TOÀn cảnh chính trị thế giớI 2007



tải về 342.51 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu06.11.2017
Kích342.51 Kb.
#34148


CSDL PICMS Thông tin Hỏi – đáp phục vụ ĐBQH của Phòng Thông tin, Trung tâm Thông tin – TV – NCKH, Văn phòng Quốc hội


TOÀN CẢNH CHÍNH TRỊ THẾ GIỚI 2007

Chính trị thế giới năm 2007 không có những đột biến lớn. Toàn cầu hoá vẫn duy trì được sức hút hội nhập đối với đa số các quốc gia. Tuy nhiên, bên dưới bề mặt có vẻ phẳng lặng của trật tự này, những căng thẳng và rạn nứt đang gia tăng. Chuyển dịch cán cân quyền lực toàn cầu phát sinh từ sự sa lầy của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố đang gây ra những hậu quả sâu rộng đối với kết cấu an ninh thế giới. Các định chế quốc tế chủ chốt suy giảm chức năng quản trị, các châu lục chuyển dịch trái phiếu, cục diện thế giới đang tiếp cận các điểm ngoặt mang tính cơ cấu.

1. Trật tự trung tâm và ngoại vi vẫn được duy trì

Trong năm 2007 trật tự thế giới toàn cầu hoá vẫn duy trì sức hút, kìm hãm được các lực ly tâm, giữ cho đại đa số các quốc gia tiếp tục chuyển động trên quỹ đạo hội nhập, tránh được các va chạm nghiêm trọng về lợi ích Khu vực được coi là trung tâm của trật tự hiện hành với hạt nhân là nhóm nước G7 đang trở nên đồng thuận và gắn kết hơn về chính trị nhờ sự đảo chiều sang hữu của con lắc quyền lực châu Âu. Sự nổi lên của phe trung hữu tại Đức và Pháp(1) nhanh chóng hàn gắn liên kết chiến lược xuyên Đại Tây Dương Mỹ - EU(2) vốn bị rạn nứt dưới thời Thủ tướng Đức Gerhard Schroder và Tổng thống Pháp Jacques Chirac do bất đồng với Tổng thống Bush về cuộc chiến Iraq.

Quan hệ lạnh nhạt giữa Madrid và Washington sau quyết định rút quân khỏi Iraq của chính quyền trung tả của Thủ tướng José Zapatero vào năm 2005 cũng đang ấm lên. Với việc EU thông qua Hiệp ước châu Âu rút gọn vào 13/12/2007 tại Lisbon nhằm cho phép liên minh phát huy được ưu thế của một thế lực thống nhất, đặc biệt là về đối ngoại và an ninh. Ở tuổi 50(3), EU dường như đã vượt qua giai đoạn hụt hẫng kể từ năm 2005 khi dự thảo Hiến pháp châu Âu bị các cử tri Pháp và Hà Lan từ chối. Liên minh tiếp tục mở rộng, thu nhận thêm 2 thành viên mới là Rumani và Bulgari, nâng tổng số thành viên lên 27, đồng thời mở rộng không gian của Hiệp ước Schengen ra 24 quốc gia bằng việc kết nạp thêm 9 thành viên mới.

Nước Pháp của tân Tổng thống Nicolas Sarkozy, người được gọi là “người Mỹ ở Paris”(4), đang tái hội nhập đầy đủ vào NATO(5), khiến cho ma sát giữa EU và NATO giảm đi. NATO tiến tới đợt mở rộng mới cả về thành viên, mục tiêu và phạm vi hoạt động. Việc kết nạp Ucraina và Gruzia, tiếp đó là các nước mới vùng Ban căng được chờ đợi vào giai đoạn 2008-2012. Khối quân sự này đang mở rộng hoạt động ra ngoài phạm vi Bắc Đại Tây Dương bao trùm lên cả Ban căng, Trung Á, Cáp-ca-dơ, Caspian, châu Phi, Trung Đông, không chỉ thực hiện nhiệm vụ răn đe truyền thống, mà còn cả chức năng can dự phi truyền thống như bảo vệ nhân quyền, dân chủ, an ninh năng lượng, các tuyến vận tải, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ…

Về phía Đông, mặc dù chính trường Nhật Bản trải qua một năm lung lay nghiêm trọng(6), nhưng Đảng bảo thủ cánh hữu LDP cầm quyền vẫn thành công trong việc nới lỏng “Học thuyết Yoshida”, vượt qua những hạn chế của Hiến pháp 1946, nâng cấp Cục Phòng vệ được thành lập từ năm 1954 thành Bộ Quốc phòng vào ngày 9/1/2007. Đây là bước pháp lý quan trọng hướng tới mục tiêu trở thành một quốc gia bình thường để Nhật Bản có thể đóng vai trò lớn hơn trong trật tự thế giới đảm bảo cân bằng địa - chính trị tại lục địa Á - Âu trước sự lớn mạnh của Trung Quốc, sự phục hồi của Nga cũng như việc hai thế lực này xích lại gần nhau. Trên thực tế, liên minh xuyên Thái Bình Dương Mỹ - Nhật đang được tái cơ cấu nhằm từng bước kết nối chặt chẽ Nhật Bản và NATO(8), đồng thời phòng ngừa khả năng một Nhật Bản “bình thường hoá” có thể bất ngờ va chạm với Trung Quốc, ví như trong tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân hay vấn đề Đài Loan.

Cự ly an toàn giữa các cường quốc chủ chốt vẫn được đảm bảo thông qua các cơ chế ngoại giao đa phương và song phương mang tính định kỳ(9. Thậm chí một số nước lớn có dấu hiệu xích lại gần nhau đáng lạc quan. Các chuyến viếng thăm cấp cao dồn dập diễn ra trong vòng 14 tháng của Thủ tướng Shinzo Abe (tháng 10/2006), của Thủ tướng Ôn Gia Bảo (tháng 4/2007) và của Thủ tướng Fukuda (cuối tháng 12/2007) đã làm tan băng tình trạng “chính trị lạnh” kéo dài giữa Trung Quốc và Nhật Bản từ năm 2003, đưa quan hệ hai nước nhanh chóng “đi vào quỹ đạo phát triển bình thường”(10). Khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược giữa Nhật Bản và Ấn Độ cũng đã được chính phủ hai nước ấn định vào cuối tháng 8/2007. Lần đầu tiên đường dây nóng Mỹ - Trung về quốc phòng được thiết lập vào tháng 11/2007. Một hiệp ước hoà bình song phương đầu tiên giữa Nga và Nhật Bản đã đạt được bước tiến mới sau khi hai bên có những nhượng bộ nhau bước đầu về chủ quyền quần đảo Nam Kuril.

Tại các vùng kém hội nhập của trật tự thế giới, “các quốc gia cá biệt, gây rối trật tự công cộng” (rogue states - theo cách gọi của người Mỹ) đang thưa dần. Sau sự kiện chế độ Taliban ở Afghanistan bị loại trừ vào năm 2002, Saddam Hussein ở Iraq bị lật đổ vào năm 2003 và Tổng thống Muammar al-Gaddafi tuyên bố từ bỏ tham vọng hạt nhân của Libi vào năm 2004, thành công của cuộc đàm phán sáu bên trong việc đóng cửa chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên vào tháng 9/2007 và triển vọng ký kết hiệp định hoà bình trên Bán đảo Triều Tiên, cũng như khả năng tái khởi động một tiến trình hoà bình Trung Đông sau 7 năm bế tắc tại Hội nghị quốc tế Annapolis (Meryland, Mỹ) vào cuối tháng 11/2007 cho thấy xu hướng ly tâm tại khu vực ngoại vi đang được khống chế ít, nhiều có hiệu quả. Ngay cả thái độ cứng rắn của Iran trong vấn đề làm giàu Uranium được Tổng thống Ahmadinejiad thể hiện trên các phương tiện truyền thông và các kế hoạch tấn công của Mỹ vào Iran được định kỳ tiết lộ cho giới báo chí gợi nhớ nhiều hơn đến một kịch bản viết sẵn của trò chơi “bên miệng hố chiến tranh”(11) đã quá nhàm trong chính trị thế giới. Nếu đúng vậy, vấn đề là chờ xem Iran và các nước trong bộ sáu (gồm 5 thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và Đức) sẽ ngã giá thế nào với nhau, tham chiếu theo cuộc mặc cả hạt nhân Bắc Triều Tiên. Theo John Mearsheimer và Stephan Walt, một cuộc chiến phòng ngừa của Mỹ chống Iran vào thời điểm này không những thiếu cơ sở pháp lý, mà còn không thể đạt được 2 mục tiêu: buộc Iran từ bỏ tham vọng hạt nhân và ủng hộ các lực lượng Hồi giáo cấp tiến trong khu vực(12).

2. Căng thẳng và rạn nứt tiếp tục gia tăng

Điểm nổi bật của cục diện chính trị thế giới năm 2007 là sự chuyển dịch cán cân quyền lực toàn cầu xa rời thế cân bằng hình thành sau Chiến tranh lạnh đã tới mức báo động, cho một liên tưởng đáng lo ngại tới cục diện thế giới những năm 1971- 1973. Sự sa lầy của Mỹ trong cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan chưa thấy hồi kết, đồng đôla mất giá, dầu lửa và vàng cùng vượt ngưỡng kỷ lục trong vòng 3 thập niên qua, thị trường tài chính thế giới ngày càng mất kiểm soát, các định chế chủ chốt toàn cầu đồng loạt trục trặc, nhiều hiệp ước an ninh quốc tế thời kỳ Chiến tranh lạnh tan rã,… đó không phải là các sự kiện riêng lẻ, mà là một chuỗi các phản ứng dây truyền đang tiến tới những ngưỡng nguy hiểm.

Bắt đầu từ cuộc chiến chống khủng bố và thúc đẩy dân chủ do Mỹ phát động trên phạm vi toàn cầu vào năm 2001, tức là đúng 10 năm sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, cục điện thế giới ngoặt sang một chiều hướng mới. Về mặt chính trị, cuộc chiến này thực chất là một cuộc bình định khổng lồ - bẻ gãy sự chống đối của nhóm quốc gia bị Nhà Trắng liệt vào “trục ma quỷ”, đồng thời xúc tiến các cuộc cách mạng nhằm lật đổ một loạt chính phủ mà Washington coi là độc tài, bằng cách đó mở rộng trật tự do Mỹ chi phối ra quy mô chưa từng có. Chi phí quân sự của Mỹ từ mức “kịch sàn” năm 2001 là 3,15% GDP đã trở lại mức “kịch trần” của thời kỳ Chiến tranh lạnh là 6,8% GDP năm 2007, phản ánh sự thay đổi lớn trong ưu tiên chiến lược (Hình 1)(1a). Ngân sách cho hoạt động tình báo đối ngoại cũng có những động thái tương tự, đạt mức trên dưới 44 tỷ USD trong những năm gần đây (năm 2007: 43 tỷ USD tăng 0,5% so với mức 26,0 tỷ USD) vào một thập niên trước (16).

Dưới tác động của cuộc chiến toàn cầu này, cục diện thế giới nhanh chóng trượt khỏi thế cân bằng. Các quốc gia có chính quyền bị lật đổ như Iraq, Afghanistan, Li băng, Ucraina và Gruzia đều đang phải vật lộn với cơ cấu quyền lực trong nước suy sụp và cân bằng đối ngoại đổ vỡ. Rối ren chính trị gia tăng tại hàng loạt quốc gia nằm dọc theo chiến tuyến chống khủng bố và dân chủ hoá từ Đông Nam Á đến Bắc và Trung Phi. Các cường quốc không phải là đồng minh của Mỹ như Nga, Trung Quốc và Ấn Độ cũng phải chịu những dồn ép, co kéo mạnh về địa chiến lược. Tình trạng bất ổn trên diện rộng đẩy thế giới vào một cuộc chạy đua vũ trang mới với chi phí quân sự toàn cầu tăng 37% trong vòng 10 năm qua, trở lại mục đỉnh điểm của thời kỳ Chiến tranh lạnh, đạt 1204 tỷ USD vào năm 2007, tương đương 2,5% GDP thế giới.

Nếu việc NATO mở rộng về phía Đông, thu nạp Ucraina và Gruzia gần như chắc chắn trong một hai năm tới sẽ chấm dứt sự chao lắc dữ dội về chính trị của hai quốc gia này, thì Mỹ không những phải giành lấy hầu như toàn bộ sức nặng của thượng tầng chính trị đổ sụp tại Iraq và Afghanistan, mà còn phải chống đỡ cho cả kết cấu địa chiến lược bị “lật nghiêng” tại vùng Vịnh vốn dĩ vẫn dựa vào khả năng tự “kiểm soát và cân bằng” (check and balance) lẫn nhau của ba thế lực kình địch là Iran - Iraq - Saudi Arabia, nhưng nay đã mất đi một chân kiềng là Iraq. Từ năm 2003, quân số Mỹ đóng ở nước ngoài đã tăng vọt trở lại mức 1970 - 1971 và được tập trung vào Trung Đông. Tuy nhiên, đợt tăng quân cấp tập trong năm 2007 theo khuyến nghị của “Uỷ ban Baker - Hamilton”(19), đưa số quân Mỹ đóng tại Iraq lên 167.000 và tại Afghanistan lên 40.000 nhằm tạo ra bước ngoặt trong cuộc chiến trước khi Mỹ bắt đầu rút quân vào cuối năm nay trên thực tế lại biến thành năm đẫm máu nhất đối với Mỹ với gần 1000 lính chết và hơn 5000 bị thương, đưa tổng số thương vong của Mỹ tại hai chiến trường này lên tới hơn 4000 người chết và 35.000 người bị thương. Nhà Trắng bắt đầu chuẩn bị cơ sở pháp lý cho khả năng duy trì hiện diện quân sự lâu dài tại đây. Đến cuối năm 2007, chi phí trực tiếp của Mỹ cho hai cuộc chiến lên tới 604 tỷ USD, riêng trong năm 2007 là 170 tỷ USD(20), còn cho năm 2008 dự kiến là 198,4 tỷ USD. Nếu kể cả chi phí gián tiếp thì con số sẽ còn tăng gấp đôi. Cơ quan Ngân sách Quốc hội Mỹ cũng cảnh báo, chi phí cho hai cuộc chiến này sẽ tăng thêm 2070 tỷ vào 2010 và có thể lên tới 2,4 ngàn tỷ USD vào năm 2017(21).

Trong khi đó, cả Iraq và Afghanistan tíếp tục đối mặt với nguy cơ tan rã về chính trị do nội chiến ngày càng biến thành cuộc thanh lọc sắc tộc đẫm máu giữa các thế lực cát cứ, khiến cho chính trùm khủng bố vừa tròn 50 tuổi vào năm nay Osama Bin Laden cũng phải lên tiếng kêu gọi các nhóm vũ trang Hồi giáo ở đây đoàn kết lại!

Với sự trỗi dậy của hàng loạt tố chức Hồi giáo cực đoan như Hezbollah, Hamaz, Al-Qaeda, Taliban, phong trào ly khai người Kurd,… cùng bất ổn và bạo lực đang có xu hướng mở rộng ra toàn “vầng trăng lưỡi liềm” nối liền Trung Á với Tiểu Á (23), tràn sang cả các đồng minh của Mỹ là Israel, Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ. Sự bất đồng nghiêm trọng giữa các Đảng phái đang làm suy yếu các chính quyền trung ương(24), dấy lên tiên lượng xấu về tình hình toàn khu vực. Đặc biệt là cuộc khủng hoảng chính trị này càng gay gắt tại Pakistan có thể biến 1 quốc gia Hồi giáo duy nhất sở hữu vũ khí hạt 1 nhân này thành “quân đôminô” đổ tiếp theo,... đang xáo trộn nghiêm trọng các toan tính 1 chiến lược của Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ(25).

Sự sụt lún nền móng an ninh trên toàn Trung Đông và Tây Á cũng như các khu vực lân cận có thể buộc Mỹ phải tính tới khả năng quay trở lại đối thoại với Iran và Syria - một giải pháp hạng hai (second best) giống như với Trung Quốc trong đàm phán sáu bên, nhằm tái lập thế cân bằng, dù chỉ tạm thời, cho khu vực này. Có lẽ vì thế nên tháng 7/2007 Nhà Trắng đã thông báo kế hoạch cung cấp vũ khí ồ ạt cho các đồng minh Ả-rập và Israel trị giá 30 tỷ USD trong vòng 10 năm tới nhằm chuẩn bị cho các nước này chung sống hoà bình với các nước Hồi giáo cấp tiến, gián tiếp xác nhận sự phá sản của dự án dân chủ hoá “Đại Trung Đông”. Từ tháng 4, tàu chiến thuộc hạm đội 2, 6, 7 cũng được Mỹ điều động về trực chiến tại Vịnh Pécxích Biển Ả- rập, Vịnh Aden và Đông Địa Trung Hải đế tăng cường yểm trợ. Trên phạm vi toàn cầu, Mỹ cũng buộc phải bố trí lại lực lượng, cải tổ cơ cấu quân sự và ngoại giao để đương đầu với cán cân quyền lực mới. Cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Z. Brzezinski cho rằng, “sự sa lầy của Mỹ ở Iraq làm mất uy tín cũng như sự tôn trọng đối với sức mạnh của Mỹ”(27), còn học giả Immanuel Wallerstein có lý khi so sánh việc Mỹ sa lầy tại Trung Đông với tình trạng “Gulliver bị trói bởi những người Liliput tí hon”(28).



3. Gia tăng tính đa cực

Vấn đề là ở chỗ, thế giới không chỉ có một Gulliver và những Liliput. Tình trạng “trai cò cắp nhau, ngư ông đắc lợi” phản ánh chính xác hơn hậu quả địa chính trị của cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu. Giai đoạn 2002-2007 là khoảng thời gian mà Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và nhiều nước khác đã tranh thủ được các xung lực kích cầu khổng lồ phát ra từ cuộc chiến đó: Trung Quốc xuất khẩu hàng hoá, Ấn Độ cung cấp dịch vụ, Nga bán dầu khí, tài nguyên và vũ khí(29), thực hiện tăng trưởng kinh tế nhảy vọt với tốc độ trung bình kỷ lục tương ứng là 11%, 8,4% và 7%. Tới cuối năm 2007, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới với GDP trên 3000 tỷ USD, Nga vươn lên thứ 10 với 1230 tỷ USD và Ấn Độ thứ 12 với 1040 tỷ USD. Trung Quốc cũng trở thành đầu tầu thương mại lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ, còn Nga từ tháng 5/2007 đã giành lại vị trí số 1 về tổng sản lượng khai thác dầu lửa và khí đốt tính theo đơn vị tấn dầu lửa quy đổi TOE, nếu chỉ tính riêng dầu lửa Nga đứng thứ 2 thế giới với 15,2% thị phần (sau Saudi Arabia - 20,8%) và là nhà cung cấp vũ khí thứ 2 thế giới với 21,4% thị phần (sau Mỹ - 42%)(30) trữ ngoại hối của Trung Quốc đứng đầu thế giới vượt 1500 tỷ USD, còn của Nga đứng thứ ba với trên 450 tỷ USD.

Ngân sách quốc phòng của cả ba nước Trung Quốc, Nga và Ấn Độ còn tăng nhanh hơn: Trung Quốc - 17,8% đạt 45,6 tỷ USD vào năm 2007 theo thông báo chính thức (và từ 85 đến 125 tỷ USD theo đánh giá của Mỹ), Nga - 15,3%, đạt 32 tỷ USD và Ấn Độ - 28%, đạt 21 tỷ USD. Trung quốc đứng thứ 2 thế giới về chi tiêu quốc phòng (vượt Nhật đứng thứ 3 với 41 tỷ USD)(31), còn Nga đứng thứ 4.

Trên thực tế, mặt trái của việc mỹ suy giảm quyền lực tương đối là sự gia tăng của tính đa cực trong trật tự thế giới. Tại Hội nghị quốc tế Munich lần thứ 43 về Chính sách An ninh vào ngày 10/12/2007, Tổng thống Nga Putin đã tuyên bố: “không có lý do gì để nghi ngờ rằng tiềm lực kinh tế của các trung tâm tăng trưởng kinh tế toàn cầu mới sẽ không chuyển hoá thành ảnh hưởng chính trị và tăng cường đa cực”(32). Tại Đại hội XVII Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cũng khẳng định: “đa cực thế giới đã trở thành không thể đảo ngược”(33). Việc Trung Quốc thử thành công hệ thống ASAT bắn hạ vệ tinh vào tháng 1/2007, phóng vệ tinh lên chụp ảnh Mặt Trăng vào tháng 10/2007(34), Nga thử thành công “bom cha” - loại bom chân không có sức công phá mạnh nhất thế giới nhưng không vi phạm các hiệp ước hạn chế vũ khí, triển khai đợt 2 vào tháng 12/2007 các tên lửa đạn đạo Topol-M có thể xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ hiện có, Ấn Độ phát triển tên lửa đạn đạo siêu âm và máy bay chiến đấu thế hệ 5, là những dấu hiệu rõ ràng về những biến chuyển này.

Trung Quốc, Nga và Ấn Độ đều “Nam tiến” mạnh mẽ, tìm cách lấp đầy các khe hở địa chính trị xuất hiện từ sự chuyền dịch của cán cân quyền lực thế giới. Sự tập trung hiện thời của Nhật Bản vào các quan hệ với các đồng minh là Mỹ và Ôxtrâylia cũng như đe doạ hạt nhân từ Bắc Triều Tiên, song hành với sự thiếu nhiệt tình của Mỹ đối với các vấn đề tại Đông Nam Á tạo điều kiện cho Trung Quốc can dự sâu vào khu vực này chủ động qui hoạch nhiều dự án mang tính địa kinh tế trùm lên toàn bộ ASEAN như “một trục, hai cánh” kết nối các nền kinh tế này với cực tăng trưởng châu thổ sông Dương Tử và “bốn dọc, hai ngang” đan kết hệ thống đường bộ của ASEAN với các tỉnh Quảng Tây và Vân Nam, đồng thời mở thông ra Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương(35). Nga mặc dù phải rút quân khỏi Cruzia và Moldova, nhưng đang thúc đẩy hợp tác các quốc gia ven Biển Caspian, đặc biệt là với Iran, tích cực xúc tiến địa chính trị đường ống (pipe geopolitics) ràng buộc chặt chẽ khu vực này(36). Ấn Độ thành lập Bộ tư lệnh Hải quân Viễn Đông tại Cảng Blair trên quần đảo Andaman, xúc tiến chương trình hiện đại hoá hải quân trị giá 20 tỷ USD bao gồm việc phát triển hai hạm đội tại biển Ả-rập và Ấn Độ Dương, đẩy mạnh hội nhập Nam Á trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh 8 nước SARRC lần thứ 14 vào tháng 4/2007 tại New Dehli, tăng cường cơ chế liên kết IBSA giữa Ấn Độ - Braxin - Nam Phi với Hội nghị thượng đỉnh ba nước lần 2 vào tháng 10/2007.

Tuy nhiên, địa chính trị của ba cường quốc trên có sự thay đổi đáng kế so với thời kỳ Chiến tranh lạnh, trong đó Trung Quốc và Ấn Độ dường như đang đổi chỗ cho nhau. Xu hướng “liên hoành” giữa Trung Quốc và Nga sau 10 năm quan hệ đối tác chiến lược trở nên nổi trội. Hai nước ủng hộ nhau trong hàng loạt vấn đề quốc tế quan trọng, phối hợp khá ăn ý tại HĐBA LHQ. Cùng với an ninh và năng lượng, thương mại thực sự trở thành trụ cột thứ ba với buôn bán hai chiều tăng trung bình 28,6%/năm, đạt 40 tỷ USD vào năm 2007 và có thể lên tới 60-80 tỷ vào năm 2010. “Cơ chế hữu hiệu bảo vệ lợi ích chung”(37) - Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) cung cấp đối trọng kiềm chế sự mở rộng của NATO từ phía Tây và sự tăng cường can dự của Mỹ từ phía Nam(38) cho phép nhiều nước Trung Á hậu Xô Viết neo đậu trong cơn bão cách mạng mầu và chủ nghĩa khủng bố. Cuộc tập trận lớn chống lật đổ “Sứ mệnh hoà bình 2007” vào tháng 8/2007, “Câu lạc bộ năng lượng SCO” thành lập vào tháng 7/2007 và thoả thuận hợp tác đầu tiên giữa SCO và CST (Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể của Nga và các nước trong Cộng đồng các quốc gia độc lập ký kết vào tháng 10/2007 là những bước làm sâu sắc thêm quan hệ Trung - Nga. Về nguyên tắc, SCO để ngỏ khả năng gia nhập cho bất cứ quốc gia nào, thậm chí là cả Việt Nam.

Trong khi đó mặc dù vẫn duy trì khoảng cách với Mỹ, Ấn Độ cho thấy động thái với Mỹ và phương Tây, cái mà ngoại trưởng Mỹ Condolleeza Rice cho là “quan trọng trong việc kiến thiết một môi trường trong đó Trung Quốc sẽ đóng vai trò tích cực hơn là tiêu cực”(39). Mặc dù quan hệ đối tác chiến lược Nga - Ấn vẫn tiếp tục được duy trì với các cuộc viếng thăm chính thức lẫn nhau của tổng thống Putin vào tháng 1/2007 và Thủ tướng Singh vào tháng 11/2007, ký kết hợp đồng quân sự trị giá 10 tỷ USD vào tháng 10/2007, trên thực tế Ấn Độ đang chuyển dịch ra xa Nga, Trung Quốc và đối tác truyền thống là Iran(40) cho dù ngoại trưởng ba nước Trung - Nga - Ấn vẫn gặp nhau tới hai lần trong năm, tại New Dehli vào tháng 2/2007 và tại Cáp Nhĩ Tân vào tháng 10/2007 để cố gắng duy trì một quan hệ tay ba. Quan hệ Trung - Ấn có biểu hiện trững lại sau năm 2006 đầy hào hứng(41). Sau khi thiết lập với Mỹ quan hệ đối tác chiến lược (trong khi chỉ có quan hệ hợp tác chiến lược với Trung Quốc), Ấn Độ đã ký với Mỹ hiệp định khung về hợp tác quốc phòng vào tháng 7/2005, hiệp định hạt nhân dân sự “123” vào tháng 3/2006, hai lần bỏ phiếu chống Iran tại IAEA, tăng cường mua vũ khí của Mỹ, tham gia tới cuộc tập trận do Mỹ tổ chức trong năm 2007. Ấn Độ cũng trở thành ưu tiên hàng đầu trong chiến lược mới của EU với châu Á nhằm cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc. Hai bên chuẩn bị ký kết FTA vào năm 2008. Quan hệ Ấn - Nhật vốn lạnh lẽo nay được hâm nóng, chuyển thành quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu gần như tức thì. Phát biểu tại Quốc hội Ấn Độ ngày 22/8/2007, Thủ tướng Shinzo Abe cam kết tăng gấp đôi thương mại hai chiều lên 20 tỷ USD vào năm 2010 và kêu gọi “hợp lưu hai đại dương”, thiết tập “vòng cung tự do và thịnh vượng” (the me of freedom and prosperity) nối đến các nền dân chủ Mỹ, Nhật, Ôxtrâylia, Hàn Quốc, Ấn Độ. Cuộc tập trận hải quân “Malabar 07” (tháng 10/2007) lớn nhất từ trước đến nay và lần đầu tiên chuyển địa bàn từ biển Arập sang Vịnh Bengan với sự góp mặt của Mỹ, Nhật Ôxtrâylia, Xinhgapo và Ấn Độ tương phải rõ ràng với cuộc tập trận “Sứ mệnh hoà bình 2007” của SCO buộc người ta phải nghĩ tới một sự chia cắt đang hình thành ở châu Á(42). Mỹ, Nhật và Ôxtrâylia cũng tích cực vận động thành lập diễn đàn “Đối thoại dân chủ bốn bên” góp phần lôi kéo Ấn Độ khỏi các đối tác phương Đông. Động thái “dương Đông, kích Tây” của New Dehli hiện đang gây mâu thuẫn trong nội bộ liên minh cầm quyền tại Ấn Độ, có thể ảnh hưởng xấu tới địa vị chủ chốt của nước này trong Phong trào Không liên kết (NAM), nhưng lại có thể thúc đẩy quan hệ hiện còn ngập ngừng của nước này với các nước ASEAN(43) trong đó có Việt Nam. Dường như khi nói câu yêu thích “có đủ chỗ cho tất cả”, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh(44) hoàn toàn không ngụ ý “trời sinh voi, trời sinh cỏ”!

Nga và Mỹ kỷ niệm 200 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1807 - 2007) bằng một nền “hoà bình lạnh” với các hành động ăn miếng, trả miếng tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh. Tháng 1/2007 Mỹ bất ngờ ra đòn bằng kế hoạch xây dựng “lá chắn tên lửa” tại Ba Lan và Séc(45). Sau việc NATO áp sát biên giới Nga, đây là bước tiếp theo nhằm dồn ép Nga, đe doạ thay đổi hệ thống an ninh hiện hành tại châu Âu.

Tuy nhiên, kế hoạch này có vẻ giống một quân bài được đưa ra để mặc cả với Nga trong các thương lượng chiến lược, nhất là về vấn đề Iran(46) hơn là một ngón đòn thực sự có thể làm suy yếu sức mạnh răn đe của Nga.

Đến lượt mình, Nga phản đòn bằng cách khôi phục hoạt động tác chiến của lực lượng không quân chiến lược tầm xa từ 17/8/2007, gây căng thẳng cho phương Tây, đình chỉ tham gia Hiệp ước hạn chế các lực lượng vũ trang thông thường tại châu Âu (CFE) từ tháng 7/2007, đe doạ rút khỏi Hiệp ước hạn chế lực lượng tên lửa tầm trung (INF), xem xét việc bố trí tên lửa đánh chặn tầm ngắn tại Belarus, khơi mào cuộc đua giành chủ quyền tại các địa cực(47), hỗ trợ Iran trong căng thẳng hạt nhân với Mỹ(48). Đáp trả lời cảnh báo của ông Bush rằng việc Iran có vũ khí hạt nhân sẽ đe dọa gây ra một cuộc chiến tranh thế giới lần thứ III, ông Putin so sánh việc Mỹ bố trí NMD ở Đông Âu với khủng hoảng tên lửa Caribê năm 1962! Hai bên cũng bất đồng sâu sắc về quy chế của Kosovo: trong khi Nga phản đối trao quyền độc lập, coi đây là giới hạn đỏ không thể vượt qua”(49) thì Mỹ xem xét khả năng đơn phương công nhận độc lập.

Sự đảo chiều về chính trị cũng khiến EU va chạm nhiều hơn với Nga trong năm qua. Vấn đề NMD ở Đông Âu và Kosovo như những cái nêm chèn vào quan hệ Nga - EU vốn khá thân mật dưới thời những người đồng nhiệm trước đây của ông Putin. EU cũng gây khó khăn cho Nga trong việc gia nhập WTO, tìm cách ngăn cản các tập đoàn năng lượng quốc gia Nga như Gazprom, Rosneft thâm nhập thị trường phân phối khí đốt châu Âu, phản dối Nga về các vấn đề nhân quyền, dân chủ. Nga tiếp tục sử dụng đòn bẩy năng lượng, ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan, Đức và Ucraine trong 3 ngày tháng 1/2007, tạm đình chỉ không lưu đối với hãng hàng không Đức Lufthansa qua không phận của Nga tới châu Á,...

Mỹ và các đồng minh cũng gia tăng áp lực lên Trung Quốc thông qua việc ráo riết lôi kéo Ấn Độ, ký tuyên bố chung đầu tiên về hợp tác quốc phòng Nhật - Ôxtrâylia, thông qua hiệp định an ninh Lombok giữa Nhật và Indônêxia, thảo luận ba bên Mỹ - Nhật - Ôxtrâylia về khả năng mở rộng NMD ra Đông Bắc Á - điều có thể kích hoạt xu hướng độc lập của Đài Loan, Berlin, Washington và Ottawa thay nhau hội kiến thủ lĩnh tinh thần Tây Tạng đang lưu vong Dalai La ma XIV(51) ngầm cho thấy có thể sử dụng vấn đề ly khai của Tây Tạng như một con bài chính trị nếu cần. Mỹ và EU cũng xây sức ép mạnh mẽ với Trung Quốc về vấn đề minh bạch hoá ngân sách quốc phòng, tỷ giá đồng nhân dân tệ, bản quyền và sở hữu trí tuệ, mở chiến dịch phản đối hàng hoá xuất khẩu “made in China”, tiếp tục cấm vận nước này về quốc phòng và công nghệ lưỡng dụng. Đã có tiếng nói kêu gọi tẩy chay Olimpic Bắc Kinh 2008 nếu Trung Quốc không chấp nhận trừng phạt Iran, Sudan và Myanmar.

Nếu tại Châu Á có một sự chia cắt đang hình thành, thì ở Châu Âu hệ thống các hiệp ước kiểm soát quân sự đóng vai trò trụ cột cho an ninh khu vực được thiết lập trong thời kỳ Chiến tranh lạnh đang tan rã. Điều nguy hiểm là ở chỗ, nguy cơ chia cắt châu Á và rạn nứt châu Âu có mối quan hệ thúc đẩy lẫn nhau. Bắt đầu từ việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước ABM vào cuối 2001 và cả Mỹ và Nga cùng rút khỏi Hiệp ước START 2 vào năm 2002, đến nay NATO đã phá bỏ các cam kết trước đây và mở rộng áp sát biên giới Nga, Mỹ xúc tiến kế hoạch triển khai NMD ở Đông Âu, Nga ngừng thực hiện Hiệp ước hạn chế các lực lượng vũ trang thông thường (CFE), đe doạ rút khỏi Hiệp ước hạn chế lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), đàm phán gia hạn hiệu lực Hiệp ước hạn chế vũ khí tiến công chiến lược (START 1) sẽ hết hạn vào tháng 12/2009 bị bỏ lửng(52). Quá trình phá vỡ các khuôn khổ an ninh này sẽ còn trong thời gian tới. Tuy nhiên, sự tuỳ thuộc lẫn nhau khá lớn về năng lượng(53) đóng vai trò cái neo kinh tế giữ cho Brussels và Moscow khó lòng có thể rời nhau quá xa như trong quan hệ Nga - Mỹ(54). Những để hiện thực hoá sự tuỳ thuộc này, cần có khuôn khổ hiệp ước EU - Nga phù hợp với tương quan lực lượng mới giữa Brussels và Moscow thay thế cho hiệp ước năm 1991.

4. Các định chế toàn cầu trục trặc

Chuyển địch cán cân quyền lực thế giới đang gia tăng sức ép lên các định chế quản trị toàn cầu chủ chốt, khiến cho các định chế này lâm vào tình trạng căng thẳng nội bộ và suy yếu hoạt động, làm giảm “chức năng hấp thu các chấn động từ ngoại vi, phân phối lại trách nhiệm và quyền lực của thế giới”(55).

Liên hợp quốc (LHQ) đang chịu áp lực đòi cải tổ ngày càng tăng từ nhiều phía, nhất là từ phía Mỹ. Vai trò của LHQ bị sứt mẻ nghiêm trọng do hành động đơn phương phát động cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ. Tổ chức này hầu như bị loại khỏi hầu hết các tiến trình then chốt tại Afbơhanistan, bán đảo Triều Tiên, Kosovo, Trung Đông. Hàng trăm nghị quyết thông qua một cách khó khăn nhưng không được tôn trọng. Uy tín của LHQ sa sút nghiêm trọng từ chương trình đổi dầu lấy lương thực tại Iraq 1995-2003, hành vi thiếu đạo đức của các quan chức cao cấp, cáo buộc lạm dụng tình dục của các lực lượng gìn giữ hoà bình. Quyền ra quyết định không còn tương thích với phân bổ quyền lực thực tế giữa các quốc gia là vấn đề cơ bản của LHQ hiện nay.

WTO chưa thoát ra khỏi tình trạng bế tắc tại vòng đàm phán Doha. Việc tiếp nhận Trung Quốc vào năm 2001 đã khiến tổ chức này lâm vào tình trạng quá tải do không đủ sức giám sát, phân xử các vụ kiện nổ ra liên miên. Chủ nghĩa bảo hộ có dấu hiệu gia tăng tại các nước phát triển: Sau vụ chính phủ Mỹ ngăn cản công ty dầu khí Trung Quốc CNOOC mua hãng Unocal vào năm ngoái, tháng 10/2007 Quốc hội Mỹ lại thông qua Luật Đầu tư nước ngoài và An ninh quốc gia nhằm tăng cường vai trò giám sát an ninh kinh tế của Uỷ ban đầu tư nước ngoài (CFIUS) và Cục tình báo trung ương (CIA) đối với dòng FDI vào Mỹ, hạn chế các công ty nước ngoài mua các hạng mục được cho là quan trọng quốc gia. EU cùng xem xét việc cấm các công ty nước ngoài thâm nhập vào thị trường năng lượng, hàng không, vũ trụ, vũ khí, nguyên tử của châu Âu.

Hoạt động của WB ngày càng bị chỉ trích vì mất hiệu quả bởi sự quan liêu hoá, thiếu tính minh bạch và phân bổ phiếu bầu cũng như số ghế trong Ban Giám đốc không còn phù hợp với thực tế. Uy tín của WB sa sút từ phát hiện để thất thoát tiền do tham nhũng 100 tỷ USD trong vòng một thập kỷ qua tại các nước đang phát triển và vụ bê bối vi phạm đạo đức nghề nghiệp “Wolfogate” khiến Chủ tịch Paul Wolfowitz phải từ chức vào tháng 5/2007.

IMF đang đứng trước thách thức cải tổ cơ cấu đại diện theo hướng trao nhiều phiếu bầu và hạn ngạch hơn cho các nước đang phát triển(56) để phù hợp với vị thế đang lên của khối nước này, đồng thời vẫn phải bảo đảm sự kiểm soát của các nước G7, nhất là Mỹ. Tổ chức này đang bị chỉ trích nặng nề vì thất bại trong việc xử lý mất cân đối thanh toán toàn cầu, sự tích luỹ dự trữ ngoại hối quá lớn của châu Á, thua lỗ 110 triệu USD trong năm tài chính 2007, việc trả nợ trước hạn của một loạt quốc gia như Brazil, Argentina Thổ Nhĩ Kỳ, Phillippine, làm giảm tài khoản cho vay của Quỹ, và cùng với nó là khả năng giám sát, tác động của Quỹ đối với rủi ro tiền tệ thế giới đang ngày càng gia tăng. Tiếp sau việc ra đi của Chủ tịch WB, Tổng giám đốc IMI Rodrigo Rato cũng từ chức vì “lý do cá nhân” vào tháng 7/2007, sớm hai năm so với thời hạn.



5. Địa chính trị của kinh thế giới

Chuyển dịch cán cân quyền lực thế giới sau “cú huých” của cuộc chiến chống khủng bố và phổ biến dân chủ do Mỹ phát động từ cuối 2001 cũng đang đẩy nền kinh tế thế giới tiến gần tới nguy cơ khủng hoảng mới, đúng 10 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á và thế giới năm 1997. Đảo lộn và căng thẳng chính trị tại nhiều khu vực ngoại vi giàu tài nguyên kích thích các đợt sóng tăng giá nguyên liệu và nhiên liệu. Điều này cho phép các nước xuất khẩu năng lượng lớn phất lên nhanh chóng: Nga phục hồi về kinh tế và quân sự, OPEC mở rộng kết nạp thêm Angola vào tháng 7/2007 và đang xem xét đơn xin tái nhập của Ecuađor, Venezuela tăng cường ảnh hưởng tại Mỹ Latinh. Đồng thời nó cũng phát ra các xung lực kích cầu lớn tại Mỹ, biến nền kinh tế này trở thành vùng “áp thấp”(57) hút mạnh các dòng vốn đổ dồn về nhằm tìm kiếm sự an toàn và tài trợ cho nhu cầu chi tiêu tăng vọt(58), tạo cơ hội có một không hai cho các nước như Trung Quốc, Ấn Độ,... gia tăng xuất khẩu và tăng trưởng nhảy vọt, điều đó lại kích động các đợt sóng tăng giá dầu mới. Mặt trái của quá trình thu hút tài chính này là sự phình ra của “bong bóng” tài chính tại Mỹ, và lần này không phải là các “Dot.Com” như cuối thập niên 1990, mà là trong lĩnh vực địa ốc và cho vay thứ cấp. Bong bóng này bắt đầu chao đảo tứ cuối 2006, đẩy các thị trường tài chính chủ chốt trên thế giới vào giai đoạn nghiêng ngả bất thường ngày càng khó kiểm soát từ tháng 8/2007.

Trong khi Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản đang cố sức ngăn chặn áp thấp tài chính có nguy cơ tiến triển thành cơn bão suy thoái bằng cách liên tục hạ lãi suất và bơm tiền vào hệ thống ngân hàng, khiến đồng đô la sụt giá mạnh(59) và cùng với nó là ảnh hưởng toàn cầu của nền kinh tế Mỹ, thì các nước phụ thuộc vào nguồn cung dầu lửa bên ngoài như Trung Quốc(60) phải hứng chịu một đòn nặng buộc phải “nhập khẩu lạm phát” kích mức giá tiêu dùng nội địa tăng cao nhất trong vòng hơn mười năm qua, đồng thời mức độ rủi ro tài chính tăng vọt. Giá nhiên liệu tăng cao làm lung lay định hướng đối ngoại của nhiều nước nhỏ nhập khẩu năng lượng do các nước này phải đối mặt gay gắt với ba lựa chọn đều mang tính địa chính trị: Chấp nhận sử dụng dịch vụ an ninh năng lượng toàn cầu của Mỹ, liên kết với các nước xuất khẩu dầu khí hay phát triển năng lượng hạt nhân.

Nguy cơ về những biến động địa chính trị bất thường do giá năng lượng tăng cao là nguyên nhân quan trọng khiến cho vấn đề biến đổi khí hậu, vốn bị gạt ra rìa các chương trình nghị sự toàn cầu trong suốt mười năm qua kể từ khi Nghị định thư Kyoto được ký kết ngày 11/12/1997, đột nhiên trở thành chủ đề trung tâm tại hầu khắp các diễn đàn quốc tế lớn trong năm như Khoá họp 62 Đại hội đồng LHQ, Hội nghị G8, Hội nghị Thượng đỉnh EU, Hội nghị APEC 15, Hội nghị EAS lần thứ 2, Hội nghị quốc tế Ban về biến đổi khí hậu…

Mỹ, nước xả nhiều khí thải nhất hành tinh và cũng là nước phát triển duy nhất không chịu phê chuẩn Nghị định thư Kyoto, bỗng trở nên sốt sắng trong vấn đề này. “Ngoại giao hạt nhân” cũng được các nước lớn ráo riết tiến hành giữa Mỹ - Ấn Độ, Nga - Iran, Trung Quốc - Pakistan, Nga - Myanmar, Pháp - Bắc Phi… nhằm đón đầu xu hướng bùng nổ chương trình năng lượng hạt nhân tại các nước đang phát triển.

Không phải ngẫu nhiên mà đúng vào Năm Địa cực Thế giới đầu tiên này(61), các vùng băng giá tại hai đầu Trái đất đột nhiên nóng lên bởi cuộc đua khẳng định chủ quyền của hàng loạt các quốc gia. Có tới 5 quốc gia đang tìm cách giành quyền kiểm soát ở Bắc cực và không dưới 20 quốc gia tỏ ý định muốn sở hữu những phần lãnh thổ rộng lớn ở Nam cực. Thậm chí cả siêu cường tuyệt đối về hải quân là Mỹ cũng vội vã xem xét việc tham gia Công ước 1982 của LHQ về Luật Biển để có cơ sở pháp lý tham gia vào cuộc cạnh tranh này(63).

Có thể nói, năm 2007 phản ánh những căng thẳng và rạn nứt bên trong trật tự thế giới hiện hành đang tiến tới những nút thắt quan trọng. Vào những năm 1971 - 1973 thế giới đã chịu những biến động to lớn: thông cáo chung Thượng Hải, Mỹ rút khỏi Việt Nam, “cú choáng Nixon” về đồng đô la, hệ thống tiền tệ Bretton-wood sụp đổ, khủng hoảng dầu lửa... Cần phải làm gì để giải cứu thế giới khỏi cục diện căng thẳng hiện nay? Viện quốc tế nghiên cứu chiến lược (IISS) đánh giá, “ở thời điểm này, những thay đổi trong cán cân quyền lực toàn cầu không báo trước những hành động hiệu quả và có tính quyết định trong cách thức đối phó với những khủng hoảng đó”(64). Cần thấy rằng, mặc dù bất ổn hiện lan trên diện rộng nhưng có cường độ thấp hơn so với những năm đầu thập kỷ 1970, và mức độ lạm phát khá thấp tại các nước phát triển, điều này cho thấy vẫn có triển vọng thế giới ra khỏi tình trạng căng thẳng hiện nay. Thời gian một đến ba năm tới có thể là giai đoạn quyết định chuyển đổi cục diện thế giới. Nhiều khả năng sẽ có sự tái cấu trúc địa chính trị nước lớn và khu vực để đảm bảo cho Mỹ rút khỏi các xung đột Iraq, Afganistan, Iran trong danh dự (65).

Chú thích:

1. Công Đảng hiện cầm quyền tại Anh từng là một đảng cánh tả, nhưng từ giữa thập niên 1980 đã chuyển sang đường lối trung gian (centnsm), thậm chí còn thiên về quan điểm dân chủ tự do của cánh hữu.

2. German Marshall Fund & Compagnia di San Paolo. Annual Report “Transatlantic Trends 2007”.

3. Hiệp ước Roma thành lập Cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC), tiền thân của EU được ký kết ngày 25/3/1957.

4. Mari Kamdar (2007): An American in Paris? A Guided Tour of Sarkolandl, World Policy Journal, Vol. 24, No 2, Summer 2007, pp. 25-33.

5. Pháp quay trở lại Bộ chỉ huy NATO.

6. Bất đồng giữa Chính phủ do Đảng LĐP nắm quyền và Thượng viện do Đảng đối lập DPJ kiểm soát vẫn tiếp tục sau việc từ chức của Thủ tướng Shinzo Abe, buộc chính phủ mới của Thủ tướng Yasuo Fucuđa phải tạm đình chỉ sứ mệnh tiếp đầu trên Ấn Độ Dương cho các hoạt động quân sự của NATO tại Afganistan từ ngày 01/11/2007.

7. Mỹ thúc đẩy một cách có hệ thống việc Nhật Bản trở thành quốc gia bình thường với hàm ý là một nước lớn về quân sự, khuyến khích Nhật thay đổi Điều 9 Hiến pháp, lôi kéo nước này vào các hoạt động quân sự của NATO, ủng hộ Nhật trong việc tìm kiếm vị trí thành viên thường trực HĐBA LHQ.

8. Masako Ikegami (2007): NATO and Japan: Strengthening Asian Stability/ NATO Revieu, Summer http://www.nato.int/docu/review/2007.

9. Như Hội nghị thượng đỉnh thường niên của nhóm G8 vào tháng 6, hội nghị thượng đỉnh hàng năm Mỹ - EU vào tháng 4, hội nghị thượng đỉnh một năm hai lần EU - Nga vào tháng 5 và 10, các hội nhóm thượng đỉnh EU - Trung Quốc và EU - Ấn Độ vào tháng 11, đối thoại chiến lược cấp bộ trưởng Trung - Nhật vào tháng 1 , Nhật - Ấn vào tháng 3 , Trung - Mỹ vào tháng 5, Nhật - Nga vào tháng 6 và tháng 12, Mỹ - Nhật, Nga - Mỹ vào tháng 10, Nga - NATO vào tháng 10, 11 và hàng loạt các cuộc gặp gỡ, thăm viếng cao cấp khác.

10. Bộ Ngoại giao Trung Quốc (2007): Sách trắng Ngoại giao Trung Quốc 2007. Bắc Kinh, 22/9

11. On the brink of wan, brinkmanship - chiến lược cố ý đặt toàn bộ cuộc chơi trước nguy cơ mất kiểm soát nguy hiểm buộc đối phương phải nhượng bộ.

12. John Mearsheimer, Stephan M. Walt (2007): Iran: vers une nouvelle guerre inutie// Le Figaro, Nov. 9, http://www.lefigaro.fr/debats/2007/11/09.

13. Trong bài phát biểu ngày 29/1/2002, Tổng thống Mỹ G. Bush dùng cụm từ “trục ma quỷ” (axis of evil) để chỉ các quốc gia thù địch mà Mỹ cần loại trừ là Bắc Triều Tiên, Iraq và Iran. Sau đó Cu ba, Syria, Libia cũng lần lượt được Mỹ liệt vào trục này.

14. Cách mạng xe ủi năm 2000 ở Nam Tư, cách mạng hoa hồng năm 2003 ở Gruzia, cách mạng cam năm 2004 ở Ucraina, cách mạng hoa tuy-lip năm 2005 ở Kirgystan, cách mạng tuyết tùng năm 2005 ở Lebanon.

15. US Military Spending// www.infoplease.com/ipa/A0904490.html.

16. Tổng hợp từ Intelligence Resource Programmel/ www.fas.org/irp/budget/index/html và Global Security// www.gobalsecurity.org/intell/braryl/budget/index.html

17. Stockholm International Peace Research Institute (SIPRI, Sweden). Yearbook 2007

18. Globail Policy Forum/ www.glogalpolicy.org

19. Nhóm nghiên cứu cao cấp vấn đề Iraq của Quốc hội Mỹ thành lập vào tháng 3/2006 do James Baker và Lee Hamilton phụ trách.

20. Để so sánh, chiến tranh thế giới thứ II tiêu tốn 3900 tỷ USD, chiến tranh Triều Tiên - 470 tỷ UĐ, chiến tranh Việt Nam 673 tỷ USD, chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất 88 tỷ USD (CRS Report, Co de RL 33110).

21. US Congressional Buldget Office.

22. Ngày 26/9/2007 Thượng viện Mỹ thông qua dự luật không mang tính bắt buộc kêu gọi hạn chế quyền lực của chính quyền trung ương tại Iraq và trao quyền nhiều hơn cho các khu vực được phân chia trên cơ sở sắc tộc mở đường cho khả năng chia cắt Iraq thành nhiều quốc gia nhỏ theo mô hình Nam Tư cũ.

23. Theo nhà địa chính trị mỹ Nicolas Spykman, khu vực giáp ranh giữa châu Âu và châu Phi là một trong những “vầng trăng lưỡi liềm” của địa chính trị thế giới.

24. Căng thẳng gia tăng trên chính trường các nước này do bất đồng trong đối sách với các lực lượng Hồi giáo cực đoan như Hezbollah và Hamaz đối với Israel, PKK đối với Thổ Nhĩ Kỳ, Taliban và phong trào Hồi giáo cực đoan đối với Pakistan.

25. Trung Quốc và Pakistan bắt đầu thảo luận về một hiệp định hạt nhân song phương.

Mỹ xem xét khả năng đưa quân vào miền Bắc Pakistan để trấn áp Talibal. Pakistan và Taliban vừa đạt được trong tháng 11/2007 thoả thuận xây dựng đường ống khí đất nối 2 nước, điều mà Mỹ kịch liệt phản đối.

26. Ý tưởng của Tổng thống Bush trong bài phát biểu tháng 2/2002 về kế hoạch dân chủ hoá toàn bộ khu vực Trung Đông từ Pakistan đến Marocco, bao gồm cả các nước Trung Á.

27. Z.Brzezinski (2007): How to Avoid a New Cold War, Time, June 7.

28. Walierstein (2006): the Cteopol1itical Changes of the World System in period 1945-2025, Economic Problems, No 4, pp. 67-83.

29. WTRC Economics// www.wtrg.com.

30. Ctlobal Issues// www.gliobalissue.org/Gteopolitics/Arams/Trade.

31 . SIPRI và Báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ “Sức mạnh quốc phòng của Cộng hoà nhân dân Trung Hoa 2007”.

32. Putin V (2007): Speech it the 43rd Munich Conference on Security Po1icy. Munich, 10 February 2007.

33. Hồ Cẩm Đào (2007): Báo cáo chính trị tại Đại hội 17 ĐCS Trung Quốc, 25/10/2007.

34. Trong năm 2007, Anh, Đức, Mỹ, Pháp liên tiếp cáo buộc Trung Quốc thử nghiệm các cuộc tấn công tin học vào các cơ quan chính phủ các nước này. Tháng 812007, không quân Mỹ đã thành lập Bộ chỉ huy mạng để đối phó với hình thái đe doạ an ninh mới này.

35. Cổ Tiểu Tùng (2007): Xây dựng “một trục, hai cánh” - Cục diện mới trong hợp tác khu vực Trung Quốc - ASEAN, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, số 1 (71), tr. 57-70. Bộ giao thông Trung Quốc (2007). Ý tưởng qui hoạch hợp tác giao thông Trung Quốc – ASEAN. Hội thảo 10/9.

36. Tuyến đường ống khí đốt CAC-4 Turmenistan-Kazakhstan-Nga, xem xét khả năng thành lập một “OPEC khí đốt” với sự tham gia của Iran, nghiên cứu tuyến ống mới “ven Caspian”.

37. Phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại Hội nghị Bishkek, 15-16/8/2007.

38. Suryarayana P.S. What is a ARF’s prolem// The Hindu, 5/9/2007.

39. Phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ C.Rice tại Đại học Sophia Toyo, ngày 19/3/2005.

40. Ấn Độ bắt đầu xem xét lại toàn bộ cấu trúc đối ngoại của mình từ thời Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) thiên hữu của Thủ tướng Vajpayee lên cầm quyền từ năm 2003.

41. Do lo ngại về Hiệp định hạt nhân Mỹ- Ấn, Trung Quốc và Pakistan đã khởi động thảo luận về một hiệp định hạt nhân song phương. Trung Quốc cũng tỏ rõ sự thân thiện với các quốc gia láng giềng khác của Ấn Độ là Bangladesh, Nepan và Sri Lanca. Tháng 5/2007 Trung Quốc từ chối cấp thị thực cho một quan chức bang Arunachal Pradesh hiện vẫn tranh chấp với Ấn Độ. Tháng 6/2007 Ấn Độ mới ứng cử viên Tổng thống Đài Loan của phe đối lập Mã Anh Cửu sang thăm và làm việc với các quan chức cao cấp nước này. Đàm phán phân định biên giới giữa hai nước vào tháng 9/2007 không có kết quả (Mohan Malik (2007 India-China Compettion Revealed in Ongoing Border Disputes, PINR, Oct. 9, 2007).

42. Newsweek, Sept. 10, 2007.

43. Đàm phán FTA giữa Ấn Độ và ASEAN bế tắc, FTA giữa Ấn Độ - Thái Lan trục trặc...

44. Trả lời phỏng vấn báo chí của Thủ tướng Ấn Độ sau cuộc hội đàm cấp cao Ấn-Trung ngày 21/11/2006 và nhắc lại trong bài phát biểu tại diễn đàn chiến lược bốn bên Ấn-Mỹ- Nhật-Úc ngày 27/6/2007 tại New Delhi.

45. Bao gồm 2 trạm rada tại Czech và 10 hệ thống tên lửa đánh chặn tại Ba Lan, trị giá 3,5 tỷ USD, sẽ đưa vào trực chiến từ 2013.

46. Kế hoạch của Mỹ dựa trên giả định rằng Iran sẽ tiếp tục đe doạ Mỹ bằng tên lửa trong tương lai. Điều này gián tiếp cho thấy khả năng Mỹ tấn công Iran là khó xảy ra.

47. Nga thực hiện khảo sát thềm lục địa và cắm quốc kỳ dưới đáy Bắc Băng Dương tháng 8/2007, chuẩn bị hồ sơ nhằm khẳng định chủ quyền. Anh cho biết sẽ trình lên LHQ đề nghị công nhận chủ quyền đối với một phần Nam Cực.

48. Tháng 10/2007 tổng thống Nga Putin đã có chuyến thăm chính thức Iran trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh lần thứ II của 5 nước ven Biển Caspean.

49. Phát biểu của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tại Học viện MGIMO ngày 3/9/2007.

50. Cơ chế đối thoại chiến lược ba bên Mỹ - Nhật - Australia vừa được thiết lập từ tháng7/2007.

51. Thủ tướng Đức Merkel, Tổng thống Mỹ Bush và Thủ tướng Canada lần lượt tiếp kiến Dalai Lama 14 trong tháng 9 và 10/2007 tại nhiệm sở. Quốc hội Mỹ thậm chí còn trao tặng cho ông này huân chương Vàng cao quý nhất của Mỹ. Trung Quốc lo ngại những động thái đó có thể mở màn cho một chiến dịch nhằm gây tác động đến việc lựa chọn người kế nhiệm vị Dalai Lama hiện đã 72 tuổi này, gây bất ổn ở Tây Tạng.

52. Ngày 31/7/2007. Tư lệnh bộ chỉ huy chiến lược Mỹ James Cartwright lần đầu tiên thông báo ý định của phía Mỹ rút khỏi START 1 sau khi Hiệp ước này hết hạn.

53. EU nhập của Nga 44% nhu cầu khí đốt và là thị trường tiêu thụ 67% lượng khí đốt xuất khẩu của Nga. Nga đang thúc đẩy dự án đường ống xuyên Baltic sang châu Âu không đi qua Ucraina và Belarus - dự án có thể khiến sự phụ thuộc về khí đốt của Châu Âu vào nguồn cung từ Nga tăng lên 70%.

54. Cuối tháng 10 hai bên đã đạt được nhượng bộ cùng mở cửa thị trường năng lượng của nhau (Russia and Relations with the West// Washington Quarterly, Spring 2007).

55. Zb. Brzeziski (1997): The Grand Chessboard: American Primacy and Its Gestrategic Imperatives. New York: Basic Books.

56. Ví dụ, tăng từ 2,98% lên 3,72% đối với Trung Quốc.

57. Fed liên tục cắt giảm lãi suất từ trên 70% vào năm 2000 xuống còn 1,25% vào giữa năm 2004.

58. Trong 10 năm 1997-2007, nhập khẩu hàng hoá của Mỹ tăng 3 lần, dịch vụ - 2,2 lần, thâm hụt thương mại tăng 8 lần, đạt mức 6% cấp chưa từng có trong lịch sử của Mỹ (US Census Bureau (2007): Foreign Trade Division).

59. Trong năm 2007 đồng đô la đã mất giá 13% so với đồng euro và hơn 30% so với vàng.

60. Cơ cấu tiêu thụ năng lượng Trung Quốc: 70% - than, 25% - dầu lửa, 3% - khí đốt, 2% - hạt nhân và các dạng khác (Kotlov, 2007 và www.iea.org/china). Năm 2007 Trung Quốc tiêu thụ 7,9% sản lượng dầu mỏ thế giới, đứng thứ 2 sau Mỹ, trong đó nhập khẩu là 133 triệu tấn, tương đương 45% nhu cầu, chiếm 5,3% lượng đầu xuất khẩu thế giới, đứng thứ 6 thế giới.

61. Tháng 5/2007, Myanmar ký với tập đoàn năng lượng hạt nhân quốc gia Nga Rosatom hiệp định hợp tác hạt nhân.

62. Năm 2007-2008 được Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) chọn là Năm Địa cực Thế giới.

63. Ngày 15/5/2007 tổng thống Bush đích thân hối thúc Hạ viện xem xét việc Mỹ tham gia Công ước LHQ về Luật Biển 1982 để làm cơ sở pháp lý cho việc đua tranh chủ quyền tại các địa cực.

64. The International Institute for Strategic Stuđies - IISS (2007): The IISS Annual Revieu of World Afìeairs “Strategic Survey 2007”. London.

65. Lee Khan Yew (2007): The United States, Iraq, and the War on Terror, Journal Foreign Affais, Jan/Feb.

TS. ĐẶNG XUÂN THANH1



Nguồn: Những vấn đề Kinh tế và Chính trị Thế giới. Số 1(141) 2008

1 Viện Kinh Tế và Chính trị Thế giới







Каталог: uploaded -> 2011
2011 -> Nghị quyết số 49-nq/tw ngàY 02 tháng 6 NĂM 2005 CỦa bộ chính trị VỀ chiến lưỢc cải cách tư pháP ĐẾn năM 2020
2011 -> BỘ giáo dục và ĐÀo tạo viện nghiên cứu phát triểN giáo dụC
2011 -> TÌnh hình và xu thế phát triển giáo dụC ĐẠi họC Ở MỘt số NƯỚc thuộc khu vực châU Á thái bình dưƠNG
2011 -> LUẬt pháp về biển và VÙNG biểN
2011 -> VĂn phòng quốc hộI
2011 -> Nghị quyết số 9-nq/tw ngàY 02 tháng năM 2005
2011 -> MỘt số quy đỊnh của bộ luật tố TỤng hình sự VỀ hoạT ĐỘng đIỀu tra và truy tố ĐỐi với ngưỜi chưa thành niên phạm tộI
2011 -> Nguyên tắc lập luận hợp lý VÀ nguyên tắc VI phạm mặc nhiên trong pháp luật cạnh tranh giới thiệu chung

tải về 342.51 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương