ThS. HÀ Thị phưỚc thS. LÊ Thị như khuê



tải về 114.24 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích114.24 Kb.
#13314
PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH: XÂY DỰNG THƯ VIỆN VÕ NGUYÊN GIÁP

TẠI KHU LƯU NIỆM ĐẠI TƯỚNG (LỆ THUỶ, QUẢNG BÌNH)



ThS. HÀ THỊ PHƯỚC

ThS. LÊ THỊ NHƯ KHUÊ

Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế



1. Võ Nguyên Giáp - Người con ưu tú của quê hương Quảng Bình

Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp1 là một học trò, một cộng sự xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; một nhà chiến lược, một chỉ huy quân sự lỗi lạc. Những năm đất nước có chiến tranh, cùng với việc tham gia lãnh đạo, chỉ đạo chung, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Đại tướng đã từng trực tiếp chỉ huy các chiến dịch lớn như chiến dịch Biên Giới (1950), chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử (1954),… Ông chính là linh hồn của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ vĩ đại2. Mặc dù vậy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn không ngừng nỗ lực phấn đấu, tu dưỡng phẩm chất, đạo đức, học tập nhằm trở thành một vị tướng tài giỏi, một người lãnh đạo ưu tú của phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân, một nhà văn hóa lớn của Việt Nam.

Cống hiến của Võ Nguyên Giáp đối với những mốc son của lịch sử dân tộc và tỉnh Quảng Bình là vô cùng to lớn. Ông đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng nhân dân, bảo vệ độc lập dân tộc nói chung và quê hương Quảng Bình nói riêng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao Vàng, hai Huân chương Hồ Chí Minh, hai Huân chương Quân công hạng nhất… Báo chí nước ngoài ca ngợi ông “là một thiên tài quân sự lớn của thế kỉ XX, chuyên gia vĩ đại nhất về chiến tranh nhân dân”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở thành một biểu tượng tài đức vẹn toàn đối với mỗi người dân Việt Nam. Dân tộc Việt Nam có quyền tự hào đã sinh ra một người con như thế trong một thời đại vẻ vang nhất của dân tộc: Thời đại Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, Đại tướng còn để lại cho đời sau nhiều tác phẩm, luận văn chính trị - quân sự, bài viết, bài nói… góp phần chỉ đạo cho những tầng lớp con cháu mai sau kế tục và gánh vác sứ mệnh lịch sử nặng nề mà Đại tướng và Bác Hồ kính yêu trao lại; bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam ngày càng phát triển và giàu mạnh, có thể sánh vai với các cường quốc năm châu. (Đại tướng Võ Nguyên Giáp, 2010: 6).

Nhân dịp Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình tổ chức hội thảo khoa học vinh danh các danh nhân có công lao đặc biệt đối với quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Quảng Bình trong tiến trình lịch sử và đóng góp của danh nhân Quảng Bình đối với cả nước, với tấm lòng tôn kính Đại tướng và mong muốn góp một phần nhỏ cho thành công của hội thảo. Thông qua bài viết này, dựa trên cơ sở tập hợp, tuyển chọn và hệ thống hóa nguồn tư liệu, chúng tôi phác họa những nét cơ bản trong việc đề xuất ý tưởng: “Phát huy giá trị di tích: xây dựng thư viện Võ Nguyên Giáp tại khu lưu niệm Đại tướng (Lệ Thủy, Quảng Bình)”.

2. Ý tưởng hình thành thư viện mang tên Võ Nguyên Giáp trong chính khu lưu niệm của Đại tướng tại quê nhà

Qua những nét sơ thảo nói trên, chúng ta có thể hình dung phần nào về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một người con ưu tú, sinh ra từ mảnh đất Quảng Bình. Bên cạnh các trước tác do chính mình chủ bút, với cuộc đời và sự nghiệp lẫy lừng, đi vào huyền thoại, ông đã trở thành đề tài cho vô số các công trình nghiên cứu. Gia tài tư liệu, sách vở viết về Đại tướng vô cùng phong phú, đa dạng và được xuất bản khá rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Do đó thiết nghĩ, việc sưu tầm, tập hợp, xử lý nguồn tư liệu để hiện thực hóa ý tưởng thiết lập thư viện mang tên Võ Nguyên Giáp là điều hoàn toàn khả thi. Để làm được điều này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhà chuyên môn với chính quyền địa phương và sự quan tâm, hỗ trợ đắc lực từ phía các cấp lãnh đạo. Thư viện nếu được hình thành sẽ là một “địa chỉ đỏ” không những lưu giữ các giá trị văn hóa lịch sử liên quan đến cuộc đời Võ Nguyên Giáp, dấu son chói lọi trong lịch sử dân tộc nói chung, Quảng Bình nói riêng, mà còn là nơi giáo dục truyền thống cách mạng đối với thế hệ trẻ và đồng bào cả nước. Trên cơ sở đó, góp phần quan trọng vào việc phát huy giá trị cho khu lưu niệm của Đại tướng tại quê nhà (Lệ Thủy, Quảng Bình).



2.1. Thư viện đặc biệt chuyên về nghệ thuật quân sự nói chung

Đại tướng Võ Nguyên Giáp được xem là một trong những nhà quân sự lỗi lạc nhất của thế kỉ XX, dưới thời đại Hồ Chí Minh. Bằng trí tuệ và tài năng của mình, trên nền tảng kế thừa, vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự truyền thống của dân tộc, ông đã lãnh đạo đội quân của mình đi đến thắng lợi cuối cùng. Vai trò của học thuyết quân sự được Đại tướng nhìn nhận như một trong những nguồn gốc sức mạnh của dân tộc “Nền văn hóa Việt Nam, đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng, học thuyết quân sự Việt Nam độc đáo sáng tạo, không ngừng phát triển là sức mạnh của Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh”3. Chính vì vậy, thư viện Võ Nguyên Giáp trước hết sẽ là nơi trưng bày, giới thiệu các trước tác quân sự nổi tiếng của nước ta.

Từ buổi đầu khai thiên lập quốc, lịch sử Việt Nam luôn luôn gắn liền với những cuộc chiến tranh chống lại ách đô hộ của các thế lực ngoại xâm, giành lại nền độc lập. Suốt hơn 1.000 năm lịch sử, nhân dân ta, với tinh thần đoàn kết, đấu tranh bất khuất, vùng lên đánh bại mọi kẻ thù xâm lược mạnh hơn nhiều lần. Bước sang thế kỉ XX, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, truyền thống hào hùng của dân tộc lại càng được điểm tô rạng ngời với chiến thắng oanh liệt trước thực dân Pháp và đế quốc Mĩ. Với bề dày lịch sử như vậy, kinh nghiệm chiến đấu đã được người Việt đúc rút qua những cuốn binh thư, binh chế mà cho đến bây giờ, giá trị của chúng vẫn còn vẹn nguyên. Nói đến trước tác quân sự kinh điển, phải kể đến Binh thư yếu lược4, Hịch tướng sĩ (Trần Quốc Tuấn)5, Hổ trướng khu cơ (Đào Duy Từ)6, Bình Ngô đại cáo7, Quân trung từ mệnh tập (Nguyễn Trãi)8... Đây là những cuốn sách quý báu tổng kết công cuộc dựng nước và giữ nước qua từng thời kỳ lịch sử, phản ánh các kinh nghiệm, đặc điểm cơ bản trong đường lối đấu tranh quân sự của dân tộc Việt trên cơ sở tiếp thu, học tập những tinh hoa của binh pháp nhân loại để vận dụng sáng tạo ra chiến lược quân sự riêng, phù hợp với đặc điểm của đất nước mình9. Qua đó, nổi bật lên trí tuệ và bản lĩnh con người Việt Nam. Vì vậy, việc kết hợp trưng bày các trước tác quân sự này trong thư viện Võ Nguyên Giáp cũng là một phương thức hữu hiệu để chúng ta hiểu biết sâu sắc hơn, đồng thời góp phần bảo lưu và phát triển nghệ thuật quân sự truyền thống của dân tộc.

2.2. Thư viện Võ Nguyên Giáp

2.2.1. Bản thảo, trước tác của ông

Không chỉ là một nhà quân sự lỗi lạc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là một sử gia, một nhà văn hóa lớn. Người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, sau khi rời khỏi công việc chính trường, thôi giữ những trọng trách của đất nước, đã dành toàn bộ thời gian và tâm huyết để tổng kết lại tiến trình cách mạng vĩ đại của dân tộc. Dưới ngòi bút Võ Nguyên Giáp, cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc được tái hiện đầy chân thực và sống động. Đảng vinh quang, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, quân đội và nhân dân anh hùng chính là niềm tự hào từ trong sâu thẳm mỗi con người Việt Nam. Và anh Văn, qua những trước tác của mình, đã làm rạng ngời thêm chân lý đó. Từ nhân dân mà ra, Những năm tháng không thể nào quên, Chiến đấu trong vòng vây, Đường tới Điện Biên Phủ, Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử, Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng... chính là hệ thống kiệt tác tổng kết toàn bộ các sự kiện lịch sử lớn cũng như những điều tâm huyết, kinh nghiệm mà Đại tướng đã đúc rút trong suốt cuộc đời cầm quân đầy vinh quang của mình, qua những năm tháng ác liệt nhất của chiến tranh.

Trong các trước tác của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phân tích và đưa ra những lý luận vô cùng sắc sảo về đường lối quân sự chiến tranh nhân dân. Dân tộc Việt Nam có lịch sử hơn 4.000 năm dựng nước và giữ nước, dù trong bất cứ hoàn cảnh và thời điểm nào đi nữa, truyền thống đoàn kết chiến đấu chống giặc ngoại xâm luôn được phát huy tối đa. Đó chính là nền tảng để sáng tạo ra nghệ thuật quân sự độc đáo - Nghệ thuật quân sự của toàn dân đánh giặc, mà dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, nó càng được phát huy thành một nét tinh hoa của dân tộc. Có thể thấy, trong các cuộc khởi nghĩa ở nước ta, nếu chỉ đề cập đến lực lượng vũ trang cách mạng thì chưa đủ, vì muốn đi đến thắng lợi cuối cùng, tất yếu phải có sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân. Chính vì vậy, “Nghệ thuật quân sự của toàn dân đánh giặc của ta là nghệ thuật chỉ đạo hoạt động quân sự của lực lượng vũ trang, đồng thời chỉ đạo hoạt động quân sự của nhân dân cầm vũ khí đứng lên đánh địch”. Nghệ thuật ấy còn được thể hiện qua việc “quán triệt tư tưởng tiến công địch, nó chủ yếu là nghệ thuật tiến công”, “quán triệt tư tưởng lấy ít đánh nhiều về chiến lược, còn trong chiến dịch và chiến đấu thì biết lấy ít đánh nhiều, đồng thời khi cần thiết còn biết tập trung lực lượng nhiều hơn địch một cách thích đáng để tiêu diệt địch”. Mặt khác, “quán triệt sâu sắc tư tưởng tích cực tiêu diệt địch” và “đánh địch một cách tích cực, chủ động, kiên quyết, linh hoạt, mưu trí sáng tạo, bí mật bất ngờ”10.

Theo Đại tướng, kiên định mục tiêu cách mạng, vận dụng thế giới quan, quan điểm thực tiễn, phương pháp luận Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là bài học mang tính cách mạng và khoa học, có ý nghĩa to lớn của học thuyết quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Với lối tư duy khoa học, toàn diện, phát huy sáng tạo nghệ thuật quân sự truyền thống, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã dẫn dắt, đưa đường cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc đi đến những thắng lợi vang dội, đánh tan mọi âm mưu xâm lược của các đế quốc hùng mạnh nhất trong thế kỉ XX.

Có thể khẳng định rằng, ông là nhà cầm quân tài ba, lại vừa là tác gia, một nhà văn hóa tư tưởng kiệt xuất. Với gia tài hết sức đồ sộ bao gồm các luận văn chính trị, quân sự, các tập hồi ký, thư từ, bài viết, bài nói tại các đại hội, hội nghị11, từng được dịch sang nhiều thứ tiếng khác nhau, Đại tướng đã đưa đến cho người đọc một cái nhìn toàn diện, sâu sắc, chân thực về hai cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc, trong đó nổi bật lên vai trò lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; tư tưởng và các vấn đề cơ bản trong nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân, ý chí chiến đấu, vị trí chiến lược của các lực lượng vũ trang cách mạng và đông đảo quần chúng nhân dân… Ông đã bỏ rất nhiều thời gian và tâm huyết, đúc kết từ những trải nghiệm thực tế, tôn trọng sự thật lịch sử, đặt yếu tố trung thực lên hàng đầu để tổng kết lại hai cuộc trường chinh của dân tộc. Mỗi sự kiện lịch sử, mỗi con người tham gia vào trong đó, dù ở cương vị lãnh đạo cao cấp, tướng lĩnh hay các chiến sĩ, đồng bào đều được đề cập đến một cách đầy đủ, chân thực với thái độ hết mực trân trọng. Xuyên suốt từng trang hồi ký, trí tuệ và bản lĩnh của con người Việt Nam qua từng giai đoạn lịch sử càng được khắc họa đậm nét.

Hệ thống trước tác của Đại tướng chính là cơ sở giúp nhân loại hiểu thêm về lịch sử truyền thống, nguồn gốc sức mạnh, tiến trình hình thành, phát triển và đi đến thắng lợi của con thuyền cách mạng Việt Nam. Từ đó góp phần trả lời cho câu hỏi mà lâu nay không ít người đã đặt ra: “Vì đâu nhân dân Việt Nam, từ không một tấc sắt trong tay, vùng lên bẻ gãy gông xiềng nô lệ, lại đánh thắng “hai đế quốc to” trong một cuộc chiến tranh không cân sức, giành lại non sông đất nước, tiến lên giải phóng xã hội, giải phóng con người?”12. Hoàn toàn xác đáng khi nhận định rằng, tác phẩm của Võ Nguyên Giáp có giá trị như “những bộ binh pháp hiện đại”13 và Đại tướng là “một tác gia kiệt xuất đã để lại một di sản đồ sộ về thế kỉ XX hào hùng đầy thử thách… một trong những nhà sử học lớn nhất của thế kỉ XX”14. Do đó, việc tập hợp và trưng bày các kiệt tác của ông sẽ là một phương thức hiệu quả để giới thiệu cho nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế khi đến tham quan khu lưu niệm, có điều kiện tiếp cận, hiểu rõ thêm về con người và tài năng của một nhà quân sự tài ba, nhà văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam. Đồng thời, cung cấp nguồn tư liệu quý báu cho giới nghiên cứu, cũng như giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.

2.2.2. Các công trình sách, báo nghiên cứu về Đại tướng từ trong nước cũng như ngoài nước

Cuộc đời và sự nghiệp của Võ Nguyên Giáp gắn liền với những mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc. Đối với mỗi người dân, đó là một tượng đài sừng sững, nơi hội tụ đầy đủ các phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam, một biểu tượng tài đức vẹn toàn dưới thời đại Hồ Chí Minh. Không những vậy, với những chiến tích vĩ đại của mình, Đại tướng đã đi vào lịch sử nhân loại như một thiên tài quân sự lớn của thế kỉ XX, vị anh hùng của những con người bị nô dịch dưới chế độ thực dân đế quốc. Chính vì vậy, nghiên cứu về Võ Nguyên Giáp luôn là đề tài bất tận, thu hút được sự quan tâm, chú ý cả trong và ngoài nước.

Ở Việt Nam, đã có rất nhiều sách xuất bản, cũng như hàng trăm ký sự, bài viết, công trình nghiên cứu về ông được đăng tải trên các báo, tạp chí. Các tác giả đã tập trung khai thác cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng dưới nhiều khía cạnh góc độ khác nhau, nhưng tựu trung đều làm nổi bật được trí tuệ bản lĩnh, những cống hiến to lớn, thể hiện tình cảm kính trọng, biết ơn đối với Đại tướng. Có thể kể đến một số cuốn như: Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp với sử học Việt Nam; Võ Nguyên Giáp trong cuộc trường chinh thế kỉ; Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của hòa bình; Võ Nguyên Giáp - Danh tướng thời đại Hồ Chí Minh; Võ Nguyên Giáp - Hào khí trăm năm; Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Danh tướng thế kỉ XX qua tư liệu nước ngoài; Ở với người, ở với đời; Hai lần được tháp tùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Võ Nguyên Giáp, người yêu nước, người thầy, người lính; Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ; Võ Nguyên Giáp qua lời kể của những người thân; Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Hai con người làm nên huyền thoại; Trường ca về tướng Giáp - Người anh cả của toàn quânCác cuốn sách quý này đều chọn lọc những bài viết, bút ký của nhiều tác giả thuộc nhiều ngành nghề, lĩnh vực viết về Đại tướng. Đó có thể là bài phân tích, đánh giá sâu sắc, khách quan về con người, sự nghiệp, tác phẩm của ông, hay đơn giản là những kỷ niệm khi được gặp gỡ tiếp xúc với Đại tướng. Bên cạnh đó còn có một số ấn phẩm đặc biệt về “Người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam” được thể hiện dưới hình thức ngôn ngữ nhiếp ảnh như: Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp (Nxb Thông tin và Truyền thông); 101 khoảnh khắc về Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Nxb Hà Nội); Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp (Nxb Văn hóa Thông tin); Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Một thế kỉ, hai cuộc trường chinh (Nxb Kim Đồng)… tập hợp, chọn lọc hàng trăm bức ảnh tư liệu quý giá, phản ánh khá đầy đủ, sống động và giàu xúc cảm chân dung Đại tướng trong chiến đấu cũng như sinh hoạt đời thường, dưới nhiều góc máy khác nhau. Qua đó, chúng ta nên một cái nhìn toàn cảnh và đa chiều về một trong những người con ưu tú của dân tộc.

Không chỉ là người anh hùng của nhân dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp với những chiến tích lẫy lừng trong sự nghiệp của mình đã trở thành huyền thoại đi vào lịch sử quân sự thế giới. Được vinh danh là một trong những vĩ nhân quân sự kiệt xuất nhất mọi thời đại, ông luôn nhận được sự kính trọng, ngưỡng mộ sâu sắc từ nhiều nguyên thủ quốc gia, giới quân sự, khoa học... và đông đảo nhân dân thế giới. Tướng Peter G. MacDonald15 đánh giá:

Từ năm 1944-1975, cuộc đời của Võ Nguyên Giáp gắn liền với chiến đấu và chiến thắng, khiến ông trở thành một trong những thống soái lớn của mọi thời đại. Với 30 năm làm Tổng Tư lệnh và gần 50 năm tham gia chính sự ở cấp cao nhất, ông tỏ ra là người có phẩm chất phi thường trong mọi lĩnh vực. Khó có vị tướng nào có thể so sánh với ông trong việc kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy. Sự kết hợp đó xưa nay chưa từng có”..., “Hiện nay, trên thế giới vẫn còn một vị tướng quân đội nguyên thủy mà thắng hai thế lực lớn của phương Tây: Đó là Võ Nguyên Giáp. Xuất phát từ 34 chiến sỹ, cuối cùng ông đã chỉ huy gần triệu quân. Rõ ràng ông là nhân vật không có ai địch nổi”16.

Hình ảnh Đại tướng đã trở nên quen thuộc trên các bìa sách quốc tế. Dưới ngòi bút của nhiều tác giả nước ngoài, những ấn phẩm về cuộc đời và sự nghiệp của ông được xuất bản rộng rãi trên toàn cầu17. Theo nhà sử học quân sự Mĩ Cecil B. Currey, trong cuốn Victory at Any Cost: The Genius of Vietnam's Gen. Vo Nguyen Giap (Chiến thắng bằng mọi giá - Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Thiên tài của Việt Nam), tướng Giáp chưa từng được đào tạo qua bất cứ trường lớp quân sự nào, ông chủ yếu nắm bắt kinh nghiệm cũng như những kiến thức cơ bản về quân sự trong quá trình tiến hành chiến tranh. Nhưng đó thực sự là một thiên tài quân sự, nhà chiến thuật bậc thầy, người có tài mưu lược, cầm quân xuất sắc, biết tổ chức chiến đấu một cách khôn khéo, có hiệu suất cao. Chính vì vậy, dù phải chiến đấu trong hoàn cảnh vô cùng gian khổ, thiếu thốn mọi thứ, đối mặt với sự uy hiếp nặng nề của các thế lực thù địch bên ngoài, cùng với những khuyết điểm chủ quan trong sự quản lý đất nước, ông vẫn dẫn dắt đội quân của mình đánh thắng liên tiếp những đế quốc hùng mạnh nhất thời bấy giờ18.

Giới báo chí cũng dành cho ông những bài viết trang trọng. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày phát hành số đầu tiên, Time Asia (Thời báo châu Á) đã đưa ra số đặc biệt giới thiệu các anh hùng châu Á, tôn vinh các nhân vật có tầm ảnh hưởng quan trọng đến cục diện châu lục mà Võ Nguyên Giáp là một trong số đó. Với đề dẫn “Đánh bại quân Pháp ở Điện Biên Phủ, ông báo trước hồi kết của chủ nghĩa đế quốc”, thời báo này nhận định: “Chiến thắng của Cộng sản Việt Minh tại Điện Biên Phủ là sự kiện lần đầu tiên một lực lượng kháng chiến ở châu Á đã đánh thắng quân đội thực dân trong một trận đánh thông thường. Nó phá vỡ huyền thoại vô địch của phương Tây, khiến người Pháp phải rút khỏi Việt Nam một cách nhục nhã và cổ vũ cho các lực lượng chống đế quốc trên toàn cầu. Ngày nay, vẫn hoạt bát trong bộ quân phục, tướng Giáp khiêm tốn bác bỏ ý kiến cho rằng, những chiến công đó khiến ông trở thành một người anh hùng. Ông khẳng định, đó đơn thuần chỉ là bằng chứng để chứng minh rằng “Nhân dân Việt Nam, với tinh thần yêu nước, có thể làm nên những điều phi thường”. Đúng vậy. Nhưng Giáp đã chỉ đường cho họ”19. Dưới tiêu đề “Tướng Giáp: Một trăm tuổi và luôn hiện diện” đăng trên tạp chí Le Soir ra ngày 25 tháng 8 năm 2011, nữ tác giả Colette Braeckaman ca ngợi cuộc đời và sự nghiệp lẫy lừng của vị Tổng Tư lệnh của Quân đội nhân dân Việt Nam. Bài báo cho biết, với một lực lượng ít ỏi, ngay sau thế chiến thứ hai, Võ Nguyên Giáp đánh bại sự chiếm đóng của quân Nhật. Vào năm 1954, buộc lực lượng viễn chinh Pháp phải chịu thất bại nhục nhã tại Điện Biên Phủ với 2.200 lính chết trận và hơn 11.000 tù binh. Tiếp đó, với vai trò nhà lãnh đạo của Quân đội nhân dân Việt Nam, ông đã đối đầu với đế quốc Mĩ, bất chấp sự bắn phá của B52, giành lại thành phố Đà Nẵng, vốn được hơn 100.000 quân bảo vệ, mở đầu cho sự sụp đổ của Mĩ tại Sài Gòn. Tác giả nhấn mạnh: “Tướng Giáp, lúc đầu là một nhà báo, giáo viên, cùng với Bác Hồ (Hồ Chí Minh), sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, là một trong những chiến lược gia kiệt xuất nhất của thế kỉ XX, người đã liên tiếp đánh bại nhiều cuộc xâm lược của các cường quốc như Nhật, Pháp và Mĩ”20.

Có thể thấy rằng, số lượng sách báo, tạp chí viết về Đại tướng từ trong và ngoài nước vô cùng phong phú, đa dạng. Đó là những phân tích, nhận định, đánh giá về con người và sự nghiệp lẫy lừng của Đại tướng dưới nhiều góc độ khác nhau. Thiết nghĩ, việc tập hợp các ấn phẩm này để làm thành nguồn tư liệu, hình thành một thư viện về Đại tướng, phục vụ cho công tác nghiên cứu, học tập là rất cần thiết. Và làm được điều đó sẽ góp phần phát huy giá trị cho khu lưu niệm Đại tướng tại Lệ Thủy, Quảng Bình.



3. Thay lời kết

Sách có câu: Thời thế tạo anh hùng và anh hùng góp phần làm nên thời thế. Thời đại Hồ Chí Minh đã sản sinh ra biết bao bậc lão thành cách mạng, các nhà yêu nước nổi tiếng được nhân dân yêu quý, biết ơn và kính trọng như những bậc khai quốc công thần, những vị anh hùng dân tộc một lòng vì nước vì dân mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những nhân vật lịch sử như thế21.

Là một trong những người học trò xuất sắc nhất, đồng thời là người cộng sự thân cận của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Người giáo dục rèn luyện, Võ Nguyên Giáp, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình đã không ngừng nỗ lực, tu dưỡng phấn đấu suốt cả cuộc đời, trở thành một vị Đại tướng của nhân dân, Người anh Cả của quân đội cách mạng; một nhà lãnh đạo đất nước tài đức văn võ song toàn, một nhà văn hóa lớn, tiêu biểu cho vẻ đẹp trí tuệ và bản lĩnh của con người Việt Nam. Do đó, bài viết này đề xuất ý tưởng xây dựng thư viện Võ Nguyên Giáp trên nền tảng hệ thống hóa một cách đầy đủ, khoa học các tài liệu, công trình liên quan, với mong muốn tăng thêm giá trị của khu lưu niệm, giúp cho mọi người khi đến đây có thêm cơ hội tiếp cận với nguồn thông tin phong phú liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng. Qua đó có một cái nhìn đa chiều và sâu sắc về bậc danh nhân được nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế ngưỡng mộ. Với việc chứa đựng, bảo lưu các tư liệu có giá trị trên nhiều phương diện sử học, quân sự, văn học…, thư viện Võ Nguyên Giáp sẽ là một địa chỉ không thể bỏ qua đối với nhân dân cả nước và thế giới nói chung, người dân Quảng Bình nói riêng và đặc biệt sẽ góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, không chỉ hôm nay mà cho cả mai sau.

Tài liệu tham khảo:

1. Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, Nxb QĐND, Hà Nội, 2005.

2. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tập hồi ký, Nxb QĐND, Hà Nội, 2011.

3. Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua góc nhìn của tri thức và văn nghệ sĩ, Hà Nội, Nxb Thanh niên, 2012.

4. Sông Lam - Minh Khánh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua góc nhìn của những người nước ngoài, Hà Nội, Nxb Thanh niên, 2012.

5. Hồ Ngọc Sơn, “Anh Văn - nhà văn hóa lớn”, in trong Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua góc nhìn báo chí, Hà Nội, Nxb Thanh niên, 2012.

6. Phạm Duy Trưởng, “Trước tác kinh điển hàng đầu của người Việt: Binh thư yếu lược”,

Nguồn: http://www.bienphong.com.vn/BaoBienPhong/32/383/383/13855/anbg.aspx.

8. Phạm Duy Trưởng, “Đào Duy Từ và Hổ trướng khu cơ”, Nguồn: http://www.bienphong.com.vn/BaoBienPhong/32/387/387/13701/ANBG.aspx).

9. http://daitudien.net/van-hoc/van-hoc-ve-hich-tuong-si.html.

10. “60 Years of Asian Heroes: General Vo Nguyen Giap”,

Nguồn: http://www.time.com/time/asia/2006/heroes/nb_nguyen.html.

11.http://blog.lesoir.be/colette-braeckman/2011/08/25/le-general-giap-centenaire-et-toujours-present/



1 “Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh năm 1911, quê ở xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Ông tham gia cách mạng từ năm 1925. Năm 1929 tham gia cải tổ Tân Việt cách mạng Đảng thành Đông Dương Cộng sản liên đoàn; năm 1930 bị thực dân Pháp bắt giam; năm 1936-1939 tham gia phong trào Mặt trận dân chủ Đông Dương, biên tập viên các báo của Đảng, Chủ tịch Ủy ban Báo chí Bắc Kỳ trong phong trào Đông Dương đại hội. Từ tháng 5 năm 1941, ông phụ trách gây cơ sở cách mạng ở Cao Bằng, tham gia chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang ở căn cứ Cao - Bắc - Lạng; năm 1942, phụ trách Ban xung phong Nam tiến, dùng hoạt động tuyên truyền vũ trang mở đường liên lạc giữa miền núi và đồng bằng Bắc Bộ; tháng 12 năm 1944 được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) giao thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Ngày 4 tháng 8 năm 1945, ông được cử giữ chức ủy viên Ủy ban Quân sự cách mạng Bắc Kỳ, Tư lệnh các lực lượng vũ trang thống nhất mang tên Việt Nam Giải phóng quân, tham gia Ủy ban chỉ huy lâm thời Khu giải phóng Việt Bắc.

Ông được Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 8 năm 1945) cử vào Ban chấp hành Trung ương và là ủy viên Thường vụ Ban chấp hành Trung ương Đảng, tham gia Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Quân sự ủy viên hội trong Chính phủ liên hiệp, Phó trưởng đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đàm phán với Pháp tại Hội nghị trù bị Đà Lạt năm 1946. Được phong quân hàm Đại tướng năm 1948. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bí thư Tổng quân ủy (sau là Quân ủy Trung ương) từ năm 1946 đến năm 1977; ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng các khóa từ II đến VI; ủy viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng các khóa II, III và IV; Phó Thủ tướng Chính phủ từ năm 1955 đến năm 1992. Trong Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tập hồi ký, Nxb QĐND, Hà Nội, 2011 (In lần thứ 3), tr.5, 6 [=> lần 1: 2006, lần 2: 2010].



2 Trong kháng chiến chống Mĩ, ông cùng Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng chỉ đạo cuộc chiến tranh nhân dân chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mĩ ở miền Bắc Việt Nam, trong đó có trận “Điện Biên Phủ trên không” oanh liệt (tháng 12 năm 1972), chỉ đạo các chiến dịch lớn ở miền Nam Việt Nam, trong đó có chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (mùa Xuân năm 1975). Trong Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tập hồi ký, Nxb QĐND, Hà Nội, 2011 (In lần thứ 3), tr.5, 6.

3 Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, Nxb QĐND, Hà Nội, 2005, tr.999.

4 “Hiện nay, ở Thư viện Khoa học Xã hội, có một bộ sách chữ Hán chép tay mang ký hiệu 476 đề là Binh thư yếu lược. Trang đầu bộ sách này còn ghi rõ rằng: “Binh thư yếu lược 4 quyển do Trần Hưng Đạo vương soạn, vương húy là Quốc Tuấn”. Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, Binh gia diệu lý yếu lược (tóm lược chỗ cốt yếu trong nguyên lý kỳ diệu của nhà binh) là một cuốn binh thư được Trần Quốc Tuấn soạn ra để giáo dục các tướng sĩ phép dùng binh... Trong cuốn “Binh thư yếu lược” này đã tổng kết kinh nghiệm chiến tranh và nghệ thuật quân sự ở Việt Nam từ xưa đến đầu thế kỉ XIX, chú trọng nhiều đến mặt thực hành, đưa ra một số tình huống giải pháp cụ thể, gần như một giáo lệnh chiến đấu, trong lý luận quân sự, với những tư tưởng chủ yếu sau: 1. Về chính trị “Hóa mục” (đoàn kết nhất trí) là đạo hay trị nước, hành binh hay nhất; 2. Về chỉ đạo chiến tranh: Mưu đã định, mới đánh giặc; tiến lên hay lui giữ do ở ta thì chắc thắng; 3. Về chỉ đạo tác chiến: Đánh ở chỗ không có thành, công ở chỗ không có lũy, chiến ở chỗ không có trận; 4. Về ý chí chiến đấu: Cái hại lớn nhất trong việc dùng binh là do dự; 5. Về quan hệ quân binh: Tướng mà coi quân như chân tay thì quân coi tướng như đầu óc”.

(Phạm Duy Trưởng, “Trước tác kinh điển hàng đầu của người Việt: Binh thư yếu lược”, Nguồn: http://www.bienphong.com.vn/BaoBienPhong/32/383/383/13855/anbg.aspx).



5 Tác phẩm nổi tiếng của Trần Quốc Tuấn viết trước cuộc kháng chiến chống Nguyên 1285. Bài hịch kích động lòng tự tôn dân tộc của tướng lĩnh, quyết tâm rửa nhục nước, không quản hi sinh. Hơn nữa, bài hịch xây dựng tư tưởng quyết chiến, quyết thắng; đả phá thái độ thờ ơ, hưởng lạc, kêu gọi huấn luyện quân sĩ, tập dượt cung tên để đánh bại hoàn toàn quân Nguyên xâm lược. Lời văn sục sôi nhiệt huyết, tràn đầy lòng tin ở chiến thắng, không chủ quan khinh địch. Bài hịch truyền cho tướng sĩ tinh thần quyết chiến sắt đá thể hiện ở hai chữ "Sát Thát" xăm trên cánh tay và dẫn đến thắng lợi ở Chương Dương, Hàm Tử, Tây Kết, Vân Đồn, cuối cùng là ở Bạch Đằng (1288).

(Nguồn: http://daitudien.net/van-hoc/van-hoc-ve-hich-tuong-si.html).



6 “Hổ trướng khu cơ” là tác phẩm binh thư do Đào Duy Từ soạn ra, để dạy các tướng sĩ của xứ Đàng Trong. Đó là tác phẩm quân sự duy nhất của Việt Nam còn nguyên vẹn cho đến ngày nay. Khác hẳn với nhiều cuốn binh thư, Hổ trướng khu cơ được biên soạn nặng về mặt thực hành hơn là mặt lý luận quân sự và được viết theo quan điểm cổ truyền của thuyết Tam tài “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, gồm ba tập: Tập Thiên, tập Địa và tập Nhân. Chủ yếu trình bày về phương pháp đánh trận và kỹ thuật chế tạo binh khí, phản ánh nhiều vấn đề cơ bản của truyền thống quân sự Việt Nam... (Phạm Duy Trưởng, “Đào Duy Từ và Hổ trướng khu cơ”.

(Nguồn: http://www.bienphong.com.vn/BaoBienPhong/32/387/387/13701/ANBG.aspx).



7 Văn kiện lịch sử đồng thời là tác phẩm văn học theo thể văn biền ngẫu, do Nguyễn Trãi viết (lấy danh nghĩa Lê Thái Tổ) năm 1428, sau đại thắng quân Minh; được các thế hệ sĩ phu đánh giá là một áng "thiên cổ hùng văn" có một không hai trong lịch sử dân tộc. Nguyên văn chữ Hán, văn bản sớm nhất in trong Đại Việt sử kí toàn thư (1697). Bình Ngô Đại Cáo trình bày tóm tắt lịch sử mười năm kháng chiến gian khổ, những thành tích của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, tổng kết kinh nghiệm cuộc chiến tranh chống Minh, rút ra những bài học về đường lối đánh giặc cứu nước, có giá trị lâu dài cho sự nghiệp bảo vệ nền độc lập tự chủ. (Nguồn: http://daitudien.net/van-hoc/van-hoc-ve-binh-ngo-dai-cao.html).

8 Tập văn kiện lịch sử - binh vận - ngoại giao bằng chữ Hán do Nguyễn Trãi soạn thảo theo sự ủy thác và trên danh nghĩa của Lê Lợi trong khởi nghĩa Lam Sơn (1418-28). Tập tư liệu gồm các thư từ trao đổi giữa Lê Lợi và các tướng quân Minh (Trần Trí, Phương Chính, Vương Thông...), không kể phần văn loại gồm các bài chiếu, biểu viết trong thời bình. Trần Khắc Kiệm đời Hồng Đức (1470-97) sưu tập lần đầu và Dương Bá Cung biên soạn, khắc in năm 1868. Số lượng hiện còn khoảng 62 bản, xếp trong “Ức Trai thi tập”. Đây là tập văn vừa mang tính luận chiến, nhằm cổ vũ tinh thần quân sĩ và làm nao núng ý chí quân giặc, vừa mang tính thuyết phục, giảng giải cho kẻ địch thấy rõ lẽ tất yếu phải rút quân và thừa nhận chủ quyền độc lập của Đại Việt”

(Nguồn: http://daitudien.net/lich-su/lich-su-ve-quan-trung-tu-menh-tap.html).



9 Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận định: “Từ Hịch tướng sĩ đến Bình Ngô đại cáo, một học thuyết quân sự Việt Nam đã hình thành và phát triển: “lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”, “lấy ít địch nhiều”, “lấy nhỏ thắng lớn”. Học thuyết ấy đã vận dụng phép biện chứng đổi yếu thành mạnh, kết hợp lực, thế, thời, cuối cùng đạt tới nguyện vọng sâu xa là giành lại và giữ vững chủ quyền dân tộc với những tư tưởng vượt thời đại: “dập tắt muôn đời chiến tranh”, “đem lại hòa bình muôn thuở”. (Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước, Hà Nội, Nxb QĐND, 2005, tr.993-994).

10 Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước, Hà Nội, Nxb QĐND, 2005, tr.567-580.

11 Xem thêm về các trước tác của Đại tướng trong Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước, Hà Nội, Nxb QĐND, 2005.

- Nhân dân miền Nam nhất định đánh thắng “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ (Bài viết nhân dịp kỷ niệm 10 năm ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ, năm 1964), tr.17.

- Thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi Chủ tịch Ủy ban quốc tế giám sát và kiểm soát ở Việt Nam, tr.61.

- Diễn từ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Đại hội thi đua “Quyết tâm đánh thắng giặc Mĩ xâm lược của các lực lượng vũ trang nhân dân” (diễn từ nhân kỷ niệm một năm đánh thắng chiến tranh phá hoại của hải quân và không quân Mĩ, năm 1965), tr.61.

- Phát biểu với cán bộ, chiến sĩ các Trung đoàn Không quân 921, 923 và Trung đoàn Pháo cao xạ 218 (Ngày 2 tháng 9 năm 1965), tr.71.

- Cả nước một lòng đẩy mạnh cuộc chiến tranh yêu nước vĩ đại, kiên quyết đánh thắng giặc Mĩ xâm lược (Bài viết trên báo Nhân dân số ra các ngày 16, 17 tháng 1 năm 1966), tr.87.

- Dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng và Hồ Chủ tịch, thanh niên các lực lượng vũ trang nhân dân hãy anh dũng tiến lên phát huy cao độ truyền thống anh hùng của dân tộc, thi đua lập công, quyết tâm đánh thắng giặc Mĩ xâm lược, (In theo Hãy xứng đáng là thanh niên anh hùng của dân tộc anh hùng, quân đội anh hùng, Nxb QĐND, Hà Nội, 1966), tr.113.

- Bài nói tại Đại hội mừng công thi đua quyết thắng Binh chủng Công binh, ngày 24 tháng 4 năm 1966, tr.139.

- Vai trò chiến lược của dân quân tự vệ trong sự nghiệp chống Mĩ cứu nước vĩ đại của nhân dân ta (Bài nói tại Hội nghị tổng kết công tác quân sự địa phương Quân khu 3, theo vai trò chiến lược của dân quân tự vệ trong sự nghiệp chống Mĩ cứu nước vĩ đại của nhân dân ta, Nxb H, QĐND, 1967), tr.159.

- Thắng lợi to lớn, nhiệm vụ vĩ đại, Viết năm 1967, sau hai năm “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mĩ tr.197.

- Diễn văn đọc trong cuộc mít tinh kỷ niệm ngày toàn quốc kháng chiến và thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 1968, tr.263.

- Chiến tranh nhân dân của ta đã đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mĩ, bài nói tại Đại hội thi đua quyết thắng của bộ đội phòng không và không quân, năm 1969, tr.277.

- Phát huy truyền thống “Chân đồng vai sắt, đánh giỏi bắn trúng”, bộ đội pháo binh anh dũng tiến lên!, bài nói của Đại tướng tại Đại hội thi đua quyết thắng và kỷ niệm 23 năm ngày thành lập Binh chủng Pháo binh, năm 1969, tr.295.

- Thắng lợi rực rỡ và sức mạnh to lớn của chiến tranh nhân dân trên các địa phương của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, bài nói tại Hội nghị tổng kết bốn năm đánh thắng chiến tranh phá hoại của giặc Mĩ, Quân khu 3 tổ chức tháng 7 năm 1969, tr.317.

- Bài nói tại Hội nghị quân chính Đoàn 559, tháng 8 năm 1969, tr.343.

- Thắng lợi của chiến tranh nhân dân chống chiến tranh phá hoại ở các thành phố và khu công nghiệp của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, bài nói chuyện ngày 17 tháng 2 năm 1970 tại Hội nghị cán bộ của thành phố Hải Phòng tổng kết 4 năm tiến hành thắng lợi chiến tranh nhân dân chống chiến tranh phá hoại, tr.383.

- Bài nói tại Đại hội thi đua 4 năm chống Mĩ cứu nước của ngành Giao thông Vận tải, ngày 28 tháng 3 năm 1970, tr.431.

- Chiến tranh nhân dân trên chiến trường sông biển, bài nói chuyện nhân dịp kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Quân chủng Hải quân 1970, tr.437

- Vị trí chiến lược của chiến tranh nhân dân ở địa phương và của các lực lượng vũ trang địa phương, bài nói tại Hội nghị quân sự địa phương toàn miền Bắc tháng 7 năm 1970, tr.461.

- Xây dựng cơ sở chính trị, xây dựng căn cứ địa, hậu phương của chiến tranh nhân dân, bài giảng tại Học viện Quân sự, cuối năm 1970, tr.493.

- Phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân, bài giảng tại Học viện Quân sự cuối năm 1970, tr.527.

- Nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân, bài giảng tại Học viện Quân sự, cuối 1970, tr.563.

- Bài nói tại hội nghị Trung ương lần thứ 19 về tình hình quân sự, ngày 12 tháng 12 năm 1970, tr.603.

- Vũ trang quần chúng cách mạng xây dựng Quân đội nhân dân, Tác phẩm Vũ trang quần chúng cách mạng xây dựng quân đội nhân dân, Nxb QĐND, Hà Nội, 1972, tr.645.



12 Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước, Tlđd, tr.993.

13 Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua góc nhìn của tri thức và văn nghệ sĩ, Hà Nội, Nxb Thanh niên, 2012, tr.18.

14 Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua góc nhìn của tri thức và văn nghệ sĩ, Tlđd, tr.69.

15 Tướng Peter G. MacDonald, người Anh, đồng thời cũng là nhà nghiên cứu khoa học lịch sử quân sự. Ông là tác giả cuốn sách Tướng Giáp: Người chiến thắng ở Việt Nam (Giap: The Victor in Vietnam, W W Norton & Co Inc, 1993), được viết sau chuyến thăm và phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp của ông tại Hà Nội năm 1990. Ông cũng đã tiến hành gặp gỡ nhiều cựu chiến binh và người dân, qua đó làm sáng tỏ vì sao một đội quân nghèo nàn lại làm nên kỳ tích chiến thắng hai đế quốc sừng sỏ hàng đầu thế giới.

16 Sông Lam - Minh Khánh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua góc nhìn của những người nước ngoài, Hà Nội, Nxb Thanh niên, 2012, tr.11-12.

17 Xem thêm:

- R.G. Grant, Commanders - History’s greatest Military Leaders, DK, 2010 (Những vị tư lệnh - Các nhà lãnh đạo lớn nhất của lịch sử).

- Jeremy Black, Great Military Leaders and Their campaigns, London.: Thames & Hudson, 2008. (Những nhà lãnh đạo quân sự và các chiến dịch của họ).

- Alain Ruscio, Vo Nguyen Giap - Une vie. Propos recueillis par Alain Ruscio. Hanoi, 1979-2008, Paris.: Les Indes savantes, 2010. (Trò chuyện do Alain Ruscio ghi, Hà Nội, 1979-2008).

- Cecil B. Currey, Victory at Any Cost: The Genius of Vietnam's Gen. Vo Nguyen Giap, Washington.: Brassey’s Inc, 1997. (Chiến thắng bằng mọi giá - Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Thiên tài của Việt Nam).

- Bernard Fall, Vo Nguyen Giap - Man and Myth, New York.: F.P.Publishers, 1962. (Võ Nguyên Giáp - Con người và huyền thoại).


- John Colvin, Giap: Volcano Under Snow, Soho Pr Inc, 1996. (Tướng Giáp - Núi lửa phủ tuyết).


18 Trong cuốn sách này, tác giả Cecil B. Curry, dưới ngòi bút của mình, đã tái hiện lại những chặng đường sự nghiệp từ một giáo viên đến một nhà chỉ huy quân sự thiên tài của Đại tướng Võ Nguyên Giáp dựa trên các cuộc phỏng vấn và tài liệu do Đại tướng cung cấp. Cuốn sách đã được xuất bản tại Mĩ năm 1997, đã được dịch sang tiếng Pháp ấn hành ở Paris năm 2003 và cũng được dịch sang tiếng Trung xuất bản ở Bắc Kinh... Xem thêm bản lược dịch tiếng Việt của Nguyễn Văn Sự “Tướng Giáp qua con mắt của một nhà nghiên cứu lịch sử quân sự Mĩ”, trong Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua góc nhìn của những người nước ngoài, Hà Nội, Nxb Thanh niên, 2012, tr.60-68.

19 “60 Years of Asian Heroes: General Vo Nguyen Giap”,

Nguồn: http://www.time.com/time/asia/2006/heroes/nb_nguyen.html



20 http://blog.lesoir.be/colette-braeckman/2011/08/25/le-general-giap-centenaire-et-toujours-present/

21 Hồ Ngọc Sơn, “Anh Văn - nhà văn hóa lớn”, in trong Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua góc nhìn báo chí, Hà Nội, Nxb Thanh niên, 2012, tr.23.


tải về 114.24 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương