THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam



tải về 212.33 Kb.
trang1/3
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích212.33 Kb.
#31290
  1   2   3

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM

Vietnam News Agency (VNA)

Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt - Hà Nội, Việt Nam


Tel: (84-4) 38255443; Fax (84-4) 38252984; E-mail : btk@vnanet.vn; http://news.vnanet.vn




Số 126/ TKNB-QT-TN Thứ Ba, ngày 8/7/2014

TIN THAM KHẢO NỘI BỘ

(Phần Quốc tế)
I. PHẦN TIN LIÊN QUAN VIỆT NAM
Về cuộc biểu tình mà nhóm Khmer Krom định tổ chức trước Đại sứ quán Việt Nam tại Phnom Penh

TTXVN (Phnom Penh 8/7) - Lực lượng an ninh Campuchia, gồm hàng trăm cảnh sát và quân cảnh đã trấn giữ xung quanh Đại sứ quán Việt Nam ở đường Monivong, thủ đô Phnom Penh, để ngăn chặn nhóm Khmer Krom biểu tình phản đối cái mà họ gọi là “phát biểu không đúng sự thật lịch sử” về vùng đất Kampuchea Krom (Tây Nam Bộ).

Vào lúc hơn 7 giờ sáng đã xảy ra xô xát giữa lực lượng chức năng với nhóm thanh niên Khmer Kampuchea Krom đang cố gắng tập trung để tiến về Sứ quán Việt Nam. Khi lực lượng chức năng dùng biện pháp nghiệp vụ mạnh để giải tán đám đông, nhóm này đã lùi khỏi khu vực trước Sứ quán, nhưng tản ra và vẫn đang đứng thành các nhóm nhỏ ở các ngả vào trước Sứ quán.

Kế hoạch biểu tình này do Hội Khmer Kampuchea Krom (KKK), đứng đầu là Chủ tịch hội Thạch Setha, cựu Thượng nghị sĩ của đảng Sam Rainsy, cùng nhiều phần tử cực đoan của các Hội KKK ở Campuchia tổ chức. Nhiều nguồn tin cho biết tổ chức KKK thế giới đứng đằng sau các hoạt động này.

Lý do để các nhóm KKK tổ chức biểu tình là để phản đối phát ngôn của người phát ngôn Sứ quán Việt Nam nói rằng vùng đất Tây Nam Bộ (Khmer Krom) thuộc về Việt Nam từ lâu, phù hợp với luật pháp quốc tế, được LHQ công nhận, kể cả Campuchia, trong khi nhóm này cho rằng Khmer Krom chỉ thuộc về Việt Nam sau khi Quốc hội Pháp ngày 4/6/1949 ra Nghị quyết chuyển giao cho Việt Nam.

Trước cuộc biểu tình ngày 6/7, KKK đã tổ chức diễn đàn về vùng đất Kampuchea Krom (Tây Nam Bộ) nhằm lắng nghe ý kiến của người dân và tập hợp tài liệu chống lại khẳng định của Việt Nam rằng Kampuchea Krom là một phần của Việt Nam từ lâu.
II. PHẦN BÌNH LUẬN VÀ NHẬN ĐỊNH VỀ VIỆT NAM
Kịch bản về một cuộc xung đột Trung-Việt

Đài BBC (đêm 7/7) - Một nhà nghiên cứu hải quân của Mỹ nhận định trên nhật báo New York Times rằng, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ chiến thắng “trong mọi kịch bản có thể” nếu xảy ra chiến sự với Việt Nam. Giáo sư Lyle J.Goldstein ở Viện nghiên cứu Hải quân Trung Quốc trực thuộc Trường Hải chiến của Tiểu bang Rhode Island, đã đưa ra nhận định trên trong bài phỏng vấn dưới dạng hỏi đáp đăng ngày 5/7. Tuy vậy, theo ông Lyle “gần như chắc chắn Việt Nam cũng có thể gây tổn thất cho hải quân và không quân Trung Quốc” do họ có “những đầu tư khôn ngoan” vào quân sự.

Lợi thế của Trung Quốc

Theo lời giáo sư Lyle, việc Trung Quốc tiến hành công cuộc hiện đại hóa quân đội mạnh mẽ từ hai thập niên qua từ khi họ chịu tổn thất nặng nề trong cuộc chiến với Việt Nam năm 1979, giờ đây Trung Quốc “đang gặt hái thành quả”. Ông nói: “Để chuẩn bị cho các kịch bản chiến tranh khác nhau với Mỹ hay Nhật Bản, Trung Quốc đã xây dựng sức mạnh được trang bị đầy đủ và huấn luyện tốt. Trong những lĩnh vực then chốt như tàu ngầm, giao tranh trên mặt nước hay tấn công chớp nhoáng, Trung Quốc có những lợi thế kỹ thuật đáng kể mà có thể giúp cho họ giành chiến thắng (trước Việt Nam) mặc dù có thể chịu tổn thất”.

Giáo sư Goldstein cũng cho rằng, ở một số khía cạnh nào đó của một cuộc xung đột quân sự, Việt Nam cũng có lợi thế. Ông chỉ ra rằng, Trung Quốc đặc biệt không mạnh trong việc tiếp liệu trên không nên Việt Nam có thể tận dụng điều đó để chiếm ưu thế trên vùng trời, đặc biệt ở khu vực Biển Đông nằm cách xa không phận Trung Quốc. Ông nói: “Trong trường hợp tuyệt vọng, Hà Nội có thể tính đến việc đẩy xung đột từ trên biển sang trên bộ ở khu vực biên giới giữa hai nước do lục quân của họ có thể sánh ngang với quân đội Trung Quốc”. Ông phân tích nhưng cũng cho biết, Trung Quốc có thể không kích hoặc phóng tên lửa vào các căn cứ không quân và hải quân của Việt Nam.

Giáo sư Goldstein có bằng thạc sỹ chuyên ngành nghiên cứu chiến lược tại Trường Quan hệ Quốc tế John Hopkins và theo học tiến sỹ tại Đại học Princeton. Ông nói thông thạo tiếng Hoa và có thời gian nghiên cứu ở Trung Quốc. Ông có công sáng lập Học viện nghiên cứu Hải quân Trung Quốc và làm giám đốc đầu tiên đến năm 2011, có chức năng nghiên cứu về hải quân ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc để phục vụ cho Hải quân Mỹ.



Hiểu rõ Việt Nam?

Theo ông Goldstein, Trung Quốc đã theo dõi năng lực quân sự của Việt Nam “cực kỳ chặt chẽ” và việc hai nước đều lệ thuộc vào vũ khí Nga đã giúp Trung Quốc nắm rõ hơn về thực lực quân sự của Việt Nam một cách tổng thể. Giáo sư Goldstein cho biết, cuộc xung đột biên giới năm 1979 đã khiến Trung Quốc “có sự tôn trọng đáng kể” với năng lực chiến tranh của Việt Nam. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu quân sự Trung Quốc đã chỉ ra một số điểm yếu trong sức mạnh quân sự của nước láng giềng của họ. Đó là Việt Nam không có kinh nghiệm điều khiển những khí tài đặc biệt tối tân như tàu ngầm, vũ khí được xem là sức mạnh chủ lực. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng nhìn thấy những điểm yếu của Việt Nam trong các lĩnh vực do thám, nhắm mục tiêu và xử lý chiến sự. Ông phân tích: “Có một suy nghĩ chung là Trung Quốc sẽ chiến thắng trong bất kỳ cuộc xung đột quân sự nào (với Việt Nam) sau khi đã xảy ra trận chiến mà các nhà quân sự Trung Quốc gọi là ‘mô hình 14/3’, tức trận hải chiến ngày 14/3/1988 ở quần đảo Trường Sa mà khi đó chỉ một hạm đội nhỏ của Trung Quốc cũng đã đánh chìm một số tàu chiến của Việt Nam”.

Nhà nghiên cứu người Mỹ cũng cho biết, các nhà phân tích lâu nay đã chỉ ra rằng, Trung Quốc đặc biệt yếu về chiến tranh dưới lòng biển và Việt Nam có thể đã tìm ra điểm yếu trong hệ thống khí tài của Trung Quốc để khai thác. Tuy nhiên, Trung Quốc đã ý thức được họ yếu ở đâu và cố gắng cải thiện năng lực chiến tranh chống ngầm bằng cách đưa vào sử dụng hàng loạt các chiến hạm nhẹ nhưng hiệu quả trong hai năm qua.

Yếu tố Mỹ

Về phía Việt Nam, Giáo sư Goldstein cho rằng, Việt Nam đã chứng tỏ họ có khả năng chỉ huy bộ binh hiệu quả nhưng năng lực không quân và đặc biệt là hải quân vẫn còn hạn chế. Do đó, ông cho rằng, dù các tàu ngầm lớp Kilo mà Việt Nam đặt mua từ Nga giúp tăng cường đáng kể năng lực hải quân nhưng do hạm đội tàu ngầm vốn thuộc vào dạng lực lượng phức tạp nhất của quân đội nên Việt Nam cần hàng chục năm mới xây dựng được một đội tàu ngầm thật sự hiệu quả và đáng tin cậy.

Về khả năng Mỹ có thể dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, Giáo sư Goldstein nhận định rằng, Washington “sẽ thận trọng” do lợi ích của việc này với Mỹ “chẳng có bao nhiêu”, trong khi nó có thể sẽ làm leo thang căng thẳng giữa Bắc Kinh và Hà Nội. Ông giải thích: “Việc Mỹ bán vũ khí cho Việt Nam có thể được Bắc Kinh hiểu là một phần trong nỗ lực của Washington nhằm kiềm chế Trung Quốc. Do đó, nó không chỉ “đổ thêm dầu vào lửa” vào mối quan hệ Việt Nam-Trung Quốc mà nó còn gây tổn hại rất lớn cho quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc”.

Khác với các nước như Nhật Bản và Philippines là những nước đồng minh Mỹ có hiệp ước, trong đó có quy định việc bán vũ khí hay tập trận chung, Việt Nam phải xây dựng quan hệ quân sự với Mỹ từ con số không. Trong một số lĩnh vực như do thám trên biển, Việt Nam có thể nhờ rất nhiều vào công nghệ Mỹ nhưng họ sẽ gặp khó khăn để tích hợp thiết bị của Mỹ vào hệ thống vũ khí hiện có của họ do đa phần mua từ Nga.


III. VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG VÀ BIỂN ĐÔNG BẮC Á
Biển Đông: Chủ đề hàng đầu trong cuộc thảo luận Mỹ-Trung?

Đài VOA (đêm 7/7) - Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel sẽ lên đường đi Bắc Kinh trong tuần này để tham gia các buổi họp với các vị tương nhiệm Trung Quốc về vấn đề thương mại và an ninh. Tường thuật của Thông tín viên Scott Stearns của VOA từ Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington, các cuộc đàm phán dự kiến sẽ bao gồm các giàn khoan dầu mới của Trung Quốc trong vùng biển đang tranh chấp ở ngoài khơi Việt Nam, một vấn đề đã làm tăng căng thẳng tại Biển Đông.

Việt Nam nói các giàn khoan của Trung Quốc nằm trong phạm vi các vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, và công bố một băng video chiếu cảnh một chiếc tàu của Trung Quốc đang đâm vào một tàu kiểm ngư Việt Nam gần địa điểm này.

Việt Nam đang làm việc với Philippines về việc đưa Trung Quốc ra tòa để thách thức những tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông, nơi mà Malaysia, Brunei và Đài Loan cũng tuyên bố có chủ quyền. Nhưng Việt Nam là nước đặc biệt dễ bị thiệt hại nhất, theo Giáo sư Hillary Mann Leverett của Đại học American University. Bà nhận định: “Cả Nhật Bản lẫn Philippines đều có hiệp định quốc phòng với Mỹ, theo đó Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ các nước này, ngay cả trong cuộc tranh chấp về một hòn đảo hiểm trở. Chúng ta không có hiệp định với Việt Nam. Thế cho nên Trung Quốc có thể lấn ép Việt Nam nhiều hơn so với Nhật Bản hay Philippines”.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nói rằng những nước đang đẩy mạnh việc đưa cuộc tranh chấp Biển Đông ra trước Tòa án Trọng tài Quốc tế, vi phạm những lối hành xử thông thường về mặt pháp lý. Ông Tần Cương nói: “Một số quốc gia đang trương lên những bảng hiệu luật pháp để vi phạm các quyền hợp pháp và các lợi ích của những nước khác, khoác ra ngoài một cái áo “hợp pháp” để che đậy các hành động vi phạm luật pháp của họ”.

Tuy Mỹ đang giúp nâng cấp hải quân Philippine, Washington không có lập trường về bất kỳ vụ tranh chấp đối kháng nào ở vùng Biển Đông. Sau đây là nhận định của ông Michael Auslin, thuộc Viện Kinh doanh Mỹ: “Nhưng điều đó không có nghĩa là chính sách của chúng ta phải đình chỉ hay tê liệt khi nhìn thấy Trung Quốc hành động một cách hung hăng. Có rất nhiều thứ chúng ta có thể làm được. Nhưng chính quyền của ông Obama, ít nhất trong nhiệm kỳ này, đã quyết định sẽ sử dụng sự mơ hồ về pháp lý để không can dự vào”.

Và sự kiện đó, theo ông, đã làm giảm giá trị của cuộc Đối thoại Kinh tế và Sách lược S&ED trong tuần này: “Nói một cách nghiêm túc, chúng ta phải đặt câu hỏi S&ED có còn tác dụng gì nữa hay không? Nó đã không đạt được điều gì có thực chất”.

Các cuộc đàm phán giữa các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng ở Bắc Kinh diễn ra tiếp theo việc hải quân Trung Quốc lần đầu tiên tham gia các cuộc thao diễn hải quân ngoài khơi Hawaii. Các giới chức Mỹ cho rằng điều đó có thể góp phần giải quyết các khó khăn đa phương. Các giới chức Trung Quốc nói nó chứng tỏ điều họ gọi là “các thái độ tích cực của quân lực Trung Quốc trong việc duy trì an ninh và ổn định khu vực.
IV. PHẦN QUỐC TẾ
CHÂU Á - THÁI BÌNH DƯƠNG
Nhật Bản từ chối yêu cầu góp vốn vào Ngân hàng phát triển hạ tầng châu Á

TTXVN (Tokyo 7/7) -Theo báo Sankei, trong cuộc họp song phương cuối tháng 6, phía Nhật Bản đã tạm thời không đáp ứng yêu cầu của Trung Quốc trong việc góp vốn thành lập Ngân hàng phát triển hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng. Tại cuộc gặp này, phía Nhật Bản tuyên bố sẽ chưa tham gia kế hoạch này do chưa làm rõ, phân biệt được vai trò của AIIB với Ngân hàng phát triển châu Á do Nhật Bản đóng vai trò chủ đạo.

Cho đến nay, tại các diễn đàn chính thức, phía Nhật Bản chưa từng tuyên bố sẽ tham gia vào kế hoạch thành lập AIIB, tuy nhiên Tokyo đang rất cảnh giác việc Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng tới các nước châu Á thông qua hoạt động hỗ trợ tài chính. Nhật Bản hiện đang ngấm ngầm hợp tác với Mỹ vận động các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Australia trì hoãn góp vốn cho AIIB.

Trung Quốc hiện đang đẩy mạnh quá trình đàm phán, tác động nhằm đạt được thỏa thuận với các nước vào mùa Thu năm nay. Nếu tranh chấp Nhật Bản - Trung Quốc trong việc thành lập AIIB trở nên quyết liệt thì có thể sẽ ảnh hưởng tới hợp tác kinh tế ở châu Á.

Ý tưởng thành lập AIIB do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jin Ping) đề xướng. Theo đó, Trung Quốc kêu gọi các nước lớn ở châu Á, Trung Á, Trung Đông... đóng góp tài chính vào AIIB, quá đó hỗ trợ tài chính để các nước đang phát triển hoàn thiện cơ sở hạ tầng.


ĐÔNG NAM Á
Nguy cơ khủng bố tăng lên tại Đông Nam Á

TTXVN (Ottawa 7/7) - Theo mạng tin The diplomat ngày 7/7, thành công của các dân quân Hồi giáo tại Iraq có thể truyền cảm hứng cho các đối tượng cực đoan tại Đông Nam Á. Nguy cơ những dân quân Hồi giáo có thể triển khai các chiến thuật khủng bố khắp Đông Nam Á đang nổi lên tại Malaysia, Campuchia, Thái Lan và Philippines.

Chính quyền tại các nước này quan ngại rằng những phần tử Hồi giáo quá khích trong nước, đang liên minh với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Syria (ISIS), sẽ quay về nước và âm mưu lập một nhà nước riêng của chúng, giống như tổ chức Jemaah Islamiyah (JI) đã làm khi thực hiện chiến dịch khủng bố trong liên minh với Al-Qaeda hơn một thập kỷ trước đây. Các vụ bắt giữ đã được thực hiện tại Malaysia giữa lúc có những thông tin cho biết có 4 nhóm khủng bố mới đang nổi lên để tuyên bố một vương quốc Hồi giáo tại phần lớn lục địa Đông Nam Á. Tất cả các nhóm này đều là những người Hồi giáo dòng Sunni, với những người Shiite đang nằm trong tầm ngắm. Cảnh sát Malaysia cũng đang tìm kiếm 5 người Malaysia đã chạy sang Philippines và được tin là đang ẩn náu cùng nhóm Abu Sayyaf.

Các vụ bắt giữ diễn ra sau khi một đoạn băng hình từ các giáo sĩ cao cấp ISIS được công bố. Trong đoạn băng hình đó, giáo sĩ Abu Muthanna al Yemeni từ Anh khoe khoang rằng nhiều nước đang cung cấp lính đánh thuê cho ISIS và nói thêm "chúng tôi đang có những người anh em từ Bangladesh, Iraq, Campuchia, Australia và Anh". Các thủ lĩnh Hồi giáo tại Campuchia đã bác bỏ tuyên bố trên, mặc dù các nhà ngoại giao cho biết có hàng trăm người nước ngoài, trong đó có người Khmer, đang chiến đấu cùng ISIS.

Trong những ngày gần đây ISIS đang đổi tên thành Nhà nước Hồi giáo (IS) sau khi hơn 15.000 dân quân trung thành với thủ lĩnh Abu Bakr Al-Baghdadi đã mở rộng cuộc nội chiến tại Syria về phía Nam, tới Iraq và vươn tới tận ngoại ô phía Bắc của Baghdad. Chúng khăng khăng cho rằng một vương quốc Hồi giáo đang được thành lập tại Syria và Iraq và đưa ra một bản đồ, vạch ra những tham vọng lãnh thổ, trải dài từ bờ biển Đại Tây Dương của Tây Ban Nha và Morocco, tới biên giới phía Tây của Myanmar.

Tại Malaysia và các nước khác tại Đông Nam Á, việc tuyển mộ cho ISIS và chiến dịch chống lại những người Shiite của chúng đang được tiến hành thông qua các phương tiện truyền thông xã hội, trong đó có Facebook. Shahriman Lockman, nhà phân tích chính sách đối ngoại tại Viện nghiên cứu chiến lược và quốc tế Malaysia nhận xét "tình hình là đáng quan ngại. Nếu các đối tượng Hồi giáo cực đoan này muốn có một thiên đường an toàn cho việc đào tạo và hoạt động, chúng có thể đến nhiều quốc gia thất bại tại châu Phi. Nhưng chúng đã chọn hoạt động tại Malaysia, nơi có nguy cơ bị giám sát cao hơn".

Cảnh sát Malaysia đã bắt giữ 19 người trong 2 tháng qua trong một chiến dịch chống khủng bố mà nhà cầm quyền hy vọng rằng có thể chấm dứt kế hoạch của những kẻ thánh chiến Hồi giáo nhằm thành lập các trung tâm tuyển mộ và đào tạo tại nước này. Trong khi đó, Hải quân Hoàng gia Malaysia đang thực hiện việc kiểm tra lý lịch nhân viên, sau khi một sĩ quan đã bị bắt vì chứa chấp những kẻ quá khích đang âm mưu tổ chức các cuộc tấn công tại Iraq và Syria.

Các nhà phân tích cho rằng thủ lĩnh ISIS Baghdadi đang thu hút sự ủng hộ và lấp khoảng trống do việc trùm khủng bố Osama bin Laden bị tiêu diệt, với những hứa hẹn về một nhà nước Hồi giáo và cách tiếp cận tàn nhẫn về thánh chiến. Gavin Greenwood, một nhà phân tích an ninh khu vực tại Hong Kong nói: "Ưu tiên của ISIS là duy trì và củng cố chiến dịch hiện nay tại Syria và Iraq, hơn là phân tán những nguồn lực và nhân sự tại những khu vực không cốt lõi như Đông Nam Á. Tuy nhiên, thành công của ISIS sẽ tiếp tục thu hút thêm những kẻ gia nhập tổ chức này từ các nước như Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan, với những kẻ sống sót sau nhiều năm tham chiến có thể trở thành nguy cơ tại Đông Nam Á do kỹ năng và kinh nghiệm chiến đấu của chúng".

Trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI, hàng trăm người đã thiệt mạng trong những chiến dịch đánh bom của JI, chủ yếu tại Indonesia. Hàng nghìn người khác bị các đối tượng Hồi giáo quá khích giết hại tại miền Nam Philippines và miền Nam Thái Lan. Ông Greenwood nói: "Một yếu tố khác sẽ khiến các cơ quan an ninh tại Đông Nam Á và các khu vực khác quan ngại là tấm gương của ISIS, mặc dù mô hình của chúng là một lực lượng nổi dậy nhỏ, nhưng được vũ trang và tài trợ tốt có thể áp đảo các lực lượng quân sự lớn hơn nhiều tại Iraq và Syria là không tương đồng tại Đông Nam Á. Ảnh hưởng chủ chốt của ISIS đối với Đông Nam Á là nguồn cảm hứng cho những kẻ Hồi giáo quá khích, chứ không phải một phong trào đe dọa trực tiếp bất kỳ quốc gia Đông Nam Á nào".


ĐÔNG BẮC Á
Sự xích lại rụt rè giữa Seoul và Bắc Kinh

Đài RFI (đêm 7/7) - Quan hệ Trung Quốc-Hàn Quốc được cải thiện là điều được các báo ghi nhận. Tuy nhiên, cải thiện theo hướng nào? Le MondeLes Echos chỉ ra các giới hạn của quan hệ hợp tác có xu hướng gia tăng này. Trong khi Le Monde nhấn mạnh đến “quan hệ tốt giữa Bắc Kinh và Seoul là một ngoại lệ” tại khu vực Đông Bắc Á đang căng thẳng, Les Echos lưu ý việc Hàn Quốc tránh làm Mỹ tức giận, và chỉ hưởng ứng một cách vừa phải đối với “các sáng kiến khu vực” của Bắc Kinh.

Nỗ lực của Trung Quốc cải thiện quan hệ với Hàn Quốc đầu tháng 7/2014 được báo Le Monde chú ý qua bài “Hạt nhân Triều Tiên, cản trở duy nhất cho sự xích lại gần nhau Bắc Kinh-Seoul” với nhận xét “Trung Quốc, đối tác kinh tế số một của Hàn Quốc, vẫn luôn ủng hộ Bình Nhưỡng”. Le Monde nhấn mạnh đến việc Hàn Quốc đang trở thành đối tượng tranh giành ảnh hưởng giữa hai đại cường Trung-Mỹ tại châu Á.

Trong một thông cáo chung, Trung Quốc và Hàn Quốc tuyên bố “kiên quyết phản đối việc phát triển vũ khí hạt nhân tại bán đảo Triều Tiên”, tuy không chỉ đích danh chính quyền Bình Nhưỡng. Đối với Bắc Kinh, “phi hạt nhân” tại khu vực này dĩ nhiên có nghĩa là “phi hạt nhân hóa” Triều Tiên, nhưng đồng thời đối với cả “hạt nhân” Hàn Quốc (đang được chiếc lá chắn tên lửa của Mỹ che chở).

Chuyến công du tới Seoul của ông Tập Cận Bình, người chưa từng gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, có thể được giải thích như là một cái tát vào mặt Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, tổ chức thượng đỉnh song phương với Hàn Quốc không có nghĩa là Bắc Kinh thay đổi lập trường về Triều Tiên. Trong cuộc thượng đỉnh nói trên, Tổng thống Hàn Quốc Park Guen Hye phải nhấn mạnh đến việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên trong một tuyên bố riêng rẽ.

Hãng tin Yonhap dẫn lời cựu viên chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Mỹ, Joel S. Wit, lãnh đạo chương trình nghiên cứu về Triều Tiên mang tên “Vĩ tuyến 38” (38 North) trường Đại học Johns-Hopkins Mỹ, rằng “chúng ta cần cẩn thận trước nhận định sai lầm là Trung Quốc đã thay đổi thái độ với Bình Nhưỡng”.

Le Monde nhận định “tại một khu vực Đông Bắc Á nơi căng thẳng giữa các quốc gia gia tăng, các mối quan hệ tốt giữa Bắc Kinh và Seoul là một ngoại lệ”. Trung Quốc là đối tác chiến lược số một của Hàn Quốc: trao đổi song phương có thể đạt 300 tỷ USD vào cuối năm nay. Bắc Kinh và Seoul cũng dự định hoàn tất hiệp định tự do thương mại vào cuối năm và dự kiến lập một ngân hàng đầu tư châu Á (Asia Infrastructure Investment Bank - AIIB) để cạnh tranh với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) mà Mỹ và Nhật Bản chi phối. Trung Quốc và Hàn Quốc cũng đồng thuận trong việc lên án thái độ của Nhật Bản đối với các tội ác của đế quốc Nhật trong quá khứ.

Le Monde kết luận, “giằng xé giữa các lợi ích kinh tế ngày càng gia tăng với Trung Quốc và liên minh với Mỹ, Hàn Quốc có xu hướng trở thành một địa bàn tranh giành ảnh hưởng giữa hai cường quốc đang diễn ra tại châu Á”.

Cũng về chủ đề này, báo kinh tế Les Echos có bài “Sự sáp lại rụt rè giữa Seoul và Bắc Kinh”, đưa ra một cái nhìn dè dặt hơn. Tránh làm bực bội Washington, vốn nghi ngờ mối quan hệ bề ngoài có vẻ ấm lên giữa Hàn Quốc và Trung Quốc, Seoul có một thái độ hưởng ứng có mức độ với các sáng kiến khu vực mà Bắc Kinh thúc đẩy, về quốc phòng hay hợp tác kinh tế. Hàn Quốc chưa cam kết tham gia dự án Ngân hàng đầu tư châu Á (AIIB) hay dự án đối tác kinh tế khu vực RCEP (Regional Comprehensive Economic Partnership/đối tác kinh tế toàn diện khu vực), cũng như việc chính thức có “các lập trường cứng rắn chống Nhật”.



Đài Tiếng nói nước Nga (đêm 7/7) - Chuyến thăm Hàn Quốc của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho toàn thế giới thấy rằng, hai nước xích lại gần nhau hơn. Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tặng Hàn Quốc hai con gấu trúc, đã đến thăm bảo tàng đồ nội thất Hàn Quốc và có bài diễn thuyết tới sinh viên tại Đại học Quốc gia Seoul.

Chuyến thăm cho thấy Hàn Quốc và Trung Quốc đã thiết lập quan hệ láng giềng thân thiện hơn, khá hữu nghị. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh mối quan hệ lạnh nhạt giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng. Nhưng, sẽ sai lầm nếu nghĩ rằng, ở khu vực Đông Á có thể xuất hiện tình huống y như ở châu Âu trong thế kỷ XVIII được gọi là “cuộc cách mạng ngoại giao”-tức là, thay đổi toàn bộ hệ thống liên minh. Trung Quốc sẽ không từ bỏ liên minh với Triều Tiên và liên minh với Mỹ, đối thủ địa chính trị chính của Trung Quốc, vẫn là cơ sở của đường lối chính trị đối ngoại ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, mọi người đã ghi nhận những thay đổi nghiêm trọng.

Hầu hết các nhà quan sát lưu ý rằng, chuyến thăm đầu tiên của ông Tập Cận Bình tới bán đảo Triều Tiên với tư cách Chủ tịch Trung Quốc là tới Seoul, chứ không phải Bình Nhưỡng. Đồng thời, chuyến công du Hàn Quốc của nhà lãnh đạo Trung Quốc không phải là chuyến đi du lịch mà đã kéo dài hai ngày. Nhiều người cho rằng, đây là một cảnh báo cho Triều Tiên.

Bình Nhưỡng không phấn khởi lắm với tuyên bố của ông Tập Cận Bình rằng, Trung Quốc ủng hộ kế hoạch phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, bởi vì rõ ràng ở đây nói về chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Có một chi tiết khác đáng chú ý. Trong bài diễn thuyết tại Đại học Quốc gia Seoul, ông Tập Cận Bình đề cập đến cuộc đấu tranh chung của nhân dân Trung Quốc và Hàn Quốc chống lại chủ nghĩa đế quốc Nhật Bản. Ông nhắc nhở về cuộc chiến tranh Imjin những năm 1592-1598, về cuộc đấu tranh chống cuộc xâm lược của Nhật Bản ở Đông Á đầu thế kỷ XX. Điều quan trọng, khi nhắc đến các di tích lịch sử gắn liền với những truyền thống của cuộc đấu tranh này, ông Tập Cận Bình nói về Tượng đài Quân đội Độc lập tại Tây An và Bảo tàng Chính phủ lâm thời tại Thượng Hải. Cả hai di tích liên quan đến quan điểm của Hàn Quốc về cuộc đấu tranh chống thực dân, chứ không phải quan điểm của Triều Tiên. Đủ để nhắc lại rằng, chính phủ Hàn Quốc coi mình là người thừa kế Chính phủ lâm thời tại Thượng Hải, và Quân đội Độc lập được xem là tiền thân của quân đội Hàn Quốc hiện đại. Nếu muốn, thì vị khách Trung Quốc có thể nói về những biểu tượng khác của tình đoàn kết chiến đấu không gắn liền rõ rệt như vậy với truyền thống của Hàn Quốc. Tuy nhiên, ông Tập Cận Bình không làm như vậy và trên thực tế nhấn mạnh rằng, ông coi Hàn Quốc là “nước chính” trên bán đảo Triều Tiên. Cuối cùng, ông tập Cận Bình đã nói bằng tiếng Hàn cụm từ dường như trung lập về chính trị: “Tôi yêu Đại Hàn Dân Quốc”, có sử dụng tên gọi chính thức của Hàn Quốc.

Nói chung, dù có những thay đổi rõ ràng, nhưng không nên đánh giá quá cao kết quả chuyến thăm này. Trước đây cũng đã rõ rằng, Chủ tịch Tập Cận Bình và êkíp của ông không có nhiều sự đồng cảm với CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên, trong quan hệ giữa các nước, điều quan trọng nhất không phải là cảm xúc cá nhân mà là lợi ích quốc gia. Nhiều khi lợi ích quốc gia không phù hợp với cảm thông. Dù có sự bất mãn với Bình Nhưỡng, Bắc Kinh hiểu rằng, việc duy trì sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên bị chia cắt phục vụ tốt nhất cho lợi ích của Trung Quốc. Có nghĩa là, Trung Quốc sẽ không gây nhiều áp lực lên Bình Nhưỡng, và rất có thể sẽ tiếp tục cung cấp sự hỗ trợ tài chính cho CHDCND Triều Tiên.


Каталог: images -> detail
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam

tải về 212.33 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương