Thông tư số 204/2015/tt-btc ngày 21/12/2015 của Bộ Tài chính quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế



tải về 261.35 Kb.
trang1/3
Chuyển đổi dữ liệu06.08.2016
Kích261.35 Kb.
#14486
  1   2   3
Thông tư số 204/2015/TT-BTC ngày 21/12/2015 của Bộ Tài chính quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế

BỘ TÀI CHÍNH
-------


CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc 
---------------


Số: 204/2015/TT-BTC

Hà Nội, ngày 21 tháng 12 năm 2015

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ ÁP DỤNG QUẢN LÝ RỦI RO TRONG QUẢN LÝ THUẾ



Căn cứ Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006, Luật số 21/2012/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Luật số 71/2014/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế;

Căn cứ Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế;

Căn cứ Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 2 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015 - 2016;

Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về việc áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế của cơ quan thuế các cấp để đánh giá việc tuân thủ pháp luật thuế đối với người nộp thuế trong các nghiệp vụ quản lý thuế, gồm: Đăng ký thuế; khai thuế; nộp thuế; nợ thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế; hoàn thuế; kiểm tra; thanh tra thuế; tạo, in, phát hành, quản lý và sử dụng ấn chỉ thuế và các nghiệp vụ quản lý thuế khác trong quá trình thực hiện các hoạt động nghiệp vụ, bao gồm:

1. Thu thập, xử lý, quản lý sử dụng thông tin, dữ liệu liên quan về người nộp thuế.

2. Ban hành bộ tiêu chí quản lý thuế và tổ chức đánh giá rủi ro, đánh giá tuân thủ pháp luật thuế đối với người nộp thuế đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong từng thời kỳ.

3. Việc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ quản lý thuế đối với người nộp thuế tương ứng với mức độ rủi ro của người nộp thuế.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người nộp thuế bao gồm:

a) Tổ chức, cá nhân kinh doanh (cá nhân kinh doanh gồm: cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình) nộp thuế, phí, lệ phí hoặc các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật;

b) Tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ thu phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước;

c) Tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế;

d) Tổ chức, cá nhân khấu trừ thuế, bao gồm:

- Tổ chức, cá nhân là bên Việt Nam ký hợp đồng với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam mà tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp, nộp thuế TNDN theo tỷ lệ % tính trên doanh thu;

- Tổ chức, cá nhân khấu trừ thuế khi chi trả thu nhập cho người có thu nhập thuộc diện nộp thuế thu nhập cá nhân;

đ) Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, bao gồm:

- Người điều hành đối với hợp đồng dầu khí được ký kết dưới hình thức hợp đồng chia sản phẩm.

- Công ty điều hành chung đối với hợp đồng dầu khí được ký kết dưới hình thức hợp đồng điều hành chung.

- Doanh nghiệp liên doanh đối với hợp đồng dầu khí được ký kết dưới hình thức hợp đồng liên doanh hoặc Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

- Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam hoặc các Tổng công ty, Công ty thuộc Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam đối với trường hợp Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam hoặc các Tổng công ty, Công ty thuộc Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam tự tiến hành hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu thô, khí thiên nhiên.

2. Cơ quan thuế gồm: Tổng cục Thuế, Cục Thuế và Chi cục Thuế.

3. Công chức thuế.

4. Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thực hiện pháp luật về thuế.

5. Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tài chính trong việc trao đổi thông tin theo nội dung quy định tại Thông tư này.

6. Các cơ quan, đơn vị thuộc các Bộ, ngành liên quan trong việc phối hợp thực hiện các nội dung quy định tại Thông tư này.



Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. “Rủi ro về thuế” là nguy cơ không tuân thủ chính sách pháp luật thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước của người nộp thuế dẫn đến thất thu ngân sách nhà nước trong quản lý thu thuế.

2. “Tiêu chí đánh giá rủi ro” là các tiêu chuẩn được ban hành làm cơ sở để đánh giá phân loại mức độ rủi ro, đánh giá tuân thủ pháp luật thuế đáp ứng yêu cầu quản lý thuế đối với người nộp thuế trong từng thời kỳ.

3. “Xác định rủi ro” là việc thu thập, phân tích thông tin để tìm ra nguy cơ không tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế.

4. “Phân tích rủi ro” là việc sử dụng kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng và ứng dụng công nghệ thông tin dựa theo tiêu chí quản lý rủi ro đã được xác định để dự đoán tần suất và hậu quả của rủi ro.

5. “Đánh giá rủi ro” là việc tổng hợp, đối chiếu kết quả xác định rủi ro, phân tích rủi ro với các chỉ số tiêu chí đánh giá rủi ro để phân loại mức độ rủi ro.

6. “Đo lường tuân thủ” là việc phân tích thông tin, dữ liệu theo các chỉ số để xác định mức độ tuân thủ trên từng lĩnh vực hoạt động quản lý thuế của người nộp thuế.

7. “Đánh giá tuân thủ” là việc thu thập, phân tích, xác minh đối chiếu thông tin về quá trình hoạt động và chấp hành pháp luật với các chỉ số tiêu chí đánh giá tuân thủ để phân loại mức độ tuân thủ pháp luật của người nộp thuế.

8. “Cảnh báo rủi ro” là việc thông báo và cung cấp thông tin về nguy cơ không tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế.

9. “Chỉ số đánh giá rủi ro” là các tham số phản ánh một tình huống rủi ro cụ thể.

10. “Thông tin nghiệp vụ thuế” là thông tin liên quan đến người nộp thuế đã được cơ quan thuế thu thập, tổng hợp, phân tích, đánh giá, phục vụ cho việc quyết định áp dụng các biện pháp nghiệp vụ thuế.

11. “Hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin nghiệp vụ thuế” là hệ thống thông tin, dữ liệu do cơ quan thuế quản lý để thu thập, xử lý và cung cấp các sản phẩm thông tin nghiệp vụ cho các hoạt động nghiệp vụ thuế.

12. “Hệ thống cơ sở dữ liệu về người nộp thuế” là hệ thống mà thông tin, dữ liệu được quản lý tập trung; hệ thống được kết nối và tiếp nhận thông tin từ các hệ thống thông tin dữ liệu liên quan trong và ngoài ngành Thuế; do Tổng cục Thuế xây dựng và quản lý để “Đánh giá tuân thủ”, “Đánh giá rủi ro”.

13. “Ấn chỉ thuế” bao gồm: các loại hóa đơn, biên lai thuế, biên lai phí, lệ phí, tem rượu, tem thuốc lá và các loại ấn chỉ thuế khác.

Điều 4. Nguyên tắc áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế

1. Cơ quan thuế áp dụng quản lý rủi ro để khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để người nộp thuế tuân thủ tốt các quy định của pháp luật, đồng thời phòng chống, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật thuế trong quản lý thuế đối với người nộp thuế.

2. Trong quản lý thuế người nộp thuế phải được đánh giá rủi ro để áp dụng lựa chọn trường hợp kiểm tra, thanh tra thuế, phân loại hồ sơ hoàn thuế, biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế, phân loại trường hợp tạo, in, phát hành, quản lý, sử dụng ấn chỉ thuế và các biện pháp nghiệp vụ cần thiết khác ở mức độ phù hợp nhằm đảm bảo tuân thủ pháp luật thuế.

3. Việc đánh giá rủi ro, đánh giá tuân thủ pháp luật của người nộp thuế căn cứ các quy định của pháp luật, các quy trình, biện pháp nghiệp vụ quản lý thuế, dựa trên tiêu chí quản lý rủi ro, thông tin nghiệp vụ và thông tin, dữ liệu có trên “Hệ thống cơ sở dữ liệu về người nộp thuế” của Tổng cục Thuế.

4. Cơ quan thuế thực hiện kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm soát trên cơ sở đánh giá xếp hạng mức độ rủi ro cao, áp dụng các biện pháp phù hợp đối với những trường hợp được đánh giá xếp hạng mức độ rủi ro thấp.

5. Cơ quan thuế thực hiện cập nhật thông tin đầy đủ vào hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin nghiệp vụ thuế và hệ thống cơ sở dữ liệu về người nộp thuế theo nguyên tắc điện tử hóa, số hóa các chứng từ, thông tin liên quan. Các hoạt động tác nghiệp phải thực hiện trên hệ thống, đảm bảo cập nhật trạng thái quản lý thường xuyên, liên tục.



Điều 5. Trình tự áp dụng quản lý rủi ro

Áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế được thực hiện theo trình tự sau đây:

1. Cơ quan thuế tổ chức thu thập, xử lý thông tin dữ liệu theo phương thức điện tử liên quan đến người nộp thuế. Xây dựng, vận hành, quản lý, sử dụng...“Hệ thống cơ sở dữ liệu về người nộp thuế” của Tổng cục Thuế.

2. Tổng cục Thuế xây dựng, trình Bộ Tài chính ban hành bộ tiêu chí quản lý rủi ro đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong từng thời kỳ (3 năm); Định kỳ hàng quý thực hiện rà soát điều chỉnh bổ sung đảm bảo tính cập nhật phù hợp thực tế.

3. Cơ quan thuế căn cứ các quy định của pháp luật, các quy trình, biện pháp nghiệp vụ quản lý thuế, bộ tiêu chí quản lý rủi ro, hệ thống cơ sở dữ liệu về người nộp thuế và ứng dụng hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin nghiệp vụ thuế để phân tích, xác định, đánh giá mức độ rủi ro; đánh giá tuân thủ pháp luật của người nộp thuế; quản lý hồ sơ rủi ro đối với các đối tượng trọng điểm vi phạm pháp luật thuế.

4. Cơ quan thuế căn cứ kết quả đánh giá mức độ rủi ro; đánh giá tuân thủ pháp luật của người nộp thuế tại khoản 3, Điều 5 Thông tư này để áp dụng các biện pháp: Quản lý đăng ký thuế; quản lý, kiểm tra khai thuế, nộp thuế; kiểm tra, thanh tra thuế; phân loại hồ sơ hoàn thuế; biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế; phân loại đối tượng tạo, in, phát hành, quản lý, sử dụng ấn chỉ thuế và các biện pháp nghiệp vụ cần thiết khác đối với người nộp thuế.

5. Cơ quan thuế theo dõi, cập nhật, đánh giá thông tin phản hồi về kết quả thực hiện các biện pháp quản lý thuế đối với người nộp thuế tại khoản 4 Điều 5 Thông tư này; đo lường mức độ tuân thủ pháp luật của người nộp thuế.

6. Cơ quan thuế quản lý, lưu trữ, cung cấp thông tin, dữ liệu; chỉ đạo, hướng dẫn điều chỉnh, bổ sung việc áp dụng quản lý rủi ro để đảm bảo hiệu quả quản lý thuế.



Điều 6. Nội dung áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế

Cơ quan thuế áp dụng kỹ thuật quản lý rủi ro tại Điều 7 và Điều 8 Thông tư này đối với:

1. Quản lý đăng ký thuế;

2. Quản lý, kiểm tra khai thuế, nộp thuế;

3. Quản lý hoàn thuế;

4. Xác định, lựa chọn người nộp thuế để thực hiện đưa vào kế hoạch kiểm tra, thanh tra thuế theo quy định của pháp luật;

5. Quản lý nợ thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế;

6. Phân loại người nộp thuế áp dụng các biện pháp quản lý trong việc tạo, in, phát hành, quản lý, sử dụng ấn chỉ thuế;

7. Thu thập, phân tích thông tin, xác định trọng điểm giám sát đối với người nộp thuế có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế;

8. Cung cấp thông tin, dữ liệu, hỗ trợ các hoạt động nghiệp vụ khác trong quản lý thuế.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 1. BIỆN PHÁP, KỸ THUẬT NGHIỆP VỤ QUẢN LÝ RỦI RO

Điều 7. Biện pháp, kỹ thuật quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ của cơ quan Thuế

Cơ quan thuế áp dụng các biện pháp, kỹ thuật quản lý rủi ro trong các hoạt động nghiệp vụ: Đăng ký thuế; khai thuế; nộp thuế; quản lý nợ thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế; hoàn thuế; kiểm tra thuế, thanh tra thuế; tạo, in, phát hành, quản lý, sử dụng ấn chỉ thuế, bao gồm:

1. Áp dụng tiêu chí quản lý rủi ro;

2. Thu thập, xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu liên quan đến người nộp thuế; xây dựng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý rủi ro;

3. Đánh giá việc tuân thủ pháp luật về thuế, đánh giá xếp hạng mức độ rủi ro đối với người nộp thuế;

4. Phân tích rủi ro, xác định trọng điểm rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ quản lý thuế;

5. Quản lý hồ sơ rủi ro đối với người nộp thuế phải giám sát trọng điểm trong công tác quản lý thuế có nguy cơ không tuân thủ pháp luật về thuế, gian lận thuế;

6. Xây dựng, quản lý áp dụng danh sách người nộp thuế rủi ro;

7. Ứng dụng hệ thống thông tin nghiệp vụ để xác định hình thức, mức độ quản lý, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra;

8. Đo lường, đánh giá tuân thủ pháp luật thuế trong hoạt động nghiệp vụ quản lý thuế;

9. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra, đánh giá hiệu lực, hiệu quả thực hiện các biện pháp đôn đốc, kiểm tra, thanh tra và các biện pháp nghiệp vụ khác trong quản lý thuế đối với người nộp thuế.

Điều 8. Thu thập, xử lý thông tin phục vụ quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ của cơ quan thuế

1. Thông tin phục vụ quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ thuế bao gồm:

a) Thông tin từ các hồ sơ khai thuế, hồ sơ hải quan; các Báo cáo tài chính, Báo cáo niêm yết; các Báo cáo của người nộp thuế;...theo quy định của pháp luật thuế và pháp luật có liên quan;

b) Thông tin về tình hình chấp hành pháp luật về thuế trong việc: Đăng ký thuế; kê khai thuế, nộp thuế; nợ thuế; miễn, giảm thuế; kê khai hoàn thuế, hoàn thuế; kiểm tra, thanh tra thuế; tạo, in, phát hành, quản lý, sử dụng ấn chỉ thuế; thông tin từ kết quả kiểm tra, thanh tra; xử lý nợ thuế; các thông tin, các văn bản phạt vi phạm hành chính về pháp luật thuế; nợ thuế và các biện pháp khác của cơ quan thuế từng thời kỳ;

c) Thông tin từ các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền và các cơ quan tổ chức có liên quan về đầu tư; xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ; đăng ký và thực tế sử dụng lao động; thông tin về giao dịch liên kết; thông tin về giao dịch qua ngân hàng, kho bạc, tổ chức tín dụng khác; thông tin vi phạm pháp luật hải quan; vi phạm trong lĩnh vực kế toán, thống kê, tài chính doanh nghiệp, vi phạm pháp luật kinh tế, dân sự, hình sự;

d) Thông tin thu thập từ mua tin, trao đổi thông tin trong nước, ngoài nước, thông tin chính thức từ các cơ quan quản lý thuế, cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài theo các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, các văn bản ký kết giữa Việt Nam và các nước liên quan đến lĩnh vực thuế, hải quan để sử dụng trong công tác thuế;

e) Các nguồn thông tin có liên quan khác.

2. Tổng cục Thuế tổ chức thu thập thông tin xây dựng “Hệ thống cơ sở dữ liệu về người nộp thuế” phục vụ quản lý rủi ro, bao gồm:

a) Thu thập thông tin từ người nộp thuế:

- Thông tin về đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế;

- Thông tin về nhân thân các thành viên sáng lập và người đại diện pháp luật của doanh nghiệp;

- Thông tin về các hồ sơ khai thuế, nộp thuế, nợ thuế, miễn giảm thuế, hoàn thuế, tạo, in, phát hành, quản lý, sử dụng ấn chỉ thuế;

- Thông tin về các bên liên kết và các giao dịch liên kết;

- Thông tin về việc chấp hành pháp luật thuế, chấp hành pháp luật khác.

b) Phối hợp trao đổi thông tin:

- Kết nối, quản lý hệ thống thông tin về người nộp thuế;

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tài chính và các cơ quan, đơn vị thuộc các Bộ, ngành liên quan trong việc trao đổi, cung cấp thông tin phục vụ công tác quản lý thuế tại Điều 10, Điều 11 Thông tư này;

- Phối hợp trao đổi thông tin với cơ quan thuế các nước và các vùng lãnh thổ, các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan ở nước ngoài theo quy định tại Điều 12 Thông tư này;

- Tổng hợp, phân tích thông tin trên các báo, đài, truyền hình, cổng thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân và thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng khác;

- Thiết lập đường dây nóng qua cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, điện thoại, thư điện tử (e-mail) để tiếp nhận các thông tin về người nộp thuế liên quan đến hành vi gian lận về thuế và các hành vi khác vi phạm pháp luật thuế.

c) Thu thập thông tin trên cơ sở hoạt động nghiệp vụ:

- Thu thập, xác minh thông tin, tài liệu theo các chuyên đề nghiệp vụ;

- Tiến hành các biện pháp nghiệp vụ cần thiết khác theo quy định của pháp luật để thu thập thông tin liên quan đến hoạt động của người nộp thuế;

- Mua tin theo chế độ quy định;

- Tiếp nhận thông tin của người nộp thuế cung cấp theo quy định của pháp luật.

d) Thông tin từ bên thứ ba có liên quan như Hiệp hội ngành nghề kinh doanh, các đối tác kinh doanh trong và ngoài nước của người nộp thuế.

đ) Thông tin từ đơn thư tố cáo trốn thuế, gian lận thuế sau khi đã có kết luận giải quyết cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền và được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu.

e) Thông tin, dữ liệu từ các tổ chức, cá nhân hoạt động hợp pháp trong lĩnh vực cung cấp thông tin.

g) Các nguồn chính thức khác theo quy định của pháp luật (Bao gồm cả thông tin được phép mua theo quy định của pháp luật).

3. Tổng cục Thuế xây dựng, quản lý hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu thuế, áp dụng các hình thức dưới đây để xử lý thông tin phục vụ quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ cơ quan Thuế:

a) Quản lý, ứng dụng hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin nghiệp vụ thuế để xử lý thông tin, dữ liệu, phân tích, đánh giá rủi ro đáp ứng các yêu cầu nghiệp vụ thuế theo nội dung tại Điều 9 Thông tư này;

b) Khai thác, sử dụng thông tin trên hệ thống thông tin nghiệp vụ, hệ thống thông tin, dữ liệu ở trong, ngoài ngành Thuế và các nguồn thông tin khác có liên quan, kết hợp với kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn để phân tích, đánh giá rủi ro, tạo ra và cung cấp các sản phẩm thông tin nghiệp vụ theo các yêu cầu cụ thể trong quản lý thuế.



Điều 9. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý rủi ro

1. Hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin nghiệp vụ thuế được quản lý tập trung tại Tổng cục Thuế, đảm bảo các thông tin làm cơ sở đánh giá rủi ro được tập hợp và cập nhật đầy đủ, bao gồm:

a) Thông tin chung của người nộp thuế;

b) Thông tin về hồ sơ khai thuế, căn cứ tính thuế;

c) Quản lý hồ sơ rủi ro trong nghiệp vụ đăng ký thuế, kê khai thuế, nộp thuế, nợ thuế, hoàn thuế, miễn giảm thuế, tạo, in, phát hành, quản lý, sử dụng ấn chỉ thuế;

d) Thông tin vi phạm pháp luật thuế của người nộp thuế;

đ) Thông tin về kết quả thanh tra, kiểm tra và xử lý sau thanh tra, kiểm tra;

e) Hệ thống tiêu chí đánh giá rủi ro;

g) Các sản phẩm thông tin nghiệp vụ;

h) Tài khoản người sử dụng trên hệ thống;

i) Các thông tin khác có liên quan.

2. Cơ quan thuế ứng dụng công nghệ thông tin theo phương thức điện tử dựa trên bộ tiêu chí quản lý rủi ro được ban hành; kết nối hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chung của ngành Thuế, các hệ thống thông tin liên quan ngoài ngành Thuế để tích hợp, xử lý thông tin, dữ liệu nhằm đáp ứng:

a) Đánh giá tình hình tuân thủ pháp luật về thuế của người nộp thuế;

b) Đánh giá xếp hạng mức độ rủi ro đối với người nộp thuế;

c) Cảnh báo rủi ro, phân luồng, đưa ra các yêu cầu nghiệp vụ để định hướng, hỗ trợ kiểm tra, giám sát các nội dung quản lý thuế đối với các nghiệp vụ quy định tại Điều 6 Thông tư này.

3. Hệ thống thông tin nghiệp vụ được kết nối trực tuyến các hệ thống thông tin liên quan của Tổng cục Thuế với cơ quan thuế trong phạm vi cả nước để phục vụ theo dõi, giám sát và đưa ra các quyết định áp dụng các biện pháp giám sát, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra và các biện pháp nghiệp vụ cần thiết khác nhằm đảm bảo việc tuân thủ pháp luật thuế.

4. Cơ quan thuế căn cứ vào kết quả từ hệ thống thông tin nghiệp vụ tại khoản 2, khoản 3 Điều 9 Thông tư này và các thông tin khác liên quan để thực hiện biện pháp, hình thức quản lý theo quy định của pháp luật.

5. Tổng cục Thuế quy định cụ thể trách nhiệm của đơn vị, công chức thuế các cấp trong việc xây dựng, quản lý, vận hành, cập nhật, khai thác, sử dụng thông tin trên hệ thống thông tin nghiệp vụ phù hợp với từng lĩnh vực hoạt động nghiệp vụ thuế.



Điều 10. Phối hợp trao đổi thông tin với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tài chính

1. Cơ quan thuế phối hợp với các cơ quan, đơn vị dưới đây để thực hiện trao đổi, cung cấp thông tin phục vụ quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ thuế:

a) Tổng cục Hải quan;

b) Kho bạc Nhà nước;

c) Thanh tra Bộ Tài chính;

d) Cục Tài chính doanh nghiệp;

đ) Vụ Chính sách Thuế;

e) Ủy ban chứng khoán Nhà nước;

g) Các cơ quan, đơn vị khác thuộc Bộ Tài chính.

2. Nội dung thông tin trao đổi, cung cấp, bao gồm:

a) Thông tin về chế độ chính sách liên quan đến công tác quản lý thuế;

b) Thông tin người nộp thuế, bao gồm:

b.1) Thông tin đăng ký thuế của tổ chức, cá nhân;

b.2) Thông tin tình hình hoạt động của tổ chức, cá nhân;

b.3) Tình hình kê khai thuế, nộp thuế, nợ đọng thuế, miễn giảm thuế, hoàn thuế, tạo, in, phát hành, quản lý, sử dụng ấn chỉ thuế;

b.4) Thông tin vi phạm pháp luật thuế và chế độ kế toán, thống kê, tài chính doanh nghiệp, vi phạm pháp luật kinh tế, dân sự, hình sự:

- Thông tin vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, thu khác;

- Thông tin vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, thống kê;

- Thông tin trốn thuế, gian lận thuế hoặc vi phạm trong lĩnh vực kế toán dẫn đến trốn thuế, gian lận thuế;

- Thông tin liên quan đến việc điều tra, khởi tố;

b.5) Thông tin khác có liên quan về người nộp thuế;

c) Phương thức, hành vi gian lận thuế, trốn thuế;

d) Các thông tin khác liên quan đến quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ thuế.

3. Hình thức trao đổi thông tin:

a) Thông tin trao đổi qua hệ thống mạng máy tính (sử dụng hạ tầng truyền thông thống nhất của Bộ Tài chính).

b) Thông tin trao đổi bằng văn bản, fax, tài liệu giấy, thư điện tử hoặc chuyển giao dữ liệu được lưu trữ bằng các phương tiện khác (Đối với những cơ quan thuế trong thời gian chưa được tham gia hệ thống thông tin điện tử).

c) Thông tin trao đổi trực tiếp sau khi được ghi nhận, xác thực theo quy định của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.

4. Cơ quan thuế phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tài chính tại khoản 1 Điều 10 Thông tư này ở cùng cấp, cụ thể hóa bằng quy chế phối hợp trao đổi thông tin phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và cơ sở dữ liệu quản lý để tổ chức thực hiện trao đổi, cung cấp thông tin phục vụ quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ thuế.

Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tài chính có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Thuế cùng cấp thực hiện trao đổi, cung cấp thông tin phục vụ quản lý rủi ro theo các nội dung quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 10 Thông tư này.

Điều 11. Phối hợp trao đổi thông tin với các cơ quan chức năng thuộc các Bộ, ngành

1. Cơ quan thuế thực hiện trao đổi, cung cấp thông tin với các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc các Bộ, ngành liên quan trên cơ sở các quy định của pháp luật hiện hành, Thông tư liên tịch giữa Bộ Tài chính với các Bộ, ngành liên quan về trao đổi, cung cấp thông tin phục vụ quản lý nhà nước về thuế, tài chính.

Cơ quan thuế các cấp được ký kết các quy chế phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng cùng cấp để cụ thể hóa và tăng cường quan hệ phối hợp trong việc trao đổi, cung cấp thông tin phục vụ quản lý nhà nước về thuế phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.

2. Nội dung thông tin trao đổi, cung cấp.

a) Thông tin đăng ký kinh doanh của tổ chức, cá nhân;

b) Thông tin tình hình hoạt động của tổ chức, cá nhân;

c) Tình hình kê khai thuế, nộp thuế, nợ đọng thuế, trường hợp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thuộc diện chưa được xuất cảnh, tạm hoãn xuất cảnh, ưu đãi về thuế, miễn, giảm thuế, hoàn thuế, tạo, in, phát hành, quản lý, sử dụng ấn chỉ thuế;

d) Thông tin về các tài khoản giao dịch; thông tin về giao dịch đáng ngờ, giao dịch bất thường, đột biến trên tài khoản giao dịch;

đ) Thông tin vi phạm pháp luật thuế và chế độ kế toán, thống kê, vi phạm pháp luật kinh tế, dân sự, hình sự;

e) Phương thức, hành vi gian lận thuế, trốn thuế;

g) Thông tin khác có liên quan về người nộp thuế;

h) Các thông tin khác liên quan đến quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ thuế.

3. Các hình thức trao đổi, cung cấp thông tin:

a) Trao đổi, cung cấp thông tin dưới hình thức công văn, fax, tài liệu giấy, thư điện tử hoặc chuyển giao dữ liệu;

b) Kết nối trao đổi dữ liệu điện tử qua hệ thống thông tin của ngành Thuế với các cơ quan, đơn vị liên quan;

c) Trực tiếp gặp gỡ trao đổi dưới các hình thức: cử đại diện làm việc, xác minh, thu thập tài liệu; tổ chức hội nghị và các hình thức khác.

4. Nội dung, hình thức trao đổi, cung cấp thông tin phải tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo mật Nhà nước.

5. Định kỳ sáu (06) tháng, cơ quan thuế các cấp tiến hành đánh giá kết quả thực hiện cơ chế phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin với các cơ quan, đơn vị chức năng cùng cấp, kiến nghị bổ sung, sửa đổi các quy định, cơ chế phối hợp hoặc các giải pháp để tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện.




tải về 261.35 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương