TỔng giáo phận thành phố HỐ chí minh bản tin họ ĐẠo jeanne d’arc



tải về 148.85 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu09.06.2018
Kích148.85 Kb.
#39767



TỔNG GIÁO PHẬN THÀNH PHỐ HỐ CHÍ MINH

BẢN TIN HỌ ĐẠO

JEANNE D’ARC (NGÃ SÁU CHỢ LỚN)
: 116A Hùng Vương, Phường 9, Quận 5.

: 38557616


Giờ Thánh Lễ:

Chúa Nhật : 5g00; 7g00; 9g00; 16g00

Chầu Thánh Thể : 15g15

Ngày thường : 5g00; 17g00

Thứ Bảy đầu tháng: Giờ Thánh: 11g00 – 12g00

Giờ Giải Tội: Sau Thánh lễ, ai muốn xưng tội, xin trình Linh mục được rõ.


Số 51 (Năm thứ 5) Tháng 7, 2013

LỜI CHỦ CHĂN

Kính gửi linh mục, tu sĩ, giáo dân


trong gia đình giáo phận,

Trách nhiệm làm người
Anh chị em rất thân mến,

1. Trách nhiệm làm người hôm nay. Tập "Hướng Dẫn Mục Vụ" năm Đức Tin gợi ý cho chúng ta, trong tháng 7.2013, quan tâm đặc biệt đến trách nhiệm làm người chăm lo cho gia đình, cho cộng đoàn trong Giáo Hội, trong xã hội. Lời Chủ Chăn tháng 7 nầy ghi nhận lại những cảm nghĩ về trách nhiệm làm người trước những thách đố của xã hội theo nền kinh tế thị trường hôm nay, với nhiều mâu thuẫn và bất hợp lý, nhiều bạo lực và đấu tranh loại trừ nhau.

Qua bí tích Thánh Tẩy, Thánh Thể, Thêm Sức, Hôn Phối, Truyền Chức Thánh, mọi thành phần dân Chúa, linh mục, tu sĩ, giáo dân, được mời gọi chia sẻ chức năng mục tử của Chúa Giêsu trong việc chăm lo cho gia đình, cho cộng đoàn trong Giáo Hội cũng như trong xã hội. Đồng thời cùng chia sẻ đời sống cầu nguyện của Ngài và đón nhận ơn Chúa Thánh Thần đổi mới lòng trí con người, giúp mỗi người ngày càng trở nên mục tử như lòng Chúa mong muốn, và như dân Chúa mong đợi.



2. Thế nào là người mục tử như lòng Chúa mong muốn?

Thiên Chúa là Cha giàu lòng từ bi, nhân hậu, đã thương gửi đến cho chúng ta Người Con Một là Đức Giêsu. Đức Giêsu là Con Thiên Chúa làm người thể hiện lòng Chúa thương xót vô biên trong sứ vụ phục vụ cho sự sống của gia đình nhân loại. Đó là mẫu gương tuyệt vời cho mọi người đảm nhận sứ mạng yêu thương chăm lo và dẫn dắt đoàn dân Chúa đi đến sự sống mới, sự sống dồi dào trong ánh sáng chân lý và an bình. Trong khi thi hành sứ vụ nầy, Đức Giêsu thể hiện lòng Chúa từ bi thương xót vô biên đối với mọi hạng người trong cộng đồng xã hội.

Đối với các tông đồ, môn đệ trong mọi hoàn cảnh,cả lúc phản Thầy và thỏa hiệp trục lợi, như Giuđa. Lúc sử dụng bạo lực chống trả bất công rồi lại chối Thầy, như Phêrô. Lúc nguy khó thì bỏ cuộc về làng quê mình, như hai môn đệ làng Êmau...

Đối với người dân cùng khổ, bệnh tật, lúc cùng nhau kéo đến từ mọi miền đất nước, theo chân Ngài nhiều ngày, cậy nhờ lòng thương xót vô biên của Ngài giúp họ vượt qua đói kém, bệnh tật, chết chóc...

Đối với những nhà cầm quyền muốn loại trừ Ngài, hành hình Ngài, đóng đinh Ngài. Lúc Ngài đang hấp hối trên thập giá, Ngài xin Cha trên trời ban cho họ lòng từ bi, bao dung, thương xót, hỷ xả hành vi vô nhân, bất công của họ...

3. Thế nào là người mục tử như lòng dân mong đợi?

Có hai loại quyền lực trong gia đình, trong cộng đoàn, trong xã hội : quyền lực cứng và quyền lực mềm. Quyền lực cứng làm cho mọi người sợ và tránh né, hoặc làm cho họ bất mãn và chống trả...Trong gia đình, quyền lực cứng được thể hiện khi cha mẹ bày tỏ sự tức giận, la rầy, đánh đập, xua đuổi con cái... Trong Giáo Hội và trong xã hội, khi những người lãnh đạo làm ra luật lệ mang tính chuyên chế và phi nhân bản, không mang tính thiên thời, địa lợi, nhân hòa, khi cách đối xử của họ làm cho mọi người sợ sệt, tránh né, hoặc bất mãn, chống đối...

Quyền lực mềm, lôi cuốn, hấp dẫn, mọi người. Tấm gương quyền lực mềm rõ ràng nhất mà chúng ta có thể tìm gặp nơi Đức Giáo Hoàng Phanxicô khi Ngài thi hành quyền bính và sứ vụ Phêrô, với con tim đầy lòng Chúa từ bi thương xót đối với mọi người, đặc biệt đối với người nghèo khổ, bị xã hội bỏ rơi, loại trừ. Ngài thể hiện lòng Chúa từ bi thương xót qua nhiều cử chỉ khác nhau :


  • Như qua cử chỉ hôn nhẫn hồng y của tôi, vì tôi đồng hành với dân Chúa Việt Nam trung thành sống lòng tin cậy mến trong hoàn cảnh gặp nhiều mất mát, khó khăn, thử thách.

  • Như qua cử hành nghi thức Rửa chân Thứ Năm Tuần Thánh với cho những người trẻ sống trong nhà tù giam hãm con người trong tuyệt vọng.

  • Vượt mọi rào cản, nề nếp, đến với trẻ nhỏ, gặp gỡ mọi người, tiếp cận với bệnh nhân...

  • Trong cuộc gặp gỡ với Hội Đồng Giám Mục Ý gồm 245 Hồng Y, Giám Mục, Đức Thánh Cha chỉ cho thấy những sai xót trong quan hệ đạo đời. Kết thúc, Ngài đến thân mật bắt tay từng vị một trong số 245 Hồng Y, Giám Mục...

  • Mời gọi dân Chúa năm châu cùng với Ngài chầu Chúa Giêsu Thánh Thể, chiêm ngắm đỉnh cao lòng Chúa thương xót nơi cử chỉ hiến thân, hiến cả mạng sống mình vì sự sống và sự hợp nhất của gia đình nhân loại...

4. Cầu nguyện và cộng tác với ơn đổi mới của Chúa Thánh Thần

Gần đây, Đức Thánh Cha Phanxicô có lời khuyên các mục tử đang chăm lo đời sống con người : - hãy kiên trì cầu nguyện và cộng tác với ơn đổi mới của Chúa Thánh Thần giúp mình ngày càng trở nên mục tử nhân lành, - bằng không, người mục tử có nguy cơ trở thành sói dữ, làm cho chiên khiếp sợ và tránh né, thậm chí sát hại chiên.  Suy nghĩ về lời khuyên đó cùng những chỉ dẫn về cầu nguyện, đồng thời nhìn lại đời sống cầu nguyện của bản thân cũng như của mọi thành phần dân Chúa, đặc biệt là buổi gia đình giáo phận cùng cầu nguyện hiệp thông với Chúa Giêsu Thánh Thể, vào lúc 22:00g Chúa Nhật 2.6.2013 vừa qua, tôi ghi nhận lại những chỉ dẫn cốt yếu về việc cầu nguyện với lòng đầy tin cậy mến, và những hiệu quả kỳ diệu mà việc cầu nguyện mang lại cho nhiều người, nhiều gia đình. Nhằm mở đường cho đời sống cầu nguyện của người tín hữu vượt qua thói quen vô ý thức, cùng khung nếp gây nhàm chán cho nhiều người, đặc biệt người trẻ hôm nay.



5. Cầu nguyện với lòng đầy tin cậy mến

Cầu nguyện là gặp gỡ Chúa Cha, cội rễTình Yêu nhân hậu,


Là chiêm ngắm Chúa Con đầy lòng từ bi thương xót vô biên,
Kết hợp Với Thánh Thần, suối nguồn Tình Chúa bao dung vô tận.

Chân thành cầu nguyện là mở rộng lòng trí với Cha trên trời,


Đón nhận Lời Ngài là Lời ban ánh sáng Chân Lý và An Bình,
Lời ban sức sống mới chan hòa từ bi bao dung nhân hậu.

Chuyên cần cầu nguyện là nguồn nước trong lành,


Tưới cho hạt mầm mọi hồng ân Chúa thương ban,
Phát triển xanh tươi, trổ hoa thơm, sanh trái lành.

Cầu nguyện tăng năng lực đổi mới quyền lực trong xã hội,


Từ quyền lực cứng gây nên nghi ngại sợ sệt, tạo ra chống đối,
Thành quyền lực mềm hấp dẫn lôi cuốn nhân tâm người người.

Cầu nguyện giúp mọi người chuyên lo cho gia đình cùng xã hội,


Thoát khỏi nguy cơ thành sói dữ, làm chiên sợ, thậm chí hại chiên,
Ngày càng trở nên chủ chiên lành hy sinh vì sự sống của đoàn chiên.

Chuyên cần cùng cầu nguyện trong gia đình, trong cộng đoàn,


Giúp mọi người, mọi thế hệ, liên kết và hợp nhất nên một,
Luôn sống đồng tâm với nhau trong yêu thương và an bình.

Gioan B. Phạm Minh Mẫn

Hồng Y Tổng Giám mục


TIN TC
GIÁO XỨ :

  • Tối 7 giờ, Chúa nhật 2/6/2013, giáo xứ chầu Thánh Thể để cùng hiệp thông với thế giới theo ý chỉ của Đức Thánh Cha.

  • Ngày 13/6, lễ Thánh Antôn Pađua, bổn mạng cha xứ, ông chủ tịch Hội đồng mục vụ thay mặt giáo xứ cám ơn cha và chúc sức khỏe cha.


GIÁO PHẬN :

  • Đức Hồng y GB Phạm Minh Mẫn (ĐHY) đã chủ sự thánh lễ Truyền chức Linh mục cho 12 thầy Đại Chủng viện Thánh Giuse (ĐCV), 8 thầy Dòng Đồng Công và 5 thày Tu hội Truyền giáo Thánh Vinh Sơn vào lúc 8g30 sáng ngày 1/6 tại Nhà thờ chánh tòa Sài Gòn.

  • Lúc 22g00 (05g00 chiều tại Rôma) ngày 2/6, Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, tại nhà thờ Chánh Tòa Sài Gòn, ĐHY Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn - TGM TGP TPHCM, đã chủ sự Giờ Chầu Thánh Thể, hiệp nhất với ĐGH Phanxicô, với tất cả anh chị em tín hữu Công giáo trên toàn thế giới trong cùng một đức tin, đức cậy và đức mến để tôn thờ Chúa Giêsu Thánh Thể.

  • Theo lời kêu gọi của ĐGH Phanxicô và hướng dẫn mục vụ của ĐHy TGM TGP.TPHCM, các nữ tu dòng Thánh Phaolô đã sốt sắng tham dự giờ chầu Thánh Thể trọng thể do Linh mục Giêrađô Trần Công Dụ, CM chủ sự vào lúc 22g00 ngày 2/6 tại khuôn viên nhà Giám tỉnh Dòng Thánh Phaolô 04 Tôn Đức Thắng, Q.1, TPHCM.

  • Mười hai tân linh mục của TGP TP.HCM đã đến chào và cám ơn ĐHY TGM Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn vào lúc 8g45 thứ Tư ngày 5/6 tại Toà Tổng Giám Mục TGP.

  • ĐHY GB Phạm Minh Mẫn đã gửi lá thư kỷ niệm 25 năm Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tuyên phong 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam ngày 19/6/1988 cho Cộng đoàn dân Chúa.

  • Lúc 9 giờ sáng Chúa nhật 23/6, Ban Liên lạc Hội đồng Mục vụ Giáo xứ TGP TP.HCM gồm: Ban Thường trực và đại diện các Giáo hạt, đại diện Giáo lý viên và Ca đoàn mừng bổn mạng Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn tại Tòa Tổng Giám mục.

  • Hòa cùng niềm vui với Giáo hội toàn cầu trong dịp đón nhận hồng ân Năm Đức Tin, đồng hành với dân tộc nhân ngày Gia đình Việt Nam, Ban Mục vụ Gia Đình TGP TPHCM đã tổ chức Đại Hội Gia Đình TGP vào lúc 15 giờ ngày 23/6, tại TTMV TGP Sài Gòn với chủ đề “Mãi mãi là Gia đình”. Đến tham dự Đại hội có Đức cha phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Cha Tổng Đại diện Gioan Baotixita Huỳnh Công Minh, Cha Louis Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng ban MVGĐ - TGP TPHCM, Cha Trưởng ban MVGĐ Giáo phận Ban Mê Thuột, quý cha tại TTMV TGP TPHCM, quý linh mục, tu sĩ, cùng đông đảo các gia đình đến từ TGP TPHCM, và các Giáo phận: Xuân Lộc, Bà Rịa, Ban Mê Thuột, Kon Tum…

  • Vào lúc 14g30 hôm 26/6, một số linh mục ở Đại Chủng viện và Trung tâm mục vụ TGP.TPHCM đã đến thăm Đức Hồng y GB. Phạm Minh Mẫn (ĐHY) tại bệnh viện Pháp Việt và được nghe ngài kể chuyện thật vui vẻ. Các linh mục đến thăm đã cầu chúc ĐHY mau lấy lại sức khỏe dồi dào.

  • Thứ năm 27/6, thánh lễ tạ ơn mừng kính 2 Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, đồng thời cũng là bổn mạng Hội đồng Mục vụ các giáo xứ TGP TPHCM, được tổ chức tại Trung Tâm Mục Vụ. Bên cạnh đó, cũng nhân thánh lễ tạ ơn cộng đoàn dân Chúa mừng bổn mạng Đức Cha Phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Khảm.


GIÁO HỘI :
VIỆT NAM :

  • Tuần tin Hội đồng Giám mục Việt Nam các số 23, 24, 25, 26 (tgpsaigon.net/baiviet-tintuc).

  • Đúng 22 giờ ngày 2/6 (5 giờ chiều tại Roma), cộng đoàn Giáo Hội Việt Nam đã cùng hiệp thông với Thế giới qua việc chầu Thánh Thể theo ý chỉ của Đức Giáo Hoàng.

  • Cuộc họp vòng 4 của Nhóm công tác hỗn hợp Việt Nam – Tòa Thánh diễn ra trong hai ngày 13 và 14 tháng 6 tại Vatican đã kết thúc. Đồng chủ trì cuộc họp là Đức ông Antonio Camilleri, Thứ trưởng Ngoại giao Tòa Thánh và ông Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam. Hai bên đã đồng ý sẽ nhóm họp vòng 5 của Nhóm hỗn hợp Việt Nam – Tòa Thánh tại Hà Nội. Thời gian cuộc họp sẽ được sắp xếp qua con đường ngoại giao.

  • Ngày 15/6, Phòng báo chí Tòa Thánh thông báo: Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm 2 giám mục phụ tá cho giáo phận Vinh và giáo phận Hưng Hóa:

. Cha Phêrô Nguyễn Văn Viên, Tổng đại diện giáo phận Vinh, được ĐTC bổ nhiệm làm giám mục phụ tá giáo phận Vinh, với hiệu tòa là Megalopoli di Proconsolare.

. Cha Alphongsô Nguyễn Hữu Long, thuộc Hội Linh mục Xuân Bích, Giám đốc Đại chủng viện Huế,  làm giám mục phụ tá giáo phận Hưng Hóa, với hiệu tòa Gummi di Bizacena.

  • Vào lúc 9 giờ sáng ngày 25/06, Đức cha Antôn Vũ Huy Chương, Giám mục Giáo phận Đà Lạt đã đến Trung tâm Mục vụ Giáo phận, chủ tọa nghi thức khai mạc sa mạc: Tìm hiểu về Thiếu nhi Thánh Thể, từ ngày 25-27/06/2013 dành cho 47 linh mục của giáo phận (trong đó có 5 linh mục chánh xứ). 


HOÀN CẦU :

  • Vào lúc 5 giờ chiều (giờ Roma) Chúa nhật 2/6, lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự giờ chầu Thánh Thể long trọng tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô ở Roma. Cùng thời điểm này trên toàn thế giới, hàng triệu tín hữu Công giáo ở khắp nơi đã hiệp thông với Đức Thánh Cha trong giờ chầu Thánh Thể được tổ chức tại các Nhà thờ chính tòa và rất nhiều nhà thờ khác trên khắp thế giới.

  • Hôm 3/6, là ngày kỷ niệm 50 năm ngày Chân phước GH Gioan XXIII qua đời, vị Giáo Hoàng đã triệu tập Công đồng Vatican II.

  • Ngày 5/6, trong buổi tiếp kiến chung, đồng thời cũng là Ngày Môi trường Thế giới, ĐTC Đức Thánh Cha Phanxicô đặc biệt quan tâm đến môi trường. Ngài nói: “Phải chống lại nền “văn hóa lãng phí” và thúc đẩy nền văn hóa của tình đoàn kết.”

  • “Phải cứu lấy Saint-Hilarion”. Đó là lời kêu gọi khẩn thiết của René Elter, một nhà nghiên cứu thuộc trường Thánh Kinh và Khảo cổ học của Pháp tại Giêrusalem. Saint-Hilarion là tu viện byzantin lớn nhất của vùng Cận Đông, và cổ nhất của Thánh địa. Tên của tu viện được đặt theo tên của một vị ẩn tu thuộc thế kỷ thứ IV. Tu viện nằm trên một diện tích rộng hơn 10 hecta ở Tell Oum Al-Amr, tại dải Gaza.

  • Tôi khỏe mạnh. Tôi sống như một đan sĩ”, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nói như trên với một người bạn cũ người Đức mới đến thăm ngài tại đan viện Mater Ecclesiae ở Vatican. Đức nguyên giáo hoàng Bênêđictô XVI đã mô tả cuộc sống hiện nay của ngài là yên tĩnh và thoải mái. Ngài nói: “Tôi đọc sách, tôi cầu nguyện. Tôi khỏe mạnh”.

  • Trong một cuộc trao đổi thẳng thắn với các học sinh của các trường do Dòng Tên điều hành ở Ý và Albania, cùng với các giáo viên và người thân của các em, Đức Thánh Cha đã chuẩn bị sẵn một diễn văn dài 5 trang. Nhưng rồi ngài gây bất ngờ và nói "Như vậy cũng nhàm chán". Thay vào đó, ngài đã đề nghị các em đặt câu hỏi. "Bằng cách này, chúng ta có thể chuyện trò với nhau" - ngài nói.

  • Theo truyền thống, Giáo hội vẫn dùng tháng Sáu để tôn kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Và trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa nhật hôm 9/6, ĐTC Phanxicô đã trở lại đề tài này: “Thánh Tâm Chúa Giêsu là tâm điểm, là nguồn phát sinh ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại”. Ngài giải thích, “Thánh Tâm là biểu tượng của lòng Chúa thương xót ở mức cao nhất, là cách con người muốn diễn tả tình yêu tột cùng của Thiên Chúa”.

  • Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Cổ võ sự Hiệp nhất các Kitô hữu, ĐHY Kurt Koch, đã  một bài giảng tại Đại học Công giáo Ukraina tại Lviv, Ukraina, vào ngày 10/6 về Triển vọng của cuộc đối thoại đại kết giữa Giáo hội Công giáo  Giáo hội Chính thống”.

  • Sáng thứ Hai 10/6, ĐTC Phanxicô đã chuyển sứ điệp ghi âm của ngài đến Hiệp hội Khiếm thị Italia nhân dịp anh chị em khiếm thị tham dự chương trình hè đặc biệt tại Trung tâm Le Torri ở Tirenia.

  • Trong buổi tiếp kiến chung thứ Tư hằng tuần - ngày 12/6 vừa qua, ĐTC Phanxicô đã nói về đề tài “Hội Thánh – Dân Chúa”. Ngài mở đầu bằng định nghĩa của Công đồng: “Công đồng Vatican II đã xác định Hội thánh là Dân Chúa”, và đặt câu hỏi “Vậy thì được gọi là Dân Chúa có ý nghĩa gì? Làm thế nào một người trở thành Dân Chúa? Lề luật, sứ mạng và mục tiêu của Dân Chúa là gì?”

  • Các giám mục Trung Phi đã gặp nhau trong hai ngày 12 và 13 tháng Sáu tại Bangui và gửi một sứ điệp tới mọi người dân trong nước - vừa được công bố nhân cuộc họp bế mạc của các giám mục tại Nhà thờ Chính tòa Đức Bà ở Bangui: “Chưa bao giờ đất nước chúng ta lâm vào cảnh xung đột khốc liệt và lâu dài như vậy. Tất cả những điều này phải chăng nằm trong một chương trình bí mật?”

  • “Chắc chắn, sự rạn nứt giữa Tin Mừng và văn hóa là một bi kịch”. Và một trong những nhiệm vụ của “Civiltà Cattolica” chính là “hàn gắn sự rạn nứt ấy”. ĐGH Phanxicô đã khẳng định như trên trong buổi gặp gỡ các linh mục trong ban biên tập của một trong những tạp chí uy tín nhất của dòng Tên, vào sáng thứ Sáu 14/6 vừa qua. Ngài nói tiếp: “Civiltà Cattolica năm nay đã đổi mới và từ nay các độc giả cũng có thể đọc được tờ báo này trên các mạng xã hội. Đó cũng là những vùng biên mà anh em được mời gọi tới hoạt động. Hãy tiếp tục con đường này!”.

  • Thứ sáu 14/6, tại Roma, ĐTC Phanxicô đã tiếp tiến sĩ Justin Welby, Tổng giám mục Canterbury và là người đứng đầu Cộng đồng Anh giáo với trên 80 triệu tín đồ trên thế giới. Đây là cuộc gặp gỡ của hai vị lãnh trách nhiệm đứng đầu Anh giáo và Công giáo gần như vào cùng một thời điểm.

  • ĐTC Phanxicô kêu gọi các vị lãnh đạo khối G-8 đặc biệt góp phần tái lập hòa bình tại Siria và đặt con người ở trong tâm các hoạt động kinh tế tài chánh.

  • ĐTC đã mời gọi các tín hữu giáo phận Roma hãy làm chứng về niềm hy vọng bằng cuộc sống chứng tá vui tươi, không sợ hãi, ra khỏi chính mình để tìm đến với tha nhân, nơi những người đang chịu đau khổ trong bài giáo lý về chủ đề ”Tôi không hổ thẹn về Tin Mừng”, tại buổi khai mạc Hội nghị thường niên của Giáo phận Roma, tiến hành tại Đại thính đường Phaolô 6 ở nội thành Roma, lúc 7 giờ chiều ngày 17/6, trước sự hiện diện của 10 ngàn người, gồm ĐHY giám quản Agostino Vallini, 7 Giám mục phụ tá, đông đảo các linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân dấn thân.

  • Ngày 17/6 vừa qua, trước Hội đồng Hiệp hội các giáo hội Luther thế giới (FLM) tại Thụy Sĩ, Đức hồng y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa thánh Cổ võ sự Hiệp nhất các Kitô hữu đã giới thiệu Bản Tuyên ngôn chung của hai Giáo hội Luther và Công giáo: “Từ xung đột đến hiệp thông: kỷ niệm chung của Luther–Công giáo trong năm 2017”. Đây là Tuyên ngôn được nhiều người chờ đợi, nhân kỷ niệm 500 năm cuộc Cải cách sẽ tổ chức vào năm 2017.

  • Ủy ban Liên lạc Công giáo-Hồi giáo đã tổ chức Hội nghị lần thứ 19 tại Roma trong hai ngày 18 và 19 tháng Sáu vừa qua. Hội nghị do Đức hồng y Jean-Louis Tauran, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Đối thoại Liên tôn, và giáo sư Hamid Bin Ahmad Al-Rifaie, Chủ tịch Diễn đàn Đối thoại Hồi giáo quốc tế, đồng chủ trì.

  • Hôm 19/6, Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích công bố một Sắc lệnh đã được Đức hồng y Bộ trưởng Antonius Cañizares Llovera và Đức Tổng giám mục Thư ký Arturus Roche ký vào ngày Lễ Thánh Giuse Thợ 1/5. Sắc lệnh quyết định đưa tên Thánh Giuse vào các Kinh nguyện Thánh Thể II, III và IV, sau tên của Đức Trinh Nữ Maria.

  • Trong buổi tiếp kiến 148 vị Sứ thần và Khâm sứ Tòa thánh sáng 21/6, Đức Thánh Cha Phanxicô đặc biệt nhắc nhở các vị hãy sống như những mục tử và quan tâm tuyển chọn các ứng viên xứng đáng để được bổ nhiệm làm Giám mục.

  • Sáng 21/6 vừa qua, Văn phòng Báo chí Tòa Thánh đã tổ chức họp báo tại Hội trường Gioan Phaolô II để trình bày các hoạt động của “Quỹ Joseph Ratzinger - Bênêđictô XVI”, đồng thời giới thiệu Hội nghị chuyên đề “Các sách Tin Mừng: Lịch sử và Kitô học. Nghiên cứu của Joseph Ratzinger” - sẽ được tổ chức tại Đại học Giáo hoàng Latêranô từ ngày 24 đến 26 tháng 10 năm nay. Nhân dịp này, Ủy ban học thuật của Quỹ Joseph Ratzinger – Bênêđictô XVI đã công bố danh tính các ứng viên đoạt giải thưởng hằng năm của Quỹ –sẽ được trao vào ngày 26 tháng 10 tới.

  • Trong buổi tiếp kiến hơn 5 ngàn tín hữu thuộc Giáo phận Brescia hôm 22/6, để tưởng niệm đến Đức cố GH Phaolô VI, đồng thời cũng là nguyên quán của ngài, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi họ hãy noi gương Đức cố GH Phaolô VI: Nồng nhiệt yêu mến Chúa Kitô, Giáo hội và con người.

  • Hôm 23/6, trong buổi đọc kinh Truyền tin, trước khi đọc ĐTC khích lệ các Kitô hữu hãy can đảm đi ngược dòng đời để làm chứng cho Đức Kitô và Tin Mừng của Ngài.

  • Hôm 26/6, Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh đã công bố một lá thư viết tay của Đức Giáo hoàng Phanxicô, đề ngày 24/6, trong đó ngài thành lập một Ủy ban gồm năm người, có nhiệm vụ phân tích các hoạt động của Ngân hàng Vatican và đề ra những cải cách. Qua việc này Đức giáo hoàng muốn Ngân hàng Vatican phải được quản lý một cách minh bạch tối đa và hài hòa hơn với sứ mệnh của Giáo hội hoàn vũ.

  • “Việc tìm kiếm hiệp nhất là điều cấp bách mà các Kitô hữu không được trốn tránh”, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên vào sáng hôm thứ Sáu, 28/6, với phái đoàn Tòa Thượng phụ Constantinopolis đến thăm Roma nhân dịp lễ hai Thánh tông đồ Phêrô và Phaolô. “Hơn bao giờ hết, các Kitô hữu phải cùng nhau làm chứng trong một thế giới đói khát chân lý, tình yêu, hy vọng, hòa bình và hiệp nhất”.

(Xin xem thêm tin tức trên website: tgpsaigon.net, hdgmvietnam.org ngoài ra mọi người có thể xem thêm các clip về Giáo Hoàng trên trang youtube chính thức của toà thánh Vaitcan: youtube.com/user/vatican)





GƯƠNG THÁNH NHÂN

THÁNH GIÁO HOÀNG LÊÔ IV

17 - 7

Thánh Lêô IV sống vào thế kỷ thứ 9. Thánh nhân sinh tại thành Rôma và đã sống trọn cuộc đời tại thành phố này. Lêô được giáo dục tại tu viện dòng Thánh Bênêđictô tọa lạc gần vương cung thánh đường Thánh Phêrô. Lêô được thụ phong linh mục và đã thi hành sứ vụ của mình tại vương cung thánh đường Thánh Gioan Lateranô. Lêô rất ư nổi danh và được cả hai Đức Giáo Hoàng ngưỡng mộ. Đức Grêgôriô IV truyền chức phó tế, và Đức Sêgiô II đặt Lêô làm hồng y. Cái chết của Đức Sêgiô II đã gây một hiệu quả trực tiếp trên Lêô. Những lời đồn đại về cuộc xâm lăng của quân mandi Saraxen đã làm cho người dân Rôma hoảng sợ. Họ không muốn bị đi đày mà không có Giáo Hoàng. Cả các hồng y cũng vậy. Họ đã nhanh chóng chọn một người kế nhiệm Đức Sêgiô II. Và người kế nhiệm được lịch sử biết đến đó chính là Đức Thánh Cha Lêô IV.


Với cương vị là Giáo Hoàng, Lêô IV đã cho sửa lại các bức tường của thành phố. Những bức tường này đã bị quân Saraxen tấn công và làm hỏng hồi năm ngoái. Thánh nhân đã phục hồi nhiều ngôi thánh đường và đã đưa nhiều thánh tích về Rôma. Ngài bắt đầu chương trình canh tân hàng giáo sĩ. Thực ra, thánh nhân đã triệu tập hội nghị các linh mục Rôma vào năm 853. Ngài đã duyệt y 42 điều luật nhằm giúp các linh mục sống nhiệt thành hơn, ham mộ cầu nguyện hơn và vui sướng hơn với sứ vụ thánh thiện của mình.
Có vài giám mục đã làm cho Đức Thánh Cha Lêô IV phải đau khổ vì gương xấu. Họ công khai chống đối Giáo Hoàng và không chịu thay đổi lối sống. Dù cho Giáo Hoàng Lêô bị lăng nhục cách nào thì ngài vẫn nhẫn nại và cương quyết. Thánh nhân vẫn không chịu để cho những khó khăn hay lo lắng nào thắng lướt ngài. Lêô vẫn tiếp tục dâng hiến thời giờ và sức lực cho Chúa Giêsu và Giáo hội. Ngài yêu thích những kinh nguyện hay trong phụng vụ; và ngài đã khuyến khích nền thánh nhạc và thánh ca phụng vụ.
Dân chúng yêu mến Thánh Lêô. Trong cuộc đời của mình, hình như Lêô đã làm một phép lạ. Người ta kể rằng ngài đã dập tắt một đám cháy khủng khiếp ở Rôma chỉ bằng một dấu Thánh Giá. Đức Thánh Cha Lêô IV tiếp tục phục vụ Giáo hội với niềm hăng say phấn khởi cho đến tận giây phút sau cùng. Thánh nhân về trời ngày 17 tháng 7 năm 855.

Thánh Giáo Hoàng Lêô IV đã sống trong một thời đại hoảng loạn. Thánh nhân đã gặp nhiều khó khăn và thử thách nhưng ngài đã luôn luôn bình thản và vui tươi. Mỗi khi nóng giận, chúng ta hãy nài xin Thánh Giáo Hoàng Lêô IV giúp chúng ta biết tin cậy vào Thiên Chúa để tìm được niềm vui và bình an đích thực.





THÁNH CAMILLÔ LÊLLIS

14 - 7

Thánh Camillô Lêllis sinh tại thành Napôli, nước Ý, vào năm 1550. Cuộc sống thơ ấu của Camillô không mấy tốt đẹp. Tuổi thanh niên Camillô gia nhập quân đội và mắc phải thói cờ bạc. Nết xấu này làm cho Camillô lúc 24 tuổi phải nghèo xơ xác. Vì muốn thay đổi cuộc đời, Camillô đã xin vào tu trong dòng Capuxinô ở thành Napôli. Thế nhưng Camillô không thể tuyên khấn ở trong dòng được bởi cái chân của ngài bị trọng thương trong trận chiến hồi ngài là quân nhân mà cho tới nay vẫn không thể chữa trị được. Và thay vào đó, Camillô bắt đầu đi chăm sóc các người đau ốm trong thành phố Rôma; rồi ngài đã trở thành giám đốc bệnh viện Thánh Giacôbê.


Vị hướng dẫn tinh thần của Camillô, Thánh Philipphê Nêri (lễ kính ngày 26 tháng 5), là một linh mục rất thánh thiện ở Rôma. Cha Philipphê đã giúp Camillô học làm linh mục. Sau đó, Camillô được thụ phong. Cha Camillô quyết định thành lập một nhóm đạo đức tình nguyện chăm sóc những người đau ốm. Cùng với hai người phụ tá, Camillô đã thiết lập một hội dòng chuyên lo cho những người đau bệnh, gọi là dòng Camêllô.
Các tu sĩ Camêllô phục vụ trong các bệnh xá ở Rôma và Napôli cũng như giúp các nạn nhân mắc bệnh dịch tả trên các boong tàu ở hải cảng Rôma. Camillô cùng các anh em linh mục và tu sĩ dòng ngài cũng đến với những người nghèo, người bệnh không ai chăm sóc. Các ngài đã liều mạng sống mình để đem an vui và hy vọng đến cho những bệnh nhân mắc bệnh lây nhiễm. Với thời gian, hội dòng phát triển và có thêm nhiều thành viên mới. Thánh Camillô Lêllis cũng gởi người tới giúp các binh lính bị thương tại Hungary và Croatia. Đây là đơn vị y khoa đầu tiên có mặt trên chiến trường.
Thánh Camillô Lêllis qua đời tại Rôma ngày 14 tháng 7 năm 1614 sau một cơn bệnh lâu dài. Ngài được phong thánh năm 1746. Đức Thánh Cha Lêô XIII đã đặt Thánh Camillô Lêllis làm Thánh bổn mạng của các bệnh nhân. Đức Thánh Cha Piô XI thì tôn ngài làm thánh quan thầy của giới y tá.

Thánh Camillô Lêllis đã ước muốn phục vụ Thiên Chúa nhưng ý tưởng ban đầu của thánh nhân lại không thực hiện được. Thay vì buông xuôi mọi sự, thánh nhân đã cố gắng xoay sở để tìm một giải pháp khác. Đặt mình dưới sự hướng dẫn của thánh ý Thiên Chúa, Thánh Camillô Lêllis đã thực hiện được giấc mơ là trở thành linh mục. Chúng ta không biết được chính xác Thiên Chúa muốn chúng ta làm gì, nhưng nếu chúng ta cứ mở lòng đón nhận Ngài và phục vụ Ngài trong những anh chị em của chúng ta, thì lúc ấy Thiên Chúa sẽ thực hiện kế hoạch đặc biệt của Ngài trong cuộc đời chúng ta.

Thánh Sarbêliô Makhluf

24 - 7

Thánh Sarbêliô Makhluf (hay Giuse Makhluf) sinh ngày 28 tháng 5 năm 1828 tại Lêbanon. Gia đình Giuse rất nghèo, thân phụ Giuse đã qua đời khi ngài còn rất nhỏ. Giuse và các anh chị em được nuôi dạy bởi thân mẫu và người cậu. Vì được hấp thụ một nền giáo dục chân thành nên Giuse và các anh chị em đã cảm hiểu và yêu mến đức tin của mình cách rất tha thiết. Nơi nhà thờ, Giuse tham gia giúp lễ và ca đoàn. Ở nhà tư, Giuse giúp chăn giữ chiên cừu và dành nhiều thời giờ để cầu nguyện cũng như suy gẫm một mình.

Giuse có hai người cậu đi tu và ngài thích viếng thăm các cậu để bắt chước lối sống của các cậu. Khi Giuse lên 23, ngài đã xin vào một tu viện và nhận tên là Sarbêliô. Khấn dòng xong, Sarbêliô theo học triết học và thần học. Sau đó, ngài  được thụ phong linh mục và đã sống cuộc đời cầu nguyện, hãm mình đền tội và chăm chỉ làm việc. Đó là những công việc thánh nhân rất ưa thích và ngài cảm thấy rất hạnh phúc.

Năm 1866, Sarbêliô Makhluf lui vào trong một ẩn am để sống cuộc đời biệt lập. Ngài cảm thấy Thiên Chúa mời gọi mình sống thân mật với Người qua lối sống này. Và ngài đã sống trong căn phòng nhỏ bé đó suốt 23 năm, dành hầu hết thời giờ để cầu nguyện và dâng thánh lễ. Dù đã cố gắng sống ẩn mình, nhiều người vẫn tìm đến với thánh nhân để xin ngài cầu nguyện và khuyên bảo.

Ngày 16 tháng 12 năm 1898, đang lúc cử hành thánh lễ thì Sarbêliô Makhluf đã bị đột quỵ. Ngài được đưa về phòng và không thể dâng lễ được nữa. Sarbêliô Makhluf qua đời tám ngày sau đó, vào dịp lễ Giáng sinh. Ngài được chôn cất tại tu viện Thánh Maron. Ngôi mộ của ngài đã trở thành địa điểm hành hương. Trong năm 1950, mỗi ngày có khoảng 15.000 người đã đến kính viếng mộ ngài. Ngày 9 tháng 10 năm 1977, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã phong thánh cho ngài.

LỊCH CÔNG GIÁO THÁNG 7-2013
Ý cầu nguyện:­­
- Ý chung: Cầu cho Ngày Quốc tế giới trẻ tại Brazil: Xin cho Ngày Quốc tế giới trẻ diễn ra tại Brazil khuyến khích mọi người trẻ Kitô hữu trở nên môn đệ và người rao giảng Tin Mừng.

- Ý truyền giáo: Cầu cho các sứ giả Tin Mừng tại Á Châu: Xin cho các cửa đều mở ra cho các sứ giả Tin Mừng trên toàn thể lục địa Á Châu.


03-07 Thứ Tư. THÁNH TÔMA, TÔNG ĐỒ. Lễ kính.

04-07 Thứ Năm đầu tháng. Thánh nữ Êlisabeth Bồ Đào Nha.

05-07 Thứ Sáu đầu tháng. Thánh Antôn Maria Zaccaria, linh mục. Kiệu Thánh Tâm Chúa Giêsu.

06-07 Thứ Bảy đầu tháng. Thánh Maria Gôretti, trinh nữ, tử đạo. Kiệu Đức Mẹ Maria.

07-07 CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN. Thánh vịnh tuần II.

09-07 Thứ Ba. Thánh Augustinô Zhao Rong, linh mục, và các bạn, tử đạo.

11-07 Thứ Năm. Thánh Benedict, viện phụ. Lễ nhớ.

13-07 Thứ Bảy. Thánh Henricô.

14-07 CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN. Thánh vịnh tuần III.

15-07 Thứ Hai. Thánh Bônaventura, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

16-07 Thứ Ba. Đức Mẹ núi Carmêlô.

20-07 Thứ Bảy. Thánh Apôllinarê, giám mục, tử đạo.

21-07 CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN. Thánh vịnh tuần IV.

22-07 Thứ Hai. Thánh nữ Maria Magđalêna. Lễ nhớ.

23-07 Thứ Ba. Thánh Birgitta, nữ tu.

24-07 Thứ Tư. Thánh Sarbêliô Makhluf, linh mục.

25-07 Thứ Năm. THÁNH GIACÔBÊ, TÔNG ĐỒ. Lễ kính.

26-07 Thứ Sáu. Thánh Joakim và Thánh Anna, song thân Đức Maria. Lễ nhớ.

28-07 CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN. Thánh vịnh tuần I.

29-07 Thứ Hai. Thánh nữ Martha. Lễ nhớ.

30-07 Thứ Ba. Thánh Phêrô Kim Ngôn, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh.

31-07 Thứ Tư. Thánh Ignatio Loyola, linh mục. Lễ nhớ.

GÓC SUY TƯ

Bình yên nhé !

Bạn bảo tôi như vậy khi tôi nói với bạn rằng tôi đang rơi. Bạn không an ủi, cũng không nói rằng bạn hiểu những gì tôi đang trải qua. Bạn chỉ mỉm cười và bảo rằng rồi sẽ có ngày tôi tìm thấy bình yên của mình.

Từ dạo ấy tôi bắt đầu tìm kiếm bình yên, như tìm một sự giải thoát khi cuộc sống bắt đầu đi vào ngõ cụt.

Tôi vẫn nghĩ bình yên là khi cuộc sống sẽ không phải lo nghĩ, không phải chạy ngược chạy xuôi để tìm kiếm một hư danh nào đó trong cuộc đời này. Khi ấy tôi sẽ đón ngày mới bằng việc mở toang cửa sổ, để cái se lạnh của buổi sớm mai ùa vào phòng. Và nắng sẽ bắt đầu thả những giọt đầu tiên vào căn phòng nhỏ. Tôi sẽ pha cho mình một tách cà phê, ngồi lên thành cửa sổ và lắng nghe cuộc sống bằng một tâm hồn phẳng lặng, không một gợn sóng.

Nhưng khi ấy, cuộc sống hẳn sẽ buồn và tẻ nhạt lắm. Vì mỗi ngày lặp đi lặp lại theo một điệp khúc chán chường. Bạn sẽ chẳng có động lực để phấn đấu, sẽ chẳng có những câu chuyện để kể cho nhau nghe khi ngồi trong quán cà phê quen thuộc, và hơn hết là chẳng có gì khiến bình yên trở nên đặc biệt nữa.

Như có lần tôi nói với bạn rằng nếu như không có Lý Thông, có lẽ Thạch Sanh đã không được lòng người đến vậy. Nếu không có những cuộc đời khốn khó thì làm sao người ta biết quý những phút giây hạnh phúc giản đơn cùng gia đình. Nếu như không có cái ác thì liệu cái tốt có được trân trọng như vậy không? Và nếu như không có những lần vấp ngã thì liệu thành công có đáng quý đến vậy không?

Nên tôi thôi không tìm một bình yên hoàn hảo cho mình nữa, thay vào đó tôi tìm cho mình những bình yên khác, lặng lẽ bên đời, như một cách để tôi có thể dừng lại, và lắng nghe mình một cách rõ ràng hơn.

Bình yên không phải là những gì bình lặng nhất mà là tìm thấy sự bình yên trong bộn bề của cuộc sống hàng ngày.



NỤ CƯỜI THƯ GIÃN

Đường nào cũng ghét

Bạn gái: Anh thấy em có mập không?

Bạn trai: Không!

Bạn gái: Anh nói dối, em ghét anh!

Bạn trai: Ừ, có mà.

Bạn gái: Sao anh dám chê tui? Tui ghét anh!

Bạn trai: ???

Có thể?

Một đôi đang hẹn hò trong rạp chiếu phim. Trong phim, người vợ đang tức giận, quát mắng chồng vì anh ta ngoại tình.
- Anh nghĩ gì mà thừ ra thế?
- Không có gì, anh đang nghĩ là sau này, khi là chồng em, anh có bị mắng như vậy ko nhỉ?
- !!?!!???



Thật thà

Hai vợ chồng đang trên đường lái xe về nhà thì đột nhiên một xe cảnh sát đuổi theo, vượt lên rồi ra hiệu cho họ tấp vào lề. Ông chồng cho xe dừng lại đậu bên vệ đường. Viên cảnh sát bước lại gần.

- Đường này chỉ được phép chạy 60 km/h thôi. Anh có biết là anh chạy đến 75 km không?

Ông chồng cãi:

- Đâu có! Rõ ràng tôi chạy đúng 60 km/h mà...

Cô vợ ngồi sát bên liền chêm:

- Anh rõ ràng lái 80 km/h mà...

Viên cảnh sát:

- Hả?! 80 km/h? Phạt anh vì lái xe quá nhanh!

Anh chồng tức đỏ mặt nhưng ráng nhịn.

Đi một vòng quanh chiếc xe, tay cảnh sát hỏi người chồng:

- Đèn trước bên phải bị vỡ chắc khá lâu chưa sửa???

- Thưa không đâu... Hồi nãy tôi lái xe cán trúng cục đá to văng lên làm vỡ đó...

Cô vợ lại nối lời:

-Không phải đâu! Đèn đó vỡ từ đầu năm mà nhắc hoài không chịu thay bóng…

Tay cảnh sát ghi biên bản thêm một tội nữa.

Anh chồng tức quá mắng quát vợ:

- Cô làm ơn câm cái miệng giùm tôi một vài phút có được không hả?

Tay cảnh sát nhíu mày hỏi cô vợ:

- Ông nhà hay thường xuyên lớn tiếng với chị lắm sao?

Cô vợ tìm cách bênh chồng:

- Dạ đâu có... Chỉ khi nào anh ấy xỉn thôi à... chứ bình thường ảnh hiền và dễ thương lắm...



Tay cảnh sát phạt anh chàng thêm tội lái xe trong tình trạng say xỉn. 






Каталог: sites -> default -> files -> Documents -> 201306
Documents -> GIÁo xứ jeanne d’arc (NGÃ SÁU) : 116a hùng Vương, Phường 9, Quận : 38557616.  Giờ Thánh Lễ
Documents -> Ban biên tập báo mẹ hiềN
Documents -> TỔng giáo phận thành phố HỐ chí minh bản tin họ ĐẠo jeanne d’arc (NGÃ SÁu chợ LỚN) : 116a hùng Vương, Phường 9, Quận 5
Documents -> TỔng giáo phận thành phố HỐ chí minh bản tin họ ĐẠo jeanne d’arc
Documents -> TỔng giáo phận thành phố HỐ chí minh bản tin họ ĐẠo jeanne d’arc
Documents -> TẬp san hiệp sống tin mừng tháng 12. 2015 TƯ liệu học tập của hiệp hội thánh mẫu lưu hành nội bộ NỘi dung
Documents -> KÕt cÊu bª t ng Vµ bª t ng cèt thÐp L¾p ghÐp
Documents -> TỔng giáo phận thành phố HỐ chí minh bản tin họ ĐẠo jeanne d’arc
Documents -> Ban biên tập báo mẹ hiềN
201306 -> Thanhlinh. Net bản dịch Lời Chúa của Uỷ Ban Phụng Vụ, HĐgmvn ns trái Tim Đức Mẹ giữ bản quyền

tải về 148.85 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương