Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 87 Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Giảo duyệt: Huệ Trang và Đức Phong



tải về 161.04 Kb.
trang1/3
Chuyển đổi dữ liệu07.02.2018
Kích161.04 Kb.
#36230
  1   2   3

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 87

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 87

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Huệ Trang và Đức Phong
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang chín mươi bảy, dòng thứ tư, bắt đầu từ câu cuối cùng:

Thắng giả, thắng quá dư học, siêu ư cửu thập lục chủng ngoại đạo chi thượng” (Thắng là vượt hơn những kẻ học khác, vượt lên trên cả chín mươi sáu thứ ngoại đạo). Chữ Đại có ba ý nghĩa là Đại, Đa, Thắng, trong phần trước đã học [Đại và Đa]. Hôm nay, [chúng ta] xem từ chữ Thắng. “Thắng quá dư học” (vượt hơn những kẻ học khác), “thắng” (勝) là thù thắng, cũng có nghĩa là vượt trội. Thuở ấy, tại Ấn Độ, lúc Thích Ca Mâu Ni Phật tại thế, nổi tiếng nhất là chín mươi sáu loại ngoại đạo. Ngoại đạo trọn chẳng phải là những người tu đạo ở ngoài Phật pháp, chẳng mang ý nghĩa ấy! Các đồng học chúng ta nhất định phải biết: Cầu pháp ngoài tâm đều gọi là ngoại đạo. Nếu người học Phật chúng ta cũng cầu pháp ngoài tâm thì cũng gọi là ngoại đạo, loại ngoại đạo này gọi là “môn lý ngoại” (門裡外), tức là ngoại đạo trong Phật môn, trên thực tế, có chẳng ít người! Phật pháp được gọi là “nội học”, “nội” (內) là gì? Nội là tự tánh, do vậy, hết sức coi trọng trở về tự tánh. Vì sao? Chúng ta đã học Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán của Hiền Thủ đại sư, tôi nhắc tới cuốn sách này mọi người liền hiểu, sẽ hiểu rất rõ nội và ngoại. Giáo pháp Đại Thừa thường nói: “Ngoài tâm không pháp, ngoài pháp không tâm”, nếu hướng về tâm để cầu, đấy là nội học, gọi là Phật pháp. Nếu trái ngược phương hướng ấy, hướng ra ngoài để cầu thì là ngoại đạo. Do vậy, có thể biết: Chúng ta học Phật, ngoại đạo trong Phật môn cũng chẳng ít, mấy ai chẳng phan duyên bên ngoài? Nhãn Căn phan duyên Sắc Trần bên ngoài. Nhĩ Căn phan duyên Thanh Trần bên ngoài. Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp đều ở bên ngoài, phàm kẻ học theo những thứ ấy đều gọi là ngoại đạo. Do vậy, biết: Ý nghĩa được bao hàm trong từ ngữ “ngoại đạo” vô cùng rộng, mấy ai có thể hướng theo tâm tánh? Quả thật chỉ có Đại Thừa Phật pháp! Tiểu Thừa vẫn còn phan duyên bên ngoài; chỉ có Đại Thừa Phật pháp khởi tâm động niệm quán chiếu tự tánh, nên gọi là “nội học”. Vì thế, kinh Phật, đặc biệt là kinh Đại Thừa, được gọi là “nội điển”. Chúng ta hiểu rõ sự khác biệt giữa nội và ngoại. Do vậy, [từ ngữ] “ngoại đạo” chẳng phải là coi rẻ người khác, chẳng phải là xem nhẹ, cũng chẳng có nghĩa là hạ thấp, mà là tông chỉ, phương hướng, mục tiêu tu học [của họ] khác với pháp Đại Thừa. Mục tiêu, phương hướng, và tông chỉ của pháp Đại Thừa đều là minh tâm kiến tánh; bất luận pháp môn nào, Tông Môn, Giáo Hạ, Đại Thừa, Tiểu Thừa, Hiển giáo, Mật giáo, mục tiêu cuối cùng đều là “minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”. Trong sự giáo dục của đức Phật, đạt đến kiến tánh thì người ấy được coi như đã tốt nghiệp, [tức là] tốt nghiệp pháp Đại Thừa. Tốt nghiệp là thành Phật.

Thuở ấy, Thích Ca Mâu Ni Phật đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh dưới cội Bồ Đề, điều ấy được gọi là “thành đạo”, hoặc còn gọi là “thành Phật”. Tại Trung Quốc, mọi người đều coi nhân vật đại biểu [cho sự đại triệt đại ngộ] là Lục Tổ Huệ Năng đại sư của Thiền Tông đời Đường. Thật ra, tại Trung Quốc, người đại triệt đại ngộ trong Tông Môn và Giáo Hạ rất nhiều. Từ Cao Tăng Truyện và Cư Sĩ Truyện, quý vị có thể thấy: Bất luận tại gia hay xuất gia đều đạt tới cảnh giới ấy. Trong các buổi giảng, chúng tôi cũng thường nhắc tới cảnh giới ấy, vì chuyện này hết sức trọng yếu. Học Phật rốt cuộc là học gì? Kinh giáo chẳng phải là trọng yếu nhất, nhưng [những điều được giảng trong kinh điển] là phương pháp trọng yếu nhất, phải hiểu điều này. Kinh giáo đã là phương pháp thì dụng ý ở chỗ nào? Dụng ý là đức Phật giảng rõ ràng, minh bạch nội và ngoại, quý vị sẽ giác ngộ. Sự giác ngộ ấy được gọi là giải ngộ; “tín, giải” là giải ngộ. Sau khi giải ngộ, quý vị có thể khởi hạnh, sau đấy mới có thể chứng ngộ. Chứng ngộ mới đáng kể, chứ giải ngộ chẳng đáng kể đến! Nói theo cách bây giờ, giải ngộ thuộc về Phật học, chứng ngộ là học Phật. Bởi lẽ, quý vị chẳng tin, sẽ không thể lý giải, làm sao tu hành? Tu hành là tu gì? Chúng ta bèn hiểu rõ ràng, minh bạch dụng ý của kinh điển. Không có kinh điển, chúng ta vĩnh viễn mê hoặc, chẳng liễu giải chân tướng của vũ trụ và nhân sinh, kinh điển giảng rõ chân tướng. Vũ trụ do đâu mà có? Trong Phật pháp nói tới “pháp giới”, y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới, kinh điển thường nhắc tới những thứ này, chúng do đâu mà có? Cớ sao có mười pháp giới? Khoa học và triết học hiện thời đều nghiên cứu vấn đề này, không chỉ là trong hiện tại, mà xưa nay, trong ngoài nước, bao nhiêu người đang tra xét, nghiên cứu, thăm dò. Ai hiểu rõ ràng, minh bạch? Thích Ca Mâu Ni Phật hiểu rõ, thật sự hiểu rõ. Các khoa học gia và triết học gia hiện thời thảo luận vấn đề, nhưng chẳng thể giải quyết vấn đề. Trong kinh Đại Thừa đã có toàn bộ [giải đáp], cho thấy Thích Ca Mâu Ni Phật thật sự hiểu rõ.

Tại Trung Quốc, cổ thánh tiên hiền, tổ tiên cũng hiểu rõ. Hiểu rõ như thế nào? Một câu thôi, “buông xuống liền hiểu rõ”, vì sao? Hiểu rõ là bản năng (năng lực sẵn có) của chúng ta, mỗi cá nhân đều hiểu rõ, chẳng có ngoại lệ. Vì vậy, đức Phật thường nói: “Hết thảy chúng sanh vốn đã thành Phật”. Trong phần trước, chúng tôi đã giảng ý nghĩa chữ Phật rất cặn kẽ, dùng tới hai tiếng đồng hồ để giới thiệu Thích Ca Mâu Ni Phật. Chữ “Phật” có nghĩa là giác ngộ, chữ “thánh nhân” của Trung Quốc có nghĩa là hiểu rõ, [danh xưng Phật và “thánh nhân”] có ý nghĩa tương đồng, hiểu rõ là giác ngộ, giác ngộ là hiểu rõ. Người Trung Quốc gọi người hiểu rõ chân tướng của vũ trụ và nhân sinh là thánh nhân, cổ Ấn Độ gọi là Phật Đà. Đức Phật dạy: Bản năng của chúng ta hoàn toàn đều là thông đạt, hiểu rõ, chẳng có cao hay thấp; bởi lẽ, hết thảy chúng sanh vốn là Phật. Nay vì sao biến thành phàm phu? Đã mê rồi, mê mất tự tánh. Kinh Hoa Nghiêm nói về bản năng của tự tánh rất hay: “Hết thảy chúng sanh đều có trí huệ và đức tướng của Như Lai”, “hết thảy chúng sanh” bao gồm chúng ta trong ấy, chúng ta chẳng phải là ngoại lệ, đều có trí huệ, đức năng và tướng hảo giống hệt Như Lai, chẳng sai biệt. Cuối cùng, đức Thế Tôn nói một câu: “Nhưng do vọng tưởng, chấp trước, nên chẳng thể chứng đắc”, quý vị thấy: Lật lá bài tẩy của chúng ta lên, [sẽ thấy rõ] vì sao chúng ta chẳng thể giống như Phật? Chúng ta có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, đó là mê. Vọng tưởng là gì? Khởi tâm động niệm là vọng tưởng. Từ vọng tưởng khởi phân biệt, từ phân biệt khởi chấp trước, càng mê càng sâu. Trong giáo pháp Đại Thừa, vọng tưởng thường được gọi là Vô Minh phiền não, phân biệt là Trần Sa phiền não, chấp trước là Kiến Tư phiền não, [đó là] ba loại đại phiền não. Chúng ta mê mất tự tánh, trọn chẳng phải là thật sự mất đi, mà là mê mất. Khi nào quý vị chẳng mê, nó sẽ hiện tiền, khởi tác dụng. Do vậy, đức Phật chẳng dạy chúng ta điều gì khác, mà dạy chúng ta hãy buông xuống, ba loại phiền não ấy thảy đều buông xuống, quý vị sẽ thành Phật, [bởi lẽ] quý vị vốn là Phật.

Phàm phu thành Phật phải mất bao lâu? Nói theo Lý là trong một niệm! Một niệm buông xuống, quý vị bèn thành Phật. Thích Ca Mâu Ni Phật đã thị hiện cho chúng ta thấy, nhất niệm! Tại Trung Quốc, Lục Tổ Huệ Năng đại sư cũng thị hiện cho chúng ta thấy, cũng là một niệm. Kinh điển thường nói tới bậc thượng thượng căn, vượt trỗi chín mươi sáu loại ngoại đạo. Quý vị phải biết: Phật Thích Ca và Huệ Năng đại sư biểu diễn, thị hiện, há chỉ vượt trỗi chín mươi sáu loại ngoại đạo, mà là siêu việt viên mãn! Điều cốt yếu là quý vị có thể buông xuống. Chúng ta chẳng phải là hạng thượng thượng căn, không có cách nào đốn xả, “trong một niệm hoàn toàn buông xuống” chúng ta làm không được. Trong giáo pháp Đại Thừa, chúng ta thấy chuyện này rất nhiều, rất rõ ràng, rất minh bạch, mà cũng có thể nói: “Chỗ nào cũng là đạo”, nhưng làm không được, thật vậy, chẳng giả! Đức Phật dạy chúng ta: Chẳng thể đốn xả thì quý vị xả từ từ. Nói tóm lại một câu, mỗi ngày đều phải bỏ; chẳng bỏ, quý vị sẽ vĩnh viễn chẳng có tiến bộ. Thưa chư vị, môn học vấn này chẳng tiến ắt lùi. Quý vị không tiến bộ, chắc chắn sẽ lùi bước; lùi bước rất đáng sợ! Nay chúng ta được làm thân người, nhưng trong lục đạo, dưới chúng ta là A Tu La đạo, La Sát đạo, quỷ đạo, súc sanh đạo, địa ngục đạo, quý vị nói xem: Có thể lùi bước hay chăng? Vì thế, chẳng tiến về phía trước sẽ chẳng được, chẳng thể không tiến cao hơn! Nếu muốn tiến lên cao hơn, bí quyết là buông xuống, buông xuống từ chỗ nào? Trong mấy chục năm qua, tôi thường khích lệ các đồng học: “Hãy buông tự tư tự lợi xuống, buông tiếng tăm, lợi dưỡng xuống, buông tham luyến ngũ dục, lục trần, buông tham, sân, si, mạn xuống”, tôi nói mười sáu chữ. Tôi chẳng khoa trương mảy may nào, mà thật thà kính khuyên các đồng học: Làm được mười sáu chữ ấy, tự tư tự lợi chẳng còn, tiếng tăm, lợi dưỡng chẳng có. Ngũ dục lục trần cũng buông xuống, tham, sân, si, mạn mỏng nhạt, có nhập Phật môn hay không? Thưa quý vị, chưa nhập, tôi dẫn quý vị đến cửa ngõ, chưa nhập môn. Quý vị phải biết, phải hiểu rõ: Nhập môn thì nhất định phải tuân thủ tiêu chuẩn của Thích Ca Mâu Ni Phật. Tiêu chuẩn của tôi thấp hơn Ngài, dẫn quý vị đến cửa ngõ. Tiêu chuẩn của Thích Ca Mâu Ni Phật chẳng thể biến đổi: Phải buông tám mươi tám phẩm Kiến Hoặc xuống, quý vị mới có thể nhập môn. Tám mươi tám phẩm ấy thuộc về chín địa vị trong tam giới.

Nhằm thuận tiện dạy học, tám mươi tám phẩm quá nhiều, quá rắc rối, đức Thế Tôn đã quy nạp chúng thành năm loại lớn hòng dễ nói hơn: Loại thứ nhất trong năm loại lớn là Thân Kiến. Chúng ta luôn chấp trước thân này là ta, thứ kiến chấp này rất đáng ghét. Quý vị chấp trước có ta, khởi tâm động niệm, hết thảy tạo tác đều nhằm phục vụ ta, trật rồi! Đức Phật bảo: “Không có ta, thật sự không có ta”, quý vị ngỡ là “có ta” sẽ hỏng bét. Một mê, hết thảy đều mê, mê đến cùng cực. Vì vậy, đầu tiên phải hiểu thân chẳng phải là ta, thân là gì? Thân là cái ta có, giống như quần áo. Quần áo chẳng phải là ta, nó mặc trên thân ta, ta có nó, phải hiểu rõ ràng quan niệm này. Ta mà còn phải buông xuống, huống gì những thứ ta có! Hễ buông xuống thứ này (chấp Ngã), năm thứ sau đều [buông xuống] rất dễ dàng. Loại thứ hai là Biên Kiến, nay chúng ta gọi Biên Kiến là đối lập. Ta còn chẳng có, đối lập với ai? Đương nhiên chẳng có đối lập, quý vị còn có thành kiến nữa chăng? Thành kiến cũng không có. Vì thế, nói thật ra, mấu chốt của tám mươi tám phẩm Kiến Hoặc là Ta (Ngã).



Sau khi đã phá ngã, thật sự buông xuống, biết vô ngã, giống như Thiền Tông Nhị Tổ Huệ Khả đến gặp Đạt Ma tổ sư, cầu Đạt Ma tổ sư an tâm cho Ngài. Ngài tìm đến tổ Đạt Ma, tổ Đạt Ma nói: “Ông đến tìm ta có chuyện gì?” “Tâm con bất an, cầu đại sư an tâm cho con”. Đạt Ma tổ sư nói: “Ông lấy tâm ra, ta sẽ an nó cho ông”. Một câu nói ấy nhắc nhở Ngài, quay lại tìm, chẳng tìm được, tìm nửa ngày rồi nói: “Con tìm tâm trọn chẳng thể được”. Đạt Ma tổ sư nói: “Dữ nhữ an tâm cánh”, [nghĩa là] ta đã an cái tâm cho ông ổn thỏa rồi! Do một câu nói này, [Nhị Tổ] bèn đại triệt đại ngộ. Quý vị thấy người ta vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thảy đều buông xuống, minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật. Tổ Đạt Ma truyền y bát cho Huệ Khả, đấy là vị Tổ đời thứ hai của Thiền Tông. Đấy là bậc thượng thượng căn, nhất thời đốn xả. Có thể đốn xả bèn đốn ngộ, mảy may vòng vèo cũng chẳng có. Mấu chốt là “có Ta”, tất cả hết thảy tội ác, nghiệp chướng đều từ đấy sanh ra, quý vị nói nó có đáng sợ lắm hay không? Nếu thật sự có ta, thân thật sự là ta thì còn thông cảm được, quý vị vì nó mà tạo những nghiệp chướng ấy. Nó không có, căn bản là chẳng tồn tại! Đức Phật nói những lời ấy, kẻ bình phàm chúng ta rất khó tiếp nhận, rất khó lý giải, nhưng hiện thời, quả thật khoa học đã giúp đỡ Phật giáo rất lớn. Hiện thời trong ngành khoa học tiên tiến nhất, các nhà vật lý Lượng Tử Học đã phát điều gì? Giống như Thích Ca Mâu Ni Phật đã dạy, vô ngã, về căn bản không có Ngã tồn tại. Nói tới nhục thân này, họ biết nhục thân chẳng phải là ta, nhục thân là huyễn tướng, chẳng thật, nhưng phải bỏ thì mới được. Chẳng thể bỏ, quý vị tạo nghiệp hằng ngày.

Trong Phật pháp có chân ngã hay không? Thưa quý vị, có! Minh tâm kiến tánh, chân ngã bèn hiện tiền. Quý vị thấy trong tự tánh có bốn tịnh đức Thường, Lạc, Ngã, Tịnh, Ngã có nghĩa là gì? Ngã có nghĩa là chủ tể, tự tại. Quý vị hãy nghĩ xem: Trên cái thân này có hai ý nghĩa ấy hay không? Có chủ tể hay không? Nếu thật sự có chủ tể, năm nào cũng là mười tám thì sẽ tốt đẹp lắm! Vì sao con người có già, bệnh, chết? Có thể làm chủ thì năm nào cũng là mười tám. Dân gian Trung Quốc tán thán Bồ Tát, “Bồ Tát, Bồ Tát, niên niên thập bát” (Bồ Tát năm nào cũng mười tám), chẳng già! Chúng ta có cách nào làm được hay chăng? Nếu quý vị kiến tánh, quả thật chẳng có mảy may vấn đề nào, đúng là như vậy. Đạo lý này rất sâu, nếu giảng ra thì chẳng phải là hai giờ, ngay cả hai mươi bốn giờ vẫn giảng không xong, thật đấy, chẳng giả chút nào! Do vậy, trong tự tánh có Ngã, có chủ tể, thật sự tự tại, đắc đại tự tại, trên thân chúng ta chẳng tìm được định nghĩa này. Có chân lạc, có Thường, Thường là vĩnh hằng không thay đổi, Lạc là vĩnh viễn chẳng khổ, lìa khổ là Lạc, Tịnh là vĩnh viễn chẳng nhiễm ô. Huệ Năng đại sư kiến tánh đã báo cáo đơn giản, ngắn gọn với hòa thượng Ngũ Tổ Nhẫn, câu đầu tiên là: “Nào ngờ tự tánh, vốn tự thanh tịnh”, quý vị thấy trong ấy có Tịnh, tức là Tịnh trong bốn tịnh đức. Câu thứ hai là “nào ngờ tự tánh, vốn chẳng sanh diệt”, đó là Thường, bất sanh, bất diệt, đó chính là Thường. “Nào ngờ tự tánh, vốn tự trọn đủ”, đó là Ngã. Cuối cùng là “có thể sanh vạn pháp”, vốn tự trọn đủ, có thể sanh vạn pháp, đấy là tự tại! Vì vậy, hễ kiến tánh sẽ đạt được Thường, Lạc, Ngã, Tịnh, chúng thật sự có; nhưng nơi thân phàm phu hoàn toàn không có, hữu danh vô thực, tìm bốn chữ ấy không được, đều là giả. Chúng ta chớ nên không biết điều này; sau đấy, mới biết chúng ta học Phật là học gì? Mong đạt được gì? Phải biết cách học ra sao? Đây là một điều rất trọng yếu.

Chúng ta đọc lời chú giải tiếp theo: “Tái giả, Phật Địa Luận lánh hữu tam nghĩa” (Ngoài ra, Phật Ðịa Luận còn nêu lên ba nghĩa khác). Cũng là nói về sự thù thắng ấy, Phật Địa Luận nêu ra ba ý nghĩa. Thứ nhất là “tối cực lợi căn”, [tức là] căn tánh nhạy bén đạt tới mức cao tột nhất, “Ba La Mật Đa chủng tánh”, người Trung Quốc nói là “bậc thượng thượng căn”, mang ý nghĩa ấy. Người thượng thượng căn “nghe một, ngộ cả ngàn”, hễ tiếp xúc bèn hiểu rõ, họ có cần học hay không? Không cần, vì sao không cần? Bậc thượng thượng căn là người kiến tánh, vì hết thảy các pháp là tâm tưởng, thức biến, kinh Hoa Nghiêm nói là “duy tâm sở hiện”. Tâm ấy là chân tâm, là tự tánh, là tự tánh sanh, tự tánh hiện, duy thức biến. Quý vị hoàn toàn thông đạt, hiểu rõ tánh thức thì sáu căn tiếp xúc cảnh giới sẽ tự nhiên thông đạt, không cần học. Ngài A Nan kết tập kinh tạng, có thật sự cần phải nghe Thích Ca Mâu Ni Phật phức giảng hay chăng? Chẳng phải! Ngài phức giảng như thế nào? Ngài đã kiến tánh, chỉ cần quý vị nói Thích Ca Mâu Ni Phật đã giảng một bộ kinh nào đó, Ngài bèn biết toàn bộ, chẳng nghe cũng biết, chẳng học cũng biết. Tánh là cùng một tánh, tướng là thiên sai vạn biệt, nhưng tánh là một. Vì thế, học Phật giống như tựa đề bộ kinh này rất hay, hoàn toàn viết ra nhân quả của sự minh tâm kiến tánh. Nhân là gì? Thanh tịnh, bình đẳng, giác. Bất luận tu học pháp môn nào, tám vạn bốn ngàn pháp môn, Hiển giáo, Mật giáo, Tông Môn, Giáo Hạ, tu gì? Tu thanh tịnh, tu bình đẳng, tu giác. Tám vạn bốn ngàn pháp môn, “pháp” là phương pháp, tu phương pháp thanh tịnh, bình đẳng, giác, “môn” là môn đạo (đường lối), môn kính (đường nẻo), phương pháp tu hành, đường lối vô lượng vô biên. Trong Tứ Hoằng Thệ Nguyện có nói: “Pháp môn vô lượng thệ nguyện học”, đúng là chẳng giả tí nào! Thưa chư vị, trong kinh Bát Nhã, đức Phật đã nói: “Pháp môn bình đẳng, chẳng có cao thấp”, bất luận một môn nào! Vì sao? Đều do tự tánh hiện, tâm sanh, tâm hiện, đều do thức biến; vì vậy, chúng bình đẳng. Nói cách khác, bất luận một môn nào, quý vị chỉ tìm được năng sanh, năng hiện, năng biến của nó, chẳng phải là quý vị thành Phật ư? Từ hết thảy các pháp tướng, chúng ta thấy chúng là sở sanh, sở hiện, sở biến, quý vị tìm được cội nguồn của chúng, chúng do đâu mà có, tìm được cái năng sanh, năng hiện, năng biến rồi, năng biến là A Lại Da, năng sanh, năng hiện là tự tánh, chẳng phải là đã kiến tánh ư? Đó là nội học. Tìm bên ngoài sẽ vĩnh viễn chẳng tìm được, đức Phật gọi kẻ tìm bên ngoài là ngoại đạo, phương hướng sai lầm. Hãy hướng vào trong mà tìm, tìm bên ngoài sẽ vĩnh viễn chẳng tìm được. Vì thế, người hễ quay đầu, căn tánh bèn nhạy bén, người Trung Quốc nói đó là trí huệ thượng thượng, là chủng tánh Ba La Mật Đa.

Thứ hai, “đắc Vô Học quả vị”. Quả Vô Học là A La Hán, ở đây, kinh nói là “Đại A La Hán”, quả Vô Học này chẳng phải là Tiểu Thừa A La Hán, mà là Đại A La Hán. Đại A La Hán là ai? Thập Địa Bồ Tát! Trong Đại Thừa, Thập Địa Bồ Tát được gọi là Vô Học, trong Tiểu Thừa A La Hán là Vô Học. Thập Địa Bồ Tát thù thắng lắm!



Loại thứ ba: “Đắc tiểu quả dĩ, xu đại Bồ Đề” (đã đắc tiểu quả, tiến lên đại Bồ Đề) cũng đúng! “Tiểu quả” là Tiểu Thừa A La Hán hoặc Bích Chi Phật, chứng đắc quả vị này, hồi Tiểu hướng Đại, nên biến thành đại tỳ-kheo. Phật Địa Luận giảng ba ý nghĩa ấy. “Dĩ thượng tam nghĩa, cố danh viết Đại” (Do ba nghĩa trên đây nên gọi là Ðại).

“Hựu Gia Tường sư vị Đại hữu tam nghĩa” (Ngài Gia Tường lại bảo: Ðại có ba nghĩa”). Bản chú giải kinh này của ngài Gia Tường là Vô Lượng Thọ Kinh Nghĩa Sớ, khi giải thích chữ Đại, Ngài đã dùng ba ý nghĩa sau đây: “Nhất sanh đại giải, nhị phá đại ác, tam chứng đại quả” (Một là sanh sự hiểu biết lớn lao, hai là phá ác lớn, ba là chứng đại quả). “Sanh đại giải” là trí huệ. “Phá đại ác” là buông đại ác xuống, đại ác là gì? Tham, sân, si, mạn, triệt để buông xuống. “Chứng đại quả”, nói theo cách thông thường, đại quả là Pháp Thân đại sĩ, vượt thoát mười pháp giới; nói cách khác, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thảy đều buông xuống, đoạn hết. “Do thượng khả kiến đại tỳ-kheo giả nãi đức cao vọng trọng, hồi Tiểu hướng Đại chi tỳ-kheo, nãi tỳ-kheo chúng trung chi tôn túc” (Do những điều trên, ta thấy đại tỳ-kheo là bậc tỳ-kheo đức cao trọng vọng, từ Tiểu Thừa hướng đến Ðại Thừa, là bậc tôn túc trong các tỳ-kheo), người Trung Quốc gọi các vị ấy là “trưởng lão”. Kinh nói rõ, một vạn hai ngàn người tham gia pháp hội này. “Dữ đại tỳ-kheo chúng vạn nhị thiên nhân câu” (và các đại tỳ-kheo một vạn hai người cùng nhóm họp), nay những người đến tham gia pháp hội Vô Lượng Thọ Kinh chẳng phải là người thường, kinh Phật gọi họ là bậc đại quyền thị hiện. “Đại” là chư Phật Như Lai, Pháp Thân đại sĩ đến giúp đỡ Thích Ca Mâu Ni Phật giáo hóa chúng sanh, thị hiện đủ mọi cách. Đấy là “một đức Phật xuất thế, ngàn đức Phật ủng hộ”, đấy là nói về Đa (nhiều), chẳng phải chỉ có một ngàn! Chư Phật, Pháp Thân đại sĩ, có vị thị hiện làm học trò Phật, xuất gia hay tại gia, có những vị thị hiện làm hộ pháp của đức Phật. Còn có những vị thị hiện làm nhân vật phản diện đến chướng ngại Phật pháp, đến gây rối Thích Ca Mâu Ni Phật, họ chẳng phải là phàm nhân. Đề Bà Đạt Đa cũng là cổ Phật tái lai, đến thị hiện, Lục Quần tỳ-kheo cũng thế. Chúng ta hiểu rõ chân tướng sự thật này, quý vị đọc năm mươi ba lần tham học của Thiện Tài sẽ thấy có ý vị, bèn hiểu: Đều là chư Phật Như Lai thị hiện đủ mọi lẽ nhằm thành tựu một người tu hành. Nếu người tu hành thật sự hiểu, phải bao lâu mới thành Phật? Một đời! Đấy là kẻ bình phàm, chẳng phải là bậc thượng thượng căn. Bậc thượng thượng căn thành Phật trong một niệm. Phàm nhân thành Phật, chắc chắn có thể làm được trong một đời. Quý vị thật sự có thể lý giải, thật sự hạ quyết tâm buông xuống. Trước hết, hãy bắt đầu từ tự tư tự lợi, từ tiếng tăm, lợi dưỡng, ngũ dục, lục trần, tham, sân, si, mạn, thực hiện từ những điều này, không ngừng tiến lên. Tập khí phiền não rất nặng, thật đấy, chẳng giả đâu! Sức dụ dỗ, mê hoặc của ngoại duyên quá lớn. Đấy đều là chân tướng sự thật. Nếu chúng ta chẳng kiên trì, chẳng thể chịu khổ, chẳng thể nhẫn nhục, sẽ chẳng có một tí biện pháp nào. Làm sao để có thể giúp đỡ chúng ta? Đọc kinh, nghe giáo là phương pháp tốt nhất.

Cả đời này, tôi học Phật năm mươi chín năm, giảng kinh năm mươi hai năm, chẳng bị thế tục cảm nhiễm, do đâu mà đắc lực? Đắc lực do giảng kinh, và đọc kinh mỗi ngày, mỗi ngày chẳng rời khỏi kinh giáo, chẳng tách rời kinh giáo, chẳng lìa khỏi Phật, Bồ Tát. Mỗi ngày giảng kinh có nhiều thính chúng như vậy, thính chúng đều là Phật, Bồ Tát, đều là thiện tri thức của tôi. Họ đến đốc thúc tôi, mỗi ngày đều muốn nghe, nên tôi phải học mỗi ngày. Tôi chẳng học, lấy gì để giảng cho họ nghe? Họ đốc thúc tôi. Trong tâm mục của tôi, họ chẳng phải là thính chúng, mà là giám học, đều là thầy của tôi, thị hiện mọi lẽ. Học trò là ai? Chính tôi là học trò. Giống như Thiện Tài đồng tử, chính mình là học trò; trừ chính mình ra, hết thảy đều là chư Phật, Bồ Tát, thị hiện đủ mọi cách, thuận cảnh, nghịch cảnh, thiện duyên, ác duyên, đến thành tựu, giúp đỡ tôi. Vì thế, Thiện Tài thành Phật trong một đời. Nếu tôi tự cho mình là đúng, tôi là thầy, là pháp sư, các vị đều là học trò, là đồ chúng của tôi, thưa quý vị, tôi không chỉ chẳng thể thành tựu, sợ rằng còn phải đọa lạc. Vì sao? Có những ý niệm ấy, chắc chắn sẽ nẩy sanh tham, sân, si, mạn, tức ngạo mạn, chắc chắn tạo tội nghiệp; một vạn hai ngàn người thị hiện, năm mươi ba lần tham học của Thiện Tài đồng tử chẳng phải là uổng công ư? Có mấy ai hiểu được, nhìn ra, thấy được đường nẻo này, thật sự đúng lý, đúng pháp, y giáo tu hành.



Tiếp đó nói: “Vạn nhị thiên nhân câu” (một vạn hai ngàn người cùng nhóm họp), tham gia pháp hội lần này là một vạn hai ngàn người, “tiêu tỳ-kheo chi nhân số” (nêu ra số lượng các tỳ-kheo). Chúng ta cần phải biết điều này, vì sao? Tham gia pháp hội, ngoài các tỳ-kheo còn có rất nhiều người, có thể thấy pháp hội này thù thắng. “Hội Sớ viết: Chư kinh đa tiêu thiên nhị bách ngũ thập nhân, kim kinh dữ Pháp Hoa tiêu vạn nhị thiên nhân, cái thị xuất thế bổn hoài, nhất đại thắng hội, cố thập phương đại đức giai vân tập hồ” (Bộ Hội Sớ viết: “Các kinh thường nêu một ngàn hai trăm năm mươi người. Kinh này và kinh Pháp Hoa lại nói một vạn hai ngàn người. Ðó là do bổn hoài xuất thế, là pháp hội thù thắng trong cả một đời, nên mười phương đại đức đều như mây nhóm đến đó chăng?”). Chữ “hồ” (乎) là đánh dấu hỏi, là một nghi vấn, nhằm nói rõ điều gì? Hội này chẳng phải là pháp hội tầm thường, mà là một pháp hội thù thắng khôn sánh. Đức Phật giảng kinh Pháp Hoa, tỳ-kheo một vạn hai ngàn vị; giảng bộ kinh này cũng là một vạn hai ngàn người, có nghĩa là giáo nghĩa kinh này và kinh Pháp Hoa ngang nhau, bình đẳng. Kinh Pháp Hoa là Nhất Thừa Viên giáo. Từ xưa, các tổ sư phán giáo, phán định Đại Thừa, Tiểu Thừa, ngoài Tiểu Thừa và Đại Thừa còn có Nhất Thừa. Đại Thừa là Bồ Tát, Tiểu Thừa là Thanh Văn, Nhất Thừa là Phật. Pháp hội này giảng gì? Giảng pháp môn thành Phật, đó là Nhất Thừa. Nếu tiêu chuẩn tối cao trong một pháp môn là giảng cách tu thành Bồ Tát, đấy là Đại Thừa; nếu chỉ giảng [phương pháp] thành A La Hán, thành Bích Chi Phật, đó là Tiểu Thừa. Tổ sư đại đức thường nói về kinh Pháp Hoa như sau: “Thành Phật Pháp Hoa, khai trí huệ Lăng Nghiêm”, kinh Lăng Nghiêm khai trí huệ, kinh Pháp Hoa thành Phật, bộ kinh này thì sao? Kinh này thành Phật! Kinh Hoa Nghiêm cũng là thành Phật, kinh Hoa Nghiêm thành Phật như thế nào? Đến cuối cùng mười đại nguyện vương của Phổ Hiền Bồ Tát dẫn về Cực Lạc. Kinh Pháp Hoa cũng không ngoại lệ, phàm là kinh Nhất Thừa thành Phật đều dính líu đến kinh Vô Lượng Thọ. Trong lời tựa cho bản hội tập, lão cư sĩ Mai Quang Hy đã nói rất rõ ràng, rất minh bạch. Vì thế, chuyện được ghi chép bởi câu này có ý nghĩa biểu thị pháp rất sâu, chúng ta vừa nhìn liền hiểu tầm trọng yếu của bộ kinh này. Thuở trước, vào thời Đông Tấn, Huệ Viễn đại sư lập Niệm Phật Đường tại Lô Sơn, thuở ấy, Ngài đã căn cứ trên kinh Vô Lượng Thọ. Chúng ta không biết Huệ Viễn đại sư đã dựa theo bản dịch nào, nhưng trong mục lục, chúng ta thấy có ghi bản dịch của An Thế Cao, nên chúng ta có lý do để tin tưởng: Huệ Viễn đại sư phải dùng bản dịch của ngài An Thế Cao, đáng tiếc là bản ấy đã thất truyền. Trong các vị đại sư phiên dịch trải các đời, An Thế Cao và Cưu Ma La Thập là hai vị đại sư phiên dịch được người Trung Quốc thích đọc nhất. Họ dịch theo lối dịch ý, chẳng phải là trực dịch. Nay chúng ta thấy bản dịch của hai vị đại đức ấy trong Đại Tạng Kinh đều vô cùng hoan hỷ. Do Đông Tấn vẫn còn rất gần với thời đại của ngài An Thế Cao, chúng tôi có lý do để tin tưởng: Vào thuở ấy, Viễn công đại sư phải có được bản dịch ấy. “Thượng thuyết thậm thị” (thuyết trên đây thật đúng), tức là [cụ Hoàng Niệm Tổ nhận định] sách Hội Sớ nói rất có lý. “Hội chúng chi thịnh, chánh biểu Thế Tôn thuyết pháp chi thắng dã” (Đại chúng tham dự pháp hội đông đảo, biểu thị đức Thế Tôn thuyết pháp thù thắng), kinh Vô Lượng Thọ giảng pháp thù thắng khôn sánh. “Hựu Câu giả, cộng tập chi nghĩa” (lại nữa, Câu có nghĩa là cùng nhóm họp lại). “Câu” (俱) là mọi người cùng nhau học tập, cùng nhau đề xướng, cùng nhau hoằng dương, cùng nhau phổ độ hết thảy đại chúng, có ý nghĩa này.

Hai câu kế tiếp đó: “Nhất thiết đại thánh, thần thông dĩ đạt. Thượng nhị cú, tán chư đại tỳ-kheo chi đức” (Câu hết thảy đại thánh thần thông đã đạt” khen ngợi đức của các đại tỳ-kheo). Đây là tán thán. Hai câu này là tổng tán, đến phần sau, chúng ta sẽ thấy lời biệt tán, tán thán rất nhiều. Tán thán phẩm đức của các vị đại tỳ-kheo, trong ấy chứa đựng ý nghĩa rất sâu, [những đức năng của các vị đại tỳ-kheo] chính là đức năng vốn sẵn đủ trong tự tánh của chúng ta. Quý vị thấy những đức năng ấy trong tự tánh thảy đều có, chỉ là hiện tại bị mê mất. Đọc xong sẽ có ý niệm: Chúng ta phải tìm lại Tánh Đức, quá tốt đẹp! Tìm như thế nào? Buông tập khí phiền não xuống, Tánh Đức sẽ trở lại. Chúng ta có thể buông xuống một phần, Tánh Đức sẽ hiển lộ một phần. Có thể buông xuống hai phần, Tánh Đức sẽ hiển lộ hai phần. Không nhất định phải buông xuống viên mãn, buông xuống viên mãn sẽ thành Phật, viên mãn hiện tiền. Chỉ cần thật sự làm, quý vị sẽ có lòng tin tràn trề, sẽ ngập tràn pháp hỷ. Trong Phật môn thường nói là “phiền não nhẹ, trí huệ tăng trưởng”. Phiền não mỗi ngày nhẹ dần, trí huệ mỗi ngày tăng thêm. Phiền não mỗi năm giảm dần, trí huệ mỗi năm tăng trưởng. Phiền não mỗi tháng giảm nhẹ, trí huệ mỗi tháng tăng trưởng. Tới lúc mỗi tháng phiền não nhẹ dần, trí huệ tăng dần, quý vị sẽ pháp hỷ sung mãn; mỗi ngày đều tăng trưởng, gần như quý vị sẽ nhanh chóng thành Phật, cách Vô Thượng Bồ Đề chẳng xa!



tải về 161.04 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương