Tạp chí Khoa học Đhqghn, Luật học 26 (2010) 1-11 Xây dựng pháp luật Việt Nam về sử dụng



tải về 95.84 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích95.84 Kb.
#31318

Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Luật học 26 (2010) 1-11

Xây dựng pháp luật Việt Nam về sử dụng
khoảng không vũ trụ vì mục đích hòa bình

Nguyễn Bá Diến*, Nguyễn Hùng Cường*



Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội,
144 Xuân Thuỷ, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam

Nhận ngày 30 tháng 3 năm 2009



Tóm tắt. Cách đây 50 năm, ngày 04 tháng 10 năm 1957, sự kiện Liên Xô phóng thành công vệ tinh Sputnik (vệ tinh nhân tạo đầu tiên của thế giới) được cả thế giới khâm phục và coi đó như một nỗ lực to lớn của quốc gia này trong việc chinh phục không gian. Tiếp theo đó, vào tháng 4 năm 1961, con tàu vũ trụ đầu tiên do phi công vũ trụ người Nga Y. Gagarin điều khiển đã bay quanh trái đất, và tháng 7 năm 1969, nhà du hành vũ trụ người Mỹ Neil Armstrong là người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng. Những sự kiện lịch sử này đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lĩnh vực chinh phục vũ trụ của loài người. Những thực tế này đã và đang đòi hỏi những quy tắc pháp luật nhằm điều chỉnh những hoạt động liên quan và phát sinh trong vũ trụ nhằm ngăn ngừa những nguy cơ có hại tới con người, đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế. Trong bài viết này, các tác giả đã nêu lên ngắn gọn vai trò và ý nghĩa của hoạt động khai thác và sử dụng khoảng không vũ trụ tới cuộc sống con người; tình hình của việc xây dựng và hoàn thiện khung pháp luật quốc tế và quốc gia nhằm điều chỉnh các hoạt động sử dụng khoảng không vũ trụ và nêu tóm tắt các hoạt động nghiên cứu, các công trình nghiên cứu chính về luật vũ trụ quốc tế và luật của các quốc gia trên thế giới. Ngoài ra, các tác giả còn phác thảo lược sử quá trình phát triển công nghệ vũ trụ ở Việt Nam. Từ đó, các tác giả đã đưa ra nhận xét rằng Việt Nam, với chiến lược đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đẩy mạnh công cuộc củng cố an ninh quốc phòng, không ngừng tăng cường bảo vệ chủ quyền quốc gia… không thể không gấp rút việc chiếm lĩnh khoảng không vũ trụ và việc xây dựng khung pháp lý về sử dụng khoảng không vũ trụ và cần phải coi đó là một trong những nội dung quan trọng nhất của chiến lược phát triển bền vững.

1. Vai trò, ý nghĩa của hoạt động sử dụng khoảng không vũ trụ *

Cách đây 50 năm, ngày 04 tháng 10 năm 1957, sự kiện Liên Xô phóng thành công vệ tinh Sputnik (vệ tinh nhân tạo đầu tiên của thế giới) được cả thế giới khâm phục và coi đó như một nỗ lực to lớn của quốc gia này trong việc chinh phục không gian. Tiếp theo đó, vào tháng 4 năm 1961, con tàu vũ trụ đầu tiên do phi công vũ trụ người Nga Y. Gagarin điều khiển đã bay quanh trái đất, và tháng 7 năm 1969, nhà du hành vũ trụ người Mỹ Neil Armstrong là người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng. Những sự kiện lịch sử này đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lĩnh vực chinh phục vũ trụ của loài người. Kể từ đó đến nay, công cuộc nghiên cứu, sử dụng khoảng không vụ trụ đã không ngừng mang lại những lợi ích to lớn và thiết thực cho cuộc sống của con người trên trái đất. Nhờ hệ thống thông tin từ vệ tinh, ngày nay hàng tỉ người ở các châu lục khác nhau có thể cùng theo dõi tức thời các sự kiện trọng đại của thế giới; tạo điều kiện cho người dân ở các vùng núi, hải đảo xa xôi có cơ hội học tập, chữa bệnh và thông tin liên lạc. Nhờ khả năng quan sát và thu thập các yếu tố khí tượng trên phạm vi toàn cầu của vệ tinh khí tượng, việc dự báo thời tiết, đặc biệt là dự báo di chuyển của bão, đạt độ chính xác rất cao. Vệ tinh góp phần đánh giá chính xác sự biến đổi khí hậu toàn cầu, giúp con người theo dõi biến động tài nguyên và môi trường, giám sát thiên tai…Hệ thống vũ trụ quân sự bao gồm nhiều chủng loại vệ tinh như vệ tinh khí tượng, vệ tinh do thám, vệ tinh thông tin liên lạc, vệ tinh định vị dẫn đường và các vệ tinh hỗ trợ phòng thủ… đã trở thành các nhân tố quan trọng, không thể thiếu được trong các cuộc chiến tranh hiện đại sử dụng công nghệ cao. Hàng ngày, các vệ tinh địa tĩnh của hai hệ thống thông tin vệ tinh lớn nhất toàn cầu là Intelsat và Intersputnik cung cấp hàng chục ngàn kênh thoại và hàng trăm kênh truyền hình, phát thanh nối hàng trăm quốc gia với nhau [1].

Kể từ khi vệ tinh nhân tạo đầu tiên của con người bay vào không gian cho đến nay mới chỉ có 51 năm, song khoảng thời gian đó cũng đã đủ để nhân loại nhìn nhận những lợi ích to lớn của việc chiếm lĩnh và sử dụng khoảng không vũ trụ. Mặc dù việc nghiên cứu, sử dụng khoảng không vũ trụ vô cùng tốn kém nhưng lợi ích mà nó mang lại (về thông tin liên lạc, kinh tế, xã hội, môi trường, an ninh quốc phòng, quan hệ quốc tế…) là không thể tính hết. Theo lý luận địa chính trị hiện đại, lực lượng nào khống chế được không gian sẽ khống chế được hành vi của mọi chủ thể trên trái đất [2]. Chính vì vậy, kiểm soát khoảng không vũ trụ hoặc ít nhất là đảm bảo khả năng tiếp cận được với vũ trụ đã và đang trở thành yêu cầu cấp thiết của mọi quốc gia trên thế giới.

Tính từ thời điểm vệ tinh nhân tạo đầu tiên của loài người được phóng lên, cho đến nay đã có gần 3.000 các phương tiện nghiên cứu vũ trụ, gồm các vệ tinh, tàu vũ trụ và các vật thể khác được con người đưa lên quỹ đạo [3]. Nhưng các vấn đề được nghiên cứu và phát triển nhiều hơn cả là các loại vệ tinh. Gần nửa thế kỷ sau khi vệ tinh viễn thông tiếp âm trực tiếp đầu tiên Telstar 1 được NASA phóng lên vào ngày 10/7/1962 tại Cape Canaveral, trên thế giới đã có khoảng 280 vệ tinh thương mại đang hoạt động, cung cấp hàng loạt các dịch vụ viễn thông trên thị trường thông tin vệ tinh quốc tế [4]. Theo Hiệp hội Công nghiệp Vệ tinh (SIA), doanh thu của ngành vệ tinh thế giới năm 2006 đạt hơn 106 tỷ USD [5]. Cuộc đua vệ tinh toàn cầu đang ngày càng quyết liệt trong đó Liên bang Nga và Hoa Kỳ vẫn là hai cường quốc số 1. Ngoài ra, một số quốc gia khác cũng đã tự phóng vệ tinh vào vũ trụ như Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Israel hoặc chế tạo vệ tinh sau đó dùng cách dịch vụ phóng vệ tinh của nước ngoài. Hiện nay, riêng châu Á có khoảng 80 vệ tinh của 20 nhà khai thác [6]. Các nước trong khu vực Đông Nam Á sở hữu một hoặc hơn một hệ thống vệ tinh có Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore, Philippines và gần đây là Việt Nam. Hiện nay, nhu cầu về phát triển một hệ thống truyền thông multimedia băng rộng toàn cầu với chất lượng dịch vụ cao, giá cả chấp nhận được và dung lượng vệ tinh đáp ứng được yêu cầu của khách hàng đang được các tổ chức vũ trụ quốc tế xây dựng nhằm mang lại những tiện ích tốt nhất cho loài người.

Từ nhận thức về tầm quan trọng của công nghệ vũ trụ, của việc khai thác khoảng không vũ trụ, nhiều quốc gia trên thế giới đã đầu tư phát triển khoa học công nghệ phục vụ cho việc nghiên cứu, chiếm lĩnh và sử dụng khoảng không vũ trụ. Cùng với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ trong thể ký thứ XX, các hoạt động sử dụng khoảng không vũ trụ đã phát triển mạnh mẽ trong các lĩnh vực như: thăm dò tài nguyên thiên nhiên trên mặt đất, dự báo thời tiết và các thiên tai đe doạ loài người, và đặc biệt là thông tin viễn thông.

2. Tình hình xây dựng và hoàn thiện khung pháp luật quốc tế và quốc gia điều chỉnh các hoạt động sử dụng khoảng không vũ trụ

Cùng với việc mang lại lợi ích về nhiều mặt, các hoạt động nghiên cứu, sử dụng khoảng không vũ trụ cũng có những tác động bất lợi cho con người và trái đất. Những vấn đề như rác thải vũ trụ, chạy đua vũ trang trên vũ trụ, sử dụng vũ trụ vào các mục đích quân sự, ảnh hưởng tiêu cực đến bầu khí quyển, tranh chấp về sử dụng khoảng không vũ trụ… đang trở thành những nguy cơ hiện hữu đối với cộng đồng quốc tế. Những vấn đề trên, nếu không được giải quyết thoả đáng, sẽ trở thành những thách thức nghiêm trọng đối với cuộc sống của con người trên trái đất, đe doạ hoà bình và an ninh thế giới. Thực tế đó đã và đang đặt ra yêu cầu bức thiết về việc xây dựng và ban hành các nguyên tắc và quy phạm của pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia nhằm điều chỉnh các hoạt động trên khoảng không vũ trụ của các quốc gia, các thực thể thuộc quyền tài phán quốc gia. Quá trình pháp điển hoá luật quốc tế về khoảng không vũ trụ đã được tiến hành ngay sau khi vệ tinh nhân tạo đầu tiên được phóng lên vũ trụ. Ngày 11 tháng 11 năm 1957, Liên hợp quốc ra Nghị quyết 1149 (XII) về giải trừ quân bị nhấn mạnh sự nguy hiểm của việc sử dụng các khoảng không vào mục đích quân sự. Các nghị quyết 1348 (XIII), 1472 A (XIV) đã thành lập Uỷ ban sử dụng hòa bình khoảng không vũ trụ. Uỷ ban này đã chuẩn bị và giúp Liên hợp quốc thông qua một loạt các Tuyên bố, Hiệp ước về nghiên cứu và sử dụng khoảng không vũ trụ như Tuyên bố về các nguyên tắc pháp lý điều chỉnh hoạt động của các quốc gia nhằm khai thác và sử dụng khoảng không vũ trụ (Nghị quyết 1962 (XVIII) ngày 13 tháng 12 năm 1963), Hiệp ước về các nguyên tắc điều chỉnh hoạt động của các quốc gia trong việc thăm dò và sử dụng các khoảng không vũ trụ, bao gồm Mặt trăng và các thiên thể khác thuộc hệ mặt trời (ngày 19 tháng 12 năm 1966, có hiệu lực từ ngày 10 tháng 10 năm 1967), Hiệp định về cứu hộ phi công vũ trụ, trao trả phi công vũ trụ và các phương tiện được đưa vào khoảng không vũ trụ ngày 22 tháng 4 năm 1968 (Nghị quyết 2345 (XXII), Công ước về trách nhiệm pháp lý quốc tế đối với các thiệt hại có nguyên nhân từ các phương tiện bay vũ trụ ngày 29 tháng 3 năm 1972 (Nghị quyết 2777 (XXVI), Công ước về đăng ký phương tiện được phóng vào khoảng không vũ trụ ngày 14 tháng 1 năm 1975 (Nghị quyết 3235 (XXIX), Hiệp định về hoạt động của các quốc gia trên Mặt trăng và các thiên thể khác năm ngày 18 tháng 12 năm 1979 (Nghị quyết 34/68), Tuyên bố về các nguyên tắc điều chỉnh việc các quốc gia sử dụng các vệ tinh nhân tạo của Trái Đất cho việc truyền sóng hình trực tiếp do Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 10/12/1982, Các nguyên tắc về sử dụng các nguồn năng lượng hạt nhân trong vũ trụ năm 1992.

Ngoài nhóm các điều ước cơ bản về vũ trụ do Liên hợp quốc xây dựng nêu trên, các hoạt động nghiên cứu, khai thác và sử dụng khoảng không vũ trụ còn được điều chỉnh bởi Nhóm các hiệp định khoa học-kỹ thuật quốc tế đa phương. Hiện có 07 văn kiện liên quan đến việc thành lập và các thành viên của Uỷ ban về việc sử dụng hoà bình các khoảng không vũ trụ; 25 văn kiện về sử dụng các khoảng không vũ trụ vì mục đích hoà bình/giải trừ quân bị (cấm thử vũ khí hạt nhân trong không khí, khoảng không vũ trụ và dưới nước; giải trừ quân bị; cấm các lực lượng vũ trang hoặc các lực lượng thù địch khác sử dụng các phương pháp kỹ thuật khác làm thay đổi môi trường…); 40 văn kiện về hợp tác quốc tế trong việc sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hoà bình; 09 văn kiện về thông tin liên lạc và phát chương trình truyền hình, truyền thanh trực tiếp bằng vệ tinh nhân tạo; 06 văn kiện về trạm quan sát và Remote Sensing của Trái đất từ khoảng không vũ trụ; 18 văn kiện về bảo vệ môi trường/việc sử dụng các nguồn năng lượng hạt nhân trong khoảng không vũ trụ; 02 văn kiện về quỹ đạo vệ tinh địa tĩnh; 06 văn kiện liên quan đến các hội nghị của UNISPACE…Ngoài ra, còn có trên 370 Hiệp định song phương và các văn bản pháp lý khác giữa các nước trên thế giới, các thoả thuận, văn bản pháp lý về thiết lập và tuyên bố của các cơ quan và tổ chức quốc tế liên quan đến các hoạt động vũ trụ [7].

Đến năm 1999, trên thế giới đã có 137 văn kiện đa phương liên quan đến luật vũ trụ [8]; trong đó có thể kể đến: 12 văn kiện pháp lý chủ yếu (Công ước, Nghị quyết, Hiệp ước) của Liên hợp quốc về các nguyên tắc pháp lý quản lý hoạt động của các quốc gia trong việc thăm dò và sử dụng các khoảng không vũ trụ, bao gồm mặt trăng và các hành tinh khác thuộc hệ mặt trời; các nguyên tắc điều chỉnh hoạt động của các quốc gia trên Mặt trăng và các thiên thể khác...; 07 văn kiện liên quan đến việc thành lập và các thành viên của Uỷ ban về việc sử dụng hoà bình các khoảng không vũ trụ; 25 văn kiện về sử dụng các khoảng không vũ trụ vì mục đích hoà bình/giải trừ quân bị (cấm thử vũ khí hạt nhân trong không khí, khoảng không vũ trụ và dưới nước; giải trừ quân bị; cấm các lực lượng vũ trang hoặc các lực lượng thù địch khác sử dụng các phương pháp kỹ thuật khác làm thay đổi môi trường…); 40 văn kiện về hợp tác quốc tế trong việc sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hoà bình; 09 văn kiện về thông tin liên lạc và phát chương trình truyền hình, truyền thanh trực tiếp bằng vệ tinh nhân tạo (việc sử dụng việc phát chương trình truyền hình/truyền thanh vào mục đích hoà bình; hoạt động viễn thông của Tổ chức Châu Á - Thái bình dương...); 06 văn kiện về trạm quan sát và Remote Sensing của Trái đất từ khoảng không vũ trụ; 18 văn kiện về bảo vệ môi trường/việc sử dụng các nguồn năng lượng hạt nhân trong khoảng không vũ trụ; 02 văn kiện về quỹ đạo vệ tinh địa tĩnh; 06 văn kiện liên quan đến các hội nghị của UNISPACE…Các thoả thuận và văn bản về hợp tác quốc tế; Hợp tác quốc tế trong việc giáo dục, kiểm tra và nghiên cứu khoa học vũ trụ; Các thoả thuận, văn bản pháp lý về thiết lập và tuyên bố của các cơ quan và tổ chức quốc tế…

Hoạt động của các quốc gia tham gia nghiên cứu, sử dụng khoảng không vũ trụ nằm ngoài lãnh thổ của họ và phía trên lãnh thổ của các quốc gia khác, ngoài vùng trời quốc gia và vùng trời quốc tế, đòi hỏi phải có các nguyên tắc và quy phạm pháp luật chung được cộng đồng quốc tế thừa nhận để điều chỉnh. Các hoạt động này cũng liên quan đến mặt đất và vùng trời hoạt động của các phương tiện bay hàng không, liên quan đến các thiên thể trong vũ trụ. Vì vậy, một ngành luật (chế định) mới của hệ thống luật pháp quốc tế đã được khai sinh: Luật vũ trụ quốc tế. Phạm vi điều chỉnh của Luật khoảng không vũ trụ là các hoạt động của các quốc gia và các tổ chức quốc tế trong khoảng không vũ trụ, kể cả các thiên thể, các hoạt động trên mặt đất và khoảng không gian là môi trường hoạt động của các phương tiện bay hàng không có liên quan đến hoạt động nghiên cứu và sử dụng khoảng không vũ trụ [9].

Như vậy, đối tượng điều chỉnh của Luật quốc tế về khoảng không vũ trụ là các quan hệ pháp lý phát sinh từ hoạt động của các quốc gia, các tổ chức quốc tế, các phương tiện bay vũ trụ (bao gồm tên lửa đẩy và các dạng vệ tinh, trạm nghiên cứu), các phi hành đoàn vũ trụ trong nghiên cứu và sử dụng khoảng không vũ trụ.

Luật quốc tế về khoảng không vũ trụ là một bộ phận của Luật quốc tế, tuân thủ các nguyên tắc chung của Luật quốc tế. Bên cạnh đó, vì là một phân ngành riêng biệt, điều chỉnh các hoạt động nghiên cứu, khai thác và sử dụng khoảng không vũ trụ, bao gồm cả mặt trăng và các thiên thể khác nên Luật có các nguyên tắc và quy phạm pháp lý đặc thù sau:

- Nguyên tắc tự do nghiên cứu và sử dụng khoảng không vũ trụ không có sự phân biệt

- Nguyên tắc khoảng không vũ trụ không thuộc chủ quyền một quốc gia nào.

- Nguyên tắc Mặt trăng và các thiên thể khác chỉ được sử dụng riêng biệt vì mục đích hoà bình.

- Nguyên tắc nghiêm cấm đưa lên quỹ đạo và thiết lập trong vũ trụ các căn cứ vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí giết người hàng loạt khác.

- Nguyên tắc các quốc gia phải có trách nhiệm gánh chịu trách nhiệm pháp lý quốc tế đối với các hoạt động vũ trụ của mình trong đó có các hoạt động do pháp nhân phi chính phủ thực hiện.

- Nguyên tắc hợp tác quốc tế trong hoạt động nghiên cứu, sử dụng khoảng không vũ trụ và các thiên thể khác vì mục đích hoà bình.

Vấn đề công nghệ vũ trụ và pháp luật về sử dụng khoảng không vũ trụ không còn là vấn đề mới đối với thế giới. Cho đến nay, có khoảng hơn 20 nước trên thế giới đã ban hành luật, nghị định và quyết định liên quan đến vũ trụ, sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hoà bình, đó là: Argentina, Canada, Phần Lan, Pháp, Đức, Hungary, Indonesia, New Zealand, Hàn Quốc, Liên bang Nga, Cộng hòa Slovak, Thụy Điển, Nam Phi, Tunisia, Ukraine, Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Mỹ, Australia, NaUy, Nhật Bản, Chile, Hà Lan, Tây Ban Nha…[10].

Như vậy, cho tới nay trên thế giới (trong khuôn khổ hoạt động của các tổ chức quốc tế và nhiều quốc gia) đã hình thành và phát triển một hệ thống pháp luật cùng với rất nhiều sự kiện hợp tác giữa các quốc gia trong lĩnh vực xây dựng pháp luật về sử dụng khoảng không vũ trụ. Hệ thống này không ngừng được bổ sung và hoàn thiện trong quá trình tiến hành các hoạt động chinh phục vũ trụ.

3. Các hoạt động nghiên cứu, công trình nghiên cứu về luật vũ trụ quốc tế và quốc gia

Cho đến nay, trên thế giới có khoảng trên 59.000 cuốn sách, trên 15.000 bài viết tạp chí, trên 5.000 bài báo và 72 công trình nghiên cứu khoa học chung liên quan đến công nghệ vũ trụ, luật vũ trụ quốc tế, sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hoà bình [11].



Một số công trình tiêu biểu như: Cuốn sách Studies in International Space Law (Nghiên cứu luật vũ trụ quốc tế) của Bin Cheng (NXB Clarendon Press, năm 1997) tập hợp các nghiên cứu về luật vũ trụ quốc tế của các nhà nghiên cứu về sự phát triển và các vấn đề pháp lý điều chỉnh hoạt động của con người trong vũ trụ (nghiên cứu về truyền hình vệ tinh, các quy định về sự điều chình hoạt động của các quốc gia trên mặt trăng và phi hành đoàn, quốc tịch của các phương tiện bay vũ trụ và hoạt động quân sự; tác động và ảnh hưởng của các Hiệp ước của Liên hợp quốc trong lĩnh vực này). Cuốn sách Space Law: Development and Scope (Luật vũ trụ: Phát triển và phạm vi) của Nandasiri Jasentuliyana (NXB Praeger Publishers, năm 1992) phân tích tổng quan về lịch sử, vị trí, tầm quan trọng của việc phát triển luật vũ trụ trong việc kết hợp giữa công pháp và tư pháp; các lĩnh vực khoa học bao trùm lên các khía cạnh công nghệ khoa học vũ trụ và khía cạnh luật vũ trụ, các thoả thuận của Liên hợp quốc và các tổ chức khác, các khía cạnh quốc gia, việc ứng dụng các vệ tinh nhân tạo, vấn đề về thương mại trong sử dụng khoảng không vũ trụ, việc giải quyết các tranh chấp phát sinh và các án lệ…Cuốn Space Law and Government của Andrew G.Haley; Appleton-Century-Crofts, gồm các nội dung về việc thực hiện và những thách thức của vũ trụ; các cơ sở truyền thống của luật quốc tế; việc cho phép của quốc gia bay do thám; giới hạn của chủ quyền quốc gia đối với các thiên thể; các quy định về phương tiện bay vũ trụ; viễn thông vũ trụ; trách nhiệm của cá nhân đối với các thiệt hại trong hoạt động vũ trụ; các tổ chức quốc tế trong các hoạt động vũ trụ; các tổ chức phi chính phủ... Cuốn sách The Politics of Space: A History of U.S - Soviet/Russian Competition and Cooperation in space (tác giả Matthew J. Von Bencke, NXB Boulder, CO, năm 1997) giới thiệu về chính sách vũ trụ quốc tế; các khu vực và các chính sách vũ trụ; bối cảnh của cạnh tranh và hợp tác trong lĩnh vực vũ trụ, tổng quan mối quan hệ Mỹ - Sôviết/Nga và các chương trình vũ trụ... Cuốn sách Outer Space and Global Security của Viện của Liên hợp quốc cho việc nghiên cứu giải trừ quân bị UNIDIR năm 2003 (gồm các Báo cáo Hội thảo và các tóm tắt; các bài tham luận trong hội thảo, các bài thuyết trình hiện tại Cuốn Outer Space: Problems of Law and Policy (Khoảng không vũ trụ: Những vấn đề của Luật và chính sách) của tác giả Robert P. Merges, Glenn H. Reynolds (NXB Boulder, CO, năm 1997) đề cập đến rất nhiều khía cạnh nội dung liên quan đến luật và chính sách vũ trụ (tổng quan và lịch sử; luật quốc tế về vũ trụ và các nguyên tắc cơ bản; các điều ước đầu tiên điều chỉnh hoạt động vũ trụ, uỷ ban về sử dụng vũ trụ vì mục đích hoà bình, Hiệp ước ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hạt nhân trên bầu khí quyển, khoảng không vũ trụ và dưới nước; trách nhiệm quốc tế, vấn đề viễn thám, vấn đề môi trường vũ trụ, các vấn đề thương mại quốc tế liên quan; luật về các hoạt động thương mại ngoài khoảng không vũ trụ; giải quyết tranh chấp vũ trụ và vấn đề pháp luật…).

Bên cạnh đó, nhiều hội thảo khoa học cấp khu vực và quốc tế đã được tổ chức hàng năm về các vấn đề của luật vũ trụ; như: Báo cáo của Liên hợp quốc/Hội thảo tại Ukraine tháng 11/2006 về “Vai trò, việc áp dụng và tiến trình phát triển của luật vũ trụ quốc gia và luật vũ trụ quốc tế” ; Báo cáo/Hội thảo tại Abuja - Nigieria, tháng 11/2005 về “Nghĩa vụ pháp lý quốc tế và sự cần thiết của việc ghi nhận trong luật quốc gia”; Báo cáo/Hội thảo tại Brazil tháng 11/2004 về “Phổ biến và phát triển luật vũ trụ quốc gia và luật vũ trụ quốc tế; triển vọng ở Mỹ Latinh và Caribbean; Báo cáo/Hội thảo tại Hàn Quốc tháng 11/2003 về “Các điều ước quốc tế của LHQ về khoảng không vũ trụ: các hành động ở cấp quốc gia”; Báo cáo/Hội thảo tại Hà Lan tháng 11/2002 về luật vũ trụ và khí quyển, khả năng xây dựng luật vũ trụ…). Ngoài ra, còn có nhiều hoạt động thường niên khác của Ủy ban Sử dụng khoảng không vũ trụ vào các mục đích hòa bình (COPOUS) của Liên hợp quốc và các Tiểu ban pháp lý, kỹ thuật của Ủy ban này trong việc củng cố hệ thống các điều ước quốc tế hiện có, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong việc ứng dụng kỹ thuật vụ trụ vào các mục đích hòa bình, xác định ranh giới vũ trụ và sử dụng quỹ đạo địa tĩnh, xử lý rác thải vũ trụ, xem xét lại nguyên tắc sử dụng năng lượng hạt nhân trong khoảng không vũ trụ, ngăn chặn chạy đua vũ trang trên vũ trụ…Từ các thông tin nêu trên, có thể thấy được sự phát triển và thành quả to lớn cũng như sự quan tâm to lớn của cộng đồng quốc tế đối với lĩnh vực sử dụng khoảng không vũ trụ

4. Lược sử quá trình phát triển công nghệ vũ trụ ở Việt Nam

Cũng như nhiều nước trên thế giới, Nhà nước ta đã sớm nhận thức được tầm quan trọng của lĩnh vực khoa học và công nghệ vũ trụ. Từ đầu năm 1970, Việt Nam đã bắt đầu ứng dụng công nghệ viễn thám xử lý các bức ảnh chụp từ vệ tinh vào các ứng dụng nghiên cứu, điều tra tài nguyên và giám sát môi trường, và từ năm 1979, đã tham gia vào chương trình nghiên cứu vũ trụ của Tổ chức INTERCOSMOS. Ngày 27 tháng 12 năm 1979, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 454/CP thành lập “Ủy ban Nghiên cứu vũ trụ Việt Nam” và giao cho Ủy ban thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị nội dung khoa học cho “Chuyến bay vũ trụ Liên Xô - Việt Nam”. Từ 23 đến 31 tháng 7 năm 1980, chuyến bay hỗn hợp Xô - Việt đã được thực hiện thành công. Phi công vũ trụ đầu tiên của Việt Nam Phạm Tuân đã cùng bay với nhà du hành vũ trụ Nga V.V Gorơbatcô và thực hiện một số thí nghiệm khoa học trong vũ trụ. Tiếp theo sau đó là các đề tài nghiên cứu về vật lý vũ trụ và công nghệ vũ trụ trong Chương trình khoa học của chuyến bay vũ trụ phối hợp Liên Xô - Việt Nam, thực hiện trong các năm 1981 - 1982 và Chương trình nghiên cứu cấp nhà nước 48.07 “Ứng dụng thành tựu nghiên cứu và sử dụng khoảng không vũ trụ”, thực hiện trong giai đoạn 1981 - 1985. Cùng với các kết quả về thực nghiệm, một số công trình nghiên cứu khoa học đã được công bố trên các tạp chí khoa học kỹ thuật trong và ngoài nước hoặc báo cáo tại hội nghị khoa học quốc tế. Từ năm 1990, VNPT triển khai một hệ thống trạm mặt đất để sử dụng vệ tinh Intelsat của Australia phục vụ các hoạt động liên lạc quốc tế và truyền dẫn đường trục trong nước. Đến năm 1996, hệ thống VSAT của VNPT đã được khai thác trên cơ sở thuê dung lượng vệ tinh của các nước trong khu vực, giúp hỗ trợ thông tin nhanh cho nhiều vùng, miền khác nhau. Ngoài ra, một số bộ, ngành khác cũng đã sử dụng thông tin vệ tinh (dưới hình thức thuê kênh vệ tinh của nước ngoài) để đáp ứng nhu cầu chuyên ngành của mình. Trạm thông tin vệ tinh đầu tiên của Việt Nam - trạm Hoa Sen 1 (Hà Nam) - được đưa vào sử dụng từ năm 1980, giúp Việt Nam lần đầu tiên có được thông tin ổn định và chất lượng cao đi quốc tế. Trạm Vista hoạt động vào năm năm 1987 đã nối Việt Nam với Australia và Mỹ, mở đầu cho giai đoạn đổi mới, hiện đại hóa của viễn thông Việt Nam. Từ năm 1991, Việt Nam bắt đầu phát hình (truyền hình) qua vệ tinh.

Nếu như vào thời điểm đầu thập niên 1990 trở về trước, khả năng Việt Nam có vệ tinh riêng vẫn là “một giấc mơ giữa ban ngày” do ngành công nghệ vũ trụ của Việt Nam gặp nhiều trở ngại vì bị hạn chế nhập công nghệ cao, thì đến nay vấn đề cơ sở hạ tầng và kinh nghiệm điều khiển vệ tinh vẫn còn là bài toán nan giải. Trong những năm gần đây, Nhà nước đã đầu tư cho Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Trung tâm Khoa học kỹ thuật - Công nghệ Quân sự, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội… nhiều phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu khoa học công nghệ trong các lĩnh vực liên quan đến CNVT như điện tử - viễn thông, công nghệ thông tin, điều khiển tự động, công nghệ vật liệu, điện mặt trời. Đây sẽ là tiền đề tiếp nối cho việc xây dựng các phòng thí nghiệm nghiên cứu và ứng dụng CNVT trong thời gian tới. Với nhu cầu sử dụng thông tin ngày càng cao trong xu hướng hội nhập mạnh mẽ với thế giới, nhất là với đặc điểm địa hình phức tạp và bão lũ bất thường, không thật thuận lợi cho các hệ thống truyền dẫn dưới mặt đất... thì Việt Nam không những cần phải có một vệ tinh riêng, mà còn cần có thêm vệ tinh về sau này để mở ra hướng kinh doanh cho các nước khác thuê lại các kênh chưa dùng hết công suất, mà trước mắt là các nước trong khu vực.

Sau 13 năm triển khai và hoạt động, Dự án phóng vệ tinh VINASAT -1 của Việt Nam (do chủ đầu tư là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông - VNPT và sự tham gia của nhà thầu Lockheed Martin Space System (Mỹ) và hãng Ariane Space (Pháp) đã đạt kết quả bằng sự kiện phóng thành công vệ tinh VINASAT -1 vào quỹ đạo vụ trụ ngày 19-4-2008. Với sự kiện này, Việt Nam đã khẳng định được chủ quyền của mình đối với quỹ đạo vệ tinh, đảm bảo cung cấp dịch vụ thông tin vệ tinh cho các mục đích chính trị, an ninh quốc phòng, kinh tế xã hội phục vụ cho mục tiêu xây dựng và bảo vệ đất nước mà cụ thể là: i) công tác thông tin phục vụ cuộc sống của ngư dân, và phát triển kinh tế biển nói chung; đồng thời phòng chống và ứng cứu đột xuất khi xảy ra bão lũ, thiên tai ...; ii) đem lại lợi nhuận kinh tế cao, Việt Nam sẽ không phải thuê vệ tinh của nước ngoài, tiết kiệm được 10-15 triệu USD/năm, tạo khả năng hợp tác quốc tế dễ dàng hơn sẽ thúc đẩy việc phát triển kinh tế; iii) với dung lượng truyền dẫn tương đương 10.000 kênh thoại/internet/truyền số liệu hoặc khoảng 120 kênh truyền hình, giúp cho việc đưa các dịch vụ viễn thông, internet và truyền hình đến tất cả vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo…

Trên cơ sở thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng CNVT, đưa CNVT phục vụ thiết thực và có hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá và phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước, từ giữa năm 2002 Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, ngành có liên quan xây dựng “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020” trong đó đã khẳng định CNVT là một trong các hướng công nghệ trọng điểm. “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020” đã xác định mục tiêu rõ ràng: Đến năm 2010 hình thành chính sách quốc gia và khung pháp lý về nghiên cứu, ứng dụng và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực Công nghệ vũ trụ (CNVT) các chính sách bảo đảm nguồn nhân lực, bảo đảm vốn đầu tư cho nghiên cứu và ứng dụng CNVT; hình thành cơ quan chỉ đạo quản lý, phối hợp hoạt động nghiên cứu và ứng dụng CNVT ở cấp Trung ương; từng bước kiện toàn về mặt tổ chức, cơ sở vật chất và năng lực chuyên môn của hệ thống các đơn vị nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng CNVT ở nước ta, trong đó xây dựng mới một viện chuyên ngành về KHCN vũ trụ. Cùng với hoạt động này, nhiệm vụ: “Xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về nghiên cứu và ứng dụng CNVT” cũng đã được tổ chức triển khai, theo đó, phải được cơ bản hoàn thành trong giai đoạn 2006 - 2010, với các nội dung sau:

a) Nghiên cứu các luật quốc tế và các quy định sử dụng khoảng không vũ trụ để đảm bảo chủ quyền quốc gia.

b) Xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp quy chung của Nhà nước và của các ngành, liên quan đến việc nghiên cứu và ứng dụng CNVT.

c) Xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp quy về lưu trữ, quản lý, khai thác và sử dụng ảnh vệ tinh và các thông tin dẫn suất như bản đồ, cơ sở dữ liệu.

d) Xây dựng và ban hành quy định về bảo mật liên quan đến chương trình nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ Việt Nam.

đ) Xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn định dạng và định chuẩn trong việc ứng dụng và phát triển công nghệ vũ trụ, bảo đảm sự tương thích trong nước và quốc tế

Tiếp theo việc phê xây dựng “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020” vào năm 2002, Chính phủ đã thành lập Viện Công nghệ vũ trụ thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam năm 2006. Trong khuôn khổ các hoạt động nghiên cứu, Việt Nam đã và đang mở rộng quan hệ hợp tác với cơ quan vũ trụ châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, các trường đại học Mỹ; tham gia nhiều diễn đàn và tổ chức quốc tế về công nghệ vũ trụ như Tổ chức của LHQ về sử dụng khoảng không vũ trụ (UNOOSA), Diễn đàn châu Á - Thái Bình Dương về công nghệ vụ trụ(APRSAF), ASEAN…

Sự phát triển của công nghệ vũ trụ đã và đang mở ra những triển vọng mới cho Việt Nam. Trên cơ sở những thành tựu ứng dụng công nghệ vụ trụ trong lĩnh vực khí tượng - thuỷ văn, thông tin liên lạc, viễn thám, định vị nhờ vệ tinh…, chúng ta đang phấn đấu phát triển công nghệ vũ trụ theo hướng phát huy nội lực và đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này. Trong những năm qua, một số thành tựu của khoa học và công nghệ vũ trụ đã được triển khai ứng dụng ở nước ta, đặc biệt trong các lĩnh vực thông tin liên lạc, khí tượng thủy văn, viễn thám. Xuất phát từ tình hình phát triển khoa học công nghệ vũ trụ trên thế giới, ở Việt Nam và các quốc gia khác cũng như tình hình nghiên cứu, xây dựng và thực thi pháp luật quốc tế, pháp luật quốc gia điều chỉnh các hoạt động sử dụng khoảng không vũ trụ (như đã phân tích trên đây.), có thể rút ra những kết luận sau:

- Đã bước đầu tiếp cận và thực hiện một số hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vũ trụ; thành lập một số cơ quan chuyên môn và tiến hành các hoạt động hợp tác trong và ngoài nước trong lĩnh vực này.

- Đã bước đầu xây dựng chiến lược phát triển công nghệ vũ trụ và chú trọng tới vấn đề đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, chuyên gia trong nước.

- Đã bước đầu tham gia một số hoạt động quốc tế và khu vực về các vấn đề kỹ thuật và pháp lý liên quan đến công nghệ vũ trụ.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, phạm vi và hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng CNVT ở nước ta còn hạn chế, chưa tương xứng với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội hiện nay và trong tương lai của đất nước.

Bên cạnh những bước tiến đáng ghi nhận, vẫn còn tồn tại những hạn chế và bất cập, đó là:

- Lĩnh vực khoa học pháp lý về công nghệ vũ trụ và sử dụng khoảng không vũ trụ chưa được quan tâm, đầu tư thoả đáng ở Việt Nam.

- Chưa có các công trình nghiên cứu trọng điểm trong lĩnh vực quản lý, pháp lý về công nghệ vũ trụ và sử dụng khoảng không vũ trụ.

- Chưa xây dựng được một hệ thống khung chính sách, pháp luật về công nghệ vũ trụ và sử dụng khoảng không vũ trụ.

- Các hoạt động hợp tác quốc tế, gia nhập và thực thi các điều ước quốc tế, các hoạt động nghiên cứu, xây dựng pháp luật về công nghệ vũ trụ và sử dụng khoảng không vũ trụ chưa được triển khaé sâu rộng.

- Nhiều vấn đề/nội dung thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên (công nghệ vũ trụ), khoa học pháp lý (khung pháp luật điều chỉnh) chưa được tiếp cận và triển khai nghiên cứu và ứng dụng.

5. Kết luận

Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học pháp lý, ngoài một số ít ỏi công trình, giáo trình, bài viết nghiên cứu dưới giác độ lý luận chung hoặc phản ánh thông tin kinh nghiệm quốc tế, nước ngoài, thì cho đến nay ở Việt Nam chưa có đề tài nghiên cứu nào về luật vũ trụ quốc tế và quốc gia. Khác với sự phát triển nhanh và mạnh của khung pháp luật quốc tế và các nước về sử dụng khoảng không vũ trụ, cho đến nay pháp luật Việt Nam về lĩnh vực này vẫn còn rất hạn chế. Ngoại trừ một số rất ít các quy định pháp luật nằm rải rác trong các văn bản pháp luật về khoa học công nghệ, khí tượng thuỷ văn, thông tin liên lạc, hàng không, hàng hải, bưu chính viễn thông (Pháp lệnh Bưu chính viễn thông, Dự thảo Luật tần số vô tuyến điện…), chúng ta chưa có khung pháp luật điều chỉnh một cách hệ thống và toàn diện các vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động công nghệ vũ trụ, sử dụng khoảng không vụ trụ. Trong tiến trình hội nhập quốc tế, Việt Nam cần khẩn trương nghiên cứu nhằm đẩy nhanh việc gia nhập, ký kết các điều ước quốc tế quan trọng về hoạt động vũ trụ, trừ một vài Công ước về tổ chức vệ tinh hàng hải quốc tế (INMARSAT), Hiệp ước khai thác về tổ chức vệ tinh hàng hải quốc tế…

Với những lý do nêu trên, việc nghiên cứu luận cứ khoa học cho việc xây dựng khung pháp luật của Việt Nam về sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hoà bình không chỉ góp phần khắc phục, giải quyết những tồn tại, hạn chế hiện nay trong khoa học pháp lý nước nhà, nhằm đáp ứng các đòi hỏi của thực tiễn hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vũ trụ, mà còn giúp chúng ta rút ngắn khoảng cách giữa Việt Nam và thế giới về vấn đề sử dụng khoảng không vũ trụ, từng bước tiệm cận những thành tựu hiện đại nhất của thế giới trong lĩnh vực này, hỗ trợ Việt Nam thực hiện đầy đủ chủ quyền quốc gia ở khoảng không-vũ trụ trên cơ sở các nguyên tắc, quy phạm và tập quán quốc tế hiện đại.

Để đạt được mục tiêu trên, trước mắt, cần định ra các nội dung và phạm vi nghiên cứu chính như sau:

- Khảo cứu một cách có hệ thống và toàn diện các vấn đề lý luận chung, trong đó có hệ cơ sở khoa học của việc xây dựng pháp luật điều chỉnh hoạt động vũ trụ.

- Xây dựng Bộ tư liệu quốc tế và trong nước về pháp luật điều chỉnh hoạt động vũ trụ.

- Nghiên cứu một cách tổng quan toàn bộ khung pháp luật của Liên hợp quốc và các quốc gia điển hình về các hoạt động vũ trụ; từ đó so sánh, đề xuất phương án vận dụng phù hợp với điều kiện Việt Nam trong việc xây dựng khung pháp luật về hoạt động sử dụng khoảng không vũ trụ. Đồng thời, cần tiến hành nhiều hoạt động từ thu thập, sưu tầm tài liệu, xây dựng Bộ tư liệu đến viết chuyên đề và xây dựng luận cứ khoa học.

- Đề xuất phương án, mô hình xây dựng khung pháp luật Việt Nam về các hoạt động vũ trụ. Đây là một nhiệm vụ rất mới và khó. Vì vậy, các nội dung nghiên cứu trong giai đoạn đầu cần tập trung chủ yếu vào việc đưa ra các luận cứ khoa học, xây dựng mô hình cấu trúc tổng quát của khung pháp luật Việt Nam, cũng như các điều kiện đảm bảo thực hiện khung pháp luật Việt Nam về sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hòa bình.

Việc tìm hiếu nghiên cứu các khía cạnh pháp lý quốc tế trong việc sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hoà bình, cũng như xây dựng khung cơ sở pháp lý vê sử dụng khoảng không vũ trụ cho Việt Nam đã và đang là một nhu cầu hết sức cấp thiết, nhất là trong thời kỳ toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, với mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá. Chiến lược “Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020” hiện đang được coi là bước ngoặt, đánh dấu một trang mới đầy triển vọng cho công cuộc nghiên cứu vũ trụ và sử dụng khoảng không vũ trụ ở nước ta. Với việc đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược này và từ sau sự kiện phóng thành công vệ tinh VINASAT-1 vào quỹ đạo vụ trụ ngày 19 tháng 4 năm 2008, khoa học công nghệ vũ trụ Việt Nam đã, đang và sẽ thúc đẩy nhu cầu xây dựng pháp luật về sử dụng khoảng không vũ trụ. Pháp luật về sử dụng khoảng không vũ trụ là bệ đỡ tạo lập hành lang cho việc chiếm lĩnh và sử dụng khoảng không vũ trụ. Việt Nam, với chiến lược đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đẩy mạnh công cuộc củng cố an ninh quốc phòng, không ngừng tăng cường bảo vệ chủ quyền quốc gia… không thể không gấp rút việc chiếm lĩnh khoảng không vũ trụ và việc xây dựng khung pháp lý về sử dụng khoảng không vũ trụ và cần phải coi đó là một trong những nội dung quan trọng nhất của chiến lược phát triển bền vững!

Tài liệu tham khảo



  1. Highlights in space 2004, Progress in space science, technology and applications, International cooperation and space Law, (Paperback - april 2005), p.84.

  2. David Howarth, Space, Subjectivity and Politics; Alternatives: Global, Local, Political, Vol. 31, 2006, p. 15

  3. John C. Quale, Malcolm J. Tuesley, Space, the final frontier - expanding FCC regulation of indecent content onto direct broadcast satellite, Federal communications Law Journal, Vol. 60 (2007) 36.

  4. Lotta Viikari, The environmental element in space Law: Assessing the present and charting the future, Studies in Space Law, Hardcover - Jun 15, 2008, p. 11.

  5. Lewis Solomon , The Privatization of Space Exploration: Business, Technology, Law and Policy, Studies in Space Law, Hardcover - May 31, 2008, p. 48.

  6. Jacqueline Lai Chung, Drawing Idea from Expression: Creating a Legal Space for Culturally Appropriated Literary Characters, William and Mary Law Review, Vol. 49, 2007, p. 273.

  7. L. H. Philepina Diederiks-Verschoor and V. Kopal, An Introduction To Space Law, 3rd Edition, Hardcover - Feb 19, 2008, p. 88.

  8. Susan J. Drucker and Gary Gumpert , Real Law at Virtual Space: Communication Regulation in Cyberspace, The Hampton Press Communication Series. Communication and Law, Paperback - Oct 1999, p. 162.

  9. Xem: Malcolm N. Shaw ,International Law, Paperback - Mar 25, 1994; Nandasir, Manual on Space Law, Hardcover - Jun 1979; Bin Cheng , Studies in International Space Law,Hardcover - Mar 5, 1998; L. H. Philepina Diederiks-Verschoor and V. Kopal, An Introduction To Space Law, 3rd Edition, Hardcover - Feb 19, 2008.

  10. Kenneth Hodgkins, U.S. Adviser to the Fifty-ninth Session of the UN General Assembly Remarks on Agenda Item 74: International Cooperation on the Peaceful Uses of Outer Space, International Cooperation on the Peaceful Uses of Outer Space, New York, October 13, 2004, p. 156.

  11. Laurence E. Gesell, Aviation and the Law, 4th edition, Hardcover - Jun 30, 2005, p. 67.

Constituting Vietnamese Law on peaceful uses of outer space

Nguyen Ba Dien, Nguyen Hung Cuong



School of Law, Vietnam National University, Hanoi,
144 Xuan Thuy, Cau Giay, Hanoi, Vietnam

Fifty years ago, on 4th October 1957, Soviet Union projected successfully the Sputnik satellite (the firstly artificial one in the world to orbit the Earth in outer space). This achievement was soon followed by a series of further successful experiments. In April 1961, Yuri Gagarin completed the first manned space flight, and in 1969 Neil Armstrong became the first human being to set foot on another celestial body, the Moon. It had, by then, already become apparent that legal rules were indispensable if confusion and undesirable practices in the use of outer space were to be avoided. In this article, the authors draw briefly the role and significance of exploring and using of outer space for the human life; the situations of constitution and development of international and national law governing the activities of using the outer space and the acts of researching relevant to this new field in the world. In addition, the authors outline the history of the process of development of space technology in Vietnam. Accordingly, the authors give their comments that Vietnam, with the strategy of quickly pushing the speed of industrialization and modernization; the need of protecting of sovereignty and territory, has to swiftly occupy outer space and build the legal system of using the space. This has to be considered as one of the most important contents of sustainable development strategy.



* ĐT: 84-4-35650769.
E-mail: nbadien@yahoo.com

1


tải về 95.84 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương