TỈnh ủy quảng nam đẢng cộng sản việt nam số 377-bc/tu tam Kỳ, ngày 06 tháng 8 năm 2015 BÁo cáO



tải về 88.79 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu19.08.2016
Kích88.79 Kb.
#22865


TỈNH ỦY QUẢNG NAM ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

*

Số 377-BC/TU Tam Kỳ, ngày 06 tháng 8 năm 2015


BÁO CÁO

Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 54-CT/TW của Ban Bí thư khóa IX

về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS

trong tình hình mới

Thực hiện Hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 54-CT/TW ngày 30/11/2005 của Ban Bí thư (khóa IX) về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới, Tỉnh ủy Quảng Nam báo cáo kết quả thực hiện như sau:



PHẦN THỨ NHẤT

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHỈ THỊ 54-CT/TW

CỦA BAN BÍ THƯ KHÓA IX

I- Công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện

1- Công tác tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện

Sau khi có Chỉ thị 54-CT/TW, ngày 30/11/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng ( khóa IX) và Hướng dẫn liên tịch số 15-HD/BKGTW- BCSĐ ngày 14/01/2006 của Ban Khoa giáo Trung ương và Ban Cán sự đảng Bộ Y tế; Tỉnh ủy Quảng Nam đã tổ chức Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng để quán triệt Chỉ thị và Pháp lệnh số 64/2006/QH11 của Quốc hội ban hành Luật về phòng, chống nhiễm vi rút gây hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS). Ngày 20/7/2006, Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 05-CTr/TU để triển khai thực hiện; đồng thời, chỉ đạo UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch để thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy; các cấp ủy trực thuộc Tỉnh ủy tổ chức quán triệt và xây dựng Chương trình hành động để thực hiện Chỉ thị ở cấp ủy mình.

Căn cứ Hướng dẫn số 01-HD/BKGTW ngày 24/01/2007 của Ban Khoa giáo Trung ương về việc tham gia và phối hợp liên ngành trong phòng, chống HIV/AIDS, Hướng dẫn số 28-HD/TTVH của Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương về việc thực hiện Kế hoạch đổi mới công tác truyền thông thay đổi hành vi trong phòng, chống HIV/AIDS, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã ban hành văn bản hướng dẫn các ngành chức năng xây dựng kế hoạch liên tịch thực hiện Chỉ thị 54-CT/TW.

Ngày 09/5/2011, Ban Bí thư ban hành Thông báo số 27-TB/TW về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 54-CT/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã tiến hành quán triệt nội dung Thông báo Kết luận đến toàn thể đội ngũ cán bộ chủ chốt tỉnh và huyện; đồng thời, giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hướng dẫn các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các huyện, thị, thành ủy trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện.

Nhìn chung, việc quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị 54-CT/TW của Ban Bí thư trên địa bàn tỉnh kịp thời và nghiêm túc. 18/18 huyện, thị, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS và ban hành Chương trình hành động để triển khai thực hiện; 244/244 xã, phường, thị trấn cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS và đưa các mục tiêu, chỉ tiêu phòng, chống HIV/AIDS vào tiêu chí xây dựng thôn, khối phố văn hóa, gia đình văn hóa.

2- Công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Chỉ thị

Trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị 54-CT/TW của Ban Bí thư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy đảng thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị 54-CT/TW gắn với công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phối hợp với Sở Y tế tổ chức Đoàn kiểm tra thực tế tại một số huyện, thị, thành ủy và xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, giám sát cho thấy, hầu hết các địa phương, đơn vị đã xây dựng và triển khai thực hiện khá tốt Chỉ thị 54-CT/TW của Ban Bí thư; định kỳ có sơ kết và tổng kết, kịp thời rút kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo trong tổ chức thực hiện Chỉ thị.

Năm 2010, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị 54-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh.

II- Kết quả thực hiện Chỉ thị 54-CT//TW của Ban Bí thư trên địa bàn tỉnh

1- Chuyển biến về nhận thức trong lãnh đạo, chỉ đạo

10 năm qua, xác định tầm quan trọng của công tác phòng, chống HIV/AIDS theo tinh thần Chỉ thị 54-CT/TW của Ban Bí thư, các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội đã quan tâm chỉ đạo và tham gia tích cực vào các hoạt động thông tin, tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS. Nhờ đó, nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể và cộng đồng dân cư trong việc thực hiện Chỉ thị 54-CT/TW từng bước được nâng cao, mang lại những hiệu quả nhất định trong công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.



2- Công tác phối hợp phòng, chống HIV/AIDS

Công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, hiểu biết về dịch bệnh HIV/AIDS. Theo đó, các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh đã có sự phối hợp tích cực trong các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống HIV/AIDS.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS mở 4 lớp tập huấn cho hơn 400 người với nội dung triển khai, quán triệt các chủ trương của Đảng về công tác phòng, chống HIV/AIDS và hướng dẫn nghiệp vụ phòng, chống HIV/AIDS1. Cùng với đó, công tác phòng, chống HIV/AIDS được tuyên truyền trên Bản tin Tuyên giáo và Thông báo nội bộ của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và được phát hành đến các đảng bộ xã, phường, thị trấn, chi bộ thôn, khối phố.

Ngành Y tế tỉnh phối hợp với tổ chức UNAIDS tại Việt Nam tổ chức Hội thảo Tăng cường phòng, chống HIV/AIDS và tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức về HIV/AIDS.

Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS trong đoàn viên, hội viên và nhân dân. Đặc biệt, đã tiến hành vận động người dân xóa bỏ trồng cây thuốc phiện, đến nay trên địa bàn tỉnh cơ bản không còn vùng trồng cây thuốc phiện.

Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ đã phối hợp với lực lượng Công an các cấp triển khai quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết liên tịch số 02/NQLT ngày 01/8/1998 giữa Trung ương Đoàn và Bộ Công an về phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm và các tệ nạn xã hội trong thanh, thiếu niên hằng năm; Nghị quyết liên tịch số 01/NQLT ngày 08/5/2002 giữa Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam với Bộ Công an về việc quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và các tệ nạn xã hội... Hội Nông dân các cấp đã lồng ghép hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong “Phong trào nông dân thực hiện các chương trình văn hoá - xã hội và an ninh quốc phòng”; Hội Cựu chiến binh tỉnh và Công an tỉnh đã ký kết kế hoạch phối hợp thực hiện Nghị quyết số 01/NQLT giữa hai ngành và Nghị quyết số 09/CP của Chính phủ về phòng, chống tội phạm ma tuý.

Các ngành trong khối nội chính đã phát huy tốt vai trò của mình trong việc tuyên truyền giáo dục, kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng ma tuý, mại dâm. Sở Tư pháp đã chỉ đạo thực hiện việc trang bị kiến thức pháp luật về phòng, chống các tệ nạn xã hội cho cán bộ, đảng viên trong toàn ngành. Ngành công an phối hợp ngành y tế, giáo dục và đào tạo hằng năm đã tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền về phòng, chống ma tuý, mại dâm, HIV/AIDS cho học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh; tổ chức tốt cuộc thi “Tìm hiểu Luật phòng, chống tội phạm, tệ nạn ma túy, mại dâm, thu hút đông đảo người dân tham gia; thực hiện tốt việc khảo sát đối tượng ma túy, mại dâm và có biện pháp quản lý, giáo dục cảm hóa để họ hoàn lương; khảo sát, kiểm tra các quán cà phê, karaoke, khách sạn, nhà trọ, quán bar, các tụ điểm công cộng; phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS, ma tuý, mại dâm và tệ nạn xã hội tỉnh tổ chức xét nghiệm HIV đối với các phạm nhân, phát hiện theo dõi số phạm nhân nhiễm HIV, đồng thời giám sát, sàng lọc đối tượng có nguy cơ nhiễm HIV trong các trại giam.

Ngành giáo dục - đào tạo đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn các tệ nạn xã hội, đặc biệt là tệ nạn ma tuý xâm nhập vào trường học. Toàn ngành đã tổ chức quán triệt và thực hiện tốt Chỉ thị số 10-CT/GD-ĐT ngày 30/6/1995 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về "Tăng cường phòng chống AIDS và tệ nạn xã hội trong cán bộ, giáo viên, công nhân viên và học sinh". Hầu hết các trường học đều xây dựng kế hoạch phối hợp giữa nhà trường - hội phụ huynh - chính quyền địa phương để tổ chức ký kết cam đoan phòng, chống HIV/AIDS, tội phạm và ma tuý cho học sinh lớp 6, lớp 10 và sinh viên năm thứ nhất.



3- Công tác thông tin, truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức phòng, chống HIV/AIDS trong nhân dân

Từ năm 2005 đến nay, các hình thức truyền thông trực tiếp thông qua đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương và tuyên truyền viên đồng đẳng cho các nhóm có hành vi nguy cơ cao được duy trì và triển khai thực hiện thường xuyên. Đặc biệt, trong các tháng cao điểm như: Ngày ban hành Pháp lệnh phòng, chống HIV/AIDS (31/5), Ngày thế giới phòng chống ma tuý (26/6), Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Ngày Dân số thế giới (11/7), Ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS (01/12) các hoạt động truyền thông được tổ chức sôi nổi, phong phú thu hút được sự quan tâm của người dân tại cộng đồng.

Các hình thức tuyên truyền đa dạng như: Phát tờ bướm, treo băng rôn, pa nô, áp phích, diễu hành, xe tuyên truyền lưu động, xây dựng kịch bản và tổ chức biểu diễn sân khấu hóa, tổ chức thi sáng tác các loại hình nghệ thuật, thi cán bộ giỏi của các đoàn thể, nói chuyện chuyên đề về phòng, chống HIV/AIDS; truyền thông trực tiếp qua các thành viên trong nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng;... thu hút hàng triệu lượt người tham gia. Các hoạt động tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh, phát thanh- truyền hình, trên các báo viết, báo điện tử, phim phóng sự, tọa đàm, trao đổi… đã từng bước hướng tới giáo dục chống kỳ thị phân biệt đối xử, làm thay đổi hành vi, nhận thức của mọi người về căn bệnh HIV/AIDS.

Ngành y tế hằng năm đã phát huy khá tốt đội ngũ cán bộ chuyên trách HIV/AIDS ở xã, phường, thị trấn trong việc tổ chức triển khai công tác truyền thông. Lực lượng này đã đến từng nhà, đặc biệt là các nhóm có hành vi nguy cơ cao để làm công tác tư vấn, tuyên truyền, cung cấp thông tin tài liệu về phòng, chống HIV/AIDS.

Công tác tuyên truyền, giáo dục, truyền thông cũng được chú ý triển khai thường xuyên trong nhà trường. Các thầy, cô giáo, sinh viên, học sinh là lực lượng đông đảo nhất, tham gia tích cực các cuộc thi tìm hiểu về ma tuý, mại dâm và các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS do tỉnh, huyện, thị, thành phố, ngành và nhà trường tổ chức; ở hầu hết các cấp học đều tổ chức các hình thức tuyên truyền, giáo dục như: Nói chuyện dưới cờ, ngoại khóa, tham gia diễu hành, mời các bác sỹ chuyên trách về nói chuyện chuyên đề, tư vấn kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS và sự nguy hại của tệ nạn ma tuý; lồng ghép chương trình phòng, chống HIV/AIDS trong nội dung giáo dục sức khoẻ sinh sản vị thành niên để trang bị kiến thức cho học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học.

Các đội thông tin từ tỉnh đến cơ sở trực thuộc ngành văn hóa thể thao và du lịch đã dàn dựng được 90 chương trình tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS, lồng ghép nội dung tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS vào các cuộc liên hoan nghệ thuật quần chúng, liên hoan gia đình văn hóa, thôn, khu phố văn hóa. Bên cạnh đó, công tác truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS cũng được lồng ghép thường xuyên vào các phong trào xây dựng gia đình văn hóa, tộc họ văn hóa, thôn bản văn hóa, cơ quan văn hóa. Việc xây dựng đời sống văn hóa ở từng khu dân cư đã từng bước tạo ra lối sống tốt đẹp cho cá nhân, gia đình; làm cho quan hệ họ hàng, láng giềng, giữa người với người gắn bó tốt hơn; phát huy truyền thống tương thân, tương ái, chăm sóc, giúp đỡ và tạo điều kiện để những người nhiễm bệnh và gia đình họ thấy rõ trách nhiệm, tự giác tham gia tích cực các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về tác hại của ma tuý, mại dâm trong việc lây truyền HIV/AIDS và cách phòng, tránh. Phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư” được triển khai có kết quả; tháng hành động quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS được cán bộ, công chức và đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng, góp phần nâng cao nhận thức và tạo ra phong trào rộng lớn phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng.

Cán bộ chuyên trách và các cộng tác viên ở nhiều địa phương đã thường xuyên tiếp cận các khách sạn, nhà trọ, quán karaoke, nhà hàng, vũ trường, điểm massage và các dịch vụ hành nghề tiềm ẩn khả năng làm lây nhiễm HIV để tư vấn, tuyên truyền các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS. Nhiều huyện, thị, thành đã tổ chức hội nghị quán triệt pháp luật liên quan đối với các chủ cơ sở kinh doanh, qua đó ký cam kết chấp hành nghiêm túc các quy định của Nhà nước, không vi phạm về ma tuý, mại dâm.

4- Hệ thống tổ chức phòng, chống HIV/AIDS; hoạt động chuyên môn, kỹ thuật phòng chống HIV/AIDS; quản lý, theo dõi đối tượng nhiễm HIV/AIDS

4.1- Hệ thống tổ chức phòng, chống HIV/AIDS

Hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tuyến tỉnh được thực hiện dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS và Phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm tỉnh, thường trực là Sở Y tế; đơn vị tham mưu trực tiếp là Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Quảng Nam. Các cấp từ tỉnh đến cơ sở đều thành lập ban chỉ đạo phòng chống HIV/AIDS để chỉ đạo công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn cấp mình quản lý.

Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh được thành lập theo Quyết định số 25/2005/QĐ-BYT ngày 05/9/2005 của Bộ Y tế; đơn vị đã từng bước đi vào hoạt động ổn định và thực hiện chức năng tham mưu cho Giám đốc Sở Y tế và UBND tỉnh về các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn toàn tỉnh.

Ở tuyến huyện, thực hiện theo mô hình trung tâm y tế huyện, mỗi huyện có 01 cán bộ được phân công phụ trách công tác phòng, chống HIV/AIDS. 18/18 huyện, thị, thành phố đều thành lập ban chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS và tệ nạn ma túy mại dâm; tham mưu chuyên môn là trung tâm y tế huyện, thị, thành phố.

Tại tuyến xã, có 01 cán bộ được phân công phụ trách công tác phòng, chống HIV/AIDS và một số xã trọng điểm có từ 1-2 y tế thôn bản làm cộng tác viên phòng chống HIV/AIDS.

4.2- Công tác quản lý, theo dõi các đối tượng nhiễm HIV/AIDS

Năm 1993, đã phát hiện 05 ca nhiễm HIV đầu tiên, tính đến cuối năm 2014 tổng số các trường hợp nhiễm HIV/AIDS được phát hiện trong toàn tỉnh là 861 người; trong đó có 424 trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS và 342 trường hợp tử vong do AIDS và liên quan. Toàn tỉnh có 142/244 xã, phường, thị trấn, 17/18 huyện, thị, thành phố có người bị nhiễm HIV, Phước Sơn là nơi có số người nhiễm HIV/AIDS được phát hiện cao nhất (94 người), tiếp theo là Tam Kỳ (92 người), Thăng Bình (92 người)...; một số xã, phường phát hiện nhiều trường hợp nhiễm HIV như Thị trấn Khâm Đức (Phước Sơn), Bình Trị, Bình Định (Thăng Bình), Tam Dân, Tam Đàn (Phú Ninh), An Sơn, An Mỹ, Hòa Hương, Tam Ngọc (Tam Kỳ).

Tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,1% dân số, Quảng Nam là một trong 10 tỉnh có tỉ lệ người nhiễm HIV thấp nhất. Tỉ lệ nhiễm HIV theo đường lây truyền: đường máu: 57%; quan hệ tình dục: 33%; từ mẹ sang con: 3%; không rõ đường lây: 7%.

Trước năm 1999, bình quân mỗi năm có 06 người bị nhiễm HIV, chủ yếu ở lứa tuổi 40 trở lên (chiếm tỉ lệ từ 50-90%), tuy nhiên, càng về sau, số người nhiễm HIV được phát hiện tăng lên đáng kể, có năm lên đến 80 người (năm 2008), tập trung ở độ tuổi 20-49, chiếm trên 80-90%. Phần lớn các trường hợp phát hiện nhiễm HIV là những người lao động đi làm ăn xa ở các thành phố hoặc đi đào đãi vàng ở các huyện miền núi của tỉnh; trong đó, nam giới chiếm tỉ lệ 75%, nữ giới chiếm tỷ lệ 25%. Tuy nhiên, trong những năm gần đây nữ giới nhiễm HIV ngày càng tăng, năm 2010 là 32%, năm 2011 là 35%, năm 2014 là 40%. Nhóm đối tượng có nhiều người nhiễm HIV nhất là những người tiêm chích ma tuý (trên 38%). Hiện nay, trên 95% các đối tượng nhiễm HIV/AIDS có địa chỉ rõ ràng được quản lý chặt chẽ trên địa bàn tỉnh.



4.3- Hoạt động chuyên môn, kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS

Trong những năm qua, ngành y tế tỉnh đóng vai trò chủ công trong công tác tham mưu cho các cấp uỷ đảng, chính quyền đề ra chủ trương, chương trình, kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS và trực tiếp thực hiện công tác chuyên môn, kỹ thuật trên lĩnh vực này với 08 hoạt động, đó là: công tác truyền thông thay đổi hành vi; công tác can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV; hoạt động chăm sóc, hỗ trợ và điều trị; giám sát HIV/AIDS, theo dõi, đánh giá chương trình; công tác dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con; quản lý và điều trị các bệnh nhiễm khuẩn qua đường tình dục; chương trình an toàn truyền máu và hoạt động nâng cao năng lực và hợp tác quốc tế.

Công tác xét nghiệm HIV đã được tiến hành khá bài bản và thường xuyên. Trung tâm y tế Dự phòng (nay là Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh) là đơn vị được công nhận đạt chuẩn quốc gia về xét nghiệm HIV; Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm y tế thành phố Hội An, Trung tâm y tế huyện Điện Bàn là những địa chỉ sàng lọc nhanh với độ tin cậy cao. Bên cạnh đó, Dự án Life - GAP đã hỗ trợ sinh phẩm xét nghiệm và thuốc điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội, tăng cường nguồn lực đáng kể cho công tác phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh. Công tác an toàn truyền máu cũng đã được triển khai thực hiện khá tốt, tỷ lệ các đơn vị máu được sàng lọc HIV trước khi truyền tăng lên qua từng năm. Từ năm 1999 đến nay, 100% các đơn vị máu và chế phẩm máu đã được thực hiện sàng lọc.

Bên cạnh đó, mạng lưới y tế cơ sở, mạng lưới cộng tác viên và đồng đẳng vừa là nơi quản lý, vừa trực tiếp hỗ trợ chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng.



5- Tăng đầu tư của nhà nước, mở rộng hợp tác quốc tế thu hút nguồn lực cho phòng, chống HIV/AIDS

Trong 10 năm qua, cùng với việc tranh thủ các chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS, UBND tỉnh đã đầu tư một phần kinh phí và huy động sự đóng góp của nhân dân để thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS2. Trong khoảng năm 2010-2014, ngân sách Trung ương giảm và ngân sách tỉnh tăng lên. Cùng với phân bổ ngân sách, UBND tỉnh chỉ đạo quản lý chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả các nguồn đầu tư; ưu tiên đầu tư cho việc mở rộng và nâng cao chất lượng các hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục, chăm sóc và điều trị người nhiễm HIV/AIDS, quản lý và giám sát dịch tễ.



6- Đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng, chống HIV/AIDS

Trong thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp thường xuyên tuyên truyền, vận động cộng đồng dân cư phát huy truyền thống tương thân, tương ái cùng tham gia hỗ trợ, chăm sóc, giúp đỡ người nhiễm HIV/AIDS, nhất là việc chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS; đồng thời tạo điều kiện để những người nhiễm bệnh và gia đình thấy rõ trách nhiệm, tự giác và tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; khuyến khích các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức, cá nhân tham gia phòng, chống HIV/AIDS. Với cách làm đó, đã huy động được sự quan tâm, chia xẻ, giúp đỡ của cộng đồng dân cư, xã hội tạo điều kiện cho các cá nhân người nhiễm HIV/AIDS và gia đình ổn định kinh tế, chăm sóc, điều trị người bệnh.



III- Những hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân và kinh nghiệm

1- Những hạn chế, khuyết điểm

- Một số cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể chưa đề ra được các biện pháp cụ thể để chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS và các tệ nạn ma tuý, mại dâm; công tác quản lý kiểm tra, giám sát, tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện phòng, chống HIV/AIDS chưa được thường xuyên, kịp thời; cá biệt có nơi chỉ có ngành Y tế thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS. Vai trò của ban chỉ đạo phòng chống HIV/AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm các cấp nhất là cấp xã chưa được phát huy mạnh mẽ. Việc thực hiện các giải pháp liên ngành và huy động cộng đồng tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS chưa toàn diện, kết quả còn hạn chế. Việc phát hiện tình hình dịch bệnh có lúc còn chậm, nhất là đối với những vùng trọng điểm, vùng có nguy cơ cao về HIV/AIDS. Việc lồng ghép hoạt động phòng, chống HIV/AIDS vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương và việc quan tâm, dành thời gian, điều kiện cho công tác phòng, chống HIV/AIDS của các đơn vị y tế cơ sở chưa nhiều.

- Hoạt động phối hợp chỉ đạo, thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục phòng, chống AIDS và ma tuý, mại dâm giữa các ngành chưa được thường xuyên, sâu rộng; mới chỉ tập trung chủ yếu ở các huyện đồng bằng, thành phố, trong thời gian phát động chiến dịch, tháng hành động, ngày lễ, trong khi đó tại các địa phương có điểm khai thác vàng sa khoáng như: Phước Sơn, Hiệp Đức, Phú Ninh thì vẫn chưa có biện pháp tuyên truyền, kiểm tra, quản lý chặt chẽ số người nhiễm HIV; chưa chú trọng đúng mức đến các đối tượng có hành vi nguy cơ cao3, đối tượng dễ bị lây nhiễm4. Các cấp chưa xây dựng và nhân rộng các mô hình phòng, chống HIV/AIDS đặc thù, có hiệu quả trong đồng bào dân tộc thiểu số theo chỉ đạo của Chính phủ, chưa tổ chức tổng kết và nhân rộng phong trào "Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư" trên phạm vi toàn tỉnh. Việc kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng vẫn còn phổ biến.

- Hoạt động cung cấp dịch vụ can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV cho nhóm người dễ bị lây nhiễm, hoạt động cung cấp bao cao su, bơm kim tiêm miễn phí, việc thu gom bơm kim tiêm bẩn triển khai thực hiện còn hạn chế. Các nhóm đồng đẳng, các nhóm tự lực, các câu lạc bộ trong cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS còn ít.

- Công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành y tế chưa được quan tâm chỉ đạo thực hiện đầy đủ, đúng mức. Công tác tư vấn, trình độ xét nghiệm HIV/AIDS chưa được đồng đều nên hiệu quả chưa cao. Việc thực hiện các khâu vô trùng trong kỹ thuật khám, chữa bệnh nhiều nơi nhất là các cơ sở y tế tư nhân chưa được kiểm soát chặt chẽ.

- Sự hỗ trợ xã hội cho người nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng như chống kỳ thị, tạo công ăn việc làm chưa được quan tâm đúng mức; nguồn tài chính chưa đủ để thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm, không có kinh phí dự phòng cho cán bộ bị tai nạn rủi ro nghề nghiệp. Ngoài chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS, hầu hết các đơn vị chưa chủ động bố trí, bổ sung kinh phí, nhân lực, cơ sở vật chất, thiết bị từ nguồn lực địa phương cho công tác này.

- Đội ngũ cán bộ chuyên trách phòng, chống HIV/AIDS tại các huyện, thị, thành phố và xã, phường, thị trấn,... hầu hết là kiêm nhiệm, trình độ chuyên môn còn hạn chế so với yêu cầu nhiệm vụ. Việc biên soạn, chuẩn hóa tài liệu đào tạo về phòng, chống HIV/AIDS đưa vào giảng dạy tại trường Cao đẳng Y tế của tỉnh còn chậm. Công tác nghiên cứu khoa học về phòng, chống HIV/AIDS còn hạn chế; số đề tài khoa học trên lĩnh vực này còn quá ít.

2- Nguyên nhân

- Cấp uỷ đảng, chính quyền ở một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ, đúng mức về hiểm họa của HIV/AIDS và yêu cầu trong công tác phòng chống HIV/AIDS nên còn chủ quan, chưa coi trọng đúng mức trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; chưa đầu tư đúng mức về nguồn lực và trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác phòng chống HIV/AIDS.

- Việc thay đổi về tổ chức bộ máy y tế ở tuyến cơ sở (huyện, thị xã, thành phố; xã, phường, thị trấn), các trạm y tế cấp xã trực thuộc trung tâm y tế cấp huyện và trung tâm y tế cấp huyện lại trực thuộc Sở Y tế trên thực tế đã làm hạn chế đáng kể đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của địa phương cấp huyện, cấp xã đối với trung tâm y tế, trạm y tế, trong đó có công tác phòng chống HIV/AIDS.

- Công tác quản lý, tham mưu và năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, kỹ thuật phòng chống HIV/AIDS còn hạn chế; nhiều cấp, ngành, đơn vị chưa quan tâm đầu tư đúng mức cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn phòng, chống HIV/AIDS. Công tác truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS chậm đổi mới theo hướng đa dạng về nội dung, hình thức, đảm bảo tính thân thiện đối với mọi người và phù hợp với các đối tượng.

- Kinh phí hàng năm ở mức thấp, chủ yếu từ Chương trình mục tiêu Quốc gia phòng, chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm HIV/AIDS. Việc huy động nguồn kinh phí địa phương cho công tác này còn hết sức hạn chế5. Việc tranh thủ các nguồn lực từ chương trình hợp tác quốc tế về phòng, chống HIV/AIDS chưa nhiều.

3- Một số kinh nghiệm

Một là, các cấp uỷ đảng và chính quyền phải nhận thức, có trách nhiệm đầy đủ, đúng mức đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đưa nhiệm vụ, chỉ tiêu phòng chống HIV/AIDS vào nghị quyết, chương trình, kế hoạch của cấp uỷ đảng, chính quyền; từ đó tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện; phát huy vai trò, trách nhiệm của Ban Chỉ đạo các cấp, đặc biệt là bộ phận thường trực của Ban Chỉ đạo và các ngành, đoàn thể trực tiếp tham mưu, thực hiện.

Hai là, coi trọng công tác phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng, trên cơ sở đó đặt ra các biện pháp dự phòng sát với yêu cầu thực tế địa phương về phòng, chống HIV/AIDS; trong đó chú trọng các giải pháp chỉ đạo, kiểm tra bảo đảm an toàn tuyệt đối trong kỹ thuật truyền máu và các dịch vụ y tế.

Ba là, địa phương đầu tư kinh phí đúng mức cho công tác phòng chống HIV/AIDS và kiên trì thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông, giáo dục, tập huấn, bồi dưỡng để nâng cao nhận thức, năng lực phòng chống HIV/AIDS trong hệ thống chính trị và toàn xã hội.

PHẦN THỨ HAI

QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU TRONG THỜI GIAN ĐẾN

I- Quan điểm chỉ đạo

- Nâng cao nhận thức người dân về tính chất nguy hiểm của đại dịch HIV/AIDS đối với sức khỏe, tính mạng con người và cộng đồng xã hội; phòng chống HIV/AIDS là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội.

- Kết hợp các biện pháp xã hội và biện pháp chuyên môn kỹ thuật y tế trong phòng, chống HIV/AIDS trên nguyên tắc phối hợp dự phòng với chăm sóc, điều trị toàn diện HIV/AIDS, trong đó dự phòng là chủ đạo. Chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người bị nhiễm HIV/AIDS, tăng cường trách nhiệm của gia đình và xã hội đối với người nhiễm HIV/AIDS.

- Đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS là góp phần tạo ra sự phát triển bền vững của tỉnh, mang lại hiệu quả xã hội trực tiếp và gián tiếp.



II- Mục tiêu

- Khống chế tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư dưới 0,15% vào năm 2020; giảm tác hại của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

- Tầm nhìn 2030, hướng tới ứng dụng các kỹ thuật mới có tính đặc hiệu cao về dự phòng, điều trị, đảm bảo tính bền vững của công tác phòng, chống HIV/AIDS; cùng với cả nước, hướng tới tầm nhìn “ba không6” của Liên Hợp quốc.

- Thực hiện tốt các chỉ tiêu cụ thể đã nêu tại Kế hoạch số số 4263/KH-UBND ngày 07/11/2012 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.



III- Nhiệm vụ và giải pháp phòng chống HIV/AIDS

- Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình hành động số 05-CTr/TU ngày 20/7/2006 của Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị 54-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới và Thông báo Kết luận số 27-TB/TW ngày 09/5/2011 của Ban Bí thư (Khóa XI) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 54-CT/TW của Ban Bí thư; Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); Kế hoạch 4263/KH-UBND của UBND tỉnh Quảng Nam thực hiện Chiến lược phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và các chương trình, kế hoạch liên quan của tỉnh.

- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền các cấp đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS. Các cấp, các ngành tiếp tục kiện toàn hệ thống tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của ban chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm từ tỉnh đến huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn. Đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành và huy động cộng đồng tham gia phòng, chống HIV/AIDS; xây dựng và tổ chức thực hiện chương tình, lồng ghép công tác phòng phống HIV/AIDS vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, dân số, gia đình và trẻ em, với cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng gia đình văn hóa, khối phố, tộc họ, thôn, bản văn hóa. Tiếp tục triển khai có hiệu quả phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư”.

- Tiếp tục thực hiện tốt công tác truyền truyền, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS đến mọi đối tượng; kết hợp giữa tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống HIV/AIDS với tuyên truyền về tác hại, hậu quả và các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS; đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thông tin, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi phòng, chống HIV/AIDS; đa dạng hóa về nội dung, phương thức thực hiện thông tin, giáo dục, truyền thông bảo đảm tính thân thiện, có chất lượng, phù hợp với đặc điểm của từng nhóm đối tượng, văn hóa, ngôn ngữ ở các vùng miền khác nhau trong tỉnh; kết hợp giữa truyền thông đại chúng với truyền thông trực tiếp nhằm huy động mọi nguồn lực và sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, mỗi người dân và cộng đồng vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

- Tiếp tục mở rộng phạm vi triển khai thực hiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động: dự phòng lây nhiễm HIV đối với nhóm người dễ bị lây nhiễm HIV. Thực hiện lồng ghép điều trị HIV/AIDS với các chương trình khác. Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ vật chất, tinh thần cho người nhiễm HIV và gia đình họ để người nhiễm HIV ổn định cuộc sống, hòa nhập và được chăm sóc tại nhà và cộng đồng.

- Nâng cao năng lực quản lý của Sở Y tế, năng lực tham mưu, tổ chức thực hiện của Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS; tiếp tục củng cố và hoàn thiện hệ thống quản lý thông tin dữ liệu về phòng, chống HIV/AIDS toàn tỉnh; thực hiện tốt hoạt động giám sát dịch HIV/AIDS, theo dõi và đánh giá chương trình phòng, chống HIV/AIDS; thực hiện các cam kết và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án về phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.



VI- MỘT SỐ KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT

- Kính đề nghị Trung ương tiếp tục chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức về phòng, chống HIV/AIDS đến nhiều đối tượng trong xã hội để mọi người biết cách tự phòng, chống căn bệnh này.

- Kính đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện đầu tư nâng cao năng lực của các trung tâm phòng chống HIV/AIDS cấp tỉnh; đầu tư, bổ sung trang thiết bị kỹ thuật y tế cần thiết; có cơ chế hỗ trợ tạo điều kiện cho những người bị nhiễm HIV/AIDS được khám chữa bệnh tốt hơn; tăng phụ cấp đối với cán bộ y tế trực tiếp khám, điều trị, chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS.

- Kính đề nghị Bộ Y tế tăng cường chỉ đạo, thực hiện nâng cao chất lượng, hiệu quả các chương trình, dự án phòng chống HIV/AIDS; tiếp tục đầu tư, giám sát việc dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS qua các dịch vụ xã hội và y tế.

Trên đây là báo cáo tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 54-CT/TW của Ban Bí thư khóa IX về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Nơi nhận: T/M BAN THƯỜNG VỤ

- Ban Bí thư Trung ương Đảng (b/c), PHÓ BÍ THƯ

- Ban Tuyên giáo Trung ương (HN, ĐN) (b/c),

- Bộ Y tế (b/c),

- Các BCS đảng, đảng đoàn,

- Các ban đảng Tỉnh ủy, (đã ký)

- Các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc,

- Các sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể tỉnh,

- Các đồng chí TUV,

- Trung tâm PC HIV/AIDS tỉnh,



- Lưu Văn phòng Tỉnh ủy. Nguyễn Ngọc Quang

1 Cho đội ngũ cán bộ là đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, hội đoàn thể ở tỉnh; đại diện lãnh đạo UBND huyện, thành phố; Ban Tuyên giáo Huyện, Thành uỷ; UBMTTQVN huyện, thành phố; Hội Liên hiệp phụ nữ huyện, phố; Huyện, Thành Đoàn; cán bộ phụ trách công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS huyện, thành phố và đại diện lãnh đạo Đảng ủy các xã và Cộng tác viên tiêu biểu của các xã thuộc các huyện, thành phố.

2 Toàn tỉnh, năm 2010, 3,5 tỷ đồng (ngân sách tỉnh 20%), năm 2014, 4,2 tỷ đồng (ngân sách tỉnh 40%).

3 Như người nghiện ma túy, mại dâm

4 Vợ con của người nhiễm HIV/AIDS, người làm các dịch vụ y tế, xã hội liên quan,...

5 Toàn tỉnh chỉ được cấp hằng năm khoảng 600 triệu đồng, mỗi xã trọng điểm chỉ được cấp từ 3 - 5 triệu đồng/năm.

6 Không có người nhiễm mới HIV, không có người tử vong do AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử với HIV/AIDS



tải về 88.79 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương