TIẾp cận c-d-i-o đỂ NÂng cao chất lưỢng đÀo tạO



tải về 41.9 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu07.07.2016
Kích41.9 Kb.
#179
TIẾP CẬN C-D-I-O

ĐỂ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO

ĐẠI HỌC , CAO ĐẲNG Ở VIỆT NAM
PGS,TS. VÕ VĂN THẮNG*
TÓM TẮT

CDIO được viết tắt của cụm từ tiếng Anh Conceive - Design - Implement – Operate, có nghĩa là: hình thành ý tưởng, thiết kế ý tưởng, thực hiện và vận hành, khởi nguồn từ Viện Công nghệ MIT (Hoa Kỳ). Cho đến nay, mô hình này được các trường ĐH, CĐ trên thế giới áp dụng ngày càng nhiều. Về bản chất, CDIO là một giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu xã hội (XH) trên cơ sở xác định chuẩn đầu ra, từ đó thiết kế chương trình và kế hoạch đào tạo. Quy trình này được xây dựng một cách khoa học, hợp lý, logic, có thể áp dụng cho nhiều lĩnh vực đào tạo khác nhau ngoài ngành đào tạo kỹ sư. Bài viết này đề cập CDIO như là một sáng kiến mới cho giáo dục, một hệ thống phương pháp, hình thức tích lũy kiến thức, kỹ năng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo đại học nhằm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, xã hội, được trình bày qua năm vấn đề cơ bản: (1) CDIO là gì?, (2) Bản chất của CDIO, (3)Tiêu chuẩn của CDIO, (4) CDIO và chuẩn đầu ra, (5) CDIO với việc xây dựng chương trình đào tạo.

  1. CDIO là gì?

CDIO là chữ viết tắt của các từ: Conceive - hình thành ý tưởng, Design - thiết kế, Implement – triển khai và Operate - vận hành, xuất phát từ ý tưởng của các khối ngành kỹ thuật thuộc 4 trường đại học (ĐH), học viện: ĐH Công nghệ Chalmers ở Göteborg, Học viện Công nghệ Hoàng gia ở Stockholm, ĐH LinköpingLinköping (Thụy Điển) và Học viện Công nghệ Massachusetts (Hoa Kỳ) vào những năm 1990. PGS,TS. Hồ Tấn Nhựt, Trường ĐH Northridge (Hoa Kỳ) cho rằng, CDIO là một đề xướng quốc tế lớn được hình thành để đáp ứng nhu cầu một thập kỷ mới của các doanh nghiệp và các bên liên quan khác trên toàn thế giới trong việc nâng cao khả năng của sinh viên (SV) tiếp thu các kiến thức cơ bản, đồng thời đẩy mạnh việc học các kỹ năng cá nhân và giao tiếp, kỹ năng kiến tạo sản phẩm, quy trình và hệ thống1.

Cho tới nay, chương trình này đã mở rộng hơn 50 trường ĐH trên 25 Quốc gia. Những quốc gia có các trường ĐH đã áp dụng CDIO: Mỹ có ĐH California, Daniel Webster, Học viện Công nghệ Massachusetts, Học viện Naval; Ca-na-da có ĐH Hoàng Gia, Ontario, Calgary, Manitoba,…; Pháp có Telecom Bretagne; New Zealand có ĐH Auckland; Vương quốc Anh có ĐH Lancaster, Liverpool, Leeds, Aston (Anh) và ĐH Hoàng Gia Belfast (Bắc Ireland); Thụy Điển có ĐH Kỹ thuật Chalmers, Jönköping, Linköping…; Phần Lan có ĐH Khoa học ứng dụng Kemi-Tornio; Nam Phi có ĐH Pretoria; Bồ Đào Nha có Học viện cao cấp Engenharia do Porto; Sin-ga-pore có ĐH Bách khoa,v.v. Ở Việt Nam, việc áp dụng CDIO đang ở bước đầu thử nghiệm. Năm học 2009-2010, ĐHQG Hà Nội và ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu áp dụng CDIO để đào tạo một số ngành tại các trường thành viên.



2. Bản chất CDIO

CDIO là một hệ thống phương pháp phát triển chương trình đào tạo kỹ sư, nhưng về bản chất, đây là quy trình đào tạo chuẩn, căn cứ đầu ra (outcome-based) để thiết kế đầu vào. Quy trình này được xây dựng đảm bảo tính khoa học và tính thực tiễn chặt chẽ. Về tổng thể, CDIO có thể áp dụng để xây dựng quy trình chuẩn cho nhiều lĩnh vực đào tạo khác nhau ngoài ngành đào tạo kỹ sư, bởi lẽ nó đảm bảo khung kiến thức và kỹ năng, chẳng hạn áp dụng cho khối ngành kinh tế, quản trị kinh doanh,... Cho nên, có thể nói, CDIO thực chất là một giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu xã hội, trên cơ sở xác định chuẩn đầu ra, từ đó thiết kế chương trình và kế hoạch đào tạo một cách hiệu quả.

Đào tạo theo mô hình CDIO, SV cần phải đạt những bốn khối kỹ năng, kiến thức và khi tốt nghiệp, SV sẽ được phát triển kỹ năng, kiến thức đó (xem mục 4 bài viết này). Mục tiêu đào tạo CDIO là hướng tới việc giúp SV có được kỹ năng cứng và mềm cần thiết khi ra trường, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của XH cũng như bắt nhịp được với những thay đổi vốn rất nhanh của thực tiễn đời sống XH. Những SV giỏi có thể làm chủ, dẫn dắt sự thay đổi cần thiết theo hướng tích cực.



Phương pháp tiếp cận CDIO

(Xem The CDIO approach to engineering education:

Introduction TS. Hồ Tấn Nhựt, 2008)

Theo các chuyên gia đánh giá, những lợi ích mà đào tạo theo mô hình CDIO mang lại là: Gắn kết được cơ sở đào tạo với yêu cầu của người tuyển dụng, từ đó thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo của nhà trường và yêu cầu của nhà sử dụng nguồn nhân lực; giúp người học phát triển toàn diện với các “kỹ năng cứng” và “kỹ năng mềm” để nhanh chóng thích ứng với môi trường làm việc luôn thay đổi và thậm chí là đi đầu trong việc thay đổi đó; giúp các chương trình đào tạo được xây dựng và thiết kế theo một quy trình chuẩn; các công đoạn quá trình đào tạo có tính liên thông và gắn kết khoa học chặt chẽ; gắn phát triển chương trình đào tạo với chuyển tải và đánh giá hiệu quả giáo dục đại học (GDĐH), góp phần nâng cao chất lượng GDĐH.



  1. Tiêu chuẩn CDIO

Đề xướng CDIO tiếp nhận 12 tiêu chuẩn mô tả chương trình CDIO, gồm: Tiêu chuẩn 1: Bối cảnh. Tiêu chuẩn này xuất phát từ nguyên lý, việc phát triển và triển khai vòng đời của sản phẩm, quy trình và hệ thống hình thành ý tưởng, thiết kế, triển khai và vận hành là bối cảnh GDkỹ thuật; Tiêu chuẩn 2: Chuẩn đầu ra. Chuẩn đầu ra chi tiết, cụ thể đối với những kỹ năng cá nhân và giao tiếp, kỹ năng kiến tạo sản phẩm, quy trình, hệ thống cũng như kiến thức chuyên môn phải nhất quán với các mục tiêu chương trình và được phê chuẩn bởi các bên liên quan của chương trình; Tiêu chuẩn 3: Chương trình đào tạo tích hợp. Chương trình đào tạo được thiết kế có các khóa học kiến thức chuyên ngành hỗ trợ lẫn nhau, có một kế hoạch rõ ràng trong việc tích hợp các kỹ năng cá nhân và giao tiếp, kỹ năng kiến tạo sản phẩm, quy trình và hệ thống; Tiêu chuẩn 4: Giới thiệu về kỹ thuật. Một môn giới thiệu mang lại khung chương trình cho thực hành kỹ thuật trong việc kiến tạo sản phẩm, quy trình, hệ thống và giới thiệu các kỹ năng cá nhân và giao tiếp thiết yếu; Tiêu chuẩn 5: Các trải nghiệm thiết kế - triển khai. Một chương trình đào tạo gồm ít nhất hai trải nghiệm thiết kế - triển khai, bao gồm một ở trình độ cơ bản và một ở trình độ nâng cao; Tiêu chuẩn 6: Không gian làm việc kỹ thuật. Không gian làm việc kỹ thuật và các phòng thí nghiệm hỗ trợ, khuyến khích học tập thực hành trong việc kiến tạo sản phẩm, quy trình và hệ thống; kiến thức chuyên ngành; học tập XH; Tiêu chuẩn 7: Các trải nghiệm học tập tích hợp. Các trải nghiệm học tập tích hợp đưa đến việc tiếp thu các kiến thức chuyên ngành cũng như các kỹ năng cá nhân và giao tiếp, kỹ năng kiến tạo sản phẩm, quy trình và hệ thống; Tiêu chuẩn 8: Học tập chủ động. Giảng dạy và học tập dựa trên phương pháp học tập trải nghiệm chủ động; Tiêu chuẩn 9: Nâng cao năng lực về kỹ năng của giảng viên. Các hành động nâng cao năng lực của giảng viên trong các kỹ năng cá nhân và giao tiếp, các kỹ năng kiến tạo sản phẩm, quy trình và hệ thống; Tiêu chuẩn 10: Nâng cao năng lực về giảng dạy của giảng viên. Các hành động nâng cao năng lực của giảng viên trong việc cung cấp các trải nghiệm học tập tích hợp, trong việc sử dụng các phương pháp học tập trải nghiệm chủ động và trong đánh giá học tập của SV; Tiêu chuẩn 11: Đánh giá học tập. Đánh giá học tập của SV về các kỹ năng và giao tiếp, các kỹ năng kiến tạo sản phẩm, quy trình và hệ thống cũng như kiến thức chuyên ngành; Tiêu chuẩn 12: Kiểm định chương trình. Một hệ thống kiểm định chương trình theo 12 tiêu chuẩn này và cung cấp phản hồi đến SV, giảng viên và các bên liên quan khác cho mục đính cải tiến liên tục.

4. CDIO và chuẩn đầu ra

Chuẩn đầu ra (CĐR) đối với những ngành đào tạo kỹ sư theo mô hình CDIO được xây dựng dựa vào việc khảo sát, nghiên cứu rất kỹ yêu cầu thị trường, được thể hiện ở 4 khối kiến thức, kỹ năng chính: (1) kiến thức chuyên ngành và lập luận kỹ thuật (technical knowledge and reasoning); (2) kỹ năng, thái độ cá nhân và nghề nghiệp (professional and personal skills and attitudes), (3) kỹ năng, thái độ XH (interpersonal skills and attitudes); (4) kiến thức, kỹ năng CDIO trong bối cảnh XH và doanh nghiệp (CDIO in social and enterprise context). Ba nhóm kiến thức, kỹ năng đầu làm nền tảng cho nhóm kiến thức, kỹ năng thứ 4. Nghĩa là, khi đó SV tốt nghiệp sẽ đạt được C-D-I-O: hình thành ý tưởng – thiết kế ý tưởng – thực hiện – và vận hành. Khi xây dựng xong chuẩn đầu ra, giảng viên phải tích hợp nó vào đề cương môn học của mình phụ trách. Theo TS. Vũ Anh Dũng và PGS,TS. Phùng Xuân Nhạ, Trường ĐH Kinh tế (ĐHQG Hà Nội), quá trình này cần phải tiến hành qua 5 bước: (1) Hội thảo phổ biến, tập huấn cho giảng viên và các đối tượng có liên quan về chuẩn đầu ra CDIO; (2) GV tích hợp chuẩn đầu ra vào đề cương môn học; (3) Hội đồng nghiệm thu đề cương môn học đó; (4) GV hoàn chỉnh đề cương theo ý kiến của hội đồng; (5) Hội đồng phê duyệt nghiệm thu đề cương2. Tuy vậy, CDIO không là một nguyên tắc cứng nhắc, bởi người thiết kế chương trình có thể dựa trên chuẩn đầu ra điều chỉnh một cách linh hoạt sao cho phù hợp với chuyên ngành không thuộc khối kỹ thuật.



5 . CDIO với việc xây dựng chương trình đào tạo

Theo cách tiếp cận CDIO, khi xây dựng, phát triển chương trình đào tạo, phải tuân thủ các quy trình một cách chặt chẽ: xây dựng chuẩn đầu ra, thiết kế khung chương trình và cách chuyển tải nó trong thực tiễn, đồng thời đánh giá kết quả học tập cũng như toàn bộ chương trình đào tạo. Mấu chốt của CDIO là đề cương CDIO. Đây là tuyên bố về mục tiêu của chương trình đào tạo mà 12 tiêu chuẩn CDIO được thiết kế nhằm đạt mục tiêu đó.

CDIO hướng tới mục tiêu phát triển GDĐH với 12 tiêu chuẩn như thiết kế chương trình đào tạo từ căn bản đến nâng cao, không gian học tập, đánh giá chương trình học, giáo trình tích hợp hay phương pháp dạy và học chủ động… Với cách đào tạo hiện nay, các trường đưa ra chương trình đào tạo rồi mới xác định chuẩn đầu ra, điều này khiến cho các đơn vị tuyển dụng lao động gặp khó khăn, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Cho nên, thực tế ở VN trong thời gian qua là buộc các đơn vị tuyển dụng lao động phải đào tạo lại hoặc bổ sung kiến thức, kỹ năng sau tuyển dụng. Trong khi đó, CDIO đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực đạt chất lượng cao, bởi vì chương trình đào tạo này được thiết kế trên cơ sở khảo sát kỹ yêu cầu thực tế XH mà nhà tuyển dụng lao động đòi hỏi, nên nó góp phần giảm chi phí và nguồn lực liên quan đến đào tạo. Về phía SV, họ sẽ được đào tạo bài bản, được phát triển về tri thức, kỹ năng và thái độ; giảng viên phải tuân theo các phương pháp giảng dạy tiên tiến, đáp ứng tiêu chuẩn về nghiên cứu khoa học, do vậy sẽ góp phần tạo ra được một đội ngũ giảng viên chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế.

Ngoài ra, mô hình CDIO còn giúp nhìn nhận toàn diện hơn về phương pháp giảng dạy và học tập cũng như đánh giá SV hay năng lực của giảng viên. Bên cạnh việc cung cấp một bản mẫu về chuẩn đầu ra, đề xướng CDIO còn cung cấp những hướng dẫn rất cụ thể về đào tạo và phương pháp quản lý GDnhư tinh thần doanh nhân, lãnh đạo trong GDĐH, phát triển giảng viên chuyên nghiệp, gắn doanh nghiệp với GDĐH, quốc tế hóa GDĐH, học tập dựa trên dự án, cải tiến chương trình khung, kỹ năng giao tiếp không chính thức, học tập kinh nghiệm và học tập chủ động, môi trường học tập, kiểm tra, đánh giá… nên nó rất hữu ích trong việc áp dụng và triển khai.

Trong chương trình đào tạo CDIO, mỗi môn học, ở góc độ khác nhau, góp một phần vào việc đạt chuẩn đầu ra của toàn bộ chương trình đào tạo. Do vậy, từng giảng viên phải tuân thủ các chuẩn mực của chương trình đồng thời có những cam kết về việc truyền tải chuẩn đầu ra môn học mà giảng viên phụ trách.


Quy trình xây dựng chương trình đào tạo theo CDIO

Nhận xét

CDIO không chỉ cung cấp một chuẩn đầu ra mà còn là một hướng dẫn rõ ràng về đào tạo, quản lý GD như: phương pháp lãnh đạo, quản lý GDĐH, phát triển đội ngũ giảng viên với chuyên môn sâu, gắn chặt doanh nghiệp với cơ sở GDĐH, phương pháp học tập dựa trên dự án, nhóm, cải cách chương trình khung, cung cấp kỹ năng giao tiếp không chính thức, học tập dựa trên kinh nghiệm và chủ động, thiết kế chương trình đào tạo, môi trường học tập, cách kiểm tra, đánh giá, quốc tế hóa GDĐH… Do vậy, có thể nói, CDIO rất hữu ích trong việc triển khai chương trình đào tạo hiệu quả, là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng GDĐH. Ngày nay, các trường ĐH trên thế gới đang áp dụng ngày càng rộng rãi hơn mô hình CDIO và những ưu điểm, hiệu quả của nó đã được khẳng định, kiểm chứng qua thời gian, thực tiễn ở nhiều trường khác nhau.

Tuy nhiên, khái niệm, quy trình và cách áp dụng CDIO là vấn đề mới đối với các trường ĐH, CĐ ở Việt Nam. Rõ ràng, việc tiếp cận CDIO đòi hỏi phải có những điều kiện cơ bản: cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, nhân viên, chương trình đào tạo, SV,… đáp ứng được những tiêu chuẩn cơ bản của CDIO, đồng thời phải có một hệ thống quy trình xử lý chuẩn và thống nhất để đảm bảo sự thành công của chương trình. CDIO đòi hỏi tuân theo một quy trình nghiêm ngặt từ khâu điều tra, khảo sát thực tiễn để xác định yêu cầu của XH về các sản phẩm đào tạo tới khâu xây dựng, thiết kế, tổ chức và đánh giá chương trình. Đây thực sự là những thách thức lớn đối với các trường ĐH Việt Nam. Song, điều đó không có nghĩa là chúng ta không thể thực hiện được. Việc thay đổi nhận thức để có hành động đúng đắn trong việc áp dụng CDIO chắn chắn sẽ mang lại hiệu quả thiết thực cho việc nâng cao chất lượng đào tạo ĐH ở Việt Nam trong hiện tại và tương lai.
TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hồ Tấn Nhựt, Đoàn Thị Minh Trinh (Biên dịch), Cải cách và xây dựng chương trình đào tạo kỹ thuật theo phương pháp tiếp cận CDIO, Nxb Đại học Quốc gia TP.HCM, 2009.

2. Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế về CDIO, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 13-14/12/2010.

3. The CDIO approach to engineering education: Introduction TS. Hồ Tấn Nhựt, 2008.

4. Wikipedia, the free encyclopedia/CDIO.

5. http://en.wikipedia.org/wiki/CDIO.



6. http://www.cdio.org.

* Phó Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang.

1 Xem Hồ Tấn Nhựt, Đoàn Thị Minh Trinh (Biên dịch), Cải cách và xây dựng chương trình đào tạo kỹ thuật theo phương pháp tiếp cận CDIO, Nxb Đại học Quốc gia TP.HCM, 2009, Tr.XV.

2 Xem TS. Vũ Anh Dũng và PGS,TS. Phùng Xuân Nhạ, Trường ĐH Kinh tế (ĐHQG Hà Nội), Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế về CDIO, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, 13-14/12/2010.




Каталог: DATA -> upload
upload -> 1. Kiến thức : hs phải làm được 1 tiêu bản tbtv ( tb vảy hành hoặc tb thịt quả cà chua chín). Kĩ năng
upload -> Thuật ngữ hàng hải quốc tế: a abatement Sự giảm giá
upload -> CÁP ĐIỆn lực hạ thế 1  4 LÕI, ruộT ĐỒNG, CÁch đIỆn xlpe, VỎ pvc low voltage 1 4 core Cable Copper conductor, xlpe insulation, pvc sheath
upload -> CÔng ty cp cung ứng và xnk lao đỘng hàng khôNG
upload -> BỘ NỘi vụ BỘ TÀi chíNH
upload -> Ubnd tỉnh hoà BÌnh sở KẾ hoạch và ĐẦu tư
upload -> Ớt cay f1 SỐ 20 Trái to, dài 14 15 cm, thẳng, cay vừa, chín tập trung, màu xanh trung bình khi non, màu đỏ đẹp khi chín, thịt dày, thích hợp ăn tươi và chế biến. Năng suất rất cao, 30 40 tấn/ ha. ỚT sừng vàng 1039

tải về 41.9 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương