THÔng tin về quảng bình qua báo chí trong ngàY



tải về 140.23 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích140.23 Kb.
#29348



ĐIỂM BÁO

THÔNG TIN VỀ QUẢNG BÌNH QUA BÁO CHÍ TRONG NGÀY

(Tin ngày 16 tháng 12 năm 2014)



I. Thời sự - Chính trị 1

1. Cần giảm áp dụng hình phạt tử hình 1

2. Ban Chỉ đạo xây dựng cơ sở tỉnh triển khai nhiệm vụ năm 2015 2

3. Năm 2015, phấn đấu 65% văn bản tài liệu lưu trữ được số hóa phục vụ tra cứu, tìm kiếm và xử lý thông tin 4



II. Kinh tế 5

1. Quảng Bình: Tập huấn hướng dẫn chuyển đổi Hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã 2012 5



III. Văn hóa – Xã hội 6

1. Chủ động các biện pháp phòng, chống bệnh cho gia súc, gia cầm 6

2. Quảng Bình: Thành lập Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh 7

3. Phê duyệt Quy hoạch hạ tầng viễn thông tỉnh Quảng Bình đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 7

4. Bộ đội Biên phòng Quảng Bình thăm hỏi và tặng quà các gia đình chính sách 8

5. Nhiều hoạt động chăm sóc sức khỏe dân nghèo Quảng Bình 9

6. Hội thảo “Công tác xã hội với phát triển bền vững” 9

7. 4 đứa trẻ lao đao vì cha ốm yếu, mẹ nguy kịch trước bệnh tim hiểm nghèo 11

8. Quảng Bình: Gần 29 triệu đồng đến với gia đình nghèo có đứa con thoi thóp vì bệnh huyết tán bẩm sinh 13

9. Đại hội của những kỷ lục 14



V. An ninh – Quốc phòng 16

1. Thêm 1 tử tù được hủy án để điều tra lại 16



2. Tình trạng xe siêu trọng nhập cảnh vào Việt Nam 18

V. Điểm tin đã đưa 19



I. Thời sự - Chính trị

1. Cần giảm áp dụng hình phạt tử hình


(Thanh Niên 16/12, tr13, tác giả Trương Quang Nam; Baoquangbinh.vn 15/12, tác giả Ngọc Hải; Chương trình Thời sự lúc 11h30, Truyền hình VOV ngày 15/12)
Đó là kết quả nghiên cứu một số vấn đề của bộ luật Hình sự (BLHS) được công bố tại hội thảo báo cáo do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức ngày 15/12, tại thành phố Đồng Hới, Quảng Bình.
Ông Nguyễn Công Hồng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết báo cáo do Ủy ban Tư pháp phối hợp với dự án 58492 thuộc Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc tại VN thực hiện nhằm triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng và chuẩn bị thẩm tra dự án BLHS (sửa đổi) theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 của Quốc hội, sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 tới đây.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Độ - Phó Chánh án TAND tối cao, Chánh án Tòa án quân sự Trung ương (thành viên nhóm nghiên cứu), hiện nay, việc xử phạt trên thực tế là nghiêm khắc; luật quy định tốt nhưng thực tế không được áp dụng. Hằng năm có trên dưới 200 án tử hình. Trên 70% người bị khởi tố là bắt giam, 80% người bị kết án là vào tù.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Độ cho rằng, cần tăng tính hướng thiện của hệ thống hình phạt, nếu không làm được thì hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm không cao; khi không còn khả năng cải tạo thì mới áp dụng hình phạt tử hình. Cần xem xét lại quan niệm sai lầm của nhiều người khi cho rằng chỉ có bằng biện pháp hình sự và xử phạt thật nghiêm khắc người phạm tội thì mới có tác dụng răn đe tội phạm và có hiệu quả trong đấu tranh phòng chống tội phạm.
Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu đề xuất hướng mở rộng hơn nữa khả năng áp dụng các biện pháp phi hình sự; áp dụng hình phạt không phải tù trong một số trường hợp, nhất là đối với người phạm tội ít nghiêm trọng và với người chưa thành niên phạm tội. Tăng cường các hình phạt không phải tù và tính khả thi theo các hướng bổ sung hình phạt giám sát, lao động bắt buộc. Cần nghiên cứu giảm hình phạt tù chung thân ở một số nhóm tội như tội xâm phạm sở hữu, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tội phạm về chức vụ.
Bên cạnh đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Tuyết Miên - Giám đốc Trung tâm tội phạm học (Đại học Luật Hà Nội) cho rằng, không áp dụng tử hình đối với người 70 tuổi trở lên, người mắc bệnh hiểm nghèo nguy hiểm đến tính mạng. Về đầu trang

https://www.youtube.com/watch?v=MEO3W1MzN5w&index=2&list=PL_qYDK-jQXX_cEQ_MKis9nvgWX3cWSUzw

2. Ban Chỉ đạo xây dựng cơ sở tỉnh triển khai nhiệm vụ năm 2015


(Baoquangbinh.vn 15/12, tác giả Nguyễn Hoàng)


Đồng chí Hoàng Đăng Quang - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng cơ sở tỉnh phát biểu tại hội nghị
Ngày 15/12, Ban Chỉ đạo xây dựng cơ sở tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết nhiệm vụ xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện, cụm an toàn làm chủ, sẵn sàng chiến đấu năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015.
Đồng chí Hoàng Đăng Quang - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng cơ sở tỉnh chủ trì hội nghị.
Tham dự có đồng chí Đại tá Nguyễn Đức Hóa - Phó Chủ nhiệm Chính trị, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng cơ sở Quân khu IV; Nguyễn Thị Thanh Hương - Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí đại diện Ban Chỉ đạo xây dựng cơ sở Quân khu IV, Phòng Dân vận Cục Chính trị Quân khu IV; các đồng chí là thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng cơ sở tỉnh; đại diện lãnh đạo các ban: Dân vận, Nội chính, Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh; các đồng chí trưởng, phó ban Ban chỉ đạo xây dựng cơ sở các huyện, thị xã, thành phố…
Năm 2014, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận đoàn thể các cấp, ngành đã nỗ lực thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng cơ sở, cụm an toàn làm chủ, sẵn sàng chiến đấu. Lĩnh vực kinh tế duy trì được sự ổn định và tăng trưởng khá, văn hóa-xã hội có nhiều tiến bộ, quốc phòng-an ninh được giữ vững, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Các cấp, ngành, địa phương đã phối hợp chặt chẽ, tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm nhân các sự kiện chính trị quan trọng của Đảng, Nhà nước, quân đội, địa phương, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp.
Kết quả phân loại cơ sở năm 2014 có 131/159 xã, phường, thị trấn đạt vững mạnh toàn diện, chiếm tỷ lệ 82,38%; cụm an toàn làm chủ, sẵn sàng chiến đấu khá là 44/44 cụm, đạt 100% và không có xã, phường, thị trấn, cụm yếu kém.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập thảo luận nhằm làm rõ một số nội dung liên quan đến những kinh nghiệm và nhiệm vụ xây dựng cơ sở thời gian tới. Theo đó, các nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện là: đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang, đặc biệt là thế hệ trẻ; tích cực chuẩn bị và tổ chức tốt đại hội đảng bộ các cấp, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, tiến tới Đại hội lần thứ XII của Đảng; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong nhân dân; triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 9-6-2014 của Chính phủ và Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy…
Thay mặt lãnh đạo Quân khu IV, đồng chí Đại tá Nguyễn Đức Hóa - Phó Chủ nhiệm Chính trị, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng cơ sở Quân khu IV nhấn mạnh một số nhiệm vụ xây dựng cơ sở thời gian tới như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về công tác quốc phòng-an ninh; nâng cao chất lượng hoạt động của các ban chỉ đạo xây dựng cơ sở địa phương; tăng cường củng cố vai trò lãnh đạo của các tổ chức Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể trong công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt chính sách xã hội và chính sách hậu phương quân đội…
Kết luận tại hội nghị, đồng chí Hoàng Đăng Quang - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã đánh giá khái quát những kết quả đạt được cũng như một số vấn đề còn tồn tại trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng cơ sở thời gian qua.
Đồng thời, nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm, đó là: tiếp tục tạo chuyển biến cơ bản về nhận thức của các tầng lớp nhân dân về nhiệm vụ xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện, cụm an toàn làm chủ, sẵn sàng chiến đấu; làm tốt công tác ổn định tình hình, chuẩn bị và tổ chức tốt đại hội đảng các cấp; tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về thực hiện nhiệm vụ năm 2015; tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh toàn diện; kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; tăng cường chấn chỉnh những thiếu sót của các ban chỉ đạo xây dựng cơ sở địa phương để làm tốt chức năng, nhiệm vụ xây dựng cơ sở, cụm an toàn làm chủ, sẵn sàng chiến đấu. Về đầu trang

http://www.baoquangbinh.vn/tin-tuc-su-kien/201412/ban-chi-dao-xay-dung-co-so-tinh-trien-khai-nhiem-vu-nam-2015-2121115/

3. Năm 2015, phấn đấu 65% văn bản tài liệu lưu trữ được số hóa phục vụ tra cứu, tìm kiếm và xử lý thông tin


(Quangbinh.gov.vn 16/12, tác giả Hồng Lựu)
Đó là ý kiến chỉ đạo tại Công văn số 1584/UBND-VX ngày 15/12/2014 về việc tăng cường thực hiện trao đổi hồ sơ điện tử trong hoạt động của cơ quan Nhà nước.
Bên cạnh đó, để thực hiện đúng lộ trình trao đổi hồ sơ điện tử đã đăng ký với Chính phủ, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm nội dung văn bản chỉ đạo các cấp về sử dụng văn bản điện tử trong hoạt động cơ quan Nhà nước, đồng thời phấn đấu trong năm 2015, trong cơ quan Nhà nước các cấp có 65% văn bản được trao đổi hoàn toàn dưới dạng điện tử; 25% hồ sơ, văn bản trao đổi dưới dạng điện tử kèm văn bản giấy; tài liệu họp, lịch công tác tuần/tháng, văn bản góp ý, chương trình, kế hoạch được trao đổi hoàn toàn dưới dạng điện tử.
Đối với việc trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan Nhà nước, phấn đấu đạt 60% văn bản được trao đổi hoàn toàn dưới dạng điện tử; 40% văn bản được trao đổi qua Phần mềm Quản lý văn bản và Điều hành (QLVB&ĐH), thư điện tử công vụ; 100% văn bản, hồ sơ, tài liệu trình UBND tỉnh ngoài bộ hồ sơ giấy đều phải gửi kèm văn bản điện tử qua Phần mềm QLVB&ĐH hoặc hộp thư công vụ của cơ quan.
Bên cạnh đó, việc trao đổi văn bản điện tử giúp các cơ quan Nhà nước với doanh nghiệp thông qua việc cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử của các cơ quan Nhà nước đăng tải văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo tổng hợp, thống kê về ngành, lĩnh vực quản lý, dự thảo văn bản cần xin ý kiến thuộc thẩm quyền quản lý Nhà nước và các thông tin khác theo quy định nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức doanh nghiệp, cá nhân cập nhật, trao đổi thông tin thông qua Trang thông tin điện tử. 100% cơ quan Nhà nước, cán bộ, công chức sử dụng hệ thống thư điện tử công vụ để trao đổi hoặc gửi nhận văn bản giữa các cơ quan Nhà nước và giao dịch với tổ chức, doanh nghiệp. Về đầu trang

http://www.quangbinh.gov.vn/3cms/?cmd=130&art=1418701947800&cat=1123266987223

II. Kinh tế

1. Quảng Bình: Tập huấn hướng dẫn chuyển đổi Hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã 2012


(Thời Báo Kinh Doanh 16/12, tr2, tác giả PV)
Từ ngày 8/12 đến nay, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Quảng Bình đã tổ chức 4 lớp tập huấn hướng dẫn chuyển đổi Hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã namw2012 và tổng kết tình hình kinh tế tập thể tỉnh.
Tại các lớp tập huấn, các học viên được phổ biến nội dung Luật Hợp tác xã namw2012, làm rõ sự khác biệt giữa Luật Hợp tác xã năm 2012 so vơi Luật Hợp tác xã năm 2003 và hướng dẫn công tác chuyển đổi Hợp tác xã sang hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012.
Lớp tập huấn đã trang bị những kiến thức cơ bản về cách chuyển đổi Hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012 nhằm củng cố cơ cấu tổ chức, cơ chế hoạt động của các Hợp tác xã theo quy định của pháp luật.
Các học viên cũng đã tiến hành thảo luận đưa ra những khó khăn, vướng mắc đối với các quy định mới và trình tự thực hiện các bước chuyển đổi Hợp tác xã hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012.
Tại Hội nghị này, Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã tổng kết tình hình kinh tế tập thể của tỉnh và từng huyện, thành phố, thị xã; tình hình hoạt động của Liên minh Hợp tác xã tỉnh năm 2014 và triển khai nhiệm vụ. Về đầu trang

III. Văn hóa – Xã hội

1. Chủ động các biện pháp phòng, chống bệnh cho gia súc, gia cầm


(Baoquangbinh.vn 16/12, tác giả AT)
Trước diễn biến dịch bệnh xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm ở một số tỉnh, thành trong nước, UBND tỉnh đã có Công văn số 1551/UBND-KTN ngày 3-12 về việc phòng, chống bệnh cho gia súc, gia cầm.
Theo đó, để chủ động phòng, chống dịch bệnh, hạn chế tới mức thấp nhất các ổ dịch phát sinh và lây lan, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức đoàn kiểm tra, đôn đốc và triển khai biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm có hiệu quả, đồng thời thực hiện công tác kiểm dịch tại gốc, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật lưu thông trên địa bàn tỉnh.
Mặt khác, thường xuyên giám sát lâm sàng, lấy mẫu giám sát chủ động trên đàn gia súc, gia cầm để phát hiện và xử lý kịp thời, bao vây, khống chế trong diện hẹp; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ số động vật, sản phẩm động vật nhập vào địa bàn tỉnh; tăng cường tuần tra, phát hiện và ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về giết mổ, vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật làm lây lan bệnh dịch.
UBND tỉnh cũng yêu cầu, các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí mua vắc xin, hóa chất, dụng cụ hỗ trợ và tiếp tục chỉ đạo thực hiện tiêm phòng để thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh triệt để cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết về nguy cơ phát sinh dịch bệnh, biện pháp phòng, chống, áp dụng hình thức nuôi cách ly, theo dõi lâm sàng, tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng nâng cao sức đề kháng cho đàn gia súc, gia cầm...
Các địa phương cần thực hiện tốt công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng trong chăn nuôi, tập trung vào những nơi có nguy cơ cao như khu vực chăn nuôi, chợ bán gia súc, gia cầm sống, điểm thu gom, cơ sở giết mổ tập trung, cơ sở ấp nở... Về đầu trang

http://www.baoquangbinh.vn/xa-hoi-doi-song/201412/chu-dong-cac-bien-phap-phong-chong-benh-cho-gia-suc-gia-cam-2121117/

2. Quảng Bình: Thành lập Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh


(Đại Đoàn Kết 16/12, tr6, tác giả Xuân Thi; Dangcongsan.vn 15/12, tác giả An Luých; TTXVN 15/12)
Ngày 15/12, tại thành phố Đồng Hới, Đại hội đại biểu Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tỉnh Quảng Bình lần thứ nhất (nhiệm kỳ 2014-2019) được tổ chức.Tại Đại hội, cử ra qua hiệp thương dân chủ 31 vị.
Ban Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh có số lượng 5 vị (gồm có 1 Chủ tịch, 2 Phó Chủ tịch và 2 Ủy viên Thường trực), trong đó Linh mục Nguyễn Đình Yên - Giáo xứ Minh Cầm được cử làm Chủ tịch.
Việc thành lập Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Quảng Bình là yêu cầu cần thiết, góp phần quan trọng trong việc tập hợp, đoàn kết rộng rãi người công giáo yêu nước trên địa bàn tỉnh, động viên đồng bào thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Về đầu trang

3. Phê duyệt Quy hoạch hạ tầng viễn thông tỉnh Quảng Bình đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030


(Quangbinh.gov.vn 16/12, tác giả Hồng Mến)
Ngày 15/12/2014, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3628/QĐ-UBND về phê duyệt Quy hoạch hạ tầng viễn thông tỉnh Quảng Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Mục tiêu của Quy hoạch nhằm phát triển hạ tầng viễn thông, hạ tầng viễn thông thụ động đồng bộ từ thành thị đến nông thôn, phù hợp với phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; đảm bảo phục vụ tốt an ninh - quốc phòng, trật tự - an toàn xã hội, công tác tìm kiếm, cứu nạn trên biển và các tình huống bão, lũ; ứng dụng công nghệ mới, hiện đại, xây dựng hạ tầng viễn thông đáp ứng nhu cầu phát triển hiện tại và trong tương lai. Quy hoạch cũng nâng cao hiệu quả đầu tư và sử dụng hạ tầng, đảm bảo mỹ quan đô thị, đồng thời tạo lập thị trường cạnh tranh, bình đẳng và xã hội hóa trong xây dựng, phát triển hạ tầng viễn thông thụ động.
Theo Quy hoạch, đến năm 2020, thuê bao dịch vụ thông tin di động đạt 120 thuê bao/100 dân; thuê bao Internet băng rộng cố định 8,5 thuê bao/100 dân; thuê bao truyền hình cáp 10 thuê bao/100 dân. Ngoài ra, tỷ lệ hộ gia đình có điện thoại cố định đạt 16%; hộ gia đình có truy cập Internet 30%, truyền hình cáp 40%; ngầm hóa 100% hạ tầng mạng cáp ngoại vi viễn thông tại khu vực các tuyến đường, phố, khu đô thị, công nghiệp xây dựng mới. Bên cạnh đó, tỷ lệ sử dụng chung hạ tầng cột treo cáp nâng lên 50 - 60%; hạ tầng truyền dẫn phát sóng truyền hình số trên địa bàn tỉnh được xây dựng hoàn thiện và 100% khu vực dân cư phủ sóng thông tin di động.
Giai đoạn 2030, toàn tỉnh sẽ phát triển mạng vô tuyến băng rộng tốc độ cao, các điểm giao dịch tự động, tra cứu thông tin du lịch, truy nhập Internet không dây công cộng phục vụ du lịch; ứng dụng các giải pháp kiến trúc mạng truy nhập vô tuyến mới, nâng cao chất lượng dịch vụ, thân thiện với môi trường; khuyến khích các doanh nghiệp chủ động đầu tư xây dựng và thỏa thuận sử dụng chung cơ sở hạ tầng. Dự kiến, tỷ lệ sử dụng chung hạ tầng hệ thống cột ăng ten thu phát sóng thông tin di động năm 2030 đạt khoảng 50 - 60%.Về đầu trang

http://www.quangbinh.gov.vn/3cms/?cmd=130&art=1418701947799&cat=1123266987223

4. Bộ đội Biên phòng Quảng Bình thăm hỏi và tặng quà các gia đình chính sách


(Bienphong.com.vn 15/12, tác giả Minh Lợi – Trung Chính)


Đại tá Vũ Mạnh Lượng - Chính ủy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình trao quà cho gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh
Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/2014), Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đã tổ chức thăm hỏi các gia đình chính sách, các quân nhân và thân nhân cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng Bộ đội Biên phòng bị bệnh hiểm nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.
Tại những nơi đến thăm, lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đã bày tỏ tấm lòng biết ơn sâu sắc của lực lượng Bộ đội Biên phòng đối với những người đã đóng góp công sức của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Được biết trong dịp này, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đã tổ chức khánh thành và bàn giao 8 ngôi nhà Đồng đội, nhà Tình nghĩa và “Mái ấm chiến sĩ nơi biên giới với trị giá trên 1 tỷ đồng, thăm hỏi, tặng quà động viên các đối tượng gia đình chính sách, thương binh, quân nhân và thân nhân cán bộ chiến sĩ trong lực lượng bị bệnh hiểm nghèo với số tiền trên 130 triệu đồng.
Tại khối 3B, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã trao tặng nhà Đồng đội cho đồng chí Trần Kim Giá, nguyên Chỉ huy trưởng kiêm Chính ủy Công an nhân dân vũ trang Quảng Bình (nay là Bộ đội Biên phòng Quảng Bình).
Trong những ngày đầu thành lập lực lượng, đồng chí Trần Kim Giá là người đầu tiên được lực lượng Công an nhân dân vũ trang giao trọng trách nặng nề với cương vị là Chỉ huy trưởng kiêm Chính ủy Công an nhân dân vũ trang tỉnh Quảng Bình giai đoạn từ năm 1959 đến 1976. Không quản ngại khó khăn, gian khổ trong bối cảnh chiến tranh khốc liệt của đất nước chống giặc ngoại xâm, đồng chí Trần Kim Giá cùng đồng chí, đồng đội đã anh dũng chiến đấu chống gián điệp biệt kích, bảo vệ giới tuyến và các mục tiêu quan trọng của Đảng và Nhà nước.
Một cuộc đời và trải qua hai cuộc chiến, đồng chí Trần Kim Giá là thương binh hạng 3/4. Gia đình đồng chí là gia đình giàu truyền thống cách mạng có mẹ được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” vì có 3 con là Liệt sĩ trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước.
Trở về cuộc sống đời thường, gia đình đồng chí Trần Kim Giá cũng đang gặp nhiều khó khăn. Bản thân đồng chí thường đau ốm do những vết thương chiến tranh để lại. Nhà ở còn tạm bợ và đã bị xuống cấp. Với tấm lòng biết ơn và trách nhiệm, tình cảm sâu sắc của đồng chí, đồng đội, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã đóng góp hỗ trợ số tiền 100 triệu đồng và Bộ Tư lệnh BĐBP hỗ trợ 60 triệu đồng để cùng gia đình xây dựng nhà Đồng đội giúp gia đình đồng chí Trần Kim Giá có nơi ở ổn định khi tuổi cao, sức yếu. Về đầu trang

http://bienphong.com.vn/baobienphong/news/bdbp-quang-binh-tham-hoi-va-tang-qua-cac-gia-dinh-chinh-sach/28782.bbp

5. Nhiều hoạt động chăm sóc sức khỏe dân nghèo Quảng Bình


(Vietnamnet.vn 16/12)


Các bác sỹ khám cho bà con
Ngày 16/11/2014, Cục An toàn thực phẩm phối hợp với Sở Y tế tỉnh Quảng Bình và nhiều nhà tài trợ đã tổ chức hoạt động khám, cấp phát thuốc miễn phí, tuyên truyền về an toàn thực phẩm cho hơn 200 đối tượng chính sách cả xã Quảng Đông (Quảng Trạch).
Đây là hoạt động thường niên của đoàn thanh niên Cục An toàn thực phẩm với mục đích hỗ trợ, giúp đỡ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tại các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, đồng thời nâng cao nhận thức của người dân về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Về đầu trang

http://vietnamnet.vn/vn/thi-truong-tieu-dung/212002/nhieu-hoat-dong-cham-soc-suc-khoe-dan-ngheo-quang-binh.html

6. Hội thảo “Công tác xã hội với phát triển bền vững”


(TTXVN 15/12, tác giả Hoàng Thị Hoa; Dangcongsan.vn 15/12, tác giả Khánh Lan)
Ngày 15/12, tại Hà Nội, tổ chức Plan International tại Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Dạy nghề và nghề Công tác xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo “Công tác xã hội với phát triển bền vững”.
Tham dự có: Bà Nguyễn Thị Hằng - nguyên Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Chủ tịch Hiệp hội Dạy nghề và nghề Công tác xã hội Việt Nam; ông Lưu Quang Đại - quyền Giám đốc Chương trình của tổ chức Plan International tại Việt Nam; Tiến sĩ Nguyễn Hải Hữu - nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Chủ tịch Hội các trường đào tạo Công tác xã hội; cùng đại diện lãnh đạo các Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành Hà Nội, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hà Giang, Bắc Giang, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi và Kon Tum; đại diện lãnh đạo Làng Trẻ em SOS Việt Nam, các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu, các giảng viên đến từ một số học viện, các trường Đại học trên địa bàn Hà Nội và các chuyên gia đến từ trường Đại học San Jose (Hoa Kỳ).
Phát triển khai mạc, bà Nguyễn Thị Hằng nhiệt liệt chào mừng các chuyên gia trong nước và quốc tế đã tham dự Hội thảo “Công tác xã hội với phát triển bền vững” - sự kiện này nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm ngày Công tác xã hội thế giới lần thứ 17. Bà Nguyễn Thị Hằng nhấn mạnh, trong nhiều năm qua, công tác xã hội đã được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Nhiều văn bản phát luật trong lĩnh vực an sinh xã hội đã được ban hành như: Bộ Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Giáo dục - Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, Luật Người khuyết tật, Luật Phòng chống HIV/AIDS… Đặc biệt Hiến pháp sửa đổi năm 2013 của Việt Nam đã quy định “Công dân có quyền được đảm bảo an sinh xã hội” (điều 34).
Bà Nguyễn Thị Hằng cho biết, hiện nay đối tượng có nhu cầu trợ giúp xã hội khá lớn. Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, cả nước có hơn 9 triệu người cao tuổi; 6,7 triệu người khuyết tật; 2,7 triệu đối tượng bảo trợ xã hội thuộc diện hưởng trợ cấp hàng tháng từ ngân sách Nhà nước; 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; khoảng 9,6% hộ nghèo và hàng nghìn đối tượng nhiễm HIV, ma túy, mại dâm… đang đặt ra nhiều thách thức cho công tác xã hội của Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Hằng tin tưởng rằng, với sự hỗ trợ của Plan International tại Việt Nam – một tổ chức quốc tế có uy tín hoạt động vì sự phát triển của trẻ em và người nghèo, hội thảo sẽ là dịp để các đại biểu trong nước và quốc tế chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về vai trò của công tác xã hội đối với phát triển bền vững; về nguồn nhân lực, công tác đào tạo và các điều kiện để công tác xã hội thực sự trở thành một “ trụ đỡ” đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Tại hội thảo, ông Lưu Quang Đại - quyền Giám đốc Chương trình của tổ chức Plan International tại Việt Nam phát biểu cho rằng, công tác xã hội được hiểu là một nghề và cũng được biết đến là một môn khoa học, học thuật. Tất cả nhằm cải thiện chất lượng của cuộc sống và hạnh phúc của các cá nhân, gia đình và của cả cộng đồng. Công tác xã hội bao gồm lĩnh vực nghiên cứu, lĩnh vực phát triển chính sách, tổ chức phát triển cộng đồng và các can thiệp trực tiếp nhắm tới những người bị ảnh hưởng từ nghèo đói, bệnh tật và chịu các thiệt thòi khác. Để có được ngành công tác xã hội có hiệu quả chúng ta cần những nguồn nhân lực có khả năng và chuyên môn.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung chia sẻ hiểu biết, kinh nghiệm và các bài học về công tác xã hội hiện hay. Trong hai ngày diễn ra hội thảo, các đại biểu trong nước và quốc tế sẽ tập trung trao đổi tại ba phiên chính về các chuyên đề như: Những vấn đề chung về công tác xã hội; nguồn nhân lực và công tác đào tào; thực hành công tác xã hội. Về đầu trang

7. 4 đứa trẻ lao đao vì cha ốm yếu, mẹ nguy kịch trước bệnh tim hiểm nghèo


(Dân Trí 16/12, tác giả Tài Phúc – Đại Dương)


Anh Minh nước mắt tuôn rơi khi kể về hoàn cảnh đầy bĩ cực của gia đình mình
Trong căn nhà lụp xụp, cả gia đình nghèo cứ bấu víu vào nhau trong túng quẫn trăm bề. Rồi một ngày, tai họa ập đến khi vợ bị bệnh tim, con trai út mắc chứng thoát vị bẹn khiến người chồng tàn tật dường như bất lực trước số phận hết sức bĩ cực.

Giữa cái lạnh se sắt của một buổi sáng đầu đông, chúng tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Văn Minh (SN 1972) có vợ là chị Hoàng Thị Lợi (SN 1975, trú tại thôn Cao Cựu, xã Quảng Hòa, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình). Tiếp chúng tôi trong căn nhà tạm bợ lụp xụp, anh Minh nấc nghẹn kể về hoàn cảnh đầy bĩ cực của gia đình mình.


Bản thân anh là một người tàn tật gù lưng cộng thêm chứng đau gan, mất khả năng lao động từ nhỏ. Lớn lên, anh quen biết với cô gái cùng làng, sau đó cả hai người tiến đến hôn nhân. Trong quá trình chung sống, vợ chồng sinh hạ được 4 người con. Tưởng chừng như mối tình "đôi đũa lệch" đơm hoa kết trái trong hoàn cảnh khốn khó sẽ mang lại động lực thoát nghèo cho gia đình. Thế nhưng, trong cuộc sống ít ai có thể lường trước được.
Tai ương ập đến gia đình nghèo vào một ngày đầu năm 2014, khi chị Lợi là lao động chính trong nhà hằng ngày phải đi làm thuê, làm mướn kiếm tiền nuôi chồng con, đang khỏe mạnh bỗng thấy trong người khó thở, bị ngất lên ngất xuống nhiều lần.
Lo lắng cho sức khỏe của vợ, anh Minh chạy đôn chạy đáo vay mượn hàng xóm được gần 1 triệu đồng đưa vợ đi khám để rồi sau đó anh Minh như chết lặng khi nghe các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế chẩn đoán vợ mình bị hẹp van hai lá, cần phải ở lại viện để phẫu thuật nếu muốn giữ lấy sự sống.
Nhưng lúc đó, trong tay không có lấy một đồng nên anh chị đành phải tất tưởi trở về quê trong bất lực. “Thú thực với các chú, cái ăn qua ngày còn lo chưa đủ thì lấy đâu ra số tiền 60 triệu đồng để chữa bệnh cho vợ? Thương vợ lắm, nhưng tui cũng đành nuốt nước mắt vào trong mà đưa vợ về nhà và chỉ biết cầu nguyện một phép màu nào đó sẽ đến để cứu lấy tính mạng sống cho vợ”, anh Minh nước mắt chảy dài.
Khi vợ chưa lâm trọng bệnh, do không đủ sức làm việc nặng nên anh Minh mở một tiệm cắt tóc nhỏ ở bên con đường vắng cuối thôn nhằm kiếm thêm thu nhập. Theo anh thì ngày nào may mắn lắm cũng chỉ kiếm được dăm ba chục ngàn, đủ để đi bữa chợ mua con mắm, mớ rau, nhưng kể từ khi vợ đau, anh đành gác lại công việc để chăm sóc vợ.
Cả gia đình có tới 6 miệng ăn, nhưng được mỗi 2 sào ruộng nên quanh năm không đủ ăn. Đứa con gái đầu của gia đình là em Nguyễn Thị Phúc, lẽ ra năm nay học lớp 11, nhưng vì gia đình quá nghèo không có tiền nộp học phí nên đành phải nghỉ học giữa chừng, 3 đứa em sau, là cháu Nguyễn Thị Phúc Lập năm nay đang học lớp 7, em gái kế Nguyễn Thị Phước đang học lớp 3 và đứa con trai út là cháu Nguyễn Sỹ Thành mới 11 tháng tuổi.
Như “ngồi trên đống lửa” vì bệnh tình của vợ, thì anh Minh lại nhận thêm một bi kịch cay đắng của số phận, khi đứa con trai mới 11 tháng tuổi nổi lên một cục hạch ở bộ phận sinh dục và mỗi ngày một lớn ra, khi anh đưa vào viện thì được các bác sĩ chẩn đoán cháu Thành mắc chứng thoát vị bẹn bẩm sinh, cần phải nhập viện để phẫu thuật nếu không muốn ảnh hưởng đến sức khỏe sau này.
Gánh nặng lại thêm một lần nữa đè lên đôi vai của người đàn ông tận cùng của sự khổ đau. Trong cơn bĩ cực, anh Minh cố gạt nước mắt, cố làm tất cả mọi thứ để cứu lấy mạng sống của người vợ, tương lai của đứa con, nhưng dường như mọi cố gắng của anh cũng đều “lực bất tòng tâm”. Hiểu được hoàn cảnh đáng thương của gia đình, một chị hàng xóm tốt bụng đã cho vay 3 triệu đồng để anh đưa vợ và con nhập viện.
Kể đến đây với chúng tôi, anh Minh xin tạm dừng câu chuyện vì anh còn phải đi vay thêm tiền để kịp bắt chuyến xe chiều trở vào Huế đưa cháu Thành nhập viện vì cục hạch quá lớn khiến cháu khóc gào suốt ngày đêm và chăm vợ hiện đang một mình nằm trong viện.
Theo các bác sĩ Khoa Ngoại lồng ngực Tim mạch, Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện Trung ương Huế), nơi chị Lợi đang điều trị cho biết, hiện tim chị Lợi bị hẹp khít van 2 lá nặng, phải sớm phẫu thuật thay van, kinh phí mổ khoảng 60 triệu đồng. Những ngày vừa qua, do chưa có kinh phí mổ nên bệnh viện đã cho chị Lợi ở lại tá túc một chỗ trong khoa để được chăm sóc tốt hơn chứ ở ngoài sợ bệnh tình nguy hiểm.
Bản thân cháu Thành hiện đang nằm phẫu thuật nội soi thoát vị bẹn tại bệnh viện này. Theo lời anh Minh, riêng việc phẫu thuật và chi phí điều trị cho cháu Thành cũng lên tới vài chục triệu đồng mới hết bệnh.
Ngồi bần thần bên giường bệnh, anh Minh cứ cúi đầu, bứt tai nghĩ kiếm đâu ra số tiền lên đến cả trăm triệu đồng để cứu lấy sự sống cho vợ và con trai. Trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, người đàn ông với dáng vẻ khắc khổ, nét mặt hốc hác xanh xao luôn rơi nước mắt và nghĩ về một tương lai xa xăm, đó là anh đang mơ về một phép màu sẽ đến với gia đình mình để vợ con anh sớm qua khỏi cơn lâm nguy này…Về đầu trang

http://dantri.com.vn/tam-long-nhan-ai/4-dua-tre-lao-dao-vi-cha-om-yeu-me-nguy-kich-truoc-benh-tim-hiem-ngheo-1008393.htm

8. Quảng Bình: Gần 29 triệu đồng đến với gia đình nghèo có đứa con thoi thóp vì bệnh huyết tán bẩm sinh


(Dân Trí 15/12, tác giả Đặng Tài)


Ông Thanh mừng vui cho biết sức khỏe em Lâm đã khá hơn rất nhiều
Sau khi bài viết: “Nỗi đau của người cha nhìn những đứa con lần lượt…chết” đăng trên mục Tấm lòng nhân ái của Báo Dân trí đã có nhiều bạn đọc từ khắp mọi miền đã gọi điện chia sẻ sự khó khăn và gửi tiền về giúp đỡ để gia đình em Lâm có thêm điều kiện chữa trị bệnh tật.
Trong chuyến công tác lên miền núi, phóng viên Dân Trí đã trở lại thăm gia đình ông Đinh Xuân Thanh (57 tuổi) và bà Đinh Thị Vũ (57 tuổi), ở thôn Yên Nhất (xã Yên Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) có em Đinh Sơn Lâm năm nay đã 23 tuổi đời nhưng chỉ nặng hơn 23 kg vì mang trên mình căn bệnh thiếu máu huyết tán bẩm sinh.
Trong căn nhà gỗ đơn sơ, ông Thanh phấn khởi khoe rằng, sức khỏe Lâm nay đã tốt hơn trước rất nhiều do em vừa được các bác sĩ tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới chuyền nhiều đơn vị máu. Nay em đã ăn uống tốt dần lên và có thể đi lại trong nhà bình thường, không như nằm một chỗ thoi thóp vì kiệt sức như quãng thời gian trước.
Theo như lời gia đình, trong khoảng 2 tuần tới đây, Lâm sẽ lại xuống bệnh viện để tiếp tục thay máu, cứ mỗi lần điều trị cho Lâm, gia đình ông Thanh lại phải chạy vay khắp nơi, hình ảnh ấy đã quá đỗi quen thuộc với nhiều người dân khi nhìn người cha dáng người gầy gò hốc hác vì lo lắng cho bệnh tình của con trai.
Qua đây, ông Thanh cũng vui mừng báo tin, từ khi bài viết về hoàn cảnh gia đình đăng trên Báo Dân trí, nhiều bạn đọc, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước đã gọi điện thăm hỏi, động viên và gửi số tiền gần 20 triệu đồng để giúp em có điều kiện tốt hơn đễ chữa bệnh. “Gia đình chúng tôi rất vui mừng và cảm động trước tấm lòng hảo tâm của quý bạn đọc và các nhà hảo tâm. Thay mặt gia đình, tôi muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Báo Dân trí và nhiều bạn đọc, các nhà hảo tâm đã giúp đỡ trong thời gian qua”, ông Thanh xúc động.
Trước sự chứng kiến của đại diện lãnh đạo huyện Minh Hóa, xã Yên Hóa, phóng viên Dân trí đã trao tận tay số tiền 28.675.000 đồng của bạn đọc gửi giúp gia đình em Lâm, thông qua Qũy Nhân ái của Báo Dân trí.
Đón nhận số tiền bạn đọc giúp đỡ, gia đình ông Thanh xúc động không nói nên lời. Qua đây, ông Thanh gửi lời cảm ơn chân thành tới quý báo và đông đảo các nhà hảo tâm đã quan tâm giúp đỡ, san sẻ tình thương để gia đình ông có thêm điều kiện chữa trị bệnh cho con.
Về phía chính quyền địa phương, ông Nguyễn Lương Bình, Bí thư Huyện ủy huyện Minh Hóa cùng đại diện lãnh đạo Phòng Lao động thương binh xã hội, lãnh đạo xã Yên Hóa cũng đã gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Báo Dân trí và bạn đọc gần xa đã đồng cảm và giúp đỡ gia đình ông Thanh trong cơn bĩ cực này.
“Biết về hoàn cảnh gia đình ông Thanh rất khó khăn nhưng địa phương cũng chỉ giúp đỡ được phần nào. Tôi rất cảm kích bởi Báo Dân trí đã trở thành nhịp cầu nối để bạn đọc biết và chia sẻ, giúp đỡ gia đình ông Thanh trong lúc khó khăn. Mong rằng gia đình ông sẽ sử dụng số tiền đó đúng mục đích để không phụ tấm lòng của các nhà hảo tâm trong và ngoài nước”, ông Bình chia sẻ. Về đầu trang

http://dantri.com.vn/tam-long-nhan-ai/gan-29-trieu-dong-den-voi-gia-dinh-ngheo-co-dua-con-thoi-thop-vi-benh-huyet-tan-bam-sinh-1008132.htm

9. Đại hội của những kỷ lục


(Tin Tức 16/12, tr11, tác giả Lê Sơn)
Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc 2014 đã đi đến ngày thi đấu cuối cùng. Đây là kỳ Đại hội có nhiều chỉ số chuyên môn đáng mừng, với gần 60 kỷ lục được phá.
Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc 2014 được đánh giá là đại hội thành công, với gần 60 kỷ lục được phá tại các môn: Bắn súng, điền kinh, lặn, bắn cung và cử tạ. Trong số đó, bắn súng, điền kinh và lặn là 3 môn đã tạo được những dấu ấn lớn về chuyên môn.
Nổi bật là kỷ lục mới của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh lập tại nội dung cá nhân 10m súng ngắn hơi nam, khi thành tích của xạ thủ này còn vượt kỷ lục thế giới. Cụ thể, với 207 điểm, tuyển thủ quốc gia đang khoác áo đoàn Quân đội đã phá kỷ lục quốc gia bài bắn chung kết. Kỷ lục cũ là 202,8 điểm cũng của Xuân Vinh và là kỷ lục thế giới đã từng giúp xạ thủ Quân đội này giành Huy chương Vàng tại Cúp bắn súng thế giới 2014 diễn ra tháng 3/2014 tại Fort Benning (Mỹ).
Tại môn điền kinh, 2 kỷ lục quốc gia mới ấn tượng với giới chuyên môn ở nội dung 400m rào nữ của Nguyễn Thị Huyền và ở nội dung 800m nam Dương Văn Thái (cùng của đoàn chủ nhà Nam Định). Trước khi môn điền kinh tranh tài, ai cũng nghĩ Quách Thị Lan sẽ tiếp tục thống trị ở cự ly 400m rào và cự ly 400m, bởi vận động viên này vừa lên ngôi á quân Asian Games 17 tại Hàn Quốc.
Nguyễn Thị Huyền đã gây bất ngờ lớn khi vượt qua Quách Thị Lan để giành Huy chương Vàng với thành tích 56 giây 49. Thành tích này cũng đã phá kỷ lục quốc gia do Quách Thị Lan lập tại giải điền kinh vô địch quốc gia (57 giây 36). Trong khi đó, thành tích 1 phút 49 giây 23 của vận động viên Dương Văn Thái đã phá kỷ lục quốc gia 800m nam do Lê Văn Dương lập cách đây 10 năm ở Olympic Athens 2004 (1 phút 49 giây 53).
Môn thi đấu có nhiều kỷ lục được thiết lập nhất tại Đại hội lần này là lặn. Dù đây là môn thể thao không nằm trong hệ thống thi đấu Olympic, nhưng đã chứng kiến bước tiến lớn về trình độ khi có tới 26 kỷ lục, trong đó 17 kỷ lục quốc gia và 9 kỷ lục Đại hội mới được thiết lập. Nhiều kỷ lục mới được xác lập từ những vận động viên trẻ. Đây là tín hiệu đáng mừng cho môn lặn nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung. Đáng chú ý đó là vận động viên 19 tuổi Nguyễn Thành Lộc (TP.HCM), đã thiết lập tới 4 kỷ lục đại hội và 3 kỷ lục quốc gia; Võ Thị Kiều (Quảng Bình) lập 2 kỷ lục quốc gia; Võ Thị Đài Trang (Thanh Hóa) 2 kỷ lục quốc gia…
Môn cử tạ cũng chứng kiến những kỷ lục mới được thiết lập, trong đó có những kỷ lục đã bị phá rất sâu. Người đã làm được thành tích đó chính là vận động viên Thạch Kim Tuấn (TPHCM) ở hạng cân 56kg. Lực sỹ này đã xuất sắc giành 3 Huy chương Vàng và phá sâu kỷ lục Quốc gia ở nội dung cử giật với thành tích 128kg (kỷ lục quốc gia cũ là 120kg). Với thành tích 283kg tổng cử, Thạch Kim Tuấn đã phá kỷ lục do chính anh thiết lập tại Đại hội Thể dục thể thao lần thứ VI là 262kg. Trong khi đó, ở hạng cân 62kg, Huy chương Vàng tổng cử Nguyễn Ngọc Trung (Hà Nội) với tổng cử là 287kg và Huy chương Vàng cử giật với thành tích 134kg (phá kỷ lục Đại hội và phá kỷ lục quốc gia).
Bắn cung cũng có tới 12 kỷ lục quốc gia mới được thiết lập. Thành tích này là tín hiệu vui cho bắn cung Việt Nam, khi trong số những kỷ lục này có những kỷ lục được thiết lập cách đây 13 năm trước. Bên cạnh đó, nhiều gương mặt vận động viên nổi trội khi liên tiếp lập kỷ lục quốc gia mới như: Lê Ngọc Huyền (Vĩnh Long) lập 4 kỷ lục quốc gia, Lê Thị Thu Hiền (Hà Nội) lập 2 kỷ lục quốc gia, Nguyễn Tiến Cương (Hà Nội) 2 kỷ lục quốc gia…
Ở đường đua xanh, kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên đã cho thấy cô không có đối thủ ở đấu trường quốc nội khi giành tới 12 Huy chương Vàng cùng 12 kỷ lục quốc gia (2 tiếp sức). Trong khi đó, kình ngư trẻ Trần Duy Khôi cũng giành tới 4 Huy chương Vàng (1 tiếp sức) cùng 4 kỷ lục quốc gia.
Tới lúc này, ngôi vô địch toàn đoàn đã chắc chắn thuộc về đoàn Hà Nội, với trên 100 Huy chương Vàng, bỏ xa đoàn thứ nhì là TPHCM đến hơn 40 Huy chương Vàng. Đây cũng là chức vô địch toàn đoàn thứ tư liên tiếp của thể thao Thủ đô sau 3 kỳ đại hội đầu tiên ngôi vị số 1 đều thuộc về đoàn thể thao TPHCM.
Việc Hà Nội đăng quang ngôi vô địch đã nằm trong dự báo, bởi lực lượng hùng hậu với trên 1.000 thành viên tham gia thi đấu ở gần hết tất cả các môn trong chương trình Đại hội, thể thao Thủ đô còn chiếm ưu thế trong rất nhiều những môn thế mạnh của riêng mình. Hơn nữa, theo điều lệ của Đại hội lần này, số huy chương quốc tế giành được tại SEA Games 2013 và ASIAD 2014 còn được quy đổi ra huy chương đại hội, đã tạo thêm lợi thế lớn cho Hà Nội. Về đầu trang

V. An ninh – Quốc phòng

1. Thêm 1 tử tù được hủy án để điều tra lại


(Đời Sống & Pháp Luật Online 15/12, tác giả Xuân Hương; Kienthuc.net.vn 16/12)


Tử tù Nam
Sau hơn 2 năm kêu oan, tử tù Đàm Phạm Hoài Nam (trú tại thành phố Đồng Hới, Quảng Bình) đã được chuyển từ phòng biệt giam sang phòng giam bình thường của các bị can.
Đồng thời, VKSND Tối cao đã quyết định hủy toàn bộ bản án để điều tra lại Vụ án Đàm Phạm Hoài Nam can tội Giết người mà TAND tỉnh Quảng Bình đã tuyên phạt Nam mức án cao nhất là tử hình vào ngày 5/9/2012.
Vào khoảng 23h30, ngày 5/10/2011, tại quán Bar Hoàng Đế ở tiểu khu 1, phường Đồng Phú, thành phố Đồng Hới, cho rằng trong lúc đi vệ sinh, anh Nguyễn Hoài Nam đã để nước tiểu bắn vào người mình, Trần Ngọc Huy đã cầm ly thủy tinh đánh vào đầu của anh Nam. Khi bảo vệ đến can ngăn, Huy tiếp tục ném ly sang bàn anh Nam đang ngồi cùng bạn làm anh bị thương.
Bực tức trước hành vi của Huy, anh Lý Đức Toàn, người đi cùng anh Nam to tiếng đòi đánh lại nhóm Huy. Sau đó, giữa anh Toàn và Đàm Phạm Hoài Nam, Trần Ngọc Huy xảy ra xô xát. Trong lúc đến can ngăn, Lê Xuân Tiến bị anh Toàn đánh vào mặt.
Cay cú, Nam và Huy đuổi theo anh Toàn để đánh. Khi đuổi kịp, Nam liền rút dao đâm 1 nhát vào ngực trái và đâm tiếp 3 nhát vào người gây thủng tim và phổi. Anh Toàn gục tại chỗ. Sau khi gây án, cả 3 đối tượng Đàm Phạm Hoài Nam, Tiến và Huy đến lẩn trốn tại nhà nghỉ Thảo Trang, ở phường Nam Lý rồi sau đó chuyển về nhà nghỉ Hạ Đông ở phường Hải Đình (Đồng Hới).
Đến sáng hôm sau, nghe tin anh Toàn chết, Nam và Huy đã đến Công an đầu thú.
Ngày 9/5/2012, phiên tòa xét xử sơ thẩm của TAND tỉnh Quảng Bình đã tuyên Đàm Phạm Hoài Nam lãnh án tử hình vì tội Giết người. Do Nam khai nhận mình là người đã đuổi theo dùng dao Thái Lan đâm chết anh Toàn.
Tuy nhiên, sau khi phiên tòa kết thúc, Đàm Phạm Hoài Nam mới kêu oan, cho rằng: Bị cáo không ngờ mức án lại quá nặng như vậy và Nam đã khai nhận rằng mình đã nhận tội thay bạn.
Ngày 18/5/2012, Đàm Phạm Hoài Nam đã làm đơn kháng cáo kêu oan và khai rằng chính Lê Xuân Tiến mới là người cầm dao đâm anh Toàn, còn Nam chỉ đứng ra nhận tội thay. Nam khai rằng, sau khi gây án, Nam cùng Tiến và Huy vào nhà nghỉ để lẩn trốn. Tại đây, cả ba cùng bàn bạc và thống nhất lời khai trước khi ra đầu thú. Do Nam có hoàn cảnh gia đình nghèo nhất nên Nam sẽ là người nhận hết tội, đổi lại Tiến và Huy ở ngoài sẽ phải chạy án cho Nam để Nam chỉ phải chịu mức án 7 - 10 năm tù, đồng thời sẽ lo cho cuộc sống của mẹ và anh trai Nam đầy đủ. Nhưng mọi việc không đúng như thỏa thuận, Tiến và Huy không những không chạy án cho Nam mà Nam phải chịu mức án cao nhất là tử hình .
Tuy nhiên, khi đối diện với bản án tử hình, Nam đã quyết định khai lại toàn bộ sự thật để minh oan cho mình.
Hiện, cơ quan chức năng đang điều tra, làm rõ vụ án. Về đầu trang

http://www.doisongphapluat.com/dia-phuong/tin-phap-luat/quang-binh-them-mot-tu-tu-duoc-huy-ban-an-de-dieu-tra-lai-a74302.html

2. Tình trạng xe siêu trọng nhập cảnh vào Việt Nam


(ANTV.gov.vn 15/12, tác giả BT; Chương trình An ninh ngày mới lúc 7h, Truyền hình ANTV ngày 15/12)
Cửa khẩu quốc tế Chalo, tỉnh Quảng Bình mỗi ngày có một lượng lớn xe tải thông quan, lưu hành vào nội địa, chính vì vậy tuyến đường Quốc lộ 12A nối dài từ cửa khẩu đến quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh luôn là điểm nóng về trật tự, an toàn giao thông.
Mặc dù trên tuyến có sự kiểm soát của lực lượng Cảnh sát giao thông, thế nhưng tình trạng các phương tiện vận tải vi phạm luật, chở quá khổ, quá tải vẫn diễn ra phổ biến, nhất là các phương tiện nhập cảnh đến từ bên kia biên giới.
Quan sát của phóng viên, hàng dài xe vận chuyển gỗ đang nằm chờ trên Quốc lộ 12A tỉnh Quảng Bình để tránh trạm kiểm soát của lực lượng Cảnh sát giao thông. Chỉ nhìn bằng mắt cũng có thể nhận thấy các phương tiện vi phạm vận chuyển hàng quá khổ, quá tải nghiêm trọng như thế nào.
Để tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng, những phương tiện vi phạm như thế ít khi hoạt động vào ban ngày. Đó là một phần lý do vì sao mà con đường này thường tấp nập về đêm.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT, thời gian qua Cảnh sát giao thông Công an Tỉnh Quảng Bình đã đẩy mạnh kiểm soát và xử lý các phương tiện vận tải vi phạm về tải trọng và kích cỡ, nhất là trên những tuyến đường có mật độ lớn phương tiện vận tải tham gia giao thông như Quốc lộ 12A. Tuy nhiên do đa số tài xế cũng như phương tiện lưu thông trên tuyến Quốc lộ này đều đến từ nước ngoài nên công tác xử lý gặp không ít khó khăn.


Trung tá Võ Văn Chính, Đội trưởng đội Tuần tra kiểm soát giao thông số 2, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Quảng Bình cho biết: Nhiều tài xế nước ngoài không hề biết luật giao thông của Việt Nam, bên cạnh đó về tải trọng thì nước bạn cũng quy định khác nước mình nên tài xế thường nhầm lẫn. Ngoài ra không ít tài xế giả vờ không hiểu tiếng Việt để gây khó khăn trong xử lý.
Một minh chứng cụ thể được phóng viên chúng tôi ghi lại được, tài xế lái xe nhập cảnh từ Lào khi được Cảnh sát giao thông yêu cầu xuất trình các giấy tờ liên quan liền vờ như không biết tiếng Việt thế nhưng lại hiểu và trả lời được câu hỏi của phóng viên.
Ngoài những phương tiện nhập cảnh từ nước bạn, rất nhiều phương tiện thuộc các doanh nghiệp trong nước trở về sau khi hoạt động ở nước ngoài cũng vi phạm pháp luật về an toàn giao thông. Hầu hết các phương tiện này đều vận chuyển thạch cao và đá phục vụ cho việc xây dựng ở các công trường lớn tại Hà Tĩnh. Nếu không bị Cảnh sát giao thông xử lý, những phương tiện này sẽ còn lưu thông hàng trăm Km trên các tuyến đường trọng yếu rồi mới kết thúc lộ trình.
Từ đầu năm đến nay, qua tuần tra kiểm soát trên tuyến Quốc lộ 12, lực lượng chức năng các tuyến của tỉnh Quảng Bình đã xử phạt hàng trăm phương tiện vận tải nhập cảnh vi phạmpháp luật về an toàn giao thông. Tuy nhiên, thực tế đang đặt ra những yêu cầu và đòi hỏi cao hơn trong công tác quản lý và kiểm soát giao thông. Về đầu trang

http://antv.gov.vn/xahoi/tinh-trang-xe-sieu-trong-nhap-canh-vao-vn/119188.html

https://www.youtube.com/watch?v=_7v9NGG4QZc&list=PL_qYDK-jQXX_cEQ_MKis9nvgWX3cWSUzw&index=1

V. Điểm tin đã đưa

Sáng 15/12, tại thành phố Huế, Bộ Nội vụ tổ chức khai giảng lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và kỹ năng chuyên môn cho đội ngũ trí thức trẻ 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, với sự tham gia của 58 đội viên, Tuyencongchuc.vn 15/12Tiền Phong 16/12, tr2 cùng thông tin lại. Về đầu trang


Nhân Dân Điện Tử 15/12 Người Lao Động Online 15/12 cùng thông tin lại: Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM (Saigon Co.op) đã khởi công xây dựng siêu thị Co.opmart Quảng Bình tại thành phố Đồng Hới. Về đầu trang
Ông Phan Mạnh Hùng - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết, từ đầu năm đến nay, đã có 245 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động; trong đó 80 doanh nghiệp thu hồi do vi phạm pháp luật, 5 doanh nghiệp giải thể tự nguyện, 27 doanh nghiệp chuyển đổi loại hình hoạt động, Pháp Luật Việt Nam 16/12, tr13 đưa lại tin. Về đầu trang
Quân Đội Nhân Dân 16/12, tr8 phản ánh lại: Việc thi công nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A đã làm nhiều ngôi nhà ở gần đường thuộc hai xã Hải Trạch và Thanh Trạch (huyện Bố Trạch) bị rung lắc mạnh, gây nứt tường. Về đầu trang./.
SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG



Каталог: 3cms -> upload -> stttt -> File -> DiemBao -> 2014
DiemBao -> ĐIỂm báo thông tin về quảng bình qua báo chí trong ngàY
DiemBao -> ĐIỂm báo thông tin về quảng bình qua báo chí trong ngàY
DiemBao -> ĐIỂm báo thông tin về quảng bình qua báo chí trong ngàY
DiemBao -> ĐIỂm báo thông tin về quảng bình qua báo chí trong ngàY
DiemBao -> ĐIỂm báo thông tin về quảng bình qua báo chí trong ngàY
DiemBao -> ĐIỂm báo thông tin về quảng bình qua báo chí trong ngàY
DiemBao -> ĐIỂm báo thông tin về quảng bình qua báo chí trong ngàY
DiemBao -> ĐIỂm báo thông tin về quảng bình qua báo chí trong ngàY
DiemBao -> ĐIỂm báo thông tin về quảng bình qua báo chí trong ngàY
2014 -> ĐIỂm báo thông tin về quảng bình qua báo chí trong ngàY

tải về 140.23 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương