THẢm trạng buôn bán ngưỜi nguyễn Đức Tuyên Tháng 12 2013 NỘi dung



tải về 116.48 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu26.07.2016
Kích116.48 Kb.
#6087



THẢM TRẠNG
BUÔN BÁN NGƯỜI


Nguyễn Đức Tuyên

Tháng 12 - 2013

NỘI DUNG


Buôn Bán Người Là Gì? 3

Nghèo Đói và Toàn Cầu Hóa 5

Tại Hoa Kỳ 6

Vài Con Số Thống Kê 7

Một Số Trường Hợp Ở Cộng Hòa Congo 7

Trường Hợp Việt Nam 8

Mười Sự Thật về Nan Buôn Người 12

Hậu Quả Cho Các Nạn Nhân 13

Những Tổ Chức Chống Việc Buôn Người 14

Sự Đóng Góp của Giáo Hội Công Giáo 16

Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ và
Tuần Lễ Di Dân Toàn Quốc 19

Giáo huấn Xã hội Công giáo Dạy Gì về Nạn Buôn Người? 21

Sau Hết, Những Cảnh Giác Cần Quan Tâm 21



THẢM TRẠNG BUÔN BÁN NGƯỜI

Buôn bán người là thương mại chính con người, phổ biến nhất cho các mục đích của chế độ nô lệ tình dục, cưỡng bức lao động hoặc việc khai thác các cơ phận lấy từ thân thể con người. Buôn bán người là một ngành công nghiệp sinh lợi, được ước tính khoảng US$ 32 tỷ mỗi năm trong thương mại quốc tế, so với ước tính hàng năm US$ 650 tỷ cho tất cả các thương mại quốc tế bất hợp pháp vào năm 2010.

Buôn bán người là một tội ác và vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Mỗi năm, hàng ngàn người đàn ông, phụ nữ và trẻ em rơi vào tay bọn buôn người, tại các quốc gia diễn ra ở trong và ngoài nước của họ. Hầu hết các nước trên thế giới bị ảnh hưởng bởi nạn buôn người, cho dù là một quốc gia có nguồn gốc, quá cảnh, hay điểm đến của các nạn nhân. UNODC 1, là cơ quan giám hộ của Công ước Liên Hiệp Quốc chống lại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (UNTOC) 2 và qua các Nghị định thư, hỗ trợ các quốc gia trong nỗ lực để thực hiện Nghị định thư về ngăn ngừa, trấn áp và trừng trị tội buôn bán người, có hiệu lực từ ngày 25 tháng 12 năm 2003. Tính đến tháng 3 năm 2013 Công ước đã được ký kết bởi 117 quốc gia.

Liên Hiệp Quốc ước tính có gần 2,5 triệu người từ 127 quốc gia khác nhau đang được buôn bán trên thế giới.


Buôn Bán Người Là Gì?


Điều 3, đoạn (a) của Nghị định thư về ngăn ngừa, trấn áp và trừng trị tội buôn bán người định nghĩa: buôn bán người là việc tuyển dụng, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp hoặc tiếp nhận người, bằng phương tiện đe dọa hoặc sử dụng vũ lực hoặc các hình thức ép buộc, bắt cóc, gian lận, lừa đảo, lạm dụng quyền lực để buộc các nạn nhân đồng ý nhận các khoản thanh toán, với mục đích khai thác. Việc khai thác bao gồm việc tổ chức mại dâm hoặc các hình thức bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, dịch vụ, nô lệ hay tương tự nô lệ, hoặc lấy các bộ phận cơ thể.

Điều 3 cũng được coi là tội phạm trong luật của mỗi quốc gia. Pháp luật trong một quốc gia cũng cần được điều chỉnh sao cho phù hợp với các khái niệm có trong Nghị định thư.

Buôn người là một tội phạm rất khác so với buôn lậu người. Buôn người là đưa người qua các biên giới bằng phương cách lừa đảo, ép buộc hoặc cưỡng ép. Đặc biệt là những kẻ buôn người có động cơ là bóc lột các nạn nhân của chúng sau này khi họ tới được quốc gia đích đến. Trong khi đó, buôn lậu người là việc đưa người bất hợp pháp, có tổ chức qua các biên giới, thường là để được trả tiền cho dịch vụ này.

Lao động cưỡng bức là một tình huống trong đó nạn nhân bị buộc phải làm việc trái với ý muốn của họ dưới sự đe dọa của bạo lực hoặc một số hình thức khác của sự trừng phạt. Những người đàn ông có nguy cơ bị buôn bán để làm các công việc lao động phổ thông. Các hình thức lao động cưỡng bức có thể bao gồm tình trạng nô lệ trong nước, như lao động nông nghiệp, lao động tại công xưởng, dịch vụ thực phẩm, những dịch vụ khác, và cả việc đi ăn xin. Một số sản phẩm sản xuất bởi lao động cưỡng bức là: quần áo, ca cao, gạch, cà phê, bông, và vàng, v.v.

Lao động trẻ em là một hình thức của công việc có thể bị nguy hại đến sự phát triển thể chất, trí tuệ, tinh thần, đạo đức, xã hội của trẻ em và có thể ảnh hưởng đến việc giáo dục của các em. Tổ chức Lao động Quốc tế ước tính trên toàn thế giới có 246 triệu trẻ em được khai thác ở độ tuổi từ 5 đến 17, tham gia vào việc gán nợ, mại dâm, buôn bán ma túy bất hợp pháp, buôn bán vũ khí bất hợp pháp, và các hoạt động bất hợp pháp khác trên thế giới.

Buôn bán trẻ em là việc tuyển dụng, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp, hoặc nhận trẻ em với mục đích khai thác.

Bóc lột tình dục, buôn bán và thương mại trẻ em có nhiều hình thức và bao gồm việc buộc một đứa trẻ hành nghề mại dâm hoặc các hình thức khác của hoạt động tình dục hoặc khiêu dâm trẻ em. Khai thác trẻ em cũng có thể bao gồm cưỡng bức lao động, dịch vụ, nô lệ hay tương tự, việc loại bỏ các cơ quan trong cơ thể, nhận con nuôi quốc tế bất hợp pháp, buôn bán hôn nhân, tuyển dụng như binh lính trẻ em.

Thống kê của IOM 3 chỉ ra rằng một thiểu số đáng kể (35%) người bị buôn bán trong năm 2011 là dưới 18 tuổi, đó là điểm phù hợp với ước tính từ các năm trước.

Mua bán trẻ em thường liên quan đến khai thác nghèo đói cùng cực của cha mẹ. Cha mẹ có thể bán con như hình thức buôn bán, để trả nợ hoặc có được thu nhập, hoặc họ có thể bị lừa gạt liên quan đến triển vọng đào tạo và một cuộc sống tốt hơn cho con cái họ. Họ có thể bán con vào việc lao động, buôn bán tình dục, hoặc cho nhận con nuôi bất hợp pháp.

Nghèo Đói và Toàn Cầu Hóa


Nghèo đói, thiếu các cơ hội giáo dục và kinh tế ở quê nhà có thể đưa phụ nữ tự nguyện rời khỏi gia đình và sau đó được bán vào nhà chứa. Khi toàn cầu hóa mở ra biên giới quốc gia để trao đổi lớn hơn của hàng hóa, lao động di cư cũng tăng. Các quốc gia nghèo khó có ít lựa chọn hơn về tiền lương để người lao động có thể sống được. Tác động kinh tế của toàn cầu hóa thúc đẩy mọi người có ý định di chuyển và dễ bị tổn thương vì bị buôn bán.

Tại Hoa Kỳ


Tại Hoa Kỳ, nạn nhân buôn bán tình dục thường được tìm thấy trong những trường hợp nghiêm trọng và dễ dàng sa vào mục tiêu của bọn buôn người. Cá nhân, hoàn cảnh và tình huống dễ bị buôn bán bao gồm các cá nhân vô gia cư, thiếu niên bỏ nhà, người nội trợ dời chỗ ở, người tị nạn, người tìm việc, khách du lịch, nạn nhân bị bắt cóc và người nghiện ma túy..

Kẻ buôn người, còn được gọi là chủ chứa hoặc tú bà, trong khi dụ dỗ, hứa hẹn kết hôn, việc làm, giáo dục, hoặc một cuộc sống tốt hơn. Tuy nhiên, cuối cùng, bọn buôn người ép buộc các nạn nhân để trở thành gái mại dâm hoặc làm việc trong ngành công nghiệp tình dục. Công việc khác nhau trong ngành công nghiệp tình dục bao gồm mại dâm, khiêu vũ trong câu lạc bộ thoát y, đóng phim khiêu dâm, và các hình thức nô lệ không tự nguyện. Nạn nhân buôn bán tình dục vị thành niên ở Mỹ thường là những em đi bụi đời, chạy trốn khỏi nhà, gặp khó khăn, và thanh thiếu niên vô gia cư.

Phụ nữ bị dụ dỗ để sa vào vào buôn bán dựa trên lời hứa có cơ hội sinh lợi không thể thực hiện trên quê hương của ho. Tuy nhiên, một khi họ tới điểm đến, họ phát hiện ra rằng họ đã bị lừa dối. Hầu hết đã nhận được thông tin sai lệch liên quan đến việc thu nhập tài chính và điều kiện làm việc của họ và biết mình trong tình huống cưỡng chế có nội dung xấu. Từ đó thoát ra là cả một sự khó khăn và nguy hiểm. Theo Bộ Tư pháp Hoa Kỳ năm 2009 báo cáo, đã có 1.229 người bị nghi ngờ bị buôn bán tại Hoa Kỳ từ tháng 1 năm 2007 đến tháng 9 năm 2008.

Vài Con Số Thống Kê




  • Hàng năm, có khoảng 14,500 đến 17,500 người bị buôn bán vào Hoa Kỳ.

  • 50% người nhập lậu vào Hoa Kỳ là trẻ em.

  • Mỗi năm có khoảng 800,000 người bị buôn bán trên thế giới

  • Vùng Đông Á Thái Bình Dương là nơi buôn bán người đông nhất vào Hoa Kỳ

Thành phần người bị buôn bán chia ra: 46% mãi dân, 27% làm người giúp việc nhà, 12% làm nông nghiệp, 5% làm tại công xưởng, 12% làm các việc linh tinh khác.

Một Số Trường Hợp Ở Cộng Hòa Congo 4


Trong một cuộc phỏng vấn 931 người tại 3 mỏ kim loại ở Cộng hòa Congo trong đó có 866 trường hợp nô lệ được phỏng vấn, người ta chia ra 7 loại:

Cưỡng bách lao động: 22.7%

Cưỡng bách mãi dâm: 15.6%

Nô lệ vì nợ nần: 24.2%

Nô lệ trẻ em: 14.1%

Cưỡng bách hôn nhân: 10.8%

Nô lệ tình dục: 5.1%

Làm việc để trả nợ: 2.5%

Và sau đây là một trường hợp điển hình ở mỏ kim loại Congo do cô Sophia, 13 tuổi kể lại: ”Các lính canh tới khu vực chúng tôi ở, ra lệnh mọi người phải cởi hết quần áo. Chúng tôi trần truồng đứng đó rồi họ ra lệnh cho mọi người nằm xuống. Họ bảo chúng tôi phải làm “vợ” họ.....thế rồi họ ra lệnh bắn hàng loạt....chúng tôi chỉ nghe thấy tiếng súng nổ..... Họ tiếp tục khám xét từng nhà rồi bắt chúng tôi đi vào rừng. Họ trở thành “chồng” chúng tôi chỉ để giải quyết sinh lý với chúng tôi.”

Trường Hợp Việt Nam


Trong báo cáo về nạn buôn người năm 2013 của Văn phòng Theo dõi và Đấu tranh chống Buôn người thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thì:



Vương Tiểu Muội, 10 tuổi, được giải cứu khỏi Trung Quốc.

Ảnh Gia dình.Net

“Việt Nam là điểm xuất phát, và ở mức độ nhỏ hơn, là điểm đến của nạn buôn bán tình dục và cưỡng bách lao động đối với phụ nữ và trẻ em. Việt Nam là điểm xuất phát của tình trạng đàn ông và phụ nữ đi xuất khẩu lao động bằng những cách riêng hoặc thông qua các công ty cổ phần, công ty tư nhân, công ty quốc doanh tuyển dụng lao động để xuất khẩu. Đàn ông và phụ nữ Việt Nam cũng đi xuất khẩu lao động  thông qua những công ty tuyển dụng lao động không chính thức trong ngành xây dựng, đánh cá, nông nghiệp, khai thác quặng, khai thác gỗ và sản xuất, chủ yếu là đến Đài Loan, Mã Lai, Hàn Quốc, Lào, các Tiểu Vương quốc Ả Rập và Nhật Bản, và với mức độ ít hơn, là đến Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Nam Dương, Anh, Cộng hòa Sec, Cyprus, Pháp, Thụy Điển, Cộng hòa Trinidad và Tobago, Costa Rica, Nga, Lybia, Ả Rập Saudi, Jordan và nhiều nơi khác ở Trung Đông và Bắc Phi. Một số công nhân này sau đó phải đối mặt với tình trạng lao động cưỡng bách.

Phụ nữ và trẻ em Việt Nam bị buôn bán tình dục khắp Châu Á, thường bị lừa gạt bằng những hứa hẹn gian lận về cơ hội lao động và bị bán vào những nhà chứa ở biên giới Campuchia, Trung Quốc và Lào, một số người cuối cùng được đưa đến các nước thứ ba như Thái Lan và Mã Lai. Phụ nữ và trẻ em Việt Nam bị cưỡng bách bán dâm ở Hàn Quốc, Nam Dương, Đài Loan, Thái Lan, Mã Lai, Singapore và Nga.”

“Các công ty xuất khẩu lao động của Việt Nam, hầu hết là có liên kết với các công ty quốc doanh, và những người môi giới không được cấp phép, như được biết, là đã đòi những công nhân này một số lệ phí vượt quá mức pháp luật cho phép để nhận được cơ hội đi lao động ở nước ngoài. Vì thế, công nhân Việt Nam thường mắc nợ nhiều nhất trong số các công nhân Châu Á lao động ở nước ngoài, điều này khiến họ dễ bị cưỡng bách lao động, bao gồm tình trạng làm nô lệ lao động để trả nợ. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng nhiều người Việt Nam đi xuất khẩu lao động phải trả những khoản phí cao, điều này sẽ đặt họ vào tình trạng nợ nần trong nhiều năm. Đa số những người này trở về Việt Nam rất sớm, sau một hai năm, không thể kiếm đủ tiền để trả nợ. Khi vừa ra đến nước ngoài, một số công nhân nhận ra rằng họ bị buộc phải làm việc trong những điều kiện lao động không đủ tiêu chuẩn, bị trả lương thấp hoặc không trả lương trong khi đó bị mắc những món nợ lớn mà không có nơi khả tín để cầu cứu sự giúp đỡ về pháp lý. Một số công ty tuyển dụng, theo các báo cáo, không cho phép các công nhân đọc bản Hợp đồng cho đến một ngày trước khi họ được sắp xếp rời khỏi Việt Nam, và các công nhân này, theo các báo cáo, cũng đã ký vào những bản Hợp đồng bằng tiếng nước ngoài mà họ không hiểu được. Cũng có nhiều trường hợp được thu thập về các công ty tuyển dụng đã bỏ mặc các công nhân khi họ yêu cầu giúp đỡ.”





Huyện Yên Minh (Hà Giang)

được coi là nơi có nhiều đàn ông bị lừa bán sang Trung Quốc.

Ảnh Gia đình.Net

“Các nhóm tội phạm có tổ chức liên quan đến nạn cưỡng bách trẻ em Việt Nam lao động trong những nông trại trồng cần sa ở Vương quốc Anh, ở đó họ phải chịu những khoản nợ lên đến con số xấp xỉ 32 ngàn đô la mỗi người. Các báo cáo cho biết rằng nhiều người trong số những nạn nhân Việt Nam này đáp máy bay sang Nga cùng với một người đại diện và sau đó được chở bằng xe tải qua Ukraine, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Đức và Pháp trước khi đến được Vương quốc Anh.”

“Có khoảng nửa triệu người lao động được nhà nước đưa đi lao động ở ngoại quốc như Mã Lai, Đài Loan, các nước Trung Đông. Nhiều người trong số họ là nạn nhân của việc buôn người, bị bóc lột bởi các công ty môi giới mà chủ là cơ quan nhà nước hoặc các viên chức của họ. Theo Báo cáo Nhân quyền năm 2012 nhận định.”5

Theo thống kê của Bộ Công an, từ năm 2005 đến tháng 6-2013, cả nước xảy ra hơn 3.200 vụ, với gần 7.000 nạn nhân bị lừa bán (riêng giai đoạn 2012 – 6/2013, xảy ra gần 700 vụ, với hơn 1.300 nạn nhân, trong đó 80% nạn nhân bị bán ra nước ngoài). Các cơ quan chức năng của Việt Nam đã khám phá gần 3.000 vụ, bắt trên 4.600 đối tượng phạm tội mua bán người, tổ chức tiếp nhận gần 6.000 nạn nhân bị mua bán trở về. Riêng 25 địa phương biên giới đã khám phá hơn 1.400 vụ, bắt hơn 2.100 đối tượng (chiếm 47% tổng số vụ trên cả nước). Tòa Án Nhân Dân các cấp đã xét xử hơn 1.600 vụ, với 3.000 bị can.6.





Em bé gái Việt Nam, 11 tuỗi, được cảnh sát Campuchia cứu thóat khỏi một nhà chứa ở Phnom Penh.. Ảnh AFP

Trong cuộc hội thảo diễn ra tại Đà Nẵng vào ngày 24-10-2013 cho biết, Việt Nam đang là quốc gia có số người đi làm việc tại nước ngoài ngày càng tăng trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Hiện nay có khoảng 500.000 người Việt Nam đang làm việc tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Từ năm 2006, trung bình hàng năm có khoảng 70.000 đến 80.000 người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; trong đó tỷ lệ lao động nữ chiếm khoảng 30-35% tổng số lao động di cư.7

Theo tin VOA Tiếng Việt thì Hội đồng Nhân quyền Lào LHRC và Trung Tâm Phân tích Chính sách Công CPPA ngày 2-11-2013 phổ biến thông cáo bày tỏ quan ngại về vai trò gia tăng của giới chức chính phủ và quân đội dính líu tới tình trạng bắt cóc và sử dụng bạo lực buôn bán phụ nữ, trẻ em ở Việt Nam, Lào, và Đông Nam Á.

Ngoài ra, một số phụ nữ được thuê để mang bầu đẻ con cho một số người ở Thái Lan cũng là một thảm trạng đáng quan tâm.


Mười Sự Thật về Nan Buôn Người 8


  1. Nạn nhân bị lừa gạt, cưỡng bức hoặc ép buộc làm nô lệ.

  2. Buôn người là hành vi bóc lột con người để kiếm tiền.

  3. Các nạn nhân thường bị buôn bán vào các ngành lao động cưỡng ép, mại dâm cưỡng ép và nô lệ trong nhà.

  4. Buôn người là hoạt động tội phạm có lợi nhuận cao thứ ba trên thế giới (sau ma tuý và buôn vũ khí) với 10 tỉ USD mỗi năm.

  5. LHQ dự đoán có khoảng 2,5 triệu nạn nhân của nạn buôn người, các con số khác dao động từ 4 đến 27 triệu.

  6. Những kẻ buôn người săn tìm những người mơ đến một tương lai tốt đẹp hơn. Nạn nhân có thể là nam giới, phụ nữ hay trẻ em, thường đến từ những nước đang phát triển và là những người thiếu tiền bạc hay cơ hội làm việc và học tập.

  7. Nạn nhân bị buôn bán bởi những người họ quen biết và tin tưởng, gồm có bạn bè, hàng xóm và bạn trai, cũng như những đối tượng tuyển dụng và đại diện trông có vẻ đáng tin cậy.

  8. Một khi đã mắc bẫy, nạn nhân bị cưỡng ép làm việc trong nhiều giờ và phải sống trong những điều kiện phi nhân tính, được trả công rất ít ỏi hoặc hoàn toàn không có thù lao. Họ bị đe doạ và bạo hành thể xác. Nạn nhân chịu đựng bạo hành thể xác và tinh thần, bị hãm hiếp, thậm chí tử vong.

  9. Nạn nhân bị tước đoạt giấy tờ tuỳ thân và bị buộc phải trả những khoản nợ không có thực.

  10. Buôn người là một hiện trạng toàn cầu diễn ra hàng ngày tại tất cả các quốc gia trên thế giới.

Hậu Quả Cho Các Nạn Nhân


Nạn nhân buôn bán tình dục phải đối mặt với mối đe dọa bạo lực từ nhiều nguồn, bao gồm khách hàng, chủ nhà chứa, bọn tú bà, bọn buôn người, và các quan chức thực thi pháp luật địa phương tham nhũng. Các cuộc tấn công như một biện pháp chống buôn bán tình dục nghiêm trọng ảnh hưởng đến quan hệ tình dục nạn nhân bị buôn bán. Do tình trạng pháp lý phức tạp và rào cản ngôn ngữ của họ, việc bắt giữ hoặc sợ bị bắt tạo ra căng thẳng và tổn thương tâm lý khác cho các nạn nhân bị buôn bán. Nạn nhân cũng có thể bị bạo lực thể chất từ thực thi pháp luật trong cuộc tấn công.

Nạn nhân buôn bán người cũng phải đối diện với những căng thẳng tâm lý khác nhau. Họ phải chịu sự xa lánh của xã hội và nhà nước. Kỳ thị, xa lánh của xã hội, và không dung nạp trong việc tái hòa nhập vào cộng đồng địa phương là một khó khăn. Các chính phủ cung cấp rất ít sự hỗ trợ và dịch vụ xã hội cho các nạn nhân bị buôn bán khi trở về đời sống bình thường.


Những Tổ Chức Chống Việc Buôn Người


Ngoài những tổ chức quốc tế của Liên Hiệp Quốc còn có những cơ quan tư nhân (NGOs) tham dự tích cực vào việc phòng chống việc buôn người tại mỗi quốc gia hay xuyên quốc gia qua những lãnh vực: gây ý thức, cảnh giác, phát hiện những hoàn cảnh nô lệ mới này và tìm cách giúp đỡ vật chất cũng như tinh thần.

Tại Hòa Lan chẳng hạn ta thấy có 2 trung tâm tiếp nhận JoutsenoOulu.

Tại Hoa Kỳ, ngoài Cơ quan Quốc gia Bảo vệ Nạn nhân Buôn người còn có nhiều cơ sở khác như: Stop Trafficking, một tổ chức tập hợp các Dòng Nữ Tu chuyên lo công tác thiện nguyện này, Polaris Project, một tổ chức quốc tế chống tệ nạn nô lệ. Tại vùng Santa Clara county có The South Bay Coalition to End Human Trafficking (SBCEHT) v.v.

Tóm lại, muốn tìm danh sách các tổ chức chống nạn buôn người, có thể tìm: List of organizations opposing human trafficking.

Tại Việt Nam có nhiều tổ chưc tham gia vào việc chống buôn người. Sau đây là một vài tổ chức tiêu biểu:

Người ta lưu tâm đến tổ chức MTV EXIT (End Exploitation and Trafficking), vừa công bố sự trở lại Việt Nam với một chương trình toàn quốc nhằm chống lại nạn buôn người, qua một số dịch vụ, chương trình TV và các hoạt động tiếp cận thanh thiếu niên với sự tham gia của ban nhạc rock nổi tiếng quốc tế Simple Plan.

 Các chiến dịch nâng cao nhận thức, như những chiến dịch được điều hành bởi MTV Exit, làm việc với những người nổi tiếng nhằm tiếp cận những người trẻ tuổi trong khu vực Châu Á -Thái Bình Dương – với thống kê vào khoảng 700 triệu người – với thông tin quan trọng về nạn buôn người. Ví dụ, khi ban nhạc rock Canada Simple Plan đi khắp Việt Nam để tìm hiểu về nạn buôn người, họ đã chia sẻ những gì họ đã học được với 10 triệu người hâm mộ của họ trên Facebook và Twitter, và đã sản xuất một chương trình truyền hình đặc biệt về cuộc hành trình của họ.

Nạn nhân của nạn buôn người có quyền được nhận trợ giúp và bảo vệ. Nạn nhận có thể nhận trợ giúp từ các tổ chức giúp đỡ nạn nhận. Sự trợ giúp này có thể bao gồm sắp xếp chỗ ở, dịch vụ xã hội và y tế, tư vấn và trợ giúp pháp lý, an ninh và những hộ trợ cần thiết khác.

Vòng Tay Thái Bình chính thức bắt đầu làm việc ở Việt Nam từ những năm 2003, 2004. Từ 2005, tổ chức này bắt đầu chú ý đến một số vấn đề phát triển khác ở tại Việt Nam, về vị trí của phụ nữ trong xã hội và nhất là các trẻ em gái.

Tổ chức Catalyst Foundation do cô Caroline Nguyễn Ticarro-Parker điều hành để giúp đỡ trẻ em mồ côi cũng như những người có nguy cơ trở thành nạn nhân buôn bán người ở Việt Nam.

Liên minh Bài trừ Nô lệ mới ở Châu Á CAMSA thời gian gần đây can thiệp cho nhiều vụ buôn người từ Việt Nam sang Nga.9

Vào giữa tháng 8 năm 2013, các bộ trưởng và viên chức của 13 quốc gia Châu Á -Thái Bình Dương họp mặt ở Jakarta tuyên bố sẽ tìm kiếm các biện pháp bao gồm đẩy mạnh hợp tác giữa các lực lượng thực thi pháp luật cũng như áp dụng luật hình sự đối với các hoạt động buôn người.

Hội nghị quy tụ các quốc gia có nhiều người tị nạn như Afghanistan, Myanmar, Pakistan và Sri Lanka và các quốc gia quá cảnh bao gồm Malaysia, Indonesia và Thái Lan, cùng Úc là một quốc gia điểm đích.

Sự Đóng Góp của Giáo Hội Công Giáo


Giáo hội Công giáo coi nạn buôn người là một tội ác càn phải khử trừ nên đã có nhiều nỗ lực cảnh giác. Tin hãng Reuter và Zenit ngày 4 tháng 11 năm 2013 cho hay một cuộc hội thảo, được thực hiện bởi Học viện Giáo hoàng về Khoa học và Khoa học Xã hội phối hợp với Liên đoàn Thế giới của Hiệp hội Y tế Công giáo, đã được tổ chức để đáp ứng yêu cầu của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Do vị trí toàn cầu trên lãnh vực đạo đức, Giáo hội Công giáo có vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống nạn buôn người trên toàn thế giới ngày càng gia tăng.

Sau đây là ý kiến ​​bày tỏ của một số chuyên gia tham dự cuộc hội thảo mang tên “Buôn người: một chế độ nô lệ hiện đại ", diễn ra ngày thứ bảy 3/11 và chủ nhật 4/11 tại Vatican.

Các bài thuyết trình cụ thể trong hai ngày " hội thảo chuẩn bị "- “preparatory workshop”- để tìm hiểu một loạt các chủ đề liên quan đến hình thức hiện đại của chế độ nô lệ, bao gồm cả khai thác tình dục, buôn bán phụ nữ và trẻ em, và những tác động của nạn mại dâm trong bối cảnh của nạn buôn người.

Tiến sĩ Joy Ngozi Ezeilo nói với hãng tin Zenit, " Buôn bán người là có thật ", và cảnh báo rằng việc thực hành tội phạm này đang gia tăng. Kể từ khi được bổ nhiệm năm 2008 như là báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về buôn bán người, bà nói rằng bà đã "gặp hàng trăm nạn nhân, nếu không phải hàng ngàn nạn nhân”. Ezeilo nói cần phải có một "tiếng nói đạo đức lên án tội ác ghê tởm của nạn buôn người” để nhân mạnh đến vai trò của Giáo hội Công giáo.

Các viên chức Liên Hiệp Quốc cho rằng cuộc hội thảo này là cơ sở cho việc hình thành một tập tài liệu sắp tới về buôn bán người và tìm cách làm thế nào để chống lại tệ nạn đó. Đây là một bước đi đúng hướng. Bà Ezeilo nói rằng việc tập hợp các chuyên gia “trong các lĩnh vực liên ngành trong diễn đàn này mở cửa cho một khả năng vô tận trong điều kiện tìm một con đường phía trước, về cách chúng ta có thể làm việc với nhau để tìm giải pháp, làm thế nào chúng ta có thể hành động như một tập thể, làm thế nào Giáo hội có thể chỉ ra sự lãnh đạo tuyệt vời trong cuộc chiến chống các hiện tượng xấu của nạn buôn người. Nó cũng giúp đưa ra vấn đề cơ bản về quyền con người và phẩm giá con người là cốt lõi của bất kỳ khởi xướng nào liên quan tới nạn buôn người.”

Ezeilo không phải là người tham gia để chỉ ra rằng trường hợp nạn buôn người đang gia tăng, mà còn kêu gọi sự lưu tâm của các nhà lãnh đạo luân lý thuộc Giáo hội trong lĩnh vực này. Tiến sĩ Anne T. Gallagher, một học giả Úc và cố vấn pháp luật đã làm việc trong lĩnh vực này trong nhiều năm, nói với hãng tin Zenit rằng " Đã có rất nhiều công việc về buôn bán người trong nhiều năm, nhưng chúng tôi biết rằng vấn đề không được cải thiện, và nó có vẻ trở nên tệ hơn. Việc lãnh đạo luân lý và tâm linh của Vatican rất quan trọng trong việc đẩy mạnh vấn đề này về phía trước không những giữa các chính phủ - cộng đồng quốc tế - mà còn giữa các xã hội dân sự và các Giáo hội địa phương."

Trong bài thuyết trình của mình, luật sư Melissa Holman của Austin, Texas, thách thức các chính phủ làm sao thực thi pháp luật chống buôn bán người, và để đánh giá mối liên hệ giữa mại dâm hợp pháp hóa và buôn bán người.

Bà nói: "Tôi cảm thấy như chính phủ các nước cần phải được rõ ràng hơn về thực tế rằng có một mối liên hệ giữa mại dâm hợp pháp hóa và thương mại quan hệ tình dục bất hợp pháp ". "Các quốc gia, như Mỹ, ở một vị trí có sức mạnh kinh tế thông qua các hiệp ước và các luật lệ khác nhau. Họ có thẩm quyền kinh tế, nhưng họ cũng có thẩm quyền về đạo đức nữa."

Trên một lưu ý khác, luật sư Holman nói rằng cách tích cực là " Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra sáng kiến ​​này và đã thu hút được rất nhiều sự chú ý đến vấn đề buôn bán tình dục. Thực tế là Học viện Giáo Hoàng về Khoa học đang tiến hành công việc một cách nghiêm túc và tuyệt vời. Giáo hội Công giáo có một vai trò tinh thần và luân lý chống lại tệ nan buôn người.

Các chuyên gia cuộc hội thảo cũng đề nghị: Tòa án quốc tế hoặc khu vực ... nên được thiết lập để xét xử những kẻ buôn bán người trong bối cảnh quốc tế đã không thể bị truy tố và trừng phạt đúng mức ở cấp quốc gia. Kết thúc hội thảo, trong dịp này, một tuyên bố gồm 50 đề nghị thực hiện để tìm cách chống lại nạn buôn người và nô lệ trên thế giới ngày nay.

Trong Tông Huấn mới nhất, Niềm Vui của Tin Mừng- Evangelii Gaudium- ký ngày 26-11-2013, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói “Tôi luôn luôn đau khổ vì rất nhiều người là nạn nhân của các loại buôn bán người. Tôi ước muốn sao cho tất cả chúng ta sẽ nghe được tiếng Thiên Chúa hỏi: "Em con ở đâu?" (St 4:9). Anh chị em của bạn đang phải làm nô lệ ở đâu? Vậy em trai và em gái bạn đang bị giết chết mỗi ngày trong nơi bí mật, tại nhà mại dâm, và trẻ em được sử dụng để đi ăn xin, bị cưỡng chế lao động không có giấy tờ bạn có biết không? Chúng ta chẳng nên nhìn theo cách khác. Đang có một sự đồng lõa lớn hơn chúng ta nghĩ. Vấn đề này liên quan đến tất cả mọi người! Những mạng lưới âm thầm về tội phạm hiện nay được thành lập ở các thành phố của chúng ta và nhiều người dính máu trên tay họ là kết quả của sự đồng lõa thoải mái và im lặng của họ”.10

Ngày 12 tháng 12 năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô, người vừa được báo TIME vinh danh là nhân vật trong năm 2013, nhân dịp tiếp kiến 16 đại sứ không thường trú mới và một đại diện ngoại giao, đã phát biểu: nạn buôn người là "một tội ác chống lại loài người". Ngài nói buôn bán người, "ảnh hưởng đến những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội: phụ nữ, trẻ em, người tàn tật, những người nghèo nhất và những người đến từ những tình huống của gia đình hoặc xã hội tan rã" Đức Thánh Cha nói với các đại sứ rằng các nạn nhân, cả Công giáo và ngoài Kitô giáo, phải được giải thoát khỏi "thương mại khủng khiếp này". Ngài nhấn mạnh, "Điều này không thể tiếp tục". “Nó tạo thành một vi phạm nghiêm trọng quyền con người của các nạn nhân và là tội phạm đến phẩm giá của họ, cũng như thất bại của cộng đồng toàn cầu." Kết thúc phát biểu của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi cộng đồng quốc tế thực hiện một “chiến lược thống nhất và hiệu quả hơn " để chống lại nạn buôn người. (Zenit )

Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ và
Tuần Lễ Di Dân Toàn Quốc


Tuần Lễ Di Dân Toàn Quốc do Giáo hội Công giáo Hoa Kỳ tổ chức từ ngày 05 đến 11 tháng 1 năm 2014 với chủ đề Thoát Khỏi Bóng Tối- "Out of the Darkness”. Giáo hội Công giáo chọn tháng giêng là Tháng Gây Ý Thức về Tệ Nạn Buôn Người. Đây là một thách đố để nâng cao cảnh giác về tội ác ghê gớm này đối với những người xấu số và đòi buộc người tín hữu phải nỗ lực kết thúc tệ nạn buôn người của thời đại hôm nay.

Người di cư nhất là những thành phần sau đây dễ bị tổn thương nhất: trẻ em, người không có giấy tờ, người tị nạn, và nạn nhân của nạn buôn người. Họ thường có nguy cơ bị bạo lực, bị khai thác và bị tổn thương. Vì vậy họ cần được cung cấp các hỗ trợ cần thiết để họ có thể phát triển cuộc sống một cách tốt đẹp.

Trẻ em nhập cư là một trong những nhóm dân dễ bị tổn thương nhất. Bảo vệ đặc biệt cần có để đảm bảo an toàn và hạnh phúc cho các em. Người nhập cư không có giấy tờ thường được gọi là "sống trong bóng tối”. Tình trạng của họ cần một cuộc cải cách pháp lý để hợp pháp hóa và giúp họ thoát khỏi bóng tối đồng thời cung cấp cho họ cơ hội để hòa nhập vào xã hội và sống cuộc sống có phẩm giá hơn.

Nhiều người tị nạn còn bị sa lầy trong các trại tị nạn trên thế giới không bao giờ có cơ hội để nhận ra tiềm năng đầy đủ mà Thiên Chúa ban cho họ. Các giải pháp dài hạn cần phải được thực hiện để người tị nạn không phải ở lại trong trại lâu dài nhưng có thể tái hòa nhập vào xã hội và trở thành thành viên bình thường.

Bắt làm nô lệ và xử sự như đối tượng vì lợi nhuận chứ không phải là con người, nạn nhân của nạn buôn bán người cần được giải thoát khỏi cảnh nô lệ. Những kẻ buôn bán nô lệ cần phải được đưa ra công lý và phải bị trừng phạt xứng đáng để họ không có cơ hội làm tổn thương đến bất cứ ai khác trong tương lai.

Đó là lờ kêu gọi khẩn thiết của Giáo Hội để mang lại ánh sáng của Chúa Kitô cho mọi người, để xua đuổi bóng tối, và giúp mang lại tự do cho con người.

Điều này đòi hỏi sự cầu nguyện cho những người thiệt thòi, cùng với một sự hiện diện tích cực trong công luận để đòi hỏi sự bảo vệ cho những người cần giúp đỡ.

Trong những tuần liên tiếp trong tháng giêng 2014, Giáo hội Công giáo có kế hoạch cung cấp một số tài liệu phản ánh về những chủ đề chính cho Tuần Lễ Di Dân Toàn Quốc năm nay.

Cơ Quan Cứu Trợ Công giáo –CRS- hiện đang hỗ trợ các chương trình phòng chống buôn bán người ở Đông Âu, Châu Á, Châu Phi, Mỹ La tinh và vùng Caribê. CRS cũng tham gia vào Liên minh các tổ chức Công giáo chống buôn bán người. Liên minh này hoạt động để nâng cao nhận thức ở chiều kích quốc tế và trong nước về thảm kịch này cũng như tạo ra cơ hội mới cho người Công giáo tại Hoa Kỳ để tham gia vào việc liên kết với các tín hữu ở nước ngoài.

Giáo huấn Xã hội Công giáo Dạy Gì về Nạn Buôn Người?


1. "Nô lệ, mãi dâm, buôn bán phụ nữ và trẻ con; kể cả những tình trạng làm việc nhục nhã khiến cho công nhân hoàn toàn trở thành dụng cụ cho lợi lộc... làm thối nát nền văn minh nhân loại... bôi nhọ chính những kẻ gây nên tội." -Vui mừng và Hy vọng, #27.

2. "Hành động nhân danh công lý ... thể hiện nơi chúng ta như một chiều kích hiến định trong việc rao giảng phúc âm ... Sứ mệnh truyền giáo của Giáo hội để cứu rỗi nhân loại và giải thoát họ khỏi mọi hoàn cảnh bị áp bức."

- Công bình trong Thế giới - Thượng Hội đồng Giám mục Thế 3.



3. "Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô." - Vui mừng và Hy vọng, #1.

4. "Chúng ta đang là chứng nhân... của một học thuyết nhân bản mới, một học thuyết mà trong đó con người trước hết được minh định có trách nhiệm đối với anh chị em đồng loại..." - Vui mừng và Hy vọng, #55.

Sau Hết, Những Cảnh Giác Cần Quan Tâm


Nếu quý vị nghĩ hoặc nghi ngờ ai là nạn nhân của nạn buôn người xin hãy gọi Đường Dây nóng Quốc gia Hoa Kỳ: 888-3737-888.

Nếu quý vị ở Việt Nam, điều quan trọng nhất là cảnh giác về tệ nạn buôn người đang tràn lan trên khắp nước với những thủ đoạn, mánh khóe ngày càng tinh vi và độc ác.

Nguyên nhân chính là sự nghèo đói, nhưng sự thiếu hiểu biết của quần chúng nhất là sự ham muốn một đời sống tốt đẹp hơn, thậm chí muốn đua đòi, của tuổi trẻ đã dẫn đưa vào nạn buôn người.
Nhiều cha mẹ vẫn nhầm tưởng con gái mình đang kiếm sống với một công việc bình thường trong xã hội, thực tế bi đát và phũ phàng gấp trăm lần.

Họ bị lừa gạt đi lao động nước ngoài với lương cao nhưng khi ra khỏi nước thì bị bán cho các động mãi dâm hoặc các tổ chức bóc lột sức lao động. Họ bị tịch thu hộ chiếu, giấy tờ tùy thân nên trở thành những người sống bất hợp pháp nếu bỏ trốn.

Bạn bè, người thân, thậm chí những kẻ lừa đảo mang nhãn hiệu sinh viên, người hào phóng, ưa giúp đỡ, là những thủ phạm chính, nhưng vẫn diễn đi diễn lại mà vẫn có người bị lừa.

Nên cảnh giác đến các công ty xuất khẩu lao động của Việt Nam. Phần đông họ là đầu mối của nạn buôn người.

Đối với nạn buôn bán trẻ sơ sinh hay nhỏ tuổi, các bệnh viện ở Việt Nam hiện nay là địa bàn hoạt động đáng quan tâm. Bọn buôn người thường la cà dụ dỗ những người nhẹ dạ bán con. Chúng cũng thường bắt cóc trẻ em trong bệnh viện đem sang Trung Quốc bán lấy tiền.

Tuy nhiên không phải chúng ta luôn vô can trong việc buôn người làm nô lệ nếu ta nghĩ rằng mình không trực tiếp tham gia. Một khi chúng ta trả công “mạt rệp” cho một người lao công bán sức lao động cho chúng ta – dù chúng ta viện dẫn những thỏa thuận bất công - là chúng ta đã tham dự vào tiến trình nô lệ. Một khi ta mua một món hàng với giá “rẻ mạt”, ta hý hửng đem về dùng là ta đã tham gia vào tiến trình nô lệ vì món hàng rẻ mạt đó đã được một người, một hãng nào đó cướp công lao động của công nhân để có giá thành đó bán cho ta. Cũng vậy, một khi chúng ta mừng rỡ vì cổ phiếu chúng ta mua gia tăng. Nhưng sự gia tăng ấy có phát xuất từ việc công ty đó đã chèn ép công nhân để kiếm lời hay không.

Nạn buôn người ở thời đại chúng ta không chỉ phát xuất từ những kẻ trực tiếp gây ra mà nó còn liên đới tới những người khác trong xã hội, trong có thể có chúng ta nữa.

(Nguyễn Đức Tuyên)

1 United Nations Office on Drugs and Crime

2 United Nations Convention against Transnational Organized Crime

3 The International Organization for Migration

4 Anti-Trafficking Newsletter, Vol 11, No 10, tháng 10, 2013 stopenslavement.org

5 Bản dịch Việt ngữ của Huỳnh Thục Vy

6 Trích Báo Mới.com ngày 8-10-2013

7 Trích Bản Tin Truyền Thông Dòng Chúa Cứu Thế VRNs (25-10-2013)

8 Trích từ www.mtvexit.org/vietnam

9 Business Wire, Centerforpublicpolicyanalysis.org, VOA's Interview

10 EvangeliiGaudium 211



tải về 116.48 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương