TOÁt yếu giáo lý CỦa hội thánh công giáo compendium of the Catechism of the Catholic Church



tải về 1.01 Mb.
trang1/14
Chuyển đổi dữ liệu30.07.2016
Kích1.01 Mb.
#10584
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   14
TOÁT YẾU GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

Compendium of the Catechism of the Catholic Church


Bản dịch Việt Ngữ của Ủy Ban Giáo Lý Ðức Tin Hội Ðồng Việt Nam 2006
Dẫn Nhập

 

1. Ngày 11 tháng 10 năm 1992, Ðức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II trao cho các tín hữu trên toàn thế giới sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, như một "bản văn qui chiếu" [1] cho Giáo lý được canh tân từ nguồn gốc sống động của đức tin. Ba mươi năm sau ngày khai mạc Công đồng Vaticanô II (1962-1965) một ước mơ đã trở thành hiện thực, ước mơ này đã được Thượng Hội đồng bất thường của các Giám mục vào năm 1985 đạo đạt lên, đó là ước muốn có một sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo trình bày tất cả đức tin cũng như luân lý.

Năm năm sau, ngày 15 tháng 08 năm 1997, khi công bố Ấn bản mẫu của sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, Ðức Giáo hoàng xác nhận mục đích cơ bản của tác phẩm này: "Ðây là một trình bày đầy đủ và trọn vẹn giáo lý công giáo, cho phép mỗi người nhận ra điều Hội thánh tuyên xưng, cử hành, sống và cầu nguyện trong cuộc sống hằng ngày của mình" [2].

 

2. Ðể làm nổi bật giá trị giáo lý và để đáp lại một yêu cầu do Ðại hội Quốc tế về Giáo lý đạo đạt vào năm 2002, Ðức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã thành lập một Ủy ban đặc biệt vào năm 2003, đứng đầu là Ðức Hồng y Joseph Ratzinger, Bộ trưởng Bộ Giáo lý Ðức tin, ủy thác cho ngài công tác viết một bản Toát yếu sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, trong đó các nội dung đức tin được trình bày một cách tổng hợp hơn. Sau hai năm làm việc, Ủy ban viết được bản Dự thảo bản toát yếu; bản này được trao cho các Hồng y và Chủ tịch các Hội đồng Giám mục để xin ý kiến. Một số đông các phúc đáp đều đánh giá cao bản dự thảo này. Vì thế Ủy ban bắt đầu cho duyệt lại bản dự thảo dựa theo các đề nghị chỉnh sửa để chuẩn bị cho bản văn cuối cùng.



 

3. Bản Toát yếu này có ba đặc điểm chính như sau: lệ thuộc chặt chẽ vào sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo; hình thức hỏi thưa; và việc sử dụng các hình ảnh nghệ thuật vào trong Giáo lý.

Trước hết, bản Toát yếu này không phải là một tác phẩm hoàn toàn độc lập và cũng không phải để thay thế cho sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo; ngược lại luôn qui hướng về sách Giáo lý, bằng cách ghi những số liên hệ và theo sát cấu trúc, cách trình bày và nội dung của sách Giáo lý. Ngoài ra bản Toát yếu muốn khơi dậy mối quan tâm và lòng nhiệt thành đối với sách Giáo lý, sách vẫn luôn là bản văn nền tảng cho giáo lý của Hội thánh ngày nay bởi cách trình bày khôn ngoan và chiều sâu thiêng liêng của nó.

Như sách Giáo lý, bản Toát yếu cũng chia ra làm bốn phần tương ứng với những lề luật căn bản cho đời sống trong Ðức Kitô.

Phần đầu tiên - có tựa đề "Tuyên xưng đức tin" - gồm một tổng hợp cơ bản về Lex credendi, có nghĩa là Luật đức tin được Hội thánh Công giáo tuyên xưng, một tổng hợp rút ra từ Kinh Tin Kính của các thánh Tông đồ, được bổ túc bằng bản Kinh Tin Kính của hai Công đồng Nicea và Constantinopoli, mà việc công bố liên tục trong những buổi họp mặt giúp người Kitô hữu luôn nhớ các chân lý nền tảng của đức tin.

Phần thứ hai - có tựa đề "Cử hành mầu nhiệm Kitô giáo" - trình bày các yếu tố căn bản của Lex celebrandi. Việc rao giảng Tin Mừng tìm được câu trả lời thích ứng trong đời sống Bí tích. Trong đời sống này, các tín hữu có kinh nghiệm và làm chứng trong mỗi giây phút cuộc đời mình hiệu năng cứu độ của mầu nhiệm Vượt qua, trong đó Ðức Kitô hoàn tất công trình cứu độ chúng ta.

Phần thứ ba - có tựa đề "Ðời sống trong Ðức Kitô" - nhắc nhớ lại Lex vivendi, có nghĩa là sự dấn thân mà các tín hữu biểu lộ trong thái độ và sự chọn lựa đạo đức của mình, sự trung thành với đức tin đã được tuyên xưng và được cử hành. Chúa Giêsu mời gọi các tín hữu thực hiện những hành động phù hợp với phẩm giá là con của Chúa Cha trong tình yêu của Chúa Thánh Thần.

Phần thứ tư - có tựa đề "Kinh nguyện Kitô giáo" - trình bày một tổng hợp về Lex Orandi, có nghĩa là về đời sống cầu nguyện. Theo gương Chúa Giêsu, mẫu mực tuyệt vời cho kẻ cầu nguyện, người Kitô hữu được mời gọi đối thoại với Thiên Chúa trong kinh nguyện, mà một trong những cách diễn tả ưu thế nhất là Kinh Lạy Cha, đó là kinh do chính Chúa Giêsu dạy chúng ta.

 

4. Ðặc điểm thứ hai của bản toát yếu này là hình thức đối thoại, lấy lại hình thức cổ xưa của sách giáo lý, gồm các câu hỏi và câu thưa. Ðây là cách đối thoại giữa thầy và trò qua một loạt câu hỏi gây chú ý cho người đọc, mời gọi họ khám phá những phương diện luôn luôn mới của chân lý đức tin của mình. Hình thức hỏi thưa thu ngắn bản văn, đúc kết vào điểm chính yếu, tiện cho việc học thuộc lòng nội dung.



 

5. Ðặc điểm thứ ba là có nhiều hình ảnh làm nổi bật cách phân chia bản toát yếu. Các tranh ảnh này được rút từ gia sản phong phú của nghệ thuật tranh ảnh thánh của Kitô giáo. Từ truyền thống cả nghìn năm của các Công đồng, chúng ta học biết rằng tranh ảnh cũng là một cách rao giảng Tin Mừng. Các nghệ nhân của mọi thời đại trình bày cho các tín hữu chiêm ngắm và kinh ngạc trước những sự kiện nổi bật của mầu nhiệm cứu độ với sự huy hoàng của màu sắc và vẻ đẹp tuyệt vời. Ðó là một dấu chỉ cho thấy tranh ảnh thánh, trong văn hóa hình ảnh ngày nay, có thể diễn tả nhiều hơn là ngôn từ, vì trong sự sinh động của nó, sứ điệp Tin Mừng sẽ có nhiều hiệu quả hơn khi được diễn tả bằng ngôn từ và được tiếp tục truyền đạt.

 

6. Bốn mươi năm sau ngày kết thúc Công đồng Vaticanô II và trong năm Thánh Thể, bản Toát yếu có thể xem như là một công cụ mới để thỏa mãn khát vọng tìm kiếm chân lý của các tín hữu thuộc mọi lứa tuổi và trong mọi hoàn cảnh, cũng như ước muốn của những ai, dù chưa phải là tín hữu, đang khao khát chân lý và công bằng. Việc công bố bản Toát yếu này được diễn ra trong ngày Ðại lễ hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, cột trụ của Hội thánh toàn cầu và là những người rao giảng gương mẫu Tin Mừng cho thế giới trong thời đại của các ngài. Các vị Tông đồ này biết rõ điều các ngài rao giảng và chứng minh cho chân lý Ðức Kitô đến hy sinh mạng sống. Chúng ta hãy bắt chước các ngài trong sự dấn thân truyền giáo và cầu xin Chúa cho Hội thánh luôn dõi theo giáo huấn của các Tông đồ, nhờ các ngài mà Hội thánh đã lãnh nhận trước tiên lời tuyên xưng vinh phúc của đức tin.



 

Lễ Lá, ngày 20 tháng 03 năm 2005


Hồng Y Joseph Ratzinger

Chủ tịch Ủy Ban đặc biệt

 

Chú thích:



[1] ÐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Fidei depositum, 11.10.1992, DC 91 (1993) trang 1.

[2] ÐGH Gioan Phaolô II, Tông thư Laetamur magnopere, 1508, 1997, DC 94 (1997) trang 851.



-----------------------------------------------------------------------------------------
Tự Sắc Ðể Chấp Thuận và Công Bố Bản Toát Yếu Giáo Lý
Dẫn Nhập

Phần I: Tuyên xưng đức tin (1-217)


Ðoạn thứ Nhất: Tôi tin - Chúng tôi tin



Chương 1: Con người có khả năng đón nhận Thiên Chúa (2-5)

Chương 2: Thiên Chúa đến gặp con người (6-24)

Chương 3: Lời đáp trả của con người với Thiên Chúa (25-32)

Ðoạn thứ Hai: Tuyên xưng đức tin Kitô giáo



Chương 1: Tôi tin kính Ðức Chúa Trời là Cha (33-78)

Chương 2: Tôi tin kính Ðức Chúa Giêsu Kitô Con Một Thiên Chúa (79-135)

Chương 3: Tôi tin kính Ðức Chúa Thánh Thần (136-217)

Phần II: Cử hành mầu nhiệm Kitô giáo

Ðoạn thứ Nhất: Nhiệm cục Bí Tích (218-249)

Chương 1: Mầu nhiệm vượt qua trong đời sống của Hội Thánh (221-232)

Chương 2: Cử hành mầu nhiệm vượt qua (233-249)

Ðoạn thứ Hai: Bảy Bí Tích của Hội Thánh



Chương 1: Các Bí Tích khai tâm Kitô giáo (251-294)

Chương 2: Các Bí Tích chữa lành (295-320)

Chương 3: Các Bí Tích phục vụ cho sự hiệp thông và cho sự vụ (321-350)

Chương 4: Những cử hành phụng vụ khác (351-356)

Phần III: Ðời sống trong Ðức Kitô


Ðoạn thứ Nhất: Ơn Gọi của con người



Chương 1: Phẩm giá con người (358-400)

Chương 2: Cộng đồng nhân loại (401-414)

Chương 3: Ơn Cứu Ðộ của Thiên Chúa (415-433)

Ðoạn thứ Hai: Mười Ðiều Răn



Chương 1: Ngươi phải yêu mến Ðức Chúa (442-454)

Chương 2: Ngươi phải yêu thương người thân cận (455-533)

Phần IV: Kinh nguyện Kitô giáo

Ðoạn thứ Nhất: Kinh nguyện trong đời sống Kitô hữu (534-577)

Chương 1: Mạc khải về cầu nguyện (535-556)

Chương 2: Truyền thống cầu nguyện (557-566)

Chương 3: Ðời sống cầu nguyện (567-577)

Ðoạn thứ Hai: Lời kinh Chúa dạy



Bản tóm lược toàn bộ Tin Mừng (579-581)

Lạy Cha chúng con ở trên trời (582-586)

Bảy lời cầu xin (587-598)

(578-598) (534-598) (434-533) (357-433)( (357-533) (250-356) (218-356) (33-217) (1-32)



Tác giả: UB Giáo Lý Đức Tin HĐGMVN
TỰ SẮC ÐỂ CHẤP THUẬN VÀ CÔNG BỐ BẢN "TOÁT YẾU GIÁO LÝ" CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
Kính gởi Chư Huynh đáng kính,

Quý Hồng Y, Thượng Phụ, Tổng Giám Mục, Giám Mục

Linh Mục, Phó Tế Và Mọi Thành Phần Dân Chúa

 

Cách đây hai mươi năm, sách Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo đã bắt đầu được soạn thảo, theo yêu cầu Khoá họp bất thường của Thượng Hội đồng Giám mục nhân dịp kỷ niệm hai mươi năm ngày bế mạc Công đồng Vaticanô II.



Tôi vô cùng cảm tạ Thiên Chúa, vì Ngài đã ban cho Hội thánh sách Giáo lý này; sách này đã được công bố vào năm 1992 do vị tiền nhiệm kính yêu của Tôi, Ðức Giáo hoàng Gioan Phaolô II.

Giá trị lớn lao và vẻ đẹp của quà tặng này đã được hàng Giám mục xác nhận qua việc các ngài đón nhận một cách tích cực và rộng rãi. Sách Giáo lý ấy nhắm trao vào tay các vị Giám mục như bản qui chiếu chắc chắn và đích thực để giảng dạy giáo lý công giáo và đặc biệt để soạn thảo các sách giáo lý địa phương. Sách Giáo lý cũng được mọi thành phần Dân Chúa đón nhận cách thuận lợi đáng kinh ngạc. Sách này cho đến nay đã được dịch ra hơn năm mươi thứ tiếng.

Giờ đây, với niềm vui lớn lao, Tôi chấp thuận và công bố bản Toát yếu Giáo lý này.

Vào tháng 10 năm 2002, các tham dự viên của Hội nghị Quốc tế về Giáo lý đã nói lên một yêu cầu phổ biến trong Hội thánh là ước mong có được bản Toát yếu sách giáo lý. Vị Tiền nhiệm kính yêu của Tôi đã đón nhận ước muốn này và vào tháng 02 năm 2003 đã quyết định bắt đầu thực hiện. Ngài trao việc soạn thảo cho một Uỷ ban Hồng y, do chính Tôi làm chủ tịch, với sự cộng tác của nhiều chuyên viên. Trong quá trình làm việc, một dự thảo bản Toát yếu này được chuyển đến các Hồng y và những vị Chủ tịch các Hội đồng Giám mục. Bản dự thảo này được một số rất đông đón nhận và đánh giá cao.

Toát yếu mà hôm nay Tôi giới thiệu cho Hội thánh phổ quát là một tổng hợp trung thành và chắc chắn sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo. Bản toát yếu này chứa đựng cách ngắn gọn mọi yếu tố căn bản và nền tảng của đức tin Hội thánh, tạo thành một thứ thủ bản "cầm tay - Vademecum" như vị Tiền nhiệm của Tôi ước muốn, cho phép mọi người, dù tin hay không, có thể có được một cái nhìn toàn diện về đức tin công giáo.

Bản Toát yếu này phản ánh cách trung thành sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo ngay trong cấu trúc, nội dung lẫn ngôn ngữ; hy vọng nhờ sự hỗ trợ và động viên của bản Toát yếu này, sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo được biết đến cách rộng rãi hơn và được đào sâu nhiều hơn.

Với sự tin tưởng, Tôi trao bản Toát yếu này trước tiên cho toàn Hội thánh và đặc biệt cho từng người Kitô hữu, để vào thiên niên kỷ thứ ba này, mỗi người nhờ vào bản Toát yếu, có được một sức bật mới trong cố gắng Phúc Âm hoá và giáo dục đức tin. Ðây phải là đặc điểm của tất cả các cộng đoàn trong Hội thánh và của tất cả những ai tin vào Ðức Kitô, bất luận tuổi tác hay thuộc quốc gia nào.

Nhờ tính chất ngắn gọn, trong sáng và đầy đủ, bản Toát yếu này cũng nhắm đến mọi người, đang sống trong một thế giới phân tán và có quá nhiều sứ điệp, khao khát biết được con Ðường Sự sống, Chân lý, đã được Thiên Chúa trao phó cho Hội thánh của Con mình.

Khi đọc bản Toát yếu có thẩm quyền này, nhờ sự cầu bầu của Ðức Trinh Nữ Maria rất thánh, Mẹ Ðức Kitô và là Mẹ Hội thánh, mỗi người có thể nhận ra và đón nhận ngày một hơn vẻ đẹp, sự thống nhất và tính hiện thực bất tận của món quà vô giá mà Thiên Chúa đã ban tặng cho nhân loại : đó là Con Duy Nhất của Ngài, Ðức Giêsu Kitô, Ðấng là "Ðường, là Sự thật và là Sự sống" (Ga 14,6).

 

Ban hành tại Rôma, gần Ðền thờ thánh Phêrô, ngày 28 tháng 06 năm 2005,



Áp Ðại lễ kính hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô,

Năm thứ nhất triều đại Giáo hoàng của Tôi

 

Benedictus PP XVI
PHẦN I: TUYÊN XƯNG ÐỨC TIN - ĐOẠN MỘT
Ðoạn Thứ Nhất:

"Tôi Tin - Chúng Tôi Tin"

 

1. Ý định của Thiên Chúa dành cho con người là gì?



1-25

Thiên Chúa tự bản thể là Ðấng vô cùng hoàn hảo và hạnh phúc. Theo ý định nhân hậu, Ngài đã tự ý tạo dựng con người, để cho họ được thông phần sự sống hạnh phúc của Ngài. Khi thời gian đến hồi viên mãn, Thiên Chúa Cha đã cử Con Ngài đến làm Ðấng Cứu Thế chuộc tội cho nhân loại đã sa ngã trong tội lỗi, để kêu gọi họ vào trong Hội thánh Ngài, và nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, đón nhận họ làm dưỡng tử, và được thừa hưởng hạnh phúc vĩnh cửu của Ngài.

 

Chương Một

Con Người "Có Khả Năng" Ðón Nhận Thiên Chúa

 

"Lạy Chúa, Chúa vĩ đại và đáng ca tụng... Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa, và tâm hồn của chúng con luôn xao xuyến cho đến khi được yên nghỉ trong Chúa" (Thánh Augustinô).

 

2. Tại sao con người khát khao Thiên Chúa?

27-30

44-45

Khi tạo dựng con người theo hình ảnh mình, chính Thiên Chúa đã khắc ghi vào trong tâm hồn họ sự khát khao nhìn thấy Ngài. Cả khi họ không nhận ra sự khát khao này, Thiên Chúa vẫn không ngừng lôi kéo họ đến với mình, vì chỉ nơi Thiên Chúa, họ mới sống và tìm được chân lý và hạnh phúc viên mãn mà họ luôn tìm kiếm. Vì vậy, tự bản chất và do ơn gọi của mình, con người là một hữu thể tôn giáo, có khả năng bước vào sự hiệp thông với Thiên Chúa. Dây liên hệ mật thiết và sống động này với Thiên Chúa đem lại cho con người phẩm giá căn bản của mình.

 

3. Với ánh sáng tự nhiên của lý trí, con người có thể nhận biết Thiên Chúa không?

31-36

46-47

Khởi từ công trình tạo dựng, nghĩa là từ thế giới vật chất và con người, con người có thể chỉ dùng lý trí cũng nhận biết cách chắc chắn có Thiên Chúa là nguồn gốc và cùng đích của vũ trụ, là sự thiện hảo tuyệt vời, là chân lý và vẻ đẹp vô cùng vô tận.

 

4. Chỉ với ánh sáng tự nhiên của lý trí, con người có đủ khả năng để nhận biết mầu nhiệm Thiên Chúa hay không?

37-38

Chỉ với ánh sáng của lý trí, con người sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc nhận biết Thiên Chúa. Hơn nữa, tự mình, con người không thể nào bước vào mầu nhiệm sâu thẳm của Thiên Chúa. Vì thế, con người cần được Mạc khải của Thiên Chúa soi dẫn, không những về những gì vượt quá sự hiểu biết nhân loại, mà cả về những chân lý tôn giáo và luân lý, tự chúng vốn không vượt quá khả năng của lý trí, để mọi người trong tình trạng hiện thời của nhân loại có thể biết được một cách dễ dàng, chắc chắn và không sai lầm.

 

5. Chúng ta có thể nói về Thiên Chúa thế nào?

39-43

48-49

Chúng ta có thể nói về Thiên Chúa cho tất cả mọi người, khởi đi từ những nét hoàn hảo của con người và của những thụ tạo khác, đó là một phản ánh, dù rất hạn hẹp, về sự hoàn hảo vô tận của Thiên Chúa. Tuy nhiên, chúng ta phải không ngừng thanh luyện ngôn ngữ của chúng ta vì nó bất toàn và bị lệ thuộc vào hình ảnh, phải ý thức rằng chúng ta không bao giờ có thể diễn tả đầy đủ mầu nhiệm vô tận của Thiên Chúa.

 

Chương Hai

Thiên Chúa Ðến Gặp Con Người
Mạc khải của Thiên Chúa

 

6. Thiên Chúa mạc khải cho con người điều gì?



50-53

68-69

Với lòng nhân hậu và sự khôn ngoan, Thiên Chúa tự mạc khải chính mình cho con người. Qua các hành động và lời nói, Thiên Chúa tự mạc khải chính Ngài cũng như ý định của lòng nhân hậu, mà Ngài đã hoạch định tự muôn đời trong Ðức Kitô. Ý định này nhằm đón nhận tất cả mọi người trở thành nghĩa tử trong Người Con duy nhất của Ngài nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần và cho họ tham dự vào sự sống của Thiên Chúa.

 

7. Những giai đoạn đầu tiên của Mạc khải là gì?

54-58

70-71

Từ nguyên thủy, Thiên Chúa tỏ mình ra cho nguyên tổ của chúng ta, là ông Ađam và bà Evà, và mời gọi họ bước vào sự hiệp thông mật thiết với Ngài. Sau khi họ sa ngã, Ngài đã không chấm dứt việc Mạc khải, nhưng đã hứa ban ơn cứu độ cho tất cả miêu duệ của họ. Sau cơn lụt đại hồng thủy, Ngài đã ký kết với ông Noe một Giao ước giữa Ngài với tất cả các sinh linh.

 

8. Những giai đoạn tiếp theo của Mạc khải của Thiên Chúa là gì?

59-64

72

Thiên Chúa chọn ông Abraham, khi gọi ông rời bỏ quê hương để làm cho ông trở thành "cha của vô số dân tộc" (St 17,5) và hứa qua ông sẽ chúc lành cho "mọi gia tộc trên mặt đất" (St 12,3). Con cháu của ông Abraham là những kẻ thừa hưởng các lời Thiên Chúa đã hứa với tổ phụ họ. Thiên Chúa đã lập Israel làm dân Ngài tuyển chọn, cứu thoát họ khỏi ách nô lệ Ai Cập, ký kết với họ Giao ước Sinai và, qua ông Môsê, Ngài ban cho họ Lề luật của Ngài. Các tiên tri đã loan báo một ơn cứu chuộc toàn diện cho dân Chúa cũng là ơn cứu độ dành cho tất cả mọi dân tộc, trong một Giao ước mới và vĩnh cửu. Chúa Giêsu, Ðấng Mêsia, đã được sinh ra từ dân Israel, và từ dòng dõi Vua Ðavít.

 

9. Giai đoạn Mạc khải trọn vẹn và dứt khoát của Thiên Chúa là gì?

65-66

73

Giai đoạn Mạc khải trọn vẹn và dứt khoát của Thiên Chúa được thực hiện nơi Ngôi Lời nhập thể, là Ðức Giêsu Kitô, Ðấng là trung gian và là viên mãn của Mạc khải. Chúa Giêsu, Con duy nhất của Thiên Chúa, đã làm người, là Lời hoàn hảo và dứt khoát của Chúa Cha. Mạc khải đã được hoàn tất cách trọn vẹn qua việc Thiên Chúa Cha sai Con Ngài và ban tặng Thánh Thần, mặc dù đức tin của Hội thánh phải dần dần trải qua bao thế kỷ mới nhận biết ý nghĩa đầy đủ của Mạc khải.



"Từ khi Thiên Chúa ban cho chúng ta Con Ngài, Ðấng là Lời duy nhất và dứt khoát của Ngài, Thiên Chúa đã nói với chúng ta một lần duy nhất trong Lời này và Ngài không còn gì để nói thêm nữa" (Thánh Gioan Thánh Giá).

 

10. Các mạc khải tư có gía trị gì?



67

Mặc dầu các mạc khải tư không thuộc về kho tàng đức tin, nhưng chúng có thể giúp chúng ta sống đức tin, với điều kiện chúng có một liên hệ chặt chẽ với Ðức Kitô. Huấn quyền Hội thánh, có thẩm quyền để phân định các mạc khải tư đó, không thể chấp nhận những mạc khải tư nào vượt qua hay muốn sửa đổi Mạc khải dứt khoát là chính Ðức Kitô.

 

Lưu truyền Mạc khải của Thiên Chúa

 

11. Tại sao phải lưu truyền Mạc khải của Thiên Chúa và lưu truyền bằng cách nào?



74

Thiên Chúa "muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý" (1 Tm 2,4), nghĩa là nhận biết Ðức Giêsu Kitô. Vì thế, phải rao giảng Ðức Kitô cho mọi người, như chính lời Người dạy: "Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ" (Mt 28,19). Ðiều này đã được thực hiện bởi Truyền thống các Tông đồ, gọi tắt là Truyền thống tông đồ.

 

12. Truyền thống tông đồ là gì?

75-79

83

96, 98

Truyền thống tông đồ là việc chuyển đạt sứ điệp của Ðức Kitô, đã được thực hiện ngay từ lúc khởi đầu Kitô giáo, qua việc rao giảng, làm chứng, các cơ chế, phụng tự, và các sách được linh ứng. Các Tông đồ đã chuyển đạt mọi điều các ngài đã lãnh nhận từ Ðức Kitô và học hỏi từ Chúa Thánh Thần cho những người kế nhiệm các ngài, là các giám mục, và qua họ, cho mọi thế hệ đến tận thế.

 

13. Truyền thống tông đồ được thực hiện như thế nào?

76

Tông truyền được thực hiện bằng hai cách: qua việc chuyển đạt sống động Lời Chúa (được gọi cách đơn sơ là Thánh truyền) và qua Thánh Kinh, trong đó cùng một lời rao giảng ơn cứu độ được ghi lại thành chữ viết.

 

14. Tương quan giữa Thánh truyền và Thánh Kinh như thế nào?

80-82

97

Thánh truyền và Thánh Kinh liên kết và giao lưu mật thiết với nhau. Thật vậy, cả hai làm cho mầu nhiệm Ðức Kitô được hiện diện và sung mãn trong Hội thánh và cả hai cùng xuất phát từ một cội nguồn là Thiên Chúa. Cả hai làm nên một kho tàng đức tin duy nhất, nơi Hội thánh nhận được sự đảm bảo chắc chắn về tất cả những chân lý được mạc khải.

 

15. Kho tàng đức tin đã được ủy thác cho ai?

84, 91

94, 99

Từ thời các thánh Tông đồ, kho tàng đức tin đã được ủy thác cho toàn thể Hội thánh. Nhờ Chúa Thánh Thần hỗ trợ và nhờ Huấn quyền hướng dẫn, với cảm thức siêu nhiên của đức tin, toàn thể dân Chúa đón nhận Mạc khải của Thiên Chúa, hiểu biết mỗi ngày một sâu xa hơn, và cố gắng sống Mạc khải đó.

 

16. Ai có thẩm quyền để giải nghĩa kho tàng đức tin?

85-90

100

Chỉ có Huấn quyền sinh động của Hội thánh, nghĩa là vị kế nhiệm thánh Phêrô làm Giám mục Rôma và các Giám mục hiệp thông với ngài, mới có đủ thẩm quyền giải thích kho tàng đức tin. Huấn quyền, trong việc phục vụ Lời Chúa, được hưởng đặc sủng về chân lý, có trách nhiệm xác định các tín điều, nghĩa là những công thức trình bày các chân lý chứa đựng trong Mạc khải của Thiên Chúa; thẩm quyền này cũng áp dụng trên các chân lý có liên hệ thiết yếu với Mạc khải.

 

17. Ðâu là mối tương quan giữa Thánh truyền, Thánh Kinh và Huấn quyền?

95

Thánh Kinh, Thánh Truyền và Huấn quyền liên hệ chặt chẽ với nhau, đến độ thực thể này không hiện hữu nếu không có hai thực thể kia. Dưới tác động của cùng một Chúa Thánh Thần, cả ba góp phần cách hữu hiệu vào ơn cứu độ loài người, mỗi thực thể theo cách thức riêng của mình.

 

Thánh Kinh

 

18. Tại sao Thánh Kinh lại có thể dạy chân lý?



105-108

135-136

Bởi vì chính Thiên Chúa là tác giả của Thánh Kinh. Thánh Kinh là quyển sách được linh ứng và dạy dỗ cách không sai lạc những chân lý cần thiết cho ơn cứu độ chúng ta. Thật vậy, Chúa Thánh Thần linh ứng cho các tác giả phàm nhân để họ viết ra những điều Thiên Chúa muốn dạy dỗ chúng ta. Tuy nhiên, đức tin Kitô giáo không phải là một "tôn giáo của sách vở", nhưng là của Lời Thiên Chúa, "không là một ngôn từ được viết ra và câm lặng, nhưng là Ngôi Lời nhập thể và sống động" (thánh Bênađô Clairvaux).

 

19. Chúng ta phải đọc Thánh Kinh như thế nào?

109-119

137

Thánh Kinh phải được đọc và giải thích dưới sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, và phải theo sự hướng dẫn của Huấn quyền Hội thánh, theo ba tiêu chuẩn: (1) phải chú ý đến nội dung và sự duy nhất của toàn bộ Thánh Kinh; (2) phải đọc Thánh Kinh trong Thánh truyền sống động của Hội thánh; (3) phải chú ý đến tính tương hợp của đức tin, nghĩa là đến sự liên hệ hài hòa giữa các chân lý đức tin với nhau.

 

20. Quy điển (Canon) của các Sách Thánh là gì?

120, 138

Quy điển các Sách Thánh là danh mục đầy đủ về các Sách Thánh, mà Tông truyền đã phân định rõ ràng cho Hội thánh. Quy điển này gồm có bốn mươi sáu tác phẩm Cựu Ước và hai mươi bảy tác phẩm Tân Ước.

 


Каталог: upload -> document
document -> THỦ TƯỚng chính phủ
document -> Ủy ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam tỉnh thừa thiên huế Độc lập Tự do Hạnh phúc
document -> CỦa chính phủ SỐ 128/2008/NĐ-cp ngàY 16 tháng 12 NĂM 2008 quy đỊnh chi tiết thi hành một số ĐIỀu của pháp lệnh xử LÝ VI phạm hành chính năM 2002 VÀ pháp lệnh sửA ĐỔI, BỔ sung một số ĐIỀu của pháp lệnh xử LÝ VI phạm hành chính năM 2008
document -> Ủy ban nhân dân thành phố ĐÀ NẴNG
document -> THỦ TƯỚng chính phủ –––– Số: 56
document -> BỘ CÂu hỏi tình huống phục vụ Hội thi tìm hiểu về Luật bhxh, bhyt
document -> UỶ ban nhân dân tỉnh thừa thiên huế`
document -> BỘ ĐỀ thi đoàn Thanh niên với công tác cải cách hành chính Nhà nước năm 2014
document -> CHƯƠng 8 iso 9000 I. Giới thiệu chung về BỘ tiêu chuẩN iso 9000
document -> VĂn phòng luật sư V. L. C

tải về 1.01 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   14




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương