Torino không phải là một thành phố hấp dẫn du lịch vì thế chắc hẳn trong số các bạn đã từng đến Ý, rất ít người từng đặt chân tới thành phố này



tải về 169.69 Kb.
trang1/3
Chuyển đổi dữ liệu01.05.2018
Kích169.69 Kb.
#37698
  1   2   3
Torino không phải là một thành phố hấp dẫn du lịch vì thế chắc hẳn trong số các bạn đã từng đến Ý, rất ít người từng đặt chân tới thành phố này. Du khách tới Ý bị cuốn hút bởi hàng loạt những cái tên hấp dẫn hơn nhiều: Roma, thành phố được mệnh danh là thủ đô của thế giới, với vẻ đẹp hoành tráng và mạnh mẽ; dường như người ta vẫn có thể cảm nhận được ở đây sức mạnh vô địch của đế chế La Mã thuở nào; Venezia (Venice) với vẻ đẹp độc đáo, lãng mạn và kiêu sa; Firenze (Florence) với vẻ đẹp của sự sáng tạo, trí tuệ và văn hóa, cái nôi của phong trào phục hưng Châu Âu, nơi xuất thân của rất nhiều danh nhân văn hóa thế giới. Nếu người ta thường ví Venezia đẹp như một nàng công chúa trong chuỵện cổ tích thì Firenze được gán với vẻ đẹp của một chàng hoàng tử... Ngoài ra cũng có thể kể đến hàng loạt cái tên như Napoli – thành phố cổ ven biển với những địa danh nổi tiếng: Sorrento (Suriento), Santa Lucia, Pompei...; Sicilia với những di tích của nền văn minh Hy-La kết hợp, với núi lửa Etna hùng vĩ và với... mafia; Verona với thiên tình sử bất hủ của Romeo và Juliet; Siena với những công trình kiến trúc cổ nổi tiếng; Milano – thành phố của thời trang và thương mại...; thậm chí thành phố nhỏ bé Pisa, quê hương của Galieo cũng trở thành nổi tiếng nhờ chiếc tháp nghiêng xinh xắn và... không giống ai. Nằm cạnh những thành phố đầy quyến rũ như vậy nên dường như Torino của hắn không gây được nhiều sự chú ý. Chắc hẳn trong số chúng ta ít người biết rằng đây chính là thủ đô đầu tiên của nước Ý thống nhất.

Hắn cũng mới biết điều đó cách đây không lâu. Trong một lần rảnh rỗi, hắn lần mò trong các thư viện để tìm hiểu về Torino và đã tìm được khá nhiều thông tin thú vị. Theo một truyền thuyết được lưu truyền rộng rãi, Torino đã được hình thành bởi người Ai Cập cổ: “Một ngày kia, Hoàng tử Ai Cập Eridano vượt Địa Trung Hải để kiếm tìm những vùng đất mới màu mỡ. Băng qua dãy Appenini, chàng gặp một vùng đồng bằng phì nhiêu nằm bên một con sông lớn, nó nhắc chàng nhớ tới dòng sông Nil quê hương... Vậy là trên vùng đất đó một quần xã của người Ai Cập được hình thành với những tập quán, tín ngưỡng Ai Cập, đặc biệt trong đó có tục lệ tôn sùng bò thần Menfi...”. Người ta kể rằng, hoàng tử Eridano trong một lần đang phóng xe ngựa bên bờ sông không hiểu sao đã lao xuống nước và đã chết đuối trên chính dòng sông ấy. (“Có lẽ ông này hơi quá chén hoặc không thì chắc cũng đang muốn chứng tỏ tay lái lụa nên mới đến nông nỗi này!” - Hắn nghĩ). Kể từ ngày đó, tên dòng sông được đặt theo tên vị hoàng tử bất hạnh, Eridanus. Thật tiếc là đến nay, cái tên đầy tính thần thoại này đã bị đánh mất. Có một thời sông mang tên là Padam vì hai bên bờ sông mọc rất nhiều bạch dương, sau đó cái tên được cắt gọn đi chỉ còn cụt lủn: Po và chẳng còn ý nghĩa gì nữa cả. Đọc đến đây, hắn lẩm bẩm: “Thằng cha nào nghĩ ra cái tên thô kệch này có lẽ cũng nên lôi ra chặt đầu đi cho gọn!”.

Theo sử sách La Mã ghi chép lại, năm 218 TCN, Annibale (Ha-ni-ban) đã bất ngờ tấn công La Mã bằng con đường khó khăn ít ai ngờ: vượt qua dãy Alpi. Ngôi làng bên bờ sông Eridanus mang tên Taurasia đã bị quân Annibale phá trụi. Đây là lần đầu tiên Torino xuất hiện trong chính sử. Có lẽ là sau vụ này, vùng đất Taurasia đã được chú ý hơn, người ta nhận ra đây là một vị trí quan trọng chiến lược với những quan điểm quân sự và kinh tế. Vào thời Giulio Cesare, khu vực này đã trở thành một căn cứ quân sự. Năm 69, thời Julia Augusta, tại đây hình thành một thành phố nhỏ mang tên Taurinorum.

Sự sụp đổ của Đế chế La Mã đã khiến Torino cổ lao đao, chìm trong sự tàn phá, chém giết đẫm máu và thay đổi chủ liên tục. Torino đã “ngủ yên” suốt “đêm trường trung cổ”, thời kì đen tối nhất trong lịch sử Châu Âu. Phải đến năm 1562, khi Emanuele Filiberto di Savoia làm chủ Torino, thành phố mới được khôi phục và phát triển. Filiberto muốn đưa Torino chở thành kinh đô của vương quốc của ông, nhờ đó công cuộc xây dựng và phát triển được đẩy mạnh. Trước tiên, ông cho tiến hành xây dựng hệ thống công trình quân sự như thành lũy, pháo đài... Tiếp theo đó,nhiều kiến trúc sư giỏi được vời đến để vạch ra những phương án mở rộng thành phố cũng như thiết kế những công trình lớn mang phong cách Ba-rốc-cô và Rô-cô-cô. Công cuộc phát triển được tiến hành cho đến khi nổ ra cuộc Cách mạng Pháp. Trước sự xâm lăng của Napoleone Bonaparte, Carlo Emanuele IV phải bỏ thành phố về cố thủ ở đảo Sardegna. Torino rơi vào ách chiếm đóng của quân Pháp.

Sau đó, với sự trở lại của Vittorio Emanuele I, Torino là tiêu điểm thu hút những nhà ái quốc với lý tưởng giành lại tự do. Đây là thời kì của lòng nhiệt huyết Italia, thời kì của những quán cà phê Torino, nơi luôn nổ ra những cuộc tranh luận sôi nổi và cũng là thời kì của cuộc chiến tranh giành độc lập. Năm 1861, Vittorio Emanuele II thống nhất Italia, Torino được chọn là thủ đô.

Năm 1864, Torino lại đối diện với cuộc khủng hoảng mới khi thủ đô được chuyển về Firenze. Nhưng với sự ra đời của những ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp sản xuất ôtô, thành phố phía Tây Bắc này lại có một sức hấp dẫn mới, đó là khả năng thỏa mãn công ăn việc làm cho một số lượng lớn người lao động.

Cuối TK19, đầu TK20, sự phát triển của thành phố đã đến mức khó kiểm soát do dân số tăng nhanh (thời điểm cao nhất lên khoảng 1,4 triệu). Nhưng với những chính sách và biện pháp hợp lý, Torino vẫn giữ được sự ổn định về quy mô cũng như những dáng vẻ đặc trưng của mình. Ngày nay, Torino là thủ phủ của vùng Piemonte, là thành phố lớn hàng thứ 5 của Ý với dân số hơn 900 nghìn người. (“Sao không thấy người ta nói gì đến bóng đá nhỉ?”- Hắn gấp sách lại).

Torino nằm ở một vị trí rất đặc biệt mang đầy tính huyền thoại và tôn giáo. Đây là nơi người ta tìm thấy và lưu giữ một thánh tích cực kì nổi tiếng, cây thánh giá bằng gỗ, tương truyền chính là cây thánh giá mà trên đó chúa Giê-su đã bị đóng đinh. Người ta nói rằng theo thuật chiêm tinh phương tây của các pháp sư giỏi ma thuật và rành phong thủy, gọi nôm na là thầy địa lý, Torino là một đỉnh trong tam giác ma thuật trắng cùng với Praha và Lyon. Đồng thời nó cũng là đỉnh của một tam giác khác, tam giác ma thuật đen cùng với Luân Đôn và San Francisco. (Hắn chẳng hiểu chính xác ma thuật đen với ma thuật trắng là gì, nghe thì có vẻ ghê gớm. Đen với chả trắng! Rốt cục hai màu này chỉ làm hắn tưởng tượng ra màu áo sọc trắng đen của “lão phu nhân” mà thôi). Nằm bên bờ hai con sông Po và Dora, Torino được bao phủ bởi một vành đai nước. Nếu sông Po là biểu trưng của mặt trời, là cực dương, thì ngược lại Dora mang biểu trưng của mặt trăng và là cực âm. Như vậy là đủ cả trắng đen giao thoa, âm dương kết hợp để tạo nên một vị trí hoàn hảo.

Là một thành phố có chiều dày lịch sử, Torino luôn giữ được cho mình những nét cổ kính vốn có. Điều này cõ lẽ phụ thuộc rất lớn của công việc quy hoạch đô thị. Từ hạt nhân là khu thành cổ truyền thống với bốn cổng và mạng lưới đường xá hình bàn cờ theo hai trục phố chính Đông-Tây và Nam-Bắc, các đường phố được tiếp tục phát triển rộng ra theo hai hướng này. Nhà cửa trong khu vực trung tâm hầu hết đều có tuổi trung bình khoảng trên 100 năm, thường với độ cao xấp xỉ như nhau (khoảng 5 tầng) vì thế mặc dù mang hình thức trang trí hay phong cách kiến trúc khác nhau nhưng chúng vẫn tạo nên một bộ mặt tổng thể rất thống nhất.
Thoạt tiên, hắn thấy đơn điệu và nhàm chán vì sự giống nhau đến kì lạ của những dãy nhà và vì không có nhiều tính đột phá trong kiến trúc (thậm chí có vài lần hắn nhầm phố nọ với phố kia và đi lạc lung tung vì chúng giống nhau quá) nhưng chẳng mấy chốc, chính những điều đó lại mang tới cho hắn cảm giác an toàn, vững chãi của một tổng thể hoàn chỉnh với những quy luật chặt chẽ và nghiêm khắc. Đặc biệt, mỗi lần có dịp quan sát từ trên cao, hắn lại phải một lần trầm trồ về sự sắp xếp tuyệt hảo của những nhà quy hoạch đô thị... Sau này, hắn đã phát hiện ra rất nhiều công trình kiến trúc vô cùng đặc sắc trong cái tổng thể tưởng như đơn điệu đó. Đó là những công trình mang phong cách Ba-rốc với đầy những chi tiết trang trí đặc sắc, đó là những tòa nhà cổ kính từng dùng làm lãnh sự quán của các nước láng giềng từ thời Torino là thủ đô của nước Ý, ngoài lề một chút đó là những tòa lâu đài nằm bên bờ sông và những tòa biệt thự sang trọng trên ngọn đồi phía Tây.

Hắn rất thích rảo bộ trên các đường phố cổ Torino. Rất nhiều đoạn phố vẫn giữ được nguyên những lớp đá lát xưa cũ khiến hắn liên tưởng ngay tới những tiếng xe ngựa lọc cọc của những đường phố cổ mà người ta thường chỉ thấy trên phim ảnh. Nhưng thỉnh thoảng cũng có tiếng vó ngựa thật chứ không phải trong phim. Đó là khi mấy chú cảnh sát kị binh diễu qua. Mấy chú này chắc chỉ để làm cảnh, ăn mặc rất diện, mặt thì lúc nào cũng vênh lên trời chẳng cần để ý đến việc mấy chú ngựa to lực lưỡng thỉnh thoảng lại để lại trên đường phố một số... vật thể lạ! Đâu đây vang lên tiếng leng keng của những chiếc tàu điện cổ lỗ, dù có hơi chói tai một chút nhưng không thể không khiến hắn bùi ngùi nhớ cái “tiếng leng keng tàu sớm khuya” của Hà Nội xưa. Những chiếc tàu điện cũ kĩ này quả thật rất hợp với vẻ cổ kính của Torino nơi mà tàu điện và xe buýt là hai phương tiện giao thông công cộng chính; không có tàu điện ngầm. Mãi đến năm ngoái người ta mới bắt đầu khởi công xây dựng tuyến xe điện ngầm đầu tiên trong kế hoạch chuẩn bị hạ tầng cho Olympic Mùa đông 2006 mà Torino sẽ là chủ nhà.

Một đặc điểm thú vị nữa của đường phố Torino là những dãy hành lang đi bộ hoặc gọi nôm na là vỉa hè có mái che. Một vài người nói rằng, không có một thành phố nào trên thế giới mà kiểu kiến trúc này xuất hiện nhiều như ở Torino. Hình như chưa ai kiểm chứng nhận định này nhưng hắn cứ tin là đúng. Hắn bỗng liên tưởng tới những hành lang đi bộ quanh cái Bách hóa Tổng hợp Bờ Hồ ngày trước và thầm so sánh. Tất nhiên hành lang đi bộ của Torino dài hơn và đẹp hơn nhiều, lữ khách được rảo bước bên những hàng cột đá hoa cương đồ sộ, đường kính có khi đến gần 1m, chiều cao độ 8-9m, đều tăm tắp. Nhưng chức năng chính không phải để làm đẹp. Vào những ngày mưa gió bão bùng hay tuyết rơi lạnh cóng, người ta mới thấy hết tác dụng của những cái lối đi ấy. Dưới mưa rét người ta vẫn có thể ung dung đi lại để mà ngắm trời, ngắm đất, ngắm những cửa hiệu sáng choang hai bên đường và ngắm... nhau. Dưới những hành lang này, đôi khi hình thành những quán cà phê, hoặc quán kem nho nhỏ, đặc biệt thường gặp ở những quảng trường trung tâm. Người ta có thể vừa nhâm nhi tách cà phê, cappuccino hoặc thưởng thức mấy cốc kem vừa liếc nhìn dòng chảy của phố xá.

Ăn kem đó cũng là một sở thích của hắn. Dù trời nóng 30-40° hay lạnh dưới zero thì niềm hứng thú của hắn với mấy cốc kem không khác nhau là mấy. Mà kem Ý thì mới tuyệt làm sao! So với đủ các loại kem mà hắn từng được ăn ở Việt Nam, từ kem mút trong túi nylon mà có thời hắn mê như điếu đổ, hay kem pimpim của mấy bác bán dạo trong công viên, đến kem Hòa Bình, kem Thủy Tạ, kem Tràng Tiền... và sau này là kem New Zealand, kem Pháp, kem Mỹ, kem Italia...vv và vv.., thì có lẽ kem mà hắn ăn ở Torino là ngon nhất!? Đủ mọi thể loại và chất liệu, thơm ngon vô cùng... Nhưng ai có hỏi hắn cụ thể mùi vị như thế nào chắc hắn cũng không thể tả chính xác được vì bình thường hắn chỉ tốn tối đa là 3 phút để tiêu thụ một cốc kem. Có lẽ không nên sa đà thêm về chuyện kem nữa, kẻo có người thèm...

Bước ra khỏi hàng kem với đống tiền xu thừa mà người phục vụ trả lại, hắn bỗng nhớ ra chưa kể về Mole, công trình mang tính biểu tượng của Torino và là một trong những hình tượng tiêu biểu nhất của nước Ý. Ai đang có trong tay đồng xu euro 2 cent của Ý thì lấy ra mà nhòm ngay nhé! Công trình này được thiết kế bới KTS Alessandro Antonelli với mục đích biểu hiện sức mạnh quyền lực của vua Vittorio Emanuelle II sau ngày thống nhất đất nước. Nó đã được xây dựng trong một thời gian dài từ năm 1862 đến 1889. Với chiều cao 167,5 mét, đây là công trình kiến trúc xây bằng gạch cao nhất Châu Âu. Đến năm 1953 thì phần chóp của tháp bị rụng bởi một cơn bão lớn và được dựng lại bằng kim loại. Sau này, tòa nhà đã được cải tạo và sử dụng làm bảo tàng quốc gia về điện ảnh. Với số lượng hiện vật đồ sộ, giới thiệu sự hình thành và phát triển của nghệ thuật thứ bảy, trong một tổng diện tích 3200 mét vuông, đây là một trong số những bảo tàng quan trọng nhất Châu Âu và là bảo tàng cao nhất thế giới!!!

Không phải ngẫu nhiên Torino được chọn là địa điểm đặt bảo tàng quốc gia về điện ảnh. Torino được coi thủ đô đầu tiên của điện ảnh Italia, một trong những nền điện ảnh lớn nhất của thế giới. Chính tại thành phố này, đã ra đời những hãng sản xuất phim đầu tiên, đã xuất hiện những ngôi sao màn bạc đầu tiên và cũng là nơi khởi quay những thước phim đầu tiên của điện ảnh. (Cabria, một trong những tác phẩm lớn đầu tiên của điện ảnh thế giới đã được quay ở Torino vào năm 1914). Sau thế chiến thứ nhất, Torino đã mất đi ngôi vị vào tay Roma nhưng mối tình của thành phố này với điện ảnh không bao giờ tắt. Người ta kể cho hắn nghe vô số những bộ phim đã từng được quay ở đây, nhưng tiếc là hắn vốn mù mờ về điện ảnh. Hắn chỉ nhớ được rằng tại Lâu đài Valentino nay là trụ sở của trường kiến trúc nơi hắn theo học, và một số địa điểm quanh đó, nàng Natasha xinh đẹp, chàng hoàng tử hào hoa Andrea và chàng Pierre trầm lặng đã từng rảo những bước chân trong bộ phim Chiến tranh và Hòa bình. Bộ phim Hollywood này được dựng bởi đạo diễn King Vidor và với sự tham gia của các diễn viên như Audrey Hepburn, Mel Ferrer và Henry Fonda... Ngày nay Torino vẫn luôn là nơi diễn ra những liên hoan phim quốc tế và là thành phố với số lượng rạp chiếu phim vào hàng lớn nhất nước Ý...

Kể về Torino không thể không nhắc đến sông Po, con sông chảy dọc phía Đông thành phố là ranh giới giữa “Torino phố” và “Torino đồi”. Po là dòng sông lớn nhất của Ý với chiều dài 652 km, bắt nguồn từ sát ranh giới với Pháp chảy ngang miền Bắc nước Ý và đổ ra biển Adriatic. Đây là một trong số những con sông lớn nhất và quan trọng nhất Châu Âu, bên cạnh những Danuyp, Rhein, Rhône và Guadalquivir... Hắn đã đi bộ bên bờ sông Po này không biết bao nhiêu lần, mỗi lần hắn lại tìm thấy ở nó một vẻ đẹp mới. Hai bên bờ sông là những thảm cỏ xanh mướt mắt với những hàng bạch dương thướt tha: một bên là công viên Valentino, công viên đẹp nhất của thành phố còn bên kia là vùng đồi Torino với những tòa biệt thự nhấp nhô lẩn khuất trong những hàng cây xanh lá.
Đi dọc bờ sông phía Tây, hắn có thể tìm ra vô khối những điều hấp dẫn: những câu cầu cổ kính vài trăm năm tuổi; lâu đài Valentino với bộ mái kiểu Măng-sa mang phong cách kiến trúc Pháp (đây là lâu đài mà vua Torino xây tặng vợ là công chúa nước Pháp để làm nguôi nỗi nhớ quê hương của nàng); ngôi làng nhỏ xây theo kiểu thời trung cổ với pháo đài kiên cố và hào nước chạy quanh; những vườn thực vật tuyệt đẹp với đủ các loại cây cối với vô vàn màu sắc; khu trung tâm triển lãm của Torino với hình chú bò tót (biểu tượng của thành phố) to tướng ở mặt chính; bảo tàng ôtô - một trong những bảo tàng lâu đời và quan trọng nhất của Châu Âu về lĩnh vực này- tại đây bạn có thể được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của vô số loại xe hơi từ loại cổ lỗ nhất cho đến những chiếc xe đua F1 nổi tiếng nhất. Hắn lại phải giới thiệu nhiều một chút về cái bảo tàng này bởi lẽ Torino cũng được mệnh danh là thành phố của ôtô, nơi đặt trụ sở của FIAT hãng xe hơi lớn nhất Italia mà một trong những hãng xe lâu đời nhất thế giới. Chính vì thế bảo tàng ôtô là bảo tàng được quan tâm hàng thứ ba của khách du lịch trong số các bảo tàng của Torino, sau bảo tàng điện ảnh và bảo tàng AiCập. Chắc các bạn khó hiểu khi nghe thấy nhắc đến bảo tàng AiCập. Xin thông báo rằng, đây là bảo tàng về AiCập lớn thứ hai thế giới (chỉ đứng sau bảo tàng ở Cairo) với rất nhiều cổ vật vô giá, đặc biệt hấp dẫn là những bức tượng Faraon to khổng lồ và và xác ướp đủ các loại.

Như vậy, hắn mới tạm kể xong những thứ ở bên bờ Tây tức là phần “Torino phố”.


“Torino đồi” phía Đông cũng không kém phấn long trọng. Chế ngự nơi đây là hàng loạt các biệt thự đẹp như mơ với những khuôn viên rộng rãi. Nhiều cái cũng ngang ngửa với mấy biệt thự của Bảo Đại ở trên Đà Lạt, có cái theo hắn còn quy mô hơn. (Giả mà lũ trẻ con ở đây mà chơi trò trốn tìm thì chắc tìm từ sáng đến tối cũng không ra mất!). Ngoài không gian lí tưởng trong nhà cũng như ngoài vườn, yên tĩnh và thoáng đãng cách biệt với sự ồn ào, sôi động ở dưới kia, thì những tòa biệt thự ở đây còn có một điểm đắt giá nữa đó là cảnh quan tuyệt vời. Từ trên cao nhìn xuống, ta có thể chiêm ngưỡng dòng sông Po xanh biếc uốn khúc với những hàng cây đủ màu sắc thế nào, tổng thể thành phố với mái ngói nhấp nhô đẹp ra sao..vv.. Có thể nói đó là một bức tranh thiên nhiên mà không một bức họa nào có thể so sánh được dù là của một họa sĩ tài danh đến mấy. Hơn nữa, bức tuyệt tác của thiên nhiên này luôn biến đổi, muôn màu muôn vẻ và đều đẹp như nhau.
Những hôm “êm đềm khói tỏa ngàn sương”, thành phố chìm lắng trong màn sương mờ ảo và huyền hoặc, như là một xứ sở thần tiên nào đó vậy. Khi ánh nắng bừng lên, những hàng cây bên hai bên bờ sông và trong công viên Valentino như được thắp thêm nhựa sống. Xa xa, dãy Alpi tuyết phủ quanh năm nổi bật hắn lên, biến mình thành một lớp màu nền tuyệt hảo cho bức tranh phong cảnh. Những khi tuyết phủ, hai bên bờ sông tạo thành những nét bút trắng xóa. Màu trắng được tôn thành màu chủ đạo của bức tranh sáng đến lóa mắt; những hạt tuyết đọng trên cành cây, vương trên mái nhà và sà xuống vai những khách bộ hành. Khi thành phố lên đèn, bức tranh của chúng ta lại đổi khác. Trên nền sẫm của cây của lá, của đồi, những điểm nhấn lung linh dần hiện lên nhờ nghệ thuật chiếu sáng tuyệt hảo trong đó, nổi bật hơn cả là Mole, nóc nhà của thành phố, hiện trên nền trời vời màu neon mát mắt... Có lẽ cũng cần nói thêm, chủ nhân của những biệt thự trên vùng đồi này cũng là chủ nhân của những bức tranh phong cảnh vô giá đó đều là những nhà giàu có, cỡ triệu phú trở lên cả.

Cũng ở phía bờ Đông thẳng với cây cầu Contrada xây từ năm 1673 là nhà thờ Đức Bà mang dáng dấp của đền Panteon ở Roma. Đây là công trình kỉ niệm sự trở lại của vua Vittorio Emanuelle I, sau khi quân xâm lược Pháp rút lui khỏi Torino. Chếch một chút là nhà thờ Santa Maria, một trong những điểm sáng của Torino vào ban đêm, với ánh đèn xanh huyền hoặc. Phía xa xa, trên ngọn đồi cao nhất đó là nhà thờ Superga, nơi đặt phần mộ của dòng họ Savoia. Nhà thờ này nằm ở vị trí tuyệt đẹp, với tầm nhìn bao quát và chế ngự một khoảng không gian rộng lớn. Le Cobusier, KTS đại tài của Pháp và thế giới đã từng đánh giá rằng nhà thờ này là một trong những công trình có vị trí đẹp nhất thế giới. Khách du lịch có thể lên đây bằng hệ thống tàu chạy bằng cáp (funicolare) dài 2km, xen giữa những lùm cây là những khung cảnh tuyệt vời... Nhưng cũng chính trên ngọn đồi Superga này, một tai nạn thảm khốc đã xảy ra.

Đó là vào ngày 4 tháng 5 năm 1949, chiếc máy bay chở đội bóng Torino (Toro), đội bóng 5 lần liên tiếp vô địch Italia, trên đường về nhà đã mất phương hướng và đâm vào sườn đồi Superga. Toàn bộ đội bóng đã tử nạn, trong đó có nhiều tuyển thủ quốc gia Italia. Từ ngày đó, trên đồi Superga xuất hiện thêm một tấm bia, tưởng niệm những nạn nhân xấu số của tấn thảm kịch. Đây có lẽ là tai nạn thảm khốc nhất trong lịch sử bóng đá Ý. Tai nạn này không chỉ là niềm đau riêng của những tifosi Toro hay của người Torino mà là tổn thất lớn của nền bóng đá Ý. Toro của cuối thập kỉ 40 là một đội bóng đi vào thần thoại với sức mạnh vô địch và tộc tôn. Họ mạnh hơn Hungari của Puskas, thần kì hơn Real vĩ đại của Di Stefano hay Hà lan của Cruijff. Vào thời ấy, Toro huyền thoại đã khiến cho người ta quên đi nỗi đau của chiến tranh, đổ nát và đói rách; đã cứu rỗi những con người nghèo khổ và bệnh tật đang lay lắt sống qua ngày, đem lại cho họ những giấc mơ, những niềm đam mê cháy bỏng, niềm tự hào và niềm hạnh phúc lớn lao.
Người ta chỉ tiếc rằng, thế hệ vàng ấy đã không giành được nhiều thành tích như khả năng của họ, chỉ có “vỏn vẹn” 5 chiếc cúp vô địch Italia liên tiếp (từ năm 1945 đên năm 1949) bởi vì thời gian đó chưa hình thành các cúp Châu Âu và cũng là thời gian gián đoạn của World Cup. Nhưng giá trị của đội bóng này không chỉ đo bằng những danh hiệu, những chiếc cup mà cao hơn thế, cao hơn những giá trị thể thao thông thường, họ đã củng cố niềm tin vào cuộc sống cho cả một thế hệ và đã chứng minh rằng những mơ ước cũng có thể trở thành sự thật. (Có lẽ những điều trên nghe có vẻ xa lạ đối với thứ bóng đá ngày càng trở nên thương mại hóa ngày nay). Đối với những tifosi Toro, giấc mợ của họ đã vỡ tan vào cái ngày mùng 4 tháng 5 định mệnh đó, hình ảnh đội bóng huyền thoại mãi mãi được in sâu trong tim của hàng triệu con tim. Từ ngày đó cho đến mãi về sau này, các cổ động viên của Toro không lần nào còn được hưởng niềm vui của scudetto nữa...

Nhưng dù vậy, Torino vẫn là thủ đô của bóng đá Italia. Cho đến nay, trong lịch sử bóng đá Ý, kỉ lục 5 năm liên tiếp đoạt scudetto của Toro không một CLB nào ở Serie A có thể đạt tới được trừ một đội bóng cũng của Torino, đội bóng lừng danh này đã từng đoạt được tất cả các danh hiệu cao quý nhất của bóng đá trên mọi đấu trường. Không nói ra chắc các bạn cũng biết đó chính là Juventus, đã từ lâu cái tên này đã gắn liền với Torino và là niềm tự hào của người dân thành phố. Với 26 chức vô địch quốc gia của Juve và 9 của Toro, tổng cộng là 35, Torino bỏ xa các trung tâm bóng đá khác (thứ hai là Milano với 27 chức vô địch: Milan 16 và Inter 11).



Đã nói đến bóng đá thì không thể không nhắc đến Stadio Delle Alpi. Sân này thuộc sở hữu của thành phố, được khánh thành năm 1990 để phục vụ World Cup, sau đó được sử dụng làm sân nhà của Juve và Toro, còn sắp tới sẽ là sở hữu riêng của Juventus. Không có hình thức kiến trúc độc đáo như sân Olimpic ở Munich, cũng không nổi tiếng và quy mô bằng những San Siro, laceType w:st="on">CamplaceType> laceName w:st="on">NoulaceName> hay Bernabeu nhưng Delle Alpi luôn là nỗi khiếp sợ của bất kì đối thủ nào. Trong không khí hừng hực được hun bằng pháo sáng, bằng tiếng trống dồn dập, và tiếng reo, tiếng hát của hàng vạn con người, những đối thủ đáng gờm nhất đều phải chịu khuất phục. Mùa bóng năm nay, tại cup C1, không đội bóng nào kiếm nổi một điểm trên sân Delle Alpi. Nạn nhân xấu số gần đây nhất là Basel của Thụy Sĩ. Sắp tới, cả Man Utd và La Coruna cũng sẽ trở thành những vật tế thần mà thôi. Là một CĐV của Juventus, hắn tin tuyệt đối vào điều đó!

Hắn không sao quên được cái không khí tuyệt vời khi Juve của hắn giành chức vô địch thứ 26, ở vòng đấu cuối cùng mùa giải năm ngoái. Rộn bước trên những đường phố trung tâm là hàng nghìn, hàng vạn cổ động viên của Juve. Họ giương cao những biểu ngữ, những là cờ và cất cao lời hát ngợi ca đội bóng thành Torino. Cả thành phố ngập tràn trong hai màu đen và trắng. Hắn sung sướng hòa mình trong dòng người và sóng cờ hoa vô tận ấy: Với niềm phấn khích tột cùng, hắn hát vang (hét vang thì đúng hơn!) bài hát mới học thuộc trên đường:“Siamo noi, siamo noi, i championi d’Italia siamo noi. Siamo noi, siamo noi, i championi d’Italia siamo noi...”. Cuộc diễu hành của các tifosi kéo dài đến đêm... Suốt hơn hai năm sống ở thành phố này, chưa bao giờ hắn thấy Torino đẹp như trong ngày hôm ấy...


Каталог: groups
groups -> Báo cáo tài chính, luồng tiền và các khoản thuế (Mức độ: Dễ, Dễ/Trung bình, Trung bình/Khó, và Khó) Phần I
groups -> Viettudan an ban/ Edition: unicode fonts Dau tranh cho Tu-do Ca-nhan & Nguyen-tac Dan-chu Xa-hoi tai Viet-Nam
groups -> Lời Tuyên Bố của các Công Dân Tự Do
groups -> PHẦn chuyển tiếp kính thưa quý vị và các bạn trẻ, giữa những ngưới Việt chúng ta, tôi nói
groups -> Ý Nga sưu tầm và cập nhật hóa ngày 21-4-2013, với nhạc của nhạc sĩ: TừYên, Hà Thúc Sinh vừa thêm vào
groups -> BÁo cáo môn: RÈn luyện nghiệp vụ SƯ phạM 3
groups -> Phản Bội hay Tự Do cho Việt Nam ?
groups -> Tin khoa hoc december 31, 2010 Những vụ phóng vệ tinh thất bại trong 2010 Trong năm 2010, một số quốc gia đã vấp phải các sự cố trong việc phóng vệ tinh vào không gian
groups -> Một Thời Bạn Học Revised 8/4/10 việt nam

tải về 169.69 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương