Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 524 Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư Chuyển ngữ: Hạnh Chơn Biên tập: Bình Minh Thời gian: 05. 08. 2011



tải về 116.73 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích116.73 Kb.
#29984

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 524 /15

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 524

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập:Bình Minh

Thời gian:05.08.2011

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 664, hàng thứ tư từ dưới đếm lên, bắt đầu xem từ đó.

Hựu Hội Sớ viết: “Tiền bất cố thị phi, hậu bất cố cơ hiềm. Diệc tiền bất cố minh triết chiêu sát, hậu bất cố quỷ thần minh ký. Hoặc diệc tiền bất cố quá nghiệp, hậu bất cố lai báo. Đản cầu tịnh thắng, bất tích lưỡng bại câu thương, chỉ đồ khoái ý, bất úy đương lai tội báo. Nhất thiết bất cố, quảng hành chư ác”.

Ở trước chúng ta học đến đây, đoạn kinh văn này rất quan trọng, đích thực là đang tả về xã hội hiện thực của chúng ta. Rất có thể tâm hành của chúng ta cũng như những gì trong kinh nói, nên chúng ta đặc biệt đọc nhiều lần đoạn văn này, dụng ý là giúp chúng ta cảnh giác. Khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác đều phải nghĩ đến nhân quả báo ứng, tuyệt đối không được nói chúng ta khởi tâm động niệm không ai biết. Câu này quả thật là chính mình lừa dối bản thân mình.

Chúng ta từng học Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán, quốc sư Hiền Thủ là Bồ Tát đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, không phải là người bình thường. Ngài đã trích lục kinh nghĩa của Kinh Hoa Nghiêm ra, viết thành bài luận này. Ba điều trước_ba đoạn này nói rõ nguồn gốc của vũ trụ, căn nguyên của vạn vật. Và nói thêm ta từ đâu đến, ta là chánh báo, nói vô cùng thấu triệt, nói một cách cứu cánh viên mãn, khoa học và triết học hiện đại đều không sánh được.

Ở đoạn thứ ba nói rằng, chúng ta khởi tâm động niệm, ý niệm cực kỳ vi tế bản thân không biết được, nhưng biến pháp giới hư không giới đều biết hết, mà bản thân không hề biết. Ngài nói với chúng ta về hiện tượng vật chất, hiện tượng tinh thần_Hiện tượng tinh thần chính là ý niệm của chúng ta, hiện tượng vật chất là thân thể của chúng ta, thân máu huyết này là hiện tượng vật chất. Hai loại hiện tượng này đều do dao động mà sanh ra, dao động trong đại thừa gọi là nghiệp tướng của A lại da, nghiệp tướng của A lại da chính là dao động. Nếu không có dao động này, tinh thần và vật chất đều không tồn tại, vậy hiện tượng tinh thần và hiện tượng vật chất từ đâu mà có? Do dao động mà có, dao động sanh ra như thế nào? Đức Phật nói một niệm bất giác, hiện tượng dao động liền xuất hiện. Nếu một niệm giác ngộ, hiện tượng dao động sẽ không còn. Không có, không phải thật sự không có, là nó ẩn náu. Nhà Phật gọi là ẩn hiện, nó ẩn mà không hiện, gặp duyên nó khởi hiện hành.

Duyên là gì? Một niệm bất giác là duyên, một niệm bất giác không có nguyên nhân. Hiện tượng dao động này, hiện tượng thứ nhất: “Chu biến pháp giới”, tức là biến pháp giới hư không giới đều biết. Chúng ta nói chư Phật Bồ Tát đã biết, rất rõ ràng. Tất cả chúng sanh đều biết, trong số chúng sanh có người rõ ràng, có người không rõ ràng. Thế nào là rõ ràng? Chúng sanh giác ngộ biết rõ ràng, chúng sanh mê hoặc không rõ ràng_Chu biến pháp giới.

Hiện tượng thứ hai là “xuất sanh vô tận”, câu này nói gì? Ý nghĩa thật sự của câu này là, nó và hết thảy vạn vật trong biến pháp giới hư không giới ảnh hưởng lẫn nhau. Nhận được tin tức này, nhất định sản sinh biến hóa, kiểu biến hóa này hàng phàm phu không nhận ra. Trong kinh Đức Phật nói Bát địa trở lên, họ có thể nhận ra hiện tượng dao động nhỏ này của quý vị. Hiện tượng dao động của nhục thể, hiện tượng dao động của ý niệm đều rõ ràng, đều thấu suốt.

Thứ ba là “hàm dung không hữu”, phạm vi của một niệm này lớn bao nhiêu? Đầy khắp hư không, đây là hàm không. Ngoài ra, hết thảy vạn pháp trong biến pháp giới hư không giới, cũng bị ảnh hưởng dao động của nó, đây gọi là dung hữu, bao dung vạn hữu, đây là chân tướng sự thật. Các nhà lượng tử khoa học thời cận đại, dần dần phát hiện ra hiện tượng này, quả thật rất đáng nể.

Khoa học và triết học khó thể sánh được Phật học, như vậy là sao? Vì Phật học đã tìm ra bản thể chân thật, khoa học và triết học không cách nào tìm được bản thể, vĩnh viễn không tìm được, có bản thể chăng? Có, đó chính là tự tánh thanh tịnh viên minh thể. Phật Bồ Tát tìm được, nhưng các nhà khoa học, các nhà triết học không tìm được. Không tìm thấy là do bản thể không có hiện tượng, mà khoa học và triết học cần phải có hiện tượng, nó mới có thể nắm bắt, mới có thể tìm thấy. Tự tánh thanh tịnh viên minh thể không phải hiện tượng vật chất, nên khoa học không tìm thấy. Nó không phải hiện tượng tinh thần, nên triết học không tìm thấy, hơn nữa nó cũng không phải hiện tượng tự nhiên. Cả ba loại hiện tượng này đều không có, nhưng nó có thể hiện ra ba loại hiện tượng, điều này quả thật không thể nghĩ bàn!

Khi hiểu được đạo lý này, sẽ biết chúng ta là trần trụi giữa hư không biến pháp giới, không có chút gì dấu giếm. Biến pháp giới hư không giới với chính mình là nhất thể, cần phải hiểu chân tướng sự thật này. Hiểu được chính là Bồ Tát, không hiểu là phàm phu, phàm phu và Bồ Tát là một không phải hai. Lúc nào quý vị hiểu, thừa nhận, tiếp thu chính là Bồ Tát. Còn như không hiểu, nói quý vị cũng không tiếp nhận, không tin, đây là phàm phu. Phàm phu và Bồ Tát không có sai biệt, chỉ là một bên giác ngộ, một bên chưa giác ngộ.

Hiểu những đạo lý này và thật sự thừa nhận, chúng ta khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác cần chú ý đến thị phi và tránh cơ hiềm chăng? Cần! Việc tốt cần nên làm, không nên làm những việc trái với luân lý đạo đức, không cần người khác dạy, tự nhiên như vậy.

“Minh triết chiêu sát”, đây là nói trí tuệ hiện tiền, khởi tâm động niệm điều quang minh lỗi lạc. Chiêu là xiển dương, không hề che đậy, bày ra trước mắt cho mọi người thấy.

“Hậu thuyết bất cố quỷ thần minh ký”. Quỷ thần đích thực_chúng ta khởi một niệm thiện, khởi một niệm ác, quỷ thần đều ghi chép lại. Cũng chính là nói, trong A lại da thức đều có tư liệu. Nói rõ hơn một chút, “tiền bất cố quá nghiệp”, quá nghiệp là gì? Nghiệp tạo trong quá khứ, cần phải biết sám hối nghiệp tạo trong quá khứ, về sau không tạo nữa. Về sau “bất cố lai báo”, lai báo là quả báo đời sau. Tâm thiện hành thiện, quả báo đời sau là ở cõi trời. Tâm hành đều bất thiện, quả báo đời sau là ba đường ác. Những điều này, khi chúng ta khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác, cố gắng suy nghĩ thử xem. Nếu để những điều này trong đầu, rồi không để ý đến nó, hành động tùy ý thì rất phiền phức.

Bên dưới nói, “đản cầu tịnh thắng”, họ không quan tâm gì cả. “Bất tích lưỡng bại câu thương”, tranh thắng, tranh thắng kịch liệt nhất là chiến tranh. Phải chăng chiến tranh là lưỡng bại câu thương? Mặc dù đánh thắng trận, đánh trận này thắng nhưng biết bao nhiêu người chết? Nếu quý vị thông suốt vấn đề này, thắng chưa chắc là thắng thật, vì giết người phải đền mạng, thiếu nợ phải trả nợ. Hiện nay mê hoặc điên đảo, cảm thấy chỉ muốn vui nhất thời. Chúng tôi từng sống trong chiến tranh, nên thấy rất rõ ràng, khi thắng lợi rồi thì như thế nào? Chỉ cầu tranh thắng, chỉ tham đồ thoải mái. Khoảng ba bốn năm, ba bốn năm sau hoa báo hiện tiền, sau khi chết quả báo hiện tiền, nhân quả báo ứng. Giống như đang biểu diễn trước mắt chúng ta, để chúng ta thấy một cách rõ ràng minh bạch.

Những người này không tin luân lý đạo đức, không tin giáo huấn của thánh hiền, không tin nhân quả báo ứng, những họ đều phải lãnh chịu hết. Làm các điều ác nhiều, giống như rất thoải mái, nhưng hậu quả khó mà tưởng tưởng được.

Đoạn tiếp theo nói: “Phú hữu kiên tích”, kiên là kiên tham, tích là quý trọng. Đoạn tiếp theo nói đến sự keo kiệt: “hoặc nhân phú hữu, đản kiên tích thành tánh, bất khẩn thí dữ”. Thế nào gọi là thí dữ? Là bố thí. Họ có tiền, nhưng thấy người nghèo không chịu bố thí, hạng người này rất nhiều.

Lúc trẻ, đại sư Chương Gia khuyên tôi xuất gia, lúc đó có một vị rất muốn tôi xuất gia với ông, tôi không bằng lòng, vì sao vậy? Vì vị này không được rộng rãi lắm. Tôi từng ăn cơm với ông, ông tiếp đãi chúng tôi không nhiều thức ăn, hình như chỉ có bốn món, đĩa rau lớn chừng nào? Giống như đĩa đựng nước tương vậy, đĩa rau chỉ nhỏ như vậy. Lúc ăn cơm, nếu gắp nhiều thức ăn một chút, hình như ông rất lo lắng, liền nhìn quý vị. Tôi thấy như vậy, xưa nay chưa thấy ai nhỏ nhen đến mức độ này, nên khi ông muốn tôi theo ông xuất gia, tôi không bằng lòng, vì quá nhỏ nhen.

Đối với tiền tài thì so đo tính toán, không bằng người bình thường, trái lại chúng ta thấy người bần cùng rất rộng rãi. Tuy họ không có tiền, nhưng chịu bố thí. Còn người có tiền coi của cải như mạng sống, không đành lòng bố thí, sau khi chết tiền tài này đều là của người khác, một đồng cũng không mang theo được, có oan uổng chăng? Học Phật sao kỳ vậy? Học như thế nào mà trở thành như thế? Phu tử nói rất hay: “Nghe họ nói nhưng cần phải quan sát hành vi của họ”, họ nói là một việc, nhưng bản thân họ làm là một việc khác, hoàn toàn trái với những gì họ nói. Quả thật đúng như bốn chữ này dùng rất hay, “kiên tích thành tánh”, kiểu bỏn xẻn, tham làm keo kiệt này đã thành tánh, đây là tập tánh. “Bất khẳng thí dữ”, không chịu lấy tài vật cho người khác.

“Ái dục lao cố, cố vân ái bảo. Tham tâm thâm trọng, cố vân tham trọng. Ái bảo tham trọng”. Đây là những gì Đức Phật nói khi ngài còn tại thế. Khi Phật giáo truyền đến Trung quốc, là 1000 năm sau Đức Thế Tôn diệt độ. Ở Trung quốc đã dịch kinh điển tiếng Phạn sang tiếng Trung, nên mới có nhiều kinh văn như vậy. Chúng ta thử nghĩ lúc đó người bủn xỉn keo kiệt có, nhưng chắc không nhiều, người tham tâm sâu nặng cũng là thiểu số. Nhưng nhìn lại xã hội hiện nay, tôi rất hoài nghi, hình như Đức Phật nói kinh này là để nhằm vào người trong thời hiện đại này. Xã hội bây giờ hiện tượng này rất phổ biến, nên xã hội động loạn. Con người sống ở thế gian, bất luận là giàu nghèo quý tiện đều sống rất cực khổ, thêm vào đó hiện nay mức độ thiên tai trên địa cầu quá cao. Chúng ta dự đoán tháng tám này, tôi dự đoán mức độ thiên tai trong tháng tám này có thể hơn 200 lần, còn tháng bảy vừa rồi khoảng hơn 170 lần, rất có thể tháng này hơn 200 lần. Mức độ thiên tai của năm nay ngày càng nhiều, ngày càng nghiêm trọng. Vì sao phát sanh thiên tai? Do tạo năm loại ác nghiệp sát đạo dâm vọng tửu, tham sân si mạn nghi mà phát sanh. Trên mặt tình cảm của con người mà nói, chính là oán hận não nộ phiền, đây quả thật là nhân tố đầu tiên của thiên tai nhân họa, do nghiệp lực bất thiện chiêu cảm. Bởi thế con người sống ở thế gian này là “tâm lao thân khổ”, bốn chữ này nói quá hay, tâm bất an, thân không dể chịu. Thông thường người ta nói là sống để chịu tội, người bây giờ quả thật là sống để chịu tội.

Bên dưới Hoàng Niệm Tổ nói: “nên suốt đời gian lao cực khổ, cho đến khi mạng chung”. Con người sống ở thế gian có ý nghĩa gì? “Đản sở đắc giả”, suốt đời họ thật sự đạt được là gì? “Chỉ thị độc tử độc khứ, vô nhất tùy giả”, khi chết chỉ riêng mình đi, không mang gì theo được. Người thân nhất, yêu thương nhất cũng không thể đi theo mình, đây là điều nhất định cần phải biết.

Thật sự học được pháp môn Tịnh độ, thật sự hiểu rõ Kinh Vô Lượng Thọ, biết rằng sau này lúc chúng ta chết, có người cùng đi một đường với chúng ta, có người cùng đi với chúng ta, đó là ai? Phật Bồ Tát ở thế giới Cực Lạc, khi chúng ta đi họ đến nghênh tiếp. Khi đến thế giới Cực Lạc, chúng ta gặp mặt tất cả những chúng sanh có duyên với chúng ta từ trong vô lượng kiếp, đã vãng sanh ở thế giới Cực Lạc. Bởi vậy ở thế giới Cực Lạc không cô đơn, gia thân quyến thuộc quá nhiều, hiện nay quý vị không biết, nhưng đến thế giới Cực Lạc sẽ biết hết. Vì vậy ở thế gian này, thế gian này đích thực không có thứ gì ta mang theo được_Vô nhất tùy giả.

“Thần thức cô du hý, tài lưu tại tự giới”. Thần thức người xưa gọi là linh hồn, linh hồn cô độc rời xa thân thể mình, rời xa thế gian này, còn những của cải mà ta tham ái đều lưu lại ở thế gian, không mang theo được món nào. Các bậc cổ đức nói rất hay: “Tất cả không mang theo, chỉ có nghiệp tùy thân”, không thể không biết câu nói này. Chỉ có nghiệp đi theo quý vị, nếu tạo nghiệp thiện, nghiệp thiện làm bạn với quý vị sanh vào ba đường lành, ác nghiệp theo quý vị thì quý vị đi vào ba đường ác, đây là chân tướng sự thật. Hai câu ở dưới đã nói ra tất cả: “Tất cả đều không mang theo, duy có nghiệp tùy thân”.

“Bình sanh sở tác thiện ác chi nghiệp, cập sở cảm phúc họa chi quả, tắc bất tướng xả ly, cố vân truy mạng sở sanh”. Nó đi theo quý vị, thiện niệm của ta đi theo ta, thiện hành của ta đi theo ta. Ta tạo ác thì ác niệm đó đi theo ta, ác hành đi theo ta. Chúng ta hiểu được đạo lý này, tự nhiên sẽ giữ vững A Di Đà Phật, giữ chặt thế giới Cực Lạc, còn tất cả những thiện ác tội phước của thế gian đều không cần. Buông bỏ hết, chỉ cần Phật A Di Đà. Nếu như quyết định được như vậy, thì mười phương Chư Phật Như Lai đều khen ngợi, quý vị rất có trí tuệ, lựa chọn đúng đắn, đời này sẽ được làm Phật.

Như vậy phải cố gắng để Phật A Di Đà trong lòng, những thứ tạp nham trong lòng đều buông bỏ hết. Thiện niệm, ác niệm, chánh niệm, tà niệm, đều phải buông bỏ hết, đó đều là hư vọng, đều không phải thật. Chân tâm chúng ta là thanh tịnh, không có chút ô nhiễm nào, chân tâm mình là bình đẳng. Nhất định phải nhớ rằng, tự tư tự lợi là ô nhiễm, tham sân si mạn nghi là ô nhiễm, danh văn lợi dưỡng là ô nhiễm, không có gì không ô nhiễm.

Cống cao ngã mạn là bất bình, bình đẳng là chân tâm của chúng ta. Quý vị có tốt xấu, thích điều này, ghét điều kia, đây là tâm gì? Đây là tâm luân hồi, ý niệm này sẽ không ngừng trôi lăn trong luân hồi. Nếu muốn ra khỏi luân hồi phải dùng chân tâm, chân tâm là tâm bình đẳng, không có tốt xấu, không có cao thấp, chúng sanh bình đẳng với Phật. Trong kinh thường nói: “Sanh Phật bình đẳng”, “tánh tướng nhất như”, “lý sự bất nhị”, những câu này rất quan trọng.

Ở trước chúng ta đọc đến, các bậc cổ đức hình dung thế gian này là “bất đoạn chi vô”. Khi đọc câu kinh văn này, tôi đã đọc tới đọc lui rất nhiều lần. Câu này quả thật đã nói thấu suốt những gì trong kinh thường nói: “Vạn pháp giai không”, “nhất thiết pháp bất khả đắc”. Vạn pháp là gì? Chân tướng tất cả pháp là gì? Là bất đoạn chi vô. Bất đoạn chính là tương tục, mỗi cái tương tục đều là vô. Quý vị ở trong này khởi phân biệt, khởi chấp trước, khởi tham ái, khởi oán hận, không oan uổng sao? Đây là làm điều ngu ngốc. Không có luân hồi bản thân biến thành luân hồi, không có ác đạo bản thân biến nó thành ba đường ác, gọi là tự làm tự chịu. Đây là thật, không phải giả.

Thật sự có thể lãnh hội được mấy phần giáo nghĩa đại thừa, con người sẽ dần tỉnh ngộ, sẽ giác ngộ. Chỉ cần giác ngộ, cuộc sống trước mắt liền hạnh phúc mỹ mãn. Thầy Phương Đông Mỹ nói: “hưởng thụ cao nhất của đời người”, quý vị đã hưởng thụ được, sự hưởng thụ của quý vị giống như Bồ Tát vậy.

Ngày xưa, cổ nhân xưng Bồ Tát là nhân giả, người nhân từ, Bồ Tát đại từ đại bi. Nhân giả vô địch, địch là gì? Là đối lập, Bồ Tát không có đối lập, không đối lập với bất kỳ ai. Họ đối lập với ta, nhưng ta không đối lập với họ. Hay nói khác đi, Bồ Tát vĩnh viễn không có kẻ địch, không có oán thân trai chủ.

Ngày nay chúng ta khởi tâm động niệm phải phòng người khác, như vậy là sai, phòng bị họ để làm gì? Khi tôi chưa học Phật cũng thường nghe người ta nói: Không nên có tâm hại người, nhưng không thể không có tâm phòng người. Khi học Phật rồi biết được phòng người cũng không được, cũng là sai lầm, phòng để làm gi? Quý vị xem họ như Phật, như Bồ Tát là đúng. Tâm hại người là tạo nghiệt, tâm phòng người cũng là tạo nghiệt. Phòng bị là nhiễm ô, là bất bình. Tâm quý vị thật sự thanh tịnh, thật sự bình đẳng, thì cần phải phòng bị người khác! Không cần thiết. Của cải để đó người ta lấy đi thì thôi, mọi người dùng, tôi dùng, họ dùng không phải đều giống nhau ư? Đều tốt cả, cần gì phải đề phòng họ? Không cần, thật sự tâm khai ý giải được đại tự tại. Mỗi ngày phải đề phòng người khác, như vậy rất khổ tâm. Ở đây nói: “tâm lao thân khổ”, ngày nào cũng đề phòng cái này, đề phòng cái kia, quý vị xem sống như vậy đáng thương biết bao. Thập pháp giới y chánh trang nghiêm đều là giả.

Trong Kinh Bát Nhã nói rất hay: “phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, tất cả pháp hữu vi, như mộng huyễn bào ảnh, có gì đâu mà phòng bị? Thế nào gọi là hưởng thụ cao nhất của đời người? Tâm hiểu rõ, thân an lạc, đây là hưởng thụ cao nhất của đời người_tâm an thân lạc.

Chúng ta đọc tiếp câu bên dưới, sẽ hiểu rõ hơn: “Sanh bình sở tác thiện ác chi nghiệp, cập sở cảm phước họa chi quả, tắc bất tướng xả ly, cố vân, truy mạng sở sanh. Nghĩa Tịch vân: Vị thiện ác nhân cập phước họa quả, giai truy mạng căn sở sanh xứ”. Nó đi theo quý vị. Truy là truy đuổi, đi theo, nên đời sau hoặc là đến chổ an vui, hoặc là đọa vào khổ độc. Nơi an vui là ba đường lành, khổ độc là ba đường ác, nó sẽ theo chúng ta.

“Khổ là thống khổ, độc là độc họa. Cực kỳ thống khổ, nên gọi là khổ độc”. Toàn là tự làm tự chịu, buông bỏ là bình an. Không chịu buông bỏ, thì đành phải gánh lấy, hiện tại phải gánh chịu, sau khi chết quả báo trong ba đường ác sẽ hiện tiền. Phải làm sao mới không đọa vào ba đường ác? Buông bỏ hết tất cả những gì trong hiện tại, thì tâm lao thân khổ này không còn nữa, đời sau nhất định không đọa vào ba đường ác.

Có nghiệp này với tất cả chúng sanh, phải lập tức hóa giải, đây là người thông minh, đừng để những oán thân trai chủ này theo sau chúng ta, điều này rất phiền phức. Chúng tôi gặp người thông linh, họ có công năng đặc dị này có thể nhìn thấy, thấy có người oán thân trai chủ đi theo sau rất nhiều. Người này sống rất đau khổ, hình như rất mệt, họ không biết vì sao lại mệt như vậy, thì ra do quá nhiều oán thân trai chủ đi theo họ. Công việc đương nhiên mệt, nhưng nếu tâm hoan hỷ làm việc sẽ không mệt. Quá nhiều người cứ bám theo sau, như vậy có thể hoan hỷ được sao? Cứ như vậy nhất định ảnh hưởng đến tâm trạng, tâm tình không tốt.

Bởi thế chúng ta cần sám hối những nghiệp đã tạo trong hiện đời, trong lòng mình tự biết, nên cần phải sám hối. Nghiệp tạo trong quá khứ không biết, bản thân thử nghĩ xem, tuy không biết nhưng nhất định có, chẳng những có mà còn rất nhiều. Chúng ta phải thường xuyên nghĩ như vậy, điều này rất hay, vì sao vậy? Vì mỗi ngày niệm Phật, tụng kinh, làm việc tốt đều có thể hồi hướng, cùng chia sẽ với mọi người. Lấy công đức này cúng dường mọi người, hy vọng mọi người đều hồi tâm chuyển ý, mọi người cùng nhau niệm Phật cầu sanh Tịnh độ! Không hóa giải được oán hận, chẳng những chướng ngại chúng ta khai ngộ, nó còn chướng ngại chúng ta vãng sanh. Bởi thế hai bên đều đau khổ, sao phải vậy? Hiểu được đạo lý này, người không thích ta, ta càng cung kính họ. Người hủy báng ta, phê bình ta, hãm hại ta, bất luận là thị phi đúng sai, họ sai tôi đúng, không quan tâm những điều đó. Tất cả đều dùng tâm chân thành đối đãi, như vậy mới mở được nút thắt này. Nếu trốn tránh vì ngại, bản thân biết sai nhưng không giám thừa nhận, vì vấn đề sĩ diện. Thôi được, vì sĩ diện, vậy thì tương lai vào trong ba đường ác để chịu tội. Vì sao đọa vào ba đường ác? Chưa vứt bỏ sĩ diện, thiệt thòi rất lớn.

Những oán thân trai chủ này họ không buông được, chúng ta buông bỏ, họ chưa buông bỏ. Mỗi ngày chúng ta hồi hướng, chúng ta cúng bài vị trường sanh trước Phật cho họ. Chúng ta làm tận tâm, làm tất cả, như vậy là đúng. Khi gặp mặt nhất định phải lễ phép, khiêm tốn, cung kính. Không biết họ có thái độ gì, chúng ta đều biểu đạt thành ý của mình, đây gọi là tu hành. Tu sửa hành vi sai lầm của chúng ta, tu sửa quan niệm sai lầm của chúng ta, đây gọi là chân tu hành.

Mỗi ngày lạy 1000 lạy, đọc 10 bộ Kinh Vô Lượng Thọ, niệm một vạn câu Phật hiệu cũng vô dụng, nếu như tâm không thanh tịnh. Trong lòng còn có oán hận, còn có bất bình, còn có tập khí phiền não, như vậy sao được? Trước đây đại sư Chương Gia nói với tôi: “Phật pháp coi trọng thực chất, không trọng hình thức”. Thực chất là gì? Thực chất là nội tâm thanh tịnh, bình đẳng, chân thành, cung kính. Bên trong có thành thật nhất định sẽ hình thành nên nhân cách bên ngoài. Dù họ chưa học, không hiểu lễ nghĩa nhưng họ cũng rất cung kính. Vì nội tâm họ rất thành kính, tự nhiên biểu hiện ra bên ngoài.

Trong kinh nói nhân thiện ác, quả họa phước, truy mạng sở sanh, đều đi theo chúng ta. Quả báo trong tương lai, hoặc ở chổ an vui_ba đường lành, hoặc đọa vào khổ độc, tức ba đường ác, tất cả đều ngay trước mắt. Trong kinh Đức Phật nhắc nhở, để chúng ta quan sát tỷ mỉ, tất cả đều ngay trước mắt. Xem rõ ràng minh bạch rồi, hồi quang phản chiếu xem bản thân mình có hay không? Có thì thay đổi, không có nên cố gằng thêm, đây gọi là tu hành.

Bên dưới nói rõ về ác đạo: “Kiến thiện tằng báng, bất tư mộ cập”, thấy ưu điểm của người khác, liền sanh khởi tâm đố kỵ, sanh khởi tâm kiêu mạn, căm ghét, hủy báng. Không phải không biết đó là việc tốt, người tốt, biết hết, nhưng họ làm tốt hơn tôi, tôi không bằng họ, tôi không phục, họ có gì hay đâu? Vì vậy mà ác ý hủy báng.

Nên thấy điều thiện của người, không có tâm cung kính ái mộ, trái lại sanh lòng oán ghét, lại còn phỉ báng. Người như vậy tức không có thiện niệm và thiện hành, trong lòng thường là xâm phạm, chiếm đoạt. Hy vọng chỉ có tư tưởng tổn người lợi mình, nên nói, hy vọng họ lợi, dùng của mình để cung cấp. Khởi tâm động niệm đều như vậy, không nghĩ đến người khác.

Đời này tôi đến thế gian, quả thật rất đáng thương, không có chút phước báo nào, chỉ có một chút thiện niệm. Suốt đời tôi không đố kỵ ai, thấy người khác tốt hơn mình thì khen ngợi, hoan hỷ. Tư tưởng của tôi không như người khác, người này có trí tuệ, nhiều tài nghệ, họ tạo phúc cho thế gian, tu phước tạo phước, chúng ta hưởng phước của họ. Chúng ta có tâm cảm ân đối với họ, sẽ không sanh đố kỵ. Chính nhờ chút phước báo nhỏ nhoi này mà tôi được gặp Phật pháp, như vậy mới thật sự hiểu rõ. Từ chút phước báo nhỏ này, dần dần khiến nó tăng trưởng. Chúng ta cũng có chút năng lực để tu phước, sau đó thật sự giác ngộ, điều thù thắng nhất trong tu phước chính là giúp chúng sanh giác ngộ. Việc chư Phật Bồ Tát làm không phải phước gì khác, mà chính là giúp người khác giác ngộ. Giúp người khác giác ngộ, trước tiên mình phải giác ngộ, mình chưa giác ngộ làm sao giúp người khác được? Như thế nào mới giác ngộ được? Buông bỏ sẽ giác ngộ, đây là điều đại sư Chương Gia dạy tôi. Phải buông bỏ phiền não, buông bỏ vướng mắc, buông bỏ ưu tư, phải buông bỏ tất cả tập khí bất thiện.

Con người rất khó phát hiện khuyết điểm của mình, nhưng rất dễ nhìn thấy sai lầm của người khác. Nếu là người có trí tuệ thật sự, thấy lỗi lầm người khác, họ giống như cái gương cho chúng ta soi vậy. Chúng ta lập tức xem lại bản thân có như họ chăng, đây là người thông minh. Chỉ thấy lỗi người mà không biết hồi quang phản chiếu, đó là tạo nghiệt. Nếu biết cách hồi quang phản chiếu, thì những người tạo ác nghiệp đều là ân nhân của mình, ta nên cảm ân họ, vì sao vậy? Vì khi họ làm như vậy, mình mới phát hiện sai lầm của bản thân. Không có tấm gương này để mình soi, làm sao phát hiện được lỗi lầm của mình. Tôi phải sửa đổi chính mình, cho nên phải cảm ân họ. Nên hồi quang phản chiếu từng ngày từng giờ, làm như vậy khoảng năm ba năm, quý vị không phải thánh nhân cũng là hiền nhân, nếu không thành Phật cũng thành Bồ Tát. Bởi thế tất cả chúng sanh đều là Chư Phật Bồ Tát, đều đang biểu diễn, thị hiện cho chúng ta thấy. Chúng ta dùng tâm thái này xử sự đối nhân tiếp vật, sẽ tiến bộ rất nhanh. Đích thực phải giống như tâm thái cầu học của Thiện Tài Đồng Tử, chỉ có mình tôi phàm phu, ngoài tôi ra tất cả mọi người đều là Phật, đều là Bồ Tát, họ ở đó biểu diễn điều thiện, biểu diễn điều ác, tất cả đều đang biểu diễn. Thuận cảnh hay nghịch cảnh đều để cho chúng ta thấy, đều đến thành tựu chúng ta. Là thiện ta nên học theo họ, khi học đừng nên chấp tướng. Là bất thiện, nên phản tỉnh xem mình có hay không. Có thì lập tức sửa đổi, đối với họ cảm ân vô lượng. Vì sao Thiện Tài Đồng Tử thành tựu ngay trong một đời? Chính là như vậy, không có gì khác. Ngài không phải cố ý suy nghĩ như vậy, đều là từ trên tự tâm, trên tự tánh, quả đúng là như vậy, chân tướng sự thật đích thực cũng như vậy, chúng ta hoàn toàn không biết. Khi nào hiểu triệt để, quý vị sẽ thành Phật, việc học tập của quý vị được đặt một dấu chấm, quý vị đã tốt nghiệp. Nếu chưa hiểu thấu đáo, đời sau phải trở lại, đời đời kiếp kiếp cứ phải học, lúc nào hoàn toàn thấu triệt coi như tốt nghiệp. Lúc nào tốt nghiệp, thời gian bao lâu tốt nghiệp đều không nhất định, vấn đề chính là xem mức độ giác ngộ, mức độ quay đầu của chúng ta. Quay đầu, giác ngộ là lập tức tốt nghiệp.

Những điều này quan trọng nhất, bản thân chúng ta có trái phạm chăng? Thấy điều thiện của người có tâm kính yêu chăng? Có tâm ngưỡng mộ chăng? Cũng có nghĩa là học tập theo họ, như vậy là chính xác. Nếu nhìn thấy người thiện, không biết cung kính, không biết ngưỡng mộ. Trái lại còn ghen ghét, đố kỵ, chướng ngại họ, như vậy là tạo tội nặng. “Hạng người này không có niệm thiện và hành vi thiện, trong lòng thường là xâm đoạt”. Xâm đoạt là đạo tâm. Mỗi niệm đều muốn chiếm lợi ích người khác, mỗi niệm muốn đoạt tất cả những gì người khác có làm của mình.

Bên dưới nói về hy vọng, hy vọng chính là tổn người lợi mình. “Hy vọng tha lợi”, lợi ích của họ đến cúng dường mình, cung cấp cho mình. “Của bất nghĩa dể đạt được, tiêu xài tùy ý, khoảnh khắc là tiêu tán, trở lại trộm cắp, nên gọi là: “Tiêu tán phục thủ”. Do đó thần minh chiến thắng thức, cuối cùng đi vào đường ác”, kết quả sau cùng thì sao? Kết quả sau cùng là đọa vào ba đường ác. Trong ba đường ác, nhất định đọa vào địa ngục trước, để chúng ta tiêu trừ ác nghiệp, sau đó mới đọa vào súc sanh để trả nợ. Quý vị chiếm đoạt của người khác thì phải trả, trong đường súc sanh đa phần là trả nợ.

Ngày xưa biến thành trâu, thành ngựa phục vụ lao dịch để trả nợ. Nếu chưa trả hết nợ, đời sau lại biến thành súc sanh để tiếp tục trả, trả xong mới rời khỏi đường súc sanh. Tiếp tục trở lại nhân gian, nợ cũng đã trả gần xong, phải trả hết nợ mới được làm người, nhưng được thân người như thế nào? Mang theo tập khí của ba đường ác, tập khí ba đường ác còn rất nặng. Tập khí ba đường ác là gì? Tập khí của tham sân si, nên được thân người nhưng rất dễ phạm sai lầm, phạm sai lầm lại đọa lạc, quả thật khổ không sao nói hết.

Quý vị phạm nặng hay nhẹ, tương lai chịu quả báo, đây đều là gặp duyên khác nhau. Trong câu này hàm nghĩa rất sâu, đều do gặp duyên khác nhau. Chúng ta hy vọng gặp nhiều thiện duyên, đừng gặp ác duyên, vậy bây giờ chúng ta đừng kết ác duyên với người khác, chuyên kết thiện duyên với người, tương lai thiện duyên nhiều, ác duyên ít. Nếu bây giờ thường kết ác duyên với người, quý vị có thể không gặp ác duyên ư? Vừa gặp ác duyên, gọi là bệnh cũ tái phát, bệnh cũ là tội nghiệp đời trước, tập khí từ vô thỉ phát tác, tạo trọng tội mà không hề hay biết, khi tạo không hề hay biết. Đến khi đọa vào ba đường ác chịu khổ mới biết thì đã muộn.

Cổ nhân có câu nói rất hay: “Oan gia nên giải không nên kết”. Đối với người phải nồng hậu, đối với người phải thành kính, bản thân nên khiêm tốn. Các bậc thánh hiền, Chư Phật Bồ Tát đều dạy chúng ta như vậy, từ bi đến tột cùng. Hàng đệ tử học Phật như chúng ta, không lãnh hội được ý của các ngài, thậm chí còn chê các ngài nói nhiều: “những chuyện này cần quý vị nói sao, tôi đều biết hết”. Thật ra biết hết nhưng không làm được gì, không làm được chính là chưa biết thật sự, biết thật sự họ sẽ làm được tất cả.

Câu ở sau cần phải đọc nhiều: “Của bất nghĩa dễ có được, tùy ý tiêu xài, khoảnh khắc tiêu tán, trở lại trộm cắp, do đó thần thức chiến thắng thức, cuối cùng đọa vào đường ác”. Ngôn ngữ không nhiều, nhưng đã nói rất rốt ráo vấn đề này. Thật ra của bất nghĩa vẫn là số mạng có, số không có của thì dù của bất nghĩa cũng không đạt được. Điều này đọc Liễu Phàm Tứ Huấn sẽ hiểu, tội gì mà phải vậy? Vì sao dùng thủ đoạn bất thiện? Tiêu xài tùy ý chính là đang tạo tội nghiệp. Đoạt tài vật của người, nghiêm trọng hơn là khiến họ người mất nhà tan, còn mình lấy được của bất nghĩa này lại tiêu dùng phung phí, quả là tạo tội nghiệp quá nặng.

Khoảnh khắc đã tiêu tán hết, hiện tượng này rõ nhất là ở sòng bạc, một đêm thua mấy trăm vạn, mấy ngàn vạn, thậm chí là mấy ức vạn, đúng là khoảnh khắc tiêu tan hết. Tiêu tan như thế nào? Lại đi trộm cắp, chiếm đoạt. Về sau có báo ứng, báo ứng không tốt. Có quỷ thần ở bên cạnh nhìn, họ ghi lại hết tất cả khởi tâm động niệm của quý vị, tương lai đọa vào tam đồ, đọa địa ngục. Vào dễ nhưng khó ra, không dễ gì đầu thai lại cõi người, ở cõi người mấy mươi năm lại tạo tội nghiệp, như vậy phải ở địa ngục chịu tội vô lượng kiếp, có đáng chăng? Phải cố gắng suy nghĩ.

Trong kinh nói đến: Thần minh. Bản dịch Kinh Hoa Nghiêm thời nhà Tấn nói_trong này giải thích cho chúng ta về thần minh: “Như nhân tùng sanh, hữu nhị chủng thiên, thường tùy thị vệ. Nhất viết đồng sanh, nhị viết đồng danh. Thiên thường kiến nhâ, nhân bất kiến thiên”. Trong Kinh Hoa Nghiêm đã nói như vậy, mỗi người ít nhất có hai vị thiên thần đi theo. Quý vị đến đầu thai, họ cùng đi theo. Một vị thiên thần gọi là Đồng Sanh, vị thiên thần thứ hai gọi là Đồng Danh, đồng sanh đồng danh với quý vị. Một vị chuyên ghi điều thiện, một vị chuyên ghi đều ác. Quý vị có niệm thiện, có hành vi thiện, đồng danh sẽ ghi lại. Quý vị có điều bất thiện, có niệm ác, đồng sanh sẽ ghi chép lại. Tất cả đều có tài liệu, đều có ghi chép. Họ có thể thấy được chúng ta, nhưng chúng ta không thấy được họ, tư tưởng này đã có từ rất lâu. “Như thị nhị thần, dữ nhân câu sanh, cố danh câu sanh thần”, khi chúng ta vừa đến đầu thai thì họ cũng đến. Kinh Hoa Nghiêm có tư tưởng này. Kinh Dược Sư cũng có. Kinh Dược Sư nói: Có thần câu sanh, đầy đủ sách ghi tội phước và Vua diêm ma. Họ ghi chép tất cả những việc thiện việc phước của quý vị rồi đưa cho Diêm vương.

Gia Tường Sớ lại nói: “Tất cả chúng sanh đều có thần, một gọi là đồng sanh, hai gọi là đồng danh. Đồng sanh nữ ở bên vai phải nghi những tội ác, đồng sanh nam ở bên vai trái ghi những việc thiện”. Đồng danh ghi chép việc thiện, đồng sanh ghi chép việc ác. Ghi điều ác là nữ thần, ghi điều thiện là nam thần. Trong Gia Tường Sớ nói về vấn đề này rất rõ ràng tường tận. Bởi vậy có người đang ở đây lo việc không liên can gì đến mình, không phải nói xong là hết, mà có người đang ghi chép lại, không để sót ý niệm nào. Vậy chúng ta thử nghĩ xem, ngày hôm nay chúng ta niệm thiện nhiều hay là niệm ác nhiều? Ý niệm vì bản thân nhiều hay vì người khác nhiều? Chúng ta nghĩ rõ ràng minh bạch, sau đó tổng kết xem, rốt cuộc mình là người thiện hay là người ác. Đừng hỏi người khác, hỏi bản thân mình sẽ rõ. Kết luận này liên quan rất lớn, liên quan đến tiền đồ trong đời vị lai của mình. Nếu mình là người thiện sẽ đầu thai vào ba đường lành, còn như mình là người ác liền bị đọa vào ba đường ác. Nếu ta khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác đều là A Di Đà Phật, đời sau nhất định về thế giới Cực Lạc, đạo lý không phải như vậy sao? Quý vị muốn đi về đâu đều do mình tự quyết định, không chút liên quan đến người khác. Không ai can thiệp được, không ai trở ngại được quý vị. Tổng kết một câu: Tất cả đều là tự làm tự chịu.

Ngũ Giới Kinh lại nói: “Tam phục bát hiệu, nhất nguyệt lục tấu”. Tam phục là kiểm tra nhiều lần, đây đều là chỉ tháng giêng, tháng 5, tháng chín âm lịch, có quỷ thần đến điều tra những vấn đề này. Bát hiệu, bát là tám lần, hình như đến để xác định, đối chiếu. Gọi là lập xuân, lập hạ, lập thu, lập đông. Xuân phần, đông phần, hạ chí, đông chí là tám ngày này.

Lục tấu là chỉ sáu ngày trai như mồng 8, 14, 15, 23, 29, 30 âm lịch. Gọi là trong một năm có ba tháng bẩm báo lên trên, có tám ngày báo lên, hiệu tức là báo. Trong một tháng có sáu ngày tấu với thần minh, đây đều là nói đến ghi chép của thiên thần.

Người xưa thường nói: “Ngẩng đầu ba mét có thần linh”. Thần minh giám sát nghiêm khắc như vậy, vì sao hiện nay người làm ác lại nhiều đến thế? Chưa thấy được báo ứng, chưa thấy báo ứng nói thực tế là do bản thân chúng ta quá sơ ý, báo ứng ngay trước mắt, chỉ là ta quá sơ suất. Nếu nói không thấy là do sơ suất lơ là.

Xã hội đại chúng ngày nay, nam nữ già trẻ làm ác rất phổ biến, giá trị quan đã thay đổi. Xã hội, đặc biệt là giới truyền thông, khuyến khích người làm ác, khen ngợi người làm ác. Người làm ác có bản lĩnh, người làm thiện thật thà không ai khen ngợi, giá trị quan hiện nay là như vậy. Ngày nay chúng ta thấy toàn bộ xã hội và thiên tai trên địa cầu, ở trong này chúng ta lờ mờ lãnh hội được một vấn đề: Ông trời muốn tính hết nợ, tổng kết nợ chính là đại thiên tai, ông trời muốn tổng kết nợ một lần. Khi nào thiên tai sẽ giáng xuống? 600 năm trước, nhà dự ngôn Nostradamus người Pháp, ông dự ngôn nói rằng sẽ tận thế, năm 1999 là tận thế. Năm 1999 đã bình an qua đi, nên có rất nhiều người nói, dự ngôn của ông ta không đúng. Nhưng dự ngôn của Nostradamus trong mấy trăm năm nay, rất nhiều dự ngôn đã thành hiện thực. Lần dự ngôn này không đúng, tại sao vậy? Chúng ta quan sát tường tận lãnh hội được, vì lời dự ngôn này người trên toàn thế giới đều biết. Năm 1999, biết có bao nhiêu tín đồ Tôn giáo đều cầu nguyện cho vấn đề này. Hiện nay các nhà khoa học khẳng định, năng lượng cầu nguyện vô cùng lớn, đã hóa giải thảm họa này. Không phải thật sự hóa giải, mà là đẩy lùi, kéo về sau, kéo đến khi nào? Kéo đến bây giờ, cầu nguyện chỉ hóa giải tạm thời.

Nếu nhân tâm đều hướng thiện, đều không làm ác, thật sự quay đầu, mới thật sự hóa giải. Bởi thế cầu nguyện là trị ngọn không trị gốc. Nhân tâm thật sự quay đầu_ Bladen nói, quả thật bỏ ác dương thiện, cải tà quy chánh, đoan chánh tâm niệm, vậy mới hóa giải triệt để, ai tin người đó sẽ hóa giải. Tôi tin, tôi hành trì, thì vấn đề của tôi được giải quyết hóa giải. Quý vị tin, vấn đề của quý vị được hóa giải. Toàn thế giới có được một nữa hoặc 1 phần 3 số người giác ngộ, thật sự bỏ ác dương thiện, cải ác dương thiện, cải tà quy chánh, đoan chánh tâm niệm, như vậy trên địa cầu thật sự không có thiên tai. Vấn đề này các nhà khoa học đã chứng minh, tất cả mọi thiên tai thảm họa đều do tâm hành bất thiện chiêu cảm nên. Ý niệm chúng ta vừa chuyển, cảnh giới bên ngoài liền chuyển theo, như trong Phật pháp nói: “cảnh tùy tâm chuyển”. Thiên tai do tâm bất thiện chiêu cảm nên, bây giờ thấy thiên tai xảy ra lập tức quay đầu. Khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác thuần tịnh thuần thiện, thiên tai sẽ không có, vì: “phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”. Tướng hư vọng này đều tùy theo ý niệm mà biến hóa, xuất sanh vô tận.

Thế giới Cực Lạc và thế giới Ta Bà, trên thực tế mà nói là hoàn toàn tương đồng không hề khác biệt, nhưng vì sao thế giới Cực Lạc lại tốt như vậy? Không có gì khác, đều nhờ nhân tâm thuần tịnh thuần thiện, công đức chí thiện chiêu cảm nên, đó là thế giới Cực Lạc. Thế giới Ta Bà này thiện ác hổn tạp, thiện ác hổn tạp là nói quá khứ, hiện nay như thế nào? Hiện nay hầu như thiện ít ác nhiều, nếu đến thuần ác không có thiện thiên tai mới đáng sợ, đó mới là tận thế. Hiểu được đạo lý này, mọi người bỏ ác tu thiện, vấn đề liền được giải quyết.

Cầu nguyện đích thực có hiệu quả, những trong xã hội ngày nay cần phải trị cả ngọn lẫn gốc. Bởi thế chúng đề xướng Tam Thời Hệ Niệm Phật Sự là cầu nguyện, chúng ta giảng kinh dạy học là giáo dục, giáo dục là ngọn gốc đều trị. Nếu như mỗi Tôn giáo, mỗi ngày đều có tám tiếng giảng kinh dạy học, thiên tai trên thế giới thật sự có thể hóa giải, vì sao vậy? Vì nhiều người nghe kinh, nhiều người tiếp nhận giáo dục Tôn giáo, dần dần con người đều tỉnh ngộ, đều biết đoạn ác tu thiện, đều biết cải tà quy chánh. Chúng ta sống ở nhân gian này, đời này đã có phương hướng, có mục tiêu, chánh mà không tà, tịnh mà không nhiễm, những thiên tai thảm họa này tự nhiên được hóa giải. Các vị thần minh này điều tra phổ biến khắp trên địa cầu, những khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác của tất cả chúng sanh.

Vọng Tây căn cứ Ngũ Giới Kinh viết: “Như thị đẳng nhật”. Ở trước nói một năm có ba tháng, có tám ngày tức bát hiệu, tám ngày báo lên trên. Mỗi tháng có sáu ngày trai, sáu ngày này cũng báo cáo, đều có thần minh ở đây chuyên môn làm những báo cáo này.

“Khắc thức”, thức có hai cách nói. Gia Tường Sớ và Hội Sớ gọi thức là ghi chép, thức(试)ở đây đọc là chí(志), đồng âm với chí của chí nguyện, tức có nghĩa là ghi chép. Như Hội Sớ viết: “U hữu thiên thần, thức kỳ khoa điều”, họ ghi chép lại chúng ta phạm điều gì. Giống như pháp luật vậy, quý vị phạm đều nào họ đều ghi chép lại, không hề có chút sai sót nào, nên gọi là khắc thức.

Bên dưới có “thức âm chí”, có nghĩa là ghi chép. Nghĩa này tương đồng với ý trong Gia Tường Sớ, đều nói có thần minh ghi chép thiện ác của người, nên báo ứng quả thật không sai. Con người bây giờ không tin tưởng đối với những văn tự này, cho rằng như thế nào? Cho rằng đây là mê tín.

Khi tôi mới học Phật, tôi đi vào kinh giáo bằng con đường triết học, thầy Phương dạy cho tôi về triết học trong kinh điển, tôi đã tiếp cận Phật giáo như vậy.

Trong giảng đường chúng ta hiện nay, tấm hình đó chính là của thầy Phương, chính là hình ảnh lúc tôi theo thầy học, khoảng trên dưới 50 tuổi, tuổi tác không lớn. Thầy nói với tôi: Trong kinh Phật có 20% là triết học, triết học cao cấp, nhưng ngoài điều này ra, trong kinh Phật cũng có không ít là mê tín. Thầy nói: Phần mê tín đó chúng ta đừng học, chỉ học phần triết học, đây là lúc tôi mới quen thầy. Nhưng 20 năm sau, phần vốn cho là mê tín đó, thầy cũng đã học rất chăm chỉ, đó là cảnh giới thâm sâu hơn triết học. Khi tôi học với thầy, hình như thầy chỉ nhìn thấy cánh cửa lớn của Phật học, cửa lớn của Phật giáo. 20 năm sau, thầy thấy được những điều vi diệu trong Phật giáo, thầy đã biết, không giống nhau! Có chăng? Có thật, không phải không có, hoàn toàn tin tưởng. Nên lúc sanh bệnh_thầy qua đời lúc 79 tuổi, hoàn toàn thừa nhận Phật pháp. Không còn nói 80% trong Phật pháp là mê tín, 80% mê tín đó quá cao thâm. Chúng ta không không biết nên tùy tiện thêm vào hai chữ mê tín, điều này rất oan uổng, vì chưa hiểu rõ ràng. Thầy qua đời quá sớm, mới 79 tuổi, nếu thầy có thể sống thêm mười năm sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với Phật giáo Đài Loan. Lúc thầy thật sự thay đổi, thì thọ mạng đã đến. Nên vấn đề này, phải đợi đến thời chúng ta tinh tấn nổ lực tu hành, khế nhập cảnh giới, phải phát triển rộng rãi. Hiện nay chúng ta còn có trợ thủ đắc lực, đó chính là nhà lượng tử lực học, những gì họ phát hiện hoàn toàn tương đồng với trong kinh đại thừa nói.

Bên dưới nói đến ý nghĩa thâm sâu này. Thứ hai, thức là thức thứ tám. Như đại sư Cảnh Hưng nói, công năng hạt giống của thức không chết, gọi là ghi chép. Điều này có thể nói được, chủng tử ở trong A lại da thức vĩnh viễn không hề mất đi. A lại da không có hình tướng, nó ở đâu? Nó tồn tại mọi lúc mọi nơi khắp biến pháp giới hư không giới.

Nghĩa Tịch và Vọng Tây, hai vị đại sư này “song thủ nhị thuyết”, họ đều áp dục cả hai cách nói ở trước. Nghĩa Tịch nói: “Sở tác thiện ác, phi đãn tự thức nội huân, thiên thần ngoại ký, ký tại nhị xứ, an hữu xá hô?”. Ký tại nhị xứ, nhị xứ là gì? Là “nội thức và ngoại thần”. A lại da là kho tư liệu của chính mình, bản thân có ghi chép, chắc chắn không sai. Khởi tâm động niệm bản thân quên mất, nhưng trong A lại da có. Tư liệu trong A lại da, từ khi chúng ta bắt đầu mê, bắt đầu từ một niệm bất giác cho đến hiện nay. Từ vô lượng kiếp đến nay phòng tư liệu này vô cùng hoàn chỉnh, đến khởi tâm động niệm đều ở trong đó.

Đồng thời bên ngoài thiên thần cũng có ghi chép, ghi chép của thiên thần không hoàn chỉnh như A lại da thức. Thiên thần ghi chép, đại khái chính là đoạn thời gian này, chúng ta có thể nói đoạn nào? Đoạn mà chúng ta mê hoặc đọa vào trong lục đạo, đây là giai đoạn thiên thần ghi chép. Nếu chúng ta vượt ra khỏi lục đạo, tài liệu của đoạn này sẽ bị tiêu trừ, vì sao vậy? Vì không còn ở đây nữa, đã tiêu trừ. Chỉ cần ở trong lục đạo, chúng ta ở trong lục đạo là có tư liệu này. “Ký tại nhị xứ, an hữu xá hô?”

Những điều ở trên nói, đại sư Nghĩa Tịch ổn thỏa. Đại sư Nghĩa Tịch nói, chủng tử rơi rớt trong A lại da. Vì chỉ có thức không chướng ngại sự ghi chép của thần minh, thần minh ghi chép cũng là duy thức sở hiện, nên nói trong ngoài đều ghi chép làm thiện, cách nói này hay.

Chúng ta học tập đại thừa, trong kinh điển đại thừa nói rất rõ ràng. Trước khi chưa chuyển thức thành trí, đều không thể rời A lại da. Tác dụng của A lại da là trong mười pháp giới, trên mười pháp giới là tứ thánh: Thanh văn, Duyên giác, Bồ Tát, Phật. Bên dưới là lục đạo, lục đạo và tứ thánh là mười pháp giới, do A lại da làm chủ. Thập pháp giới y chánh trang nghiêm đều là tướng phần, kiến phần, tự chứng phần của A lại da.

Có vị chủ trương tam phần, cũng có người chủ trương tứ phần, tứ phần tức là thêm chứng tự chứng phần. Các bậc cổ đức đều đồng ý tứ phần viên mãn hơn, sao quý vị biết có tự chứng phần, có chứng tự chứng phần. Chứng tự chứng phần, chính là trong kinh thường nói, trong tự tánh vốn có trí tuệ, trí tuệ có thể tự giác. Trong Phật pháp chúng ta cũng thường thấy nói đến Phật tánh, Phật tánh chính là chứng tự chứng phần. Nói đến pháp tánh, pháp tánh chính là tự chứng phần, Phật tánh là chứng tự chứng phần. Vì Phật nghĩa là giác, chính là trong tự tánh vốn có trí tuệ bát nhã, nó có thể giác. Kiến phần, tướng phần đều là tự chứng phần biến hiện ra. Tự chứng phần là bản thể của A lại da, từ thể khởi dụng. Khởi dụng một là hiện tượng vật chất, hai là hiện tượng tinh thần. Chúng ta gọi tự chứng phần là hiện tượng tự nhiên. Nhưng trong tự tánh không có ba loại hiện tượng, có thể hiện ba loại hiện tượng, có thể sanh ra ba loại hiện tượng. Do A lại da vọng tưởng phân biệt chấp trước, mới biến hiện ra mười pháp giới y chánh trang nghiêm, đây là nói rõ ràng minh bạch toàn thể vũ trụ. Thế nên chủng tử chứa đựng trong A lại da vô lượng vô biên không cùng tận, chính là loại thứ hai trong ba loại chu biến mà trong Hoàn Nguyên Quán nói: Xuất sanh vô tận, chính là ý này. Đạo lý này rất thâm sâu.

Phần này Hoàng Niệm Tổ chú giải rất hay. Duy thức không ngại thần minh ghi chép, vì sao vậy? Vì thần minh ghi chép cũng là duy thức sở hiện, không rời được duy thức, nên trong ngoài đều ghi, cách nói này rất hay. Bên trong là A lại da, kho tư liệu của chính mình. Bên ngoài là quỷ thần ghi chép. Trong ngoài đều ghi, tội báo theo cùng, nên trôi lăn trong tam đồ. Hay nói cách khác, ba loại tội này quý vị đều phải chịu, quý vị phải ở trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh để chịu tội. Địa ngục tiêu tội nặng của chúng ta, ngạ quỷ tiêu dư tội của chúng ta, súc sanh phải đi nhận báo ứng. Đó chính là đòi nợ trả nợ, nợ mạng phải trả mạng, nợ tiền trả tiền, phải làm những điều này.

Trong Phật pháp thường nói: Người chết làm dê, dê chết làm người, nhai nuốt lẫn nhau, ăn nó nửa cân, phải trả tám lạng. Không phải ăn không, tương lai phải trả nợ tất cả. Quý vị ăn cá, tương lai biến thành cá để trả nợ, nếu như ăm tôm, tương lai biến thành tôm để trả, chúng ăn lại quý vị. Nếu không giác ngộ, cứ mê hoặc trong đó, thì đời đời kiếp kiếp cứ luân hồi sanh tử như vậy, quả là khổ không sao nói hết.

Thế nên đời đời khó ra khỏi, đau khổ không cùng tận, đời đời là rất nhiều kiếp, cứ trôi lăn đời đời kiếp kiếp trong lục đạo để báo ân báo oán, đòi nợ trả nợ. Những ân oán nợ nần này, nếu quý vị mãi không buông, quý vị ghi mãi trong lòng thì rất phiền phức, vì thế mà không ra khỏi luân hồi.

Muốn ra khỏi luân hồi, tâm phải như thế nào? Buông bỏ hết những điều này. Ta nợ người phải trả, nhưng người nợ mình thì không cần nữa, bỏ hết. Không nghĩ đến bất kỳ điều gì, chỉ chuyên nghĩ đến Phật A Di Đà và thế giới Cực Lạc. Sau khi ở thế giới Cực Lạc thành Phật rồi, trở lại độ tất cả những người có ân có oán với mình, đây gọi là người có duyên. Nếu không có duyên họ không chấp nhận, nói họ cũng không tin, vì họ nghe không hiểu. Quý vị có duyên với họ, họ hoan hỷ, họ tiếp thu, nên Phật chỉ độ người có duyên. Chúng ta sẽ giúp tất cả những người có ân oán, có nợ nần với mình. Như vậy mới có thể giải quyết được vấn đề này một cách viên mãn.



Hôm nay chúng ta tạm dừng ở đây.

Hết tập 524
Каталог: chugiaikvltpdf
chugiaikvltpdf -> Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn nghĩa Tập 474 Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư Chuyển ngữ: Hạnh Chơn Biên tập: Minh Tâm Thời gian: 28. 06. 2011
chugiaikvltpdf -> Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 537 Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư Chuyển ngữ: Hạnh Chơn Biên tập: Minh Tâm Thời gian: 13. 08. 2011
chugiaikvltpdf -> Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 321 Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư Chuyển ngữ: Hạnh Chơn Biên tập: Bình Minh Thời gian: ngày 13 tháng 03 năm 2011
chugiaikvltpdf -> Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 322 Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư Chuyển ngữ: Hạnh Chơn Biên tập: Bình minh Thời gian: ngày 13 tháng 03 năm 2011
chugiaikvltpdf -> Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập: 383 Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư Chuyển ngữ: Lý Hương Biên tập: Bình Minh Thời gian: 22/04/2011
chugiaikvltpdf -> Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 332 Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư Chuyển ngữ: Liên Hải Biên tập: Bình Minh Giảng ngày: 19 tháng 03 năm 2011
chugiaikvltpdf -> Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 355 Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư Chuyển ngữ: Hạnh Chơn Biên tập: Bình Minh Thời gian: 01. 04. 2011
chugiaikvltpdf -> Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 339 Chủ giảng: Pháp Sư Tịnh Không Chuyễn ngữ: Nguyên Thanh Biên tập: Bình Minh Giảng ngày: 23 tháng 03 năm 2011
chugiaikvltpdf -> Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 341 Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư Chuyển ngữ: Liên Hải Biên tập: Minh Tâm Thời gian: 24. 03. 2011
chugiaikvltpdf -> Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 398 Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư Chuyển ngữ: Hạnh Chơn Biên tập: Nguyên Tâm Thời gian: 06. 05. 2011

tải về 116.73 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương