Tập sách được sự tài trợ của ubnd thành phố Đà Nẵng Để Đà Nẵng phát triển nhanh và bền vững



tải về 1.29 Mb.
trang1/15
Chuyển đổi dữ liệu29.07.2016
Kích1.29 Mb.
#9078
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   15


NHIỀU TÁC GIẢ

BÚT KÝ

ĐÀ NẴNG

NHÀ XUẤT BẢN ĐÀ NẴNG

Chỉ đạo nội dung:

LIÊN HIỆP CÁC HỘI VĂN HỌC –

NGHỆ THUẬT THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
Ban biên soạn:

NGUYỄN NHO KHIÊM

NGUYỄN KIM HUY

NGUYỄN THỊ THU HƯƠNG

THANH QUẾ
Tập sách được sự tài trợ của UBND thành phố Đà Nẵng


Để Đà Nẵng phát triển nhanh và bền vững

(Thay lời nói đầu)
TRẦN VĂN MINH

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng
Nằm ở trung độ của cả nước, là đầu mối giao thông lớn nhất của khu vực miền Trung về đường sắt, đường thủy, đường bộ, đường hàng không quốc tế; trung điểm của 5 di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới, Đà Nẵng có những phong cảnh đẹp, các công trình văn hóa nổi tiếng như: Bà Nà - Núi Chúa, Hải Vân, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Bảo tàng Nghệ thuật điêu khắc Chămpa và nhiều bãi biển đẹp, trong đó bãi biển Mỹ Khê - Non Nước được tạp chí Forbes (Mỹ) bình chọn “là một trong sáu bãi biển đẹp và quyến rũ nhất hành tinh”. Đây là những lợi thế lớn trong chiến lược phát triển của Đà Nẵng.

Việc Đà Nẵng được công nhận là đô thị loại 1 năm 2003 cùng với Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước”, đặc biệt là sự nỗ lực phấn đấu, đồng tâm của toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân thành phố đã góp phần tăng lợi thế, tạo thêm “chất xúc tác” cho Đà Nẵng phát triển một cách bền vững.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi về vị thế và tiềm năng, trong những năm qua, đặc biệt là năm 2009, thành phố Đà Nẵng vẫn còn không ít khó khăn, thách thức do khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế thế giới, đã tác động trực tiếp đến các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thu hút đầu tư, đời sống, lao động và việc làm... Trước tình hình đó, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, nhân dân và lực lượng vũ trang, kinh tế - xã hội của thành phố đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất; tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 11,2%; Đà Nẵng được xếp đầu về Chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin năm 2009 và là năm thứ 2 liên tiếp đứng đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Để đạt được những kết quả trên, thành phố đã tập trung tháo gỡ những khó khăn, những vấn đề bức xúc, chú trọng đến những khâu đột phá, những nhiệm vụ mang ý nghĩa chiến lược lâu dài; trong chỉ đạo, điều hành vừa khai thác, phát huy các nguồn lực của địa phương, vừa tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các bộ, ngành Trung ương; thu hút và huy động được nhiều nguồn lực, tạo điều kiện vật chất và tinh thần quan trọng làm tiền đề cho sự phát triển của thành phố...

Trên cơ sở chủ trương, chính sách của Chính phủ, UBND thành phố đã chỉ đạo triển khai và cụ thể hóa vào thực tiễn địa phương bằng các nhóm giải pháp, biện pháp đồng bộ, sát thực tế, góp phần ngăn chặn suy giảm kinh tế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi nhằm thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào thành phố; thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm và chú trọng công tác giải tỏa đền bù, bố trí tái định cư phù hợp, sát với thực tế. Các vấn đề văn hóa, trật tự - an toàn xã hội, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, chương trình thành phố “5 không”, “3 có”, nhiệm vụ bảo vệ quốc phòng - an ninh... được UBND thành phố quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả.

Năm 2010 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, là năm cuối thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng - an ninh giai đoạn 5 năm 2006-2010 và các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 19, vì vậy yêu cầu phải có những giải pháp mạnh và tích cực hơn để hoàn thành các chỉ tiêu còn lại. Trên cơ sở tình hình kinh tế-xã hội năm 2009, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2010 được định hướng bởi các nhiệm vụ, mục tiêu chủ yếu như sau:

Tập trung đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế để đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP 12-13%. Triển khai có hiệu quả các nhóm giải pháp trọng tâm để phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2010 và các chỉ tiêu kinh tế-xã hội 5 năm 2006-2010 của thành phố. Cụ thể là:
Tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, hoàn thiện các thủ tục liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh; tập trung tháo gỡ khó khăn về cơ chế chính sách và thủ tục hành chính; ưu tiên thực hiện các dự án lớn có công nghệ kỹ thuật, có sức cạnh tranh cao; đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động; nâng cao hiệu quả đầu tư, nhất là các công trình, dự án sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án trọng điểm, có sức lan tỏa và đóng góp lớn trong tăng trưởng; tiếp tục phát triển văn hóa-xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là những lĩnh vực thành phố đang thiếu, nguồn nhân lực chất lượng cao.


Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các khoản thu; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tài chính, phát hiện và xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm Luật Ngân sách..., phấn đấu hoàn thành toàn diện và vượt mức dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2010.

Tổ chức tốt các sự kiện, ngày lễ lớn trong năm 2010 như: Cuộc thi pháo hoa quốc tế, Kỷ niệm 35 năm Giải phóng thành phố, Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VI, các hoạt động du lịch hè 2010... Bảo đảm công tác an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực thi các giải pháp giảm thiểu tai nạn giao thông, hạn chế tình trạng cướp giật, gây rối trật tự trên địa bàn, tình trạng chèo kéo, bu bám khách du lịch.

Năm 2010 cũng là “Năm an sinh xã hội” của Đà Nẵng. Thành phố tiếp tục quan tâm đặc biệt đến đối tượng chính sách, địa bàn khó khăn; khuyến khích sản xuất, đầu tư để giải quyết việc làm và thu nhập; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, chất lượng và hiệu quả các hoạt động phòng và khám, chữa bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm. Tập trung thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU, Chỉ thị số 25-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt nghèo, học sinh bỏ học và thiếu niên hư, vi phạm pháp luật, ngăn chặn tình trạng bạo hành gia đình... Đẩy mạnh xã hội hóa để huy động tốt hơn các nguồn lực nhằm bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo.

Quan tâm giải quyết các vấn đề xã hội như vệ sinh môi trường, giải quyết việc làm, vấn đề nhà ở, mà cụ thể là hoàn thành các khu chung cư cho người thu nhập thấp, công nhân các khu công nghiệp, ký túc xá sinh viên theo tiến độ đề ra. Tiếp tục huy động các nguồn lực, duy trì thực hiện các mục tiêu theo chương trình “thành phố 5 không”, “thành phố 3 có”, Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường”...

Với quyết tâm chính trị cao của chính quyền thành phố, sự cởi mở, hiếu khách, cùng sự đồng thuận, sáng tạo, năng động, lao động nhiệt tình của nhân dân thành phố, Đà Nẵng sẽ sớm được hình thành theo hướng văn minh, hiện đại, thân thiện môi trường, chủ động hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Mục tiêu chiến lược của Đà Nẵng đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 là Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước; là hạt nhân gắn kết các địa phương với nhau và trở thành đầu tàu năng động, thu hút và lan tỏa trên các lĩnh vực; là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của miền Trung với vai trò là trung tâm công nghiệp - thương mại - du lịch và dịch vụ; là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển vận tải trong nước và quốc tế; là trung tâm bưu chính - viễn thông và tài chính - ngân hàng; một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục và đào tạo của miền Trung; là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của khu vực miền Trung và cả nước.

Với những thành quả đã đạt được, cũng như những khó khăn, hạn chế, thách thức trong quá trình phát triển, thành phố nhìn nhận rõ hơn về thời cơ của mình trong bối cảnh hội nhập, hợp tác và phát triển, qua đó có bước đi phù hợp thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội dải ven biển miền Trung Việt Nam đến năm 2020, thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khóa IX) về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước”.

NGUYỄN ĐỖ VĨNH PHONG
Thành phố của tôi
Tặng tuỳ bút này cho những người yêu Đà Nẵng

Tôi bắt đầu suy nghĩ về những dòng nhỏ này trong một quán bar nằm trên đường Bạch Đằng - Bamboo. Trong thứ âm thanh tạp nham ồn ào những cuộc chuyện trò không dứt, tôi nhắm mắt để hình dung thật đủ đầy về những gì sắp sửa viết ra, sắp sửa đặt lên trang giấy trắng của mình.

Câu chuyện của tôi cũng chỉ là một tập hợp những hình dung rất vụn và rời rạc. Nó chắp vá và đan cài trong tôi. Dẫu vậy, ngay lúc này, cái "hứng" của tôi, thứ quan trọng nhất đối với người cầm bút, được gầy dựng nên rõ ràng hơn bao giờ hết, sau những cuộc chuyện trò cùng bè bạn nước ngoài. Tôi mải miết suy nghĩ cho đến khi cơ thể mệt bã ra, cho đến khi âm thanh một trận mưa cuối mùa đổ xuống...

Tôi viết về Đà Nẵng, thành phố mình.

Có những thứ thật khó để viết cho hết, cho đủ. Và quê hương là một trong những thứ đó. Có quá nhiều kỉ niệm đã gắn chặt chúng ta vào nó. Và như ai đó đã nói rằng, nếu phải xa lìa nó, ta sẽ chỉ như một đứa trẻ bơ vơ vì bị tách khỏi tử cung mẹ mà đành khóc một trận ngon lành. Bởi quê hương là mẹ, là máu, là thứ khí trời ta hít thở mỗi buổi sáng được nghe loa phóng thanh rộn ràng, là tất cả những gì chúng ta nhìn thấy và mơ về,...

Tôi đã được trải nghiệm cái cảm giác xa cách ấy, trong những lần ngồi trong khoang máy bay, nhìn giã biệt những khối nhà bày ra như ma trận bên dưới, lòng không cầm được cảm giác hoang mang. Tôi sẽ trôi về đâu? Một tỉnh lẻ xa lạ? Một thành phố chật ních người xe? Cái tình yêu tôi dành cho thành phố mình hiện hữu rõ ràng hơn bao giờ hết, trong những chuyến đi vội vã, bất cần, và hoang mang như thế...

Đà Nẵng tròn đầy như vậy đó. Nó, một thành phố nho nhỏ, thuộc về miền Trung Việt Nam và nằm gọn trong lòng tay mẹ biển. Một thành phố đáng yêu với hơn tám trăm ngàn con người. Nó đẹp đến nỗi, mỗi sáng ta được nghe tám trăm ngàn con người quanh mình ấy hít thở, vận động. Nhịp thở như tiếng xào xạc của một vườn đu đủ khổng lồ, trong một phim Việt tôi xem đã lâu. Thành phố như một thực thể sống, trỗi dậy hằng ngày hằng giờ, với những con người hăm hở cho những cuộc hành trình dài ngày. Họ đi cho những cuộc chuyển mình mới của thành phố...

Đó là một thành phố của những cây cầu. Năm cây cầu nối hai bờ sông từng một thời diệu vợi xa cách. Một cây cầu khác đang được thi công, trong đợi chờ và háo hức của bao người. Tôi đi hằng ngày trên cầu Nguyễn Văn Trỗi. Bốn mùa trên cầu thay đổi như những khung hình thoắt ẩn thoắt hiện trong kính vạn hoa. Những ngày mùa đông, nước đục ngầu, bèo trôi đầy mặt sông. Những buổi sáng xuân, từng đoàn xe ngược xuôi, chở những cành xanh đằng sau, chở phong vị tết về nhà. Những trưa mùa hè, nắng chói chang như lẩy từ đâu đó trong ảnh cụ Võ An Ninh. Mùa thu, cây cầu lặng lờ như một chiếc lá rụng về đất, đẹp như một bài thơ tình Xuân Quỳnh...

Đà Nẵng là thành phố của quán xá, của chuyện trò... Tôi yêu những cái quán nhỏ trong thành phố bằng thứ tình yêu mê muội. Ở mỗi góc nhỏ, khi rúc vào, cảm giác như cơ thể mình được bám chặt vào lòng đất, được kết nối hoàn toàn với những ngọn lửa âm ỉ bên trong. Tôi hay ngồi ở Gitano, trên đường Nguyễn Chí Thanh. Nhìn ra khỏi cửa sổ, nhìn vào một góc rất nhỏ của thành phố - sau lưng trường Phan Châu Trinh cũ, mường tượng về một vùng kí ức xa xưa xanh thẳm. Những buổi sáng chủ nhật, tôi tìm về một quán cà phê trên đường Lí Tự Trọng - quán Linh. Những giờ phút trong veo ở đó là những giờ phút tôi nghiệm lại mình, giải quyết những công việc lỉnh kỉnh, và thêm yêu cái sự sống sinh sôi trước mắt. Cà phê Linh ngon, ngọt đậm, và vì thế, dễ chừng là hàng cà phê ngon nhất thành phố. Người Đà Nẵng "nhậu" cũng nhiều. Họ tìm đến quán xá - những nơi xả xì trét hiệu quả nhất - sau những giờ giam mình vào công việc, mưu sinh. Quán còn là nơi người ta làm việc. Có người tìm đến đây, mượn một chỗ ngồi nhỏ và khuất để tiến những bước vạn dặm trong đời...

Và tôi nghĩ tới biển. Bờ biển Đà Nẵng dài và mảnh như giọng Shania Twain, nó trở thành huyền sử trong đầu óc tôi. Nó kể cho tôi bao đêm thiếu thời chuyện thần thoại về Ngũ Hành Sơn sinh ra từ một quả trứng. Là chuyện những người con của biển, sinh ra và lớn lên trong giông bão. Họ vượt sóng vượt gió tìm ra đại dương. Là những buổi chiều Thanh Khê, bóng một mẹ già lặng lẽ ngồi nhìn xa xăm tạc vào không gian xanh thẳm. Sau những cuộc hành trình dài ngày, những đợt bão, đã vắng nhiều những bóng người thân... Là những buổi sáng mùa hè, biển như thỏi nam châm khổng lồ hút những đoàn người áo xanh áo đỏ. Và cũng chẳng lạ gì khi, Forbes, một tạp chí uy tín ở Mĩ, xếp nó vào danh sách mười bờ biển đẹp nhất thế giới.

Tôi muốn viết những dòng đẹp cho những con phố ngày thường. Đà Nẵng còn là những cung đường quen, rất quen. Trước đây, tôi có thể bỏ hàng giờ để lạc vào những con hẻm Hoàng Diệu, tự thưởng cho mình cái cảm giác bị lạc giữa một thành phố đã quen, đã thân. Cái cảm giác ấy ám ảnh tôi suốt những năm cấp ba. Tôi còn nhớ thời trẻ con của mình, mỗi lần có được một niềm vui nho nhỏ, tôi cũng xách xe chạy như bay trên dốc Cầu Vồng. Từng bầy chuồn chuồn bay trên đầu tôi, trên những lọ sành sứ, trên đoạn dốc ngắn ngủi ấy, bây giờ đã trôi về một chương trong quá vãng rồi. Đêm khuya những năm chín mươi, tôi đi bộ trên đường Ông Ích Khiêm, sà vào quán trứng vịt quen, nghe tiếng xích lô đêm lọc cọc vọng về. Những trưa còn đạp xe đi học trên đường Trần Phú, nghe tiếng lá xào xạc trên đầu, tôi mới hiểu truyện Nguyễn Nhật Ánh đẹp đến độ nào. Trên cao kia, nắng bị chặn ở một khoảng không xanh biếc.

Người Đà Nẵng cũng đẹp và lành như đất. Tôi lớn lên từ thầy cô mình. Tôi nhớ thầy Hồ Kì Mô của trường Nguyễn Khuyến, một đời thầy theo nghiệp gõ đầu trẻ, đi đi về về trong những công thức toán học. Tôi nghĩ về thầy Hoàng Dục trường Lê Quí Đôn, về những giờ học đẹp miệt mài một niềm yêu văn chương. Tôi thích cái cảm giác chen chúc ở cây xăng đường Thái Phiên, bị vây bởi những người không quen biết. Tôi mường tượng về người bán hoa ở chợ Hàn, những đêm trời lạnh và khuya. Tôi ghé vào mua một bông hồng và nhận lại nụ cười cuối cùng trong ngày từ người bán. Tôi quay xe về nhà, rồi bị hút vào cái không gian đen thẳm, lòng dấy lên những cảm giác lâng lâng khó tả...

Có một điều về Đà Nẵng mà tôi thực tâm trân trọng. Đó là cái thế giới ẩm thực của thành phố này. Tôi có một bạn sống ở Thăng Bình. Hằng tuần, bạn tôi dong xe về Đà Nẵng chỉ để mua chả cá. Nghe đâu người vợ thèm ăn bún chả cá nên chồng phải lặn lội kì công như thế. Cũng dễ hiểu, miếng chả cá thơm phưng phức tan đi trong thứ nước bún ngòn ngọt kia đã đủ làm một cái tứ đẹp cho cả Thạch Lam lẫn Nguyễn Tuân rồi. Bạn bè sành ăn thường rủ tôi chui vào một góc nhỏ trong đường Điện Biên Phủ để ăn nem lụi. Mùi nem cháy trên bếp than gợi về những ngày tôi còn ở Vĩnh Điện. Lúc nhỏ, tôi lớn lên trong rơm rạ trong than hồng. Và nay, mỗi cuốn nem như khơi mở dần một vùng kí ức tưởng đã ngủ quên, đã không còn. Nhưng chừng đó vẫn chưa đủ. Đà Nẵng có cơ man nào là bánh: bánh xèo, bánh nậm, bánh ú, bánh ướt, bánh bèo,... Có lúc, lội chợ Cồn, lòng không cầm nổi nôn nao vì những hàng quán. Thời gian như ngưng đọng trong chiếc đồng hồ lớn đã thôi chạy từ bao năm trước chợ, mỗi khi dừng chân, thưởng thức những thứ quà ngon lạ ấy.

Đà Nẵng còn là nơi mối tình đầu của tôi xuất hiện. Yêu và được yêu, cái cảm giác bồn chồn và bối rối ấy kéo dài qua những mùa Noel người ta đi chật đường về Nhà thờ Chính toà. Nơi thành phố ấy, tôi đã yêu tha thiết mọi thứ. Như thể ở Paris hay Milan, sự lãng mạng sinh ra từ tình yêu đó. Tôi đã mong mình sẽ sống đẹp trong cái tình yêu đơn giản ấy, và được chết trong một tình yêu cũng đơn giản tương tự. Nhưng, nàng sau cùng cũng rời bỏ tôi. Thành phố, từ dạo ấy, đẹp và trầm tư hơn nhiều.

Cũng bởi Đà Nẵng, giờ đây, không chỉ là một miền để ở, để sống, để thờ phụng tổ tiên nữa... Đà Nẵng là niềm thiêng liêng, một chứng nhân của những sự kiện từ vụn vặt đến lớn lao trong chặng đầu đời không lấy gì làm dài lắm của tôi. Nó, từ lâu, đã trở thành một người bạn thân thiết của tôi.

Bắt rễ vào thành phố này, tôi được sống một đời sống đẹp đẽ và rực rỡ nhất.

N.Đ.V.P

NGUYỄN NHÃ TIÊN

Lãng du một khúc đồng dao

Đàn trẻ nhỏ chia phe đánh giặc giả, tung tấy cát vào nhau đã đời rồi lại vỗ tay reo hò khúc đồng dao vang lừng trên cồn cát ven sông: “Ông giẳng ông giăng. Ông giẳng búi tóc. Ông khóc ông cười. Mười ông một cỗ. Đánh nhau vỡ đầu. Đi cầu hàng huyện. Đi kiện hàng phủ. Một lũ ông già...”. Thú thật là rất lâu rồi tôi mới lại được nghe trẻ con hát đồng dao đẹp đến thế. Đẹp là vì bọn trẻ hát hồn nhiên thật lòng, hát say sưa quên trời quên đất, quên luôn cả trận lũ lụt dữ dằn đi qua còn để lại đầy vết tích lở lói cả một quãng sông dài. Dường như trẻ con bây giờ hiếm hoi những bài đồng dao như thế, cả trên bờ môi của bao bà mẹ trẻ cũng chừng như vắng bóng những khúc hát ru, một chất bổ dưỡng nuôi nấng tâm hồn cho trẻ thơ. Chưa nói đến các vùng đô thị, ngay cả ở các làng quê cũng đã thưa thớt lắm rồi, người ta có thể thuộc lòng, kể vanh vách cho nhau những nhân vật trong phim Hàn Quốc, Đài Loan, có thể mùi mẫn ca cẩm những bài nhạc rẻ rúng lời tỏ tình nhạt như nước ốc, thậm chí còn biết cả pop, rock, nhưng một câu ca dao hoặc một khúc dân ca thì lại đâm ra ú ớ.

Đang một ngày điền dã theo các dòng sông quê ở ngoại thành Đà Nẵng, là tôi ăn theo cái chuyến khảo sát của một người bạn có dự định muốn mở những tour du lịch bằng thuyền nhỏ chạy theo các tuyến sông con. Để minh họa cho cái dự án lãng mạn của mình, bạn tôi chìa cái tờ quyết định của chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Trần Văn Minh, ký vào hồi tháng 6 năm 2009 quy định về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư và phát triển tàu du lịch trên sông Hàn và các tuyến sông khác trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Cho dẫu không rành cho lắm về chuyện kinh doanh du lịch, nhưng quả thật được ngồi trên những chiếc thuyền máy nhỏ chạy lượn lờ trên từng nhánh sông con, thưởng ngoạn cảnh quan những vùng đồi núi chập chùng và bao làng quê, làng nghề, ai bảo đấy không phải là một hấp lực réo gọi cảm xúc con người trước cái đẹp thanh bình của mỗi miền quê. Đâu phải chuyến du lịch nào cũng là những cuộc rong chơi hào nhoáng, phung phí theo cái kiểu của con nhà trọc phú, mà chính là để được tắm táp lên mình cái đẹp của thiên nhiên và văn hóa, lịch sử của từng vùng đất. Người trong nước hay người nước ngoài nào cũng đủ các thành phần, đối tượng. Nhưng hầu như nơi nào cái đẹp của văn hóa bản địa, tức là cái bản sắc riêng của mỗi vùng miền mới là linh hồn của đất biết làm bịn rịn bước chân con người. Nói là vậy, nhưng mới chỉ là cái giấc mơ của bạn tôi nên nào có thuyền lớn, thuyền bé gì để được một ngày lênh đênh với sông nước. Và vì thế gọi là điền dã để khảo sát là gọi cho nó kiểu sức, nó oai, chứ thực ra cứ ngồi trên xe máy theo đường bộ mà vi vu một cách đầy ngẫu hứng. Có lẽ cũng nhờ cái sự ngẫu hứng, tùy hứng ấy mà một buổi chiều đẹp bên dòng sông Lỗ Đông, đã neo đậu vào cái trí nhớ vốn thường khói sương của tôi những “Ông giẳng ông giăng” bát ngát một trời tuổi thơ rười rượi hoan ca cùng gió hòa bình!

Dòng sông Lỗ Đông là vùng thượng lưu của sông Túy Loan, bắt nguồn từ Trường Sơn chảy về. Tôi đã từng ngụp lặn trên dòng sông này thời con đường 604 mở theo bờ Nam ven sông còn san nền bạt ta-luy từng mét đất. Thời ấy, các anh chị công nhân công trường Thắng Lợi (nay là công ty công trình giao thông Đà Nẵng) vừa từ chiến khu mới “hạ sơn” xuống đồng bằng. Không hiểu từ khi con đường được mở ra cho đến ngày hoàn thành, con sông này đã làm nhân chứng cho bao tình yêu được khai sinh từ đây, có điều cùng với thanh âm xôn xao bài hát đồng dao của đàn em nhỏ, tôi lại nghe ra âm vang một thời của những người mở đường 604 ngày xưa ấy. Bây giờ nằm kế cận với con đường này, đoạn qua làng Phú Túc xã Hòa Phú là khu du lịch sinh thái Suối Hoa vừa mới mở ra từ vài năm nay, tưng bừng bao sắc màu văn hóa. Nào lễ hội của người Cơ Tu, nào quyến rũ những nhà gươl, rượu cần, rượu tà vạt, dặt dìu theo tiếng đàn H’roa mà thấm đẫm men say núi rừng. Đấy là tôi nói theo cách diễn đạt của người làm du lịch mời gọi. Còn tôi, núi đẹp, núi mời gọi là bởi chính sự hoang sơ muôn thuở.Tiếng nói của đại ngàn là tiếng nói mênh mông, thâm nghiêm của non cao rừng thẳm chứ không phải là một sân khấu thời thượng mang tên về nguồn. Khơi gợi mọi cảm xúc, gieo vào lòng người nguồn mĩ cảm tức là biết làm bừng tĩnh cái chân thức trong mỗi con người, để ngộ ra sự mong manh bé nhỏ của mình trước vô tận mà biết cách ứng xử với thiên nhiên, hòa điệu với thiên nhiên. Người muôn phương sẽ nhìn vào bề sâu, bề dày văn hóa của mỗi vùng đất để hiểu ra chủ nhân của đất đai xứ sở ấy là ai.

Một nhà điêu khắc người Mĩ mà tôi quen biết, tên anh là Jimson. Từ năm năm nay, năm nào anh cũng qua Việt Nam làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh, mỗi năm độ vài ba tháng. Cứ mỗi lần như thế, Jimson đều phải tìm cách ra Đà Nẵng ở lại mươi ngày nửa tháng để... đi chơi! Chẳng phải giàu có gì, anh thường phải nghỉ trọ ở một khách sạn rẻ tiền trong một con hẻm trên đường xuống biển Mỹ Khê. Một cách du lịch không lấy gì làm thong dong cho lắm nếu như không muốn nói là cam khổ. Vậy mà Jimson không thể không có mặt ở Đà Nẵng. Anh bảo với tôi: “- Đà Nẵng cho tôi cái cảm giác bình yên như được ở quê mình vậy”. Qua nhiều lần trò chuyện, tôi hiểu đấy là tiếng nói từ trực cảm của Jim chứ không hề là xã giao kiểu sức sáo mòn. Có lần Jim cần tìm đất sét để đắp tượng, tôi vẽ đường và giới thiệu cho anh tự đi một mình đến nhà máy gạch Tunnel Hòa Khương - nơi tôi quen biết, để anh tìm đất sét. Sau lần ấy, Jim trở thành bạn luôn với giám đốc nhà máy, và Hòa Khương trở thành cái địa chỉ thân thiết của Jim, anh tới anh về như được đi lại giữa lòng quê hương của mình. Cái cảm giác bình yên và tin cậy của chàng nghệ sĩ điêu khắc Jimson có được đối với đất và người Đà Nẵng cũng là tình yêu của Jennifer Thomas - cô ca sĩ người Úc. Khác với Jim thường thích “giang hồ vặt”, lúc nào cũng lè kè cuốn từ điển tiếng Việt để tìm hiểu cho đến từng...cây cỏ, Jennifer thì chuyên sưu tầm những bài hát dân ca. Ai đã từng nghe Jennifer hát dân ca đất Quảng một cách say sưa như...tín đồ hát thánh ca, sẽ hiểu ra trái tim người ca sĩ ấy đầy ắp nhường bao thiện cảm với xứ sở “đất chưa mưa đà thấm”, rộng ra hơn là còn cả Bắc - Trung - Nam ba miền. Trân trọng những tình cảm đó đã có lần tôi viết bài về Jennifer đăng trên báo Nhân Dân cuối tuần, góp một chút hương sắc quê nhà làm quà cho khách phương xa.

Chỉ một buổi chiều bên dòng Lỗ Đông làm tôi nhớ cả ngàn chuyện. Cái đẹp thanh bình yên ả của một miền quê bán sơn địa nơi đây tựa như cái thế giới trong câu ca mẹ hát ru ngày xưa: “Thời thái bình cửa thường bỏ ngỏ”. Cảnh thái bình trong câu hát ru của mẹ không chỉ là cảnh thái bình bước ra khỏi những cuộc chiến tranh, mà còn là nơi không có chỗ cho tham vọng và mưu toan ẩn trú, không có chỗ cho kẻ trộm đêm kẻ cướp ngày lộng hành, tất cả mọi cửa nhà đều mở thông thốc chẳng cần then cài cổng kín cho niềm bình yên tưới tắm thấm đẫm đến mọi ngõ ngách tâm hồn. Bỗng dưng tôi nhìn ra, nhận ra cả một phía tây Đà Nẵng, những làng mạc trải dài dưới chân đồi núi chập chùng ẩn trong sương chiều vừa hiện thực vừa huyền ảo lạ lùng. Nếu như phía đông Đà Nẵng, gần như đan kín suốt cung đường ven biển là tấp nập bao nhiêu dự án Resort, khách sạn, nhà hàng - một thế giới luôn âm ỉ, không ngừng những chuyển động, thì phía tây Đà Nẵng là một thế giới tĩnh, nơi ta có thể an trú vào thiên nhiên hoang sơ và đại ngàn tươi xanh hùng vĩ. Nơi những làng quê cổ kính Trước Bàu, Trung Lai, như từ cổ tích rao giảng cho con người cái triết lý thường hằng sông cạn đá mòn. Tôi đã nhiều lần đi thuyền vòng quanh cái hồ chứa Trước Đông ở Hòa Nhơn. So với những cái hồ khác ví như Phú Ninh hay Vĩnh Trinh, thì cái hồ Trước Đông chỉ nhỏ như một cái “ao làng”. Người Đà Nẵng hẳn còn lạ lẫm với cái hồ chứa khuất lấp giữa bốn bề đồi núi này. Vâng, nó nhỏ nhoi lặng thầm nguồn mạch nước như thế, nhưng nói theo ngôn từ của một nhà thơ: “Ôi sông Hồng, sông Hồng vạm vỡ. Có khi người thiếu đi một tiếng thương thầm”. Ở cái “ao làng” Trước Đông này hẳn sẽ khó mà vạm vỡ như Phú Ninh hay Vĩnh Trinh, nhưng từ trong sâu lắng của nó thì tiếng thương thầm luôn âm ỉ mãi những huyền thoại trong lòng người. Đã bao đời người, đời cây trên suốt cả một vùng đất đồi gò bao la này nhuộm xanh những giấc mơ từ khi cái hồ chứa Trước Đông được tạo dựng. Huyền thoại về một người chủ nhiệm trẻ hợp tác xã thời còn bao cấp đã gan góc chứng minh sức vóc của mình qua cuộc phiêu lưu tìm kiếm nguồn nước tưới cho những cánh đồng quanh năm khô hạn, cứ tươi tốt như cây xanh mỗi ngày phủ kín quanh vùng lòng hồ. Đấy cũng là sức sống của văn hóa, tất cả đều từ tình yêu của quần chúng mà ra cả. Nó cùng với ca dao, tục ngữ, kể cả những chuyện vui tiếu lâm làm nên một thứ bản sắc độc đáo thấm đầy tình đất tình người.

Không am tường về địa chí cho lắm, nhưng khi bắt gặp hai ngôi miếu cổ dưới bóng râm cây đa già ở phía bắc hồ Trước Đông, tôi đoán chừng hai ngôi miếu cổ đã xây dựng có hơn hàng thế kỷ rồi. Bộ rễ cây đa phủ từ mái ngói xuống tường đá bao bọc chung quanh cùng với mái ngói âm dương dày rêu xanh cho tôi đoán định ra tuổi tác ấy. Nghĩa là qua bao cuộc binh lửa chiến tranh tàn khốc, kì lạ thay một vùng quê bom đạn cày xới đến từng cây cỏ còn không có đất sống, vậy mà hai ngôi miếu cổ vẫn tồn tại một cách kì diệu. Những dấu vết đạn bom lỗ chỗ trên mái ngói, trên tường đá như muốn chứng minh cho một sức chiến đấu siêu hình, để hai ngôi miếu cổ trường tồn cùng lịch sử mở đất lập nên làng xã của tiền nhân một thời xa xưa nào đó. Đáng tiếc là những câu liễn chữ Nho được khảm khắc bằng sứ gắn hai bên trụ trước cửa miếu, đã bị mưa bão tháng năm làm bong ra rơi rụng không còn nguyên vẹn để ta có thể vịn vào đó mà lần ra thời gian. Cho dù không hiểu rõ thuật phong thủy, nhưng từ hai ngôi miếu cổ trên bờ hồ nước trong xanh biêng biếc, tôi cũng có thể hiểu ra con đường sinh mạch nối chuyện ngàn xưa vào bây giờ như một xác lập bao giá trị làm nên sự sống, một sự sống đầy nhân văn trong ý niệm “Cây đời mãi mãi xanh tươi” của Goethe. Dường như mọi lý lẽ về siêu việt đều khó lòng giải thích. Khi nói đến một vùng địa linh nào đó, người ta chỉ có thể minh họa sự xuất hiện của những nhân kiệt. Đấy là một bí ẩn luôn gợi mở và kích thích mọi nỗi ham hố khám phá. Nhìn hai ngôi cổ miếu, tôi lại nghĩ đến những bức tường hoang xiêu đổ còn sót lại trong lau lách rừng rậm của những ngôi biệt thự do người Pháp xây dựng trên đỉnh Bà Nà ngày mới khai phá lại. Có thể hiểu đấy như là kẻ chỉ đường, để hơn nửa thế kỷ về sau nơi đây lại mở ra một địa chỉ du lịch nức tiếng của Đà Nẵng. Nếu là vậy, biết đâu chừng từ rong rêu cổ miếu này, và cả cái hồ chứa Trước Đông kia, trong tương lai lại là một cái khuyên son - thêm một địa chỉ đẹp trên bản đồ du lịch Đà Nẵng.

Trong lúc cái trí nhớ hoang vu và lắm sương khói của tôi đang tích cực làm cái công việc như một hướng dẫn viên, thì anh bạn đồng hành dường như đến hồi cao trào của sự lãng mạn. Tuyến đường sông Lỗ Đông tiếp nối Túy Loan trong cái dự án phát triển du lịch của anh trở thành chật chội, vậy là anh miên man nói với tôi về những dòng sông khác: sông Yến Nê, sông Yên, sông Cẩm Lệ, cho đến cả con sông Cu Đê ở dưới chân núi Hải Vân. Anh bảo, cũng chẳng hiểu tính khả thi của nó sẽ như thế nào, có điều sức thuyết phục của các dòng sông đang mê hoặc là điều có thật. Nếu thực hiện được, đấy cũng là cơ hội để mỗi miền quê, mỗi làng nghề truyền thống biết quảng bá về sự độc đáo của mình. Tôi đem câu chuyện của một nữ doanh nhân làm du lịch kể lại cho anh nghe như một sự khích lệ. Chị là giám đốc một công ty chế biến và xuất khẩu đồ gỗ, đồng thời là chủ nhân của một chiếc tàu du lịch trên sông Hàn. Vừa rồi chị thông tin với tôi về một dự án mới, đó là việc tái hiện lại con đò ngang trên bến sông Hàn. Con đò ngang, tức là chiếc phà ngày xưa đưa người qua lại hai bên bờ sông Hàn. Một hành trình ngắn ngủi như thế nhưng nó lại có khả năng chở con người lãng du giữa thăm thẳm thời gian và hồi ức, đấy là con đường hành hương biết khơi gợi mọi trí tưởng trên lối về vô tận. Ở đó những bến, những bờ, những tiếng rao hàng rong hoặc câu hát xẫm. Ở đó cũng có thể là tình yêu của một lứa đôi, một cung đàn gởi vào xa vắng..., tất cả sẽ được tái hiện thành một quê nhà thăm thẳm. Và lối về vô tận kia chính là bề dày, là tầng vỉa văn hóa. Cố nhiên là một nhà doanh nghiệp chị phải tính tới lợi nhuận là mục đích cuối cùng. Nhưng, là tôi ví von theo cách hiểu của mình, cũng như người gieo hạt giống biết đi tìm và chọn lựa những vùng đất tươi tốt màu mỡ phù sa. Mà bao giờ cũng vậy, đất đai ấy tươi tốt chừng nào sẽ cho con người ta thu về những mùa hoa trái bội thu chừng ấy.

Nghe tôi mô tả cái dự án đò ngang sông Hàn của một doanh nhân, anh bạn tôi xuýt xoa trầm trồ khen lấy khen để, rồi lại đem so sánh với cái dự án khai thác du lịch trên các tuyến đường sông của mình. Bây giờ thì có lẽ để đối xứng với cái con “đò ngang” kia, anh đặt tên cho dự án của mình là “đò dọc”. Một ngẫu nhiên của những ý tưởng lãng mạn, mới mẻ thôi mà đã dậy trong lòng tôi vang hưởng tiếng gọi đò xa xăm một thuở nào. Cái quê nhà xa lắc xa lơ trong mù khơi trí nhớ của tôi lại xuất hiện, vừa mơ hồ vừa hiện hữu trước mắt. Gió bấc cuối năm phơn phớt lạnh ùa vào tận tim phổi. Con sông Lỗ Đông ửng lên cái màu ráng chiều hồng hào một dòng trôi như hồi quang của quá khứ soi về. Cái phút giây bổi hổi bồi hồi ấy không biết bạn tôi đang mơ màng những gì, còn tôi - tôi chẳng có ưu tư nào hết. Lúc này đây, tôi là thằng bé đang chạy theo lũ trẻ con trên cồn cát, hò reo vang lừng cùng với sông trôi gió thổi như réo gọi ngày xưa quay về !

Đà Nẵng những ngày cuối năm 2009

N.N.T


NGUYỄN TRƯỜNG TAM
Каталог: files
files -> Sạt-đe rằng: Nầy là lời phán của Đấng có bảy vì thần Đức Chúa Trời và bảy ngôi sao
files -> HƯỚng dẫn càI ĐẶt và SỬ DỤng phần mềm tạo bài giảng e-learning
files -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014
files -> ĐẠi học quốc gia hà NỘi trưỜng đẠi học khoa học tự nhiên nguyễn Thị Hương XÂy dựng quy trình quản lý CÁc công trìNH
files -> PHỤ LỤC 2 TỔng hợp danh mục tài liệu tham khảO
files -> BÁo cáo quy hoạch vùng sản xuất vải an toàn tỉnh bắc giang đẾn năM 2020 (Thuộc dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học ) Cơ quan chủ trì
files -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜng
files -> 1. Mục tiêu đào tạo: Mục tiêu chung

tải về 1.29 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   15




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương