TỈnh ủy quảng nam đẢng cộng sản việt nam



tải về 58.73 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu10.08.2016
Kích58.73 Kb.
#15324



TỈNH ỦY QUẢNG NAM ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

*

Số 378-BC/TU Tam Kỳ, ngày 17 tháng 8 năm 2015


BÁO CÁO


Sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 27/7/2010 của

Ban Bí thư về “Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại

gây hủy hoại đạo đức xã hội” và Thông báo Kết luận số 213-TB/TW

ngày 02/01/2009 của Ban Bí thư về “Đấu tranh chống quan điểm sai trái

trong văn học, nghệ thuật” 

Ngày 02/01/2009, Ban Bí thư ban hành Thông báo Kết luận số 213-TB/TW về “Đấu tranh chống quan điểm sai trái trong văn học, nghệ thuật”; ngày 27/7/2010, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 46-CT/TW về “chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội”. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam báo cáo kết quả sau 05 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 46-CT/TW gắn với việc thực hiện Thông báo Kết luận số 213-TB/TW của Ban Bí thư trên địa bàn tỉnh như sau:



Phần thứ nhất

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHỈ THỊ 46-CT/TW VÀ THÔNG BÁO KẾT LUẬN 213-TB/TW CỦA BAN BÍ THƯ

I- Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị 46-CT/TW và Thông báo Kết luận 213-TB/TW

Ngay sau khi Ban Bí thư ban hành Thông báo Kết luận 213-TB/TW và Chỉ thị 46-CT/TW, Tỉnh ủy Quảng Nam đã tổ chức hội nghị quán triệt Chỉ thị và Thông báo Kết luận đến cán bộ chủ chốt các sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể, địa phương, lực lượng báo cáo viên của tỉnh và chỉ đạo các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, các ngành chức năng tổ chức triển khai nội dung Chỉ thị và Thông báo Kết luận trên đến cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về quan điểm chỉ đạo của Đảng trong việc đấu tranh chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội và chống các quan điểm sai trái trong văn học nghệ thuật.

Nhìn chung, việc quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị 46-CT/TW gắn với việc thực hiện Thông báo Kết luận 213-TB/TW trên địa bàn tỉnh khá nghiêm túc, tạo được chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, ban ngành và nhân dân. Đặc biệt, những người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, cán bộ phụ trách các cơ quan văn hóa, văn học, nghệ thuật đã nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác đấu tranh chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội và các quan điểm sai trái, âm mưu “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa nói chung và trong văn học, nghệ thuật nói riêng.

II- Kết quả thực hiện Chỉ thị 46-CT/TW và Thông báo Kết luận 213-TB/TW.

1- Kết quả thực hiện Chỉ thị 46-CT/TW của Ban Bí thư

Thực hiện Chỉ thị 46-CT/TW của Ban Bí thư, Tỉnh ủy Quảng Nam đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương, nhất là các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh hoạt động “chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại, gây hủy hoại đạo đức xã hội”. Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân được nâng cao hơn trước; các giá trị văn hóa truyền thống được các địa phương và các ngành chuyên môn chú trọng, bảo tồn và phát huy, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

Quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành tiếp nhận hồ sơ, cấp giấy phép, phê duyệt nội dung bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu do các tổ chức thuộc địa phương sản xuất hoặc nhập khẩu; dán tem đối với các băng đĩa nhạc; thẩm định chặt chẽ các chương trình biểu diễn nghệ thuật có yếu tố nước ngoài trên địa bàn tỉnh, thực hiện nghiêm túc Nghị định số 79/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về Biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu”.

Trong 05 năm qua, các cơ quan chức năng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 604 cơ sở kinh doanh văn hóa phẩm và kinh doanh băng đĩa, hoạt động karaoke, hoạt động quảng cáo, biểu diễn nghệ thuật. Qua đó, đã xử phạt hành chính đối với 124 trường hợp vi phạm với số tiền trên 500 triệu đồng; đồng thời, tăng cường giáo dục pháp luật giúp người dân nhận thức được định hướng đúng về đường lối văn hóa của Đảng và Nhà nước. Lực lượng Công an ở các địa phương đã phối hợp với Đội liên ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra hành chính hàng trăm đợt, truy quét, kịp thời phát hiện và ngăn chặn việc lưu hành, phát tán những ấn phẩm văn hóa độc hại như các loại băng đĩa, sách, báo lậu… Đồng thời, tổ chức các đợt kiểm tra định kỳ và đột xuất đối với các cơ sở kinh doanh internet, dịch vụ photocopy, karaoke...

Công tác quản lý xuất nhập khẩu các tài liệu, ấn phẩm văn hóa (như sách, báo, tạp chí, băng đĩa…), xuất nhập cảnh được các cơ quan chức năng như Công an, Hải quan, Biên phòng kiểm soát chặt chẽ, nhất là khâu thẩm định và cấp phép, dán tem, đảm bảo việc xuất bản, lưu hành đúng nội dung quy định của pháp luật; đồng thời, thu giữ và ngăn chặn kịp thời việc phát tán các ấn phẩm, tài liệu trái với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các loại văn hóa phẩm độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội.

Cùng với việc triển khai thực hiện Chỉ thị 46-CT/TW của Ban Bí thư, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “xây dựng cơ quan văn hóa” đã được các địa phương, cơ quan, ban ngành trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh thực hiện và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tính đến cuối năm 2014, toàn tỉnh có 92% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 56,5% thôn, bản văn hóa và 91,8% cơ quan, đơn vị văn hóa.

Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã có sự tác động tích cực, làm chuyển biến rõ nét về nhận thức và hành động trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Qua việc triển khai thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW, trên địa bàn tỉnh ngày càng xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình trong việc học tập, tu dưỡng, rèn luyện và làm theo tấm gương đạo đức của Bác với những hành động, việc làm cụ thể, ý nghĩa thiết thực; góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị to lớn về đạo đức trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.



2- Kết quả thực hiện Kết luận 213-TB/TW của Ban Bí thư

Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể, các tổ chức trong hệ thống chính trị đã nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc quán triệt nội dung Thông báo Kết luận 213-TB/TW của Ban Bí thư nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” và Chương trình hành động 20-CTr/TU của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW.

Những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã tập trung tuyên truyền rõ các thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, tăng cường công tác phối hợp, cung cấp thông tin, thường xuyên theo dõi tình hình, làm tốt công tác tư tưởng của văn nghệ sĩ trong việc đấu tranh chống quan điểm sai trái trong văn học, nghệ thuật. Lực lượng văn nghệ sĩ tỉnh nhà có bản lĩnh chính trị vững vàng, không dao động tư tưởng trước những tác động tiêu cực; nhiệt tình, tâm huyết trong công việc, thể hiện lòng yêu quê hương, đất nước. Đội ngũ văn nghệ sĩ được đào tạo, phát triển cả về số lượng và chất lượng; đến nay, hội viên Hội Văn học nghệ thuật là 187 người (bao gồm các chuyên ngành: Văn học, Văn nghệ dân gian, Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số - miền núi, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Âm nhạc và Sân khấu), trong đó có 51 hội viên Trung ương. Số lượng các tác phẩm văn học nghệ thuật tăng cao, xuất hiện một số tác phẩm có chiều sâu về tư tưởng và nghệ thuật trong các loại hình nghệ thuật từ văn học, sân khấu, nhiếp ảnh, âm nhạc, mỹ thuật,... đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Nhiều tác giả tích cực tham gia Cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật và báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; nhiều tác giả tiếp tục khai thác chủ đề về lịch sử, truyền thống dựng nước và giữ nước, về đề tài chiến tranh cách mạng; nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật đề cập đến cuộc sống, con người, hiện thực đất nước trong công cuộc đổi mới.

Thông qua Giải thưởng Văn học nghệ thuật Đất Quảng 05 năm và Tặng thưởng Văn học nghệ thuật Quảng Nam hằng năm đã phát hiện các nhân tố mới, bổ sung, làm phong phú thêm vườn văn học nghệ thuật tỉnh nhà. Qua đó, tôn vinh những tác phẩm có giá trị, những tác giả tâm huyết với văn học nghệ thuật chân chính, miệt mài lao động sáng tạo, đồng thời tham gia đấu tranh lên án cái xấu, cái ác và sự biến chất, thoái hóa về nhân cách, lối sống, đạo đức trong một bộ phận xã hội.

Từ tháng 01/2009, Tạp chí Đất Quảng - cơ quan ngôn luận về sáng tác, lý luận, phê bình văn học nghệ thuật của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh thực hiện xuất bản 1 số/tháng với khoảng 650 bản và từng bước đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng, góp phần cụ thể hóa chủ trương của Đảng trên lĩnh vực văn học nghệ thuật. Tạp chí nhận được sự yêu mến của bạn đọc, được các hội chuyên ngành Trung ương và bạn đọc đánh giá cao, tham gia tích cực vào công tác đấu tranh chống các quan điểm sai trái trong văn học nghệ thuật, đưa hoạt động văn học nghệ thuật đi đúng định hướng.

Đa số hội viên Hội Văn học nghệ thuật, cán bộ, đảng viên đã tham gia học tập và nghiên cứu các chỉ thị, nghị quyết của Đảng; một số cán bộ công tác trên lĩnh vực văn hóa được tham gia các lớp tập huấn, hội thảo lý luận phê bình văn học nghệ thuật nhằm tăng cường bản lĩnh chính trị, khả năng nhận biết các quan điểm sai trái. Hằng năm, có khoảng 20% hội viên được hỗ trợ tập huấn, tham gia các hoạt động thực tế sáng tác, tham quan thực tế, trao đổi nghiệp vụ; tổ chức thẩm định tác phẩm, mở Trại sáng tác, quảng bá tác phẩm,… Hội Văn học nghệ thuật tổ chức Trại sáng tác dành cho tuổi học trò nhằm tìm kiếm và bồi dưỡng các tài năng văn học nghệ thuật.

Hằng năm, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức gặp mặt đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức trên địa bàn tỉnh nhằm động viên, khích lệ, cổ vũ tinh thần và nắm bắt tâm tư nguyện vọng, tình cảm, suy nghĩ của họ để kịp thời định hướng. Đến nay, không có đối tượng nào tham gia vào tổ chức “Văn đoàn độc lập”; không có hội viên Hội Văn học nghệ thuật nào tham gia viết bài, nói xấu chế độ XHCN.

III- TỒN TẠI, HẠN CHẾ, BÀI HỌC KINH NGHIỆM

1- Một số tồn tại, hạn chế

Trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị 46-CT/TW và Thông báo Kết luận 213-TB/TW của Ban Bí thư, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế sau:

- Một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương có lúc, có nơi chưa quan tâm đúng mức đến việc lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện Chỉ thị và Thông báo Kết luận nêu trên của Ban Bí thư.

- Công tác tham mưu của các ngành chuyên môn chưa sâu sát, chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương, đơn vị; chưa xây dựng được kế hoạch, giải pháp cụ thể trong việc triển khai thực hiện các nội dung của Chỉ thị và Thông báo Kết luận của Ban Bí thư một cách đồng bộ.

- Đội ngũ làm công tác văn hóa và công tác lý luận, phê bình văn học nghệ thuật còn nhiều hạn chế, yếu kém. Văn hóa giải trí thiếu lành mạnh, các băng, đĩa lậu vẫn còn lưu hành trên địa bàn tỉnh.

2- Nguyên nhân tồn tại, hạn chế

- Quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, nhất là sự phát triển của công nghệ thông tin đã tạo điều kiện cho các sản phẩm văn hóa độc hại, các quan điểm sai trái xâm nhập vào nước ta cũng như tỉnh nhà trong khi một số cấp ủy đảng chưa thực sự quan tâm đúng mức, chưa đề cao vai trò của văn hóa nói chung và văn học nghệ thuật nói riêng, chưa chủ động xây dựng kế hoạch và đề ra các giải pháp đối với việc triển khai thực hiện Chỉ thị 46-CT/TW và Thông báo Kết luận 213-TB/TW của Ban Bí thư; một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức chưa đầy đủ về mức độ tinh vi, nguy hiểm trong các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trên mặt trận tư tưởng - văn hóa.

- Môi trường văn hóa hiện nay đa dạng, phong phú, có khả năng nuôi dưỡng, khích lệ các ý tưởng tốt đẹp, song mặt trái của nó cũng để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng đến tư tưởng, tâm lý, niềm tin của bộ phận người dân, trong đó có cả văn nghệ sĩ, trí thức.

- Cơ chế quản lý các trang mạng xã hội còn nhiều bất cập; cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm duyệt các tác phẩm văn học nghệ thuật còn lỏng lẻo.

- Một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là đối tượng thanh thiếu niên thiếu ý thức tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, ý thức chấp hành pháp luật chưa cao; một bộ phận giới trẻ nhận thức lệch lạc, có lối sống thực dụng, thích hưởng thụ, ảo tưởng, vụ lợi, thái độ thờ ơ, vô cảm.

- Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý trên lĩnh vực văn hóa và công tác lý luận phê bình văn học nghệ thuật chưa được quan tâm đúng mức.



3- Bài học kinh nghiệm

Thứ nhất, chú trọng thực hiện công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, nêu cao tinh thần cảnh giác trong tổ chức đảng và toàn xã hội; các cấp ủy đảng phải phát huy vai trò là hạt nhân trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện, trong đó, mỗi cán bộ, đảng viên luôn gương mẫu đi đầu trong việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống.

Thứ hai, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở; hàng năm, tổ chức sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho những năm tiếp theo phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị; kịp thời động viên, khen thưởng đối với những đơn vị, địa phương triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 46-CT/TW của Ban Bí thư; đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu và nhân rộng những tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu, gương người tốt, việc tốt trên các phương tiện thông tin đại chúng, tạo sức lan tỏa trong toàn xã hội.

Thứ ba, tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trên lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật; tăng cường sự đoàn kết, nhất trí trong toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân. Xác định công tác đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa nói chung là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải có sự khéo léo, mềm mỏng, kiên trì và bền bỉ.

Thứ tư, phát huy vai trò và hiệu quả của hệ thống thiết chế văn hóa trong đời sống của các tầng lớp nhân dân, tạo môi trường lành mạnh để người dân được thừa hưởng những giá trị văn hóa truyền thống cũng như những thành tựu của các nền văn hóa tiến bộ trên thế giới.

Phần thứ hai

NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP ĐỂ TIẾP TỤC THỰC HIỆN CHỈ THỊ 46-CT/TW GẮN VỚI VIỆC THỰC HIỆN THÔNG BÁO KẾT LUẬN 213-TB/TW CỦA BAN BÍ THƯ TRONG THỜI GIAN ĐẾN

I- NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP:

Trong thời gian đến, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ và giải pháp sau:



1- Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; tiếp tục tuyên truyền sâu rộng nội dung Chỉ thị số 46-CT/TW và Thông báo Kết luận 213-TB/TW đến cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang và tuyên truyền rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác trước những hành động chống phá của các thế lực phản động trong và ngoài nước, trước các quan điểm sai trái và văn hóa phẩm độc hại. Đấu tranh ngăn chặn và làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch nhằm thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, nhất là trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa.

2- Gắn việc thực hiện Chỉ thị 46-CT/TW và Thông báo Kết luận 213-TB/TW của Ban Bí thư với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “xây dựng cơ quan văn hóa”, xem đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng và thường xuyên của các cấp ủy đảng, các cơ quan, ban, ngành, địa phương.

3- Các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 46-CT/TW và Thông báo Kết luận 213-TB/TW trong những năm đến. Kết hợp tốt giữa biện pháp giáo dục, thuyết phục với biện pháp hành chính khi cần thiết. Thực hiện việc “xây” và “chống” một cách hiệu quả; đồng thời, xác định công tác đấu tranh chống các văn hóa phẩm độc hại, chống quan điểm sai trái trong văn học nghệ thuật là nhiệm vụ không tách rời trong cuộc đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa. Phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành chủ động nắm tình hình, kịp thời triển khai thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh chống văn hóa phẩm độc hại, chống quan điểm sai trái trong văn học nghệ thuật.

4- Đẩy mạnh các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa. Chỉ đạo các ngành chức năng, cơ quan chuyên môn tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát; xây dựng cơ chế phối kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các đơn vị, thực hiện tốt các biện pháp nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và loại bỏ các sản phẩm văn hóa độc hại, các quan điểm sai trái trong văn học nghệ thuật, góp phần giữ vững ổn định trên mặt trận tư tưởng - văn hóa. Chỉ đạo Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm là thành viên của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và của UBMTTQVN trong xây dựng, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân.

5- Chú trọng đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ về văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần của các tầng lớp nhân dân. Thường xuyên thực hiện công tác giáo dục, bồi dưỡng nhân cách, lý tưởng sống cho thế hệ trẻ, tạo ra sức đề kháng đối với các loại văn hóa phẩm độc hại, có ý thức đấu tranh chống các quan điểm sai trái trong văn học nghệ thuật nói riêng và trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa nói chung. Chú trọng công tác lý luận phê bình văn học nghệ thuật, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau nhằm phản bác lại các luận điệu, quan điểm sai trái.

6- Đổi mới nội dung, hình thức tổ chức các hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật; có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích việc thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu về văn hóa dân gian, văn hóa các dân tộc thiểu số miền núi Quảng Nam, các sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng; quan tâm đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ làm công tác văn học nghệ thuật; có cơ chế hỗ trợ, bồi dưỡng, khuyến khích đội ngũ văn nghệ sĩ, đặc biệt ưu tiên xây dựng đội ngũ làm công tác lý luận phê bình văn học nghệ thuật nhằm kịp thời định hướng đúng dư luận, đấu tranh với các luồng văn hóa xấu, độc hại.

II- KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT

- Đề nghị Trung ương chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan có kế hoạch triển khai mạnh và quyết liệt trong công tác bảo vệ an ninh mạng, công tác thẩm định, xuất bản, lưu hành các ấn phẩm và kiểm duyệt nghiêm ngặt các văn hóa phẩm du nhập vào Việt Nam.

- Đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương tiếp tục triển khai Đề án trang bị sách cho cơ sở, xã, phường, thị trấn trong những năm tiếp theo, chú trọng đến chất lượng sách và đa dạng các chủng loại, phục vụ nhiều đối tượng nghiên cứu, tìm hiểu.

- Đề nghị Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương tăng cường công tác định hướng tư tưởng chủ đạo trong hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật giai đoạn hiện nay. Thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ nâng cao trình độ lý luận phê bình văn học nghệ thuật cho đội ngũ sáng tác và cán bộ quản lý.



Trên đây là báo cáo sơ kết 05 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 46-CT/TW ngày 27/7/2010 của Ban Bí thư về “Chống sự xâm nhập các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội” gắn với việc thực hiện Thông báo Kết luận số 213-TB/TW ngày 02/01/2009 của Ban Bí thư về “Đấu tranh chống quan điểm sai trái trong văn học, nghệ thuật” , Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam kính báo cáo.


Nơi nhận:

T/M BAN THƯỜNG VỤ

- Ban Bí thư Trung ương Đảng (b/c),

PHÓ BÍ THƯ

- Văn phòng Trung ương Đảng (HN,ĐN) (b/c),




- Ban Tuyên giáo Trung ương (HN, ĐN) (b/c),




- Các ban đảng Tỉnh ủy,

(đã ký)

- Các ban cán sự đảng, đảng đoàn,




- Các ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể tỉnh,




- Các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc,




- Các đồng chí TUV,

Nguyễn Ngọc Quang

- Lưu Văn phòng Tỉnh ủy.







tải về 58.73 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương