TỔng cụC ĐƯỜng bộ việt nam cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩA việt nam



tải về 105.37 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu23.08.2016
Kích105.37 Kb.
#27885

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

TỔNG CỤC ĐƯỜNG BỘ VIỆT NAM



CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc




Hà Nội, ngày tháng 01 năm 2016


DỰ THẢO

BÁO CÁO

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH 994/QĐ-TTG NGÀY 19/6/2014 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ KẾ HOẠCH LẬP LẠI TRẬT TỰ HÀNH LANG AN TOÀN ĐƯỜNG BỘ



Phần thứ nhất

HÀNH LANG AN TOÀN ĐƯỜNG BỘ
Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, “Hành lang an toàn đường bộ là dải đất dọc hai bên đất của đường bộ, tính từ mép ngoài đất của đường bộ ra hai bên để bảo đảm an toàn giao thông đường bộ”. Dải đất này không phục vụ chức năng giao thông chính là chạy xe và đỗ xe, nhưng nó có ý nghĩa và chức năng ảnh hưởng trực tiếp đến giao thông trên đường bộ và bảo vệ công trình đường bộ, đó là:

  • (i) Đảm bảo an toàn và bền vững công trình đường bộ, Chống hư hỏng do khai thác, sử dụng phạm vi này gây ra, ngoài ra còn dành để phục vụ công tác bảo trì đường bộ;

  • (ii) Đảm bảo khả năng khai thác của tuyến đường (hạn chế các nút giao, tầm nhìn, gây ảnh hưởng đến tốc độ khai thác);

  • (iiI) Đảm bảo an toàn giao thông cho lái xe và phương tiện, bảo đảm an toàn cho dân cư bên đường (đảm bảo tầm nhìn lái xe, giảm thiểu hậu quả khi xảy ra phương tiện bị TNGT văng ra khỏi đường xe chạy);

  • (iv) Đảm bảo an toàn về môi trường: bảo đảm an toàn về môi trường tiếng ồn, không khí cho khu vực bên đường;

  • (v) Giảm thiểu các chi phí thu hồi đất khi phải mở rộng đường.

Tóm lại, hành lang an toàn đường bộ (HL ATĐB) có một vai trò đặc biệt quan trọng đối với khả năng khai thác, an toàn giao thông (ATGT), đối với an toàn và bền vững công trình đường bộ, đảm bảo an toàn môi trường cũng như việc phát triển mở rộng tuyến đường sau này. Việc quản lý, bảo vệ HLATĐB ngoài trách nhiệm của Bộ GTVT về quản lý giao thông vận tải đường bộ còn là trách nhiệm chính của các cấp chính quyền địa phương trong việc quản lý đất đai, trật tự xã hội. Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”, Chính phủ đã có Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 26/6/2007 về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, Nghị quyết số 88/NQ-Cp ngày 24/8/2011 về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự ATGT; cũng như các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Giao thông đường bộ, Luật đất đai trong đó có các quy định về quản lý, bảo vệ HL ATĐB.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch lập lại trật tự HL ATĐB, đường sắt tại Quyết định số 1856/QĐ-TTg ngày 27/12/2007. Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan tham mưu, hướng dẫn, phối hợp với Chính quyền địa phương các cấp triển khai thực hiện. Ngày 20/7/2011, Bộ GTVT đã tổ chức Hội nghị Tổng kết giai đoạn II và phương án triển khai giai đoạn III của Quyết định 1856/QĐ-TTg. Hội nghị đã đánh giá việc lập lại trật tự HLATĐB giai đoạn II Quyết định số 1856/QĐ-TTg cơ bản đạt được mục tiêu theo kế hoạch; trên một số tuyến quốc lộ, HLATĐB những đoạn đã giải toả được thông thoáng hơn, TNGT có chiều hướng giảm. Để việc triển khai Kế hoạch lập lại trật tự HLATĐB đảm bảo yêu cầu đề ra và phù hợp với điều kiện thực tế, Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ sửa đổi bổ sung Quyết định số 1856/QĐ-TTg với nội dung chính là điều chỉnh lại cho phù hợp với các quy định mới của pháp luật có liên quan (bổ sung phần đất bảo vệ, bảo trì đường bộ thuộc phần đất của đường bộ; không đền bù thu hồi toàn bộ HLATĐB mà chỉ tiến hành đền bù, giải tỏa tại các nút giao, điểm đen, điểm mất ATGT có nguyên nhân do HLATĐB). Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch lập lại trật tự HL ATĐB, đường sắt giai đoạn 2014-2020 tại Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 (QĐ 994).



Phần thứ hai

KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NĂM 2015

I. Nội dung, tiến độ theo Kế hoạch lập lại trật tự HLATĐB:

1. Nội dung tiến độ được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 994/QĐ-TTG ngày 19/6/2014:

a) Giai đoạn 2014 - 2017: Trên cơ sở kết quả thực hiện giai đoạn I, giai đoạn II Quyết định số 1856/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ, triển khai thực hiện:

- Đơn vị quản lý đường bộ chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương (cơ quan quản lý đất đai của địa phương) rà soát phần đất bảo vệ, bảo trì đường bộ (thuộc phần đất của đường bộ); Thứ hai tiếp tục rà soát, cập nhật để thống kê, phân loại các công trình nằm trong HLAT hệ thống quốc lộ, phối hợp với Ban ATGT địa phương nghiên cứu, đề xuất các đoạn tuyến có công trình, cây cối nằm trong HLATĐB ảnh hưởng đến ATGT; Thứ ba lập thủ tục đề nghị Uỷ ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh xây dựng kế hoạch, dự toán bồi thường, hỗ trợ giải tỏa phần đất bảo vệ, bảo trì đường bộ; bồi thường, hỗ trợ thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất và thiệt hại tài sản gắn liền với đất HLATĐB trước ngày 30/6/2015.

- Đến hết năm 2017, thực hiện thu hồi hết phần đất bảo vệ, bảo trì đường bộ và bồi thường thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại tài sản trên phần đất nằm trong HLATĐB gây ảnh hưởng đến ATGT của các tuyến quốc lộ từ cấp I, II, III, khu vực các nút giao, vị trí điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT; đồng thời lập kế hoạch, từng bước bồi thường thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất đối với những hộ dân nằm trong HLATĐB có nhu cầu xây dựng mới nhà ở.

Các bước thực hiện nội dung trên, QĐ 994 quy định:

+ Trước ngày 31/5 hàng năm, UBND cấp tỉnh báo cáo kế hoạch bồi thường, hỗ trợ của năm sau về Bộ GTVT (qua Tổng cục ĐBVN) để báo cáo Chính phủ bố trí vốn giao UBND cấp tỉnh thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

+ Trước ngày 20/7 hàng năm, Bộ GTVT tổng hợp, báo cáo Chính phủ bố trí kế hoạch vốn giao UBND cấp tỉnh thực hiện năm sau.

- UBND cấp tỉnh hoàn thành việc lập Quy hoạch điểm đấu nối vào quốc lộ đến năm 2020, thỏa thuận với Bộ GTVT trước ngày 30/6/2015.

- Triển khai cắm đầy đủ mốc xác định giới hạn phần đất của đường bộ, phần đất HLATĐB. Phần đất của đường bộ bàn giao cho đơn vị quản lý hệ thống quốc lộ; phần đất HLATĐB bàn giao cho chính quyền địa phương để quản lý sử dụng.

- Ngoài các nội dung trên, QĐ 994 còn giao các địa phương thực hiện hình thức xã hội hóa, khai thác quỹ đất để tạo vốn xây dựng hệ thống đường gom theo quy định của Chính phủ về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

b) Giai đoạn 2018 - 2020:

- Thu hồi hết phần đất của đường bộ (gồm đất XDCT, đất bảo vệ và bảo trì đường bộ) và bồi thường thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại tài sản gắn liền trên đất đối với phần đất nằm trong HLATĐB (chưa GPMB) gây ảnh hưởng đến ATGT; từng bước bồi thường hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại tài sản gắn liền trên đất đối với những hộ dân nằm trong HLATĐB có nhu cầu xây dựng mới nhà ở trên tất cả các tuyến quốc lộ còn lại.

- Tiếp tục triển khai cắm mốc xác định giới hạn phần đất của đường bộ, phần đất HLATĐB. Phần đất của đường bộ bàn giao cho đơn vị quản lý hệ thống quốc lộ; phần đất HLATĐB bàn giao cho chính quyền địa phương để quản lý sử dụng.

- Tiếp tục triển khai hình thức xã hội hóa, khai thác quỹ đất để tạo vốn xây dựng hệ thống đường gom theo quy định của Chính phủ về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.



2. Kế hoạch triển khai của Bộ GTVT, Tổng cục ĐBVN:

- Bộ GTVT đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch lập lại trật tự HL ATĐB, đường sắt giai đoạn 2014-2020 và ban hành tại Quyết định số 3067/QĐ-BGTVT ngày 11/8/2014;

- Tổng cục ĐBVN đã xây dựng Kế hoạch lập lại trật tự HLATĐB giai đoạn 2014-2020 theo Quyết định 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ và ban hành tại Quyết định số 2336/QĐ-TCĐBVN ngày 07/10/2014. Căn cứ nội dung này, các Cục Quản lý đường bộ đã xây dựng Kế hoạch và thành lập các Ban chỉ đạo triển khai thực hiện, đồng thời cử lãnh đạo Cục tham gia các Tổ công tác liên ngành tại các tỉnh trên địa bàn được giao quản lý.

3. Kế hoạch triển khai của các cấp chính quyền: Trên cơ sở Kế hoạch lập lại trật tự HL ATĐB, đường sắt giai đoạn 2014-2020 đã được ban hành tại Quyết định số 994/QĐ-TTG ngày 19/6/2014, Kế hoạch triển khai thực hiện của Bộ GTVT và của Tổng cục ĐBVN, các Sở GTVT đã tham mưu cho UBND cấp tỉnh: Kiện toàn lại Tổ công tác liên ngành, Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 994/QĐ-TTG trên các quốc lộ thuộc địa bàn.

II. Triển khai thực hiện

1. Công tác chỉ đạo của Bộ GTVT, Tổng cục ĐBVN

a) Đôn đốc các địa phương kiện toàn Tổ công tác liên ngành và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện: Tổng cục ĐBVN đã có công văn số 2021/TCĐBVN-QLBTĐB ngày 23/4/2015 đề nghị UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện QĐ 994; đồng thời có nhiều văn bản hướng dẫn, đôn đốc các Sở GTVT tham mưu cho UBND cấp tỉnh ban hành kế hoạch.

b) Triển khai thực hiện kế hoạch năm 2015, Tổng cục đã xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí thực hiện báo cáo Bộ GTVT và và đã được Bộ GTVT, Bộ Tài chính thống nhất phân bổ 102 tỷ đồng cho các Cục QLĐB, Sở GTVT triển khai thực hiện công tác chủ yếu sau đây:


  • Tuyên truyền quy định pháp luật về quản lý, bảo vệ KCHTGT đường bộ;

  • Rà soát, thống kê, phân loại để xây dựng kế hoạch bồi thường, hỗ trợ thu hồi đất của đường bộ và hành lang an toàn đường bộ;

  • Cắm cọc mốc GPMB, mốc đất của đường bộ, mốc lộ giới trên một số tuyến quốc lộ quan trọng (cấp III trở lên) do các Cục QLĐB quản lý.

Trên cơ sở đó, Tổng cục ĐBVN đã phê duyệt dự toán chi tiết, đồng thời có nhiều văn bản đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện. Tuy nhiên do kế hoạch năm 2015 và kinh phí bố trí chậm (đến ngày 11/8/2015 mới có Quyết định giao dự toán chi ngân sách năm 2015), do đó tiến độ triển khai thực hiện kế hoạch năm 2015 còn chậm so với yêu cầu (đến 30/6/2015 phải thực hiện xong công tác thống kê, rà soát, phân loại).

2. Công tác phối hợp và triển khai thực hiện của các cấp chính quyền địa phương

- Thực hiện QĐ 994, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Tổ công tác liên ngành, xây dựng kế hoạch thực hiện và có các văn bản chỉ đạo cơ quan chức năng của chính quyền địa phương thực hiện;

- Các cơ quan chức năng của địa phương, lực lượng Công an, Thanh tra đường bộ (TTĐB) đã tích cực tham gia phối hợp với các đơn vị quản lý đường bộ, đồng loạt ra quân, tổ chức tuyên truyền vận động các tổ chức, cá nhân có công trình vi phạm HLATĐB tuân thủ quy định của pháp luật, hợp tác với cơ quan quản lý đường bộ trong việc thống kê rà soát các công trình vi phạm và tháo dỡ, di dời nhiều công trình vi phạm;

- Trong quá trình thực hiện, chính quyền và các cơ quan chức năng địa phương, lực lượng Công an, TTĐB đã có sự phối hợp chặt chẽ với đơn vị quản lý đường bộ thực hiện giải tỏa các công trình vi phạm nên không để xảy ra sự cố đáng tiếc.



3. Kết quả thực hiện cụ thể

Việc thực hiện kế hoạch lập lại trật tự HLATĐB năm 2015 đến nay đã cơ bản đạt được mục tiêu theo kế hoạch. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan, tiến độ đã không đạt yêu cầu, đến ngày 31/12/2015, cụ thể 02 Cục QLĐB, 31 Sở GTVT đã cơ bản thực hiện xong kế hoạch năm 2015, còn lại 02 Cục QLĐB và 19 Sở GTVT chưa báo cáo kết quả hoặc chưa thực hiện xong; trong đó nhiều đơn vị gửi báo cáo không có số liệu cụ thể theo hướng dẫn của Tổng cục, một số đơn vị đến nay vẫn chưa tổng hợp xong.



3.1. Về công tác tuyên truyền

Để triển khai thực hiện QĐ 994, Tổng cục ĐBVN đã bố trí kinh phí giao các Cục QLĐB, Sở GTVT thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền các quy định của pháp luật về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ bằng các hình thức: cung cấp tài liệu, thông tin, hình ảnh để tuyên truyền với các hình thức theo đặc thù mỗi vùng như phương tiện truyền thông Trung ương và địa phương phát hàng ngày, dùng xe lưu động để tuyên truyền liên tục trong nhiều tháng, tổ chức các buổi tọa đàm tại các cụm dân cư, in tờ rơi phân phát tới tận tay người dân hai bên đường quốc lộ, phát tài liệu cho các cán bộ xã, thôn, tổ chức treo băng rôn, khẩu hiệu, áp phích tuyên truyền.

Đã tuyên truyền cho hàng chục triệu lượt người trên các phương tiện thông tin đại chúng, tại các cuộc họp thôn, bản, khối phố, các buổi sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể (160.000 lượt), trong đó phát 190.000 tờ rơi; 24.500 cuốn tài liệu; treo 1.857 băng rôn, panô áp phích, cấp phát 8.100 đĩa CD và băng tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông. Công tác tuyên truyền pháp luật về quản lý, bảo vệ HLATĐB bước đầu đã đạt đuợc những kết quả khả quan, đó là:

- Ý thức tự giác chấp hành pháp luật về quản lý, bảo vệ HLATĐB của các tổ chức, cá nhân và nhất là cộng đồng dân cư sinh sống hai bên đường bộ đã có chuyển biến, việc phát sinh thêm các công trình vi phạm HLATĐB đã được ngăn chặn. Nhiều chủ công trình sau khi được tuyên truyền các quy định của pháp luật đã tự giác tháo dỡ công trình vi phạm HLATĐB;

- Thay đổi nhận thức về HLATĐB của chính quyền địa phương các cấp và các tổ chức, cá nhân về tác dụng và quản lý sử dụng HLATĐB;

- Tạo được sự đồng thuận của nhân dân trong việc giải toả HLATĐB nên khi các cơ quan quản lý đường bộ và các cấp chính quyền địa phương thực hiện cưỡng chế giải toả các công trình vi phạm trên các quốc lộ đã không gặp sự chống đối của các đối tượng vi phạm.



3.2. Về công tác thỏa thuận quy hoạch đấu nối

- Đến ngày 31/12/2015, đã có 59/63 địa phương hoàn thành quy hoạch đấu nối đường nhánh vào quốc lộ, đồng thời thực hiện xóa bỏ nhiều điểm đấu nối trái phép và cải tạo được nhiều điểm đấu nối mất ATGT. Đối với 04 địa phương còn lại (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Bình Phước) đang khẩn trương chỉnh sửa, hoàn thiện để thỏa thuận và phê duyệt quy hoạch đấu nối. Tuy nhiên trong số 59 tỉnh, thành phố đã hoàn thành quy hoạch đấu nối, vẫn còn một số tỉnh, thành phố chưa xây dựng hoàn chỉnh quy hoạch đấu nối đường nhánh vào toàn bộ các tuyến quốc lộ trên địa bàn, trong đó có các tuyến quốc lộ mới được nâng cấp, cải tạo đưa vào khai thác sử dụng, tuyến mới nâng thành quốc lộ chưa được bổ sung xây dựng, điều chỉnh quy hoạch kịp thời.

- Theo báo cáo của 4 Cục QLĐB và 16 Sở GTVT đã rà soát, thống kê các đường ngang đấu nối vào quốc lộ có 32.637 điểm, trong đó 7.159 điểm đấu nối nằm trong quy hoạch đã thỏa thuận, còn 23.073 điểm đấu nối không có trong quy hoạch, đa số là do lịch sử để lại. Các địa phương đã xử lý được 560 điểm đấu nối trái phép, xây dựng 10 tuyến đường gom dài 61,6 km với kinh phí 159,2 tỷ đồng (Phụ lục số 05 kèm theo);

3.3. Về kết quả xử lý các vi phạm HLATĐB

- Đây là nhiệm vụ quan trọng để giữ gìn HLATĐB, Tổng cục ĐBVN đã có nhiều văn bản yêu cầu các Cục QLĐB, Sở GTVT tăng cường công tác tuần tra, phát hiện, tuyên truyền và xử lý các vi phạm HLATĐB ngay từ lúc mới phát sinh. Theo quy định của pháp luật (Luật GTĐB, Luật đất đai) thì việc cưỡng chế, giải tỏa thuộc trách nhiệm của UBND cấp huyện, cấp xã. Khi phát hiện vi phạm, đơn vị quản lý đường bộ lập biên bản đình chỉ, tuyên truyền vận động yêu cầu tự tháo dỡ, nếu đối tượng cố tình vi phạm mới chuyển địa phương xử lý, dẫn đến hiệu quả xử lý vi phạm HLATĐB còn chưa cao, do phụ thuộc vào sự quyết tâm thực hiện cưỡng chế, giải tỏa của UBND cấp xã, cấp huyện.

Tình hình vi phạm năm 2015 đã xảy ra 5.560 vụ vi phạm HLATĐB, cụ thể: đào khoan xẻ, tháo dỡ công trình đường bộ trái phép 236 vụ, xây dựng công trình trái phép 2.113 vụ, đấu nối trái phép 526 vụ, vi phạm khác (dựng lều quán, để vật liệu, biển báo, v.v..) 2.585 vụ; đã xử lý được 2.146 vụ vi phạm, chuyển địa phương xử lý 1.149 vụ vi phạm, xử phạt 1.157.800.000 đồng.

3.4. Về kết quả thống kê, rà soát, phân loại, kinh phí dự kiến để đền bù, giải tỏa

- Kết quả rà soát thống kê phân loại phần đất bảo vệ, bảo trì đường bộ (thuộc “đất của đường bộ”): Theo báo cáo của 04 Cục Quản lý đường bộ và 23 Sở GTVT, trên hệ thống quốc lộ, các dự án xây dựng, cải tạo quốc lộ đã đền bù, thu hồi 4.223.361 m2 đất bảo vệ, bảo trì đường bộ; 42.479.331m2 thuộc phần đất bảo vệ, bảo trì đường bộ chưa đền bù, thu hồi, trong đó có 39.376.037 m2 chính quyền đã cấp cho các tổ chức, cá nhân sử dụng, trên đó có 6.956.791 m2 nhà cửa và công trình xây dựng; ước tính kinh phí đền bù, giải tỏa khối lượng trên là 48.161,517 tỷ đồng. (Phụ lục số 01 kèm theo).

- Kết quả rà soát, thống kê phân loại hành lang an toàn đường bộ: Theo báo cáo của 04 Cục Quản lý đường bộ và 24 Sở GTVT, hiện có 156.108.402m2 đất HLATĐB chưa đền bù, giải tỏa, trên đó có 141.525.534m2 nhà vĩnh cửu, bán vĩnh cửu; 28.113.638m2 nhà tạm; 1.922.793m2 ki ốt, lều quán; 19.342.901m2 mái che; 35.158.167 cây; 37.998 m2 am thờ, lăng mộ; 871.300m tường xây và 414.410m tường rào thép; 63.905 biển quảng cáo và 236.623 công trình khác (cột điện, điện thoại, v.v...); ước tính tổng kinh phí đền bù, hỗ trợ là 252.930,419 tỷ đồng. (Phụ lục số 02 kèm theo).

- Các Sở GTVT, Cục QLĐB báo cáo kết quả phối hợp Ban ATGT xác định các đoạn tuyến có các công trình, cây cối nằm trong HLATĐB ảnh hưởng đến ATGT, khu vực các nút giao, vị trí điểm đen, vị trí tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT: khối lượng cần đền bù, giải toả HLATĐB ảnh hưởng đến ATGT là 2.854.876m2 đất; 2.237.018m2 nhà vĩnh cửu, bán vĩnh cửu; 127.427m2 nhà tạm; 516.186m2 ki ốt, lều quán; 186.903m2 mái che; 5.364.676 cây các loại; 143 m2 am thờ, lăng mộ; 98.740m tường xây và tường rào thép; 27.831 biển quảng cáo và 31.657 công trình khác (cột điện, điện thoại, v.v...); ước tính tổng kinh phí đền bù, hỗ trợ là 8.965,492 tỷ đồng. (Phụ lục số 03 kèm theo).

- Kết quả rà soát, thống kê khối lượng, xác định các hộ dân nằm trong HLATĐB bị hạn chế khả năng sử dụng đất có nhu cầu xây dựng nhà ở mới để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại tài sản gắn liền với đất HLATĐB: khối lượng cần bồi thường, hỗ trợ là 14.285.539 m2 đất bị ảnh hưởng, trong đó 12.494.280m2 đất ở, 2.405.719m2 đất công; 399.798m2 nhà 2 tầng; 308.453m2 nhà 1 tầng; 2.758.908m2 nhà mái lợp tạm. Uớc tính kinh phí đền bù, hỗ trợ là 22.175,114 tỷ đồng. (Phụ lục số 04 kèm theo).

- Kết quả rà soát hệ thống cọc mốc đất của đường bộ, GPMB, mốc lộ giới: Theo báo cáo của các Cục QLĐB và Sở GTVT, số lượng cọc mốc đất của đường bộ và mốc GPMB đầy đủ 200.200 cọc, trong đó tận dụng 17.583 cọc mốc GPMB hiện có, số lượng cần bổ sung là 182.617 cọc. Đối với cọc mốc lộ giới, nhu cầu là 102.262 cọc, trong đó tận dụng cọc hiện có 10.030 cọc, khối lượng cần cắm bổ sung là 92.151 cọc. Tổng kinh phí dự kiến là 202,587 tỷ đồng. (Phụ lục số 06 kèm theo).

- Đến nay có 04 UBND cấp tỉnh (Thanh Hóa, Quảng Ninh, Quảng Bình, Bình Phước) xây dựng kế hoạch dự toán kinh phí phải đền bù, giải tỏa đất của đường bộ và đất HLATĐB và các công trình làm mất ATGT gửi về Bộ GTVT (thông qua Tổng cục ĐBVN). Tuy nhiên do chậm so với quy định như báo cáo nêu trên nên chưa đưa được vào kế hoạch ngân sách năm 2016; giá trị dự toán này Bộ GTVT tổng hợp gửi Bộ Tài Chính trước ngày 20/7/2016 để đưa vào kế hoạch năm 2017.

III. Thuận lợi, khó khăn tồn tại và bài học kinh nghiệm

1. Thuận lợi

- Bộ GTVT đã quan tâm chỉ đạo kịp thời công tác triển khai thực hiện, các đơn vị quản lý bảo trì đường bộ đã tích cực vào cuộc và xem đây là nhiệm vụ chính trị, trọng tâm;

- Chính quyền địa phương các cấp đã tích cực vào cuộc, tập trung chỉ đạo việc lập kế hoạch và triển khai thực hiện; nhiều địa phương đã cử các đồng chí Lãnh đạo của UBND tỉnh làm Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành;

- Tổng cục ĐBVN đã thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và phối hợp với các địa phương chỉ đạo sát đối với tiến độ triển khai công việc thực tế và tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện.



2. Khó khăn, tồn tại, nguyên nhân

a) Khó khăn, tồn tại:

- Về tiến độ: Công tác thống kê, rà soát, phân loại chưa đạt tiến độ yêu cầu (xong trước 30/6/2015). Đến 31/12/2015 mới có 33 đơn vị báo cáo đã thực hiện xong, còn 19 Sở GTVT và 02 Cục QLĐB đến nay chưa hoàn thành kế hoạch rà soát, thống kê, phân loại HLATĐB năm 2015.

- Kết quả thống kê, rà soát phân loại chưa chính xác và đầy đủ, đến nay trong số 33 đơn vị đã thực hiện xong vẫn còn trên 25 đơn vị báo cáo chưa đầy đủ số liệu (hiện đang tổng hợp, phân loại); một số đơn vị báo cáo không chính xác ví dụ số liệu đất bảo vệ, bảo trì đường bộ trên QL.15 (do Sở Nghệ An quản lý), số liệu xác định các hộ dân trong HLATĐB có nhu cầu xây dựng mới cần bồi thường, hỗ trợ: một số đơn vị báo cáo không có, một số đơn vị báo cáo bằng số liệu của toàn bộ HLATĐB, vv…

- Theo quy định tại Nghị định số 100/2013/NĐ-CP ngày 03/9/2013 Chủ đầu tư phải thu hồi đủ đất của đường bộ và bồi thường, hỗ trợ thiệt hại đối với các công trình nằm trong HLATĐB ảnh hưởng trực tiếp đến ATGT và an toàn công trình. Tuy nhiên các tuyến quốc lộ mới được đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp, cải tạo hầu như chưa thu hồi đủ phần đất bảo trì, bảo vệ đường bộ, phần HLATĐB chưa được thống kê, phân loại dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý. Các đoạn tuyến quốc lộ được đầu tư theo hình thức BOT chưa triển khai thực hiện. Do đó, việc lập lại trật tự HLATĐB trên các đoạn tuyến quốc lộ này hiện này chưa triển khai thực hiện được (do không có kinh phí thực hiện).

- Các vi phạm KCHT GTĐB như đấu nối, khoan xẻ đường bộ, lấn chiếm, tái lấn chiếm HLATĐB vẫn xảy ra nhiều, kết quả xử lý còn hạn chế.

- Hiện còn 04 địa phương (Hà Nội, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương) chưa xây dựng quy hoạch đấu nối vào quốc lộ và thỏa thuận với Bộ GTVT. Đối với các tỉnh đã ban hành quy hoạch, các tuyến quốc lộ mới được xây dựng hoặc nâng cấp cải tạo đưa vào khai thác sử dụng, tuyến mới nâng thành quốc lộ chưa được bổ sung xây dựng, điều chỉnh quy hoạch kịp thời. Việc triển khai thực hiện quy hoạch đấu nối còn hạn chế, chủ yếu chỉ hạn chế được các điểm đấu nối mới phát sinh ngoài quy hoạch. Đa số các điểm đấu nối do lịch sử để lại ngoài quy hoạch đến nay vẫn tồn tại.



b) Nguyên nhân

- Việc bố trí vốn thực hiện chậm (đến ngày 11/8/2015 Bộ Tài Chính mới bố trí kinh phí thực hiện năm 2015) ảnh hưởng đến tiến độ triển khai;

- Việc triển khai thực hiện kế hoạch năm 2015 bị ảnh hưởng rất nhiều do các địa phương tổ chức Đại hội Đảng các cấp. Ngoài ra, một số nơi thành lập Tổ công tác liên ngành chậm đã gây ảnh hưởng chung đến việc tổ chức thực hiện Quyết định. Đa số cán bộ của Tổ công tác liên ngành ở các địa phương là cán bộ kiêm nhiệm, vì vậy, không thường xuyên tham gia phối hợp được với các đơn vị quản lý đường bộ, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Quyết định;

- Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng thực hiện các quy định về quản lý, bảo vệ KCHT GTĐB chưa thường xuyên, liên tục; trong khi đó do điều kiện kinh tế xã hội còn hạn chế, dẫn đến tình trạng các tổ chức cá nhân cố tình vi phạm HLATĐB.

- Việc xác định công trình vi phạm trong HLATĐB qua các giai đoạn lịch sử rất khó khăn (khó khăn xác định mốc thời gian vi phạm, đối tượng vi phạm v.v...).

- Việc xác định các người dân có nhà cửa, công trình nằm trong HLATĐB có nhu cầu xây dựng mới để đền bù, hỗ trợ là hết sức khó khăn; khi điều tra, các người dân này đều khai có nhu cầu xây dựng mới dẫn đến việc xác định khối lượng kinh phí hỗ trợ cho các người dân có công trình, nhà cửa nằm trong đất HLATĐB chưa đền bù giải tỏa là khó khả thi.

- Kinh phí đầu tư còn hạn hẹp, trong khi nhu cầu xây dựng hạ tầng đường bộ của nước ta rất lớn; các dự án xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo quốc lộ chưa đền bù, thu hồi đủ phần đất của đường bộ và chưa thống kê, phân loại HLATĐB.

- Tại một số địa phương, sự phối hợp giữa chính quyền với đơn vị quản lý đường bộ chưa chặt chẽ, dẫn đến lúng túng trong việc thực hiện giải tỏa. Theo quy định hiện hành, trách nhiệm cưỡng chế giải tỏa thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương, tuy nhiên khi đơn vị quản lý đường bộ, TTĐB lập biên bản chuyển chính quyền địa phương xử lý, chính quyền địa phương lại coi đây là việc của đơn vị quản lý đường bộ, không chủ động thực hiện dẫn đến tình trạng vi phạm vẫn tồn tại.

- Do năm 2015 đồng loạt triển khai đấu thầu công tác bảo dưỡng thường xuyên trên các tuyến quốc lộ; các nhà thầu mới thực hiện quản lý, bảo dưỡng thường xuyên thay cho các đơn vị truyền thống nên còn lúng túng trong việc triển khai thực hiện.

Phần thứ ba

KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI GIAI ĐOẠN 2016-2020 VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

I. Mục tiêu Kế hoạch thực hiện QĐ 994 của Bộ GTVT và Tổng cục ĐBVN

1. Từ nay đến hết năm 2017:

a) Phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch, trình Chính phủ bố trí kinh phí cho UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện các công việc sau:

- Thu hồi hết phần đất bảo vệ, bảo trì đường bộ (dải đất rộng từ 1-3m dọc 2 bên đường) và bồi thường thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại tài sản trên phần đất nằm trong HLATĐB gây ảnh hưởng đến ATGT của các tuyến quốc lộ từ cấp I đến cấp III, khu vực các nút giao, vị trí điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT;

- Đồng thời lập kế hoạch, từng bước bồi thường thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất đối với những hộ dân nằm trong HLATĐB có nhu cầu xây dựng mới nhà ở.

b) Triển khai cắm đầy đủ mốc xác định giới hạn phần đất của đường bộ, phần đất HLATĐB. Bàn giao cho đơn vị quản lý quốc lộ phần đất của đường bộ đã đền bù, thu hồi; bàn giao chính quyền địa phương phần đất HLATĐB để quản lý, sử dụng.

2. Giai đoạn 2018 - 2020:

a) Phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để xây dựng kế hoạch, trình Chính phủ bố trí kinh phí cho UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện trên các tuyến quốc lộ còn lại:

- Thu hồi hết phần đất của đường bộ;

- Bồi thường thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại tài sản gắn liền trên phần đất nằm trong HLATĐB gây ảnh hưởng đến ATGT;

- Từng bước bồi thường hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại tài sản gắn liền trên đất đối với những hộ dân nằm trong HLATĐB có nhu cầu xây dựng mới nhà ở.

b) Tiếp tục triển khai cắm đầy đủ mốc xác định giới hạn phần đất của đường bộ, phần đất HLATĐB. Bàn giao cho đơn vị quản lý quốc lộ phần đất của đường bộ đã đền bù, thu hồi; bàn giao chính quyền địa phương phần đất HLATĐB để quản lý, sử dụng.



3. Đôn đốc, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng và thực hiện quy hoạch đấu nối vào quốc lộ.

II. Giải pháp đối với công tác quản lý, bảo vệ HLATĐB.

  1. Đối với các Cục QLĐB, Sở GTVT:

  1. - Trên cơ sở số liệu rà soát, thống kê phân loại, xây dựng kế hoạch đền bù giải tỏa trình UBND cấp tỉnh báo cáo Bộ GTVT trước ngày 30/5/2016 để đè nghị Bộ Tài Chính bố trí kinh phí triển khai thực hiện theo QĐ 994; Trước mắt tập trung vào việc thực hiện kế hoạch từ nay đến hết năm 2017. Cụ thể:

+ Xây dựng kế hoạch đền bù, thu hồi phần đất bảo vệ bảo trì đường bộ: Xác định các tuyến quốc lộ từ cấp III trở lên, trên cơ sở kết quả thống kê, rà soát, phân loại để xây dựng kế hoạch đền bù, thu hồi đất.

+ Phối hợp với Ban An toàn giao thông địa phương nghiên cứu, đề xuất các đoạn tuyến có các công trình, cây cối nằm trong HLATĐB ảnh hưởng đến an toàn giao thông (giai đoạn này chỉ thực hiện đối với các tuyến quốc lộ từ cấp I đến cấp III), khu vực các nút giao, vị trí điểm đen, vị trí tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông; trình Tổng cục ĐBVN thống nhất làm cơ sở xác định khối lượng, kinh phí dự kiến đền bù, hỗ trợ giải tỏa.

+ Dự kiến khối lượng, kinh phí để cưỡng chế, giải tỏa các vi phạm trong phạm vi bảo vệ KCHTGTĐB.


  1. - Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm các quy định về quản lý, bảo vệ KCHTGTĐB.

  2. – Chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ tăng cường công tác tuần tra, phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm ngay từ lúc mới phát sinh.

  3. - Triển khai cắm đầy đủ mốc xác định giới hạn phần đất của đường bộ, phần đất HL ATĐB:

+ Đối với các tuyến quốc lộ đã đền bù thu hồi đủ phần đất của đường bộ và đã cắm mốc Giải phóng mặt bằng: Rà soát bổ sung cắm đầy đủ mốc GPMB và bàn giao cho UBND cấp xã, đơn vị quản lý đường bộ phối hợp với chính quyền địa phương để quản lý phần đất của đường bộ;

+ Đối với quốc lộ chưa đền bù, thu hồi đủ phần đất của đường bộ: rà soát, xây dựng kế hoạch, triển khai cắm mốc đất của đường bộ theo hướng dẫn của Tổng cục ĐBVN, bàn giao cho chính quyền địa phương làm cơ sở để thực hiện kế hoạch đền bù, thu hồi.

+ Rà soát toàn bộ hệ thống cọc mốc lộ giới xác định giới hạn HL ATĐB, xây dựng kế hoạch, triển khai cắm mốc lộ giới, bàn giao cho chính quyền địa phương để quản lý sử dụng và đơn vị quản lý đường bộ để quản lý, bảo vệ.


  1. - Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quy chế hoạt động của Tổ Công tác liên ngành, trong đó quy định rõ cơ chế hoạt động, trình tự thủ tục xử lý các vi phạm kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, trách nhiệm của các thành viên trong tổ công tác (cơ quan quản lý đường bộ, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã, các Sở, ban ngành có liên quan) để xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm kết cấu hạ tầng GTĐB.

  2. Đối với các tuyến quốc lộ mới được thành lập hoặc đầu tư xây dựng hoặc nâng cấp, cải tạo đưa vào khai thác sử dụng: Đề nghị các Cục QLĐB, Sở GTVT xây dựng kế hoạch, dự kiến kinh phí để thực hiện báo cáo Tổng cục ĐBVN báo cáo Bộ GTVT cho phép thực hiện (Bao gồm cả các đoạn tuyến được đầu tư theo hình thức BOT).

  3. - Trong quá trình triển khai thực hiện báo cáo định kỳ về Tổng cục ĐBVN theo quy định, nếu có vướng mắc, khó khăn báo cáo kịp thời về Tổng cục ĐBVN để xem xét giải quyết, tháo gỡ đảm bảo tiến độ kế hoạch.

  1. Đối với Tổng cục ĐBVN:

  • Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các Cục QLĐB, Sở GTVT trong quá trình triển khai thực hiện.

  • Rà soát kế hoạch đền bù, giải tỏa do các Cục QLĐB, Sở GTVT xây dựng trước khi trình UBND cấp tỉnh thông qua trình Bộ GTVT để đảm bảo hiệu quả của việc triển khai kế hoạch.

  1. Kiến nghị: Để đảm bảo tiến độ triển khai thực hiện QĐ 994, Tổng cục ĐBVN báo cáo Bộ GTVT xem xét:

  1. - Có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

- Chỉ đạo các Tổ công tác liên ngành đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch lập lại trật tự HLATĐB giai đoạn 2014-2020 theo đúng yêu cầu của Thủ tướng chính phủ.

- Xây dựng quy chế hoạt động của Tổ công tác liên ngành, trong đó quy định rõ cơ chế hoạt động, trình tự thủ tục xử lý các vi phạm KCHT GTĐB, trách nhiệm của các thành viên trong Tổ công tác (cơ quan quản lý đường bộ, UBND cấp huyện, cấp xã, các Sở, ban ngành có liên quan) để xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm KCHT GTĐB.

- Đề nghị 04 tỉnh, thành phố chưa xây dựng Quy hoạch đấu nối vào quốc lộ khẩn trương xây dựng, hoàn thiện và xin ý kiến thỏa thuận của Bộ GTVT trước khi phê duyệt. Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã phê duyệt Quy hoạch đấu nối vào quốc lộ, rà soát, bổ sung điều chỉnh quy hoạch đối với các quốc lộ mới được xây dựng, hoặc mới được nâng từ đường địa phương hoặc phát sinh nhu cầu điều chỉnh quy hoạch do tình hình phát triển kinh kế, xã hội; triển khai các giải pháp xã hội hóa để thu hút vốn để xây dựng đường gom nhằm xóa bỏ các điểm đấu nối không có trong quy hoạch; không để phát sinh các điểm đấu nối ngoài quy hoạch.

(2) - Qua số liệu báo cáo của 04 Cục QLĐB và 24 Sở GTVT, kinh phí dự kiến để thực hiện công tác đền bù, hỗ trợ giải tỏa HLATĐB từ nay đền hết năm 2020 là:

- Kinh phí dự kiến để đền bù, thu hồi phần đất bảo vệ, bảo trì đường bộ (thuộc “đất của đường bộ”) là 48.161,517 tỷ đồng.

- Kinh phí dự kiến để đền bù hỗ trợ giải tỏa HLATĐB tại các đoạn tuyến có các công trình, cây cối nằm trong HLATĐB ảnh hưởng đến ATGT, khu vực các nút giao, vị trí điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT là 8.965,492 tỷ đồng.

- Kinh phí dự kiến để bồi thường, hỗ trợ thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại tài sản gắn liền với đất HLATĐB là 22.175,114 tỷ đồng

Tổng kinh phí dự kiến 79.302,123 tỷ đồng (chưa tính kinh phí hỗ trợ cưỡng chế giải tỏa vi phạm HLATĐB).

Đây là khoản kinh phí rất lớn trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, trong khi cần ưu tiên vốn cho nhu cầu đầu tư phát triển. Mặt khác việc xác định các hộ dân có công trình, nhà cửa nằm trong HLATĐB chưa đền bù, giải tỏa có nhu cầu xây dựng mới còn phức tạp (đã nêu ở phần nguyên nhân). Do đó Tổng cục ĐBVN kính đề nghị Bộ GTVT xem xét, báo cáo Chính phủ chỉ đền bù, hỗ trợ, giải tỏa phần đất bảo vệ, bảo trì đường bộ và HLATĐB tại các vị trí khu vực nút giao, vị trí điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT có các công trình, cây cối nằm trong HLATĐB ảnh hưởng đến ATGT.

Đối với phần HLATĐB còn lại, yêu cầu các Cục QLĐB, Sở GTVT xử lý nghiêm các vi phạm mới phát sinh; trường hợp công trình trong HLATĐB xuống cấp, người sử dụng có nhu cầu sửa chữa, cơ quan quản lý đường bộ phối hợp với UBND cấp xã để thống nhất phương án sửa chữa.



  1. - Đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo các nhà đầu tư BOT và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện công tác rà soát, thống kê, phân loại đối với các đoạn tuyến quốc lộ mới được đầu tư nâng cấp, xây dựng theo hình thức BOT do chưa đền bù thu hồi đủ phần đất của đường bộ (dải đất bảo vệ, bảo trì đường bộ) và chưa rà soát, thống kê phân loại HLATĐB.

(4) - Đề nghị Bộ GTVT triển khai thu hồi đủ dải đất bảo vệ, bảo trì đường bộ và rà soát phân loại HLATĐB đối với các dự án đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp, cải tạo trên hệ thống quốc lộ.

Trên đây là kết quả thực hiện Kế hoạch lập lại trật tự HL ATĐB năm 2015 và các giải pháp cấp bách thực hiện Giai đoạn từ nay đến năm 2020 của Kế hoạch lập lại trật tự HL ATĐB giai đoạn 2014-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 29/6/2014. Đề nghị Hội nghị tiếp tục thảo luận để triển khai thực hiện thắng lợi công tác lập lại trật tự HLATĐB trên phạm vi cả nước./.








tải về 105.37 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương