THÔng tấn xã việt nam



tải về 141.06 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu16.10.2017
Kích141.06 Kb.
#33753

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM

Vietnam News Agency (VNA)

Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt - Hà Nội, Việt Nam


Tel: (84-4) 38255443; Fax (84-4) 38252984; E-mail : btk@vnanet.vn; http://news.vnanet.vn




Số 229/ TKNB-QT-TN Thứ Hai, ngày 01/12/2014
TIN THAM KHẢO NỘI BỘ

(Phần Quốc tế)
I. PHẦN TIN LIÊN QUAN VIỆT NAM
EIU: Tăng lương tối thiểu không ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam

TTXVN (London 28/11) - Theo nhận định gần đây của Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) thuộc tập đoàn The Economist (Anh), việc Chính phủ Việt Nam quyết định tăng lương tối thiểu kể từ đầu năm 2015 sẽ không ảnh hưởng đến nền kinh tế. Vì vậy, EIU không điều chỉnh những dự báo về tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Kể từ ngày 1/1/2015, mức lương tối thiểu tại vùng 1, trong đó có cả khu vực thành thị của Thủ đô Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, sẽ tăng thêm 400 nghìn đồng, đạt mức 3,1 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, mức lương tối thiểu tại vùng 2, 3 và 4 cũng tăng khoảng 14%, đạt các mức tương ứng 2,75 triệu, 2,4 triệu và 2,15 triệu đồng/tháng. Ở Việt Nam, mức lương tối thiểu tại mỗi vùng có sự khác nhau. Chính phủ căn cứ vào chi phí cho cuộc sống ở nhiều vùng khác nhau trên khắp đất nước để xác định mức lương tối thiểu.



Như vậy, tính trung bình, lương tối thiểu sẽ tăng khoảng 14%. Tuy nhiên, mức tăng lương tối thiểu không tác động đáng kể đến nền kinh tế Việt Nam. Tỷ lệ thất nghiệp trong quý II/2014 chỉ còn khoảng 1,8%. Trong khi đó, thị trường lao động Việt Nam vẫn tiếp tục hướng đến mục tiêu nâng cao thu nhập cho người lao động. Theo số liệu mới nhất mà Tổng cục Thống kê Việt Nam vừa công bố, mức thu nhập bình quân hàng tháng của người lao động trong quý II/2014 đạt khoảng 4,3 triệu đồng, cao hơn 40% so với mức lương tối thiểu tại vùng 1, và sẽ tăng từ đầu năm 2015.

Gần đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tiến hành một khảo sát về lương tối thiểu. Theo kết quả khảo sát, mức lương tối thiểu hiện hành (chưa tăng) không đủ để chi trả cho những nhu cầu tối thiểu của người lao động. Như vậy, quyết định tăng lương tối thiểu cho thấy Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực cải thiện mức sống của người dân trong khi vẫn đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế.


II. PHẦN BÌNH LUẬN VÀ NHẬN ĐỊNH VỀ VIỆT NAM
Kinh tế Việt Nam và quan hệ hợp tác hiện nay với Ấn Độ

TTXVN (New Delhi 30/11) - Mạng tin của Vivekananda International Foundation (VIF) vừa đăng bài viết của Thiếu tướng (đã về hưu) P.K. Chakravorty, cựu Tùy viên Quốc phòng Ấn Độ tại Việt Nam, về sự phát triển kinh tế Việt Nam và quan hệ hợp tác hiện nay với Ấn Độ, nội dung bài viết như sau:

Kinh tế Việt Nam tại thời điểm thống nhất đất nước (năm 1975) là nền kinh tế tập trung giống như Liên Xô trước đây, song đã trải qua những thay đổi, với công cuộc Đổi mới bắt đầu năm 1986. Với sự tan rã của Liên bang Xôviết năm 1991, kinh tế Việt Nam đã chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa tương tự như Nga và Trung Quốc. Hiện nay, Việt Nam là một phần của nền kinh tế toàn cầu, xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp. Năm 1997, châu Á phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính khiến Việt Nam thận trọng trong cải cách kinh tế, với cam kết thúc đẩy tăng trưởng. Sự thay đổi hoàn toàn bắt đầu với việc ký kết Hiệp định song phương với Mỹ vào ngày 13/7/2000. Điều này đã tạo điều kiện cho Việt Nam trao đổi thương mại với Mỹ và châu Âu, đồng thời thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhằm phát triển kinh tế.

Năm 2001, Chính phủ Việt Nam đã thông qua kế hoạch kinh tế 10 năm, tăng cường vai trò của lĩnh vực tư nhân, trong khi tái khẳng định vai trò chủ đạo của nhà nước. Việt Nam đã đạt tỷ lệ tăng trưởng từ 6-7% từ năm 2000-2002. Ngày 11/1/2007, Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tính cạnh tranh gay gắt khi gia nhập WTO buộc Chính phủ phải tư nhân hóa 30-50% xí nghiệp quốc doanh nhằm ổn định tình hình một cách hợp lý. Từ đó, Việt Nam đạt tỷ lệ tăng trưởng cao.

Tình trạng hiện tại

Việt Nam hiện là một phần của quá trình toàn cầu hóa và là thành viên của WTO, của Khu vực tự do thương mại ASEAN (AFTA), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), ASEAN và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO). GDP trên danh nghĩa (the nominal GDP) của nền kinh tế Việt Nam là 187,8 tỷ USD và sức mua ngang bằng (Purchasing Power Parity –PPP) là 509,4 tỷ USD.

GDP tính theo từng lĩnh vực như sau: Nông nghiệp chiếm 19,3%, công nghiệp 38,5% và dịch vụ 42,2%. Tỷ lệ dân số Việt Nam làm nông nghiệp chiếm 48%, công nghiệp 21% và dịch vụ 31%. Tỷ lệ dân sống dưới mức nghèo đói 10% và tỷ lệ thất nghiệp khoảng 2%. Các sản phẩm chính của nông nghiệp gồm thịt, thóc gạo, cà phê, cao su, bông, chè, hạt tiêu, đậu nành, hạt điều, mía, lạc, chuối, gia cầm, cá và các hải sản khác. Sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam là quần áo, giày dép, thủy sản, dầu thô, đồ điện tử, sản phẩm gỗ, gạo và máy móc, với tổng kim ngạch đạt khoảng 128,9 tỷ USD. Trong khi sản phẩm nhập khẩu chính gồm máy móc, thiết bị, sản phẩm dầu mỏ, các sản phẩm thép, nguyên liệu cho các ngành công nghiệp dệt may và giày da, điện tử, nhựa và ô tô, với giá trị khoảng 121,4 tỷ USD. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 17,8% kim ngạch xuất khẩu, trong khi Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất, với 25,8% giá trị hàng nhập khẩu của Việt Nam là từ Trung Quốc. Tài chính công của Việt Nam hiện khá ổn định và Chính phủ đã tiến hành các biện pháp điều chỉnh để duy trì sự ổn định kinh tế.

Các mục tiêu kinh tế của năm 2015

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ mặc dù triển vọng hứa hẹn cho năm 2015, tình trạng hoạt động kém hiệu quả, nợ xấu và tâm lý trong nước sẽ điều tiết tốc độ tăng trưởng và ông đã đề ra mục tiêu trưởng 6,2% cho năm 2015. Lạm phát sẽ được duy trì ở mức 5%, góp phần giảm đói nghèo 1,7%, tạo thêm 1,6 triệu việc làm mới.

Các chuyên gia cho rằng để đạt mức tăng trưởng 6,2%, Việt Nam cần thúc đẩy đầu tư lên mức tương đương 33-35% GDP. Việt Nam đang tiếp tục kế hoạch thoái vốn (disinvesting) 1.000 doanh nghiệp nhà nước. Chính phủ đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư rút đề nghị cho sử dụng ngân sách nhà nước để giải quyết nợ xấu của các doanh nghiệp nhà nước. Ước tính nợ xấu tại Việt Nam lên tới 80 tỷ USD. Bên cạnh đó, chính phủ muốn chống nạn tham nhũng đang tồn tại trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý đất đai, khai thác tài nguyên và đầu tư công. Mặc dù còn những vấn đề bức xúc, nền kinh tế Việt Nam vẫn khá ổn định. Có những dự báo cho rằng trong ngắn hạn, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng với tốc độ hơi chậm lại nhưng sẽ tăng trưởng cao hơn trong dài hạn nếu các nhược điểm được giải quyết.

Hợp tác kinh tế hiện nay với Ấn Độ

Ấn Độ và Việt Nam đã mở rộng hợp tác trong lĩnh vực kinh tế. Cho đến nay, Ấn Độ đã cấp cho Việt Nam tổng cộng 18 khoản tín dụng. Trong tuyên bố chung nhân chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (hồi cuối tháng 10 năm nay), Việt Nam và Ấn Độ đã nhất trí rằng hợp tác kinh tế giữa hai nước cần được theo đuổi như một mục tiêu chiến lược. Tuyên bố hoan nghênh sự tăng trưởng mạnh mẽ về thương mại song phương trong những năm gần đây, đặc biệt là sau khi Ấn Độ-ASEAN ký Hiệp định tự do thương mại về hàng hóa. Hai bên cũng lưu ý rằng các hiệp định tự do thương mại Ấn Độ-ASEAN về Dịch vụ và Đầu tư sẽ đẩy mạnh hơn nữa hợp tác kinh tế giữa Ấn Độ và ASEAN nói chung, cũng như giữa Ấn Độ và Việt Nam nói riêng…

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hai nước đã xác định các lĩnh vực ưu tiên hợp tác, gồm dầu-khí, điện, cơ sở hạ tầng, du lịch, dệt may, giày dép, y tế và dược phẩm, công nghệ thông tin truyền thông (ICT), điện tử, nông nghiệp, sản phẩm nông nghiệp, hóa chất, công cụ máy móc và các ngành công nghiệp phụ trợ khác. Hai bên đã nhất trí tăng kim ngạch thương mại song phương lên 15 tỷ USD vào năm 2020. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh các công ty Ấn Độ đầu tư vào Việt Nam và Thủ tướng Modi mời các công ty Việt Nam tham gia chương trình thúc đẩy phát triển kinh tế “made in India” (sản xuất tại Ấn Độ). Hai bên nhất trí rằng Hiệp định hợp tác thuế quan và Hiệp định hợp tác vận tải hàng hải giữa hai nước là cần thiết để tạo điều kiện cho sự hợp tác kinh tế lớn hơn nữa. Cả hai Thủ tướng hoan nghênh việc ký kết Hiệp định giữa ONGC Videsh và PetroViệt Nam nhằm triển khai các dự án thăm dò dầu khí mới tại Việt Nam.

Thêm một bước tiến lớn là Ngân hàng Việt Nam đã chấp nhận đề nghị của Ngân hàng Ấn Độ (Bank of India) mở chi nhánh tại Việt Nam. Để cải thiện kết nối, hãng Jet Airways đã bắt đầu khai thác hoạt động bay trực tiếp từ Ấn Độ tới Tp. Hồ Chí Minh (ngày 5/11/2014). Tập đoàn Tata Power đã có kế hoạch xây dựng nhà máy nhiệt điện Long Phú 2 ở tỉnh Sóc Trăng, với vốn đầu tư 1,8 tỷ USD. Hiện nay, bên đang nỗ lực thúc đẩy dự án. Tất cả những vấn đề này sẽ hỗ trợ Việt Nam ổn định kinh tế và xây dựng sức mạnh quốc gia toàn diện.



Kết luận

Kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng khoảng 6% bất chấp khó khăn của các doanh nghiệp nhà nước. Ấn Độ và Việt Nam đã tăng cường hợp tác kinh tế đôi bên cùng có lợi trong 4 thập niên qua, góp phần đẩy mạnh quan hệ Đối tác chiến lược.

Các nền kinh tế đang tăng trưởng của hai nước sẽ tạo nhiều cơ hội cho Ấn Độ tăng cường đầu tư và thương mại với Việt Nam. Có một phạm vi rộng lớn để các công ty Ấn Độ đầu tư vào nhiều lĩnh vực tại Việt Nam, bên cạnh lĩnh vực dầu - khí và khai thác mỏ. Tiềm năng thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Ấn Độ rất lớn và chưa được khai thác hết. Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Modi, đây là thời điểm Ấn Độ cần thúc đẩy đà hợp tác kinh tế với Việt Nam.
III. PHẦN QUỐC TẾ
QUAN HỆ ẤN-TRUNG
Các vụ xâm nhập của Trung Quốc khiến Ấn Độ phải cảnh giác

TTXVN (New Delhi 30/11) - Theo báo the Hindu ngày 30/11, phát biểu tại lễ tưởng niệm cố nguyên soái L.M. Katre, cựu Tổng Tư lệnh Lực lượng không quân Ấn Độ (IAF), do Hiệp hội không quân và Hindustan Aeronautics Ltd tổ chức ngày 29/11, đương kim Tổng Tư lệnh IAF, Nguyên soái Arup Raha, đã bày tỏ quan ngại trước tham vọng về lãnh thổ và những hành động quốc tế gần đây của Trung Quốc, đồng thời cho rằng các vụ xâm nhập của binh sĩ Trung Quốc dọc Ranh giới kiểm soát thực tế (LAC) đã đặt Ấn Độ trong tình trạng phải cảnh giác liên tục.

Ông Raha nói: “Trung Quốc có nhiều đòi hỏi chủ quyền về lãnh thổ và lãnh hải quốc tế với tất cả các nước láng giềng và đang tăng cường năng lực quân sự. Chúng ta (Ấn Độ) cũng có các vấn đề với Trung Quốc, với các vụ xâm nhập dọc LAC ở khu vực Leh và Ladakh, cũng như bang Arunachal Pradesh. Tình hình tại khu vực này không tốt. Sự nổi lên một cách hòa bình của Trung Quốc có thể vẫn là giấc mơ xa vời với những hành động gần đây của Bắc Kinh”.

Theo Nguyên soái Raha, Ấn Độ cũng có những mối đe dọa từ khu vực Afghanistan-Pakistan và Tây Á. Ông nói: “Tình hình tại láng giềng của chúng ta, đặc biệt tại khu vực Trung Đông và biên giới phía Tây rất mong manh. Thách thức này phải được giải quyết bằng kế hoạch thích hợp và là nhiệm vụ của các lực lượng (vũ trang) chúng ta, đặc biệt là sức mạnh không quân”.

BÁN ĐẢO TRIỀU TIÊN
Triều Tiên có thể công bố mô hình chính trị, kinh tế mới trong năm 2015

TTXVN (Seoul 30/11) - Báo cáo được công bố ngày 30/11 của Viện Nghiên cứu phương Đông tại Đại học Kyungnam cho biết chế độ Kim Jong Un của Triều Tiên có thể công bố một tầm nhìn chính sách mới về chính trị và kinh tế trong năm 2015, trong bối cảnh quốc gia này đang tăng cường các nỗ lực để mở ra một kỷ nguyên mới của nhà lãnh đạo mới.

Báo cáo nhận định: "Nhiều khả năng Triều Tiên có thể đề xuất một tập hợp mới các chỉ tiêu quản lý và cơ cấu quyền lực khi nó mở ra thời đại của Kim Jong Un vào năm tới, trong đó thời gian để tang 3 năm cố Chủ tịch Kim Jong Il sẽ chấm dứt".

Trưởng lão Kim đã qua đời vì bệnh tim hồi tháng 12/2011, để lại quyền lực thừa kế cho người con trai thứ ba của ông là Kim Jong Un.

Nhà lãnh đạo hiện nay Kim Jong Un được trông đợi sẽ đưa ra những chính sách tiến xa hơn so với người tiền nhiệm Kim Il Sung (Kim Nhật Thành), người sáng lập ra quốc gia Triều Tiên. Những chính sách mới này có thể được công bố vào khoảng thời gian trước hoặc sau ngày 10/10 năm tới, trong dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên (WPK).

Theo báo cáo này, "Triều Tiên có thể đề xuất một cơ cấu quyền lực mới phù hợp với kỷ nguyên Kim Jong Un".

Về lĩnh vực kinh tế, báo cáo cho biết Triều Tiên được kỳ vọng sẽ thúc đẩy để hợp pháp hóa một tập hợp các biện pháp kinh tế mới mà đất nước đã thử nghiệm trong những năm gần đây, cộng thêm lực lượng thị trường trong nước đã được thúc ép cho cải cách kinh tế.

"Các nỗ lực của Triều Tiên nhằm thu hút đầu tư nước ngoài cho các khu kinh tế đặc biệt và vùng phát triển kinh tế của nó có thể tiếp tục trong những năm tiếp theo".

Báo cáo cũng lưu ý sự thúc đẩy của Triều Tiên cho chính sách của kỷ nguyên mới Kim Jong Un cũng có thể bao gồm các nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ với những nước láng giềng. "Là một phần của các nỗ lực để thể hiện sức mạnh tổng hợp của chế độ Kim Jong Un vào năm tới, khi đất nước kỷ niệm lần thứ 70 ngày thành lập WPK, Chủ tịch Kim Jong Un có thể đi thăm Trung Quốc và Nga".

Triều Tiên cũng được đồn đoán là đang tìm cách để làm sống lại các cuộc đàm phán giải trừ hạt nhân sáu bên bị đình trệ đã lâu với các nước láng giềng, cũng như tìm kiếm nhiều hơn những dự án hợp tác với Seoul như một phần của nỗ lực khắc phục các rào cản.

Tuy nhiên, báo cáo nói thêm rằng vẫn còn chưa rõ liệu Triều Tiên có khả năng để giải quyết các vấn đề về hạt nhân và quyền con người mà nước này đang phải đối mặt hay không.


TRUNG QUỐC
Quân đội Trung Quốc khởi động làn sóng thanh lọc tham nhũng mới

TTXVN (Hong Kong 30/11) - Sau khi nguyên Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu bị điều tra, vào ngày 27/11, một số tài khoản weibo (mạng xã hội kiểu Twitter ở Trung Quốc) nổi tiếng lan truyền thông tin một quan chức nguyên là Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương khác có thể đã bị “song quy” (biện pháp điều tra của ngành kiểm tra kỉ luật Trung Quốc, yêu cầu nhân vật tình nghi có mặt tại địa điểm quy định vào thời gian quy định để trả lời về các vấn đề liên quan). Nhân vật này không ai khác là ông Quách Bá Hùng, làm Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương cùng thời với ông Từ Tài Hậu. Nhưng dường như chiến dịch thanh lọc tham nhũng trong lực lượng vũ trang Trung Quốc mới chỉ bắt đầu.

Trong số ra vào cuối tuần qua, tờ Tín báo của Hong Kong cho biết từ ngày 27/11, thông tin về việc Quách Bá Hùng bị điều tra được lan truyền trên một số tài khoản weibo nổi tiếng ở Trung Quốc. Thông qua tài khoản weibo của mình, Thái Tiểu Tâm (con trai của Thái Trường Viễn, một vị tướng quân đội thời khai quốc của Trung Quốc) xác nhận Quách Bá Hùng kì thực đã bị điều tra, đã bị cơ quan chức năng hẹn gặp nói chuyện không chỉ một lần. Tuy nhiên, việc Quách Bá Hùng đã bị “song quy” hay chưa, Thái Tiểu Tâm thừa nhận chí ít tới thời điểm này, bản thân chưa biết về sự việc đó. Một tài khoản weibo nổi tiếng khác là Cha_shiju tiết lộ quân đội Trung Quốc đang “tróc rễ một con hổ lớn khác”.

Theo báo trên, cho dù Quách Bá Hùng xuất hiện trong tiệc mừng Quốc khánh Trung Quốc năm nay, nhưng điều đó không có nghĩa nhân vật này được an toàn. Ngày 20/1/2014, khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Tập Cận Bình thăm hỏi các tướng lĩnh cao cấp về hưu, Từ Tài Hậu cũng có mặt. Tuy nhiên, hơn 5 tháng sau, vào ngày 30/6, truyền thông chính thức Trung Quốc đã loan báo thông tin Từ Tài Hậu đã bị điều tra và ngày 27/10 vừa qua, hồ sơ liên quan được chuyển cho Viện Kiểm sát Quân sự tiến hành truy tố vì tội nhận hối lộ.

Báo trên cho biết thêm từ tháng 11/2014, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã khởi động phong trào chống tham nhũng mới với quy mô lớn, thanh lọc những tướng lĩnh tham ô, câu kết bè phái ở tổng bộ Quân ủy Trung ương, các quân binh chủng và các đại quân khu. Liên tiếp trong những ngày qua, số tướng lĩnh bị “ngã ngựa” lan truyền trong dư luận đã lên tới hơn 10 người, bao gồm Phó Chính ủy Hải quân Mã Phá Tường (một thân tín của Quách Bá Hùng, đã nhảy lầu tự tử), Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Lưu Tranh, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Thương Thụ Điền, Cục trưởng Hậu cần Quân khu Thẩm Dương Vương Ái Quốc, Trưởng đoàn văn công Chiến hữu thuộc Quân khu Bắc Kinh Lưu Bân…

Trong một diễn biến liên quan, tờ Minh báo cho biết, gần đây, Tổng cục Chính trị PLA đã phát đi hai văn kiện, một là những ý kiến chỉ đạo về việc thúc đẩy chỉnh đốn tác phong, củng cố thành quả hoạt động thực tiễn của đường lối quần chúng, hai là giải thích những nội dung chủ yếu trong bài phát biểu của Tập Cận Bình tại Hội nghị Quân chính Toàn quân tại Cổ Điền. Từ động thái này có thể thấy chiến dịch thanh lọc tham nhũng trong quân đội Trung Quốc mới bắt đầu. Đặc biệt, việc Tập Cận Bình nhấn mạnh “đối với những kẻ cấu kết bè phái theo kiểu nhóm nhỏ phải làm rõ, ai đáng giáng chức thì giáng chức, ai đáng cách chức thì cách chức, ai đáng điều chuyển thì điều chuyển” cho thấy đối tượng thanh lọc không chỉ là các tướng lĩnh tham nhũng, mà còn bao gồm cả những kẻ “câu kết bè phái theo kiểu nhóm nhỏ”. Điều đó có nghĩa, thân tín của Từ Tài Hậu, Cốc Tuấn Sơn (Trung tướng, nguyên Phó Chủ nghiệm Tổng cục Chính trị đã bị cách chức, chịu sự điều tra của tổ chức), thậm chí là thân tín của các quan chức cấp cao thuộc Quân ủy Trung ương khóa trước, đều có thể trở thành đối tượng thanh lọc.

Ngoài ra, làn sóng thanh lọc tham nhũng đã có dấu hiệu lan từ PLA sang lực lượng Cảnh sát Vũ trang. Dư luận mới đây lan truyền thông tin Tư lệnh Bộ Chỉ huy Giao thông, phụ trách các công trình xây dựng cơ bản cỡ lớn thuộc Cảnh sát Vũ trang, Thiếu tướng Lưu Chiếm Kỳ đã bị dẫn giải đi phục vụ điều tra. Liệu rằng động thái này có liên quan tới giới chức cấp cao thuộc lực lượng Cảnh sát Vũ trang Trung Quốc hay không, theo tờ Minh báo, vẫn cần phải quan sát.



Trung Quốc tăng cường ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan tôn giáo ở Tân Cương

TTXVN (Bắc Kinh 29/11) - Theo China Daily, Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương hôm 28/11 đã thông qua quy định cấm dân thường mặc hoặc cưỡng ép người khác mặc quần áo hoặc mang logo có liên quan đến chủ nghĩa cực đoan tôn giáo.

Quy định được điều chỉnh của Khu tự trị này về vấn đề tôn giáo là quy định đầu tiên ở Trung Quốc nhằm vào lực lượng cực đoan tôn giáo. Biện pháp này đã được Ủy ban thường vụ Hội đồng nhân dân Tân Cương thông qua và dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2015. Quy định này cũng nhằm bảo vệ các hoạt động tôn giáo hợp pháp khác.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Mã Minh Thành cho biết quy định cũ, được thông qua cách đây 20 năm, không thể ứng phó với tình hình mới như: sự lan rộng của các tài liệu cực đoan tôn giáo, khủng bố thông qua Internet và mạng xã hội, và sử dụng tôn giáo tác động tới đời sống của người dân. Ông này cho biết quy định trên đã được soạn thảo trong 2 năm rưỡi và là quy định được thảo luận nhiều nhất trong lịch sử Khu tự trị này do tính nhạy cảm và tầm quan trọng của đối tượng trong quy định. Theo ông Mã, quy định mới gồm 18 điều mới, phần lớn đã làm rõ bản chất của các hoạt động tôn giáo bất hợp pháp và cực đoan. Quy định mới cũng cấm người dân phát tán và xem các băng hình về jihad hoặc các cuộc thánh chiến, chủ nghĩa khủng bố, cực đoan tôn giáo ở trong hoặc ngoài các khu vực tôn giáo và yêu cầu những người đứng đầu tôn giáo phải báo cáo hoạt động tôn giáo cho các nhà chức trách và công an địa phương. Quy định còn yêu cầu người dân không được sử dụng tôn giáo để tác động tới hệ thống tư pháp, các phong tục hiếu hỉ…

Cực đoan tôn giáo đã trở thành mối đe dọa chính đối với sự ổn định ở Tân Cương và đã dẫn tới sự gia tăng số vụ tấn công khủng bố trong và ngoài Khu tự trị.



KHỦNG HOẢNG UKRAINE
Từ khủng hoảng Ukraine - nhìn nhận lại phương Tây, phương Đông cũng như các giá trị phổ quát

TTXVN (Moskva 29/11) - Thời gian diễn ra cuộc khủng hoảng Ukraine hiện đã có thể tính bằng năm, trong khi cuộc khủng hoảng chưa hề có dấu hiệu thuyên giảm. Nó không chỉ làm đảo lộn đời sống chính trị - xã hội của cả một đất nước, mà nó còn đẩy nhiều quốc gia vào một mớ bòng bong trong các mối quan hệ kinh tế, chính trị đan xen. Các nhà phân tích thì cho rằng từ cuộc khủng hoảng này, cần phải định nghĩa lại các giá trị giữa phương Đông, phương Tây cũng như nhiều giá trị phổ quát khác.

Tiến sĩ Kinh tế Anton N. Oleinik, Trưởng nhóm nghiên cứu thuộc Viện Kinh tế và Toán học (Central Economics and Mathematics Institute- CEMI) của Nga và là Giáo sư Đại học Tổng hợp Memorial, trường đại học lớn nhất ở vùng Atlantic (Canada), mới đây cũng có bài nghiên cứu về vấn đề này. Bài viết của ông đã được báo Độc lập (Nga) đăng tải ngày 24/11. Sau đây là nội dung bài viết:

Cuộc khủng hoảng Ukraine đóng vai trò như một chất xúc tác, góp phần làm rõ những hình mẫu (xã hội) vốn từ trước đến nay vẫn chưa định hình rõ. Cuộc khủng hoảng đó trước hết đã góp phần gỡ bỏ chiếc mặt nạ của chế độ chuyên chế Nga. Việc chính quyền Nga sẵn sàng đeo chiếc mặt nạ này nhằm bảo vệ, duy trì quyền lực của mình bằng mọi cách, kể cả những biện pháp bạo lực nhất, giờ đây cũng không còn có thể giúp che giấu một nền kinh tế thị trường không đúng nghĩa (vẫn chịu sự chi phối của nhà nước và bị lũng đoạn bởi giới tài phiệt kinh tế và chính trị- PV) và sự bao biện rằng nhà nước đang tiến hành cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố.

Tuy nhiên, châu Âu đang rơi vào một tình thế hết sức trớ trêu. Những lời lẽ hoa mỹ về một nền tự do của châu Âu luôn được nhấn mạnh, được nhắc đến, song trên thực tế, những giá trị châu Âu cũng như quyền con người đang bị chà đạp (nhìn từ thực tế tại Ukraine- PV), và người ta thậm chí còn không dám chi trả, dù chỉ là một số tiền rất nhỏ, để bảo vệ những giá trị đó. Hiện nay, đối với châu Âu, những lợi ích thực tế, thậm chí có thể coi là thực dụng, hiển nhiên nhất, quan trọng nhất chính là làm sao để con người được ấm áp trong điều kiện giá lạnh nghiệt ngã của mùa Đông. Điều này còn thiết thực và quan trọng hơn cả việc bảo vệ những nguyên tắc hão về đoàn kết và tự do cho châu Âu.



Nga: Chủ nghĩa phô trương chính trị

Việc sẵn sàng duy trì quyền lực bằng mọi giá ở Nga, cho thấy rõ bộ mặt thật của chế độ này và dường như nó giống với nhân vật viên chức trong tác phẩm "Những kẻ tủi nhục" (còn có tên gọi khác là Những kẻ lăng mạ và tật nguyền), mà Đại văn hào Nga thế kỷ XIX Fyodor Mikhailovich Dostoevsky đã mô tả. Viên chức trong tác phẩm này đã tự lột trần, rồi mặc một chiếc áo choàng dài đến tận mắt cá chân, và khi gặp người qua đường, đã đột nhiên phanh áo ra để "khoe với bàn dân thiên hạ rằng mình đang sở hữu... một trái tim trong sạch, chân thành". Thế nhưng, chính viên chức muốn phô trương này lại chối bỏ vai trò mà anh ta đã tự nhận trong xã hội.

Những người nắm quyền tại Nga cũng vậy. Trong suốt một thời gian dài, họ đã cố gắng hành xử sao cho trở thành những con người đáng kính trong xã hội. Họ phát ngôn những "lời vàng ý ngọc" và tìm cách đảm bảo sao cho tất cả mọi người hành xử đúng mực, phù hợp với những giá trị phổ quát. Ăn mặc theo phong cách châu Âu và xem giờ bằng đồng hồ Thụy Sĩ. Tuy nhiên, có rất ít người tin họ, khi mà họ cố áp đặt đường hướng của họ trong nhà họ (trong lòng nước Nga), thậm chí không từ các biện pháp bạo lực chuyên chế.

Có vẻ như đã mệt mỏi với các quy ước, những người cầm quyền Nga quyết định buông lỏng, bộc lộ đúng "cái tôi" của mình! Và giống như quan sát của Đại văn hào Dostoevsky, "có một thái độ đặc biệt gì đó, khi mà người ta bỗng dưng bị rơi chiếc mặt nạ và trong tình huống trơ trẽn đó, bỗng nhiên bị lộ ra bộ mặt thật và dường như họ còn không biết xấu hổ trước việc bị người khác nhận rõ bộ mặt thật của họ". Hãy nhìn xem, thực chất chúng ta là ai. Trái tim chân thật của chúng ta có thật sự chân thật?

Phương Tây: Chủ nghĩa cưỡng bức chính trị

Gỡ bỏ mặt nạ của các tầng lớp cầm quyền phương Tây là đối tượng của một loại logic khác. Không tìm được niềm khoái lạc trong việc phô trương tấm thân trần trước bàn dân thiên hạ, và có lẽ họ cũng không làm được thế. Sự khỏa thân đối với họ là bắt buộc, khỏa thân- đó là phản ứng với chiếc áo choàng của viên chức Nga. Còn giới chức phương Tây, có thể và vẫn muốn tiếp tục phô trương những bộ trang phục thiết kế thời thượng và sực mùi nước hoa, nhưng chưa sẵn sàng để bảo vệ hình ảnh và quan trọng nhất là tuyên bố nguyên tắc của riêng mình (bắt đầu với điều đơn giản nhất, chẳng hạn như giới thiệu trang phục của họ). Trong khi đó, viên chức Nga không chỉ sẵn sàng mở phanh chiếc áo choàng của mình, mà còn muốn xé phanh trang phục của các đối tác phương Tây, để phô ra với thiên hạ, với toàn thế giới về cái gọi là chủ nghĩa cưỡng bức chính trị của họ.

Chúng tôi và bạn đều là người trần mắt thịt. Chúng ta chỉ khác nhau khi khoác trên mình những trang phục khác nhau. Còn bên dưới những lớp áo quần, chúng ta đều "chân thành" muốn nắm giữ quyền lực. Ngay cả một số mùi bốc lên cũng giống nhau mà thôi! Xin hãy tha thứ cho tôi các độc giả đáng kính, vì tôi đã tả thực điều đó.

Mani giáo (còn gọi là Minh giáo) và thực tiễn chính trị

Nói cách khác, cuộc khủng hoảng Ukraine đã cho thấy bản chất phổ quát của các cơ quan chức năng chính là sự tham nhũng. Tham nhũng cả theo nghĩa đen, - tức là Ukraine đã sử dụng khí đốt của Nga như một loại "ngoại tệ mạnh" để từ đó gây sức ép với châu Âu nhằm bảo đảm lợi ích của mình, giam giữ châu Âu như một "con tin", buộc châu Âu phải uốn lưỡi khi đề ra các quyết sách và hành động của mình; và cả theo nghĩa bóng, khi tham nhũng ở đây được hiểu là chối bỏ các nguyên tắc của mình. Tự coi mình như một quốc gia "châu Á" đối với Nga, song lại là một quốc gia "châu Âu" đối với phương Tây.

Sự phản kháng hiện nay ở Ukraine buộc người ta phải xem xét lại quan điểm của các quan chức ở cả phương Tây lẫn ở Nga. Họ thường nhìn sang các hệ thống khác, so sánh, soi mói và dường như đó là nguồn cảm hứng vô tận cho những lời chỉ trích của họ. Những người theo chủ nghĩa tự do ở Nga viện dẫn phương Tây như một tham số, một cơ sở để phản bác Chính quyền Nga. Còn các nhà phê bình cấp tiến phương Tây lại đang lấy chính Trung Quốc và Nga làm hình mẫu để thay thế cho thể chế phương Tây đã "mục ruỗng".

Quan điểm của Noam Chomsky, người được tạp chí Prospect của Anh bầu chọn là "người có trí tuệ nhất thế giới" và rất được kính trọng tại phương Tây, là một minh chứng cho luận điểm trên. Ông sinh ngày 7/12/1928 trong một gia đình trí thức Nga gốc Do Thái, tại East Oak Lane, vùng ngoại ô Philadelphia, bang Pennsylvania (Mỹ). Cha ông là William Chomsky, trốn quân dịch Sa hoàng và di cư khỏi Nga năm 1913, là một học giả tiếng Hebrew. Mẹ ông là Elsie Chomsky (tên thời con gái là Simonofsky), cũng là người gốc Nga nhưng sinh ra và lớn lên ở Mỹ. Trong cuốn sách "Nhận diện quyền lực", mới được xuất bản của mình, ông đã chỉ trích phương Tây không đủ khả năng tạo ra những chuẩn mực (chứ chưa nói gì tới việc họ có thể tự bảo vệ mình). Theo ông, ngoài chủ nghĩa khủng bố, các nhà nước thất bại, tội phạm có tổ chức, dịch bệnh và vũ khí giết người hàng loạt, còn nhiều thách thức toàn cầu khác, từ các vấn nạn môi trường đến các mô hình phát triển, đòi hỏi các quốc gia trụ cột trong hệ thống quốc tế phải có ý thức trách nhiệm cao hơn trước cộng đồng quốc gia và cộng đồng nhân loại. Cuốn sách đã truyền tải tư tưởng của Noam Chomsky một cách trung thực nhất, tôn trọng các quan điểm khác biệt của ông.

Tuy nhiên, như một giải pháp khả thi để Chomsky xem xét các mô hình của Nga và Trung Quốc. Và có lẽ không phải ngẫu nhiên, ông đã trích dẫn và ủng hộ tư tưởng của Mani giáo và một đoạn video của Osama bin Laden từ ngày 7/9/2007, và những bài đã phát sóng trên các kênh của Russia Today.

Hiện chưa mở ra "con đường thứ ba"

Trong bối cảnh hiện nay, cuộc khủng hoảng Ukraine đang trở thành một động lực mạnh mẽ cho việc tìm kiếm các giải pháp thay thế phù hợp, để có thể giữ nguyên trạng cả ở Nga và ở phương Tây. Sự tồn tại đó có thể vượt ra ngoài khuôn mẫu phức tạp như Mani giáo, đó chính là sự lưỡng phân: phương Đông hoặc phương Tây, các chế độ chuyên chế của Nga hay một nền "văn minh tham nhũng" trong giới chức phương Tây. Nói một cách khác là phải loại bỏ các chính quyền tham nhũng, cho dù họ mặc loại trang phục nào, từ hàng hiệu Hugo Boss, hay chỉ là những thương hiệu rẻ tiền vùng Viễn Đông.



Không thể mô tả một cách toàn diện và đầy đủ nhất về các thể chế xã hội hiện nay, trên thực tế, có thể thấy căn nguyên dẫn tới cuộc khủng hoảng ngày càng nghiêm trọng hơn tại Ukraine mang tính toàn cầu. Cả chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa Mác, hay chủ nghĩa Hồi giáo chính thống đều không thể thực hiện vai trò giải quyết tận gốc rễ vấn đề. Tất cả các hình thái này đều ít nhiều đã bị mất uy tín, và lúc này, người ta hình như không còn trông đợi một xã hội theo kiểu phô trương hay cưỡng bức chính trị.

Tuy nhiên, cũng có một số sáng kiến ở cấp địa phương, quốc gia và toàn cầu, mà người ta trông đợi nó có thể thay thế, đáp ứng thực tiễn tình hình thế giới hiện nay. Cũng đừng quên rằng cuộc khủng hoảng Ukraine bắt đầu như là một "cuộc cách mạng đòi hỏi nhân phẩm", và sau đó, những người làm cách mạng càng giận giữ hơn khi nhận ra những người cầm quyền cũng lại chính là những kẻ tham nhũng.

Mục tiêu ưu tiên hội nhập châu Âu và sự phân đôi đất nước đòi theo "Nga hoặc châu Âu", đã đẩy đất nước này vào cảnh bị xâu xé, bị các lực lượng bên ngoài can thiệp.

Vì vậy, không phải Ukraine đang nỗ lực hòng tìm kiếm một thể chế thay thế hợp lệ, do sợ hãi chính thể chuyên chế Nga, mà có lẽ nước này đang muốn phanh áo choàng ra để chứng minh một điều gì đó trước một lượng công chúng - khán giả khả kính?
PHỤ LỤC
Chiến tranh Thế giới lần thứ ba nhằm vẽ lại bản đồ nước Nga?

TTXVN (Pretoria 30/11) - Theo trang Tin toàn cầu mới đây, mục tiêu cuối cùng của Mỹ và NATO là chia tách (Balkan hóa, chia để trị), bình định lại, biến một quốc gia trở nên thân thiện thay vì đối đầu, quốc gia lớn nhất thế giới đó là Liên bang Nga, và thậm chí tạo ra một đất nước rối loạn vĩnh viễn như Somali với nạn nghèo đói bất ổn, trên toàn bộ hoặc một phần lãnh thổ nước Nga, hoặc ít nhất tối thiểu là ở không gian hậu Xôviết, tương tự như những gì đã được thực hiện đối với Trung Đông và Bắc Phi. Nước Nga hoặc có thể nhiều nước Nga trong tương lai, bao gồm nhiều nhà nước bị suy yếu và chia rẽ, điều mà Washington và các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đánh giá là sự suy giảm về nhân khẩu học, tụt hậu về công nghiệp, đói nghèo, không có khả năng phòng thủ, cô lập và từ đó phương Tây sẽ khai thác các nguồn tài nguyên từ quốc gia này.

- Kế hoạch của các nước đế quốc để gây bất ổn cho Nga

Phá vỡ Liên Xô là chưa đủ đối với Washington và NATO. Mục tiêu cuối cùng của Mỹ và phương Tây là ngăn chặn mọi sự thay thế từ việc nổi lên của châu Âu và Á-Âu để hội nhập với châu Âu-Đại Tây Dương. Đó là lý do tại sao việc hủy diệt Nga là một trong những mục tiêu chiến lược quan trọng của số này.

Các mục tiêu của Mỹ vẫn hiện hữu và vận hành trong cuộc chiến ở Chechnya. Chúng ta cũng thể nhận ra những mục tiêu đó trong cuộc khủng hoảng phong trào biểu tình Maidan, ủng hộ châu Âu ở Ukraine. Trên thực tế, bước đi đầu tiên của việc phân tách Ukraine và Nga là chất xúc tác cho sự tan rã của toàn bộ Liên Xô và mọi nỗ lực để tái lập lại.

Chính trị gia người Mỹ gốc Ba Lan Zbigniew Brzezinski, nguyên là Cố vấn an ninh quốc gia dưới thời Tổng thống Jimmy Carter, cũng là chủ mưu đằng sau kế hoạch Liên Xô xâm lược Afghanistan, đã ủng hộ việc hủy diệt Nga thông qua việc phân rã và chuyển giao quyền lực theo phương châm dần dần, từ từ. Ông ta khẳng định: “Một nước Nga phân quyền hơn sẽ ít có khả năng huy động quyền lực hùng mạnh”. Nói cách khác, nếu Mỹ phân rã được Nga thì Moskva sẽ không còn là đối trọng thách thức Washington. Trong bối cảnh đó, Zbigniew Brzezinski khẳng định như sau: “Sự lỏng lẻo phân rã trong cấu trúc Nhà nước liên bang Nga-tạo ra nước Nga châu Âu, Cộng hòa Serbia, Cộng hòa Viễn Đông-sẽ dễ dàng để áp đặt các quy định kinh tế thân thiện hơn với châu Âu, với các nhà nước mới ở Trung Á, Đông Á mà qua đó sẽ thúc đẩy sự phát triển cho chính nước Nga”.

Quan điểm trên không đơn thuần xuất hiện trong giới phân tích nghiên cứu hoặc hoạch định chính sách. Những quan điểm đó nhận được sự hậu thuẫn của nhiều chính phủ và thậm chí còn được tuyên truyền mạnh mẽ. Dưới đây là một số hành động khuyếch trương cho quan điểm này.

- Các phương tiện truyền thông của Chính phủ Mỹ dự báo về việc Balkan hóa nước Nga

Chuyên gia phân tích Dmytro Sinchenko đã đăng tải bài viết ngày 8/8/2014 về việc chia tách nước Nga có nhan đề: “Chờ đợi Thế chiến thứ ba: Thế giới sẽ thay đổi như thế nào”. Sinchenko đã từng tham gia phong trào biểu tình Euromaidan và tổ chức của ông có tên “Phong trào chính khách sáng kiến Ukraine” ủng hộ chủ nghĩa dân tộc, mở rộng lãnh thổ Ukraine dù phải chấp nhận tiến sát biên giới các nước khác, tái lập tăng cường sức mạnh Tổ chức Dân chủ và Phát triển kinh tế (GUAM) theo hướng thân Mỹ của các nước Gruzia-Ukraine-Azerbaijan-Moldova, gia nhập NATO, thực hiện phản công đánh bại Nga là một phần trong mục tiêu chính sách đối ngoại này. Đáng chú ý, sự bao hàm ngôn từ dân chủ trong GUAM không thể đánh lừa được bất kỳ ai. Điển hình như trường hợp nước Cộng hòa Azerbaijan đã chứng minh, GUAM không có gì để làm với nền dân chủ mà thay vào đó chỉ nhằm đối trọng cân bằng với Nga trong khối Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG).

Bài phân tích của Sinchenko bắt đầu bằng việc nói về lịch sử cụm từ “Trục ma quỷ” mà Mỹ đã sử dụng để nói xấu kẻ thù của mình. Cụm từ này đã được Tổng thống Mỹ George W. Bush sử dụng vào năm 2002 để chỉ nhóm các nước Iraq, Iran và Triều Tiên. Sau đó, John Bolton mở rộng trục ma quỷ gồm cả Cuba, Libya, Syria và đến Ngoại trưởng Condoleezza Rice thì khái niệm trên bao gồm thêm Belarus, Zimbabwe, Myanmar (Burma). Cuối cùng, ông ta đề xuất nên bổ sung Nga vào danh sách này như là một quốc gia hạ đẳng, đáng gạt ra bên lề chính trường thế giới. Tác giả bài viết còn lập luận rằng Điện Kremlin đang can dự vào các cuộc xung đột ở Balkans, Caucasus, Trung Đông, Bắc Phi, Ukraine và Đông Nam Á. Sinchenko còn đi xa hơn khi cáo buộc Nga có kế hoạch xâm lược các nước Baltic, vùng Caucasus, Moldova, Phần Lan, Ba Lan và thậm chí lố bịch hơn là đối với cả hai đồng minh thân cận của Nga về quân sự, chính trị là Belarus và Kazakhstan. Theo như tiêu đề bài viết ám chỉ thì Moskva đang cố tình thúc đẩy một cuộc chiến tranh Thế giới thứ ba.

Bài viết đầy giả tưởng này không được đăng tải trên mạng lưới tập đoàn truyền thông có quan hệ với Mỹ mà chính thức được xuất bản, công bố trực tiếp trên phương tiện truyền thông thuộc quyền sở hữu của Chính phủ Mỹ. Bài viết dự báo trên được phát trên Đài truyền thanh châu Âu tự do của Ukaraine (Radio Free Europe/Radio Liberty), một công cụ tuyên truyền của Mỹ tại châu Âu, Trung Đông đã góp sức lật đổ nhiều chính phủ cầm quyền.



Thật rùng mình, bài viết đã cố gắng làm giảm nhẹ khả năng về một cuộc chiến tranh thế giới mới. Ghê tởm thay, bài viết bỏ qua việc sử dụng vũ khí hạt nhân và sự hủy diệt hàng loạt mà sẽ xảy ra ở Ukraine và thế giới. Bài phân tích khắc họa sai lệch hình ảnh ấm cúng của thế giới mà nó sẽ được điều chỉnh, sửa chữa lại bởi một cuộc chiến tranh thế giới lớn. Radio Free Europe/Radio Liberty và tác giả bài viết đã hùng hồn tuyên bố “chiến tranh là điều tốt lành cho cả chúng ta” trước người dân Ukraine và sẽ có một số mô hình thiên đường không tưởng xuất hiện sau cuộc chiến tranh với Nga.

Bài báo của Dmytro Sinchenko phù hợp với những điểm mấu chốt trong dự báo của Brzezinski về Nga, Ukraine và khu vực Á-Âu. Đồng thời, nó cũng dự báo về việc chia tách Nga trong khi Ukraine là một phần trong Liên minh châu Âu mở rộng, trong đó bao gồm Gruzia, Armenia, Cộng hòa Azerbaijan, Belarus, Israel, Liban, sự phụ thuộc vào Bắc Mỹ của Đan Mạch; đồng thời kiểm soát một liên minh các nước ở Caucasus và Địa Trung Hải. Khu vực thứ hai có thể Liên minh Địa Trung Hải bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Ai Cập, Libya, Tunisia, Algeria, Morocco, nước Cộng hòa dân chủ Arab Sahrawi bị Morroco chiếm đóng hay Tây Sahara. Ukraine được xem là một phần không thể thiếu của Liên minh châu Âu. Về vấn đề này, Ukraine dường như nằm trên trục hành lang Pháp-Đức-Ba Lan-Ukraine có quan hệ với Mỹ và trục Paris-Berlin-Warsaw-Kiev mà Brzezinski từng ủng hộ thúc đẩy thành lập vào năm 1997, trong đó Washington có thể sử dụng để thách thức Liên bang Nga và các đồng minh của Moskva trong khối khu vực SNG.



Vẽ lại lục địa Á-Âu: Bản đồ nước Nga bị chia tách của Mỹ

Với việc chia tách Liên bang Nga, bài báo trên Radio Free Europe’s/Radio Liberty khẳng định mọi sự đối đầu lưỡng cực giữa Moskva, Washington sẽ kết thúc sau Chiến tranh Thế giới thứ Ba. Với sự mâu thuẫn rõ rệt, bài phân tích nhận định, chỉ khi Nga bị hủy diệt thì mới có thế giới đa cực thực sự hình thành. Điều này có nghĩa Mỹ sẽ là cường quốc thống trị toàn cầu mặc dù Washington và Liên minh châu Âu (EU) sẽ bị suy yếu từ cuộc chiến tranh lớn đã được tiên lượng trước với Nga.

Đi kèm bài viết là hai bản đồ phác họa không gian địa lý Á-Âu sau khi được vẽ lại và hình dáng thế giới sau sự hủy diệt Nga. Hơn thế nữa, cả hai bản đồ cũng như tác giả bài viết đều không công nhận sự thay đổi đường biên giới trên bán đảo Crimea và mô tả khu vực này vẫn là một phần của Ukraine mà không thuộc về Nga. Từ Tây sang Đông, những thay đổi sau đây được định vị dành cho vị trí địa lý của Nga:

+ Khu vực Kaliningrad của Nga sẽ được sáp nhập vào Lithuania, Ba Lan hay Đức. Hoặc một cách khác là khu vực này sẽ trở thành một phần của EU mở rộng.

+ Đông Karelia (Karelia Nga) hiện đang là chủ thể liên bang nước Cộng hòa Karelia nằm bên trong khu vực Tây bắc của Nga, cùng với thành phố St.Petersburg, Leningrad, Novgorod, 2/3 khu vưc Bắc Pskov Murmansk sẽ bị chia cắt khỏi Nga để tạo thành một phần lãnh thổ Phần Lan. Khu vực này có thể được sáp nhập vào Phần Lan để tạo ra Đại quốc Phần Lan. Mặc dù khu vực Archangel (Arkhangelsk) được đề cập trong danh sách là một phần của khu vực sáp nhập này trong bài viết trên nhưng nó lại không được thể hiện trên bản đồ (cũng có thể là do lỗi in ấn của bản đồ).

+ Các khu vực hành chính phía Nam Sebezhsky, Pustoshkinsky, Nevelsky, Usvyatsky của Pskov từ khu vực hành chính Tây Bắc và khu vực Demidovsky, Desnogorsk, Dukhovshchinsky, Kardymovsky, Khislavichsky, Krasninsky, Monastyrshchinsky, Pochinkovsky, Roslavlsky, Rudnyansky, Shumyachsky, Smolensky, Velizhsky, Yartsevsky, Yershichsky cũng như các thành phố Smolensk, Roslavl ở Smolensk sẽ được sáp nhập vào Belarus. Các thành phố Dorogobuzhsky, Kholm-Zhirkovsky, Safonovsky, Ugransky, Yelninsky thuộc Smolensk sẽ được chia tách thêm trên bản đồ như là khu vực đường biên giới mới giữa Belarus và Nga.

+ Khu vực Bắc Caucasus của Nga, bao gồm nước Cộng hòa Ingushetia, Cộng hòa Kabardino-Balkar, Cộng hòa Karachay-Cherkess, Cộng hòa Nam Ossetia-Alania, khu Stavropol, Chechnya sẽ bị tách khỏi Nga, sáp nhập vào Liên bang Caucasus và chịu ảnh hưởng của EU.

+ Khu vực miền Nam Liên bang Nga, bao gồm Cộng hòa Adygea, khu vực Astrakhan, Volgogra, Cộng hòa Kalmykia, khu Krasnodar, Rostov sẽ được sáp nhập vào Ukraine. Điều này sẽ dẫn đến một khu vực biên giới chung giữa Ukraine, Kazakhstan, cắt đứt Nga khỏi khu vực biển Caspia giàu năng lượng và là biên giới phía Nam trực tiếp với Iran

+ Ukraine cũng sẽ sáp nhập khu vực đông dân nhất của Nga là Belgorod, Bryansk, Kursk.

+ Khu vực Siberia và Viễn Đông của Nga sẽ bị chia tách khỏi Nga.

+ Bài viết cũng cho biết toàn bộ lãnh thổ Siberia và hầu hết lãnh thổ khu vực Viễn Đông của Nga, bao gồm Cộng hòa Altai, khu Altai, Amur, Cộng hòa Buryatia, Chukotka, Khu vực tự trị Do Thái, Irkutsk, khu Kamchatka, Kemerovo, khu Khabarovsk, Cộng hòa Khakassia, khu Krasnoyarsk, Magadan Novosibirsk, Omsk, khu Primorsky, Cộng hòa Sakha, Tomsk, Cộng hòa Tuva, khu Zabaykalsky sẽ được sáp nhập vào một số quốc gia độc lập mà người Trung Quốc chiếm số đông hoặc cùng với Mông Cổ trở thành vùng lãnh thổ mới của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Bản vẽ trên bản đồ chủ ý đưa Siberia, hầu hết khu vực Viễn Đông và Mongolia vào lãnh thổ Trung Quốc, ngoại trừ khu vực Sakhalin.

+ Nga sẽ mất đảo Sakhalin (hay còn gọi là Saharin và Karafuto vào Nhật Bản) và đảo Kuril, tạo thành khu vực Sakhalin. Những hòn đảo này sẽ được sáp nhập vào Nhật Bản.

Trước đó, ngày 2/9, trên trang nhật ký điện tử cá nhân của mình, Sinchenko đã đăng tải bài viết được phát trên Đài Radio Free Europe/Radio Liberty. Những hình ảnh về hai bản đồ trên cũng được đăng đính kèm. Tuy nhiên, có một bức hình kèm theo bản đồ trên trang mạng cá nhân của Sinchenko, trong đó chú thích như sau: Đây là hình nước Nga đang được ăn chia vui vẻ như một bữa ăn lớn của tất cả các nước có chung đường biên giới với Nga.

Định hình trật tự thế giới mới: Thế giới sau Chiến tranh Thế giới thứ Ba sẽ ra sao?

Bản đồ thứ hai là về thế giới hậu Chiến tranh Thế giới thứ Ba được chia thành nhiều siêu quốc gia. Nhật Bản là một ngoại lệ. Bản đồ thứ hai và các siêu cường quốc có thể được mô tả như sau:

+ Như đã đề cập ở trên, EU sẽ được mở rộng và kiểm sát toàn bộ khu vực ngoại vi Caucasus, Tây Nam Á, Bắc Phi. Đây là việc hiện thực hóa kế hoạch Đối thoại và Đối tác chiến lược vì hòa bình Địa Trung Hải ở cấp độ chính trị, quân sự và Đối tác tác Đông Âu và Đối tác châu Âu-Địa Trung Hải của EU (Liên minh Địa Trung Hải) ở cấp độ chính trị và kinh tế.

+ Mỹ sẽ trở thành siêu cường ở Bắc Mỹ bao gồm các nước Canada, Mexico, Guatemala, Belize, El Salvador, Honduras, Nicaragua, Costa Rica, Panama, Columbia, Venezuela, Ecuador, Guianas (Guyana, Suriname, French Guiana) và toàn bộ Caribbean.

+ Tất cả các nước mà Mỹ không sáp nhập vào ở khu vực Nam Mỹ sẽ hình thành siêu cường nhỏ hơn Bắc Mỹ và do Brazil thống trị.

+ Một số mô hình các khối hoặc tổ chức siêu quốc gia sẽ được hình thành gồm có Afghanistan, Pakistan, Iran, Iraq, Jordan, Saudi Arabia, Kuwait, Bahrain, Qatar, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Oman, Yemen.

+ Một số mô hình siêu quốc gia sẽ được hình thành ở tiểu lục địa Ấn Độ hoặc Nam Á gồm Ấn Độ, Sri Lanka (Ceylon), Nepal, Bhutan, Bangladesh, Myanmar (Burma), Thái Lan.

+ Sẽ có một thực thể siêu quốc gia ở châu Úc và châu Đại Dương bao gồm Philippines, Malaysia, Singapore, Brunei, Indonesia, Timor Leste, Papa New Guinea, New Zealand và các hòn đảo trên Thái Bình Dương. Thực thể này bao gồm cả Australia và sẽ do Canberra thống trị.

+ Ngoài ra, khu vực Bắc Phi sẽ nằm trong sự kiểm soát của EU. Toàn bộ các nước châu Phi còn lại sẽ thống nhất dưới sự lãnh đạo của Nam Phi.

+ Một thực thể siêu quốc gia Đông Nam Á sẽ bao gồm hầu hết các nước Liên bang Nga, Ấn Độ-Trung Quốc, Trung Quốc, bán đảo Triều Tiên, Mông Cổ, Trung Á hậu Liên Xô. Siêu cường này sẽ do Trung Quốc thống trị và chịu sự quản lý của Bắc Kinh.

Mặc dù bài viết trên Radio Free Europe và hai tấm bản đồ hậu thế chiến 3 có thể bị bác bỏ là những kịch bản huyễn hoặc, ảo tưởng nhưng một số vấn đề quan trọng vẫn đặt ra ở đây.



Thứ nhất, tác giả bài viết lấy đâu ra những ý tưởng này? Phải chăng nó đã được biểu hiện qua những cuộc hội thảo được Mỹ, EU hỗ trợ trực tiếp?

Thứ hai, điều gì đã khiến tác giả hình dung ra mô hình chính trị hậu thế chiến thứ ba?

Tác giả bài viết về cơ bản đã cụ thể những phác họa của Brzezinski về việc một nước Nga bị chia tách. Bài phân tích và hai tấm bản đồ trên còn bao gồm cả khu vực Bắc Phi, Trung Đông, Caucasus mà EU coi là vành đai thứ hai hay một tầng ngoại vi nữa của tổ chức này. Những khu vực này thậm chí còn được tô màu xanh nhạt hơn so với màu xanh đậm được sử dụng để xác định EU.

Ngay cả khi thông tin trên Radio Free Europe bị loại bỏ thì không nên bỏ qua thực tế rằng Nhật Bản vẫn tuyên bố chủ quyền với Sakhalin và Mỹ, Liên minh châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia đang hỗ trợ, hậu thuẫn cho các phong trào ly khai ở cả Nam và Bắc Caucacus của Liên bang Nga.

Chủ nghĩa Ukraine

Bài phân tích trên Radio Free Europe/Radio Liberty đã hé mở dấu hiệu về chủ nghĩa Ukraine, điều đáng để đề cập ngắn gọn dưới đây.

Các dân tộc đã được xây dựng nên bởi họ là cộng đồng năng động dù theo cách này hay cách khác, đều được xây dựng, kết nối với nhau bởi tập thể cá nhân hình thành nên xã hội. Trên phương diện này, họ có thể được xem là một cộng đồng tưởng tượng lý tưởng.

Có nhiều mưu đồ hiện hành để tái lập và tái xây dựng lại các dân tộc, các nhóm người trong không gian hậu Xôviết và Trung Đông. Điều này có thể được xem là sự thao túng đề cao chủ nghĩa bộ lạc theo thuật ngữ xã hội học, nhân chủng học hoặc theo ngôn ngữ chính trị là rút khỏi cuộc chơi lớn. Trong bối cảnh đó, chủ nghĩa Ukraine đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các lực lượng chống chính phủ và chống chủ nghĩa dân tộc Nga ở Ukraine trong hơn 100 năm qua, trước tiên dưới thời chính quyền Áo, Đức và sau này là Ba Lan, Anh và hiện giờ là của Mỹ, NATO.



Chủ nghĩa Ukraine là hệ tư tưởng tìm cách cụ thể hóa và thực hiện một mô hình tưởng tưởng tập thể mới hoặc trí nhớ lịch sử sai lầm trong người dân Ukraine luôn tự coi mình là một quốc gia, dân tộc riêng biệt trên cả phương diện dân tộc, con người khác hẳn nước Nga. Chủ nghĩa Ukraine là một kế hoạch chính trị tìm cách phủ nhận sự thống nhất lịch sử Đông Slav và cội nguồn địa lý, bối cảnh lịch sử đằng sau sự khác biệt giữa Nga và Ukraine. Nói cách khác, chủ nghĩa Ukraine tìm cách chối bỏ hoàn cảnh, quên đi tiến trình đã dẫn đến sự khác biệt của Ukraine so với Nga.

Kết luận

Nga luôn hồi sinh từ đống tro tàn. Lịch sử có thể chứng tỏ điều này. Cho dù điều gì xảy ra thì nước Nga vẫn trụ vững. Bất kể khi nào tất cả các dân tộc của Nga đều đoàn kết dưới khẩu hiệu vì Tổ quốc thì họ có thể đập tan mọi đế chế. Họ có thể sống sau cuộc chiến thảm khốc, xâm lược và họ đã sống lâu hơn kẻ thù của chính mình./.




Каталог: images -> detail
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam

tải về 141.06 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương