TÂm lý HỌc phật giáo thích Tâm Thiện Xuất bản: Ban Văn hóa Trung ương ghpgvn o0o Nguồn


IV.2 Chương 2: Tâm lý giáo dục Phật giáo



tải về 0.82 Mb.
trang8/9
Chuyển đổi dữ liệu20.05.2018
Kích0.82 Mb.
#38997
1   2   3   4   5   6   7   8   9

IV.2 Chương 2: Tâm lý giáo dục Phật giáo


IV.2.1 Sự vận hành của ý thức

Như đã trình bày, sự trôi lăn (sinh, diệt) tương tục của Tàng thức và Mạt na thức là vô gián (không gián đoạn), thuật ngữ gọi là "hằng" (permanent). Trái lại, ý thức có lúc hoạt động, có lúc không hoạt động, như trong năm trường hợp sau đây : (1) trong cõi trời Vô tưởng, (2-3) trong hai định Vô tâm (Diệt tận định, và Vô tưởng định), (4) ngủ mê không có mộng mị, và (5) bất tỉnh nhân sự (chết giả, xỉu). Ngoài năm trường hợp trên, ý thức luôn luôn hoạt động. Sự vận hành đó được cụ thể hóa qua 51 tác năng cơ bản của tâm thức, gọi là tâm sở, bao gồm : 

1/ 5 tác năng cơ bản và bao quát của tâm : (1) cảm xúc, (2) tác ý, (3) Cảm thọ, (4) ấn tượng và (5) các động lực tâm lý (Tư). 

2/ 5 tác năng đặc thù của tâm : (1) ham muốn, (2) hiểu biết-thông suốt, (3) ghi nhớ, (4) tập trung và (5) vận dụng lý trí. 

3/ 11 tác năng của tâm về điều thiện : niềm tin, siêng năng, biết tự xấu hổ, biết mắc cỡ với người khác, không tham lam, không sân hận, không si mê, không phóng đãng, không chấp trước, không làm điều nguy hiểm đến (các đối tượng khác). 

4/ 6 tác năng cơ bản của tâm gây ra phiền não : 

(1) tham lam, (2) sân hận, (3) si mê, (4) kiêu mạn, (5) hoài nghi, (6) sự hiểu biết mang tính chất tội ác, bao gồm 5 loại : (a) chấp ngã, (b) có thành kiến, (c) mê tín dị đoan, (d) chủ quan và bảo thủ, (e) đi theo các hủ tục, hình thức và giáo điều. 

5/ 20 tác năng thứ yếu của tâm gây ra phiền não : chia thành 3 loại : 

a- Phạm vi hẹp : (1) giận, (2) hờn, (3) che giấu tội lỗi, (4) ưu phiền, (5) ganh tỵ, (6) bỏn xẻn, (7) lừa dối, (8) nịnh hót, (9) làm hại, (10) kiêu căng. 

b- Phạm vi bình thường : (11) không biết xấu hổ với lương tâm, (12) không biết xấu hổ với kẻ khác. 

c- Phạm vi bao quát : (13) thân tâm giao động, (14) chứng trầm uất, (15) lười biếng, (16) phóng túng, (17) đãng trí, (18) rối loạn tâm lý , sự hiểu biết bất chính. 

6/ 4 tác năng trung tính (bất định) của tâm : 

(1) ăn năn, (2) chứng buồn ngủ, (3) sự thao thức tìm cầu, (4) sự thẩm định kỹ lưỡng. 

(gọi 4 tác năng này là bất định, vì nếu mỗi tác năng đi theo điều thiện, nó được gọi là thiện, và ngược lại là ác...) 

Trên đây là 51 tác năng của tâm lý hay còn gọi là các hiện tượng tâm lý của con người, và phạm vi hoạt động của mỗi tác năng tâm lý trên luôn luôn gắn liền với ý thức. Nói khác đi, ý thức luôn luôn có mặt trong 51 hiện tượng tâm lý trên bất kỳ khi nào các hiện tượng đó xuất hiện. Tỉ dụ, sự trầm uất sẽ diễn ra khi ý thức bị suy thoái và phân tán gần như tê liệt, hoặc đãng trí sẽ xảy ra khi ý thức thiếu sự tập trung v.v... Tương tự như thế đối với các hiện tượng như buồn, giận, thương, yêu, ghét, muốn... 

Và để giải quyết các hiện tượng tâm lý trên, cần phải áp dụng phương pháp Tứ đế. Tỉ dụ, khi sự ưu phiền xảy ra, con người không cần phải chạy trốn nó hay cầu khẩn van xin ai hết. Ở đây, chúng ta cần tìm một chỗ yên tĩnh, vắng người, dừng lại các tạp niệm, bắt đầu quan sát và đối diện với sự ưu phiền. Hãy quan sát thật kỹ : (1) hiện tượng ưu phiền, (2) nguyên nhân của sự ưu phiền, (3) sự chấm dứt ưu phiền và (4) (làm cách nào để đi vào) con đường đưa đến sự chấm dứt ưu phiền. Đây là phương pháp rất hữu hiệu cần được hướng dẫn cụ thể cho từng đối tượng cụ thể. Thực tế cho thấy, khi có sự ưu phiền, bạn hãy đừng chạy trốn nó bằng cách nào khác hơn là cứ mạnh dạn đối diện và ngắm nhìn nó. Sự ngắm nhìn một cách chuyên chú và có hiệu quả, lập tức ưu phiền sẽ tan biến (vấn đề này sẽ được trình bày cụ thể hơn ở phần sau). 

---o0o---

IV.2.2 Các hình thức của ý thức

Trong Duy thức học, có ba hình thái cơ bản của ý thức hay là sự nhận thức, hiểu biết về các hiện tượng diễn biến của thế giới tâm lý và thế giới thực tại khách quan (vật lý), bao gồm : 

(1) Trực giác (Hiện lượng) 

(2) Suy luận (Tỷ lượng) 

(3) Nhận thức sai lầm (Phi lượng) 

1/ Trực giác : Là sự nhận thức trực tiếp (derect perception) mà không cần thông qua quá trình suy luận. Tỉ dụ, đang đi trên hè phố, bất chợt ta gặp con bò, liền biết đó là con bò mà không cần phải dùng đến suy luận hay phán đoán. 

2/ Suy luận : Là sự nhận thức gián tiếp (Indirect perception) qua sự phân biệt, so sánh, suy nghĩ... rồi mới đưa đến một nhận thức. Tỉ dụ, đang đi trên hè phố, bất chợt ta gặp con bò, nhưng lúc đó mắt bị hoa nên nhìn con bò không rõ, thấy nó giống con trâu... Sau khi đến gần, mắt hết hoa, ta nhìn thấy đúng là con bò. Sự phân biệt khác nhau và liên tưởng đến trâu và bò để cuối cùng xác định con bò là quá trình suy luận. 

3/ Nhận thức sai lầm : Nếu trực giác sai và suy luận cũng sai thì gọi là nhận thức sai lầm. Tỉ dụ, đang đi trên hè phố, bất chợt gặp con bò mà cứ tưởng là con trâu ; rồi suy luận con trâu có hai cái sừng, con vật này cũng có hai cái sừng ; như vậy con vật này là con trâu. Như thế là trực giác sai lầm và suy luận cũng sai lầm. Điều này gọi là Phi lượng (Wrong perception). Tương tự như câu chuyện tỉ dụ về "hang đá" của Plato, hay "những người mù sờ voi" trong văn học Phật giáo. 

Ba hình thái nhận thức trên lại được chia thành 4 loại cụ thể theo các trường hợp đúng và sai. 

1/ Trực giác đúng : (Còn gọi là Chân hiện lượng) 

Tỉ dụ : nhìn con bò biết rõ đó là con bò. 

2/ Trực giác sai : (Còn gọi là Tợ hiện lượng) 

Tỉ dụ : nhìn cái bóng đổ trên tường mà tưởng là người thật. 

3/ Suy luận đúng : (Còn gọi là Chân tỷ lượng) 

Tỉ dụ : Vì có khói nên có lửa (đúng với sự thật) 

4/ Suy luận sai : (Còn gọi là Tợ tỷ lượng) 

Tỉ dụ : Vì có khói nên có lửa (sai với sự thật, vì khói đó là khói mây, chứ không phải là khói lửa. Suy luận như thế là vì người suy luận đứng xa thấy khói tưởng là có lửa). 

Trên đây là sự trình bày về hình thái của nhận thức ở góc độ cơ bản theo tri thức bình thường của con người. 

---o0o---

IV.2.3 Các trạng thái hoạt động của ý thức

Có năm trạng thái hoạt động của ý thức, đó là : ý thức trong tán loạn, ý thức độc lập, ý thức trong định, ý thức trong sự điên loạn và ý thức trong tương quan với năm thức giác quan. 

1/ Ý thức trong tán loạn (Tán vị ý thức) : 

Là ý thức bị phân tán, không tập trung. Tỉ dụ, vừa nghe điện thoại, vừa đếm tiền, vừa nói chuyện... Ý thức trong tán loạn làm suy giảm hiệu quả của năng lực hoạt động, của công việc và thường gây ra sự rối loạn và lãng quên. 

2/ Ý thức độc lập (Độc đầu ý thức) : 

Là ý thức làm việc một mình không liên hệ với 5 thức của giác quan như : mắt, tai, mũi, lưỡi và thân. Trong trường hợp ngồi lặng yên suy tư không để ý đến sự chi phối ở bên ngoài gọi là ý thức độc lập. Ý thức độc lập khi đạt đến sự tập trung cao, nó gần với ý thức trong định. 

3/ Ý thức trong định (Định trung ý thức) : 

Là ý thức được điều phục bởi chánh kiến và chánh tư duy ; và đối tượng của ý thức trong định là những đối tượng không liên hệ đến tham, sân, và si. Do đó, ý thức trôi chảy trong thiền định theo một đề mục hiện quán nào đó, như khi thở, hay thân thể, cảm thọ, tâm thức và pháp trần... được gọi là chánh định (Right concentration). Ngược lại, nếu đối tượng của ý thức trong định còn liên hệ đến tham, sân, si hay các đối tượng làm sinh khởi tham, sân, si... được gọi là tà định. Sự khác nhau cơ bản giữa ý thức trong định và ý thức độc lập là ở chỗ, ý thức trong định được điều phục bởi chánh tri kiến (Right view) ; còn ý thức độc lập là ý thức hoạt động một mình nhưng tự do... 

4/ Ý thức trong sự điên loạn (Loạn trung ý thức): 

Là ý thức không được hướng dẫn và kiềm chế bởi lý trí, nó gần như bị điều hành bởi bản năng và sự rối loạn của ý thức chính nó. Ý thức trong sự điên loạn là một loại bệnh lý đặc biệt. 

5/ Ý thức trong tương quan với năm thức giác quan 

(Ngũ câu ý thức) : Là sự hoạt động chung, cùng sinh khởi và cùng hoàn diệt của ý thức với năm thức giác quan. Như khi đạp xe chẳng hạn, ý thức cùng hoạt động với năm thức giác quan. Tỉ dụ, thân đạp xe, mắt nhìn đường, tai nghe earphone v.v... 

Trong năm trạng thái hoạt động trên, ý thức trong định luôn luôn ở trạng thái cao nhất và có hiệu quả nhất. Đó chính là sự định tâm, chuyên chú vào công việc mà mình đang làm như thiền định, học hành, đọc sách, nghe nhạc ... Năng lượng của ý thức trong định là nguồn năng lượng được tập trung. Do đó, các nhà tâm lý trị liệu xem ý thức trong định như là một phương tiện hiện đại và nhiệm mầu nhất trong các kỹ thuật lâm sàng như điện sinh học, tâm lý trị liệu v.v... 

---o0o---



IV.2.4 Các mối liên hệ giữa ý thức và thực tại

Trong phần trình bày về đặc tính của ý thức đã đề cập đến chức năng thông suốt ba cảnh (đối tượng) của ý thức, đó là Tánh cảnh (thực tại), Đới chất cảnh (ảnh tượng của thực tại) và Độc ảnh cảnh (ảnh tượng của ý thức). 



1/ Ý thức và Tánh cảnh 

Như đã định nghĩa (trong phần III), Tánh cảnh là thế giới thực tại. Nó không bị chi phối hay biến thái của ý thức chủ quan. Tỉ dụ, đỉnh Lanbiang là thực tại. Nhận thức của chúng ta về đỉnh Lanbiang thì không bao giờ đúng như là đỉnh Lanbiang chính nó. Về mặt ý thức, nó không thể được đồng hóa với bản chất của đỉnh Lanbiang. Về mặt nhận thức, đỉnh Lanbiang có một không gian ba chiều (dài, rộng, cao) và có tám hướng (đông, tây, nam, bắc, đông-bắc, tây-bắc, đông-nam, tây-nam); do đó, khi đối diện đỉnh Lanbiang chúng ta chỉ có thể nhận thức được nó trong chiều/mặt trực tiếp. Như thế, sự nhận thức về phía Đông của đỉnh Lanbiang không phải là một nhận thức toàn diện. Vì phía Đông của đỉnh Lanbiang không phải là đỉnh Lanbiang, mà nó chỉ là một phần của đỉnh Lanbiang. Do đó, nhận thức của con người bao giờ cũng bị giới hạn bởi không gian, thời gian và tầm nhìn của con người chính nó. Và thường, đối diện với một thực tại nào đó, chúng ta chỉ thật sự nhận thức một phần rất nhỏ của thực tại mà thôi. Tương tự như thế đối với tất cả sự vật hiện tượng. Cần lưu ý rằng, khi nói ý thức có thể tiếp xúc với thực tại (Tánh cảnh) có nghĩa là ý thức đó là ý thức của trực giác (Hiện tượng), mà không phải là ý thức của suy luận (Tỷ lượng) hay của nhận thức phiến diện, sai lầm (Phi lượng). Bất kỳ ý thức nào kèm theo một sự phân biệt dù nhỏ nhoi đến đâu cũng đều là ý thức của suy luận. Do vậy, ý thức chỉ tiếp xúc với thực tại thật sự khi và chỉ khi hoàn toàn vắng mặt mọi sự phân biệt. 



2/ Ý thức và Đới chất cảnh 

Đây là lãnh vực chuyên môn của ý thức hay là đối tượng thường xuyên của ý thức. Như đã được định nghĩa, Đới chất cảnh là bóng dáng của thực tại, là ảnh tượng của thực tại. Tỉ dụ, dầu chỉ một lần ngắm nhìn đỉnh Lanbiang, song ý niệm về đỉnh Lanbiang và ảnh tượng của đỉnh Lanbiang luôn luôn được cất giữ trong Tàng thức. Bất kỳ lúc nào, khi chúng ta nghĩ đến đỉnh Lanbiang thì lập tức các ảnh tượng của nó sẽ hiện ra trong tâm thức của chúng ta. Đây là một loại thực tại ảo, là ảnh tượng, là bóng dáng của thực tại. Và hầu hết 24 giờ trong một ngày, con người thường sống với thực tại ảo, một thực tại hoàn toàn không thực, bị bóp méo, bị nhào nặn lại bởi ý thức chủ quan. Nó là một chất liệu kích thích sự khát vọng, thèm muốn v.v..., và cũng là nguyên nhân gây ra khổ đau. Tỉ dụ, hình ảnh của người yêu cũ cách đây 20 năm, thảng hoặc nó vẫn hiện lên trong tâm thức của chúng ta ; và có người hằng sống với quá khứ, với những nỗi niềm đau khổ, tuyệt vọng... Các ảnh tượng của quá khứ sẽ không mất đi mà nó luôn luôn được ghi chép lại, được lưu giữ lại trong Tàng thức, gọi là ký ức. Đó cũng là "một cuốn nhật ký mà đi đâu bạn cũng mang theo". Đây là lý do tại sao kinh Nhất Dạ Hiền nói : 

"Quá khứ không truy tìm, 
Tương lai không ước vọng, 
Quá khứ đã qua rồi 
Tương lai thì chưa đến 
Chỉ có pháp hiện tại 
Tuệ quán chính ở đây"... 

Có thể nói, vãng cảnh (quá khứ) và viễn cảnh (tương lai) hầu như chi phối 90% đời sống của con người. Như thế có nghĩa là con người đã đánh mất cuộc sống thật sự (bây giờ và ở đây) của mình cho các nuối tiếc quá khứ và ước vọng tương lai. Và đây là mối liên hệ thường xuyên của ý thức và thực tại ảo (Đới chất cảnh). 



3/ Ý thức và Độc ảnh cảnh 

Như đã trình bày, Độc ảnh cảnh là ảnh tượng do ý thức tạo ra, nó không có trong thực tại và không liên hệ gì đến thực tại. Tỉ dụ, trong chiêm bao, ta thấy các nàng tiên nữ hái hoa cho mình, thấy các thiên thần hộ trì mình, thấy các sự thể mà đời thường mình chưa bao giờ thấy, và nó thực chất cũng chưa bao giờ có. Hoặc các ảnh tượng hội họa của trường phái siêu thực (Surealism), các ảnh tượng siêu hình (Metaphysical) v.v... đều thuộc về sáng tạo của ý thức độc lập, nó là bản chất của Độc ảnh cảnh (ảnh tượng không có trong thực tại). Đây là nội dung của các mối liên hệ giữa ý thức và thực tại. 

---o0o---

IV.2.5 Bản chất và hiện tượng của ý thức

Nói đến bản chất và hiện tượng của ý thức cũng là nói chung cho cả tám thức. Vì ngay từ đầu, tám thức được đề cập như là một tổng thể bất khả phân ly, gọi chung là tâm ý thức hay tâm thức. Tuy nhiên, ở đây sự thể được tập chú vào ý thức của các chức năng hoạt động của nó mà thôi. 

Sự hiện hữu của thức là do nương vào ý căn và trần cảnh mà sinh khởi ; do đó, nó sinh và diệt tùy theo nhân duyên. Thức tự thân nó vốn là sự biểu hiện, mà biểu hiện là biểu hiện từ cái gì đó ; cho nên đối với thức, chỉ có sự hoặc là biểu hiện, hoặc là không biểu hiện chứ không có khái niệm "bắt đầu và kết thúc". Vả lại, bản thân của sự biểu hiện là phân biệt, tức là cái này khác cái kia. Chính sự phân biệt hay nói chung là "biểu biệt" (Vikalpa), là bản chất của ý thức. 

Mặt khác, biểu biệt thì luôn luôn phải có sự biểu biệt (chủ thể hay kiến phần) và cái được biểu biệt (đối tượng hay tướng phần). Hai yếu tố này nương tựa vào nhau và sinh ra một biểu biệt - tức một nhận thức. Như vậy, nhận thức bao giờ cũng phải có chủ thể nhận thức (subject), đối tượng được nhận thức (object), không thể thiếu một trong hai. Và do đó, một đặc trưng khác của biểu biệt cần phải bàn đến là : tự biểu và cộng biểu. 

Tự biểu là biểu hiện riêng của chính nó, cộng biểu là biểu hiện chung về nó. Điều này tương tự như khái niệm "être-en-soi" và "être-pour-soi" của J.P. Sartre trong Hiện sinh thuyết. (74) 

Tỉ dụ con cá trong hồ chẳng hạn, nó vẫn có một đời sống riêng của nó, nó tung tăng bơi lội, nó vẫy đuôi nó buồn (Cá buồn thì cá vẫy đuôi, người buồn cảnh có ngược xuôi cũng buồn), nó sợ bị "nấu canh" v.v... Nhưng, qua nhận thức của anh chàng nghệ sĩ, của nhà sinh vật học và của chị đầu bếp thì con cá hoàn toàn khác nhau... Cũng như thế, nước đối với cá là tất cả sự sống, nhưng đối với con người nó chỉ là "một phần tất yếu của đời sống". Đó là tính cách tự biểu và cộng biểu của Vikalpa (biểu biệt). Tương tự, không gian, thời gian, bốn đại (đất, nước, gió, lửa), và v.v... tất cả đều là biểu biệt của ý thức. Khi hội đủ điều kiện (nhân duyên) thì nó biểu hiện, và khi chưa đủ duyên thì nó ẩn tàng. Và do đó, đối với hiện hữu (các pháp) không thể nói là đến hay đi, không hay có. 

Tóm lại, bản chất và hiện tượng, con người và thế giới, tự thân và tha nhân, tự biểu và cộng biểu, cá nhân và cộng đồng... tất cả là một tổng thể của "Duyên khởi". Nói theo ngôn ngữ của Hoa Nghiêm, tất cả đều mang ý nghĩa "tương tức" (interbeing), "tương nhập" (interpenetration) hay "Một là tất cả, tất cả là Một". Trong ý thức của ta có cả ý thức của cộng đồng (collective consciousness" (khái niệm của Jung) và ngược lại, trong ý thức của cộng đồng cũng có ý thức của ta v.v... 

Trên đây là phần trình bày đại cương về ý thức - đối tượng chính của tâm lý giáo dục Phật giáo. Nghĩa là ý thức đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong tiến trình giáo dục, giúp cho con người vươn đến một sự toàn tri (giác ngộ). Ý thức là người cầm đuốc soi sáng cho toàn thể ngôi nhà tâm thức và thế giới hiện tượng khách quan. Và chỉ có ánh sáng của ý thức mới có thể đem lại cho cuộc đời của chính mỗi con người một đời sống hiểu biết thật sự. Tuy nhiên, nên nhớ rằng ý thức là vô ngã và không vĩnh hằng, chỉ trợt té một cái và ngất xỉu là ý thức băng tiêu. Những gì còn lại ở đây là hạt giống, tập khí và nghiệp nằm trong lòng Tàng thức, ngay cả khi thân thể này đã yên giấc nghìn thu. Do đó, con người sẽ mãi mãi chìm đắm trong thế giới luân hồi - tái sinh ; và con người sẽ thật sự giải thoát - giác ngộ khi và chỉ khi nào mọi hạt giống ô nhiễm, mọi tập khí trần lao, và mọi nghiệp thức cấu uế, bất thiện không còn hiện hữu trong lòng Tàng thức. 

---o0o---

IV.2.6 Con đường giáo dục truyền thống của Phật giáo

Con đường giáo dục truyền thống của Phật giáo xuyên suốt 25 thế kỷ qua kể từ thời Đức Phật (563-483 B.C) cho đến nay bao giờ cũng được đặt trên nền tảng của Giới học (Adhisìla - sikkhà), Định học (Adhicitta - sikkhà) và Tuệ học (Adhipannà - sikkha). 

Giới học là những môn học về giới luật hay cơ sở của luân lý đạo đức Phật giáo, bao gồm các giới điều cụ thể như 5 giới, 10 giới v.v... tùy theo đối tượng cụ thể như Phật tử tại gia và tu sĩ... Tuy nhiên, các giới điều về mặt hình thức được xem như là qui tắc mô phạm, những tiêu chuẩn và giá trị đạo đức; do đó nó thường mang tính chất khuôn mẫu, ước lệ. Nhưng về mặt bản chất, giới pháp là cội nguồn của đạo lý, là năng lượng nuôi sống sinh mạng tuệ giác của nhà Phật. Đức Phật dạy : "Bao lâu giới luật còn thì Phật pháp còn". Và như thế, bản chất của giới pháp không phải chỉ là những gì được thể hiện qua các giới điều mà nó còn đi xa hơn nữa, đó là những hạt giống thanh tịnh nằm trong chiều sâu của tâm thức. Như vậy, Giới học cũng là môn học đi vào tâm thức, khảo sát và thanh lọc (trạch pháp) các hạt giống nhiễm ô và phát triển các hạt giống thanh tịnh trong tâm thức của con người. 

Định học là môn học đi vào điều phục các tâm hành hay còn gọi là ý thức. Sự điều phục đó nhằm mục đích hướng dẫn con người đi ra khỏi các rối loạn của đời sống tâm lý, và xa hơn là thể nhập chân lý-thực tại, giải thoát khổ đau ngay tại đời sống này. Định học, nói cho đủ là thiền định bao gồm các phương tiện, thể cách khác nhau như thiền quán - nặng về tư duy, và thiền chỉ - nghiêng về điều phục hơi thở, thân và tâm. Tuy nhiên, đối tượng chính của sự thiền định là làm cho tâm trong sạch (tự tịnh kỳ ý) ; cho đến khi nào tâm được thanh tịnh nghĩa là khi đó hành giả đạt được sự giác ngộ-toàn tri. Tiến trình đi đến sự giác ngộ đó được Đức Phật dạy rõ qua tứ Thiền, cửu Định: 

(1) Ly sanh hỷ lạc, (2) Định sanh hỷ lạc, (3) Ly hỷ diệu lạc, (4) Xả niệm thanh tịnh, (5) Không vô biên xứ, (6) Thức vô biên xứ, (7) Vô sở hữu xứ, (8) Phi tưởng phi phi tưởng xứ, và (9) Diệt thọ tưởng định. 

Tuệ học là môn học đi vào trí tuệ (wisdom). Trí tuệ đó được phát sinh từ chánh kiến (Right view) và chánh tư duy (Right thinking), tức là nhìn đúng sự thật và tư duy đúng sự thật. Và trí tuệ cao nhất là trí tuệ vô ngã hay trí tuệ vô phân biệt như được đề cập trong triết học Duy thức. 

Từ những chi tiết trên, ta thấy rằng Giới-Định-Tuệ dù được biểu hiện dưới những hình thái khác nhau; song, cả ba đều qui về một mục đích duy nhất là làm cho tâm thức trở nên thanh tịnh, trong sạch. Đây là điểm nhất quán, độc đặc trong toàn bộ các hệ thống giáo dục Phật giáo. Và nếu "Đạo" được định nghĩa là "Con đường" và "Phật" được định nghĩa là "con người giác ngộ", thì đạo Phật chính là "con đường đưa con người đi đến giác ngộ" ; đây là nội dung của con đường giáo dục Phật giáo. Tất nhiên, mục tiêu là như thế, song con đường để đi đến mục tiêu đó thì không thể giống nhau. Cũng như tất cả mọi người đều mang giầy, nhưng không thể có một đôi giầy nào có thể được dùng chung cho tất cả mọi người. Đó là vì mỗi người có một cái nghiệp cá nhân của riêng mình. Cũng vì lý do này nên Đức Phật đã dùng đến "phương tiện" như con thuyền để đưa người sang sông. Vì thế, nói đến giáo dục là phải nói đến phương tiện giáo dục, tức là các điều kiện cần thiết để dạy và học ; các dụng cụ, thiết bị khảo cứu, thí nghiệm ; các đường hướng, biện pháp cụ thể v.v... nhằm giúp con người nắm bắt và giải quyết các vấn đề trong cuộc sống hiện thực. Cũng vậy, đối với Phật giáo, các hình thức sinh hoạt như học hành, niệm Phật, tụng kinh, hay thiền định v.v... cho đến các sinh hoạt bình thường như quét nhà, gánh nước, bổ củi... đều được xem như là phương tiện để điều phục và thanh lọc thân tâm của tự thân và cho tha nhân. Mọi hình thức khác dù mang danh nghĩa Phật giáo và được biểu hiện như thế nào đi nữa mà không hướng đến các mục tiêu trên thì hoàn toàn đi ngược lại với tinh thần Phật giáo. 

---o0o---



IV.2.7 Tinh thần giáo dục Phật giáo

Giáo dục thường được biểu hiện qua các môi trường nhất định như gia đình, học đường và xã hội. Và tinh thần giáo dục luôn luôn được thể hiện qua các mối tương quan hai chiều của sự truyền thụ và khích lệ giữa thầy và trò, giữa cha mẹ và con cái v.v... Do đó, trước hết giáo dục phải được xem là mối quan hệ song phương (Bileteral relation) ; và trong mối quan hệ song phương đó, tâm thức của người học trò là trung tâm điểm của giáo dục. 

Giáo dục, theo tinh thần Phật giáo nói chung và Duy thức học nói riêng, là con đường đánh thức ý thức tự giác của mỗi người và giúp cho ý thức tự giác đó vươn đến sự trực nhận và thể nghiệm chân lý bằng thể cách năng động và sáng tạo của chính nó trong một tổng thể hài hòa giữa con tim và trí tuệ. 

Ở đây, mỗi cá thể được xem như là chủ nhân của hạnh phúc và khổ đau, không ai khác ngoài con người chính nó phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về kho tàng tâm thức của mình. Trong kho tàng tâm thức ấy có chứa đầy đủ các hạt giống của thiện và ác, của địa ngục và Niết bàn, của trần thế và siêu thế... Cho đến việc gieo trồng và làm cho sinh khởi hay loại trừ và hủy diệt các hạt giống của tâm thức v.v..., đều do ý thức của cá thể quyết định. Như thế, mỗi người sau khi nhận thức sự thật về nguồn gốc của khổ đau và hạnh phúc, hãy tự chọn cho mình một đời sống, một sinh mệnh theo ý muốn của mình. Ở đây, qua lăng kính của Duy thức và Phật giáo nói chung, không có một đấng quyền năng nào hay một kẻ siêu nhân nào có thể ngự trị và chi phối sinh mệnh của con người ngoài ý thức của chính con người ấy. Cũng không có một động lực siêu nhiên nào có thể ban thưởng hay trừng phạt con người, cũng như không có một quyền uy nào tối thượng hơn quyền uy của tâm thức trong con người chính nó. Ngay cả các khái niệm như nghiệp, nghiệp thức, tập khí v.v... tất cả đều do ý thức của mỗi cá thể tạo nên. Nghiệp (Karma) là cái sinh mệnh thực hữu, hiện tiền mà đi đâu con người cũng mang theo. Nhưng Nghiệp là gì ? Đức Phật dạy : "Nghiệp là hành động có tác ý" (volitional action), hay hành động được phát sinh từ tâm thức ; và Ngài dạy rõ rằng : "Con người là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự nghiệp. Nghiệp là quyến thuộc, là thai tạng mà từ đó con người được sinh ra". 

Như thế, tinh thần giáo dục Phật giáo là tinh thần đánh thức con người và trả con người về với chính nó. Ở đây, ý thức của mỗi cá thể bao giờ cũng đóng vai trò trung tâm trong các lĩnh vực của đời sống. 

Stanley Hall - một nhà tâm lý học người Mỹ - và học trò của ông là John Dewey - một nhà triết học thực dụng - là những người đề xướng một phương pháp giáo dục mới tại Mỹ ở những năm cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Theo quan điểm của phương pháp giáo dục mới mà Hall và Dewey đề bạt - đã một thời thịnh hành và vẫn còn ảnh hưởng đến nền giáo dục của Mỹ cho đến ngày nay - thì "sự tiến triển của tâm lý con người phát sinh từ bên trong mà ra. Như vậy, sự tiến triển ấy không phải nhờ sự thúc đẩy bên ngoài mà có. Và giáo dục phải lấy đứa trẻ làm khởi điểm, phải căn cứ trên tâm lý của nó chứ không phải là của người dạy nó, phải dựa vào năng lực và nhu cầu của mỗi đứa trẻ, phải lấy kỷ luật tự giác làm phương tiện, đứa trẻ là trung tâm điểm của học đường" (75). 

Về thế giới của tâm lý trong giáo dục, Dewey cho rằng : "Tâm lý của trẻ con không phải là một tinh thể (système statique) cứ đứng yên mãi một chỗ, giữ một mực, mà nó là một "động lực" diễn tiến không ngừng" (76). Với ông, cái mà gọi là bản ngã thực chất không gì khác hơn là tiến trình hoạt động (Le moi c'est de l'activité). Nó là một nguồn năng lượng tiềm tàng trong tâm thức và luôn luôn hoạt động tìm cách thể hiện "cái chân tính" của nó, và tiến trình hoạt động không ngừng đó được biểu hiện qua ba hình thức : (1) Ý chí (Volonté), (2) Tri giác (Intelligence) và (3) Tánh tình (caractire). Và theo Dewey, giáo dục chính là sự đào luyện tánh tình. Nghĩa là trước hết, giáo dục giúp cái động lực sẵn có trong tâm trí của mỗi người, phát động và kêu gọi đến cái động lực nguyên sinh của con người, để rồi sau đó, hướng dẫn nó phát triển và thích ứng hóa với xã hội. 

Sau cùng Dewey kết luận như sau : "Giáo dục không phải là một công việc dạy chữ, dạy tiếng, mà trước hết là để cho trẻ sống, hoạt động theo đà tiến phát của chúng, theo tiếng đập của con tim chúng trong một bầu không khí thuận tiện, để cho cả cơ thể, tâm tính và trí tuệ của chúng dung dưỡng và nẩy nở điều hòa. Giáo dục có nghĩa là học, nhưng học nhờ sự sống và trong sự sống (apprendre par la vie et dans la vie)"(77). Và từ đó, Dewey đề ra các nguyên tắc giáo dục như : (1) Nguyên tắc giáo dục đồng phát sinh" (pédagogie génétique), (2) "Nguyên tắc sư phạm cơ năng" (pédagogie fonctionnelle) và (3) "Nguyên tắc ý thức xã hội". (78) 

Từ những dẫn dụ trên, chúng ta thấy rằng ít nhất ở một vài góc độ nào đó về ý thức tự giác, về tâm thức hay các tiềm lực tâm lý v.v..., nền giáo dục hiện đại đã bắt gặp tinh thần giáo dục của Phật giáo, một tinh thần tự chủ, tự giác, năng động, sáng tạo... trong giáo dục mà Đức Phật đã truyền dạy cho các vị thánh đệ tử của Ngài cách đây hơn 26 thế kỷ.

---o0o---



Каталог: downloads -> duy-thuc-tong -> hoc-duy-thuc
downloads -> Ủy ban nhân dân tỉnh bà RỊa vũng tàU
downloads -> Ủy ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam thành phố CẦn thơ Độc lập Tự do Hạnh phúc
downloads -> BỘ y tế Số: 19/2011/tt – byt cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
downloads -> THỦ TƯỚng chính phủ CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
downloads -> THÔng tư Ban hành Quy chế công nhận trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học đạt chuẩn quốc gia
hoc-duy-thuc -> TÂm lý HỌc phật giáo ht. Chơn Thiện o0o Nguồn
hoc-duy-thuc -> Chúng Tôi Học Duy Thức
hoc-duy-thuc -> Thức Thứ Tám Lâm Như Tạng Chùa Viên Giác, Hannover, Đức Quốc pl. 2549 dl 2005

tải về 0.82 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương