Tôn kính Ông Bà Tổ Tiên giữa người Công Giáo Peter Võ Tá Ðề, svd



tải về 306.79 Kb.
trang1/2
Chuyển đổi dữ liệu08.05.2018
Kích306.79 Kb.
#37768
  1   2
Tôn kính Ông Bà Tổ Tiên

giữa người Công Giáo



Peter Võ Tá Ðề, SVD
Việc tôn kính Ông Bà Tổ Tiên (ÔBTT) và Khổng Tử được mệnh danh "Nghi Lễ Trung Hoa" (NLTH). Vấn đề này đã gây tranh luận sôi nổi một thời gian dài trong lịch sử Giáo hội. Suốt ba thế kỷ (17-20) với bao triều đại giáo hoàng và bao văn kiện tòa thánh ngăn cấm NLTH, bắt đầu từ 1645, mãi đến 1939 vấn đề mới được giải quyết1. Với huấn dụ Plane compertum ngày 8 tháng 12 năm 19392. Giáo hội Công giáo chính thức chấp nhận NLTH, cho phép người Công giáo tham gia trong nghi thức tôn kính Khổng Tử và cử hành các nghi thức tôn kính ÔBTT. Mãi đến 1965 Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam xin Tòa Thánh áp dụng huấn dụ Plane compertum.
Vì vậy, từ xưa và ngay cả thời gian gần đây, người ngoài Công giáo vẫn cho rằng người Công giáo bỏ Ông bỏ Bà, quên Tổ quên Tiên, không khói không hương, không nhang không đèn.

Lấy người Công giáo làm chi?

Chết thì ai cúng? Giỗ thì ai lo?

Lấy ai săn sóc mả mồ?

Lấy ai lo lắng bàn thờ Tổ Tiên?
Thực ra người Công giáo vẫn kính Ông kính Bà, vẫn nhớ Tổ nhớ Tiên, vẫn nến vẫn hương, nhưng với cách thức khác người ngoài Công giáo. Cũng nên biết, một cách nào đó, người Công giáo cho những nghi thức cúng giỗ nơi người ngoài Công giáo mang tính cách dị đoan, mê tín.
Bài viết này sẽ đề cập ba điểm chính trong việc tôn kính ÔBTT giữa người Công Giáo:

  1. Những dịp lễ tôn kính ÔBTT trong Phụng vụ Công giáo

  2. Các văn kiện Tòa thánh và văn thư mục vụ của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam (HÐGMVN) về tôn kính ÔBTT

  3. Một vài đề nghị về tôn kính ÔBTT trong cưới hỏi và tang chế. Bài viết này cho người Công giáo, đồng thời cũng cho những người ngoài Công giáo với hy vọng xóa tan sự hiểu lầm nhau từ xưa nay trong lãnh vực tôn kính ÔBTT.


I. Những Dịp Tôn Kính ÔBTT Trong Phụng Vụ Công Giáo
A. Các Lễ
 Giáo hội Công giáo có những ngày dành riêng để kính nhớ những người đã ly trần. Trong ngày 2 tháng 11 hằng năm, ba thánh lễ được cử hành cầu nguyện cho những người đã khuất; cũng là ngày người sống viếng nghĩa trang cầu cho kẻ chết. Hơn nữa, trọn tháng 11 được dành riêng để cầu nguyện cho những người đã qua đời. Thêm vào đó, Giáo hội Việt Nam nhớ đến ÔBTT, người qua đời, trong ngày mồng hai đầu năm Âm lịch.3 Ðó là chưa kể đến mỗi ngày giỗ, ngày kỵ riêng trong từng gia đình, ngày người sống tưởng nhớ người đã khuất bằng cách tham dự thánh lễ và cầu nguyện cho họ. Cũng nên biết, lễ Thánh Gia Thất, được cử hành vào Chúa nhật trong tuần bát nhật của lễ Giáng Sinh, nói lên lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ.

 

B. Lời Nguyện Trong Thánh Lễ


Thử nhìn vào một số lời nguyện trong những ngày dành riêng cho ÔBTT cũng như người đã qua đời để biết người Công giáo nhớ đến các ngài như thế nào. Các lời nguyện trong thánh lễ I ngày 2 tháng 11:
"... Giờ đây, xin Chúa thương nhận lời chúng con khẩn nguyện mà làm cho lòng chúng con luôn trông cậy vững vàng: chính Ðức Giêsu sẽ cho các tín hữu đã lìa cõi thế được phục sinh vinh hiển...” (Nhập lễ).4

"Lạy Chúa, xin thương nhìn đến lễ vật chúng con dâng, và cho mọi tín hữu đã qua đời vào chung hưởng vinh quang với Con Một Chúa...” (Tiến lễ).5

"Lạy Chúa, chúng con vừa cử hành bí tích Vượt Qua để cầu cho anh chị em tín hữu đã qua đời. Xin thương đón nhận họ vào nhà Chúa, nơi đầy ánh sáng và bình an...” (Hiệp lễ).6
Qua các lời nguyện trên người Công giáo biểu lộ niềm tin vào Ðức Kitô, Ðấng đã phục sinh từ cõi chết, Ðấng sẽ cho ÔBTT và người qua đời được phục sinh như Người và được chung hưởng vinh quang muôn đời bên Người.
Trong thánh lễ mồng hai Tết âm lịch, các lời nguyện cũng diễn tả lòng hiếu thảo của con cháu đối với ÔBTT và cầu nguyện cho các ngài:
"...Hôm nay nhân dịp đầu năm mới chúng con họp nhau để kính nhớ tô tiên và ông bà cha mẹ. Xin Chúa trả công bội hậu cho những bậc đã sinh thành dưỡng dục chúng con, và giúp chúng con luôn sống cho phải đạo đối với các ngài...” (Nhập lễ).7

"Lạy Chúa, chúng con hoan hỷ dâng lên Chúa lễ vật đầu xuân này. Cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận mà tuôn đô hồng ân xuống trên tô tiên và ông bà cha mẹ chúng con, để chúng con cũng được thừa hưởng phúc ấm của các ngài...” (Tiến lễ).8

"...Chớ gì nguồn sinh lực thần linh này giúp chúng con ngày nay sống sao cho tròn chữ hiếu đối vớ tô tiên và ông bà cha mẹ, để mai sau được cùng các ngài vui hưởng phúc trường sinh...” (Kết lễ).9
Các lời nguyện cách này hoặc cách kia đều nói lên lòng hiếu thảo của con cháu đối với tô tiên, ông bà, cha mẹ. Các lời nguyện cũng diễn tả niềm tin vào sự tái hợp của người đang sống với tô tiên trong cuôc sống vinh phúc mai sau.
Trong thánh lễ an táng mùa Phục Sinh, các lời nguyện đặc biệt chỉ cho người qua đời. Các lời nguyện cầu cho người anh chị em tín hữu qua đời "cùng được sống lại," "được hưởng ơn cứu độ," "được vào Nước Chúa":
"... (Hôm nay) ÔBACE T. là người tín hữu Chúa và là người anh (chị) em của chúng con đã cùng an giấc với Ðức Giê-su, Con Một Chúa. Nhưng chúng con biết rằng Chúa đã cho Ðức Giê-su sống lại, Chúa cũng sẽ cho ÔBACE được cùng sống lại với Người. Vì vậy, chúng con tin tưởng cầu xin Chúa cho ÔBACE được chia sẻ vinh quang với Ðấng đã từ cõi chết sống lại...” (Nhập lễ).10

"Lạy Chúa, chúng con dâng những lễ vật này để cầu cho ÔBACE T. được hưởng ơn cứu độ. Khi còn sống, ÔBACE đã vững tin Ðức Giê-su Con Chúa là Vị Cứu Tinh nhân hậu, thì giờ đây, xin Chúa cho ÔBACE được thấy rằng Người cũng là Vị Thẩm Phán khoan dung...” (Dâng lễ).11

"Lạy Chúa, Ðức Giê-su Con Chúa đã để lại cho chúng con bí tích Thánh Thể làm lương thực đi đường giúp chúng con đủ sức tiến về nhà Chúa, ước chi nhờ bí tích này, người anh (chị) em tín hữu của chúng con là T. được vào Nước Chúa dự tiệc vui muôn đời...” (Kết lễ).12

Trong thánh lễ giỗ, các lời nguyện vẫn tiếp tục cầu xin cho người qua đời hưởng lòng từ bi vô biên của Chúa, được "thứ tha... thanh tẩy" nếu còn vướng mắc, và được "sum họp cùng các thánh":


"Lạy Chúa, hôm nay, nhân ngày giỗ (đầu) của ÔBACE T., chúng con họp nhau đây, để một lần nữa, phó thác người anh (chị) em tín hữu này cho Chúa. Người thân yêu này, chúng con không thể quên, lẽ nào Chúa lại không nhớ đến! Xin cho ÔBACE được hưởng ân tình vô biên của Chúa là được sống với Chúa giữa cộng đoàn các thánh trên trời...” (Nhập lễ).13

"Lạy Chúa, nhân ngày kỷ niệm ÔBACE T. qua đời, chúng con dâng lễ tế tạ ơn và xá tội này lên trước Tôn Nhan. Cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận và ban cho ÔBACE được về sum họp cùng các thánh...” (Dâng lễ).14

"Lạy Chúa, chúng con đã dâng lễ tạ ơn để cầu cho ÔBACE T. Vậy nếu người anh (chị) em tín hữu này còn mang vết nhơ tội lỗi, xin Chúa cũng rộng lượng thứ tha và khoan hồng thanh tẩy...” (Kết lễ).15

Các Kinh Tiền Tụng cầu cho tín hữu đã qua đời nói lên niềm tin vào Ðức Kitô phục sinh, Ðấng sẽ ban phúc trường sinh cho các tín hữu đã yên nghỉ.16


Thêm vào đó, các Kinh Nguyện Thánh Thể (KNTT) đều dâng lời cầu xin cho những người đã qua đời, xin cho họ được vào chốn trường sinh với Chúa:
"Lạy Cha, xin nhớ đến ÔBACE T. là (các) tôi tớ Cha được ghi dấu đức tin, đã ra đi trước chúng con và đang nghỉ giấc bình an. Lạy Cha, xin cho (những) người tín hữu ấy và các bậc tổâ tiên17 cùng thân bằng quyến thuộc chúng con cũng như tất cả những ai đang an nghỉ trong Ðức Ki-tô, được vào nơi hạnh phúc đầy ánh sáng và bình an." (KNTT I).18

 
C. Bài Ðọc Trong Thánh Lễ


Nhìn vào một vài bài đọc để thấy được niềm tin của người Công giáo đứng trước sự chết và mối liên hệ giữa người sống và kẻ chết. Bài đọc I trong thánh lễ I ngày 2 tháng 11, thánh Phaolô khuyên tín hữu thành Roma vững tin vào Ðức Giêsu Kitô phục sinh để cùng được phục sinh như Người:

"... Vì nếu chúng ta được liên kết với Người trong cùng một cái chết, giống như cái chết của Người, thì chúng ta cũng được hợp nhất với Người, trong sự sống lại như vậy... Mà nếu chúng ta đã chết với Ðức Kitô, chúng ta tin rằng chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người..." (Rom 6:5.8).19


Trong thánh lễ II ngày 2 tháng 11, sách Khôn Ngoan cho chúng ta một cái nhìn tích cực và lạc quan trước sự chết của người thân yêu:

"... Ðối với con mắt người không hiểu biết, thì hình như các ngài đã chết và việc các ngài từ biệt chúng ta, là như đi vào cõi tiêu diệt. Nhưng thật ra các ngài sống trong bình an..." (Kn 3: 2-3).20


Bài Phúc âm trong thánh lễ I ngày 2 tháng 11 nói lên niềm tin vào Chúa Giêsu, Ðấng ban bánh hằng sống, và hứa ban sự sống đời đời cho những ai đón nhận Người, là của ăn và của uống thiêng liêng:

"Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này sẽ sống đời đời... Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết..." (Ga 6:51.54).21

 

Bài Phúc âm trong thánh lễ III ngày 2 tháng 11 diễn tả lời nguyện xin tha thiết của Chúa Giêsu với Chúa Cha để các tín hữu được hiệp nhất với Người:



"Lạy Cha, những kẻ Cha ban cho Con thì Con muốn rằng: Con ở đâu chúng cũng ở đãy với Con, để chúng chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho Con..." (Ga 17:24).22
Lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ được diễn tả qua sách Huấn Ca trong lễ Thánh Gia Thất:

"Ai yêu mến cha mình, thì đền bù tội lỗi, ai thảo kính mẹ mình thì như người thu được một kho tàng. Ai thảo kính cha mình, sẽ được vui mừng trong con cái... Ai thảo kính cha mình, sẽ được sống lâu dài... Hỡi kẻ làm con, hãy gánh lấy tuôi già cha ngươi, chớ làm phiền lòng người khi người còn sống." (Hc 3:3-6a.12).

 

D. Các Kinh và Giáo Huấn             

Nói về các kinh giữa người Công Giáo, có nhiều kinh liên hệ đến người sắp qua đời cũng như người đã qua đời. Chẳng hạn: "Kinh cầu cho người hấp hối,”Kinh cầu cho người vừa tắt thở (sinh thì)," "Kinh cầu lúc tẩm liệm" v.v... "Kinh Vực Sâu," một dạng phóng dịch của thánh vịnh 130 (129), cầu cho người đã qua đời, vẫn được người Việt đọc hằng ngày: "... Lạy Chúa tôi [con], xin ban cho các linh hồn được nghỉ ngơi đời đời và được sáng soi vô cùng. Lạy Chúa tôi [con], xin cho cứu lấy các linh hồn cho khỏi tù ngục mà được nghỉ yên. Amen." Ý nghĩa "Kinh Vực Sâu" cũng đã được các nhạc sĩ sáng tác để tín hữu có thể hát; chẳng hạn: "Từ vực sâu u tối...” Hơn nữa, "Chúng con cậy vì danh Chúa nhân từ, xin cho các đẳng linh hồn được lên chốn nghỉ ngơi—Hằng xem thấy mặt Ðức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng. Amen " vẫn là câu kết thúc kinh nguyện trong nhiều gia đình. Khi có ai qua đời, người trong gia đình mời những người trong giáo xứ, trong làng, hoặc láng giềng đọc kinh tại gia đình cầu cho người vừa qua đời, và tiếp tục 3 ngày sau khi đã chôn cất (đương nhiên người trong gia đình tiếp tục cầu nguyện cho người qua đời hằng ngày). Thêm vào đó, về chữ hiếu, "Kinh Mười Ðiều Răn" lấy từ sách Xuất Hành, vẫn được đọc mỗi Chúa nhật. Mười điều răn gồm ba điều qui về Thiên Chúa và bảy điều qui về con người; kính nhớ ÔBTT được xếp vào hàng đầu trong các điều qui về con người (điều răn thứ tư). Ðiều răn này Gia-vê truyền cho dân Israel và các dân các nước thuộc muôn muôn thế hệ về sau: "Hãy thảo kính cha mẹ để bạn được sống lâu trong đãt Chúa ban" (Xh 20:12). Ðó là chưa nói đến những giáo huấn của thánh Phaolô nhắc nhở con cái vâng lời hiếu thảo với mẹ cha: "Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Ðó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này." (Eph 6:1-3).23


Ngoài việc cầu nguyện, tham dự thánh lễ, người Công giáo cũng có các bữa cơm gia đình chia sẻ giữa những người còn sống trong tinh thần tưởng nhớ người đã khuất.

 

II. Các Văn Kiện Tòa Thánh và Thông cáo của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam

 

Việc tôn kính ÔBTT của người Việt Nam không thể tách rời khỏi hoàn cảnh lịch sử "Nghi Lễ Trung Hoa" (NLTH). Trong thời gian Matteo Ricci, bề trên dòng Tên (S.J.) còn sống chẳng có vấn đề tranh chấp về NLTH. Sau khi Mattheo Ricci qua đời (1610), vấn đề được đặt ra ngay giữa nhóm dòng Tên. Khi thừa sai các dòng khác (Ðaminh, Augustinô, Phanxicô, Thừa Sai Ba Lê) đến Trung Hoa (từ 1630 trở đi), vấn đề tranh tụng trở nên sôi bỏng. Diễn tiến cuộc tranh chấp qua các triều Giáo hoàng khác nhau và những quyết định được ghi lại trong các văn kiện tòa thánh. Các văn kiện về NLTH đều ảnh hưởng đến Việt Nam và các nước lân cận. Bài viết nầy không thể đi vào chi tiết hoàn cảnh lịch sử của cuộc tranh chấp, từng văn kiện cũng như giáo huấn liên hệ đến NLTH. Sau đây là những nét chính trong cuộc tranh chấp về NLTH.



 

A. Văn Kiện Tòa Thánh
1. Juan Bautista Morales, dòng Ðaminh (O.P.) đến Trung Hoa năm 1633. Trong cơn bách hại 1637, Morales bị trục xuất khỏi Trung Hoa. Về đến Roma năm 1643, Morales phúc trình lên Bộ Truyền Bá Ðức Tin (TBÐT) những gì các Cha Dòng Tên (S.J.) cho phép người Trung Hoa thực hiện trong NLTH. Trong bản phúc trình, Morales đưa ra 17 câu hỏi24 trong đó 11 câu hỏi liên hệ đến NLTH, dùng những từ mang tính cách tôn giáo, chẳng hạn: "đền thờ,”bàn thờ,”hy lễ," "chủ tế," "vái lạy," v.v... Chính vì thế, ngày 12 tháng 9 năm 1645,25 Bộ TBÐT, được Ðức Giáo Hoàng (ÐGH) Innocent X phê chuẩn, đã ra sắc cấm NLTH. Nhưng mãi đến năm 1649 sắc này mới đến Trung Hoa.

2. Nhóm các cha Dòng Tên không vừa lòng với sắc 1645, nên năm 1651 đã cử cha Martin Martini, S.J. qua Tòa Thánh để biện hộ cho họ. Bản phúc trình, hay đúng hơn là bản biện hộ của Martini nói không có chủ tế; không ở trong "đền thờ," nhưng ở trong "hội trường"; không phải "bàn thờ," nhưng chỉ là "bàn." Vì thế, nghi lễ không mang màu sắc tôn giáo, nhưng chỉ có tính cách dân sự và xã hội. Dựa vào phúc trình của Martini, ngày 23 tháng 3 năm 1656 Tòa Thánh, được ÐGH Alexandre VII phê chuẩn, ban sắc cho thi hành NLTH.26

 

3. Juan de Polanco, O.P. thắc mắc sắc 1656 có hủy sắc 1645 hay không. Ngày 20 tháng 11 năm 1669, Tòa Thánh, với sự phê chuẩn của ÐGH Clement IX, trả lời cả hai sắc đều có gía trị.27 Nếu NLTH được nhìn dưới tính cách tôn giáo, thì sẽ bị cấm như sắc 1645. Ngược lại, nếu NLTH được nhìn theo tính cách dân sự và xã hội, thì sẽ được chấp nhận như sắc 1656.



4. Ngày 26 tháng 3 năm 1693, Ðại diện Tông Tòa tại Phúc Kiến, Charles Maigrot, thuộc Hội Thừa Sai Ba Lê (M.E.P.), ra chiếu chỉ với 7 điều khoản, buộc các thừa sai trong vùng trách nhiệm của ngài phải tuân giữ.28 Chiếu chỉ này cấm NLTH và kết án Martini, S.J. không trình bày với Tòa Thánh tất cả sự thực về NLTH. Chiếu chỉ này gây bất bình với nhóm Dòng Tên và ngay cả một số thừa sai khác (nhóm Augustino, Phanxicô, và một vài thừa sai dòng Ðaminh). Chiếu chỉ này được trình lên Tòa Thánh duyệt xét. Sau khi duyệt xét, năm 1697 Tòa Thánh thiết lập một nhóm đặc biệt gồm 4 Hồng Y và 4 chuyên gia thần học để mở lại hồ sơ của NLTH dưới thời ÐGH Innocent XII. Vấn đề bị đình trệ vì ÐGH Innocent XII qua đời năm 1700.
Cũng nên biết rằng trong thời gian vấn đề được cứu xét, một nhóm gồm 4 cha dòng Tên viết thư cho vua Khang Hy để thỉnh ý nhà vua về ý nghĩa của NLTH. Ngày 30 tháng 11 năm 1700, 29 vua Khang Hy trả lời các cha dòng Tên với xác định rằng việc thờ Trời, phục vụ các nhà cầm quyền và cha mẹ, lễ phép với thầy giáo và các bậc cao niên là luật của toàn dân trong nước. Ðồng thời, nhà vua cũng xác định những gì 4 cha dòng Tên viết trong thư là đúng và phải lẽ (việc tôn kính ÔBTT là để tỏ lòng hiếu thảo, linh hồn người quá cố không ngự trong các bài vị, dâng lễ phẩm là để nhớ người qua đời dường như họ hiện diện với người sống).

 

5. Sau 7 năm nghiên cứu vấn đề, với sự phê chuẩn của ÐGH Clement XI, ngày 20 tháng 11 năm 1704 Tòa Thánh ra sắc hỗ trợ chiếu chỉ của Maigrot và cấm NLTH vì NLTH mang màu sắc dị đoan. 30 Cũng trong sắc này, ÐGH cử thượng phụ Antioch, Charles Thomas Maillard de Tournon, mang sắc sang Trung Hoa và với tư cách "đại diện toàn quyền" (legatus a latere) của Tòa Thánh để dàn xếp vấn đề giữa các thừa sai và với chính quyền Trung Hoa. Tournon đến Bắc Kinh vào tháng 12 năm 1705.



 

6. Sau 3 lần hội kiến với vua Khang Hy không thành công, Tournon về Nam Kinh. Tháng 12 năm 1706, vua Khang Hy ra lệnh các thừa sai muốn làm việc ở Trung Hoa phải qua sự khảo hạch của vua và vua chỉ ban phép cho thừa sai nào theo các thực hành của cha Matteo Ricci và các cha dòng Tên trong vấn đề NLTH. Trước tình thế này, ngày 25 tháng 1 năm 1707, Tournon ra một bản điều lệ cho các thừa sai biết cách trả lời nhà vua về niềm tin và thực hành Kitô giáo trong vấn đề NLTH; sau hai tuần, bản điều lệ được phô biến ngày 7 tháng 2. 31 Các câu trả lời về NLTH đều mang tính cách tiêu cực; nói một cách khác, NLTH bị cấm theo tinh thần của sắc 1704. Các thừa sai phải tuân theo bản điều luật; nếu không, sẽ mắc vạ tuyệt thông. Ngày 3 tháng 7 năm 1708, Tournon lại ra lệnh cho tất cả các thừa sai muốn làm việc tại Trung Hoa, hay rời Trung Hoa, hoặc làm bề trên các Dòng trên đất Trung Hoa, phải có phép của ngài. 32 Lệnh này gây khó chịu cho vua Khang Hy.

 

7. Các thừa sai ở Trung Hoa khó lòng quyết định hoặc theo lệnh nhà vua, hoặc theo lệnh của Tournon và ÐGH Clement XI. Trước tình thế này, ngày 25 tháng 9 năm 1710, ÐGH Clement XI ra sắc tuyên bố sắc 1704 và lệnh của Tournon ngày 25 tháng 1 năm 1707 phải được tuân theo triệt để. 33 Như thế NLTH vẫn bị cấm ngặt với vạ tuyệt thông đi kèm cho những ai bất tuân.



 

8. Tình thế cũng không tốt hơn, vẫn có những cách giải thích khác với sắc của ÐGH. Chính vì thế, ngày 19 tháng 3 năm 1715 ÐGH Clement XI ra sắc Ex illa die34 với ý định kết thúc cuộc tranh chấp về NLTH. Trong sắc này, ÐGH muốn mọi người phải tuân theo sắc 1704, 1710 và lệnh 1707 của Tournon. Sắc cũng cho phép sử dụng từ "Thiên Chủ" để gọi Chúa trong Kitô giáo. Tuy nhiên, các từ "thiên, hoàng thiên," hoặc "kính thiên" không được phép sử dụng. Sắc kèm theo vạ tuyệt thông cho những ai bất tuân. Ðồng thời, sắc buộc các thừa sai ở Trung Hoa tuyên thệ chống lại NLTH theo mẫu đính kèm trong sắc.

 

9. Sắc Ex illa die gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Người ngoài Công giáo, đặc biệt các Nho sĩ, ghét Kitô giáo, và các cuộc bách hại người Công giáo xảy ra. Tình hình càng ngày càng tệ. Do đó, ÐGH muốn gửi một đặc sứ khác là Carlo Ambrogio Mezzabarba, thượng phụ của Alexandria, sang Trung Hoa để dàn xếp vấn đề. Mezzabarba đến Bắc Kinh ngày 26 tháng 12 năm 1720. Sau vài lần hội kiến với vua Khang Hy, Mezzabarba rời Bắc Kinh về Roma để trình bày vấn đề. Trên đường về, Mezzabarba ngừng chân tại Macao. Chính tại Macao, ngày 4 tháng 11 năm 1721, 35 Mezzabarba viết thư mục vụ khuyến khích các thừa sai tuân giữ sắc Ex illa die, đồng thời kèm theo 8 phép rộng liên quan đến việc áp dụng sắc Ex illa die. 36 Mezzabarba ra lệnh cho các thừa sai không dịch thư mục vụ này sang tiếng Trung Hoa, và chỉ lưu hành nội bộ với tính cách thận trọng.



 

10. Thư mục vụ của Mezzabarba làm cho nhiều thừa sai khó xử. Một số theo, một số chống. Ngày 6 tháng 7 và ngày 23 tháng 12 năm 1733, Giám mục Bắc Kinh, François de la Purification, viết hai thư mục vụ ra lệnh các thừa sai trong vùng trách nhiệm phải tuân giữ sắc Ex illa die theo tinh thần 8 phép rộng của Mezzabarba. Ngày 26 tháng 9 năm 1735, 37 ÐGH Clement XII vô hiệu hóa hai thư mục vụ của François de la Purification, với ý hướng chấm dứt tranh chấp, nhưng ÐGH Clement XII qua đời để lại công việc cho đấng kế vị, ÐGH Benedict XIV.

 

11. Nối tiếp ý hướng của đấng tiền nhiệm, muốn giải quyết dứt khóat vấn đề NLTH, ngày 5 tháng 7 năm 1742, ÐGH Benedict XIV ra sắc Ex quo singulari cấm ngặt NLTH. 38 Trong sắc này ÐGH nhắc lại các sắc của các thời trước, kể từ sắc 1645. Sắc này vô hiệu hóa hoặc rút lại các phép đã cho trước đây trong NLTH: sắc 1656, 8 phép rộng của Mezzabarba, 2 thư mục vụ của Giám mục Bắc Kinh. Sắc này cấm bàn thảo vấn đề dưới mọi hình thức, kèm theo bản tuyên thệ chống lại NLTH, cũng như vạ tuyệt thông tức khắc cho những ai bất tuân. Với sắc Ex quo singulari, ÐGH Benedict khóa sổ vấn đề NLTH, nhưng không thực sự giải quyết được vấn đề. Nghi vấn vẫn còn đặt ra từ các thừa sai tại các xứ truyền giáo dưới nhiều hình thức.



 

12. Hai biến cố quan trọng trong lịch sử đưa đến việc toà thánh cho phép NLTH cần được nhắc lại đây:

 

1) Trường hợp thứ nhất xảy ra tại Nhật Bản. Ngày 5 tháng 5 năm 1932 sinh viên Công giáo thuộc Ðại học Sophia ở Tokyo khước từ bái đầu trong đền Yasukuni, nơi tôn kính các anh hùng liệt sĩ hy sinh vì quốc gia. Trong tình thế đó, giám mục Johannes Ross, cắt nghĩa giáo luật khoản 1258, cho phép người Công giáo Nhật tham dự nghi thức viếng thăm đền Yasukumi và sau đó trình bày vấn đề cho giám mục Tokyo, Jean Alexis Chambon. Ngày 22 tháng 9 năm 1932, giám mục Chambon hỏi chính quyền Nhật Bản về tính chất của việc viếng đền các anh hùng liệt sĩ; giám mục muốn biết viếng đền có tính chất tôn giáo hay dân sự. Ngày 30 tháng 9, chính quyền trả lời cho biết việc viếng đền các anh hùng liệt sĩ chỉ mang tính cách dân sự, để bày tỏ lòng ái quốc. 39 Chính vì thế, tháng 1 năm 1933, đại diện tông tòa tại Nhật, giám mục Edward Mooney, cho phép người Công giáo Nhật Bản tham dự các nghi thức trong đền các anh hùng liệt sĩ.


2) Trường hợp thứ hai xảy ra tại Mãn Châu. Chính quyền muốn áp dụng chính sách "Hoàng Ðạo." Theo chính sách này người dân phải bái mình trước tượng hay bài vị của Khổng Tử. Ngày 27 tháng 2 năm 1935, giám mục tại thủ đô Kirin, Augustin Ernest Pierre Gaspais, hỏi chính quyền về tính chất của việc bái mình này. Ngày 5 tháng 3 năm 1935, Bộ trưởng Giáo dục cho biết việc vái mình trước tượng hay bài vị Khổng Tử là chỉ tỏ lòng tôn kính và gợi lên tinh thần ái quốc. 40 Ngày 12 tháng 3 năm 1935, giám mục Gaspais triệu tập các đấng bản quyền về họp tại tân thủ đô, Ksinking, để xét lại vấn đề người Công giáo tham dự nghi thức của người ngoài Công giáo dưới ánh sáng giáo luật khoản 1258.2. Biên bản cuộc họp được chính giám mục Gaspais nộp về Thánh Bộ Truyền Bá Ðức Tin. Sau khi duyệt xét biên bản, ngày 28 tháng 5 năm 1935 tông trưởng Bộ Truyền Bá Ðức Tin, Hồng Y Fumasoni-Biondi, với sự chuẩn y của ÐGH Pius XI, cho phép dân Công giáo Mãn Châu được tham dự nghi thức tôn kính Khổng Tử. 41 Kết quả đi kèm là ngày 26 tháng 5 năm 1936, Bộ Truyền Bá Ðức Tin ra huấn dụ Pluries instanterque cho phép người Công giáo Nhật thi hành nghĩa vụ công dân đối với các anh hùng liệt sĩ, được phép tham dự các nghi thức tống táng, cưới hỏi, cũng như các nghi thức khác có tính cách dân sự và xã hội. 42 Tòa thánh cho phép dân Nhật Bản một phần chính có lẽ với lý do chính trị bởi vì lúc bấy giờ thế lực quân sự của Nhật Bản quá mạnh.

 

13. Huấn dụ 1935 cho Mãn Châu và huấn dụ 1936 cho Nhật Bản đã trở thành nguyên do chính để Bộ Truyền Bá Ðức Tin, với sự phê chuẩn của ÐGH Pius XII, ra huấn dụ Plane compertum ngày 8 tháng 12 năm 1939 cho Trung Hoa. 43 Huấn dụ này cho phép người Công giáo Trung Hoa tôn kính Khổng Tử trước tượng hay bài vị, được thiết lập hình ảnh hoặc bài vị Khổng Tử để bái chào, được tham dự các nghi thức công cộng không mang tính cách dị đoan, và được bái trước người chết, hình ảnh hay bài vị người chết. Lý do cho phép NLTH được xác định rõ trong phần mở đầu của huấn dụ:



 

"Ở nhiều miền bên Phương Ðông, người ta nhận thấy có một vài lễ nghi, dù xa xưa có liên hệ đến lễ điển tôn giáo, nhưng trong hiện tại, vì tập quán và tâm tình đã biến đổi theo thời gian, chỉ còn nói lên lòng hiếu thảo đối với tiền nhân, lòng ái quốc hay sự lịch thiệp đối với tha nhân." 44


Oái oăm thay, ý kiến của vua Khang Hy ngày 30 tháng 11 năm 1700 về NLTH đã không được chấp nhận; nhưng thời điểm này sau bao đau thương tranh chấp, lý do cho phép NLTH chính là những gì vua Khang Hy đã trình bày trước đây. 45 Ðó cũng là những gì vua Gia Long bày tỏ với giám mục Bá Ða Lộc về việc tôn kính ông bà tổ tiên. 46

 

B. Văn kiện liên hệ, Thông cáo của HÐGMVN và THÐGM Á Châu 1998

 

Thiết tưởng cũng nên đi qua lịch sử dẫn đến thông cáo của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam (HÐGMVN) về vấn đề tôn kính ÔBTT.


1.         Huấn dụ Plane compertum ngày 8 tháng 12 năm 1939 đã cho phép Trung Hoa và các nước phụ cận thực hành việc tôn kính Khổng Tử, các anh hùng liệt sĩ, và ông bà tô tiên. Không rõ lý do tại sao mãi đến năm 1964 Hàng Giám Mục Việt Nam mới xin phép áp dụng huấn thị Plane compertum. 47 Với văn thư số 3787/64 đề ngày 2 tháng 10 năm 1964, Ðức Hồng Y Grêgoriô Phêrô Agagianian thông báo cho Khâm sứ Tòa Thánh tại Sàigòn, Angelo Palmas, biết trong cuộc triều yết ngày 29 tháng 9 năm 1964 ÐGH Phaolô VI đã chấp thuận lời thỉnh cầu của Hàng Giám Mục VN, cho phép Giáo hội VN áp dụng huấn dụ Plane compertum. 48

2.         Ngày 15 tháng 11 năm 1964 TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình loan tin vui cho toàn thể Giáo hội VN: "Ðây thực là một ngày lịch sử, một hiện tượng mới cho toàn thể Giáo hội Việt Nam. Chúng tôi, đại diện cho Hàng Giám mục Việt Nam, xin long trọng công bố tin mừng này..."49 TGM cũng kèm theo lời căn dặn: "Còn việc đưa áp dụng thực hành, chúng tôi sẽ ban bố sau những chỉ thị và mẹo mực cho từng trường hợp." 50

3.         Cuối khóa họp hai ngày tại Ðà Lạt, ngày 14 tháng 6 năm 1965 HÐGMVN ra thông cáo về việc tôn kính ÔBTT và các bậc anh hùng liệt sĩ. 51 Thông cáo gồm hai phần:

1) "Giáo-hội Công-giáo đối với nền Văn-hóa và Truyền-thống các Dân-tộc"

Giáo hội không khinh chê tư tưởng, nghệ thuật của người ngoài Công giáo. Trái lại Giáo hội thanh luyện và thánh hóa phong tục tập quán của các dân tộc; Giáo hội đã đưa vào Phụng vụ của mình những nghi lễ của các dân nước trong việc tưởng nhớ mầu nhiệm hoặc tôn kính các thánh (trích dẫn Evangelii praecones, 2-6-1951 của ÐGH Piô XII và Princeps Pastorum, 28-11-1959 của ÐGH Gioan XXIII). Thêm vào đó, Giáo hội tôn trọng giá trị tinh thần và luân lý của các tôn giáo khác (trích Ecclesiam suam, 6-8-1964 của ÐGH Phaolô VI).

2) "Thể thức áp dụng Huấn-thị Plane compertum est"

Phần hai chia làm ba khoản. Khoản đầu cho phép và hầu như trích lại phần dẫn nhập của Plane compertum:

Nhiều hành vi cử chỉ xưa kia, tại Việt Nam, có tính cách tôn giáo, nhưng nay vì sự tiếp xúc với bên ngoài và vì tâm tình, tập quán, đã thay đổi nhiều, nên chỉ còn là những phương cách biểu lộ lòng hiếu thảo tôn kính đối với Tổ-tiên và các bậc Anh-hùng liệt sĩ. Những cử chỉ, thái độ, nghi lễ, có tính cách thế tục, lịch sự, và xã giao đó, Giáo hội Công giáo chẳng những không ngăn cấm mà còn mong muốn và khuyến khích cho nó được diễn tả bằng các cử chỉ riêng biệt của mỗi nước, mỗi xứ, và tùy theo trường hợp. 52

Theo đó, việc treo hình, ảnh, tượng, nghiêng mình bái, trưng hoa, thắp nến, tô chức ngày giỗ kỵ cho người qua đời đều được phép.

Việc cho phép bởi vì những việc xưa có tính cách tôn giáo, nhưng nay chỉ còn là "phương cách biểu lộ lòng hiếu thảo tôn kính đối với Tổ-tiên..." Nói một cách khác, việc tôn giáo ngày xưa bị cấm đoán, nay đã mất ý nghĩa tôn giáo hay bị tục hóa, vì thế "việc đó" ngày nay được phép. Nhưng thử hỏi việc vái lạy trước bàn thờ ÔBTT, theo tâm thức của người Việt hôm nay, có phải chỉ có tính cách dân sự và xã hội vì đã mất hết ý nghĩa tôn giáo? Chắc hẳn là không! Việc vái lạy trước bàn thờ ÔBTT đương nhiên khác hẳn với việc vái trước người sống. Việc vái lạy trước bàn thờ ÔBTT là một hành vi rất ư tôn giáo. 53 Hơn nữa, vấn đề có thể hiểu ngược lại, nghĩa là một hành vi nào đó đầu tiên mang tính cách dân sự và xã hội, nhưng với thời gian hành vi đó mang lấy một ý nghĩa mới, một ý nghĩa tôn giáo. Ðiều này chúng ta thấy rõ trong sinh hoạt Phụng vụ của Giáo hội; chẳng hạn trong thánh lễ việc thêm nước vào rượu54 và việc linh mục rửa tay55 ban đầu chỉ là việc bình thường, nhưng với thời gian ý nghĩa thiêng liêng được thêm vào; Giáo hội cũng "rửa tội" các tập tục hay cử hành của người ngoại làm của riêng mình, chẳng hạn lễ Giáng sinh, 56 bí tích khai tâm... Cũng trong chiều hướng này ta có thể lý luận rằng, nếu ban đầu việc tôn kính ÔBTT là việc để tỏ lòng hiếu thảo, chỉ có tính cách dân sự và xã hội, thì với thời gian, việc tôn kính ÔBTT đã mang một ý nghĩa thiêng liêng và trở thành rất tôn giáo.

Chính vì thế, việc cho phép NLTH với lý do đó là "nói lên lòng hiếu thảo đối với tiền nhân, lòng ái quốc hay sự lịch thiệp đối với tha nhân" như huấn dụ Plane compertum, hoặc chỉ là "phương cách biểu lộ lòng hiếu thảo tôn kính đói với Tổ-tiên...” như thông cáo 1965 của HÐGMVN, xem ra không mấy vững chắc.

Khoản hai, để "bảo vệ cho Ðức tin Công giáo,"thông cáo cũng cấm một số việc làm "không phù hợp với giáo lý Công giáo," chẳng hạn: nghi lễ diễn tả phục tùng và lệ thuộc vào thụ tạo như đối với Thiên Chúa, việc đốt vàng mã, và cử hành ở những nơi dành riêng cho việc tế tự...

Khoản ba, thông cáo cũng đề cập đến những việc làm không rõ mang tính cách tôn giáo hay dân sự. Trong trường hợp này cần dựa "theo dư luận dân chúng địa phương," nếu đó không phải là việc biểu lộ niềm tin của một tôn giáo ngoài Kitô giáo, thì được phép tham dự. Nếu hồ nghi, hành động theo tiếng lương tâm và hoàn cảnh. Phần này không rõ ràng hoặc gây khó xử cho tín hữu vì thông cáo nói thêm: "Trong trường hợp hồ nghi, mọi người liên hệ không được theo ý riêng mình, mà sẽ phán đoán theo chỉ thị của Tòa thánh và bàn hỏi với các Giáo sĩ thành thạo." Nếu chỉ thị của Tòa thánh rõ ràng rồi, làm sao còn hồ nghi được? Hơn nữa, trong trường hợp cụ thể người tín hữu tìm đâu ra "giáo sĩ thành thạo" tại chỗ để tham khảo ý kiến?

 

4.         Ngày 19 tháng 4 năm 1972, 57 Ủy Ban Giám-mục về Truyền Bá Phúc Âm (TBPÂ) ra quyết nghị liên hệ đến việc tôn kính ÔBTT và anh hùng liệt sĩ để áp dụng huấn dụ Plane compertum. Trong phần dẫn nhập, Ủy Ban TBPÂ trích lại khoản một của phần thứ hai trong thông cáo 1965 của HÐGMVN, đồng thời thêm một câu trước và một câu sau lời trích dẫn:



Ðể đồng bào lương dân dễ chấp nhận Tin Mừng, hội nghị xét rằng: một ít "cử chỉ, thái độ, lễ nghi sau đây có tính cách thế tục, lịch sự, xã giao, để tỏ lòng hiếu thảo, tôn kính và tưởng niệm các Tổ-tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ" (TC/HÐGMVN/14-6-1965), nên được thi hành và tham dự cách chủ động.

 

Tiếp đến Ủy Ban liệt kê những gì được phép:



a) Ðặt bàn thờ Tổ-tiên (gia tiên) dưới bàn thờ Chúa trong gia đình.

b) Ðốt nhang (hương), đốt đèn (nến), xá lạy, trước bàn thờ Tổ-tiên.

c) Ngày giỗ được cúng giỗ theo phong tục cha ông, nhưng không được đốt vàng mã.

d) Tham dự nghi lễ tôn kính vị Thành-Hoàng "lành" tại đình làng, để tỏ lòng cung kính, biết ơn những vị đã có công sáng lập làng ấp, chứ không phải để cầu bái xin ơn phù hộ.

đ) Trong việc hôn nhân, được lạy giường thờ vì đó là nghi lễ do lòng hiếu kính ông bà.

e) Trong tang lễ, được xá lạy thi hài người quá cố, đốt hương, xá lạy theo phong tục Á-đông, để tỏ lòng cung kính người chết, giống như Giáo-hội cho đốt đèn nến, xông hương trên thi hài người quá cố.

Cuối cùng Ủy Ban đề nghị nên giải thích, nếu sợ hiểu lầm, cho giáo dân rõ việc tôn kính ÔBTT là "một nghĩa vụ hiếu thảo... chứ không phải là những hành động Tôn-giáo của một Tín-ngưỡng" và đó là "bôn phận sau việc tôn thờ Thiên Chúa."

 

5.         Khóa hội thảo VII về Truyền Bá Phúc Âm toàn quốc họp tại Nha Trang từ ngày 12 đến 14 tháng 11 năm 1974. Kết thúc khóa, 7 giám mục tham dự ra thông cáo về "Lễ Nghi Tôn Kính Ông Bà Tổ Tiên." 58 Các giám mục chấp thuận và cho thi hành quyết nghị của Ủy Ban Giám Mục về TBPÂ ngày 19 tháng 4 năm 1972.



Nội dung của thông cáo chỉ lặp lại 6 điểm của quyết nghị 19-4-1972. Về phần thứ tự, việc tôn kính Thành Hoàng được xếp sau cùng (điểm 6), thay vì điểm 4 như quyết nghị 1972. Danh từ "bôn phận" trong câu cuối cùng của quyết nghị được thay thế bằng "giới răn" nói lên tính cách bó buộc hơn của việc tôn kính ÔBTT. Thông cáo giải thích thêm 6 điểm của quyết nghị 1972:

1) Bàn thờ Gia Tiên để kính Ông bà Tổ tiên được đặt dưới bàn thờ Chúa trong gia đình, miễn là trên bàn thờ không bày biện điều gì dị đoan, như hồn bạch... 59

2) Việc đốt nhang hương, đèn nến trên bàn thờ Gia Tiên, và bái lạy trước bàn thờ, giường thờ Tổ tiên là những cử chỉ, thái độ hiếu thảo tôn kính được phép làm

3) Ngày giỗ cũng là ngày "Kỵ nhậtỏ được cúng giỗ trong gia đình theo phong tục địa phương, miễn là loại bỏ những gì là dị đoan mê tín, như đốt vàng mã... và giảm thiểu canh cải những lễ vật để biểu dương đúng ý nghĩa thành kính biết ơn Ông bà như dâng hoa trái hương đèn.

4) Trong hôn lễ, dâu rể được làm "Lễ Tổ, lễ Gia Tiên" trước bàn thờ, giường thờ Tổ Tiên, vì đó là nghi lễ tỏ lòng biết ơn, hiếu kính trình diện với ông bà.

5) Trong tang lễ được vái lạy trước thi hài người quá cố, đốt hương vái theo phong tục địa phương để tỏ lòng cung kính người đã khuất, cũng như Giáo hội cho đốt đèn nến xông hương, nghiêng mình trước thi hài người quá cố.

6) Ðược tham dự nghi lễ tôn kính vị Thành Hoàng, quen gọi là "Phúc Thần" tại đình làng, để tỏ lòng cung kính biết ơn những vị mà theo lịch sử đã có công với dân tộc hoặc là ân nhân của dân làng, chứ không phải vì mê tín như đối với các "yêu thần tà thần."

Thông cáo đưa ra những chỉ dẫn tổng quát, vì thế tạo tình trạng khó xử cho những ai muốn thi hành thông cáo, đặc biệt là giáo dân. Hơn nữa, những gì Giáo hội ngăn cấm trước đây vẫn in sâu trong tâm khảm nhiều người. Vì thế cần có những chỉ dẫn chi tiết và giải thích để người thi hành không e ngại. Nhưng thực ra, thông cáo không chỉ dẫn cách trình bày trang trí bàn thờ tô tiên, không nói đến tô tiên bao nhiêu đời được tôn kính trong gia đình. Thông cáo cho phép vái lạy, nhưng không nói vái lạy như thế nào, vái lạy bao nhiêu lần, v.v... Trong hôn lễ đôi tân hôn vái lạy Tổ tiên, nhưng không đề cập vấn đề vái lạy ông bà cha mẹ còn sống. Về Thành Hoàng, người Công giáo được phép tham dự nghi thức tôn kính, nhưng thông cáo không nói đến việc người Công giáo tô chức hay đóng vai trò chủ động.

Một vấn đề được nêu ra trong việc cưới hỏi và tang chế là liệu có thể một nghi thức nào được cử hành trong thánh đường, giữa cộng đoàn những kẻ tin, thay thế cho việc cử hành tại gia đình?

 

6.         Các giám mục Việt Nam tham dự Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu (THÐGMAC) họp tại Roma từ ngày 19 tháng 4 đến 17 tháng 5 năm 1998, đã phát biểu tầm quan trọng của việc tôn kính ÔBTT giữa người Công giáo. Trong khóa họp thứ 9, ngày 24 tháng 4, Étienne Nguyễn Như Thể, TGM Huế, cho biết tam giáo (Không giáo, Lão giáo và Phật giáo) đã hội nhập niềm tin căn bản trong dân gian, đó là việc tôn kính ÔBTT, trong khi đó Giáo hội Công giáo phải đau khô dằng co trong vấn đề tôn kính ÔBTT. Giám mục nói: "Giữa người Công giáo, thật không dễ áp dụng tập tục này, và đôi khi tạo nên chia rẽ trong gia đình. Tôn kính ÔBTT vẫn còn là một khó khăn nhất trong mục vụ và là một chướng ngại thực sự trong việc truyền giáo." 60 Thật khó xử cho người Công giáo trong nghi lễ tôn kính ÔBTT, Phaolô Nguyễn Văn Hòa, GM Nha Trang, trong khóa họp thứ 3, ngày 21 tháng 4, cho biết: "Ðối với tín đồ của vài tôn giáo... thì việc trở thành người Công giáo có nghĩa là một sự phản bội đối với gia đình và cả đối với đất nước của họ nữa." 61 Tương tự, Bartholomeo Nguyễn Sơn Lâm, GM Thanh Hóa, phát biểu: "Bên Việt Nam, việc ngăn cấm Kitô hữu tôn kính ÔBTT suốt 3 thế kỷ đã làm cho các Kitô hữu cắt đứt với những gì căn bản nhất của xã hội Việt Nam. Ðiều này cho biết tại sao họ bị coi như những kẻ xa lạ trong chính đất nước của họ, và họ đã bị bách hại." 62       



Nhìn chung, các giám mục VN tại THÐGMAC nói lên tính cách quan trọng của việc tôn kính ÔBTT, cũng như ảnh hưởng của việc tôn kính ÔBTT trong vấn đề truyền giáo.

 

Tiện đây xin khai triển thêm tại sao các GMVN tại THÐGMAC đã cho rằng tôn kính ÔBTT là một cản trở cho vấn đề truyền giáo trong quá khứ? Tại sao cho phép nghi thức tôn kính lại là một phương tiện tốt cho truyền giáo trong hiện tại và tương lai?



a. Cản Trở

Việc tranh chấp về NLTH kéo dài suốt ba thế kỷ trong lịch sử Giáo hội đã gây ra nhiều cản trở trong việc truyền giáo và là nguyên do cho bao cuộc bách hại các tín hữ63 Việc tôn kính ÔBTT đã là nguyên do tạo ra chia rẽ trong nhiều gia đình, gây nên căng thẳng giữa các phần tử của đại gia đình với người trong theo đạo Công giáo. 64 Ðây cũng là trường hợp cụ thể xảy ra trong gia đình của nữ tu Mai Thành, với 72 tuôi đời, 54 năm làm con Chúa và 50 năm trong tu viện; cha con căng thẳng khi người con gái muốn vào đạo Công giáo. 65 Biết bao thanh niên thanh nữ đã không nên vợ thành chồng cũng vì ngăn cách giữa người Công giáo và người ngoài Công giáo trong việc tôn kính ÔBTT. Trong phương diện này, việc tôn kính ÔBTT của người Công giáo đã là một cản trở cho việc truyền giáo mãi cho đến năm 1965.

b. Phương tiện

May mắn thay, sau hai ngày họp tại Ðà Lạt, HÐGMVN đã ra thông cáo ngày 14 tháng 6 năm 1965 cho phép việc tôn kính ÔBTT theo phong tục Việt Nam và 9 năm sau tại Nha Trang, một thông cáo khác ngày 14 tháng 11 năm 1974 khuyến khích việc tôn kính ÔBTT theo tinh thần Ðạo Hiếu. Thêm vào đó, các giám mục Việt Nam tại THÐGMAC năm 1998 đã nhìn nhận khó khăn trong truyền giáo khi cấm việc tôn kính ÔBTT và là phương tiện truyền giáo, nếu biết áp dụng theo tinh thần hội nhập văn hóa... Buồn thay, cho đến lúc này nhiều phần tử của Giáo hội Việt Nam vẫn rất xa lạ hoặc chưa hề nghe đến hai thông cáo quan trọng và những lời phát biểu của các giám mục tại THÐGMAC về việc tôn kính ÔBTT. Vì thế những ai đã biết hai thông cáo này và những lời phát biểu của các giám mục đều có trách nhiệm chia sẻ cho các anh chị em khác cũng như những người ngoài Công giáo để nhờ đó "đồng bào lương dân dễ dàng chấp nhận Tin Mừng." 66 Riêng người viết cùng với người anh linh mục tại Việt Nam đã liên hệ với một nhóm anh chị em ngoài Công giáo từ 11 năm nay để đả thông về việc tôn kính ÔBTT. Kết quả có thể tạm nhìn thấy, nghĩa là, khoảng 100 cuốn Thánh Kinh được làm quà tặng cho nhóm anh chị em này. Họ đã vui lòng đón nhận. Tạ ơn Chúa. Xin cho hạt giống Ngôi Lời đâm rễ nơi những người anh chị em này. Phải chăng việc tôn kính ÔBTT là một phương tiện truyền giáo? Câu trả lời không cần phải suy nghĩ lâu...

 



tải về 306.79 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương