THÔng tin kh&cn phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn mục lụC



tải về 1.51 Mb.
trang1/10
Chuyển đổi dữ liệu10.05.2018
Kích1.51 Mb.
#38090
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   10

THÔNG TIN KH&CN PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP NÔNG THÔN

MỤC LỤC




Trang

ĐƯỜNG LỐI- CHÍNH SÁCH

3

Quyết định số 34/2016/QĐ-UBND ngày 03 tháng 8 năm 2016 Ban hành Quy định chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ trên địa àn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016-2020




MÔ HÌNH HAY-CÁCH LÀM TỐT

13

Một số vấn đề cần quan tâm trong thâm canh dừa hiện nay

13

Cây ăn trái phục hồi tốt sau hạn mặn

18

Thương binh trồng cây có múi thu nhập trên 150 triệu đồng mỗi năm

23

Trồng nấm rơm trong nhà cho hiệu quả kinh tế rất cao

26

Một số phương pháp xử lý bã thải sau trồng nấm

29

Giải pháp hạn chế rau màu chết rũ

35

Phòng trừ bọ phấn trắng gây hại trên cà tím

37

Hiệu quả từ mô hình nuôi vịt siêu thịt an toàn sinh học

40

Tỷ phú ở tuổi 30 nhờ mô hình nuôi chim hoang dã

42

Phương pháp rửa mặn trong canh tác lúa, tôm

45

Lưu ý khi sử dụng thiết bị đo chất lượng nước

47

Hiểu thêm về tôm càng xanh khi nuôi trên ruộng lúa

50

Một số lưu ý nuôi ghép cua đồng và cá chạch đồng

53

























THÔNG TIN HOẠT ĐỘNG KHCN

56

Ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất sản phẩm và thương mại hóa các chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững

56

Hội nghị triển khai dự án “Xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” dùng cho sản phẩm bưởi da xanh tỉnh Bến Tre

59


ĐƯỜNG LỐI-CHÍNH SÁCH

ỦY BAN NHÂN DÂN CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

TỈNH BÉN TRE Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số: 34/2016/QĐ-UBND Bến Tre, ngày 03 tháng 8 năm 2016


QUYẾT ĐỊNH

Ban hành Quy định chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016-2020


ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 04 tháng 9 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020;

Căn cứ Thông tư số 09/2015/TT-BNNPTNT ngày 03 tháng 3 năm 2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện điểm a khoản 1 Điều 6 Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 04 tháng 9 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020;

Căn cứ Thông tư số 205/2015/TT-BTC ngày 23 tháng 12 năm 2015 của Bộ Tài chính quy định về cơ chế tài chính thực hiện Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 04 tháng 9 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 1909/TTr-SNN ngày 25 tháng 7 năm 2016.
QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016-2020.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2016.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; Thủ trưởng các đơn vị có liên quan; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
TM. UỶ BAN NHÂN DÂN CHỦ TỊCH
(Đã ký)

Cao Văn Trọng


ỦY BAN NHÂN DÂN CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

TỈNH BÉN TRE Độc lập - Tự do - Hạnh phúc


QUY ĐỊNH

Chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016-2020

(Ban hành kèm theo Quyết định số 34/2016/QĐ-UBND ngày 03 tháng 8 năm 2016 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre)


Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chính

Quyết định này quy định chi tiết: Loại tinh, mức hỗ trợ liều tinh và đơn giá liều tinh phối giống nhân tạo heo; loại tinh, mức hỗ trợ liều tinh, đơn giá và định mức vật tư phối giống nhân tạo trâu, bò; loại giống, số lượng và mức hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi mua con giống; đơn giá và mức hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi xây dựng công trình khí sinh học, làm đệm lót sinh học; số lượng người, đơn giá và mức hỗ trợ đào tạo, tập huấn kỹ thuật phối giống nhân tạo gia súc; đơn giá và mức hỗ trợ bình chứa Nitơ lỏng cho người làm dịch vụ phối giống nhân tạo gia súc.

2. Đối tượng áp dụng

a) Các hộ gia đình trực tiếp chăn nuôi heo, bò, gia cầm, trừ các hộ chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp (sau đây gọi là hộ chăn nuôi).

b) Người làm dịch vụ phối giống nhân tạo gia súc.

c) Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ thực hiện chính sách nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020 theo Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 04 tháng 9 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020.

d) Các nội dung khác không quy định tại Quy định này được thực hiện theo quy định của Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg, Thông tư số 205/2015/TT-BTC ngày 23 tháng 12 năm 2015 của Bộ Tài chính quy định về cơ chế tài chính thực hiện Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 04 tháng 9 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020, Thông tư số 09/2015/TT-BNNPTNT ngày 03 tháng 3 năm 2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện Điểm a Khoản 1 Điều 6 Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 04 tháng 9 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020 và các văn bản pháp luật có liên quan.


Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

VIỆC HỖ TRỢ CHO HỘ CHĂN NUÔI

Điều 2. Hỗ trợ phối giống nhân tạo hàng năm cho heo, bò

1. Phối giống nhân tạo cho heo nái sinh sản:

a) Loại tinh: Sử dụng tinh heo ngoại các giống Yorshire, Landrace, Duroc vâ tinh heo lai 2-3 máu ngoại phù hợp với điều kiện chăn nuôi của địa phương tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi có đủ điều kiện cung cấp theo quy định hiện hành.

b) Mức hỗ trợ: Hỗ trợ 100% kinh phí về liều tinh cho các hộ chăn nuôi để thực hiện phối giống cho heo nái. Mức hỗ trợ không quá 02 liều tinh cho một lần phối giống và không quá 05 liều tinh cho một heo nái/năm;

c) Đơn giá liều tinh: Theo đơn giá được duyệt hàng năm của UBND tỉnh.

2. Phối giống nhân tạo cho bò cái sinh sản

a) Loại tinh: Sử dụng tinh bò giống nhóm Zebu (Brahman, Sind); nhóm thịt

(Droughtmaster, Red Angus, Limousin, Chalorais); tinh bò sữa Holstein Friz (HF) do các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước sản xuất hoặc nhập khẩu, nằm trong danh mục quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có đủ điều kiện cung cấp theo quy định hiện hành.

b) Mức hỗ trợ: Không quá 2 liều tinh/bò thịt/năm, 04 liều tinh/bò sữa/năm.

c) Đơn giá: Theo đơn giá được duyệt hàng năm của UBND tỉnh.

3. Hỗ trợ vật tư phối giống nhân tạo trên bò cái sinh sản

a) Mức hỗ trợ: Hỗ trợ 100% kinh phí vật tư phối giống nhân tạo trên bò cái sinh sản. Mức hỗ trợ đối với tinh đông lạnh là 2 liều tinh/bò thịt/năm, 04 liều tinh/bò sữa/năm; Nitơ lỏng dùng để vận chuyển tinh đi phối giống mức tối đa đến 2.0 lít/01 con bò cái hướng sữa có chửa; đến 1,5 lít/01 con bò cái hướng có chửa.

b) Đơn giá: Theo đơn giá được duyệt hàng năm của Ủy ban nhân dân tỉnh.

4. Điều kiện được hưởng hỗ trợ phối giống nhân tạo heo, bò:

a) Các hộ chăn nuôi dưới hoặc 10 con heo nái; dưới hoặc 10 con bò sinh sản, có nhu cầu, làm đơn đăng ký và được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận;

b) Sử dụng loại tinh theo yêu cầu của địa phương, có nhãn mác rõ ràng, tiêu chuẩn chất lượng phù hợp hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.



Điều 3. Hỗ trợ mua heo, bò đưc giống và gà, vịt giống bố me hậu bị

1. Loại giống hỗ trợ

a) Đối với heo đực giống: Sử dụng các giống heo Yorshire, Landrace, Duroc có lý lịch rõ ràng, xuất xứ từ các cơ sở cung ứng đạt tiêu chuẩn đã công bố theo quy định hiện hành.

b) Đối với giống bò đực giống: Sử dụng giống hướng thịt Brahman, Droughtmaster, Red Agus, Limousin có lý lịch rõ ràng, xuất xứ từ các cơ sở cung ứng đạt tiêu chuẩn đã công bố theo quy định hiện hành.

c) Đối với gà giống bố mẹ hậu bị: Sử dụng các giống gà có nguồn gốc rõ ràng phù hợp với điều kiện phát triển chăn nuôi tại địa phương và thị hiếu tiêu thụ, được cung cấp từ các cơ sở ấp trứng đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 19 Pháp lệnh Giống vật nuôi; chất lượng đạt Tiêu chuẩn cơ sở công bố theo quy định.

d) Đối với vịt giống bố mẹ hậu bị: Sử dụng các giống vịt hướng trứng và hướng thịt có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo khỏe mạnh, được cung cấp từ các cơ sở ấp trứng đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 19 Pháp lệnh Giống vật nuôi; chất lượng đạt Tiêu chuẩn cơ sở công bố theo quy định hiện hành.

2. Mức hỗ trợ mua, bò, heo đực giống và gà vịt giống bố mẹ hậu bị

a) Hỗ trợ một lần đến 50% giá trị con giống heo, bò đực giống cho các hộ chăn nuôi ở địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn và địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn để thực hiện phối giống dịch vụ. Mức hỗ trợ không quá 5.000.000 đồng (năm triệu đồng)/1 con đối với heo đực giống từ 06 tháng tuổi trở lên; mỗi hộ được hỗ trợ mua không quá 03 con heo đực giống; mức hỗ trợ không quá 20.000.000 đồng (hai mươi triệu đồng)/1con đối với bò đực giống từ 12 tháng tuổi trở lên; mỗi hộ được hỗ trợ mua một con bò đực giống.

b) Hỗ trợ một lần đến 50% giá trị gà, vịt giống bố mẹ hậu bị. Mức hỗ trợ bình quân đối với gà, vịt giống không quá 50.000 đồng (năm mươi ngàn đồng)/1 con; mỗi hộ được hỗ trợ mua không quá 200 con gà hoặc vịt giống bố mẹ hậu bị.

3. Điều kiện được hỗ trợ

a) Chăn nuôi các đối tượng heo, bò đực giống để phối giống dịch vụ hoặc nuôi gà, vịt giống gắn với ấp nở cung cấp con giống; có nhu cầu, làm đơn đăng ký và cam kết thực hiện nghiêm kỹ thuật chăn nuôi an toàn theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận;

b) Mua loại giống phù hợp yêu cầu của địa phương; có nguồn gốc từ các cơ sở sản xuất giống vật nuôi, có lý lịch rõ ràng đối với heo, bò hoặc phẩm cấp giống phù hợp đối với gà, vịt; có tiêu chuẩn chất lượng phù hợp theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

c) Mỗi hộ chí được hỗ trợ mua một trong các đối tượng: Hoặc heo đực giống, hoặc bò đực giống, hoặc gà giống, hoặc vịt giống.

Điều 4. Hỗ trợ về xử lý chất thải trong chăn nuôi

1. Nội dung và mức hỗ trợ làm đệm lót sinh học và bể Biogas

a) Hỗ trợ một lần đến 50% giá trị xây công trình khí sinh học xử lý chất thải chăn nuôi. Mức hỗ trợ không quá 5.000.000 đồng (năm triệu)/1 công trình/1 hộ;

b) Hỗ trợ một lần đến 50% giá trị làm đệm lót sinh học xử lý chất thải chăn nuôi. Mức hỗ trợ không quá 5.000.000 đồng (năm triệu đồng)/1 hộ.

2. Điều kiện hưởng hỗ trợ:

a) Chăn nuôi với quy mô thường xuyên không ít hơn: 05 con heo nái hoặc 10 con heo thịt hoặc 03 con trâu, bò hoặc 200 con gia cầm sinh sản và tương đương; có nhu cầu xây dựng công trình khí sinh học hoặc làm đệm lót sinh học để xử lý chất thải chăn nuôi, làm đơn đăng ký và được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận;

b) Có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc xây mới công trình khí sinh học hoặc làm đệm lót sinh học đáp ứng hướng dẫn kỹ thuật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

c) Mỗi hộ chỉ được hưởng hỗ trợ kinh phí để xây dựng công trình khí sinh học hoặc làm đệm lót sinh học.


Chương III

QUY ĐINH CỤ THỂ

HỖ TRƠ, KHUYÉN KHÍCH PHÁT TRIỂN

PHỐI GIỐNG NHÂN TẠO GIA SÚC

Điều 5. Hỗ trợ về đào tạo, tập huấn kỹ thuật phối giống nhân tạo gia súc

1. Nội dung và mức hỗ trợ:

Hỗ trợ một lần đến 80% kinh phí đào tạo, tập huấn cho các cá nhân về kỹ thuật phối giống nhân tạo gia súc. Mức hỗ trợ không quá 6.000.000 đồng (sáu triệu đồng)/1 người.

2. Điều kiện hỗ trợ:

a) Đã hoàn thành chương trình Trung học phổ thông; dưới 40 tuổi.

b) Có nhu cầu, làm đơn và được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận, thực hiện đăng ký học và đóng kinh phí cho cơ sở đào tạo. Sau khi hoàn thành khóa đào tạo, tập huấn, có chứng chỉ đào tạo, tập huấn sẽ đến trình Ủy ban nhân dân xã (nơi đăng ký ban đầu) để được thanh toán tiền hỗ trợ chi phí đào tạo, tập huấn.

Điều 6. Hỗ trợ bình chứa nitơ lỏng để vận chuyển, bảo quản tinh phối giống nhân tạo gia súc

1. Số lượng: Hỗ trợ 01 bình/người làm dịch vụ phối giống nhân tạo.

2. Định mức hỗ trợ:

Hỗ trợ 1 lần đến 80% giá trị bình chứa Nitơ lỏng từ 1,0 đến 3,7 lít cho người làm dịch vụ phối giống nhân tạo gia súc. Mức hỗ trợ không quá 5.000.000 đồng (năm triệu đồng)/1 bình/1 người.

3. Điều kiện hỗ trợ:

a) Đã qua đào tạo, tập huấn có chứng chí; có nhu cầu, làm đơn đăng ký và được Ủy ban nhân dân cấp xã chấp thuận;

b) Mua loại bình phù hợp quy định của địa phương và có cam kết bảo quản, sử dụng bình trong thời gian không ít hơn 5 năm.
Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7. Trách nhiệm thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Theo Khoản 2 Điều 8, Thông tư 09/TT-BNNPTNT và Điểm c, Khoản 1, Điều 4 của Thông tư 205/2015/TT-BTC.

b) Hàng năm phối hợp với các sở, ngành liên quan, hỗ trợ Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ tại địa phương, thẩm định, trước khi trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

c) Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức đấu thầu, chỉ định và công bố danh sách các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi; cung cấp tinh, con giống và vật tư thực hiện thụ tinh nhân tạo đảm bảo chất lượng cho người chăn nuôi và người làm dịch vụ thụ tinh nhân tạo trên địa bàn tỉnh.

d) Chủ trì kiểm tra việc triển khai thực hiện Quyết định theo định kỳ.

2. Sở Tài chính

a) Hàng năm trên cơ sở báo cáo tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính sẽ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh để bố trí kinh phí hỗ trợ.

b) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn cơ chế tài chính đối với chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016-2020.

c) Khi kết thúc năm phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng báo cáo tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ để tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh gửi Bộ Tài chính.

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

a) Chỉ đạo các cơ quan thông tin truyền thông, phối hợp các đoàn thể tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến cơ sở, người chăn nuôi về chính sách hỗ trợ tại Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg; Thông tư số 09/2015/TT-BNNPTNT; Thông tư số 205/2015/TT-BTC.

b) Hàng năm xây dựng kế hoạch, kinh phí, thực hiện chính sách hỗ trợ gửi Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, trình Hội đồng nhân dân, phân bổ dự toán ngân sách hàng năm.

c) Tổng hợp nhu cầu hỗ trợ từ các xã gửi lên và phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan tổ chức thẩm định nhu cầu hỗ trợ theo Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg.

d) Tổ chức triển khai, thực hiện, phối hợp với các sở, ban ngành tỉnh có liên quan tổ chức triển khai, kiểm tra, báo cáo kết quả triển khai chính sách tại địa phương, đề xuất, kiến nghị với Ủy ban nhân dân tỉnh giải pháp tháo gỡ những bất cập trong quá trình triển khai thực hiện.

4. Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn

a) Chỉ đạo các bộ phận chức năng, phối hợp với các tổ chức đoàn thể tuyên truyền phổ biến các quy định cụ thể việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016-2020. Thông báo rộng rãi cho người dân về thời điểm tiếp nhận đơn hàng năm.

b) Tiếp nhận, thẩm định, xác nhận đơn đăng ký của các hộ chăn nuôi, các cá nhân có nhu cầu tham gia lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật phối giống nhân tạo gia súc, làm dịch vụ phối giống nhân tạo gia súc.

c) Tổng hợp danh sách các hộ chăn nuôi, các cá nhân có đủ điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ gửi Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

d) Niêm yết công khai danh sách các hộ được hỗ trợ tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, thị trấn. Tổ chức triển khai, giám sát quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ tại địa phương.

đ) Trực tiếp giải quyết chính sách hỗ trợ cho các cá nhân đã qua đào tạo, tập huấn, làm dịch vụ phối giống nhân tạo đã được quy định tại Điều 5 và Điều 6 Quy định này.

e) Hướng dẫn và giám sát các hộ chăn nuôi được hưởng hỗ trợ, thực hiện nghiêm các nội dung như: chăn nuôi đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi.

5. Báo Đồng khởi, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh

Tuyên truyền, phổ biến các văn bản của Trung ương có liên quan đến chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ và các nội dung được quy định tại Quy định này.



Điều 8. Điều khoản thi hành

Các văn bản quy phạm pháp luật áp dụng trong Quy định này trong quá trình tổ chức thực hiện được thay thế bởi các văn bản quy phạm pháp luật mới thì áp dụng theo các văn bản quy phạm pháp luật mới.



Trong quá trình triển khai thực hiện Quy định này, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các ngành, các cấp gửi văn bản phản ảnh đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định./.
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN CHỦ TỊCH
(Đã ký)

Cao Văn Trọng

MÔ HÌNH HAY-CÁCH LÀM TỐT

Một số vấn đề cần quan tâm

trong thâm canh dừa hiện nay

Dừa được mệnh danh là “Cây của đời sống” vì dừa là cây thực phẩm, cây công nghiệp, nó cung cấp cho con người nguồn thực phẩm, nước uống giải khát, là nguyên liệu quan trọng cho ngành dược phẩm, mỹ phẩm, vật liệu tiêu dùng…



Ảnh minh hoạ

Điều kiện đất đai, khí hậu miền Nam nước ta khá phù hợp cho việc phát triển cây dừa; đặc biệt trong bối cảnh bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dừa là một trong những loại cây trồng được đánh giá có khả năng thích ứng tốt. Vì vậy trong những năm gần đây, diện tích trồng dừa đang có xu hướng gia tăng, chủ yếu do chuyển đổi từ các cây trồng trước đó kém hiệu quả.

Để canh tác dừa đạt hiệu quả cao, đặc biệt trong điều kiện bị ảnh hưởng của hạn mặn nói riêng và biến đổi khí hậu nói chung, người sản xuất hiện rất quan tâm đến các vấn đề như: Dừa cho trái sớm, năng suất cao (sai trái); ít treo trong mùa nghịch; kích thước, khối lượng trái không bị suy giảm nhiều sau thời kỳ hạn-mặn. Đây là các yếu tố kỹ thuật ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh tế đối với người trồng dừa, có vai trò quan trọng không thua kém yếu tố giá cả- thị trường. Vì vậy, việc xác định các yếu tố tác động và lựa chọn đúng đắn các giải pháp hạn chế, khắc phục có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc cải thiện nghề trồng dừa theo hướng hiệu quả, bền vững hiện nay.

Để trồng dừa hiệu quả, trước hết phải từ khâu chọn giống. Cần chọn đúng: loại giống, cây để lấy giống, trái làm giống và cây giống đem trồng. Đây là những tiền đề có tính quyết định đến việc dừa cho trái sớm, năng suất cao sau này. Hiện nay, tại Bến Tre có các giống dừa khá nổi tiếng như:

- Các giống dừa cao (chủ yếu dùng chế biến): Ta xanh, Ta vàng, Dâu xanh, Dâu vàng…

- Các giống dừa lùn (chủ yếu là dừa uống nước): Xiêm xanh, Xiêm lục, Ẻo, Tam Quan, Dứa...

Hầu hết các cây dừa giống hiện nay trồng ở nước ta hiện nay đều được chọn từ các cây dừa mẹ có sẵn trong sản xuất. Dù là đối với nhóm dừa nào thì yếu tố năng suất cao (sai trái) và ổn định của cây dừa mẹ có ảnh hưởng di truyền rất lớn đến cây dừa con sau này. Chính vì vậy, các nhà khoa học thường khuyến cáo nên chọn các cá thể dừa cao có từ 80-100 trái/năm và khoảng 120 trái/năm đối với các cá thể dừa lùn, cần lưu ý khả năng năng suất này phải ổn định trong 03 năm liên tục. Ngoài ra, các nghiên cứu chuyên sâu trên thế giới cũng đã góp phần làm sáng tỏ và đầy đủ hơn các yếu tố liên quan để chọn cây dừa giống ưu tú. Cụ thể trên cùng một giống, các cây dừa chọn từ trái nặng, nảy mầm nhanh, phiến lá rộng ở vườn ươm, phiến lá và cuống lá trưởng thành ngắn, cây trưởng thành dáng lá hơi rũ, ra hoa sớm là những cây sẽ cho trái sớm, năng suất cao.

Bên cạnh chọn giống, kỹ thuật bón phân cũng cần phải có sự bổ sung điều chỉnh phù hợp hơn so với cách bón phân trước nay. Cụ thể:

- Đối với dừa giai đoạn nhỏ đến khoảng 10 năm tuổi, các loại phân lân (Super lân, lân nung chảy…) bón kết hợp với chất đạm và phân kali góp phần làm gia tăng sản lượng, góp phần giúp cây ra hoa sớm. Điều này càng có ý nghĩa trong điều kiện đất trồng có phèn, lân dễ tiêu trong đất thường ở mức thấp. Thiếu lân còn làm các vườn dừa trẻ dễ bị bệnh cháy đốm lá do nấm Helminthosprium sp gây ra. Như vậy, quan điểm trồng dừa không cần bón phân lân nhiều, trong trường hợp này, là chưa chính xác. Vì vậy, lượng phân bón khuyến cáo cho dừa sau năm năm hiện nay bình quân vào khoảng 1kg Urea+ 2kg Super lân+ 1,2kg KCl (Kali Clorua), tuy nhiên vào giai đoạn dừa 5-10 tuổi, tùy theo tình trạng sinh trưởng, phát triển của cây có thể tăng lượng phân lân lên từ 30-50% để phát huy tiềm năng năng suất.

- Cần bổ sung chất Canxi, theo nghiên cứu của các chuyên gia I.R.H.O (Viện nghiên cứu Dầu và cây có dầu Pháp), dừa là cây “ưa Canxi”. Hiện tượng thiếu Canxi thường xảy ra dưới những điều kiện đất chua (pH thấp). Tất cả các dạng vôi thường chứa lượng Canxi cao, Canxi cũng hiện diện trong hầu hết các loại mùn hữu cơ đã ủ hoai mục, trong phân lân (Lân nung chảy, Super lân: 20% CaO). Dolomite( 30% CaO)… Hàng năm vào đầu mùa mưa, đặc biệt sau thời gian bị ảnh hưởng mặn, việc bón vôi (30-50kg/1000m2) sẽ có tác dụng rất tốt đối với sự sinh trưởng, phát triển của dừa.

- Nên chia phân ra bón nhiều lần trong năm, nếu có điều kiện nên khoảng 02 tháng bón phân một lần, các nghiên cứu trong nước cho thấy, việc tăng cường số lần bón phân trong năm, kết hợp tưới nước, che mát đất, giữ ẩm trong mùa khô là yếu tố hết sức quan trọng nhằm tăng năng suất, giảm hiện tượng dừa treo.

- Khác với một số quốc gia trồng dừa khác trên thế giới, nước ta có khí hậu nhiệt đới gió mùa, trong năm phân ra hai mùa mưa nắng rõ rệt, riêng vùng trồng dừa tại Bến Tre hàng năm thường bị nhiễm mặn, vì vậy việc bón phân cho dừa cũng phải có những điều chỉnh cần thiết để phù hợp điều kiện đặc thù.

Sau thời kỳ bị nhiễm mặn, bắt đầu bón phân hóa học cho cây thì nên chú ý bón sớm và bón phân có tỉ lệ phân lân và kali cao hơn chất đạm ở lần bón đầu tiên vì sau thời gian dài bị hạn-mặn, cây rất thiếu chất kali và có nhu cầu lân cao. Nếu bón phân Urea sớm và lượng nhiều, với mong muốn cây dừa sớm phục hồi như quan niệm một số người trồng dừa là không chính xác và dễ gây hiện tượng nứt rụng trái rất nhiều ở đầu vụ. Các lần bón sau có thể áp dụng theo quy trình bón thông thường đã được các cơ quan chuyên môn khuyến cáo. Ngoài việc tăng cường bón phân kali và lân ở đầu vụ, có thể sử dụng các loại tro bón cho dừa vì tro cũng có chứa nhiều chất lân, kali và các chất trung, vi lượng khác. Tương tự, việc giảm tỉ lệ phân đạm bón cho cây vào thời điểm “mưa dầm”, trời âm u (khoảng tháng 10 dương lịch) cũng cần chú ý áp dụng nhằm hạn chế hiện tượng nứt rụng trái, rụng hoa.

Trong thực tế sản xuất hiện nay, có người cho rằng dừa là cây “nhà nghèo”, nên không cần quan tâm nhiều đến việc đầu tư, chăm sóc, đây là quan điểm không phù hợp trong xu hướng thâm canh hiện nay và dễ dẫn đến việc các vườn dừa mau suy thoái, không phát huy tiềm năng năng suất. Dừa là cây ra trái quanh năm, cho nên đòi hỏi phải có nền đất trồng có độ màu mỡ nhất định và ổn định. Việc lạm dụng thuốc diệt cỏ, trồng dừa mật độ quá dày, trồng cây xen có khả năng cạnh tranh dinh dưỡng cao với dừa (như chuối xiêm, chuối sáp, tre…) nhưng không bổ sung phân bón đầy đủ, đúng kỹ thuật lâu dài sẽ dẫn đến hiện tượng suy thoái đất trồng.

Để sử dụng đất trồng dừa một cách hiệu quả, bền vững, nhà vườn nên trồng dừa có mật độ hợp lý (cây cách cây khoảng 8m đối với dừa cao và 6-7 mét đối với nhóm dừa lùn; trong trường hợp cần tăng hiệu quả trồng xen, tùy loại cây xen có thể tăng khoảng cách giữa hai cây dừa). Hiện nay, có nhiều mô hình canh tác trồng xen cây có múi, ca cao, măng cụt… đạt hiệu quả cao, điều này cũng phù hợp với các nghiên cứu trong và ngoài nước, cho thấy việc trồng xen hợp lý, đúng kỹ thuật không những làm tăng thu nhập mà còn giúp tăng năng suất dừa, cải thiện độ phì nhiêu đất trồng dừa. Ngoài việc trồng xen, các biện pháp bồi bùn, che đậy bờ dừa trong mùa nắng, bón phân hữu cơ là những giải pháp kỹ thuật tốt cần thường xuyên áp dụng trong sản xuất.

Dừa là cây trồng chính của Bến Tre, cho nên việc phát triển nghề trồng dừa theo hướng hiệu quả, bền vững luôn là mối quan tâm hàng đầu của tỉnh. Chính vì vậy bên cạnh việc ứng dụng các giải pháp kỹ thuật mới thâm canh vườn dừa thì các giải pháp liên kết sản xuất-tiêu thụ, phát triển chế biến sản phẩm dừa đi vào chiều sâu, quảng bá, mở rộng thị trường… hiện nay được các cấp, các ngành và tất cả những người trực tiếp trồng dừa đặc biệt quan tâm. Với tất cả sự kết hợp đồng bộ và hiệu quả từ các giải pháp trên, chắc chắn nghề trồng dừa tại Bến Tre sẽ tiếp tục có những bước phát triển tốt đẹp trong tương lai.



Huỳnh Quang Đức

Trung tâm

Khuyến nông Bến Tre


Cây ăn trái phục hồi tốt sau hạn mặn

Trên đường tỉnh 884, đoạn thuộc địa phận xã Tân Phú, huyện Châu Thành, nhiều điểm tập kết trái cây hoạt động nhộn nhịp. Những chiếc xe tải loại nhỏ, xe gắn máy vào tận nhà vườn ở Tân Phú, Tiên Long, Tiên Thủy… thu mua trái cây vận chuyển ra các cơ sở, vựa trái cây nằm ven đường tỉnh 884, đóng thùng đưa lên xe tải loại lớn chuyển đi tiêu thụ ngoài tỉnh và xuất khẩu.

Nghịch vụ được giá

Người đại diện cơ sở thu mua trái cây Huỳnh Mai cho biết: “Huỳnh Mai có cơ sở chính đặt tại xã Sơn Định, huyện Chợ Lách. Hai năm nay, Huỳnh Mai mở thêm điểm thu mua trái cây tại xã Tân Phú. Năm 2016, do ảnh hưởng hạn mặn, cơ sở hoạt động trở lại khoảng 10 ngày nay. Những ngày đầu, thương lái đến các nhà vườn ở Tiên Long, Tiên Thủy, Quới Thành, Tân Phú thu mua trái chôm chôm bán lại cho cơ sở từ 1-2 tấn/ngày. Gần đây, thương lái cung cấp cho cơ sở từ 6-7 tấn/ngày, số lượng chôm chôm thu hoạch đã tăng nhưng vẫn ít hơn năm 2015. Tại đây, cơ sở thuê lao động làm công đoạn cho trái chôm chôm vào thùng bảo quản để đưa lên xe tải lớn vận chuyển sang Trung Quốc tiêu thụ. Đến thời điểm này, cơ sở vẫn chưa nghe thông tin phản hồi từ người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm. Trái cây thu mua xuất sang Trung Quốc tiêu thụ luôn thuận lợi”.

Nhiều cơ sở, vựa thu mua trái cây cho rằng, trái cây của nhà vườn ở Châu Thành tuy phải chống chịu với đợt hạn mặn lịch sử vừa qua nhưng chất lượng vẫn chinh phục người tiêu dùng ngoài tỉnh và đảm bảo xuất khẩu. So với năm 2015, vụ trái cây nghịch này có giảm về số lượng nhưng bù lại bán được giá cao, nhà vườn vẫn còn lãi.

Đoạn đường từ tỉnh lộ 884 dẫn vào các ấp Tân Quy, Mỹ Phú (xã Tân Phú) có nhiều cơ sở kinh doanh du lịch sinh thái hoạt động. Bà Nguyễn Thị Hòa, một trong những cơ sở kinh doanh du lịch sinh thái nằm trên đoạn đường này, phấn khởi: “Những ngày qua, trái cây của nhà vườn thu hoạch, các điểm du lịch sinh thái hoạt động, đông đảo du khách đến tham quan, thưởng thức món ăn đặc sản trong đó có trái cây”. Bà Hòa có 3 công đất trồng chôm chôm nhưng đợt hạn mặn vừa qua đã làm rụng hết trái. Bà phải chăm sóc chu đáo, cây đã phát triển xanh tươi. Do nhà không còn trái cây nên bà Hòa đã gắn kết với nhiều nhà vườn có trái cây thu hoạch để giới thiệu điểm đến cho du khách tham quan. “Khách du lịch từ các nơi tìm đến Tân Phú, với mong muốn được vào tận vườn ngắm nhìn vườn cây cho trái, rồi hái xuống thưởng thức tại gốc cây” - bà Hòa nói.

Nhà vườn có trái cây chín phục vụ khách tham quan du lịch được lợi là bán giá cao hơn so với thương lái. Ngay thời điểm này, thương lái vào tại vườn thu mua trái chôm chôm java giá từ 13-15 ngàn đồng/kg, cao gấp đôi so với vụ trái cây nghịch năm 2015. Các điểm du lịch sinh thái bán cho khách tham quan, chôm chôm java giá 20 ngàn đồng/kg, còn chôm chôm nhãn giá 30 ngàn đồng/kg. Tuy có sự chênh lệch về giá nhưng khách rất thích thú vì được thưởng thức “3 ngon” (ngon mắt - ngon mũi - ngon miệng). Khách đến các điểm du lịch sinh thái cao điểm vẫn là vào ngày nghỉ cuối tuần, mỗi cơ sở tiếp đón hàng trăm lượt người/ngày.

Chinh phục người tiêu dùng

Nhà vườn Nguyễn Ngọc Đinh, ở ấp Mỹ Phú có 10 công đất trồng sầu riêng Ri6, được đầu tư đê bao khép kín. Ngay thời điểm hạn mặn, nhìn cây trồng thiếu nước, ông xót dạ đành lấy nước bên ngoài nhiễm mặn 0,5%0 lên tưới cây trồng. Gặp phải nước mặn, cây trồng xổ nhụy. Ông Đinh nói: “Nhìn cây trồng không thích nghi với nước mặn, tôi khẩn trương xịt thuốc, khống chế không cho ra đọt non. Tuy vậy, bông đang ra trên cây vẫn bị đổ, chỉ giữ được 20%. Nhưng cái được hơn vẫn là đầu tư phân bón, chăm sóc hợp lý để bảo vệ cây trồng”. Hiện còn khoảng 10 ngày nữa số trái sầu riêng trên cây sẽ đến kỳ thu hoạch. 10 công sầu riêng của ông Đinh nếu không ảnh hưởng hạn mặn, thu hoạch từ 10-15 tấn trái nhưng nay chỉ còn hơn 2 tấn trái. Mỗi trái nặng nhất khoảng 4kg. Thương lái thu mua tại vườn giá từ 40-45 ngàn đồng/kg, trong khi đó ngay thời điểm này của năm 2015, giá 30 ngàn đồng/kg. Tương tự như chôm chôm, những nhà vườn kịp thời cứu cây sầu riêng trong đợt hạn mặn vừa qua nay thu hoạch trái sản lượng có giảm nhưng bán được giá cao. Cây trồng vẫn phát triển xanh tươi, đầy sức sống.

Theo ông Phạm Hoàng Khôi - Phó chủ tịch UBND xã Tân Phú, 2016 là năm đầu tiên mặn xâm nhập đến địa bàn xã. Nhiều nhà vườn chủ quan lấy phải nước mặn tưới cây trồng. Một số nhà vườn đã cập nhật thông tin từ internet cộng với khuyến cáo của tỉnh, huyện, xã nên có giải pháp ứng phó. Đài truyền thanh xã thường xuyên thông tin diễn biến hạn mặn để nhà vườn chủ động trong lấy nguồn nước tưới cây trồng. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Trạm Bảo vệ thực vật huyện phối hợp với xã mở 4 lớp tập huấn cho nhà vườn kỹ thuật chăm sóc cây trồng phục hồi sau hạn mặn. Nhiều nhà vườn mạnh dạn mua máy đo độ mặn, ý thức hơn trong sử dụng nguồn nước tưới cây trồng. Nhờ vậy, sau cao điểm hạn mặn, cây trồng đã từng bước phục hồi và phát triển tốt.

Đến thời điểm này, xã Tân Phú có khoảng 18ha chôm chôm cho trái thu hoạch, năng suất từ 1,5-2 tấn/công, giảm trung bình gần 1 tấn/ha nhưng bù lại bán được giá cao. Gần 30ha chôm chôm đang cho trái non và 50ha đang phủ bạt chuẩn bị cho ra hoa. Còn sầu riêng, hiện diện tích cây trồng cho trái thu hoạch chưa nhiều, phần lớn diện tích cây trồng cho trái non hoặc trong giai đoạn đậy mủ xử lý. Trái sầu riêng đang ở mức giá khá cao so với cùng kỳ năm 2015. “Sản lượng các chủng loại cây trồng đặc sản của xã có giảm nhưng giá bán tăng. Chất lượng vẫn chinh phục được người tiêu dùng” - ông Phạm Hoàng Khôi nhận định.



Kỹ sư Huỳnh Quang Đức-Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, hiện nhiều vườn cây ăn trái trên địa bàn huyện Chợ Lách, Châu Thành nói riêng và địa bàn tỉnh nói chung đã phục hồi trở lại rất tốt, không còn xảy ra tình trạng cây chết nguội. Nguyên nhân do mưa đầu mùa thuận lợi cho vườn cây ăn trái rửa phèn, mặn; nhà vườn thực hiện đúng theo khuyến cáo, hướng dẫn của ngành chuyên môn về kỹ thuật chăm sóc cây trồng phục hồi sau hạn mặn.

Hiện một số vườn cây ở Chợ Lách và Châu Thành cho trái thu hoạch, tức nhà vườn xử lý cho ra bông, trái sau thời điểm hạn, mặn nên chất lượng khá tốt. Đối với những vườn cây ăn trái bị ảnh hưởng hạn mặn đang phục hồi 3 cơi lá, trung tâm khuyến cáo nhà vườn chậm xử lý trái, nên chuyển vụ để cây đủ sức khỏe mới tiến hành lấy trái.

Kết quả theo dõi của trung tâm sau 3 tháng kết thúc hạn mặn cho thấy, cây dừa tỷ lệ đậu trái không giảm, khi mưa xuống không có hiện tượng đổ trái hàng loạt. Dự báo sản lượng dừa trái thu hoạch niên vụ 2016-2017 tăng 10% so với niên vụ 2015-2016. Mới đây, trung tâm lấy mẫu trái xoài tứ quý chín trồng trên đất Thạnh Phú, bưởi da xanh trồng tập trung có trọng lượng trái và độ ngọt đang phục hồi trở lại bình thường. Đến vườn trồng sầu riêng, chôm chôm ở Chợ Lách và Châu Thành cho trái thu hoạch, trực tiếp thưởng thức nhận thấy chất lượng vẫn đảm bảo. Cần khẳng định, nhiều chủng loại cây ăn trái đặc sản của tỉnh đang phục hồi trở lại về chất lượng và sản lượng” - ông Đức cho biết thêm.




tải về 1.51 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   10




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương