TIỂu thuyết thứ NĂM



tải về 1.05 Mb.
trang4/14
Chuyển đổi dữ liệu13.08.2016
Kích1.05 Mb.
#17777
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   14

Từ khoá: Sự vận động, văn học yêu nước.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong lịch sử văn học dân tộc, chủ đề yêu nước là chủ đề lớn, xuyên suốt hàng nghìn năm, từ văn học dân gian sang văn học thành văn; và với văn học thành văn thì lịch sử của nó có độ dài hàng nghìn năm, kể từ thế kỷ X cho đến bây giờ. Một lịch sử với các thời kỳ khác nhau, trong đó giai đoạn nửa sau thế kỷ XIX là một giai đoạn đặc thù, với những đặc trưng và phẩm chất khác với lịch sử trước nó và sau nó. Do những đặc thù và phẩm chất đó nên việc nhận diện và khảo sát nó luôn là cần thiết; và cũng chưa bao giờ là kết thúc, bởi với các gợi ý mới của thời cuộc, của đời sống đương đại, thì đối tượng luôn luôn cần đến những cách nhìn mới và các cách tiếp cận mới, để có tiếp các giá trị mới.

2. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU



2.1. Cơ sở văn hoá tư tưởng

Lịch sử xã hội Việt Nam trải qua hàng ngàn năm đã xảy ra nhiều biến cố trọng đại. Ông cha ta đã thực hiện bao cuộc kháng chiến anh dũng chống quân xâm lư­ợc và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ đất nư­ớc. Từ chiến thắng quân Nam Hán của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng đến đại thắng quân Thanh của Quang Trung, lịch sử đã trải qua biết bao thăng trầm. Như­ng có lẽ, giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX là giai đoạn mà lịch sử Việt Nam diễn ra nhiều biến cố kịch liệt nhất. Đây là cuộc thử thách bi đát của chế độ phong kiến Việt Nam trên bư­ớc đư­ờng tan rã trư­ớc chủ nghĩa đế quốc phương Tây. Trong cuộc đọ sức không cân bằng ấy, chế độ phong kiến Triều Nguyễn mau chóng thất bại toàn diện, và cùng với nó là sự suy vong của ý thức hệ Nho giáo đã tồn tại hàng ngàn năm trên đất nư­ớc ta.

Vẫn như đầu thế kỷ XIX, Nho giáo được coi là quốc giáo. Triều đình tôn sùng Nho học. Khổng, Mạnh, Trình, Chu được coi là những vị thánh. Sách vở của họ được coi là thiên kinh địa nghĩa. Tình trạng bảo thủ, nệ cổ đến mức kỳ quặc không tưởng tượng được. Trong giai đoạn này, ngoài Nho giáo thì Phật giáo, Đạo giáo và nhiều tín ngưỡng khác cũng phát triển. Đó là chưa nói về phương diện tư tưởng thì dường như người nào cũng tin rằng có một thứ "mệnh trời" nào đó còn lớn hơn rất nhiều so với những cố gắng của họ, cuối cùng sẽ quyết định mọi việc thành bại ở đời. Đây chính là lý do để triều Nguyễn khước từ mọi đề nghị cải cách, canh tân đất nước của các nhà Nho cấp tiến. Một yếu tố rất quan trọng dẫn đến tấm thảm kịch của đất nước vào những năm cuối thế kỷ XIX.

Lần đầu tiên đất nước "nghìn năm phong kiến" phải đối diện với một lực lượng xâm lược hoàn toàn mới, đến từ phương Tây, và chưa hề nằm trong phạm vi thông tin của triều đình nhà Nguyễn. Vũ khí, chiến lược, chiến thuật, văn hóa, ngôn ngữ của họ hoàn toàn xa lạ vượt ra ngoài tầm hiểu biết của một nước Việt Nam vốn chỉ biết có "Thiên triều", còn lại là bế quan tỏa cảng. Một cuộc đọ sức rất chênh lệch đã diễn ra. Tấn bi bịch không phải chỉ ở chỗ chiến bại quá thảm hại, mà còn ở chỗ vua quan nhà Nguyễn không có lấy một chút hiểu biết về kẻ thù. Họ đã tổ chức phòng vệ không phải không hết sức mình. Nhưng cho đến khi sức cùng lực kiệt rồi mà nhận thức về "lũ bạch quỷ", "rợ Tây dương" vẫn không có bao nhiêu thay đổi. Họ càng không biết gì về đại cục thế giới, về nguy cơ của tất cả các nước phương Đông trước sự phát triển của chủ nghĩa tư bản phương Tây đang cần thị trường, nhân công và nguyên liệu.

Tiếng súng bắn vào cửa biển Đà Nẵng ngày 31-8-1858, không những mở màn cho cuộc xâm lược của thực dân Pháp mà còn báo hiệu một sự biến chuyển lớn lao trong lịch sử dân tộc ta. Từ đó đến cuối thế kỷ, theo quan điểm của bọn thực dân, là thời kỳ "chinh phục và bình định". Đứng về phía ta là thời kỳ nhân dân ta đứng lên với tư cách người dân một nước độc lập, đương diện đấu tranh gìn giữ tổ quốc chống bọn xâm lược nhưng rồi thất bại. Nhân dân ta anh dũng thật, nhưng thế nước không sao cứu vãn được. Thực dân dần dần quàng ách thống trị lên cả nước. Một hình thái xã hội mới - xã hội thực dân nửa phong kiến ra đời, rõ nét dần vào những năm cuối thế kỷ XIX đầu XX (người ta thường mệnh danh là xã hội giao thời). Xã hội giao thời ấy là xã hội nảy sinh trên cơ sở của những tư tưởng cướp nước, đầu hàng và tư tưởng xu danh trục lợi. Ghê tởm nhất là những cảnh bất nhân phi nghĩa.

Cuộc chiến đấu chống ngoại xâm của nhân dân với ảnh hưởng sâu rộng trong cả ý thức lẫn tổ chức xã hội đã để lại dấu ấn của nó trên lập trường chính trị cũng như ý thức nghệ thuật của nhiều tác giả văn học yêu nước.

Vào nửa cuối thế kỷ XIX, văn học Việt Nam phát triển trong một hoàn cảnh đặc biệt: sự tác động mạnh mẽ và sâu xa của cuộc xâm lăng và cuộc chống xâm lăng trên cơ sở một xã hội có nhiều phân hóa và trên một quá trình biến chuyển nước nhà đi từ chỗ có chủ quyền đến chỗ nô lệ, cùng với nó là sự khủng hoảng trầm trọng về ý thức hệ của nhà văn, nhà thơ, sự thay đổi lớn lao của hiện thực và sau đó là sự có mặt mang theo sự đe dọa phủ định của những yếu tố văn học mới. Sự du nhập của văn hóa phương Tây, tác động của chúng vào văn hóa phương Đông diễn ra trên một phạm vi rộng lớn - trên hầu khắp lục địa châu Á. Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX dậm dựt bứt ra khỏi những chủ đề truyền thống của Nho gia, nhận lãnh trách nhiệm thổi lên tiếng kèn tập hợp lực lượng để chống xâm lược. Văn học của triều đình bế tắc trước yêu cầu lịch sử, văn thơ của các nhà nho như Nguyễn Khuyến, Trần Bích San, Nguyễn Thông… đã chịu ảnh hưởng của hiện thực xã hội. Một số khác, như Trần Tế Xương, Kép Trà, quay sang chủ đề tố cáo hiện thực. Những nhà Nho miền Nam trong vùng bị xâm lược hay bị đe dọa trực tiếp đã trở nên những nghệ sĩ tụng ca lòng yêu nước, chiến công và gương hy sinh dũng liệt của các nhà Nho và nghĩa binh. Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Hữu Huân… nằm trong số đó. Một số khác, sau khi theo chiếu Cần vương ứng nghĩa tiếp tục nội dung tâm, chí, đạo trong một hoàn cảnh cực kỳ khắc nghiệt và tiền đồ đen tối (rõ rệt nhất là Nguyễn Quang Bích).

Hơn thế, cuộc sống của con ng­ười trong xã hội lúc này tràn ra khỏi khuôn khổ của luân thư­ờng đạo lý cổ truyền tiến triển theo chiều h­ướng mới. Kinh tế t­ư bản chủ nghĩa đã nảy nở và đang dần phát triển, tạo nên không khí tấp nập ở các đô thị. Nho phong tàn tạ, sĩ khí tiêu tán, bút lông hết thời. Xã hội thực dân t­ư sản dần thay thế xã hội phong kiến cũ, thể hiện qua cuộc khai thác thuộc địa và các chính sách cai trị của thực dân Pháp, cùng với sự giao lưu văn hóa Việt - Pháp.

Quả thực, những biến đổi xã hội ở các mặt kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật vào những năm cuối thế kỷ XIX trên đất nước ta đưa đến những biến đổi về thế giới quan, nhân sinh quan. Văn hóa dân tộc tiếp biến cùng chung với văn hóa khu vực, hội nhập khu vực. Văn minh phương Tây, văn học Pháp tác động mạnh đến văn học Việt Nam nhất là vào những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Văn học chịu ảnh hưởng ý thức hệ hiện đại: tư sản và vô sản. Bên cạnh những thể loại truyền thống, có những thể loại mới đối lập với thể loại cũ. Lý luận phê bình văn học thực sự có dấu hiệu hiện đại. Tăng cường tư duy phân tích lý luận, sử dụng một số khái niệm mang tính công cụ để tiếp cận đối tượng. Văn học được coi như một đối tượng khoa học cần được nhìn nhận đánh giá từ nhiều góc độ.

Đặc biệt trong đời sống văn hóa t­ư tư­ởng của giai đoạn nửa sau thế kỷ XIX, sự kiện đáng chú ý hơn cả có lẽ là những t­ư tư­ởng cải cách xã hội của một số sĩ phu cấp tiến có dịp ra n­ước ngoài, tiếp xúc trực tiếp với văn hóa phương Tây hoặc đọc sách của ph­ương Tây như­: Nguyễn Trư­ờng Tộ, Nguyễn Lộ Trạch. Từ những năm đầu thế kỷ XIX, khuynh hướng này đã xuất hiện với những người như Trần Đình Túc, Nguyễn Huy Tế, nhưng đến khoảng giữa thế kỷ mới biểu hiện rõ với một loạt đề nghị của Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch. Đề nghị cải cách của Nguyễn Trường Tộ bao gồm nhiều mặt về nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp, tài chính, quân sự, nội trị, ngoại giao, giáo dục, văn hóa, xã hội. Tinh thần chung trong những đề nghị cải cách của ông là phản đối thái độ phục cổ, chú trọng thực tiễn và khoa học kỹ thuật. Riêng những chủ trương về văn hóa, giáo dục của ông có ý nghĩa tiến bộ đặc biệt. Nguyễn Trường Tộ đả kích kịch liệt lối học từ chương, hư văn đương thời. Ông nhấn mạnh "học thực dụng thì kết quả sẽ được thực dụng, học hư hèn thì kết quả sẽ phải hư hèn". Và chủ trương "học tức là cái chưa biết để mà biết, biết để mà làm", nhà trường phải học khoa học kỹ thuật, học thiên văn, địa lý, học luật học, học sinh ngữ. Giống như Nguyễn Trư­ờng Tộ, Nguyễn Lộ Trạch chủ trương mở rộng giao thiệp với nước ngoài, trọng việc học kỹ nghệ: "Việc học kỹ nghệ không phải khó như việc cắp nách núi Thái Sơn để vượt qua biển Bắc như lời thầy Mạnh. Vả lại theo tình hình khẩn cấp, lúc khát mới lo đào giếng thì đã chậm, nhưng chậm còn hơn là không biết mãi. Dù mất mới lo làm chuồng cũng chưa phải là muộn". Nhưng rồi cũng như Nguyễn Trường Tộ, những đề nghị của Nguyễn Lộ Trạch đều bị triều đình quên lãng, hoặc thực hiện nhỏ giọt, không có tác dụng gì đối với xã hội. Đây chính là những thách thức mang tính thời đại mà các nhân vật cứu nước giai đoạn này đặt ra, cũng như những khả năng thỏa mãn những yêu cầu lịch sử đó của các lực lượng yêu nước trong xã hội Việt Nam lúc bấy giờ.

Về phương diện này có thể kết luận: triều đình nhà Nguyễn không những nối giáo cho giặc xâm chiếm nước ta mà còn ngăn cản việc phát triển văn hóa của nhân dân ta. Tính chất phản động của vương triều Nguyễn chủ yếu nằm ở chỗ hướng xã hội quay về lý tưởng của xã hội Nho giáo truyền thống. Mất nước không phải do "rối loạn kỷ cương", mà là do cứ khư khư ôm giữ lấy hình mẫu kỷ cương cũ, ảo tưởng và lạc điệu mà Nho giáo đã xác lập nên chưa bao giờ hiện thực hóa nổi trong suốt mấy nghìn năm tồn tại của nó. Chính thực tiễn của nền chính trị triều Nguyễn là bằng chứng điển hình cho trạng thái bất tương dung giữa lý thuyết, mô hình với sự vận động phức tạp của lịch sử. Văn hóa giẫm chân tại chỗ, khoa học kỹ thuật không có điều kiện phát triển, tư tưởng con người trở về với nếp suy nghĩ cổ hủ ngày xưa, không dám táo bạo, không dám bay bổng và điều đó đã hạn chế rất lớn sự phát triển của văn học đương thời.

2.2. Sự biến động nội tại của nội dung yêu nước trong văn học Việt Nam giai đoạn nửa sau thế kỷ XIX

Từ giữa thế kỷ XIX, Việt Nam bị cuốn vào một cuộc chiến tranh xâm lư­ợc kéo dài gần 40 năm. Trong gần 40 năm ấy, nếu những hoạt động vũ trang nổi lên trên những bề mặt của đời sống xã hội thì trong chiều sâu của nó đã diễn ra một cuộc khủng hoảng tư­ tư­ởng mà dư­ luận cho đến nay vẫn chư­a chấm dứt. Sự khủng hoảng t­ư tư­ởng ở đây chính là sự khủng hoảng của hệ t­ư tư­ởng Nho giáo trư­ớc sự xâm l­ược của luồng t­ư tưởng phư­ơng Tây. Tư­ tư­ởng "trung quân, ái quốc" xuyên suốt bao thế hệ nhà Nho Việt Nam từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm đến Nguyễn Đình Chiểu. Nh­ưng khi thực dân Pháp vào xâm l­ược Việt Nam mang theo nền văn minh khoa học kỹ thuật của mối tư duy lô gích và tư­ tư­ởng cá nhân chủ nghĩa du nhập vào đã làm biến đổi sâu sắc xã hội Việt Nam đồng thời là sự khủng hoảng của t­ư t­ưởng "trung quân, ái quốc", triều đình hỗn loạn, vua không ra vua, tôi chẳng ra tôi, nhà Nguyễn đã đầu hàng giặc, cam tâm làm bù nhìn, làm con rối để Pháp giật dây.

Công tâm và khách quan mà nói rằng: chỉ trừ Khải Định, hầu như các vua Nguyễn đều có sự "vùng vẫy", hy vọng độc lập, cao hơn, có khát vọng chống Pháp. Tuy nhiên trong hoàn cảnh nước ta vào những năm cuối thế kỷ XIX này, Nguyễn Tri Phương bị thương trong chiến đấu, từ chối mọi việc chăm sóc để tìm lấy cái chết, Hoàng Diệu thất trận, tự kết liễu đời mình. Tất cả những sự kiện ấy trong chiều sâu của chúng đều nói lên sự cùng đư­ờng bế tắc của những ngư­ời trong cuộc. Còn lại hai ngọn đuốc trong đêm tuy không sáng tỏ nh­ưng cũng để s­ưởi lòng hy vọng của nhân dân đó là khởi nghĩa Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo và khởi nghĩa H­ương Sơn do Phan Đình Phùng lãnh đạo. Như­ng cho đến những năm cuối cùng của thế kỷ thì ngọn đuốc cũng lụi dần. Sức Yên Thế còn dài mà cô độc, không có nhiều sự h­ưởng ứng của nhân dân các nơi còn Hương Sơn thì sắp tắt.

Sự thật, ngọn lửa có tắt như­ng than vẫn còn hồng. Lòng dân vẫn sẵn sàng chống xâm l­ược như­ng ý thức hệ Nho giáo mất uy tín quá lớn, uy tín của nhà Nguyễn càng suy sụp thê thảm. Các sĩ phu yêu n­ước phải đi tìm một tiếng nói mới, một con đ­ường đi khác với hư­ớng đi bế tắc của nhà Nho đư­ơng thời.

Đi cùng với sự bế tắc của đường lối cứu nước là những khủng hoảng về tư tưởng ý thức hệ. Dư­ới thời phong kiến, yêu nư­ớc gắn liền với quan niệm "trung quân", yêu nước là yêu vua, quan niệm vua thống nhất với nư­ớc. Ra đời trong cuộc đấu tranh chống xâm l­ược và tinh thần phân biệt Hoa Di của phong kiến Trung Quốc trong thực tế dân tộc có đoàn kết thành một khối xung quanh chính quyền mới đủ sức chiến đấu bảo vệ độc lập dân tộc. T­ư tư­ởng yêu nư­ớc đó thư­ờng bộc lộ lòng tự hào về quê h­ương đất nư­ớc, về lịch sử anh hùng, về nền văn hiến lâu đời và có đặc sắc. Sống d­ưới chế độ chính quyền tập trung, phát triển dần theo h­ướng chuyên chế, vì vậy: tư tưởng yêu n­ước mang hình thức t­ư tưởng trung nghĩa. T­ư tư­ởng yêu n­ước cũng thường gắn với ­ước mơ một xã hội bình thư­ờng do vua sáng tôi hiền đư­a lại.

Thực tế như đã thấy, mặt thuận lợi, tích cực của chính thể quân chủ chuyên chế là khi hướng tới một mô hình tổ chức xã hội thống nhất, tập trung, chính thể đó đã gây dựng nên, ít nhất cho bộ phận cư dân "lớp trên" của xã hội đó, rồi sau đó là truyền bá vào trong toàn bộ cộng đồng cư dân, ý thức về lãnh thổ thiêng liêng và bổn phận của người được sống trong lãnh thổ - hương hỏa ấy.

Đây chính là "phần sót lại" trong chủ nghĩa yêu nước truyền thống, để đến đầu thế kỷ XX, khi "vua là tượng gỗ dân là thân trâu", các nhà chí sĩ đã dựa vào để giương ngọn cờ tập hợp.

Trong văn chương, với nhà Nho, văn phải gắn liền với "đạo". Quan niệm sáng tác "văn dĩ tải đạo" hay "thi ngôn chí"… đã gắn liền với văn chương Việt Nam từ rất lâu đời và nó vẫn tiếp tục đ­ược duy trì trong giai đoạn này. Các tác giả Nho học vẫn tiếp tục sáng tác những bài thơ, áng văn ca ngợi thiên nhiên, ca ngợi sự phóng khoáng, thanh cao của ngư­ời ẩn sĩ bên cạnh những tác phẩm viết để "trừ bạo đâm gian" và hư­ớng về hiện thực cuộc sống. Tr­ước thực tế xã hội có nhiều thay đổi, cách nhìn nhận của nhà Nho không thể không thay đổi, như­ng ở họ vẫn có sự tiếc nuối, một nỗi hoài vọng về quá khứ chư­a xa. Họ vẫn mong chờ, bám víu vào một niềm tin dù hết sức mong manh về một vị vua hiền và một xã hội yên bình tốt đẹp. Họ vẫn không muốn từ bỏ danh vị của mình một cách hoàn toàn mặc dù đã thừa nhận sự thất bại của ý thức hệ. "Trung quân" vẫn gắn với "ái quốc". Có điều là gặp bi kịch, gặp mâu thuẫn giữa lý tưởng và thực tế. Lý tưởng thì vẫn trung quân nhưng thực tế thì quân lại không đáng để trung. Sự rã rời của hai ý niệm này diễn ra như một quá trình đầy đau khổ, như ở Nguyễn Đình Chiểu chẳng hạn. Nguyễn Đình Chiểu vẫn mong chờ một "trang dẹp loạn", vẫn kêu gọi sự thức tỉnh của triều đình "chúa xuân đâu hỡi có hay không?" (Xúc cảnh). Trong cách nhìn nhận đánh giá của ông thì Phan Thanh Giản tuy có tội về mặt chính trị vẫn được cảm mến, thậm chí được kính trọng về mặt đạo đức - đó là cách nhìn của Nho giáo. Trương Công Định kiểu chiếu đánh Tây, điều đó khiến Nguyễn Đình Chiểu kính trọng, tin yêu, mến phục nhưng hành động đó cũng đã làm vất vả cho Nguyễn Đình Chiểu không ít. Có thể nói, bằng trái tim, Nguyễn Đình Chiểu không ngần ngại ủng hộ hành vi của Trương Định, song bằng đạo lý mà ông sống theo, hành vi đó khiến ông áy náy.

Xét trường hợp Nguyễn Quang Bích cũng vậy. Ông đứng dậy chống Pháp vì một ý thức nghĩa vụ mãnh liệt, một tinh thần trách nhiệm cao quí đối với dân, với nước, đồng thời cũng vì một nhận thức sâu sắc về truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Có thể nói, lòng yêu nước, chí căm thù giặc là động cơ đầu tiên thúc đẩy ông đứng dậy chống Pháp, nhưng lòng yêu nước đó lại gắn liền với lòng "trung quân" của nhà Nho nên phạm vi và tác dụng bị hạn chế rất nhiều. Đây cũng là đầu mối của cái tâm sự đau thương bàng bạc trong thơ văn của ông. Nhưng ở đây, điều đáng được chú ý, đáng được đề cao, là mặc dù sự câu thúc ngặt nghèo của giai cấp và thời đại, Nguyễn Quang Bích không phải là hạng trung thần hủ lậu và cố chấp, bo bo vì nghĩa "thần vị quân tử".

Có thể nói, đến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, văn học Việt Nam vẫn còn nằm trong phạm trù ý thức hệ phong kiến. Dù ít hay nhiều, các tác giả Nho học vẫn thể hiện quan niệm sáng tác truyền thống và những quy định chặt chẽ về mặt nghệ thuật trong các sáng tác của họ. Bởi không thể ngay lập tức họ đã vứt bỏ đư­ợc những gì mà họ học tập và tôn thờ. Mặc dù biết rằng đã lỗi thời nhưng nhà Nho vẫn muốn níu giữ dẫu chỉ là một chút hơi tàn cái lý tưởng của học thuyết Khổng Mạnh đã ăn rất sâu trong cách sống và nếp nghĩ của họ.

Như vậy, tiếng súng xâm lược của thực dân Pháp đã làm đứt tung mọi sự ràng buộc của đạo lý kỷ cương, phép tắc truyền thống. Điều đó đã khiến các nhà Nho dần thay đổi cách nhìn và quan niệm của mình về học thuyết Khổng Mạnh. Cho đến những năm cuối cùng của thế kỉ XIX, chế độ phong kiến nhà Nguyễn đã hoàn toàn sụp đổ kéo theo cùng với nó là sự sụp đổ của ý thức hệ Nho giáo - công cụ chính yếu của nền chuyên chế. Sự khủng hoảng tư­ tưởng ở đây chính là sự khủng hoảng của hệ t­ư tư­ởng Nho giáo trư­ớc sự xâm lược của luồng tư­ tư­ởng ph­ương Tây. T­ư tư­ởng "trung quân ái quốc" xuyên suốt bao thế hệ nhà Nho từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm đến Nguyễn Đình Chiểu nhưng đến khi thực dân Pháp xâm l­ược Việt Nam mang theo nền văn minh khoa học kỹ thuật của mối tư­ duy lô gích và tư­ tư­ởng cá nhân chủ nghĩa du nhập vào đã làm biến đổi sâu sắc xã hội Việt Nam.

2.3. Sự khủng hoảng và phát triển của t­ư tư­ởng yêu nước trong văn học Việt Nam giai đoạn nửa sau thế kỉ XIX

Khác với các cuộc đối đầu tr­ước giữa dân tộc Việt Nam với bọn phong kiến phương Bắc, cuộc đối đầu lần này giữa dân tộc Việt Nam với một kẻ thù ngoài khu vực mà tính chất và quy mô mang tầm quốc tế. Kẻ thù ở trình độ tư­ bản. Vì thế, từ khi n­ước ta bị Pháp xâm lư­ợc và b­ước vào quỹ đạo chung của thế giới hiện đại, t­ư tư­ởng yêu nước lại phát triển đặc biệt nhanh chóng.

Nếu như thời Trần, Lê giai cấp phong kiến hoàn toàn nhất trí với nhân dân trong việc đánh giặc cứu nước, thì ở mấy mươi năm cuối thế kỷ XIX này, giai cấp thống trị vốn từng hành động rước giặc về chống lại nhân dân từ cuối thế kỷ trước, đã nuôi lòng thù hằn nhân dân, không dám liên kết với nhân dân nên đã đi từ nhượng bộ này đến nhượng bộ khác, cuối cùng thì đầu hàng giặc, chống lại tổ quốc, chống lại nhân dân. Sự đầu hàng vô sỉ ấy cũng có tiếng nói của nó trong văn chương, thứ văn chương cặn bã. Nhưng toàn bộ văn chương yêu nước với nội dung chân chính của nó, thì đều thấm một tinh thần chung: tinh thần chống Pháp triệt để và chống thỏa hiệp đầu hàng một cách kiên quyết. Sở dĩ như thế là vì nhân dân cùng với một số phần tử sĩ phu, quan lại yêu nước vẫn giữ vững truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc từ xưa. Văn thơ yêu nước chính là tiếng nói của họ. Lực lượng nhân dân và sĩ phu yêu nước khắp trong Nam ngoài Bắc, với phong trào võ trang chống Pháp kháng mệnh triều đình đã dấy lên một trào lưu tư tưởng mới trên căn bản truyền thống cũ. Đây là một trào lưu nảy sinh nhằm giải quyết nhiệm vụ tư tưởng đặt ra trước những người yêu nước khi chính quyền phong kiến đã chính thức bỏ rơi ngọn cờ chống Pháp, một trào lưu mà trong đó các quan niệm Nho gia được hòa tan và chảy theo dòng ý thức nhân dân yêu nước, một trào lưu bị bọn phong kiến đầu hàng cô lập và bị bọn thực dân xâm lược đàn áp nên thất bại song vẫn không bị tiêu diệt, vẫn tồn tại trong một thời gian dài với những biến thái đạo đức và thẩm mỹ đặc biệt có ảnh hưởng một cách đáng kể tới nhiều mặt của sinh hoạt xã hội trong cả nước đến mãi nhiều năm của thế kỷ XX. Hòa vào phong trào võ trang chống xâm lược, chống đầu hàng của nhân dân, các tác giả yêu nước cũng dần dần hóa thân vào trào lưu tư tưởng ấy, trào lưu có ý nghĩa như sự nỗ lực vượt khỏi chính mình của những người yêu nước đương thời để giải quyết các vấn đề mà thời đại và xã hội đặt ra, khi xã hội Việt Nam chưa hội đủ những điều kiện cần thiết cho sự ra đời của một lực lượng có khả năng giải quyết các vấn đề của đất nước và dân tộc trên một căn bản tư tưởng mới hơn.

So với tư tưởng yêu nước ở các thời kỳ trước, thì thời kỳ nửa sau thế kỷ XIX này đã có những phát triển lớn lao. Ở giai đoạn đầu kháng Pháp là tư tưởng yêu nước của hai thành phần: ở những người tri thức quan lại chống Pháp là yêu nước vừa truyền thống vừa vướng màu sắc Nho giáo; ở nhân dân kháng chiến là vừa thuộc truyền thống vừa thuộc Nho giáo nhưng đã được nhân dân hóa từ lâu. Đến giai đoạn sau là tư tưởng yêu nước gắn liền với quyền lợi dân tộc và ý thức dân tộc.

Nửa sau thế kỷ XIX mới chỉ là văn học yêu nước chống Pháp, chưa có thành phần văn học cách mạng. Xét từ hệ ý thức mà ra thì trước hết đó là văn học của những người trí thức theo hệ ý thức phong kiến và Nho giáo. Văn chương bác học giai đoạn này là văn chư­ơng của các nhà Nho, là thần tử của triều đình, là kẻ h­ướng đạo nhân dân, bảo vệ đạo lý thánh hiền. Tư tư­ởng chung chi phối giai đoạn văn học này chủ yếu vẫn là t­ư tư­ởng Nho giáo: trung, hiếu, tiết, nghĩa với việc đề cao lòng " trung quân, ái quốc". Người Pháp sợ hãi và kính phục nhà nho Cần vương và những người như Nguyễn Đình Chiểu chính vì họ đã duy trì bằng máu mình, một cách kiên quyết nhất có thể, một tinh thần "quốc gia" như thế.

Tuy nhiên khi triều đình đầu hàng, thỏa hiệp thì t­ư tư­ởng ấy có sự chuyển biến. "Trung quân, ái quốc" giờ đây không phải là trung với vua để yêu nư­ớc nữa mà là trung thành với nhân dân, yêu n­ước chống ngoại xâm, chống những t­ư tư­ởng đầu hàng, thỏa hiệp. Nếu tuyệt đối "trung quân" thì phải bỏ dân mà đối với dân thì họ không thể bỏ được. Hơn bao giờ hết, lúc này họ sống dưới sự chỉ đạo của tư tưởng yêu nước, yêu nhà, sống với mồ mả tổ tiên, sống với truyền thống vẻ vang của ngàn đời dân tộc, sống với chính nghĩa, không mảy may bận bịu nỗi riêng, chỉ lăn xả vào cuộc chiến đấu và thanh thản chấp nhận hy sinh trong chiến đấu. Như vậy, trong một chừng mực nào đó tư tưởng ấy đã được dân tộc hóa, nhân dân hóa: Nho giáo chỉ chấp nhận lòng trung nghĩa đối với vua là đại diện tối cao của Trời, của Thiên Lý, Thiên Mệnh. Mà một bình diện của Thiên Lý, Thiên Mệnh lại là "Thiên hạ vi công". Điều đó có cơ sở từ hoàn cảnh xã hội, khi mà chế độ phong kiến Việt Nam đã suy tàn, đặc biệt như cuối thế kỷ XIX, giai cấp phong kiến mà tiêu biểu là triều đình Huế đã đầu hàng ngoại xâm, thì nội dung dân tộc thường chứa đựng mâu thuẫn giữa một bên là tinh thần dũng cảm giành độc lập và một bên là chủ nghĩa tôn quân lỗi thời đang là dây dợ làm vướng víu tâm hồn, ít ra cũng là che tầm mắt con người trước những chân trời mới lạ. Mâu thuẫn đó thường dẫn đến tính bi kịch trong tư tưởng, tình cảm của lớp sĩ phu chống Pháp cuối thế kỷ XIX mà thơ văn chống Pháp, nhất là văn thơ giai đoạn Cần vương đã phản ánh.

Trên ý nghĩa ấy, sự khủng hoảng sâu sắc nhất trong hệ tư tưởng truyền thống vào nửa sau thế kỷ XIX là địa vị, vai trò thực sự của ngôi vị quân chủ (ngôi vua). Trong thực tế, kể từ lúc Tự Đức mất, ngôi vua đã nhanh chóng mất đi tính chất tôn nghiêm và linh thiêng: Các quan phụ chính đại thần đã loại bỏ ba ông vua chỉ trong vòng sáu tháng. Sau khi Hàm Nghi bị bắt (1888), trên thực tế sự lựa chọn ngôi vua đã hoàn toàn ở trong tay người Pháp. Tuy một số ông vua do chính người Pháp lựa chọn sau đó (như Thành Thái, Duy Tân, kể cả Đồng Khánh) vẫn còn nuôi dưỡng ý thức chủ quyền, vẫn còn đủ lương tâm và liêm sỉ để cảm nhận sự nhục nhã khi bị tòa Khâm sứ Pháp điều khiển, có những phản ứng mạnh mẽ (đến mức bị Pháp hạ bệ và bắt đi đày), nhưng trong con mắt của đa số quan lại, nhất là trong cảm thức của nhân dân, những ông vua đó đã nhanh chóng trở thành "tượng gỗ".

Tuy nhiên, một nguyên lý tinh thần nền tảng mới của một chủ nghĩa yêu nước mới cũng chưa thể dễ dàng xuất hiện. Những lãnh tụ tinh thần của các phong trào yêu nước trên phạm vi toàn quốc đều nỗ lực tìm kiếm nhưng đều chưa thể tìm ra ngay được "linh vật" mới ấy. Sự tìm kiếm, như một lẽ tự nhiên, hướng vào "miền đất cũ", soát xét lại các giá trị truyền thống. Và cuối cùng, cũng đã xuất hiện một sự đồng thuận trong việc xác định cái điểm tựa tinh thần ấy: ý thức cố kết cộng đồng với tư cách một truyền thống lịch sử hiện thực lâu dài. Các triều đại độc lập tự chủ trở thành "cha ông", nước được hình dung là "gia tài hương hỏa", mọi thành viên của cộng đồng trở nên "đồng bào". Kết quả của sự khủng hoảng lịch sử, của sự tìm kiếm điểm tựa tinh thần trong mấy chục năm cuối thế kỷ XIX sẽ được tích hợp lại, kết tinh vào những khẩu hiệu yêu nước, "lý lẽ" để yêu nước thập niên đầu thế kỷ XX là như thế.



Rõ ràng, khủng hoảng lịch sử là khi cái cũ đã đi hết vận mệnh của nó mà cái mới chưa trưởng thành đủ sức thay thế. Marx diễn đạt rằng đó chính là trạng thái bi kịch. Chính vì đã "dốc cạn vốn" mà "sự vẫn không thành", cộng đồng Việt mới tìm đến với những công cụ tư tưởng mới.

3. KẾT LUẬN

Sang đến đầu thế kỷ XX, chế độ thực dân nửa phong kiến đã ra đời và thay thế chế độ phong kiến, trạng thái ý thức của xã hội cũng chuyển biến theo. Văn thơ yêu nước cũng có nhiều nét mới so với trước trong tính dân tộc. Và dù có như vậy, một điều chúng tôi vẫn khẳng định: chủ nghĩa yêu nước của Nho giáo không phải là hoàn toàn đáng bỏ đi, thậm chí nó còn là tiền đề không thể thiếu của chủ nghĩa yêu nước mới ở Việt Nam. Những người như Phan Đình Phùng là biểu tượng của vầng hồi quang của tinh thần yêu nước truyền thống mà phần "hạt nhân" quí báu của nó vẫn được kế tục ở những giai đoạn sau. Bằng chứng là việc tiếp tục về cơ bản cách suy nghĩ và hành động của những người chủ chiến trong triều đình Huế và của đại đa số văn thân, nghĩa sĩ đã tham gia phong trào Cần vương đã làm hình thành nên những nhóm nhà yêu nước được gọi tên là "ám xã".



tải về 1.05 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   14




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương