TẠi tỉnh quảng bình a. Thông tin chung về DỰ Án tên chủ nhiệm dự án



tải về 71.53 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu10.04.2018
Kích71.53 Kb.
#36877
HOÀN THIỆN CÔNG NGHỆ SINH SẢN NHÂN TẠO CÁ LĂNG CHẤM (HEMIBAGRRUS GUTTATUS) PHÙ HỢP VỚI ĐIỀU KIỆN

TẠI TỈNH QUẢNG BÌNH
A. THÔNG TIN CHUNG VỀ DỰ ÁN

1. Tên chủ nhiệm dự án: KS. Trương Tuấn Vũ

2. Cơ quan chủ trì dự án: Trung tâm Giống thủy sản Quảng Bình

3. Cấp quản lý dự án: Cấp tỉnh

4. Tính cấp thiết của dự án

Cá Lăng Chấm (Hemibagrus guttatus - Lacépède, 1803) là loài cá có giá trị kinh tế cao của hệ thống sông Hồng, thịt cá mềm, thơm ngon, ít xương dăm, giá bán cao, được xem là loại cá đặc sản nước ngọt hàng đầu của miền Bắc, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Trong những năm 1960-1970, sản lượng cá Lăng chấm chiếm tỷ lệ đáng kể trong sản lượng cá đánh bắt tự nhiên của một số tỉnh miền núi phía Bắc. Những năm gần đây, do điều kiện môi trường bị suy thoái, khai thác quá mức bằng những phương tiện huỷ diệt như dùng xung điện, thuốc nổ, chất độc, thuốc cá và những phương tiện khai thác bừa bải khác nên sản lượng cá Lăng chấm đã giảm sút nghiêm trọng. Hiện tại, cá Lăng Chấm được xếp vào mức nguy cấp bậc V, có nguy cơ tuyệt chủng cần được bảo vệ.

Ở Quảng Bình, phong trào nuôi cá Lăng Chấm thương phẩm cũng bắt đầu hình thành và phát triển. Tuy nhiên, con giống thả nuôi phải nhập từ miền Bắc. Vì vậy, để góp phần bảo tồn và đưa loài cá mới có giá trị kinh tế cao này vào tập đoàn cá nuôi trong tỉnh, đồng thời giải quyết nhu cầu con giống tại chỗ, xuất phát từ kết quả nghiên cứu của đề tài: “Nghiên cứu kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá Lăng Chấm Hemibagrus guttatus (Lacépède, 1803) trong điều kiện nuôi” do Viện nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản I thực hiện, chúng tôi tiến hành thực hiện dự án: “Hoàn thiện công nghệ sinh sản nhân tạo cá Lăng Chấm (Hemibagrus guttatus- Lacépède, 1803) phù hợp với điều kiện tại tỉnh Quảng Bình”.

5. Mục tiêu của của dự án

- Xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo cá Lăng Chấm phù hợp với điều kiện tại tỉnh Quảng Bình.

- Đáp ứng nhu cầu con giống và đa dạng hóa đối tượng nuôi cá nước ngọt trong tỉnh.

- Đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ kỹ thuật sản xuất giống của đơn vị.

6. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu của dự án

- Đối tượng nghiên cứu: Cá Lăng Chấm (Hemibagrus guttatus- Lacépède, 1803).



- Phạm vi nội dung nghiên cứu: Trung tâm Giống thủy sản Quảng Bình (Trại cá Đại Phương).

7. Phương pháp nghiên cứu của dự án

- Phương pháp nuôi vỗ cá bố mẹ.

- Phương pháp sinh sản nhân tạo.

- Phương pháp ương cá bột lên cá hương.

- Phương pháp ngoài thực địa.

8. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của dự án

Kết quả đề tài mang đến cho người dân Quảng Bình một loại cá có tính chất đặc sản và giá trị cao để đáp ứng nhu cầu và tăng hiệu quả kinh tế cho người nuôi, đã tạo công ăn việc làm tăng thu nhập cho bà con nông dân .



9. Kinh phí thực hiện dự án: 1.132.925.000đồng (SNKH: 566.462.000đồng)

10. Thời gian thực hiện dự án: 15 tháng (6/2012 - 8/2013)

QUY TRÌNH TẠM THỜI SẢN XUẤT GIỐNG CÁ LĂNG CHẤM

TẠI TRẠI CÁ ĐẠI PHƯƠNG TỈNH QUẢNG BÌNH NĂM 2012-2013
1. Kỹ thuật nuôi vỗ cá bố mẹ

1.1. Điều kiện ao nuôi vỗ cá bố

+ Ao hình chữ nhật, diện tích ao là 1.000 - 5.000m2.

+ Độ sâu mực nước 1,5-2m, độ sâu bùn đáy là 20-30cm.

+ Ao thông thoáng, ít hoặc không có bóng râm che mặt nước.

+ Nguồn nước cấp cho ao chủ động, trong sạch, không nhiễm phèn, không nhiễm mặn.

+ Ao có độ trong cao 30-40cm.

+ Ao được lắp đặt 4 máy bơm ở 4 góc ao để tạo dòng chảy nhân tạo trong ao, đồng thời lắp 2 máy phun mưa nhân tạo trong ao và 1 dàn quạt chân vịt tạo dòng chảy cung cấp oxy cho cá.

Trước khi cấp nước vào ao cần phải chuẩn bị ao nuôi tốt. Chuẩn bị ao có ý nghĩa quyết định đến kết quả nuôi, nếu tẩy trùng ao tốt thì mầm bệnh khó có cơ hội phát triển, giúp cá sinh trưởng và thành thục tốt. Cần tháo cạn nước trong ao, tu sửa ao nuôi và diệt tạp, cải tạo nền đáy, đáy ao cần được nạo vét để loại bỏ bớt bùn đáy, tu sửa bờ ao và đảm bảo hoạt động của các cống cấp thoát nước.



1.2. Tuyển chọn cá bố mẹ và mật độ thả

Cá bố mẹ thường chọn từ 3 tuổi trở lên trọng lượng 1,5-4 kg/con với tỷ lệ đực cái là 1 : 2, khoẻ mạnh, không dị tật, không xây xát và không mất nhớt. Trước khi thả xuống ao để phòng bệnh cho cá bằng cách tắm cá trong nước muối (NaCl) nồng độ 3-5% tắm trong 10 phút để loại bỏ các ký sinh trùng bám trên cá và sát trùng các vết xây xát trên thân cá.

Mật độ nuôi vỗ: 2-5 con/100m2.

1.3. Chế độ chăm sóc và quản lý ao nuôi

- Thức ăn và cách cho cá ăn: Thức ăn tươi sống gồm cá và tôm tươi. Cho ăn ngày 2 lần vào lúc 8 giờ sáng và 17 giờ chiều, chế độ nước theo từng giai đoạn cụ thể như sau:

+ Giai đoạn đầu: Tiếp tục nuôi cá bố mẹ ở mức độ bình thường: Trước tháng 9 hàng năm. Giai đoạn này cho ăn: Cá tươi: 4-5% trọng lượng thân. Chế độ bổ sung và kích nước trong ao nuôi vỗ: Bơm nước sạch bổ sung vào ao định kỳ đảm bảo chất lượng nước tốt và giữ mức nước cao trong ao 1,5-2m.

+ Giai đoạn nuôi vỗ tích cực: Từ tháng 10 đến hết tháng 1 năm sau. Giai đoạn này cho ăn: Cá tươi 5% trọng lượng thân. Nước đẩy chảy vào và ra liên tục, 4 máy bơm nước tuần hoàn và 2 máy phun mưa hoạt động 12 giờ/ngày.

+ Giai đoạn nuôi vỗ thành thục: Từ tháng 2 đến tháng 4. Cho ăn: cá tươi 4% kết hợp cho ăn tôm tươi 1%. 4 máy bơm nước và 2 máy phun mưa còn lắp thêm 1 dàn quạt chân vịt hoạt động 24/24h nhằm đẩy nước và cung cấp oxy hoà tan cho cá, kích thích cá lên trứng.

- Quản lý ao nuôi vỗ: Vào buổi sáng kiểm tra ao, quan sát hoạt động của cá, thức ăn dư thừa. Trong thời gian nuôi vỗ nên hạn chế kéo lưới kiểm tra cá nhất là vào mùa đông. Đầu tháng 4 kiểm tra mức độ thành thục của cá bố mẹ để cho đẻ. Trong quá trình nuôi vỗ các yếu tố môi trường nằm trong ngưỡng cho phép để cá hoạt động bình thường như nhiệt độ từ 20-30oC, pH từ 6-8, DO >5mg/l, NH3<1mg/l, H2S <0,001 và NO2- <0,001...



2. Kỹ thuật sinh sản nhân tạo

2.1. Công trình cho cá đẻ

Cá bố mẹ được nhốt trong hệ thống bể xi măng có diện tích 2-3m3, hệ thống bể composite, giữ ở mức nước 0,8m, cho nước thường xuyên chảy nhẹ kết hợp sục khí đảm bảo hàm lượng ôxi hòa tan luôn cao hơn 6 mg/l. Nhốt cá riêng 1 con/bể để phòng trường hợp chúng cắn nhau gây thương tích ảnh hưởng tới kết quả sinh sản và chết sau khi sinh sản.



2.2. Mùa vụ cho cá đẻ: Từ tháng 4 đến đầu tháng 6.

2.3. Kỹ thuật chọn cá bố mẹ cho đẻ

- Cá đực: Dựa vào hình dạng ngoài là chủ yếu, chọn những con có bụng to đều, phẳng, bộ phận sinh dục lồi ra rõ, có màu phớt hồng. Sẹ của 1 cá đực thành thục tốt có thể thụ tinh được cho trứng của 2-3 cá cái có cùng kích cỡ.

- Cá cái: Bụng to, có tính đàn hồi, lỗ sinh dục mở to, sưng và có màu ửng hồng, hằn buồng trứng xuống rõ và hơi sệ sang 2 bên. Dùng que thăm trứng, lấy trứng cho vào dung dịch thuốc thử (gồm 80% cồn 95oC, 5% formalin, 15% acid acetic) trong khoảng 5-10 phút, nếu thấy khoảng 1/2 - 2/3 số trứng có nhân lệch về cực động vật và hằn buồng trứng khá rõ thì đó là cá đã thành thục tốt. Nếu hằn buồng trứng không rõ hoặc mất đi thì chứng tỏ cá đã quá thành thục, bước sang giai đoạn thoái hóa. Các hạt trứng thành thục có màu vàng sáng, các hạt rời nhau, căng tròn, đàn hồi tốt, đường kính trứng thành thục dao động 2,3-3,0mm.

2.4. Tiêm kích dục tố

* Loại kích dục tố

Sử dụng một số loại kích dục tố và chất bổ sung sau đây để tiêm cho cá đẻ.

- LHRHa (Luteotropin Releasing Hormoned Analog).

- Chất bổ sung là DOM (Dompamine).

*Phương pháp tiêm và liều lượng tiêm

- Vị trí tiêm: Gốc vây ngực.

- Áp dụng phương pháp tiêm cho cá 2 lần, lần 1 cách lần 2 là 24 giờ, thời gian cá đẻ sau khi tiêm lần 2: 12h. Thời gian tiêm cá đực cùng với thời gian tiêm cá cái.

- Liều lượng tiêm:

+ Lần 1: Cá cái: (5µg LRHa + 3mg DOM)/kg

Cá đực: (2µg LRHa + 1mg DOM)/kg

+ Lần 2: Cá cái: (25µg LRHa + 5mg DOM)/kg

Cá đực: (5µg LRHa + 2mg DOM)/kg.

- Tiêm xong thả cá vào bể, mỗi con một bể.

2.5. Kỹ thuật vuốt trứng, mổ cá đực lấy sẹ và thụ tinh nhân tạo

- Vuốt trứng, mổ cá đực

Lật ngửa cá, dùng tay ấn nhẹ lên bụng cá cái nếu thấy trứng chảy ra thì bắt cá đực và mổ. Trong cùng thời gian, tiến hành vuốt trứng cá cái và mổ cá đực. Cá cái được cuộn trong băng ca vải, thấm khô nước ở bụng và lỗ sinh dục, dùng tay ép nhẹ vào phần bụng dưới của cá để trứng rơi vào chậu nhựa. Khi bắt đầu xuất hiện tia máu thì ngừng vuốt trứng. Tiến hành mổ cá đực: dùng kéo nhọn rạch một vết dài 7-10cm tại lườn bụng cách lỗ hậu môn 5-6cm sau đó dùng ngón tay trỏ vén ruột và mỡ cá ra cho tới khi nhìn thấy tuyến sẹ là hai dải dài hình lược nằm dưới thận, dùng panh gắp tuyến sẹ ra cho vào đĩa lồng. Sát trùng và khâu lại vết mổ của cá đực bằng chỉ tự huỷ sau đó thả lại bể cho cá phục hồi trước khi thả lại ao tiếp tục nuôi thương phẩm.

- Phương pháp thụ tinh

Sau khi trứng được vuốt từ cá cái, chắt bớt dịch trứng. Sẹ được lau sạch, dùng kéo cắt nhỏ sẹ sau đó dùng cối sứ nghiền nhỏ. Đổ sẹ đã được nghiền vào bát trứng sau đó dùng lông gà trộn đều hỗn hợp để sẹ phân bố đều trong bát trứng. Cho lượng nước sạch có thể tích bằng 1/4 - 1/5 thể tích trứng rồi khuấy nhẹ bằng lông gà trong 3-5 phút, sau đó rửa trứng bằng nước sạch nhiều lần và đem vào ấp.

Việc vuốt trứng cá và mổ cá đực lấy sẹ phải tiến hành đồng thời, thao tác thụ tinh phải làm hết sức nhanh chóng, không để thời gian chết gây ảnh hưởng xấu tới tỷ lệ thụ tinh, tỷ lệ nở.



2.6. Kỹ thuật ấp trứng

Trứng sau khi được rửa sạch, được chuyển vào các khay ấp đặt trong bể sục khí. Mật độ ấp 1.200-1.500 trứng/khay. Bể ấp trứng cá Lăng Chấm là các khay ấp bằng nhựa và khay lưới có kích thước miệng khay là 40 × 25cm, kích thước đáy khay là 36,5 × 25,5cm, có nhiều lỗ nhỏ cách đáy khay 1,5cm, khoảng cách giữa các lỗ là từ 1-1,5cm.

Trong quá trình ấp trứng phải sục khí thường xuyên trong bể đảm bảo hàm lượng O2 hoà tan đạt trên 6 mg/l. Thay nước định kỳ 8 giờ/lần, mỗi lần thay 1/2 - 2/3 lượng nước trong bể ấp. Trong quá trình ấp trứng phải thường xuyên loại bỏ trứng hỏng và trứng không thụ tinh bằng ống hút, tránh hiện tượng nấm phát triển gây chết cả những trứng có chất lượng tốt. Sau khi ấp khoảng 60-75h trứng sẽ nở thành cá bột.

2.7. Ương cá bột lên cá hương

- Bể ương: Ương cá bột trong bể kính có kích thước 60cm x 40cm x 25cm, 15 ngày sau đó đưa ra bể composite có thể tích 2-5m3. Trước khi ương cá vệ sinh bể sạch sẽ bằng Formalin nồng độ 40ppm, có hệ thống cấp thoát nước và hệ thống sục khí.

- Mật độ ương và thời gian ương:

+ Mật độ ương: 4.000-6.000 con/m3 nước.

+ Thời gian ương: 30 ngày.

- Chăm sóc và quản lý bể ương:

+ Cho cá ăn: Trong 6 ngày đầu cá bột dinh dưỡng bằng noãn hoàng, từ ngày thứ 7-10 là giai đoạn dinh dưỡng hỗn hợp, cá bắt đầu ăn động vật phù du và tập cho cá ăn giun chỉ. Từ ngày tuổi thứ 11 đến 30 cho cá ăn giun chỉ. Cho cá ăn 6 bữa/ngày. Cụ thể như sau:

Ngày thứ 7 đến ngày thứ 10 cho ăn 100g giun chỉ/1 vạn cá bột/ngày.

10 ngày tiếp theo cho ăn 170g giun chỉ/1 vạn cá bột/ngày.

10 ngày sau cùng cho ăn 240g giun chỉ/1 vạn cá bột/ngày.

+ Xử lý thức ăn bằng nước muối 5-100/00, cho cá ăn xung quanh thành bể, dừng phun nước, sau khi cá ăn xong mới cấp phun nước vào bể (tránh làm hao tổn thức ăn).

+ Chế độ thay nước:

Từ 1-6 ngày tuổi: Giai đoạn này cá chưa ăn thức ăn bổ sung nên có ít chất thải. Hàng ngày xiphong hút bỏ cặn bẩn và cá bột chết, thay 1/3 lượng nước trong bể.

Từ 7-30 ngày tuổi: Sau khi cho cá ăn (thời gian mỗi lần cho ăn 30 phút) dùng vợt vớt hết thức ăn, xiphong loại bỏ phân và cặn bẩn. Thay 50-80% lượng nước trong bể sau mỗi lần cho cá ăn.

Quản lý bể ương: Sục khí thường xuyên 24/24h. Đảm bảo nước cấp dạng phun 24/24h. Thường xuyên quan sát hoạt động và mức độ sử dụng thức ăn của cá để phát hiện bệnh nhằm có biện pháp điều trị kịp thời.

2.8. Ương cá hương lên cá giống

- Chuẩn bị ao ương

+ Ao có hình chữ nhật, diện tích ao từ 500-3.000m2.

+ Độ sâu mực nước: 1-1,2m.

+ Tháo cạn nước.

+ Sửa dọn bờ ao, lấp hang hốc. Phát quang các cây, bụi rậm xung quanh ao. Sau đó, bón vôi 10 kg/100m2. Phơi đáy ao 2-3ngày. Bón phân chuồng, phân xanh với lượng khoảng 15-20 kg/100m2. Cho nước vào ao qua lưới lọc mịn. Ta tiến hành đo các yếu tố môi trường pH từ 6,0-8,0, NH3 < 1mg/l..., kiểm tra màu nước trong ao ương nước tốt có màu xanh lá chuối non.

- Mật độ và thời gian ương

+ Mật độ ương: từ 20-50 con/m2.

+ Thời gian ương: 25-30 ngày.

- Chăm sóc và quản lý ao ương:

+ Thức ăn và cách cho ăn:

Thức ăn: Sử dụng thức ăn chế biến.

Cho ăn ngày 2 lần: Sáng vào lúc 8 giờ, chiều vào 16 giờ.

Cho ăn: Trong 10 ngày đầu cho ăn 350g/1.000 cá hương; 10 ngày tiếp theo cho ăn với lượng 450g/1.000 con, 10 ngày cuối cho ăn với lượng 550g/1.000con.

Thức ăn được cho vào sàng ăn để cho cá ăn, sau 1-2h ta kiểm tra sàng để biết cá có ăn hết hay không để điều chỉnh thức ăn cho lần sau.

+ Thường xuyên kiểm tra màu nước ao nếu thấy màu đậm quá hoặc bị mất tảo thì phải xử lý ngay, màu nước thích hợp màu xanh lá chuối non. Định kỳ 15 ngày thay nước một lần, thay 30% lượng nước trong ao. Đảm bảo môi trường nước đạt các chỉ tiêu: Oxy hòa tan, pH, độ trong và các yếu tố khác như NH3, H2S... nằm trong ngưỡng cho phép.

- Thu hoạch cá giống:

Ta tiến hành kiểm tra cá giống đạt 45-60 ngày tuổi, chiều dài 4-6cm, màu sắc tươi sáng, ngoại hình cân đối, không có dấu hiệu bệnh lý, khỏe mạnh... ta tiến hành thu hoạch.



3. Theo dõi và điều trị bệnh cho cá Lăng Chấm

Trong quá trình thực hiện dự án, nhóm nghiên cứu đã theo dõi bệnh tại các giai đoạn phát triển của cá Lăng Chấm, đó là giai đoạn cá bố mẹ, trứng, cá bột, cá hương, cá giống và đã thấy xuất hiện một số bệnh và đã điều trị thành công như sau:



3.1. Giai đoạn cá bố mẹ

a. Bệnh sán lá đơn chủ

- Tác nhân gây bệnh: Silurodiscoides, Gyrodactylus.

- Dấu hiệu bệnh lý: Mang nhợt nhạt mất khả năng hô hấp, da tái nhợt có nhiều nhớt.

- Phân bố và mùa vụ xuất hiện bệnh: Bệnh xuất hiện vào mùa xuân và mùa thu, gây hại cho cá lớn trên 50gr.

- Phòng trị bệnh: Dùng Formalin với nồng độ 150ppm ngâm cá trong thời gian 30-60 phút, phun trực tiếp xuống ao với nồng độ 15ppm.

b. Bệnh trùng mỏ neo

- Tác nhân gây bệnh: Lernaea spp.

- Dấu hiệu bệnh lý: Trùng cắm sâu vào tổ chức.

- Phân bố và mùa vụ xuất hiện bệnh: Bệnh xuất hiện vào mùa xuân, mùa thu và mùa đông. Chỉ thấy xuất hiện trên cá bố mẹ tuy nhiên cường độ cảm nhiễm và tỷ lệ cảm nhiễm rất thấp mặc dù trong ao có rất nhiều cá mè bị nhiễm trùng mỏ neo. Khi nhiệt độ nước lên cao cá sẽ tự khỏi bệnh.



3.2. Giai đoạn trứng

- Bệnh nấm thuỷ mi

+ Tác nhân gây bệnh: Saprolegnia, Achlya.

+ Dấu hiệu bệnh lý: Trứng có màu trắng đục xung quanh bám các sợi nấm.

+ Phân bố và mùa vụ xuất hiện bệnh: Xuất hiện chủ yếu trên trứng cá ấp vào mùa hè.

+ Phòng trị bệnh: Làm sạch bể ương và dụng cụ ấp trứng, khử trùng bằng nước muối các dụng cụ sau mỗi lần ấp trứng. Dùng Fungcide MG với nồng độ 1-4ppm tắm trong 30-60 phút hoặc ngâm trong dung dịch này với nồng độ 0,01-0,05ppm.

3.3. Giai đoạn cá bột, cá hương, cá giống

- Bệnh trùng miệng lệch

+ Tác nhân gây bệnh: Chilodonella sp.

+ Dấu hiệu bệnh lý: Khi mới xuất hiện bệnh cá bơi tập trung thành từng đàn gần mặt nước, mức độ ăn của cá kém. Da, mang có nhiều nhớt và kênh nắp mang. Cá chết rải rác.

+ Phân bố và mùa vụ xuất hiện bệnh: Gây tác hại lớn ở giai đoạn cá hương và cá giống. Bệnh xuất hiện trong năm vào giai đoạn nhiệt độ thấp cuối xuân, đầu hè.



+ Mức độ nguy hiểm: Tốc độ lây lan rất nhanh đặc biệt khi ương nuôi cá với mât độ cao. Nếu không điều trị kịp thời thiệt hại sẽ rất lớn.

+ Phòng trị bệnh: Tắm cho cá trong dung dịch CuSO4 với nồng độ 2ppm trong thời gian 5-10 phút hoặc ngâm cá trong dung dịch CuSO4 nồng độ 0,2ppm trong thời gian 24h. Sau khi cá khỏi bệnh trùng miệng lệch sẽ là cơ hội tốt cho vi khuẩn phát triển trên các vết thương nên phải điều trị ngay cho cá bằng thuốc kháng sinh Rifamicin, Tetracyclin, Erythromycin: Tắm cho cá với nồng độ thuốc là 20ppm trong 1,00h hoặc ngâm cá với nồng độ thuốc là 2ppm cho đến khi cá khỏi bệnh.

tải về 71.53 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương