Trận đấu kinh tế giữa người dân và chuyên gia



tải về 157.94 Kb.
trang1/3
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích157.94 Kb.
#30967
  1   2   3
Trận đấu kinh tế giữa người dân và chuyên gia

Tác giả: Alan Phan

Bài đã được xuất bản.: 08/03/2011 05:00 GMT+7

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-03-07-tran-dau-kinh-te-giua-nguoi-dan-va-chuyen-gia



Theo một báo cáo riêng của một chuyên gia phân tích, mức "hoàn trái về đầu tư" (ROI = return on investment) trung bình của các quỹ tại Việt Nam trong 3 năm vừa qua là "âm" -17%. Tỷ số ở hiệp ba trận đấu: người dân: 3; chuyên gia: 0.

Khi tôi hoàn tất luận án tiến sĩ về Quản Trị cho Đại Học Southern Cross (Úc) vào cuối năm 2006, tôi về lại Thượng Hải, được sự đồng ý của các đối tác cổ đông của Quỹ Viasa, trích ra 20 triệu USD trong trương mục, để đầu tư vào các cổ phiếu và trái phiếu của thị trường chứng khoán Trung Quốc (TTCK TQ). Các đối tác của tôi rất lạc quan, tự tin vì họ tin vào "kỹ năng" chuyên biệt mới được đào tạo rất bài bản của tôi. Dù sao, trong quá trình làm luận án, tôi đã thực hiện một cuộc khảo sát sâu rộng hơn 800 quỹ đầu tư tại TQ, đọc hơn 200 cuốn sách về TTCK TQ và nghiên cứu cả ngàn bài viết, sưu khảo của đủ loại học giả khắp thế giới về đề tài này. Hơn cả cái bằng Tiến Sĩ, tôi được Đại Học Tongji phong cho một hàm vị rất "kêu": chuyên gia về TTCK TQ. Các quỹ đầu tư khác cũng ngõ ý hợp tác đầu tư vì mọi người nghĩ là tri thức của tôi về TTCK TQ chắc chắn sẽ giúp họ kiếm tiền thành công hơn .

Trong 12 tháng sau đó, số tiền 20 triệu USD đầu tư vào TTCK TQ của Quỹ kiếm được 36%. Trong khi đó, từ tháng Một 07 đến tháng Một 08, chỉ số SSI của Sàn Thượng Hải tăng từ 2786 đến 5272 (khoảng 89%). Một nhà đầu tư tay ngang bỏ tiền vào ETF (exchange traded fund), cũng có thể kiếm được 75% không cần suy tính (giá từ $32 lên đến $56). Nhưng xấu hổ nhất cho tôi là anh bạn hàng xóm: anh ta kiếm được khoảng 124% trong cùng thời gian đó. Anh là một cựu viên chức công an cỡ trung ở tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc), chưa học xong trung học, mới có 32 tuổi, kiếm được một mớ tiền phong bì khi làm quan, rồi hạ cánh an toàn ở Thượng Hải. Kết quả của hiệp đầu trong trận đấu: người dân: 1; chuyên gia: 0.

Cũng vào đầu năm 2007, tôi đến Hà Nội theo lời mời của một nhóm đại gia trong ngành chứng khoán và quỹ đầu tư, để mạn đàm trong một họp mặt nhỏ có chừng 30 người tham dự. Tôi nói về dự đoán của tôi: khủng hoảng tài chính sẽ xảy ra trong vài ba tháng tới, lạm phát toàn cầu sẽ lên hơn 12% năm 2008 và vàng sẽ đạt đỉnh $2,000 USD vào 2009. Tôi đúng về cuộc khủng hoảng kinh tế, nhưng sai bét về lạm phát và giá vàng.

Lái xe cho tôi đi quanh Hà Nội chuyến viếng thăm đó là một anh tài xế taxi còn trẻ, khoảng 25 tuổi. Gia đình anh ta vốn làm ruộng là chính, sở hữu vài thửa đất lớn gần Hà Nội, giá đang tăng vùn vụt, và anh ta hỏi ý kiến tôi về vấn đề đầu tư vì nghe mọi người ca tụng tôi là một "chuyên gia". Tôi khuyên anh bán hết đất vì các thành tố căn bản cho thấy hiện tượng bong bóng (giá đất Hà Nội đắt như thành phố New York). Sau đó, nên bỏ tất cả tiền thâu được vào vàng, giá đang ở khoảng $630 USD một lượng và trong 2 năm, sẽ kiếm được gấp 3 lần vì lạm phát sẽ hoành hành. Anh ta không đồng ý, nói sẽ giữ đất vì giá còn lên cao trong 2 năm tới, trong khi vàng thì chưa chắc. Khi tôi về lại Hà Nội vào 2009, anh tìm ra khách sạn tôi ở qua một tin về hội thảo đầu tư trên mạng. Anh khoe là trúng lớn trong lần bán ra các thửa đất vừa qua, không còn chạy taxi nữa và đang làm một nhà đầu tư (?). Tỷ số trận đấu ở hiệp hai: người dân: 2; chuyên gia: 0.


Ảnh minh họa: cafeF

Thực ra, đây không chỉ là 2 trường hợp đơn lẻ hay đặc biệt. Trong mọi xã hội, từ tư bản đến xã hội, từ dân chủ đến độc tài, không thiếu những tình huống mà người dân tỏ ra khôn ngoan, hiểu biết và quan trọng hơn cả, là có khả năng "biết kiếm tiền" nhiều hơn các chuyên gia kinh tế tài chánh. Lấy bà osin của gia đình tôi: trong  3 năm vừa qua, bao nhiêu tiền dành dụm được, bà bỏ ra mua vàng miếng. Vào năm 2008, giá vàng là $800 USD một lượng; bây giờ là $1,400 USD, cho bà ta một mức "hoàn trái" khoảng 25% mỗi năm. Tôi chắc chắn đây là mức lời mơ ước của mọi chuyên gia đang làm cho các quỹ đầu tư nổi danh (nước ngoài hay nội địa) tại thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo một báo cáo riêng của một chuyên gia phân tích, mức "hoàn trái về đầu tư" (ROI = return on investment) trung bình của các quỹ tại Việt Nam trong 3 năm vừa qua là "âm" -17%. Tỷ số ở hiệp ba trận đấu: người dân: 3; chuyên gia: 0.

Đã có rất nhiều nghiên cứu và giả thuyết về sự yếu kém về thành quả của các chuyên gia trong những nhận định, dự đoán, kết luận và khuyến nghị về tình hình kinh tế tài chánh hay xã hội. Nhưng giá trị tiên đóan của các chuyên gia kinh tế, tài chánh đã hạ xuống rất thấp sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vào cuối 2007. Hơn 83% các nhận định của chuyên gia tại New York và Luân Đôn không tiên đoán được sự suy thoái nghiêm trọng của các định chế tài chánh. Tại sao những đầu óc "lớn" trên đỉnh cao của xã hội lại vấp ngã thảm thương như vậy? Tại sao các siêu sao, với đầy đủ dụng cụ, kỹ năng, kinh nghiệm và thì giờ, lại không thể "hát hay" bằng một cô gái quê mộc mạc?

Trước hết, mọi người phải lưu ý đến những nhận định, kết luận hay khuyến nghị của các chuyên gia "có quyền lợi" trong khi phát biểu cái gọi là "ý kiến riêng" của mình. Không ai lạ gì khi nghe các nhà quản lý hay các nhà phân tích của các quỹ đầu tư ca tụng triển vọng huy hoàng của nền kinh tế hay thị trường tài chánh trong giai đoạn sắp tới. Đây chỉ là những PR (public relation) để các vị này kêu gọi vốn đầu tư cho quỹ của họ (hay để các cổ đông hiện tại an tâm đừng chửi bới và rút vốn đã lỡ đầu tư). Còn các chuyên gia kinh tế, tài chánh hay pháp lý được trả tiền trực tiếp để viết những bài có lợi cho các nhóm lợi ích đang vận động hành lang (lobby) để tạo đặc quyền đặc lợi cho nhóm mình thì nhiều vô số kể. Giá trị của các bài viết này thiếu chiều sâu và kém chuyên nghiệp, không đáng được quan tâm, nhưng vì số lượng của chúng nhiều (và miễn phí để các mạng truyền thông phổ biến khắp nơi) nên bức tranh tổng quát phản ánh trên dư luận công chúng bị lệch lạc rất nhiều.

Tuy nhiên, ngay cả với những chuyên gia có thực tâm nghiên cứu, tìm hiểu và đúc kết một nhận định khách quan, họ thường rơi vào những thiên kiến như sau.

Thứ nhất, tôi vẫn nghĩ rằng khi làm một việc gì liên quan đến đồng tiền không do mình làm ra, thì thái độ và tư duy của việc hành xử sẽ rất khác biệt so với khi "đồng tiền liền khúc ruột". Chuyên gia thì hay nghiên cứu chuyện của người ta, khộng phải chuyện nhà nên không chịu áp lực của vợ con, gia đình hay bạn bè như người dân thường. Các kết luận thường "làm nhẹ" đi tầm ảnh hưởng trên đời sống của người dân. Các số liệu thường được bóp méo để hỗ trợ cho suy luận đã đúc kết sẵn từ thiên kiến. Các khuyến nghị gần đây về kinh doanh vàng miếng hay đô la chợ đen cho thấy sự khác biệt rất lớn giữa ý kiến của người dân và các chuyên gia tài chánh. Sự suy nghĩ về lạm phát cho thấy hiện tượng các chuyên gia đang sống trong những tháp ngà của xã hội, xa rời thực tế, không hiểu hay chịu đối diện với những tình huống khó khăn của việc mưu sinh thường nhật.

Ngoài ra, người ta thường nghĩ chuyên gia là các nhà khoa học, lấy sự độc lập làm nền tảng cho tư duy của mình, sự mềm dẻo uyển chuyển làm căn bản cho suy luận... Nhưng sau khi lăn lộn nhiều trong giới khoa bảng và môi trường nghiên cứu, tôi nhận thấy chuyên gia lại là những người rất thích bầy đàn, thích suy nghĩ theo số đông (group think) và cứng ngắc với định kiến đã lỗi thời. Các kinh tế gia của trường phái Chicago thì luôn luôn phải đả kích, bài bác các lập luận của phe Ivy League và ngược lại. Chả thế mà trong lịch sử tri thức nhân loại, Galileo đã bị cầm tù vì nói trái đất tròn và Socrates phải uống thuốc độc với triết thuyết lạ tai của mình. Cái "tôi" (ego) quá lớn của các nhà đại trí thức khiến họ không thể chấp nhận sự lầm lẫn hay thua kém của mình: họ sẽ triệt hạ mọi đối thủ bằng mọi cách, chính thống hay tà đạo, để bảo vệ cái "tôi".

Gần đây, trước tình hình kinh tế khó khăn, nhiều doanh gia cũng như các sinh viên hay email đến tôi để xin một vài nhận định, dự đoán về viễn tưởng. Tôi thành thực tin rằng cái trực giác và những tiếp xúc hàng ngày với thực tại sẽ làm mọi suy đoán nhận xét của họ chính xác hơn là những số liệu vô nghĩa mà tôi thu lượm từ các bài khảo luận của các chuyên gia khác. Thực ra, kinh tế vĩ mô cũng chỉ ảnh hưởng một phần nhỏ trong việc làm ăn của họ. Điều quan trọng hơn vẫn là sự sáng tạo cá nhân trong tư duy, sự kiên trì trong tình huống, và sự bộc phát trong hành động.

Dĩ nhiên, họ cũng như tôi, đặt ý kiến riêng của các chuyên gia vượt quá tầm quan trọng trong suy luận và hành xử của người dân. Tôi thường lướt qua danh sách các bài "nóng" nhất của các trang mạng như Vietnamnet, VNExpress hay Tuổi Trẻ. Gần đây, những bài viết thu hút số lượng độc giả nhiều nhất vẫn là chuyện bà vợ đốt chồng ở Long An (rất nóng) hay vụ sức khỏe của Cụ Rùa Hồ Gươm (rất lạnh), không phải các bài khảo luận khô khan về lạm phát, tỷ giá hay lãi suất. Có lẽ người dân hiểu rõ giá trị thực sự của các bài nhận định? Hay nghĩ cho cùng, cách thức để ngủ ngon và không lo bị chồng hay vợ đốt vẫn quan trọng hơn là chuyện kiếm tiền lặt vặt?



Sau mỗi thời kỳ vàng son

Tác giả: Alan Phan

Bài đã được xuất bản.: 01/03/2011 06:00 GMT+7

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-02-09-sau-moi-thoi-ky-vang-son

Trong suốt lịch sử thế giới, cái tệ hại của mỗi thời kỳ vàng son là một kết cuộc thảm thương cho mọi người dân. Bong bóng bao giờ cũng vỡ. Nợ quá tải bao giờ cũng đáo hạn sớm hơn dự định. Người giàu thì phá sản vì lối kinh doanh đòn bẩy phiêu lưu không còn thích hợp, người trung lưu thì trắng tay vì giá trị tài sản biến mất, lây lắt bám víu vào một nền kinh tế khập khiễng. Các quan chức chính phủ thì luôn luôn bó tay vì không hiểu chữ sáng tạo hay tiết kiệm là gì?

Đọc lịch sử thế giới, tôi luôn say mê về những góc nhìn tiêu biểu cho thời vàng son của mỗi quốc gia. Từ đế chế La Mã, Hy Lạp ngày xưa đến Anh, Mỹ, Nhật thời cận đại, chúng mang nhiều nét đặc thù, những tựu trưng, vẫn có rất nhiều tương đồng. Xã hội và con người trong những thời kỳ huy hoàng này, nhất là giới cầm quyền thượng lưu, luôn luôn mang đậm những cá tính hồ hởi lạc quan, phô trương quyền lực và sự giàu có, đắm mình trong lễ hội và tiệc tùng, sống không lo âu đến ngày mai vì nghĩ rằng ... những ngày hè nắng đẹp sẽ kéo dài bất tận. Người Mỹ có bài hát mô tả tình huống này, "Let the good times roll" mà người Pháp tán đồng nồng nhiệt " Laisser les bon temps rouler." Thời vàng son ơi, hãy tiếp tục trôi...

Nước Mỹ trong thập kỹ 1920's được biết đến bằng tên "The Roaring Twenties" (Những năm hoan lạc của 1920's). Thế chiến Thứ Nhất vừa chấm dứt và Mỹ hưởng lợi rất nhiều vì đã cho các nước thắng trận (Anh, Pháp) vay những khoản tiền rất lớn cho chiến tranh, cũng như đã cung cấp vũ khí cho cả hai bên với giá tốt. Nước Mỹ đang sửa soạn thay thế đế chế Anh trên khắp thế giới vì sức mạnh tài chính của mình. Những công nghệ mũi nhọn mới đem thế lực kinh tế và văn hóa Mỹ phủ khắp toàn cầu (xe hơi, phim ảnh, radio, kỹ nghệ hóa học, nhạc jazz...) trong khi châu Âu vẫn còn là đống tro hoang tàn vì chiến tranh và châu Á vẫn là các thuộc địa chậm tiến. Thị trường chứng khoán và địa ốc tăng trưởng đột biến, người dân Mỹ ngoài thu nhập cao còn hưởng những khoản lời này nên cảm thấy giàu có nhất thế giới, và tương lai chưa bao giờ có một hứa hẹn rực rỡ như vậy. Dân quê ào ạt đổ về thành phố tìm sự giàu có, "đô thị hóa" ở Mỹ thực sự bộc phát.

Cùng với nhân dân, chính phủ Mỹ nới rộng tín dụng, giữ lãi suất thật thấp và bắt đầu những công trình xây dựng hạ tầng khắp quốc gia. Xa lộ, đường sắt, xe điện ngầm, nhà máy điện nước, cảng biển... mọc lên như nấm sau cơn mưa dài. Giá cả mọi tài sản trở thành... bong bóng, xa rời thực tế. Nợ công ngày càng chồng chất và lạm phát bắt đầu quậy phá.





Ảnh: cafeF

Ngày 29/10/1929 thực tế của thị trường ghé thăm. Wall Street sụp đổ với 13% giảm sút trong chỉ số Dow Jones (lên đến 58% trong nhiều tuần sau đó và 89% vào 1931). Nước Mỹ kéo toàn thế giới vào cuộc Đại Suy Thoái suốt thập niên 1930's cho đến khi Thế Chiến Thứ Hai bắt đầu.

Trong suốt lịch sử thế giới, cái tệ hại của mỗi thời kỳ vàng son là một kết cuộc thảm thương cho mọi người dân. Bong bóng bao giờ cũng vở. Nợ quá tải bao giờ cũng đáo hạn sớm hơn dự định. Người giàu thì phá sản vì lối kinh doanh đòn bẩy phiêu lưu không còn thích hợp, người trung lưu thì trắng tay vì giá trị tài sản biến mất, lây lắt bám víu vào một nền kinh tế khập khiễng. Các quan chức chính phủ thì luôn luôn bó tay vì không hiểu chữ sáng tạo hay tiết kiệm là gì?

Trong những thời vàng son đó, tôi thích tìm hiểu về những nhân vật đầy quyền lực, giàu có của xã hội, đã được hoàn cảnh đưa đẩy lên đỉnh cao của quốc gia, và đời sống họ là những bức tranh trung thực nhất của môi trường chung quanh.

Không ai mà không ấn tượng với những câu chuyện về Du Yue Sheng, thủ lãnh của băng đảng Green Gang, đã đem Thượng Hải thời 30's lên bao nhiêu là phim ảnh của Tàu và Mỹ. Anh chàng xã hội đen này, xuất thân là một nông dân nghèo của Pudong, đã leo lên ngai thị trưởng (không chính thức ) của Thượng Hải, qua những quan hệ làm ăn với Tưởng Giới Thạch và các quan chức địa phương. Thậm chí, ông còn tài trợ cho phần lớn các chiến dịch càn quét của họ Tưởng trong chiến tranh.

70 năm sau, Trung Quốc lại cống hiến cho lịch sử một nhân vật đầy màu sắc, là Lai Chang Xing, cũng là một nông dân nghèo của tỉnh Hạ Môn. Khởi nghiệp bằng con số không, Lai đã thu góp được một tài sản khổng lồ hơn 16 tỷ USD (theo cáo trạng của chánh phủ) trong thời gian ngắn ngủi chưa đầy 5 năm. Lai đã khống chế hoàn toàn các cơ quan công lực của Hạ Môn rồi Trung Ương, từ cảnh sát đến hải quan, để tổ chức được một mạng lưới buôn lậu xe hơi, dầu khí và thuốc lá khắp nước. Sự sụp đổ của Lai là do Tổng Bí Thư Giang Trạch Dân và Thủ Tướng Chu Dung Cơ muốn dùng con bài của Lai để lật đổ thế lực hùng mạnh của nhóm Bắc Kinh. Lai bị án tử hình, trốn được qua Canada; còn ở nhà, Thị Trường Bắc Kinh và 4 nhân vật cao cấp phải tự tử chết. Gần 400 quan chức bị đưa ra Tòa về vụ việc này gồm 2 Bộ Trưởng, 26 tỉnh ủy, 86 huyện ủy và kết quả có 14 án tử hình.

Nhân vật đình đám nhất của The Roaring Twenties bên Mỹ là William Randolph Hearst. Ông tạo lập một gia tài khổng lồ qua sự thiết lập và thu tóm hơn 30 tờ báo chính tại các thành phố lớn (New York, San Francisco, Chicago, Los Angeles..), 8 tạp chí (Cosmopolitan, Good Housekeeping...) vài đài phát thanh và một phim trường ở Hollywood. Ông cũng từng là dân biểu, nghị sĩ, nhưng thất bại trong việc ứng cử vào chức Thị Trưởng New York, bàn đạp cho Tòa Bạch Ốc. Ông là king-maker (kẻ tạo vua chúa) trong rất nhiều cuộc bầu cử vì ảnh hưởng khủng khiếp của mạng truyền thông trong xã hội Mỹ. Ông lại có một cuộc sống xa hoa với tiệc tùng và scandal, gây ra không biết bao nhiêu câu chuyện hấp dẫn cho đám đông luôn thờ phụng những nhân vật nổi tiếng (celebreties). Khu lâu đài của ông ở San Simeon California vẫn là một trung tâm thu hút bao du khách ngày nay. Trên hết, Orson Welles dùng ông như là một cảm hứng để tạo nên cuốn phim Citizen Kane, mà nhiều nhà phê bình cho là phim hay nhất qua mọi thời đại của lịch sử điện ảnh.

Một trong những scandal tiêu biểu trong năm 1924 là chuyện ông bắn chết một người bạn trên du thuyền tại một bữa tiệc sinh nhật vì ghen tuông và vì lầm tưởng anh ta là Charlie Chaplin, danh hề của những phim Charlot. Chaplin đang ái ân vụng trộm với cô đào nổi danh Hollywood, Marion Davies, hiện là nhân tình số một của ông. Nhưng ông không bị điều tra hay kết tội gì về vụ giết người này: dù sao, ông cũng là W.R. Hearst, người vừa giúp Tổng Thống Mỹ Calvin Coolidge đắc cử hai tuần trước đó.

Tôi chắc rằng những nhân vật xã hội của mọi thời vàng son đều có những trải nghiệm và tình huống tương tự. Khi tôi về lại Việt Nam vào 2006, người dân giàu có của xã hội thượng lưu ở đây cũng đầy những mẩu chuyện thú vị hào hứng, pha lẫn giữa sự thực và các tin đồn. Những huyền thoại về Phạm Nhật Vượng, Đoàn Nguyên Đức, Cường Đô La, Đào Hồng Tuyển... chiếm đầy các tít lớn của các tờ báo, tạp chí. Thời vàng son của một chu kỳ mới trong kinh tế vừa nổi của Việt Nam cùng bắt đầu vào thời điểm này.

Trở lại với câu chuyện của Hearst và The Roaring Twenties, lịch sử cho thấy một kết cuộc đáng buồn. Hearst gần như bị phá sản trong cuộc Đại Suy Thoái thập niên 30's và The Roaring Twenties chỉ còn vang vọng trong tiểu thuyết. Một tác giả là bạn thân của Hearst đã viết hồi ký về thời vàng son của Hearst và bạn bè," Chúng tôi đã ăn chơi, nhảy múa không ngừng nghĩ trong những tiệc tùng thâu đêm. Rượu, ma túy, sex và những thị phi làm chúng tôi say sưa không biết mệt. Nhiều người vẫn cảm nhận sự điên cuồng và ngu xuẩn của những vũ điệu Charleston mỗi đêm, nhưng chúng tôi biết rằng, nếu giàn nhạc ngừng chơi, vũ điệu ngừng quay, thì chúng tôi sẽ không có gì... ngoài một trống vắng toàn diện." Thế cho nên, let the good times roll, thời vàng son ơi, hãy tiếp tục trôi.

Hôm nọ, trong đêm giá rét của Hà Nội, tôi ghé vào quán cà phê ở Sheraton Westlake, chợt loáng thoáng nghe lại bài nhạc "Let the good times roll". Nó nhắc tôi về W.R. Hearst và The Roaring Twenties của xứ Mỹ xa xôi. Nó làm tôi tự hỏi chúng ta đã học được gì khi lịch sử tái diễn?



"Một người làm quan cả họ được nhờ"

Tác giả: Alan Phan

Bài đã được xuất bản.: 22/02/2011 04:00 GMT+7

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-02-21-mot-nguoi-lam-quan-ca-ho-duoc-nho-

Hiện tượng "một người làm quan, cả họ được nhờ" đã tồn tại suốt 10 ngàn năm trong lịch sử nhân loại, qua mỗi thời đại và không gian. Từ vị vua chúa ở đỉnh cao đến ông trưởng thôn ở một quận hẻo lánh, lợi dụng quyền lực của mình để gia đình cùng hưởng lợi, nhất là vợ con, đã trở thành một thói quen như ăn uống hay giải trí.

>>  Giấc mơ "hồi tỵ"

Hơn 40 năm trước, khi tôi tốt nghiệp đại học ở Mỹ, do nhu cầu về nhân viên cấp cao vượt qua nguồn cung, nên các công ty Mỹ lớn có thói quen gởi người đến các đại học để tuyển mộ "nhân tài". Những sinh viên ở Top Ten (10% đứng đầu sổ) tha hồ lựa chọn công việc và chỗ làm theo sở thích. Vào thời điểm đó, các cơ quan chánh phủ cũng cho người đến các trường để tìm nhân viên. Nhưng họ chỉ vớ được những sinh viên học dở, nằm ở cuối sổ, vì làm việc cho chính phủ được coi là nhàm chán, lương thấp, không có cơ hội để tỏa sáng và dành cho những anh sinh viên "hơi dốt", "kém may mắn".

Ở những xã hội Âu Mỹ thời đó, làm quan đã bị coi là mạt vận; còn nếu lêu lổng, không lo học hành, đào tạo cho mình kỹ năng bài bản hay trí thức thâm sâu, thì con đường duy nhất đi đến tương lai chỉ có thể là đi... lính (quân đội hoăc cảnh sát).

Có lẽ đây là tư duy của cha mẹ ông Hosni Mubarak khi ông không được học làm bác sĩ kỹ sư, mà phải vào quân đội. Tuy nhiên, trái với mọi tiên đoán, khi phải buộc từ chức và giao quyền Tổng Thống Ai Cập lại cho người khác, sau 65 năm, ông Mubarak bây giờ có thể về hưu với tài sản lớn hơn Bill Gates (ước tính khoảng 70 tỷ US dollars) và cả gia đình ông, kể cả hai người con, đều là những tỷ phú dựa trên tài sản riêng của họ. Trong khi đó, 40% dân nghèo Ai Cập phải lo lắng từng bữa ăn với một lợi tức trung bình chừng 2 dollars một ngày cho mỗi đầu người.


Ảnh minh hoạ: Tổng thống Hosni Mubarak (tintucxalo.vn)

Trường hợp ông Mubarak không phải là đơn lẻ. Hiện tượng "một người làm quan, cả họ được nhờ" đã tồn tại suốt 10 ngàn năm trong lịch sử nhân loại, qua mỗi thời đại và không gian. Khởi đầu là các chế độ phong kiến với tập tục "cha truyền con nối", "trung thành với vua quan", rồi biến thành "chiến sĩ của các đại lãnh tụ". Dù mọi lý thuyết và thực tế đã chứng minh sự lỗi thời lạc hậu của định kiến này, nó vẫn được tiếp tục trấn đặt trên người dân khắp nơi để bảo vệ quyền hành của các chính trị gia. Từ vị vua chúa ở đỉnh cao đến ông trưởng thôn ở một quận hẻo lánh, lợi dụng quyền lực của mình để gia đình cùng hưởng lợi, nhất là vợ con, đã trở thành một thói quen như ăn uống hay giải trí. Ngay cả nhiều quốc gia ở Âu Mỹ, các quan chức và gia đình quyền lực vẫn tìm đủ mọi khe hở của pháp luật để phát huy quyền hành và đặc lợi. Sự tham lam không bao giờ chịu ngưng ở một thế hệ.

Mubarak không phải là vị lãnh tụ Ả Rập đầu tiên muốn đưa con trai mình lên nối ngôi Tổng Thống. Trước đó, Tổng Thống Assad ở Syria đã thành công đưa con là Bashar al-Assad lên vị trí "number one". Saddam Hussein chuẩn bị đầy đủ cho con trai Qusay lên kế vị trước khi ổng bị giết. Các ông lãnh tụ từ Muammar Gadafy của Lybia,  Ali Abdullah Salih của Yemen, đến các vị vua ở Kuwait, Bahrain, UAE, Saudi Arabia... luôn tìm đủ cách để con cái được nối ngôi, dù phải trả giá cao đến bao nhiêu, từ giá hạnh phúc cho gia đình mình đến giá xã hội cho nhân dân đang đói nghèo ngoài dinh thự.

Nhìn đến châu Á, tập tục cha truyền con nối còn phổ thông hơn các nơi khác vì triết lý Khổng Mạnh (quân sư phụ) đi theo các chế độ phong kiến vẫn còn tồn tại mạnh mẽ trong xã hội. Gần nhất thì có Chủ tịch Kim Jong Il của Bắc Triều Tiên vừa phong chức Đại Tướng cho cậu con trai 25 tuổi (Kim Jong Un). Kim Jong Il đã thừa hưởng chức vụ lãnh tụ này suốt 30 năm qua sau khi nhận lại quyền hành từ thân phụ, ngài Kim Il Sung . Ở Đài Loan, khi Tưởng Giới Thạch qua đời, con trai ông là Tưởng Kinh Quốc thay thế nắm quyền lãnh đạo đến năm 1988. Tại Trung Quốc, thống kê của chánh phủ khi loan báo đã làm sôi nổi mạng lưới Net là sự kiện 90% các tỷ phú (US dollars) mới của Trung Quốc theo danh sách Forbes 2009 là "con ông cháu cha" của các cựu lãnh tụ trung ương hay còn gọi là các hoàng tử đỏ (princelings) (a). Tuy vậy, các lãnh tụ Trung Quốc khôn ngoan hơn các xứ khác: họ cho con cái thay đổi tên họ để tránh sự nhận biết quá rõ ràng về những liên hệ gia đình.

Ngay cả một xứ như Mỹ, ông George W Bush đã dùng bộ máy tranh cử và cố vấn của cha để tranh cử và đắc cử Tổng Thống vào năm 2000 và 2004. Trong lịch sử Mỹ, dù không kế vị trực tiếp, nhưng Tổng Thống John Quincy Adams là con của cựu Tổng Thống John Adams. Những gia đình khác có sự tập trung quyền lực chính trị nổi tiếng của Mỹ là gia đình Kennedy ở Massachusetts, gia đình Daley ở Chicago, gia đình Brown ở California,... Nhưng phải công bằng mà nhận định là các người con chính trị gia ở Mỹ phải trải qua những kỳ vận động tranh cử rất mệt nhọc để kiếm phiếu từ người dân, chứ không được trao vương miện bằng một sắc lệnh như tại các xứ khác.

Dĩ nhiên, người dân thường sớm nhận ra những áp đặt bất công và phi lý này. Tuy nhiên, cả mấy chục năm nay, những người dân ở Ai Cập, Tunisia hay Algeria quá nghèo, lay lắt với miếng cơm manh áo. Nghịch lý là chỉ khi Ai Cập, Tunisia và Algeria đạt được một mức thu nhập GDP trên đầu người cao hơn và có thì giờ tiền bạc tiêu xài cho những phương tiện truyền thông hiện đại hơn, thì làn sóng phản ứng mới lan rộng trong nhiều tầng lớp trung lưu. Nhiều giả thuyết cho rằng, nếu GDP của Ai Cập đừng tăng trưởng trung bình 7% mỗi năm như trong 10 năm qua, thì dân Ai Cập vẫn còn ngoan ngoãn như một đàn cừu, lo mưu sinh, nhịn nhục.

Nếu các lãnh tụ độc tài ngày nay quay ngược thời gian và  có cơ hội tư vấn từ Machiavelli (nhà quân sự chính trị lỗi lạc nhất thời Trung Cổ), họ sẽ nhận lời khuyên như sau, "Đừng để dân giàu nhanh, đừng để dân khôn biết hơn và đừng để dân có thì giờ nhàn rỗi. Quyền lực của các ngài sẽ lâm nguy đó."  Tôi không biết có nhà chính trị nào ở Trung Quốc khuyên chính  phủ phải giữ  mức độ tăng trưởng GDP dưới 1% trong 20 năm tới, để tránh mọi rắc rối, như bài học Ai Cập, Tunisia đã dạy?

Vừa rồi, khi coi BBC về một phân tích các nguyên nhân của cuộc cách mạng ở Ai Cập, một người bạn gửi cho tôi một đoản văn về Zen (Thiền).

"Một anh mù đến từ giã bạn mình. Người bạn cho anh một cây đèn lồng. Anh mù cười hỏi:

-             Tôi đâu cần đèn lồng. Với tôi, sáng hay tối có gì khác nhau?.

-             Tôi biết. Nhưng nếu không mang nó theo, trong bóng tối người khác có thể đụng vào anh

-             Ồ, vậy thì được.

Đi được một đoạn, bất ngờ anh mù bị một người đâm sầm vào. Bực mình, anh ta quát:

-     Bộ không thấy đèn hả?

-             Đèn của ông đã tắt từ lâu rồi mà."

---------------------------


Каталог: uploads
uploads -> -
uploads -> 1. Most doctors and nurses have to work on a once or twice a week at the hospital
uploads -> Kính gửi Qu‎ý doanh nghiệp
uploads -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014
uploads -> Như mọi quốc gia trên thế giới, bhxh việt Nam trong những năm qua được xem là một trong những chính sách rất lớn của Nhà nước, luôn được sự quan tâm và chỉ đạo kịp thời của Đảng và Nhà nước
uploads -> Tác giả phạm hồng thái bài giảng ngôn ngữ LẬp trình c/C++
uploads -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜng
uploads -> TRƯỜng đẠi học ngân hàng tp. Hcm markerting cơ BẢn lớP: mk001-1-111-T01
uploads -> TIÊu chuẩn quốc gia tcvn 8108 : 2009 iso 11285 : 2004
uploads -> ĐỀ thi học sinh giỏi tỉnh hải dưƠng môn Toán lớp 9 (2003 2004) (Thời gian : 150 phút) Bài 1

tải về 157.94 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương