của cổ thành Huế, các đại đội bố trí dọc theo các nhà dân từ An Hoà tới cầu Bạch Hổ.

Thiếu Tá Nguyễn Thế Nhã về làm Tiểu đoàn trưởng, Đại úy Nguyễn Đình Bảo lên Tiểu đoàn phó, Trung úy Mễ làm Đại đội trưởng Đại đội 91, Trung úy Thành là ĐĐT/ĐĐ92ND (thay thế Trung úy Đức bị thương trận DMZ vừa rồi). Các tân binh từ Sài gòn ra để bổ sung cho những tổn thất trong mặt trận ở vùng giới tuyến. Đạn dược, vũ khí, và quân dụng được tái trang bị đầy đủ. Mọi người đều lãnh 1 ngày lương khô và 3 ngày đồ ăn tươi gồm thịt heo, rau cải,...để chuẩn bị ra quân. Tiểu đoàn được lệnh sẽ tấn công vào mật khu Đồng Xuyên Mỹ Xá (quê của tướng VC Nguyễn Chí Thanh). Hành quân nầy tên là Lam Sơn 60.

Tiểu đoàn phát xuất từ cửa Đông Ba, băng qua thôn La Vân Thượng, đi theo đội hình quả trám. Đại đội 91 dẫn đầu, tiếp đến là Đại Đội 90, theo sau là ĐĐ 92. Bên cánh trái có ĐĐ 93, và sườn phải là Đại đội 94. Khoảng 10 giờ sáng, đại đội đi đầu đã đến Mục Tiêu A (xin xem sơ đồ hành quân Lam Sơn 60 đính kèm). Đây là một cái làng bề ngang khoảng 500 thước, bề dài khoảng 1500 thước, trải rộng tới sát bờ sông. Trung uý Mễ cho Trung đội 1 của Thiếu uý Miên làm mũi nhọn để tấn kích. Trách nhiệm chiếm bờ làng làm đầu cầu là Trung sĩ Của, một hạ sĩ quan tài giỏi nhất tiểu đoàn, anh đã lập nhiều chiến công trong các cuộc hành quân ở Vùng II và vùng DMZ vừa qua. Trung sĩ Của đích thân điều động 3 khinh binh đi đội hình chân vạc, bắn yểm trợ cho nhau để tiến vào mục tiêu.

Khi khinh binh đầu tiên tới gần cách bờ làng chừng 10 thước, anh nhìn thoáng thấy không có ai, nên vội vã ngoắc tay gọi toàn bộ trung đội vào. Miên không ngờ địch đã núp kỹ dưới giao thông hào, nên cứ cho trung đội tiến vô làng. Khi cách bờ làng chừng 10 thước, bỗng địch từ giao thông hào chồm lên, đồng loạt ria vào đội hình của anh. Chỉ một loạt đạn đầu mà đã gây cho trung đội Miên tổn thất gần phân nửa!

Trung sĩ Của và hai chiến sĩ khác đã hy sinh, còn Miên thì bị bắn rách tả tơi áo quần và luôn cả bao đựng băng đạn cũng bị bay mất tiêu! Anh hú hồn vội nhảy vào bờ ruộng, vừa bắn trả vừa coi mình có bị thương chỗ nào không? Quả thật mỗi người đều có số mạng riêng, nhìn anh giống như trưởng lão cái bang, vậy mà chỉ bị rách một mảnh da nhỏ ở khuỷu tay, thật là tốt số!

Vì thấy đây là một chòm nhà, nên Tr úy Mễ mới không dùng chiến thuật tiền pháo hậu xung. Nhưng bây giờ thì kẹt cứng, anh vội điều động đơn vị dàn quân lên bờ ruộng, bắn cầm chừng để yểm trợ cho trung đội của Miên. Mặt khác anh điều chỉnh súng cối 81 ly và pháo binh bắn vào mục tiêu. Thiếu tá Nhã cho lệnh ĐĐ 93 tiến lên bắn yểm trợ sườn trái cho ĐĐ 91. Địch bị hỏa lực hùng hậu từ hai mặt và bị cả pháo binh lẫn súng cối; rồi ba phi tuần khu trục và gunship nhào tới bắn ào ào. Họ không ngờ gặp phải hỏa lực hùng hậu quá sức tưởng tượng. Mới đó mà mục tiêu A muốn thành bình địa, giống như gặp phải ổ kiến lửa. Chúng vội cuốn vó chạy bán mạng về mục tiêu C và D.

Trung úy Mễ thấy tiếng súng địch đã thưa, anh bảo Trung đội của Phạm Văn Thành xung phong tiến vào bờ làng. Cả trung đội của Thành đồng loạt vừa bắn vừa hô “Xung phong” vang trời, làm những tên thương binh còn kẹt lại hoảng sợ, dơ hai tay lên cao hàng phục. Tr sĩ Trường, Tr sĩ Lương dẫn tiểu đội nhào lên chiếm lấy bờ làng, làm đầu cầu cho toàn bộ đơn vị vào thu dọn nốt mục tiêu. Th tá Nhã điều động ĐĐ 93 lên chiếm Mục Tiêu B, trong khi đó thì ĐĐ91 bố trí hướng về Mục Tiêu D chờ lệnh.

Đại đội 93 vào mục tiêu B dễ dàng, vì địch đã bị đuổi về dựa lưng ở bờ sông để gượng gạo chống cự “Ổ kiến lửa” nầy. Lúc ấy đã hơn 4 giờ chiều, phép hành binh thì kỵ nhất là “Giặc cùng chớ đuổi”, nhưng đã thấy địch mà chẳng lẽ bỏ cho chúng rút yên. Tiểu đoàn trưởng quyết định dùng pháo binh (Thiếu tá Nhã xuất thân từ pháo binh Dù) đập nát 2 mục tiêu cuối cùng, rồi cho Đại đội 91 thanh toán Mục tiêu D và Đại đội 92 đánh chiếm Mục tiêu C. Tưởng rằng pháo đã dập nát, thì có thể dễ dàng thanh toán các mục tiêu còn lại, nhưng không ngờ địch lại vẫn còn gan lỳ chống trả (có thể nào tiểu đoàn cứng đầu nầy đang liều chết bảo vệ cho Tướng VC về quê thăm thân nhân?).

Hai ĐĐ 91 và ĐĐ 92 đã nhiều lần xung phong, nhưng gặp sự kháng cự quá mạnh! Thấy trời đã ngả bóng rồi mà các binh sĩ vẫn không lên nổi, Phạm Văn Thành tức giận nói:

- Tụi bây không dám vô thì để tao!

Rồi anh nhào lên vừa bắn vừa hô “Xung phong”, binh sĩ thấy thầy mình dũng cảm quá cũng đứng lên xung phong tiến nhanh vào mục tiêu. Nhưng khi mục tiêu đã được thanh toán thì đại đội phải trả một giá quá đắt: Thiếu uý Phạm Văn Thành và một Chuẩn uý đã bị hy sinh! Tại Mục tiêu C càng thảm thiết hơn! Cũng giống như Thành, vì nóng lòng thanh toán địch cho xong trước tối. Thiếu uý Thuận Văn Chàng đã mở sẵn chốt lựu đạn, định nhào tới phóng vào giao thông hào của địch, để dọn đường cho binh sĩ chiếm vào bờ làng. Nhưng!!! Than ôi! Chàng chưa kịp tung quả lựu đạn, thì bị một viên CKC bắn trúng đầu, khiến anh chết mà tay còn nắm chặc quả lựu đạn đã tháo chốt an toàn. Cả thân hình anh đè lên trái lựu đạn vẫn còn chưa nổ!

Buồn ơi là buồn! Hai đứa bạn đồng khóa của tôi đã cùng hy sinh trong một một buổi chiều ảm đạm!!! Chàng và Thành là hai đứa hiền lành nhất trong 16 thiếu úy cùng khóa 20 ở Tiểu Đoàn 9 Dù nầy. Có lần Thành dẫn tôi lại nhà ba má nó, ở cư xá nằm trong khuôn viên dinh Độc Lập (có lẽ ba của Thành làm nhân viên hoặc quân nhân gác Phủ Tổng Thống). Ba má Thành là người Bắc di cư và rất hiền từ, ông bà rất sốt sắng, đối xử với bạn của con mình thật tử tế và cởi mở.

Còn Thuận Văn Chàng, như đã nói, là một người rất thông minh, hiền lành, ăn nói nhẹ nhàng giống ca sĩ Chế Linh vậy, chúng tôi ai cũng mến anh vì đức tính hết sức hòa nhã đó. Nhưng không ngờ khi ra trận mạc, anh thật là dũng mãnh, lúc nào cũng tiến lên như để che chở cho thuộc cấp, sợ họ xung phong trước sẽ gặp nguy hiểm.

Chàng có một hoài bảo rất lớn, theo lời người yêu duy nhất của anh, nử sĩ Trần Thị Bông Giấy kể (trong quyển Nhật Nguyệt Buồn Như Nhau II) qua chuyện đối thoại giữa người anh cả và Thuận Văn Chàng như sau:

- Tại sao mầy bỏ học đi lính?

- Thứ nhất, nhà tao nghèo quá. Thứ hai, có một lẽ quan trọng như một mối tâm huyết từ bé tao đã cưu mang: “Khôi phục lại đất Chàm”.

- Mầy có nghĩ đó là một điều khó thực hiện?

Chàng suy nghĩ một lúc, rồi nói:

- Tao biết! Nhưng tao quyết không thay đổi. Giờ đây, chỉ gia nhập binh chủng Nhảy Dù mới mong lên Tướng. Nếu không có quân trong tay, làm sao thi hành được ước vọng riêng ?

Tiếng đàn guitare lại vang lên một đoạn nhạc buồn, Chàng ngưng tay đàn nói giọng trầm trầm:

- Đúng! Tao vẫn biết khôi phục đất Chàm không phải là điều dễ dàng thực hiện. Nhưng, từ hàng trăm năm qua, dân tộc tao chìm đắm quá sâu trong khốn khổ. Người dân xứ tao phải chịu sống kiếp tha hương ngay chính cái nơi đã chôn nhau cắt rốn. Tao may mắn được ăn học đàng hoàng, kiếm ra đồng tiền bằng sự hiểu biết của mình. Nhưng còn vô số những người mù chữ, bao người lớn, con nít hằng ngày không biết lấy gì mà ăn, hằng đêm không đủ tấm chăng đấp cho ấ bụng?

Qua giọng nói anh, nghe ra một nỗi u trầm đặc biệt, cát u trầm trong các điệu nhạc người Hời, mà trong tiếng hát lúc nào cũng pha niềm thống hận hoài cố hương của dân tộc Chàm.

Anh tiếp:

- Mầy là bạn chí cốt của tao, hẳn cũng hiểu sở dĩ tao đạt được thành quả dẫn đầu trong suốt nhiều năm còn đi học là bởi tao có con đường riêng, không dám chút nào xao lãng. Bây giờ việc lao vào Nhảy Dù cũng không ra ngoài cái chí ấy. Nay chí chưa tròn, công danh chưa đạt, Thuận Văn Chàng (đọc trại như Chàm chăng?) đã chôn vùi hoài bảo lớn lao của mình tại đây!!!

Trên đường rút quân về, lòng tôi buồn rười rượi, miệng cứ lẩm bẩm ca khẻ bài hát buồn :

“ Một ngày, ngày đã qua! Ôi một ngày, ngày chóng qua!”

“ Một chiều,.... một ngày ..... không còn nữa, đã trôi qua

...... không còn gì!”

“ Ôi chinh chiến .... đã mang đi .... bạn bè!!!”

“ Ngựa hồng đã mỏi gót, chết trên đồi quê hương!!”

Bạn bè trong thời buổi chinh chiến là chuyện bạn bè sát cánh bên nhau, sớm còn chiều mất! Sắt đá cũng đổ lệ! Núi rừng cũng để tang! Mười sáu thiếu úy khóa 20 Đà Lạt về TĐ9ND tính từ ngày ra trường đến Tết Mậu Thân thì đúng 2 năm 2 tháng, mà hy sinh hết 6 bạn (Phương, Thành, Lộc, Đại, Chàng, và Hổ)!!!

Trận Lam Sơn 60 nầy thật là thảm thiết nhất trong các trận mà tôi đã tham dự từ ngày trình diện bổ sung cho tiểu đoàn. Mặc dù đơn vị tịch thu hằng trăm súng và được tặng thưởng rất nhiều huy chương và cấp bậc, nhưng phải trả một giá rất đắt: có tới 4 sĩ quan và một số binh sĩ hy sinh!!! Cuộc hành trình của Tiểu đoàn 9 Dù kỳ nầy, chưa đầy hai tháng mà đã tham gia tới hai trận đánh lớn và tổn thất quá nhiều sĩ quan. Trong đó có cố Trung tá Lê Văn Huệ, vị tiểu đoàn trưởng khả kính, hai người bạn đồng khoá thân thương của tôi! Mới một năm rưởi mà đã xảy ra rất nhiều chuyện buồn thảm.

Tôi ra trường vào thời kỳ cuộc chiến bắt đầu sôi động, mỗi ngày mỗi thêm ác liệt. Vì vậy những trận chiến sau mà tôi sắp kể sẽ còn hung hiểm và gay go hơn nhiều!


Каталог: stories
stories -> BÀi thuyết trình cách xáC ĐỊnh và chế ĐỘ pháp lý CỦa các vùng biển theo công ưỚc của liên hiệp quốc về luật biển năM 19821
stories -> BỘ giáo dục và ĐÀo tạo trưỜng đẠi học luật tp. HỒ chí minh dưƠng kim thế nguyên thủ TỤc phá SẢn các tổ chức tín dụng theo pháp luật việt nam
stories -> -
stories -> TỜ khai thông tin của ngưỜi khuyết tật phần I cá nhân ngưỜi khuyết tậT
stories -> BỘ giáo dục và ĐÀo tạO
stories -> CỘng hoà XÃ HỘi chủ ngh ĩa việt nam ban an toàn giao thông độc lập Tự do Hạnh phúc
stories -> BỘ CÔng thưƠng số: 1057/QĐ-bct cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
stories -> BỘ khoa học và CÔng nghệ
stories -> Đôi lời Ân tình

tải về 1.4 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   ...   17




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương