TÌnh hình thế giớI, CÔng táC ĐỐi ngoại củA ĐẢNG, nhà NƯỚc năM 2012 VÀ phưƠng hưỚNG, nhiệm vụ 20131



tải về 114.67 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích114.67 Kb.
#28645


TÌNH HÌNH THẾ GIỚI, CÔNG TÁC ĐỐI NGOẠI CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC NĂM 2012 VÀ PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ 20131

_________________




  1. TÌNH HÌNH THẾ GIỚI VÀ CÁC KHU VỰC:

1. Kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi chậm, khó khăn hơn năm 2011, không đồng đều giữa các khu vực, và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong ngắn hạn và trung hạn. Trong đó, nổi lên một số đặc điểm sau:

1.1. Tăng trưởng giảm ở tất cả các đầu tàu và khu vực khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2012 dự kiến chỉ đạt 3,3%, (thấp hơn mức 3,6% năm 2011 và 5,1% năm 2010).

1.2. Các nền kinh tế đang nổi tuy gặp khó khăn song vai trò vẫn gia tăng trong kinh tế toàn cầu. Đặc biệt, tuy tăng trưởng thấp nhất trong 30 năm qua nhưng kinh tế Trung Quốc vẫn là điểm tựa quan trọng của KTTG.

1.3. Quá trình tái cấu trúc kinh tế đang diễn ra ở cả tầm toàn cầu, khu vực và quốc gia, bước đầu hình thành các chuỗi cung mới. Nhiều nước chú trọng điều chỉnh mô hình tăng trưởng và chính sách phát triển theo hướng ưu tiên phát triển bền vững, kích thích nội nhu.

1.4. Trong bối cảnh Vòng Đô-ha bế tắc kéo dài và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, xu hướng liên kết kinh tế dưới hình thức các hiệp định mậu dịch tự do và khu vực (FTA/RTA) tiếp tục được thúc đẩy và dẫn dắt bởi các nền kinh tế lớn, nhất là ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

1.5. CA-TBD tiếp tục là động lực của tăng trưởng kinh tế thế giới. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, kinh tế CA-TBD sẽ tăng trưởng 5,5% năm 2012 (cao hơn mức 4,5% năm 2011), trong đó các nền kinh tế đang phát triển sẽ tăng trưởng khoảng 6,6% (so với mức 8,6% năm 2011). GDP của Mỹ là 15.075 tỷ USD, chiếm khoảng 21,56% GDP toàn cầu; Trung Quốc là 7.298 tỷ USD, chiếm 10,44%2.Các nước ASEAN cũng đạt tốc độ tăng trưởng tương đối cao trong năm 2012.



2. Tình hình chính trị - an ninh: Về tổng thể, hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn như Đại hội Đảng XI đã nhận định. Tuy nhiên, tình hình ở một số khu vực trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tác động mạnh đến môi trường an ninh và phát triển của nhiều quốc gia.

Khu vực CA-TBD tiếp tục khẳng định mạnh mẽ xu hướng trở thành trung tâm kinh tế - chính trị của thế giới. Các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, EU, Đức, Anh, Pháp, Ca-na-đa đều điều chỉnh theo hướng coi trọng CA-TBD hơn trong chính sách đối ngoại của mình. Ở Đông Nam Á, tình hình nội bộ các nước về cơ bản ổn định. Mi-an-ma đẩy mạnh quá trình cải cách, mở cửa. ASEAN đang đẩy nhanh việc triển khai lộ trình xây dựng Cộng đồng vào năm 2015, tạo cơ sở cho các bước phát triển tiếp theo và cao hơn của Hiệp hội. ASEAN nỗ lực duy trì đoàn kết nội khối, tăng cường hợp tác kết nối ASEAN, mở rộng và làm sâu sắc quan hệ với các đối tác bên ngoài, duy trì vai trò trung tâm trong các cơ chế hợp tác quan trọng ở khu vực, đồng thời tiếp tục đề cao việc tôn trọng các nguyên tắc căn bản của Hiệp hội như “đồng thuận”, “tham vấn” và “không can thiệp”, tích cực phối hợp xử lý các công việc của Hiệp hội.

Tình hình Biển Đông diễn biến rất phức tạp. Trung Quốc chủ động và quyết liệt hơn trong việc hiện thực hóa “đường lưỡi bò” bằng mọi biện pháp, trên mọi phương diện. Đặc biệt, Trung Quốc chính thức thành lập “thành phố Tam Sa” (21/6), mời thầu 9 lô dầu khí nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam (23/6). Về đối ngoại, Trung Quốc tiếp tục chống việc quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, đòi giải quyết song phương các tranh chấp, kiên trì chủ trương gác tranh chấp cùng khai thác ở Biển Đông (kể cả trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước ven biển). Về pháp lý, Trung Quốc tiếp tục “hợp pháp hóa” hành vi chiếm đóng và hiện diện tại Hoàng Sa và Trường Sa. Về tuyên truyền, trên các báo, mạng của Trung Quốc xuất hiện một số bài viết chỉ trích Việt Nam và Phi-líp-pin. Cộng đồng quốc tế thể hiện lập trường kiên quyết hơn trong việc phản đối “đường lưỡi bò”. Đáng chú ý, ASEAN đã ra được Tuyên bố 6 điểm (20/7), thống nhất nội dung các thành tố cơ bản của COC và ra Tuyên bố chung ASEAN-Trung Quốc kỷ niệm 10 năm ký DOC.

Tại Đông Bắc Á, tranh chấp biển đảo giữa Trung Quốc - Nhật Bản - Hàn Quốc ở biển Hoa Đông leo thang khiến quan hệ giữa các nước xuất hiện nhiều căng thẳng. Đáng chú ý, quan hệ Trung - Nhật bị đẩy vào trạng thái nghiêm trọng nhất kể từ sau vụ va chạm tàu 9/2010. Quan hệ liên Triều vẫn căng thẳng. Triều Tiên hai lần tiến hành phóng vệ tinh (13/4 và 12/12). Đàm phán 6 bên chưa được nối lại; vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên tiếp tục bế tắc. Kim Jong-un được 5,6 triệu phiếu bầu "Nhân vật của năm" Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vừa được các độc giả của tạp chí Time chọn làm "Nhân vật của năm" trong một cuộc bầu chọn không chính thức.

Trung Đông - Bắc Phi tiếp tục là khu vực bất ổn, căng thẳng nhất trên thế giới do những mâu thuẫn nội tại chính trị-xã hội, tôn giáo, sắc tộc bộc lộ ngày càng sâu sắc trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược quyết liệt giữa các nước lớn. Khủng hoảng chính trị - xã hội đã lan ra 20/22 quốc gia trong khu vực và tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều lúc vượt ra khỏi vòng kiểm soát. Khủng hoảng Xi-ri tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng bị quốc tế hóa. Tình hình Ai Cập lại bất ổn sau khi Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi quyết định tuyên bố ban hành hiến pháp 22/11, cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đang nhấn chìm đất nước. Quân đội Ai Cập điều xe tăng bảo vệ Phủ Tổng thống, gửi “Tối hậu thư” cho các bên sau khi xảy ra các vụ đụng độ gây chết người giữa người biểu tình và lực lượng an ninh. "Giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị đang lan rộng hiện nay phải phù hợp với hiến pháp và các quy định về dân chủ, phải coi đối thoại là biện pháp duy nhất nhằm đạt được thỏa thuận vì lợi ích quốc gia và lợi ích của người dân Ai Cập”. Căng thẳng giữa I-ran với Mỹ, I-xra-en và phương Tây vẫn tiếp diễn. Các cuộc đàm phán hạt nhân giữa I-ran và các nước P5+1 không đạt kết quả. Mỹ phối hợp với EU tăng cường cấm vận đối với I-ran. Cả I-ran và Mỹ, I-xra-en đều chủ động tiến hành nhiều biện pháp răn đe lẫn nhau. Tiến trình hòa bình Trung Đông vẫn bế tắc mặc dù Pa-le-xtin đã được LHQ trao quy chế quan sát viên phi quốc gia…

3. Các nước lớn ưu tiên xử lý các vấn đề nội bộ trong năm có chuyển giao lãnh đạo và bầu cử, đặc biệt về kinh tế; quan hệ giữa các nước lớn nhìn chung vẫn là vừa hợp tác vừa cạnh tranh.

Trung Quốc đã thực hiện chuyển giao quyền lực suôn sẻ, triệt để sang thế hệ lãnh đạo thứ 5 tại Đại hội 18 với quyền lực tập trung hơn (giảm số Ủy viên Thường vụ BCT từ 9 xuống 7, Hồ Cẩm Đào chuyển giao luôn chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương cho Tập Cận Bình…). Đại hội 18 đề ra nhiều định hướng phát triển quan trọng cho Trung Quốc đến năm 2020, trong đó nhấn mạnh các mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành “cường quốc biển”, “cường quốc văn hóa”… Tuy tăng trưởng kinh tế chậm lại và phải đối mặt với nhiều thách thức đối nội và đối ngoại, song về cơ bản tình hình kinh tế - xã hội của Trung Quốc ổn định; sức mạnh tổng hợp tiếp tục gia tăng.

Mỹ, khó khăn kinh tế khiến cuộc chạy đua giữa Tổng thống Ô-ba-ma và ứng cử viên đảng Cộng hòa M. Rom-ni diễn ra rất quyết liệt, sít sao. Tổng thống O-ba-ma đã tái cử nhiệm kỳ 2; đảng Cộng hòa vẫn chiếm đa số trong Hạ viện Mỹ. Về đối ngoại, Mỹ điều chỉnh chiến lược “tái cân bằng” tại khu vực CA-TBD theo hướng toàn diện hơn, ngày càng coi trọng ASEAN (thăm Mi-an-ma, Thái Lan, Cam-pu-chia ngay sau khi tái cử).



Ở Nga, sau khi Pu-tin đắc cử Tổng thống, đề ra chiến lược hiện đại hóa kinh tế, quốc phòng và củng cố quan hệ đối ngoại theo hướng ưu tiên các nước trong cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) và coi trọng hơn khu vực CA-TBD. Trong Thông điệp Liên bang chủ yếu tập trung vào các vấn đề xã hội, Tổng thống Putin hứa sẽ khuyến khích các gia đình có nhiều con, tạo ra 25 triệu việc làm mới và mang tới nhiều ưu đãi hơn cho các giáo viên, bác sĩ, kỹ sư và những ngành nghề khác.

TTh. Putin cũng khẳng định Nga sẽ đi theo quan điểm của mình về xã hội dân chủ và gạt bỏ bất kỳ "tiêu chuẩn bắt buộc nào đối với chúng ta từ bên ngoài." "Sự can thiệp trực tiếp hay gián tiếp từ bên ngoài vào tiến trình chính trị của chúng ta là không thể chấp nhận được," ông nói. "Những người nhận tiền từ nước ngoài để thực hiện các hoạt động chính trị của họ và phục vụ lợi ích của người nước ngoài không nên tham gia vào chính trị tại Nga."

Tổng thống Nga tuyên bố việc củng cố sức mạnh quân sự là để "đảm bảo độc lập và an ninh của đất nước". Nga sẽ tiếp tục thúc đẩy "nỗ lực phối hợp tập thể" trong việc đối phó với các vấn đề toàn cầu.

TTh. Putin đưa ra những hứa hẹn mới trong cuộc chiến chống tham nhũng. "Tham nhũng đang phá hủy các nguồn lực của một quốc gia phát triển". Ông Putin tuyên bố: “Chúng ta sẽ tiếp tục tấn công tham nhũng, tệ nạn đang làm xói mòn, hủy diệt sự phát triển đất nước. Không một cấu trúc kinh doanh nào được hưởng quyền ưu đãi từ sự gần gũi các ngành hành pháp, lập pháp và tư pháp, ở mọi cấp độ”. Tổng thống Vladimir Putin kêu gọi kiểm tra thu nhập và chi tiêu của những quan chức cao cấp. Ông nhấn mạnh rằng đòi hỏi này cần áp dụng đối với tất cả các nhân vật giữ chức vụ nhà nước, kể cả những nhân vật hàng đầu, các thành viên Chính phủ, nghị sĩ Quốc hội cũng như người thân của họ.

Ông kêu gọi trừng phạt các quan chức, những người sở hữu tài khoản ngân hàng ở nước ngoài hoặc cổ phiếu ở các nước, họ sẽ phải giải thích về nguồn tài chính để mua những tài sản giá trị, bao gồm bất động sản.

TTh. Putin nhắc lại các cam kết giảm sự phụ thuộc quốc gia vào xuất khẩu dầu và các nguồn tài nguyên khoáng sản khác, bên cạnh đó khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao.

Tại Nhật Bản, khó khăn kinh tế và chính trị khiến Thủ tướng Nô-đa phải 3 lần cải tổ Nội các (tháng 1, 6 và 9/2012) và giải tán Hạ viện (16/11) để tổ chức bầu cử sớm. Các cuộc thăm dò dư luận gần đây đều cho thấy khả năng Đảng Dân chủ Tự do (LDP) sẽ giành chiến thắng, trở lại nắm quyền lãnh đạo chính trường sau một thời gian bị gián đoạn. Theo kết quả cuộc thăm dò mới nhất công bố ngày 14/12, liên minh giữa LDP và đảng Công Minh mới sẽ giành được được 2/3 số phiếu tại Hạ viện và như vậy, Chủ tịch LDP, cựu Thủ tướng Shinzo Abe, sẽ trở thành thủ tướng mới của Nhật Bản.

Giới phân tích đánh giá nếu trở thành thủ tướng, ông Abe sẽ phải hoàn thành các cam kết đưa ra trong chiến dịch tranh cử, trong đó có việc tăng cường khả năng quân sự và bảo vệ bờ biển, đặc biệt liên quan đến tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản về chủ quyền đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông.

Điều này có thể dẫn đến việc Nhật Bản sẽ thực thi một chính sách đối ngoại cứng rắn hơn. Trong bài phát biểu vận động tại tỉnh Saitama, ông Abe nhắc lại lời hứa sẽ "củng cố liên minh Mỹ-Nhật, bảo vệ các vùng lãnh thổ và lãnh hải của Nhật Bản."

Đối với vấn đề kinh tế, ông Abe cam kết sẽ giải quyết tình trạng giảm phát, đề nghị Ngân hàng Trung ương áp dụng chỉ tiêu lạm phát 3% và mua thêm trái phiếu, động thái được cho là nhằm đối phó với tình trạng thâm hụt ngân sách. Cam kết của ông đang bị chỉ trích sẽ làm suy yếu tính độc lập của BOJ. Tuy nhiên, không thể phủ nhận những cam kết này đang giúp ngăn chặn đà tăng giá của đồng yên vốn làm cho hoạt động xuất khẩu của Nhật Bản lao đao trong thời gian qua.

Pháp có thay đổi lãnh đạo với việc ứng cử viên theo đường lối cánh tả F. Ô-lăng-đơ đắc cử Tổng thống, đề ra chủ trương kích thích tăng trưởng thay cho các biện pháp thắt lưng buộc bụng để giải quyết những khó khăn kinh tế của Pháp và Eurozone. EU tập trung khắc phục khủng hoảng Eurozone theo hướng thu hẹp bất đồng, dung hòa giữa chủ trương tăng cường kỷ luật tài chính của Đức và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Pháp.

Quan hệ giữa các nước lớn vẫn tiếp tục khuôn khổ vừa hợp tác vừa đấu tranh. Các nước lớn tiếp tục tăng cường hợp tác nhằm khắc phục khó khăn kinh tế và các thách thức an ninh chung. Quan hệ Mỹ-Trung một mặt được điều chỉnh theo hướng giảm căng thẳng, hướng tới việc xây dựng mô hình “quan hệ nước lớn kiểu mới” giữa hai bên. Mặt khác, cạnh tranh chiến lược Trung-Mỹ vẫn hết sức gay gắt. Quan hệ Nga-Mỹ Nga-NATO vẫn tồn tại căng thẳng do bất đồng trong vấn đề phòng thủ tên lửa, khác biệt quan điểm trong vấn đề Xi-ri. Quan hệ Nga-Trung tiếp tục được củng cố và đi vào chiều sâu, phát triển lên cấp độ mới toàn diện hơn kể cả về song phương cũng như trong khuôn khổ Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Mỹ và các nước lớn khác đẩy mạnh hợp tác nhóm qua các cơ chế phối hợp tay ba như Mỹ-Nhật-Hàn, Mỹ-Nhật-Ấn, Mỹ-Nhật-Úc, Ấn-Nhật-Hàn.

Các điểm nóng trên thế giới năm 2013

Các nhà lãnh đạo của thế giới, từ tân tổng bí thư đảng của Trung Quốc, đến tổng thống Nga Putin và Mỹ Obama, sẽ đối mặt nhiều vấn đề nóng trong năm mới, từ khủng hoảng kinh tế đến các tranh chấp biển và chảo dầu sôi ở Trung Đông.

Khủng hoảng kinh tế Mỹ và châu Âu


"Không có vấn đề ngoại giao nào trong năm 2013 có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, chính trị và an ninh của thế giới bằng việc liệu Mỹ và châu Âu có giải quyết được tình trạng khủng hoảng kinh tế hay không", Jessica Mathews, chủ tịch Quỹ Carnegie về Hòa bình Quốc tế viết trong bài "10 thách thức và cơ hội cho những nhà lãnh đạo thế giới năm 2013".

Trừ khi Tổng thống Mỹ Obama có thể đạt được thỏa thuận với đối thủ của đảng Cộng hòa vào cuối năm nay, nếu không Mỹ sẽ vẫn phải treo mình trên "vách đá tài chính", sự kết hợp của việc tăng thuế và cắt giảm chi tiêu, có thể dẫn đến cuộc suy thoái khác cho nền kinh tế lớn nhất thế giới.

"Nếu các đảng phái chính trị ở Mỹ có thể thống nhất phương pháp tháo gỡ khó khăn của vách đá tài chính, thủ phạm bóp nghẹt nền kinh tế trong 18 tháng qua đối với khu vực đầu tư tư nhân, thì nền kinh tế mới có thể được phục hồi và tạo ra năng lượng và sức nặng cho Mỹ trong những vấn đề quốc tế", Mathews nói.

Đối với châu Âu, "thách thức vẫn là việc tập trung chống đỡ cho nền kinh tế và quyết tâm chính trị", chuyên gia của Mỹ giải thích. "Khủng hoảng đồng euro vào năm 2012 từ cấp tính sẽ trở thành mãn tính, theo đuổi chúng ta trong những năm tới", bà nói và cảnh báo những nước như Pháp, Italy, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha cần phải "duy trì những biện pháp khắc khổ, tránh lùi bước, đặc biệt là Pháp, để tiếp tục từng bước phục hồi tăng trưởng".

GDP của của khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu được dự báo sẽ giảm 0,3% trong năm sau, tuy nhiên Justin Vaisse, giám đốc cơ quan nghiên cứu về Mỹ và châu Âu thuộc Viện nghiên cứu Brookings, nói rằng ông tin tưởng thời kỳ khó khăn nhất của cuộc khủng hoảng đồng euro đã đi qua.

Nhưng chuyên gia người Pháp này cũng lo lắng rằng yếu tố ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu có thể phụ thuộc vào Trung Quốc. Ông dự kiến một tương lai ảm đạm trong đó khu vực đồng euro "cắt giảm nhập khẩu từ Trung Quốc vì sự suy thoái nghiêm trọng hơn dự kiến", gây ra "những ảnh hưởng về xã hội, địa chính trị và chính trị" ở Trung Quốc.


  • Tranh chấp trên biển xung quanh Trung Quốc, vai trò của Mỹ


Trước tình hình căng thẳng gia tăng trên Biển Đông, các chuyên gia đang ngày càng lo sợ một cuộc chạy đua vũ trang thậm chí là xung đột vũ trang trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Việc tranh chấp những quần đảo hoang vu không người tưởng chừng như không phải vấn đề gì to tát, nhưng thực tế lại có thể lại làm bùng lên thành cuộc xung đột quân sự giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Mỹ có quan hệ liên minh quân sự với Nhật Bản nhưng hiện tại tuyên bố không đứng về phía nào trong tranh chấp.

Các nước láng giềng của Trung Quốc "đang trông đợi Mỹ trở thành lực lượng đối trọng về quân sự và chính trị với Trung Quốc, mà nếu không có yếu tố đối trọng này có thể dẫn đến việc một quốc gia có thể hoàn toàn thống trị đối với khu vực", cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Harold Brown, cố vấn cho Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nói.

-Cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran vẫn là "vấn đề nóng bỏng" trong năm 2013, với "khả năng bùng phát dữ dội trong khu vực", ông Vaisse nhận định. Các cường quốc và Isarel nghi ngờ Tehran phát triển vũ khí hạt nhân dưới vỏ bọc của chương trình hạt nhân dân dụng, bất chấp sự phủ nhận của quốc gia Hồi giáo.


Trong khi Iran kiên quyết chương trình làm giàu uranium của mình thì "logic của thập kỷ trước về việc áp dụng trừng phạt và tiến hành đàm phán đã không còn tác dụng", ông Vaisse nói.

Tuy nhiên, ông Brown lại cho rằng các biện pháp trừng phạt có hiệu quả rõ rệt và kêu gọi tiếp tục ban hành thêm những lệnh trừng phạt mới để ngăn cản chương trình làm giàu uranium của Tehran hoặc ít nhất là tạm ngưng chương trình này. "Tôi không loại trừ khả năng không kích vào cơ sở hạt nhân của Iran vì họ cần phải biết rằng vẫn tồn tại khả năng đó", ông nói.

-Các chuyên gia dự đoán rằng người hùng cố thủ ở Damascus Bashar al-Assad có thể sẽ thất bại trước lực lượng quân nổi dậy vào khoảng Giáng sinh và dự kiến một sự bắt đầu mới cho những "đồng thuận quốc tế", nhờ việc Nga thay đổi thái độ cứng rắn trước đó. Nếu điều đó xảy ra, năm 2013 sẽ là lúc bắt đầu một quá trình "chuyển đổi chính trị khó khăn và lâu dài" ở Syria, ông Mathews nói.

Vaisse thì cho rằng "có khả năng cuộc chiến nội bộ này có thể tự chấm dứt", nhưng cho rằng "vẫn cần có sự hiện diện của phương Tây để duy trì và ổn định trật tự".



II. CÔNG TÁC ĐỐI NGOẠI CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC NĂM 2012

Năm 2012 là năm ta đi vào triển khai mạnh mẽ, toàn diện đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XI. Trong năm thứ hai triển khai Nghị quyết Đại hội XI, công tác đối ngoại tập trung vào các nhiệm vụ chính: (i) làm sâu sắc hơn nữa quan hệ giữa ta và các nước, nhất là các đối tác ưu tiên, quan trọng; (ii) triển khai chủ trương “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế”; (iv) coi trọng phát huy vai trò trong ASEAN; (iv) phối hợp chặt chẽ với quốc phòng-an ninh trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo. Trong bối cảnh môi trường đối ngoại ngày càng phức tạp, tình hình kinh tế-xã hội trong nước gặp nhiều khó khăn, công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước năm 2012 tiếp tục được triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, tranh thủ các điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc gia, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao vị thế của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới, và đã đạt nhiều kết quả nổi bật như sau:



1. Ngoại giao chính trị:

a/ Về song phương, ta đã trao đổi nhiều chuyến thăm, tiếp xúc các cấp, nhất là cấp cao với các nước láng giềng, khu vực, đối tác lớn, bạn bè truyền thống và các đối tác tiềm năng, đồng thời nâng tầm quan hệ với một số đối tác ưu tiên, quan trọng. Về tổng thể, việc số lượng đoàn cấp cao các nước thăm Việt Nam tăng mạnh (năm 2012 dự kiến gấp 4-5 lần so với năm 2011) và nhiều nước thể hiện mong muốn nâng cấp quan hệ với ta cho thấy vai trò và vị thế ngày càng gia tăng của ta trong khu vực và trên quốc tế.

Trong Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt - Lào và Năm Hữu nghị Việt Nam - Cam-pu-chia 2012, quan hệ giữa Việt Nam với Lào và Cam-pu-chia tiếp tục được củng cố và thúc đẩy mạnh mẽ. Với Lào, mật độ trao đổi đoàn cấp cao cũng như các Bộ ngành, địa phương tăng cao, trong đó nổi bật là đoàn Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (2/2012), Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng (7/2012) thăm hữu nghị chính thức Lào và các đoàn TBT, Chủ tịch QH Lào thăm Việt Nam. Hai bên thúc đẩy và nâng cao hiệu quả của các cơ chế hợp tác hiện có, thúc đẩy công tác phân giới cắm mốc đúng theo kế hoạch. Với Cam-pu-chia, ta chủ động thúc đẩy hơn nữa trao đổi Đoàn cấp cao giữa hai nước và tăng cường hợp tác giữa các Bộ ngành và địa phương của hai nước trong năm kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và năm Chủ tịch ASEAN của Cam-pu-chia. Đặc biệt, Lãnh đạo cấp cao hai nước cùng chủ trì nhiều sự kiện quan trọng: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Thủ tướng Hun Xen khánh thành Khu di tích lịch sử Đoàn 125 tại Đồng Nai, dự Lễ cắm mốc 314 và dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam - Cam-pu-chia lần thứ 3 tại Kiên Giang (6/2012). Ta đón Quốc vương Si-ha-mô-ni thăm cấp Nhà nước (9/2012), Chủ tịch QH Heng Xom-rin thăm hữu nghị chính thức (7/2012).

Với Trung Quốc, hai nước tích cực triển khai những thoả thuận cấp cao đạt được trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (10/2011) và chuyến thăm Việt Nam của Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (12/2011). Tuy nhiên, quan hệ hai nước căng thẳng hơn sau khi Trung Quốc lấy cớ Việt Nam thông qua Luật Biển để tăng sức ép mọi mặt đối với ta. Trong bối cảnh đó, ta chủ động trao đổi nhiều chuyến thăm của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thứ trưởng các Bộ ngành cũng như tranh thủ tiếp xúc cấp cao nhằm tháo gỡ căng thẳng, đưa quan hệ hai nước trở lại quỹ đạo phát triển bình thường. Hợp tác thương mại, đầu tư và du lịch phát triển tương đối ổn định. Bên cạnh mặt hợp tác, ta kiên quyết đấu tranh với những hành động của Trung Quốc vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và vùng biển, Vùng Đặc quyền Kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa ta và các nước ASEAN khác tiếp tục được tăng cường. Tổng Bí thư ta thăm chính thức Xinh-ga-po (9/2012), hai nước nhất trí thúc đẩy hợp tác và lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2013. Chủ tịch nước ta thăm chính thức Bru-nây và Mi-an-ma (27/11-1/12). Ta đón Tổng thống Mi-an-ma (20-21/3), Tổng thống Xinh-ga-po (23-27/4), Chủ tịch QH Mi-an-ma thăm Việt Nam Hợp tác đảng giữa ta với các nước ASEAN cũng được thúc đẩy.

Quan hệ giữa Việt Nam và các đối tác chiến lược chủ chốt tiếp tục được thúc đẩy theo hướng thực chất, đi vào chiều sâu, bền vững. Với Nga, trong chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (7/2012), hai bên nhất trí đưa quan hệ hợp tác Việt - Nga lên tầm “đối tác chiến lược toàn diện”. Ta đón Thủ tướng Mét-vê-đép thăm chính thức (11/2012). Việc Tổng thống Pu-tin ra Sắc lệnh “Về các biện pháp thực hiện chính sách đối ngoại” (5/2012), trong đó khẳng định Việt Nam là một trong 3 đối tác chiến lược quan trọng nhất của Liên bang Nga ở Châu Á - TBD (Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam) cho thấy tầm quan trọng và tính bền vững của quan hệ Việt - Nga. Hợp tác kinh tế-thương mại Việt-Nga phát triển tốt. Tại cuộc gặp bên lề Hội nghị Cấp cao APEC 20 (9/2012), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Pu-tin đã nhất trí tăng cường hơn nữa quan hệ nhiều mặt giữa hai nước, đặc biệt trong vùng Viễn Đông của Nga và trên các lĩnh vực khai khoáng, chế biến gỗ, may mặc, thủy sản, giáo dục đào tạo…. Hai bên đẩy nhanh tiến độ dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận I, tích cực triển khai thực hiện Danh mục ưu tiên 2012 và phối hợp tốt cùng xử lý các vấn đề về bảo hộ công dân hai nước. Nga cam kết tiếp tục hợp tác dầu khí với ta trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Ta và Nhật Bản trao đổi nhiều đoàn các cấp và tập trung vào các hoạt động chuẩn bị kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Nhật và Năm Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản 2013. Hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư - ODA đạt những kết quả nổi bật. Đáng chú ý, FDI của Nhật vào ta có xu hướng tăng mạnh. Hai bên đang thảo luận lập công ty cổ phần và hoàn thiện báo cáo khả thi về khai thác đất hiếm, đang đàm phán sơ bộ về vấn đề tín dụng cho dự án điện hạt nhân. Nhật tiếp tục là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam. Với Hàn Quốc, quan hệ chính trị-ngoại giao, kinh tế-thương mại, đầu tư và hợp tác quốc phòng-an ninh được thúc đẩy. Hai nước phối hợp chặt chẽ triển khai các chương trình kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Hai bên đã khởi động đàm phán FTA Việt Nam - Hàn Quốc. Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ tiếp tục phát triển với việc hai nước gia tăng hợp tác khoa học công nghệ và quốc phòng, triển khai nhiều hoạt động kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Quan hệ Việt - Mỹ tiếp tục phát triển thực chất trên các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, quốc phòng - an ninh, khoa học công nghệ và hợp tác nhân đạo trongvấn đề nạn nhân chất độc dam cam/đi-ô-xin. Trao đổi đoàn giữa hai nước gia tăng. Mỹ cử nhiều đoàn quan chức cấp cao của chính quyền và Quốc hội thăm Việt Nam. Quan hệ kinh tế - thương mại, đầu tư giữa hai nước phát triển tốt. Bên cạnh mặt hợp tác, ta tiếp tục đấu tranh với Mỹ trong lĩnh vực dân chủ, nhân quyền và tôn giáo cũng như đối với việc Mỹ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Quan hệ Việt Nam - EU tiếp tục được thúc đẩy. EU coi trọng vị trí của ta và đề nghị Việt Nam ủng hộ thiết lập quan hệ đối tác chiến lược EU - ASEAN. Hai bên đã chính thức ký Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA ngày 27/6), chính thức khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (26/6). Tổng Giám đốc điều hành Cơ quan đối ngoại EU thăm Việt Nam và tiến hành Đối thoại chính trị thường kỳ cấp Thứ trưởng Ngoại giao EU - Việt Nam lần đầu tiên. Quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và các đối tác hàng đầu trong EU như Anh, Pháp, Đức, I-ta-li-a được đẩy mạnh. Tổng thống Áo thăm chính thức Việt Nam (29-31/5). Bộ trưởng Ngoại giao ta thăm EU, Bỉ, và Lúc-xem-bua (26-29/6). Với Đức, hai bên tích cực triển khai những thỏa thuận trong Tuyên bố chung Hà Nội về việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, Bộ trưởng Ngoại giao ta thăm Đức (9/2012), họp nhóm điều hành chiến lược cấp thứ trưởng ngoại giao lần 1. Với Pháp, hai nước tổ chức thành công đối thoại chiến lược Việt - Pháp lần thứ 5. Ngoại trưởng Anh thăm Việt Nam lần đầu tiên sau 15 năm. Quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - I-ta-li-a có những phát triển tích cực: (i) bạn tuyên bố công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, (ii) tỏ mong muốn thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, (iii) mời Tổng Bí thư ta thăm I-ta-lia vào quý I/2013 nhân 40 năm kỷ quan hệ ngoại giao hai nước.

Ta cũng đẩy mạnh quan hệ với các nước bạn bè truyền thống ở khu vực châu Á, Đông Âu, Trung Đông - châu Phi và châu Mỹ La-tinh với việc trao đổi nhiều đoàn cấp cao và có nội dung hợp tác thiết thực. Ta và Cu-ba trao đổi nhiều đoàn các cấp, đặc biệt là đoàn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (8-10/4) thăm Cu-ba và Chủ tịch Cu-ba Ra-un Ca-xtơ-rô (8-9/7) thăm chính thức Việt Nam. Quan hệ hữu nghị truyền thống với các nước SNG tiếp tục được củng cố. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm cấp nhà nước tới Ca-dắc-xtan (9/2012), hai bên trao đổi nhiều biện pháp thúc đẩy thương mại, hợp tác khoa học - kỹ thuật, năng lượng, khai thác dầu khí. Ta đã chủ trì tổ chức thành công Diễn đàn Việt Nam - Mỹ La-tinh về Thương mại và Đầu tư (5-6/7), góp phần tạo động lực cho hợp tác giữa Việt Nam với các nước Mỹ La-tinh.



b/ Ngoại giao đa phương được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả. Trong khuôn khổ ASEAN, ta đã tham gia, đóng góp thiết thực vào việc xây dựng các văn kiện, các nội dung ưu tiên của Hội nghị Cấp cao ASEAN, nhất là lộ trình xây dựng Cộng đồng đến 2015, đồng thời nỗ lực thúc đẩy các vấn đề thuộc lợi ích chiến lược của ta. Đặc biệt, trước khi bàn giao lại vai trò nước điều phối quan hệ ASEAN - Trung Quốc cho Thái Lan, ta đã chủ động cùng các nước ASEAN tích cực thúc đẩy hoàn thành tài liệu quan điểm của ASEAN về các thành tố của Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC); thống nhất phương thức sử dụng văn bản này làm cơ sở để ASEAN trao đổi với Trung Quốc về nội dung COC. Tại các Hội nghị Cấp cao và cấp Bộ trưởng trong khuôn khổ ASEAN, ta tích cực đóng góp vào việc phát huy vai trò của ASEAN và thúc đẩy quan hệ giữa ASEAN và các đối tác; khẳng định lợi ích chính đáng của ta ở Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh mẫu số chung lợi ích giữa ta và một số nước ASEAN khác về quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Ngoại giao đa phương có bước chuyển về chất với bước tiến từ việc gia nhập, tham gia đến “văn hóa thực thi” - coi trọng việc chủ động, tích cực đóng góp thực chất và đưa sáng kiến tại các diễn đàn đa phương và quốc tế. Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử tham gia ASEAN, ứng cử viên do Việt Nam giới thiệu sẽ đảm nhận vai trò Tổng Thư ký ASEAN (nhiệm kỳ 2013-2017). Việc vận động các nước ủng hộ Việt Nam ứng cử vào một số cơ quan quan trọng của LHQ như Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2014-2016), HĐBA (2020-2021) và ECOSOC (nhiệm kỳ 2016-2018) được đẩy mạnh và đã đạt một số kết quả quan trọng bước đầu.



2. Trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, Trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, kinh tế đối ngoại vẫn đạt nhiều kết quả khả quan. Đáng chú ý, mặc dù các nền kinh tế lớn gặp nhiều khó khăn, song kim ngạch thương mại của ta với các đối tác quan trọng đều tăng; kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng khá; việc thực hiện vốn FDI và huy động ODA đạt kết quả khả quan. Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ban ngành và địa phương thực hiện tốt các Nghị quyết của Đảng và Chính phủ về kinh tế vĩ mô; phát huy vai trò của Bộ Ngoại giao và các Bộ ngành hữu quan trong việc tham mưu cho Lãnh đạo Cấp cao về tình hình kinh tế thế giới, kinh nghiệm phát triển của các nước phục vụ điều hành kinh tế vĩ mô; và góp phần thúc đẩy định hướng hội nhập kinh tế quốc tế, tích cực phối hợp xây dựng dự thảo Nghị quyết Chính phủ về Hội nhập Kinh tế Quốc tế đến năm 2015, tầm nhìn đến 2020. Về triển khai cụ thể, ta tập trung cao cho việc đàm phán các Hiệp định thương mại tự do then chốt như TPP (tham gia 5 Phiên đàm phán trong năm 2012), các FTA với EU, Hàn Quốc, Liên minh Thuế quan Nga - Bê-la-rút - Ca-dắc-xtan, Khối thương mại tự do Châu Âu (EFTA); hoàn thành Chiến lược tham gia các khu vực mậu dịch tự do đến năm 2020.

Việc vận động các nước công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam đạt kết quả tốt (đến nay đã có 34 nước công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, trong đó có các nước phát triển như Nhật, I-ta-lia, 4 nước EFTA). Ta triển khai mạnh mẽ các hoạt động xúc tiến kinh tế đối ngoại, quảng bá, mở rộng thị trường xuất khẩu, du lịch, thu hút FDI, ODA, giải quyết các vấn đề tranh chấp nảy sinh trong quan hệ kinh tế quốc tế với các đối tác.



3. Công tác biên giới lãnh thổ luôn được coi trọng, xử lý kịp thời. Về biên giới trên bộ, ta tiếp tục thúc đẩy công tác phân giới cắm mốc với Cam-pu-chia; đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới với Lào. Ta và Trung Quốc đã tiến hành đàm phán Vòng 2 Ủy ban liên hợp biên giới trên bộ Việt Nam - Trung Quốc (24-28/2), trong đó có đàm phán Hiệp định về Quy chế tàu thuyền đi lại tự do ở khu vực cửa sông Bắc Luân và Hiệp định khai thác tài nguyên du lịch khu vực thác Bản Giốc.

Về biên giới trên biển, trọng tâm là kịp thời đấu tranh ngoại giao kiên quyết với những hành động của Trung Quốc vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của ta trên Biển Đông; chủ động thông tin, tuyên truyền để các nước và dư luận quốc tế hiểu và ủng hộ ta; tập hợp lực lượng đấu tranh phản đối “đường lưỡi bò”. Đặc biệt, Quốc hội đã thông qua Luật Biển (21/6), tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc bảo vệ an ninh chủ quyền biển đảo và các lợi ích chiến lược của đất nước. Bên cạnh đó, ta coi trọng mặt hợp tác tìm giải pháp cho các tranh chấp trên biển và xây dựng lòng tin với Trung Quốc. Với các nước ASEAN, triển khai hợp tác trên ba hướng chính: (i) thúc đẩy Báo cáo chung Việt Nam - Ma-lai-xi-a về xác định Ranh giới ngoài thềm lục địa; (ii) tăng cường đàm phán phân định vùng chồng lấn thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế; (iii) nỗ lực tăng cường phối hợp trong các nước ASEAN-4 về vấn đề Biển Đông, nhất là giữa Việt Nam và Phi-líp-pin. Ngoài ra, ta cũng tích cực đấu tranh với đại diện Google khu vực Đông Nam Á (trụ sở tại Xinh-ga-po) yêu cầu Google sửa lỗi thể hiện sai lệch về chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông trong bản đồ trực tuyến Google Maps.



4. Trong lĩnh vực dân chủ, nhân quyền và tôn giáo, tình hình diễn biến có phần phức tạp hơn do tác động của bất ổn chính trị - xã hội ở Trung Đông - Bắc Phi và một số khu vực khác cũng như việc các lực lượng phản động và cơ hội chính trị trong và ngoài nước lợi dụng, kích động bức xúc xã hội. Sức ép từ các nước phương Tây đối với ta có biểu hiện gia tăng hơn trước. Trong bối cảnh đó, ta đã chủ động kết hợp cả hợp tác và đấu tranh, không né tránh, qua đó thu hẹp những khác biệt quan điểm và thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau giữa ta và các nước, đồng thời không để ảnh hưởng đến quan hệ song phương giữa ta và các đối tác quan trọng như Mỹ và EU. Trên bình diện song phương, ta đã tổ chức đối thoại nhân quyền với nhiều đối tác quan trọng như EU, Úc, Thụy Sĩ, Na Uy, Mỹ; tổ chức tốt cuộc họp Vòng 2 Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam - Va-ti-căng và đón Đặc Phái viên không thường trú của Va-ti-căng thăm Việt Nam; kiên trì đấu tranh, ngăn chặn một số thế lực ở Mỹ muốn đưa ta trở lại Danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tôn giáo (CPC). Trong khuôn khổ ASEAN, ta cùng các nước ASEAN xây dựng và thông qua (18/11) Tuyên bố Nhân quyền đầu tiên của ASEAN (AHRD) với nội dung tương đối bao quát, khẳng định được các giá trị nhân quyền phổ quát, phản ảnh được các giá trị của ASEAN cũng như đặc thù của khu vực, về cơ bản đáp ứng được các yêu cầu của ta.

5. Công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại được triển khai mạnh mẽ với trọng tâm là đấu tranh dư luận bảo vệ chủ quyền biển đảo, đấu tranh bác bỏ những quan điểm, thông tin sai trái về Việt Nam và quảng bá hình ảnh đất nước ta trên thế giới. Bộ Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành, địa phương định hướng thông tin tuyên truyền về các vấn đề đối nội, đối ngoại của ta, góp phần tạo đồng thuận trong xã hội và tránh gây tác động tiêu cực đến quan hệ đối ngoại của ta.

6. Công tác Ngoại giao văn hóa được đẩy mạnh tập trung vào việc xây dựng Kế hoạch Hành động của Bộ Ngoại giao nhằm triển khai Chiến lược Ngoại giao Văn hóa đến năm 2020. Ta cũng chú trọng làm phong phú các nội dung về các hoạt động với các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống trong dịp kỷ niệm Năm Hữu nghị 2012 với Lào, Cam-pu-chia, Ấn Độ, Hàn Quốc... Ta cùng UNESCO tổ chức kỷ niệm 40 năm ngày UNESCO thông qua “Công ước bảo vệ Di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới” (1972-2012). Ta đã vận động thành công UNESCO công nhận một số di sản của ta như Thành nhà Hồ tại Thanh Hóa, Mộc bản Kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm là di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức Thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO; tiếp tục vận động UNESCO công nhận Quần thể Danh thắng Tràng An là Di sản Văn hóa thế giới... Ta cũng đã tổ chức thành công cho Ngoại giao Đoàn tham dự Festival Hoa Đà Lạt và các chương trình văn hóa đặc sắc dịp Tết Nhâm Thìn.

7. Công tác người Việt Nam ở nước ngoài đạt những kết quả tích cực. Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị tiếp tục được cụ thể hóa bằng các chính sách tạo thuận lợi cho kiều bào, quan tâm hỗ trợ kiều bào, nhất là ở các địa bàn khó khăn, đồng thời tranh thủ và huy động kiều bào ta ở nước ngoài hướng về quê hương đất nước, đóng góp thiết thực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngoài các hoạt động thông lệ hàng năm (“Xuân Quê hương 2012”, đoàn kiều bào tiêu biểu về dự Giỗ tổ Hùng Vương, Trại hè Việt Nam cho thanh thiếu niên người Việt Nam ở nước ngoài...), ta đã lần đầu tiên tổ chức đoàn kiều bào cùng đại diện 6 tôn giáo đi thăm Trường Sa và nhà dàn DK1 nhân dịp kỷ niệm 37 năm giải phóng quần đảo Trường Sa; triển khai đề án “Giải quyết các vấn đề người Việt Nam tại Cam-pu-chia”; tổ chức thành công Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần 2 (9/2012). Công tác bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài được coi trọng. Ta đã kịp thời phối hợp với các nước cứu nạn nhiều vụ tàu cá của ta hoặc của nước ngoài có công dân ta gặp nạn trên biển; khẩn trương, tích cực giao thiệp với các nước liên quan xử lý các vụ tàu cá của các địa phương gặp nạn hoặc bị bắt giữ; phối hợp nhanh và hiệu quả với cơ quan chức năng của Trung Quốc, Cam-pu-chia, Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xia, Bru-nây, Nga... để bảo vệ quyền lợi của công dân, lao động ta gặp khó khăn tại các nước bạn. Ngoài ra, ta cũng tích cực tham gia giải quyết các vụ kiện tranh chấp kinh tế quốc tế liên quan đến các công ty và lao động ta ở nước ngoài.

8. Đối ngoại Đảng tiếp tục được đẩy mạnh, trong đó có việc tăng cường quan hệ giữa Đảng ta với các Đảng Cộng sản, đảng cầm quyền góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ của ta với các đối tác. Trọng tâm là tổ chức thành công Hội đàm thường niên giữa Bộ Chính trị Đảng ta với Bộ Chính trị Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (1/2012) và Ban Thường vụ Trung ương Đảng Nhân dân Cam-pu-chia (3/2012). Trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Cu-ba (4/2012) và Xinh-ga-po (9/2012), Đảng ta ký thỏa thuận tăng cường hợp tác với Đảng Cộng sản Cu-ba và trao đổi nhiều biện pháp xây dựng Đảng, công tác lãnh đạo và đào tạo cán bộ với đảng Hành động Nhân dân Xinh-ga-po (PAP). Hợp tác đảng giữa ta với một số nước ASEAN cũng được thúc đẩy.Ta đón đồng chí Ra-un Ca-xtơ-rô, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Cu-ba, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Cu-ba thăm Việt Nam (7/2012), Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Lưu Vân Sơn thăm Việt Nam và đồng chủ trì Hội thảo lý luận hai Đảng lần thứ 8 (6/2012). Trong đó, Ban Tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc và Ban Tuyên giáo Đảng Cộng Sản Việt Nam ký Thỏa thuận về cơ chế hợp tác giao lưu giữa hai Đảng; Phó Chủ tịch Chính hiệp Lệ Vô Úy thăm Việt Nam (4/2012); Trưởng Ban tổ chức Đảng ủy Quảng Đông, Trưởng Ban kiểm tra Đảng ủy Vân Nam thăm Việt Nam (8/2012)… Đặc biệt, sau Đại hội 18 của Trung Quốc, ta cử Đặc Phái viên của Tổng Bí thư sang chúc mừng thành công của Đại hội và đón Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch QH Lý Kiến Quốc sang Việt Nam thông báo kết quả Đại hội.

9. Đối ngoại Quốc hội đạt nhiều kết quả quan trọng, đóng góp chung vào các thành tựu đối ngoại của đất nước trong năm 2012. Quan hệ giữa Quốc hội ta với Quốc hội/Nghị viện các nước ở khu vực và trên thế giới trong năm 2012 phát triển mạnh và rộng khắp, hoạt động trao đổi đoàn diễn ra nhộn nhịp thể hiện sự coi trọng Việt Nam nói chung và Quốc hội Việt Nam nói riêng. Trong đó, đáng chú ý là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thăm chính thức Lào (7/2012), Thái Lan và Nhật Bản (12/2012); ta đã đón các đoàn Chủ tịch Quốc hội Lào, Chủ tịch Thượng viện và Chủ tịch Quốc hội Cam-pu-chia, Chủ tịch Quốc hội Mi-an-ma, Chủ tịch Hạ viện In-đô-nê-xi-a, Chủ tịch thượng viện Mê-hi-cô, Chủ tịch thượng viện Chi-lê, Chủ tịch Thượng viện Nga, Chủ tịch Quốc hội Bun-ga-ri thăm chính thức nước ta; đón Ủy viên BCT, Phó Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Lý Kiến Quốc thăm Việt Nam (11/2012) thông báo kết quả Đại hội 18.

Hoạt động đối ngoại đa phương của Quốc hội ta cũng được đẩy mạnh với việc Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dự Hội nghị Đối tác Nghị viện Á-Âu lần thứ 7 (ASEP-7) từ 3-4/10 tại Lào, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng dự Đại Hội đồng Liên Nghị viện ASEAN (AIPA 33 - 9/2012) tại In-đô-nê-xia, lãnh đạo Quốc hội dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) lần thứ 126 tại U-gan-đa (4/2012) và lần thứ 127 tại Quê-bếch, Ca-na-đa (10/2012)... Các hoạt động đối ngoại của Quốc hội liên quan tới bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, chính sách hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi của người Việt Nam ở nước ngoài, trong các vấn đề dân tộc, dân chủ, nhân quyền, xử lý hậu quả chất độc màu da cam được đẩy mạnh. Hoạt động hợp tác quốc tế diễn ra trên nhiều lĩnh vực như đào tạo, tăng cường năng lực, kỹ năng xây dựng pháp luật cho đại biểu. Các hoạt động đối ngoại của Quốc hội đã góp phần tăng cường tình đoàn kết, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Quốc hội và nhân dân Việt Nam với Quốc hội và nhân dân các nước trên thế giới.



10. Các hoạt động ngoại giao nhân dân đã được triển khai theo hướng chủ động, tích cực đẩy mạnh các hoạt động vì hòa bình, đoàn kết, hữu nghị và hợp tác giữa các dân tộc. Ngoại giao nhân dân góp phần mở rộng mạng lưới, thắt chặt quan hệ của ta với các đối tác cũng như phát huy tốt vị thế, vai trò của Việt Nam trên các diễn đàn nhân dân quốc tế với các trọng tâm là: tổ chức Liên hoan hữu nghị nhân dân Việt - Lào lần thứ 3 (7/2012), Gặp gỡ hữu nghị và hợp tác nhân dân Việt Nam - Cam-pu-chia lần thứ 3 (8/2012), Diễn đàn Nhân dân Việt - Trung lần thứ 4 (9/2012), tham gia Diễn đàn Nhân dân ASEAN 2012, tổ chức Hội nghị các tổ chức nhân dân ASEAN – Trung Quốc lần thứ 7 (8/2012), tham gia Diễn đàn Hòa bình và Phát triển Đông Á. Công tác vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài được triển khai có hiệu quả. Công tác ngoại vụ địa phương có nhiều đóng góp thiết thực vào sự nghiệp đối ngoại chung của đất nước. Trong số 63 tỉnh thành trong cả nước, 40 tỉnh đã có Sở ngoại vụ với tổng số gần 1.100 cán bộ ngoại vụ. Nhiều cơ quan Ngoại vụ địa phương đã làm tốt vai trò tiên phong và nòng cốt trong công tác đối ngoại tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bộ Ngoại giao phối hợp chặt chẽ với và các bộ, ngành liên quan triển khai có hiệu quả đường lối đối ngoại của thời kỳ Đổi mới, đẩy mạnh công tác ngoại giao phục vụ kinh tế, góp phần đắc lực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Hiện nay, Bộ Ngoại giao đang triển khai thực hiện đề án nâng cao năng lực ngoại ngữ và chuyên môn cho cán bộ ngoại vụ các tỉnh, thành phố.

III. PHƯƠNG HƯỚNG LỚN TRONG CÔNG TÁC ĐỐI NGOẠI THỜI GIAN NĂM 2013:
Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có biến đổi phức tạp tác động nhiều chiều tới môi trường an ninh và phát triển của Việt Nam, trong năm 2013 và những năm tiếp theo, công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta sẽ tập trung vào những hướng chính như sau:
1. Về chính trị đối ngoại, tích cực triển khai các nhiệm vụ đối ngoại với trọng tâm là: Tiếp tục đưa quan hệ với các đối tác ưu tiên, quan trọng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả hơn, trong đó triển khai chủ trương nâng cấp quan hệ với một số đối tác ưu tiên theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị; Chuẩn bị và triển khai hiệu quả các hoạt động đối ngoại quan trọng của Lãnh đạo cấp cao ta và đón Lãnh đạo Cấp cao các nước thăm Việt Nam; Tiếp tục triển khai các hoạt động kỷ niệm tròn, năm chẵn trong quan hệ ngoại giao của ta với các nước; Tích cực chuẩn bị cho việc ta đảm nhiệm chức Tổng Thư ký ASEAN.
2. Hoàn thành xây dựng Nghị quyết của Bộ Chính trị về Hội nhập Quốc tế và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, góp phần tạo thống nhất về nhận thức và hành động trong toàn bộ hệ thống chính trị và xã hội về hội nhập quốc tế.

3. Về ngoại giao đa phương, cùng với các nước ASEAN củng cố đoàn kết nội khối, tạo chuyển biến mạnh mẽ hướng tới xây dựng cộng đồng ASEAN 2015, chủ động thúc đẩy các vấn đề thuộc lợi ích chiến lược của ta; tham gia tích cực, đóng góp hiệu quả tại các diễn đàn đa phương, khu vực và quốc tế trong khuôn Liên Hợp quốc,các diễn đàn và cơ chế trong khu vực: APEC, ASEM 9, ARF, EAS…; tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động Việt Nam ứng cử vào các cơ quan quan trọng của Liên Hợp Quốc, đặc biệt là Hội đồng Nhân quyền (nhiệm kỳ 2014-2016).


4. Về công tác biên giới lãnh thổ, triển khai đồng bộ các biện pháp bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của ta trên Biển Đông; tiếp tục thúc đẩy việc xây dựng COC. Thúc đẩy công tác tăng dày, tôn tạo mốc giới với Lào, phân giới cắm mốc với Cam-pu-chia.
5. Tiếp tục đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế trên cơ sở bám sát yêu cầu phát triển đất nước, phục vụ mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, chuyển đổi cơ cấu kinh tế với trọng tâm là: (i) chú trọng công tác nghiên cứu, tham mưu phục vụ Chính phủ và các ban ngành trong điều hành kinh tế - xã hội; (ii) Phối hợp xây dựng Chiến lược tổng thể về hội nhập kinh tế quốc tế; phấn đấu đạt mục tiêu đàm phán TPP và đàm phán các FTA khác; (iii) chuẩn bị tốt các hoạt động ngoại giao kinh tế trọng điểm; (iv) tiếp tục hoàn thành khuôn khổ pháp lý cho công tác ngoại giao kinh tế, đặc biệt là xây dựng “Đề án công tác ngoại giao kinh tế đến năm 2015, tầm nhìn 2020”.
6. Tích cực triển khai thực hiện Kết luận số 16 ngày 14/2/2012 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020. Chú trọng theo dõi dư luận báo chí, kịp thời định hướng tuyên truyền, đưa tin về các vấn đề đối ngoại, tình hình thế giới và khu vực; làm tốt công tác thông tin tuyên truyền cả trong và ngoài nước về Luật Biển và các văn bản hướng dẫn dưới luật.
7. Tích cực triển khai Kế hoạch Hành động thực hiện Chiến lược Ngoại giao Văn hóa đến năm 2020; tăng cường phối hợp giữa Bộ Ngoại giao với các bộ ngành và các địa phương trong việc vận động UNESCO công nhận các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Việt Nam.
8. Tiếp tục chú trọng công tác người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân với phương châm hiệu quả, kịp thời; Tăng cường công tác bảo hộ công dân, hợp tác và đấu tranh với các nước hữu quan để bảo vệ các lợi ích chính đáng của công dân ta./.



1 Tổng hợp theo Đề cương báo cáo của đồng chí Phạm Hữu Chí, Vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại, Bộ Ngoại giao tại Hội nghị báo cáo viên tháng 12/2012

2 Nguồn: Số liệu thống kê của IMF 2011.


Каталог: Portal -> Data -> Sites
Sites -> 06-1/tncn (Ban hành kèm theo Thông tư số 60/2007/tt-btc ngày 14/06/2007 của Bộ Tài chính) CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Sites -> 01/htbt (Ban hành kèm theo Thông tư số 60/2007/tt-btc ngày 14/6/2007 của Bộ Tài chính) ẫu số: 10/gtgt cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Sites -> MẪu số 02 (ban hành kèm theo Thông tư số 06/2009/tt-bca-c11 ngày 11/3/2009 của Bộ Công an) CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Sites -> QUỐc hội cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
Sites -> BỘ NÔng nghiệp và phát triển nông thôn bộ TÀi chính
Sites -> VĂn phòng cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
Sites -> ĐƠn xin đĂng ký biếN ĐỘng về SỬ DỤng đẤt kính gửi
Sites -> PHỤ LỤC 13 Mẫu đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
Sites -> SỞ giao thông vận tảI Độc lập Tự do Hạnh phúc
Sites -> Mẫu số 165 Cơ quan trình

tải về 114.67 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương