Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 80 Chủ giảng: Tịnh Không pháp sư Chuyển ngữ: Tử Hà Biên tập: Bình Minh Giảng ngày: 15 tháng 07 năm 2010



tải về 155.12 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu23.08.2016
Kích155.12 Kb.
#26076

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 80 /20

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 80

Chủ giảng: Tịnh Không pháp sư

Chuyển ngữ: Tử Hà

Biên tập: Bình Minh

Giảng ngày: 15 tháng 07 năm 2010

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội- HongKong
Các vị pháp sư, các vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 85, hàng 2.

Bình đẳng giả, ly sai biệt dã. Kinh vân, tâm Phật chúng sanh, tam vô sai biệt, chánh hiển bình đẳng chi nghĩa.

Đề kinh này là bình đẳng giác. Chúng ta phân chia danh đề này làm ba câu để đọc. Thanh Tịnh, Bình Đẳng, Giác.

Bình đẳng nghĩa là không sai biệt. Tâm Phật chúng sanh đồng một thể tánh. Đều do tự tánh biến hiện ra. Trong kinh điển đại thừa đức Phật thường dạy: “mười phương ba đời Phật, cộng đồng một pháp thân”, chính là ý nghĩa này.

Ba đời Phật là nói về quá khứ, hiện tại, vị lai. Quá khứ đã thành Phật. Đức Thế Tôn giới thiệu cho chúng ta một bộ phận. Kinh Tam Thiên Phật Danh có ba quyển- thượng trung hạ. Quyển thượng là quá khứ thiên Phật, quyển trung là hiện tại thiên Phật, quyển hạ là vị lai thiên Phật. Phật vị lai nghĩa là chưa thành Phật. Ở đâu? Tất cả chúng sanh trong lục đạo hiện nay, đều là Phật vị lai. Trong Phật pháp gọi là hữu tình chúng sanh.

Hữu tình chúng sanh. Tình, trong duy thức nói là thọ tưởng hành thức. Có cảm thọ, cảm thọ khổ lạc ưu hỷ xả, có tư tưởng, chấp trước, ký ức. Gọi là hữu tình.

Ngày nay chúng ta biết được động vật có tình, thực vật có tình, khoáng vật cũng có tình. Thật hiếm có, chúng ta thấy được báo cáo của giới khoa học lượng tử, họ cho chúng ta biết, trong hư không cũng có tình. Đây là điều các nhà khoa học thời cận đại nói, họ khẳng định không có cái không thật sự. Đạo Phật nói chắc chắn không có không vô. Ở trạng thái chân không, trong đó còn có nguyên tử, nó hoạt động rất mạnh, nhục nhãn của chúng ta không thấy được.

Trên thực tế họ đã phát hiện ra những thứ này, rất giống trong kinh đức Phật nói về ý niệm, chính là một niệm bất giác. Đạo Phật nói vô thỉ vô minh. Vô thỉ nghĩa là không bắt đầu. Giới khoa học cũng phát hiện ra rồi, thật sự không có nguyên nhân. Thật sự không có bắt đầu, họ cũng nói sát na sanh, sát na diệt. Giống như Bồ Tát Di Lặc nói, một khảy móng tay có 32 ức trăm ngàn niệm, mỗi niệm đều độc lập riêng biệt.

Hiện tượng vật chất và hiện tượng tinh thần từ đâu mà có? Chính là những ý niệm này tích lũy liên tục mà sanh ra huyễn tướng, nó không có thật. Cho nên hiện tượng vật chất và hiện tượng tinh thần, hiện tượng đại tự nhiên trong vũ trụ, đều do đây mà có.

Các nhà khoa học cho rằng, có thể đây là nguồn gốc của vũ trụ và sanh mạng. Họ đã phát hiện ra. Nhưng nói rõ ràng nhất, minh bạch nhất là kinh điển đại thừa.

Khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, chưa có nhiều dụng cụ khoa học, sao ngài biết được? Ngài dạy chúng ta, hiểu rõ tất cả là bản năng của mỗi chúng sanh. Quí vị vốn nhìn thấy. Ngày nay khoa học muốn thấy được nguyên tử, điện tử, phải dùng kính hiển vi tối tân. Chư Phật Bồ Tát thì không cần. Trong kinh nói chúng ta có ngũ nhãn viên minh. Chúng ta có ngũ nhãn: chúng ta có nhục nhãn, thiên nhãn, huệ nhãn, pháp nhãn, Phật nhãn. Chúng ta đều có đủ. Nhưng bây giờ nó ở đâu? Nếu có đủ năm loại nhãn này, thì đâu cần kính hiển vi! Không cần!

Đức Phật dạy , do chúng ta mê thất tự tánh. Giống như trong Tam Tự Kinh vậy. Phật pháp thật sự làm cho nền văn hóa xưa thêm phong phú. Nếu dùng cảnh giới Hoa Nghiêm để giảng về tam tự kinh, có thể giảng thông. “Nhân chi sơ, tánh bổn thiện”. Thiện ở đây không phải thiện đối với ác. Thiện ở đây là danh từ tán thán, khen ngợi. Hay quá, viên mãn quá, không hề khiếm khuyết tí nào. Trí huệ viên mãn, đức năng viên mãn, tướng hảo viên mãn. Kiến văn giác tri của quí vị, không có điều gì chẳng viên mãn.

Quí vị có thể thấy, có thể thấy được điều gì? Thấy được tiểu quang tử mà giới khoa học ngày nay nói, lạp tử cơ bản. Quí vị có thể thấy được tiểu quang tử này phát sinh như thế nào. Do nhất niệm bất giác biến hiện ra. Niệm niệm bất giác, đó chính là tiểu quang tử tích lũy lại, tiểu quang tử là ý niệm, ý niệm tích lũy lại biến thành hiện tượng vật chất. Trong hiện tượng vật chất có kiến văn giác tri. Kiến văn giác tri vốn sẵn có trong tự tánh.

Động vật do tự tánh biến hiện ra, thực vật do tự tánh biến hiện ra, khoáng vật cũng do tự tánh biến hiện ra, hư không pháp giới đều do tự tánh biến hiện ra. Mỗi lạp tử trong đó, đều có đầy đủ kiến văn giác tri, quí vị có thể thấy được từng lạp tử. Trong đó có âm thanh, diệu âm, âm thanh vi diệu, quí vị đều có thể nghe được. Nó có hương, có vị, quí vị có thể ngửi được, nếm được. Điều này trong kinh đức Phật có nói.

Những điều khoa học ngày nay phát hiện ra, vi trần trong Phật pháp gọi là cực vi chi vi, có thể là lượng tử mà giới khoa học ngày nay nói. Nhưng lượng tử nó có thể tích, bởi nó là vật chất, nó có hiện tượng tinh thần, họ đã nhìn thấy. Họ thấy được sắc, nhưng hương và vị thì chưa phát hiện ra. Sắc thanh hương vị, họ cũng chưa phát hiện được âm thanh.

Đức Phật nói viên mãn hơn. Vũ trụ do vật chất cơ bản cấu thành, đem nó phân tích thấy đều giống nhau, pháp bình đẳng mà, không hề có chút sai biệt. Vì sao biến hiện ra vũ trụ phức tạp như vậy?

Đức Phật dạy, từ ý niệm sanh ra, ý niệm phức tạp. Phức tạp đến mức nào thì bản thân chúng ta không biết được. Vì sao? Bởi tâm chúng ta quá thô. Nếu thanh tịnh bình đẳng giác của chúng ta hiện tiền, thì chúng ta sẽ biết được, sẽ hiểu rõ. Tâm chúng ta quá thô. Mình động niệm nhưng bản thân mình không biết được. Chẳng những cực kỳ vi tế ta không biết được. Trong kinh đức Phật nói rất rõ ràng. A Lại da là ý niệm rất vi tế. Ai biết được? Trong kinh nói, Bồ tát Bát địa biết được, đã chứng minh được!

Các nhà khoa học hiện nay đem so với Bồ tát Bát địa, không được đâu, còn kém xa lắm! Khoa học mới phát hiện ra có những thứ này, nhưng chưa rõ ràng. Bồ tát Bát địa thấy được rõ ràng rồi.

Những vị Bồ tát dưới Bát địa giống như chúng ta, chúng ta cũng biết, nhưng là nghe nói. Học kinh điển đại thừa, trong kinh có nói đến. Chúng ta biết chắc chắn đức Phật không vọng ngữ. Những điều đức Phật nói chắc chắn là chân, chứ không phải giả. Điều này chúng ta tin tưởng, chúng ta tin được, đức Phật không vọng ngữ.

Đức Phật dạy chúng ta, phù hợp khoa học, chứ chẳng phải do đức Phật nói là chúng ta tin. Đây không phải ý của đức Phật.

Đức Phật dạy, bây giờ các ngươi tin tưởng, các ngươi lý giải được rồi, nhưng đức Phật yêu cầu ta phải chứng thực, mới gọi là cái của chúng ta. Nếu không chứng thực được, thì đó không phải của chúng ta, mà là của chư Phật Bồ tát nói. Tuy quí vị biết, nhưng chẳng được lợi ích. Nếu quí vị chứng thực được- hành chứng. Hành nghĩa là gì? Là buông bỏ. Vì sao quí vị không thể chứng thực? Phải hỏi quí vị, vì sao tâm của quí vị không chân thành? Không buông bỏ vọng tưởng, quí vị không chân thành.

Vọng tưởng là vô thỉ vô minh, chính là khởi tâm động niệm. Ý niệm của quí vị, ý niệm này diệt, ý niệm kia khởi, miên viễn không ngừng lại. Có cái này thì không có chân thành. Vì sao? Bởi cái này là giả. Khởi tâm động niệm là giả chẳng phải chân.

Trong tự tánh, đại sư Huệ Năng nói rất hay: “vốn không dao động”. Vốn không dao động, trong kinh điển đại thừa đức Phật thường gọi là tự tánh bổn định. Ngươi xưa nói rằng tự tánh bổn thiện. Bổn định là bổn thiện, không dao động.

Chẳng những chúng ta có vọng tưởng, nghĩa là có khởi tâm động niệm, mà còn phân biệt, chấp trước nữa. Tiêu rồi! Khởi tâm động niệm là gợn sóng, phân biệt là sóng, chấp trước là sóng lớn. Tâm của quí vị không định được.

Tu học Phật pháp, tám vạn bốn ngàn pháp môn. Bất luận pháp môn nào cũng phải tu định. Nếu không định thì chẳng thể khế nhập. Cho nên trong Phật pháp định là cốt lõi tu tập. Những phương pháp khác là giúp cho quí vị được định. Dạy quí vị trì giới, giới giúp cho quí vị được định, đây là phương pháp. Nhân giới được định, định đến trình độ nhất định, sẽ hoát nhiên đại ngộ, trí huệ khai, đó gọi là chứng đắc. Định không chứng được. Muốn chứng được trước bắt buộc phải có định.


Sau khi khai trí huệ, đối với chân tướng của nhân sinh vũ trụ, chúng ta nói tất cả muôn vật, tánh-tướng, lý-sự, nhân-quả của muôn vật ta đều hiểu rõ.

Tâm kinh nói: “Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm bát nhã ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không.”

Ngũ uẩn là gì? Ngũ uẩn là vũ trụ. Sắc là vật chất, thọ tưởng hành thức là tinh thần. Gọi là ngũ uẩn. Đây là đứng về mặt A lại da mà nói, chứ tự tánh thì không có. Trong tự tánh không hiện tướng. Tự tánh bổn định khi không hiện tướng, có ngũ uẩn chăng? Có! Đại sư Huệ Năng nói: “đâu ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ”. Đó là khi không hiện tướng. Cho nên không hiện tướng chẳng thể nói nó là không có. Có thọ tưởng hành thức nhưng là ẩn không hiện.

Tự tánh không phải là vật chất cũng chẳng phải là tinh thần, nhưng có thể hiện vật chất, có thể hiện tinh thần.

Gặp được duyên, duyên ở đây chính là một niệm bất giác. Gặp được duyên này thì năng sanh vạn pháp. Hoàn Nguyên Quán gọi là “xuất sanh vô tận”.

Vô tận, nhưng có một cái làm chủ nó. Vì sao nó sanh? Ý niệm! Cho nên Phật pháp nói: “tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”. Ý niệm đấy! Sức mạnh của ý niệm rất lớn. Ý niệm có sức mạnh. Sức mạnh của chúng ta không lớn bao nhiêu, nguyên nhân vì sao? Bởi ý niệm của chúng ta tán loạn. Nghĩa là ý niệm của ta không thể tập trung. Ý niệm tập trung sẽ sanh ra một sức mạnh rất lớn.

Tu tập trong Phật pháp, bảo quí vị nhất tâm xưng niệm. Nhất tâm ở đây là gom ý niệm tán loạn tập trung lại, năng lượng đó đúng là không thể nghĩ bàn.

Lễ phép đầu tiên của Phật giáo là chắp tay. Chắp tay tượng trưng cho điều gì? Tượng trưng cho nhất tâm. Bình thường 10 ngón tay đều tán loạn, tâm tán loạn, thu tâm tán loạn lại thành nhất tâm. Nó tượng trưng cho ý nghĩa này. Cho nên khi chắp tay phải chắp sát, bởi nó tượng trưng cho nhất, nó tượng trưng cho tán loạn thu lại thành một.

Cảnh giới nhất tâm biến ra, chính là cõi Thật Báo Trang Nghiêm của chư Phật, gọi là nhất chân pháp giới. Tâm tán loạn biến thành mười pháp giới, biến thành lục đạo, biến thành tam đồ. Đều do tâm tán loạn biến ra.

Chúng ta không nói đến một đời, chỉ nói một ngày thôi, từ sáng đến tối có bao nhiêu vọng niệm? “Niệm niệm thành hình, hình giai hữu thức”. Vũ trụ từ đâu mà có? Do tự tánh biến hiện ra. Tự tánh của ai? Tự tánh của chính mình! Không liên quan gì đến người khác. Mỗi người biến hiện cảnh giới của riêng mình, hỗ tương trùng điệp. Trong sự trùng điệp đó có cộng nghiệp và bất cộng nghiệp.

Cộng nghiệp, nghĩa là chúng ta có thể thấy được. Bất cộng nghiệp là chỉ có mình biết được, chứ người khác không biết được. Người có định sẽ biết được. Vì sao? Bởi định công đột phá không gian duy thứ. Cho nên không gian duy thứ nếu đứng về mặt lý luận mà nói, như các nhà khoa học nói, là vô hạn lượng. Đây là lời chân thật. Không gian duy thứ từ đâu mà có? Từ vọng niệm mà có, nghĩa là từ phân biệt chấp trước mà có. Có phân biệt chấp trước là có không gian duy thứ. Không còn phân biệt chấp trước thì sẽ phá được không gian duy thứ. Sự việc là như vậy.

Cho nên tu tập chú trọng công phu. Thế nào là công phu? Chẳng phải ta đọc bao nhiêu bộ kinh, ta đọc bao nhiêu danh hiệu Phật, không phải như thế, đây không phải là công phu. Công phu là gì? Đây là phương pháp. Dùng những phương pháp này thành tựu công phu của quí vị. Công phu nghĩa là buông bỏ chấp trước, buông bỏ phân biệt, buông bỏ khởi tâm động niệm, gọi đó là công phu. Khó quá!

Ngày nay chúng ta sử dụng phương pháp trì danh niệm Phật, đây cũng là pháp môn. Dùng pháp môn này thành tựu công phu của chính mình. Đầu tiên chúng ta niệm để buông chấp trước. Phương pháp nay hay quá, chỉ chấp trước A Di Đà Phật. Quí vị xem, trong kinh nói, “chấp trì danh hiệu”. Chấp chính là chấp trước, trì là bảo trì, không cho nó mất. Chấp trì danh hiệu này, còn những thứ khác buông bỏ hết đừng chấp trước. Dùng một chấp trước để buông bỏ tất cả chấp trước. Bởi vì bảo quí vị buông bỏ hết tất cả chấp trước, không dễ dàng gì, khó có thể làm được, luôn luôn phải chấp trước. Đây là pháp phương tiện. Trong vô lượng pháp môn đây là pháp môn số một. Dùng câu Phật hiệu này, bởi câu Phật hiệu này thật sự rất hay, trong tất cả thời, tất cả xứ đều có thể niệm được, không bị trói buộc vào bất cứ hình thức nào. Niệm tiếng lớn, niệm tiếng nhỏ, niệm thành tiếng hay mặc niệm đều được hết, niệm trong tâm cũng được. Quí vị xem, rất dễ!

Mục đích ở đâu? Dùng một niệm để gạt bỏ tất cả vọng niệm. Nếu ta niệm câu Phật hiệu này, vẫn còn xen lẫn tạp niệm khác, thì công phu niệm Phật của quí vị bị phá hoại hết rồi. Như vậy là công phu không đắc lực.

Hôm qua có người hỏi tôi: Niệm Phật mà tạp niệm nhiều quá, dùng phương pháp nào để gạt bỏ tạp niệm? Công phu không đắc lực! Nếu công phu đắc lực thì sẽ ít tạp niệm.

Điều này liên quan đến tín nguyện. Nếu thật sự phát nguyện: đời nay buông bỏ hết tất cả, chỉ hướng đến một mục tiêu, cầu sanh tịnh độ, thấy được đức Phật A Di Đà. Nếu quí vị chỉ đơn thuần có một mục tiêu như vậy, một phương hướng như vậy, thì những thứ khác tự nhiên sẽ buông bỏ hết.

Nếu nghĩ rằng, tôi muốn ở thế gian này làm cái này làm cái khác, thì vọng niệm của quí vị rất nhiều. Đến khi nào mới có thể đạt được tâm thanh tịnh? Sự thật này chúng ta chẳng thể không biết.

Trong kinh Vô Lượng Thọ đức Phật dạy chúng ta: “phát bồ đề tâm, nhất hướng chuyên niệm”. Ngài đem phương pháp cầu sanh về thế giới cực lạc, thân cận đức Phật A Di Đà xếp vào vị trí số một, chứ không nói về những điều khác. Vì sao? Bởi chỉ có sự thành tựu này mới gọi là thành tựu viên mãn.Vãng sanh, phàm thánh đồng cư độ hạ hạ phẩm vãng sanh, cũng là chân thật thành tựu viên mãn. Vì sao? Bởi đến thế giới cực lạc là địa vị Bồ tát A Duy Việt Trí.

Chúng sanh khổ, chúng sanh có nạn. Ai đến cứu họ? Đây là việc làm của chư Phật Bồ tát. Chúng ta là Phật, Bồ tát chăng? Không phải. Vì sao? Bởi chư Phật Bồ tát không có vọng tưởng.

Ở thế gian này chẳng phải không có Phật Bồ tát. Có! Chư Phật Bồ tát thừa nguyện thị hiện rất nhiều. Thật sự có các ngài. Thị hiện ở thế gian này. Quí vị hỏi các ngài có vọng tưởng chăng? Không có! Các ngài có phân biệt chấp trước không? Không có! Các ngài thật sự không có. Phân biệt chấp trước của các ngài là hòa quang đồng trần. Các ngươi chấp trước, ta thuận theo sự chấp trước của các ngươi. Các ngươi phân biệt, ta thuận theo sự phân biệt của các ngươi. Như vậy sẽ dễ nói chuyện với quí vị, dễ qua lại với quí vị! Tâm các ngài thanh tịnh, không nhiễm một bụi trần. Đó thật sự là Bồ tát.

Quí vị cần nên biết. Vào thời đại chúng ta, bất luận trong nước hay nước ngoài, rất nhiều chuyện bịa đặt .

Năm xưa, khi tôi sống ở Mỹ. Có người nói với tôi rằng: người kia là Bồ tát Văn Thù thị hiện, người này là Phật gì đó thị hiện. Một số học trò đến hỏi tôi. Tôi nói với họ, chư Phật Bồ Tát ứng hóa tại thế gian này, là thật có chứ không phải giả. Nhưng có một quy định, nếu thân thế các ngại bị tiết lộ, thì các ngài lập tức nhập niết bàn. Đó là thật, chứ không phải giả. Nếu thân thế các ngài bị tiết lộ, mà vẫn ở thế gian này chứ không nhập niết bàn, thì đây là giả, tuyệt đối không phải thật. Từ đây, từ chỗ thị hiện này, lưu lại cho hàng đệ tử chúng ta, làm tài liệu tham khảo chính xác.

Bố Đại hòa thượng, thật sự có nhân vật này. Truyện ký của ngài trong Cao Tăng Truyện, Ngài chính là Bồ Tát Di Lặc chúng ta thờ ngày nay. Ngài xuất hiện vào triều đại nhà Tống, cùng thời đại với Nhạc Phi, vào thời Tống Cao Tông. Trong truyện ký có ghi chép một số việc của ngài. Không ai biết họ tên ngài, cũng không ai biết tuổi tác của ngài. Chỉ biết rằng, khi đó ở Phụng Hóa có một người xuất gia như thế. Hàng ngày khoác túi vải lớn trên vai đi hóa duyên. Người ta cúng dường cho bất cứ vật gì ngài cũng bỏ vào túi, không nhòm ngó tới. Cho nên người ta mới gọi ngài là Bố đại hòa thượng. Lỗ tai to và dài. Gặp người là cười múm mím. Khi sắp lâm chung, ngài tuyên bố với mọi người, ngài là Bồ tát Di Lặc thị hiện. Nói xong ngồi xếp bằng mà vãng sanh. Đây là thật chứ không phải giả.

Hoặc là người khác tuyên bố thân thế của các ngài, người khác vừa tuyên bố là các ngài nhập niết bàn ngay. Đó cũng là thật.

Hòa thượng Phong Can chùa Quốc Thanh, là đức Phật A Di Đà thị hiện. Hàn Sơn, Thập Đắc là Văn Thù Phổ Hiền. Thị trưởng khi đó, mẫu thân bị bệnh. Hòa thượng Phong Can chữa khỏi bệnh cho mẹ ông ấy. Ông biết ơn vô cùng, thỉnh giáo với vị hòa thượng này. Đúng lúc ông được phân đến địa phương làm thái thủ, nghĩa là làm thị trưởng ở đây. Ông thỉnh giáo với hòa thượng: Núi Thiên Thai là khu vực con trông coi, trong đấy có bậc cao tăng chân chánh chăng? Có! Hòa thượng nói có. Là ai vậy? Là Hàn Sơn, Thập Đắc. Ông đến ngôi chùa đó thân cận hai vị này. Hàn Sơn, Thập Đắc là Văn Thù, Phổ Hiền. Đây là do hòa thượng Phong Can nói ra.

Ông thị trưởng đi đến đó, người ta đến lễ bái tham học, muốn gặp được thánh hiền tăng. Nói đến Hàn Sơn, Thập Đắc mọi người đều cười. Họ nói: Sao ông lại tìm hai người đó, hai người đó khùng khùng điên điên, thần kinh mà! Sao lại tìm họ? Trong đây có rất nhiều cao tăng. Hai người đó chỉ là người làm việc trong bếp thôi. Một người gánh nước, một người đốt lửa. Sao ông lại tìm hai người này? Ông thị trưởng không nói gì, ông biết hai vị này là Bồ tát thị hiện, nhất định phải đến đảnh lễ. Hai vị khùng khùng điên điên này cười ông. Chạy ra ngoài, ông chạy theo sau, đuổi theo. Chạy đến bên ngọn núi, ngọn núi tách ra, hai vị đó đi vào trong, nói một câu: “ Di Đà bẻm mép”. Nói xong ngọn núi khép lại, không thấy nữa. Đó là thật.

Ông ta nghe nói câu “Di Đà bẻm mém”. Hòa thượng Phong Can nói với ông, như vậy Phong Can chính là Di Đà. Thân thế của hòa thượng Phong Can bị bại lộ. Ông trở về tìm hòa thượng Phong Can, hòa thượng Phong Can đã viên tịch rồi, không còn nữa.

Trong lịch sử TQ, hiện tượng này rất nhiều. Nói xong là niết bàn. Nói xong mà vẫn còn là lường gạt người đấy! Làm gì có lý như vậy! Người xưa làm cho chúng ta thấy. Nhiều thời đại thật sự có, chẳng những có người xuất gia, mà có cả người tại gia nữa.

Chúng ta học đến Phó Đại Sỹ, vị cư sỹ triều đại nhà Đường, ông cũng là hóa thân của Bồ Tát Di Lặc. Những thường thức này, khi chúng tôi mới học Phật, thầy giáo phó chúc cho chúng tôi, sau này gặp phải, đừng bị mắc lừa. Những việc này chẳng thể không biết.

Nhất là vào thời cận đại này, khi xã hội bỏ qua nền giáo dục luân lý, đạo đức, nhân quả. Xã hội thiếu đi chánh khí, khí hạo nhiên. Người nước ngoài gọi là từ trường. Bởi chúng ta làm mất đi nền giáo dục của cổ thánh tiên hiền. Ở nước ngoài cũng làm mất nền giáo dục của tôn giáo. Tất cả đều làm mê tín, nếp sống của xã hội xấu đi. Người nước ngoài nói từ trường xấu đi. Yêu ma quỷ quái xuất hiện. Nếu xã hội có chánh khí. Có yêu ma quỉ quái chăng? Có, nhưng nó không dám xuất hiện. Nó phải ẩn nấp, không dám hiện thân. Ngày nay nó đã hiện ra. Cho nên nhiều chuyện bịa đặt, nhất định chúng ta phải biết.

Khi đức Phật Thích Ca sắp niết bàn. Tôn giả A Nan thỉnh giáo với Phật: Khi Phật còn tại thế, Phật là thầy của chúng con, ngài nhập niết bàn rồi, chúng con tôn ai làm thầy? Chúng con phải học tập với ai đây? Đức Phật trả lời, ngài không giới thiệu ai hết. Đức Phật nói với A Nan, nghĩa là ngài nói với chúng ta, “lấy giới làm thầy”, “ lấy khổ làm thầy”.

Nếu muốn thật sự thành tựu đạo nghiệp, nhất định phải đem những chuyện ở thế gian, như danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần, tài sắc danh thực thùy, buông bỏ hết. Vì sao? Nếu không buông được những thứ này, thì làm sao có thể đạt được thanh tịnh bình đẳng giác. Thanh tịnh bình đẳng giác là tánh đức. Người xưa nói, tự tánh bổn thiện, bổn tánh bổn thiện. Tam tự kinh nói, nhân chi sơ tánh bổn thiện. Tự tánh của quí vị là chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi. Hiện nay mê thất tự tánh, cho nên mới có tự tư tự lợi, danh văn lợi dưỡng, tham sân si mạn. Trong tự tánh không có những thứ này. Đó là gì? Là tập tánh, trong tập tánh có, không có trong tự tánh. Tam tự kinh nói tiếp: “tánh tương cận tập tương viễn”.

Đứng về mặt tự tánh mà nói thì mọi người đều là Phật. Đức Phật dạy: tất cả chúng sanh vốn là Phật. Cổ thánh tiên hiền nói: tất cả chúng sanh đều là thánh hiền - “ai ai cũng có thể làm Nghiêu Thuấn”, Nghiêu Thuấn là thánh nhân. Tự tánh của quí vị là như vậy, tánh giống nhau. Ngày nay chúng ta gọi là bình đẳng, nhưng tập thì tương viễn.

Tập là tập tánh, là thói quen, “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Khái niệm giáo dục từ đây mà có. Vì sao phải dạy? “Nếu không dạy, tánh bèn dời”. Nếu không dạy dỗ cẩn thận, tập tánh với bổn tánh càng ngày càng xa, xa đến mức không còn thấy thiện, mà chỉ thấy ác thôi. Phiền phức lớn đấy.

Từ đó quí vị sẽ biết được, mục đích giáo dục từ xưa đến nay là gì? Là hy vọng tập tánh của quí vị sẽ tương ưng với bổn tánh. Như thế là đúng. Mục đích cuối cùng là trở về bổn tánh, giống như Phật pháp vậy. Phật pháp dạy học là dạy chúng ta trở về tự tánh. Tự tánh là chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi. Trở về chỗ này, thì sự giáo dục này viên mãn, thành công rồi!

Chỉ cần trở về tự tánh, thì đối với vũ trụ, nhân sinh, muôn sự muôn vật, chẳng có điều gì quí vị không thông đạt, không hiểu rõ. Vì sao? Bởi tự tánh có trí huệ viên mãn, tự tánh có đức năng viên mãn, ngày nay chúng ta gọi là tài nghệ, tự tánh có phươc báo viên mãn. Tướng hảo chính là phước báo. Không cần cầu, có đủ hết.

Ba loại phước báo này giống ai? Như đức Phật A Di Đà trong kinh đức Phật nói. Thế giới cực lạc của đức Phật A Di Đà, quí vị xem, phước báo của ngài lớn biết bao. Phước báo của quí vị giống như ngài vậy, so với ngài ta không thiếu một điều gì. Đức Phật A Di Đà, thân có vô lượng tướng, tướng vô lượng vẻ đẹp. Chẳng phải chỉ có 32 tướng 80 vẻ đẹp đâu. Đó là cõi nhân gian này. Bản thân mình là thân kim cang bất hoại, thật sự là vô lượng thọ.

Ngày nay chúng ta ra nông nỗi này, đó là gì? Là tập tánh. Tập tánh biến hiện ra, vọng tưởng trong tập tánh. Những đạo lý và chân tướng sự thật này, đều phải hiểu rõ ràng minh bạch. Mê thất tự tánh thì con người sẽ rất khổ. Trí huệ trong tự tánh không thể hiện tiền. Phải làm sao đây? Học tập, cầu học khắp nơi. Những điều ta học được ngày nay là tri thức chứ không phải trí huệ. Đó là sự khác biệt lớn nhất giữa người phương tây và người phương đông.

Phương đông từ xưa đến nay, như TQ, Ấn độ, mục đích dạy học là trí huệ. Phật giáo nói khai ngộ, Nho giáo và Đạo giáo cũng nói đến khai ngộ. Chú trọng ngộ tánh, chú trọng đức hạnh, chú trọng sự điềm tĩnh. Điềm tĩnh gần với định công. Trí huệ giải quyết được mọi vấn đề nhưng không để lại di chứng về sau. Tri thức có thể giải quyết được vấn đề cục bộ, nhưng có nhiều hậu di chứng, đó chẳng phải là phương pháp.

Cho nên đầu tiên chúng ta phải hiểu, Phật pháp thật sự vô cùng viên mãn, bất luận là lý luận, phương pháp, hiệu quả hay kinh nghiệm, đều đáng để cho chúng ta học tập.

Sự thành tựu của Phật pháp không phải thành tựu người khác mà là thành tựu chính mình. Sự y cứ của Phật pháp đều là tánh đức của chính mình. Chúng ta học với ai? Chẳng phải học với đức Phật Thích Ca Mâu Ni, chẳng phải học với đức Phật A Di Đà, mà là học với tự tánh của chính mình. Phật A Di Đà là tự tánh biến hiện ra.

Quí vị xem thiền sư Trung Phong khai thị trong tam thời hệ niệm, ngài nói rất rõ ràng: “Tâm con tức là Phật A Di Đà, Phật A Di Đà chính là tâm con”. Phật A Di Đà từ đâu mà có? Tâm ta biến hiện ra. Do tâm gì biến hiện ra? Thanh tịnh bình đẳng giác biến hiện ra. Phật A Di Đà chính là thanh tịnh bình đẳng giác của tự tánh. Nơi đây là tịnh độ, tịnh độ là nơi đây. Ngài nói vô cùng rõ ràng minh bạch. Tự tha bất nhị, tánh tướng nhất như. Đây là sự thành tựu của Phật pháp.

Ý niệm khác biệt của hàng phàm phu chúng ta, khác biệt chính là phân biệt, rất khó đoạn. Trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày cần phải học. Học điều gì? Học không khác biệt, cũng có nghĩa là học không phân biệt, cố gắng làm phai nhạt phân biệt, phai nhạt chấp trước, như thế là tiến bộ. Thật sự không phân biệt nữa, chúc mừng quí vị, quí vị đã chứng được quả vị A La Hán, đã siêu việt được lục đạo rồi. Luân hồi lục đạo từ chấp trước mà có, không còn chấp trước thì lục đạo sẽ không có. Không còn phân biệt thì mười pháp giới không còn.

Đến khi nào mới biết mình thật sự đoạn được phân biệt chấp trước? Không còn mười pháp giới là quí vị thật sự đoạn được phân biệt chấp trước. Nếu lục đạo và mười pháp giới vẫn còn, quí vị sẽ biết được mình vẫn còn chấp trước, vẫn còn phân biệt, vẫn chưa đoạn! Đức Phật nói lời chân thật, không giả dối.

Nhưng về lý nhất định chúng ta phải biết. Tâm là thể, năng sanh năng hiện, bao gồm cả năng biến của A lại da.

Phật và chúng sanh, Phật là giác ngộ, chúng sanh thì mê hoặc. Đều là sở sanh sở hiện sở biến. Giác và mê là hai, nhưng đều từ tâm sanh, tam vô sai biệt. Đây gọi là chân bình đẳng.



Nhập Phật Cảnh Giới Kinh viết: Bồ đề giả, danh vi bình đẳng. Bình đẳng giả, danh vi chân như, nãi chí bình đẳng giả tức thị nhập bất nhị pháp môn. Cố tri hữu sai biệt tức thị nhị, tức bất như. Cố vân bình đẳng tức nhập bất nhị, tức thị chân như. Khả kiến bình đẳng chí nghĩa thẩm thâm.

Đoạn kinh này hay quá, giống như kinh Hoa Nghiêm nói: “một là tất cả, tất cả là một”. Nếu ta ngộ nhập Phật pháp, trong đó là thông. Người xưa nói rất hay: “ thông được một bộ kinh sẽ làu thông tất cả kinh”. Thông được một pháp môn, sẽ thông tất cả các pháp môn. Còn một pháp không thông, nghĩa là pháp môn đó quí vị chưa thấu triệt. Thật sự thấu triệt rồi thì đâu có lý chẳngthông!

Bồ đề là tiếng Ấn độ, dịch thành tiếng Hán có nghĩa là giác ngộ. Người thật sự giác ngộ, tâm là bình đẳng. Trong tâm còn vọng niệm nghĩa là chưa giác ngộ. Vẫn còn bất bình là chưa giác ngộ. Vẫn còn chấp trước cũng chưa giác ngộ. Bình đẳng là giác ngộ. Bình đẳng chính là chân như trong kinh nói. Chân như chính là bổn tánh.

“Nãi chí bình đẳng giả tức thị nhập bất nhị pháp môn”. Câu này nói hay quá. Nhị là có sai biệt, chúng ta khởi tâm động niệm là nhị, lạc vào hai rồi. Khi nào nhập được pháp môn bất nhị? Lục căn tiếp xúc với cảnh giới lục trần, mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, thấy rõ ràng, nghe minh bạch, mà không khởi tâm động niệm, đây gọi là nhập pháp môn bất nhị. Cảnh giới này, trong kinh Lăng Nghiêm đức Phật nói rất hay. Kinh Lăng Nghiêm nói xả thức dụng căn. Phương pháp tu tập này, phải là bậc thượng căn lợi trí, chúng ta không làm được đâu.

Chúng ta thấy sắc nghe âm thanh là dùng nhãn thức, nhĩ thức. Thức là phân biệt. Không dùng phân biệt là tánh thấy tánh nghe, đó là dùng bồ đề. Tánh thấy thấy là sắc tánh, tánh nghe nghe là thanh tánh. Là tánh chứ không gọi là trần.

Phàm phu nhãn thức thấy là sắc trần, nhĩ thức nghe là thanh trần. Trần có nghĩa là gì? Là nhiễm ô.

Tánh là chân thành, là chân như, không nhiễm ô. Đó gọi là gì? Là minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật. Kiến tánh có nghĩa là như vậy. Mắt thấy sắc tánh, tai nghe thấy thanh tánh.

Tánh có nghĩa là gì? Kinh Bát Nhã nói: “tất cả pháp”, tất cả pháp ở đây chính là cảnh giới lục trần, lục căn lục trần, năng kiến sở kiến. “Tất cả pháp, vô sở hữu, tất cánh không, bất khả đắc”. Đức Phật giảng kinh Bát Nhã 22 năm, ngài giảng về điều gì? Trí huệ chân thật, vô thượng bồ đề. Ngài nói về chân tướng của vũ trụ nhân sanh.

Những bộ kinh hay như thế, ngày nay dần dần các nhà khoa học đã chứng minh. Đó là việc tốt. Giới khoa học dùng phương pháp thực nghiệm, từ việc thực nghiệm này họ có được kết luận, đức Phật nói không sai. Nhất là nói về duyên khởi của vũ trụ, vạn vật, sinh mạng, nhân sinh, những thứ này từ đâu mà có. Sự việc này cho đến ngày nay, quí vị xem trên thế giới, biết bao nhiêu nhà khoa học, triết học, bao gồm cả các nhà tôn giáo. Mấy ngàn năm rồi nghiên cứu về vấn đề này. Nếu tính cả đạo Bà la môn vào đó, thì phải là hơn 10 ngàn năm rồi, nhân loại nghiên cứu về vấn đề này.

Đạo bà la môn rất giỏi, họ dùng phương pháp tuyệt, họ dùng thiền định đấy. Nhập thiền định thẩm thâm, trong cảnh giới thiền định, đột phá không gian duy thứ. Lục đạo do họ phát hiện ra. Điều này cần nên biết.

Trong công phu thiền định, họ có thể thấy được 28 tầng trời, bên dưới thấy được ngạ quỷ, địa ngục. Là cảnh giới hiện lượng. Hiện lượng nghĩa là tận mắt thấy được, chứ chẳng phải người khác nói cho họ biết, cũng chẳng phải lý luận suy đoán. Họ thật sự nhìn thấy.

Quí vị nhập được cảnh định này, quí vị sẽ thấy được, họ nhập được cảnh định này, họ cũng thấy được. Cho nên người thấy được rất nhiều. Hầu như tất cả tôn giáo ở Ấn độ, đều tu tứ thiền bát định. Học phái Ấn độ, học phái triết học cũng tu thiền định. Cho nên ở Ấn độ, lục đạo được phổ biến khẳng định. Vì sao? Bởi rất nhiều người thấy được rồi.

Năm xưa đức Phật Thích Ca Mâu Ni, 19 tuổi ngài rời vương cung đi tham học. Nền tảng công phu là tứ thiền bát định, dĩ nhiên ngài học rất giỏi. Ngài cũng rất rõ ràng minh bạch. Khi giảng kinh ngài thường đưa ra những điển hình này. Ngài cũng dạy chúng ta hạ thủ công phu từ đây, vì sao? Đây gọi là thế gian thiền định. Xuất thế gian thiền định càng cao hơn. Đây là nền tảng. Nếu không có thế gian thiền định, thì làm sao có thể tu xuất thế gian thiền định?

Xuất thế gian thiền định thấp nhất là A la hán. Trong hội Lăng Nghiêm, định của bậc A la hán tu, gọi là cửu thứ đệ định. Tứ thiền cộng Tứ Không Định, định này có 8 đẳng cấp. Định thứ 9 siêu việt rồi. Bậc A la hán chứng được. Siêu việt luân hồi lục đạo. Lên trên nữa, định của hàng Bồ tát càng sâu hơn. Bồ tát tiến lên nữa, có khoảng hơn 40 đẳng cấp. Chúng ta tính từ bậc A la hán, định thứ chín, đẳng cấp thứ chín. Bích Chi Phật là 10. Trong mười pháp giới, Bồ tát là thứ 11, Phật là thứ 12. Lên trên nữa vẫn còn 41 đẳng cấp, 41 vị pháp thân đại sỹ ở hội Hoa Nghiêm. Cấp bậc từ từ hướng thượng nâng lên. Đây gọi là chân tu hành, chân công phu.

Bất luận tu tập pháp môn nào, quí vị chẳng thể nói không cần trải qua những gian đoạn này, không thể được. Bất luận tu pháp môn nào, đều phải theo thứ lớp này tiến lên. Đấy là Phật pháp, Phật pháp cao thâm mà.

Xã hội của chúng ta ngày nay, ngay cả giới triết học và khoa học, có trí huệ của bậc A la hán, nhưng không có đức hạnh của A la hán. Đức hạnh chính là định, họ không có định của bậc A la hán. Họ nghiên cứu, dùng máy móc tinh vi quan sát được. A la hán thấy được, thiên nhãn, huệ nhãn của bậc A la hán thấy được, không cần dùng máy móc, họ còn thấy được rõ hơn quí vị nữa. Lên cao nữa như các vị Bồ tát thì chẳng cần phải nói.

Đến chỗ nhập pháp môn bất nhị, hàng Bồ tát Sơ trụ trong hội Hoa Nghiêm mới nhập được. Cũng chính là điều trong đạo Phật thường nói: đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật, là nhập pháp môn bất nhị.

Trong mười pháp giới có nhị, bởi họ vẫn còn vi tế phân biệt. Đến cõi thật báo, siêu việt mười pháp giới, thật sự không còn ý niệm đối lập nữa. Điều này ngày nay chúng ta đang học, họ cách nào? Học không đối lập với người, họ đối lập với ta, ta không đối lập với họ. Không đối lập với sự việc, cũng không đối lập với tất cả vật. Từ trong nội tâm hóa giải đối lập.

Làm cách nào để đạt đến chỗ công phu như thế? Khi đạo Phật chưa truyền sang TQ, người xưa đã đưa ra vấn đề, không khác gì lời Phật dạy.

Lão tử nói: “thiên địa với ta đồng căn, vạn vật với ta nhất thể”. Ta và thiên địa vạn vật đồng căn một thể, thì làm gì có hai nữa? Đây chẳng phải là điều đức Phật nói sao? Đó chính là nhập pháp môn bất nhị mà đạo Phật nói. Cho nên người xưa, tôi cho rằng họ đều là chư Phật bồ tát tái lai, đến TQ hóa độ chúng sanh.

Người xưa không tin có thần, quí vị đọc lịch sử xưa xem, người xưa không mê tín, ở đó không có tôn giáo. Nước ngoài có tôn giáo, ở đó không có tôn giáo. Ở đó có thánh nhân, có hiền nhân. Những điều các vị thánh hiền này dạy chúng ta, có nhiều chỗ tương ưng với Phật pháp. Cho nên Phật pháp truyền vào TQ, được người TQ vô cũng hoan nghênh. Đạo lý là ở chỗ này.

Tôn giáo truyền vào TQ, người TQ tỏ ra lạnh nhạt với nó, không hoan nghênh cho lắm. Nhưng người xưa rộng lượng, từ bi, bao dung không bài xích, đối xử rất tốt. Chúng ta có thể hòa bình chung sống. Thật sự đã bao dung tôn giáo.

Ở đây cho thấy ý nghĩa bình đẳng vô cùng thâm sâu. Trong Phật pháp trước nói về thanh tịnh, sau nói về giác, đều có nghĩa lý vô cùng thâm sâu.

Kim đề trung viết bình đẳng giác, khả hữu tứ giải.
Hoàng Niệm Tổ lão cư sỹ hợp bình đẳng giác lại. Tôi giảng kinh đem bình đẳng giác phân ra. Ở đây ông hợp bình đẳng giác lại, cũng được. Vì sao? Bởi bình đẳng là định, nhân định khai ngộ, giác là khai ngộ. Thanh tịnh là giới. Bình đẳng là định. Giác là trí huệ. Khai ngộ rồi.

Nếu đứng về mặt thể dụng mà nói, bình đẳng là thể của khai ngộ, từ đây mà khai ngộ. Khai ngộ là dụng của bình đẳng. Bình đẳng là thể, giác là dụng. Chúng ta đang nói về thể- tướng -dụng. Thanh tịnh là tướng. Bình đẳng là thể. Giác là dụng. Đây là đứng về mặt thể-tướng-dụng mà nói.

Bình đẳng giác có bốn nghĩa.

Nhất viết bình đẳng phổ giác nhất thiết chúng sanh. Câu này có nghĩa là phổ linh nhất thiết chúng sanh bình đẳng thành Phật chi pháp.

Ý nghĩa này hay quá. Đức Phật nhìn chúng sanh đều là Phật. Bồ tát thấy chúng sanh đều là Bồ tát. Pháp bình đẳng đấy. Đây là thật sự đã giác ngộ. Phàm phu thì thấy Phật Bồ tát cũng là phàm phu. Từ đó cho thấy, trong kinh nói tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, không sai tí nào.

Pháp chẳng phải là chân, nó hoàn toàn do cách nhìn của quí vị. Nếu quí vị thấy tất cả chúng sanh đều là Phật, thì tâm của quí vị sáng tỏ, tự tại và thanh tịnh biết bao. Nói cách khác, thanh tịnh bình đẳng giác trong tự tánh của quí vị đã xuất hiện rồi.

Tất cả chúng sanh thật sự là Phật chăng? Đúng là Phật! Chúng ta thấy họ không phải là Phật, là do chúng ta nhìn nhầm, Phật không nhìn nhầm đâu. Đây là sự thật.

Vì sao đức Phật không nhìn nhầm? Bởi ngài nhìn về tánh, tánh là bình đẳng. Vì sao chúng ta nhìn sai? Bởi chúng ta nhìn về tướng. Tướng không giống nhau.

Người xưa đưa ra ví dụ: lấy vàng làm đồ trang sức, đồ trang sức đều là vàng. Chúng ta thấy như nhẫn, lắc tay, dây chuyền, không giống nhau! Nhẫn chẳng phải là lắc tay, lắc tay chẳng phải là dây chuyền. Chúng ta nhìn từ hình tướng. Đức Phật thấy thế nào? Đức Phật thấy đều là vàng ròng. Nhẫn là vàng ròng, lắc tay là vàng ròng, dây chuyền cũng vậy, tất cả đều là vàng ròng. Bình đẳng mà!

Chấp tướng thì không thấy tánh, thấy tánh thì không chấp tướng. Nếu chúng ta không chấp tướng, không riêng gì con người, mà muôn sự muôn vật đều là bổn tánh hiện ra. Bình đẳng giác hiện tiền. Chấp tướng thì không được, sẽ khác nhau rất nhiều. Trong tâm quí vị vọng niệm sẽ nhiều. Nếu thanh tịnh bình đẳng giác, trong tâm sẽ không có vọng niệm. Không có vọng niệm được lợi ích lớn, là chân tự tại.

Đức Phật dạy chúng ta, phàm phu lục đạo chấp tướng. Pháp giới tứ thánh tuy không chấp tướng, nhưng họ có phân biệt, cho nên cũng chưa thấy tánh. Họ không chấp tướng nhưng có phân biệt. Nhất định phải buông bỏ hết phân biệt chấp trước, sau đó mới có thể đạt được không khởi tâm không động niệm. Đó là thấy tánh.

Đức Phật lấy bình đẳng phổ giác. Phổ biến giác ngộ tất cả chúng sanh. Chúng ta đem câu này, dùng ngôn ngữ hiện nay để giải thích. Đức Phật dùng phương pháp bình đẳng phổ biến, giúp cho tất cả chúng sanh giác ngộ. Như thế mọi người sẽ dễ hiểu. Đây gọi là chân từ bi.

“Phổ linh nhất thiết chúng sanh bình đẳng thành Phật chi pháp”. Đây là phương pháp gì? Chính là phương pháp mà kinh Vô Lượng Thọ nói. Phương pháp này nói đơn giản chỉ có 8 chữ: “phát bồ đề tâm nhất hướng chuyên niệm”. Bất luận nam nữ già trẻ, phú quí bần tiện, thượng trí hạ ngu, dùng phương pháp này đều sẽ thành Phật. Đây là bình đẳng, chân bình đẳng. Về đến thế giới tây phương cực lạc, đức Phật A Di Đà bổn nguyện oai thần gia trì, ai ai cũng là Bồ tát A Duy Việt Trí, đây gọi là bình đẳng thành Phật. Không giống những phương pháp khác.

Tông chỉ tu tập này được viết trên đề kinh. Dưới đây nói: Kim kinh trung phát bồ đề tâm nhất hướng chuyên niệm chi pháp, phổ bị tam căn. (Thượng trung hạ tam căn) Bổn kinh vị đương lai nhất thiết hàm linh giai y thử pháp nhi đắc độ thoát, chánh hiển bình đẳng phổ giác chi nghĩa.Đây là ý nghĩa thứ nhất.

Pháp môn này thù thắng không gì sánh bằng! Chúng ta phải tin tưởng đức Phật. Không được có cảm giác tự ti, tôi tạo nhiều nghiệp, tội lỗi sâu dày, e rằng không thể vãng sanh. Như vậy quí vị đã cô phụ đức Phật A Di Đà rồi. Hiện nay đức Phật A Di Đà giúp cho quí vị một đời thành Phật, vì sao quí vị không dám làm? Như thế là sai. Quan trọng nhất là phải nhận lấy.

Khoa học lượng tử ngày nay cũng cho chúng ta biết, bất luận quá khứ quí vị tạo tội nghiệp nặng cách mấy, khi ta chuyển đổi ý niệm, thì tất cả sẽ được hóa giải. Vì sao? Bởi tội và phước đều không có thật. Tất cả mọi hiện tượng đều chẳng phải là chân. Tất cả mọi hành vi cũng chẳng phải chân. Nếu nó thật có thì phiền phức rồi. Những việc này từ đâu mà có? Đều từ ý niệm mà có. Một niệm bất giác là ác, một niệm giác là thiện.

Khi nói đến chỗ cao hơn nữa, nói cho quí vị biết, không có tướng tương tục thật sự. Giống như chúng ta xem phim vậy, phim nhựa ngày xưa, từng tấm phim nhựa. Ở chỗ này tôi có đạo cụ đây. Quí vị xem từng tấm từng tấm phim. Nó có tương tục chăng? Nó không tương tục. Mỗi tấm đều khác nhau, độc lập riêng biệt. Ý niệm của chúng ta cũng như vậy, mỗi ý niệm đều độc lập riêng. Niệm trước và niệm sau có tương tợ, nhưng hoàn toàn không tương đồng. Nếu hoàn toàn tương đồng, thì Giang Bổn Thắng làm thí nghiệm nước, ý niệm trước của ta, ta dùng tâm thương yêu kết thành tinh. Ngày mai ta vẫn dùng tâm thương yêu của mình để làm thí nghiệm, thì kết tinh đó phải tương đồng, vì sao nó lại không giống nhau? Một giây trước và giây sau không giống nhau. Cho nên tiếng sỹ Giang Bổn Thắng nói với tôi, ông ấy làm mười mấy năm rồi, chưa phát hiện có hai tấm hoàn toàn tương đồng. Ông hỏi tôi vì sao như vậy? Tôi đem đạo lý của Phật pháp giảng cho ông ấy nghe. Tuy nói một mình ông làm, tình thương yêu của ông, giây phút trước và sau không giống nhau. Tuyệt đối không có tương đồng. Có bằng chứng trong Phật pháp. Ngày nay trong khoa học lượng tử cũng có bằng chứng. Khoa học lượng tử cũng nói như vậy, họ cũng dùng phim nhựa làm ví dụ. Thật sự là như vậy.

Cho nên một niệm giác, một niệm là thiện, những bất thiện đằng trước không còn nữa. Đây gọi là chân sám hối. Vì sao thường xuyên sám hối mà không hết tội? Quí vị cho rằng tội nghiệp của mình trước đây sâu nặng, thường nghĩ như vậy. Ý niệm đó khởi lên, ác niệm lại xuất hiện, không có cách nào làm sạch được. Quí vị hiểu rõ đạo lý này rồi, ý niệm của chúng ta niệm niệm không tương đồng. Ý niệm này của ta thiện, không nghĩ đến những ý niệm trước thì tự nhiên nó sẽ không còn. Vì sao cứ nghĩ đến nó vậy? Sai lầm rồi!

Người học Phật nghĩ đến điều gì là tốt nhất? Nghĩ đến đức Phật A Di Đà là tốt nhất. Vì sao? Phật A Di Đà là tượng trưng cho tự tánh viên mãn, tượng trưng toàn thể của tự tánh. Một câu A Di Đà Phật là bao gồm tất cả. Không nên tản mát tu tất cả những tán thiện đó. Quí vị như vậy là đại viên mãn.

Muốn học kinh, một đời đức Phật giảng bao nhiêu kinh. Quí vị nên biết, đó chẳng phải đức Phật nói với chúng ta, mà ngài nói với những người thời đó. Những người đó không liên quan gì đến chúng ta. Đức Phật ứng cơ thuyết pháp. Nếu năm nay chúng ta gặp đức Phật Thích Ca Mâu Ni, ngài nói với ta bộ kinh này, đó là ngài độ ta. Nhưng đức Phật rất từ bi, tất cả kinh đều có đối tượng. Có một bộ kinh không có đối tượng, ai cũng thích hợp, đó chính là kinh Vô Lượng Thọ, kinh Di Đà.

Nói cách khác, tuy bộ kinh này đức Phật nói cách đây 3 ngàn năm về trước. Nhưng ta có thể nói là ngài nói với ta. Vì sao? Pháp bình đẳng mà. Những bộ kinh khác không bình đẳng, có đối tượng đặc biệt. Căn tánh quí vị không tương đồng. Đó là nhân bệnh mà cho thuốc. Bộ kinh này là thuốc vạn linh, bệnh gì cũng chữa được. Không cần chẩn đoán, chắc chắn chữa khỏi bệnh cho quí vị. Đây là bài thuốc phổ thông, bệnh gì cũng thích hợp. Cho nên trong kinh được ví là thuốc A Già Đà. A Già Đà là tiếng Ấn độ, giống như TQ gọi vạn linh đơn vậy. Bất luận căn bệnh gì, chỉ cần có được thuốc này thì chắc chắn chữa khỏi bệnh.

Thứ hai Dĩ bình đẳng pháp giác ngộ chúng sanh.

Thứ nhất là bình đẳng phổ giác nhất thiết chúng sanh. Ở đây thêm một pháp nữa. Pháp là phương pháp, là môn đạo.



Tịnh Ảnh Sớ viết, vô tác vô sở hữu đẳng, vi bình đẳng pháp. Trì danh chi pháp, tâm tác tâm thị, ám hợp đạo diệu, xảo nhập vô sanh. Tùng hữu niệm nhập vô niệm, nhân vãng sanh chứng vô sanh. Niệm đắc năng sở lưỡng vong, tức thị Kim Cang Bát Nhã chi ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm. Diệc tức Tịnh Ảnh Sớ chi vô tác vô sở hữu. Dĩ như thị pháp giáo đạo chúng sanh hoành xuất tam giới, thành cứu cánh giác, thị vị dĩ bình đẳng pháp giác ngộ chúng sanh.

Đoạn kinh này cũng nói rất rõ ràng. Tịnh Ảnh Sớ là một bộ chú giải kinh Vô Lượng Thọ, do vị pháp sư đời nhà Đường viết. Trong đó giải thích về hai chữ bình đẳng. “Vô tác vô sở hữu đẳng” gọi là pháp bình đẳng.

Có tác là có phân biệt, có chấp trước. Có sở hữu cũng là có phân biệt, chấp trước, như thế là không bình đẳng rồi.

Chư Phật Bồ tát ứng hóa tại thế gian, có tác chăng? Đức Phật Thích Ca Mâu Ni vì chúng ta mà ngài giảng kinh thuyết pháp suốt 49 năm. Trong lòng chúng ta là ngài có tác, có sở hữu. Nhưng với Phật thì ngài vô tác, vô sở hữu. Câu này giải thích thế nào?

Phàm phu chúng ta, bảo quí vị dạy một tiết, thì phải chuẩn bị trước, chuẩn bị là có tác, có sở tác. Năm xưa đức Phật giáo hóa chúng sanh, quí vị nên biết, ngài không có bài giảng, không có sách, tùy khẩu thuyết. Nguồn gốc của kinh là sau khi ngài niết bàn, học trò của ngài từ chỗ nhiều năm tiếp nhận sự dạy dỗ, tự mình nhớ lại, đức Phật đã dạy như thế nào, đem viết ra thành sách lưu truyền lại đời sau. Nguồn gốc là như vậy.

Đức Phật Thích Ca như vậy, Khổng lão phu tử còn tại thế cũng như vậy. Khổng lão phu tử còn viết mấy bài, không nhiều. Chúng tôi biết Dịch Kinh Hệ Từ Truyền, là bài viết của Khổng lão phu tử. Xuân Thu, bộ sách này do Khổng tử viết. Truyện là giải thích, là chú giải. Có ba nhà chú giải. Tả Khưu Minh có Cốc Lương Truyện. Khổng tử viết một số sách.

Đức Phật thì không. Đức Phật không viết một bài nào hết. Cho nên ngài nói, ai nói ngài thuyết pháp suốt 49 năm, là phỉ báng Phật. Đức Phật phủ định những điều mình nói trong suốt 49 năm. Ngài không nói pháp, ngài thật sự không nói pháp. Vì sao nói nhiều như vậy mà nói thật sự không nói pháp? Bởi nói mà không nói, không nói mà nói. Cái này diệu đấy, càng nói càng huyền rồi. Thế nào là không nói? Ngài không khởi tâm động niệm mà!

Khi chúng ta nói pháp, trong đó có khởi tâm động niệm, phân biệt chấp trước. Ngài thì không có. Ngài không khởi tâm, không động niệm, không phân biệt, không chấp trước. Sao ngài nói được? Tự nhiên lưu xuất ra, từ tự tánh lưu xuất ra. Quí vị xem kinh sách ghi chép lại hay như thế, trong tự tánh có điều lý, có thứ tự, không hề loạn tí nào. Pháp nhĩ như thị, tự nhiên mà!

Chúng ta nghĩ lại xem, thân thể của mình, thân thể này do cha mẹ sanh ra. Đầu tiên là tế bào đơn, vì sao ở trong thai mẹ lại lớn lên thành một cơ thể phức tạp như thế này? Bên ngoài có nhãn nhĩ tỷ thiệt thân, bên trong có ngũ tạng lục phủ, kinh mạch hoàn chỉnh không thiếu cái nào. Ai tạo ra ? Ai thiết kế ? Ai chế tạo vậy? Không có! Pháp vốn như vậy.

Đức Phật thuyết pháp vô cùng viên mãn, cũng giống như cơ thể của chúng ta, từ tự tánh tự nhiên lưu xuất ra. Cơ thể của con người thật sự cũng có sự khác biệt nào đó, như sức khỏe bất đồng, diện mạo bất đồng. Trong đời phú quí bần tiện bất đồng. Những khác biệt này là do nghiệp lực biến hiện ra. Ở đây nói, tất cả pháp từ tâm tưởng sanh.

Đời quá khứ tu phước, đời này đến hưởng phước. Đời quá khứ tạo nghiệp, thì đời này đến thọ tội, chịu khổ chịu nạn. Đức Phật dạy: nhân sinh thù nghiệp! Tuy có nghiệp lực, nhưng có thể thay đổi, chứ chẳng phải không thể thay đổi.

Liễu Phàm Tứ Huấn là điển hình dạy chúng ta thay đổi vận mệnh hay nhất. Số không có tiền của, có thể có tiền. Số không được thông minh trí huệ có thể được thông minh trí huệ. Số không thọ có thể được trường thọ. “Phật thị môn trung, hữu cầu tất ứng”. Những lời này khi tôi mới học Phật, thầy giáo dạy tôi - Chương Gia đại sư dạy tôi. Trong đây có đạo lý, có phương pháp. Cầu như lý như pháp, thì cảm ứng không thể nghĩ bàn.

Tôi học Phật 59 năm, hoàn toàn thực hiện, tôi nương vào lời dạy dỗ của thầy, hoàn toàn thực hiện, cho nên không hề có chút nghi ngờ nào.

Có phước báo, khi hưởng phước vẫn phải tu phước, thì phước báo của quí vị đời đời kiếp kiếp hưởng không hết. Nếu hưởng phước mà không biết tu phước, sẽ hưởng hết phước. Ngạn ngữ có câu: “Giàu không quá ba đời”. Đó chính là hưởng phước mà không biết tu phước. Nếu biết tu phước, thì phước báo của họ đời đời kiếp kiếp không hết.

Ở TQ, ngài Ấn Quang đưa ra hai người, một là Khổng lão phu tử. Quí vị xem Khổng lão phu tử, Khổng Đức Thành bảy mươi mấy đời rồi. Gia đạo không suy, đấy là tích đức lớn. Đức lớn ở đây là dạy học. Một đời Khổng tử không làm việc gì khác chỉ dạy học. Dạy điều gì? Dạy đạo thánh hiền. Phu tử là người thật thà. Chúng ta dùng từ thật thà, nghe lời, làm thật, ông đã làm được sáu chữ này. Những điều ông học, ông tu, ông dạy, ông truyền lại, chẳng phải của mình. Ông không nói dối, ông thật thà. Là của ai? Của cổ thánh tiên hiền. Cho nên người đời sau tôn xưng ông là Tập Đại Thành Giả.

Từ xưa đến nay, mấy vạn năm về trước rồi, khi đó chưa có văn tự, chưa phát minh ra văn tự, tất cả đều là khẩu truyền. Đời đời kiếp kiếp truyền lại, đến đời Phu tử thì có văn tự rồi, dùng văn tự ghi chép lại truyền cho đời sau. Cho nên ông là Tập Đại Thành Giả.

Bản thân ông nói là những lời chân thật chứ không phải là khiêm hạ. Chúng ta phải lãnh hội được điểm này, ông nói bản thân mình một đời là “thuật nhi bất tác”. Điều này nói lên rằng ông không sáng lập, không phát minh ra. Những điều ông tu, ông học, ông truyền lại, hay dạy học, đều là của cổ thánh tiên hiền, bản thân ông không sáng lập ra.

“Tín nhi hiếu cổ”, thái độ này thật hiếm có. Ông tin tưởng cổ thánh tiên hiền. Thích những lời dạy của cổ thánh tiên hiền. Ông nghiêm chỉnh học tập, ông lý giải được, và thật sự làm được.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni không khác Khổng tử, cũng là nhân vật nhất lưu. Trong kinh Hoa Nghiêm, trên đề kinh Tứ Thập Hoa Nghiêm. Đại sư Thanh Lương chú giải. Trong đó có mấy câu: Tất cả pháp mà đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói trong suốt 49 năm , đều là những điều cổ Phật từng nói. Đức Thế Tôn không thêm một chữ nào vào kinh điển của cổ Phật. Ngài còn nghiêm khắc hơn Khổng lão phu tử nữa. Chúng ta có thể tin được những lời này chăng? Tin được. Nương vào đâu? Ngài thấy tánh mà. Chỉ cần thấy tánh thì kim Phật như cổ Phật tái lai. Mọi người đều thấy tánh, những người thấy tánh nói ra đều giống nhau, làm sao khác được! Ngài là cổ Phật, quí vị là kim Phật, quí vị thấy tánh rồi, đương nhiên sẽ nói giống như ngài thôi. Không tăng không giảm.

Từ đó cho thấy, mục đích Phật pháp dạy con người, chính là minh tâm kiến tánh.

Chúng ta niệm Phật cầu sanh về thế giới cực lạc, đến đó làm gì? Ở thế gian này, môi trường này, chúng ta không thể thấy tánh, không thể thành Phật. Đến môi trường ở thế giới cực lạc, đến đó để làm gì? Để minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật. Đến đó để làm việc này. Điều này chúng ta chẳng thể không biết.

Cho nên Phật Phật đạo đồng. Quí vị xem, ở TQ, chúng ta ở đây thuộc về Quảng Đông, có duyên sâu dày với thiền tông Lục Tổ Huệ Năng. Ngài đã khai ngộ. Chúng ta biết, ngài không biết chữ, không đi học. Chỉ cần thấy tánh, thì trí huệ của ngài, đức năng của ngài, không khác gì cổ Phật cả. Thực tế mà nói, tướng hảo cũng không khác.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ở Ấn độ, hiện Phật thân, Lục Tổ Huệ Năng hiện thân Tỳ kheo. Giống như 32 ứng nói, cần lấy thân gì để độ, bèn hiện thân đó để hóa độ. Đều là viên mãn không khiếm khuyết. Cần lấy thân gì để độ bèn hiện thân đó. Tất cả kinh điển mà đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói, đĩ nhiên ngài không đọc qua, cũng chẳng cần đọc. Quí vị đọc cho ngài nghe, ngài giảng lại cho quí vị nghe. Khi quí vị đọc không khai ngộ, nghe ngài giảng rồi bèn khai ngộ. Vị thầy này quá tài giỏi!

Chư vị lịch đại tổ sư, nói thiệt nhé, ngài là người độ chúng sanh giỏi nhất, không ai hơn được ngài. Học trò của ngài rất đông, những người đại triệt đại ngộ, đạt được cảnh giới như ngài, có 43 người. Trước thời Lục Tổ không có, sau thời Lục Tổ cũng không có, đây là không tiền tuyệt hậu đấy!

Điều này chứng minh cho ta thấy Phật Phật đạo đồng, chứng minh chân tướng sự thật này. Cho nên thái độ “tín nhi hiếu cổ”, là đại thánh đại hiền, là chư Phật Bồ tát làm gương cho chúng ta.

Nếu bản thân mình nương vào sự tưởng tượng của mình mà làm, thì đều đi đường vòng. Các ngài đi đường thẳng chứ không đi đường vòng. “Tín nhi háo cổ, thuật nhi bất tác”. Tuyệt đối không có tâm danh lợi, chân thật học tập, đều thành thánh thành hiền, thành Phật thành Bồ Tát.

Đây là Tịnh Ảnh Sớ giải thích về ý nghĩa chân thật của pháp bình đẳng.

Bổn kinh trì danh chi pháp, tâm tác tâm thị. Phương pháp trì danh là tâm làm Phật, tâm là Phật. Tâm là Phật là tánh đức, tâm tác Phật là tu đức. Tánh tu bất nhị. Tánh tu viên mãn tương ưng. Tu đức là Bồ tát, tánh đức là Phật. Quí vị vốn là Phật, ngày nay lại phát tâm làm Phật. Dùng phương pháp nào phát tâm làm Phật? Phát bồ đề tâm nhất hướng chuyên niệm, là phát tâm làm Phật.

Ám hợp đạo diệu. Đạo ở đây là nói đạo thiền tông, đạo mật tông, không dễ tu đâu. Nhưng niệm Phật phát bồ đề tâm nhất hướng chuyên niệm thì dễ dàng. Đạo hoàn toàn tương ưng.

Xảo nhập vô sanh. Xảo diệu, từ hữu niệm niệm đến vô niệm. Mới bắt đầu thì có, vì sao? Bởi có phân biệt có chấp trước. Niệm đến ba năm năm năm, thật sự nhất tâm, ngoài câu Phật hiệu ra không có niệm thứ hai nào khác. Cuộc sống sinh hoạt, tùy duyên diệu dụng.

Diệu dụng là gì? Tùy duyên thôi, Phật hiệu không gián đoạn. Miệng không niệm thành tiếng, nhưng trong tâm không gián đoạn, diệu dụng đấy! Xảo nhập vô sanh rồi!

Từ hữu niệm niệm đến vô niệm, vô niệm mà niệm, mới đầu là hữu niệm mà niệm, niệm đến cuối cùng là vô niệm mà niệm. Vẫn là niệm Phật. Vì sao nói vô niệm? Không còn phân biệt chấp trước, niệm này không còn nữa. Không còn khởi tâm động niệm. Vãng sanh về thế giới tây phương cực lạc, trực tiếp sanh về cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Công phu này có cao thấp. Vô niệm, nếu niệm không chấp trước, thì sanh về cõi Phương Tiện Hữu Dư. Không khởi tâm không động niệm, sanh về cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Chỉ dùng một phương pháp. Nếu còn hữu niệm, thì sanh về cõi Phàm Thánh Đồng Cư. Tất cả đều được vãng sanh. Niệm đến chỗ vô niệm, tiêu chuẩn của vô niệm là không khởi tâm không động niệm, sanh về cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Thời gian mấy năm thôi là thành công rồi.

Làm thế nào để niệm đến chỗ vô niệm? Niệm đến chỗ vô niệm nghĩa là gì? Nghĩa là chúng ta niệm hết tập khí phiền não, chứ không có gì khác.

Ấn Quang đại sư dạy chúng ta một phương pháp, rất hay: Dán chữ tử trên trán, thường xuyên nghĩ rằng, mình sắp chết rồi. Nghĩ xem khi lâm chung quí vị mang được thứ gì? Quí vị hiểu rõ ràng rồi, hiểu thông rồi, chẳng phải buông bỏ hết rồi sao? Phương pháp này hay quá!

Tôi thường dạy mọi người, bản thân tôi cũng làm như vậy, mỗi ngày tôi đều coi là ngày cuối cùng của đời mình. Hôm nay là ngày cuối cùng của tôi, tôi nên làm điều gì đây? Chân thật niệm Phật, những thứ khác đều buông bỏ hết. Cho nên vì sao tâm thanh tịnh, chính là đạo lý này. Tôi sắp chết rồi, không mang theo được gì, chỉ có câu A Di Đà Phật là mang theo được. Những thứ không mang theo được phải buông hết. Như thế quí vị mới có thể đạt được tâm thanh tịnh.

Đối với thế gian này còn một chút lưu luyến, thì phiền phức lớn đấy. Khó buông xả nhất là thân tình.

Tôi may mắn, khi mới học Phật Chương Gia đại sư khuyên tôi xuất gia, nên không bị cửa ải thân tình này. Ngài dạy tôi học theo đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Một đời đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng kinh thuyết pháp, ngài không kiến lập đạo tràng, không có một đạo tràng nào hết. Cho nên ngài không bị vướng mắc. Học trò ai ai cũng học theo ngài, đệ tử ngài khi đó đều học theo ngài, không ai kiến lập đạo tràng.

Phương thức sinh hoạt, đều là ngày ăn một bữa, tối ngủ dưới gốc cây, sống đời sống đơn giản nhất, cũng chính là cuộc sống hạnh phúc nhất, mỹ mãn nhất. Vì sao? Bởi nó giúp cho quí vị đạt được tâm thanh tịnh bình đẳng giác. Quí vị nghĩ xem hạnh phúc và vui sướng biết bao!

Nhân vãng sanh chứng vô sanh. Sanh về thế giới tây phương cực lạc, đại triệt đại ngộ là chứng vô sanh. Niệm đến chỗ năng sở lưỡng vong. Lưỡng vong nghĩa là không chấp trước hai đầu nữa. Tâm là năng niệm và Phật là sở niệm dung thành một phiến, năng sở bất nhị, sanh Phật bất nhị. Như kinh Kim Cang nói: “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”. Quí vị xem, tương ưng với bát nhã đấy. Thiền tông đạt được cảnh giới này không dễ dàng đâu, nhưng niệm Phật dễ dàng đạt được cảnh giới này. Làm được mà.

Đây cũng chính là “vô tác vô sở hữu” mà Tịnh Ảnh Sớ nói. Hoàn toàn là bát nhã, vô tác mà tác, tác mà vô tác.



Dĩ như thị pháp giáo đạo chúng sanh hoành xuát tam giới. Không phải thụ xuất. Thụ xuất là từng lớp từng lớp đi lên. 28 tầng trời, từng tầng từng tầng leo lên, như leo cầu thang vậy. Leo lên rồi, trên là tứ thánh, Thanh Văn- Duyên Giác- Bồ Tát- Phật. Vẫn còn bốn tầng. Siêu việt mười pháp giới mới gọi là thật sự thành tựu. Chứng được Bồ tát Sơ trụ của viên giáo. Đây chính là điều thiền tông nói : đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật.

Bồ tát Sơ trụ, trong kinh đại thừa nói, các ngài lấy địa vị là Phật để xuất hiện ở thế gian. Cần lấy Phật thân để độ, các ngài có thể hiện 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, lấy thân này để giáo hóa chúng sanh. Thật sự làm được không khởi tâm, không động niệm. Lên cao nữa, chúng ta thấy trong hội Hoa Nghiêm nói rất rõ, các ngài và cứu cánh Phật quả thật sự bình đẳng, còn kém một chút gì? Chưa đoạn tập khí vô thỉ vô minh. 41 phẩm, 41 địa vị này, là nói về tập khí dày hay mỏng, chứ không nói về điều gì khác. Cho nên trong cảnh giới đó, nghĩa là trong cõi Thật báo, 41 vị pháp thân đại sỹ và cứu cánh viên mãn Phật, trí huệ, đạo lực, thần thông, tướng hảo đều bình đẳng hết. Hoạt động của các ngài là biến pháp giới hư không giới. Chúng sanh có cảm, các ngài có ứng.

Cho nên trong đây, trong kinh luận thường nói, đức Phật không độ người vô duyên với ngài. Cảm ứng nghĩa là có duyên. Bất luận thiện duyên hay ác duyên đều bình đẳng, thiện duyên cũng được, ác duyên cũng được, quí vị thành Phật rồi thì dễ dàng độ cho họ, họ có duyên với quí vị. Đến khi đó tất cả đều trở thành pháp duyên.

Hoành xuất tam giới, thành cứu cánh giác. Về thế giới tây phương cực lạc, chắc chắn chứng được quả Phật cứu cánh viên mãn. Đó chính là pháp bình đẳng. Giác ngộ chúng sanh.

Thứ ba: Bình đẳng giác chỉ Như Lai chi chánh giác, chánh giác vô nhất thiết cao để thâm thiển chi biệt. Cố viết bình đẳng giác.

Nghĩa là thấy tánh, thấy tánh thì bình đẳng. Thấy tánh rồi chắc chắn không còn phân biệt chấp trước.



Thứ tư: Chuyên tựu bổn kinh bình đẳng giác diệc tức cực lạc giáo chủ chi thánh hiệu.

Bình đẳng giác chính là Phật A Di Đà, biệt hiệu của đức Phật A Di Đà là Bình Đẳng Giác.



Dĩ thượng chư nghĩa, Bốn ý nghĩa, đề trung cụ nhiếp, đều bao gồm trên đề kinh này. Đề kinh này phía sau vẫn còn một đoạn nữa. Cuối cùng nói về chữ kinh. Giảng chữ kinh xong rồi, chúng tôi sẽ tập hợp lại để giải thích.

Hết giờ rồi, hôm nay chúng ta học đến đây.


HẾT TẬP 80






Каталог: chugiaikvltpdf
chugiaikvltpdf -> Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn nghĩa Tập 474 Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư Chuyển ngữ: Hạnh Chơn Biên tập: Minh Tâm Thời gian: 28. 06. 2011
chugiaikvltpdf -> Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 537 Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư Chuyển ngữ: Hạnh Chơn Biên tập: Minh Tâm Thời gian: 13. 08. 2011
chugiaikvltpdf -> Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 321 Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư Chuyển ngữ: Hạnh Chơn Biên tập: Bình Minh Thời gian: ngày 13 tháng 03 năm 2011
chugiaikvltpdf -> Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 322 Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư Chuyển ngữ: Hạnh Chơn Biên tập: Bình minh Thời gian: ngày 13 tháng 03 năm 2011
chugiaikvltpdf -> Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập: 383 Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư Chuyển ngữ: Lý Hương Biên tập: Bình Minh Thời gian: 22/04/2011
chugiaikvltpdf -> Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 332 Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư Chuyển ngữ: Liên Hải Biên tập: Bình Minh Giảng ngày: 19 tháng 03 năm 2011
chugiaikvltpdf -> Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 355 Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư Chuyển ngữ: Hạnh Chơn Biên tập: Bình Minh Thời gian: 01. 04. 2011
chugiaikvltpdf -> Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 339 Chủ giảng: Pháp Sư Tịnh Không Chuyễn ngữ: Nguyên Thanh Biên tập: Bình Minh Giảng ngày: 23 tháng 03 năm 2011
chugiaikvltpdf -> Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 341 Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư Chuyển ngữ: Liên Hải Biên tập: Minh Tâm Thời gian: 24. 03. 2011
chugiaikvltpdf -> Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 398 Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư Chuyển ngữ: Hạnh Chơn Biên tập: Nguyên Tâm Thời gian: 06. 05. 2011

tải về 155.12 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương