TỔng giáo phận thành phố HỐ chí minh bản tin họ ĐẠo jeanne d’arc



tải về 129.4 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích129.4 Kb.
#31317



TỔNG GIÁO PHẬN THÀNH PHỐ HỐ CHÍ MINH

BẢN TIN HỌ ĐẠO

JEANNE D’ARC (NGÃ SÁU CHỢ LỚN)
: 116A Hùng Vương, Phường 9, Quận 5.

: 38557616


Giờ Thánh Lễ:

Chúa Nhật : 5g00; 7g00; 9g00; 16g00

Chầu Thánh Thể : 15g15

Ngày thường : 5g00; 17g00

Thứ Bảy đầu tháng: Giờ Thánh: 11g00 –12g00

Giờ Giải Tội: Sau Thánh lễ, ai muốn xưng tội, xin trình Linh mục được rõ.



Số 43 (Năm thứ 4) Tháng 11, 2012

LÁ THƯ NGƯỜI MỤC TỬ
Anh chị em tín hữu thân mến. Theo truyền thống Công giáo, hằng năm vào tháng 11 dương lịch, chúng ta hướng về kẻ chết và cầu nguyện cho các đẳng linh hồn. Thật ra, hằng ngày chúng ta vẫn xin lễ và cầu nguyện cho người quá cố. Nhưng đặc biệt là vào thời gian này, Kitô hữu tỏ lòng báo hiếu tổ tiên, ông bà cha mẹ và tưởng nhớ người thân đã qua đời bằng việc xin lễ và cầu nguyện cho họ.

Sống mầu nhiệm các thánh thông công. Chúng ta là những người còn sống được hiệp thông với các thánh và nhờ lời các thánh cầu thay nguyện giúp, chúng ta đón nhận nhiều hồng ân cứu chuộc. Hiệp thông với những người quá cố, chúng ta gia tăng nhiều lời nguyện cầu và xin lễ để cứu các đẳng mau về hưởng nhan thánh Chúa.

Với cái nhìn hiệp thông giữa con cái Chúa, tôi muốn chia sẻ với anh chị em vài tư tưởng sau đây :

Các đẳng hay các linh hồn là ai? Là người, là Kitô hữu. Con người gồm xác và hồn. Chết là linh hồn lìa ra khỏi xác. Xác đem chôn hoặc hỏa táng.

Hồn người chết gọi là vong linh, lương hồn hoặc linh hồn. Linh hồn người chết gọi là các đẳng. Người Công giáo thường gọi tên thánh được chọn khi lãnh bí tích Rửa tội.

Nơi giam cầm linh hồn chưa trong sạch là luyện ngục. Đền tội xong, linh hồn được vào cõi thiên đàng.

Xác chờ ngày quang lâm của Chúa Giêsu Kitô, mới được sống lại.

Ân xá là việc tha hình phạt tạm thời phải chịu vì các tội đã được xóa bỏ trước mặt Thiên Chúa.

Hưởng ân xá một phần (tiểu xá) hoặc toàn phần (đại xá). Các tín hữu lãnh nhận ân xá cho mình hoặc cho kẻ chết. Để hưởng ân xá, những Kitô hữu thực lòng sám hối và thực hành một số điều kiện nhất định : xưng tội, rước lễ, và cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng.

Chúng ta làm gì để cứu các linh hồn?

Nhìn về người chết, Kitô hữu nghĩ gì về bản thân mình?

Một sự thật quá rõ ràng hiển nhiên: “Mọi Người Đều Chết”. Chừng nào tôi chết? Tôi vẫn biết hằng ngày không ít người từ biệt cõi đời này; nhưng tôi tự nhủ rằng: Tôi chưa chết bây giờ và hôm nay vì tôi còn khỏe, còn trẻ; còn khỏe vì tôi tập dưỡng sinh và thể dục thể thao mỗi ngày; còn trẻ làm gì chết được. Không ai ngờ “Lá vàng còn ở trên cành, lá xanh rụp xuống trời ơi là trời”.

Tín hữu có đức tin hãy nghe đây: “Tôi có nói: Nữa cuộc đời dang dở mà đã phải ra đi, bao tháng năm còn lại, giam tại cửa âm ty. Tôi có nói: Chẳng còn được thấy Chúa ở trên cõi dương gian, biết nhìn thấy con người đang sống nơi trần thế. Lạy Chúa, con như người thợ dệt đang mải dệt đời mình, bỗng nhiên bị tay Chúa cắt đứt ngay hàng chỉ” (Is 38,10-12).

Cuộc đời người ví như hàng chỉ, đứt lúc nào không biết, không hay. Mạng sống kiếp người kết thúc lúc nào không ngờ. Chúa Giêsu đã từng nhắc nhở chúng ta: “Các con phải coi chừng, phải tỉnh thức vì các con không biết khi nào thời ấy đến. Thầy nói với hết thảy mọi người là: phải canh thức”. (Mc 13,33-37) “Chính giờ phút các con không ngờ thì Con Người sẽ đến” (Mt 24,44). Thánh Phaolô nói thêm: “Ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm ban đêm” (IThes 5,2).

Qua những câu kinh thánh vừa trưng dẫn, Kitô hữu sống niềm tin của mình về 4 điều sau cùng của con người như thế nào? Chết – Phán xét – Thiên đàng – Hỏa ngục.

- Sống là hướng về sự chết.

- Phán xét là trả lẽ về cuộc sống lành dữ thiện ác của thời gian hiện tại.

- Muốn khỏi sa hỏa ngục : Hãy ăn ngay ở lành, ăn năn đền tội, cải thiện đời sống, siêng năng lần chuỗi mân côi (Lời Mẹ Maria nhắn nhủ).

- Hướng về thiên đàng là ước mơ, khát vọng, là cùng đích, là lý tưởng của Kitô hữu sống đức tin, tốt lành và thánh thiện.

Kết thúc lời chia sẻ tháng 11 này, tôi chỉ xin nhắc lại hai lời dạy của Chúa Giêsu :

- “Chỉ có một sự cần thiết mà thôi” (Lc 10,42).

- “Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì” (Mt 17,26).

Lạy Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ chúng con, chỉ có Chúa mới có quyền năng tuyệt vời để cứu chuộc chúng con. Xin thêm niềm tin vững vàng vào trong tâm hồn để chúng con tuyên xưng rằng : Chúa là Đấng Cứu Độ trần gian. Xin thương xót chúng con. Amen



Chánh xứ Jeanne d’Arc

Antôn Lương Thủ Hơn

TIN TỨC
GIÁO XỨ :

  • Ngày 21/10, giáo xứ đã chính thức khai mạc Năm Đức Tin bằng 1 thánh lễ hoà cùng với Giáo Hội.

  • Ngày 28/10, 1 buổi sinh hoạt cầu nguyện theo tinh thần “Mân Côi với Mẹ” của các em thiếu nhi thánh thể đã diễn ra tại núi Đức Mẹ cạnh nhà thờ.

  • Từ tháng 10 và các tháng tới, giáo xứ vui mừng chào đón thầy phó tế Phêrô Trần Minh thuộc địa phận New York, Mỹ, đến phụng vụ.


GIÁO PHẬN :

  • Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô”. Câu nói lừng danh của thánh Giêrônimô đã được một tham dự viên dùng để chia sẻ trong buổi họp mặt nhân ngày lễ mừng kính thánh Giêrônimô, bổn mạng các lớp Kinh Thánh 100 tuần khóa I, II và III (Khóa học do Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm thành lập) đã diễn ra vào lúc 8g30 sáng Chúa nhật 30/9, tại Hội trường GB Phạm Minh Mẫn, Trung tâm Mục vụ TGP TPHCM.

  • Bước vào Năm Đức Tin (11.10.2012 - 24.11.2013), Giáo hội mời gọi mọi thành phần Dân Chúa học hỏi và sống đức tin bằng tinh thần cầu nguyện và hy sinh. Trong tâm tình đó, nhân dịp ra mắt tập thánh ca “Thiên Chúa của tôi” của nhạc sĩ Đặng Đình Khoa, vào lúc 19g00 ngày 15/10/2012, tại Hội trường GB Phạm Minh Mẫn, Trung tâm Mục vụ TGP TPHCM, Ban Mục vụ Thánh nhạc TGP TPHCM đã tổ chức đêm nhạc thánh ca, giới thiệu tác giả và tác phẩm với chủ đề: “Thiên Chúa của tôi”.

  • Thánh lễ khai mạc Năm Đức Tin của TGP TPHCM đã được khai mạc trong Thánh lễ kính Thánh Luca tông đồ thánh sử, do Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận TPHCM (TGP) chủ sự, vào lúc 8g30 ngày 18.10.2012, tại Nhà thờ Chính tòa Sài Gòn. Đồng tế với Đức Hồng y có Đức Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm, phụ tá TGP và khoảng 200 linh mục. Chủ đề của Năm Đức Tin là “Hướng về Đức Giêsu là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin.”.

  • Vào lúc 9g30 ngày 21/10, Cha GB Võ Văn Ánh, Đại diện Giám mục Đặc trách Giáo dân TGP TPHCM, đã chính thức khai mạc Đại hội Khánh nhật Truyền giáo 2012 tại Hội trường lầu 3 của nhà Sinh hoạt giáo xứ Tân Định.

  • “Cùng nhau vượt qua khổ đau” là chủ đề của buổi Hội ngộ Liên tôn do Trung tâm Mục vụ và Ban Mục vụ Liên tôn Tổng Giáo phận TPHCM (TGP) tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng Vatican II (1962-2012), đồng thời mừng 100 năm sinh nhật thi sĩ Hàn Mặc Tử (22.9.1912 - 22.9.2012), vào lúc 8g00, thứ bảy ngày 27/10, tại Trung tâm Mục vụ TGP, số 6 bis Tôn Đức Thắng, P. Bến Nghé, Q.1, TPHCM.


GIÁO HỘI :
VIỆT NAM :

  • Tuần tin Hội đồng Giám mục Việt Nam các số tiếp theo 40, 41, 42, 43 (http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc).

  • Chuẩn bị cho Năm Đức Tin khai mạc, các giám mục các giáo phận Nha Trang, Hà Nội, Qui Nhơn, Long Xuyên, Vinh đã ra các thư mục vụ trong tình hiệp thông với Vatican. Sau đó HĐGMVN cũng ra thư mục vụ tại Thanh Hoá ngày 11/10.

  • Vào lúc 4g chiều, 6/10, Đức giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm - Chủ tịch Ủy ban Truyền thông Xã hội trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN) - đã “ấn nút” khai trương trang web tiếng Anh của HĐGMVN. Trong bầu khí của một lớp học Mục vụ Truyền Thông tại Trung tâm Mục vụ TGP.TPHCM, Đức cha Phêrô đã gõ dòng chữ “cbcvietnam.org” và ấn nút “Enter” trên bàn phím máy tính để làm cho giao diện của trang web này chính thức xuất hiện trên mạng Internet.

  • Ngày 7/10, Uỷ ban kinh thánh – HĐGMVN giới thiệu sách “Các bài giảng lễ Chúa nhật năm phụng vụ 2012-2013” và giới thiệu bản dịch Tông Huấn “LỜI CHÚA” (VERBUM DOMINI), tái bản lần thứ nhất.

  • Từ 8 đến 12 tháng 10 Hội nghị thường niên kỳ II năm 2012 HĐGMVN đã diễn ra tại Thanh Hoá. Hội nghị vinh dự đón tiếp sự có mặt của Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli, đại diện Tòa Thánh, đến dự.

  • Giáo phận Qui Nhơn hân hạnh khai trương trang web của giáo phận tại địa chỉ: http://gpquinhon.org .

  • Ngày 12/10, sau khi bế mạc Hội nghị thường niên kỳ II, thánh lễ khai mạc Năm Đức Tin của Giáo Hội Việt Nam đã diễn ra tại Thanh Hoá.

  • Hòa chung bầu khí Giáo Hội Công Giáo Hoàn Vũ khai mạc Năm Đức Tin tại Vatican 11/10, Trung tâm Thánh Mẫu Tàpao tổ chức chương trình hướng về ngày Khai mạc Năm Đức Tin của GP Phan Thiết 18/10 trong dịp hành hương 12 & 13.10.2012. Người người nô nức trở về bên Mẹ để mừng biến cố trọng đại này và kỉ niệm 95 năm ngày Đức Mẹ hiện ra lần cuối tại Fatima. Chương trình gồm buổi diễn nguyện “Chuỗi Mân Côi Nuôi Dưỡng Đức Tin Người Kitô Hữu” tối 12 và Thánh lễ mừng kính Đức Mẹ Mân Côi sáng ngày 13.

  • Hội thảo Thánh nhạc Toàn quốc lần thứ 31 của Ủy ban Thánh nhạc (UBTN) trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam được tổ chức vào sáng thứ ba, ngày 16/10 tại Trung tâm Mục vụ TGP TPHCM. Ngoài các công việc thường lệ, Hội thảo lần này tiếp tục tập trung vào việc góp ý để hoàn thiện văn kiện “Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc” toàn quốc.


HOÀN CẦU :

  • Chủ đề cho Ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 47 (năm 2013) vừa được Đức Giáo Hoàng công bố : “Mạng xã hội: cánh cửa của sự thật và đức tin; không gian mới cho việc loan báo Tin Mừng”.

  • Cơ quan thông tấn Tòa Thánh (VIS) đưa tin: ĐHY Camillo Ruini, Chủ tịch Ủy ban Khoa học của Quỹ Ratzinger, đã công bố Giải thưởng Ratzinger 2012 đã được trao cho giáo sư Rémi Brague (Pháp) và linh mục Brian Daley SJ (Hoa Kỳ).

  • Sau gần 3 tháng nghỉ hè tại Castel Gandolfo, Đức Thánh Cha Bênêđictô đã trở về Roma hôm thứ hai 1/10. Một cuộc trở về rất bận rộn của Đức Thánh Cha, với các sự kiện lớn của tháng 10: Thượng Hội đồng Giám mục về Tân Phúc Âm Hóa, Năm Đức Tin, kỷ niệm 50 khai mạc Công đồng Vatican II.

  • Trang tin điện tử LPJ của Tòa Thượng phụ Công giáo Latinh Giêrusalem ngày 03/10 đưa tin: “Hội đồng các Phẩm trật Công giáo tại Thánh Địa (AOCTS) bày tỏ sự thất vọng sâu sắc sau khi phát hiện hình vẽ trên tường (graffiti) với dòng chữ Do Thái tại cửa ra vào tu viện dòng Phan Sinh Núi Sion ở Giêrusalem. Tu viện này tọa lạc gần Nhà Tiệc ly”.

  • Sáng ngày 2/10, Văn phòng báo chí Tòa Thánh đã tổ chức họp báo để giới thiệu một Hội nghị khoa học quốc tế: “Công đồng Vatican II dưới ánh sáng các tư liệu của các Nghị phụ Công đồng, nhân kỷ niệm 50 năm khai mạc (1962–2012)”. Hội nghị do Ủy ban Tòa Thánh về Khoa học Lịch sử phối hợp với Trung tâm Tìm hiểu và Nghiên cứu Công đồng Vatican II của Đại học Giáo hoàng Lateran, tổ chức, đã diễn ra từ ngày 03 đến 05 tháng 10.

  • Một tuần trước ngày khai mạc Thượng Hội đồng Giám mục, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã hành hương đến Đền Thánh Đức Mẹ Loreto, Italia, để phó thác Thượng Hội đồng và Năm Đức Tin sắp tới cho Đức Trinh Nữ Maria.

  • Từ ngày 7 đến 28 tháng 10, Đại hội Thường kỳ lần thứ 13 Thượng Hội đồng Giám mục, đã diễn ra tại Vatican với chủ đề “Tân Phúc âm hóa để loan truyền đức tin Kitô giáo”.

  • Theo một nghị định công bố hôm 05/10, với chữ ký của ĐHY Manuel Monteiro de Castro, Chánh án Tòa Ân giải tối cao và Đức giám mục Krzysztof Nykiel, Chánh lục sự, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI sẽ ban ơn toàn xá nhân dịp Năm Đức Tin. Ân xá có hiệu lực từ ngày khai mạc đến khi bế mạc Năm Đức Tin (11/10/2012 – 24/11/2013).

  • Sáng Chúa nhật 7/10, trong thánh lễ khai mạc Thượng hội đồng Giám mục, tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, với công thức trọng thể bằng tiếng Latinh, ĐTC tuyên bố 2 vị Thánh Gioan Avila và Thánh Hildegard Bingen là tiến sĩ Hội Thánh.

  • Sự kiện thu hút sự chú ý của dư luận tại Thượng hội đồng Giám mục là các phát biểu của những vị lãnh đạo Tin Lành Luther Giám mục Simo Peura với tư cách là dự thính viên (ngày 9-10) và Anh giáo Tổng Giám mục Anh giáo Rowan Williams với tư cách là quan sát viên (ngày 10-10).

  • Sáng 11/10, lúc 10g (giờ Roma) Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã chủ tế Thánh lễ Khai mạc Năm Đức Tin 2012-2013 và kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng Vatican II. Thánh lễ được cử hành tại quảng trường Đền thờ Thánh Phêrô với sự tham dự của hàng trăm ngàn tín hữu. Đồng tế với ĐTC có các Hồng y, Thượng phụ, Giám mục, các Nghị phụ đang tham dự Thượng Hội đồng Giám mục. Ngoài ra có 14 giám mục trong số 70 vị đã từng là nghị phụ của Công đồng Vatican II và hiện đang nghỉ hưu. Đặc biệt, hiện diện trong Thánh lễ còn có Giáo chủ Giáo hội Chính thống Bartholomaios I, Thượng phụ Constantinopolis và Tổng Giám mục Rowan Williams, vị đứng đầu Giáo hội Anh giáo.

  • Ngày 13/10, ĐTC Bênêđictô XVI đã bổ nhiệm ĐHY Gaudencio B. Rosales, nguyên Tổng giám mục Manila (Philippines), đã nghỉ hưu, làm Đặc sứ Tòa Thánh tham dự Đại hội Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) được tổ chức tại Việt Nam, từ ngày 19 đến 25 tháng 11 sắp tới.

  • Ngày Chúa nhật, 14/10 vừa qua tại Nhà thờ Thánh Hippolyte, quận 13 Paris (Pháp), Thầy Phó tế Phêrô Phạm Văn Dương, Dòng Anh Em Đức Mẹ Lên Trời, đã được truyền chức linh mục. Điểm chú ý là Thầy Phó tế Dương là một người khiếm thị.

  • Trong phần khai mạc phiên họp khoáng đại ngày 16/10 của Thượng Hội đồng Giám mục diễn ra tại Rôma, ĐHY Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh loan báo ĐTC Bênêđictô XVI đã quyết định thành lập một phái đoàn đại diện Tòa Thánh và Thượng Hội đồng sang thăm Syria, nơi đang diễn ra cuộc nội chiến rất khốc liệt. Trong phái đoàn đi có sự hiện diện của Đức cha Giuse Nguyễn Năng, Giám mục Phát Diệm (Việt Nam).

  • Sáng 19/10, Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 13 đã nhóm phiên khoáng đại thứ 17, trước sự hiện diện của Đức Thánh Cha và 253 nghị phụ, để nghe các đại diện của 12 nhóm tường trình về kết quả các cuộc thảo luận trong hai phiên họp nhóm sáng và chiều thứ năm 18/10.

  • Trong khuôn khổ Năm Đức Tin, Liên hoan quốc tế Thánh nhạc và Nghệ thuật thánh lần thứ 11 – sẽ diễn ra vào thượng tuần tháng 11 tại các Vương cung thánh đường thuộc các Tòa Thượng phụ và tại Vatican.

  • Sáng Chúa nhật 21-10, tức Ngày thế giới truyền giáo 2012, tại quảng trường Thánh Phêrô (Vatican), ĐTC Bênêđictô XVI đã tôn phong 7 tân hiển thánh của Giáo Hội trong Thánh lễ do ngài chủ tế.

Các vị được tôn phong hiển Thánh :

1. Thánh Jacques Berthieu (1838–1918), linh mục dòng Tên người Pháp, tử đạo tại Madagascar, lễ mừng ngày 8/6.

2. Thánh Pedro Calungsod (1654–1672), giáo lý viên người Philippines, tử đạo tại Philippines, lễ mừng ngày 2/4.

3. Thánh Giovanni Battista Piamarta (1841–­1913), linh mục thừa sai Italia, tử đạo tại Italia, lễ mừng ngày 25/4.

4. Thánh nữ Maria Carmen Sallés y Barangueras (1848–1911), nữ tu thừa sai Tây Ban Nha, sáng lập dòng Đức Mẹ Trinh Thai, lễ mừng ngày 25/7.

5. Thánh nữ Marianne Cope (1838–1918), sinh quán: Đức, di cư và sống tại Hoa Kỳ từ nhỏ, nữ tu Phan Sinh, lễ mừng ngày 23/1.

6. Thánh nữ Kateri Tekakwitha (1656–1680), thuộc bộ tộc Mohawk (sắc dân bản địa Bắc Mỹ, nay thuộc New York – Mỹ), giáo dân thừa sai, lễ mừng ngày 14/7.

7. Thánh Anna Schäffer (1882-1925), giáo dân người Đức, lễ mừng ngày 5/10.

  • Phát biểu sáng ngày 23/10, ĐHY Bertone, Quốc vụ khanh Toà Thánh, thông báo chuyến đi Syria của Phái đoàn Toà Thánh và các nghị phụ được hoãn lại đến sau Thượng HĐGM.

  • Sáng 24/10, ĐTC Bênêđictô XVI tuyên bố sẽ triệu tập Công nghị Hồng Y vào ngày 24-11-2012 tới đây để tấn phong 6 Hồng Y mới. Đó là các vị:

1Đức TGM James Michael Harvey, người Mỹ, 63 tuổi (1949), Chủ tịch Phủ Giáo Hoàng, sẽ được ĐTC bổ nhiệm làm Giám Quản Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành.

2Đức Thượng Phụ Béchara Boutros Rai, 72 tuổi (1940) Thượng Phụ giáo chủ Công Giáo Maronite (Liban)

3Đức Thượng Phụ Baselios Cleemis Thottunkal, 53 tuổi (1959), TGM Trưởng Trivandrum, Giáo Chủ Công Giáo Siro-Malankara (Ấn Độ)

4Đức Cha John Olorunfemi Onaiyekan, 68 tuổi (1944), TGM giáo phận Abuja, thủ đô Nigeria

5. Đức Cha Rubén Salazar Gómez, 70 tuổi (1942), TGM giáo phận Bogotà, thủ đô Colombia

6. Đức Cha Luis Antonio Tagle, 55 tuổi (1957), TGM giáo phận Manila, thủ đô Philippines.

  • Ngày 27/10, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã có hai quyết định cải cách giáo triều Roma hợp thời: từ nay các chủng viện thuộc thẩm quyền của Bộ Giáo sĩ, và Giáo lý thuộc thẩm quyền của Hội đồng Tòa Thánh về Tân Phúc âm hóa.

(Xin xem thêm trên website : http://tgpsaigon.net, www.hdgmvietnam.org…)

GƯƠNG THÁNH NHÂN

THÁNH ÐAMINH HÀ TRỌNG MẬU

Linh mục

(1794-1858)

Ngày kính 5 - 11


“Khi cha Hà Trọng Mậu bị điệu đến nơi xử,

tôi thấy cha hết sức bình tĩnh,

hai tay chắp lại như khi dâng lễ”.

Lời chứng của bà Maria Di có lẽ cũng nói lên được tâm tình của Thánh Đaminh Hà Trọng Mậu trong ngày tử đạo. 30 năm linh mục, với bao nhiêu thánh lễ trên bàn thờ, chắc chắn giờ dây cha cũng hân hoan khi được hiến dâng chính mạng sống mình như Đức Giêsu xưa trên đồi Golgotha. Tại bờ sông Hưng Yên hôm ấy, giữa tiếng quát tháo ồn ào của quân lính và dân chúng, ngài đã quỳ đó thinh lặng, ngây ngất cầu nguyện và nghiêng mình lãnh nhận nhát gươm hồng phúc.

Năm 1794, làng Phú Nhai, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định, quê hương của Thánh Tôma Dụ và Đaminh Đạt, đã được vinh dự chào đón ngày sinh của cậu Đaminh Hà Trọng Mậu, vị tử đạo tương lai. Lớn lên cậu xin phép cha mẹ, ông bà Đaminh và Maria Mỹ, dâng mình cho Chúa và chung sống với những bạn đồng chí hướng. Như hạt giống tốt được ươm vào mảnh đất phì nhiêu, nơi đây cậu Mậu được học chữ nghĩa và tập tành các nhân đức. Càng thêm tuổi, cậu càng thêm khôn ngoan và đạo đức, càng được mọi người mến thương.

Tiếp đó, cậu nhận thấy Chúa muốn cho mình tiến xa hơn, nên cậu xin vào chủng viện và kiên trì học tập cho đến ngày thụ phong linh mục. Năm 1829, cùng với 10 linh mục khác trong giáo phận, cha Mậu xin vào dòng Đaminh để có thể kết hiệp mật thiết hơn với Chúa, và gắn bó với nhau trong sứ mạng rao giảng Tin Mừng. Năm sau, cả 11 vị khấn dòng. Lớp tập của cha sau này tử đạo bảy vị, sáu vị kia đều thuộc danh sách các Đấng đáng kính chờ được phong lên bậc Chân Phước.

Trải qua những ngày gian khổ dưới cuộc bách hại của vua Minh Mạng, rồi những ngày bình an hơn dưới thời vua Thiệu trị, cho đến 10 năm đầy khó khăn, thời vua Tự Đức, cha luôn luôn tỏ ra là một người tận tụy với đoàn chiên, không quản ngại vất vả, không lùi bước trước khó khăn, đem hết tâm trí sức lực mưu ích cho các linh hồn. Cha đảm nhiệm nhiều giáo xứ, nhưng bất cứ nơi nào cần, cha sẵn sàng đến, coi thường mọi hiểm nguy.

Ngày 27.08.1858, quan quân đến vây làng Kẻ Diền và bắt được cha Mậu, những người phục vụ trong nhà xứ và một số giáo dân khác, giải về Hưng Yên. Hơn hai tháng bị giam trong ngục, dầu phải mang gông xiềng và chịu tra tấn nhiều lần, cha vẫn cương quyết tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa. Ngược lại, cha biến nhà giam thành một nơi hoạt động mới. Tại đây, cha gặp gỡ và khích lệ các giáo hữu cùng bị giam chấp nhận mọi khổ đau vì niềm tin. Tại đây, cha giúp nhiều tội nhân hóan cải đời sống. Đặc biệt, một số phụ nữ đạo đức tìm cách đưa giáo hữu ở ngoài vào thăm để được xưng tội với cha.

Mặc dù phải ra tòa nhiều lần, nhưng cha luôn luôn giữ trong mình chuỗi tràng hạt Mân Côi. Cha cố dành ra những giờ rảnh rỗi để cầu nguyện và suy niệm về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Đối với mọi người, cha luôn cư xử cách nhân ái, yêu thương săn sóc, nên ai cũng quý mến cha. Bà Anna Ngoan, một người vẫn thường xuyên vào thăm cha trong tù, khẳng định rằng: “Các lính canh cũng kính nể và khâm phục cha”.

Khi thấy không thể làm cho vị chiến sĩ đức tin bỏ đạo, quan tỉnh Nam Định làm án trảm quyết cho cha và 21 giáo hữu khác. Khi biết tin này, cha Mậu tỏ ra hân hoan, giứp đỡ các giáo hữu xưng tội và chuẩn bị đón nhận hồng phúc tử đạo.

Ngày 05.11.1858, trên đường ra pháp trường, mọi người đi dự đều có cảm tưởng cha đang nghiêm trang cử hành thánh lễ. Ngước mắt lên trời, đôi khi tay chắp lại, cha dẫn đầu đòan người tử đạo. Khi đến nơi xử, bên bờ sông Hưng Yên, cha quỳ gối xuống, tiếp tục cầu nguyện ít lâu, rồi đưa cổ cho lý hình chém. Thi thể cha được mai táng trọng thể tại nhà thờ xứ Mai Linh, tỉnh Nam Định.

Đức Piô XII suy tôn cha Đaminh Hà Trọng Mậu, linh mục dòng Giảng Thuyết lên bậc Chân Phước ngày 29.04.1951.

Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.



THÁNH ETIENNE THÉODORE CUÉNOT

THỂ

Giám mục

Ngày kính 14 - 11
Cuộc đời Thánh Giám mục Cuénot Thể với 32 năm phục vụ Giáo Hội Việt Nam, 26 năm trong chức vụ Giám mục, gắn liền với những trang sử đẹp nhất, giữa một giai đoạn khó khăn nhất thời bách hại. Nhiệt tâm truyền giáo của ngài như ngọn thủy triều dâng tràn đến mọi nơi. Với tài đức khéo léo, ngài đã đào tạo một đội ngũ linh mục xuất sắc và hàng ngàn thày giảng, nữ tu hăng say. Với châm ngôn "Để tín hữu vững tin, phải đào tạo những tông đồ truyền giáo", nên dù cho bao linh mục, tu sĩ, giáo dân của ngài bị tàn sát, giáo phận Đàng Trong của ngài vẫn phát triển mạnh mẽ, đủ sức tách làm bốn giáo phận. Số linh mục, tu sĩ, tân tòng gia tăng nhanh mỗi năm, sẽ mãi mãi là bằng chứng của nhiệt tâm và tài tổ chức của ngài.

Etienne Théodore Cuénot sinh ngày 08.02.1802 tại Sous Réamont thuộc Bélieu nước Pháp. Lớn lên cậu vào chủng viện Besancon, trung tâm huấn luyện của cha Réceveur, và thụ phong linh mục ngày 24.09.1825. Tuy thế, hoài bão chính của tân linh mục là đi truyền giáo. Năm 1828, cha Cuénot xin gia nhập hội Thừa Sai Paris, và năm sau được cử đến Việt Nam. Ngày 31.5.1829, cha đến Kẻ Vĩnh, giáo phận Đàng Ngoài. Ngày 24.7, cha vào Miền Nam.

Mới đầu cha được gửi đến Lái Thiêu để học thêm tiếng Việt, đồng thời dạy các chủng sinh ở đó. Bốn năm dạy ở chủng viện, tuy là thời gian ngắn ngủi, nhưng cũng đủ để cha hiểu nhiều về phong hóa địa phương, gắn bó với các cộng tác viên trong tương lai. Năm 1833, vua Minh Mạng ra chiếu chỉ cấm đạo trên toàn quốc, triệt hạ các nhà thờ, tập trung các thừa sai và bắt các tín hữu phải bỏ đạo. Vì mới lần đầu va chạm với bách hại, các tín hữu khi đó chưa giám chứa chấp các vị thừa sai. Đức cha Tabert Từ liền quyết định đưa các vị di tản qua Thái Lan. Cha Thể phụ trách việc di tản 15 chủng sinh. Sau hơn một tháng rưỡi hành trình vất vả, đoàn người đã đến Thái Lan và được vua Thái tiếp đón lồng nhiệt.

Thời gian đó, Thái Lan và Việt Nam đang có chiến tranh, nên vua Thái Lan muốn nhờ các vị thừa sai kêu gọi dân Công Giáo chống lại vua Minh Mạng. Dĩ nhiên là Đức cha Tabert Từ không thể nào chấp nhận, nhài cương quyết từ chối. Điều đó làm Thái Hoàng nổi giận và thay đổi cách cư xử. Nhà vua ra lệnh bắt giam ba linh mục và các chủng sinh Việt Nam. May là nhờ tài ăn nói thuyết phục của cha Thể, vua mới nương tay và cho họ đến ẩn náu tại chủng viện Pénang (Mã Lai) năm 1834. Cha nói:

"Bằng mọi giá phải lo cho họ. Như tôi (một thừa sai) chết, người ta có thể gửi người khác thay thế chậm lắm là một năm. Một linh mục, chủng sinh Việt Nam nằm xuống, phải mất hai ba chục năm mới có người thay thế được".

Cũng năm đó, vì không ủng hộ Thái Lan đánh Việt Nam, Đức cha Tabert Từ lại phải chạy đến Singapore.

Tuy sống cách xa nghìn dặm, Đức cha Tabert, cha Thể và các vị thừa sai vẫn hướng tâm hồn về Giáo Hội Việt Nam đang lâm cảnh máu chảy đầu rơi, vừa thương xót vừa thán phục, các ngài tìm cách trở lại miền đất truyền giáo này. Năm 1835, Đức cha Tabert có quyết định mới. Khi thấy trên mảnh đất Lạc Hồng chỉ còn 2 thừa sai và 10 linh mục Việt Nam, Đức cha liền đáp tàu sang Pénang, truyền chức Giám mục cho cha Thể, chọn làm phụ tá mình, và cử vị tân Giám mục cấp tốc trở về giáo phận.

Trở lại Việt Nam trong những ngày bách hại khốc liệt, sự hiện diện của Đức cha Thể quả là niềm an ủi lớn lao cho các tín hữu. Đặt trụ sở tại Gò Thị, tỉnh Bình Định, Đức cha thấy mình không thể đi thăm hết các họ đạo được, ngài liền việt thư luân lưu gửi đến khắp nơi để cổ võ tinh thần đạo đức của giáo hữu. Từ nay tất cả các biến cố trong giáo phận: Những cuộc càn quét của quân lính, những chứng nhân bị bắt giam, những cuộc tử đạo, cho đến những thành quả tông đồ, đều được người cha chung giáo phận cảm thông, viết thư khen ngợi, ủy lao hay khích lệ. Nhờ đó, các linh mục và giáo hữu đều thấy thêm can đảm.

Việc Đức cha bận tâm nhất là số các linh mục phục vụ. Ngoài hai linh mục đã theo ngài về từ Thái Lan, năm 1835, Đức cha truyền chức cho 10 thày giảng. Năm sau, ngài xin Hội Thừa Sai thêm 6 linh mục. Là người sáng suốt nhìn xa trông rộng, Đức cha cho tái lập hai chủng viện, một ở Huế trao cho cha Candalh Kim và một ở miền Nam trao cho cha Lefèbvre Nghĩa. Đồng thời Đức cha cũng gọi các nữ tu Mến Thánh Giá trước đây đã phải phân tán về gia đình (250 dì) trở lại sống chung và hoạt động trong 18 nhà phước.

Ngày 31.7.1840, Đức cha Tabert Từ qua đời tại Calcutta (Ấn Độ), Đức cha Thể chính thức làm đại diện Tông tòa. Năm sau ngài tổ chức lễ tấn phong cho tân Giám mục Lefèbvre Nghĩa làm phụ tá. Lợi dụng tình hình lắng dịu hơn, ngài tổ chức Công Đồng Gò Thị (1841) gồm 3 thừa sai và 13 linh mục Việt trong giáo phận. Công Đồng dưới sự điều khiển của Đức cha Thể, đã đưa ra những nguyên tắc sáng suốt để đào tạo một lớp linh mục bản xứ đông đảo và nhiệt thành. Nếu việc mở chủng viện khó khăn, mỗi thừa sai có trách nhiệm dạy sáu bảy em, rồi gửi qua Pénang học bảy năm. Họ sẽ về Việt Nam thụ phong linh mục và làm việc. Cách tổ chức ấy trong thực tế đã cung cấp cho giáo phận Đàng Trong một số khá đông linh mục thông thái và đạo đức.

Dù hoàn cảnh khó khăn, Đức cha vẫn quan tâm đến việc nâng cao kiến thức và nhân đức cho hàng giáo sĩ, mỗi năm ngài gởi cho các linh mục những bài học hỏi về tín lý, luân lý. Các cha sẽ viết bài nộp trong kỳ tĩnh tâm hàng năm. Sau đó, chính Đức cha đọc, sửa bài và gửi thư nhắn nhủ cho từng linh mục. Đối với giáo hữu, Đức cha chủ trương rằng "Phương pháp tốt nhất để đức tin của các giáo hữu vững vàng là đào tạo họ thành những tông đồ truyền giáo". Thực vậy, nhờ giải thích cho các khác về giáo lý, các giáo hữu ngày càng xác tín hơn về niềm tin của mình. Hơn nữa, họ tự thấy nghĩa vụ làm gương cho anh em tân tòng về đời sống đạo và tinh thần can đảm giữ vững đức tin.

Đối với những giáo hữu vì sợ hãi đã xuất giáo, đạp lên Thánh Giá, Đức cha sẵn lòng thay mặt Chúa tha thứ, nhưng ngài xin họ nhận một điều kiện là hứa giúp cho một lương dân theo đạo Công Giáo. Bên cạnh đó, hàng năm Đức cha làm thống kê báo tin xứ đạo nào có nhiều tân tòng hơn, khiến các xứ thi đua làm việc tông đồ. Đặc biệt phải nói đến lòng can đảm của các nữ tu Mến Thánh Giá. Các chị chia nhau, cứ hai người một, đi hết các làng mạc, phát thuốc men cho bệnh nhân, và khi có thể, rửa tội cho trẻ em sắp chết. Năm 1835, khi Đức cha mới về Việt Nam, số trẻ em ngoại giáo được rửa tội là 133 em, thì năm 1841 là 1800 em và năm 1843 là 8273 em. Năm 1844, số trẻ em gia đình Công Giáo được rửa tội là 5056 thì số người lớn trở lại và rửa tội là 1007, nghĩa là 20 phần trăm.

Nhiều giáo hữu sẵn sàng bỏ tiền bạc, cong sức nuôi dùm trẻ em những người quá nghèo, chỉ với điều kiện là cho em gia nhập đạo. Lòng bác ái sâu xa ấy quả là bài giảng hùng hồn về sức sống của Giáo Hội. Nhiều người thiện chí, và đôi khi cha mẹ các em cũng xin trở lại vì những bài giảng sống này.

Một công trình lớn lao khác của Đức cha Thể là công cuộc truyền giáo cho các dân tộc thiểu số miền Thượng du, đặc biệt là dân tộc Ba-na. Chính Đức cha cử nhiều đợt người theo dõi, khích lệ và đưa ra những chỉ đạo thích hợp để anh em Thượng nhận Anh Sáng Tin Mừng.

Những thành công lớn lao của Đức cha đã được Tòa Thánh công nhận năm 1844 khi phân chia giáo phận Đàng Trong thành hai giáo phận Đông (Quy Nhơn) và Tây (Sài Gòn). Tiếp theo đến năm 1850, lại chia làm bốn là Nam Vang, Sài Gòn, Bắc (Huế) và Quy Nhơn. Từ đây Đức cha Thể chỉ coi sóc giáo phận Đông Đàng Trong, nhưng lại ở trong tình hình bách hại mới gay gắt hơn nhiều.

Trong 10 năm liền, nhờ sự che chở của các tín hữu và các nữ tu Mến Thánh Giá, Đức cha và các linh mục thoát khỏi cuộc truy lùng. Thế nhưng các ngài phải thay đổi chỗ ở liên tục, nhiều đêm ngủ ngoài trời "đêm sao", có lúc phải vào rừng sâu hay đầm lầy, chịu đói chịu khát, chịu khí hậu thất thường và nhiều lần suýt chết trong khi thăm viếng bệnh nhân hay giải tội cho người hấp hối. Thế mà trong thời gian này, Đức cha duy trì thường xuyên mối liên lạc với Tòa Thánh. Đặc biệt khi được hỏi về tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm, ngài đã trao đổi với các linh mục trong giáo phận, rồi gửi thư bày tỏ lòng kính mến Đức Maria của dân Việt cho Tòa Thánh. Cuối thư Đức cha viết:

"Xin Đức Thánh Cha cho được hiệp thông trong lời cầu nguyện cùng với tất cả các Giám mục khác trong ngày Đức Thánh Cha long trọng công bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội".

Năm 1861, chiếu chỉ "phân sáp" của vua Tự Đức làm Giáo Hội Việt Nam một phen điêu đứng. Đức cha Thể đã khuyên các thừa sai trong giáo phận đi tản vào Sài Gòn, nhưng chính ngài tình nguyện ở lại, ngài đưa ra một phương châm bất hủ : "Dù chỉ còn một thừa sai chẳng làm được gì ngoài việc đọc kinh thần vụ, thì nguyên việc hiện diện của vị đó đủ để nâng đỡ niềm tin và sinh hoạt của tín hữu rồi".

Từ tháng 10, Đức cha phải bỏ Gò Thị trốn từ nhà này sang nhà khác. Ngày 24.10.1861, ngài đang ẩn ở nhà bà Madalena Huỳnh Thị Lựu thì quân lính bao vây nhà bà.

Đức cha và 2 chú giúp lễ kịp trốn xuống hầm, nhưng vì vừa dâng lễ xong chưa kịp cất giấu đồ lễ. Vì chứng cớ ấy mà quân lính thề phá nhà, nếu không tìm thấy đạo trưởng Tây dương. Mọi người trong nhà đều bị tra tấn, bà Lựu bị đánh đòn 17 roi. Sau hai ngày và một đêm ở dưới hầm, Đức cha và hai chú giúp lễ khát khô cả cổ. Vả lại vì quân lính chẳng bỏ đi, nếu chưa bắt được Đức cha, nên ngài tự ra nộp mình. Vừa thấy ngài, quân lính chồm tới trói tay chân ngài lại như một con thú. Nhưng viên chỉ huy nhân đạo hơn, cho cởi trói và mời ngài ngồi chiếu nói truyện với ông ta.

Hôm sau, Đức cha bị nhốt trong cũi đưa về tỉnh. Hai chú giúp lễ, bà Lựu và hai người lân cận cũng bị mang gông giải đi (sau này tất cả cùng bị xử tử tháng 12). Bà Lựu vừa cho con bú vừa ra pháp trường, rồi hôn con lần cuối trao lại cho bà ngoại. Tháng 10 năm đó, miền Trung bị lụt, nước dâng lên đến lưng, nên ngồi trong cũi chật chội, Đức cha cũng bị ngập nước. Do đó, khi đến nhà giam thì Đức cha lâm trọng bệnh. Chứng kiết lị làm sức khỏe ngài càng đuối dần, vì thế ngài chỉ phải ra tòa một lần. Quan hỏi:

- Tại sao ông sang nước tôi?

- Thưa, để giảng đạo Thiên Chúa.

- Ông ở đây bao lâu rồi?

- 34 năm.

- Ông đã ở những đâu?

- Thưa, trước hết là Bình Định rồi Phú Yên, Bình Thuận và lại trở về Bình Định.

- Ông biết gì về chiến tranh không?

- Thưa, không biết gì cả. Tôi đến đây chỉ để giảng đạo, khi nơi này khi nơi khác thế thôi. Quan hành hạ thế nào tôi cũng đành chịu, chứ tin tức chiến tranh tôi hoàn toàn không biết gì cả.

Trở về với chiếc cũi của mình, cơn bệnh khắc nghiệt chỉ trong vòng ba tuần lễ đã làm Đức cha kiệt sức và thở hơi cuối cùng ngày 14.11.1861, kết thúc 32 năm truyền giáo không một ngày bình an.

Hôm sau, ngày Đức cha qua đời, bản án trảm quyết từ Huế mới đến Bình Định. Thấy ngài đã từ trần, quan Trấn thủ Bình Định không cho chém nữa, truyền đem đi chôn, những tín hữu đang bị tù xin phép mua cho Đức cha một áo quan xứng đáng, nhưng Trấn thủ không chấp thuận. Nhưng sau đó, triều đình lại gửi ra một bản án mới ghi thế này: "Tây dương đạo trưởng Thể đã lén lút trong nước ta 40 năm nay. Y đã giảng đạo và lừa dối dân chúng. Bị bắt và tra hỏi, y đã thú nhận mọi tội lỗi. Lẽ ra phải đem chém đầu y bêu lên giữa chợ, nhưng vì y đã chết trong tù, ta truyền phải quăng xác y xuống sông".

Chiếu theo bản án ấy, quan Trấn thủ cho đào mồ Đức cha lên để liệng thi hài Đức cha xuống sông. Mặc dù Đức cha Cuénot Thể không đổ máu vì đức tin, nhưng căn cứ vào bản án và muôn ngàn nỗi truân chuyên ngài đã chịu vì đạo, Giáo Hội tôn kính Đức cha với tước hiệu tử đạo.

Ngày 02.05.1909, Đức Piô X nêu danh Đức cha Etienne Théodore Cuénot Thể đứng đầu danh sách 20 vị tử đạo tại Việt Nam được suy tôn lên bậc Chân Phước.

Ngày 19.06.1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên hàng Hiển Thánh.





LỊCH CÔNG GIÁO THÁNG 11-2012
Ý cầu nguyện:­­
- Ý chung: Cầu cho các giám mục, linh mục và các thừa tác viên: Xin cho các giám mục, linh mục và tất cả các thừa tác viên Tin Mừng can đảm làm chứng về lòng trung tín với Đức Kitô chịu đóng đinh và phục sinh.

- Ý truyền giáo: Cầu cho Giáo Hội: Xin cho Giáo Hội đang lữ hành trên trái đất chói lọi như ánh sang muôn dân.


THÁNG CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI
Ngay từ buổi đầu của Kitô giáo, Hội Thánh lữ hành đã hết lòng kính nhớ, dâng lời cầu cho những người đã qua đời, vì cầu nguyện để họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một ý nghĩa lành thánh. Chúng ta hãy dâng thánh lễ và các việc lành để cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời.
01-11 Thứ Năm đầu tháng. CÁC THÁNH NAM NỮ. Lễ trọng. Lễ cầu cho giáo dân (Lễ họ).

02-11 Thứ Sáu đầu tháng. CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI (Lễ Các Đẳng). Kiệu Thánh Tâm Chúa Giêsu.

03-11 Thứ Bảy đầu tháng. Thánh Martino Porres, tu sĩ. Kiệu Đức Mẹ Maria.

04-11 CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN. Thánh vịnh tuần III.

09-11 Thứ Sáu. CUNG HIẾN THÁNH ĐƯỜNG LATÊRANÔ. Lễ kính.

10-11 Thứ Bảy. Thánh Lêô Cả, Giáo Hoàng, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

11-11 CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN. Thánh vịnh tuần IV.

12-11 Thứ Hai. Thánh Josaphat, giám mục, tử đạo. Lễ nhớ.

15-11 Thứ Năm. Thánh Albertô Cả, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh.

16-11 Thứ Sáu. Thánh nữ Margarita Scotland. Thánh Gertruđê, trinh nữ.

17-11 Thứ Bảy. Thánh nữ Êlisabeth Hungari. Lễ nhớ.

18-11 CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN. Thánh vịnh tuần I. Kính trọng thể CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM.

21-11 Thứ Tư. Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ.

22-11 Thứ Năm. Thánh Cecilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.

23-11 Thứ Sáu. Thánh Clemente I, Giáo Hoàng, tử đạo. Thánh Columbanô, viện phụ..

24-11 Thứ Bảy. CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Hội Thánh Việt Nam. Lễ trọng.

25-11 CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN. ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ. Lễ trọng.

26-11 Thứ Hai.Thánh vịnh tuần II.

30-11 Thứ Sáu. THÁNH ANRÊ, TÔNG ĐỒ. Lễ kính.




GÓC SUY TƯ

Mẹ dạy con tự lớn thành người


Mẹ có thể không ở cạnh con khi con đau đớn và thất vọng nhất, nhưng khi nhìn lại mọi thứ đã qua, con nhận ra rằng mẹ yêu con nhiều lắm, vì thế mẹ dạy con cách tự mình khôn lớn và trưởng thành.

Mười tuổi, con đòi mặc áo mới nhưng mẹ lại bảo đến nhập học mẹ sẽ cho mặc. Con lôi chiếc áo cũ ra cố tình cắt một vết rách không thể vá trên chiếc áo trắng cũ.

Khi phát hiện ra, mẹ lẳng lặng cất chiếc áo mới vào cuối ngăn tủ rồi khóa cửa tủ. Thế là ngày nhập học ngày con đến lớp với chiếc áo đã ngả màu vàng úa. Tan học, con lại phải thay ra để giặt, phơi nắng cho chóng khô ngày mai còn mặc tiếp. Từ đó, con không dám đòi hỏi gì nếu mẹ chưa đồng ý.

Buổi tối, mẹ nhắc con: “Ngày mai kiểm tra nên tranh thủ ôn bài, còn đi ngủ sớm”. Con vâng dạ, rồi mãi mê chát chít với mấy đứa bạn rỗi việc. Đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Gần sáng con mới dứt khỏi cái máy vi tính và lăn ra ngủ. Con không hẹn đồng hồ, vì nghĩ thế nào ngày mai mẹ cũng gọi dậy.

Khi thức giấc muộn, con quáng quàng chạy vội đến lớp. Mẹ đang thu bài kiểm tra. Hôm sau, mẹ trả bài, cột điểm một tiết của con với con một đỏ son. Con gục mặt xuống bàn, ấm ức khóc.

Con vào đại học, con và cha thuyết phục mẹ mua xe máy cho con nhưng mẹ không đồng ý. Tháng đầu tiên xa nhà, nhận tiền mẹ gửi con đem đi mua chiếc áo mới nên tháng ấy con hết tiền sớm hơn mọi khi, con viết thư cho mẹ. Con nghĩ chắc mẹ phải lo lắng lắm và sẽ vội vàng gửi tiền lên ngay cho con như chúng bạn con vẫn thường làm với mẹ chúng.

Nhưng không! Con chỉ nhận được giấy gọi lấy tiền vào đầu tháng như mọi khi. Suốt một tuần, con phải ăn mì tôm thay cơm. Từ đấy, con biết cách chi tiêu một cách hợp lý.

Một hôm, con nhận được thư. Con tưởng tượng sẽ có biết bao lời yêu thương trìu mến. Nhưng không mẹ chỉ viết ngắn gọn những dòng thông báo cùng một câu hỏi được gạch chân cẩn thận: “Sao con không kiếm gì làm thêm? Sinh viên năm hai rồi còn gì!”. Con ngạc nhiên, nhà mình có phải khó khăn, thiếu thốn gì đâu?

Nhưng vì tự ái, con cũng theo chân lũ bạn long đong đến các trung tâm gia sư. Rồi khóc nức nở vì đóng tiền mà vẫn không có được việc làm thêm. Sau mấy lần con biết cách để không bị lừa nữa.

Những trưa nắng chang chang, đạp xe đi dạy, lưng áo ướt đẫm mồ hôi. Những buổi tối mưa nặng hạt, con co rúm đứng chờ xe buýt vẫn không nản. Tháng lương đầu tiên, sau khi mua quà gửi mẹ, con tự thưởng cho mình một chiếc áo. Đó không phải là chiếc áo con thích nhất nhưng con luôn giữ gìn một cách cẩn thận. Con quý nó gì đó là do công sức mình lao động để mua.

Suốt một thời gian dài, con nghĩ mẹ không hề yêu con. Mẹ nghiêm khắc, lạnh lùng và luôn đẩy con vào những hoàn cảnh khó khăn mà đáng lý con không phải chịu như thế.

Mẹ có thể không ở cạnh con, ngay cả khi con đau đớn và thất vọng nhất. Nhưng đến bây giờ, khi nhìn lại tất cả mọi điều đã qua, con nhận ra rằng mẹ yêu con nhiều lắm, vì thế mẹ dạy con cách tự mình khôn lớn và trưởng thành.






NỤ CƯỜI THƯ GIÃN
Lần thứ nhất
Có cặp vợ chồng đi du lịch bằng con la, mỗi người đi một con. Trên đường đi đá lởm chởm, gồ ghề, con la chở người vợ bị vấp ngã. Cô vợ mỉm cười nói :

- Lần thứ nhất.

Con la lại ngã, cô vợ lại mỉm cười và nhỏ nhẹ nói : lần thứ hai. Đến lần thứ ba, cô vợ liền móc súng ra bắn chết con la. Anh chồng thấy vậy hoảng hốt :

- Trời ạ! Sao em lại bắn chết con la, em độc ác vậy?

Cô vợ mỉm cười và nói nhỏ nhẹ với anh chồng :

- Lần thứ nhất!


Cái may chết người
Một ông già 75 tuổi trúng giải 100.000 đô la trong một cuộc xổ số. Ông bị yếu tim nên gia đình sợ tin kia có thể làm ông xúc động quá chết mất. Vì vậy họ nhờ cha xứ nói chuyện trước với ông già. Cha xứ làm đúng như thế, hỏi ông già:

- Nếu ông trúng 100.000 đô la ông sẽ làm gì ?

Ông già trả lời:

- Con sẽ biếu cha và nhà thờ một nửa số tiền đó.

Nghe xong, cha xứ lăn đùng ra chết !!!
Đào hoa
Bạn bè bảo tôi là người cô đơn vì tôi không có người yêu. Nhưng tôi cũng đã từng có người con gái thề sống chết có nhau: “Không trả nợ cho bà, bà thề sống chết với mày.” !!!

Tôi cũng từng có người con gái cùng tôi hẹn ước đến kiếp sau: “Muốn cua chị mày hả? Mơ đi cưng! Đợi kiếp sau đi nhé!” !!!

Và tôi cũng đã từng có người con gái cam lòng tự nguyện vì tôi mà chết: “Cái gì? Làm người yêu ông á? Tui thà chết còn hơn!” !!!

Nghĩ lại tôi thấy mình cũng đào hoa quá đi chứ ! (hào sảng)


Xé cho dễ
Một người khoe với bạn tấm ảnh cưới. Người bạn xem xong thắc mắc:

- Sao cậu lại đứng cách xa cô ấy thế?



- Để lúc giận nhau hay ly dị thì xé ra cho dễ!!!




Каталог: sites -> default -> files -> Documents -> 201211
Documents -> GIÁo xứ jeanne d’arc (NGÃ SÁU) : 116a hùng Vương, Phường 9, Quận : 38557616.  Giờ Thánh Lễ
Documents -> Ban biên tập báo mẹ hiềN
Documents -> TỔng giáo phận thành phố HỐ chí minh bản tin họ ĐẠo jeanne d’arc (NGÃ SÁu chợ LỚN) : 116a hùng Vương, Phường 9, Quận 5
Documents -> TỔng giáo phận thành phố HỐ chí minh bản tin họ ĐẠo jeanne d’arc
Documents -> TỔng giáo phận thành phố HỐ chí minh bản tin họ ĐẠo jeanne d’arc
Documents -> TẬp san hiệp sống tin mừng tháng 12. 2015 TƯ liệu học tập của hiệp hội thánh mẫu lưu hành nội bộ NỘi dung
Documents -> KÕt cÊu bª t ng Vµ bª t ng cèt thÐp L¾p ghÐp
Documents -> TỔng giáo phận thành phố HỐ chí minh bản tin họ ĐẠo jeanne d’arc
Documents -> Ban biên tập báo mẹ hiềN

tải về 129.4 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương